My test of a good novel is dreading to begin the last chapter.

Thomas Helm

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 54
Cập nhật: 2021-05-22 19:07:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 - Đảo Hay Đất Liền? - Điều Tra Thực Địa - Briant Đi Một Mình - Loài Lưỡng Cư - Chim Cánh Cụt - Bữa Ăn Sáng - Từ Đỉnh Cao Ở Mũi Đất - Ba Đảo Nhỏ Ngoài Khơi - Ở Chân Trời Có Một Đường Xanh Lục - Trở Về Tàu Sloughi
ơi đây là đất liền hay là một hòn đảo? Đó là một vấn đề nghiêm trọng mà Briant, Gordon và Doniphan đều quan tâm. Do tính cách và hiểu biết, ba cậu đương nhiên là những thủ lĩnh thực thụ của nhóm trẻ em này. Trong khi các em nhỏ chỉ chú ý đến hiện tại thì ba cậu luôn nghĩ tới tương lai và thường trao đổi với nhau về vấn đề đó.
Dù là đảo hay đất liền, bất kể trường hợp nào thì rõ ràng nơi đây không thuộc miền nhiệt đới. Cứ xem cây cối thì biết. Nào là sồi, bạch dương, sủi, là tùng sam các loại, nhiều thực vật họ sim hoặc họ tai hùm đều không phải là thực vật vùng trung Thái Bình Dương. Rất có thể vĩ độ nơi đây còn cao hơn vĩ độ New Zealand, tức là gần Nam cực hơn, đồng nghĩa với mùa đông sẽ rất khắc nghiệt. Trong dải rừng dưới chân vách đá đã có một thảm dày lá rụng. Chỉ tùng và sam là vẫn xanh tươi mà không rụng lá.
Vì vậy, một ngày sau khi du thuyền Sloughi trở thành nơi định cư, Gordon ngỏ ý:
- Mình nghĩ là ta không nên ở lại hẳn phía bờ biển này.
- Ý mình cũng thế! - Doniphan trả lời - Nán lại đây đến mùa thời tiết xấu mới đi tới nơi có người ở thì muộn mất. Biết đâu phải đi hàng trăm dặm đường!
- Vội gì! - Briant lên tiếng - Mới giữa tháng 3!
Doniphan nói tiếp:
- Thì thế! Trời có thể tốt đến cuối tháng 4. Trong sáu tuần lễ, ta cũng đi được khá nhiều đường…
- Nhưng liệu có đường hay không chứ! - Briant vặn lại.
- Sao lại không?
- Có thể là có đường, - Gordon tham gia - nhưng mình đã biết đường ấy dẫn tới nơi nào đâu!
- Mình chỉ biết một điều, nếu không rời du thuyền trước mùa mưa rét thì đúng là phi lí. Không thế thì mỗi bước đi là mỗi khó khăn… - Doniphan trả lời.
- Thà khó khăn còn hơn liều lĩnh xông vào một xứ sở lạ lẫm như những người điên! - Briant phản đối.
- Bảo người có ý kiến khác mình là điên thì còn quá sớm đấy! - Doniphan gay gắt đốp lại.
Câu nói của Doniphan có thể dẫn đến lời qua tiếng lại khiến cuộc bàn bạc biến thành cãi lộn nếu Gordon không can thiệp. Cậu nói:
- Cãi nhau thì ích gì! Muốn giải quyết khó khăn, chúng mình phải biết nghe nhau nói. Doniphan rất đúng khi cho rằng nếu ta ở gần nơi có người thì phải tới đó ngay. Briant chỉ nói là liệu có nơi ấy hay không thôi, có gì sai đâu!
Doniphan trả lời:
- Có quái gì đâu, Gordon! Lên phía bắc, xuống phía nam, sang phía đông, cuối cùng ta cũng sẽ tới…
- Điều đó là đúng nếu nơi đây là lục địa, là không đúng nếu đây là một hòn đảo, một hòn đảo hoang. - Briant đáp.
Gordon nói:
- Vì thế, ta phải xem xét nơi này đã. Còn như rời bỏ tàu Sloughi khi ta chưa biết chắc phía đông có biển hay không…
- Hừ! Thế thì chính con tàu sẽ rời bỏ chúng ta. - Doniphan kêu lên, cậu luôn khăng khăng bám lấy ý mình - Nó không thể nào trụ được với tố, lốc mùa đông trên bãi cát này đâu!
