In books lies the soul of the whole Past Time: the articulate audible voice of the Past, when the body and material substance of it has altogether vanished like a dream.

Thomas Carlyle

 
 
 
 
 
Tác giả: Đạo Hiếu
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 848 / 11
Cập nhật: 2017-05-19 13:25:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 - Vụ Huỳnh Tấn Mẫm
ột buổi trưa vào giữa năm 1970 khi tôi đi dạy học về thì thấy có hai người đàn ông đang ngồi trước hiên nhà, chiếc xe Honda 67 dựng ngay trước cửa. Tôi nói:
-Sao mấy anh dựng xe giữa lối đi vậy?
Hai gã nọ chỉ cười. Tôi lách người bước vô. Lập tức một họng súng chĩa vô lưng. Và đẩy tôi vô trong.
Một căn nhà trống trơn. Im lặng. Hàng xóm không ai hay biết gì cả. Chúng đang giăng một cái lưới. Và chắc chắn tôi không phải là con cá đầu tiên.
Tôi ngồi xuống giường. Và để trấn tĩnh, tôi với lấy cây đàn ghi-ta trên vách.
Tôi chơi rất nhiều tác phẩm kinh điển, nó làm những thằng công an đang ngồi đón lõng ngoài cửa phải ngạc nhiên mặc dù tôi biết những thằng ngu đó đã bị tôi tra tấn suốt mấy tiếng đồng hồ bằng một thứ âm nhạc mà chúng chẳng hiểu cóc khô gì hết.
Tôi nhịn đói và chơi đàn cho đến xế chiều.
Một chiếc jeep sơn nửa xanh nửa trắng của cảnh sát vừa đến. Chúng bịt mắt tôi bằng một giải băng đen, còng hai tay ngoặt sau lưng và đẩy lên chiếc xe ấy.
Xe chạy qua nhiều con đường phố. Tôi lắng nghe tiếng động chung quanh để cố đoán xem chúng đưa mình đi đâu nhưng chỉ biết là vẫn còn lẩn quẩn trong nội thành.
Cuối cùng thì chúng giảm tốc độ, quẹo gấp vô một một cái sân rộng và dừng lại. Tôi bị đẩy xuống xe. Có tiếng người lao xao và một giọng cười xỏ lá:
-Lại thêm một con cá nữa!
Dường như chúng đã đưa tôi đến một chỗ tối và ẩm thấp. Thằng công an mở băng vải che mắt cho tôi và vật đầu tiên mà tôi nhìn thấy là một thân hình to lớn đang nằm ngửa, nhắm mắt, trên một cái nền xi măng lở lói phía trước cầu tiêu.
Người đó là Dương Văn Đầy, sau này anh làm chủ tịch quận Nhất và rồi trở thành sếp của ngành du lịch TPHCM. Nhưng lúc ấy tôi tưởng anh đã chết. Anh bất động. Áo banh ngực. Người anh đầy thương tích bầm tím. Tôi ngồi xuống định đưa ngón tay lên mũi xem anh có còn thở không thì một thằng y tá vừa đến, tay cầm một miếng bông gòn tẩm ê-te đưa qua đưa lại trước mũi anh.
Tôi ngồi xuống cạnh đó. Chúng vẫn chưa mở còng cho tôi. Chung quanh bạn bè tôi nằm la liệt. Nguyễn Tấn Tài, Phùng Hữu Trân, Lê Thành Yến (Lê Duy Hạnh), Cao Thị Quế Hương, Trầm Khiêm…
Lúc ấy tôi chưa hiểu địch “biết” tôi tới đâu, đã có ai khai báo gì tôi chưa, nên tôi ngồi im để thăm dò, nghe ngóng tình hình.
Bữa cơm chiều được dọn ngay trên nền đất trước cầu tiêu cạnh chỗ Dương Văn Đầy nằm. Chúng tôi quây quần quanh một đĩa cá khô đã mùn ra như củi mục. Trầm Khiêm nói:
-Tụi nó đánh Ba Đầy quá.
