Số lần đọc/download: 0 / 4
Cập nhật: 2021-10-03 17:30:08 +0700
Chương 6
S
usanna gập cuốn sách đánh sầm một cái.
“Đấy, xong rồi,” nàng nói, “vì lợi ích cho việc học tập của anh tôi nghĩ mình nên đọc cái gì đấy bằng tiếng Ý hay Anh đi.”
“Tôi không lo đến việc học hành của tôi,” Fyfe trả lời, “nhưng lo đến việc tiêu khiển, tôi thấy tiểu thuyết Anh hoặc nặng nề hoặc quá nhạt nhẽo mất hết cả thú vị và của Ý thì lại quá tình cảm!”
“Chắc anh đang nói đến phụ nữ chứ gì,” Susanna trêu. “Anh có ác cảm đối với phụ nữ đa cảm sao?”
“Đấy là một trong những câu hỏi không có câu trả lời đúng được,” Fyfe đáp. “Nếu tôi nói ‘có’ cô sẽ suy ra là tôi thích phụ nữ lạnh lùng, cứng nhắc, tất nhiên thường là người Anh, nếu như tôi nói ‘không’ cô sẽ nghĩ là tôi muốn ai đó nếu không kích động thì là đang diễn tuồng.”
Susanna bật cười ngặt nghẽo.
“Chắc anh từng quen với những phụ nữ rất kỳ cục.”
“Có lẽ đúng,” chàng đồng ý.
“Tôi đoán rằng vì ông là Fyfe Falcon họ ríu rít quanh ông như thiêu thân bay quanh ngọn lửa vậy.”
Do nàng đang cố tình khiêu khích bằng lối ví von sáo rỗng như thế, Fyfe rên lên nói.
“Dĩ nhiên là tôi muốn phụ nữ vỗ tay hoan nghênh thành tựu của tôi và nói là tôi tuyệt vời rồi. Có người đàn ông nào lại không muốn?”
“Có một số đàn ông thích thành thật hơn là tâng bốc chứ.”
“Tôi nghĩ rồi đây cô sẽ thấy tất cả đàn ông đều muốn được người khác chú ý nhiều đến mình, điều này họ hiếm có được.”
“Không đúng,” Susanna cãi lại. “Dù sao đi nữa, có lẽ anh đang nói trong cương vị người Mỹ, tôi thường nghe rằng Anh là thiên đường cho đàn ông, và Mỹ cho đàn bà.”
“Tôi thắc mắc cô nghĩ về Mỹ như thế nào,” chàng ngẫm nghĩ nói. “Mỹ căn bản hãy còn là một nước mới và trong nhiều phương diện còn hăng lắm. Tuy nhiên, đó là nơi lý thú và có cảm giác phiêu lưu mà tôi không hề tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.”
Cách chàng nói làm Susanna cảm thấy chàng đang mong về Mỹ, nàng nhói lòng nghĩ rằng khi chàng trở lại nàng sẽ không bao giờ gặp chàng nữa.
“Tôi thích Florence,” nàng dịu dàng nói.
“Florence, giống như phần lớn Âu châu, sống trong những huy hoàng của quá khứ.” Fyfe nói. “Rồi có ngày nó sẽ sụp đổ và chẳng còn có gì để trưng ra ngoài những cảnh đổ nát.”
“Tôi không nghe anh nói đâu!” Susanna phản ứng kịch liệt. “Florence còn đẹp hơn toàn bộ nước Mỹ gộp lại, và ngay cả hòn đá ở đây cũng có dấu vết lịch sử.”
“Lịch sử là tất cả những cái thuộc về quá khứ,” Fyfe bắt bẻ.
Nàng biết chàng cố tình trêu nàng. Tuy vậy nàng vẫn bấu víu vào Florence bởi lẽ đấy là hiện tại và họ đang ở bên nhau trong vùng đất đó.
Nàng ngó ra cửa sổ đến những cánh hoa màu sắc rạng rỡ trong vườn và những cây bách in bóng trên nền trời màu lam Thánh Nữ.
Bên dưới họ mái vòm của nhà thờ chính tòa dường như lấp loáng trong nắng và dòng Arno tỏa sáng khi trôi ngang qua cầu.
