Số lần đọc/download: 973 / 10
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 6 -
S
au khi bình tĩnh lại và tỉnh táo suy nghĩ, Nhàn quyết định đi tìm gặp Lâm và nói tất cả sự thật về những gì xảy ra từ khi cô đưa ba đứa con rời Pleiku hơn bốn năm về trước. Rồi thì sau đó ra sao cô cũng chấp nhận. Cô không cảm thấy có gì sai trái với Lâm, và anh cũng có quyền được biết về bé Tuấn, nhất là về quyết định quan trọng của Nhàn đưa nó vượt biên.
Nhàn không cho Thái biết gì về sự xuất hiện của Lâm vì cô nghĩ đó là việc của cô với người chồng cũ. Nhàn biết cuộc gặp Lâm sẽ rất khó khăn nhưng đó là việc không thể không làm. Nó là một mệnh lệnh của lương tri.
Một hôm, ăn mặc đơn giản, không phấn son. Nhàn tới khu những người đạp xích-lô thường tụ họp bên ngoài Bệnh viện Hùng Vương chờ khách, hỏi thăm về Lâm. Ai cũng lắc đầu. Cuối cùng, một người có mái tóc dài chấm vai và một chòm râu dê gật đầu sau khi nghe Nhàn cho biết một số chi tiết về Lâm.
- À, Lâm đầu trọc. Tôi biết, dân "Cọp ba đầu rằn" với tôi. Nhưng, chị quan hệ thế nào với hắn? Anh ta nhìn Nhàn, quan sát.
- Em bạn dì.
- Vô lý. Bà con gần sao không có liên lạc?
- Thời buổi này, mà anh. Còn nhiều cái vô lý hơn mà không ai dám thắc mắc, khiếu nại.
Anh tóc dài gật gù:
- Nghe nói hắn ở nhờ nhà một anh Tàu trong vùng Chợ Lớn này nhưng tôi không biết đích xác địa chỉ. Tốt hơn, chị viết vài lời nhắn vào một miếng giấy hoặc nói miệng với tôi, tôi sẽ nói lại. Ngày nào hắn cũng ghé qua đây kiếm khách, ít nhất một lần.
Nhàn định viết vài lời nhắn nhưng không có miếng giấy nào trong người, bèn nói:
- Nhờ anh nói lại với anh Lâm là có cô Nhàn muốn gặp. Xin anh ấy cho địa chỉ để tôi tới thăm.
- Được rồi. Ngày mai chị trở lại đây. Từ giờ đến tối có thể hắn ghé qua đây nhưng không biết lúc nào.
- Cảm ơn anh nhiều lắm. Mai tôi sẽ trở lại. Nhưng, nếu không gặp anh ở đây?
- Ờ nhỉ! Hẹn cô trễ một chút cho chắc ăn, 5 giờ chiều mai nhé. Tôi sẽ chờ cô tại đây và không đón khách.
Hôm sau, Nhàn xin về sớm, thay chiếc áo dài ra, mặc vào một chiếc áo ngắn, rửa sạch son phấn. Soi mặt trong gương, Nhàn thoa ít phấn hồng lên hai má, một chút son lên môi, và đạp xe tới nơi hẹn đúng giờ.
Lâm đang chờ Nhàn tại nơi hẹn, thay vì anh râu dê. Đang ngồi trong một quán cà-phê lộ thiên ở bên kia đường. Lâm đứng lên đi về phía Nhàn. Anh ta ăn mặc khá tươm tất với một cái áo sơ-mi trắng ngắn tay, chiếc quần dài và một đôi dép nhựa. Tóc đã mọc lởm chởm trên cái đầu trọc.
Nhàn đứng sững nhìn Lâm, không biết phản ứng ra sao. Cô biến thành một pho tượng đá trong mấy giây rồi cảm thấy đất trời quay cuồng, cảnh vật trước mặt tối sầm lại.
