There is a temperate zone in the mind, between luxurious indolence and exacting work; and it is to this region, just between laziness and labor, that summer reading belongs.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1778 / 36
Cập nhật: 2017-08-29 15:43:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hoa Hồng Vàng Song Cửa
ÙA HẠ Ở CA-DẮC-XTAN, những thứ hoa không có tên ngoài đồng, cứ tưng bừng dại trắng dại tím dại vàng, đến ngơ ngẩn cả mắt nhìn.
Cánh đồng tháng năm tháng bảy như những chiếu hoa trải liền nhau đến chân trời.
Người làm đồng đánh một giấc nghỉ trưa trên làn cỏ mơn mởn.
Tôi đương đi trên những cánh đồng mùa hạ rực rỡ. Một trời xanh thảnh thơi. Từng tảng mây. Từng tảng nắng. Những sợi bông ở cây “tuyết mùa hè” ngẩn ngơ bay.
Đương giữa trưa, quanh lùm cỏ cao đằng xa, thấy thấp thoáng bóng người. Bữa ăn trưa trên cánh đồng - tiếng đàn, tiếng cười, tiếng nước chảy. Xa xa, đứng lặng im những chiếc máy cày đỏ như một chuỗi hoa sen bày thành dãy, chia khoảng đất đã cày vỡ với đồng hoa còn lại thành một nét son tươi.
Một máy cắt cỏ đằng kia lầm lũi chạy đi, chạy lại.
Có mấy người đương ăn trưa bên cạnh cỗ máy cày. Ồ lạ, dù cho bây giờ hình ảnh những buổi cơm trưa trên cánh đồng quê tôi đã xa lắc xa lơ trong tuổi thơ tôi, nhưng quang cảnh đến bữa giữa cuộc lao động vẫn giữ trong tôi một thương nhớ hay một niềm vui, khó phân biệt. Nhớ cái bùi nhùi dựng trong cửa lều rơm, tránh làn gió hanh đương lùa xuống những làn mây xám ngắt mỗi lúc một thấp. Ánh lửa điếu cày rúc lên và tàn than trong đồng sưởi gốc rạ bốc khói làm cho người ta đỡ rét và cũng như trong ảm đạm, rét buốt đương đưa lại một bóng dáng hy vọng gì.
Trước mặt tôi, cô thợ cày ấy chít khăn hoa, đứng lên giữa lùm hoa dại như cả một lùm hoa đứng lên.
Cô mời khách ngồi. Bữa cơm trưa của tổ cày bày trên miếng ni-lông giữa bãi cỏ. Vài lát bánh mì đen, miếng xúc xích. Một túi cá diếc nướng. Đĩa dưa cải muối. Những củ cải tím tròn xoe, lăn lóc, cắn giòn như ta ăn cà Nghệ. Pho mát. Rượu vốt-ka và nước lạnh.
Mâm ăn ấy có bốn người. Một bác có tuổi, đầu hói đỏ găng, đã nằm ngủ úp mặt trên những nhánh hoa cỏ, chiếc mũ dạ úp trên gáy.
Cô thợ cày - cũng chẳng biết cô là lái chính hay thợ phụ, bưng đến cho một ca rượu.
Tôi hỏi:
- Cô tên là gì?
- Ni-na Si-ri-stê-va.
- Ni-na đến vùng đất hoang này từ bao giờ?
- Bố mẹ tôi đến đây, năm ấy tôi hai tuổi. Bây giờ đã được hai mươi năm.
Tôi cười:
- Tôi đã gặp Ni-na rồi.
Ni-na ngạc nhiên:
- Bao giờ?
- Hai mươi năm trước.
Ni-na cười, lắc đầu.
- Hai mươi năm trước, tôi đã đến đây. Đường phía này lên hồ Ban-khát chứ gì?
Mọi người reo lên.
- Thế thì đồng chí đã gặp Ni-na thật rồi.
Gặp Ni-na từ hai mươi năm nay. Cái cảm tưởng thật lạ. Hôm trước, trên hội trường thảo luận đề tài viết về khai hoang ở An-ma A-ta, một nữ công nhân máy bừa nông trường Cát-kê-liên-xki lên kể chuyện mình đã phấn đấu trở thành chiến sĩ thi đua thế nào, cô ấy nói:
- Năm nay tôi hai mươi tám tuổi...
Tôi đã đến nông trường khai hoang Cát-kê-liên-xki năm 1959, khi ấy cô công nhân chiến sĩ thi đua vừa tám tuổi. Cát-kê-liên-xki ngày ấy giữa khi cả nước Cộng hòa Ca-dắc-xtan có 726 nông trường khai hoang cùng khai sinh trong một mùa vỡ hoang đầu tiên.
Hai mươi năm, thật xa mà cũng thật gần. Trở lại An-ma A-ta, cả thành phố cũng như xa như gần, thành phố đã đổi khác, không nhận ra nơi nào cả, mà vẫn như nhận ra tất cả. Dãy núi A-la-tau đội chỏm tuyết trắng mà dưới thành phố vẫn xanh rờn nắng. Những hàng cây, những bờ cỏ quen quen kia như muốn mời người nằm chơi, nằm ngủ đấy, như bác công nhân máy kéo đương đánh giấc ngon lành. Nhớ lại bao lâu nay, như vẫn quen An-ma A-ta xinh đẹp trong cây, những dãy phố nhà tường thấp, những con đường dài kẻ thẳng vào chân núi xanh. Như ở Ô-đét-xa, ở Nha Trang, những cuối đường nào cũng thấy nhởn nhơ một nét xanh mặt biển. Chiều đến, thành phố rộn ràng múa hát. Cây trên đường phố rườm rà tha hồ mọc đâu thì mọc, cả những bờ cỏ quanh tường cũng được nâng niu. Thành phố, cánh đồng, núi tuyết ngang tầm mắt. Đường xe điện dây lên chơi núi lóng lánh, đêm như một dãy sao sa. Ngày ấy chưa có như thế, mà như được gặp lại, thật lạ lùng.