“Còn cảnh nào đẹp hơn thế nữa?” Susanna hỏi, gần như là thì thào.
“Đối với tôi nó chỉ là một mảng tối đen,” Fyfe nhận xét.
“Vậy thì tôi sẽ hỏi lại ông khi họ tháo băng cho anh,” Susanna nói, “và nếu anh tìm được nơi nào ở Mỹ để so sánh với nó thì tôi rất lấy làm ngạc nhiên!”
Nụ cười của chàng cho nàng thấy chàng thích thú với nhiệt tình của nàng, và sau một lát nàng nói bằng một giọng hoàn toàn khác.
“Khi nào bác sỹ định... tháo băng cho anh?”
“Tôi không rõ,” Fyfe đáp. “Nhưng họ không muốn làm điều gì hấp tấp.”
“Không! Không được! Dĩ nhiên là không!”
Lời phản đối thốt lên từ chính tim nàng.
Chàng không hề biết, nàng nghĩ, cứ mỗi sáng tỉnh giấc nàng lại nghĩ rằng có lẽ hôm nay sẽ là lần cuối nàng ở bên chàng, rằng đấy chính là ngày chàng sẽ thấy gương mặt nàng và không còn quan tâm đến nàng nữa.
Vì hơi sợ chàng sẽ cảm giác ra sự băn khoăn của mình, nàng đứng dậy ra đứng trên mé hiên.
“Tôi sẽ đi hái ít hoa cho anh,” nàng nói, “trời nóng đến nỗi mấy đóa hoa tôi vừa hái hôm kia thì giờ đã úa rồi.”
“Trong lúc cô hái hoa,” Fyfe nói, “thì gọi Chambers đến gặp tôi; tôi muốn viết thư cho một người bạn ở Mỹ.”
Mặc dù nàng tự nhủ là mình vớ vẩn, nhưng Susanna cảm thấy ghen tuông nhức nhối.
Có lẽ chàng biên thư cho người chàng yêu và tất nhiên người đó cũng yêu chàng.
Có phụ nữ nào có thể cưỡng lại chàng được đây, không phải chỉ vì chàng rất quyến rũ mà còn vì, giờ thì nàng đã phát hiện ra, chàng rất giàu nữa?
Tối qua Fyfe đã kể cho nàng ba chàng đã sáng lập hãng chế tạo xe Falcon chỉ trước lúc ông mất.
“Ba tôi đã có gia sản khổng lồ kiếm được từ xe lửa. Ông lúc nào cũng là người có tâm hồn du hành,” Fyfe nói, “và ngay từ lúc người ta đặt ra câu hỏi liệu xe có thể di chuyển mà không cần tới ngựa thì ông đã hứng thú ngay.”
“Chiếc xe đầu tiên được phát minh khi nào?” Susanna hỏi.
“Những cuộc thí nghiệm đã tiến hành tuốt từ hồi 1805,” Fyfe trả lời, “nhưng những chiếc đầu tiên chạy được không cần ngựa thật sự là xe kéo chạy bằng hơi với những cái chân máy.”
Chàng vừa bật cười vừa nói.
“Một đồng bào của cô, bác sỹ Church nào đó, trong năm 1833 có một chiếc xe kéo chạy bằng hơi khổng lồ và trang trí hết cỡ luôn đã chở năm mươi hành khách giữa London và Birmingham.”
Chàng mỉm cười trong lúc tiếp tục.
“Thế rồi cái chiêu cảnh cáo của dân Anh mở màn.”
“Ông nói thế có nghĩa là gì?” Susanna hỏi.
“Nghị viện đã ban một đạo luật suýt giết chết sự phát triển tất cả các loại xe không cần ngựa kéo bằng cách ấn định tốc độ bốn dặm một giờ và hai dặm một giờ khi chạy trong phố! Họ lại đòi hỏi mỗi chiếc xe phải có một người đi cách đầu xe sáu mươi yards để mang một lá cờ đỏ!”
“Thế người Mỹ không áp dụng biện pháp cảnh giác đối với loại quái vật dữ dằn như thế sao?” Susanna hỏi.