- Đồng ý là thế, - Gordon trả lời - tuy nhiên, trước khi mạo hiểm vào sâu bên trong, cần phải biết nơi mình sẽ tới đã.
Rõ ràng là Gordon nói có lí, cho nên dù muốn hay không Doniphan cũng phải chấp nhận.
- Mình sẵn sàng đi khảo sát đây, - Briant nói.
- Cả mình nữa! - Doniphan tiếp theo.
Gordon nói tiếp:
- Chúng ta ai cũng sẵn sàng cả. Nhưng không nên đi hết vì có các em bé mà có thể phải đi lâu và khó khăn vất vả. Mình nghĩ là chỉ nên để hai hoặc ba người đi thôi.
Briant nêu nhận xét:
- Tiếc là không có một trái đồi cao để ta lên đỉnh quan sát được bao quát, mà ta lại đang ở chỗ đất thấp. Lúc ở ngoài khơi, mình đã nhìn đến tận chân trời cũng không thấy có núi. Hình như chẳng có nơi nào cao hơn vách đá phía sau bãi cát này. Phía trong chắc có rừng, đồng bằng, đầm lầy. Con lạch chắc là chảy qua những nơi ấy. Cửa lạch thì ta đã xem xét rồi.
Gordon nói:
- Tuy nhiên, trước khi tìm cách vòng qua vách đá, làm sao thấy được toàn cảnh vùng này vẫn là có ích. Briant với mình đã tìm ở chân vách đá mà chẳng có hang động nào!
- Vậy tại sao không đi về phía bắc vũng biển này? - Briant đáp - Mình cho rằng trèo lên mỏm đá tận cùng sẽ nhìn xa được…
- Mình cũng nghĩ đúng như thế, - Gordon trả lời - đỉnh mũi đất ấy phải cao đến hai trăm rưởi, ba trăm bộ, hẳn là cao hơn vách đá này.
- Mình muốn tới đó… - Briant nói.
- Vô ích! Ở đấy có cái quái gì mà nhìn? - Doniphan trả lời.
- Nhìn cái… ở đấy có! - Briant nói.
Thật thế, ở mũi đất tận cùng của vũng biển có những khối đá chồng chất như một ngọn núi lẻ, về phía biển thì dốc đứng, còn phía kia thì dường như nối tiếp với vách đá. Từ tàu Sloughi tới đó nếu đi theo rìa bãi cát thì khoảng bảy, tám dặm, còn như nói theo người Mỹ là theo đường ong bay, thì già lắm cũng chỉ độ năm dặm. Mà Gordon cũng không sai bao nhiêu khi ước tính mũi đất ấy cao hơn mặt biển ba trăm bộ. Độ cao ấy có cho phép mở rộng thị giới trên vùng đất này không? Có chướng ngại vật nào ngăn tầm nhìn xa về phía đông không? Dù sao thì vẫn có thể biết bên kia mũi đất, bờ biển kéo dài bất tận hay là biển trải ra xa. Vậy thì phải tới đó, trèo lên đỉnh mũi đất, chỉ cần không có gì che khuất là tầm nhìn có thể bao quát cả một khoảng rộng lớn. Vậy là quyết định sẽ đi khảo sát. Dù Doniphan không thấy việc ấy có ích mấy - hẳn là vì ý kiến do Briant chứ không phải cậu đưa ra - song vẫn có thể có kết quả tốt.
Đồng thời cũng có quyết định và là quyết định đúng: không rời khỏi tàu Sloughi khi chưa biết chắc đây có phải là bờ biển của một lục địa hay không - nếu là lục địa thì chỉ có thể là châu Mỹ.
Tuy thế, suốt năm ngày tiếp theo, cuộc khảo sát vẫn chưa tiến hành được. Thời tiết chuyển sang sương mù, thỉnh thoảng có mưa bụi. Nếu gió không mạnh lên thì chân trời mù mịt, đi khảo sát cũng vô ích.
