Books are lighthouses erected in the great sea of time.

E.P. Whipple

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Dos Novelas De Macondo
Dịch giả: Trung Đức
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1130 / 17
Cập nhật: 2016-06-27 09:56:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
uộc diễu binh xuất hiện trở lại y như một bóng ma của thời đã qua. Nó nổ ra ngay trước cửa tiệm chơi bi-a, vào lúc mười giờ sáng, khiến dân làng sợ khiếp vía cho đến khi người ta tuyên đọc ba thông báo đầy hiệu lực và nỗi đau khổ được khôi phục lại.
- Thần chết – bà góa Môngtiên thốt lên khi nhìn thấy mọi nhà đều mở toang cửa và thấy dân chúng từ mọi ngả đang đi về phía quảng trường – Thần chết đã đến rồi kìa.
Tuân theo sự hướng đạo của cảm nhận ban đầu ấy, bà vén rèm ban công và quan sát đám đông ồn ào đang vây quanh kẻ đại diện cho lính cảnh sát sẵn sàng đọc lệnh giới nghiêm. Cả quảng trường hoàn toàn yên lặng đón nghe lời tuyên đọc. Dù cho tập trung tư tưởng, dù cho hai bàn tay khum lại để ở sau hai vành tai cố đón lấy tiếng đọc lệnh ở quảng trường, bà góa Môngtiên cũng chỉ nghe được hai từ.
Không một ai trong nhà có thể giải thích được cho bà hiểu. Lệnh giới nghiêm đã được tuyên đọc trong không khí nghiêm trang thường có, một thứ mệnh lệnh mới được thiết lập trên thế gian này nhưng bà Môngtiên không tìm được ai trong nhà này hiểu cặn kẻ từ giới nghiêm. Bà đầu bếp lấy làm ngạc nhiên trước sắc diện bệch bạc của bà.
- Giới nghiêm là cái gì, thưa bà? – Người đầu bếp hỏi.
- Đó chính là cái mà tôi đang tìm hiểu nhưng không một ai biết gì cả – bà góa Môngtiên nói – Vậy là từ khi thế giới là thế giới, lệnh giới nghiêm chẳng bao giờ mang đến điều lành cả.
Thế là bà đầu bếp ra đường và khi trở về mang theo nhiều tình tiết. Kể từ đêm ấy trở đi cho đến khi nào yên ổn, lệnh giới nghiêm được thiết lập. Từ tám giờ đêm trước cho đến năm giờ sáng hôm sau, không ai được ra đường mà không mang theo giấy tờ tùy thân do xã trưởng ký tên và đóng dấu. Lính cảnh sát được lệnh khi gặp người đi ngoài đường trong giờ giới nghiêm có quyền hô người ấy giơ tay lên ba lần và nếu người ấy không tuân lệnh thì có quyền bắn bỏ. Xã trưởng tổ chức các đội tuần tra nhân dân để cùng phối hợp với cảnh sát làm nhiệm vụ canh gác ban đêm.
Bà góa Môngtiên vừa cắn móng tay vừa hỏi nguyên nhân của việc người ta thiết quân luật.
- Trong lệnh giới nghiêm không thấy nói, nhưng cả làng đều bảo rằng vì những tờ rơi – bà đầu bếp trả lời.
- Trái tim đã mách bảo ta điều đó rồi – bà góa nói vẻ sợ sệt. Thần chết đang được vỗ béo ở làng này.
Bà góa ra lệnh gọi ngài Carmichaen tới. Theo thói quen cũ bà ra lệnh mở kho lấy ra chiếc va li đã có khóa đồng mang lên phòng ngủ. Đó là chiếc va li do Hôxê Môngtiên mua sắm cho chuyến du chơi duy nhất của ngài trước khi chết. Bà lấy từ trong tủ ra mấy bộ quần áo, áo váy lót và giày, và sắp chúng ở dưới va li. Khi làm, bà góa bắt đầu có cái cảm giác được nghỉ ngơi hoàn toàn mà nhiều lần bà mơ ước bằng cách mường tượng ra cảnh mình đi khỏi làng này, ngôi nhà này để đến sống trong một căn phòng có lò sưởi và một sân hiên nhỏ với những chậu trồng cây kinh giới. Đó là nơi chỉ mình bà có quyền nhớ Hôxê Môngtiên và sống với nỗi bận tâm duy nhất là chờ đến chiều thứ hai hàng tuần để đọc thư của các cô con gái từ Pari gửi về.
Bà góa đã cho vào va li một số quần áo đủ dùng, cái bao da trong đựng kéo, cuộn băng dính và lọ thuốc đỏ, mấy thứ đồ vá may và sau đó là chiếc thùng giấy đựng sách kinh và bổn, thế mà bà đã day dứt trong lòng vì nghĩ rằng mình mang nhiều thứ quá hơn cả mức Thượng đế cho phép. Thế là bà nhét bức tượng Thánh Raphen bằng Thạch cao vào một chiếc tất và cẩn thận để nó vào va li. Cuối cùng bà khóa lại.
