Số lần đọc/download: 1873 / 41
Cập nhật: 2016-07-13 10:15:17 +0700
Chương 6
Ông Thần Tốc ngạc nhiên lắm. Tuổi trẻ thì hay tò mò lại nóng tính. Thì tại sao mà Lệ nó bền chí được, không hỏi cặn kẽ ông ngay về nhiều chi tiết của đời ông. Bây giờ đã khuya thật đó, nhưng cho dẫu phải thức đến sáng để nghe chuyện, chắc nó cũng sẵn sàng để thức kia mà.
Còn cái gì lại: Phòng của ba vẫn là phòng cũ, và lại phải "quét dọn"?
Phòng của ba? Sao lại không là "phòng của ba, má" như ngày xưa?
Dọn quét? Thì ra người bạn đời của ông đã bỏ trống phòng ấy cho nhện giăng màn.
Trên lầu có tiếng mở cửa phòng. Ông Thần Tốc biết hai con ông không trở xuống nữa. Dưới nầy lặng trang, tuy còn hai người ở đó. Hai người mà như chỉ có một, người thứ nhì là một cái xác không hồn.
Ông Thần Tốc nhìn vợ thẫn thờ ngồi đó rồi bỗng nhớ lại ngày nào bà ghen tuông, cãi nhau với ông một hồi, rồi cũng ngồi mà tư lự như vậy. Trong những trường hợp ấy, luôn luôn ông làm lành trước, xin lỗi bà, vỗ về bà rồi hai vợ chồng thương yêu nhau như không có gì xảy ra, đoạn cả hai dắt tay nhau lên gác.
Trường hợp bây giờ tuy không giống ngày trước, nhưng cảnh thì y hệt như xưa, nên chi ông Thần Tốc có phản ứng theo thói quen cũ, bước lên gần sát bên bà, đặt tay lên vai vợ, rồi kêu:
- Em!
Cũng y như ngày nào, bà Thần Tốc òa lên khóc, nhưng bây giờ bà không ngả đầu vào mình ông, mà chỉ úp mặt lên hai đầu gối mà khóc thôi.
Đàn bà thì trường hợp nào họ cũng khóc và đều khóc mùi mẫn được cả, nên ông Thần Tốc không thèm tìm hiểu ý nghĩa của trận khóc đó. Ông đoán là bà khóc vì quá mừng ông trở về, hoặc vì tủi thân hay gì gì đó, nên không băn khoăn lắm.
Ông ngồi xuống bên cạnh vợ và lại kêu:
- Em!
Cũng như ngày xưa, ông không vội nói thêm gì và để cho bà tiếp tục khóc. Tiếng "em" chỉ là tiếng khai mào một cuộc đầu hàng, phải đợi cho bạn dịu cơn giận, dịu nỗi hờn dỗi, rồi mới nói thêm được.
Cảnh thân mật của đôi vợ chồng kề vai nhau bỗng giúp ông Thần Tốc hiểu thái độ của con gái ông. Ông thầm khen nó thông minh hết sức. Nó có ý, nên dẹp tò mò, rút lui để cho hai ông bà tự do âu yếm nhau sau bao nhiêu năm xa cách. Phải, vợ chồng cần thân mật với nhau hơn cha với con, và có rất nhiều chuyện để nói với nhau hơn là cha với con.
Nhưng mà.., ông Thần Tốc giựt mình khi một ý nghĩ thoáng qua nơi trí ông... nhưng mà tại sao nó không để ông bà lên gác cho tự do hơn. Buồng the hẳn kín đáo thân mật hơn ở đây nhiều, thì tại sao... Một ý nghĩ khác lại hiện đến, ghê gớm quá đến đỗi ông Thần Tốc không dám cho nó thành hình hẳn nơi trí ông. Ông ôn lại tất cả những chi tiết kỳ lạ mà ông đã ghi nhận được từ đầu hôm đến giờ, nhìn lại chiếc áo dài mà vợ ông đang mặc, rồi hoảng quá, ông buông vai bà ra, níu lấy áo bà mà hỏi tới tấp như là đã biết nỗi nguy gì mà chưa kịp nói ra:
- Làm sao? Bà làm sao? Có gì bất thường ở đây?
Bà Thần Tốc đã thôi khóc. Bà ngước mặt lên với lấy khăn trong ví ra để lau lệ và hỉ mũi rồi, không nhìn chồng, bà nói:
- Sở dĩ tôi xin khai tử cho ông, vì lý do tiện lợi cho gia đình, chớ không phải vì muốn gạt ông ra ngoài cuộc sống của mẹ con tôi.
- Ngỡ gì. Phải, bà làm đúng.
- Có nhiều cuộc dính líu tài chánh với người khác cần phải thanh toán và được thanh toán...
- Phải.
- Muốn thanh toán, phải có chủ nhân...