Những ngày ấy cũng không bị bỏ phí. Bọn trẻ làm được nhiều việc. Briant quan tâm săn sóc các em nhỏ. Yêu trẻ dường như là nhu cầu tự nhiên của cậu. Cậu cố gắng chăm nom các em tốt nhất trong điều kiện có thể. Khi trời có chiều hướng lạnh hơn, cậu bắt các em mặc ấm bằng quần áo trong hòm thủy thủ sau khi sửa lại. Trong công việc khâu vá này, kéo được dùng nhiều hơn kim chỉ. Là thủy thủ đầu sai, Moko cũng biết làm việc này và có nhiều sáng kiến. Bảo rằng Costar, Dole, Jenkins, Iverson bảnh bao trong những bộ quần áo rộng thùng thình đã xén bớt cho vừa với chiều dài chân tay thì không phải. Nhưng có hề chi! Mà rồi các chú sẽ lớn lên và nhanh chóng mặc vừa những bộ quần áo kì dị đó thôi.
Các chú cũng chẳng ngồi không. Dưới sự hướng dẫn của Garnett hoặc Baxter, các chú đi bắt sò ốc khi nước triều đã rút hoặc đánh cá bằng lưới hoặc dây câu ở con lạch. Đối với các chú đó vẫn là trò chơi lại có ích cho cả nhóm. Mải làm công việc ưa thích, các chú chẳng hề lo nghĩ gì về cái hoàn cảnh mà các chú chưa biết là nghiêm trọng này. Hẳn là cũng như các anh lớn, các chú đều buồn nhớ cha mẹ, nhưng có lẽ chưa bao giờ các chú nghĩ là có thể sẽ không bao giờ được gặp lại cha mẹ nữa. Còn Gordon và Briant thì không rời tàu Sloughi vì đã nhận trách nhiệm gìn giữ, sửa sang con tàu. Đôi khi Service ở lại làm việc với họ, luôn vui vẻ và giúp ích rất nhiều. Cậu mến Briant và không nhập bọn với mấy cậu về phe với Doniphan. Vì vậy, Briant cũng rất có cảm tình với cậu.
- Hay! Hay! - Service luôn miệng nhắc lại. - Đúng là tàu Sloughi của bọn mình được một con sóng tốt lành đẩy vào đây rất đúng lúc mà không hư hỏng nhiều. Đó là vận may mà cả Robinson Crusoe và Robinson Thụy Sĩ không được hưởng trên hòn đảo tưởng tượng của họ.
Còn Jacques? Cậu ta vẫn giúp anh trong một số việc trên tàu, nhưng ai hỏi gì cậu cũng chẳng muốn trả lời và nếu có ai nhìn thẳng vào cậu thì cậu vội vàng quay mặt đi chỗ khác ngay. Briant lo lắng khôn nguôi về thái độ đó của Jacques. Hơn em ba tuổi, cậu thực sự có ảnh hưởng tới Jacques. Thế mà từ khi con tàu rời bến, mọi người đều nhận thấy Jacques cứ như là có điều gì đó phải hối hận, tự trách mình đã phạm một lỗi nặng mà ngay cả với anh ruột nó cũng không dám thú nhận! Rõ ràng là mắt nó đã đỏ hoe, không chỉ một lần, chứng tỏ nó vừa khóc. Đã có lúc Briant tự hỏi hay là sức khỏe của Jacques làm sao và nếu nó ốm thì phải săn sóc thế nào đây. Quá lo lắng, cậu hỏi em cảm thấy trong người thế nào. Nhưng bao giờ cậu em cũng chỉ trả lời:
- Không! Không! Em không sao! Không sao!
Thế là chẳng rút ra được điều gì.
Mấy hôm từ 11 đến 15 tháng 3, Doniphan, Wilcox, Webb và Cross đi săn chim làm tổ trong các hốc đá. Họ luôn cặp kè với nhau, rõ ràng là muốn tách ra thành một nhóm riêng. Thấy thế, Gordon không khỏi lo lắng. Vì vậy, có dịp là cậu lại trao đổi với người này hay người kia, cố làm họ hiểu rằng đoàn kết với nhau là hết sức cần thiết. Nhưng Doniphan đáp lại lạnh lùng đến mức cậu thấy tốt hơn là không nài ép nữa. Tuy vậy, cậu vẫn chưa nguôi hi vọng sẽ xóa bỏ được cái mầm mống chia rẽ có thể gây hậu quả tai hại đó. Mặt khác, chưa biết chừng những biến cố sắp tới lại thắt chặt thêm sự gắn bó mà lời khuyên của cậu không đạt được.