Mà cũng không lạ. Ai trong chúng ta có đi đâu ra thế giới, khi về qua Liên Xô, thường thấy đầm ấm và tin cậy như về đến nhà. Hình như không phải chỉ riêng tôi có cảm tưởng như vậy.
Ngày ấy, đến nông trường Cát-kê-liên-xki con đường đi từ bờ sông Cát-kê-liên-xki về Ban-khát, bao nhiêu ngày đường ngựa cũng chỉ gặp có một thảo nguyên. Những chiếc xe khập khễnh chở rơm về đánh đống, đợi cày xong thì ủ phân. Đi xa rồi mà còn nghe tiếng vòng bánh xe kẽo kẹt, day dứt.
“Câu chuyện từ ngày ấy mà ai cũng còn nhớ - nhiều người nói tương tự, đồng chí giám đốc nông trường, đồng chí Kô-din đó, đồng chí ấy đã cùng vợ con ngồi trên một máy kéo đi sáu trăm ki-lô-mét, đi hơn bốn ngày cứ từ từ tới đây, dừng lại và thành lập nên nông trường này giữa thảo nguyên”.
Những người đến sau, tất cả sống trong lều bạt, suốt mùa đông, sắt thép cũng không thể chịu được, chỉ có lòng dũng cảm và quyết tâm đã vượt lên hết. Nhiều người tình nguyện từ Lê-nin-grát, Mát-xcơ-va, Ki-ép tới... Sang mùa gặt thứ hai đã có hơn một nghìn tấn lúa bán cho Nhà nước. Như một huyền thoại!
Tôi đương trở lại nơi những huyền thoại ấy và tôi đương bước ra từ huyền thoại.
Đồng chí chủ tịch huyện Vô-giô-ven-xki trầm ngâm:
- Hai chữ “đất hoang” với chúng tôi bây giờ cũng chỉ còn là những chữ trong kỉ niệm. Với lứa tuổi quàng khăn đỏ mà đồng chí trông thấy đương tung tăng trong sân trường kia, các em chỉ thấy hai chữ “đất hoang” trong nhà bảo tàng.
Ở Cộng hòa Ca-dắc-xtan bây giờ thật sự không còn khai hoang. Chỉ bởi một lẽ giản dị: hai mươi năm đã qua, công cuộc khai hoang đã xong. Ca-dắc-xtan đã trở nên một trong những vựa thóc dự trữ khổng lồ của toàn Liên Xô.
Tôi lại đương rong ruổi giữa những cánh đồng thênh thang. Người Ca-dắc thích màu trắng, trắng sữa ngựa. Nhưng bây giờ trên đất Ca-dắc không phải chỉ có màu trắng khắc nghiệt, bạc phếch trên đồng cỏ. Bốn phía cánh đồng, những cánh đồng rạt rào cỏ và hoa dại đương đợi cày.
Có một đám người đằng xa lũ lượt đi ra. Đoàn người đã đầy mặt đường, không biết đâu là hoa, là cờ, là váy áo, là khăn quàng đỏ.
Một người đứng tuổi, cao lớn, quần áo mùa thu xanh nhạt, phẳng nếp, đội mũ phớt, đến trước mặt tôi giơ nắm tay hô to bằng tiếng Việt:
- Hồ Chủ tịch muôn năm!... Việt Nam muôn năm!...
Rồi ôm hôn tôi.
Các em tíu tít đưa hoa. Tôi ngột trong một lùm hoa mà các em vẫn còn chen nhau đến. Tôi đã trông thấy một chị khăn vuông rực rỡ đứng phía trong giơ lên lá cờ thêu Vũ Thắng - Thái Bình. Nông trường Pô-lu-đin-xki kết nghĩa với hợp tác xã Vũ Thắng.
- Nông trường chúng tôi với nông trang Vũ Thắng đã là anh em từ nhiều năm nay, từ khi chúng tôi lên một tuổi và bắt đầu vỡ hoang.
Tôi ôm hôn lần nữa đồng chí A-lếch-xây lúc nãy vừa hô “Hồ Chủ tịch muôn năm...”.
Tối hôm ấy, đồng chí A-lếch-xây kể cho nghe đồng chí ấy đã ở Vũ Thắng suốt cả tháng đương mùa nước, ngày nào cũng có máy bay Mỹ lồng lộn trên đầu. Những đội tự vệ của Vũ Thắng bắn máy bay. Đồng chí A-lếch-xây đã ra công sự nâng tràng đạn cho đội tự vệ chiến đấu.
Cuộc mít tinh đón bạn Việt Nam được tổ chức dưới bóng cây ven đường. Trên mặt cỏ, những bông hoa viôlét tím nhạt, hoa dơn đỏ gay, hoa hồng vàng, đốm hoa hồng li ti sặc sỡ và mọi người xúm xít. Không phải mít tinh đón khách thăm nông trường, mà đây cuộc gặp gỡ người nhà. Tôi là người đi xa trở lại. Dù chẳng ai thuộc mặt tôi, nhưng Vũ Thắng và Việt Nam thì ai cũng biết.
Như người trong nhà gặp lại nhau. Hai cô bé, mịn màng áo trắng như sữa ngựa, má hồng phấn, môi nở đỏ như hai miếng đào chín, cúi đầu chào rồi bước ra. Một cô đàn một cô hát. Ngày trước, ở Cát-kê-liên-xki, tôi đã nghe một bài hát Ca- dắc như thế trong một lều bạt làm quán ăn trông ra bãi hoang. Hôm nay, bài hát trên thảo nguyên cũ giữa cánh đồng vào xuân. Đằng kia, những chiếc xe du lịch xanh rợp ra đón khách, đỗ một dãy.
Trong nhà lều giữa đồng, chúng tôi uống sữa ngựa, ăn mật ong từng miếng nguyên khoái và đàn hát.