“Chúng tôi tiến bộ hơn nhiều,” Fyfe bật cười đáp. “Tay cầm cờ của tụi tôi phải đi trước hàng trăm yards! Người lái xe của xứ tôi cần phải có bằng kỹ sư, bằng đó đòi hỏi nhiều năm tập sự y như lính cứu hỏa vậy!”
Cả hai cùng phá lên cười và Fyfe tiếp tục kể cho nàng máy nổ được phát minh ra sao, tại hội chợ Paris năm 1865 người Đức đã triển lãm loại máy nổ không cần tay quay, và dần dà Daimler và Benz đã đặt nền móng phát triển cho loại ô tô có máy chạy bằng dầu xăng một cách thành công.
Susanna cảm thấy mình càng lúc càng thích thú với sự phát triển của loại xe chạy bằng máy. Nàng bắt đầu khâm phục trận chiến to tát mà những người có tâm huyết đã phải tranh đấu để vận động chính quyền nhận thức được rằng xe chạy bằng động cơ thực sự đã trở thành một phương thức vận chuyển tân tiến.
“Vào 1893,” Fyfe nói, “Benz chủ trương một loại xe với dự án sản xuất hàng loạt và bán rất đều, nhất là bên Pháp. Daimler thành lập một công ty chế tạo xe ở Đức, và ở Mỹ có những công xưởng sản xuất trong bang Ohio và Pennsylvania.”
“Ba tôi,” chàng nói tiếp, “nhất định chế tạo loại xe chất lượng cao, tuy nhiên vẫn vừa với túi tiền của giới thương gia trung bình.”
“Bây giờ tôi thấy được lý do tại sao,” Susanna xen vào, “trong khi hầu hết các cậu học trò thỏa mãn với những chiếc xe lửa đồ chơi thì anh lại muốn chơi với xe ô tô thật.”
“Cái đó đúng,” Fyfe mỉm cười nói, “tôi muốn thấy tôi có thể đi được bao xa.”
“Kết quả là tai họa đó!” nàng thốt lên. “Tôi mong rằng nó đã dạy ông bài học là trong tương lai tốt hơn là đi chậm và đi đến nơi đến chốn.”
“Chẳng có dạy với dỗ gì cả!” chàng đáp lại. “Như nhiều người khác, cô không hiểu rằng để chứng tỏ được khả năng của một loại xe và tạo hứng thú cho người ta mua thì nó phải tạo ra tiếng vang.”
“Nhưng cái đó nguy hiểm!”
“Chỉ đôi lúc thôi. Tôi chỉ là không may mắn lắm. Lần khác tôi chắc chắn sẽ hên hơn.”
Nàng thở dài bực bội.
“Nhưng anh không không ẩu đến nỗi quay lại liều mạng một lần nữa chứ.”
“Tôi sẽ không thử tốc độ nhanh quá trừ phi mắt tôi thấy thật rõ,” Fyfe trả lời, “nhưng không có điều gì ngăn cản được tôi tham dự vào những cuộc đua đường trường cả.”
“Tôi ghét phải nghĩ đến cả hai chuyện anh sẽ làm.”
“Cô có thực tình lo lắng lỡ như tôi lại bị tông xe không?”
Đấy là câu hỏi Susanna biết mình không dám trả lời, và nàng khéo léo chuyển đề tài không để cho chàng nhận ra. Nàng nghĩ là mình đã làm được như thế.
Giờ đây khi đi gọi ông Chambers, trong lúc bước dọc theo hành hiên mát rượi trang hoàng đẹp đẽ nàng cảm thấy mọi khía cạnh của nó đã khắc sâu vào tâm trí mình mãi mãi.
Nàng biết trong những năm tháng dài sắp tới chỉ cần nhắm mắt lại là nàng sẽ mường tượng rõ ràng như thể mọi tranh họa, mỗi món đồ đạc, mỗi tấm thảm màu trang trí trong biệt thự như hiển hiện ngay trước mắt nàng.
Nàng đi vào căn phòng mà ông Chambers dùng làm văn phòng nhưng ông không có mặt ở đó. Phòng nằm gần tiền sảnh và nàng nghĩ trước lúc đi chỗ khác tìm ông nàng sẽ coi xem người đưa thư đã giao gói sách đã quá hạn tới chưa.
