Số lần đọc/download: 2853 / 7
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 6 -
H
ôm sau khoảng quá trưa Tịnh đến, nhìn thấy Nhung khỏe mạnh tươi tắn khác thường chàng giật mình:
- Không ngờ chỉ có 5 chén cháo mà một cái xác chết đã hồi sinh.
Nhung đang ngồi trên giường dựa lưng vào tường uống dở ly nước cam:
- Không phải nhờ cháo mà nhờ người đút cháo...
Giọng nói ngọt và nũng nịu làm Tịnh thoáng cau mày:
- Hôm qua chị là con bệnh hôm nay là bà Tùng và xin nhớ luôn dùm là đang nói chuyện với một thày tu.
Nhung cười cười:
- Dạ vâng em biết rồi anh ạ!
Tịnh nghiêm mặt:
- Đã đi tu chị đừng gọi như thế. Chúng ta đã có một khoảng cách trong lối xưng hô.
Nhung tỉnh bơ:
- Anh Tịnh, trả lời đi sao anh đi tu vậy?
Tịnh nhăn nhó:
- Gọi thầy xưng em dùm cái, cứ anh anh em em nghe phát khiếp.
- Vâng tại phát khiếp nên ngày xưa anh đâu nói yêu em.
Tịnh lắc đầu:
- Con cái ma quỉ khôn ngoan quỷ quyệt hơn con cái Thiên Chúa. Nhưng ma quỷ đâu trêu ghẹo những người sợ nó mà chỉ tìm đến những người chống đối nó thôi.
- Em đâu phải ma quỷ mà anh nặng lời như vậy?
Tịnh nói hơi gắt:
- Chị gọi tôi bằng thầy nếu không tôi rời khỏi đây liền bây giờ.
Nhung ngạc nhiên vì sự cáu kỉnh bất thường của Tịnh nhưng vẫn còn bướng:
- Đến thăm con bệnh hay để giết nó?
- Về thôi, nếu hôm nay ăn được thêm 5 chén cháo nữa thì mai tôi sẽ trở lại.
- Còn không?
- Cũng trở lại nhưng để đọc kinh cứu rỗi.
Nhung bật cười:
- Vẫn lối nói chuyện có duyên như ngày nào, sao hồi xưa em không...
Tịnh chặn lời:
- Gọi thầy.
- Vâng, sao hồi xưa con ngu xuẩn không yêu thầy nhỉ?
- Nhảm nhí, vậy mà bảo bệnh với hoạn, vẫn còn pha trò được thì đâu đã muốn chết.
Nhung cớt nhả:
- Nhờ có thầy.
- Láo toét.
- Thật mà.
Rồi Nhung nhại lại:
- Tại con nhờ có thầy.
Tịnh lắc đầu:
- Đàn bà đúng là loài ma quỷ. Hồi xưa chưa lấy chồng chị hiền lành lắm cơ mà.
- Em phải đội lốt mới lấy được chồng chứ.
Tịnh nhìn gò má Nhung ửng hồng theo câu nói:
- Chắc tôi đến lầm nhà.
Nhung ngạc nhiên:
- Sao vậy?
- Mới có một ngày mà chị bây giờ không giống chị ngày hôm qua.
- Đã không giống lại còn "nói" khoẻ như điên. À! Mà sao thầy đi tu vậy?
- Chị hỏi đến lần thứ ba rồi. Có cần phải nghe lắm không?
- Nếu không em hỏi chi cho mất thì giờ.
Tịnh nhìn Nhung bằng đôi mắt hơi ngạo mạn:
- Chị tưởng tôi thất tình?
- Em không dám nghĩ như thế.
- Không dám nghĩ là phải vì có bao giờ một người nặng đầu óc vì tình yêu trai gái mà còn có thể tỉnh táo để tìm một hướng đi khác.
- Sao lại không? Em thấy nhiều người bị bồ đá lăn đá lóc vẫn tu được như thường.