Tôi hỏi một thanh niên ngồi gần.
- Chú tên là gì?
- Đồng chí gọi là A-lếch-xăng-đơ cũng được.
- Chú bao nhiêu tuổi?
- Mười tám.
- A-lếch-xăng-đơ có biết Việt Nam không?
- Lúc còn bé, mùa nào tôi cũng được lên ngồi trên máy gặt đập của bố trên cánh đồng Vũ Thắng 16.
Cậu A-lếch-xăng-đơ đương học trung cấp kĩ thuật trên huyện. A-lếch-xăng-đơ nắm tay tôi. Lần trước, khi tôi đến Ca-dắc-xtan, bố mẹ cậu chưa sinh cậu. Nhưng từ khi bố còn cõng trên vai, cậu đã biết Việt Nam. An-ma A-ta cách Mát-xcơ-va bốn giờ mười phút máy bay IL62. Đây xa An-ma A-ta trên hai nghìn ki-lô-mét. Chắc chưa lần nào ở nơi quê hương đồng không cùng trời này, A-lếch-xăng-đơ đã được về An-ma A-ta, đừng nói chi Mát-xcơ-va. Nhưng A-lếch-xăng-đơ đã biết Việt Nam từ khi còn ngồi chơi trên máy gặt đập bố lái, A-lếch-xăng-đơ đã biết ở châu Á xa xôi có một nông trang tên là Vũ Thắng...
Một ông già đầu hói đỏ sẫm, đeo huân chương đầy ngực áo, công lao trong chiến tranh vừa qua, ngồi giữa nắng trong cỏ. Những chiếc xe xanh xe đỏ chạy qua cánh đồng vẫn đưa thêm người trong thị trấn ra. Trong xe bước xuống những cô đội mũ đỏ, sơ-mi trắng, gi-lê nhung đen. Các cụ già đầu cạo nhẵn, mũ dạ, các ông đứng tuổi mũ cát-két, thanh niên để đầu trần.
Nắng và tiếng khướu hót trong rừng bạch dương. Tưởng như tôi lại đương trong những vùng rừng bạch đàn, rừng hồi ngoại ô Lạng Sơn - năm ấy, cây trồng ở Lộc Bình đã lên đẹp, đàn hươu trong rừng sâu ra ngỡ rừng tự nhiên, vào tìm ăn quả trám rụng. Những cánh rừng công phu người trồng ấy, giặc Tàu đã tràn qua, không biết có còn cây nào không.
Năm cô đội mũ đỏ ngồi xếp bằng chân hát trên mặt cỏ cửa lều, hai cô đứng gảy đàn. Tiếng hát như sóng cỏ, sóng tuyết. Tiếng hát thảo nguyên, gợi những đường trường rất xa, rất bâng khuâng mà người nghe chỉ thấy náo nức muốn đi tới. Tất cả mọi người hát theo. Đoàn xe lại qua những mênh mông cánh đồng.
o O o
Những cánh rừng bạch dương đã chớm vàng đương rộn rực trong mọi công việc và trong tình cảm bè bạn.
Khắp vùng Trung Á, rầu rĩ tiếng kêu “duốc-na” - từ An-ma A-ta sang những tòa thành cổ Bu-kha-ra, những cánh đồng bông quanh thành phố Tắc-ken. Tiếng kèn “duốc-na”, tiếng trống “bôi-ê-ra” đón khách.
Trên sân bay, một hàng mười ông già đạo mạo mũ đen vân hoa trắng, áo bông dài xanh khoan thai tiến đến cầu thang, hất cái thân kèn dài nguềnh ngoàng như vòi voi lên. Cả mười loa kèn to như cái thúng cùng cất tiếng. Môi kèn “duốc-na” rống tòe tòe trong tiếng trống da cừu “bôi-ê-ra” lạ lùng. Tiếng vui đón khách của đồng cỏ, từ đời trước vẫn thế và bây giờ trong quang cảnh ấy của những sân bay hiện đại ở Tắc-ken, ở An-ma A-ta, lại càng đậm đà ý nghĩa.
Hàng triệu năm trước công nguyên đã có người sinh sống trên vùng đất này. Các thành cổ Bu-kha-ra, Sa-mác-can, rồi Khi-va, Cha-khi-si-a-ga tuổi thọ lâu đời chỉ có thể ví với thời gian - những trung tâm thợ thủ công và buôn bán phồn thịnh giao lưu châu Âu, châu Á. U-dơ-bê-ki-xtan, xứ sở của bông và đay mà các bạn chúng ta ở đấy đã phô trương lịch sử và sự giàu có bằng cách cả nước ai cũng mặc tấm áo bông dài cổ kính xanh cánh chả. U-dơ-bê-ki-xtan cũng giống xứ Ca-dắc-xtan, san sát những nhà máy điện, các nhà máy dệt, hóa chất, cày máy ở những nông trường nhộn nhịp hôm nay mà ngày trước chỉ có đồng hoang.
Bây giờ nhìn đâu cũng thấy đồng bông đương mùa được hái quả bông hé trắng xóa. Mắt bông nở trắng nõn. Như đôi mắt xinh đẹp của cô nhà thơ Ba-ba Gi-gi-đa nước Si-ê-ra Lê-ôn cùng chúng tôi đi thăm U-dơ-bê-ki-xtan lần này. Đôi mắt trắng nhởn nhơ, thật hồn nhiên, cũng thật đam mê, Ba-ba ở tận một đất nước bé nhỏ khuất nẻo đâu giữa châu Phi, thế mà tưởng như cả châu Phi theo nhà thơ đến đây. Bạn châu Phi của tôi, ở Si-ê-ra Lê-ôn, ở trung Phi hay ở Nam Phi đau khổ, vô cùng đau khổ vì ở đấy nạn phân biệt chủng tộc giết người, đuổi người di cư hết sức dã man vẫn tồn tại hẳn hoi dưới sự bảo trợ đáng sỉ nhục của bọn đế quốc - thế mà chúng cứ trơ trẽn quạc mồm ra nói “đạo đức” ở những đâu đâu.
