Nguyên tác: Kon Tiki
Số lần đọc/download: 2762 / 87
Cập nhật: 2017-05-20 08:58:58 +0700
Chương 5 - Nửa Đường Của Cuộc Hành Trình
N
ếu một ngày nào đó, một con tàu gặp chúng tôi trên đoạn đường này, họ sẽ thấy chúng tôi đang thanh thản bập bềnh trên một dải sóng dài tung bọt trắng xóa, cánh buồm nâu đang hứng no ngọn gió tây đưa chiếc bè về phía Pô-li-nê-di. Họ sẽ thấy ở phía sau bè một người da sạm nắng, rậm râu mình trần, đang như một kẻ thất vọng vật lộn với bơi chèo ở tay lái cùng một mớ dây rợ rối tung hoặc, nếu là ngày đẹp trời, anh ta sẽ ngồi trên một chiếc hòm, thiu thiu ngủ dưới ánh nắng, bình thản dùng ngón chân để lái chiếc bè. Khi con người đó không phải là Ben thì lại thấy anh nằm sấp ở bậc ca-bin vùi đầu vào cuốn sách trong số bảy mươi ba cuốn về xã hội học. Không những thế, Ben còn là bếp trưởng, anh còn có nhiệm vụ xếp đặt khẩu phần ăn hàng ngày. Còn Héc-man, ta thấy anh có mặt ở mọi nơi bất kể giờ nào, ngày cũng như đêm. Khi thì ở trên ngọn cột buồm cùng với các dụng cụ khí tượng, khi thì đeo kính lặn chui xuống gầm bè để xem xét bộ phận chống giạt hoặc bận rộn cùng các quả khinh khí và những dụng cụ đo đạc trên chiếc xuồng cao su kéo theo sau bè. Là người phụ trách kỹ thuật, anh chịu trách nhiệm quan sát về khí tượng và thủy văn. Nút và Toóc-xten luôn luôn bận bịu với những bình điện chạy bằng pin khô (nhưng lại ướt), mỏ hàn và các bản vẽ mạch điện, đang cùng nhau đem khả năng chuyên môn được đào tạo trong chiến tranh ra để sửa chữa chiếc điện đài nhỏ được đặt cách mặt nước bể có bốn mươi phân dù rằng bị ẩm và bụi nước. Đêm nào cũng vậy, hai anh thay nhau phát lên không trung các bản tin về khí tượng và các báo cáo của chúng tôi. Một số người nghiệp dư về vô tuyến điện ngẫu nhiên nhận được, đã chuyển đến Viện khí tượng ở Oa-sinh-tơn hoặc các nơi khác.
Còn E-rích lúc nào cũng khâu vá buồm hoặc nối lại các đầu dây, nếu không lại đem gỗ ra gọt đẽo và phác họa những hình người mang râu rậm hay những hình cá lạ. Hàng ngày, buổi trưa, anh mang kính lục phân trèo lên một chiếc hòm để quan sát mặt trời và tính toán đoạn đường đã đi từ hôm trước. Riêng tôi cũng rất bận, nào là nhật ký đi biển, báo cáo, vấn đề phù du, đi câu và phim ảnh.
Chúng tôi có quyền cho rằng sau khi thất trận bên hồ Ti-ti-ca-ca, Công Ti-ki có hai cách giải quyết khi rời Pê-ru. Với hy vọng tìm thấy một xứ sở khác thanh bình hơn, ông có thể đã dấn mình vào một cuộc phiêu lưu qua đại dương theo hướng mặt trời mà ông là người thay mặt đối với một dân tộc sùng bái thiên thể này. Nhưng người ta cũng có thể đưa ra giả thuyết rằng Công Ti-ki chỉ ngược bờ biển Nam Mỹ đi quá về phía bắc lập nên một vương quốc mà những kẻ thù quấy nhiễu ông khó có thể đến được. Một khi đã thoát ra khỏi những dải đá ngầm nguy hiểm ở bờ biển cùng những bộ lạc thù địch ở ven biển, cũng như chúng tôi, Công Ti-ki trở thành miếng mồi ngon cho những cơn gió tây và luồng nước Hâm-bon và nhờ chúng, ông đã trôi giạt về hướng mặt trời lặn, đi theo một đường vòng cung lớn như vậy mà thôi.
Dù kế hoạch như thế nào đi chăng nữa, những con người sùng bái mặt trời này, lúc họ phải trốn khỏi nơi chôn rau cắt rốn, chắc chắn họ phải trang bị đầy đủ lương thực cho chuyến đi. Thịt, cá khô và khoai là những thức ăn chính đầu tiên. Khi ra đi từ bờ biển hoang vắng ở Pê-ru, họ đã dự trữ nước ăn dồi dào ở trên bè. Họ không dùng những vại bằng đất để chứa nước mà lại chứa vào những quả bầu to để chịu được những va chạm hoặc dùng những thân cây tre. Từng mắt tre đục một lỗ nhỏ để đổ nước vào, sau đó bịt lại bằng những con nêm hoặc dùng nhựa thông trám lại. Độ ba hay bốn mươi thân cây tre được cột chặt dọc trong lòng bè vừa thuận tiện, vừa được ướp mát bởi nước bể có nhiệt độ từ 26 đến 27 độ trong luồng nước nhiệt đới. Lượng nước dự trữ như vậy nhiều gấp hai lần số lượng nước chúng tôi sử dụng suốt cả cuộc hành trình, hơn nữa còn có thể dự trữ thêm bằng những thân cây tre được đựng nước ghép chặt vào đáy bể, làm như vậy, bè cũng không nặng thêm và không chiếm mất diện tích. Chúng tôi nhận thấy rằng sau hai tháng, nước đã có mùi hôi, nhưng lúc đó đã vượt qua vùng ít mưa của đại dương tới vùng có những mưa lớn làm cho việc dự trữ nước không thành vấn đề nữa. Mỗi một người một ngày được dùng một lít và một phần tư, như vậy thường cũng không dùng hết. Ngay nếu như những người đi trước chúng tôi đã rời bỏ đất liền ra đi với số lương thực thiếu thốn, họ vẫn có thể tự lo liệu về thực phẩm khi bè ở vùng hải lưu đầy cá. Những người già ở Pô-li-nê-di còn nhớ vài truyền thuyết kỳ lạ cho rằng tổ tiên họ từ biển đến, người nào cũng mang theo những lá một loại cây nào đó. Họ đã nhai những lá này để làm giảm cơn khát và cũng do nhai lá này, nếu cần phải uống nước bể cũng không gây hại gì. Loại cây này không thấy trên những đảo ở Thái Bình Dương, vậy thì nó có thể được mang đến từ đất nước quê hương của tổ tiên họ. Các nhà sử học Pô-li-nê-di đã nhấn mạnh nhiều sự việc này, cho đến các nhà bác học hiện đại cũng đã xem xét kỹ vấn đề và đi đến kết luận là chỉ có một loại cây có tác dụng đó đã được biết đến là cây cô-ca, chỉ thấy mọc ở Pê-ru.
Ở đất nước Pê-ru thời tiền sử, những người Anh-ca và các bậc tiền bối của họ thường sử dụng loại cây có chất cô-ca-in này như ta đã thấy qua các phát hiện ở những ngôi mộ thời tiền Anh-ca. Trong cuộc chạy trốn đến kiệt sức trong rừng cũng như lúc vượt biển, họ đều mang theo không biết bao nhiêu là lá cô-ca nhai suốt ngày để làm tiêu tan cơn khát và mệt mỏi. Hơn thế nữa, nhai lá này có thể uống nước biển thoải mái ít nhất trong một thời gian nào đó. Ở đây, chúng tôi chưa thử dùng loại lá này, nhưng chúng tôi có những sọt mây to đầy những loại cây khác còn có những dấu vết sâu đậm ở những đảo của Thái Bình Dương. Những chiếc sọt được cất giữ trong ca-bin, thời gian trôi qua, những cành non màu vàng và những lá xanh đã đâm chồi cao lên khỏi những chiếc sọt. Đúng như là mảnh vườn nhiệt đới nhỏ trên bè.