- Chị có đạo mà ăn càn nói bừa. Chị không thấy rằng những người trước khi chịu chức linh mục đều có lời hứa trọn đời độc thân à?
- Hứa là một chuyện làm được hay không là chuyện khác. Đó là chưa kể có những trường hợp đặc biệt mà lời thề bị xóa bỏ.
- Cái lý của chị cũng khá vững nếu đứng nhìn ở một góc hạn hẹp nhưng ai cũng phải hiểu rằng đó là cái lý của một kẻ khôn ngoan nhưng không có sự sáng. Chị Nhung này, tôi đã qua hai năm thần học thì bảo đảm không có thể vặn được tôi cho nên bỏ những câu hỏi nhảm nhí để tránh càng lúc càng lộ sự nông cạn dốt nát của mình.
Nhung đỏ mặt:
- Em cũng chán nghe chuyện đạo nghĩa khô khan nhàm chán nhức cả đầu.
- Vậy thì nói qua chuyện khác. Chuyện buồn bực để sinh ra bệnh hoạn của chị.
- Nhưng thầy vẫn chưa trả lời câu hỏi của em.
Tịnh chậm rãi:
- Tôi đi tu chỉ vì tôi thích sống và phục vụ cho tha nhân. Hơn nữa qua nhiều năm thử thách tôi thấy rõ mình được lựa chọn và được ơn kêu gọi riêng. Chị nên nhớ rằng không phải 10 người đi tu sẽ trở thành 10 vị linh mục cả đâu.
- Nhưng thầy mới chức 4 thì vội gì nói trước. Biết đâu đấy...
- Ừ, thì cứ chờ rồi sẽ biết.
Nhung nói khích:
- Em nghĩ nếu Chúa chọn thầy thì chọn lầm người.
- Ma quỷ, lại sắp sửa kiếm chuyện trêu chọc đấy.
Nhung tỉnh bơ:
- Thường thường các cha ai cũng đạo mạo, ăn nói điềm đạm dáng dấp khoan thai...
- Còn tôi? Nếu tôi cũng giống họ thì tôi đâu phải là tôi nữa.
- Không cần phải giống họ nhưng thấy thầy như người phàm tục.
- Như 100% đi ấy chứ! Chị không thấy đức giáo hoàng, các vị thánh và ngay cả đến Chúa Giêsu cũng là người sao?
Nhung ấp úng:
- Em muốn nói thầy không có vẻ siêu thoát.
- Siêu thoát là khi chết còn bây giờ tôi vẫn ăn cơm ngày ba bữa mà đòi siêu với thoát sao được.
Điệu bộ Nhung trở nên luống cuống:
- Thật khó diễn tả nhưng ý em muốn nói nhìn thầy không có căn tu.
- Căn tu lộ ra ngoài cho chị thấy?
Nhung ức mình:
- Sao thầy cứ vặn vẹo hoài vậy? Tóm lại tướng tá thầy không cách gì làm cha được.
- Tại cù lần, bụi đời hay bần tướng?
Nhung ôm lấy đầu:
- Tại... chà! Khó nói quá, thầy đừng hỏi nữa được không!
- Dĩ nhiên tôi cũng chẳng muốn nghe chuyện lẩm cẩm đó.
Im lặng một thoáng Nhung nói đột ngột:
- Em hỏi tại sao vì trong em có giác quan thứ sáu.
- Gì nữa đây?
- Em linh cảm chắc chắn không sao thầy trở thành linh mục được.
- Lại linh cảm, ba cái linh cảm vớ vẩn cố tạo dựng ra để bào chữa những ý nghĩ chẳng ra đâu vào đâu.
Tức mình Nhung nói bừa:
- Em đã tìm ra nguyên do thầy đi tu.
- Dai dẳng quá, chị cố nói cho bằng được. Lợi ích gì chứ?
- Em muốn cho thầy thấy những sai lầm khi chọn lựa.
- Thì nói đi.
- Vì lối nói chuyện như dùi đục chấm mắm tôm chẳng cô nào thèm thương nên thầy buồn bã quá đi tu cho rồi đời.
