A book is a garden, an orchard, a storehouse, a party, a company by the way, a counsellor, a multitude of counsellors.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Kenneth Grabam
Thể loại: Cổ Tích
Dịch giả: Nguyên Tâm
Biên tập: Gió
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3188 / 91
Cập nhật: 2016-04-24 12:32:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5: Tổ Ấm
ầy cừu túm tụm với nhau chạy xô vào bờ rào, phì phò thở qua những lỗ mũi nhỏ xíu và giậm giậm đôi chân trước mảnh khảnh xuống đất, đầu chúng ngửa về phía sau và một làn hơi nước nhè nhẹ từ các bãi nhốt cừu chật chội tỏa lên không trung lạnh giá khi hai đứa hối hả bước ngang qua, vừa đi vừa vui vẻ chuyện gẫu và cười đùa. Bọn chúng đang băng qua vùng nông thôn để trở về nhà sau một ngày dài rong chơi cùng Rái Cá, vừa săn bắn vừa khảo sát những vùng cao rộng lớn, tại đó một số chi lưu nhỏ của dòng sông của chúng mới chỉ bắt đầu có nước. Bóng đêm của ngày đông ngắn ngủi sắp buông xuống mà bọn chúng còn phải đi một quãng nữa. Sau khi tình cờ lê bước qua một khoảnh đất đã cày, hai đứa nghe thấy tiếng bầy cừu và đi về phía chúng; và giờ đây, từ bãi nhốt cừu chúng tìm thấy một lối hẻm khiến cho việc đi bộ bớt hẳn khó nhọc, hơn nữa lối hẻm ấy còn đáp lời cho cái câu hỏi thăm thông thường mà tất cả các con vật đều để bụng, nó nói rõ mồn một, “Đúng, hoàn toàn đúng; lối hẻm này dẫn về nhà!”
“Có vẻ như bọn mình sắp sửa đến một ngôi làng,” Chuột Chũi nói, vừa hơi do dự vừa bước chậm lại đúng vào lúc lối hẻm ấy trở thành một đường mòn và rồi lại phát triển thành một con đường nhỏ., Và giờ đây con đường ấy đã chuyển giao chúng cho một con đường trải đá. Hai đứa không tới các làng mạc và đường cái vì chúng đã thường xuyên qua lại những nơi đó, mà theo một con đường độc lập, chẳng đếm xỉa gì đến nhà thờ, nhà bưu điện hoặc quán rượu.
“Ồ, cứ yên tâm đi!” Chuột Nước nói, “Vào mùa này trong năm, giờ này họ đã an vị trong nhà, đang ngồi quanh lò sưởi cả rồi; đàn ông, đàn bà và trẻ con, chó và mèo, tất tần tật. Bọn mình cứ lỏn qua được thôi, chẳng có gì phiền toái hoặc khó chịu cả đâu, và bọn mình có thể ghé nhìn họ qua các cửa sổ, nếu cậu thích, để xem họ đang làm gì.”
Đêm trung tuần tháng Chạp buông nhanh, bao trùm toàn bộ ngôi làng nhỏ bé khi chúng nhẹ nhàng tới gần, trên lớp bụi tuyết mới rơi. Chúng chẳng nhìn thấy gì ngoài những ô vuông ánh đèn từ các cửa sổ của từng nếp nhà tranh tràn ra thế giới tối đen bên ngoài. Hầu hết các cửa sổ thấp căng lưới mắt cáo đều không có rèm, và đối với những kẻ đứng bên ngoài nhòm vào thì những người trong nhà đang quây quần quanh bàn trà mà mải mê làm các công việc thủ công hoặc vừa cười nói vừa khua chân múa tay, mỗi người đều có một vẻ duyên dáng hạnh phúc mà một diễn viên lành nghề cùng lắm mới có thể đạt được – cái vẻ duyên dáng tự nhiên chỉ có được khi hoàn toàn không biết là mình đang bị theo dõi. Tha hồ chuyển từ nhà hát này đến nhà hát khác, hai vị khán giả, bản thân đang rất xa nhà, ánh mắt thoáng vẻ khao khát khi thấy một con mèo được vuốt ve, một đứa trẻ buồn ngủ được bế lên và đặt vào giường ngủ, hoặc một ông già nằm dài mà gõ cái tẩu cho tàn thuốc rơi vào đầu một khúc gỗ đang âm ỉ cháy.
Nhưng chính từ một khuôn cửa sổ nhỏ bé có bức rèm rủ xuống, chỉ là một bức tranh đèn chiếu về ban đêm, mà cái ý nghĩa về tổ ấm và thế giới kín đáo trong gia đình mới thật rộn ràng – nó khiến cho cái thế giới rộng lớn và đầy căng thẳng của Thiên Nhiên bên ngoài bị loại trừ và lãng quên. Sát bên bức rèm trắng có treo một chiếc lồng chim chênh chếch in bóng thật rõ nét, từng chiếc nan lồng bằng dây thép, cành cây để chim đậu và các món lặt vặt đều rõ ràng đến mức thậm chí một kẻ đần độn cũng có thể nhận ra. Kẻ cư ngụ trong lồng mình đầy lông tơ đang vắt vẻo ở trên cành cây, đầu rúc sâu vào bộ lông, dường như ở gần đến mức nếu cố thì chúng có thể dễ dàng vuốt ve. Thậm chí đầu mút thanh mảnh của những cái lông đã rụng của nó cũng vạch thành những nét rõ ràng trên bức rèm được chiếu sáng. Trong lúc hai đứa ngắm nhìn, anh chàng bé nhỏ đang ngái ngủ kia cựa quậy có vẻ lo lắng, tỉnh giấc, lắc lắc mình và ngẩng đầu lên. Chúng có thể nhìn thấy nó há cái mỏ nhỏ xíu mà ngáp một cách mệt mỏi, nhìn quanh và lại rúc đầu vào lưng, trong khi đó những đám lông vừa xù ra lại trở lại trạng thái hoàn toàn yên tĩnh. Rồi một trận gió rét buốt thổi vào gáy chúng, một cảm giác tê buốt trên da vì mưa tuyết khiến chúng sực tỉnh như từ một giấc mơ, và chúng biết là các ngón chân chúng đã lạnh cóng và đôi chân chúng đã mệt mỏi, mà ngôi nhà của chúng vẫn còn cách một chặng đường tẻ ngắt xa vời.
