Never judge a book by its movie.

J.W. Eagan

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 164 / 25
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6 - Đêm Trăng Rằm Tháng Bảy
hởi đầu của mọi khởi đầu là công tác tổ chức. Ông Quốc Thanh nói: phải có chi bộ, đó là một trong tam pháp bảo để thắng lợi. Vụ va chạm, tranh cãi qua, Thiêm không đủ lý lẽ, lại ở thế yếu và quen thói biết phục tùng, nên đành phải công nhận ông đúng, tất nhiên là trong lòng vẫn còn nhiều lấn cấn lắm.
Mấy đêm liền, ông Quốc Thanh và Thiêm lại như hình với bóng. Lần theo danh sách nhân khẩu toàn xã, trừ trẻ nhỏ và ông già bà cả, Thiêm lần lượt kể lai lịch, tính nết từng người cho ông phái viên nghe. Công việc thật không dễ dàng. Cuối cùng gạn lọc, còn lại được hơn chục người đạt các tiêu chuẩn: không có quan hệ tí gì về huyết thống, lịch sử với đế quốc, thổ ty, thổ phỉ, không nghiện ngập, trộm cắp, lại xuất thân nghèo khổ.
Gõ đầu bút máy vào danh sách mười người được coi là hạt nhân trung kiên nọ, ông Quốc Thanh nheo mắt nhìn Thiêm, bỗng như sực nhớ, vơ vưởng buông một tiếng nói vẻ như vô tình:
- Ơ này, cái cô Seo Mùa xinh xinh con dâu hố pẩu Giàng Dìn Chin, nó là người thế nào nhỉ?
- Cô này tốt. Chỉ phải cái thằng chồng vũ phu nó kìm hãm quá.
- Thằng Tếnh hả?
- Cậu này tính khí hung hăng. Bị lôi kéo kích động gì đó nên theo phỉ ba tháng trước khi hoà bình lập lại năm 1954.
- Hèn nào nó cứ chòng chọc nhìn mình cứ như mình định chim vợ nó ấy.
Đưa lưỡi liếm làn môi trên, nuốt nước bọt đánh ực, ông Quốc Thanh cúi xuống trang sổ tay:
- Đồng chí Thiêm này, tôi định chọn lấy ba trong số mười người này để tạo nòng cốt cái đã, ba người đó là Giàng Seo Lở ba mươi tuổi chuyên thồ ngựa thuê, Thào A Chẩn bốn mươi bẩy tuổi chuyên quét chợ Xin Ma Chải, Giàng A Sùng ba tư tuổi mồ côi từ nhỏ, không nhà cửa suốt đời ở hang, xem ra cả ba đều đạt tiêu chuẩn trong sạch và có khổ có thù, xứng đáng là đối tượng loại một.
Suốt một tuần lễ liền, vào các buổi chiều, ba người đàn ông Mèo gần như bị cộng đồng quên lãng, hiền lành và ngờ nghệch, bỗng nhiên được ông Quốc Thanh thân đến gặp và được mời đến nhà trường để theo một lớp giáo dục chính trị cơ bản.
Bẩy buổi liền ông Quốc Thanh thao thao bất tuyệt bằng tiếng Kinh về chủ nghĩa Cộng sản, về hai giai đoạn cao thấp của xã hội nọ, về đặc điểm của giai cấp công nhân hiện đại, về tính tiên phong và gương mẫu, đầu tầu thúc đẩy của người đảng viên. Thiêm dịch lại bằng tiếng Mèo. Chốc chốc anh lại bị ông Quốc Thanh nhắc nhở: “Dịch đúng ý tôi nhé, sao nói ngắn thế!”
Ba người đàn ông Mèo chữ không biết, lần đầu tiếp xúc với các khái niệm chính trị xã hội xa lạ, chốc chốc lại nhấc ống điếu ùng ục hút thuốc để chống cơn buồn ngủ. Cuối cùng, ông phái viên giảng xong hỏi có thắc mắc gì, đều nhất loạt lắc đầu, bảo phát biểu thu hoạch, đồng thanh nói: giống như lời đồng chí Quốc Thanh nói thôi mà!