Tôi không từng làm việc với Ba Đầy nhưng anh em phong trào sinh viên học sinh biết nhau gần hết. Hồi ở Đại học xá Minh Mạng đi ra đi vô vẫn thường gặp nhau. Ba Đầy lúc đó học Y khoa, hay đi cái xe đạp trành. Anh có tướng “ngũ đoản”, đặc biệt cái mũi rất to. Khi bị bắt vô cảnh sát quận Nhứt, tụi công an gọi anh là ”thằng lỗ mũi trâu”.
Lê Duy Hạnh cũng được Tư Cum “chăm sóc” rất kỹ. Buổi tối ngồi ngoài sân đồn cảnh sát quận Nhứt, tôi và vài người bạn tù dùng nước muối bóp chân cho anh. Chúng tím bầm như hai cây xúc xích khổng lồ. Những giọt nước muối đã khô se đi thành những tinh thể sáng lóng lánh.
Trưa hôm sau chị Năm, giao liên giữa tôi và Nguyễn Tấn Tài cũng bị chúng bắt cùng với đứa con trai bốn tuổi.
Tai hại hơn nữa là cái máy chữ của tôi cũng có trong số “tang vật” tháp tùng chị Năm.
Tư Cum ra lệnh cho bọn đàn em:
-Đưa thằng nhỏ vô viện mồ côi!
Chị Năm chưa kịp phản ứng thì một thằng công an chìm đã lôi thằng bé đi. Tôi nhìn chị. Một cái nhìn dài với bao điều muốn nói. Thằng bé còn nhỏ quá. Nó sẽ sống như thế nào khi không có mẹ? Còn chị, liệu chị có giữ được bí mật về mối liên hệ với Nguyễn Tấn Tài và tôi? Chúng chưa đụng tới tôi nhưng những đồng chí có liên hệ với tôi đều đã bị bắt. Chỉ cần một trong ba người khai báo là hậu quả khó lường. Tối đó tôi không ngủ được. Tôi tin anh Tài rất vững vàng, chị Năm cũng sẽ vượt qua được những đòn tra tấn, và tôi cũng tin tôi có đủ bản lãnh để bảo vệ tổ chức. Nhưng còn những bằng chứng cụ thể? Ví dụ như cái máy chữ hiện cũng đang nằm trong tay cảnh sát. Nếu chúng chộp được cái hóa đơn mang tên tôi thì cuộc hỏi cung sẽ trở nên “phiền phức” cho cả tôi và chị.
Tối đó chúng lôi tôi vô phòng tra tấn.
Vẫn thằng Tư Cum và một thằng cảnh sát áo trắng ốm nhách. Để trấn áp, chúng bắt tôi cởi quần và cột một đầu dây điện vào cơ quan sinh dục, đầu kia kẹp vào dái tai. Dụng cụ tra điện này được điều khiển bằng một tay quay. Thằng cảnh sát áo trắng mở màn:
-Thủ trưởng của mày và con Tố Nga là ai?
Tôi thấy nhẹ người. Vì chúng hỏi cung theo đường dây Tố Nga là chúng đã không biết gì về tôi cả. Tuy ở chung nhà với Tố Nga nhưng cả hai chúng tôi đều không biết gì về nhau. Vì thế câu hỏi thăm dò này đã để lộ sơ hở của chúng. Tôi đáp:
-Tôi không biết gì về việc làm của Tố Nga vì tôi chỉ là người ăn cơm tháng ở đó.
Nhưng nó vẫn tiếp tục sai lầm:
-Con Tố Nga nó đã khai hết rồi. Mày hãy nói thiệt đi. Mày thường gặp thằng đi xe đạp để làm gì?
“Thằng đi xe đạp” là Dương Văn Đầy. Nhưng tôi đâu có làm việc với Dương Văn Đầy! vì thế tôi nói:
-Tôi là tín đồ Thiên chúa giáo. Tôi đang dạy học tại trường Thánh Mẫu ở Bà Chiểu. Tôi không biết gì về các hoạt động của họ.
Tư Cum quay điện mấy vòng làm người tôi giựt tưng tưng như con rối.
-Sao? Có chịu khai không?
Nó lại quay. Người tôi bật liên tục lên khỏi ghế, miệng méo qua một bên.
