Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không nằm ở chỗ thiếu sức mạnh, thiếu kiến thức, mà là ở chỗ thiếu ý chí.

Vince Lambardi

 
 
 
 
 
Tác giả: Friedrich Hayek
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: The Road To Serfdom
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3827 / 159
Cập nhật: 2016-06-18 07:57:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Lời Tựa Cho Lần Xuất Bản Bìa Mềm Năm 1956
ho đến nay cuốn sách này đã chứng tỏ nó không cần viết lại gì cả dẫu rằng ở một vài khía cạnh nào đó nó có thể đã khác nếu ngay từ đầu tôi chủ ý viết nó trước hết cho các độc giả Mĩ. Việc tái bản nó dưới một hình thức mới, hơn mười năm sau lần xuất hiện đầu tiên, có lẽ là cơ hội để giải thích mục đích ban đầu và đưa ra vài lời bình luận về thành công hoàn toàn bất ngờ và trong nhiều phương diện là khá lạ lùng mà cuốn sách đã giành được ở đất nước này.
Cuốn sách được viết ở Anh trong những năm chiến tranh và dự định dành riêng cho độc giả Anh. Thực ra nó được nhắm đến cho một giai tầng đặc biệt các độc giả Anh. Hoàn toàn không phải là giễu cợt khi tôi dành lời đề tặng: “Tặng những người xã hội chủ nghĩa thuộc mọi đảng phái”. Nó xuất phát từ các cuộc thảo luận mà tôi đã tiến hành suốt mười năm trước đó với các bạn bè và đồng nghiệp, những người có cảm tình với cánh Tả, cuốn Đường về nô lệ là sự tiếp tục các cuộc thảo luận đó.
Khi Hitler nắm được chính quyền ở Đức thì tôi đã giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp London (University of London) được mấy năm rồi, nhưng tôi vẫn giữ quan hệ mật thiết với công việc ở Lục địa và vẫn làm như thế cho đến khi nổ ra chiến tranh. Vì vậy tôi đã nhận ra cội nguồn và sự phát triển của các phong trào toàn trị khác nhau và điều đó đã làm cho tôi cảm thấy rằng dư luận xã hội ở Anh, đặc biệt là những người bạn có quan điểm “tiên tiến” của tôi về các vấn đề xã hội đã hoàn toàn hiểu sai bản chất của các phong trào đó. Thậm chí ngay trước chiến tranh điều này đã dẫn tôi đến tuyên bố trong một tiểu luận ngắn cái đã trở thành chủ đề chính của cuốn sách này. Nhưng sau khi chiến tranh nổ ra tôi cảm thấy rằng sự hiểu lầm phổ biến về hệ thống chính trị của kẻ thù của chúng ta, cũng như của nước Nga, đồng minh mới của chúng ta, đã tạo ra một nguy cơ nghiêm trọng, cần phải đáp trả bằng một nỗ lực có hệ thống hơn. Hơn nữa, rõ ràng là bản thân nước Anh sau chiến tranh cũng muốn thử nghiệm chính cái chính sách mà tôi tin rằng đã có đóng góp đáng kể vào việc phá hủy tự do ở những nơi khác.
Vì vậy cuốn sách này đã hình thành dần dần như một lời cảnh báo đối với tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa ở Anh; do tình hình thời chiến cho nên việc xuất bản có bị chậm trễ, nhưng cuối cùng nó đã được xuất bản vào đầu mùa xuân năm 1944. Thời điểm này, vô tình, cũng sẽ giải thích vì sao tôi lại cảm thấy rằng để có người nghe tôi phải hạn chế bình luận về các chế độ đồng minh của chúng ta và chọn minh họa chủ yếu từ sự phát triển ở nước Đức.
Có vẻ như cuốn sách đã xuất hiện vào thời điểm thuận lợi và tôi cảm thấy hài lòng vì thấy nó đã thành công ở Anh, tuy theo một cách khác nhưng cũng không kém so với thành tích mà nó đã đạt được ở Hoa Kì về số lượng bản in. Nói chung cuốn sách đã được tiếp nhận theo đúng tinh thần khi chấp bút, các lí lẽ của nó đã được những người mà nó nhắm đến nghiên cứu một cách cẩn thận. Trừ một số nhà lãnh đạo thuộc Công đảng - những người, có vẻ như để cung cấp minh họa cho nhận xét của tôi về xu hướng dân tộc chủ nghĩa trong phong trào xã hội chủ nghĩa, đã tấn công cuốn sách với lí do tác giả là người ngoại quốc - việc những người có niềm tin trái ngược hẳn với những kết luận của tác phẩm lại nghiên cứu nó với một thái độ chín chắn và thông cảm đã tạo cho tôi ấn tượng sâu sắc[1]. Cũng có thể nói tương tự như thế về các nước khác ở châu Âu, những nơi rốt cuộc cuốn sách cũng đã xuất hiện; việc thế hệ hậu quốc xã ở Đức đã tiếp nhận cuốn sách một cách đặc biệt nồng nhiệt, khi các bản dịch xuất bản ở Thụy Sĩ được đưa đến nước này, là một tin vui bất ngờ đối với tôi.
Vài tháng sau khi xuất hiện ở Anh, cuốn sách được xuất bản ở Hoa Kì và được tiếp nhận hơi khác một chút. Khi viết tôi ít nghĩ rằng nó sẽ có sức hấp dẫn đối với độc giả Mĩ. Tôi đến Mĩ lần cuối cùng cách đấy đã hai mươi năm, khi còn là một nghiên cứu sinh và đã phần nào mất liên hệ với tiến trình phát triển tư tưởng ở Mĩ trong suốt thời gian đó. Tôi không biết chủ đề của cuốn sách có liên quan trực tiếp đến tình hình ở Mĩ như thế nào và đã không hề ngạc nhiên khi nó bị ba nhà xuất bản đầu tiên từ chối[2]. Chắc chắn điều bất ngờ nhất là sau khi được nhà xuất bản hiện nay xuất bản, cuốn sách đã được tiêu thụ với tốc độ hầu như chưa từng có từ trước đến nay đối với những tác phẩm không dành cho đại chúng thuộc loại này[3]. Mức độ phản ứng từ cả hai cánh chính trị, sự khen ngợi hết lời từ phía này và lòng thù hận không kém của phía kia, thậm chí còn làm tôi ngạc nhiên hơn.