Các cháu bé thành phố Chi-chích đến tặng hoa Việt Nam và Si-ê-ra Lê-ôn. Thành phố mới Chi-chích vừa xuất hiện vì trên sông Chi-chích có những mười sáu nhà máy thủy điện. Ba nhà máy sau cùng hoàn thành năm 1978 được điều khiển tự động.
Giám đốc Su-chúp - người Lê-nin-grát về đây đã mười tám năm. Ai cũng như từ khắp nơi tới. Các bạn đưa khách thăm một nhà máy thủy điện mới trên sông. Đâu cũng rền tiếng máy, mà vắng người quá. Dưới những tấm tôn mái phân xưởng, chim tha rác vào làm tổ ở từng dãy - chim đã nghe quen tiếng máy như tiếng gió. Những con sáo mỏ ngà, thấy người mới tới, kêu chíu chít bay ra quanh dưới vòm mái. Đầu tiên nghe lạ, tưởng chim được nuôi ngay trong nhà máy.
Thành phố trong cây, nhấp nhô nhà ở xung quanh. Người già sưởi nắng trên những chiếc ghế gỗ trước cửa, dưới tàn lá cát-stan ngả vàng màu thu. Phía bờ sông, mấy cụ ngồi trầm ngâm trước cần câu.
Các em học sinh đi lao động ngồi trên những xe cà chua đỏ chói vừa hái ngoài cánh đồng về. Nước sông Chi-chích xanh óng ả. Người ta nói nguồn sông này trong thế vì chảy ra từ lòng đá.
Người bạn thơ bé nhỏ mang hoài bão cả châu Phi! Chúng tôi bảo quang cảnh Chi-chích xinh tươi kia có phải là một bài thơ của Ba-ba? Nàng mỉm cười.
Chúng tôi vào những ruộng bông nở trắng, chốc chốc gặp một bờ dâu xanh viền theo. Nông trường “Chủ nghĩa Lê-nin” chuyên canh trồng bông. Khách xuống cánh đồng hái bông, mặc áo khoác trắng như mọi công nhân nông trường. Màu bông nhấp nhô trắng như những búi tuyết sa đến chân trời.
Chẳng trông thấy một người hái bông nào. Đằng kia đương di chuyển lại, như những vòm lò gạch đỏ ối, những cái máy hái bông đương ồn ã làm việc.
Chúng tôi chỉ là những người xuống ruộng hái bông cho nhà thơ Sô-phô-nốp, chủ nhiệm báo “Ngọn lửa nhỏ” chụp ảnh.
Lập tức, góc cánh đồng nhộn hẳn lên. Lại thành cuộc múa tình cờ mà hấp dẫn. Những cái máy bông đương làm việc cũng dừng lại. Các chị công nhân lên xúm xít quanh chúng tôi. Không giờ giấc công nghiệp chút nào. Nhưng biết làm sao được khi những người khách xa từ châu Á, châu Phi tới - như tất cả châu Á, châu Phi tới đất Trung Á của Liên Xô mà xem chủ nghĩa xã hội đương làm cho sống lại cả những thời đại đã qua.
Nhà thơ Ba-ba múa thật khéo. Những công nhân nông trường, những cô gái áo choàng, túi khoác trắng tinh, cánh tay còn dính từng tảng bông cũng đến múa với khách.
Tôi bước vào vòng múa với mọi người. Theo nhịp trống một mặt “bôi-ê-ra” bập bùng, bàn tay tôi giơ nghiêng như chiếc lá nở. Ấy là điệu múa lăm vông vừa học được ở những cuộc chơi với các bạn Lào trên bờ sông Mê Kông hôm nào. Tôi bỗng nhớ lạ lùng mùa thu Luông Pha-bang. Bàn tay chiếc lá thương yêu mà tôi đã nhớ đem theo được từ đất nước Lào anh em tới đây.
Cuộc múa tự nhiên kéo dài tới chiều, lan vào đến tận trước sân nhà bảo tàng truyền thống. Trong phòng bày những chiếc cối gỗ đẽo như cối giã gạo của đồng bào Dao ở Việt Bắc. Ngày xưa, người ở đây cũng giã lúa bằng chiếc cối thô sơ ấy. Những điều trông thấy và những con số lịch sử, lớp tuổi trẻ bây giờ chỉ thấy nó lẫn vào cuộc múa.
Chúng tôi ngồi ăn dưa hấu ruột vàng ngọt như đường dưới bóng bạch dương và ánh nắng. Bên kia, có bục sân khấu múa hát và người thổi sáo. Những tấm phản gỗ đặt gối và đệm, nơi dùng trà bên hồ nước. Theo phong tục phong lưu ở đây, chủ đem tặng khách mũ và áo bông rồi lại cùng nhau múa.
Đấy lại là một bài thơ nữa của Ba-ba.
Có phải không, chúng ta chẳng thể nghĩ trước ra được những gặp gỡ, những ý thơ đẹp đến như thế.
o O o
Sổ tay của tôi:
“Tỉnh Bắc Ca-dắc-xtan - tỉnh lỵ Pê-tơ-rô-pa-lốp, sông Y-xim cạn nước ngày trước ngang qua phố. Năm 1924, có một nhà máy điện 20 công nhân. Bây giờ; ống dẫn nước đi khắp tỉnh cộng lại vào loại dài đứng đầu trong tất cả các tỉnh trên thế giới ở đồng hoang và sa mạc. Sông Y-xim bây giờ chan chứa nước, như cái hồ dài.
Các nông trường khai hoang đều đều nhau về diện tích: mỗi cái hai triệu mẫu. Lúa một tỉnh này bằng lúa cả nước Ca-dắc-xtan mỗi mùa trước kia. Mỗi năm bây giờ nước Cộng hòa Ca-dắc-xtan góp cho toàn Liên Xô một phần mười lúa mì, mặc dầu diện tích Cộng hòa Ca-dắc-xtan chỉ bằng hai phần trăm diện tích toàn Liên Xô.