Ngay khi vượt khỏi ngôi làng, nơi mà những nếp nhà tranh bống nhiên mất dạng, qua màn đêm hai đứa lại có thể ngửi thấy mùi của những cánh đồng thân thiện ở hai bên đường; và chúng gắng hết sức để đi nốt chặng đường dài cuối cùng, chặng đường mà chúng ta biết là nhất định sẽ phải kết thúc vào một lúc nào đó, trong tiếng lạch cạch của cái chốt cửa, ánh lửa lò sưởi bất chợt hiện ra và hình ảnh của những đồ vật quen thuộc chào đón chúng ta như những người đi du lịch trở về từ hải ngoại xa xôi sau một thời gian dài vắng nhà. Chúng cứ lê bước đều đều và lặng lẽ, mỗi đứa theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình. Chuột Chũi nghĩ rất nhiều về bữa ăn tồi, vì trời tối đen như mực, và theo chỗ nó biết thì miền đất này hoàn toàn xa lạ với nó nên nó cứ ngoan ngoãn theo gót Chuột Nước, mặc cho bạn mình dẫn đi đâu thì đi. Còn về Chuột Nước, nó đi vượt lên trước một chút, theo thói quen, hai vai khom xuống, đôi mắt dồn vào con đường thẳng màu xám ở trước mặt, vì vậy nó chẳng để ý gì đến anh chàng Chuột Chũi khốn khổ. Bỗng nhiên Chuột Chũi nhận được lệnh triệu hồi và nó cảm thấy như bị điện giật.
Chúng ta là những kẻ khác, từ lâu đã mất đi những giác quan tinh tế hơn của cơ thể, thậm chí chưa từng có những thuật ngữ xác đáng để diễn đạt sự thông tin của một con vật với môi trường xung quanh nó, dù là với vật sống hay vật vô tri giác, mà chỉ có mỗi cái từ “mùi”, chẳng hạn, để bao gồm cả một loạt những rung động suốt ngày đêm thì thầm trong mũi con vật – kêu gọi, cảnh giác, xúi giục, xua đuổi…Chính là một trong những tiếng gọi thần bí từ khoảng trống ấy đã bỗng nhiên đến với Chuột Chũi trong đêm tối và sức lôi cuốn của nó khiến cu cậu náo nức rộn cả người dù vẫn chưa nhớ rõ được đó là cái gì. Nó đứng khựng lại trên đường, mũi nó ra sức tìm kiếm chỗ nọ chỗ kia để cố bắt lại cái sợi tóc thanh mảnh, cái luồng điện báo đã khiến nó xúc động mạnh mẽ đến thế. Một khoảnh khắc, và nó đã bắt lại được thông điệp đó, và cùng với nó lần này là cả một ký ức dạt dào.
Tổ ấm! Đó là ý nghĩa của chúng, của những tiếng gọi thân thương, những cái vuốt ve trìu mến được truyền đi trong không gian, những bàn tay vô hình nhỏ bé níu kéo, tất cả về một hướng! Chà, nơi đó hẳn phải rất gần nó vào lúc này, chốn quê cũ mà nó đã vội từ bỏ và chưa bao giờ tìm lại từ cái ngày đầu tiên nó tìm thấy dòng sông! Và giờ đây tổ ấm ấy đang phái các trinh sát và sứ giả của mình đi bắt và đưa nó trở về. Kể từ khi nó trốn đi vào cái buổi sáng rực rỡ ấy, nó hầu như chẳng bao giờ nghĩ đến tổ ấm nữa, nó đã quá mải mê với cuộc đời mới của mình, với những thú vui, những điều bất ngờ, và những nếm trải mới mẻ và quyến rũ của cuộc sống đó. Giờ đây, cùng với dòng ký ức ào ạt, cái tổ ấm ấy hiện ra trước mắt nó mới rõ ràng làm sao, trong đêm tối! Quả là tồi tàn, nhỏ bé và đồ đạc sơ sài, nhưng là của nó, cái tổ ấm mà nó đã tạo dựng cho bản thân mình, cái tổ ấm nơi nó đã từng sung sướng trở về sau mỗi ngày làm việc. Và hiển nhiên, cái tổ ấm ấy cũng đã từng hạnh phúc với nó và lúc này đang nhớ mong nó, muốn nó trở về, đang nói với nó như vậy, qua mũi của nó, bằng giọng nói buồn rầu, oán trách nhưng không chút cay độc hoặc cáu giận, mà chỉ rầu rĩ nhắc nó rằng tổ ấm của nó vẫn ở đó và đang cần đến nó.
Tiếng gọi thật rõ ràng, lệnh triệu hồi thật đơn giản. Nó phải chấp hành lệnh đó ngay, và đi. “Chuột Nước ơi!” nó gọi, tràn ngập niềm vui náo nức, “dừng lại! Quay lại đây! Tớ cần cậu, nhanh lên!”.
“Ồ, cứ đi tiếp đi nào, Chuột Chũi!” Chuột Nước vui vẻ trả lời, vẫn tiếp tục nặng nhọc lê bước.
“Làm ơn dừng lại đi, Chuột Nước!” Chuột Chũi tội nghiệp van vỉ đến não lòng. “Cậu không hiểu gì cả! Đó là tổ ấm của tớ, tổ ấm thân yêu của tớ! Tớ vừa bắt gặp cái mùi của nó, mà nó ở quanh đây, thực sự rất gần. Và tớ phải đến đó, tớ phải đên, tớ phải đến! Ồ, quay lại đi, Chuột Nước! Làm ơn, làm ơn quay lại đi!”
Lúc này Chuột Nước đã vượt rất xa về phía trước, quá xa nên không thể nghe rõ Chuột Chũi nói gì, quá xa nên không thể cảm nhận được vẻ cầu xin đau đớn dữ dội trong giọng nói của nó. Và Chuột Nước rất mẫn cảm với thời tiết, bởi vì nó cũng ngửi thấy một cái gì đó – một cái gì đó ngờ ngợ như là tuyết rơi.