Tiền sảnh trang hoàng bằng đồ đạc được chế tạo bởi các nghệ nhân Florentine hàng trăm năm trước và tường được tô điểm bằng gốm sứ đẹp một cách đặc sắc.
Florentines là thành phố của những nghệ sỹ tài hoa, và các tấm gương, những chiếc cốc, những chiếc vò, đèn, lò than, và mọi vật dụng khác họ làm ra đều mang vẻ đẹp không nơi nào trên thế giới có thể qua mặt.
Cái đẹp đã luân lưu trong huyết quản và chính là truyền thống của họ.
Susanna đã ngắm hết tất cả mọi thứ trong sảnh đường để chúng in sâu vào tâm khảm mình, tuy thế, cứ mỗi lần thấy các món đồ gốm, các bức tượng đứng gác cửa, và các chùm đèn mạ vàng treo trên trần mái vòm nàng lại cảm thấy rộn rã trước vẻ đẹp tuyệt vời ấy.
Cửa trước đã để ngỏ đón nắng vào và khi nàng nhìn xem nhân viên bưu điện có để gói đồ nào trên chiếc bàn chạm trổ hay không thì nàng nghe tiếng xe ngựa chạy lên đường lái xe vào nhà.
Thấy mấy con ngựa, nàng biết chúng là loại ngựa giống kém thường để cho thuê chứ không phải là loại cừ khôi mà nàng và ông Chambers lái đi Florence.
Nàng thắc mắc không hiểu ai đang đến viếng biệt thự, rồi khi xe tới gần hơn nàng liếc đến người đàn ông ngồi ở băng ghế sau.
Ông ta đội mũ cao và ngồi thẳng băng, như thể nghĩ rằng chiếc xe ông ta đang đi không xứng đáng với mình.
Mắt Susanna giương to, rồi kêu lên thất thanh nàng chạy ngược về lối cũ lúc nãy.
Nàng kéo cửa phòng ngủ của Fyfe và ùa vào đến chỗ chàng đang ngồi thường lệ trong chiếc ghế bành êm ái ngay cửa sổ ngoài hàng hiên.
Vào lúc đến bên cạnh chàng nàng thở không ra hơi, nhưng chàng cảm giác được nàng đang lo âu, và trước khi nàng toan lên tiếng chàng hỏi.
“Có vấn đề gì thế? Chuyện gì làm cho em lo lắng?”
“Ôi Fyfe ơi, Fyfe!”
Tiếng kêu phát ra tận đáy tâm can nàng. Khi chàng chìa tay về hướng nàng, nàng đưa hay tay siết chặt lấy, bám víu lấy bàn tay ấy như chiếc phao cứu nàng khỏi chết đuối.
“Có vấn đề gì?” Fyfe lại hỏi.
“Là ba... tôi! Ông vừa tới... đây! Chắc ông đã khám phá ra chỗ tôi đang ở và đến bắt tôi đi!”
Vẫn cầm tay Fyfe, trong lúc nói nàng sụp xuống qùy bên cạnh chàng.
“Cứu... tôi với! Hãy cứu... tôi!” nàng van nài. “Nếu tôi quay về với ông ấy... mama sẽ bắt tôi lấy người... chẳng có hứng thú gì với tôi... ngoại trừ tiền của tôi.”
“Đó là lý do em bỏ trốn sao?
“Vâng... tôi không làm chuyện đó được... nhưng họ sẽ bắt tôi phải làm. Họ sẽ... ép tôi kết hôn, và cái ý định đó hết thảy đều... khủng khiếp! Hèn hạ!”
Giọng Susanna vỡ òa, và Fyfe siết chặt tay nàng. Rồi chàng khẽ khàng nói.
“Em nói ba em vừa tới. Thế ông ấy có thấy em không?”
“Không. Tôi ở trong tiền sảnh rồi tôi đến gặp ông... ngay. Ôi Fyfe... tôi có thể... làm gì đây?”
Tiếng kêu của nàng đầy tuyệt vọng, nước mắt đầm đìa trên má Susanna nói.