Mấy ngày sau, Thiêm viết hộ đơn xin gia nhập đảng và sơ yếu lý lịch của ba người. Ba người nghe Thiêm đọc lại toàn bộ văn bản, điểm chỉ xuống dưới, rồi giao tất cho ông Quốc Thanh để ông đưa ra huyện. Ngày ông Quốc Thanh từ huyện về là ngày ông hớn hớn vui tươi từ nét mặt đến giọng nói. Cùng lúc ông đem về mấy tin mừng lớn. Huyện đã duyệt đơn xin vào tổ chức của ba đồng chí Lở, Chẩn, Sùng. Lễ kết nạp đồng thời sẽ là lễ thành lập chi bộ. Dịp này huyện cũng ghi nhận những bước tiến mới của La Pan Tẩn, đặc biệt là việc tổ chức cho nhân dân học tập nghị quyết của huyện thu được nhất trí cao, kể từ ngày có phái viên về chỉ đạo. Sắp tới, huyện sẽ cho thêm một nữ giáo viên về để mở thêm một phân hiệu ở Bản Ngò.
Vì tính chất quan trọng đặc biệt của nó nên buổi lễ kết nạp phải được tổ chức thật trọng thể. Ông Quốc Thanh nhấn mạnh. Ông giao cho Thiêm lo phần tổ chức, khánh tiết và điều khiển buổi lễ. Ông nói tiếp: sau lễ kết nạp và thành lập tổ chức, sẽ họp bàn nhiều việc, tận khuya mới có thể xong, nên yêu cầu Thiêm lo cho việc ăn bồi dưỡng của mọi người. Thiêm nhận lời. Có gì là khó. Gà nuôi có sẵn trong chuồng. Bắc nồi cháo còn đơn giản hơn. Trong thâm tâm Thiêm thật mừng. Thế là từ nay, mọi việc, kể cả sự nghiệp giáo dục tâm huyết của anh, đã có cả một tổ chức đứng mũi chịu sào, lèo lái. Thiêm chỉ băn khoăn một điều là anh chưa phải đảng viên, làm sao anh lại được vinh dự tham gia một công việc có tính chất nội vụ như thế. Băn khoăn nhưng ngại nói ra, vì sợ ông Quốc Thanh cho là cố ý gây cản trở. May, niềm vui của sự kiện làm anh nhãng đi điều lo ngại nọ.
Đêm rằm tháng bảy là thời điểm được chọn lựa để khai sinh sự kiện lịch sử này. Chạng vạng, học trò đã về hết. Trăng đã chực sẵn, nhô lên đỏ hồng màu trái chín, toả hết độ sáng tự nhiên, trong vắt yên bình.
Làm xong phần khánh tiết cho cuộc họp, Thiêm ra bếp làm gà, bắc nồi cháo.
Ông Quốc Thanh cạo râu, rửa mặt, gài ba tấm huy chương, hai tấm huân chương vào chiếc áo đại cán, khoác vào người, cầm cái gương nhỏ lúc nào cũng đút sẵn ttrong túi, soi đi soi lại, nặn cho hết mụn trứng cá còn sót trên mặt. Rồi ông ngồi xuống cạnh cây đèn bão, giở bài phát biểu ý kiến do Thiêm viết hộ ra, mấp máy môi, lẩm nhẩm đọc. Mãi đến gần đây, do Thiêm bảo, ông mới hiểu: nói năng, viết lách phải thành câu. Mỗi câu là một đơn vị ý tưởng. Ông cười hồn nhiên: Thì đã có thằng chó nào nó dậy mà biết! Cho nên bữa nay coi như cuộc thử nghiệm đầu tiên, ông sẽ đọc thật gẫy gọn từng câu một. Chắc cũng không phải là khó lắm. Vì trong bài viết, Thiêm cố ý tách rời từng câu xa nhau. Thậm chí hết mỗi câu là xuống dòng. Đọc xong một lượt, ông Quốc Thanh tập đọc lại lần thứ hai, lần thứ ba, miệng đã thấy quen quen. Hết lần thứ năm đọc lại, ông bỗng giật mình, nhìn đồng hồ, ngó ra ngoài sân.
Chết thôi, chín giờ rồi, trăng đã lên cao vòi vọi thế kia, sao vẫn chưa thấy đồng chí Lở, đồng chí Chẩn, đồng chí Sùng đến? Ông đứng dậy, lẩm bẩm, sốt ruột lê giầy ra rồi lại lết giầy vào. Thấy Thiêm lụi hụi ở trong bếp, định ngó vào hỏi, nghĩ thế nào ông lại thôi.