-Đ.m. Mày ở chung với con Việt cộng mà không biết gì về nó. Ai mà tin mày!
-Nhưng tôi biết nói cái gì bây giờ.
-Được. Tao sẽ có cách cho mày nói.
Tư Cum quay liên tục. Tôi bị giựt văng ra khỏi ghế, đập mặt xuống đất.
Buổi hỏi cung kết thúc ở đó. Tạm thời chúng chưa biết gì về mối quan hệ giữa tôi, chị Năm và Nguyễn Tấn Tài.
°
Vụ bắt bớ học sinh sinh viên này là vụ rất lớn xảy ra vào năm 1970, được dư luận gọi là vụ Huỳnh Tấn Mẫm. Anh Mẫm lúc đó làm chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Vụ này làm anh nổi tiếng khắp thế giới như một lãnh tụ sinh viên tiêu biểu. Nhưng sau Giải phóng, chính anh – cũng như Võ Thị Thắng – đã phải khốn đốn vì sự nổi tiếng của mình. Tôi sẽ trở lại hai nhân vật này sau. Bây giờ chúng tôi đã bị chuyển về Nha Cảnh sát Đô thành và tôi muốn nói một chút về người bạn tù, người “sếp” thân thiết nhất của tôi: Nguyễn Tấn Tài.
Lúc đó Tài và tôi làm công tác vũ trang tuyên truyền và làm giấy tờ giả cho anh em. Quan hệ giữa hai chúng tôi rất khăng khít. Anh là một kỹ sư hóa học nhưng rất khéo tay, anh dạy tôi nghề khắc dấu, kể cả làm dấu nổi bằng những vật liệu đơn giản nhất. Lúc anh bị bắt, trong nhà anh có cái máy chữ của tôi. Cái máy này tôi dùng để làm giấy tờ giả và để viết văn (vì trước đó tôi cộng tác với anh Nguyễn Ngọc Lương, chủ bút tờ Tin Văn, tôi sẽ có một chương nói về anh Nguyễn Ngọc Lương và cuộc đời đầy bi kịch của anh). Khi đưa cái máy chữ cho giao liên đem đi tôi còn “cẩn thận” đưa luôn cái hóa đơn có tên tôi cho chị. Sự cẩn thận ngốc nghếch đó đã làm cho cả tôi lẫn anh Tài đều lo sốt vó trong suốt thời gian bị hỏi cung. Cũng may cả ba chúng tôi đều có bản lĩnh vượt qua được. Và kẻ địch đã không tìm ra bất cứ mối liên hệ nào giữa ba người.
Trận đó chính quyền Sài Gòn đã hốt một mẻ lưới khá nặng. Ở trong tù tôi gặp mặt đủ mọi “anh hào”. Từ Phạm Chánh Trực (người kết nạp Đảng cho tôi), Bảy Hà (sau này là thứ trưởng bộ Ngoại thương), Lê Thành Yến (sau này là nhà biên kịch Lê Duy Hạnh), Nguyễn Ngọc Phương, Dương Văn Đầy. Nguyễn Tấn Tài, Cao Thị Quế Hương, Phùng Hữu Trân, Hùynh Tấn Mẫm…
Sau giải phóng, những người không bị dính vụ đó, hoặc những người cả đời không biết ở tù là gì thường phát biểu linh tinh, bình phẩm này nọ. Tất cả đều trật lất. Chỉ có những người bạn tù với nhau là hiểu nhau, đánh giá đúng về nhau.
Và không có gì có thể che giấu được, nhất là sau giải phóng, tất cả những hồ sơ, những bản cung của từng người đều còn nguyên trong Tổng nha Cảnh sát và Nha Cảnh sát Đô Thành.
Và họ cũng không hề biết những nguyên tắc cơ bản của người tù chính trị là:
-Nếu địch đã biết ta là cộng sản thì ta phải giữ khí tiết, không khai báo cho người khác và nếu cần tìm cách đánh lạc hướng địch.
-Nếu địch chưa biết ta là cộng sản thì ta phải đóng vai một người dân thường bị bắt lầm.