Trái với kinh nghiệm ở Anh, những người mà cuốn sách này chủ yếu hướng tới, ở Mĩ có vẻ như người ta đã chối bỏ nó ngay lập tức, họ coi nó là cuộc tấn công hiểm độc và gian xảo vào những lí tưởng cao quý nhất của họ; có vẻ như họ chẳng bao giờ dành thời gian để nghiên cứu các lí lẽ của nó. Ngôn ngữ cũng như tình cảm thể hiện trong những tác phẩm phê phán mang tính thù nghịch quả thực là lạ lùng[4]. Việc nhiều người mà tôi nghĩ là sẽ chẳng bao giờ đọc tác phẩm loại này, cũng như rất nhiều người mà đến nay tôi vẫn ngờ là liệu họ thực sự đã đọc hay chưa đã nhiệt liệt chào mừng tác phẩm cũng là một điều gây ngạc nhiên không kém. Tôi phải nói thêm rằng đôi khi bút pháp mà người ta sử dụng làm cho tôi nhận thức một cách sinh động chân lí trong lời bình của Lord Acton rằng “bạn bè chân thành của tự do lúc nào cũng hiếm, và nó giành được chiến thắng là nhờ thiểu số, họ thắng bằng cách liên kết với những trợ tá có mục tiêu khác với mục tiêu của họ; sự liên kết này lúc nào cũng nguy hiểm và đôi khi còn thảm khốc nữa”.
Sự khác nhau một cách bất thường trong việc tiếp nhận cuốn sách ở hai bên bờ Đại Tây Dương có lẽ không phải hoàn toàn là do sự khác nhau về tính khí dân tộc. Càng ngày tôi càng tin rằng phải tìm lời giải thích trong tình trạng tri thức tại thời điểm đó. Ở Anh và ở châu Âu nói chung các vấn đề tôi thảo luận từ lâu đã không còn là vấn đề trừu tượng nữa. Các lí tưởng mà tôi khảo sát đã hạ cánh xuống mặt đất từ lâu, ngay cả những người ủng hộ nhiệt thành nhất cũng đã nhìn thấy một số khó khăn và kết quả không như ý nếu đem áp dụng những lí tưởng này vào thực tiễn. Như vậy là tôi viết về những hiện tượng mà các độc giả châu Âu của tôi đã có ít nhiều kinh nghiệm, tôi chỉ lập luận một cách hệ thống và nhất quán điều mà nhiều người đã cảm nhận được bằng trực giác. Nhiều người đã vỡ mộng về các lí tưởng, và việc xem xét chúng một cách có phê phán đó đơn giản chỉ là sự trình bày thành tiếng và rõ ràng hơn mà thôi.
Ở Mĩ, ngược lại, các lí tưởng này vẫn còn mới mẻ và độc hại hơn. Phần lớn giới trí thức mới bị nhiễm các lí tưởng ấy từ mười đến mười lăm năm nay chứ không phải là bốn năm mươi năm như ở Anh. Và mặc dù đã có những thử nghiệm của Chính sách Mới[5], lòng nhiệt tình của họ đối với kiểu xã hội được thiết kế dựa trên lí trí phần lớn vẫn chưa bị kinh nghiệm thực tiễn vấy bẩn. Cái mà đối với đa số người Âu, ở mức độ nào đó đã là vieux jeux[6] thì đối với những người cấp tiến Mĩ vẫn là hi vọng rực rỡ về một thế giới tốt đẹp hơn, niềm hi vọng mà họ đã ôm ấp và nuôi dưỡng trong suốt những năm Đại Suy thoái.
Ở Mĩ các luồng dư luận thay đổi khá nhanh, và hiện nay khó mà nhớ được giai đoạn tương đối ngắn ngủi trước khi cuốn Đường về nô lệ xuất hiện, khi mà chính những người chẳng bao lâu sau đó sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành nhà nước đã ủng hộ một cách nghiêm túc hình thức kinh tế kế hoạch hóa cực đoan nhất và coi mô hình Liên Xô là tấm gương cần noi theo. Đưa ra bằng chứng là việc dễ, nhưng nêu tên các cá nhân là việc không hay. Chỉ xin nói rằng Ủy ban Kế hoạch hóa Quốc gia được thành lập vào năm 1934 đã dành nhiều chú ý cho việc học tập việc lập kế hoạch của bốn nước: Đức, Ý, Nga và Nhật. Mười năm sau tất nhiên chúng ta đã coi chính các nước này là “toàn trị” và chiến đấu khá lâu với ba nước và chẳng bao lâu sau thì bắt đầu “chiến tranh lạnh” với nước thứ tư. Thế mà nội dung của cuốn sách này nói rằng diễn tiến chính trị ở các nước đó có liên quan đến chính sách kinh tế của họ lại bị những người ủng hộ kế hoạch hóa ở Mĩ bác bỏ một cách đầy phẫn nộ. Mọi người đột ngột đồng thanh nói rằng cảm hứng kế hoạch hóa không đến từ nước Nga và còn đoan chắc, như một nhà phê bình xuất sắc của tôi đã nói, rằng “sự thật đơn giản là Ý, Nga, Nhật và Đức đã tiến đến chế độ toàn trị bằng những con đường hoàn toàn khác nhau”.