Khi tới nơi, ngài Carmichaen thấy bà ăn vận hết sức giản dị. Ngày hôm ấy, như một dấu hiệu về sự cam kết, ngài Carmichaen không mang theo chiếc ô. Nhưng bà góa Môngtiên lại không nhận ra điều đó. Bà rút từ trong túi áo ra tất cả các chìa khóa của nhà này, mỗi chìa khóa đều có tờ bìa các – tông nhỏ chỉ rõ của phòng nào. Bà trao cho ông tất cả và bảo rằng:
- Tôi trao tận tay ông cả cái thế giới tội ác của Hêxô Môngtiên. Với nó ông hãy làm cái ông thích.
Đã lâu rồi, ngài Carmichaen từng lo sợ cái khoảnh khắc này.
- Có nghĩa là bà nhà muốn đi vắng trong một thời gian chờ cho qua cái đận khủng khiếp này.
Bằng giọng êm ái nhưng dứt khoát bà trả lời: – Vĩnh viễn không bao giờ tôi trở về, ông ạ.
Ngài Carmichaen, không hề lúng túng, tường trình lại hoàn cảnh thực tế của nhà này. Quyền thừa kế tài sản của Hôxê Môngtiên vẫn chưa hề bị bác bỏ. Vì vậy, ông con trai cả đang ngồi ghế tùy viên ở Đức và hai cô con gái đang mê say các chợ ở thủ đô Pari, cần phải trở về hoặc chỉ định ngay người thay mặt mình để thực thi quyền lợi của họ. Trước đó không một thứ gì ở nhà này có thể bán được.
- Không cần – bà góa Môngtiên nói – Các con tôi đang hạnh phúc ở châu Âu và chúng chẳng cần phải làm gì ở cái đất nước man rợ này, như chúng đã từng nói với tôi. Vậy là, nếu ông muốn, ông hãy cuốn gọn các thứ trong nhà này và ném cho bầy lợn.
Ngài Carmichaen không cãi lại lời bà. Với cớ phải chuẩn bị một vài thứ cho chuyến đi của bà, ông bỏ đi tìm thầy thuốc.
- Bây giờ thử xem, hỡi Guarđiôla, chủ nghĩa yêu nước của anh ở đâu nhé – Xã trưởng nói. – Người thợ cạo và nhóm thanh niên đang nói chuyện nhận ra ngay xã trưởng trước khi ngài bước vào. “Và cả chủ nghĩa yêu nước của các anh nữa”, ngài nói chỉ tay vào hai thanh niên trẻ hơn cả. “Đêm nay các anh sẽ có súng, thứ vũ khí mà các anh từng khao khát và để xem các anh có vô ơn đến nỗi sẽ quay súng bắn lại chúng tôi không”. Cái giọng nói thân mật của ông ta là không thể nhầm lẫn được.
- Chỉ cần một cái chổi thôi – người thợ cạo nói. – Để săn đuổi mấy mụ phù thủy thì chỉ cần chổi là được, cần gì đến súng hở ngài xã trưởng.
Hầu như ông ta không nhìn ngài. Ông đang cạo gáy cho người khách đầu tiên của buổi sáng ấy, và không coi trọng xã trưởng. Chỉ khi thấy ngài đang kiếm tra xem những ai trong nhóm là quân nhân dự bị và do vậy biết sử dụng súng, người thợ cạo hiểu rằng quả nhiên mình là một trong những người bị điều động đi tuần tra đêm.
- Thiếu úy ạ, có phải ngài đưa chúng tôi vào chuyện nhảm nhí ấy không? – Ông ta hỏi.
- Của khỉ – xã trưởng trả lời. – Cả một đời đâm chém lẫn nhau chỉ vì một khẩu súng và giờ đây các anh có súng rồi mà vẫn chưa tin.
Ngài dừng lại phía sau người thợ cạo, ngay ở nơi thuận tiện hơn cả trong việc quan sát cả nhóm trong tấm gương. “Tôi nói nghiêm chỉnh đấy”, ngài nói. Rồi đổi giọng, ngài nói tiếp “Chiều nay, vào lúc sáu giờ, quân dự bị loại một phải có mặt tại đồn cảnh sát”. Từ tấm gương, người thợ cạo nhìn thẳng vào mắt xã trưởng, nói:
- Nếu nhỡ tôi bị sưng phổi thì sao?
- Trong nhà tù chúng tôi sẽ chữa khỏi cho anh – xã trưởng trả lời.
Chiếc máy quay đĩa trong tiệm chơi bi-a đang phát ra âm nhạc của một bài dân ca bôlêrô tình tứ. Trong phòng không có người nhưng tại một vài bàn vẫn còn rượu uống dở trong chai và cốc.
- Bây giờ quả nhiên là chuyện tờ rơi đã bị cấm rồi – Đôn Rôkê nói khi nhìn thấy xã trưởng bước vào. – cần phải đóng cứa tiệm vào lúc bảy giờ tối.