Như vậy giữ khí tiết trong tù không phải là không khai báo gì cả (vì ai cũng phải có khẩu cung) mà phải khai báo cách nào để đánh lạc hướng địch để bảo vệ tổ chức, bảo vệ đồng đội và bảo vệ chính mình.
Về sau này tôi có dịp làm việc với anh Nguyễn Vĩnh Nghiệp (nguyên chủ tịch TPHCM.) Khi kể về giai đoạn ở tù của mình anh cũng đã nhấn mạnh ý đó. Bản thân anh cũng từng bị nghi ngờ và bị “đì” về chuyện “đồng ý dẫn địch về căn cứ”. Anh đã tâm sự với tôi rằng thực ra đó là kế nghi binh. Lúc ấy anh giả cách dẫn địch về vùng sông nước Cửu Long để đưa địch vào mê hồn trận kinh rạch chằng chịt rồi nhảy xuống nước tẩu thoát, nhưng kế hoạch ấy đã không thành và anh đã bị giải giao ra Huế giam giữ ở đó.
Sau giải phóng anh cũng bị lận đận một thời gian, về sau anh mới được ông Võ Văn Kiệt minh oan và đưa lên làm Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh.
Nhân đây, tôi còn muốn nói thêm là: ngay cả những bạn tù đôi khi cũng hiểu lầm nhau. Ví dụ như anh Huỳnh Tấn Mẫm. Khi mới bị ném vô Nha Cảnh sát Đô thành, tôi nằm ngay trước cửa xà-lim của anh. Mỗi sáng khi chúng tôi ăn sáng bằng cháo gạo lức đựng trong cái dĩa bằng nhôm, thì anh Mẫm được cung cấp một ổ bánh mì thịt và một bịch cà phê sữa đá. Chuyện đó kéo dài chừng một tuần lễ. Trong số bạn tù có người xì xầm là anh Mẫm đã bị mua chuộc. Người lại nói là lẽ ra anh Mẫm không nên nhận những bữa ăn sáng đó.
Một buổi sáng kia, người ta làm vệ sinh nhà tù. Khi cánh cửa xà lim của anh Mẫm mở ra thì tôi là người đầu tiên nhìn thấy những ổ bánh mì thịt, những bịch cà phê sữa còn nguyên xi, nằm lăn lóc dưới đất và đã lên mốc, đã bốc mùi.
Tội nghiệp cho anh Mẫm. Anh là người hiền lành, học giỏi, nhiệt tình… nhưng sau giải phóng vì đố kỵ, ganh ghét sự nổi tiếng của anh mà có người đã dìm anh khiến anh không ngóc đầu lên nổi. Tiếp theo là những rủi ro tiền bạc do bà vợ gây ra khiến anh tuột dốc.
Hồi còn sinh viên tôi và anh ở chung phòng 4/6 đại học xá Minh Mạng. Lúc ấy anh học phụ khoa (gynécologie) năm thứ tư, vào Đảng năm 1968. Năm 1970 anh nổi tiếng khắp thế giới nhờ vụ bắt bớ quy mô lớn mà tôi vừa thuật lại ở trên. Vai trò của anh lúc bấy giờ là vai trò công khai. Anh hoạt động cách mạng ở góc độ công khai có nghĩa là với bất cứ danh nghĩa nào: Phật giáo, Công giáo hay Lực Lượng Thứ Ba tùy theo sự chuyển biến của tình hình, tùy theo nhiệm vụ chính trị của từng lúc. Nhưng không hiểu sao có tin đồn là anh lừng khừng, không dứt khoát tư tưởng và người ta để anh ngồi chơi xơi nước.
Có một thời anh được phân công về làm Tổng biên tập báo Thanh Niên nhưng một người hiền lành như anh làm sao địch nổi Nguyễn Công Khế? Khế vốn xuất thân là một phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam, gần như không có quá trình hoạt động cách mạng, không có tài năng gì đáng kể nhưng Khế có người chú là đầu nậu sách báo giàu sụ. Với cái kho bạc ấy Khế dễ dàng cô lập Mẫm, hất Mẫm văng ra khỏi tòa soạn, lên làm tổng biên tập báo Thanh Niên, từ đó “thiên thu trường trị, nhất thống giang hồ”.