Khi những người châu Âu đầu tiên đổ bộ lên những hòn đảo ở Pô-li-nê-di họ đã thấy ngay những khu vực trồng khoai lang khá lớn, ở trên đảo Pa-cơ, ở Ha-oai và Tân Tây Lan. Loại khoai này còn được trồng ở những đảo khác mà chỉ có ở Pô-li-nê-di. Phần đất ở quá về phía tây chưa biết đến loại khoai này. Trồng khoai là một công việc canh tác quan trọng nhất ở những hòn đảo hẻo lánh, ở đó ngoài khoai ra, người thổ dân dùng cá làm thực phẩm chính để sinh sống. Theo truyền thuyết, chính Ti-ki cùng vợ là Pa-ni đã từ bỏ nơi quê hương của tổ tiên, đem loại khoai này đến và trở thành một loại lương thực quan trọng. Những truyền kỳ của Tân Tây Lan kể lại rằng khoai đã vượt đại dương trên những con thuyền không phải là loại thuyền độc mộc, mà là những bè gỗ ghép lại bằng dây thừng.
Như đã biết, châu Mỹ trước khi có mặt người Âu, là nơi duy nhất trên thế giới có khoai. Giống khoai I-pô-mê-a Ba-ta-ta mà Công Ti-ki mang đến đảo, chính là giống khoai mà người Anh-điêng ở Pê-ru đã trồng từ thời thượng cổ. Khoai phơi khô là thứ lương thực quan trọng trong hành trình của những người đi biển Pô-li-nê-di cũng như của thổ dân đất nước Pê-ru xa xưa.
Trên những đảo ở Thái Bình Dương, khoai chỉ mọc nếu được người chăm sóc cẩn thận; do khoai không chịu nước biển, nên không thể giải thích rằng ở những đảo cách xa nhau có giống khoai này là do các dòng hải lưu từ Pê-ru mang đến trên một chặng đường dài tám nghìn cây số. Cách giải thích một vấn đề quan trọng như vậy càng không còn giá trị nếu người ta nghĩ đến việc làm quan trọng của các nhà ngôn ngữ học cho rằng ở tất cả những hòn đảo rải rác rất xa nhau cũng như những người Anh-điêng cổ xưa của đất nước Pê-ru đều cùng gọi tên giống khoai này là Cu-ma-ra. Tên Cu-ma-ra cùng theo giống khoai vượt qua các biển cả.
Một loại cây khác trồng ở Pô-li-nê-di mà trên bờ hiện có, đó là giống bầu nậm, La-giê-na-ni-a Uan-ga-rít mà vỏ của nó quan trọng không kém gì quả. Người Pô-li-nê-di đem hơ vỏ vào lửa cho khô dùng để đựng nước. Loại cây này trồng ở vườn, cũng không thể sinh sôi nảy nở một cách hoang dại qua đại dương được. Người Pô-li-nê-di cổ xưa và dân tộc nguyên thủy của Pê-ru đều cùng có giống bầu nậm này. Những quả bầu tương tự dùng đựng nước đã được tìm thấy trong những ngôi mộ cổ thời tiền sử tại bờ biển Pê-ru. Tại đây, những người dân đánh cá vẫn dùng đựng nước hàng bao nhiêu thế kỷ trước khi những người nước ngoài đầu tiên đến những đảo ở Thái Bình Dương. Tên gọi quả bầu nậm này bằng tiếng Pô-li-nê-di và Ki-mi, có trong từ vựng của người Anh-điêng ở Trung Mỹ, cái nôi của nền văn minh Pê-ru. Ngoài một số ít hoa quả lạ khác tình cờ được chọn ra mà chúng tôi phải ăn trong mấy tuần, trước khi chúng bị thối, chúng tôi còn một loại quả cũng giữ một vai trò quan trọng như khoai, trong lịch sử của Thái Bình Dương, đó là hai trăm quả dừa, nước thơm mát và làm cho hàm chúng tôi mỏi dừ vì nhai cùi dừa. Nhiều quả đã nảy mầm chỉ trong mươi tuần lễ trên biển, chúng tôi đã có mười hai cây dừa non cao độ ba mươi phân, nụ đã nở và những lá xanh non mọng nước đã nhú ra.
Trước thời kỳ Crít-xtốp Cô-lông, cây dừa đã mọc cả ở eo Pa-na-ma và Nam Mỹ. Theo nhà biên niên sử A-vi-ê-đô khi người Tây Ban Nha đến đây, bờ biển Pê-ru ở Thái Bình Dương đã thấy các cây dừa mọc bạt ngàn. Vào thời kỳ đó, những đảo ở Pô-li-nê-di, từ lâu đã có loại cây này. Những nhà thực vật học cũng không thể khẳng định chắc chắn rằng giống dừa từ đâu đến. Tóm lại là, giờ đây người ta có thể tin chắc rằng, dù quả dừa có một lớp vỏ tốt, cũng không thể nào vượt đại dương nếu không có con người mang đi. Những quả dừa mà chúng tôi mang theo ở trong sọt, vẫn ăn được và vẫn có khả năng nảy mầm trong suốt chuyến đi này. Chúng tôi đã để một nửa số dừa cùng với số thực phẩm đặc biệt ở trong lòng bè, ở đây sóng luôn luôn tràn vào và tất cả số dừa đó bị hỏng. Vả lại không một quả dừa nào thả xuống biển lại có thể nổi và trôi nhanh hơn chiếc bè gỗ ban-xa được gió đẩy đi. Đối với quả dừa trôi trên biển, nước biển mặn thấm vào mắt dừa sẽ làm hỏng, hoặc khi trôi lềnh bềnh trên biển, những cá, cua hoặc những sinh vật khác thấy dừa có thể ăn được chắc cũng không tha, vậy thì quả dừa làm sao có thể tồn tại để trôi giạt từ thế giới bên này sang thế giới bên kia đại dương.
Thỉnh thoảng vào những ngày yên tĩnh, chúng tôi thấy bập bềnh trên mặt sóng, ngay bên cạnh, một chiếc lông chim trắng toát. Tuy cách đất liền nơi gần nhất đến hàng ngàn hải lý, chúng tôi vẫn thường gặp những con chim hải âu lạc lõng và các loài chim khác có khả năng ngủ ở trên mặt nước. Lại gần chiếc lông chim và nhìn thật kỹ chúng tôi thấy hai, ba con vật nhỏ bám vào cùng trôi theo gió. Khi thấy chiếc bè sắp vượt qua đi nhanh hơn, có chỗ cho chúng bám, là chúng lao ra rất nhanh, từ trên mặt nước leo ngay lên bè, bỏ lại chiếc lông chim trôi giạt trên biển. Chiếc Công Ti-ki như vậy lại có thêm những hành khách lén lút. Đó là những loại cua nhỏ chuyên sống ở đại dương. Chúng chỉ to bằng móng tay, trừ trường hợp ngoại lệ, và là thức ăn ngon cho những tay đô vật ở trên bè. Giống cua này rất thính, thấy có gì ăn được là chúng đến ngay. Một con cá chuồn, rơi vào khe gỗ mà người nấu bếp không trông thấy, sáng hôm sau đã có hàng chục con đang dùng càng xâu xé con cá. Thường thường thấy người đến là chúng sợ hãi bỏ chạy.
Trong một cái lỗ ở cây gỗ phía sau, có một con cua rất háu ăn mà chúng tôi gọi tên nó là Giô-han. Cũng như con vẹt là một con vật vui nhộn được nuông chiều nhất, con cua Giô-han cũng được chấp nhận vào xã hội nhỏ bé của chúng tôi. Mỗi người đến thay ca trực đều mang theo ít vụn bánh hay một mẩu cá, cúi xuống lỗ là nó chạy ra giơ càng để xin ăn. Dùng càng lấy xong, nó lủi ngay vào trong lỗ ních đầy bụng, như chú học trò háu ăn. Các con cua này bám đầy như ruồi vào các quả dừa bị nước biển làm hỏng và đang lên men hoặc chúng kiếm ăn bằng những phù du bị sóng hắt lên bè. Từ khi biết những sinh vật nhỏ bé này là thức ăn rất ngon, nên mỗi lần kiếm cũng đủ được một miếng. Loài phù du này hầu như không nhìn thấy rõ, nổi lềnh bềnh nhiều vô kể ở đại dương chứa nhiều chất dinh dưỡng. Cá và chim biển nào không ăn trực tiếp phù du thì chúng ăn cá và các hải vật khác sống bằng phù du. Phù du là tên chung chỉ hàng nghìn sinh vật nhỏ các loại mà mắt có thể trông thấy hoặc quá bé không thấy. Đó là những phù du thực vật và một số khác là trứng cá hoặc phù du động vật. Phù du động vật sống nhờ vào phù du thực vật và phù du thực vật sống nhờ vào mô-ni-ác, và ni-tơ-rít cùng ni-tơ-rát được tạo ra từ những phù du động vật chết. Cùng một lúc, chúng sống nhờ vào nhau, chúng tạo thành một nguồn lương thực cho tất cả những gì đang sống trong và dưới đáy biển. Chúng có nhiều, không phải vì kích thước lớn mà vì số lượng lớn. Một cốc nước có phù du chứa đến hàng ngàn những sinh vật nhỏ bé đó.