Xã trưởng cứ việc đi thẳng vào cuối phòng. Tại đây các bàn chơi bài cũng không có khách. Ngài mở cửa nhà vệ sinh, nhìn vào trong rồi đi trở lại quầy bán hàng. Lúc đi qua bàn chơi bi- a, bất ngờ ngài vén tấm vải phủ bên trên, nói:
- Thôi đi, đừng làm cái trò vớ vẩn ấy nữa.
Từ trong gầm bàn bi-a, hai chàng trai chui ra, phủi bụi bám trên quần. Một cậu mặt tái xanh. Cậu kia tai đỏ lựng. Xã trưởng đẩy họ đi về phía bàn kê ngay cạnh cửa ra.
- Các anh biết rồi đây, sáu giờ chiều nay các anh có mặt tại đồn cảnh sát, nghe chưa – xã trưởng nói với hai thanh niên.
Đôn Rôkê theo sau ngài, nói:
- Với cái trò nhảm nhí này có lẽ phải đi theo bọn buôn lậu mất.
- Ông yên tâm. Chỉ hai hay ba ngày là xong thôi. Chủ rạp chiếu bóng đuổi kịp ngài ở ngay đầu phố. “Đây là cái cuối cùng mà tôi còn thiếu”, ông ta nói. “Sau mười hai tiếng chuông cấm chiếu phim của cha sứ thì bây giờ đến tiếng kèn đồng giới nghiêm của ngài cấm người ta ra đường. Thử hỏi còn ai dám đến rạp của tôi nữa”. Xã trưởng vỗ nhẹ lên vai ông ta và rủ ông ta cùng đi với mình.
- Tôi sẽ phải trưng dụng rạp của ông đây – xã trưởng nói.
- Không xong rồi – chủ rạp chiếu bóng nói – Rạp chiếu bóng đâu có phải là dịch vụ công cộng.
- Trong tình trạng thiết quân luật thì ngay đến cả rạp chiếu bóng cũng có thể bị tuyên bố là dịch vụ công cộng chứ sao.
Chỉ đến lúc ấy, xã trưởng mới thôi cười. Ngài nhảy liền hai bậc để lên cầu thang đồn cảnh sát và khi lên đến tầng hai ngài dang rộng hai cánh tay và lại mỉm cười.
- Đồ cứt đái – xã trưởng thốt lên. – Ông muốn thế nào?
Chủ gánh xiếc nằm phục trên chiếc ghế gấp đang đợi xã trưởng. Ông hút một cái tẩu chạm đầu con sư tử biển. Cứ như thể mình là chủ nhà, ông ta ra hiệu mời xã trưởng ngồi xuống.
- Thiếu úy ạ, chúng ta bắt đầu cuộc thương lượng đi.
Xã trưởng kéo một chiếc ghế và ngồi đối diện với ông ta. Một tay cầm chiếc tẩu, tay kia ông ta ra hiệu một cách bí hiểm.
- Chúng ta có thể nói chuyện với nhau một cách chân thành.
Xã trưởng ra hiệu rằng hoàn toàn có thể như vậy được.
- Tôi biết rõ điều này ngay từ khi tôi nhìn thấy ngài cạo mặt – chủ gánh xiếc nói. – Tôi vốn quen giao thiệp với mọi người nên biết rằng lệnh giới nghiêm đối với ngài…
Với mục đích vui vẻ rõ nét, xã trưởng quan sát chủ gánh xiếc.
- … còn ngược lại đối với tôi, vốn đã bỏ tiền ra thuê dựng rạp và phải nuôi mười bảy người và chín con thú, lệnh giới nghiêm kia là một tai họa.
- Vậy thì sao?
- Tôi đề nghị ngài hãy ra lệnh giới nghiêm vào lúc mười một giờ đêm và hai chúng ta chia đôi số tiền thu được của đêm diễn.
Xã trưởng vẫn mỉm cười mà không hề thay đổi tư thế ngồi.
- Tôi nghĩ rằng ông sẽ chẳng vất vả gì tìm được một người trong làng này nói với ông rằng tôi là một thằng kẻ trộm.
- Đó là chuyện làm ăn chân chính mà – chủ gánh xiếc nói. Nhưng ông ta không nhận ra rằng xã trưởng khó chịu từ lúc nào.
- Thứ hai, chúng ta bàn tiếp – xã trưởng đề nghị.
- Thứ hai, tôi sẽ bị lột da – chủ gánh xiếc nói. – Chúng tôi nghèo lắm.
Xã trưởng đưa ông ta ra tận cầu thang và vỗ nhẹ lên lưng ông ta. “Đừng nên trông đợi ở tôi”, ngài nói. “Tôi hiểu chuyện làm ăn mà”. Ngay bên cạnh cầu thang, ngài còn nói vớt để an ủi:
- Đêm nay hãy báo Caxăngđra đến với tôi nhé. Chủ gánh xiếc định quay trở lại, nhưng bàn tay xã trưởng đẩy lưng ông ra hiệu cứ đi đi.
- Được ạ – chủ gánh xiếc nói. – Cái ấy coi như không tính.
- Hãy bảo cô ta đến nhé. Ngày mai chúng ta sẽ thảo luận tiếp.