“Chuột Chũi à, bọn mình không được dừng lại lúc này, thật đấy!” nó gọi vọng trở lại. “Chúng mình sẽ đến lấy cái đó vào ngày mai, dù cái mà cậu tìm được là cái gì đi nữa. Nhưng tớ không dám dừng lại bây giờ – đêm đã khuya mà tuyết lại sắp rơi và tớ không thuộc đường lắm! Và tớ cần đến cái mũi của cậu, Chuột Chũi à, cậu lại đây nhanh lên, cậu vẫn là một thằng bạn tốt mà!” Và Chuột Nước tiếp tục hối hả rảo bước trên con đường của mình, không chờ nhận được câu trả lời.
Anh chàng Chuột Chũi tội nghiệp đứng một mình trên đường, lòng tan nát và một cơn nức nở dữ dội đang từ từ ngưng tụ tại một nơi nào đó sâu thẳm trong người nó để giây lát sau sẽ vọt lên bề mặt, nó biết, để mà òa ra thống thiết. Nhưng thậm chí trong một cuộc thử thách đến như vậy, lòng trung thành với bạn của nó vẫn đứng vững. Chưa bao giờ nó nghĩ đến chuyện bỏ rơi bạn mình. Trong lúc đó, những làn gió thoảng từ tổ ấm thân yêu của nó cứ nài nỉ, thì thấm, kêu gọi khẩn thiết và cuối cùng thì yêu cầu nó thật cấp bách. Nó không dám nấn ná lâu hơn trong cái vòng tròn đầy ma lực của chúng. Với một nỗi đau đến xé lòng, nó ngoảnh mặt nhìn dọc con đường và ngoan ngoãn bước theo con đường của Chuột Nước trong khi cái mùi thoang thoảng nhè nhẹ và mờ nhạt kia vẫn cứ lẵng nhẵng theo đuổi cái mũi đang tháo chạy của nó, quở trách nó về cái tình bạn mới mẻ kia và cái tính hay quên của nó.
Bằng một nỗ lực, nó đuổi kịp anh bạn Chuột Nước không chút ngờ vực lúc này đã bắt đầu huyên thuyên vui vẻ về những việc chúng sẽ làm khi trở về, về cái lò sưởi đốt củi gỗ trong phòng khách sẽ dế chịu biết bao, và về cái bữa tối thịnh soạn mà nó dự định sẽ ăn, chẳng để ý gì đến sự yên lặng và tâm trạng đau buồn của ông bạn. Tuy nhiên, cuối cùng, khi đã đi thêm một quãng khá xa vào lúc ngang qua vài gốc cây trên một bãi cây nhỏ tiếp giáp với con đường, nó dừng lại và ân cần nói, “Nghe này, bạn Chuột Chũi thân mến, cậu dường như đã mệt rã rời rồi. Chúng mình ngồi xuống đây nghỉ một chút đã. Tuyết đã ngừng rơi và chúng mình đã hoàn thành được phần lớn cuộc hành trình rồi.”
Chuột Chũi đau khổ ngồi xuống một gốc cây và cố gắng kiềm chế cảm xúc, bởi nó biết nhất định điều đó sắp sửa xảy ra. Cái cơn nức nở mà suốt từ nãy nó đã chiến đấu chống lại vẫn cứ không chịu thua. Nó cứ dâng lên, dâng lên, và dùng sức mạnh mở đường thoát ra ngoài, và rồi một cơn nữa và lại một cơn nữa và những cơn khác, vừa dày đặc vừa nhanh chóng, cho tới khi Chuột Chũi khốn khổ cuối cùng phải từ bỏ chuộc chiến mà khóc lấy khóc để, chẳng hề giấu giếm, vì nó biết tất cả thế là hết và nó đã mất cái mà hầu như không thể bảo rằng nó vừa tìm thấy.
Chuột Nước, vừa kinh ngạc vừa hốt hoảng vì cơn kịch phát đau buồn dữ dội của Chuột Chũi, cũng chẳng dám nói gì một hồi lâu.
Cuối cùng, nó nói, giọng rất nhẹ nhàng và cảm thông, “Chuyện gì thế, anh bạn thân mến? Cậu có thể gặp chuyện gì cơ chứ? Hãy kể tớ nghe về điều phiền muộn của cậu để tớ xem có thể giúp được gì.”
Chuột Chũi khốn khổ cảm thấy khó mà nói được thành lời, ngực nó cứ phập phồng vừa nhanh vừa liên tục hết đợt này đến đợt khác khiến lời nói bị kìm nén và tắc nghẹn không thoát ra được…”Tớ biết đó là một – căn nhà nhỏ bé tồi tàn,” cuối cùng nó vừa nức nở vừa ấp úng nói, “không giống như – ngôi nhà ấm cúng của cậu – hay cái lâu đài đẹp đẽ của thằng Cóc – hay tòa nhà đồ sộ của bác Lửng – nhưng đó là nhà riêng của tớ – và tớ ưa thích nó – mà tớ đã bỏ đi và quên bẵng nó đi – và rồi tớ bỗng ngửi thấy mùi nó – ở trên đường, lúc tớ gọi mà cậu chẳng chịu nghe – Chuột Nước à – và mọi thứ cứ ào ạt trở về với tớ – và tớ cần căn nhà đó! – Trời ơi, trời ơi! – và khi cậu không chịu quay trở lại, Chuột Nước à – tớ đã phải xa rời nó, dù rằng tớ vẫn cứ ngửi thấy nó hoài – Tớ đã nghĩ là trái tim mình sẽ vỡ tung ra. Lẽ ra chúng mình đã có thể đi mà nhìn nó một cái, Chuột Nước à – chỉ nhìn một cái thôi – nó ở rất gần – nhưng cậu không chịu quay lại, Chuột Nước à, cậu đã không chịu quay lại! Trời ơi! Trời ơi!”
Sự hồi tưởng ấy lại đem đến những làn sóng đau buồn, và những cơn nức nở lại hoàn toàn chế ngự nó khiến nó không nói thêm được gì nữa.
Chuột Nước nhìn chằm chằm về phía trước, lặng thinh, chỉ nhẹ nhàng vỗ về lên vai Chuột Chũi. Một lát sau, nó buồn rầu lẩm bẩm, “Bây giờ tớ hiểu tất cả rồi! Tớ thật là đồ con lơn. Một con lợn – đó là tớ! Chỉ là một con lợn, rõ ràng là một con lợn!”