Trăng đã lên tới đỉnh điểm. Đúng là lúc trăng đầy đặn đứng giữa vòm trời tròn đẹp viên mãn. Giá như buổi lễ bắt đầu vào lúc này thì có phải là thiên nhân hợp nhất không? Nghĩ vậy, ông bỗng hắt hơi liền ba tiếng, rồi như nhận ra có điềm gì bất thường, ông đâm bổ vào bếp, hổn hển: “Anh Thiêm này!” Từ lúc này ông gọi Thiêm là anh, để phân biệt Thiêm và các đồng chí của ông. “Có thể các đồng chí chúng tôi nhầm lẫn ngày giờ không?” Thiêm nhạy cảm, ngây ra trong một giây ngắn ngủi. Thế là đã có sự phân cách! Đẩn củi vào bếp nồi cháo, Thiêm quay ra, nao nuốt:
- Không nhầm được đâu. Trưa nay tôi đã gặp lại từng người, nhắc lại rành rọt ngày, giờ, địa điểm họp một lần nữa rồi. Ở đây bà con vẫn quen nếp đi họp muộn lắm.
Thiêm không nói sai. Trưa nay anh đã phải vất vả lắm mới gặp tận mặt được cả ba người nọ. Ông Chẩn ngủ ở lều nương, trông khỉ về quấy phá. Anh mò ra tận nơi. Ông Sùng đi vớt cá, anh lần theo dọc suối tìm thấy. Còn ông Lở thì đi lấy mật ong, anh đoán hú hoạ khu rừng ông đến, may mà gặp.
- Nhưng mà đồng chí có nói rõ để ba đồng chí đó hiểu rằng đây là giờ phút vinh dự của cả đời người không?
- Có, tôi có nói rõ.
- Thế thì bây giờ tại sao vẫn chưa thấy đến?
Thiêm cau mày. Ông Quốc Thanh sao lại có thể hậm hực vô lý như thế với Thiêm? Xòe hai bàn tay trắng bợt vì ngâm nước phân trần, giọng Thiêm cố nén bực bội:
- Tôi nói bằng tiếng Kinh, rồi nói lại bằng tiếng Mèo. Sau đó, tôi bảo từng người nhắc lại và nhấn mạnh: Chậm nhất là chín giờ tối phải có mặt!
- Lạ nhỉ, bây giờ là mười giờ hơn rồi!
- Mùa này bà con xuống tận bờ sông Chảy thu hoạch ngô nên thường về muộn. Lúc nhắc nhở, thấy đồng chí Chẩn có ý ngại ngần, tôi nói đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm lớn nên không thể sai hẹn. Đồng chí Sùng hỏi giờ, tôi nói vào khoảng như mọi khi tôi vẫn đánh kẻng học bổ túc văn hoá ban đêm ấy.
- Thế hôm nay sao không đánh kẻng?
Mắt ông Quốc Thanh bỗng quắc sáng như phát hiện ra một điều hệ trọng. Thiêm thấy mặt vương vương ánh nghi kỵ của ông phái viên; bước ra khỏi gian lớp, anh thấy rất khó chịu:
- Vì hôm nay là rằm tháng bẩy, tết dân tộc, nhà trường nghỉ học.
- Thế thì anh ra khua kẻng cho tôi đi, khua thật to lên, sự kiện trọng đại như thế mà để im lìm là thế nào!
Như tìm được nguyên cớ và lối thoát cho tình trạng bế tắc, ông Quốc Thanh nhẩy ngay tới cái kẻng và giật cái dùi trong tay Thiêm, giang thẳng cánh. Kình! Kình! Kình! Đêm mùa thu, tiếng kẻng nghe gọn và thanh trong như tiếng chuông nguyện hồn ai, tắt lịm dần, để lại một vòm trời trống tuênh, trơ hoẻn một vành trăng tròn chếch sau mái trường như ngọn đèn sáng cô độc.
Nồi cháo đã cạn. Thiêm bắc ra bếp, đi lên hội trường. Giật mình dừng lại ở cửa lớp học, anh nhận thấy bóng ông phái viên đen sầm một khối âm u đang gục đầu trên mặt bàn. Chờ đợi trương căng khiến ông mệt mỏi. Ông thiêm thiếp, tiếng ngáy khe khẽ như tiếng dế rúc. Ngoài bãi đá vằng vặc ánh trăng, đang im lìm bỗng rùng rùng cơn gió thổi. Giật mình tỉnh giấc, ông ngơ ngác, chùi rớt rãi nhễu hai bên mép, đâm bổ ra ngoài sân, một mình một bóng ngang ngửa giữa trời:
- Các đồng chí ta đâu cả rồi!