Nhiều lần đã có người chết đói trên biển vì họ không tìm được cá đủ lớn để bắt bằng lao, lưới hoặc lưỡi câu. Ở trong trường hợp như vậy chính họ đang bơi đi trong nước cháo cá loãng. Nếu ngoài những lưỡi câu và lưới, họ có thêm một dụng cụ để vớt lớp tảo xung quanh, họ sẽ thấy một nguồn thực phẩm rất bổ; đó là phù du. Trong tương lai có lẽ con người sẽ có ý định thu hoạch phù du trên biển như họ đã thu hoạch lúa từ lâu ở trên đất liền. Riêng một hạt lúa chẳng làm được gì nhưng với số lượng lớn nó đã trở thành lương thực. Đứng trên các con tàu đi biển, tôi đã có dịp nhìn thấy cá voi từ xa, và thấy cá voi nhồi rơm ở Viện bảo tàng, nhưng chưa bao giờ hình dáng khổng lồ của nó cho tôi cảm giác giống như khi thấy loài động vật máu nóng như con ngựa hay con voi. Dĩ nhiên về mặt sinh học mà nói, tôi thừa nhận cá voi là loài động vật có vú nhưng về bản chất của nó tôi cho rằng đó là một loại cá lớn máu lạnh. Cảm nghĩ của chúng tôi không giống nhau khi những con cá voi lớn bơi gần bè.
Một hôm, như thường lệ, chúng tôi thường ngồi ăn ở ngay mép bè để tiện cúi xuống rửa bát đĩa, bỗng nhiên chúng tôi hoảng hồn nghe thấy tiếng phì phò như một con ngựa đang bơi và thấy một con cá voi rất lớn bơi đến gần chằm chằm nhìn chúng tôi, gần đến nỗi trông thấy khe mang của nó bóng nhẫy như chiếc giày da đánh xi bóng loáng. Thật là kỳ lạ khi trên biển cả lại nghe thấy tiếng thở phì phò bằng phổi của vật sống ở biển; trong khi đó, mọi sinh vật ở đây bơi đi đó đây, lặng lẽ, không có buồng phổi, đôi mang rung lên. Kỳ lạ đến nỗi chúng tôi như thấy có một cảm tình nồng hậu đối với cá voi, người họ hàng xa với loài người, và cũng như chúng tôi hiện nay đương phiêu lưu ra tận biển cả xa xôi. Không giống như cá mập voi, vẻ lạnh lùng, đầu như đầu cóc, không đủ thông minh để đưa mũi ra khỏi mặt nước để hít thở không khí trong lành. Đằng này chúng tôi thấy trước mặt mình con vật giống như con hà mã vui tính như được nuôi dưỡng tốt trong một vườn thú và điều làm cho chúng tôi vô cùng có cảm tình với nó, là nó thở hít trước khi biến sâu vào biển cả. Chúng tôi còn thường xuyên gặp những cá heo là cá có vú nhỏ, có răng, đi hàng đàn, bơi tung tăng quanh bè chúng tôi và đôi khi có cả những con cá nhà táng lớn và cá voi khổng lồ, đi lẻ tẻ hoặc từng nhóm vài con. Nhìn về phía chân trời, chúng bơi, phun lên các cột nước, như những con tàu hoặc còn ghé đầu vào bè chúng tôi. Lần đầu tiên chúng tôi chờ đợi bị húc vào bè, khi một con cá voi to đổi hướng hung hăng lao thẳng đến bè chúng tôi. Tiến lại gần, nó nhấc đầu khỏi mặt nước, chúng tôi nghe thấy tiếng thở nặng nề, từng hơi dài của nó.
Con dơi khác con chim thế nào thì cá voi cũng khác với con cá như vậy, nó giống như một con thú vật khổng lồ, xấu xí, có lớp da dày đang khó nhọc bơi trên biển. Nó bơi ở mạn trái bè, chỗ chúng tôi đang đứng với nhau, trừ một bạn đang ở trên cột buồm kêu lên báo cho biết còn đến bảy, tám con nữa đang bơi theo hướng này. Cái trán đen bóng của con cá voi thứ nhất cách chúng tôi chừng hai mét thì nó lặn xuống. Chúng tôi trông thấy một khối khổng lồ xanh đen lướt êm dưới chiếc bè, đúng ngay dưới chân chúng tôi. Nó đứng nguyên không cử động, còn chúng tôi không một ai dám thở mạnh nhìn thấy cái lưng đồ sộ gồ cong lên của cá voi, dài hơn chiếc bè rất nhiều. Sau đó nó từ từ lặn xuống mặt biển xanh biếc và biến đi mất. Trong khi đó đàn cá voi đang tiến lại gần nhưng không có một con nào để ý đến chúng tôi.
Cá voi thường ỷ vào sức mạnh ghê gớm của nó; dùng đuôi đánh đắm những tàu săn khi nó thấy bị tấn công trước. Suốt cả buổi sáng chúng tôi thấy chúng lởn vởn ở quanh chúng tôi vào những nơi không ngờ tới, vừa phun nước vừa thở, nhưng không một con nào đụng tới bè và bánh lái. Chúng có vẻ sung sướng được vẫy vùng trên mặt sóng đầy ánh nắng. Đến trưa, như một mệnh lệnh phát ra, cả đàn lặn xuống và biến mất. Chuyện thật là như thế.
Ở trên bè, không phải chúng tôi chỉ thấy cá voi. Lật chiếu nằm lên, qua các khe hở các thân cây gỗ, là nhìn thấy làn nước xanh biếc trong veo. Chỉ cần không cử động một lúc sẽ thấy những vây lưng và vây ngực hoặc cả một con cá đang lượn lờ. Chỉ cần các khe rộng hơn ngón tay cái là chúng tôi có thể vừa nằm vừa câu đàng hoàng. Những con cá có vẻ trung thành nhất với chiếc bè là những con cá hoa tiêu và cá hồng. Từ lúc con cá hồng đầu tiên theo chúng tôi ở Ca-lao, trong chuyến đi này không một ngày nào mà chúng tôi không thấy những con cá hồng lớn ở quanh chiếc bè. Không hiểu có cái gì đã lôi cuốn chúng hoặc chúng thích thú được bơi dưới một chiếc mái nổi hoặc chúng có thể kiếm ăn ở mảnh vườn đầy rêu tảo và hến bám lòng thòng ở những cây gỗ và chèo lái.
Thoạt đầu, chiếc bè là những cây gỗ xanh tươi, nhẵn nhụi nhưng rồi những đám rêu tảo đã phủ đầy với tốc độ nhanh ghê gớm đến nỗi chiếc Công Ti-ki vật vờ lướt trên sóng trông như một vị thần biển đầy rêu. Đám rêu tảo xanh đã trở thành nơi trú ngụ hiếm có cho những con cá nhỏ xíu và những du khách lén lút: những con cua. Trong một thời gian, chúng tôi phải chịu đựng sự xâm nhập của những con kiến đen nhỏ. Chúng ở trong một vài cây gỗ và một khi trên biển, gỗ bị thấm ẩm, đẩy chúng chui ra kéo nhau vào các túi ngủ của chúng tôi. Chỗ nào cũng thấy chúng. Chúng tôi bị đốt và hành hạ đến nỗi phải nghĩ rằng có lẽ chúng định đuổi chúng tôi ra khỏi bè. Nhưng dần dần độ ẩm ngày càng cao, chúng thấy rằng biển cả không phải là nơi trú thích hợp với chúng và chỉ có một vài con lẻ tẻ chịu đựng cho đến khi cuộc hành trình kết thúc.