Cuốn Đường về nô lệ xuất hiện trong bầu không khí trí tuệ như thế, cho nên nó nhất định phải gây ra hoặc là sự căm tức tột độ hoặc là sự thích thú lớn lao cho các thành viên của những nhóm bị chia rẽ sâu sắc ở Hoa Kì. Hậu quả là, mặc dù có thành công bề ngoài, cuốn sách đã không gây được ảnh hưởng như tôi muốn hay như đã gây ra ở các nơi khác. Đúng là các kết luận của nó ngày nay đã được chấp nhận một cách rộng rãi. Nếu mười hai năm trước nhiều người còn coi giả thuyết cho rằng chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản chỉ đơn thuần là các biến thể của chủ nghĩa toàn trị do chế độ kiểm soát tất cả các hoạt động kinh tế tạo ra, là tội báng bổ thánh thần thì ngày nay đã trở thành câu nói cửa miệng của mọi người. Thậm chí hiện nay đa số đã nhận ra rằng chủ nghĩa xã hội dân chủ là một hướng đi rất không ổn định và không chắc chắn, đầy những mâu thuẫn nội tại và ở đâu nó cũng tạo ra những kết quả rất khó chịu với ngay cả nhiều người ủng hộ nó.
Những bài học rút ra từ các sự kiện và việc thảo luận một cách rộng rãi các vấn đề[7] chắc chắn có đóng góp nhiều hơn cuốn sách này trong việc tạo ra thái độ tỉnh táo nói trên. Khi được xuất bản, luận điểm tổng quát của tôi cũng không phải là mới ghin. Những lời cảnh báo tương tự được đưa ra sớm hơn phần nhiều đã bị lãng quên, những mối nguy hiểm gắn liền với các chính sách mà tôi phê phán đã được nhiều người đưa ra từ trước rồi. Giá trị của cuốn sách không phải là ở chỗ nhắc lại luận điểm này mà là ở việc khảo sát một cách kiên trì và chi tiết các nguyên nhân vì sao kế hoạch hóa kinh tế lại dẫn đến những kết quả không như ý và các quá trình dẫn đến kết quả như thế.
Vì lí do đó, tôi hi vọng rằng bây giờ ở Mĩ sẽ có điều kiện thuận lợi hơn cho việc xem xét một cách nghiêm túc lí lẽ thật sự của cuốn sách hơn là khi nó mới xuất hiện lần đầu. Tôi tin rằng những điều quan trọng trong cuốn sách vẫn còn có giá trị, mặc dù tôi công nhận rằng ở phương Tây chủ nghĩa xã hội “nóng”, tức là phong trào ủng hộ việc tổ chức một cách có chủ ý đời sống kinh tế do nhà nước làm chủ tất cả các phương tiện sản xuất, đã gần như chết hẳn rồi. Thế kỉ của chủ nghĩa xã hội theo nghĩa này có lẽ đã cáo chung vào khoảng năm 1948. Các lãnh tụ của nó cũng đã vứt bỏ nhiều ảo tưởng, ở Mĩ cũng như ở các nơi khác ngay cái tên chủ nghĩa xã hội cũng đã mất hầu hết tính hấp dẫn rồi. Không nghi ngờ gì rằng sẽ có những cố gắng nhằm cứu vãn một cái tên cho các phong trào ít giáo điều hơn, ít cố chấp và ít hệ thống hơn. Nhưng lí luận chỉ để chống lại các quan niệm có nghĩa xác định về công cuộc cải cách xã hội đặc trưng cho các phong trào xã hội chủ nghĩa của quá khứ có thể bị người ngày nay coi là cuộc chiến đấu với cối xay gió.
Mặc dù chủ nghĩa xã hội “nóng” có thể đã thuộc về quá khứ, một số quan điểm của nó đã ngấm quá sâu vào cơ cấu tư duy đương thời cho nên ta không thể có thái độ tự mãn được. Mặc dù hiện chẳng có mấy người ở phương Tây muốn xây dựng lại xã hội từ dưới lên theo một kế hoạch lí tưởng nào đó, nhưng rất nhiều người vẫn còn tin vào những biện pháp, tuy không được thiết kế một cách hoàn chỉnh, nhằm tái cấu trúc nền kinh tế, tác động tổng thể của các biện pháp này vẫn có thể tạo ra những kết quả như thế một cách không chủ ý. Và thậm chí còn hơn cả lúc tôi viết cuốn sách này, sự ủng hộ các chính sách mà trong dài hạn không thể dung hòa với việc bảo tồn xã hội tự do đã không còn là vấn đề đảng phái nữa. Món hổ lốn các lí tưởng thường là thiếu nhất quán và được lắp ghép một cách lộn xộn dưới cái tên Nhà nước Phúc lợi, về đại thể được những nhà cải cách xã hội coi là mục tiêu thay cho chủ nghĩa xã hội, cần phải được chọn lựa một cách cực kì cẩn thận nếu muốn nó không lặp lại kết quả y xì như chủ nghĩa xã hội chính tông. Đấy không phải là nói một vài mục tiêu của nó là không thực tiễn và không đáng ca ngợi. Có nhiều con đường đưa tới cùng mục tiêu đó, nhưng trong tình hình dư luận hiện nay có nguy cơ là sự nôn nóng muốn có kết quả nhanh chóng có thể đưa đến việc chúng ta lựa chọn phương tiện tuy hiệu quả hơn trong việc giải quyết một số vấn đề cụ thể nào đó nhưng lại không tương thích với việc bảo vệ xã hội tự do, xu hướng sử dụng các biện pháp cưỡng bách hành chính và phân biệt đối xử ngày càng gia tăng, nơi mà sự sửa đổi các quy định chung của luật pháp có thể dẫn đến cùng một kết quả, tuy có chậm hơn, và xu hướng sử dụng sự quản lí trực tiếp của nhà nước hay tạo ra các thiết chế độc quyền, nơi mà việc sử dụng một cách khéo léo các khích lệ tài chính có thể tạo ra các nỗ lực tự phát, vẫn là những tàn dư nặng nề của thời kì xã hội chủ nghĩa và sẽ còn ảnh hưởng đến chính sách trong một thời gian dài nữa.