Ông Benhamin lấy ngón tay đẩy cánh cửa nhưng không vào. Với nỗi giận dữ thầm kín, ông gọi:
- Nôra mở cửa sổ mau.
Nôra đê Hacôp – người đàn bà đứng tuổi và đẫy đà – với mái tóc cắt ngắn như đàn ông, đang nằm dài trước quạt điện trong căn phòng râm mát. Bà đang đợi ông Benhamin đến dùng cơm trưa. Khi nghe thấy tiếng gọi, bà nặng nhọc đứng dậy và đi mở bốn cửa sổ ăn thông ra đường. Một luồng hơi nóng ùa vào căn phòng lát gạch men có bày đặt những chiếc ghế sa lông bọc vải hoa. Trong mỗi chi tiết đều thấy rõ một sự sang trọng nhưng thanh bạch.
- Trong lời đồn đại của dân chúng có gì được làm sáng tỏ không.
- Người ta nói biết bao chuyện – ông Benhamin tra lời.
- Về bà góa Môngtiên – Nôra nói rõ điều mình muốn biết. – Người ta đồn rằng bà ấy lại bị điên rồi.
- Đối với anh, bà ấy bị điên từ lâu rồi. Sáng nay bà ấy định nhảy từ trên ban công xuống.
Từ ngoài đường đã nhìn rõ chiếc bàn được chuẩn bị cho bữa ăn. “Sự trừng phạt của Thượng đế” Nôra đê Hacôp nói trong lúc lau tay để dọn mâm. Bà mang quạt điện vào phòng ăn.
- Ngay từ sáng nhà bà góa đã đông nghịt người – ông Benhamin nói.
- Ôi, đó cũng là một dịp may để có thể nhìn bà từ bên trong.
Một bé gái da đen, mái tóc gài nhiều nơ, bưng nồi súp nóng vào phòng ăn. Mùi thịt gà thơm lừng cả phòng và không khí trong phòng trở nên oi nóng khó chịu hơn. Ông Benhamin lấy khăn ăn bịt lên cổ áo, vừa làm vừa nói: “Chúc sức khỏe của em”. Ông định cầm thìa súp đang nóng giẫy húp ngay.
- Hãy thổi cho nó nguội và xin anh đừng có ngớ ngẩn nữa – Nôra nói. – Ngoài ra anh cùng nên cởi chiếc áo ngoài ra. Cái tính đàng hoàng bệ vệ của anh không chịu bước vào nhà một khi cửa sổ chưa mở toang hết cỡ làm cho chúng mình chết vì nóng mất.
- Hơn bao giờ hết, bây giờ cần phải thận trọng. Không một ai có thể nói rằng từ ngoài đường họ không nhìn thấy mọi cử chỉ của anh khi ở trong nhà em.
Bà nhìn rõ nụ cười rạng rỡ của ông. “Xin anh đừng có cám hấp nữa”. Bà nói. “Về em họ cứ việc nói điều họ muốn”. Khi súp nguội đã có thể ăn được, bà thong thả nói tiếp:
- Thực ra em chỉ có thể bận tâm về điều họ nói về Mônia – bà kết luận để đề cập tới cô con gái mười lăm tuổi vẫn chưa về nghỉ hè kể từ khi nó lần đầu tiên đến trường. – Nhưng về em họ chẳng thể nói gì hơn cái mà cả bàn dân thiên hạ đã biết tỏng rồi.
Lần này ông Benhamin không nhìn bà với cái nhìn thường xuyên không tán đồng của mình. Ông lặng lẽ húp súp. Hai người ngồi cách nhau hai mét. Khoảng cách ngắn nhất mà ông không bao giờ cho phép nhất là khi đứng trước thiên hạ. Hai mươi năm về trước khi bà còn đi học, ông viết cho bà một bức thư dài và bà đáp lại ông một cách sôi nổi bằng những lá thư chan chứa tình yêu thương. Trong kỳ nghỉ hè, trong chuyến đi chơi ngoài đồng nội Nexto Hacôp, đã hoàn toàn say, nắm tóc bà lôi ra đầu bãi vắng và không hề run sợ đã tỏ tình với bà: “Nếu không lấy anh, anh sẽ xịt cho em một phát đạn”. Cuối kỳ nghỉ hè, Nexto và Nôra cưới nhau. Mười năm sau, bọn họ sống ly thân.
- Dù sao chăng nữa – ông Benhamin nói – chúng ta chẳng nên kích động trí tò mò của dân chúng bằng việc đóng kín cửa khi anh đang ở trong nhà này.
Khi uống xong cà phê, ông đứng dậy. “Anh về đây”, ông nói. “Mina đang mỏi mắt chờ anh về”. Từ ngoài cửa, vừa đội mũ, ông vừa thốt lên:
- Ôi, cái nhà này sao mà nóng dữ vậy.
- Thì em đã chả nói với anh rồi ư – bà nói.