Ngoài giống cua ra, những động vật thích ở trên bè là giống hến, dài từ hai đến ba phân. Ở phía kín gió, hến sinh sôi nảy nở đến hàng trăm con, nhiều đến nỗi vừa ăn các con trước, các ấu trùng đã nở rồi. Hến ăn ngon và mát, nhưng đem trộn dầu dấm với rêu tảo, thì không ngon lắm. Loài cá hồng không thấy kiếm ăn ở vườn rau chúng tôi, nhưng vẫn thấy chúng kiên nhẫn bơi dưới những thân cây gỗ, bụng lóng lánh. Loài cá hồng ở những biển miền nam, tên thường gọi là Cô-ri-phen, là một giống cá nhiệt đới nhiều màu sắc, dài từ một mét đến một mét ba mươi nhăm, mình dẹt, có đầu và cổ rất dài. Chúng tôi đã bắt một con dài một mét bốn mươi ba, với đầu dài tới ba mươi bảy phân. Màu sắc của cá hồng rất đẹp. Ở dưới nước, nó lấp lánh màu xanh lam và xanh lục, vây vàng óng ánh, nhưng khi vớt nó lên mạn bè, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi nó hấp hối, màu sắc nó thay đổi dần dần. Thoạt tiên là màu xám bạc điểm chấm đen và cuối cùng màu trắng bạc hoàn toàn. Sự thay đổi màu chỉ diễn ra trong khoảng bốn, năm phút để rồi trở lại dần dần màu cũ. Ngay khi ở dưới nước, giống Cô-ri-phen đôi khi thay đổi màu như con kỳ nhông và chúng tôi thường phát hiện thấy "loại cá mới", có màu da hồng và khi nhìn thật kỹ lại vẫn là người bạn đồng hành quen thuộc, đó là cá hồng.
Với trán cao giống như loài chó bun-đô, con vật bắt mồi xé nước, lao theo đàn cá đang chạy trốn như một ngư lôi được phóng đi. Lúc nào khoái chí, con cá hồng nghiêng mình lấy đà nhảy lên khỏi mặt nước rồi lại rơi xuống. Tiếng bành bạch cứ đều đặn như vậy và làm bắn lên những cột nước. Vừa rơi xuống biển, nó lại nhảy và cứ thế liên tiếp trên mặt sóng của biển cả. Khi chúng khó chịu như lúc bị bắt lên mạn bè, nó cắn chúng tôi. Toóc-xten đã sơ ý để bàn chân gần mõm nó và bị đợp một miếng khá mạnh làm cho anh đi khập khiễng mất ít lâu vì ngón chân cái bị cắn phải quấn vải. Lúc trở về, chúng tôi mới được biết là loài cá này thường tấn công và ăn thịt những người tắm biển. Thật hú vía! Ngày nào chúng tôi cũng tắm mà không hề để ý đến những loài cá này. Chúng thực sự là những động vật bắt mồi nguy hiểm, chúng tôi đã thấy trong bụng nó có những con bạch tuộc và cá chuồn còn nguyên vẹn. Chúng tôi thấy loài cá hồng rất thích ăn cá chuồn. Thấy tiếng đập trên mặt nước là chúng lao đến ngay một cách mù quáng, hy vọng đó là cá chuồn.
Có một buổi sáng, chúng tôi còn đang ngái ngủ, mắt nhắm mắt mở, ra khỏi ca-bin nhúng bàn chải răng xuống biển bỗng nhiên chúng tôi choàng tỉnh giật bắn người thấy một con cá khoảng ba mươi cân Anh từ dưới bè lao nhanh ra như chớp, gửi chiếc bàn chải răng một cách thất vọng. Và cho đến khi chúng tôi đang ăn sáng ở cạnh bè, một con cá hồng nhảy lên làm chúng tôi ướt từ đầu đến chân, nước bắn cả vào thức ăn.
Toóc-xten là một người sát cá. Một hôm, đang ăn cơm trưa, Toóc-xten đột nhiên buông đĩa, thò tay xuống biển. Trong khi chúng tôi chưa biết chuyện gì xảy ra, thấy nước biển sủi lên và một con cá hồng đã rơi vào giữa chúng tôi. Thì ra Toóc-xten đã nắm một đầu dây nổi ở gần bè và giật lên, ở đầu dây đã có một con cá hồng bị cắn câu mà mấy ngày trước đây nó đã cắn đứt dây của E-rích trong khi anh đang câu. Không một ngày nào là không có sáu, bảy con cá hồng theo chúng tôi, bơi quanh bè và bơi dưới bè. Vào những ngày xấu trời, chỉ có hai, ba con nhưng đến hôm sau có thể lên tới ba, bốn chục con.
Nói chung, nếu muốn ăn cá tươi chỉ cần báo cho nhà bếp hai mươi phút trước. Anh ta chỉ việc buộc dây vào một chiếc gậy tre ngắn, lưỡi câu móc mồi bằng nửa con cá chuồn. Nhanh như chớp, một con cá hồng xé nước lao đến đớp mồi và đằng sau còn hai, ba con khác. Đây là một loại cá chắc thịt, câu lên ăn ngay, thịt nạc và thơm giống như thịt cá thu và cá hồi. Có thể để đến hai ngày sau mà cá chưa bị hỏng, như thế cũng thừa đủ vì biển cả còn có bao nhiêu là cá.
Với loài cá hoa tiêu, chúng tôi làm quen bằng cách khác. Những con cá mập đã dẫn chúng đến và để lại cho chúng tôi sau khi cắn chúng chết. Đi trên biển không bao lâu chúng tôi đã gặp con cá mập đầu tiên. Và sau đó, việc gặp cá mập là chuyện hàng ngày. Thỉnh thoảng nó lượn đến thăm thú chiếc bè rồi lại tiếp tục đi săn mồi, sau khi lượn quanh chúng tôi vài lần. Nhưng nói chung, nó theo vết chúng tôi, bơi ngay ở sau bánh lái khi thì ở mạn phải, khi thì ở mạn trái, rất lặng lẽ, thỉnh thoảng quẫy nhẹ đuôi để đi cho bằng tốc độ của bè. Dưới làn nước biển và ánh nắng, mình nó xanh xám trông gần như nâu. Theo nhịp sóng, nó lềnh bềnh khi lên, khi xuống chiếc vây luôn luôn dựng đứng lên như hăm dọa. Vào những hôm biển động, các ngọn sóng nâng cá mập lên cao hơn bè, lúc này được dịp nhìn ngang thân nó chẳng khác gì nó đang ở trong lồng kính, trong khi nó vẫn lừng lững tiến về phía chúng tôi cùng một đàn cá hoa tiêu đang hốt hoảng dẫn đầu. Trong một vài giây, người ta tưởng như con cá mập và đàn cá hộ tống sẽ lao thẳng lên bè, những chiếc bè đã ngoan ngoãn nghiêng theo chiều gió, cưỡi lên đầu ngọn sóng để lại thụt xuống phía bên kia sóng. Do đồn đại và dáng hung hãn của nó nên những ngày đầu của cuộc hành trình, chúng tôi rất ngại loài cá này. Trong thân mình đầy năng động của nó chứa đựng một sức mạnh ghê gớm, những bắp thịt thép. Chiếc đầu to bẹt cùng đôi mắt nhỏ xanh như mắt mèo biểu hiện một sự phàm ăn tàn nhẫn. Mõm nó rất to, có thể nuốt cả quả bóng đá. Khi người giữ lái kêu lên "Cá mập ở bên phải" hoặc "bên trái có cá mập", tất cả chúng tôi đều trực sẵn ở bên bè, trong tay cầm lao và câu liêm. Nó thường lượn quanh chúng tôi, chiếc vây lưng sát gần các cây gỗ. Sự kiêng nể của chúng tôi càng tăng lên khi những ngọn đinh ba đâm vào lớp da lưng dày như vỏ thép bóng nhẫy bị quằn lại, các mũi lao bị gãy trong cuộc chiến đấu gay go. Nếu chúng tôi có thể đâm thủng được lớp da nó, thấu đến lớp sụn và các thớ thịt, thì chắc chắn sẽ là một cuộc vật lộn điên cuồng làm cho nước biển sủi lên quanh chúng tôi cho đến lúc nó thoát và biến đi, để lại trên mặt nước một lớp dầu.