Tuy sương mù ngăn cản việc khảo sát đã định, nhưng những ngày này các cuộc đi săn lại đạt kết quả rất tốt. Doniphan vốn say mê hoạt động thể thao, tỏ ra là một tay súng cừ. Rất tự hào, có phần quá mức về tài thiện xạ của mình, cậu coi rẻ các dụng cụ săn bắt khác mà Wilcox lại thích như bẫy sập, lưới và dò* mà trong hoàn cảnh hiện nay lại có ích hơn là súng đạn. Webb cũng là tay bắn giỏi nhưng không có tham vọng đua tranh với Doniphan. Còn Cross thì cậu chẳng có hứng với chuyện đi săn, chỉ tự bằng lòng với việc hoan hô những kì tích của người anh họ mà thôi. Cũng cần ghi công cho chú chó Phann đã tỏ ra xuất sắc trong các cuộc săn, không ngần ngại lao vào sóng để tha về những con chim bị bắn rơi bên ngoài dải đá ngầm.
Một loại bẫy bằng dây thòng lọng để bắt chim, thú nhỏ.
Thật ra trong số chim săn được cũng có không ít con như cốc, mòng biển… mà Moko không biết chế biến ra sao. Tuy nhiên, bồ câu núi, ngỗng và vịt trời thì săn được khá nhiều và được đánh giá cao. Theo hướng đám ngỗng bay đi sau khi nổ súng, có thể đoán chừng chúng làm tổ sâu bên trong đất này. Doniphan cũng bắn được vài con ác là biển. Loài chim này rất thích ăn các loài nhuyễn thể như hàu, sò, vẹm… Tóm lại là có thể thả sức lựa chọn vật săn. Nhưng có những con phải tìm cách chế biến thích hợp để làm mất vị tanh, mà mặc dầu hết sức cố gắng, không phải lần nào Moko cũng làm vừa lòng mọi người. Tuy nhiên, Gordon vốn lo xa, thường nhắc đi nhắc lại là không ai được đòi hỏi quá đáng và cần phải dè sẻn thức ăn dự trữ, ngoại trừ bánh quy là thứ đang còn nhiều.
Cũng vì thế mà cần gấp rút leo lên đỉnh mũi đất để có thể trả lời câu hỏi quan trọng rằng đây là đảo hay lục địa. Tương lai phụ thuộc vào câu trả lời ấy và phải dựa vào đó để quyết định tạm trú hay định cư trên đất này.
Ngày 15 tháng 3, thời tiết có vẻ tốt lên, thuận lợi cho việc thực hiện dự định đó. Đêm trước, gió từ nội địa thổi ra đã quét sạch màn sương tích tụ những ngày qua trong vài giờ. Bầu trời quang đãng, ánh mặt trời chói chang nhuộm vàng đỉnh vách đá. Có thể hi vọng là đến chiều khi ánh nắng chếch đi thì chân trời đằng đông là phía cần quan sát sẽ hiện ra rõ mồn một. Nếu thấy nước trải mãi về hướng ấy, có nghĩa nơi đây là một hòn đảo, thì chỉ có thể trông mong vào một con tàu nào đó xuất hiện ở vùng biển này.
Chúng ta nhớ là chính Briant đã đề xuất cuộc khảo sát này và cậu quyết định thực hiện một mình. Hẳn cậu rất muốn có Gordon cùng đi. Nhưng để các em bé ở lại tàu mà vắng Gordon thì cậu không yên tâm. Chiều 15, xem lại khí áp kế thấy báo thời tiết tốt, Briant bảo Gordon là cậu sẽ đi vào lúc rạng đông ngày mai. Quãng đường cả đi lẫn về khoảng mười đến mười một dặm không làm cho một chàng trai khỏe mạnh, đã quen mệt nhọc phải bận tâm. Một ngày là đủ cho việc khảo sát và cậu bảo đảm với Gordon sẽ trở về trước khi trời tối.
