Nếu bạn nghĩ bạn có thể hay không có thể, cách nào thì bạn cũng đúng cả.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Paul Auster
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3351 / 199
Cập nhật: 2017-09-12 19:28:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
huyện xảy ra ở Paris, năm 1965, trải nghiệm đầu tiên của anh về những khả năng vô hạn trong không gian hữu hạn. Qua cơ hội gặp gỡ một người lạ mặt trong một tiệm cà phê, anh được giới thiệu với S.. A. chỉ mới mười tám tuổi vào thời điểm ấy, đang nghỉ mùa hè giữa trung học và đại học, và anh chưa bao giờ đến Paris trước đó. Đây là những ký ức đầu tiên của anh về thành phố ấy, nơi anh trải qua một phần lớn cuộc đời sau này, và họ dính chặt không thoát ra nổi với ý tưởng về một căn phòng.
Place Pinel nằm trong quận nội thị thứ mười ba, nơi S. sinh sống, giữa những người thuộc tầng lớp lao động, và thậm chí là chốn lưu lại những dấu ấn cuối cùng của Paris xưa – Paris mà ta vẫn nói đến nhưng không còn tồn tại ở đó nữa. S. sống trong một không gian nhỏ đến mức thoạt đầu nó như muốn chống lại bạn, ngăn cản việc bị bước vào. Sự xuất hiện của một người cũng làm căn phòng chật chội, hai người thì sẽ làm nó nghẹt luôn. Chuyện di chuyển trong nó mà cơ thể bạn không va phải những chiều kích nhỏ nhất, tâm trí bạn không va phải những điểm cực kỳ nhỏ nhoi mà nó chứa đựng là điều không thể. Chỉ khi nào bắt đầu thở được thì bạn mới cảm thấy căn phòng nở rộng ra, và để tâm trí bạn khám phá những khoảng với quá xa, không thể dò được của không gian ấy. Khi đã có toàn bộ vũ trụ trong căn phòng ấy, một hệ không gian thu nhỏ chứa đựng tất cả những gì mênh mông nhất, xa xôi nhất, không được biết đến nhất. Đó là một cái đền, không lớn hơn cơ thể con người là mấy, nhưng trong nghĩa tụng ca thì nó có ý nghĩa cao hơn cơ thể: sự hiện diện cho thế giới nội tại của một con người, thậm chí đến từng chi tiết nhỏ nhất. S. thực sự đã tập hợp quanh mình những thứ có bên trong ông. Căn phòng ông sống là không gian đáng mơ ước, và các bức tường của nó giống như làn da của một cơ thể thứ hai ôm quanh anh, như thể cơ thể chính anh đã được chuyển hóa trở thành trí óc, một thứ khí cụ của thứ suy nghĩ tinh khiết nhất. Đó là dạ con, là bụng của con cá voi, chốn khởi nguyên của trí tưởng tượng. Bằng cách đặt mình vào bóng tối ấy, S., đã phát minh ra cách mơ với đôi mắt mở.
Là một cựu sinh viên của Vincent D’Indy[12], S. đã từng được coi là một trong những nhà soạn nhạc đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, trong suốt hai mươi năm, không một bản nhạc nào của ông được biểu diễn nơi công cộng. Ngây thơ trong tất cả mọi điều, nhưng đặc biệt là về chính trị, ông đã phạm sai lầm khi cho hai bản nhạc của mình được biểu diễn tại Paris trong thời gian chiến tranh – Symphonie de Feuvà Hommage à Jules Verne, mỗi bản yêu cầu phải có sự tham gia của hơn một trăm ba mươi nhạc công. Đó là vào năm 1943, thời quyền lực của quân chiếm đóng Nazi vẫn còn mạnh nhất. Khi chiến tranh kết thúc, mọi người kết luận rằng S. là kẻ đồng lõa, và cho dù chẳng có gì để suy diễn xa hơn từ sự thật, ông đã bị dán nhãn đen trong nền âm nhạc nước Pháp – bằng những lời bóng gió và sự đồng tình trong im lặng, chứ không phải là sự công kích trực tiếp. Dấu hiệu duy nhất cho thấy có đồng nghiệp nào đó vẫn nhớ tới ông là tấm thiệp Giáng sinh ông vẫn nhận được từ Nadia Boulanger[13].