- Phải.
- Chủ nhân vắng mặt không biết đến bao giờ thì chỉ có kẻ thừa tự mới đủ khả năng pháp lý thanh toán việc nầy việc nọ.
- Phải.
- Mà kẻ thừa tự chỉ có quyền ký tên, khi nào cha nó được chánh thức xem là đã chết.
- Phải, bà làm đúng.
- Giờ ông về, thì xin điều chỉnh lại.
- Phải, có hề gì đâu.
- Nhưng mà, ông ơi...
Bà Thần Tốc lại nức nở lên mà khóc. Tình thế đã đến lúc nguy nên ông Thần Tốc không đám hỏi gì. Ông lại còn có ý muốn chạy đi để khỏi nghe điều ghê gớm mà ông đoán là bà sắp nói ra.
Bà khóc nhiều lắm và lâu lắm, đợi cho ông dẫn đường bằng câu hỏi, cho dễ nói ra một điều rất khó nói. Nhưng ông không hỏi gì hết nên bà đành phải can đảm kể rõ:
- Nhưng có một việc không thể nào điều chỉnh được.
Ông Thần Tốc hồi hộp, nín thở để chờ nghe vợ nói tiếp, nhưng thấy bà cứ làm thinh, ông giục:
- Bà cứ nói nốt đi, tôi đã sốt ruột lắm rồi, bà không nên dài dòng.
Ông Thần Tốc miệng thì nói vậy, mà bụng thật ra rất sợ cái đoạn chót của câu chuyện của bà.
- Về tình cảm thì như đã nói, tôi vẫn yêu ông, và mãi đến ngày nay, mặc dầu tôi không thể trở về với ông được nữa, tôi nghe rõ lòng tôi là còn yêu ông như ngày nào.
Sao lại không thể trở về với ông được nữa. Nó đã đi tu rồi chăng? - Ông Thần Tốc tự hỏi như vậy và đã giả dối với ông. Cứ theo lối ăn mặc của bà thì bà không có vẻ gì là một sư nữ cả, ông biết rõ thế, nhưng không dám nhìn nhận sự hiển nhiên ấy. Sự thật là khác, ông thoáng cảm giác là khác, nhưng không can đảm đoán sâu thêm.
- Tôi lặp lại lần nữa là mặc dầu yêu ông, nhưng ông đã chết mà tôi thì chưa già, tôi cần phải sống, và chắc ông hiểu sống là gì.
Một sự im lặng nặng nề đè xuống không khí trong buồng ăn. Đã gần đến phút quyết liệt, bà Thần Tốc chưa dám hạ mấy lá bài chót xuống, mà ông cũng không dám hỏi gì.
Nhưng bà tỏ ra can đảm lắm. Bà cố làm gan nói tiếp:
- Ông hiểu sống là gì, thì chắc ông đoán biết rằng tôi đã tái giá...
Vố đánh đau quá sức tưởng tượng khiến ông Thần Tốc không nghe đau. Ông chỉ choáng váng trong một tích tắc đồng hồ rồi như là tái tê quá trong một phút nữa, rồi thôi.
Có lẽ sau nầy ông sẽ thắm đòn, ê ẩm cả mình mẩy, nhưng giờ đây ông là một kẻ đau răng vừa được bác nha y đại tài trên vỉa hè bẻ răng cho, thấy cả ông trời xanh, ông trời đỏ nên quên đau.
Trái lại ông còn nghe nhẹ nhõm nữa là khác. Điều mà ông nơm nớp lo sợ nãy giờ, giờ đây đã xảy đến. Đau hay gì gì khác vẫn dễ chịu hơn là lo lắng nhiều.
Không, ông chưa kịp xót xa trước thổ lộ trên đây. Ông còn bình thản cái bình thản của kẻ sắp lên cơn điên.
Hồi nãy kìa ông mới là đau xót chớ. Cô Lê cố ý kéo anh cô lên gác, để hai ông bà thân mật với nhau. Ông chờ đợi bà ngả đầu vào ngực ông mà khóc sướt mướt những giọt lệ sung sướng, những giọt lệ tủi hờn, rồi ông sẽ mơn trớn tóc bà như ngày nào đôi vợ chồng son trẻ ấy đã giận nhau, cậu Sở đã dỗ mợ Sở. Thế mà bà chỉ ôm đầu gối bà thôi là khóc rất là lạnh lạt, khi gặp lại chồng sau mười ba năm xa cách thì có xót dạ hay không?
Nhớ lại cảnh âu yếm chờ đợi, nhưng không xảy ra, ông bỗng căm hận vô cùng.
Ừ, tái giá. thì phải trung kiên với chồng mới, điều đó quí lắm. Nhưng âu yếm một cách trong sạch với người chồng cũ đáng tội nghiệp, nào có thất tiết cho cam?