Briant ra đi không ai biết vào sáng sớm, chỉ mang theo một cái gậy và một khẩu súng ngắn phòng khi gặp thú dữ, mặc dù trong mấy ngày qua các bạn đi săn không thấy dấu vết của chúng. Cùng với vũ khí phòng thân, cậu còn mang theo một kính viễn vọng có tầm nhìn khá xa và rất tỏ giúp cậu làm tròn nhiệm vụ khi leo tới đỉnh mũi đất. Đồng thời trong túi dết đeo ở thắt lưng có bánh quy, thịt muối và một bình nước pha chút brandy dành cho bữa ăn sáng và cả bữa chiều nếu có sự cố gì khiến cậu phải về muộn.
Cậu bước nhanh nhẹn, lúc đầu theo đường viền được đánh dấu bằng một vành rong tảo do thủy triều để lại khi rút xuống. Sau khoảng một giờ cậu đã đến được điểm cuối cùng mà Doniphan và các bạn đã tới để săn bồ câu núi. Nhưng bây giờ thì đàn chim chẳng việc gì phải sợ vì Briant muốn tới mũi đất càng sớm càng hay. Thời tiết đang tốt, không còn sương mù, cần tận dụng. Đến chiều mà hơi nước lại tích tụ ở đằng đông, thì kết quả khảo sát sẽ bằng không.
Trong giờ đầu, Briant đi được khá nhanh, dễ được một nửa đường. Nếu không có gì trở ngại, cậu tính sẽ tới mũi đất vào khoảng 8 giờ sáng. Nhưng vách đá càng lấn ra gần dải đá ngầm thì đường càng khó đi. Bãi cát bị thu hẹp, lô nhô những tảng đá, không còn như bãi cát phía cửa lạch nữa. Briant phải dò dẫm trèo qua những mỏm đá trơn tuột, bước qua những tảo biển lầy nhầy, vòng qua những vũng nước, những tảng đá lung lay không có chỗ nào làm điểm tựa được. Vì thế mà đi rất vất vả và đáng tiếc hơn nữa là chậm mất cả tiếng đồng hồ. Cậu tự nhủ: “Thế nào cũng phải tới được mũi đất trước khi thủy triều lên. Dải bờ biển ở đoạn này chắc là đã bị ngập trong đợt thủy triều lên vừa qua và lần sau chắc cũng sẽ ngập tới tận chân vách đá. Nếu bắt buộc đi ngược trở lại hoặc dừng lại trên một mỏm đá thì mình sẽ muộn mất. Bất cứ giá nào cũng phải tới nơi trước khi nước ngập bãi biển.”
Thế là cậu bé dũng cảm, bất chấp mỏi mệt đã bắt đầu làm chân tay tê cứng, tìm đường ngắn nhất để đi. Nhiều chỗ, cậu phải tháo ủng và tất để lội qua những vũng nước ngập ngang ống chân, rồi có khi còn gặp những mảng đá ngầm mà chỉ nhờ khéo léo và nhanh nhẹn cậu mới không ngã.
Cậu nhận ra rằng phía vũng biển này vật săn dồi dào hơn phía kia nhiều, có thể nói là đông đặc ác là biển, vịt trời và chim câu núi. Cậu thấy cả vài ba đôi hải cẩu thản nhiên đùa giỡn cạnh các tảng đá ngầm, chẳng tỏ ra sợ sệt cũng không trốn xuống nước. Có thể suy ra rằng những con vật lưỡng cư* này không tránh con người vì chúng cho là không có gì đáng sợ và rằng ít nhất cũng đã từ nhiều năm nay không có người nào tới đây săn bắt chúng. Từ những con hải cẩu, nghĩ sâu hơn, Briant đi đến kết luận là bờ biển này ở vĩ độ cao hơn tức là thiên về phương nam hơn quần đảo New Zealand: Du thuyền hẳn đã trôi dạt về phía đông nam Thái Bình Dương. Điều đó càng được khẳng định khi tới chân vách đá, Briant thấy một đàn chim cánh cụt thường cư trú ở vùng biển Nam cực. Hàng trăm con đi lạch bạch vẫy đôi cánh ngắn ngủn giúp chúng bơi lặn chứ không phải để bay. Bọn này chẳng dùng vào việc gì được vì thịt chúng vừa khét vừa hôi dầu.
Thời ấy, có lẽ hải cẩu được gọi là động vật lưỡng cư vì chúng sống được ở cả trên cạn và dưới nước. Còn thuật ngữ “động vật lưỡng cư” trong sinh học ngày nay chỉ bao hàm những động vật có sự biến thái rõ rệt giữa giai đoạn còn non và giai đoạn trưởng thành để thích nghi với hai sinh cảnh khác nhau (dưới nước và trên cạn), chẳng hạn như ếch, nhái và họ hàng của chúng.
