People sacrifice the present for the future. But life is available only in the present. That is why we should walk in such a way that every step can bring us to the here and the now.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4312 / 69
Cập nhật: 2017-06-11 10:57:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Vợ Chồng Trẻ Con
ai vợ chồng nó lấy nhau từ tháng Mười hai năm ngoái. Tháng Ba đi hỏi, tháng Mười đón dâu. Nhà trai, nhà gái cùng giết bò, giết lợn. Nhà trai còn đón cả nhà trò bên Bắc về hát. Ăn uống linh đình.
Hôm cưới một người kép xách đàn đi với cô đầu sang tận bên làng nhà gái, ngồi trước hương án, đàn hát - vừa hát thờ, và để “các cụ bên ấy cùng nghe vui chung”. Hai họ vui vầy, tưng bừng.
Nhưng chỉ hai họ là vui những nỗi vui ăn uống, đàn hát ấy, mà cô dâu chú rể thì mỗi người lại vui, buồn ra một thể khác.
Chú rể thú lắm, hả hê sung sướng, như mở cờ trong bụng. Bởi vì khắp nhà mấy hôm nay ồn lên, ken ních những người. Lại đốt pháo, mổ bò. Các bạn của chú rể kéo đến chơi đầy sân, đầy vườn. Cả những đứa mọi khi vẫn thù, vẫn giã nhau với chú, bây giờ cũng theo người nhà len lén ăn cỗ.
Song chú rể rộng lượng, chẳng để ý gì. Với ai, chú cũng cười. Trong túi chú xưng xoẻng tiếng tiền. Chú đi nhặt pháo sì, đánh hú, ngồi xem bò thui. Và chú nhảy tâng tâng.
Có gì đâu. Ấy là một thằng nhãi, vừa chẵn mười tuổi. Người quen vẫn gọi nó là cu Phúc. Bố mẹ nó, ông bà xã Ngưỡng lấy vợ cho nó. Vợ nó là cái Ngói, con ông bà hương Cải. Cái Ngói mười hai tuổi. Không ai lại có lúc nghĩ rằng chúng nó còn non nớt quá. Người ta chỉ biết so đôi tuổi hợp, thế là có những người khăn đóng áo dài bưng đến nhà cái Ngói một mâm chè mạn.
Bắt đầu, người ta chế cái Ngói là vợ thằng cu Phúc. Nó chửi những đứa nói như thế. Rồi một hôm, nhà bỗng ồn ào những bà con xa gần. Người ta đi tậu bò, người ta đi mua lợn. Cái Ngói cũng theo mẹ, đi rửa và thái tong rổ lớn dưa cải. Ngày cưới đã đến đấy. Họ nhà trai sang rước dâu được giờ lành, từ lúc gà mới gáy sang canh và trời chưa tan sương. Cái Ngói mặc áo the mới ngồi ôm mặt khóc thút thít.
Mấy đứa bạn cái Ngói, cái Bi, cái Đáo, vào buồng dỗ Ngói và dắt Ngói ra. Nó khóc um lên. Nó gọi bà hương Cải ầm ĩ. Rồi nó chun lại, khiến cho mấy cô kia phải lôi hai tay. Làm như người ta dọa sắp đem giết thịt nó. Chị em kèm riết nó hai bên nách kéo đi. Bởi các cô và các cụ sợ Ngói chạy tụt mất. Nó khóc e é giữa những nếp áo mới, giữa đám cưới đi dài, lặng lẽ trong khói hương và bóng đêm còn âm u.
Chú rể Phúc thì len lỏi trong đám bạn, cười rúc rích. Lúc nãy nó đương ngủ ngon lành ở giữa đống rơm thui bò thì có thằng lại tìm kéo tai nó dậy, lôi nó đi đón dâu. Mắt nó vẫn còn cay sè và đông cứng những nhử, cậy chưa hết. Nghe thấy nói sang bên ấy cũng ăn cỗ, cu cậu cười nhắm tít mắt lại, hấp tấp đi liền. Quên cả mang giầy. Lúc đã đến gần nhà gái, mới sực nhớ ra, nó toan chạy lại lấy. Nhưng các ông, các cụ bảo không được, phải kiêng trở về như thế. Một anh phù rể đành đi chân đất, tụt giầy ra nhường cho chú rể vậy.
Sáng ra, suốt ngày và cả đêm ấy nữa, cô Ngây, cô Bí, cô Đào, mấy cô bạn phải ở lại bên nhà trai với cô dâu. Vì nếu các cô kia mà về thì cô dâu cũng nhất định vừa khóc vừa chạy theo, ai can cũng chẳng nổi. Các bạn phù dâu ngủ chung giường cô dâu trong đêm đầu tiên về nhà chồng. Họ đánh tam cúc với nhau. Ông xã Ngưỡng bỏ tiền ra cho các cô vui chơi.