“Nếu tôi... trở về. Tôi sẽ mất hết tất cả. Dù tôi... có phản kháng tới đâu... chẳng có một ai chịu nghe tôi... nói cả.”
Giờ đây nàng khóc nức nở không thể nào dằn được, tâm trí cứ nghĩ tới việc mẹ nàng ép nàng kết hôn với quận công, rồi nghĩ rằng nàng sẽ bị thiên hạ nhìn mình bằng thái độ khinh thị và rẻ rúng, những ánh mắt đó đã chiếm một khoảng lớn trong đời nàng trước khi nàng đến Florence.
Chưa bao giờ nàng có thể trò chuyện bình thường và không bối rối ngượng ngùng với một người đàn ông như nàng từng nói với Fyfe, và nàng biết không người đàn ông nào khác muốn nói chuyện với nàng bằng thái độ như thế vì nàng quá xấu.
Nàng không biết chàng có thể làm gì để cứu nàng.
Nàng tìm đến chàng vì nàng yêu chàng và bởi vì trong khoảnh khắc này chàng là thành trì kiên cố vững chãi trong đời nàng và duy chỉ có chàng đã lấp đầy đời sống đó.
“Nghe này, Susanna,” Fyfe khẽ khàng nói, “anh muốn em ra trốn ngoài vườn. Hãy lánh mặt cho đến lúc anh gọi em. Anh sẽ giải quyết chuyện này.”
“Ba... sẽ nhất định... đòi gặp em.”
“Hãy để mọi cái cho anh lo. Anh hứa là em không cần phải sợ đâu.”
“Ba sẽ giận... em lắm và... mẹ sẽ... nổi cơn thịnh nộ. Họ làm cách nào... tìm được em vậy?”
“Cứ làm theo lời anh,” Fyfe nói, “đi ngay đi. Còn không nếu ba em khăng khăng muốn gặp em thì ông ấy sẽ thấy em ở đây.”
Lời của chàng khiến Susanna vụt nhổm dậy như một con nai nhỏ đang hốt hoảng.
Dường như nghe thấy tiếng chân ba nàng bước dọc theo lối đi, nàng lo âu nhìn về ra cửa, rồi buông bàn tay đang nắm tay Fyfe chặt cứng ra rồi lẻn ra vườn.
Nàng băng ngang bãi cỏ và xuyên qua những bụi cây cho đến khi tìm thấy một chỗ ngồi kín đáo trong lùm cây nhưng có quang cảnh hấp dẫn trước mặt.
Nhưng duy chỉ một lần khi nàng tiến đến chỗ ngồi Susanna không hề cảm thấy hứng thú với vẻ mỹ miều bên dưới.
Thay vì thế, nàng đưa tay che mặt và ngồi tự hỏi một cách tuyệt vọng chừng nào thì ba nàng sẽ buộc nàng trở về với ông ấy.
Ngoài ra nàng đoan chắc ba rất giận nàng vì phải rời London giữa mùa lễ hội đi Ý tìm nàng.
Nàng run rẩy khi nghĩ đến mẹ nàng sẽ nói năng ra sao khi nàng về nhà.
Dù bà có giận đến chừng nào đi nữa, dù có trút lên bao nhiêu quở trách và giận dữ lên đầu nàng vì hành vi của nàng, các kế hoạch sắp sẵn cho tương lai của nàng sẽ không thay đổi mảy may.
Nếu không phải là quận công người nàng phải thành hôn thì cũng là một người đàn ông qúy tộc khác, kẻ sẽ thấy gia tài của nàng đủ hấp dẫn để chịu đựng sự khiếm khuyết của nàng.
“Sao mình chịu đựng nổi đây?” Susanna tự hỏi.
Nàng biết từ khi biết Fyfe và yêu chàng thì dự tính làm chuyện đó còn gian nan và kinh khủng hơn trước đây.
Lần đầu tiên trong đời nàng mới có khả năng ăn nói như một con người với người gần trạc tuổi nàng.
Cô Harding từng chỉ bảo và tạo cho nàng sự hiểu biết sâu sắc đã trở thành kiến thức mà vì đó nàng luôn luôn cảm kích. Nhưng cô Harding đã trên năm mươi, và lúc nào cô cũng là cô giáo còn Susanna là học trò.
