Số lần đọc/download: 1195 / 11
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 6 -
C
ả ngày ông Cửu cứ khọc khọc ho. Mỗi lần ho người ông co rúm lại, mồ hôi vã ra và nước mắt chảy đầm đìa. Tuổi già sức yếu, khí hậu lại thay đổi bất thường ngày nóng đêm lạnh nên ông nhuốm bệnh sau khi xuống Texas được một tuần.
Nhà của Hạnh ở là khu housing tệ nhất vì nó nằm gần sát chân núi, giống như lọt vào trong lòng chảo. Ban ngày nóng đổ mồ hôi, gió không hề lai vãng bởi sức cản của những vách đá cao. Ngột ngạt, nóng, khô ráo, bằng đó thứ khiến người ông như bị nấu chín trong dãy nhà gạch đúc nóng như lửa. Nhà có máy lạnh nhưng máy lạnh đối với Hạnh quá xa xỉ phẩm. Không quen ở trần nên ông cứ phải vào phòng tắm đắp nước lên mặt. Ban đêm hơi lạnh từ vách đá tỏa ra, sương mù xuống thấp quyện trắng chân núi. Trong cái không khí ẩm ướt và độc địa của núi đồi, bà Cửu may mắn hơn ông tuy người cũng bần thần ngất nga, ngất ngưởng. Sợ ông bệnh nặng, Hạnh nhường cái giường kingsize của mình, nhưng ông đâu nỡ nhẫn tâm để ba đứa chắt nằm lăn lóc dưới đất với mẹ chúng.
Nhà có bốn mẹ con, thêm ba đứa em ở lậu vừa trai lẫn gái mà chỉ có hai phòng. Ngày đầu ông bà đến, Phụng, em gái Hạnh, ôm mền ra phòng khách nằm chung đụng với những thằng con trai. Chúng nó lớn cả mà nằm tênh hênh giữa nhà với đám thanh niên lố nhố bốn, năm đứa coi sao được nên ông nhất quyết bắt Phụng và bà Cửu nằm chung một phòng. Còn lại ba ông cháu và hai thằng bạn cùng lớp nằm với nhau. Thằng Toan nhường cho ông chiếc ghế salon. Ghế bọc bằng lớp da giả nên mỗi lần ông trở mình lại kêu rào rạo. Đã vậy nó rách tơi tả còn hơn ghế ở nhà ông nên mùi nước tiểu lâu ngày ngấm theo khe hở xông nồng nặc bít kín hai lỗ mũi làm nhức cả đầu, không tài nào ngủ được. Ông kéo mền xuống thảm nằm nhưng thảm rẻ tiền mỏng và cứng như vải bố. Đã chật lại còn đau rền người và mùi thảm cũ cũng không khá hơn mùi nước đái.
Ngày trước, ông cứ nghĩ Nụ là người nghèo tận cùng đâu ngờ Hạnh lại còn nghèo khổ cơ cực hơn. Hai vợ chồng lấy nhau được sáu năm mà đến căn nhà cũng chẳng có phải xin housing. Thằng Hậu chẳng nghề ngỗng, học hành cũng không, cứ ăn no rồi lại tụ bè kết đảng lêu lổng cộng thêm vợ đẻ năm một nên nghèo vẫn nghèo hoài. Năm ngoái, thằng chồng ngon ngọt bảo nếu làm giấy ly dị, chính phủ sẽ nuôi cả bốn mẹ con thêm được mười tám năm nữa mà không bị kêu lên sở hạch sách, nay bắt đi làm, mai bắt xin việc và thời gian ấy nó đi làm chui mang tiền về tha hồ xài. Con vợ nghe lời làm giấy tờ thủ tục nhưng ly dị được tháng trước, tháng sau thằng chồng đi biệt tăm. Cũng may, nhờ có được welfare, foodstamp mà mẹ con Hạnh không đến độ cùng cực phải tự tử. Khổ nỗi đàn con nheo nhóc, đứa lớn nhất năm tuổi, đứa nhỏ đang chập chững biết đi nên cả ngày Hạnh chỉ quanh ra quẩn vào, lo cho bằng đó đứa là đã mệt nhoài còn thời giờ đâu tính chuyện đi làm thêm để dành dụm cho tương lai mai sau. Lý do để Hạnh véo von ông bà ngoại xuống cũng chính vì quyền lợi của mình. Hạnh nghĩ có ông bà sẽ đỡ đần công việc trong nhà, lo lắng cơm nước và nhất là coi sóc đám chắt nghịch phá hơn giặc để Hạnh rảnh tay đi làm. Ai ngờ chưa gì hết ông đã ngã bệnh, chẳng những không bớt được gánh nặng mà còn thêm người thêm việc.
Mấy hôm đầu thời giờ co thắt, tiền bạc chẳng dư giả mà phải chi phí thêm những tiền trời ơi đất hỡi nên Hạnh bực dọc không ít. Đã vậy khu housing làm gì có đất trồng cấy mà cứ vài ngày Hạnh lại phải bỏ ít tiền mua phân, thuốc sâu hoặc thuốc kiến để làm vui lòng ông bà. Khoảng sân sau bề rộng hai thước, bề dài vừa đúng một thước bị bít kín bằng hàng rào kẽm gai ngăn chận đám cỏ dại mọc um tùm bên ngoài. Sợ cỏ bò cả vào trong sân nên Hạnh lấy những miếng thảm cũ để đè lên bên trên, vừa cho đám trẻ có chỗ sạch sẽ để chơi vừa đỡ phải bỏ công nhổ cỏ vậy mà chợt thấy ông bà trầm ngâm nhìn khoảng sân bên kia rào Hạnh đã chột dạ. Tối đến nghe ông bà dự định sẽ khai phá miếng đất hoang trồng ít rau là Hạnh phản đối ngay. Chung quanh tuy không ai trồng cấy nhưng việc chiếm đất cắm dùi đối với Hạnh rất kỳ, lại nữa đất khô cứng như đá nên mua phân trộn vào chỉ toi tiền.