Ôi chao! Chú rể có để ý đâu đến điều vặt ấy! Cứ tu rượu tì tì. Mắt Phúc hoa lên, rồi lại rúc đầu vào đống rơm. Nó cù nhau với mấy ranh con khác.
Nhưng rồi mấy hôm sau, những cô bạn phù dâu của Ngói ra về. Mình Ngói ở lại, cũng quen dần. Không phải người ta bắt cóc nó, mà chẳng phải người ta hùa nhau đem nó đi chọc tiết, giết thịt. Nó ở nhà này, nó về nhà mình cũng tự do thế mà thôi.
Thành thử nó trở nên có hai nhà để ở, hai bố, hai u để gọi. Và nó có một người bạn mới, thằng chồng. Hai đứa trẻ đánh bạn với nhau. Ngói và Phúc chưa hiểu hơn - và có thể chưa biết tới - hai chữ rành rõ ấy.
Ngày lại ngày qua, mùa đông nghiêng đi, cho mùa xuân về.
o O o
Mùa xuân đã trở về, sang đầu tháng Hai. Mọi làng đều vào đám.
Ngoài vườn, trên các lối xóm, những cây xoan gầy, thân mốc trắng, giơ lên những cẳng tay đen đủi, trơ trụi, đã trổ từng túm lá tơ. Trong những đám lá nhỏ, xanh rờn vân vân ấy, nhoi ra từng chùm nụ be bé. Gặp mưa bụi li ti, những chùm nụ nở hoa. Hoa xoan nhỏ cánh chấu, tim tím, trăng trắng, vừa nở lại rụng phơi phới trong mưa xuân.
Làng Nghĩa Đô cũng vào đám lệ. Cờ bay phấp phới trước cửa đình. Trẻ con xoạc cẳng nện trống thòm thòm cả ngày. Sáng mười hai, anh cả Phúc - giờ, vợ con đứng đắn rồi, làng xóm phải gọi thế cho được tề chỉnh - cùng với vợ về bên nhà ông nhạc ăn cỗ.
Hai đứa ăn mặc trang nhã như ngày Tết. Phúc thấp hơn vợ, bé loắt choắt. Và đôi vợ chồng là đôi chuột nhắt tí hon. Phúc đội vành khăn lượt chít, sùm sụp, lấp xuống đến nửa trán. Trên khoáy, chùm tóc hoa roi dài lòng thòng như cái đuôi đỏ của con ngựa bạch. Bởi đầu nó vừa cạo hôm qua, trắng phau như mông ngựa bạch thật. Nó mặc áo the ba chỉ, ống trùm kín nửa bàn tay. Cái thắt lưng nhiễu điều đỏ chót còn dài hơn hai vạt áo xòe xuống gần đất. Nó bước tung tăng, chốc chốc lại thò tay vào túi đếm mấy đồng hào mới. Nó cười tủm, khịt mũi, nhe mấy cái răng sún, hổng, đen xỉn.
Phúc ta thích chí vì được diện bộ bốp và được tiền mẹ cho. Thực chẳng phải thích vì được đi cạnh vợ.
Cái Ngói cũng làm đỏm tệ. Bộ tịch của cô bé ra lối đứng đắn hơn chồng. Nó cũng mặc áo the ba chỉ mà hai vạt trước thắt quả găng gọn gàng. Dải thắt lưng hoa hiên bay phất phơ trước gió. Cái váy lĩnh xùm xòe phần phật trong gió mỗi bước đi nhẹ. Ngói vấn khăn nhiễu bóng. Nhưng cô ả lại trùm mỏ quạ tùm hụp một tấm khăn vuông láng thâm. Chỉ nom thấy cặp môi ăn trầu đỏ loét và thỉnh thoảng, hàm răng nhuộm cánh kiến màu cánh gián. Nó đi làm điệu ve vẩy hai tay mềm mại. Cái nón to vành kẻ Chuông đội trên đầu, chốc chốc, gió lại đánh ngật ra đằng sau.
Anh chồng đi trước, nóng nẩy, thỉnh thoảng lại rút giày ra chạy một mạch, rồi thở hổn hển, đứng lại đợi vợ. Nắng mới hoe lên dịu dàng óng ả. Đường cái sạch sẽ, sáng gọn. Bên lề, hoa tầm xuân nở màu đào trên nền cỏ xanh mướt. Những đốm bướm trắng rờn lung linh thành những chấm hoa lung linh trong ánh nắng.
Đi đến đầu làng, Phúc nhìn xuống đình, thấy đỏ khé những cờ. Bao nhiêu trẻ con đương chạy lăng xăng và người lớn xúm đen xung quanh đám thò lò.
Trông thấy đám bạc, Phúc ta mê tít. Phúc quay lại, bảo Ngói:
- Có canh ty không?
- Hẩy?
- Thò lò ấy mà.