Để khỏi phí mũi lao cuối cùng, chúng tôi đem những lưỡi câu to nhất, buộc liền lại với nhau, giấu vào trong một con cá hồng. Vứt con cá mồi đó xuống biển, chúng tôi còn cẩn thận dòng theo rất nhiều dây thép buộc chặt vào dây thừng cấp cứu. Chậm chạp, bình tĩnh, con cá mập lại gần, hếch mõm lên mặt nước rồi đột nhiên há miệng đớp ngay con mồi. Con cá mập đã bị mắc câu. Nó bắt đầu giãy giụa làm cho nước biển như sôi lên. Chúng tôi vẫn cầm cự tốt mặc cho nó cưỡng lại và kéo nó đến cây gỗ phía sau bè, như chờ đợi điều sắp xảy ra, mõm há chìa ra hai hàm răng nhọn như răng cưa đe dọa chúng tôi. Lợi dụng một con sóng đánh tới và rêu trơn, chúng tôi kéo nó ra phía đầu bè. Sau khi vòng dây thừng quanh vây đuôi nó, chúng tôi vội tản ngay ra xa để tránh nó giãy giụa phản ứng. Chúng tôi đã tìm thấy đầu mũi lao ở trong phần sụn của xương sọ con cá mập đầu tiên này và cho rằng đó là nguyên nhân làm suy yếu sức chống cự của nó. Theo phương pháp này, về sau chúng tôi đánh được rất nhiều loài cá mập rất dễ dàng. Cá mập vận động rất nặng nề, đôi khi nó vùng vẫy mãnh liệt nhưng nó lại dễ nản vì bị chế ngự. Không bao giờ nó dùng hết sức mạnh ghê gớm của nó, nếu chúng tôi giữ dây thật căng và không chịu nới dù một ngón tay trong cuộc vận lộn đến cùng này. Những con chúng tôi đánh được thường dài khoảng hai đến ba mét, màu xanh lơ hoặc nâu. Chúng có lớp da dày đến nỗi dùng hết sức đâm mũi dao nhọn vẫn không thể nào xuyên qua được. Da bụng nó dày cũng không kém da lưng. Duy chỉ có năm cái mang ở mỗi bên phía sau đầu là có thể sát thương được. Mỗi khi kéo cá mập lên, trên mình nó thường có những con cá rê-mo-ra đen và nhớp nhúa bám chặt lấy. Loài cá này trên đỉnh đầu có một bộ phận như cái vòi hút hình tròn, khi nó đã bám vào, dù cầm đuôi kéo cũng không ra.
Nhưng nó lại có thể tự nhả ra và một giây sau lại bám chặt vào chỗ khác. Và nếu như nó không muốn bám vào ông bạn cũ nữa, vì ông này vĩnh viễn không trở lại biển, lập tức nó nhảy qua khe các cây gỗ bơi đi tìm một con cá mập khác. Trong khi chưa tìm được cá mập, nó bám vào những con cá khác. Giống cá rê-mo-ra này thường dài từ một ngón tay đến gần hai gang. Chúng tôi đã thử áp dụng phương pháp cổ truyền mà thổ dân đôi khi vẫn làm để bắt giống cá này. Họ buộc một sợi dây vào đuôi cá và thả cho nó đi. Con cá này sẽ bám chặt vào một con cá mà nó trông thấy, và người đi câu chỉ việc kéo dây về. Nhưng chúng tôi không có may mắn ấy: mỗi lần chúng tôi thả một con cá ép đuôi buộc dây, là nó lại bám ngay vào thân cây gỗ ở bè mà nó tưởng đó là một con cá mập lớn. Chúng tôi cố kéo mà nó cũng không rời ra. Dần dần chúng tôi nhận thấy rằng một số cá ép nhỏ vẫn bướng bỉnh bám vào những lớp vỏ hà theo chúng tôi qua Thái Bình Dương. Giống cá rê-mô-ra vừa xấu vừa đần độn, nên chúng tôi không thích bằng loài cá hoa tiêu thông minh và nhanh nhẹn. Cá hoa tiêu giống như điếu xì gà, là loại cá nhỏ, mình vằn, thường đi hàng đàn bơi rất nhanh, dẫn đầu cho cá mập. Người ta gọi nó với cái tên như vậy vì cho rằng nó chuyên dẫn đường cho giống cá mập mù dở. Thực ra nó chỉ là bạn đường của cá mập, và hành động độc lập, nếu phát hiện thấy những thứ kiếm ăn được. Nó thường hộ tống cá mập, vị chúa tể của nó, cho đến giây phút cuối cùng. Không như loài cá rê-mô-ra luôn luôn bám chặt vào da cá mập, cá hoa tiêu trở nên rất lúng túng khi cá mập bị đánh bắt. Nó bơi tha thẩn mọi chỗ cuống cuồng đi tìm cá mập và bao giờ nó cũng trở lại lượn quanh mũi bè nơi cá mập mất tích. Chờ đợi mãi không thấy cá mập trở lại, nó lại đi tìm vị chúa tể mới, mà chẳng có chúa tể nào nó thấy xứng đáng như chiếc Công Ti-ki. Từ trên bè cúi xuống, ngập đầu trong làn nước biển trong veo, chiếc bè trông như bụng con quái vật biển. Mái chèo lái tựa như cái đuôi, những chiếc vây là những mảnh gỗ chống giạt có những cá hoa tiêu đang bơi bên nhau. Chúng không nhận thấy chiếc đầu người mà xung quanh nước đang sủi bọt, trừ một hai con trông thấy đã tách khỏi đàn lao ra như mũi tên, hếch mũi lên rồi sau đó lại bình thản trở về hàng ngũ. Chúng chia thành hai đàn, để đi tuần tra. Phần lớn bơi ở bên những tấm gỗ chống giạt. Những con khác bơi theo hình chiếc quạt ngay trước mũi bè. Thỉnh thoảng trên đường đi, chúng cũng kiếm được mồi, nhất là sau bữa ăn, chúng tôi rửa bát đĩa đổ thức ăn thừa, chúng xúm đông đến nỗi tưởng như chúng tôi đổ xuống cả một hộp xì gà toàn cá vằn. Chúng ăn tất cả những món ăn thừa trừ những thức ăn thuộc về thực vật. Những con cá nhỏ ngộ nghĩnh này thường quanh quẩn ở dưới những chiếc cánh bảo vệ bè, đầy tin tưởng, hồn nhiên và ngây thơ.
Cũng như cá mập, chúng tôi cảm thấy gần gũi thân thiết với chúng, coi chúng là những con vật tâm đắc của chiếc Công Ti-ki. Đi theo chúng tôi còn có những hoa tiêu bé nhỏ dài chừng một pút, còn đa số đều dài tới sáu pút. Khi con "cá mập voi" trúng mũi lao của E-rích cắm vào đầu thì nó bỏ chạy nhanh như chớp, để lại một số cá hoa tiêu lớn dài chừng hai pi-ê. Sau một loạt chiến thắng, chiếc Công Ti-ki đã kéo theo hàng đàn cá hoa tiêu đến bốn, năm chục con. Phần đông chúng có vẻ ưa thích nhịp đi chậm rãi của chiếc bè và những thức ăn thừa hàng ngày, đã làm cho chúng bám theo chúng tôi trên những chặng đường hàng nghìn cây số. Nhưng đôi khi cũng có những con không trung thành như vậy. Một hôm, tôi đang ngồi lái, đột nhiên nhận thấy mé phía nam mặt biển sủi lên, tôi nhìn thấy một dải rất rộng đầy cá hồng đang lao đi trong nước như những chiếc xe đua mui cạp màu bạc. Không như mọi khi, chúng bơi trườn nghiêng vừa bơi vừa đập nước mà lần này chúng đã bơi với tốc độ điên loạn như bay trên không nhiều hơn là bơi dưới nước.
Như một cơn lốc, chúng chạy trốn làm cho mặt sóng sủi lên những bọt trắng xóa và ở sau chúng, nổi lên một cái lưng đen đang bơi ngoằn ngoèo như chiếc tàu cướp. Những con cá hồng mình thon dài nhao về phía bè và lặn xuống trong khi hơn một trăm con khác đi về phía đông thành một dải dày đặc. Đằng sau chúng tôi, biển chỉ còn là một khối màu sắc lấp lánh. Cái lưng bóng nhẫy nhô lên khỏi mặt nước rồi lại lặn xuống dưới bè, tạo thành một đường cong tuyệt mỹ, để đi truy lùng bầy cá hồng. Đó là con cá mập dữ như hung thần, da màu xanh lơ, dài gần hai mươi pi-ê. Nó đã biến đi làm cho một số lớn cá hoa tiêu cũng biến theo. Chúng đã tìm thấy "người hùng của biển cả" hung hăng hơn để chúng đi cùng.