Huỳnh Tấn Mẫm thì bị đẩy đi Liên Xô học ba cái thứ vớ vẩn gì đó. Rồi anh về nước giữ chức Phó chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ TPHCM.
Còn bây giờ là bác sĩ khoa thẩm mỹ, hình như có phòng mạch ở đâu đó trên đường Cách Mạng Tháng Tám.
Có lẽ anh nghèo. Và trong sạch.
°
Võ Thị Thắng cũng bị Thành Đoàn “đì” như Huỳnh Tấn Mẫm nhưng đời chị dữ dội và kịch tính hơn nhiều.
Tôi không từng hoạt động chung với chị vì hai người ở hai đơn vị khác nhau nhưng do sự sắp xếp ngẫu nhiên của xã hội mà sau này chúng tôi trở thành người nhà với nhau. Chị làm dâu, còn tôi làm rể họ Trần. Chị là bạn tù của ông anh vợ tôi là Trần Quốc Thuận khi hai người còn ở ngoài Côn Đảo. Sau ngày 30 tháng 4 năm 75 họ thành vợ chồng.
Chị đã nổi tiếng khắp thế giới với “nụ cười Võ Thị Thắng”. Trước hết vì chị có một cái miệng đẹp, một hàm răng đẹp. Sau đó mới là nụ cười. Một nhà báo Nhật đã “chộp” được nụ cười ấy và công bố khắp thế giới. Năm ấy chị mới hơn hai mươi tuổi. Một cô gái Nam bộ xinh xắn đứng trước tòa án, giữa hai quân cảnh cao to mà cười rất tươi. Và nói: “Liệu chánh quyền các ông có tồn tại được hai mươi năm để thi hành bản án này không?”
Câu nói ấy đã bắt đầu một huyền thoại.
Lần đó, nếu chị bắn chết tên phường trưởng và chạy thoát thì sẽ không có phiên tòa ấy, không có nụ cười ấy và cũng không có huyền thoại Võ Thị Thắng.
Nhưng tên phường trưởng ấy đã không chết. Bóp cò lần thứ nhất. Đạn lép. Nó bỏ chạy. Thắng rượt theo. Bóp cò lần thứ hai. Đạn lại lép. Cô gái trẻ đầy quyết tâm, rượt đuổi sát nút. Cuộc rượt đuổi kéo dài đủ để các tay chân bộ hạ của tên phường trưởng nhào tới.
Những màn tra tấn đã diễn ra rất dã man. Tiếp đến là phiên tòa.
Sau ngày 30.4.75 Võ Thị Thắng được mời đi khắp thế giới. Ở Cu-ba người ta lấy tên chị để đặt cho một trường tiểu học và 2 trường Mẫu giáo. Các chính khách, nhiều nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam đều muốn gặp chị.
Nhưng đó lại là khởi đầu cho những bi kịch sau này.
Thành Đoàn TPHCM không ưa sự nổi tiếng ấy. Chị bị “qui” là con nhà địa chủ nên bị gạt ra khỏi danh sách trúng cử Đại biểu Quốc hội năm 1976. Nhưng chú Tô (thủ tướng Phạm Văn Đồng) lại coi Thắng như con. Võ Thị Thắng ra trung ương “lánh nạn”. Và sau này trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du Lịch.
Trong chuyến về quê chồng (Bình Định) tảo mộ, gia đình chị và tôi cùng đi trên một chiếc xe mười sáu chỗ của ngành du lịch. Suốt hai ngày đường, chúng tôi nghỉ lại nhiều nơi và đó là dịp mà chị đã kể lại những “biến cố đầy kịch tính” mà chị đã phải trải qua trong suốt thời gian làm Tổng Cục Trưởng. Những biến cố ấy có thể viết thành một cuốn sách dày, li kỳ hấp dẫn như phim hình sự Mỹ. Nhưng chị không dám viết, cũng không dám nhờ tôi viết dù tài liệu thì có rất nhiều. Tôi nghĩ rằng một ngày nào đó những tài liệu ấy sẽ được công bố, hoặc là cuốn sách ấy sẽ được viết ra, nhưng bây giờ thì không.