Cái Ngói bĩu môi, nguýt:
- Thèm vào. Có đồng nào cúng đồng ấy. Rồi lại ăn cắp của người ta.
Phúc nhe hàm răng sún ra cười. Đúng là đã có lần nó ăn trộm tiền của Ngói. Ấy là hôm trước Tết vừa rồi, Phúc chơi tam cúc nướng nhẵn tiền. Đêm ngủ, nó lần thắt lưng vợ, ăn cắp được hai hào. Giá Phúc chỉ lấy có thế thì cái Ngói không biết. Khốn Phúc lại tham, lần thêm. Vợ hắn chợt thức, túm ngay được tay cu cậu đang rờ. Hai đứa liền đấm đá nhau một trận khá kịch liệt trên giường. Nhưng Phúc cũng đã xơi trôi được hai hào, không chịu buông.
Bây giờ, Phúc biết gạ gẫm tiền của vợ chẳng ăn thua nào. Nó bèn rẽ xuống cửa đình và nói với lên:
- Cứ về trước! Bảo mấy u rằng “đằng này” còn đi đằng này cái đã. - Nói xong, Phúc chúi đầu vào đám thò lò.
Nó đặt một bạc xuống khe chiếu “tam tứ”. Đánh cầu tài một cái chơi. Người quay cái ngồi đằng đầu chiếu nhấc bồ-hụp cái thúng nhòi đậy chiếc đĩa có con thò lò. Trong giữa chiếc đĩa trắng, con thò lò sáu mặt nằm phơi mình lên mặt “nhất” có một chấm đỏ tươi. Phúc thua. Tai chú mình đã hơi đỏ. Lần sau, Phúc đánh đuổi khe “nhất nhị”. Nhưng thò lò mở mặt “lục”. Phúc lại thua. Nó đứng ngẩn ngơ nhìn người ta vơ mất đồng hào của nó, bỏ gọn vào cái đấu lớn để trước mặt. Tai Phúc đỏ, má Phúc cũng đỏ.
Và chỉ một lúc sau, Phúc mất sạch sáu hào. Tai, má, cả mũi, cả tay Phúc đều đỏ gay. Vành khăn chụp xuống kín mặt, để hở cái quả đầu dưa trắng toát và núm hoa roi râu ngô. Người bên cạnh thấy Phúc đứng ơ ra, liền nói:
- Thằng này đứng chầu rìa thì lui ra, lấy chỗ cho người ta đánh chứ!
Mọi người chen lấn chỗ đứng, vô tình đun dần dần Phúc ra ngoài vòng. Bấy giờ Phúc mới kịp nhớ mình còn phải đến nhà bố mẹ vợ. Vội vàng, nó rút giầy, lếch thếch chạy vào trong xóm.
Cái Ngói ở trong cổng ngăn đi ra. Trông thấy Phúc, hỏi:
- Hết nhẵn rồi chứ?
Phúc tiu nghỉu, đi lên nhà trên. Thấy ông bà hương Cải, Phúc liền làm bộ nghiêm chỉnh, chắp hai tay cúi xuống, nói như hát chèo:
- Lạy thày ạ, lạy u ạ!
Ông hương Cải cười:
- Anh cả lên uống rượu với thày. Kìa khăn anh cả lại chít xuống cổ thế kia?
Bấy giờ “anh cả” mới sờ lên cổ thì thấy cái khăn đóng chòng lọng xuống cổ thực. Lúc nãy vội vàng, quên, Phúc đã nguyên thế mà chạy về.
Một bà cô ông hương Cải, hỏi Phúc:
- Năm nay cháu bao nhiêu tuổi nhỉ?
Phúc chưa tính xong câu trả lời, cái Ngói đã láu táu trước:
- Cháu hơn nó hai tuổi. Năm nay cháu mười hai ạ.
Mọi người đều cười, cười râm ran. Ăn cơm uống rượu xong. Phúc chuếnh choáng mặt, mắt đỏ tía lên, trừ cái đầu vẫn trắng hếu. Nó đứng xỉa răng trước hiên, trông thấy cái Ngói dưới bếp, chợt nó nghĩ ra một điều.
Phúc nháy vợ xuống sau vườn, tán:
- Có tiền cho mượn mấy hào, ngày kia phiên chợ “đằng này” bán trứng gà, thì giả ngay.
Ngói chao mặt đi:
- Thừa của nó đổ xuống sông cũng chẳng cho những ngữ ấy vay. Chẳng biết dơ!
Phúc tức lắm, mắm môi, nhìn vợ chằm chằm. Nó giơ quả thụi lên trước mặt vợ, nói rít trong cổ:
- Ở đây ông nể một tí, chốc nữa về nhà, mày biết tay ông.
Rồi cu Phúc ngoay ngoảy, hầm hầm lên nhà ngồi uống nước.
Khách Nợ Khách Nợ - Tô Hoài Khách Nợ