Nó đợi cho đến khi những cơn nức nở của Chuột Chũi dần dần bớt mãnh liệt và hơi thở của cu cậu nhịp nhàng hơn; nó đợi cho đến khi những nhịp hít vào của cu cậu cuối cùng đã đều đặn hơn và tiếng nức nở chỉ còn lúc có lúc không. Sau đó, nó đứng dậy khỏi chỗ ngồi và vừa nói thật vô tư, “Chà, bây giờ thật sự là chúng mình tiếp tục đi thì hơn, anh bạn thân mến à!” vừa khởi hành trở lại con đường cực nhọc mà chúng đã đi qua.
“Cậu đang (híc) đi đâu đấy (híc), hả Chuột Nước?” Chuột Chũi đang đầm đìa nước mắt kêu lên và hoảng hốt ngước nhìn.
“Chúng mình đang đi tìm căn nhà ấy của cậu, anh bạn thân mến ạ,” Chuột Nước vui vẻ trả lời, “vì vậy cậu cần phải đi ngay, vì sẽ phải mất công tìm kiếm, và chúng mình sẽ cần đến cái mũi của cậu!”
“Ồ, hãy quay lại, Chuột Nước, quay lại đi!” Chuột Chũi vừa kêu lên vừa đứng dậy hối hả chạy theo bạn. “Như thế không hay đâu, tớ bảo cậu đấy! Khuya quá rồi, trời lại tối qua, mà nơi ấy thì lại quá xa, và tuyết lại sắp rơi nữa! Và – tớ không hề có ý định cho cậu biết tình cảm của tớ đối với nó là như thế nào đâu – chỉ là một sự tình cờ, một sai lầm thôi mà! Cậu hãy nghĩ đến Bờ Sông và bữa ăn tối của cậu ấy!”
“Bờ Sông cái chết tiệt, và cả bữa ăn tối!” Chuột Nước hồ hởi nói. “Tớ bảo này, tớ sẽ tìm thấy căn nhà ấy bây giờ, nếu tớ ở ngoài trời cả đêm. Vậy thì, hãy vui lên nào, anh bạn thân mến, và hãy khoác tay tớ, và chẳng mấy chốc chúng mình sẽ lại có mặt tại đó.”
Dù vẫn còn đang sụt sịt biện bạch và không sẵn lòng, Chuột Chũi vẫn chịu để cho người bạn độc đoán của mình kéo trở lại dọc lối cũ. Bằng cách kể hàng tràng những chuyện vui và giai thoại, Chuột Nước cố làm cho nó phấn chấn trở lại và khiến cho con đường tẻ ngắt dường như ngắn hơn. Cuối cùng, khi Chuột Nước thấy chúng có vẻ đã sắp tới đoạn đường khi nãy bạn mình “bị chặn lại” thì nó nói, “Nào, không nói chuyện nữa. Nghiêm túc đấy! Hãy sử dụng cái mũi của cậu, và hãy chú tâm vào.”
Hai đứa tiếp tục đi một quãng ngắn trong yên lặng, rồi bỗng Chuột Nước thấy rõ một cảm giác rùng mình như thể thoáng bị điện giật truyền qua cái cánh tay của mình đang khoác vào tay Chuột Chũi, cảm giác này truyền khắp cơ thể nó. Lập tức, nó gỡ tay mình ra, lùi lại một bước và chờ đợi, rất chăm chú.
Các tín hiệu ấy đang truyền tới!
Chuột Chũi đứng đờ ra một lát, trong khi đó cái mũi hếch lên và hơi run rẩy của nó đánh hơi trong không khí.
Sau đó nó chạy nhanh về phía trước một đoạn ngắn – sai mất rồi – kiểm tra lại – thử lại lần nữa; và rồi nó chậm rãi tiến bước đều đều một cách đầy tự tin.
Rất hồi hộp, Chuột Nước theo sát gót thằng bạn lúc này đang hơi có vẻ một kẻ mộng du. Cu cậu băng qua một con mương cạn khô, chui qua một bờ giậu và đánh hơi tìm đường trên một thửa đất trống không có đường mòn và trơ trụi dưới ánh sao mờ.
Bỗng nhiên, không báo trước gì cả, nó chúi đầu xuống; nhưng Chuột Nước đã cảnh giác và nhanh chóng bước theo xuống con đường hầm nà cãi mũi không lầm lẫn của cu cậu đã dẫn đường một cách đáng tin cậy.
Đường hầm ẩm ướt, thiếu không khí, đầy mùi đất và Chuột Nước có cảm giác phải mất một lúc lâu mới đi hết để nó có thể đứng thẳng người lên mà vươn vai và giũ bụi khỏi người. Chuột Chũi đánh một que diêm, và nhờ ánh sáng đó Chuột Nước nhận ra là chúng đang đứng trong một khoảng trống được quét dọn tử tế và có trải cát dưới chân, và ngay trước mặt chúng là cái cửa trước nhỏ bé của Chuột Chũi, trên có sơn dòng chữ “Nhà Chuột Chũi” bằng tự dạng Gô-tích(14), phía trên sợi dây chuông ở bên cạnh.
Chuột Chũi với tay lấy chiếc đèn lồng treo trên một cái đinh trên tường rồi thắp đèn, còn Chuột Nước nhìn quanh, nhận ra là chúng đang ở trong một cái sân trước. Một chiếc ghế ngồi chơi được đặt một bên cửa và ở phía bên kia là một cỗ xe lăn đường; bởi Chuột Chũi vốn là một con vật ngăn
nắp ở nhà mình, nó không chịu được cảnh nền đất của mình bị những con vật khác bới thành những cái rãnh nhỏ và tạo ra những đống đất. Trên các bức tường có treo những giỏ bằng dây kim loại bên trong trồng các loại dương xỉ, xen kẽ với những giá thước thợ đỡ những pho tượng thạch cao – Garibaldi(15), ấu chúa Samuel(16) và Nữ hoàng Victoria(17) và các vị anh hùng khác của nước Ý hiện đại. Suốt dọc một bên sân là một lối hẹp dành để chơi ky(18), có kê những chiếc ghế dài dành cho khán giả và những chiếc bàn gỗ nhỏ trên mặt có những vết tròn, chắc là đã từng có những vại bia đặt ở đó. Giữa sân là một cái ao tròn nhỏ nuôi cá vàng, xung quanh được kè bằng vỏ sò. Một công trình kiến trúc kì lạ vút lên ở giữa ao, cũng được bao bằng vỏ sò và trên đỉnh là một quả cầu lớn bằng kính tráng thủy, nó cho những hình ảnh phản chiếu hoàn toàn sai sự thật và gây một ấn tượng thú vị.