Chính vì trong những năm tháng trước mắt hệ tư tưởng chính trị có vẻ như không hướng tới một mục tiêu được xác định rõ ràng mà sẽ hướng tới một sự thay đổi tiệm tiến, cho nên sự hiểu biết đầy đủ quá trình, qua đó một số biện pháp có thể phá hoại cơ sở của nền kinh tế thị trường và dần dần bóp nghẹt năng lực sáng tạo của nền văn minh hiện xem ra là việc quan trọng nhất. Chỉ khi chúng ta hiểu vì sao và bằng cách nào mà một số hình thức kiểm soát kinh tế lại có xu hướng làm tê liệt động lực của xã hội tự do và hình thức kiểm soát nào là đặc biệt nguy hiểm thì chúng ta mới có thể hi vọng rằng các thử nghiệm xã hội sẽ không dẫn chúng ta đến những tình thế mà tất cả chúng ta đều không hề muốn.
Tôi coi cuốn sách này như một đóng góp cho việc giải quyết nhiệm vụ đó. Tôi hi vọng rằng hiện nay, ít nhất là trong bầu không khí yên tĩnh hơn, nó sẽ được tiếp nhận như nó xứng đáng được hưởng chứ không phải như một lời kêu gọi chống lại bất kì một sự cải thiện hay thử nghiệm nào, như một lời cảnh báo rằng chúng ta phải khẳng định là bất kì sự cải biến nào trong trật tự xã hội của chúng ta cũng phải vượt qua được những cuộc kiểm tra nhất định (được mô tả trong chương trung tâm nói về Pháp trị) trước khi chúng ta dấn bước vào những con đường mà rút lui có thể là việc khó khăn.
o O o
Khi viết cuốn sách này tôi chỉ nghĩ đến độc giả ở Anh, nhưng thực tế cho thấy điều này không ảnh hưởng nhiều đến việc tiếp thu của độc giả Mĩ. Tuy nhiên, ở đây có một điểm trong cách hành văn mà tôi có trách nhiệm giải thích nhằm tránh bất kì sự hiểu lầm nào. Tôi đã dùng xuyên suốt cuốn sách thuật ngữ “liberal - tự do” theo nghĩa gốc, có từ thế kỉ XIX và hiện vẫn thông dụng ở Anh. Trong ngôn ngữ hiện nay ở Mĩ, từ này thường có nghĩa gần như ngược lại. Nó là một phần của sự ngụy trang của phong trào cánh tả ở nước này, được sự trợ giúp của nhiều người ngớ ngẩn thực sự tin tưởng vào tự do, thành ra “liberal - tự do” lại có nghĩa là ủng hộ gần như tất cả các biện pháp quản lí của nhà nước. Tôi vẫn băn khoăn không hiểu tại sao những người thực sự tin vào tự do ở Hoa Kì không những đã để cho cánh tả chiếm mất thuật ngữ cực kì quan trọng này mà lại còn trợ giúp bằng cách tự mình sử dụng nó như là một sự lăng mạ. Đấy xem ra có vẻ như là một điều thực sự đáng tiếc vì hậu quả là nhiều người thực sự theo trường phái tự do lại coi mình là bảo thủ.
Tất nhiên là trong cuộc đấu tranh chống lại những người tin vào nhà nước toàn năng, những người tin vào tự do thật sự đôi khi phải đứng chung chiến tuyến với những người bảo thủ và trong một số trường hợp, thí dụ như nước Anh hiện nay, anh ta sẽ chẳng còn cách nào khác nếu muốn hoạt động tích cực cho lí tưởng của mình. Nhưng chủ nghĩa tự do chân chính vẫn khác biệt với chủ nghĩa bảo thủ, lẫn lộn hai thứ là điều nguy hiểm. Chủ nghĩa bảo thủ, mặc dù là một thành tố cần thiết trong bất kì xã hội ổn định nào, bản thân nó không phải là một cương lĩnh xã hội; với các xu hướng như gia trưởng, dân tộc chủ nghĩa và sùng bái quyền lực, nó thường gần với chủ nghĩa xã hội hơn là chủ nghĩa tự do chân chính; với các thiên hướng nệ cổ, phản tri thức và thường là thần bí, nó không bao giờ, ngoại trừ những giai đoạn vỡ mộng ngắn ngủi, có sức thu hút đối với thanh niên và những người tin rằng muốn thế giới này trở thành tốt đẹp hơn thì phải có một số thay đổi. Do chính bản chất của nó, phong trào bảo thủ nhất định là lực lượng bảo vệ đặc quyền đặc lợi và dựa vào quyền lực của chính phủ để bảo vệ đặc quyền đặc lợi của mình. Ngược lại, cốt lõi của lập trường tự do là phủ nhận mọi đặc quyền đặc lợi, ở đây đặc quyền đặc lợi được hiểu theo đúng nghĩa ban đầu của nó là nhà nước ban tặng và bảo vệ quyền của một số người, trong khi những người khác có cùng điều kiện lại không được hưởng các quyền đó.