Những người thông thạo về biển đã lưu ý chúng tôi hết sức đề phòng một động vật ở biển, đó là óc-tô-puýt, một loài bạch tuộc khổng lồ, nó có thể đến trên bè chúng tôi. "Hội Quốc gia về địa lý" ở Oa-sinh-tơn đã cho chúng tôi xem những bản cáo cáo cùng những tấm ảnh chụp bằng đèn ma-nhê-di-om ở vùng dòng Hâm-bon nơi thường có loài bạch tuộc khủng khiếp ban đêm vẫn nổi lên mặt nước. Loài này rất phàm ăn, nếu một con cắn mồi đang bị mắc vào lưỡi câu, con khác vội đến ngay và ăn thịt đồng bọn nó. Giống bạch tuộc này có những vòi mạnh giúp nó trị nổi cả cá mập lớn, các vòi hút của bạch tuộc thường để lại những vết thương xấu xí trên mình cá voi lớn; ẩn giữa những vòi là miệng của con bạch tuộc giống như mỏ quái ác của chim ưng. Người ta còn cho biết rằng, trong đêm tối nó thường nổi lên với đôi mắt lân tinh xanh lè. Nếu nó không muốn bò lên, những vòi của nó dài đến nỗi cũng thừa đủ luồn lên bè để sờ mó tất cả các ngóc ngách. Khi nghĩ đến những chiếc vòi lạnh ngắt của nó kéo cổ chúng tôi ra khỏi túi ngủ ban đêm, điều đó chẳng làm cho chúng tôi vui thích chút nào. Vì vậy mọi người đều thủ sẵn một cái lao giống như loại gươm cong, để dùng trong trường hợp bất đắc dĩ.
Còn gì mất hứng thú hơn đúng lúc bắt đầu ra đi ở Pê-ru đã có khá nhiều người đi biển đề cập tới vấn đề này, và chỉ cho chúng tôi trên bản đồ những vùng nguy hiểm nhất có bạch tuộc ở ngay trong dòng Hâm-bon. Đã khá lâu, chúng tôi chưa thấy một dấu hiệu nào của bạch tuộc ở trên bè cũng như ở biển. Nhưng, một buổi sáng chúng tôi đã thấy sự báo trước đầu tiên của bạch tuộc đang lởn vởn ở vùng biển này. Từ sáng sớm, chúng tôi đã thấy một con bạch tuộc nhỏ bằng con mèo, leo lên bè vào ban đêm, đã chết. Những tay của nó còn cuốn vào cây tre ở cửa ca-bin. Quanh xác nó có một lớp nước như mực đen chảy loang thành vũng. Chúng tôi đã lấy nước này viết được một, hai trang nhật ký trên bè, giống như loại mực Tàu. Sau đó đã vứt xác con bạch tuộc xuống biển cho lũ cá hồng. Sự tình cờ này là điềm cáo trước sắp xảy ra những cuộc viếng thăm quan trọng vào ban đêm.
Bạch tuộc nhỏ còn có thể leo lên bè thì con lớn háu đói lại càng leo lên bè được. Tổ tiên của chúng tôi chắc cũng cảm giác như vậy khi đang ngồi trên con tàu của bọn cướp biển Vi-kinh, nghĩ tới loài ma quái của biển cả. Nhưng sự kiện sau đó làm cho chúng tôi hoàn toàn bị lạc hướng. Một buổi sáng, chúng tôi thấy một con bạch tuộc nữa nhỏ hơn ở trên mái lá cọ. Nó không thể tự trèo lên được vì chỉ có những vết mực thành vòng tròn ở giữa mái. Cũng không phải do con chim nào đó đánh rơi xuống vì con bạch tuộc còn nguyên vẹn không có vết mổ. Chúng tôi đi đến kết luận có thể do con sóng đã hất nó lên, nhưng những người trực đêm hôm đó nhớ rằng cả đêm không có lấy một con sóng nào to và mạnh như thế cả. Và cứ thế, những đêm tiếp theo, chúng tôi thấy ngày càng nhiều bạch tuộc nhỏ ở trên bè, con nhỏ nhất cũng bằng ngón tay.
Ngay cả những hôm bể lặng, sáng ra cũng thấy một hay hai con trong đám cá chuồn ở trên sàn bè. Trông chúng thật gớm ghiếc, với tám tay dài đầy vòi hút, hai tay dài nhất có nanh nhọn như gai. Vào những đêm trời tối đen, chúng tôi trông thấy những cặp mắt xanh lè nổi trên mặt nước, có một lần chúng tôi còn thấy nước biển sủi lên như có một bánh xe lớn đang guồng và một số lớn cá hồng chạy hoảng loạn bay lên khỏi mặt nước. Nhưng tại sao chưa bao giờ thấy những con bạch tuộc lớn trên bè trong khi những con nhỏ luôn luôn đến thăm chúng tôi, đó là cả một điều bí ẩn mà hai tháng sau mới giải đáp được, hai tháng đầy kinh nghiệm đã giúp chúng tôi thoát khỏi vòng nguy hiểm của loài bạch tuộc.
Những con bạch tuộc nhỏ vẫn tiếp tục đến với chúng tôi. Một buổi sáng đầy nắng, chúng tôi trông thấy một dải lấp lánh những con vật nào đó, đang làm bắn nước lên trên không như mưa, trong khi mặt biển xáo động vì những cá hồng đang chạy trốn. Thoạt đầu chúng tôi tưởng là dải cá chuồn vì hiện tượng này rất quen thuộc. Nhưng khi chúng đến gần, một số bị sóng đưa cao lên khỏi bè đến bốn, năm pi-ê đã có một con rơi trúng ngực Ben và rớt xuống sàn bè. Đó là một con bạch tuộc nhỏ, làm cho chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Chúng tôi để nó vào trong một cái xô vải đầy nước.
Lúc này nó không có đà để nhảy ra khỏi khoảng không nhỏ bé này như nó đã từng nhảy lên bè. Rõ ràng, giống bạch tuộc thường bơi theo nguyên lý máy bay phản lực: nó hút nước rất mạnh vào một ống kín ở bên mình và đẩy rất nhanh về phía sau. Các vòi của nó rủ thành chùm ở sau đầu, trông nó không khác gì con cá. Ở bên mình nó có hai nếp da dùng để định hướng dưới nước. Chúng tôi nhận thấy rằng những con bạch tuộc nhỏ này là miếng mồi ngon cho các loài cá nên chúng có thể tháo chạy khi bị săn đuổi, bằng cách bay lên trên mặt nước như giống cá chuồn. Chúng đã áp dụng nguyên lý phản lực trước cả con người. Nó hút nước biển cho đến lúc đạt tới một tốc độ chưa từng có là nó vọt lên khỏi mặt nước, những miếng da xòe như những cái cánh. Từ khi biết chúng bơi như vậy, chúng tôi để ý thấy chúng thường bơi được năm, sáu mươi mét, khi thì một con, khi thì cả nhóm hai hoặc ba con. Những con bạch tuộc rẽ không khí bay như giống cá chuồn là một điều mới lạ đối với các nhà động vật học mà chúng tôi đã gặp và kể lại. Sau này khi gặp các thổ dân ở Thái Bình Dương, tôi thường được ăn bạch tuộc, hương vị như tôm hùm nhưng dẻo quánh. Trên chiếc Công Ti-ki, bạch tuộc là món ăn xếp sau cùng trong thực đơn chọn lọc của chúng tôi. Nếu đôi khi bắt được chúng ở trên sàn bè, chúng tôi thường dùng chúng để đổi lấy thứ khác bằng cách mắc vào một dợi dây làm mồi để câu những cá to. Ngay cả cá giác và cá thu là loại cá đứng đầu thực đơn, lại rất thích ăn loại bạch tuộc nhỏ.
Không phải chúng tôi chỉ gặp những chuyện quen thuộc như vậy mà nhật ký trên bè còn ghi những sự kiện sau:
11/5.
Hôm nay một con vật khổng lồ đã hai lần nổi lên mặt nước trong khi chúng tôi đang ăn ở trên bè. Nó vùng vẫy quấy động mặt nước rất ghê gớm, sau đó biến đi mất. Chúng tôi chưa rõ là giống gì.
6/6.
Héc-man trông thấy một con cá to màu sẫm, đuôi mảnh có nhiều gai nhọn, nhảy lên khỏi mặt nước nhiều lần ở mạn phải bè.
16/6.
Phát hiện một con cá kỳ lạ ở phía trước bên mạn trái. Dài hai mét, ngang to nhất; một pi-ê, mõm dài thon, màu nâu, vây lưng ở gần đầu rất to và một vây lưng ở giữa nhỏ hơn. Vây đuôi to giống như một chiếc liềm. Nó lập lờ ở mặt nước, chốc chốc mới bơi đi uốn éo như con lươn. Khi tôi và Héc-man bơi xuồng ra, tay cầm lao, nó đã lặn mất. Sau đó nó lại nổi lên rồi lặn xuống và mất hút. Ngày tiếp theo: Giữa trưa, từ trên ngọn cột buồm, E-rích trông thấy khoảng ba, bốn mươi con cá màu nâu, giống loại cá ngày hôm qua. Lần này chúng bơi rất nhanh thành đàn rợp mặt biển ở mạn trái, sau đó đi mất ở phía sau.