Đứng ở cửa sổ cuối cùng đợi cho đến khi nhìn thấy ông làm dấu ban phước lành để chào tạm biệt mình. Sau đó, bà mang chiếc quạt điện vào phòng ngủ, đóng kín cửa rồi khỏa thân hoàn toàn. Cuối cùng, như tất cả mọi ngày sau bữa cơm, bà vào nhà tắm, ngồi vào bể ngâm trong nước. Cứ như thế bà ngồi với những kỷ niệm rất riêng của mình.
Trong một ngày, bốn lần bà nhìn thấy Nexto Hacôp đi qua nhà. Dân làng đều biết rằng ông đã xây dựng với người đàn bà khác, rằng ông đã có bốn mặt con với bà ta và rằng ông được coi là người cha mẫu mực. Trong mấy năm gần đây, đã vài lần ông dắt con đi qua nhà nhưng không lần nào cùng đi với nhà kia. Nôra thấy ông gầy đi, già nua và xanh xao, và trở thành người xa lạ với bà. Đôi lần, trong những giờ ngủ trưa cô đơn, bà lại thấy háo hức muốn có ông ở bên cạnh nhưng không phải ông trong những lần đi qua trước nhà, mà phải là ông trong cái thời bà sắp sinh Mônica, khi mà tình yêu chốc lát của bà chưa làm cho bà thành người hay thay đổi.
Pháp quan Accađiô ngủ cho đến trưa mới thức dậy. Vì vậy ông không hề biết gì về lệnh giới nghiêm. Chỉ khi đến văn phòng ông mới rõ. Viên thư ký của ông, thì ngược lại ngay từ lúc tám giờ sáng đã phải bàng hoàng khi xã trưởng yêu cầu ông phải viết lệnh.
- Dù sao chăng nữa lệnh ấy được viết trong những khái niệm hí kịch – pháp quan nói sau khi biết rõ các chi tiết. – Không cần phải có lệnh giới nghiêm ấy.
- Vẫn là lệnh giới nghiêm thường được công bố mà.
- Đúng thế – pháp quan thừa nhận. – Nhưng thời thế đã thay đổi do vậy khái niệm cùng phải thay đổi cho phù hợp. Có lẽ dân chúng đang hoảng sợ.
Tuy nhiên, theo sự kiếm tra của ông sau này khi chơi bài ở tiệm chơi bi-a, nỗi sợ không phải là cảm giác chủ đạo của làng này. Đúng ra nỗi sợ chỉ là cảm giác thắng cuộc chơi vì cái đã có trong ý thức của tất cả mọi người nay đã thành hiện thực: chẳng có gì thay đối cả. Khi ra khỏi tiệm chơi bi-a, pháp quan Accađiô không nhận ra sự có mặt của xã trưởng ở đây.
- Vậy là các tờ rơi chẳng là cái gì cả – ông nói với xã trưởng. – Dân chúng vẫn cứ hạnh phúc như thường.
Xã trưởng nắm lấy cánh tay pháp quan. “Không làm gì để chống lại đám đông”. Xã trưởng nói. “Đó chỉ là một vấn đề của tập quán mà thôi”. Xã trưởng bước đi với những bước chân dứt khoát như thế ngài đang phải lo những công việc khẩn cấp và sau khi đi, mãi ngài mới nhận ra rằng mình cứ đi lông bông thế thôi.
- Công việc này sẽ chẳng kéo dài cả đời được – xã trưởng nói tiếp. – Từ nay đến Chủ nhật chúng ta sẽ có điều thú vị về những tờ rơi trong trại giam. Không hiểu vì sao tôi lại cứ nghĩ rằng tác giả những tờ rơi lại là một mụ đàn bà.
Pháp quan Accađiô không tin lời ngài. Ông đã đi đến một kết luận chung rằng những tờ rơi kia không phải là tác phẩm của chỉ một người. Hình như chúng không tuân theo một kế hoạch thống nhất. Trong những ngày gần đây, một số tờ rơi xuất hiện trong một hình thức mới: những bức biếm họa.
- Có thể không phải một người đàn ông, cũng không phải một người đàn bà khác nhau đã hoạt động theo sự hiểu biết của riêng mình.
- Pháp quan này, ông chớ làm cho sự việc này phức tạp thêm. Ông nên nhớ cho rằng trong chuyện nhảm nhí này, dù có rất nhiều người dự vào, bao giờ cũng chỉ có một tên tội phạm mà thôi.
- Thưa thiếu úy, điều ấy đã được Arixtốt nói rồi. Tóm lại tôi nhận thấy cái biện pháp được sử dụng hiện nay là rất nực cười. Đơn giản hơn, những kẻ viết tờ rơi sẽ đợi cho đến khi hết giờ giới nghiêm mới hành động.
- Không sao – xã trưởng nói. – Tóm lại là cần phải duy trì kỷ cương của quyền lực.
Những người tuần tra đêm đã tập trung tại đồn cảnh sát. Cái sân nhỏ với xung quanh là những bức tường cao ngất, còn in những vết máu khô và những vết đạn gợi ta nhớ đến thời kỳ phòng giam không đủ chỗ phải giam người ở ngoài trời. Buổi chiều ấy, lính cảnh sát không vũ khí, mặc quần đùi nhởn nhơ đi lại ở ngoài hành lang.