- Đừng lo vì ông ngoại đã có cách. Mỗi ngày cứ chứa nước vo gạo và nước tiểu của nhà này thì cũng thừa khối đi.
- Nước tiểu của tụi nhỏ ở đâu mà ông lấy? Hạnh ngạc nhiên.
- Có gì khó đâu, kiếm cái thùng nhựa để ngay ngoài vườn, mỗi sáng ông cháu dậy ra đó tiểu là xong ngay chứ gì. Nước tiểu để nẫu lên tưới rau là phải biết.
Hạnh đâu còn lạ gì lối trồng rau của những người nhà quê. Có điều họ làm thì không sao còn mình làm như thế chỉ tổ sự ghê hãi cho những người sống chung quanh mà đa số là Mễ và Mỹ đen.
- Nhưng hôi lắm ông ạ! Hạnh vẫn dãy đay đảy.
- Chúng mày đừng sợ. Cái thùng để xa như thế lại có nắp đậy.
- Ông nghĩ thế nào khi cả nhà ra ngoài đó kéo quần xuống?
- Chỗ nào dự định đặt thùng nước tiểu thì đừng có phát cỏ. Mày xem cỏ dại mọc cao lên tới bụng, tài Thánh cũng chẳng khám phá ra.
- Nhưng phá hàng rào ăn trộm sẽ trèo vào còn làm cổng ai cho mình làm?
- Ai bảo phải phá rào? Đi vòng đàng trước đã chết ai. Ở nhà chính phủ xài nước chùa không trồng rau là dại.
Hạnh có vẻ xiêu lòng khi nghĩ đến những rổ rau hái vào nhà mỗi ngày, ít nhất cũng bớt được cả chục đồng tiền chợ hàng tuần. Hôm sau Toan và Cường phụ ông phá hết đám cỏ rậm. Tưởng dễ mà lại khó, phải mất hai ngày mới xong mảnh vườn nhỏ. Vài gia đình người Mỹ bên cạnh cũng tò mò ra xem, khi biết ông bà ngỏ ý trồng rau họ chỉ cười không nói gì.
Ba dãy đất gồ cao nằm ba hàng song song khô màu đất sét, ông Cửu rắc đến bốn lượt phân và đất đen mà vẫn biến đi đàng nào. Làm vườn cả gần một đời, ông vẫn không hiểu tại sao đất ở đây lại xấu đến thế. Đất xấu trồng chỉ công toi nhưng ông vẫn cứ gieo hạt. Gieo hạt được vài ngày thì ông ngã bệnh, bà Cửu tiếc công chồng nên mỗi ngày đều lần mò ra ngoài chăm bón cho hột mau nảy mầm. Buổi sáng còn đang mù sương, bà đã có mặt ở ngoài vườn vì sợ mặt trời lên, nắng dễ làm cho cơ thể mệt mỏi và chóng bắt bệnh, ai ngờ luống đất san bằng phẳng hôm qua, hôm nay đã gồ từng đụn cao vì kiến đùn. Những hạt giống biến mất nhanh chóng, y như quạ đói rỉa xác chết. Bà bắt Hạnh mua thuốc kiến, hết thuốc nước rồi lại đến thuốc bột nhưng kiến vẫn từ đâu ùn ùn kéo đến như đoàn quân chiến thắng diễn hành qua khán đài. Cuối cùng bà phải nghĩ ra cách đào cái rãnh nhỏ chạy chung quanh những luống rau và rắc đều thuốc lên đó. Bà đã thành công nhưng mầm rau rất èo ọt, èo ọt như sức khoẻ của ông hiện tại.
Đã già cả yếu đuối lại thêm bệnh tật, cứ đêm xuống là ông trằn trọc khó ngủ. Hết lăn qua rồi lộn lại, đầu óc ông bị phân tán bởi tiếng khóc nhèo nhẹo của đám chắt lẫn những tiếng ngáy mang đủ âm điệu của đám thanh niên. Đã vậy dán mẹ dán con từng đàn thay phiên nhau tấn công trên mặt, mũi ông cùng những vùng hở của da thịt. Cái nhói đau không làm cho ông khó chịu vì cùng lắm chỉ như muỗi cắn, nhưng những nốt chân nó bò khiến cảm giác rờn rợn và nhột nhạt chạy khắp châu thân. Ông nằm tưởng tượng ra những cái chân nhỏ tí xíu như sợi râu cứng đã từng bò vào thức ăn, chui vô thùng rác, rúc cả vào phòng tắm, leo lên bồn cầu, hít, ngửi, ăn rồi lại bò ra... và dừng lại nơi mồm, mũi, tai của ông, nơi có những lỗ hở đầy thơm tho khiêu gợi mà rất có thể trong lúc luống cuống nó quên cả việc quay đầu để tìm lối ra. Đầu óc ông căng thẳng trong khi tay cứ táy máy cử động không ngừng vì phải chiến đấu với lũ dán háo thắng. Nhưng giết cho lắm cũng phải có lúc ghê tay, chất lầy nhầy trắng ởn nằm trong cái bụng căng tròn sẵn sàng vỡ ra bất cứ lúc nào ông đụng vào người nó. Mỗi lần giết xong ông lại lấy tay chùi xuống thảm, vậy mà cái mùi hôi nồng của cứt dán như mãi dính sâu trong hốc mũi ông.