Có lẽ tôi cũng cần xin lỗi độc giả vì đã để quyển sách tái xuất hiện với hình thức cũ, không có một chút thay đổi nào, dù đã mười hai năm trôi qua. Tôi đã nhiều lần định viết lại nó, có nhiều điểm tôi muốn giải thích kĩ hơn hoặc phát biểu thận trọng hơn hay củng cố bằng nhiều minh họa và dẫn chứng hơn. Nhưng mọi cố gắng viết lại chỉ chứng tỏ rằng tôi sẽ không bao giờ có thể viết được một cuốn sách ngắn như thế mà lại bao trùm được nhiều lĩnh vực như thế; đối với tôi thì ngoài những giá trị khác mà nó có thể có, ngắn gọn là giá trị lớn nhất của nó. Tôi buộc phải đi đến kết luận rằng nếu tôi muốn đưa thêm bất kì lí lẽ nào khác thì tôi phải làm việc đó trong những khảo cứu riêng biệt. Tôi đã bắt đầu làm điều đó trong nhiều tiểu luận khác nhau, một vài tác phẩm trong số đó đưa ra những thảo luận về các vấn đề kinh tế và triết học mà cuốn sách này mới chỉ chạm nhẹ vào[8]. Tôi đã trình bày nguồn gốc của các tư tưởng mà tôi phê phán trong cuốn sách này và mối liên hệ của chúng với một vài phong trào trí thức ảnh hưởng nhất và mạnh mẽ nhất của thời đại chúng ta trong một cuốn sách khác[9]. Hi vọng rằng sắp tới đây tôi sẽ bổ sung cho cương lĩnh trung tâm quá ngắn của cuốn sách này bằng một khảo cứu rộng và sâu hơn về quan hệ giữa bình đẳng và công bằng.[10]
Tuy vậy vẫn còn một đề tài đặc biệt mà độc giả hi vọng nhân dịp này tôi sẽ bình luận, dù là tôi sẽ không thể giải quyết đề tài này một cách thỏa đáng mà không viết một cuốn sách mới. Chỉ hơn một năm sau khi Đường về nô lệ xuất hiện lần đầu tiên, nước Anh có một chính phủ xã hội chủ nghĩa và chính phủ này đã cầm quyền sáu năm. Và câu hỏi: kinh nghiệm này khẳng định hay bác bỏ các lý giải của tôi là câu hỏi mà tôi phải trả lời dù là một cách ngắn gọn. Sự trải nghiệm này đã củng cố nỗi lo lắng của tôi và, tôi tin có thể nói thêm, đã dạy cho nhiều người cái thực tế về những trở ngại mà tôi đã chỉ ra nhưng ở dưới dạng lí luận trừu tượng vốn không bao giờ thuyết phục được họ. Trên thực tế, ngay sau khi chính phủ Công đảng lên cầm quyền thì một số vấn đề mà tôi phê phán vốn bị người Mĩ coi là ngáo ộp lại trở thành chủ đề chính trong những cuộc thảo luận về chính trị ở Anh. Chẳng bao lâu sau, ngay cả các văn kiện chính thức cũng thảo luận một cách nghiêm túc mối nguy hiểm của chủ nghĩa toàn trị mà kế hoạch hóa kinh tế sẽ tạo ra. Minh họa rõ ràng nhất về thái độ của chính phủ khi logic nội tại của chính sách đã buộc chính phủ xã hội chủ nghĩa bất đắc dĩ phải áp dụng các hình thức cưỡng bức mà nó không muốn bằng đoạn văn trong Ecimomic Survey for 1947 (Báo cáo kinh tế năm 1947 do Thủ tướng trình bày trước quốc hội vào tháng 2 năm đó) và kết luận của nó:
Có sự khác biệt căn bản giữa kế hoạch hóa toàn trị và kế hoạch hóa dân chủ. Kế hoạch hóa toàn trị đặt tất cả mọi nguyện vọng và sở thích cá nhân xuống dưới yêu cầu của nhà nước. Để đạt mục đích đó, nó phải sử dụng những biện pháp cưỡng bách khác nhau, làm cho cá nhân không còn quyền tự do lựa chọn nữa. Những biện pháp như thế có thể là cần thiết ngay cả đối với một nước dân chủ trong những trường hợp khẩn trương của một cuộc chiến tranh lớn. Vì thế người dân Anh đã để cho chính phủ thời chiến quyền điều động trực tiếp nhân lực. Nhưng trong thời bình, người dân một nước dân chủ sẽ không nhượng quyền tự do lựa chọn của mình cho chính phủ. Vì vậy chính phủ dân chủ phải tiến hành kế hoạch hóa nền kinh tế sao cho vẫn bảo đảm được quyền tự do lựa chọn tối đa cho cá nhân các công dân của mình. Điều thú vị trong lời tuyên xưng những dự định đáng ca ngợi này là sáu tháng sau chính chính phủ này cảm thấy rằng trong thời bình họ buộc phải đưa việc cưỡng bức lao động vào sách luật. Nó hầu như không làm giảm giá trị của lời tuyên xưng vì mọi người đều biết rằng nhà chức trách có quyền cưỡng bức nhưng chẳng mấy ai chờ đợi sự cưỡng bức thực sự. Nhưng thật khó nhận ra làm sao chính phủ có thể cứ bám lấy ảo tưởng khi chính trong tài liệu đó nó đã tuyên bố rằng bây giờ chính là lúc “chính phủ chỉ ra cách sử dụng tốt nhất các nguồn lực vì quyền lợi của quốc gia” và “đề ra nhiệm vụ kinh tế cho quốc gia; nó phải chỉ ra cái gì là quan trọng nhất và mục tiêu của chính sách là gì”.
Dĩ nhiên là sáu năm cầm quyền của chính phủ xã hội chủ nghĩa ở Anh chưa tạo ra tình hình tương tự như nhà nước toàn trị. Nhưng cho rằng điều đó đã bác bỏ luận đề của Đường về nô lệ là không hiểu những điểm quan trọng nhất của nó: thay đổi quan trọng nhất mà sự kiểm soát của chính phủ tạo ra là sự thay đổi về tâm lí, thay đổi trong tính cách của người dân. Đây chắc chắn là một công việc chậm chạp, một quá trình kéo dài không phải vài năm mà có lẽ là một hoặc hai thế hệ. Điều quan trọng là lí tưởng chính trị của người dân và thái độ của họ đối với nhà cầm quyền vừa là hệ quả vừa là nguyên nhân của những thiết chế chính trị bao trùm lên cuộc đời họ. Điều đó có nghĩa là bên cạnh những thứ khác, ngay cả một truyền thống tự do chính trị vững mạnh cũng không đủ sức bảo vệ nếu mối hiểm nguy chính là các định chế và chính sách làm xói mòn và phá hủy dần dần tinh thần tự do. Dĩ nhiên là có thể ngăn chặn được hậu quả nếu tinh thần tự do kịp thời lên tiếng và nhân dân không chỉ vứt bỏ cái đảng đã dẫn họ đi ngày càng xa hơn vào hướng nguy hiểm mà còn nhận ra bản chất của hiểm nguy và kiên quyết thay đổi đường lối. Chưa có nhiều cơ sở để tin rằng nhân dân Anh đã nhận ra bản chất của mối nguy và dứt khoát sẽ thay đổi.