- Rôvira, hãy mang thức uống ra đây cho các chàng trai mau – xã trưởng ra lệnh.
- Thưa, rượu rum ạ – người lính vừa mặc quần áo vừa hỏi.
- Mày ngu quá đấy – xã trưởng quát – Mang nước ngọt.
Những người tuần tra đêm ngồi ngoài sân hút thuốc lá. Pháp quan Accađiô đứng trên tầng hai quan sát bọn họ.
- Đều là những người tình nguyện cả chứ?
- Ông hãy tưởng tượng mà xem – xã trưởng nói – Tôi phải lôi bọn họ từ dưới gầm giường ra đấy.
Pháp quan không thấy một kẻ lạ mặt nào.
- Thảo nào, nom họ cứ như là những người bị cưỡng bức – pháp quan nói. Những cánh cửa sắt nặng chịch khi mở làm bay ra một luồng khí mát lạnh. “Ông muốn nói rằng bọn họ là những người đánh nhau cừ phải không”, xã trưởng nói sau khi bật cộng tắc đèn trong phòng làm việc. Ở đầu phòng bên kia có một chiếc giường dã chiến, một bình thủy và một chiếc cốc để trên ghế ngay cạnh đầu giường và cuối giường là một ống nhổ. Trên tường lủng lẳng treo nào súng, nào băng đạn. Phòng không có quạt. Để làm cho thoáng phòng, người ta trổ cửa sổ ở phía trên, nhân tiện để quan sát bến cảng và cả con đường chính, ở đầu phòng đối diện có một bàn làm việc và chiếc két sắt.
Xã trưởng thu dọn căn phòng cho ngăn nắp.
- Điều đó chẳng là gì hết – ngài nói. – Tôi sẽ giao súng cho tất cả bọn họ.
Một lính cảnh sát bước vào sau họ. Xã trưởng đưa cho y vài đồng tiền. “Hãy mua về hai tút thuốc lá để cho mỗi người một bao”. Khi chỉ còn lại hai người, xã trưởng lại quay về phía pháp quan.
- Ông thấy chuyện này thế nào?
- Một việc làm vô ích – pháp quan trả lời vẻ suy tư.
- Dân chúng sẽ há hốc mồm ra cả một lũ – xã trưởng nói. – Ngoài ra tôi thấy các thanh niên đáng thương này không biết làm gì với những khẩu súng này.
- Có thể họ sẽ ngỡ ngàng. Nhưng điều đó cũng chỉ trong chốc lát mà thôi.
Ông ta gắng sức nén cảm giác khó chịu nơi dạ dày. “Hãy cẩn thận đấy thiếu úy ạ!”, ông nói vẻ suy tư. “Khéo không lại đổ bể hết cả”. Xã trưởng lôi ông ra khỏi văn phòng, nói:
- Pháp quan ạ, ông khỏi lo – ngài nói thầm vào tai pháp quan. – Họ sẽ chỉ có đạn giấy thôi.
Khi hai người xuống sân đèn đã bật sáng. Những người tuần tra đêm uống nước ngọt bên dưới những bóng đèn điện ố bẩn. Đi từ đầu này sang đầu kia của sân, xã trưởng giải thích rõ nhiệm vụ của họ trong đêm ấy: cứ hai người một sẽ đứng gác ở một đầu phố chính và được quyền bắn vào bất cứ ai không chịu đứng lại và giơ tay lên khi có lệnh hô. Ngài khuyên họ cần dũng cảm và thận trọng. Sau nửa đêm có người mang cơm đến cho họ. Với sự phù hộ của Thượng đế, xã trưởng mong rằng tất cả rồi sẽ qua đi một cách êm thấm và rằng dân làng sẽ biết đánh giá đúng cái cố gắng của chính quyền nhằm bảo vệ sự yên tĩnh của xã hội.
Cha Anghen đứng dậy khỏi bàn khi đồng hồ trên tháp chuông điểm tám giờ. Cha tắt ngọn đèn ở ngoài sân, cài then cửa và làm dấu thánh trên trên quyển kinh. “Nhân danh Chúa”. Cha nói. Từ một sân xa vọng đến tiếng vạc gáy đêm. Đang ngủ gà ngủ gật ở sân hiên bên cạnh những chuồng chim phủ kín vải, bà quả phụ Axit nghe thấy chuông rung lần thứ hai, và không cần mở mắt, hỏi: “Rôbertô đã vào trong nhà chưa?”. Một cô hầu nằm quay lưng về phía cửa trả lời bà rằng cậu nhà đã đi nằm từ lúc bảy giờ. Trước đó một ít Nôra đê Hacôp, đã vặn nhỏ âm thanh của chiếc máy thu thanh và bà ta chìm đắm trong thứ âm nhạc nhỏ nhẹ dường như đến từ một địa điểm trong sáng và bình yên. Một giọng nói rất xa nhưng rành rọt gọi tên một người nào đó ở nơi chân trời và bọn chó đều lên tiếng sủa vang cả làng.