Cũng có nhiều đêm, vừa chợp mắt thì cơn mộng khủng khiếp hiện đến, không té sông, té cầu, té ao thì cũng rơi từ trên cao xuống, lần lượt, lớp lang, thứ tự và lập đi lập lại như người ta coi một đoạn phim đã cũ rích. Cảm giác chơi vơi, hụt hẫng không nơi bám víu mới sợ hãi vì giống như ông bị hất văng từ một điểm cao cheo meo và cứ thế vùn vụt rơi xuống. Ông nghe tiếng gió kêu vù vù, máu dồn hẳn xuống mặt và chỉ chực trào ra khỏi cuống họng nhưng điểm tới không bao giờ có nên hễ cứ đang trong trạng thái chơi vơi là ông bừng tỉnh. Mơ thì sợ mà tỉnh cũng không khá hơn, chung quanh ông bóng tối vẫn bao trùm, nỗi bàng hoàng chưa kịp lắng đọng thì niềm mất mát từ đâu tràn tới. Không biết tại sao nó lại đến quá vội vã nhưng rõ ràng không phải từ giấc mơ. Trong giấc mơ ông thấy mình vuột ngã nhưng khi tỉnh dậy lại thấy một vật gì vuột khỏi từ tay mình. Mất mát? Ông đã có gì đâu mà mất mát? Thất vọng? Chưa, mọi chuyện tiến hành tốt đẹp và đang ở trong trạng thái chờ đợi. Vợ Hậu đã liên lạc với hội và đang chờ ngày "in tẹc viu". Như vậy thì tại gì? Mãnh lực sáu trăm đô la không thể tạo cho ông sự buồn chán được. Vậy thì tại gì? Tại sao ông lại nằm mơ? Ông lăn qua rồi lộn lại trên tấm thảm cứng và hôi tiếp tục suy nghĩ. Tiếng ngáy đều đều của đám con trai chung quanh? Tiếng i ỉ khóc của thằng chắt út? Cuộc sống xô bồ hỗn tạp? Có phải từ đó không? Có phải vì kiếp sống không ngày mai hay cuộc đời ông không biết gãy gánh lúc nào? Ông chợt bàng hoàng... Nếu muốn giữ trọn số tiền sáu trăm cho đến mười, mười hai năm, liệu ông có thể kéo lê mãi kiếp sống chung chạ, bẩn thỉu như thế này? Liệu số tiền đó có bị thất thoát vì lũ cháu nghèo đói xác xơ kia? Đêm lạnh nhưng mồ hôi ông cứ vã ra cùng với niềm lo sợ cứ thế loang dần...
- Con mua cho ông lọ thuốc ho, uống vào khỏi ngay ấy mà!
Hạnh từ ngoài bước vào cầm lọ thuốc Tussin DM lắc đều trước khi rót ra muỗng. Ông Cửu vẫn ngồi im trên ghế salon, cổ quấn khăn quàng màu trắng tinh làm nổi bật những vật dơ bẩn, cũ kỹ chung quanh.
- Ai mà quấn một cục như vậy hả ngoại? Để con lấy cái khăn mỏng hơn, nó cũng bằng len còn tốt lắm.
Hạnh bỏ vội lọ thuốc lên bàn chạy nhanh vào phòng lôi chiếc khăn cũ của chồng. So với cái khăn của ông Cửu thì nó thua một trời một vực nhưng một khi lòng tham trổi dậy Hạnh đâu còn biết liêm sỉ mà chỉ tìm cách lấy cho bằng được. Chẳng hiểu sao cậu Phước lại làm đỏm cho ông ngoại dữ vậy. Già rồi, khăn nào chẳng được mà phải tìm loại đan bằng tay vì từng múi đan nổi gồ lên giữa những lỗ rua thật công phu tỉ mỉ. Chưa cầm nhưng Hạnh cũng biết thuộc loại mắc tiền vì trông nó mềm rũ. Từ lâu Hạnh vẫn mơ có một chiếc khăn quàng cổ thật đẹp như những tài tử minh tinh đóng trong phim khi họ đi dạo thơ thẩn trên bờ hồ. Hạnh tưởng tượng ra gió sông lồng lộng thổi sẽ làm mắt Hạnh mơ màng thêm và mái tóc dài sẽ được dịp tung bay, chắc chắn phải đẹp lắm chứ không lam lũ như hoàn cảnh hiện tại.
Hạnh đẹp, nàng biết, nhưng không sửa soạn, không có tiền để sửa soạn thì đúng hơn. Thêm vào đó đàn con quấy khóc, bòn đẽo giấc ngủ và lũ em chỉ biết ăn rồi đi rẽo cả ngày đã khiến Hạnh quên tuổi xuân và quên rằng mình đang là kẻ chưa chồng. Chưa chồng hay chồng bỏ đối với Hạnh không thành vấn đề chỉ biết rằng trên pháp lý Hậu không còn là chồng và trong tình cảm hắn cũng đi ra khỏi cuộc đời nàng ngay từ lúc vừa ký giấy ly dị. Hạnh không đến nỗi ngu dại không biết Hậu gài mình và cũng không phải Hạnh không biết ký giấy xong Hậu sẽ như con chim xổ lồng bay mãi không về nhưng thà thế còn hơn là nuôi mãi một thằng đàn ông lười biếng và tiếp tục sanh nở cho tàn tạ cuộc đời.