Tịnh thắc mắc:
- Sao khi nãy chị hối tiếc là lúc xưa không yêu tôi?
Nhung cười khỏa lấp:
- Đàn bà có muôn vàn lối nói. Cũng như em chê thầy nhưng trong lòng chưa chắc đã nghĩ thế.
Tịnh cười nhếch môi có vẻ chế diễu:
- Chị Nhung này, có cần phải mời thêm bác sĩ tâm thần tới đây không?
Nhung cười tươi:
- Không ngờ em đã làm thần kinh thầy xáo trộn.
- Láo toét, thân mình không lo, lại lo cho người khác.
Rồi Tịnh quay nghiêng dợm bước:
- Chán nghe rồi, tôi về thôi.
- Mai thầy lại mấy giờ?
Tịnh ngạc nhiên
- Để làm gì?
- Để ăn dằn bụng trước không thôi nghe thầy nói lâu quá chết lả mất.
- Vậy là đã có một con bệnh biết thèm ăn rồi. Chúc mừng cho chị nhé!
Nói xong Tịnh quay người nhưng Nhung gọi giựt lại:
- Thầy này.
Tịnh đứng im không nhìn trở lui:
- Gì nữa đây?
- Hay chờ em rửa mặt mình ra phòng ngoài nói chuyện nhá.
- Để hôm khác, chị nằm nghỉ đi ngồi lâu có hại cho sức khỏe.
- Em khỏe rồi mà.
- Đừng vội mừng rồi lại ỷ y.
Nhung kèo nài:
- Em vừa ăn cháo vừa nói chuyện được không?
Tịnh phân vân nhưng quyết định ngay khi nhìn con bệnh héo hắt chẳng khác bộ xương khô ngoại trừ đôi mắt trũng long lanh:
- Được rồi, chị chỉ được nói khi đã ăn xong muỗng cháo cuối cùng.
Nhung bỏ vội hai chân xuống giường quờ quạng tìm đôi dép:
- Em hứa nhưng chỉ ăn nửa chén nhỏ thôi.
Tịnh tìm chị bếp dặn dò theo lời Nhung rồi lững thững ra ngoài phòng khách, căn phòng rộng nhưng đồ đạc quá nhiều thành ra trông vướng mắt. Trên tủ buffet bày la liệt những con búp bê đủ cỡ lớn nhỏ, tóc dài tóc ngắn tóc quăn tóc thẳng trông thật ngộ nghĩnh. Mặt bàn cạnh đó kê một hàng loạt gấu con gấu mẹ đủ loại đủ màu sắc và ngay cả trên ghế salon Tịnh đang ngồi cũng nằm chỏng gọng một con gấu lông mịn màu xám tro với chiếc cravatte xanh lơ to tướng; có lẽ của Nhung vì 3 cô con gái kia đời nào chịu ôm gấu đực trong lòng. Góc tường bên này là cái tivi với màn ảnh lớn; góc kia kê một giàn máy hát, băng và đĩa nhạc quá nhiều phải dồn sang một chiếc tủ kính khác. Kể ra gia đình nàng thuộc loại khá giả và hạnh phúc nếu đừng vướng bận chuyện của Liễu.
- Thầy nghĩ gì mà thừ người ra thế?
Tịnh giật mình khi nhìn Nhung đã ngồi xuống ghế đối diện tự lúc nào.
- Chị ăn chưa?
- Hết nửa chén như đã hứa.
Tịnh cười thoáng chút nghi ngờ:
- Đang tập nói dối?
Nhung không trả lời nhưng tỏ thái độ qua đôi môi mím chặt khiến khuôn mặt đỏ hồng theo lớp phấn trắng phơn phớt nhẹ.
- Chị đánh phấn cho ai nhìn vậy?
- Đó là thói quen của những người đàn bà biết mình còn sống.
- Còn sống là còn phải làm đẹp?