Người trồng răng vừa nghe xong bản tin. Ông nhớ rằng Anghêla đang chơi trò đọc một bản chữ viết chéo dưới ngọn đèn ngoài sân. Ông ra lệnh cho con gái mà không cần phải nhìn cô: “Đóng cổng lại và vào phòng trong mà đọc”. Bà vợ ông giật mình thức dậy.
Rôbertô Axit, vốn đã đi nằm từ lúc bảy giờ, vùng dậy và qua cánh cửa sổ hé mở anh nhìn ra quảng trường và chỉ thấy bóng những cây bàng tối xẫm và ngọn đèn cuối cùng tắt ở ban công nhà bà góa Môngtiên. Vợ anh thắp đèn ngủ và thì thầm khuyên anh nằm nghỉ. Một con chó đơn độc tiếp tục sủa cho đến khi đổ hồi chuông lần thứ năm.
Sau những tiếng kêu la ở phía xa xa, sau những tiếng chó sủa, bắt đầu bầu không khí yên tĩnh lặng như tờ của làng này.
- Hãy cẩn thận đấy mình ạ. – bác sĩ Hiranđô khuyên bà vợ đang nhét thuốc kích thích vào chiếc túi xách trước khi đi nằm. Hai vợ chồng đều nghĩ đến bà góa Môngtiên đang nằm thẳng cẳng như một người chết ở trong nhà. Chỉ một mình đôn Xabat, sau một cuộc thảo luận dài với ngài Carmichaen, không có cảm nhận về thời gian đang đi qua. Đôn vẫn ngồi ở văn phòng nghĩ đến bữa ăn điểm tâm ngày hôm sau khi hồi chuông lần thứ bảy vang lên và bà vợ từ trong phòng ngủ bước ra với mái tóc rối bời. Dòng sông như đứng lại. “Trong một đêm như cái đêm này”, có ai đó thì thào nói trong bóng tối vào đúng khoảnh khắc vang lên hồi chuông thứ tám và có một cái gì đó bắt đầu nổ lách tách chừng mười lăm giây trước khi tắt lịm hoàn toàn.
Bác sĩ Hiranđô gấp sách lại chờ cho đến khi tiếng kèn đồng thổi báo giờ giới nghiêm bắt đầu ngừng hẳn. Bà vợ để chiếc túi xách tay lên bàn ngủ, nằm quay mặt vào tường và tắt ngọn đèn ngủ. Bác sĩ mở sách ra nhưng không đọc. Cả hai cùng thở đều đều, cả hai cùng cô đơn trong một làng mà sự yên tĩnh bị xé nát được thu lại trong khuôn khổ một căn phòng.
- Mình suy nghĩ gì thế – bà vợ hỏi.
- Không nghĩ gì hết – bác sĩ trả lời.
Suốt từ lúc chuông điểm tám giờ cho đến mười một giờ, quyển sách vẫn mở ở đúng trang ấy và bác sỹ không thể tập trung tư tưởng. Ông đánh dấu trang rồi gấp sách lại cất lên bàn. Bà vợ ông đã ngủ. Thời trước, hai vợ chồng ông thường thức cho đến tận sáng để xác định địa điểm và hoàn cảnh của những tiếng súng nổ. Có vài lần tiếng ủng và tiếng súng lách cách đến tận cửa nhà ông và hai vợ chồng ngồi yên trên giường chờ đón đạn chì phá tung cửa. Rất nhiều đêm, khi đã phân biệt được mức độ biểu hiện của nỗi sợ, bọn họ thức trắng đêm, đầu gối trên chiếc gối nhồi đầy truyền đơn chưa được phân phát.
Có một buổi đêm về sáng, họ nghe rõ chính những tiếng động khéo léo nhằm chuẩn bị cho cú bất thình lình ập vào khám nhà và sau đó là tiếng nói mệt mỏi của xã trưởng: “Ở đấy, không được vào. Lão ta chẳng tham gia gì hết”. Bác sĩ Hiranđô tắt đèn và cố gắng ngủ.
Mưa phùn bắt đầu từ lúc sau nửa đêm. Người thợ cạo cùng một người tuần tra canh gác ở đầu phố gần bến cảng, đã rời bỏ vị trí đến tránh mưa dưới mái hiên cửa hàng của ông Benhamin. Người thợ cạo bật diêm châm điếu thuốc và tiện thể xem mác của khẩu súng. Đó là một thứ vũ khí mới được chế tạo tại USA.
Người đồng đội cũng bật vài que diêm để xem mác của khẩu súng mình giữ nhưng không tìm thấy. Một giọt nước từ mái tranh rơi đúng vào báng súng. “Thật đến lạ”, cậu ta nói, lấy vạt áo lau khô vết nước. “Chúng mình ở đây, mỗi người một khẩu súng để chịu ướt. Trong cái làng im ắng kia chỉ nghe rõ tiếng mưa rơi từ mái tranh xuống”.
