Số lần đọc/download: 2081 / 60
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:01 +0700
Chương 5
A
nh đứng trên vệ đường. Phía trước anh, người đợi xe buýt đã xếp thành một hàng dài. Hàng trăm hàng trăm người đổ ra từ các văn phòng, xếp hàng chờ buýt, với vẻ cáu tiết lặng câm. Đôi lúc sự bực tức ấy bùng nổ, bay lên cột báo ý kiến độc giả của tờ Straits Times hay Eastern Sun và các tờ báo tiếng Hoa địa phương. Anh sẽ phải đợi lâu đây, đã mười phút mà hàng người dài đằng đẵng chỉ ngắn đi chút chút. Đường sá đang tắc nghẽn, xe hơi chen chúc, còi hụ mất kiên nhẫn. Người cảnh sát giao thông mặc đồ trắng muốt đứng trên bục giữa đường như con rối, cứng nhắc điều khiển bằng đôi tay, như chỉ huy dàn hợp xướng trên đường, tiếng còi và tiếng ồn ào xe cộ. Như luồng xe hơi, một chuỗi suy nghĩ cũng chen chúc trong đầu Kwang Meng: ăn tối ở nhà, không gặp được Lucy, chuyến đi coi phim đầy đe dọa, ngày mai đã là thứ Bảy, còn năm tới thì sao?
Chuyến xe thả anh xuống ở con đường chính bên kia dãy chung cư, nơi vô số tòa nhà khối hộp y hệt nhau như thế xếp ngay ngắn như dãy domino. Họ đã ở nhà của HDB[14] trong gần hai năm. Căn hộ của họ nằm trên tầng bảy khu chung cư mười hai tầng. Có hai thang máy, nhưng chỉ dừng ở tầng bốn, tầng tám và tầng mười hai, nên gia đình anh thường đi thang máy tới tầng tám rồi lội xuống một tầng. Khu nhà ở Tiong Bahru này nằm gần Bệnh viện Trung ương.
Anh sinh ra trong một khu đông đúc ở phố Tàu, nhà ở tầng hai trên đầu một cửa hiệu bán tạp hóa. Lúc đó gia đình bao gồm cha mẹ Kwang Meng, bà nội, chú Chye và bà thím hai với hai đứa con gái, Kwang Meng, hai đứa em trai, hai đứa em gái, và một cô tớ gái, A Suan, người được bà nội mua lúc còn bé, và bị đối xử giống nô lệ hơn là đầy tớ. Mười ba linh hồn chia sẻ bốn căn phòng nhỏ trong không gian sống của họ.
Cái phần đời ở phố Tàu dường như đã quá xa. Gần như là một cảnh trong vở kịch mà cái tôi hiện tại của anh không phải là diễn viên, chỉ là khán giả, và còn là một khán giả chẳng hào hứng gì. Cha mẹ, các em anh những ngày ấy, chú Chye và gia đình, cô tớ A Suan, và bà nội mà anh coi như sống đời thực vật cái ngày anh học từ đó ở trường. Bây giờ tất cả chỉ là hình ảnh mờ ảo của quá khứ, hoàn toàn bị cắt đứt khỏi đời sống hiện tại. Họ hầu như đã trở thành nhân vật trong một câu chuyện khác, một câu chuyện không phải của anh.
Qua lớp ký ức mờ nhạt mơ màng, anh nhìn thấy tuổi thơ của mình, bà nội anh ngồi trên ghế gỗ mun, trắng bệch, không vết nhăn, mặt trơ không biểu cảm. Bàn chân bà bị bó bé tí bằng vải, một phong tục thời bà để cho phụ nữ đứng ngồi duyên dáng hơn, cái thời từ trước khi cách mạng lật đổ triều Mãn Thanh; mái tóc đen của bà được búi lên, chải dầu óng ánh như lớp sơn mài trên cái ghế gỗ mun; anh chưa bao giờ dám nhìn vào hai bàn chân bó bé tí đó, né tránh chúng như đã trốn tránh đi toa lét buổi tối, dẫu có khẩn thiết đến đâu, vì anh sợ những con quỷ không tên trong bóng tối tuổi thơ; anh nghe thấy mùi mặn mặn, mốc meo của những loại hàng khác nhau trong cửa hàng tạp hóa dưới nhà: cá khô ướp muối, những chuỗi lạp xưởng nâu đỏ treo trên móc dây thép, những bao gạo, hộp nước dừa, đậu khuôn, xì dầu, những thùng đựng trứng vịt muối vùi trong tro đen, những cây nến đỏ cam, những thẻ hương, vịt quay để ráo, những hộp mác gơ rin, những lọ nước cốt gà Brand’s – tất cả những cái đó hòa với mùi cống rãnh tắc nghẽn vào mùa mưa, đặc biệt lúc triều lên, trở lại dội vào anh. Như tất cả những ai sống trong hoàn cảnh đó, từ lâu Kwang Meng đã hoàn toàn trơ ra trước mùi khó ngửi, điếc đặc trước tiếng ồn và mù lòa trước rác rưởi.