Nhàn tỉnh dậy trong khi chờ các thủ tục giấy tờ để vào phòng cấp cứu của bệnh viện. Cô vẫn còn nhắm mắt khi nghe một cô y tá nói với Lâm:
- Có lẽ vì... đói bụng hay bị xúc động vì một việc gì đấy thôi. "Ca" này đã quá quen với chúng tôi. A, chị ấy tỉnh lại rồi và có thể về nhà. Nếu điều kiện tài chánh cho phép, nên bồi dưỡng một tô phở nóng là khoẻ lại ngay. Ở đây chúng tôi cũng không làm được gì hơn.
Lâm gọi một chiếc xích-lô để chở Nhàn và đạp chiếc xe của cô chạy phía trước dẫn đường. Họ vào một quán ăn Tàu nằm sâu trong một xóm Hoa Kiều mà Nhàn chưa bao giờ đặt chân tới. Quán vắng khách và mọi người đều nói tiếng Trung Hoa, kể cả Lâm. Nhàn có cảm tưởng đang lọt vào một nơi nào đó ở nước Tàu.
Lâm rót trà nóng cho Nhàn và gọi hai tô mì. Không khí như đông lại giữa hai người. Nhàn nhìn xuống tách trà đang bốc hơi nóng và có vẻ lúng túng. Phản ứng khác lạ của Nhàn từ khi gặp lại Lâm dường như đã báo cho anh một sự thật cay đắng mà cô không biết mở đầu cách nào.
- Em có chồng khác rồi à? - Lâm bất chợt hỏi nhỏ.
Nhàn khẽ gật đầu và im lặng. Lâm nghe đắng ở cổ họng, anh nhấm nháp tách trà và không nói gì thêm.
Phổ ky bưng hai tô mì ra. Hai người lặng lẽ ngồi ăn, không ai nói một lời nào, và cũng không nhìn nhau. Trông họ giống như hai người từ hai hành tinh khác tới đây và ngồi chung một bàn. Nhàn chỉ ăn nửa tô mì rồi ngưng lại, bỏ dở. Cô nhìn vẩn vơ chung quanh rồi lại nhìn Lâm đang cúi đầu ăn.
Khi Lâm ăn hết tô mì và đặt đủa xuống, Nhàn bắt đầu nói, rất nhỏ, giọng đều đều như không còn cảm xúc về một chuyện xảy ra đã quá lâu. Cô thuật lại mọi việc trong khi vắng mặt Lâm, và ngưng lại ở quyết định đem hai đứa con đi vượt biên với Thái.
Lâm ngồi nghe mà không nói gì cả. Không cả nhìn Nhàn. Anh nhìn xuống tách trà và không một phản ứng trên nét mặt.
Sau một lúc im lặng, Nhàn nói:
- Em định đem hai con đi vượt biên.
Lâm từ từ ngẩng lên, nhìn sâu và mắt Nhàn:
- Với cả thằng Việt cộng ấy à?
Nhàn gật đầu và hỏi:
- Anh có đồng ý để em đưa bé Tuấn đi và anh có muốn gặp nó không?
Lâm trầm ngâm một lát và trả lời:
- Em đưa nó đi, và cứ để nó coi như anh đã chết có lẽ hay hơn, dù anh rất muốn gặp con. Nhưng gặp nó trong hoàn cảnh này chắc chỉ tạo thêm đau khổ và rắc rối cho cả hai cha con.
Nhàn cúi mặt, dùng một đầu khăn tay chấm nước mắt. Một khoảng im lặng kéo dài giữa hai người trước khi Nhàn hỏi:
- Mấy năm qua, có bao giờ anh nghĩ em còn sống không?
Lâm khẽ thở dài và ngửa mặt nhìn trần nhà.
- Anh hỏi trời nhiều lần, và hứa cạo đầu cho đến bao giờ gặp lại vợ con. Anh mới ra khỏi trại cải tạo được vài tháng, và có lên Lái Thiêu hỏi thăm tin tức...
Nhàn cúi đầu, giấu mặt trong chiếc khăn tay, để mặc nước mắt tuôn ra. Khi cô hết nước mắt và ngẩng mặt lên thì Lâm đã biến mất.