Gương mặt Chuột Chũi rạng rỡ lên khi nó nhìn thấy tất cả những thứ vô cúng thân yêu với nó đó, và nó giục Chuột Nước đi gấp qua cửa, thắp một ngọn đèn trong phòng lớn và đảo mắt nhìn quanh căn nhà của mình một lượt. Nó thấy bụi phủ dày lên tất cả mọi vật, thấy cái vẻ buồn tẻ, hoang vắng của căn nhà bị bỏ mặc đã lâu, cái quy mô nhỏ hẹp và xoàng xĩnh của nó cùng những đồ đạc sờn cũ bên trong – và lại ngồi gục xuống một cái ghế, hai tay ôm lấy cái mũi của mình. “Ồ, Chuột Nước à!” nó kêu lên buồn thảm, “sao mà tớ lại làm điều đó cơ chứ? Sao tớ lại đưa cậu đến căn nhà nhỏ bé, tồi tàn và lạnh lẽo này, vào một đêm như thế này, khi mà cậu lẽ ra lúc này có thể đã đang có mặt ở Bờ Sông, đang ngồi hơ chân trên một lò sưởi cháy rừng rực, và uống rượu mừng, cùng với tất cả các đồ đạc đẹp đẽ xung quanh!”
Chuột Nước chẳng bận tâm tới những lời tự thán sầu thảm của bạn mình. Nó chạy loanh quanh, hết mở các cửa ra vào lại xem xét các phòng và những cái tủ, rồi thắp đèn nến lên và đặt chúng ngay ngắn khắp nhà. “Căn nhà nhỏ bé này thật tuyệt vời!” nó hào hứng kêu to. “Rất chắc chắn.
Tính toán thật là đâu ra đấy! Nơi nào thứ nấy, hoàn toàn đúng chỗ! Chúng mình sẽ khiến nó đêm nay thật vui. Thứ đầu tiên chúng mình cần là một bếp lò thật tốt, tớ sẽ lo liệu việc này – tớ bao giờ cũng biết tìm các thứ ở chỗ nào. Vậy ra chỗ này là phòng khách? Tuyệt vời! Những chiếc giường ngủ nhỏ bé đặt trong tường kia là ý tưởng riêng của cậu à? Tuyệt! Bây giờ tớ sẽ kiếm củi và than, còn cậu đi kiếm cái khăn lau, Chuột Chũi à – cậu sẽ thấy trong ngăn kéo bàn dưới bếp có một cái đấy – và hãy cố mà lau chùi cho các thứ đồ đạc sáng bóng lên một chút. Nhanh tay nhanh chân lên nào, anh bạn thân mến!”
Được bạn mình vui vẻ động viên, Chuột Chũi vụt đứng dậy và hăm hở dùng hết sức lực mà lau chùi, trong lúc đó Chuột Nước chạy loanh quanh, tay ôm những bó nhiên liệu và chẳng mấy chốc đã có một ngọn lửa dễ chịu cháy rực rỡ bốc lên ống khói. Nó gọi Chuột Chũi đến sưởi ấm nhưng lúc này cu cậu đã lại nhanh chóng rơi vào một trận buồn ghê gớm, vừa gieo mình xuống một chiếc tràng kỷ vừa úp mặt vào cái khăn lau.
“Chuột Nước ơi,” nó rên rỉ, “Biết lấy gì để cậu ăn tối đây hả con vật khốn khổ, đang vừa lạnh vừa đói và mệt mỏi kia? Tớ chẳng có gì đãi cậu – chẳng có gì – một mẩu bánh mì cũng không!”
“Cứ bó tay đành chịu thì cậu thật là một thằng tồi!” Chuột Nước nói, vẻ trách móc. “Mà tớ vừa nhìn thấy một cái mở hộp cá mòi trên cái chạn ở nhà bếp, rất rõ ràng; và mọi người đều biết như vậy nghĩa là có cá mòi đâu đó quanh chỗ ấy. Cậu đứng dậy đi, thật bình tĩnh vào và hãy cùng đi tìm với tớ.”
Thế là hai đứa đi tìm, lục lọi khắp các tủ và dốc sạch các ngăn kéo. Cuối cùng thì kết quả cũng không đến nỗi đáng thất vọng: một hộp cá mòi, một hộp bánh bích quy còn gần đầy và một cái xúc xích Đức được bọc bằng giấy bạc.
“Cả một bữa tiệc dành cho cậu đấy!” Chuột Nước nhận xét trong lúc nó bày bàn. “Tớ biết là có vài con vật cũng mong được mời ngồi ăn tối với chúng mình đêm nay đấy!”
“Không bánh mỳ!” Chuột Chũi đau buồn rên rỉ, “không bơ, không…”
“Không pa-tê gan, không rượu sâm banh!” Chuột Nước vừa tiếp lời vừa toét miệng cười. “Và điều này khiến tớ nhớ đến – cái cửa nhỏ ở cuối đường hầm là cái gì ấy nhỉ? Cố nhiên là hầm chứa của cậu rồi! Mọi thứ đồ xa xỉ trong cái nhà này! Cậu hãy chờ tớ một chút.”
Nó tiến về phía cửa hầm chứa và một lát sau đã quay lại, người hơi bị dính bụi, mỗi tay cầm một chai bia và mỗi nách kẹp một chai nữa. “Xem ra cậu là một gã ăn mày chơi sang, Chuột Chũi à,” nó nhận xét. “Cậu chẳng chịu nhịn thứ gì cả. Nơi này thực sự là căn nhà xinh xắn và vui nhộn nhất mà tớ từng có mặt. Mà này, cậu kiếm đâu ra những bức ảnh kia thế? Chúng quả khiến căn phòng nom có vẻ rất đầm ấm. Hiển nhiên là cậu rất thích căn phòng này, Chuột Chũi à. Hãy kể tớ nghe về nó đi, và bằng cách nào mà cậu đã khiến cho nó đẹp như bây giờ.”