Đôi lúc, tất cả những thứ đó lại ập về với anh, như những khung ảnh tĩnh từ một bộ phim trên màn chiếu: những gương mặt nhỏ và giọng nói ngân nga của những người bạn ấu thơ, tình bạn gắn bó ồn ào vui vẻ giữa họ, những giấc mơ chia sẻ cùng nhau về một ngày mai trở thành siêu anh hùng bay trên những đôi giày thần chiến đấu chống lại ma quỷ; chúng cùng nhau đuổi bắt, nhốt vào hộp những con nhện mặt trắng để chọi nhau (loại nhện này con cái có mặt đen và cơ thể căng phồng xấu xí, làm Kwang Meng bây giờ nhớ đến còn sợ đến bất giác dựng tóc gáy), cùng nhau hào hứng đua diều vào những ngày mà bầu trời đầy những vật thể đủ màu sắc ấy, mỗi năm một lần lại hồi hộp chờ tiền mừng tuổi chơi đánh bạc mỗi dịp Tết âm lịch, những ngày Tết với pháo nổ điếc tai và lũ trẻ chạy tung tăng mặc quần áo mới. Những khung ảnh tĩnh lờ mờ trên màn ảnh. Anh đã quên hết tên họ rồi, trừ hai ba đứa: Leong Chye, có bà mẹ hát hộp đêm, thích sưu tầm tem và vẽ rất đẹp, Chai Seng người cao gầy, biệt danh là Thằng Dài, hay bị bà mẹ rất dữ đòn đánh giữa phố, quần nó bị tụt xuống phơi mông ra giữa trời Singapore và trước cặp mắt thao láo của đám bạn. Chiếc roi mây cong vun vút quất xuống theo tiếng hét chói tai của Thằng Dài. Và còn Fook Weng, lúc nào cái đầu húi cua cũng lổn nhổn những nhọt. Những ký ức ấy nay lâu lâu mới vụt qua trước mắt. Bây giờ chúng nó ở đâu cả rồi?
Thời gian qua nhanh làm sao! Bà nội anh, người sống đời thực vật, đã chết được ba năm. Kwang Meng nhớ lại đám tang của bà. Cái quan tài lớn bằng gỗ chiếm hết lối vỉa hè trước cửa hàng dưới căn nhà nhỏ bé của họ trong gần hai ngày, họ hàng mặc quần áo vải đen và vải bố nâu, bạn bè đến thăm trong tiếng tụng kinh đều đều của cả một đoàn sư. Thực vật đã bị đóng hộp, hồi ấy anh nhớ mình từng nghĩ vậy. Bà nội mất sau một vụ ầm ĩ lớn: A Suan có thai với Chan, anh lái xe tải, rồi bị đuổi đi mất. Chan đã có vợ và năm con. A Suan giờ ở đâu? Đó là một bí mật to lớn, cả anh cũng không biết. Chuyện này không còn được nhắc đến trong nhà. Rồi bà già vô cảm đó chết, các bí mật cũng được chôn sâu cùng với bà. Bà có bao giờ cảm thấy gì không. Mình sẽ không biết, anh thầm nghĩ, ấy vậy mà mình là con cháu bà cơ đấy.
Khi anh ra khỏi thang máy, một người hàng xóm, anh thầy giáo trẻ họ Lim ở nhà I79G, khiến anh tỉnh mộng.
“Mới đi làm về à?”
“Vâng, anh thì sao?”
“Mình đi xuống Queenstown dạy kèm cho đứa học trò.”
“Hiểu rồi. Tạm biệt nhé!”
“Ờ, chào!”
Cánh cửa trước mở ra như thường lệ, để chút không khí lọt vào. Anh chào mẹ.
“Con đợi đó, cha còn đang tắm. Ổng về sớm hơn con hôm nay. Ổng về sớm, còn con thì trễ. Sao vậy?”
“À, có nhiều người chờ xe quá đó mẹ.”
“Có trà trong ấm đấy, để mẹ rót cho.”
“Không, không cần đâu mẹ. Con tự rót được rồi.”
“Cha con bảo thấy không khỏe lắm.”
“Lại cao huyết áp ạ?”
“Mẹ không biết nữa. Chắc ông ấy nên đến bác sĩ Sivam, ông bác sĩ người Ấn dưới phố ấy.”
“Vâng.”
Kwang Meng cởi giày, đẩy gọn ghẽ xuống gầm giường. Khi anh ra khỏi phòng, cha đã ngồi ở phòng khách, đầu quấn khăn, người mặc xà rông: “Mày đi tắm được rồi đấy.”
“Vâng ạ.”
Buổi tắm chiều. Tuyệt vời làm sao được đứng trần truồng dưới vòi nước, để nước lạnh giội qua cơ thể bẩn thỉu vì công việc ban ngày, vì mồ hôi khô đi do cái nắng, vì bụi đất bên đường, rồi thấy tất cả những cát bụi ấy bị lột trôi khỏi cơ thể thành từng luồng nhỏ. Tuyệt vời làm sao, cảm giác trơn tuột của xà phòng trên da. Tuyệt vời làm sao, nước chảy qua đầu rồi trôi xuống mặt. Những lần tắm chiều là một trong những điều Kwang Meng thích. Anh coi đó như một sự xa xỉ. Quấn khăn quanh eo, anh bước vào phòng để thay đồ. Anh chọn một chiếc áo ngắn tay thể thao màu xanh nhạt và quần xám đậm. Anh thích cái áo đó, vì tay áo ngắn bóp vào khiến tay anh trông cơ bắp hơn. Nhìn ngắm chính mình phía trước gương dài trên cửa tủ, anh thử co tay. Không tệ. Cơ bắp lắm. Sẵn sàng cho cuộc đi xem phim sắp tới.