Nguyên tác: Thượng Hải Đích Hồng Nhan Di Sự
Số lần đọc/download: 0 / 3
Cập nhật: 2020-10-20 22:08:21 +0700
Chương 5
Cả ký túc xá nữ bừng tỉnh dậy bởi tiếng gọi hãi hùng kia, vì cách đó mấy hôm một cô bạn tên là Đường Quần cũng “nhà có chuyện, hãy về gấp”, cũng tảng sáng tinh mơ như thế này và kết quả mẹ của Đường đã tự sát, còn giờ đây với Diêu Diêu thì sao. Chị vội vàng xuống lầu, mặt cúi gằm, chẳng nhìn ai để kịp theo người đến báo, mau về nhà, xem sự thể như thế nào, chắc chắn là dữ rồi, nhưng dữ nhiều hay dữ ít, chị tự đoán.
- Nhà văn có định viết chuyện bà Thượng Quan Vân Châu nhảy lầu tự sát hay không? - Một người đàn ông hỏi tôi, năm ấy anh là sinh viên khoa lịch sử Đại học Phúc Đán và ở cùng khu phố với gia đình Thượng Quan. - Nếu mà viết thì hãy đưa những tình tiết này vào, bà Thượng Quan nhảy lầu đúng vào lúc bình minh, chợ rau chưa mở cửa, những nông dân mang rau vào thành phố bán vẫn còn đứng chờ ngoài cổng và bà Thượng Quan đã rơi đúng giữa sọt rau, chắc nhà văn hồi nhỏ từng nhìn thấy các sọt rau đan bằng dây thép, hình bầu dục, to như mặt bàn. Cả sọt rau máu me đầm đìa, khi rơi xuống đó bà ta còn nói được vài lời, còn báo cho mọi người xung quanh là nhà bà ở đâu. Nhà văn biết không, những người nông dân đã dùng vòi nước xịt sạch máu bẩn, chờ cổng chợ mở và đưa vào bán hết ngay hôm đó. Dân phố đặt bà Thượng Quan lên một chiếc xe ba gác đẩy tới bệnh viện...
Yến Khải cùng Diêu Diêu về đến nhà, hỏi má tôi đâu, ông Hạ Lộ trả lời ở bệnh viện, họ vội vàng chạy tới đó, thì người ta bảo bà ấy chết rồi và đã đem đi hỏa táng. Yến Khải và Diêu Diêu có mặt ngay ở lò thiêu xác và mới hay là bà Thượng Quan Vân Châu cùng với nhiều phần tử chống phá cách mạng khác vừa bị đốt chung tập thể, không có thể phân biệt tro cốt của từng người. Thế là sáng hôm đó Diêu Diêu bôn ba tìm mẹ, mà đến một chút tro tàn của mẹ cũng chẳng có trong tay. Nghe nói một cán bộ cách mạng buộc Thượng Quan Vân Châu sáng ra phải thành khẩn trả lời, dồn bà đến chân tường, Thượng Quan vô kế khả thi, phải tìm đến cái chết, mang danh là chống phá cách mạng và Diêu Diêu trong nháy mắt đã trở thành con em phần tử phản động.
Tôi nghĩ Diêu Diêu phải đoán được vì sao mẹ mình đã tự sát, bởi đến như ông Hạ Lộ còn tiết lộ với đồng sự của mình rằng, một đêm nọ hai mẹ con họ từng hẹn nhau đến vườn hoa Puskin để to nhỏ điều gì, có lẽ đó là thời khắc vĩnh biệt giữa Thượng Quan Vân Châu và Diêu Diêu. Đăng Đăng không hề biết má và chị đã gặp nhau lần cuối ở vườn hoa Puskin, nhưng anh cảm thấy kỳ lạ là gần đây chị Diêu Diêu luôn nhắc nhở anh, Đăng Đăng ơi, hai chị em mình nhất định phải dựa vào nhau mà sống. Còn với bạn thân Trương Tiểu Tiểu, Diêu Diêu lại phân trần, có nhiều sự việc, nếu bản thân mình không biết, đôi khi an toàn hơn là biết, cho nên bạn thông cảm, Diêu sẽ không nói gì nữa và thế là bí mật vẫn được giữ kín tới tận bây giờ. Bà Thượng Quan Vân Châu chia tay con gái trở về nhà và chỉ kể cho người tình Hạ Lộ nghe, Diêu Diêu khóc từ đầu chí cuối, có vậy thôi.