Nhưng với Fyfe nàng có quan hệ tương đương.
Khi thì họ tranh luận, lúc thì cãi tay đôi, và giao đấu với nhau và thậm chí quan trọng hơn là cười đùa cùng nhau, đó là niềm hưng phấn và thích thú nàng chưa bao giờ biết đến dạo trước.
Giờ đây chuyện đó đã chấm dứt, không phải là vì Fyfe hết cần nàng nhưng vì nàng bị ép uổng phải quay về với đời sống bao vây nàng như một nhà tù, và nàng sẽ không thể nào trốn thoát cái lồng giam ấy.
Bất cứ người đàn ông nào mẹ buộc nàng phải lấy sẽ trở thành một phần tử theo đuổi khoái lạc phù phiếm trong cái xã hội mà phu nhân Lavenham sáng chói như một món nữ trang lóng lánh.
Những người đàn ông trong xã hội đặc biệt đó chỉ quan tâm đến thể thao còn đàn bà thì thích tán tỉnh ve vãn, và những chuyện tình cảm yêu đương choán đầy tâm trí họ đến cái độ chẳng còn thời giờ cho bất kỳ chuyện nào khác.
Vì chẳng có ai thích tán tỉnh mình Susanna biết tài sản duy nhất của mình là tài khoản ngân hàng to tát. Trong một thời gian ngắn sau nàng sẽ trở thành một bóng ma nhợt nhạt đi hết tiệc tùng ở nhà này sang nhà khác hay chiêu đãi khách trong tòa lâu đài công tước đã được tu sửa và trang trí lại bằng tiền của nàng. Rồi nàng sẽ thấy mình trở thành nữ chủ nhân đối với những con người không buồn mở miệng nói chuyện với mình trừ phi là họ muốn, còn nàng thì không hề hứng thú với những điều họ nói hay làm vì mọi phương diện đều xa lạ với sở thích của nàng.
“Chúa ơi,” nàng cầu xin, “hãy cứu con thoát khỏi những thứ đó đi! Hãy ban cho con cơ hội trốn thoát lần nữa, cho dù con có phải sống đơn độc hay phải lau chùi nhà cửa để kiếm sống cũng được!”
Nhưng nàng hiểu dù có cầu nguyện chuyện đó cũng không thể nào xảy ra.
Khi trở về với mẹ nàng, ý chí của nàng sẽ bị gọt đến độ cùn nhụt và nàng sẽ phải thành hôn trước khi biết chuyện gì đang xảy ra. Nàng ngờ rằng nguyên do ba đi tìm nàng là do mẹ đã sắp đặt mọi chuyện và bà ghét nhất khi thấy kế hoạch của mình bị cản trở.
“Tất cả mọi cái mẹ muốn,” Susanna tự nhủ, “là phủi trách nhiệm với mình, và dĩ nhiên việc cô con gái thứ của bà trở thành nữ công tước lại càng thêm nở mày nở mặt cho bà.”
Nàng vẫn nghe được tiếng nghẹn ngào của chị mình, vẫn thấy gương mặt xanh xao ủ dột của chị, và nàng cảm thấy mọi dây thần kinh trên cơ thể mình căng ra khi nghĩ đến những cái đang đón đợi nàng.
Nàng lấy tay ra khỏi mặt và tự hỏi mình còn phải ngồi trốn ở chỗ này bao lâu nữa theo lời Fyfe căn dặn.
Có lẽ Clint hay một người hầu nào đó đang đi tìm nàng để báo cho nàng biết ba đang đợi để dẫn nàng về lại London.
Giờ đây nàng không khóc ra nổi vì đã nàng đã qua giai đoạn phải nhỏ nước mắt.
Nàng nghĩ, lẽ ra nàng nên biết rằng câu chuyện thần thoại đã đến hồi kết thúc, hay đúng hơn con tàu đã tới để đưa nàng đi khỏi hòn đảo quyến rũ nơi nàng từng sống hạnh phúc với Fyfe sẽ là con tàu tù đày.
Khi lên tàu, toàn bộ chuỗi sự việc mà nàng không có cách nào để khống chế sẽ bắt đầu tiến hành.