Mọi người chung quanh và ngay họ hàng đều nghĩ rằng Hạnh là kẻ đáng thương bị bỏ rơi chứ đâu biết nàng cũng muốn bỏ rơi chồng. Ký giấy xong Hạnh thấy như vừa trút khỏi một gánh nặng, quá nặng trong cuộc đời nhưng ngược lại nàng phải tự một mình đeo thêm gánh nặng con cái. Ai ngờ ông bà ngoại lên ở thật đúng lúc...
- Ngoại ạ, cái khăn đẹp không? Con đổi luôn cho ngoại nhé?
Không đợi ông trả lời, Hạnh gỡ nhẹ từng vòng khăn quấn quanh cổ ông Cửu. Mùi dầu khuynh diệp bay ra khiến nàng khịt khịt mũi ra chiều khó chịu.
- Ông ho bôi dầu mà hết à?
Ông Cửu đỡ chiếc khăn cũ của Hạnh vừa quấn vào chỗ cũ vừa trả lời:
- Ông còn ngậm nữa chứ bôi mà ăn thua gì. Hôm trước con đưa cho ông lọ thuốc, uống hết rồi có thấy bớt tí nào đâu.
- Hôm nay con đổi thuốc khác cho ông. Bác sĩ cũng chỉ chữa như vậy là cùng.
Hạnh rót thuốc vội vàng đưa lên miệng ông rồi ôm chiếc khăn vào phòng như đương nhiên ông đã chấp nhận. Bà Cửu mải chơi với đám cháu ở sau nhà nên tha hồ cho Hạnh đỏm dáng, nhìn ngắm bóng mình trong gương. Đã lâu lắm Hạnh không có dịp nhìn tỉ mỉ như vậy. Một vài vết nám mờ hiện ra sau làn da trắng xanh, hai vòng mắt thâm quầng đã nổi thêm những mạch máu tím xanh nhỏ li ti và khóe nhăn từ đuôi mắt hiện lên khi Hạnh hơi nhếch môi cười. Hai mươi tám tuổi, Hạnh giật mình. Không lẽ mình tàn tạ mau như thế này sao? Hai mươi tám tuổi, lứa tuổi của mộng mơ, ăn chơi và bồ bịch. Còn nàng? Bảy năm lấy chồng, ngụp lặn trong ân ái tạm bợ, bó chân trong hôn nhân ràng buộc cũng chỉ vì lầm lỡ chọn lựa. Sự lầm lẫn nào lại không phải trả cho nó một cái giá?
Giờ đây mọi chuyện đã qua rồi, gẫy đổ hôn nhân chính là kinh nghiệm, là bàn đạp cho Hạnh sống vươn lên. Khốn nỗi Hạnh còn non nớt trong tình trường, con chim chưa đủ lông cánh càng muốn bay cao thì càng té đau. Trong đầu Hạnh choán ngập những ước vọng cao vời. Nàng đang mơ ăn diện thật đẹp đi với người tình dạo phố Tàu, mơ được ngồi trên chiếc sport màu đỏ mới tinh phóng như bay trên xa lộ trước những con mắt dòm ngó thèm thuồng của chúng bạn hoặc được ngồi trong một nhà hàng sang trọng với những món ăn thịnh soạn...
Người tình của Hạnh chưa có và cũng chưa thành hình trong niềm mơ ước nhưng chắc chắn sẽ không có cái miệng khéo ăn, khéo nói, khéo tán tỉnh như Hậu. Không khố rách áo ôm, không một túp lều tranh hai quả tim vàng như hồi mới gặp Hậu. Thực tế và những đói khổ đã cho Hạnh sáng mắt. Với Hạnh thì con người ta ở thời nào, xứ sở nào cũng phải sống nhờ tiền và hạnh phúc chỉ là phần phụ thuộc đi đàng sau. Không có hạnh phúc, con người vẫn sống khỏe nhưng không có tiền liệu có còn gang cổ ra mà tán tỉnh yêu đương? Có điều muốn kiếm thằng bồ đúng ý ít ra cũng phải có mã. Bao năm hưởng trợ cấp xã hội, có bao giờ Hạnh dám mơ đến những quần áo thời trang, những loại son phấn mắc tiền? Muốn có mã phải có tiền. Muốn có tiền phải đi làm chui.
Đầu óc Hạnh tưng bừng sắp đặt một kế hoạch đại quy mô nhất là chiếc xe thổ tả nay chạy mai không sẽ phải thay bằng chiếc khá hơn để đi làm ngày một, và rồi áo quần, phấn son... Nàng phải làm lại cuộc đời. Cuộc đời phải được xoay chiều ngay khi ông bà ngoại đến. Núi tiền, vị cứu tinh, thần tài, bùa hộ mạng... tất cả phát nguồn từ ông bà ngoại. Mặt Hạnh rạng rỡ. Trong gương bây giờ không còn là Hạnh héo hắt, muộn phiền mà thay vào đó một thiếu nữ đang xuân với tâm hồn tràn trề yêu đương lẫn hy vọng và một trái tim căng đầy nhựa sống.