Đã 10 giờ sáng. Tốn bao nhiêu là thời gian để vượt mấy dặm cuối cùng. Vừa mệt, vừa đói, tốt hơn hết là phải lấy lại sức trước khi trèo ba trăm bộ để lên đỉnh mũi đất. Briant chọn một tảng đá cao để ngồi, tránh nước triều đã dâng tới dải đá ngầm. Chắc chắn chỉ chậm một giờ thôi là cậu bị nước vây bọc, không thể vượt qua đá ngầm mà tới đây được. Giờ thì chẳng phải lo điều đó nữa và chiều nay, lúc nước triều rút hết ra biển, cậu sẽ lại có đường trở về tàu từ chỗ này.
Một miếng thịt, vài ngụm nước trong bình, chỉ thế thôi là hết đói, hết khát; chân tay thì được nghỉ ngơi, cùng lúc ấy cậu bắt đầu suy nghĩ. Bây giờ ngồi một mình, xa các bạn, cậu cố hình dung thật nghiêm túc hoàn cảnh của cả bọn, xác định quyết tâm giải cứu bằng được cho tất cả, tự nguyện gánh lấy phần lớn trách nhiệm. Cậu bận tấm về thái độ của Doniphan và vài ba bạn nữa đối với mình vì cậu thấy rõ đó là nguyên nhân sẽ gây chia rẽ đáng tiếc. Cậu quyết ngăn chặn mọi hành động có thể gây nguy hại cho các bạn. Rồi cậu nghĩ đến Jacques. Tâm trạng em trai làm cậu rất lo lắng. Dường như thằng bé giấu giếm một lỗi nào đó - hẳn là đã phạm trước khi đi - và tự hứa sẽ ép bằng được nó nói ra với mình.
Nghỉ hẳn một giờ cho lại sức, Briant nhặt túi dết vắt lên vai và bắt đầu vượt những tảng đá đầu tiên. Tận cùng mũi đất là một mỏm nhọn ở ngay đầu vũng biển, có cấu tạo địa chất khá lạ. Có thể cho rằng đó là một khối đá hỏa sinh, hình thành do tác động của những lực trong lòng trái đất. Không như nhìn từ xa, mỏm đá lẻ loi này không nối liền với vách đá. Về chất liệu, nó toàn là đá granite, khác hẳn vách đá là đá vôi phân tầng, giống như loại đá bao bọc biển Manche ở phía tây châu Âu. Briant còn thấy một con hẻm ngăn cách mũi đất với vách đá. Xa xa về phía bắc, bãi cát dài ngút tầm mắt. Điều quan trọng là từ đây có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn vì mỏm đá này vượt trên các điểm cao khác cả trăm bộ.
Leo lên thật vất vả, phải vượt hết khối đá này đến khối đá khác, có tảng đá cao, phải khó khăn lắm Briant mới trèo lên được. Tuy nhiên, cậu vốn có năng khiếu leo trèo, ngay từ lúc bé tí đã tỏ ra thích thú với trò chơi này và nhờ đó mà táo bạo, mềm dẻo và khéo léo. Cuối cùng cậu cũng đặt chân lên đỉnh mũi đất sau nhiều lần tránh được những cú ngã hiểm nghèo.
Thoạt đầu, Briant muốn hướng kính viễn vọng về phía đông. Miền này bằng phẳng ngút tầm mắt. Từ vách đá cao, đất thấp dần vào phía trong. Xa xa cũng có mấy gò đống nhưng không tác động bao nhiêu đến cảnh quan tổng thể vùng này. Rừng xanh phủ kín mặt đất. Dưới tán lá mùa thu đã nhuộm vàng là những con lạch đổ ra biển. Nơi đây chỉ là một mặt phẳng trải mãi đến chân trời, xa đến mười dặm. Vậy là hình như phía này không có biển và muốn xác định nơi đấy là đảo hay đất liền thì có khi phải tổ chức một cuộc khảo sát đường dài về hướng đông.
Ở hướng bắc, bờ biển là một đường thẳng tới khoảng tám dặm rồi kéo ra thành một mũi đất dài sau đó vòng cong lại tạo nên trảng cát mênh mông như sa mạc.