Là một kẻ nói lắp, một người đàn ông trẻ con rất dễ bị vang đỏ dụ dỗ, ông quá thiếu mưu mẹo, quá ngốc nghếch trong thế giới hiểm độc, đến nỗi không thể tự bảo vệ mình khỏi những kẻ vu cáo giấu mặt. Ông chỉ đơn giản rút lui, giấu mình đằng sau mặt nạ của vẻ lập dị. Ông tự xưng mình là một mục sư dòng Chính thống (ông là người Nga), nuôi bộ râu dài, mặc áo chùng đen, và đổi tên là Abbaye de la Tour du Calame, cùng lúc ấy vẫn tiếp tục – thất thường, giữa những cơn ngẩn ngơ – với công việc của đời mình: ba bản nhạc giao hưởng, bốn bản hợp xướng phải mất mười hai ngày mới biểu diễn xong. Trong nỗi đau đớn của mình, trong những hoàn cảnh cùng khổ của đời mình, ông lại tìm đến A. và quan sát, lắp bắp trong tuyệt vọng, đôi mắt xám của ông lóe lên, “Tất cả mọi điều là một phép màu. Chưa bao giờ có thời đại nào tuyệt vời hơn thời đại này”.
Mặt trời không chiếu được vào phòng ông ở Place Pinel. Ông che kín cửa sổ với những bộ quần áo màu đen nặng nề, và chút ánh sáng đến từ những chiếc đèn mờ ảo được xếp đặt có mục đích. Căn phòng không rộng hơn một toa xe lửa hạng hai, và ít nhiều có chung hình dạng: hẹp, trần cao, với một cái cửa sổ duy nhất ở phía cuối. S. đã nhồi nhét vào chốn bé xíu này với cơ man đồ đạc, đống đổ nát của toàn bộ cuộc đời: sách, ảnh, bản thảo, những vật quý giá riêng tư – tất cả những thứ có dấu ấn gì đó với ông. Các giá sách, chất chen chúc với đống đồ đạc ấy, đầy đến tận trần nhà ở cả bốn bức tường, cái nào cũng ọp ẹp, cũng võng xuống, cũng ngả vào bên trong, như thể chỉ cần một chút chao đảo thoảng qua cũng phá tan cấu trúc ấy và khiến cả núi đồ đạc đổ ào xuống người ông. S. sống, làm việc, ăn, và ngủ trên giường. Ngay bên trái ông, được đóng khít vào tường, là một bộ giá nhỏ kín đáo, chứa tất cả những gì ông cần để sống qua ngày: bút mực, bút chì, mực, giấy viết nhạc, hộp đựng thuốc lá, máy phát thanh, dao gọt bút chì, chai rượu vang, bánh mì, sách, kính lúp. Bên phải là một cái quầy bằng kim loại với một chiếc khay gắn bên trên nóc, thứ ông có thể kéo vào kéo ra, về phía chiếc giường hoặc đẩy ra xa, và đó là thứ ông sử dụng vừa làm bàn ăn vừa là bàn làm việc. Đây là cuộc sống như Crusoe từng sống: đắm tàu giữa trung tâm thành phố. Ở đó chưa có điều gì S. chưa nghĩ đến. Trong cảnh bần hàn, ông đã xoay xở cung cấp cho nhu cầu bản thân hiệu quả hơn nhiều nhà triệu phú làm được. Bằng chứng không thể chối cãi, ông là một người theo chủ nghĩa hiện thực, thậm chí trong vẻ lập dị của mình. Ông đã nghiên cứu xuyên suốt bản thân để biết điều gì cần thiết cho sự sống sót của mình, và ông chấp nhận những lời châm chọc như một điều kiện của cuộc sống. Trong thái độ của ông chẳng có gì là hèn nhát hay giả dối, không có gì cho thấy một sự trốn tránh kiểu ẩn dật. Ông ca tụng tình trạng của mình với lòng say mê và nhiệt huyết vui tươi, và khi A. nhìn lại điều ấy vào lúc này, anh nhận ra mình chưa từng thấy ai cười sảng khoái và thường xuyên đến thế.