18/6.
Nút quan sát thấy một con vật trông như con rắn dài đến hai, ba pi-ê, thân rất mảnh, đứng thẳng ở dưới nước rồi lại lặn xuống ngoe nguẩy như con rắn ráo.
Nhiều lần chúng tôi đi qua trước một khối lớn đen ngòm, im lìm như một dải đá ngầm to bằng sàn một căn buồng trung bình. Đó có thể là cá đuối khổng lồ vẫn thường có tiếng là làm cho người e ngại. Nhưng không thấy nó cử động và chúng tôi chưa bao giờ có thể đến gần hơn để quan sát rõ ràng hình thù của nó. Việc quan sát một xã hội muôn hình muôn vẻ ở dưới nước như vậy làm cho thời gian trôi đi khá nhanh. Chúng tôi cũng thấy bớt thích thú khi phải lặn xuống biển để kiểm tra tấm gỗ đáy chống giạt ở dưới gầm bè.
Một hôm, tấm gỗ long ra, trôi và mắc vào mớ dây ở dưới bè, rất khó gỡ. Héc-man và Nút là hai tay lặn giỏi nhất.
Đã hai lần Héc-man lặn xuống nằm cùng đám cá hồng và cá hoa tiêu để cố gỡ mảnh gỗ. Lần thứ hai, vừa lặn lên xong, Héc-man ngồi ở mép bè nghỉ để lấy lại sức, bỗng một con cá mập dài gần hai mét chỉ cách chân anh khoảng ba mét, đang từ dưới sâu nhằm vào chân anh lừ lừ bơi đến. Chúng tôi đâu có muốn hại chúng, nhưng với loài cá này không thể không cảnh giác về ý đồ xấu xa của nó nên chúng tôi đã cắm mũi lao vào sọ con cá mập. Bị uy hiếp, nó vùng quẫy mãnh liệt làm cho nước biển xáo động bắn tung lên và kết quả là con cá mập đã trốn thoát để lại một lớp dầu trên mặt biển còn mảnh gỗ vẫn chưa gỡ ra được.
E-rích nảy ra ý kiến làm một chiếc giỏ lặn. Tuy không có sẵn vật liệu nhưng ít nhất cũng đủ có tre, dây thừng và một chiếc giỏ đựng dừa đã bị tróc vỏ. Lấy tre và thừng đan lại làm cho chiếc giỏ cao thêm lên rồi đem thả xuôi theo bè. Những đôi chân ngon lành của chúng tôi đã được chiếc giỏ bảo vệ. Cho dù lớp đan đơn giản đó chỉ có tác dụng tâm lý với chúng tôi và cá, nếu như con nào hung hãn lao tới, chúng tôi vẫn có thể nép lại ở trong giỏ và các bạn ở trên bè sẽ kéo chúng tôi lên. Chiếc giỏ lặn không những có lợi như vậy mà còn là nguồn tiêu khiển cho chúng tôi. Nó đã trở thành phương tiện tuyệt diệu cho chúng tôi nghiên cứu một bể nuôi cá nổi ở ngay dưới bè.
Hôm nào biển lặng, mặt biển trải dài những làn sóng nhỏ hiền hòa phẳng lặng, chúng tôi lần lượt leo vào giỏ lặn, thả xuống sâu cho đến mức không còn thở được nữa. Ở dưới biển ánh sáng rất kỳ lạ không in bóng. Nhìn ở dưới nước, ánh sáng hầu như không có hướng nhất định như ở trên thế giới quen thuộc của chúng ta. Nó tỏa từ dưới lên, mặt trời không còn chiếu rọi những tia nắng như ở khắp mọi nơi. Ngước mắt nhìn lên chúng tôi thấy đáy bè sáng lấp lánh với chín thân cây gỗ và búi dây tắm trong một ánh sáng huyền ảo cùng với vòng rêu tảo xanh mướt bao quanh đáy bè và dọc theo bánh lái. Những cá hoa tiêu giống như những con ngựa vằn đội lốt cá, trịnh trọng bơi từng hàng trong khi những cá hồng háu mồi bơi thành vòng những động tác thô bạo hối hả. Ánh sáng tỏa xuống đây đó trên miếng gỗ chống giạt đang ứa nhựa ra từ một kẽ nứt.
Từng chùm nghêu sò đang bám lấy kẽ nứt với những chiếc mang có tua màu vàng, phe phẩy theo nhịp đều đặn, để tìm kiếm thức ăn. Nếu có người nào lại quá gần, nó vội vàng khép ngay lớp vỏ viền đỏ hoặc vàng lại, và mím chặt cho đến lúc tai họa không còn nữa.
o O o
Chúng tôi đã quen với ánh mặt trời nhiệt đới ở trên bè nên ở dưới này chúng tôi thấy ánh sáng trong vắt, tuyệt diệu làm cho con người thư thái. Ngay cả khi chúng tôi nhìn xuống đáy sâu vô tận của biển cả, nơi mà bóng đêm bao trùm vĩnh viễn thì ngay bóng đêm đó cũng hiện ra với màu xanh sáng dễ chịu, do khúc xạ của ánh sáng mặt trời. Thật ngạc nhiên, từ rất xa nơi sâu thẳm xanh biếc, chúng tôi vẫn nhìn thấy những con cá, trong khi chúng tôi chỉ mới xuống khỏi mặt nước chẳng được là bao. Đôi khi là những con cá giác hoặc loài cá khác, mà vì quá xa nên không nhận ra chúng được. Có lúc chúng bơi thành từng bầy lớn và chúng tôi thường tự hỏi phải chăng cả luồng nước này lúc nào cũng đầy cá hay chúng cố tình tụ tập ngay ở dưới đáy sâu này xung quanh chiếc bè Công Ti-ki, để cùng đi với chúng tôi trong một vài ngày. Điều mà chúng tôi thích thú nhất là được lặn vào những lúc mà những con cá thu lớn, với những vây óng ánh đến thăm chúng tôi. Thỉnh thoảng chúng bơi thành từng bầy, nhưng thường chỉ có hai hoặc ba con bơi quanh trong nhiều ngày liên tục, đến nỗi chỉ cần khéo léo một chút là có thể dùng lưỡi câu bắt được. Ở trên bè, chúng chỉ là những con cá to nặng màu nâu bình thường, không có màu sắc nào khác lạ cả. Nhưng khi lặn xuống thế giới của chúng mới thấy chúng tự thay đổi từ màu sắc đến hình dáng. Sự biến hóa làm cho chúng tôi hoang mang, phải mất nhiều lần leo lên bè để xác định xem là loài cá gì, so với con cá mà chúng tôi trông thấy ở dưới nước. Nhưng con cá thu lớn làm chúng tôi lưu ý. Chúng vẫn bình thản bơi đi rất đường bệ, trông lúc này chúng có một vẻ thanh nhã tuyệt diệu mà không một loài cá khác nào sánh được, với màu sắc chuyển sang màu thép pha tím. Trông chúng như những chiếc ngư lôi bạc hoặc thép, với vóc cân đối hoàn hảo, thân thon dài, vì vậy chỉ cần ve vẩy nhẹ nhàng một hay hai chiếc vây cũng đủ lướt đi trong nước, thân hình nặng bảy, tám mươi cân với vẻ duyên dáng tuyệt vời.
Càng quan sát kỹ biển cả và các sinh vật ở đó, chúng tôi càng cảm thấy gần gũi như ở nhà mình và thấy được niềm kính trọng những dân tộc nguyên thủy xa xưa đã sống khăng khít sâu sắc với Thái Bình Dương và họ đã hiểu đại dương này theo một quan điểm khác. Ngày nay, chúng ta đánh giá được trữ lượng muối của biển, đặt những tên la-tinh cho những giống cá hồng, cá thu nhưng tôi vẫn e rằng hình tượng của biển cả mà người cổ xưa đã gắn bó không còn giống như chúng ta hiện nay. Giữa đại dương mênh mông đâu có nhiều vật chuẩn.