Sau khi mồ côi mẹ, Diêu Diêu ở hẳn với Yến Khải, bạn bè nhạc viện bảo rằng, nếu không như thế cô ta làm sao mà sống nổi. Diêu Diêu biên thư gọi Đăng Đăng, năm ấy đã 16 tuổi đang lao động ở nông thôn Sơn Tây, xin phép về Thượng Hải có chuyện cần, chị vội vàng kéo em vào phòng tập đàn của Yến Khải, đóng chặt cửa và ôm lấy Đăng Đăng mà khóc nức nở:
- Má chết rồi, Đăng Đăng ơi, má nhảy lầu tự sát, rơi từ trên cao xuống đất.
Tôi hỏi, chị anh chỉ nói như vậy thôi ư, Đăng Đăng gật đầu, vâng, chị Diêu Diêu khóc nhiều hơn nói, có nói cũng rất đơn giản, vả lại thời ấy tự sát, quyên sinh là chuyện thường tình, nên chúng tôi không cảm thấy có điều gì bất ngờ.
- Chị em anh có đến xem nơi bà Thượng Quan đã nhảy lầu?
- Cũng không, vì hình như không nghĩ đến việc này.
Đăng Đăng ở lại Thượng Hải với anh chị Yến Khải và Diêu Diêu đâu gần một tháng, Đăng Đăng rất quý Yến Khải, khâm phục Yến lắm tài vặt và xem Yến như người anh rể của mình. Với số học bổng ít ỏi và tội nghiệp của hai người, anh chị vẫn có thể dành dụm mua cho Đăng Đăng chiếc màn muỗi để tiếp tục đi nông thôn Sơn Tây lao động. Phần Diêu Diêu, chị cũng đang chuẩn bị cùng số sinh viên tốt nghiệp năm đó lên đường về nông trường khẩn hoang của quân đội ở Lật Dương - Giang Tô để thực hiện ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng lao động) với nông dân, từ đó mà cải tạo tư tưởng, học tập nâng cao kiến thức qua thực tiễn sinh động của sản xuất và đấu tranh giai cấp. Vì do phải tiến hành Đại cách mạng văn hóa, nên tất cả sinh viên tốt nghiệp từ năm 1966 ở Thượng Hải cho đến lúc bấy giờ đều chưa được phân công công tác và họ chỉ còn mỗi con đường là nghe theo lời kêu gọi của Mao Trạch Đông lên núi, về nông thôn học tập công nông binh mà thôi. Diêu Diêu lần này ra đi cũng là do nguyên nhân đó. Yến Khải và Đăng Đăng có mặt ở Quảng trường Nhân dân rất sớm, đưa Diêu Diêu lên xe tiến về Lật Dương - Giang Tô.
- Hẹn gặp lại. - Diêu Diêu cười trong hai dòng nước mắt, vẫy tay chào tình lang và em trai yêu dấu.
- Hẹn gặp lại. - Yến Khải và Đăng Đăng cùng đáp. Ai cũng tưởng họ sẽ nhanh chóng đoàn tụ với nhau, giỏi lắm thì cũng vài tháng như hồi “tứ thanh” mà thôi, tới lúc ấy gia đình Yến Khải sẽ có những thay đổi về nhận thức đối với thành phần xuất thân của Diêu Diêu và biết đâu hôn lễ ắt được cử hành.
Tôi có gặp một kỹ sư máy tính hồi đó cũng đi lao động ở Lật Dương như Diêu Diêu, anh kể, Lật Dương rất nghèo và cuộc sống rất kham khổ, sợ nhất là cái khoản đi đại tiện ngoài đồng, lăm lăm trong tay cây gậy, nếu không sẽ bị lũ chó hoang cắn mất mông, “làm ơn mắc oán”. Nội dung công việc vẫn như bao lần đi nông thôn, ban ngày cật lực ngoài đồng, nông dân làm việc gì, sinh viên học sinh làm việc đó, ban đêm thì hội họp liên miên, hết học tập tư tưởng Mao Trạch Đông lại đến phát động nông dân đấu tố và đấu tố lẫn nhau, nghĩa là không bao giờ quét sạch kẻ thù, nghĩa là cuộc đấu tranh giai cấp không bao giờ ngưng nghỉ. Về tổ chức cách mạng, Hồng vệ binh tạm lắng, phái tạo phản ngoi lên và bây giờ là cái thời của tổ tuyên truyền công nhân, họ moi móc mọi chân tơ kẽ tóc của anh hay chị trong quá khứ, lâu lắc gì cho cam, chỉ mới vài tháng trước mà thôi, để có cớ phê anh hay đấu chị. Thế là Diêu Diêu đã lâm trận, tuy sống và lao động ở nông thôn, nhưng vẫn bị tổ tuyên truyền công nhân bắt cách ly, bắt viết kiểm thảo nói rõ cái tội yêu đương với Yến Khải và thẩm vấn tra khảo:
- Chúng mày đã làm gì trong phòng tập đàn nhỏ bé kia?
- Chúng tôi yêu nhau.
- Yêu nhau nghĩa là như thế nào?
- Là tâm tình, là hôn nhau.
- Còn gì nữa?
- Là “sinh hoạt nam nữ”.
- Nói cụ thể hơn!
- Là làm cái việc như các người đã làm với bà xã của mình ở trong buồng, rõ chưa, cụ thể chưa?
- To gan, con đĩ tư sản!
Diêu Diêu nhớ mãi ngày hôm đó, mồng 8 tháng 3 năm 1970, ngày của phụ nữ và chị không cần giữ gìn gì nữa, nói toạc ra những gì bí mật nhất, đẹp đẽ nhất của người con gái, nhưng chị nào ngờ cách đó hai hôm, mồng sáu, Yến Khải, tình lang của chị, anh rể tương lai của Đăng Đăng đã ra đi mãi mãi. Tháng 3 năm 1970, toàn bộ sinh viên còn lại của Học viện Âm nhạc Thượng Hải đều bị huy động về nông thôn lao động, đấu tranh tư tưởng và đến lượt Yến Khải phải làm con cừu non tế thần cho lực lượng cách mạng mới trỗi dậy - tổ tuyên truyền công nhân. Họ nhắm vào cái tội yêu đương của Yến với Diêu mà đánh anh tơi tả.
Trọng Uyển kể lại, Yến Khải từng cho bà xem một con dao cạo của thợ cắt tóc, sắc bén vô cùng, bà hỏi để làm gì, Yến trả lời, có khi dùng đến nó, rồi xếp dao lại bỏ vào ba lô lên đường đi nông thôn. Ngày 6 tháng 3 năm 1970, Yến Khải dùng con dao ấy để kết liễu đời mình ở một miền quê nào đó, không đủ nghị lực, không đủ kiên nhẫn, chịu đựng để trở về Thượng Hải kết hôn cùng Diêu Diêu và thật chẳng ngờ hôm chia tay nói lời “hẹn gặp lại” ở Quảng trường Nhân dân lại là thời khắc sinh ly tử biệt giữa đôi uyên ương Yến - Diêu, để cho kẻ hồng nhan Diêu Diêu phải một lần bạc mệnh, vừa mất mẹ nay đã góa chồng và nhiều năm sau chị im lặng thờ anh, dẫu hôn lễ chưa thành nhưng giữa họ từng nên tình nên nghĩa. Trước nhà dân nơi Yến Khải đóng quân có một dòng sông khá sâu và nước chảy xiết, nhưng anh chẳng thèm trẫm mình, anh giữ cả túi y tế của đội lao động, nhưng cũng chẳng nghĩ tới chuyện uống thuốc tự tử, phòng anh nằm có rường cao, cột chắc và Yến Khải dễ dàng treo cổ quyên sinh, nhưng anh bỏ qua mà chọn cách “dã man” nhất đối với thân mình, dùng dao cạo sắc bén kia lần lượt cắt hết mọi mạch máu rồi rạch bụng và đắp chăn nằm “ngủ”. Máu trong người anh tràn ra, đỏ cả manh chiếu lẫn tấm vải trên mình, thân hình co thắt lại khiến chẳng ai nhận ra đó là Yến Khải. Trọng Uyển kêu lên: Yến Khải ơi sao nỡ hận đời đến thế, Diêu Diêu vẫn mong ngóng chờ đợi cậu kia mà.
- Phần chúng tôi cũng chẳng gì hơn. - Trọng Uyển kể tiếp - Tôi và Diệp Dữ Nhân đều bị nhốt riêng, chịu đựng tra khảo, cũng cái tội trai gái yêu đương, cuối cùng Diệp của tôi đã phát điên và sống ở bệnh viện tâm thần Thượng Hải! Ôi cái mùa thu rùng rợn năm 1970. Sau đấy chúng tôi sợ hãi, chạy tan tác, về nhà giữ lấy thân và không ai dám bén mảng tới trường hay ký túc xá nữa.
Diêu Diêu sống lang thang lúc ở nhà cũ của mẹ, khi đến với Trương Tiểu Tiểu trên đường Diên An cứ mỗi lần ông Hạ Lộ - tình nhân bà Thượng Quan - xuất hiện là Diêu Diêu phải sơ tán, chị ghét cay ghét đắng người “chú” này kể từ ngày ông ta thế chân Trình Thuật Nghiêu và giờ đây lại tỏ ra rất dê cụ, nhiều đêm Hạ Lộ bất chợt gõ cửa, Diêu Diêu không kịp di chuyển chị đành ngủ ngồi trong phòng vệ sinh cho tới sáng. Diêu Diêu rất thích đến thăm “ba” Trình Thuật Nghiêu và bà Ngô Yên - vợ sau của ông, chị vẫn gọi Trình là “ba” như ngày nào, rồi được đáp lại “ôi cưng” vô cùng thân thiết. Nhà của ông bà Trình và Ngô không được ở đường Hoài Hải nữa vì đây là tuyến giao thông quan trọng dẫn tới sân bay Hồng Kiều, dân cư sống hai bên dứt khoát là thành phần cách mạng, ai bất hảo và có vấn đề buộc phải đi nơi khác. Trình và Ngô dọn đến căn hộ sau chợ rau, ông vẫn ngày ngày gác cổng và soát vé ở rạp chiếu phim, còn bà đang là thời kỳ bị quản thúc, vận quần áo xanh công nhân lao động cải tạo với nhiệm vụ quét rác ngoài chợ và khơi thông cống rãnh. Ngô Yên giờ đã già, so với Thượng Quan Vân Châu bà đỡ hơn nhiều, không bị đấu tố, không bị chỉ trích trên báo chữ lớn, người ta xếp ông bà thuộc loại “hổ chết”, vô sản hóa là đủ rồi. Ngô Yên rất thương Diêu Diêu, mỗi lần cô cháu gặp nhau bà thường nấu các món Thượng Hải cho chị ăn và nghe chị hát, bà thích đoạn ca từ Lý Thiết Mai trong vở “Hồng đăng ký”, thuở còn con gái bà cũng là tay đào kép, cũng môi son má phấn dưới ánh đèn sân khấu nên nhiều lúc Ngô Yên đã giúp Diêu Diêu sửa chữa những chỗ hát chưa thật hay.
Rồi một hôm người bạn cũ của Trình Thuật Nghiêu, ngày xưa từng là đồng học, từng cùng nhau biểu diễn ở đoàn kịch nói Trung Lữ, nhờ manh mối thế nào đó đã tìm tới đây - Ngũ Nguyên Lộ thăm Trình. Ông ta ngâm lại đoạn thơ Hamlet một thời vang bóng và hai người ôm nhau khóc, bà Ngô Yên thấy vậy cũng động lòng trắc ẩn, nước mắt cứ thế mà tuôn trào. Trong hoàn cảnh nhiễu nhương này, bạn cũ người xưa còn sống, còn nhớ mà gặp lại nhau là rất quý, dần dà thân mật như một gia đình. Ông dẫn cả cô con gái với bà vợ trước và cậu con trai với bà vợ sau đến thăm, làm quen hai bác Trình - Ngô, ông kể, bà vợ sau đã qua Mỹ từ lâu, nghe đâu đang làm phiên dịch cho cơ quan Liên hiệp quốc, ông ở lại Thượng Hải “gà trống nuôi con” và nay Khải Khải đã bắt đầu trưởng thành.
Mùa hè năm 1971, Diêu Diêu 27 tuổi, chị mất sạch, cha, mẹ, gia đình và tình lang, chị thất nghiệp vì nhà trường không chịu phân công công tác, nhưng số phận dun dủi đã cho chị gặp Khải Khải, họ trở thành đôi tình nhân, dẫu Khải nhỏ thua Diêu đến mười tuổi, dẫu ban đầu Khải đã gọi Diêu là “chị”. Trương Tiểu Tiểu kể rằng, năm ấy Khải Khải mới 17, đang là học sinh cao trung chưa tốt nghiệp, anh ta người cao lớn, có vẻ nho nhã hơn Yến Khải ngày xưa, anh ta đọc rất nhiều sách và có cái tài thuật lại những điều tâm đắc sau khi đã nghiền ngẫm mỗi tác phẩm, khiến người nghe rất say mê. Nhưng điều đáng nói ở Khải Khải là rất gan dạ, trong hoàn cảnh Đại cách mạng văn hóa hà khắc như vậy, trong khi Trung Quốc xem Mỹ là kẻ thù số 1, giao thông bưu điện đều đoạn tuyệt, hai nước cũng không đặt quan hệ ngoại giao, thế mà Khải Khải vẫn thiết lập được một đường dây liên lạc với mẹ đẻ đang sinh sống bên đó, anh sẵn có nỗ lực quyết tâm, hễ gặp được cơ hội dù nhỏ bé, mong manh đến đâu cũng tranh thủ tẩu thoát, bỏ Trung Quốc, chạy sang Mỹ gặp mẹ. Chẳng những thế Khải Khải còn giúp Diêu Diêu nối được liên lạc với ông Diêu Khắc - cha đẻ của mình, hiện thời Diêu tiên sinh đang sống ở Hawai, là giáo sư dạy môn hý kịch Trung Quốc cho khoa Đông Á của một trường đại học.
Diêu Diêu và Khải Khải ngày càng thân mật, ngày càng mặn nồng trong tình yêu đôi lứa, một người mong gặp cha, một người ước gặp mẹ, mục tiêu của họ là nước Mỹ và không hẹn mà gặp họ có chung một cảnh ngộ, vì vậy chẳng có sức mạnh nào, chẳng có ai tách chia nổi họ. Trình Thuật Nghiêu phản đối mối tình này, theo ông, đó là sự biểu hiện của “loạn luân”, ai đời chênh lệch những mười tuổi, khác nào như chị em với nhau. Lấy tư cách là “ba” ông kéo Diêu Diêu đến chỗ bà Thượng Quan Vân Châu nhảy lầu tự sát và bắt chị thề rằng, từ nay không đi lại cùng Khải Khải nữa. Diêu Diêu chỉ khóc chứ chẳng nói lời nào và thế là chị cũng mất luôn người “ba” ấy, cha con Trình - Diêu xem như đã đoạn tình, từ đó cho tới lúc qua đời, Diêu Diêu không một lần đặt chân trở lại căn nhà trên đường Ngũ Nguyên của Trình Thuật Nghiêu, chị mãi mãi cách xa.