Ông Cửu ghét cái thằng ngồi ở phòng khách. Trời nóng như đổ lửa mà hắn khoác chiếc áo rộng thùng thình dài qua đầu gối, nửa giống ba đờ suy vì nó kêu rào rạo khi cử động lại thêm túi trên túi dưới, cầu vai lớn, cầu vai nhỏ, nửa giống như áo của người sửa đường xá cầu cống. Hắn yểu điệu ngồi ở mép ghế như sợ dơ áo với cung cách trịnh trọng giống như phường tuồng. Hai tay khoanh ngang ngực chán chê, hắn thọc vào túi áo rút ra bao thuốc 555 lấy một điếu đưa lên miệng rồi mồi lửa phều phào hút. Môi hắn bập bập, hơi khói nửa muốn đẩy ra nửa muốn giữ lại tiếc nuối và mắt hắn lim dim, mơ màng nhìn lên trần nhà. Đôi mắt mà với ông, nó lờ đờ mệt mỏi như mắt của con cắc kè đang say thuốc. Rời khỏi chỗ nấp vì không giữ nổi cơn ho, ông đẩy cửa húng hắng ôm ngực bước ra ngoài. Hắn khẽ kiểu cách nhổm dậy nghiêng đầu chào khi nhìn thấy ông rồi lại ngồi xuống thản nhiên vờn với khói thuốc. Ông Cửu ngồi xuống ghế đối diện tiếp tục ôm lấy ngực. Cơn ho bị giữ lại đến cả hơn một phút nên khi được dịp bung ra kêu khòng khọc như muốn xé buồng phổi. Nước mắt ông chảy ra giàn giụa trong khi chân tay lại co quắp tìm điểm bám.
- Hạnh ơi!
Hắn gọi gấp rút trong khi hai tay quá thừa thãi chẳng biết dùng để làm gì. Có thể hắn sợ đụng vào người ông vi trùng ho lao sẽ phóng sang chui tọt vào miệng hoặc cũng có thể hắn sợ đỡ ông thì những mùi gây gây, hôi hám, bệnh hoạn sẽ ảm vào chiếc áo mới làm buổi đi chơi với Hạnh mất cả thú vị.
- Gì vậy anh? Em sửa soạn sắp xong, sẽ ra ngay bây giờ.
Thì ra mọi chuyện chúng tự hiểu ngầm với nhau. Ông tưởng thằng phường tuồng kêu con ranh ra đỡ ông nằm ngả trên ghế, ai ngờ chúng gọi nhau để đi cho lẹ tránh nhìn cảnh bệnh hoạn của mình. Máu nóng dồn lên mặt, vừa dứt cơn ho ông đã điểm ngay vào mái tóc nhuộm đỏ dựng đứng như bờm ngựa, thứ này có lạ gì với ông đâu, hạng tép riu đua đòi chưa xứng đáng được liệt vào dân bụi đời, tay ông vung mạnh nên phải dùng sức, thay vì điểm vào mặt ông lại vòng ôm chặt lấy ngực. Cơn ho tiếp tục kêu như súng nổ khiến người ông gập hẳn xuống. Thằng khốn kiếp, ông mà nói được thì mày chết với ông. Nghĩ như thế nhưng qua kinh nghiệm của bao nhiêu lần ho, càng cố nín càng ho mạnh, vì vậy chẳng ngại ngùng, sượng sùng với quân mặt dầy, cứ thế ông ôm ngực ho lấy ho để.
Lúc ấy bà Cửu đang tưới rau ngoài vườn nghe cháu kêu vội vàng chạy vào. Với bà làm dịu cơn ho là chỉ có nhấm chút rượu cho ấm ngực. Mấy hôm nay uống thuốc mãi nóng lở cả mồm miệng, bà chuyển sang rượu đế cho ông chữa cấp thời. Mỗi ngày ngoài trừ hai bữa cháo đậu, bà còn chưng thêm đường phèn và chanh cho ông ngậm.
- Con Hạnh đâu, ông ngoại ho thế mà không chạy ra với ông một chút.
Bà tất tả đến bên ngả người ông dựa vào thành ghế cho dịu bớt cơn ho rồi mới xuống bếp rót ra ly đế. Giọng bà nghèn nghẹn như khóc:
- Nhấm tí thôi ông nhé! Đừng như mấy lần trước say ngất ngưởng nên cứ nằm li bì.
Thực ra bà lo hơi quá. Xưa rày ông uống đế như người ta uống nước lã. Có điều bỏ đế đã lâu lại thêm cơn ho làm ông mệt mỏi thiếp đi chứ nào phải say rượu.
- Ông ho đến hai tuần mà không khỏi hay là đi bác sĩ?
Bà Cửu lo lắng lấy khăn tay trong túi áo lau những giọt mồ hôi nằm sâu giữa những nếp nhăn trên mặt chồng trong khi ông nằm thở dốc. Uống vào tí rượu hay tí nước chính ông cũng không biết nhưng thật công hiệu, cơn ho cứ thế hạ dần.
- Không khéo sưng phổi mất.
Bà bồn chồn đưa mắt nhìn vào trong nhà ngóng Hạnh mà hầu như quên mất thằng tóc đỏ đang ngồi cứng đơ như khúc gỗ.
- Hay để tôi bảo con Hạnh chở ông đi liền bây giờ nhé?
- Phải có hẹn trước mới khám được. Thằng tóc đỏ buột miệng như sợ buổi đi chơi với Hạnh bị cản trở.
Bà Cửu giả bộ giật mình nhìn lên khi nghe tiếng người lạ:
- Ủa, lại cậu nữa à?
- Vâng, cháu đến chở Hạnh đi xin việc làm. Hắn cố lấy giọng thản nhiên.
- Đi gì đi lắm thế! Mấy ngày liền cũng chưa xong.
- Vâng, nhiều khi xin cả tháng.