Nhưng tính cách của người Anh đã thay đổi, không chỉ dưới thời chính phủ Công đảng mà trong giai đoạn dài hơn rất nhiều, trong đó người dân được hưởng sự bảo trợ của nhà nước phúc lợi mang tính gia trưởng. Khó chỉ ra được những thay đổi này, nhưng người ta dễ dàng nhận thấy chúng nếu sống ở đây. Để minh họa tôi xin trích dẫn một vài đoạn quan trọng từ một nghiên cứu xã hội học khảo sát tác động của quá nhiều quy chế đối với tâm lí của thanh niên. Thực ra đây là chuyện liên quan đến tình hình trước khi chính phủ Công đảng nắm được quyền lực, tức là khoảng thời gian cuốn sách này được xuất bản lần đầu, và chủ yếu khảo sát các hệ quả của những quy chế thời chiến mà chính phủ Công đảng đã làm cho trở thành vĩnh viễn:
Điều đặc biệt là, ở trong thành phố, phạm vi lựa chọn đã biến mất hoàn toàn. Ở trường học, ở nơi làm việc, trên các phương tiện đi lại, ngay cả các thiết bị và dụng cụ gia đình, rất nhiều hoạt động phải coi là bình thường đối với con người đã bị cấm hoặc bị buộc phải làm. Những cơ quan đặc biệt, gọi là Phòng Hướng dẫn Công dân (Citizen’s Advice Bureau), được thành lập nhằm hướng dẫn cho những người rối trí thoát khỏi một rừng luật lệ và chỉ cho những người kiên trì những khoảng trống hiếm hoi mà người ta vẫn có thể lựa chọn… [Chàng trai thành phố] được huấn luyện để không bao giờ động đậy dù chỉ một ngón tay trước khi tìm thấy trong đầu một đạo luật nào đó. Quỹ thời gian của một ngày làm việc bình thường của một thanh niên thành thị bình thường cho thấy anh ta mất rất nhiều thời gian giả vờ làm những việc đã được xác định trước trong các chỉ thị mà anh ta không hề tham gia soạn thảo, mục đích và sự thích đáng của chúng, anh ta cũng không hiểu và không đủ sức phán xét… Kết luận rằng điều chàng thanh niên thành thị cần là anh ta phải có kỉ luật hơn và bị kiểm soát chặt chẽ hơn là kết luận quá vội vàng. Nói rằng anh ta đã phải chịu đựng sự kiểm soát quá mức có lẽ là chính xác hơn…. Quan sát cha mẹ, các anh các chị, anh ta thấy họ cũng bị các quy định trói buộc chẳng khác gì mình. Anh ta thấy họ đã thích nghi với tình trạng đó đến mức ít khi tự mình lên kế hoạch hay gánh vác một trách nhiệm xã hội mới nào. Anh ta chẳng có kế hoạch gì về tương lai, khi tinh thần trách nhiệm mạnh mẽ sẽ có ích cho anh ta hay cho những người khác…. [Những người trẻ tuổi] phải chịu đựng quá nhiều sự kiểm soát mà họ cho là vô nghĩa cho nên họ luôn tìm cách chạy trốn thỏa sức hành động mỗi khi kỉ luật bị buông lỏng[11].
Lo lắng rằng cái thế hệ lớn lên trong những điều kiện như thế sẽ không vứt bỏ xiềng xích mà họ đã quen có thể là thái độ quá bi quan không? Hay điều mô tả bên trên chính là sự xác nhận tiên đoán của De Tocqueville về một dạng nô lệ mới, khi:
Sau khi theo cách đó để lần lượt nắm từng công dân vào đôi bàn tay cực mạnh của mình và nhào nặn nó tuỳ thích, kẻ cầm quyền tối cao dang rộng đôi cánh tay ra toàn bộ xã hội. Nó bao trùm bề mặt toàn xã hội bằng một hệ thống các quy tắc nhỏ nhặt rắc rối, tỉ mỉ chi tiết và đồng loạt, qua đó ngay cả những đầu óc sáng tạo nhất và những tâm hồn mạnh mẽ nhất cũng chẳng thể nào ngoi lên nổi để có thể đi xa hơn toàn bộ đám đông. Nó không bóp nát mọi ý chí con người, nhưng nó làm cho ý chí con người mềm nhũn đi, bắt mọi ý chí phải cúi đầu và điều khiển chúng. Hiếm khi nó bắt con người phải hành động, nhưng nó luôn luôn chống lại khi con người hành động. Nó không thủ tiêu cái gì cả, nó chỉ ngăn chặn sự sinh sôi. Nó không dùng lối bạo hành với ai hết, nó chỉ gây phiền hà, nó đè nén, nó chọc tức, nó làm tắt ngấm, nó khiến cho con người chỉ còn biết há hốc mồm kinh ngạc, và cuối cùng thì toàn bộ dân tộc chỉ còn là một đàn súc vật nhút nhát và cần cù mà chính quyền là kẻ chăn dắt.