Sau đó, trong lúc Chuột Nước bận rộn đi lấy bát đĩa, thìa dĩa và lấy mù tạt khuấy lên trong một cái chén nhỏ, thì Chuột Chũi, ngực vẫn còn phập phồng trong tâm trạng căng thẳng vì xúc động vừa qua, thuật lại – thoạt đầu còn hơi rụt rè nhưng khi đã thích chủ đề này thì lại trôi chảy hơn – nó đã dự kiến việc làm nhà ra sao, trù tính như thế nào và thực hiện được việc đó nhờ một di sản bất ngờ của một bà dì, và khu đất này là một phát hiện tuyệt vời và một món hời, còn những thứ còn lại đã mua được nhờ dành dụm vất vả và một “mứa độ bóp mồm bóp miệng” nhất định. Cuối cùng, đã vui vẻ phấn chấn trở lại, nó thấy cần phải đi mà vuốt ve những món tài sản của mình và nó xách cái đèn soi cho người bạn đến thăm nhìn rõ những đặc điểm của chúng và giải thích thật chi tiết về những món đồ đó, quên khuấy đi mất bữa ăn tối mà cả hai đứa đều đang rất cần đến. Chuột Nước lúc này đã đói lả nhưng vẫn cố không để lộ ra ngoài mặt, vừa gật gật đầu bằng một vẻ nghiêm túc vừa cau mày xem xét và chốc chốc lại nói, “Tuyệt vời,” và “Rất phi thường” mỗi khi nó có cơ hội đưa ra một lời bình phẩm.
Cuối cùng, Chuột Nước cũng thành công trong việc dụ bạn mình tới bàn ăn, và vừa mới bắt đầu thực sự sử dụng cái mở hộp cá thì những tiếng động từ cái sân trước ở bên ngoài vọng vào – những âm thanh nghe như tiếng những bàn chân nhỏ tí tẹo đang khua loạn xạ trên đá sỏi và tiếng rì rầm lộn xộn. Một vài câu đứt quãng lọt đến tai hai đứa – “Mà này, tất cả xếp hàng một – giơ cái đèn lồng cao lên một chút, Tommy – trước hết các cậu phải hằng giọng đã – không được ho sau khi tớ đếm một, hai, ba – Thằng nhóc Bill đâu rồi nhỉ? – Này, nhanh chân lên nào, tất cả bọn tớ đang chờ -“
“Có chuyện gì thế nhỉ?” Chuột Nước vừa hỏi vừa ngừng công việc của mình.
“Tớ nghĩ chắc là bọn chuột đồng,” Chuột Chũi nói, thái độ thoáng vẻ tự hào. “Bọn chúng vẫn thường đến khắp các nhà để hát mừng(19) vào thời gian này hàng năm. Chúng là một cơ sở từ thiện ra trò ở vùng này. Và chúng không bao giờ bỏ sót tớ – bao giờ chúng cũng tới Nhà Chuột Chũi cuối cùng; và trước kia tớ vẫn thường đãi rượu chúng, và đôi khi cả bữa ăn tối nữa, khi mà tớ có điều kiện. Nghe bọn chúng hát lần nữa là tớ lại thấy như trở lại thuở nào.”
“Bọn mình thử ra gặp chúng xem sao!” Chuột Nước vừa nói vừa đứng phắt dậy và chạy ra cửa.
Khi mở toang cánh cửa ra, hai đứa thấy ngay một cảnh tượng đẹp đẽ và phù hợp. Khoảng chín mười chú chuột đồng nhỏ bé, cổ quàng khăn len đỏ, đứng thành hình bán nguyệt trong cái sân trước được những tia sáng yếu ớt của một chiếc đèn lồng bằng sừng chiếu sáng, chúng thọc sâu hai tay vào túi quần, còn hai chân thì nhảy tung tăng cho ấm. Chúng rụt rè liếc nhìn nhau bằng đôi mắt tròn nhỏ sáng lấp lánh, vừa hơi cười khẩy vừa khụt
khịt và cứ rúc đầu hoài vào ống tay áo khoác của mình. Khi cửa mở ra, một trong số các chú chuột đồng lớn tuổi hơn, tay xách chiếc đèn lồng, vội nói ngay, “Nghe này, một, hai, ba!” và lập tức những cái giọng chí chóe nhè nhẹ của chúng vút lên không gian, ca vang lên một trong những bài hát mừng Lễ Giáng sinh cổ lỗ mà tổ tiên chúng đã sáng tác trên những cánh đồng hoang đầy băng giá, hoặc vào những lúc không đi đâu được vì tuyết rơi, phải ngồi lại bên lò sưởi, và truyền lại để hát trên những con phố lầy lội, trước những ô cửa sổ có ánh sáng đèn vào mùa Giáng sinh.
BÀI HÁT MỪNG
Hỡi tất cả dân làng,
Hãy mở toang cửa nhà mình,
Vào dịp lễ Giáng sinh đầy sương giá.
Dù gió có thể vào theo, và còn thêm tuyết nữa.
Vẫn mời chúng tôi nhé vào bên lò sưởi,
Để tá túc đợi chờ;
Và đến sáng là bạn sẽ có niềm vui!
Chúng tôi đứng đây trong mưa tuyết lạnh,
Miệng thổi những ngón tay và giậm giậm chân.
Từ chốn xa xôi chúng tôi đến chào các bạn-
Các bạn bên lò sưởi còn chúng tôi ngoài đường phố-
Chúc các bạn niềm vui vào buổi sáng!
Vì trước lúc nửa đêm trôi qua,
Bỗng một ngôi sao dẫn đường chỉ lối,
Cho niềm vui và ân huệ rơi xuống như mưa-
Ban phúc cho ngày mai và mãi mãi,
Niềm vui cho mọi buổi sáng!
Chàng Joseph(20) lặn lội nhọc nhằn qua dặm tuyết-
Nhìn thấy ngôi sao trên một chuồng ngựa thấp tè,
Nàng Mary(20) thì không thể đi xa hơn nữa-
Được lũ ngựa đón vào ngay dưới mái tranh kia.
Niềm vui thuộc về nàng vào buổi sáng.