Bản nhạc vĩ đại mà S. đã dành suốt mười lăm năm qua để soạn, vẫn còn lâu mới đến đoạn hoàn tất. S. nói về nó như một “tác phẩm đang trong quá trình thực hiện,” cố tình bắt chước Joyce, người ông hết sức ngưỡng mộ, hoặc không thì như Dodecalogue, thứ mà ông miêu tả là tác-phẩm-để-hoàn-thành-cần-hoàn-thành-trong-quá-trình-thực-hiện. Xem ra ông không bao giờ hình dung ra việc mình hoàn thành bản nhạc. Ông dường như chấp nhận sự không tránh khỏi của thất bại như một tiên đề thần học, và điều mà với kẻ khác là một sự thất vọng bế tắc thì với ông chỉ là một khởi nguồn của niềm hy vọng vô tận đầy viển vông. Ở một vài khoảnh khắc trước đó, có thể là ở khoảnh khắc đen tối nhất, ông đã coi cuộc sống của mình ngang bằng với sự sáng tạo, và giờ ông không còn có thể phân biệt được hai thứ đó với nhau. Mọi ý tưởng đều tràn vào tác phẩm của ông; ý tưởng trong sáng tạo trở thành mục đích trong cuộc sống. Để thấu triệt được những điều trong lãnh địa của những khả năng – một tác phẩm có thể sẽ được hoàn thành, và vì thế tách rời khỏi bản thân ông – có thể sẽ phá hỏng mất cấu trúc đó. Vấn đề là phải chịu thiếu thốn, nhưng ông đã chịu như vậy để làm được điều lạ thường nhất mà ông có thể yêu cầu cho bản thân mình. Kết quả cuối cùng, nghịch lý thay, là lại là sự hèn mọn, một cách để gá sự nhỏ nhoi của ông trong mối quan hệ với Chúa. Chỉ có trong trí óc của Chúa thì những giấc mơ như của S. mới trở thành sự thật. Nhưng bằng cách mơ mộng theo lối của mình, S. đã tìm được cách trở thành một phần của tất cả những điều vượt cao trên ông, kéo ông thêm một vài nấc về phía gần tới trung tâm của sự vĩnh cửu.
Trong vòng hơn một tháng mùa hè năm 1965, A. tới thăm S. từ hai tới ba lần mỗi tuần. Anh không biết ai khác ngoài ông ở thành phố đó, và vì thế S. trở thành người dẫn đường cho anh ở nơi ấy. Anh có thể hoàn toàn biết chắc rằng S. sẽ đón anh, chào anh đầy nhiệt tình (phong cách Nga; ba nụ hôn lên má: trái, phải, trái), và còn hơn cả hăm hở để được nói chuyện. Nhiều năm sau, vào thời điểm suy sụp lớn trong đời tư, anh nhận ra điều đã liên tục kéo anh đến những cuộc gặp với S. là chúng cho phép anh được trải nghiệm, lần đần tiên trong đời, cảm giác có một người cha.