Tuần rồi Hạnh lôi ở đâu về thằng cô hồn. Không phải chỉ có bà nói thế mà ngay đám em con Hạnh cũng đều nhao nhao phản đối nhưng Hạnh đâu phải tay vừa, giọng nó đáo để:
- Tao có định lấy nó làm chồng đâu mà chúng mày phê bình? Người ta đến chở dùm, chúng mày không cho đến miếng nước mà còn chõ mõm vào.
- Xin việc gì cái ông ấy. Em còn biết ông ta có những hai con bồ già để đẽo tiền. Cái thứ chuyên môn gạt gẫm.
Hạnh không thèm cãi tay đôi với em gái, nàng quay sang ông bà ngoại nói như phân trần:
- Quân này chúng nó ích kỷ như vậy đấy ông bà ạ! Rúc một xó cả ngày làm con ăn đầy tớ lo cơm nước cho chúng thì tử tế lắm, còn không cứ nói càn nói bừa rồi muốn ra sao thì ra.
Hạnh quay sang lũ em trai nói lớn như đánh tiếng trước:
- Còn chúng mày nữa, liệu mà tự lo cơm nước lấy. Mai mốt tao đi làm mà ngồi một chỗ chờ là đói vêu mõm.
Bà Cửu không ưa thằng tóc đỏ nhưng Hạnh nói sao thì tin vậy. Sợ lũ cháu đói khát, bà trấn an:
- Cơm nước đã có bà còn chúng mày cứ lo việc chúng mày. Có điều con Hạnh nếu kiếm được việc làm thì phải liệu gửi mấy đứa nhỏ chứ bà chẳng có sức trông coi bằng đó đứa đâu.
Nói thế nhưng mấy hôm liền cứ sáng sớm là Hạnh phóng xe đi mất mặt. Cái xe thổ tả có bữa không chịu nổ Hạnh phải chạy vào nhà gọi điện thoại cho thằng tóc đỏ để được dịp cằn nhằn bà:
- Con đã nói mà bà không chịu tin. Xe quá cũ phải đổi xe mới, ông bà ứng trước cho con mượn, mai mốt đi làm lãnh tiền con trả lại ngay.
- Ông bà làm gì có tiền hở con? Bà chép miệng thở dài tỏ ý buồn phiền vì Hạnh mãi không tin mình.
- Cậu Phước giầu như vậy chẳng lẽ không biếu ông bà vài ngàn mang theo? Ở đâu chẳng phải ăn tiêu, nhất là thời gian đầu ông bà chưa xin được tiền trợ cấp. Xuống con không lẽ không dám sắm cái chén cái đũa hoặc đôi khi đau ốm, bệnh hoạn cũng phải chi chế chút đỉnh chứ?
Hạnh nhắc đến Phước bà lại nhớ đến chuyện của Nụ mà buồn tê tái. Thật đúng là họa vô đơn chí, những cái xui xẻo phiền muộn dồn dập xảy ra làm tối tăm mặt mày. Cái Nụ đi Việt Nam về chẳng hiểu to nhỏ gì với Cảnh mà khăn gói tốc xuống New Orleans ở với chị dâu. Thằng Phước hục hặc với vợ rồi đánh cả em mình. Bà nghe tin gọi lại trách Cảnh tại sao để chồng đối xử cạn tàu ráo máng như thế, cái Nụ có dọn xuống thì cũng có tiền chính phủ chứ nào ăn mày ăn xin mà chưa gì đã trở mặt thì vợ Cảnh chỉ thở dài nói mỗi câu vỏn vẹn:
- Trường đời có ai dậy mà học, mà dẫu có mở trường ra dậy cũng chẳng ai ghi danh cho nên chỉ khi nào kinh nghiệm bản thân trải qua mới học được nó. Mỗi kinh nghiệm sống là cái giá mắc mỏ phải trả...
Cảnh nói khó hiểu quá. Bà canh gọi cho thằng Phước thì nó bảo khi nào thầy bu trở lại đây rồi sẽ biết. Chúng dấu loanh quanh khiến bà không chịu nổi nên tuần rồi gọi sang cho cái Tâm thì mới vỡ lẽ.
- Thôi để dì ấy về dưới đó mở hũ mắm chứ cái bụng thè lè ra có mà xấu mặt mũi chúng con. Ngữ ấy chị Cảnh chứa chứ ai mang nhục đắp vào mặt vậy mà còn ra giọng đạo đức. Bu nghe chị Cảnh nói chướng không: "Dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải để cho đứa bé ra đời. Người giết người là loài cầm thú. Mẹ giết con là kẻ độc ác vô liêm sỉ, là kẻ sát nhân". Con hỏi mẹ chính ông Clinton được đắc cử vì cổ động và ủng hộ việc phá thai. Nuôi không nổi thì sanh ra làm gì, nhất là cái Nụ tật nguyền như vậy. Con xúi cái Nụ phá đi, gái không chồng chửa hoang xấu hổ cả họ hàng. Con nỡm nghe xong chửi con là chị vục mặt xuống đống cứt mà ăn nên trời phạt không có đứa nào. Thứ khốn kiếp đừng hòng vác mặt trở lại đây. Mà cũng tại bu đó...