Và khi các thiên thần lên tiếng hỏi
Ai là người đầu tiên nhìn thấy Chúa Hài Đồng?
Hóa ra lại chính là những con vật đó,
Trong cái chuồng hai vị đã qua đêm.
Niềm vui sẽ thuộc về chúng vào buổi sáng!
Các giọng hát ngừng lại, còn các ca sĩ thì rụt rè nhưng tươi cười và cứ liếc trộm nhau, sau đó tất cả trở lại yên tĩnh – nhưng chỉ là trong khoảnh khắc. Rồi chúng bỗng nghe từ tít trên cao và mãi tít xa, dọc con đường hầm mà chúng vừa đi qua, âm thanh nhè nhẹ thánh thót của một hồi chuông rung lên hân hoan gióng giả.
“Các cậu hát hay lắm!” Chuột Nước kêu to, vẻ nồng nhiệt. “Bây giờ tất cả các cậu hãy vào trong này sưởi ấm bên lò sưởi và dùng một chút gì thật nóng!”
“Phải đấy, nhanh lên, các chú chuột đồng,” Chuột Chũi hăm hở kêu lên. “Thật vui y như ngày xưa ấy! Vào rồi thì đóng cửa lại. Kéo cái tràng kỷ kia đến gần lò sưởi đi. Giờ thì các cậu chỉ đợi bọn tớ một chút thôi, trong lúc bọn tớ – Ồ, Chuột Nước!” nó tuyệt vọng kêu lên và gieo mình xuống một chiếc ghế, nước mắt vòng quanh. “Chúng mình đang làm cái quái gì thế nhỉ? Chúng mình chẳng có gì mà đãi bọn chúng!”
“Cậu cứ để tớ lo liệu toàn bộ việc đó,” Chuột Nước oai vệ nói. “Nào, cậu xách đèn lồng kia! Lại đây tôi bảo. Tôi cần bàn với cậu. Mà này, cậu hãy nói cho tôi biết quanh đây có cửa hàng nào còn mở cửa vào cái giơ khuya khoắt này không?”
“Sao, nhất định là có, thưa ông,” chú chuột đồng kính cẩn trả lời. “Vào dịp này trong năm các cửa hàng của chúng cháu giờ nào cũng mở cửa.”
“Vậy hãy nghe đây!” Chuột Nước nói. “Cậu hãy đi ngay lập tức – cậu và cái đèn lồng của cậu, và mua cho tôi-“
Tiếp theo đó, hai bên nhỏ to thì thầm với nhau, và Chuột Chũi chỉ nghe được câu được câu chăng, chẳng hạn – “Chú ý là phải tươi! – không, món ấy một cân là được rồi – bảo đảm mua đúng nhãn hiệu Buggins đấy, vì tôi không dùng bất kỳ loại nào khác – không, chỉ lấy thứ ngon nhất thôi – nếu không mua được ở đó thì cậu cố mà kiếm ở một nơi nào khác nhé – phải, cố nhiên rồi, hàng nội, không dùng đồ hộp đâu – được rồi, cậu cố làm cho thật tốt nhé!” Cuối cùng, có tiếng xủng xoẻng của những đồng kim loại trao tay, chú chuột đồng được cấp một cái rổ lớn để đựng các thứ sẽ mua và nó hối hả chạy ù đi, nó và cái đèn lồng của nó.
Những chú chuột đồng còn lại ngồi thành một hàng vắt vẻo trên chiếc tràng kỷ, vừa đu đưa những đôi chân nhỏ bé vừa tha hồ sưởi ấm bên lò sưởi và hơ những chỗ bị sưng vì lạnh cho tới khi chúng nóng ran lên. Trong khi đó, do không thể dễ dàng bắt chuyện với bọn chúng, Chuột Chũi chuyển sang hỏi chuyện gia đình và bắt mỗi đứa đọc tên cả một lô các em trai, có lẽ còn quá bé nên năm nay không được phép đi hát mừng nhưng mong sẽ rất sớm được cha mẹ đồng ý.
Trong khi đó Chuột Nước đang bận xem xét cái nhãn trên một trong những chai bia. “Tớ nghĩ đây là của hãng Old Burton,” nó nhận xét, vẻ đồng tình. “Cậu sành thật, Chuột Chũi à! Của độc đấy! Bây giờ chúng mình có thể hâm một chút bia được rồi. Cậu dọn các món ra đi, Chuột Chũi, trong khi chờ tớ mở nút chai.”
Việc chuẩn bị đồ uống và ấn sâu cái nồi hâm bằng thiếc vào giữa lò sưởi rực hồng chẳng mất mấy thời gian; và chẳng mấy chốc mỗi chú chuột đồng đã vừa nhấm nháp vừa ho và nghẹt thở (vì chỉ một chút rượu bia hâm nóng đã đủ say), rồi vừa dụi mắt và cười to, quên hết cả những lần mình đã lạnh trong đời.
“Mấy anh bạn này còn diễn được kịch nữa đấy,” Chuột Chũi nói với Chuột Nước. “Tự sáng tác và rồi đem diễn. Mà các cậu ấy diễn cũng rất hay! Năm ngoái các cậu ấy đãi bọn tớ một vở tuyệt vời, về một anh chàng chuột đồng bị một tên cướp biển tàn bạo bắt và buộc phải đẩy mái chèo khổ sai trên một chiếc thuyền Galê(21); và khi anh chàng trốn thoát trở về nhà thì cô người yêu đã vào một tu viện. Mà này, cậu kia, cậu có chân trong vở ấy, tôi nhớ mà. Hãy đứng lên mà kể một chút đi nào!”
Chú chuột đồng được nhắc tới liền đứng dậy, bẽn lẽn cười rúc rích rồi nhìn khắp quanh phòng nhưng vẫn câm như hến. Các bạn nó động viên nó, Chuột Chũi dỗ ngon dỗ ngọt và khích lệ nó nhưng chẳng gì có thể khiến nó vượt qua được nỗi sợ phải đứng trước khán giả. Tất cả mọi người còn đang bận tíu tít với nó như những người lái đò đang áp dụng các quy định của Hội Nhân đạo Hoàng gia đối với một trường hợp bị ngập nước quá lâu thì cái then cửa bỗng “xạch” một cái, cánh cửa mở ra và chú chuột đồng cùng cái đèn lồng lại xuất hiện, đang lảo đảo vì sức nặng của cái rổ.