Cha ruột của anh là một con người xa lạ, gần như luôn vắng mặt mà anh chỉ có chút ít điểm chung. S., về phần ông, có hai đứa con trai đã trưởng thành, và cả hai đều ngoảnh mặt khỏi tấm gương ông tự tạo ra và lĩnh hội với một thái độ nghiệt ngã, không khoan nhượng đối với thế giới. Bên trên sự giao tiếp đầy tự nhiên tồn tại giữa họ, S. và A. cùng khơi gợi ra một nhu cầu đồng nhất: một người cần đứa con trai chấp nhận mình như là chính mình, kẻ kia cần một người cha chấp nhận mình như là chính mình. Chuyện này còn được nhấn mạnh thêm vì nét tương đồng trong ngày sinh: S. sinh ra cùng một năm với cha A.; A. cùng năm với đứa con trai nhỏ của S.. Với A., S. đã giúp anh thỏa mãn nỗi khao khát có một người cha với một sự kết hợp kỳ lạ giữa lòng bao dung và kỳ vọng. Ông lắng nghe anh với thái độ nghiêm túc và coi việc phấn đấu trở thành một nhà văn của anh như một việc hiển nhiên mà một thanh niên có thể hy vọng làm được. Nếu cha của A., với tác phong tồn tại đầy xa lạ, đóng kín bản thân giữa thế giới, đã làm A. cảm thấy đời mình thật vô dụng, như thể chẳng có gì anh làm có thể tác động được đến ông, S., với bản tính dễ tổn thương và nghèo nàn của mình, cho phép
A. trở thành điều cần thiết đối với ông. A. mang thức ăn tới cho ông, cung cấp rượu và thuốc lá cho ông, đảm bảo ông không bị đói – điều rõ là một mối nguy hiểm thực sự. Đó chính là một đặc điểm của S.: ông không bao giờ hỏi xin ai bất cứ điều gì. Ông chờ đợi thế giới đến với ông, giao phó sự cứu giúp cho may rủi. Sớm hay muộn thì ai đó cũng sẽ xuất hiện mà thôi: vợ cũ, một đứa con trai, một người bạn. Thậm chí sau đó, ông cũng chẳng hỏi. Nhưng ông cũng chẳng từ chối.
Mỗi lần A. đến với một bữa ăn (thường là gà quay, từ một quầy thịt ở Place d’Italie), thì nó sẽ trở thành một bữa yến tiệc giả đò, một lý do để ăn mừng. “A, thịt gà,” S. reo lên, cắn vào miếng đùi. Và rồi reo lên lần nữa, khi nhai miếng thịt, nước thịt chảy xuống râu của ông: “A, thịt gà,” với một một tràng cười như ma nhập, tự cáo lỗi, như để thức nhận sự mỉa mai trong nhu cầu của mình và khoái cảm không thể phủ nhận mà món ăn mang lại cho ông. Tất cả mọi điều trở nên kỳ cục và sáng bừng lên trong tràng cười ấy. Thế giới bị đảo ngược, quét trôi đi, và ngay lập tức tái sinh với sự mai mỉa siêu hình. Trong thế giới ấy không có chỗ cho những người không nhận thức được sự kỳ cục của chính mình.
* * *
Những cuộc gặp gỡ sau đó với S.. Những lá thư giữa Paris và New York, một vài tấm ảnh được trao đổi, tất cả giờ đều đã bị thất lạc. Trong năm 1967: một lần ghé thăm sau nhiều tháng. Vào thời điểm đó S. đã từ bỏ chiếc áo chùng thầy tu và lấy lại tên thật. Nhưng thứ trang phục ông khoác lên trong những chuyến du ngoạn nho nhỏ dọc các con khố ở khu ông ở cũng tuyệt tác không kém. Mũ bê-rê, áo sơ-mi lụa, khăn choàng, quần kẻ ô nặng nề, giày cưỡi ngựa bằng da, gậy chống bằng gỗ mun với tay nắm bạc: một hình ảnh về Paris qua con mắt Hollywood, thời 1920. Không có gì ngạc nhiên, có lẽ vậy, khi con trai của S. trở thành một nhà sản xuất phim.
Tháng Hai năm 1971, A. quay lại Paris, nơi anh sẽ ở lại trong vòng ba năm rưỡi. Cho dù anh không còn ở đó chỉ như một khách du lịch, điều này có nghĩa là thời gian lưu lại ở đây của anh được trả tiền, anh vẫn tới gặp S. như một thói quen bình thường, có thể là một tháng một lần. Mối liên kết vẫn còn ở đó, nhưng cùng với thời gian trôi qua, A. bắt đầu tự hỏi liệu thực tế đó có phải là ký ức về mối liên kết trước đây, hình thành từ sáu năm trước, chống đỡ cho mối liên kết trong hiện tại. Sự thể là sau khi A. quay lại New York (tháng Bảy năm 1974), anh không còn viết lá thư nào cho S.. Không phải là anh không nghĩ đến ông. Nhưng ký ức về ông, hơn là nhu cầu được tiếp tục liên lạc với S. trong tương lai, là điều giờ đây A. quan tâm. Bằng cách này anh bắt đầu cảm thấy, rõ như thể trong chính làn da anh, sự trôi đi của thời gian. Nó đủ để anh nhớ. Và điều này, trong chính bản thân nó, đã là một khám phá đáng kinh ngạc.