Mấy người Trung Hoa kín đáo nhìn Nhàn và nói tiếng Tàu với nhau.
Nhàn trở về nhà, cố sống bình thường và chuẩn bị cho ngày ra đi. Cô không ngờ Lâm đã kín đáo theo dõi để biết chỗ ở của cô. Anh thường đạp chiếc xích-lô tới một chỗ khuất, quan sát những người ra vào ngôi nhà.
Lâm không rõ lắm anh làm như vậy với mục đích gì mà kết quả chỉ là sự dằn vặt, khổ đau của chính mình. Anh đã trông thấy Thái, kẻ thù của anh và đã chiếm đoạt vợ anh. Có những đêm ở ngoài nhìn vào ngôi nhà với ánh đèn ấm cúng. Lâm sôi gan lên, muốn xông vào bẻ cổ Thái nhưng chỉ lặng lẽ đạp xe về, uống vào mấy ly rượu đế cho quên đời. Có những buổi chiều trông thấy Nhàn đi làm về, chải chuốt và khêu gợi trong chiếc áo dài, Lâm muốn vào nhà, giựt phăng những gì che đậy tấm thân yểu điệu ấy và nói với Nhàn rằng cô vẫn còn là vợ của anh và anh vẫn còn yêu cô rồi quấn lấy nhau trong những cơn làm tình say đắm. Nhưng Lâm chỉ đứng như tượng đá và nuốt xuống đáy lòng mối hờn căm của kẻ thua bại. Anh đã nhìn thấy Lisa và thằng Tuấn, đứa con anh nay đã tám tuổi. Anh muốn ôm con vào lòng và nói với nó anh thương nó rồi đem nó tới một nơi không ai hay biết để cha con sống vớ inhau, nhưng cũng chỉ để nhận ra đó là một ý nghĩ ngông cuồng. Cuộc sống này dường như không còn gì dành cho Lâm, và đứa con của anh chắc cũng không có gì hãnh diện về cha nó và biết đâu nó chẳng nhìn anh một cách lạnh nhạt và từ chối tình cha con của anh.
Lâm tới lui ngôi nhà ở đường Tú Xương trong mấy tháng cho tới một buổi tối, anh thấy ngôi nhà tắt đèn tối ôm, cửa đóng im ỉm. Những ngày kế tiếp, cửa nhà vẫn đóng và đèn vẫn tắt cho đến một tuần sau có những người khác dọn đến ở. Lâm biết ba mẹ con Nhàn và Thái đã ra đi. Họ đã hoàn toàn cắt khỏi đời sống của Lâm. Anh đã thấm thía tất cả nỗi cay đắng của một tên lính bại trận.
Bốn lần bị thương, hơn nửa tá anh dũng bội tinh trên ngực, bây giờ phải cam chịu làm thân bại binh, sống cuộc đời lẩn khuất như một con chó hoang trước sự ngạo nghễ của kẻ thù và bị vợ con bỏ rơi, cái đầu trọc của Lâm có những lúc muốn nổ tung ra.
Từ hôm gặp lại Nhàn, dù gặp để mà mất, Lâm đã để tóc lại, nhưng tóc không mọc nhanh như những cảm nghĩ buồn đau trong đầu. Một buổi tối, Lâm tấp vào một quán "cà-phê đèn mờ" có "nhạc vàng". Để làm gì, không biết.
Khách thưa vắng, hầu hết là thanh niên. Họ không có việc gì để làm. Họ để tóc dài. Họ không cạo râu. Họ ngồi im lìm trong ánh đèn mờ màu tím trông như những đạo sĩ đã lạc nẻo lên thiên đường. Những dòng nhạc diệu vợi êm nhẹ như vẳng tới từ một quá khứ xa xăm đã mất tạo cho Lâm một cảm giác khó chịu hơn là vuốt ve, an ủi. Sau mấy bản nhạc tiền chiến lãng mạn và vài bản "nhạc vàng" bị cấm hát, chủ quán cho chơi một bài hát của Trịnh Công Sơn mới viết. Bài "Em ra đi nơi này vẫn thế".