Cũng tại bu... Cũng tại bu... Trong gia đình ai lại chẳng sợ cái lỗi gớm ghê đó nên chuyện xảy ra bao giờ người mẹ cũng phải gánh chịu hoàn toàn bởi vì mẹ nào chẳng thương con. Có chửi có mắng cũng là giải tỏa bớt cái đau trong lòng mình chứ thương Nụ, bà thương hơn lúc nào. Vợ Tâm đâu đã làm mẹ mà biết xót thương giọt máu trong bụng mình. Hơn nữa cái danh dự Tâm coi to hơn con bò, cái tai tiếng của vợ chồng Tâm nặng hơn ruột thịt máu mủ trong khi vợ Cảnh chỉ là chị dâu mà dám gạt bỏ dư luận đứng ra bao che cho Nụ. Bà cảm thấy xấu hổ vì bấy lâu nay đã a dua với chồng ngờ oan cho con dâu. Nụ về với vợ chồng Phước thì bà chẳng còn lo gì nhưng lại nghĩ tủi thương cho thân bà vì nghe lời ông giờ này còn đang vất vưởng ăn chực ở nhờ.
- Thôi mày đừng nói nữa kẻo ông nghe được mà buồn. Cũng đừng nhắc đến cậu mợ mày nữa. Quần áo đấy, nhắm bán được thì cứ lấy mà bán.
Hạnh nhìn mắt bà, đôi mắt lúc nào cũng mệt mỏi chán nản, biết là nói thật nhưng nàng vẫn giận lẫy:
- Con không tin, bà dấu con.
- Mày không tin thì mặc xác mày, bà giận quá gắt lên, đấy, rương quần áo của ông mày đấy, bán đi mà mua xe.
Thấy Hạnh bì bì mặt quay đi, bà rơm rớm nước mắt:
- Việc gì cũng phải chờ thời gian. Mai mốt tiền già gửi về muốn làm gì đấy thì làm.
Hết khôn dồn đến dại, giận quá nói càn nên khi biết mình lỡ lời thì Hạnh đã vồ ngay lấy cơ hội:
- Ông bà được tiền già thì cũng đỡ cho chúng con chút đỉnh. Bà xem từ hồi nào đến giờ cả hơn mười người nhồi nhét trong căn nhà chật hẹp bẩn thỉu mà các cháu không sanh bệnh là may. Thêm vào đó ở đông người thế này chẳng sớm thì muộn tụi housing cũng khám phá ra. Con định chừng nào ông bà lãnh được tiền mình dọn ra ngoài ở cho khoẻ. Vừa vui, vừa mát, vừa tiện chợ búa, bạn bè...
Người bà cứ lạnh theo từng câu Hạnh nói. Đúng là thứ gà què ăn quẩn cối xay, không đẽo được ai nhằm ngay ông bà mà đẽo. Nhưng cũng chẳng trách nó được, làm việc gì ai cũng đều tính đến cái lợi trước. Chính hôm quyết định xuống đây, ông bà không nghĩ đến quyền lợi của mình là gì? Tự dưng bà cảm thấy chán nản, sáu trăm bạc không còn mãnh lực lôi cuốn. Nhất là sức khoẻ của ông càng ngày càng yếu kém...
- Bà ạ! Con đi ra ngoài một chút nhé!
Bà Cửu giật mình, mãi suy nghĩ quanh co bà quên mất thằng cô hồn. Hạnh đã ra tới ngoài, nó hỏi bà nhưng chân vẫn bước nhanh về phía cửa. Thằng tóc đỏ cũng vội đứng lên.
- Mày đi nữa đấy hở Hạnh? Ông bệnh phải ở nhà, bà nhấn mạnh, phải ở nhà. Giọng bà gằn lại và cương nghị khác thường. Lần đầu tiên bà tỏ uy quyền của mình.
- Con hẹn interview hôm nay mà! Mai con ở nhà lo cho ông.
Hạnh chạy đến bên, bóp vai bà nhè nhẹ như thể xoa dịu cơn nóng giận. Mùi nước hoa trong người Hạnh tỏa ra thơm xực nức.
- Bà không có đau ốm mà phải bóp với thoa giả môi giả miếng. Người cần bóp là ông ngoại kìa. Giọng bà vẫn còn pha chút hờn giận.
- Con đi ngay kẻo trễ rồi, chỉ một tiếng thôi rồi sẽ về đưa ông đi bác sĩ.
Hạnh hứa xuôi để ra khỏi nhà cho lẹ chứ đã đi bác sĩ là phải có tiền. Xin Medical chưa được mà tự dưng đút đầu vào cho họ chém có phải là dại? Không chờ ý của bà, Hạnh nháy mắt ra hiệu với thằng tóc đỏ rồi bước nhanh ra ngoài. Bà Cửu nhìn theo tức đến ứa nước mắt. Đúng là tình người bạc bẽo, trong khi ông ho sù sụ thì nó ngồi bên trong cứ phấn son, chải chuốt. Lớn tồng ngồng bốn năm mặt con rồi mà còn mặc cái váy bó chẽn lấy mông mây mẩy những thịt, bằng đó trông đã phát khiếp đừng có nói gì đến lớp mỡ bụng cứ kể ra là phải cả rổ. Cái thứ ham đua đòi thì còn biết gì đến đẹp xấu, sang hèn, hợp hay không hợp với mình. Mà thôi, nó ăn mặc như thế đi với thằng tóc đỏ là phải rồi vì ngữ này cũng đến phải hỏng mất thôi. Khi đàn bà đã phải hơi trai thì có trời cản. Bà cản nó làm gì lại còn mang tiếng khó khăn hủ lậu. Mặc nó, cơm không muốn bưng ăn lại muốn ăn chén cháo hư thì cũng mặc. Nhất định bà không thèm ngó ngàng gì đến nó nữa. Nó muốn tự do thì cho tự do luôn, có điều khi thân tàn ma dại đừng vác cái bụng thè lè về. Nhắc đến cái bụng bà lại nhớ đến Nụ và trách nhiệm nặng nề của mình. Cái Nụ thì đã có vợ Cảnh gánh còn cái Hạnh bà không gánh thì còn ai vào đấy nữa. Nếu nó bị thằng kia trù quyến bỏ nhà ra đi thì có phải là bà phải gánh cả hang cả ổ con cháu nhà nó không?