Bà có phụ ông hay không, tất cả ở chỗ nầy, chớ không phải ở chỗ tái giá kia.
Ông căm hận vì ông đã mất dịp ôm lại trong tay người vợ mến yêu sau rất lâu ngày vắng mặt, mất cái dịp độc nhứt vô nhị từ đây không bao giờ xảy đến nữa cả, mà người làm cho ông mất cái dịp ấy chính là bà vậy.
Ông vụt cười khan lên, không phải cười mỉa mai hay gay gắt mà là cười buồn cho lòng người. Than ôi! Hòn vọng phu ở Kỳ Lừa, hòn vọng phu ở Bình Định đều là sản phẩm của sức tưởng tượng của những kẻ chưa biết lòng người là thế nào cả.
Người ta lấy cây hương thật quí thắp lên thương tiếc chàng, cho yên lòng người ta, rồi người ta quên chàng đi chớ khó mà biến thành tượng đá ôm con được.
Buồn cười cho lòng ngươi? Vâng! Nhưng cũng chính cho lòng mình. Ông ích kỷ quá. Bà có lỗi gì đâu? Ai bảo ông đi vắng lâu quá mà không cho tin tức về? Người có lỗi chính là ông, vì những kẻ vắng mặt bao giờ cũng có lỗi, tục ngữ Âu châu đã nói thế.
Sức chịu đựng của con người, những tình cảm thiêng liêng nhứt như là lòng yêu nước, đức tin nơi một lý tưởng, cái gì cũng có chừng mực thôi. Huống hồ gì là một mối tình, cho dẫu là to lớn!
Ông đã lầm mà vội mừng rằng về sớm được vài năm để vớt vát tình xuân sắp tàn. Không, ông đã về sớm quá, tai hại thay! Nếu như khi xưa kia, ông lạc lối tới Đào Nguyên đầm ấm tiếng tiên ca, và như Từ Thức khi xưa kia, ông về muộn quá thì ông sẽ khỏi phải thấy cuộc tang thương nầy. Làng xưa có sụp thành tro tàn, cây tơ xưa có biến thành đoàn cổ thụ già thì cũng bùi ngùi thật đó nhưng đó là nỗi bùi ngùi nên thơ, êm ái bằng vạn sự tái tê nhìn cuộc dâu bể đang xảy ra.
Cười khan một hơi rồi ông Thần Tốc nói:
- Té ra bà mặc áo là để về nhà bà, chớ không phải để đi đâu đó. Ông ấy là ai, có quen với tôi hay không?
Bà Thần Tốc chờ đợi một trận giông tố, nhưng làn gió nhẹ ấy khiến bà ngạc nhiên và đâm sợ. Có phải chăng sự thản nhiên của ông là cái lạnh lùng hiểm ác của một kẻ căm tức tột bực và cả quyết báo thù? Cho nên bà làm thinh, hoang mang không biết nên nói thật chi tiết ấy ra hay không?
- Cuộc hôn nhân trái đạo lắm hay sao mà bà muốn giấu tôi? - Ông hỏi khi thấy bà cứ làm thinh.
Bà Thần Tốc vội đính chánh:
- Không, ông ấy cũng góa bụa như tôi. Ông Vĩnh Xương chớ không ai đâu lạ.
- Hà há, té ra là thằng Vĩnh Xương? Hà há?
- Chúng tôi không có làm gì trái đạo cả. Một đằng chết vợ, một đằng thì... ngờ là...
-... là mình chết chồng! Không, hai người không có làm gì trái đạo cả. Tôi ích kỷ lắm, nên mới nghe, đâm giận thằng Vĩnh Xương, bậy quá!
- Tôi đã làm tròn bổn phận, là giao hết sự nghiệp lại cho con ông. Tôi đi ra mình không.
- Tôi rất biết cho bà điều đó.
Ông Thần Tốc bấy giờ hết sức ngạc nhiên cho ông. Ông bình thản lạ kỳ. Khi nãy ông chỉ bình thản vì quá đau, vì điếng người, lặng người đi. Bây giờ ông nghe là lại thì lòng ông lâng lâng, không buồn, không vui, không gì cả, như đã thoát trần.
Hai người lặng thinh giây lâu, đoạn ông hỏi:
- Bà khóc tôi bao lâu rồi mới đi lấy chồng?
Bà Vĩnh Xương ngỡ chồng cũ của bà hỏi gay gắt mỉa mai, nhưng thật ra, ông Thần Tốc chỉ muốn biết vì tò mò thôi. Tuy nhiên bà cũng đáp:
- Mãn tang ông đến năm năm. Tôi mới ở với ông Vĩnh Xương năm năm thôi.
- Cũng khá đó. Thế hai đứa nó có phản đối hay không?
- Không. Con Lệ nó có khóc vài ngày, nhưng rồi nó hiểu biết nên lại khuyến khích tôi.