Bây giờ chỉ có ký họa. Vài đường nét bằng bút chì, bằng ngón tay nguệch ngoạc trên cát biển Qui Nhơn, bằng hòn than phác thảo trên bức tường cũ… bi kịch của một người đàn bà có địa vị ngang hàng với bộ trưởng, một người từng gan lì truy sát địch hàng giờ với một khẩu súng rỉ sét, một nữ sinh trường Gia Long đã nghĩ ra được câu tuyên bố để đời. Rồi cuối cùng chiếc ghế Tổng Cục Trưởng mà người ta trao cho chị cũng bị đặt trên bốn trái mìn nổ chậm được làm bằng lòng đố kỵ, bằng thù oán cá nhân, bằng những mưu đồ ma quỷ.
Người con gái anh hùng ngày xưa chợt biến thành nhân viên CIA Mỹ với tập hồ sơ dày cộm đem từ thành phố Hồ Chí Minh ra. Đó là những ngày cuối năm 1996. Nhiều nhân vật có tình cảm với Võ Thị Thắng trong Bộ Chính trị đều rất bàng hoàng. Con chạch lại leo lên đẻ trên ngọn đa! Vậy mà người ta vẫn có đầy đủ những tài liệu về một con chạch như vậy!
Và nhiều kế hoạch “ám sát” đã được nghĩ đến: xông thằng vào cuộc họp quốc hội “bắt nóng”? Hay bắn tỉa? Bắn ở đâu?
Năm 1999 Tổng Cục Trưởng Võ Thị Thắng nhận được giấy mời sang Mỹ dự hội nghị về du lịch. OK. Sao không cho người bắn tỉa tại sân bay Los Angeles? Ngay khi đối tượng bước ra cổng phi trường là gởi một viên đạn vào đầu rồi đổ thừa cho CIA giết người diệt khẩu. Thật gọn nhẹ.
Kế hoạch lập tức được triển khai. Một anh chàng James Bond 007 mũi tẹt da vàng được chọn trong đám thân tín tại Mỹ để thực hiện Mission Impossible này. Và Mme Thắng không hề hay biết gì về âm mưu đó.
Mấy hôm sau chị lại nhận được một giấy mời của ngành du lịch Trung Quốc. Và, một cách ngẫu nhiên, chị đã chọn đi Trung Quốc.
Chàng James Bond ngồi ngáp ruồi ở sân bay Los Angeles.
Không giết được tên CIA Võ Thị Thắng ở Los thì sẽ bắt cóc hắn tại sân bay Nội Bài khi hắn ta trở về Việt Nam.
Một phương án mới được triển khai ngay lập tức: khi máy bay đáp xuống, xe con của Tổng Cục Du Lịch đến đón sếp thì sẽ có một xe mười sáu chỗ trờ tới, ép nó sát lề, chặn đầu. Khống chế tài xế, bắt cóc bà Tổng Cục Trưởng chạy ra khỏi phi trường, thẳng về nơi giam giữ.
Và mọi việc đã xảy ra y như kịch bản. Nhưng khi những kẻ bắt cóc mở cửa chiếc xe con của Tổng Cục Du Lịch thì chỉ nhìn thấy “bác tài” đang “há hốc mồm” vì kinh ngạc.
-Bà Thắng đâu?
-Xe khác đã đến đón rồi!
Sự thực chẳng hề có chiếc “xe khác” nào cả. Chỉ có phép lạ của phật bà Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài đã làm cho chiếc va-li của Võ Thị Thắng lạc mất. Mme Thắng xuống máy bay nhưng không tìm thấy hành lý, đứng chờ ở cái vòng xoay cả tiếng đồng hồ. Tài xế chiếc xe con đến đón bấm điện thoại di động gọi nhưng tắt máy, anh ta tưởng sếp đã có người nhà đến đón nên chạy xe không về và bị những kẻ bắt cóc ép vô lề.
Mme Thắng tìm được hành lý thì đã quá trễ. Chị đành gọi một chiếc taxi.
°
Kẻ thù giấu mặt ấy là ai? Chị biết, Bộ chính trị cũng biết nhưng không làm gì được.