Nhận ra mình mê hoảng, ông vội ngậm miệng, rồi lử khử quay trở vào nhà, sờ mặt ghế, đặt đít xuống, thở thào thào. Hoá ra ông là một kẻ nhát gan. Ông vừa ngủ thiếp đi và mê thấy một chiếc máy bay đa cô ta lượn vòng trên La Pan Tẩn và thả xuống hơn chục cái dù biệt kích xanh trắng vàng đỏ, loá cả mắt, kinh quá.
Thiêm bước lại, định nói một câu an ủi ông thì ông ngước lên, hai con mắt nhơn nhớt ánh sợ sệt:
- Thiêm à, tôi phục anh đấy, đêm trăng thế này mà anh không sợ à, sao ở đây xa xôi heo hút thế, giả sử địch nó thả biệt kích thì không biết chống trả thế nào, chạy đi đâu cho thoát, này tháng trước ở vùng thượng huyện người ta nhặt được hai cái dù điện đài đấy, anh có biết không? Đất nước đang chiến tranh, đừng có lơ mơ.
Thiêm im lặng.
Ông phái viên giơ tay, xem đồng hồ. Thiêm ngó cổ tay ông. Hẫng một cái, ngực anh xẹp hết hơi. Mười hai giờ. Hết đêm rồi. Một dự định không thành. Mất tăm một đợi chờ, mong ngóng. Thời khắc mong manh. Vòm trời sao chuyển vòng. Sẽ chẳng bao giờ quên được cái giây phút để lại nỗi trống vắng bẽ bàng đến như thế. Thiêm có cảm giác mặt đất bỗng tối sầm và anh bị nhuộm đen thui.
Không nhìn thấy gì Thiêm lậm dậm chân đi vào trong bếp. Đang lần rờ tìm cái bật lửa, anh bỗng sững tay vì nghe thấy một tiếng gọi giật tên mình. Quay lại, anh vội đưa tay che mặt. ánh đèn pin xanh chói cùng ông Quốc Thanh rậm rịch đôi giầy da cứng tiến thẳng đến trước mặt Thiêm. Quai hàm nổi bạnh vè, hai vòm mắt vỏ trấu nhâng cao, tóe những tia gai ngạnh, răng nhe nhe, môi lật bật, mặt ông phái viên thường ngày dị mọ, thô phàm, giờ thêm vẻ tàn nhẫn, cay nghiệt.
- Anh Thiêm, tôi vẫn bình tĩnh đây, anh phải thành thật nếu không không xong với tôi đâu, vì ghen tị với vinh dự của ba đồng chí chúng tôi nên anh đã không báo cho họ đến dự lễ kết nạp, anh sợ họ tiến bộ hơn anh, anh định phá hoại tổ chức phong trào, có phải không?
Thiêm lặng đi như cái cây chết đến mấy giây.
Hai con mắt sâu trầm của Thiêm lặng phắc rồi giần giật liên hồi. Tay cứng đơ, Thiêm để buột cái bật lửa rơi đánh thịch xuống đất. Vừa bị nện một đòn trúng chỗ hiểm nên giờ đây anh đã mất hết tri giác. Qua giọng nói, ánh mắt của Quốc Thanh từ nãy anh biết anh đã rơi vào vòng lưới nghi ngờ của ông. Nhưng nghĩ rằng anh tồi tệ đến mức ganh ghét để hại người, và làm hỏng việc chung thì đó là điều ngoài sức tưởng tượng của anh.
Những cơ thịt trên mặt Thiêm căng ứ dần lên. Máu dồn tụ đỏ nhừ cả mang tai Thiêm. Cả người như một khối thuốc nổ nén chặt vừa bắt gặp tia lửa, Thiêm lao thẳng người vào ông phái viên, quặn thắt đớn đau và tắc nghẹt:
- Ông Quốc Thanh! Chả lẽ ông lại có thể đê tiện đến như thế! Chả lẽ ông lại có thể có những ý nghĩ đểu giả đến như thế! Hãy để cho tôi kính trọng ông, ông Quốc Thanh!
Bỏ lại ông phái viên ngã chổng kềnh trên đất, Thiêm đi ra bãi đá, đứng giữa trời sao vừa tắt ánh trăng đột ngột. Lát sau, anh thấy ánh đèn pin lướt qua bên cạnh anh và tiếng ông Quốc Thanh vừa lạnh lùng vừa hùng hổ ở sau lưng anh:
- Được rồi, ngày mai tôi sẽ đích thân kiểm tra việc này, nếu đúng như tôi vừa nhận định thì anh đừng hòng sống yên ổn với tôi!
Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn - Ma Văn Kháng Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn