Books are the glass of council to dress ourselves by.

Bulstrode Whitlock

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1723 / 10
Cập nhật: 2017-07-24 16:07:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương IV
ẹ Nhụ đã rửa mặt xong, ngồi im lặng đến mấy phút trên bậc đá cuối cùng ngang với làn nước. Bấy giờ là khoảng thời gian duy nhất nước dừng trong một ngày đêm. Mặt sông Bạch Đằng mênh mông, tiếp liền với biển, vậy mà trong khoảng nước dừng này, sóng vẫn không sao gợn lên được, nước chỉ khẽ rung rung như một làn da nhạy cảm. Cái bệ chân cột đèn biển hình thang, xây bằng đá hộc, ngả bóng xuống, trông rõ cả góc nhọn góc tù, trông rõ cả các mạch miết bằng xi măng xanh, quanh những mặt đá phẳng, hình sáu cạnh, lởm chởm bám vào những vỏ hà trắng mốc.
Nhụ đứng lặng nhìn mẹ đang soi bóng xuống mặt sông. Dưới làn nước xanh, gương mặt mẹ dường như đang nhìn Nhụ. Một gương mặt tròn, phúc hậu, điềm tĩnh, rất đỗi yêu thương và quen thuộc. Một món tóc không được đen lắm (như tóc của mọi người đàn bà chài lưới khác) rủ xuống một góc trán, làm cho đôi mắt không bao giờ mơ mộng, thêm đằm thắm, dịu dàng. Mẹ Nhụ vốn là người ít nói. Nhưng những người xung quanh đều có thể hiểu được lòng bác. Chỉ nhìn vào mắt bác, người ta sẽ nhận ra một tâm hồn thành thực, trong sáng đến mức đơn giản, một khả năng chịu đựng mọi khó khăn, chịu đựng mọi tổn thất, không nản, không kêu ca, một sự vượt lên chậm rãi, kiên trì, nó nằm ngay trong quy luật sống của bác mà bác không ý thức được. Sống bên một người ít nói, đã từ lâu, Nhụ có thói quen hay để ý các cử chỉ của mẹ để hiểu mẹ. Nhụ nghĩ rằng bố mình đã đi khơi một chuyến không bình thường. Xưa nay, đi lộng hay đi khơi, bao giờ bố nó cũng đi đánh cá với những người đánh cá. Từ ngày miền Nam được giải phóng, mỗi năm vài ba lần, đoàn tàu đánh cá của bố Nhụ vào tận đảo Phú Quốc... Việc đi vào tận những vùng biển xa ngái của phương Nam chỉ gây xao động trong những ngày đầu. Bây giờ việc đó đã rất bình thường. Vậy thì lần này, bố Nhụ dẫn đoàn tàu cá đi đâu?...
- Bố đi đêm qua rồi, phải không mẹ?
- Ừ
- Bao giờ về, hả mẹ? - Nhụ vội hỏi lại ngay. Theo nó, đây là câu hỏi quan trọng nhất. Đi Phú Quốc, Côn Lôn thì ba tháng, đi Nha Trang, Cam Ranh thì hai tháng. Đi Huế, Đà Nẵng thì một tháng. Lần nào cũng đại loại như vậy.
- Không biết được. - Mẹ nó đáp sóng sượt. Và cùng với lời đáp mệt mỏi ấy, nó nhận ra ở mẹ nó một vẻ gì rất quen thuộc, mỗi khi phải kiên nhẫn chờ đợi, và có thể, phải đón nhận cả những điều không lành. Đấy cũng là cái "vẻ" chung, phổ biến ở những người đàn bà vùng biển có chồng con luôn luôn ra khơi. Nhưng ở mẹ Nhụ, Nhụ thấy có một biểu hiện khác. Ấy là sự trầm tĩnh, trầm tĩnh đến mức làm cho người khác sốt ruột lên được.
- Sao thế, mẹ? - Chờ một lúc không thấy mẹ nói thêm, Nhụ sốt ruột hỏi.
Mẹ Nhụ bước lên hiên nhà, chăm chú nhìn ra cửa sông. Mặt sông rất phẳng, bóng nhẫy như vừa được tráng lên một lớp mỡ. Ở tận đường chân trời, một cánh buồm nâu, cô độc, trông như một chiếc lá khô dựng nghiêng. Con đê ngăn nước mặn chạy dài. Vài cái lò vôi màu hung hung, thong thả nhả ra từng đụn khói trắng đục, dẻo quánh. Tự nhiên, một nỗi gì như là nỗi buồn, xâm chiếm lòng nó. Nó không quen chịu thứ tình cảm đó. Nó hắng to lên một tiếng.