Ông Thần Tốc lặng thinh giây lát rồi bỗng cười to lên. Ông cười thẳng thắn, cười vui, nghe là biết ngay.
Ông hỏi bà vợ cũ:
- Thế thằng Vĩnh Xương nó o bà bằng cách nào? Tôi buồn cười cho nó lắm.
Bà Vĩnh Xương cũng muốn bật cười. Bà hổ thẹn và cố nghiêm nét mặt lại để cải chánh:
- Không, ông ấy đứng đắn lắm. Ồng đi hỏi chánh thức tôi.
Mặc dầu vậy, ông Thần Tốc cũng chưa thôi cười. Ông lại nói:
- Thường thường những đờn ông góa vợ họ có muốn tục huyền thì họ chọn người lạ, để khỏi biết dĩ vãng của người ấy là một người đã sống qua rồi. Thằng Vĩnh Xương trái lại, nó lại tìm người quen. Như thế thì là có thể suy luận được rằng nó đã thầm yêu bà ngay từ lúc bà còn là vợ của tôi. Ấy đó, có những mối tình thầm lặng bền dai lắm, và chính vì thầm lặng, không thỏa được nên mới bền dai. Bà cố nhớ thử xem ngày xưa, thuở ta còn là vợ chồng, hắn có ló mòi gì yêu bà hay không?
- Không, tôi không nhớ, hay nói cho đúng ra, tôi không để ý đến những điều đó. Nếu có, tôi đã báo ông hay rồi.
Ông Thần Tốc làm thinh, ông nhìn bà trân trối và thấy bà đẹp hơn bao giờ cả! Người đờn bà và tuổi hồi xuân ấy sao mà trông ngon như con gái đương thì. Trời ơi, đôi má kia bây giờ được má kẻ khác kề vào! Trời ơi! Thân hình cân đối kia bây giờ nằm trong tay người khác!
Trong giây phút, ông Thần Tốc muốn ôm ghì vợ cũ vào lòng trong một sự thèm thuồng dữ dội. Đó là sự thèm khát do tánh cà nanh gợi lên, như một đứa bé đã ăn chán chê quà bánh, nhưng khi thấy trẻ nhà nghèo ăn mót của thừa mà cậu ta vứt ra, cậu ta bỗng lại thấy của ấy còn đủ ngon, đủ quyến rũ.
Mà của ấy cũng ngon thật đó. Vợ chồng cũ xa nhau một thời gian, nghe thèm nhau như lúc mới biết nhau. Phương chi sự thèm thuồng đêm hôm nay lại bị sự tiếc rẻ, sự cà nanh kích thích thêm, và phương chi nhan sắc của bà vợ cũ ấy đang lúc bừng dậy ồ ạt để rồi tàn luôn.
Thấy cái nhìn hực lửa của chồng cũ, bà Vĩnh Xương sợ hãi lắm. Bà không thấu được tâm trạng của ông, ngỡ đó là lửa căm hờn.
Ông Thần Tốc thèm thuồng bà như một cậu trai tơ bị xác thịt xô đẩy mà chưa biết cách tỏ tình, chỉ đứng đó mà thèm, và vì lương thiện, nên chỉ đứng đó mà chống lại với sức mạnh vô hình nó cứ xui anh ta bạo hành.
Ông đã thắng sức mạnh huyền bí kia, nhưng phải lả người đi vì đuối sức. Ông ngồi phệt xuống ghế, chán nản hơn bao giờ cả.
Trong giây phút, căm giận, ghen tuông, tủi thân dồn dập đến, giày vò ông, khiến ông nấc lên vài tiếng rồi khóc òa.
Bà con ơi! Bà con đã thấy một người đờn ông khóc khi nào chưa. Đó là một cảnh tượng hiếm có như là nhựt thực, nguyệt thực hay sao chổi vậy. Đờn ông khóc, xấu quá trời, nhưng rối tâm cho người xem biết bao vì hắn rắn rỏi thế kia mà đến khóc như đờn bà thì biết lòng hắn đã nát đến bực nào.
Bấy giờ bà Thần Tốc mới động tâm, bà đứng lên như có lò xo bật rồi không do dự bà mau bước lại gần ông, dựa má lên đầu ông, rồi hai vợ chồng cũ đua nhau mà trút lệ.
Họ khóc như vậy bao lâu không biết nữa, và khi cái đầu mắc mưa của ông đã ướt lần thứ nhì vì nước mắt của bà, bà mới lấy mặt ra, đặt tay lên vai ngươi bạn cũ.
Ông Thần Tốc cầm lấy bàn tay của bạn và câm lặng xin phép bằng đôi mắt rồi kéo tay ấy vào miệng ông.
Rồi hai vợ chồng cũ lại khóc nức nở lên. Bà đã ngã vào người ông và ông đã ôm ghì lấy bà.