Lâm lắng nghe vài đoạn rồi bực bội đứng lên định ra về. Một con gái, rất trẻ, bước tới, mỉm cười và nói nhỏ bên tai Lâm:
- Sao chú vội đi thế? Chú ngồi lại chút nữa đã.
Cô gái ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh Lâm, đưa mắt nhìn anh một cách tình tứ. Vẻ thơ ngây trong sự lẳng lơ của cô gái làm Lâm chú ý, và anh ngồi lại xuống ghế. Anh nhìn vào mắt cô gái như muốn tìm hiểu những bí ẩn đằng sau khiến cô gái bối rối nhìn xuống, lẩn tránh.
Lâm có cảm tưởng cô gái muốn nói với anh một điều gì trước khi anh bỏ đi.
- Chú... chơi cháu, đi chú!
Tiếng cô gái rất nhỏ, nhưng Lâm nghe như tiếng nổ của một quả bom nguyên tử. Anh kinh hoảng nhìn cô gái chỉ khoảng 15, 16 tuổi, vừa lúc cô gái cũng ngẩng lên, nhìn Lâm một cách sợ hãi như cũng vừa nhận ra sự ghê gớm của câu nói mà cô vừa thốt ra.
Một sự im lặng nặng nề kéo dài giữa hai người. Cuối cùng, Lâm là người lên tiếng trước:
- Cháu cần tiền lắm à?
Cô gái gật đầu, không nói.
- Để làm gì? - Lâm hỏi tiếp.
- Mua thuốc cho bố cháu.
- Bố cháu đau gì?
Cô gái ra vẻ suy tư một lát và sau khi đã lấy lại sự bình tĩnh, cô thở dài và nói:
- Bố cháu là thương phế binh ngụy. Một viên đạn còn kẹt nơi xương sống khiến bố cháu bị liệt hai chân nhưng thường bị những cơn đau ghê gớm ở lưng. Bố cháu cần thuốc giảm đau mua ở chợ trời...
- Mẹ cháu làm gì?
- Trước khi mẹ cháu làm thợ may, nhưng nay thì mấy ai còn có vải để may quần áo?
- Cháu có anh em gì không?
- Cháu có hai đứa em trai. Chúng đi lang thang cả ngày nơi các bãi rác, lục tìm vỏ chai và bao ni-lông, nhưng vỏ chai và bao ni-lông thì ít mà người đi lượm thì nhiều...
Lâm nghe đắng và tắc nghẹn ở cổ họng. Anh đã từng thấy những cựu đồng đội què cụt của mình lê lết xin ăn trên các hè phố, đã từng nghe có những thương phế binh tự sát... Nhưng câu chuyện của cô gái này khiến Lâm bị xúc động mạnh. Anh tự hỏi: "Ta có thể làm gì để giúp?"
Lâm có thể đưa cho cô gái một ít tiền, nhưng còn những ngày sắp tới thì sao? Và cuộc đời của cô gái đáng thương này sẽ trôi về đâu? Anh moi túi, lấy hết số tiền kiếm được trong ngày đưa cho cô gái và hỏi:
- Cháu tên gì?
Cô gái cầm lấy tiền và nói lí nhí:
- Cảm ơn chú. Tên cháu là Tú Anh.
- Tên thật hay giả?
- Tên giả. - Cô gái ngập ngừng.
- Cháu có thể đưa chú về thăm bố cháu không? Chú cũng là lính ngụy như bố cháu.
Cô gái cắn môi suy nghĩ và nói:
- Cháu sẽ đưa chú về gặp bố cháu, nhưng phải trưa mai, và chú hứa là không nói cho bố cháu biết chuyện xảy ra giữa chú và cháu tối nay. Và nhớ gọi cháu là Phượng. Trưa mai, 12 giờ cháu sẽ đợi chú ở đây.