Và bà Tổng Cục Trưởng đã nghĩ đến cái chết. Nhiều người trong Bộ chính trị không tin những hồ sơ ngụy tạo ấy nhưng cũng không “dám” bác bỏ. Chị gần như đơn độc. Chỉ trừ một người bạn giấu mặt. Một ân nhân của chị mà cho đến giờ này, khi sóng gió đã yên, khi một số tay chân của kẻ thù đã bị Bộ công an bắt, bị tòa án xét xử và khi chị đã nghỉ hưu… chị cũng không hề biết người đó là ai?
Trong những lúc lâm nguy nhất, người đó đã gọi điện cho chị, từ một trạm điện thoại công cộng, và báo cho chị hay rằng đang có một âm mưu như thế, như thế… rằng sự việc sẽ diễn ra như thế, như thế…
Nhưng đó cũng chỉ là những an ủi nhất thời. Tuy nhiều lần người ấy đã cứu chị thoát chết nhưng tại sao chị phải lâm vào tình thế ấy? Tại sao lại phải sợ hãi những kẻ đứng trong bóng tối? Tại sao kẻ trong sạch lại phải sợ bọn tội phạm? Tại sao một cán bộ cao cấp như chị lại phải sợ một thứ quyền lực đen nào đấy?
Và đã có lúc chị cầm một sợi dây thòng lọng. Chị cuộn nó lại, giấu trong túi xách, đến soi mặt mình trong gương. Một đêm mất ngủ. Và khóc. Một đêm ngồi trong góc tối của căn phòng nhìn chồng nhìn con và nhìn bức ảnh nổi tiếng của mình. Bức ảnh chụp chị đứng trước tòa án, giữa hai người quân cảnh đeo kính đen. Chị nhìn cái miệng cười của mình. Nước mắt lặng lẽ lăn xuống gò má. Bởi vì giờ đây chị không “được” đứng trước một tòa án để mà cười. Chị đang đứng trước một thế lực vô hình, chị đang bị rình rập, truy sát. Ngày xưa chị nhìn thấy kẻ thù ngay trước mặt, chị bắn nó bằng một khẩu súng rỉ sét nhưng chị ở thế chủ động, chị là thợ săn còn kẻ địch là con mồi. Bây giờ thì chị không biết kẻ thù đang đứng chỗ nào, mặt mũi nó ra sao. Bây giờ chị có một khẩu K59 mới tinh nhưng chị sẽ bắn vào đâu? Bắn vào bóng tối? Vào hư vô?
Không ai trả lời những câu hỏi ấy và điều đó làm chị tuyệt vọng. Sẽ phải treo sợi dây thòng lọng ở đâu? Trên xà nhà, trước cửa hay trên một cành cây? Không thể chết tầm thường được. Phải biến nó thành một lời cảnh tỉnh, một cáo trạng. Có lẽ chỗ tốt nhất là Hội trường Văn phòng Trung ương Đảng. Chị quyết định vào đó để chọn một vị trí thích hợp.
Thính phòng im phăng phắc. Sân khấu mờ ảo. Những dãy ghế quen thuộc cũng đang lặng thinh, nín thở, chờ xem người đàn bà quen mặt này sẽ làm gì. Chị bước lên sân khấu, ngước nhìn những phông màn, những giàn đèn và những sợi dây kéo. Chị đi một vòng, chậm rãi, thầm lặng. Rồi chị bước xuống những bậc cấp, tìm đến chiếc ghế mà chị vẫn thường ngồi trong các phiên họp Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Chiếc ghế ôm chị vào lòng nó, cũng mềm mại, ấm áp như ngày nào. Chị ngửa cổ, tựa đầu vào lưng ghế. Và khóc.
Dường như chị có thiếp đi được một lúc cho đến khi chuông điện thoại reo. Chị mở túi xách, Chiếc điện thoại màu bordeaux đang sáng lên giữa những cuộn dây thòng lọng.