Tạm biệt An-ma A-ta, đêm đêm vì hoa, vì người, vì nước chảy và sáng điện vào các cửa sổ như hội trong ánh trăng.
Tôi trở lại tỉnh bắc Ca-dắc-xtan.
Vẫn mênh mông qua những cánh đồng xanh vừa gieo, những rừng bạch dương sáng bạc. Những cánh đồng và những con đường dài không biết đến tận đâu, những hồ nước lấp lánh như những con mắt rất đỗi ngạc nhiên vừa mở ra trên vùng đất hoang xưa kia. Thỉnh thoảng, gặp một tấm biển nhỏ, có dòng chữ Vũ Thắng 25... mới nhớ dầu mình đi trong mênh mang đến thế cũng vẫn giữa đất trời những cánh đồng Vũ Thắng nông trường Pô-lu-đin-xki.
Tối hôm ấy, chúng tôi về huyện lỵ Bô-va-y-xki.
Đọc bút ký Đất hoang của đồng chí L.I. Brê-giơ-nép, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, được biết thời kỳ ở Ca-dắc-xtan, đồng chí ấy đã ở và làm việc nhiều trong vùng huyện khai hoang này.
Đón chúng tôi, vẫn trước nhất, các em học sinh tíu tít chạy ùa ra với những bó hoa dơn đỏ, hoa hồng dại hái ngoài đồng, một cụ già trịnh trọng đưa khách nếm bánh mì và muối đựng trên khay phủ mảnh lụa trắng.
Tôi hỏi:
- Thưa cụ, cụ năm nay được bao nhiêu tuổi trời?
- Tám mươi tuổi.
Cụ nói thêm, dõng dạc:
- Báo cáo đồng chí Việt Nam, tôi tên là Mác Páp-vô-lô-vích Ni-cô-len-cô, Giám đốc đầu tiên của nông trường này.
Tôi có nhớ tên cụ đã được nhắc nhiều lần trong tập bút ký Đất hoang.
Tối hôm ấy, bữa ăn tại nhà cụ Ni-cô-lai giản dị, thân mật. Người ta chỉ việc dẹp cái đi-văng vào một góc để kê bàn. Trên tường, những ảnh gia đình in vào đĩa, treo lác đác. Ngay lối vào, một tấm thảm trang trí hoa lá kiểu U-krai-na - có lẽ cụ mang từ quê cũ tới, màu đỏ đã nhạt.
Trên bàn ăn, có món cá diếc nướng - ai cũng trầm trồ giới thiệu cá diếc này đánh ở hồ của nông trường.
Tôi lại nhớ những bữa ăn trong lều bạt ở nông trường vừa mới được đặt tên là Cát-kê-liên-xki ngày trước thường có món dưa hấu muối. Dưa hấu muối ấy được tải về từ vùng quanh An-ma A-ta, cách đấy hàng nghìn ki-lô-mét, phải đem muối lên để dành ăn được lâu.
Cụ Ni-cô-lai thật hào hứng kể lại những ngày đầu tiên. Cũng như nghìn vạn con người đến đây lập nghiệp, nhưng mỗi người một kỉ niệm khác nhau.
Hình như đầu tiên đến nơi hoang vu này, ai cũng đi một mình. Ông kỹ sư nông nghiệp Ni-cô-lai đã đến tuổi hưu, thế mà ông sẵn sàng rời U-krai-na quê hương đi khai phá đất mới. Ít lâu, bà Ni-cô-lai tới, đem theo hai con. Sáu năm sau, người con trai lớn tốt nghiệp đại học nông nghiệp Ki-ép cũng về đây.
Cụ Ni-cô-lai trỏ đồng chí Giám đốc nông trường, đồng chí Vla-đi-mia Mô-cô-vích Ni-cô-len-cô, người đã đón khách từ lúc chúng tôi vào địa phận nông trường.
Cụ nói:
- Nó đấy!
Thì ra một đời nông trường hai mươi năm đã là bước công tác nối tiếp của bố và con.
Tôi hỏi:
- Cụ thấy công việc bây giờ với ngày trước thế nào?
Cụ Ni-cô-lai hôm nay vui. Màu rượu lên đỏ sẫm cả mặt, chỉ còn bộ ria trắng phơ.
Cụ cười hê hê.
- Có nhiều việc tôi không hiểu.
Tôi mỉm cười, ý chưa rõ câu cụ nói.
- Bây giờ to lớn quá, nhiều cái khó quá, tôi không hiểu thật.
Tôi hỏi:
- Thưa cụ, chắc cũng không bằng những ngày đầu.
Lát sau, cụ mới nói:
- Mỗi thời có cái khó khác nhau và cái nào cũng đều khó cả. Chỉ có quyết tâm giống nhau thôi. Bấy giờ chúng tôi có độ một trăm người hăng hái, bây giờ nông trường gồm trên bốn vạn người thì làm sao tôi hiểu được.
Rồi cụ ngửa người ra ghế, lại cười hê hê, vẻ thoải mái lạ. Cụ Ni-cô-lai không hả hê sao được! Cả huyện có mười hai nông trường - cái tên huyện cũng chỉ mới có từ khi xuất hiện các nông trường. Bây giờ huyện có hai mươi trường học, nông trường nào cũng có câu lạc bộ, nhà văn hóa, bệnh viện, ống dẫn nước, ống dẫn khí đốt, công nhân đi làm đồng có ô tô đưa.