- Vậy mới gọi là phái đẹp. Thầy không nghe nói đàn bà thiếu son phấn như đàn ông thiếu rượu và thuốc lá?
- Triết lý vụn cũng khá đúng nhưng nào tôi có thấy đẹp hơn tí nào đâu.
- Với thầy thì không nhưng với thiên hạ khác nhiều chứ.
- Sao, chị muốn tôi ở lại để nói chuyện hay nhìn bộ mặt phấn?
Nhung hất nhẹ mái tóc cho buông hết về phía sau:
- Nãy thì thích nói nhưng giờ thì không.
- Sao lạ vậy?
- Tại chén cháo.
- Nó làm chị no bụng nên nói không nổi?
- Không đủ no nhưng đủ tỉnh người.
- Tỉnh người hay tỉnh trí?
- Cả hai thầy ạ!
- Chị nói rõ hơn đi.
- Em muốn nói khi đói lả thì lời nói và hành động của họ đều ở tình trạng mê sảng.
Tịnh tỏ vẻ đăm chiêu:
- Lúc nãy chị có nói gì quá lố đâu.
Nhung hạ giọng thật thấp:
- Nhiều khi những bỡn cợt không đúng lúc làm cho người khác dễ hiểu lầm.
- Chị Nhung này, đừng suy nghĩ những chuyện vớ vẩn có hại cho sức khỏe. Tôi biết chị vẫn ngoan và dễ thương như ngày nào.
- 10 năm rồi em thấy em đã hoàn toàn đổi khác.
Và rồi giọng Nhung bỗng trở nên khách sáo:
- Ơn cứu mạng của thầy em chẳng biết lấy gì đáp trả.
- Đừng nói vội, biết đâu sau khi tỉnh lại là lúc chết dễ dàng nhất.
Đôi mắt Nhung bỗng long lanh khi dừng lại trên khuôn mặt Tịnh và cử chỉ nàng trở nên bối rối:
- Em đang nghĩ đến câu mắt đền mắt, răng đền răng và mạng đền mạng.
- Đó là ví những trả vay giữa hai kẻ thù oán.
- Thì ân tình cũng vậy thôi.
- Ân tình mà được trả như vậy thì thiên hạ đại loạn.
- Người ta bảo sau cơn mưa trời lại sáng, qua cơn bão vạn vật sẽ trở nên yên bình nhưng riêng em sau cuộc vật lộn với tử thần mới thấy mình không còn là mình, không phải là Vũ thị Khánh Nhung của trường Trưng Vương nữa.
Tịnh nhìn Nhung khó hiểu trong khi nàng đan hai bàn tay vào nhau một cách vụng về:
- Qúa khứ như bị cắt lìa, em chỉ biết hiện tại ngồi đây với thầy, tâm hồn mới trong một thân xác mới và nhìn nơi thầy với một dĩ vãng không quen.
Tịnh cười ngắt lời:
- Không ngờ cô học trò hạng bét về văn chương mà giờ cũng nói khá đấy.
- Em thấy em đang đi về một thế giới khác, một vườn địa đàng thì đúng hơn vì ở đó chỉ có Adam và Eve lúc chưa ăn trái cấm.
- Chị có chắc thật là chưa ăn trái cấm? Tịnh cười đùa cợt.
- Chắc chắn vì lòng em thanh thản nhẹ nhàng như lơ lửng trên mây. À thầy ơi, hay sau này thành cha cho em làm bõ nấu cơm cha ăn nhé!
Tịnh phá lên cười:
- Ăn xong chén cháo coi bộ bệnh mê sảng tăng mạnh hơn.
- Lúc này là lúc em tỉnh táo vô cùng, bằng bất cứ mọi giá mạng phải trả mạng.
Tịnh đùa:
- Tôi có làm tổn hại gì mà chị bắt vạ tôi như thế. Thì ra Khánh Nhung đâu phải tay vừa, chỉ chuyên bắt nạt cha cụ, có ngon sao không bắt vạ Tùng ấy, một đền những 4 cơ mà!