Ngày hôm sau, đúng 12 giờ trưa Lâm tới quá "cà-phê đèn mờ" đã thấy Phượng đứng chờ ở ngoài cửa.
Nhà Trung sĩ Kiếm, cha của Phượng, nằm ở sâu trong một con hẻm lầy lội ở Xóm Chiếu. Trên chiếc giường gỗ ọp-ẹp trải manh chiếu cũ, Lâm thấy một người đàn ông nằm nghiêng quay mặt ra cửa, trên người chỉ có một chiếc quần xà-lỏn, bộ xương sườn nổi rõ bên trong lớp da vàng õ. Ông ta chống tay phải xoay xở để ngồi dậy, tay trái bị cụt tới cùi chỏ. Hai chân bị liệt trông như được nhồi bông dính liền vào thân mình.
Lâm nói trong lúc Phượng chạy tới đỡ bố dậy:
- Xin anh cứ nằm nghỉ. Tôi là Lâm. Chắc cô Phượng đã cho anh biết lý do tôi tới đây.
Trung sĩ Kiểm ngồi dậy, nhăn mặt để nén cơn đau, nói giọng khàn khàn:
- Cám ơn anh. Cháu nó nói làm cho tổ hợp sản xuất mì sợi của anh và anh có lòng tốt giúp đỡ cho cháu nhiều. Nhờ có mấy viên Librium mới bớt đau không thì chịu không nổi. Trước đây anh ở đơn vị nào?
- Biệt Động Quân.
- Cấp bậc gì?
- Đại úy.
Trung sĩ Kiểm ngồi thẳng lưng, đưa tay chào kính theo kiểu nhà binh. Lâm ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh giường, nhìn Kiểm hồi lâu, óc tưởng tượng cố vẽ ra những hình ảnh một thời ngang dọc của người thương phế binh trước mặt.
- Anh là lính gì ngày trước?
- Mũ đỏ.
- Hèn nào. Anh bị thương trong trận nào?
- Trận cuối cùng ở Xuân Lộc. Tôi được đưa về Tổng y viện Cộng Hòa, vài ngày sau thì chúng nó vô đuổi tất cả thương bệnh ra. Nhiều người đã chết vì không được tiếp tục điều trị. - Trung sĩ Kiểm nghiến răng, nước mắt ứa ra, chảy thành hai hàng dài trên đôi má cóp làm nhô hai chóp xương lưỡng quyền nhọn - Thật tàn bạo hết sức. Tôi sống được là nhờ vợ con còn thương.
Lâm nhìn xuống đất, không nói gì. Anh không biết tình thương của vợ con Trung sĩ Kiểm có phải là điều tốt cho anh ta hay không, nếu anh ta biết được sự thật về những việc mà cô bé Phượng đã phải làm. Lâm thấy rõ sự bế tắc của mọi người, và của cả chính mình. Anh loay hoay tìm một lối thoát mà mọi ý nghĩ cuối cùng cũng chỉ đưa đến một con đường: vượt biên.
Lý Thành, người bạn Hoa Kiều của Lâm, từ mấy tháng nay đang âm thầm tổ chức một cuộc vượt biên. Năm trước, anh ta đã đóng một chiếc tàu ở Bến Tre để đăng ký ra đi bán chính thức. Tàu đã xong, lương thực và xăng dầu đã chuẩn bị sẵn sàng. Danh sách hành khách và mấy trăm lượng vàng đã được nạp cho Công an Bến Tre. Mọi người phấn khởi, chuẩn bị ra đi. Nhuug đến ngày nhổ neo ra khơi thì có lệnh từ Hà Nội đình hoãn tất cả các chuyến đi "bán chính thức". Có những chiếc tàu đã rời bến ra khỏi cửa biển cũng được lệnh dừng lại, thả neo chờ đợi. Mọi người được cho biết đây chỉ là lệnh tạm thời, và nên chờ đợi để sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào, khi có lệnh giải tỏa. Sáu tháng sau, vẫn không có lệnh giải tỏa. Những chiếc tàu neo ngoài khơi biến thành những nhà tù nổi. Hành khách tự động tìm cách trốn trở về đất liền. Có người đã chết trên tàu, và cũng có những đứa bé đã ra đời trên tàu.