Đó là cuộc gọi của người vô danh, ân nhân giấu mặt của chị. Chị nhận ra giọng nói quen thuộc. Nó ấm áp và chậm rãi. Những lần trước, chị đã cố nghĩ xem đó là giọng của ai nhưng không biết được. Chị chỉ biết chắc người đó đã gọi cho chị theo lệnh của một đồng chí nào đó trong Bộ chính trị. Lần này giọng nói ấy chỉ là một câu đơn giản.
-Bộ công an đã bắt hết chúng rồi. Chúc mừng đồng chí.
Chị lặng người đi. Hội trường như sáng lên. Chị thọc tay vào túi xách, nắm chặt sợi dây thòng lọng sần sùi.
Chị thấm nước mắt bằng chiếc khăn rằn của du kích Miền Nam mà chị đã chuẩn bị sẵn. Chị nhìn thẳng lên sân khấu và cười. Tiếc thay anh nhà báo người Nhật năm nào đã không có mặt để ghi lại nụ cười ấy. Nó vẫn đẹp. Và nếu được công bố với đầy đủ những tình huống đắng cay thì nụ cười trong buổi sáng cuối năm 2000 ở Hội trường này cũng sẽ trở thành một huyền thoại, và có khi còn nổi tiếng hơn cả nụ cười của mấy mươi năm về trước.
°
Vụ Huỳnh Tấn Mẫm kết thúc sau những cuộc xuống đường, tuyệt thực… của đồng bào các giới: học sinh, sinh viên, công nhân, đồng bào Phật tử…Chính quyền Thiệu biết rõ mười mươi một số học sinh, sinh viên (trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm) là đảng viên cộng sản nhưng họ vẫn phải trả tự do cho những người bị bắt.
Vì bị tra điện nhiều lần nên tôi phải về quê vừa để chữa bệnh vừa thăm cha mẹ.
Khi tôi bị bắt, mẹ tôi không biết đã xảy ra chuyện gì, và tôi cũng không thể giải thích cho bà hiểu được. Bà vẫn nghĩ tôi là một ông “cử nhơn” sắp đi làm quan, nhưng không hiểu sao lại phải ở tù. Tôi chỉ nói:
-Con bị người ta bắt lầm thôi mà.
-Con có thi cử nhơn được không?
-Được. Vài tháng nữa con sẽ lấy bằng cử nhân.
Về quê, tôi được bà con đùm bọc, chạy chữa. Đó là gia đình của thầy tôi – thân sinh của Tám Nhân, một bạn học, một tay cách mạng đầy cá tính đã cùng với Lữ Phương (một ông thứ trưởng bộ văn hóa) làm điên đầu những tay “hồng vệ binh” trong suốt những năm ở R.
Chăm sóc cho tôi lúc đó còn có gia đình Trần Thiếu Bảo. Hắn cũng là đảng viên, công tác quân báo. Sau giải phóng hắn là một sĩ quan công an cấp tá, từng xách roi điện đi đến những nơi có người nào chống Đảng.
Chị Bốn là chị ruột của hắn đã chăm sóc tôi rất chu đáo. Và một “địa chỉ đỏ” nữa đó là nhà bà xã tôi. Ông anh vợ tôi hồi đó cũng là dân phong trào sinh viên. Sau giải phóng ông làm quan tới chức Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và là chồng của bà Võ Thị Thắng.
Một buổi sáng, khi tôi đi từ Tây Sơn xuống Quy Nhơn thì gặp một toán quân cảnh xét giấy tờ quân dịch tại cầu Bà Gi. Lúc ấy giấy hoãn dịch của tôi đã hết hạn do thời gian nằm trong tù. Tôi bị giữ lại và đưa vào trại lính. Về nguyên tắc tôi vẫn còn được hoãn dịch một năm nữa vì tôi là sinh viên Đại học Sư phạm nhưng tụi quân cảnh không hiểu điều đó. Tôi đã giải thích nhưng chúng không thèm nghe. Mục đích của chúng là muốn đòi tiền nhưng tôi thì không có tiền.
Và thế là tôi bị đẩy vào một bi kịch mới, một chốn lao tù mới hoàn toàn khác với cái nơi mà tôi vừa bước chân ra.
Lạc Đường Lạc Đường - Đạo Hiếu Lạc Đường