Và thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn nữa, là khi anh cuối cùng quay lại Paris (tháng Mười Một, 1979), sau khi biệt tích suốt năm năm, anh không thể tìm đến S..
Chuyện đó xảy ra bất chấp quyết tâm thực sự làm điều đó nơi anh. Mỗi buổi sáng trong nhiều tuần lưu lại đó, anh thức dậy và bảo với mình, hôm nay mình phải dành thời gian để gặp S., và rồi, khi ngày trôi qua, anh lại bịa ra những cái cớ để không tới gặp ông. Sự trốn tránh này, anh bắt đầu nhận ra, là một sản phẩm của sợ hãi. Nhưng sợ điều gì? Sợ việc bước trở lại với quá khứ của chính mình? Của việc phát hiện ra hiện tại trái ngược với quá khứ, và biến đổi nó, tiếp theo sẽ là phá hủy ký ức về quá khứ mà anh muốn giữ gìn? Không, anh nhận ra, không có gì đơn giản như thế. Vậy thì đó là cái gì? Ngày trôi qua ngày, và cuối cùng thì chuyện cũng trở nên rõ ràng. Anh sợ rằng S. đã qua đời. Thật vô lý, anh biết. Nhưng khi cha A. vừa mới chết chưa đầy năm trước, và vì S. đã trở nên quan trọng với anh trong mối liên hệ với suy nghĩ của anh về cha mình, anh cảm thấy cái chết của người này sẽ tự động kéo theo cái chết của người kia. Bất chấp những gì anh cố gắng tự nhủ, anh thực sự tin vào điều đó. Hơn hết anh nghĩ: Nếu mình đến gặp S., thì mình sẽ biết là ông đã chết; nhưng nếu mình tránh xa khỏi ông, điều ấy có nghĩa là ông còn sống. Vì vậy, bằng cách duy trì sự xa cách, A. cảm thấy mình đang giúp S. ở lại trong thế giới này. Ngày qua ngày, anh dạo quanh Paris với hình ảnh S. trong đầu. Một trăm lần trong ngày, anh tưởng tượng mình bước vào căn phòng nhỏ ở Place Pinel. Và cứ vậy, anh không thể nào dám bước chân tới đó. Đó là khi anh nhận ra mình đang sống trong trạng thái câu thúc cực điểm.
* * *
Lời bình luận thêm về bản chất của cơ hội.
Từ lần cuối anh gặp S., vào khoảng cuối những năm sống ở Paris (1974), một tấm ảnh đã được giữ lại. A. và S. đứng bên ngoài, cạnh cánh cửa dẫn vào nhà S.. Người này khoác vai người kia, và trên mặt họ tỏa ra ánh sáng không thể nhầm lẫn của tình bạn và tình đồng chí. Tấm ảnh ấy là một trong vài món vật kỷ niệm mà A. mang theo cùng mình đến căn phòng ở phố Varick.