Chiếc tàu của Lý Thành, cũng như những chiếc khác còn đậu ở bến, bắt đầu mục nát. Hàng ngàn "cây" vàng của hành khách đóng góp do chủ tàu nạp cho công an đã ra đi không bao giờ trở lại. Các cán bộ phụ trách vượt biên "bán chính thức" đã được điều động đi nơi khác. Nhiều chủ tàu phải bỏ trốn vì bị hành khách đòi lại vàng và thưa kiện.
Lý Thành phải bỏ nhà trốn ra Phan Thiết nhờ làm đại lý phân phối nước suối Vĩnh Hảo. Nhà máy sản xuất nước suối Vĩnh Hảo ở Phan Thiết đã bị kiểm kê từ tay một tư sản Hoa Kiều và trở thành quốc doanh nhưng vẫn phải cần đến hệ thống phân phối lâu năm của Lý Thành ở Sài-Gòn. Khéo léo xã giao và chịu bỏ tiền mua chuộc, Lý Thành đã trở thành bạn của Huỳnh Điền, một cựu công nhân nhà máy la-ve ở Sài-Gòn tập kết ra Bắc nay trở về làm giám đốc nhà máy sản xuất Nước Suối Vĩnh Hảo. Núp bóng Huỳnh Điền và công việc phân phối nước suối, Lý Thành âm thầm tổ chức một chuyến vượt biên từ Phan Thiết.
Lâm đã ngưng đạp xích-lô từ mấy tháng nay để giúp Lý Thành điều hành cửa hàng phân phối nước suối ở Chợ-Lớn. Lý Thành rủ Lâm cùng vượt biên vì tình bạn, và cũng vì anh ta không tìm được người lái tàu. Lâm tuy không phải Hải quân nhưng biết lái tàu và xem hải bàn vì xuất thân từ một gia đình đánh cá ở Phan Rang, rất quen thuộc vùng Biển Đông. Lâm chưa dứt khoát trả lời Lý Thành vì ngại phải sống cuộc đời tủi nhục của một tên lính bại trận ở nước ngoài. Từ ngày Nhàn đem 2 đứa con đi với một cán bộ Việt Cộng, Lâm càng thêm chán đời và càng không muốn mạo hiểm ra đi. Nhưng từ lúc gặp Phượng với cái tên giả "Tú Anh", và nhất là khi chứng kiến tận mắt cảnh ngộ đau thương của người đồng đội tàn phế, Lâm thấy cần phải ra đi, ít nhất thì cũng cứu được cuộc đời cô gái đáng thương và có thể giúp cho Kiểm môt cách thực tế hơn. Chỉ khi nghĩ đến người khác, người ta mới tìm thấy lẽ sống cho chính mình.
Lâm cho Lý Thanh biết quyết định của mình và đi tìm một chiếc hải bàn ở chợ trời, học hỏi thêm về bờ biển của các nước ở Đông Nam Á.
Một buổi tối, Lâm tới quán cà-phê đèn mờ, thì thầm nói với Phượng:
- Cháu có muốn đi chui với chú không?
- Chui... xuống lỗ hả chú? - Phượng hỏi lại với giọng khôi hài vì không tin Lâm nói chuyện vượt biên một cách đứng đắn.
- Không, đi vượt biên thật. Chú sẽ đưa cháu đi.
- Nhưng, cháu làm gì có "cây"?
- Không cần "cây". Chú lái tàu cho người ta, và chú đem cháu đi...
Phượng bắt đầu hiểu đây không phải là một câu chuyện trong giấc mơ. Cô bé nhìn Lâm trong cơn xúc động mạnh, và ngập ngừng nói:
- Nhưng mà... thay vì cho cháu đi, chú có thể đem một trong đứa em trai của cháu đi được không? Cháu thương chúng nó và cũng không xa bố cháu.