Hai mươi năm trước, tốp đầu tiên đến khai phá, cái roi đuổi bò cũng không có, mùa đông không làm sao đưa được bò đi ăn cỏ đồng xa. Bây giờ, nông trường này đương phấn đấu đạt mức sống như thành phố.
o O o
Nhà khách huyện ở giữa vườn, như căn nhà hai tầng xinh xắn của mọi công nhân nông trường. Cũng giống túp nhà những “mô-ten” [1] bên đường cho khách du lịch ghé nghỉ đêm. Hình như trong vườn có những cây bạch dương. Tôi không rõ bóng sáng lao xao kia là ánh trăng hay màu phấn trắng ở thân cây bạch dương càng về đêm càng tỏa ra một màu bàng bạc mờ ảo.
Nhà khách, một căn nhà kiểu Nga cổ kính, vách gỗ chắc chắn mà thoáng. Khác nào tôi đương ở căn nhà cây miệt vườn bờ sông Hậu, khuya nghe cá tra ăn đàn trong lạch nước giữa những hàng cau, hàng quít lên đớp ánh trăng, tiếng tóp tép thành làn sóng nhẹ nhẹ đu vào giấc ngủ.
Tôi bỗng thấy một mùi hoa. Mùi thơm nhẹ nhẹ từ phía mặt đất lên. Tôi cúi xuống. Ngoài song cửa, mùi thơm từ đấy. Tôi cúi xuống nữa, tôi trông thấy những bông hồng trứng gà, mỗi cánh vàng đương nở, lại như trông thấy cả làn hương ngào ngạt đương dâng lên.
Hoa hồng và mùi thơm trong ánh trăng vẫn yên tĩnh như thế. Bây giờ, tôi ngồi tìm xem đốm nào đốm hồng vàng, đốm nào đốm ánh trăng từ vòm lá bạch dương rơi xuống, vẫn như thế, nhưng trong tôi đã tan những cảm giác hiu quạnh lúc này dắt tôi về đêm hồng hoang. Đây trong lặng im có mùi hoa hồng. Hoa hồng của người, của mình, ở đâu có người mới có hoa hồng.
Quả là hai chữ “đất hoang” đương là những kỉ niệm. Tôi hiểu sâu hơn ý nghĩa ấy. Đất cày sâu cuốc bẫm ở đây đã có hoa hồng của người, ở cửa sổ tôi.
Rừng các lâm trường trồng bao phủ quanh thành phố - ở các nông trường, các thị trấn, những dải rừng bạch dương lên đều tăm tắp. Ở vùng khai hoang, chỉ là những rừng mới trồng. Xưa kia, đây toàn có đất cỏ cằn. Từ khi khai hoang, người mới đem hoa và đem rừng đến.
Có thể trông cây quanh thị trấn mà nói ra tuổi rừng. Cánh rừng già nhất ở đây cũng chỉ độ tuổi hai mươi.
Các thị trấn cùng một phong cảnh từa tựa nhau. Đường ô tô qua từng lớp bạch dương. Rừng trồng phía bắc để chống bão cát bão tuyết. Các phía khác, chỉ thoáng gặp rừng, đồng cỏ và những hồ đào để nuôi cá. Ánh nước mặt hồ lóng lánh bóng rừng. Nghìn xưa chưa hề có rừng và hồ như thế ở đất hoang.
Mỗi ngôi nhà trong thị trấn một kiểu khác nhau. Nhưng cũng giống nhau: mọi nhà đều ở giữa vườn, mỗi tòa nhà hai tầng một gia đình. Nhà nào cũng tầng dưới: bếp, tầng nhà ăn, phòng khách, tầng trên, phòng ngủ. Bây giờ đương mùa củ cải.
Những luống củ cải tím nổi lên mặt đất, tròn xoe, cạnh cụm hoa lay-ơn đỏ và những luống hồng vàng. Và kiến trúc nhà trong một phố mà khác nhau. Cái mái nhọn. Cái cửa tròn. Cái ô vuông. Hàng hiên cũng thế: hiên vòm, hiên ngang, hiên quanh nhà. Ở các vùng quê châu Âu mỗi nơi thường một kiểu nhà thuận tiện và thích hợp nhưng mỗi vùng một khác. Ở đây, chỉ mỗi dãy phố đã một cung cách nhà khác nhau rồi.
Trên mặt tường một nhà, trông thấy đắp dòng chữ: Grudia 1970.
Đồng chí ấy bảo tôi:
- Công nhân Tơ-bi-lít-sy đã lên xây cho nông trường dãy nhà này.
Nếu thế thì quả là phong tục mới thật đẹp. Ngày trước, lần ấy tôi đến thành phố Tắc-ken, sau một tai nạn động đất khủng khiếp. Hầu như cả thành phố sập xuống. Nhưng bên cạnh những hoang tàn, những bức tường trình cổ lỗ của ngôi nhà một tầng còn nứt toác, đã vô số những bức tường mới mọc, có tường trang trí hoa lá cải cúc U-krai-na, có mái nhà nghiêng kiểu Lát-vi-a, kiểu Nga... Ấy là các nước Cộng hòa toàn Liên Xô đã gửi công nhân tới nhanh chóng xây dựng lại thủ đô nước Cộng hòa U-dơ-bê-ki-xtan. Từ đấy, Liên bang Xô Viết thành phong tục hay. Người thành phố khắp nước xung phong đi xây nhà cho các thị trấn mới khai sinh ở các vùng đất hoang. Ki-ép 1972, Ta-lin 1967, Ô-đét-xa 1972... Những phố phường ở nơi tận cùng khuất nẻo cũng chan hòa tình cảm cả nước một lòng.
Tôi vào chơi nhà gia đình Ăng-đrê. Ông Ăng-đrê là lính xe tăng trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, giải ngũ về đây làm công nhân lái máy kéo. Bây giờ ông đã về hưu. Dãy phố này của công nhân thành phố Ba-ku lên xây năm 1975. Người A-déc-bai-dăng không để lưu niệm bằng những hàng chữ đắp trên tường, mà công nhân thành phố dầu hỏa, khi làm xong nhà đã khiêng về một tảng đá to tướng chôn nổi ngay ở lối cửa vào - như con chó đá giữ nhà của phong tục cổ Việt Nam.