Nhung sa sầm nét mặt.
- Anh ấy đã đi ra khỏi cuộc đời của em.
- Sao lẹ vậy? Đàn bà có khác.
- Người ta khi sắp chết mới cảm thấy sanh mạng mình cần thiết; khi bị phụ rẫy mới thấy cái tình yêu xác thịt chỉ là tạm bợ; khi sống gần con người lừa dối mới nhận chân giá trị của sự thành thật. Có thể bây giờ thầy cho là em ngu xuẩn vội vã nhưng sau này chính sự ngu xuẩn đó sẽ làm cuộc đời còn lại của em có ý nghĩa hơn.
Nhung dựa lưng vào ghế thở nhè nhẹ để đè nén cơn xúc động:
- Thầy có biết rằng những lúc nằm thoi thóp chờ chết em đã bị ám ảnh cùng cực bởi một câu nói: "Sống không ra sống thì đừng nên sống." Cuộc sống hiện tại của em, có những gì? Một lễ giáo suy đồi, một hạnh phúc vá víu, một tình nghĩa giả dối. Em chết tự tâm chết ra như một cây chết tự trong bọng vô phương cứu chữa. Tưởng như thế đã xong một kiếp người ai ngờ thầy đến như một liều thuốc hồi sinh, chính lòng thành thực cởi mở của thầy đã đánh gục con bệnh nghi ngờ trong em, chính sự thánh thiện trong sạch của thầy đã xóa hẳn những nhờm gớm của sự lọc lừa giả dối. Thầy đến như một nguồn sống, như một mạch nước mát tưới trên đồng lúa khô cạn hạn hán...
Tịnh ngắt lời:
- Nói vậy đủ rồi đừng đưa lên cao mà tôi không còn là tôi nữa, cũng đừng thăng hoa quá làm tôi tự thẹn với lương tâm vì thực ra tôi cũng chưa hiểu đã làm gì cho chị.
Nhung vẫn không để ý lời Tịnh:
- Thái độ khiêm nhường nhã nhặn là một đức tính cao quý hiếm có; con người ta đa số đều có hai mặt như khúc vải bông mặt phải và trái đều khác biệt nhưng ở thầy...
- Thôi chị Nhung ạ! Chuyển đề tài khác vì tôi không thích cái lối thổi phồng rẻ tiền.
Nhung cũng muốn không khí nhẹ hơn nên cười đùa:
- Văn chương rẻ như bèo giờ thầy mới biết sao?
- Ai bảo văn chương Việt Nam rẻ như bèo? Tự mình hạ thấp nó rồi cứ đổ thừa.
- Vâng, tự mình hạ thấp nó cũng như thầy vừa bảo em thổi phồng rẻ tiền. Thổi thế nào cho đáng giá hơn thày chỉ cho em với.
Tịnh lắc đầu và đưa hai tay giơ cao:
- May phước chị mới ăn có nửa chén cháo chứ đầy có lẽ tôi phải về vì chịu thua cái tật "nói khỏe" của chị.
Nhung cười bào chữa:
- Tánh em ít nói nhưng hơn một tháng trời không mở miệng nên phát thanh hơi bừa bãi lộn xộn.
- Tôi cũng chỉ mong sao chị nói hết những uất ức buồn phiền trong lòng vì có như vậy tâm hồn mới thanh thản vui vẻ được.
- Thầy chịu làm cái thùng rác?
- Có sao đâu nếu không tôi tới đây làm gì?
- Tội nghiệp thầy.
- Thật là ngược đời, trong khi chị tội nghiệp tôi lại cảm thấy thích thú.
Nhung hỏi vặn:
- Tại sao lại thích?
- Vì ít ra cũng nhìn thấy chị vui vẻ và tìm được nguồn sống.
- Không còn lý do nào khác hơn nữa sao thầy?
- Bằng đó với tôi đủ rồi, nghĩ làm gì thêm cho phiền phức.