- Không. Chú muốn giúp chính cháu. Chú muốn đưa cháu ra khỏi nơi này ngay. Sau này, nếu đi thoát được thì cháu sẽ giúp đỡ gia đình cháu.
Phượng cúi đầu, cắn môi suy nghĩ hồi lâu rồi ngẩng lên hỏi:
- Bao giờ "đánh" hả chú?
- Nội trong tháng này. Cháu nhớ tuyệt đối không tiết lộ chuyện này với ai.
- Kể cả bố mẹ cháu?
- Cháu có thể nói với bố mẹ cháu, nhưng chỉ một ngày trước khi đi.
Sau đêm hôm ấy, thỉnh thoảng Lâm ghé vào quán cà-phê đèn mờ để cho Phượng biết các tiến triển của tổ chức vượt biên. Một buổi tối trời mưa lớn, Lâm ghé vào quán lúc vắng khách. Không thấy Phượng đâu, Lâm ngồi xuống một chiếc ghế và lấy thuốc lá ra hút.
Một cô gái ngồi nói chuyện với khách nơi một chiếc bàn trong một góc đưa lưng lại phía Lâm. Anh biết không phải là Phương, nhưng dáng người cô gái tạo cho Lâm một cảm giác quen quen khiến anh chăm chú nhìn.
Bỗng cô gái quay mặt lại. Bốn mắt gặp nhau, và cả hai cùng sững sờ bất động. Cô gái trước mặt Lâm rõ ràng là Lisa mà anh đã kín đáo quan sát nhiều ngày trước khi cô bé theo mẹ đi vượt biên. Có lẽ Lisa cũng đã nhận ra Lâm vì anh không thay đổi bao nhiêu sau mấy năm không gặp.
Sau một phút ngập ngừng, Lisa chạy lại phía Lâm và Lâm cũng đứng vụt dậy, đưa hai cánh tay về phía cô gái lai Mỹ với thân hình nẩy nở hơn những cô gái Việt cùng tuổi. Lisa níu chặt lấy hai cánh tay Lâm như để tin chắc đây là sự thật, hay sợ Lâm biến mất như một bóng ma.
Lâm lên tiếng trước trong khi Lisa còn nghẹn lời trong cơn xúc động.
- Lisa làm ở đây à?
- Con mới làm ở đây được hai ngày.
Lâm đỡ Lisa ngồi xuống ghế, hỏi nhỏ:
- Không đi được à?
- Đi đâu ạ?
- Đi vượt biên.
- Sao bố biết?
- Chuyện dài lắm. Mẹ và em Tuấn ở đâu?
- Ở gần đây. Lát nữa con sẽ đưa bố về.
- Đưa bố về làm gì? Mẹ có chồng khác rồi mà.
Lisa có vẻ lúng túng vì không ngờ Lâm đã biết hết mọi chuyện. Cô nói sau vài phút suy nghĩ:
- Chú Thái không còn nữa. Chú chết trong lúc bắn nhau với công an ở bãi vì bị phản. Bố về với mẹ đi. Mẹ khổ lắm.
Lâm không biết phải hành động ra sao trước cái tin bất ngờ Lisa vừa cho biết. Lisa khẩn khoản:
- Bố về với mẹ đi. Mẹ và hai đứa con bị tù mấy tháng mới được về một tuần nay. Không có nhà phải ở ngoài vỉa hè. Em Tuấn đang bị nóng lạnh và ói mửa.
Lâm không còn chọn lựa nào khác. Anh theo Lisa tới "nhà" của ba mẹ con Nhàn. Một cái mái làm bằng ván ép cũ và những tấm giấy thùng dựa vào vách tường một cao ốc trong con đường hẻm tráng xi măng. Nơi đây là khu sinh tồn của những người từ vùng "kinh tế mới" trở về, người vượt biên thất bại, người từ các miền quê đói rách chạy lên thành phố tìm sống... Những con thú hoang bên lề một xã hội đang tiến dần tới bờ vực thẳm.