Vườn nhà, một nửa để cỏ mọc, nửa trồng hoa. Trong hàng rào, một đàn dê chạy lăng xăng. Con dê mẹ đương độ căng sữa, những bầu vú lúc lỉu vắt va vắt vẻo. Đàn gà lúi húi cuối vườn, cạnh con bò mẹ và một chú bê. Hai chiếc xe đạp trẻ con dựng cạnh gốc bạch dương bên cạnh. Bọn trẻ vứt xe đấy rồi chạy chơi đâu không biết.
Luống hồng trứng gà đương nở, cánh hoa vàng đậm những nhánh gai hồng và nõn đỏ hây, giương lên như vây cá chép. Ngay lối vào, bà Ăng-đrê gầy gò mảnh khảnh ngồi trước cái bếp ga trắng loáng. Nồi xúp trên bếp sôi sùng sục. Bà đương chăm chú đọc tạp chí “ Văn học nước ngoài ” số mới ra tháng bảy.
Vợ chồng người con đã đi làm. Ông bà Ăng-đrê cũng không ở đây - mẹ và bố ở phố bên kia. Tối nay, bởi nhà con có bữa ăn vui, mẹ đến giúp làm bếp.
Tôi hỏi:
- Có phải ngày sinh nhật?
- Không, hôm qua Mi-khai đi săn được con thỏ rừng.
Con trai ông bà Ăng-đrê làm nghề lái xe. Hai bố con chỉ thích đi săn. Phòng khách trong nhà, trên tường la liệt những bộ lông phượng hoàng đất, con bồ nông, con cáo đuôi dài, một con hoẵng được nhồi rơm, có đôi sừng mỏng mảnh, đứng tròn mắt nhìn ra. Những kỉ niệm chiến công của người đi săn.
Giữa nhà, để chiếc máy vô tuyến truyền hình. Tủ lạnh bên bàn ăn đầu bếp. Cạnh đấy, còn một khung vuông, phủ vải hoa, tôi không đoán được cái gì.
Bà Ăng-đrê cười nói:
- Cái máy rửa bát.
Tôi cũng cười:
- Thế thì nhà bà Ăng-đrê ở xa Mát-xcơ-va hàng vạn ki-lô-mét cũng không khác nhà thành phố.
- Chúng tôi vẫn còn thiếu.
Rồi bà nói:
- Chúng tôi đã gửi tiền mua ô tô mà chưa được trả lời.
Tôi được biết ở các thị trấn nông trường nhiều người đặt mua ô tô. Người ta có tiền, và cũng vì tiện lợi nữa. Mỗi thị trấn nông trường thường cách nhau hàng mấy chục, hàng trăm ki-lô-mét. Đi mô tô chỉ được hai ba người. Những ngày nghỉ, cả nhà muốn đi chơi...
Bà Ăng-đrê nói:
- Tôi đã đọc truyện ngắn Người ven thành của đồng chí, hôm nay mới gặp...
Tôi ôm hôn, cảm ơn bà.
Bà hỏi:
- Tình hình biên giới phía bắc Việt Nam thế nào?
Tôi im lặng. Một người yêu văn học nước ngoài như bà Ăng-đrê, tôi biết trả lời thế nào và chỉ trông mắt bà nhìn khách, đuôi mắt nhăn nheo, quầng thâm - con mắt của người đã trải Cuộc chiến tranh Thế giới vừa qua, tôi hiểu như bà đã cảm thông cả đến sự lặng im của tôi.
Bà Ăng-đrê hái hai bông hồng vàng trong vườn cài lên áo tôi.
Tôi ra ngoài cửa. Người con trai ở xưởng xe đầu phố biết tin nhà có khách, anh tất tả chạy về.
Anh hỏi:
- Tối nay đồng chí nghỉ ở đâu?
Rồi nói:
- Thế nào cũng đến làm khách nhà tôi. Thịt thỏ rừng ngon lắm.
Tôi chỉ biết cười trả lời.
Tôi vào nhà anh Tôm-bôn-xki ở phố khác. Tôm-bôn-xki theo bố mẹ đến nông trường, từ thuở học cấp một, bây giờ đã thành anh thợ điện. Nhà anh... tủ lạnh, máy giặt, máy truyền hình... Con bò sữa và con bê... vườn hoa hồng vàng...
Tôm-bôn-xki cũng từ phân xưởng về nằn nèo mời “Thế nào tối nay cũng trở lại làm khách của gia đình tôi”.
Tôi không biết trả lời thế nào. Nhưng nói chuyện ăn uống thì bao giờ cũng vui và có những nụ cười gặp nhau.
Trường cấp một số 5 của thị trấn.
Các cháu xúm lại. Một em trai tóc hoe, miệng có chiếc răng sứt, nghiêng đầu nhăn nhó, và nghịch ngợm nữa, hỏi tôi. Tôi ngạc nhiên và cảm động vì sự hiểu biết của em.
Em hỏi:
- Bác là người nước nào?
- Việt Nam.
Em ngẩn ngơ, nghĩ ngợi, rồi hỏi nữa:
- Ở Việt Nam còn chiến tranh không?
Tôi rưng rưng vuốt tóc em. Em bé thông minh, hỏi một câu tự nhiên, mà tôi buồn thấm thía lạ lùng. Chiến tranh bao trùm đằng đẵng trên đất nước và dân tộc tôi, cả đến em bé tám tuổi ở nơi xa xôi thế này cũng biết. Tôi không muốn nói: Đất nước tôi còn chiến tranh, cháu ạ. Bọn giặc Tàu... Tôi lại im lặng.
Những chiếc xe chở khách từ các ngả đường đưa công nhân trở về trong phố. Các chị xuống xe tất tả về nhà ngay. Đám thanh niên kéo từng bọn đến các nhà tắm hơi. Tôi theo các bạn trẻ đi tắm hơi. Tắm hơi là một cái thích đã thành thói quen từ mấy năm nay.