Khi nghiên cứu lại tấm ảnh vào lúc này (đêm Giáng sinh 1979), anh chợt nhớ đến một tấm ảnh khác anh thường thấy trên tường nhà S., S. thời còn trẻ, có thể là mười tám, mười chín tuổi, đứng cùng với một cậu bé chừng mười hai, mười ba. Cùng với không khí của tình bạn ấy, cùng nụ cười, cùng tư thế tay choàng vai ấy. Cậu bé, S. đã kể cho anh, là con trai của Marina Tsvetayeva[14]. Marina Tsvetayeva, người đứng ngang hàng Mandelstam trong tâm trí A. như những thi sĩ vĩ đại nhất của nước Nga. Nhìn vào tấm ảnh năm 1979 này với anh là nhìn vào cuộc đời bất khả của bà, kết thúc khi bà treo cổ vào năm 1941. Trong nhiều năm giữa thời kỳ nội chiến và lúc qua đời, bà sống trong cộng đồng người Nga di cư tại Pháp, cũng là cộng đồng mà S. được nuôi lớn, ông biết bà và trở thành bạn của con trai bà, Mur. Marina Tsvetayeva, người đã viết: “Có thể đó là cách tốt hơn/ Để thống trị thời gian và thế giới/ Để đi qua mà không để lại dấu vết -/ Để đi qua và không để lại bóng hình/ trên những bức tường”; người đã viết: “Tôi không muốn điều này, không phải/ điều này (nhưng xin nghe đây, thật khẽ,/ muốn là điều các cơ thể làm/ và giờ chúng ta chỉ là những bóng ma)…”; người đã viết: “Trong thế giới hầu hết là tín đồ Công giáo này/ Tất cả thi sĩ đều là dân Do Thái.”
Khi A. và vợ anh quay lại New York năm 1974, họ chuyển tới một căn hộ ở đường Riverside. Trong số các hàng xóm của họ trong tòa nhà có một bác sĩ già người Nga, Gregory Altschuller, một người đang sắp sửa bước vào tuổi tám mươi, vẫn theo đuổi công việc nghiên cứu tại một bệnh viện của thành phố và là người, cùng với vợ mình, có mối quan tâm lớn với văn chương. Cha của bác sĩ Altschuller là bác sĩ riêng của Tolstoy, và ngự trên một chiếc bàn trong căn hộ ở phố Riverside là một tấm ảnh khổng lồ chụp đại văn hào với chòm râu, được đề tặng đầy đủ, với một bàn tay to không kém, dành cho người bạn và bác sĩ của ông. Trong cuộc nói chuyện với bác sĩ Altschuller con, A. biết được một điều khiến anh kinh ngạc không thua gì một hiện tượng phi thường. Trong một ngôi làng nhỏ ở ngoại thành Prague, cuối mùa đông năm 1925, người đàn ông này đã đỡ đẻ cho con trai của Marina Tsvetayeva: chính là đứa con trai sau này lớn lên thành cậu bé trong tấm ảnh treo trên tường nhà S.. Hơn thế nữa: đây là đứa bé duy nhất mà ông đỡ đẻ trong suốt sự nghiệp làm bác sĩ của mình.
“Chuyện xảy ra trong đêm,” bác sĩ Altschuller gần đây viết, “ngày cuối cùng của tháng Giêng, năm 1925… Tuyết đang rơi, một cơn bão khủng khiếp đã phủ trắng tất cả mọi thứ. Một cậu bé người Czech chạy đến chỗ tôi từ khu làng nơi Tsvetayeva sống cùng với gia đình mình, cho dù chồng bà không ở cùng bà vào lúc ấy. Con gái bà cũng đi với bố. Marina chỉ có một mình.