Nàng tự hỏi thà chết còn hơn sống cuộc đời như thế có phải hay hơn không, nhưng nàng hiểu là mình không có can đảm để tự kết liễu mạng sống hay muốn làm như thế.
“Có lẽ mình nên nhảy xuống nước tự tử,” nàng nghĩ, “khi ra bơi tối qua còn hơn.”
Nàng vẫn ra bơi như thường lệ, bơi lên bơi xuống rất lâu, thưởng thức môn vận động cơ thể này cũng như vẻ đẹp của trăng sao và đom đóm.
Rồi lại đến ngồi trên bờ hồ nhúng chân xuống nước nghĩ đến Fyfe và nàng yêu chàng biết bao nhiêu.
Tối qua nàng tưởng tượng chàng là Lorenzo Vĩ Đại trong tiền kiếp, còn nàng là một trong những người đàn bà chàng từng chung thủy suốt hai năm.
Được Fyfe yêu, nàng tự bảo, hai năm, hai tháng, hay thậm chí là hai tuần cũng xứng đáng với những khổ sở, đau lòng tiếp theo đó.
“Mình yêu anh ấy... yêu anh ấy,” nàng thì thầm với các vì sao, “chính vì mình cầu xin có được tình yêu mình không bao giờ được tỏ ra vô ơn hay trách móc vì nó gây thương tổn cho mình.”
Trước khi bác sỹ tháo băng mắt cho chàng nàng tưởng tượng mình sẽ có can đảm yêu cầu Fyfe hôn nàng chỉ một lần thôi, dù nàng biết rõ chàng sẽ không bao giờ muốn làm điều đó sau khi đã thấy nàng.
Hình dung ra mình là Vệ Nữ, nếu chàng hôn nàng có lẽ chẳng có chuyện gì là quan trọng nữa vì nàng sẽ có được hồi ức của mình.
Cho dù có trở lại Anh và kết hôn với công tước, nàng tự nhủ, nàng vẫn biết môi nàng đã được Fyfe chiếm hữu và tim nàng đã thuộc về chàng nên nó không còn hiện hữu trong cơ thể để hành hạ nàng nữa.
Rốt cuộc sau khi ngồi ở đấy một lúc lâu nàng biết những gì mình tưởng tượng dưới trăng sao sẽ không bao giờ biến thành hiện thực.
Nàng không thể nào yêu cầu Fyfe hôn nàng vì làm thế sẽ phản bội lòng tin cậy của chàng đối với nàng.
“Mình sẽ không bao giờ được người đàn ông nào hôn nữa,” Susanna thoáng nghẹn ngào nghĩ thầm, “ngoại trừ việc có lẽ sẽ được hôn bởi người đàn ông đang tiêu tiền của mình! Ôi Chúa, giá mà con chết được!”
Nàng lớn tiếng nói ra miệng, nhưng rồi lại xấu hổ vì nàng biết tước đoạt mạng sống là tội lỗi, vì bản chất sự sống là điều hết sức qúy giá.
“Biết đâu có ngày mình sẽ được đền bù cho những khổ hạnh mình phải gánh chịu,” nàng tự nói với mình nhưng cũng không biết sự bù đắp ấy là gì.
Mọi bản năng trong khắp cơ thể nàng co cụm né tránh những cái mẹ nàng đã sách hoạch cho nàng, tuy nhiên cho dù thông minh cơ trí đến đâu nàng cũng không thể nghĩ ra được mình sẽ làm cách nào để tránh khỏi bị ép hôn hay trốn thoát lần nữa khi bị đưa về London trong nhục nhã.
Nàng chợt nghĩ biết đâu ba sẽ tỏ ra thô bạo hay bất đồng với Fyfe.
“Lẽ ra mình lúc đó mình nên ở lại và phân trần với ba rằng đấy không phải là lỗi của anh ấy và anh không hề biết được mình là ai,” nàng tự nhủ.
Rồi nàng nghĩ rằng cho dù mắt chàng đang bị băng và chàng suýt mất mạng trong tai nạn xe, Fyfe không phải là loại người để cho kẻ khác bắt nạt mình hay sợ sệt bất cứ ai.