- Chúng ta gồm chín người – người thợ cạo nói – Bọn họ bảy người kể cả tay xã trưởng, nhưng ba người hiện đang bị giam trong đồn cảnh sát.
- Cách đây ít lâu tôi đã nghĩ như thế – người kia nói.
Đèn pin của xã trưởng dọi thẳng về phía họ làm nổi rõ hình hai người đang co ro ngồi quay lưng vào tường, cố bảo vệ vũ khí khỏi bị ướt nước mưa. Nhận ra bọn họ, xã trưởng liền tắt đèn và bước vào dưới mái hiên. Ngài mặc áo mưa và mang một khẩu tiểu liên. Một lính cảnh sát cùng đi với ngài. Sau khi nhìn đồng hồ, ngài ra lệnh:
- Hãy về đồn xem bữa ăn đêm được chuẩn bị ra sao rồi.
Được lệnh, lính cảnh sát đi ngay. Xã trưởng ngồi xuống cùng với hai người.
- Có gì lạ không? – ngài hỏi.
- Chẳng có gì cả – người thợ cạo trả lời.
Người kia mời xã trưởng một điếu thuốc trước khi anh ta châm lửa điếu thuốc của mình, nhưng xã trưởng từ chối.
- Chúng tôi phải tuần tra đêm đến bao giờ mới thôi?
- Tôi không biết – xã trưởng trả lời. – Còn bây giờ, việc tuần tra sẽ kết thúc khi kèn rúc báo hết giờ giới nghiêm. Chúng ta sẽ xem ngày mai phải làm gì.
- Đến tận năm giờ sáng! – Người thợ cạo thốt lên.
- Nên biết rằng tôi phải thức dậy từ lúc bốn giờ sáng và làm việc cho hết đêm nay đấy – người kia cũng lên tiếng.
Một đàn chó ào đến sau tiếng mưa rả rích. Xã trưởng đợi cho đến khi cuộc ẩu đả của bầy chó kết thúc và chỉ còn lại một con chó sủa đơn độc trong đêm. Ngài quay về phía người tuần tra.
- Thế còn tôi, đã nửa đời người phải làm cái chuyện này. Các anh thấy thế nào hả. Tôi buồn ngủ lắm đến mức đứng không nổi.
- Chẳng để làm gì cả – người thợ cạo nói – Công việc này chẳng đâu vào đâu cả. Nó như là chuyện đàn bà ấy.
- Tôi cũng bắt đầu nghĩ như thế – xã trưởng thở dài nói.
Lính cảnh sát trở lại báo tin rằng cơm đã xong chỉ chờ tạnh mưa là mang đi phát. Anh ta còn thông báo thêm: có một phụ nữ bị bắt vì không mang theo giấy tờ phòng thân và bà ta đang ở đồn chờ xã trưởng.
Đó là Caxăngđra, cô ta đang ngủ trên chiếc ghế gấp trong căn phòng nhỏ được thắp sáng nhờ ngọn đèn ngoài ban công. Xã trưởng véo mũi cô ta. Caxăngđra khẽ kêu đau, cựa mình rồi tỉnh hẳn.
- Em đang mơ – cô ta nói.
Xã trưởng bật đèn phòng.
- Anh chỉ được cái dẻo mồm thôi. Em ở đây từ lúc mười một giờ đấy.
- Anh đợi gặp em ở phòng riêng kia – xã trưởng nói.
- Nhưng em không có giấy tờ phòng thân.
Mái tóc cô ta đêm trước là màu đồng, đêm nay màu ghi bạc. “Em bị bắt phải giơ tay lên”, cô ta nói. Xã trưởng mỉm cười, và sau khi mắc áo mưa lên tường, ngồi xuống chiếc ghế trước mặt cô. “Tôi hy vọng rằng người ta không tin cô là người đi dán tờ rơi”.
- Cũng có thể. Em có những tình cảm mạnh, anh biết không.
Bỗng xã trưởng cảm thấy mình bị lạc ngay trong phòng. Ngài bẻ đốt ngón tay rồi thì thào nói: “Anh nhờ em giúp cho một việc”. Cô ta chú ý nghe ngài nói.
- Giữa hai chúng mình với nhau thôi. Anh muốn em chương bài để xem có thể biết ai là tác giả của những tờ rơi không.
Cô ta quay mặt về phía khác. “Em hiểu mà”, cô nói sau một cú im lặng ngắn ngủi. Xã trưởng thúc giục cô:
- Trước hết tôi làm điều đó là vì các cô đấy.
Cô ta gật đầu tỏ ý tán thành.
- Được, em làm ngay.
Xã trưởng không thể tự kiềm chế mình, “ôi lạ quá”. Caxăngđra nói và tiếp tục tính toán. “Các dấu hiệu đều rất sáng tỏ đến mức em sợ sau khi đã đặt các quân bài xuống bàn” Ngay cả hơi thở của cô ta cũng lạ hẳn đi.
- Ai vậy? – xã trưởng hỏi.
- Cả làng chứ không riêng một ai cả.
Giờ Xấu Giờ Xấu - Gabriel José García Márquez Giờ Xấu