Tôi bao giờ cũng nghĩ rằng cái thứ nô lệ chính quy, nhẹ nhàng và thanh bình như tôi vừa mô tả, còn có thể kết hợp tuyệt vời hơn là ta nghĩ với một số dạng thức bề ngoài của tự do, và không phải là nó không có khả năng tạo ra cái gì đó núp dưới bóng chủ quyền nhân dân.[12]
Điều De Tocqueville không xem xét đến là các bạo chúa nhân từ sẽ nắm được cái chính phủ như thế trong bao lâu, trong khi các nhóm côn đồ khinh thường tất cả các phép tắc truyền thống chính trị lại có thể dễ dàng giữ được quyền lực hơn.
Có lẽ tôi phải nhắc lại với độc giả rằng tôi chưa bao giờ lên án các đảng xã hội chủ nghĩa là họ đã cố tình hướng tới chế độ toàn trị hoặc tỏ ra nghi ngờ rằng lãnh tụ của các phong trào xã hội chủ nghĩa cũ đã từng có thiên hướng như vậy. Điều tôi trình bày trong cuốn sách này, và cái mà kinh nghiệm ở Anh thuyết phục tôi còn tỏ ra đúng đắn hơn, là những hậu quả không nhìn thấy trước nhưng không thể tránh khỏi của kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa sẽ tạo ra một tình trạng mà nếu chính sách đó tiếp tục được theo đuổi thì các lực lượng toàn trị sẽ thắng thế. Tôi đã dứt khoát nhấn mạnh rằng “chủ nghĩa xã hội chỉ có thể đưa vào thực tiễn bằng các biện pháp mà đa số những người xã hội chủ nghĩa không tán đồng” và thậm chí còn nói thêm rằng “các đảng xã hội chủ nghĩa kiểu cũ đã bị các lí tưởng dân chủ của họ kiềm chế” và “họ không có sự tàn nhẫn cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ mà họ đã lựa chọn”. Tôi sợ cái ấn tượng sau của mọi người về chính phủ Công đảng: những người xã hội chủ nghĩa Anh ít kiềm chế hơn những người đồng nghiệp xã hội chủ nghĩa Đức hai mươi lăm năm về trước. Chắc chắn là những người dân chủ-xã hội Đức hồi những năm 1920, trong hoàn cảnh kinh tế giống hoặc khó khăn hơn, chưa bao giờ tiếp cận với kế hoạch hóa toàn trị như chính phủ Công đảng đã làm.
Vì không có điều kiện khảo sát ảnh hưởng của những chính sách này một cách chi tiết, tôi xin trích đẫn những đánh giá tóm tắt của các nhà quan sát khác, những người ít bị nghi là có định kiến hơn là tôi. Trên thực tế, những lời chỉ trích dữ dội nhất lại xuất phát từ chính những người mà trước đó không lâu đã từng là đảng viên Công đảng. Ông Ivor Thomas, trong cuốn sách hiển nhiên là để giải thích vì sao ông ta lại bỏ Đảng, đã rút ra kết luận rằng “từ quan điểm những quyền tự do căn bản của con người thì chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội quốc gia[13] cũng chẳng khác nhau là mấy. Đấy đều là những thí dụ về nhà nước theo chế độ tập thể hay toàn trị mà thôi… về bản chất, không chỉ chủ nghĩa xã hội đã hoàn tất chính là chủ nghĩa cộng sản, mà nó cũng chẳng khác chủ nghĩa phát xít là bao[14]”.
Tiến triển nghiêm trọng nhất là sự gia tăng mức độ cưỡng bức hành chính độc đoán và sự phá hủy ngày càng gia tăng nguyên tắc Pháp trị, tức là nền tảng của nền tự do Anh, như đã được thảo luận trong chương 6. Quá trình này dĩ nhiên đã bắt đầu từ lâu trước khi chính phủ Công đảng lên cầm quyền trong thời gian gần đây và đã bị chiến tranh làm cho mạnh thêm. Nhưng các cố gắng kế hoạch hóa nền kinh tế dưới thời chính phủ Công đảng đã dẫn đến tình hình là liệu có thể nói nguyên tắc Pháp trị vẫn còn giữ thế thượng phong ở Anh nữa hay không. “Chế độ chuyên quyền mới” mà Ngài Chánh án Tối cao đã cảnh báo hai mươi lăm năm trước, như tờ The Economist nhận xét gần đây, không chỉ là nguy cơ mà đã là sự kiện chắc chắn rồi[15]. Đấy là chế độ chuyên chế được một bộ máy quan liêu tận tâm và trung thực sử dụng để thực hiện cái mà họ chân thành tin là có lợi cho đất nước. Nhưng đây lại là một chính phủ độc đoán, quốc hội không thể kiểm soát nó một cách hữu hiệu, bộ máy của nó có thể hoàn thành mọi mục đích, trừ những mục đích nhân từ mà lẽ ra nó phải thực hiện. Một luật gia danh tiếng người Anh, sau khi tiến hành phân tích một cách cẩn thận các xu hướng đó mới đây đã đi đến kết luận: “Ở nước Anh hiện nay, chúng ta đang đứng ngay bên bờ vực của chế độ độc tài. Sự chuyển hóa là dễ dàng, nhanh chóng và có thể thực hiện một cách hoàn toàn hợp pháp. Rất nhiều bước theo hướng này đã được tiến hành, và vì chính phủ hiện nay đã nắm được quyền lực tuyệt đối và không có sự kiểm soát thực sự nào theo các điều khoản của hiến pháp thành văn hay một Hạ viện hữu hiệu, những bước còn lại so ra là không đáng kể[16]”.
Xin giới thiệu một báo cáo phân tích chi tiết chính sách kinh tế của chính phủ Công đảng Anh và những hậu quả của nó với nhan đề Ordeal by Planning (Sự thách thức của kế hoạch hóa) của giáo sư John Jewkes (London: Macmillan & Co., 1948). Đây là thảo luận hay nhất, mà tôi biết, về thí dụ cụ thể của nhưng hiện tượng được bàn đến dưới dạng tổng quát của cuốn sách này. Nó là bổ sung tốt nhất cho cuốn sách mà tôi có thể đưa ra thêm ở đây và cũng là bài học quan trọng không chỉ đối với nước Anh.