Chẳng ai còn tiếp tục nói chuyện về việc diễn kịch nữa khi mà những món thực sự hấp dẫn trong cái rổ đã được đổ tung trên bàn. Dưới sự điều khiển của Chuột Nước, mỗi người đều phải làm một việc gì đó hoặc đi kiếm một cái gì đó. Sau đó ít phút, bữa ăn tối đã sẵn sàng, và Chuột Chũi trong lúc ngồi xuống ghế ở đầu bàn, cảm thấy lơ mơ như nằm mộng. Nó thấy cái mặt bàn lúc nãy còn thống trơn giờ đây đã xếp đầy những món ăn ngon, thấy gương mặt các bạn nhỏ của mình rạng rỡ lên khi chúng lao vào đánh chén ngay lập tức. Rồi, vì bản thân mình quả đã đói mèm, nó cũng ăn lấy ăn để những món ăn được cung cấp như thể bởi một phép màu kia và nghĩ suy cho cùng thì chuyến về nhà lần này hóa ra lại hạnh phúc biết bao. Chúng vừa ăn vừa trò chuyện về ngày xưa, còn những chú chuột đồng kể cho Chuột Chũi nghe những chuyện tầm phào mới nhất ở vùng sở tại và trả lời thật rành mạch cả trăm câu hỏi mà nó cần phải hỏi. Chuột Nước hầu như chẳng nói năng gì mà chỉ quan tâm sao cho từng vị khách ăn và ăn thật nhiều cái món mà mình thích và Chuột Chũi không phải lo phiền về bất cứ điều gì.
Cuối cùng, lũ chuột đồng lục tục ra về, cảm ơn và rối rít chúc mừng Giáng sinh, túi áo chúng căng phồng những món quà kỷ niệm dành cho các em trai, em gái ở nhà. Khi cánh cửa đã đóng lại sau đứa cuối cùng trong bọn chúng và tiếng lách cách của những chiếc đèn lồng đã chìm hẳn, Chuột Chũi và Chuột Nước khơi lại bếp lò, dọn những cái ghế, pha cho mình ly rượu bia hâm nóng trước khi đi ngủ, và trao đổi với nhau về các sự kiện trong một ngày dài dằng dặc vừa qua. Cuối cùng, Chuột Nước vừa ngáp dài vừa nói, “Chuột Chũi thân mến ơi, tớ sắp gục đây này. Đơn giản vì từ ‘buồn ngủ’ không thật đúng. Giường của cậu ở phía bên kia hả? Hay lắm, vậy tớ sẽ ngủ giường này. Ngôi nhà nhỏ bé này mới tuyệt làm sao! Mọi thứ đều rất là tiện lợi!”
Nó trèo lên giường, quấn chặt chăn vào người và giấc ngủ gom lấy nó ngay tức khắc, như một vạt lúa mạch được đặt vào vòng tay của chiếc máy gặt.
Anh chàng Chuột Chũi mệt mỏi cũng vui mừng được đi ngủ ngay, và chỉ một loáng nó đã gối đầu lên cái gối của mình, rất vui sướng và mãn nguyện. Nhưng trước khi nhắm mắt lại, nó còn nhìn quanh gian phòng cũ kĩ của mình, êm ái trong ánh lửa lò sưởi rực rỡ đang lung linh hoặc ngưng đọng trên những đồ vật thân quen đã vô tình trở thành một bộ phận của đời nó, và giờ đây đang tươi cười đón nó trở về, không chút oán hận. Lúc này nó đang ở trong đúng cái tâm trạng mà cậu bạn Chuột Nước lịch thiệp đã lặng lẽ hành động để đem đến cho nó. Nó nhận thấy rõ ràng cái căn phòng này mới mộc mạc, bình dị và thậm chí nhỏ hẹp làm sao, mà cũng nhận thấy rõ ràng căn phòng ấy ý nghĩa biết bao đối với nó, và thấy được cái giá trị đặc biệt của một bến đậu như thế trong cuộc sống của mỗi người. Nó chẳng muốn từ bỏ cuộc sống mới cùng những khoảng không gian rực rỡ ở đó chút nào, chẳng muốn quay lưng lại với ánh nắng và không khí cùng tất cả những gì mà chúng dâng tặng cho nó để mà bò về nhà và ở lì tại đây. Cái thế giới ở trên kia thật là quá mạnh mẽ, vẫn mời gọi nó, thậm chí ngay cả tận dưới này, và nó biết là mình phải trở lại cái sân khấu lớn hơn ấy. Nhưng thực cũng tốt khi nghĩ rằng nó có căn nhà này để mà trở về, nơi này hoàn toàn là của riêng nó, những đồ đạc này đã rất vui mừng được gặp lại nó và nó có thể tin chắc rằng chúng lúc nào cũng chào đón mình một cách bình dị như thế.
Chú thích
14. Gothic: theo phong cách của người Goth, phổ biến ở Tây Âu.
15. Giuseppe Garibaldi (1807 – 1882): một nhà lãnh đạo quân sự người Italia có công trong việc thống nhất đất nước này – ND
16. Samuel: con trai của nữ hoàng Anh Victoria.
17. Nữ hoàng Victoria (1819 – 1907) trị vì nước Anh từ năm 1837 cho tới khi mất – ND.
18. Skittle: con ky là một đoạn gỗ hình cái chai trong trò chơi ky. Những người chơi lăn một quả bóng để làm đổ các con ky – ND.
19. Hát mừng (carol-singing), việc một tốp người đến các gia đình mà hát về Lễ Giáng sinh hoặc các bài ca vui vẻ để chúc mừng, theo tập quán của người dân nông thôn nước Anh – ND.
20. Theo kinh thánh, Joseph và Mary là hai vợ chồng; và Mary đã sinh ra Jesus trong chuồng gia súc – ND.
21. Thuyền Galê: (galley), thuyền dài, nông lòng, thường do nô lệ hay tội phạm chèo, trong thời cổ Hy Lạp hay La Mã – ND.
Gió Đi Qua Rặng Liễu Gió Đi Qua Rặng Liễu - Kenneth Grabam Gió Đi Qua Rặng Liễu