Sóng biển, cá, mặt trời và những vì sao đi, rồi lại đến. Ở khoảng cách tám nghìn cây số giữa Pê-ru và những đảo Pô-li-nê-di, chúng tôi không hề nghĩ tới sẽ có một dải đất nào đó có thể xuất hiện. Nhưng thật vô cùng ngạc nhiên, trên hải đồ ở khoảng 100 độ kinh đông, chúng tôi thấy ký hiệu một dải đá ngầm ở mặt nước, vị trí ngay trước, đúng vào hướng đi của chúng tôi. Nó được đánh dấu bằng một vòng tròn nhỏ, trên hải đồ lại ghi cả năm tháng nên chúng tôi có thể tham khảo cuốn "Chỉ dẫn đường biển đi Nam Mỹ" và đọc thấy:
"Năm 1906 rồi đến năm 1926 được cáo cáo rằng về phía đông nam dãy Ga-la-pa-gốt sáu trăm hải lý, vĩ độ nam 6 độ 42 phút, kinh độ tây 99 độ 43 phút, có những dải đá ngầm. Nhưng vào năm 1927, một chiếc tàu chạy bằng hơi nước đã đi quá vị trí này một hải lý về phía tây, không thấy dấu hiệu nào của những dải đá ngầm đó, và đến năm 1934, một chiếc tàu khác đã đi qua cũng không thấy những dải đá này. Năm 1935, chiếc Cao-vri, tàu chạy bằng sức máy đến đây và thăm dò sâu đến một trăm sáu mươi sải nước mà cũng chưa tới đáy biển."
Theo các hải đồ, nơi này rất đáng lo ngại. Chúng tôi cho rằng một chiếc bè bé nhỏ tiến gần đến dải đá ngầm sẽ ít nguy hiểm hơn một chiếc tàu, vì tàu biển có phần chìm dưới nước sâu hơn, nên cứ quyết định tiến đến điểm đó xem cụ thể ra sao. So với hướng trôi tự nhiên của chiếc bè, dải đá ngầm đó ở hơi chếch quá về phía bắc, chúng tôi bẻ lái sang phải quay buồm theo cùng hướng làm sao cho mũi bè chiếu tương đối về phía bắc, và đón những con sóng và ngọn gió từ bên phải đến. Chúng tôi nghiệm thấy rằng bao giờ mà nước biển Thái Bình Dương tràn bán nhiều hơn thường lệ vào những túi ngủ của chúng tôi thì lúc đó thời tiết mát mẻ hơn nhiều. Điều làm cho chúng tôi hài lòng khi thấy chiếc bè Công Ti-ki có thể điều khiển một cách an toàn, vững chắc, ở vào một góc độ khá lớn so với chiều gió, nếu như gió cứ thổi đều đặn. Bằng không, buồm sẽ bị lật và chúng tôi sẽ phải vật lộn cật lực mới giữ vững được bè. Suốt hai ngày hai đêm, chúng tôi hướng bè theo hướng bắc đông bắc. Khi ngọn gió tây chuyển từ đông sang đông nam biển động, nhưng chúng tôi đều vượt qua được các ngọn sóng ào dập đến.
Trên ngọn cột buồm luôn luôn có người trực canh nên mỗi lần sóng biển nâng chiếc bè lên chúng tôi lại được nhìn thấy chân trời mở rộng bao la. Những ngọn sóng hung dữ cao hơn mái ca-bin đến hai mét có lúc còn cao hơn nữa, nếu hai con sóng lớn cùng dồn đến, gầm rít trút những tháp nước về phía mà chúng tôi không ngờ tới. Ban đêm chúng tôi đem các hòm lương thực để chặn cửa ra vào mà chỗ ngủ vẫn bị ướt át. Chợp mắt chưa được bao lâu thì bức tường tre đã kêu răng rắc tiếp theo là hàng ngàn tia nước vọt ra từ các bức liếp và một tháp nước xối xả ào ào lên chúng tôi và những hòm lương thực. Trong khi chúng tôi phải co lại để dành chỗ cho nước thoát qua sàn thì một giọng ngái ngủ cất lên: "Gọi dây nói cho thợ sửa chữa ống nước".
Làm gì có thợ đến đây, chỉ có chúng tôi được một buổi tắm thoải mái trên giường đêm đó, còn Héc-man trong phiên trực lại nhận được một con cá hồng lớn nhảy lên bè.
Sáng hôm sau, sóng đã bớt dữ dội hơn. Từ lúc nào gió tây đã chuyển, thổi từ phía đông tới. Chúng tôi thay phiên nhau lên ngọn cột buồm vì chỉ đến cuối chiều nay là chúng tôi có thể nhìn thấy điểm đã được ghi. Ngày hôm đó có vẻ nhộn nhịp hơn thường lệ phải chăng vì chúng tôi cần phải hết sức chú ý nhiều hơn. Buổi chiều, chúng tôi phát hiện thấy một con cá kiếm lớn tiến lại gần bè. Khoảng cách giữa hai chiếc vây nhọn nhô lên mặt nước dài đến hai mét và mũi kiếm dài gần bằng thân nó. Nó lượn vòng quanh người cầm lái và biến đi mất sau các ngọn sóng. Đang lúc ăn trưa, thức ăn vừa bị ướt vừa bị mặn vì nước biển, thì một con rùa biển lớn, đầu và vây giương ra đang bị một vạt sóng bốc lên cao sát ngay trước mặt chúng tôi. Vạt sóng vừa dứt, hai vạt sóng khác tiếp đến và con rùa đã biến đi cũng đột ngột như khi nó xuất hiện. Ngay lúc đó chúng tôi nhìn thấy bụng những con cá hồng óng ánh, màu xanh trắng đang vùng vẫy trong nước ở dưới con rùa bể.
Ở đây, những loài cá chuồn dài một pút nhiều kinh khủng. Chúng bơi thành từng bầy lớn và thường rơi lên bè. Ngoài ra chúng tôi còn thấy những con chim hải âu bay lạc lõng và những chim hạm đuôi chẻ giống như những con nhạn lớn, bay lượn quanh quẩn trên đầu chúng tôi. Chim này xuất hiện coi như sự báo hiệu sắp đến đất liền. Niềm lạc quan của chúng tôi được tăng lên. Một vài người trong chúng tôi nghĩ rằng: "Dẫu sao có thể đó là một lớp đá ngầm hoặc là một dải cát". Người lạc quan nhất cho rằng: "Biết đâu chúng ta lại thấy đó là một hòn đảo nhỏ cây cối xanh rờn. Điều này ai mà biết được vì cho đến nay chưa có người nào đi đến tận nơi. Với giả thuyết này chúng ta sẽ khám phá ra một dải đất mới Đảo Công Ti-ki!".
Ngay từ trưa, E-rích đã luôn luôn leo lên chiếc hòm gỗ ở nhà bếp cầm theo kính lục phân để quan sát. Lúc 18 giờ 20, E-rích báo: 6 độ 42 phút vĩ độ nam và 99 độ 42 phút kinh độ tây. Chúng tôi đang ở phía đông cách dải đá ngầm một hải lý. Trục buồm tre được hạ xuống. Buồm được cuộn lại để trên cầu bè. Gió thổi từ phía tây lại, nhẹ nhàng đẩy chúng tôi đến điểm mong đợi. Mặt trời biến đi trên mặt biển và nhường chỗ cho ánh trăng tròn rực rỡ bao phủ lên mặt đại dương cả một khoảng chân trời những dải sóng đen lấp lánh ánh bạc. Từ trên ngọn cột buồm chúng tôi nhìn thấy rất rõ bao la những dải sóng dài nhưng không nghe thấy tiếng sóng xô rì rầm vào dải đá hoặc bãi cát. Không một ai muốn đi ngủ cả vì mọi người đều nóng lòng được ngắm nhìn và cùng một lúc hai, ba người lại treo mình trên cột buồm để quan sát. Trong khi chiếc bè tiến đến vùng quy định, chúng tôi tiến hành thăm dò đáy biển. Những thỏi chì dùng để thăm dò hiện có ở trên bè đều được buộc vào đầu một dây bằng tơ, có năm mươi tư sợi, dài hơn năm trăm sải. Do sự di động của bè nên dù là dây thừng cũng không thể nào rơi thẳng được, nhưng có những thỏi chì dù sao cũng đến tới độ sâu ít ra là bốn trăm sải. Vẫn không thấy đáy biển, hết phía đông lại sang phía tây cũng không có kết quả. Sau khi khảo sát kỹ khu vực này và biết chắc chắn không có một dải đá ngầm nào cả, rồi giương buồm, để lại bánh lái vào chỗ cũ, một lần nữa đón những vạt sóng và ngọn gió từ mạn trái phía sau đẩy đi.