Tắm kiểu Thổ và Phần Lan, người ta vào ngồi trong buồng hơi. Tắm Nga, còn thêm tay cầm bó cành lá long não non đập lên mình mù mịt khói nước. Tắm hơi ra, như người sốt được xông nồi nước lá của bà hàng lá trại Hàng Hoa, người nhẹ thảnh.
Bữa ăn chiều nay đông vui nhất, nhưng vẫn những món ca-dắc cổ truyền. Những tảng thịt ngựa kho nhạt, thớ nổi như giò hoa.
Nước xuýt cừu. Có mứt, sữa ngựa, chè sữa ngựa.
Những trái táo đỏ, táo vàng đã được cắt như đóa hồng nở, bày giữa bàn với những bình hoa hồng vàng, thật ý nhị - không khéo thì cầm miếng táo lên lẫn cả hoa.
Lại như hôm uống rượu với cụ Ni-cô-lai. Cái đầu cừu thui đen sì được bưng vào. Chủ tiệc mời khách xẻo một miếng trước. Khách đưa cho người thứ hai. Rồi đến lượt người thứ ba lóc thịt cả đầu cừu chia đều cho khách trong tiệc, mỗi người một miếng.
Tôi cắt miếng tai. Tai cừu non giòn, thơm như thịt bò thui chưa lột bì - khách xa bỗng nhớ mùi tương gừng bò thui.
Tối hôm ấy, chúng tôi nghỉ lại ở một trường học, trường cấp hai số 8. Trường có giường cho học sinh nghỉ trưa. Nông trường này cái gì cũng đầy đủ, nhà tắm hơi, quán ăn, tủ lạnh và máy giặt từng nhà, thế mà nông trường lại không có nhà khách. Bởi đây không phải nơi khách thường lui tới tham quan. Đây chỉ là một nông trường bình thường trong hàng nghìn nông trường khai hoang khắp nước Ca-dắc-xtan.
Cửa sổ nhà nghỉ của trường học trông thẳng ra cánh đồng. Chiều xanh vắng ngắt vắng ngơ. Càng rõ tiếng máy nổ chậm chậm đều đều phía đầu đầm nước.
Một ông già chống gậy đứng bên một con chó béc-giê, quay nhìn ra hồ. Những cái vòi phun mưa bụi xuống một vùng ruộng dưa chuột, cà chua và khoai tây.
Tôi bước ra.
- Cụ ơi, chỗ này là nhà gì?
- Nhà làm việc của kỹ sư thủy lợi.
Xung quanh im lặng. Đã nhập nhoạng tối mà vẫn trông thấy những sợi bông hoa “tuyết mùa hè” bay phân vân trắng ngang trời.
Trên bậc thềm, trong cánh cửa phòng làm việc có gắn chiếc gương nhỏ. Tôi đoán được phòng làm việc ấy chắc của một kỹ sư nữ. Vừa lúc, tiếng mô tô rền từ đằng xa lại. Một cô gái trắng nõn, đầu đội mũ nhựa vàng, ghé xe ngay bên thềm.
Ông già nói:
- Đồng chí kỹ sư đây.
Cô kỹ sư chào khách, rồi nói:
- Vâng, gọi thân mật tôi là Giê-na, tôi người Mát-xcơ-va, kỹ sư thủy lợi, bây giờ kiêm cả trồng trọt.
- Đồng chí đi đâu về?
- Tôi ra vườn ươm cây. Chuẩn bị cây để mai các đồng chí sẽ trồng lưu niệm cho công viên nông trường chúng tôi. Đấy, máy nổ sắp chuyển sang bơm nước lên phía ấy. Khu đất này sẽ thành công viên hữu nghị của nông trường chúng tôi.
Tôi cười:
- Mười năm nữa, nếu tôi trở lại đây, chắc bấy giờ đồng chí kỹ sư đã là Giám đốc nông trường.
Cô cười lúm cả hai má đồng tiền.
Và trả lời tự nhiên:
- Cũng có thể. Xin mời đồng chí trở lại. Lúc bấy giờ nông trường chúng tôi còn mở rộng hơn bây giờ nhiều. Điều ấy thì chắc chắn.
Người ta bảo bên kia cánh đồng là đường đi tới Ôm-scơ, tới Goóc-si-tốp, những thành phố của rừng Tai-ga Xi-biếc. Hãy nhớ đây là tây Xi-biếc, cửa phía bắc Ca-dắc-xtan, vùng đất hoang nghìn xưa.
Cô kỹ sư Giê-na nói:
- Nhưng mà bên ấy bây giờ cũng không còn đất hoang. Nông trường “Thanh niên cận vệ” của tỉnh Ôm-scơ gần đây nhất.
Lúc nãy, đi qua một cánh đồng mới gieo. Xung quanh và đằng xa, chỉ có mình và mênh mông tưởng như không cùng.
Nhưng đầu cánh đồng thấy chiếc bảng cắm, đề chữ:
Đội 2
Cánh đồng 27
Lúa mạch
Diện tích 379 mẫu
Gieo ngày 18-5-1979
Dòng chữ và con số đã khiến nơi quạnh vắng bỗng như đông đúc, đầm ấm hẳn lên.
Đêm xuống cứ vắng lặng mênh mông dần ra. Tưởng như chỉ có hơi đêm ghê rợn trong đêm hoang.
Nhưng đã có mùi hoa hồng của người trồng. Có khi đấy là mùi thơm những luống hồng vàng của cô kỹ sư Giê-na trồng ngoài song cửa.
Mát-xcơ-va & Hà Nội
Năm thứ 62 cách mạng Tháng Mười
[1] Mô-ten: Những túp nhà nhỏ cho khách du lịch nghỉ trên đường đi.
Ký Ức Phiên Lãng Ký Ức Phiên Lãng - Tô Hoài Ký Ức Phiên Lãng