Có vẻ như ngay cả khi một chính phủ Công đảng mới lên cầm quyền ở Anh thì nó cũng sẽ không tiếp tục những cuộc thử nghiệm quốc hữu hóa và kế hoạch hóa trên quy mô lớn nữa. Nhưng ở Anh, cũng như ở bất kì nơi nào khác trên thế giới, việc đánh bại cuộc tấn công quyết liệt của chủ nghĩa xã hội chỉ mới tạo cho những người lo lắng giữ gìn tự do một chút giải lao nhằm xem xét lại những tham vọng của chúng ta và loại bỏ nốt những di sản của chủ nghĩa xã hội có thể gây nguy hiểm cho xã hội tự do. Không có một quan điểm xét lại như thế về các mục tiêu xã hội của chúng ta thì chúng ta sẽ tiếp tục bị cuốn trôi theo cái hướng mà chủ nghĩa xã hội triệt để chỉ đơn thuần đưa chúng ta đi nhanh hơn một chút mà thôi.
F. A. Hayek
Chú thích:
[1] Thí dụ điển hình nhất về sự phê bình cuốn sách từ phía cánh tả ở Anh là nghiên cứu nhã nhặn và thẳng thắn của bà Barbara Wootton, Freedom under Planning (London: Georege Allen & Unwin, 1946). Ở Mĩ người ta thường trích dẫn tác phẩm này như một lời phản bác hữu hiệu những lí lẽ của tôi, tuy vậy tôi có cảm giác rằng nhiều độc giả cũng có cảm tưởng như một nhà bình luận Mĩ đã nói: “Dường như về căn bản nó khẳng định luận đề của Hayek” (Chester I. Barnard, Southern Economic Journal, January, 1946).
[2] Lúc đó tôi đâu có biết rằng, như một cố vấn cho một trong các hãng đã tự nhận từ khi ấy, đây không phải là do nghi ngờ về sự thành công của cuốn sách mà là do thành kiến chính trị, đến mức cho cuốn sách là “không phù hợp đối với một nhà xuất bản có danh tiếng” (Xem tuyên bố của William Miller được W. T. Couch trích dẫn trong “The Sainted Book Burners”, The Treeman, April, 1955, p. 423, và William Miller, The Book Industry: A Report of the Public Library Inquiry of the Social Science Research Council (New York: Columbia University Press, 1949), p. 12).
[3] Đóng góp không nhỏ cho thành công là việc xuất bản bản rút gọn trên tờ Reader’s Digest, và tôi xin bày tỏ ở đây sự chứng nhận công khai tài khéo của các biên tập viên tạp chí trong việc rút gọn tác phẩm mà không có sự trợ giúp của tôi. Chắc chắn là việc nén một chủ đề phức tạp xuống chỉ còn một phần độ dài ban đầu của nó sẽ tạo ra sự đơn giản hoá quá mức, nhưng việc rút gọn mà không làm méo mó và tốt hơn là chính tôi tự làm đã là một thành công đáng kể rồi.
[4] Độc giả nào muốn thấy một tiêu bản về sự bất lương và thóa mạ có lẽ là có một không hai trong thảo luận học thuật đương thời xin đọc Rond to Reaction (Boston: Little Brown & Co., 1945) của giáo sư Herman Finer.
[5] New Deal - Chính sách do Tổng thống Roosevelt đưa ra vào năm 1932 - ND.
[6] trò chơi cũ - tiếng Pháp - ND.
[7] Không nghi ngờ gì rằng tác phẩm 1984 của George Orwell là tác phẩm hữu ích nhất trong số đó. Ông Orwell trước đó cũng vui lòng phê bình cuốn sách này.
[8] Individualism and Economic Order (Chicago, 1948).
[9] The Counter Revolution of Science (Glencoe, III., 1952).
[10] Một phác thảo ban đầu về chủ đề này được ấn bản bởi Ngân hàng quốc gia Ai Cập dưới dạng cuốn sách gồm 4 bài giảng có tên: The political Ideal of the Rule of Law (Cairo, 1955).
[11] L. J. Bames, Youth Service in an Enghlish Country: A Report Prepared for King George’s Jubilee Trust (London, 1945).
[12] A, de. Tocqueville, Democracy in America, Part II, Book IV, chap. VI, [Bản dịch của Phạm Toàn: Tocqueville, Nền dân trị Mỹ, Tập Phần IV, Chương VI, trang 494-495.] Phải đọc cả chương này mới thấy hết sự sáng suốt của De Tocqueville, ông đã tiên đoán được ảnh hưởng tâm lí của nhà nước phúc lợi hiện đại. De Tocqueville thường nói tới “tình trạng nô lệ mới” và đấy chính là gợi ý cho nhan đề của cuốn sách này.
[13] Dịch từ National Socialism như đã nói trọng chú thích 9 - ND.
[14] The Socialist Tragedy (Bi kịch của chủ nghĩa xã hội, London: Latimer House Ltd., 1949), pp, 241 and 242.
[15] Trong bài báo trong số ra ngày 19 tháng 6 năm 1954, thảo luận về The Report on the Public Inquiry Ordered by the Minister of Agriculture into the Disposal of Land at Crichel Down (Báo cáo về yêu cầu công cộng đối với việc bán đất ở Crichel Down do Bộ nông nghiệp đặt hàng, Cmd. 9176; London: H. M, Stationery Office, 1954), những người quan tâm đến tâm lí học của bộ máy kế hoạch hoá quan liêu rất nên nghiên cứu kĩ lưỡng tài liệu này.
[16] G. W., The Passing of Parliament (Sự cáo chung của nghị viện, Lon don, 1952).
Đường Về Nô Lệ Đường Về Nô Lệ - Friedrich Hayek Đường Về Nô Lệ