Mẹ Nhụ xổ tóc ra vấn lại, dáng điệu rất thanh nhàn. Những sợi tóc dài, hơi cứng. Màu đen của tóc đã bị phai đi, trông nhờ nhờ, có lẽ là do ảnh hưởng của nước mặn và gió muối.
- Đêm qua, bố mày đã định đánh thức mày dậy, nhưng mẹ bảo thôi.
- Lúc mẹ chuyển lưới cho bố, con cũng biết đấy.
- Thế à? Sao con không dậy?
- Mi mắt con làm sao cứ nặng chình chịch. Hình như con có nói một câu gì, phải không mẹ?
- Không. Không nói gì cả.
- Thế à. Lạ nhỉ? Thế bao giờ bố về? - Nhụ trở lại câu hỏi ban nãy.
Mẹ nó đã vấn xong tóc.
- Lần này, bố mày không phải chỉ có đi đánh cá.
Nhụ ngạc nhiên quá. Bố nó chuyển thêm lưới xuống tàu ra khơi, mà lại không chỉ đi đánh cá. Điều đó, nó chưa thấy bao giờ. Sợ mình nghe chưa rõ, nó vội hỏi lại, giọng hấp tấp:
- Thế thì bố làm việc gì là chính, hả mẹ?
- Giữ đảo. Lập một làng chài mới ở một hòn đảo.
- Xa không, mẹ?
- Tàu cá đi một ngày một đêm, thì trông thấy nó ở đường chân trời.
- Tên hòn đảo là gì, mẹ?
- Mõm Cá Sấu.
- Mõm Cá Sấu á? Sao nghe khiếp thế?
- Bố mày bảo đấy là một hòn đảo rất lành. Ông mày xưa cũng đã ghé qua...
- Thế bố phải ở lại đấy á?
- Ừ!
- Mãi mãi á, mẹ?
- Hình như thế.
- Ớ... - Nhụ thốt lên một tiếng khẽ, nhọn và nóng hổi.
- Bố mày không chỉ đi... bốn năm tàu cá như trước, mà những mấy chục tàu, với gần hai trăm người...
Mẹ nó kể tên vài người bằng một giọng chậm rãi, bình thản quen thuộc. Nó có biết gần hết những người đó. Họ đều là những người dân chài, khỏe mạnh, và dũng cảm có tiếng ở hai bên bờ sông Bạch Đằng. Nó cũng biết chỗ nó đang đứng đây, chính là mảnh đất chiến trường, đánh thắng giặc Nguyên xưa của cụ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trong những buổi lao động, đào mương thoát nước bên bờ sông, bọn nó còn đào được cả những cây cọc nhọn bằng lõi lim đã vùi xuống cát sâu, từ bảy trăm năm trước. Những chiếc cọc mới to, dài và cứng làm sao, y như thép vậy.
Vừa lúc ấy, một bóng nhỏ màu nâu rám, lẫm chẫm chạy qua khoảng cách giữa hai mẹ con, rồi nhảy bọp một cái xuống sông Bạch Đằng mênh mông nước mặn. Người mẹ giật mình, toan nhảy xuống theo, nhưng đã kịp dừng lại ngay lập tức. Có đến hàng trăm động tác thống nhất và chồng chéo lên nhau, trong toàn bộ cơ thể người mẹ, diễn ra chỉ trong mấy giây, khi chân vẫn đứng ở chỗ cũ. Cái bóng nhỏ ấy là thắng Đé, năm tuổi. Một thoáng sau, Đé đã nổi cái đầu cạo trọc tếu lên và lóp ngóp bơi, trông như một con nhái.
- Không được bơi ra! Không được bơi ra! - Mẹ nó thét lên, vừa hoảng hốt, vừa mừng rỡ.
Đây là lần đầu tiên, bác trông thấy đứa con út của mình biết bơi. Tuy thế, bác vẫn ở tư thế sẵn sàng. Chân bác một co, một duỗi, hai cánh tay hơi cong lên, toàn bộ con người như xù ra. Chỉ cần một linh cảm nào đó, chứ chưa cần đến một điều gì kịp ý thức được, bác sẽ nhảy ngay xuống sông. Và thế là, mọi điều không lành có thể xảy ra sẽ được loại trừ ngay tức khắc. Bây giờ thì không phải chỉ có hai con mắt, mà cả gương mặt, cả con người của bác, đều nhạy bén, sinh động lạ thường. Da nổi gai lên trong sự theo dõi căng thẳng.
- Không được bơi ra! Không được bơi ra!...
Bác nhắc lại, giọng đã dịu nhẹ hơn, bình thản hơn. Và một niềm vui không giấu giếm, bỗng bừng lên, long lanh trong hai con mắt bác...
Hòn Đảo Phía Chân Trời Hòn Đảo Phía Chân Trời - Trần Nhuận Minh Hòn Đảo Phía Chân Trời