Nhung nhìn bàn tay tháp bút nhỏ nhắn của Tịnh đang châm lửa mồi thuốc. Nàng nhíu mày:
- Không ngờ thầy lại có bàn tay đào hoa.
Tịnh bật cười:
- Lại vẽ trò, xưa nay tôi chỉ nghe người có số đào hoa chứ còn tay đào hoa thì chịu thua.
- Số mạng con người đều nằm gọn trong bàn tay, những lằn nhỏ ngang dọc thể hiện tử sinh may rủi cũng như tình duyên. Bàn tay đào hoa nắm gọn đường tình duyên mà lại đi tu thì thật tội nghiệp cho đàn bà con gái.
- Nếu ra đời thì cũng chỉ lấy một vợ chứ đâu ôm hết được, vẫn khổ cho thiên hạ vậy!
- Chẳng thà lập gia đình có nơi có chỗ thì lại không ai dám chàng ràng. Đàng này...
Tịnh bật cười:
- Đàng này lại có người thích vẽ chuyện vẽ trò. Chị khá lắm chị Nhung ạ! thế mà chẳng hiểu sao anh Tùng lại nhập nhằng chi với người ta cho sinh tội.
Tịnh uể oải vươn vai muốn đứng lên ra về trong khi Nhung vẫn ngồi im.
- Thầy có vẻ sợ em?
- Sợ sao được nhưng tôi không thích nói chuyện lăng nhăng.
Nhung vẫn lờ đi như không thèm nghe:
- Với con người và đôi tay đào hoa, em biết chắc cuộc đời hiến thân của thày sẽ bị gặp rất nhiều chuyện trở ngại mà em chỉ là một trở ngại rất nhỏ, giống như cái mô con con nhô cao giữa khoảng đường dài. Nếu vì một cái mô con mà thầy đã sợ trốn tìm một lối quanh co dài dẵng khác hơn thì khi nào mới tới đích?
Tịnh tỏ vẻ khó chịu, khuôn mặt nhăn nhăn:
- Tôi chẳng sợ mô lớn mô nhỏ, cũng chẳng đến nỗi khiếp nhược phải chạy trốn vào đường quanh cọ Có điều không muốn tạo cho người khác những hy vọng lầm lẫn vì như thế chính là tạo cho ma quỷ có cơ hội cám dỗ.
- Nếu thầy không yếu lòng thì sao ma quỷ cám dỗ được thầy?
Câu nói nhẹ nhàng pha lẫn tiếng cười nhưng lại là một sự thách thức. Tịnh ngẩn người nhìn Nhung; người đàn bà này chắc chắn không tầm thường và cái vỏ bệnh hoạn đau ốm quả là một đòn độc thật tai hại nếu nàng lợi dụng nó để có một tình ý riêng. Chẳng ai nhẫn tâm trách cứ hay giận dữ với một con bệnh sắp chết cũng chẳng ai can đảm đánh một tên giết người khi nó đã nằm phủ phục dưới chân mình kiệt lực. Khuôn mặt xinh đẹp nhưng nhợt nhạt mang hơi hám của thần chết làm Tịnh phân vân. Nếu vì bị hiểu lầm để cứu được một mạng người thì chàng cũng sẵn sàng làm huống hồ đây mới chỉ là trong ý tưởng hoặc ở một sự tình cờ trêu ghẹo. Tịnh bằng lòng với điều mình vừa nghĩ, thêm vào câu thách thức rất khôn khéo làm Tịnh không thể lùi bước. Tìm cách trốn lánh Nhung có nghĩa là chàng sợ sẽ bị sa ngã. Đã chọn con đường theo chân Chúa mà sợ ma quỷ thì sao cho xứng danh? Tịnh đứng lên cáo từ về với nụ cười hiền lành trấn an:
- Chị yên chí, tôi sẽ đến đây ngày một cho tới khi nào chị thật bình phục rồi tính sau.
Nhung gật đầu chào trong nụ cười rạng rỡ, và đôi mắt chan chứa cảm tình...