“Cậu bé hối hả chạy vào phòng và bảo: ‘Pani Tsvetayeva cần ông đến ngay chỗ bà vì bà đã trở dạ rồi! Ông phải nhanh nhanh lên, em bé sắp ra rồi.’ Tôi nói gì được đây? Tôi mau chóng mặc đồ vào đi xuyên qua rừng, tuyết ngập đến đầu gối, trong cơn bão gào rú. Tôi mở cánh cửa và bước vào. Trong ánh sáng lờ nhờ của chiếc bóng điện duy nhất tôi thấy một chồng sách nằm trong góc; chúng gần như chạm hẳn vào trần nhà. Đống rác tích lại trong nhiều ngày dồn ở góc phòng khác. Và Marina ở kia, hút thuốc liên tục trên giường, đứa bé đang trên đường ra. Hoan hỉ chào tôi: ‘Ông suýt nữa thì đến chậm!’ Tôi nhìn quanh phòng tìm một thứ gì đó sạch sẽ, một mẩu xà phòng. Không có gì, thậm chí một cái khăn tay sạch cũng không, không có lấy một mảnh gì. Bà đang nằm trên giường, hút thuốc và mỉm cười, nói: ‘Tôi bảo ông đỡ đẻ cho con tôi. Ông đến – và giờ là việc của ông, không phải của tôi’…
“Tất cả mọi việc diễn ra đủ suôn sẻ. Tuy nhiên, đứa bé, được sinh ra với một vòng dây rốn quấn quanh cổ khiến nó gần như không thở nổi. Nó trông xanh lè…
“Tôi hì hục làm hết khả năng để hồi phục chức năng hô hấp của đứa bé và cuối cùng nó cũng bắt đầu thở; nó chuyển từ xanh sang hồng. Trong suốt lúc ấy Marina chỉ hút thuốc, im lặng, không phát ra một âm thanh nào, nhìn chằm chằm vào đứa bé, vào tôi…
“Ngày hôm sau tôi quay lại và rồi tới thăm đứa bé vào mỗi Chủ Nhật trong suốt nhiều tuần lễ. Trong một lá thư (ngày 10 tháng Năm, 1925), Marina viết: ‘Altschuller điều khiển mọi việc liên quan đến Mur với niềm tự hào và tình yêu. Trước khi ăn, Mur uống một thìa nước chanh không đường. Cách ăn uống của thằng bé dựa trên công thức của giáo sư Czerny, người đã cứu mạng hàng nghìn đứa trẻ sơ sinh tại Đức suốt chiến tranh. Altschuller tới gặp Mur mỗi Chủ Nhật. Gõ lên người, thính chẩn, làm mấy việc đo lường tính toán. Rồi ông ghi lại cho tôi cách cho Mur ăn trong tuần tới, cho cháu ăn gì, bao nhiêu bơ, bao nhiêu chanh, bao nhiêu sữa, làm sao để từ từ tăng cân nặng lên. Lần tới thăm nào ông cũng nhớ lần trước ông đã viết lại gì, không cần mang theo tờ ghi chép nào… Đôi khi tôi có nỗi khao khát điên rồ là nắm lấy bàn tay ông mà hôn’…
“Thằng bé lớn nhanh và trở thành một đứa trẻ khỏe mạnh được mẹ và bạn bè bà yêu quý. Tôi gặp nó lần cuối khi nó chưa được một tuổi. Vào lúc đó Marina chuyển đến Pháp nơi bà sống trong suốt mười bốn năm tiếp theo. George (tên chính thức của Mur) đến trường và trở thành một học sinh giỏi văn, nhạc và nghệ thuật. Năm 1936, chị gái nó, Alia, khi ấy ở độ tuổi đầu đôi mươi, rời khỏi gia đình và nước Pháp quay trở lại nước Nga Xô-viết, theo chân cha nó. Marina ở lại với đứa con rất nhỏ của bà và cô đơn tại Pháp… trong tình trạng cực kỳ khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Năm 1939, bà xin visa nhập cảnh vào Xô-viết và trở lại Moscow cùng con trai. Hai năm sau đó, tháng Tám năm 1941, cuộc đời bà đi đến một kết thúc bi kịch.
“Cuộc chiến tranh vẫn tiếp diễn. Cậu bé George Efron chiến đấu ở tiền tuyến. ‘Tạm biệt văn chương, âm nhạc, trường học,’ cậu viết cho chị gái. Cậu ký dưới thư ‘Mur.’ Khi là người lính, cậu chứng tỏ mình là một chiến sĩ anh hùng không sợ hãi, tham gia vào nhiều trận đánh, và hy sinh vào tháng Bảy năm 1944, là một trong hàng trăm nạn nhân của một trận chiến diễn ra gần làng Druika ở mặt trận phía Tây. Cậu chỉ mới hai mươi tuổi.”
Khởi Sinh Của Cô Độc Khởi Sinh Của Cô Độc - Paul Auster Khởi Sinh Của Cô Độc