Nhàn không có một phản ứng nào trước sự xuất hiện bất ngờ của Lâm. Giống như một người đang sắp chết đuối đã chống chỏi hết sức mình với con nước lớn, giờ đã kiệt lực buông trôi.
Lâm gọi một chiếc xích-lô đưa Tuấn tới nhà một người quen, một bác sĩ quân y vừa đi cải tạo về. Ông ta khám cho thằng bé, cho nó uống hai viên thuốc và nói:
- Cháu chỉ bị cảm thôi. Tôi sẽ viết cho cháu một cái toa - ấy chết, vẫn còn quen mồm, dù đã đi học tập cải tạo mấy năm. Tôi sẽ viết vài tên thuốc và anh ra chợ trời mua cho cháu uống. Bây giờ có phạc-ma-xi đâu và tôi cũng có phòng mạch đâu mà toa với tiếc. Khéo lại bị bắt đi học tập tiếp...
- Nhưng bác sĩ cũng vẫn còn cái bao tử. Vậy xin cho tôi được gửi tiền khám bệnh cho cháu.
- Tôi đã nói là tôi không có phòng mạch và không được hành nghề y sĩ. - Ông bác sĩ cười chua chát - Nghề của tôi bây giờ là bơm mực bút bic dưới gốc cây me ở ngoài đầu ngõ. Nếu anh có cái bút bi nào bị khô mực, đem tới đó tôi bơm cho và sẽ tính tiền.
Cả hai cùng cười và bắt tay nhau, tự hỏi tại sao họ lại cười. Người Việt Nam chỉ cười trước những cảnh ngược ngạo của cuộc đổi đời.
Lâm đưa ba mẹ con Nhàn về căn nhà của Lý Thành trong Chợ Lớn. Một căn phố hai tầng lầu khá rộng. Tầng trệt dùng làm cửa hàng phân phối nước suối, hai tầng trên để ở. Lý Thành đã đưa vợ con ra Phan Thiết, thỉnh thoảng mới về ở một hai ngày.
Nhàn cảm thấy không khác gì được kéo lên khi đã chìm xuống đáy nước. Cô đi theo Lâm như trong một cơn mộng du, hay một người câm, cử động không còn tri giác.
Quá nửa đêm, hai đứa con đã ngủ say, Nhàn vẫn còn ngồi ở một góc phòng, yên lặng như đã biến thành tượng đá. Lâm nhẹ nhàng bước tới, ngồi xuống bên cạnh Nhàn, đặt một bàn tay lên vai cô khiến cô khẽ rùng mình.
- Anh sẽ đưa em và hai con đi khỏi nơi này - Lâm nói nhỏ bên tai Nhàn.
- Anh đưa Tuấn và Lisa đi. Để em ở lại. - Nhàn đáp lí nhí.
- Sao vậy?
- Anh biết tại sao. Em không còn xứng đáng với anh. Em ghê sợ ngay chính bản thân em, và em không muốn sống bằng sự từ thiện của người khác.
- Anh có cảm tưởng đang nghe em nói những chuyện ở một xã hội nào khác. Cái xã hội ấy đã chết rồi. Xã hội của những con người liêm sĩ, xã hội của tôn ti trật tự, lễ nghĩa. Ngày nay, không ai có quyền xét đoán và kết tội ai. Nếu cần xét đoán, chính anh mới là kẻ có tội. Một người lính đã không làm tròn nhiệm vụ với đất nước, với dân tộc. Em cũng như bao nhiêu người khác, chỉ là những nạn nhân. Anh cảm phục và nhớ ơn tất cả những gì em đã làm cho con của anh. Hãy bỏ lại sau lưng những gì không còn thay đổi được. Mình hãy đem các con ra đi. Sống cùng sống, chết cùng chết với nhau. Anh yêu em, hiểu em và thương em...
Lâm quàng tay, ôm Nhàn.
Một lần nữa, Nhàn lại nhận ra mình đang khóc, như chưa bao giờ được khóc...