Phía nam, càng ra đầu vịnh, mũi đất càng hẹp, bờ biển kéo dài từ đông bắc xuống tây nam làm ranh giới cho một vùng đầm lầy tương phản với trảng cát hoang vu phía bắc.
Briant dõi ống kính tới các điểm trên chu vi rộng lớn ấy. Đây là đảo hay là lục địa? Chưa thể trả lời được. Nhưng dù thế nào, nếu là đảo thì phải là hòn đảo rất lớn - chỉ có thể khẳng định thế thôi.
Cậu quay ống kính về phía tây. Mặt biển long lanh phản chiếu ánh mặt trời chênh chếch đang chầm chậm lặn xuống cuối trời. Bỗng nhiên cậu dán mắt vào ống kính hướng về đường ranh ngoài khơi, kêu lên:
- Tàu biển! Tàu biển đang qua!
Quả là trên mặt nước long lanh có ba điểm đen xuất hiện cách xa không dưới mười dặm.
“Bối rối quá! Hay mình hoa mắt? Có đúng là mình vừa nhìn thấy ba con tàu không?”
Briant hạ ống nhòm xuống, lau mặt kính bị hơi thở làm mờ, nhìn lại…
Đúng là ba điểm đen giống hệt ba con tàu, chỉ thấy thân tàu mà không thấy hệ thống cột buồm, cũng không thấy khói là dấu hiệu của tàu chạy máy hơi nước đang vận hành.
Briant sực nghĩ nếu đó là những con tàu thì ở đây quá xa, có ra hiệu họ cũng chẳng thấy, các bạn mình thì rất có thể là không biết nên tốt nhất là mau chóng trở về tàu Sloughi đốt một đống lửa thật to trên bãi cát và thế là… sau khi mặt trời lặn… Vừa nghĩ cậu vừa tiếp tục quan sát. Thất vọng làm sao khi cậu nhận thấy rằng ba điểm đen ấy không chuyển động. Nhìn thêm mấy phút nữa… cậu sớm vỡ lẽ rằng đó chỉ là ba đảo nhỏ ở phía tây bờ biển, hẳn là du thuyền đã trôi qua ngay gần đó, khi bị gió bão đánh dạt vào bờ mà các cậu không trông thấy vì sương mù che khuất.
Thật vỡ mộng biết bao!
Đã 2 giờ chiều. Nước triều bắt đầu rút khỏi dải đá ngầm. Briant nghĩ đã đến lúc trở về tàu Sloughi và chuẩn bị xuống núi. Nhưng cậu muốn xem lại phía đông lần nữa. Biết đâu ánh nắng chiếu xiên khoai lại chẳng giúp cậu phát hiện được cái gì khác. Lần quan sát chăm chú cuối cùng này không uổng chút nào. Xa hơn, bên ngoài màn cây xanh, Briant nhận ra một đường màu lục nhạt kéo dài nhiều dặm từ bắc xuống nam. Hai đầu bị đám cây cối mờ mờ che khuất. Cậu tự hỏi: “Gì thế nhỉ?” Cậu càng nhìn chăm chú hơn.
- Biển! Phải! Đó là biển! - Cậu suýt làm rơi cả ống nhòm.
Biển trải mãi về hướng đông, không còn nghi ngờ gì nữa. Tàu Sloughi không ghé vào lục địa mà vào đảo, một hòn đảo cô quạnh giữa bát ngát Thái Bình Dương, một hòn đảo không thể rời khỏi được! Và thế là mọi hiểm nguy vụt hiện ra như một ảo ảnh lướt qua tâm trí cậu bé. Tim cậu thắt lại như muốn ngừng đập! Nhưng phải cứng rắn để chống lại sự mềm yếu ngoài ý muốn này. Cậu hiểu rằng mình không được gục ngã dù cho tương lai có đáng lo ngại đến đâu.
Mười lăm phút sau, Briant xuống đến bãi cát, theo con đường buổi sáng trở về tàu Sloughi và trước 5 giờ đã về tới nơi các bạn đang nóng lòng mong đợi cậu.
Hai Năm Trên Hoang Đảo Hai Năm Trên Hoang Đảo - Jules Verne Hai Năm Trên Hoang Đảo