Gánh nợ... Gánh nợ... Hai tiếng ngắn ngủi nhưng đủ tác dụng làm tim bà đập thình thịch. Làm thế nào bây giờ? Phải nói cho ông biết ngay hoàn cảnh hiện tại hay chờ ông khỏi bệnh rồi hãy tính? Khỏi bệnh? Chừng nào mới khỏi bệnh khi người chữa không phải là thầy thuốc mà là con cháu hà tiện sợ tốn kém, nay ghé chợ mua chai thuốc nước, mai ghé tiệm mua lọ thuốc viên. Rồi còn khí hậu, phong thổ, ăn uống? Mà đã xong đâu còn đàn chắt, đứa nào đứa nấy nghịch phá như giặc. Hết tắm cho chúng lại xoay qua đút cháo đút sữa, vừa chửi thằng lớn lại tới thí dỗ thằng bé. Phải nói thế nào đây? Bà tần ngần nhìn chồng, lòng nhói đau khi bất chợt nhìn thấy hai hàng nước mắt đang lăn dài trên khoé mắt nhăn nheo và trên làn da tái xám của ông Cửu.
Tính ra từ hôm xuống đến nay đã gần ba tuần, Hạnh vẫn chưa dẫn ông Cửu lên hội interview viện cớ là quá đông nên phải chờ theo thứ tự.
- Chờ theo thứ tự là đến khi nào? Một tuần, một tháng hay một năm? Bực quá ông gắt lên.
- Đâu phải chỉ có ông bà mà ngay đến chúng con cũng sốt ruột vậy. Hạnh nói thật vì sự sốt ruột của nàng bà Cửu đã tận tường.
- Mày tử tế thế cơ à! Ông châm biếm.
Hạnh không dám trả treo với ông nhưng tức lắm. Từ hôm ông bệnh và từ hôm Hạnh quen thằng tóc đỏ đến giờ ông cứ kiếm chuyện hoài, nay cấm đoán, mai hoạnh họe đủ điều. Nếu mà không kẹt mấy đứa nhỏ phải nhờ đến ông bà coi sóc thì Hạnh cũng mặc kệ để ông bà muốn đi hoặc sống lang thang ở đâu thì sống. Đã vậy ông bà còn quá cổ xưa về ăn mặc, quần áo che đậy thế nào cũng vẫn cho là hở hang.
- Con tưởng có chồng rồi ăn mặc sao cũng được?
- Đồng ý nhưng đừng quá khiêu gợi nhất là thằng chồng mày không có ở đây. Đừng mặc thế người ta cười ông bà không biết dậy dỗ.
Mỗi khi ra ngoài Hạnh cảm thấy mất tự nhiên trước đôi mắt soi mói của ông bà. Mà đâu phải chỉ có hai đôi, còn những bốn đôi nữa, thật bé bỏng, thật ngây dại của hai đứa con bé nhất, cùng suýt soát tuổi nhau như đốt cháy thân thể nàng. Bước chân Hạnh trở nên luống cuống vụng về, tất cả những đường cong khiêu gợi nẩy nở trên người mà chỉ trước đó vài phút, khi nàng đứng trước gương hãnh diện bao nhiêu thì bây giờ chỉ muốn khoét gọt cho nó xẹp xuống để bớt mặc cảm bấy nhiêu.
- Ăn mặc thế mà đi xin việc đứa nào nó nhận?
Khi hỏi bà không nhìn Hạnh mà lại chiếu ánh mắt nghiêm khắc qua thằng tóc đỏ làm hắn co rúm người lại. Mái tóc đã đỏ giờ đỏ thêm.
- Lĩnh chở Hạnh đi lẹ lên không thôi trễ giờ.
Bao giờ Hạnh cũng đỡ cho hắn những thế chém thật mạnh, thật ác liệt từ đôi mắt của ông bà ngoại và bao giờ sự rút lui đúng lúc cũng giúp Hạnh giữ vững vị thế ôn hoà giữa hai bên. Nhưng Hạnh đâu biết rằng khi nàng ra ngoài là đã để lại biết bao phiền muộn lo lắng đàng sau.
Ông Cửu không còn ho từng cơn ngắn và liên tục như trước mà thay vào đó những tràng dai dẳng kéo dài nhiều khi đến cả mười lăm phút. Người ông xanh đớt và èo ọt như những lá cải sau nhà. Vườn rau thoát được trận giặc kiến nhưng lại bị rầy bám đầy trên những cánh lá gặm nhấm mầm xanh. Thoạt đầu tiếc của, Hạnh còn mua thuốc sâu. Dần dần cứ vài ngày lại tốn năm, bẩy đồng như tằm ăn rỗi nên Hạnh bỏ mặc cho bà, tưới được thì cứ tưới, thùng phân, thùng nước tiểu trữ được thì cứ trữ chứ còn bảo bỏ thêm tiền nhất định là không.
Ngày qua ngày quanh quẩn với bệnh tật, với luống rau và với đàn cháu nheo nhóc, càng lúc ông càng thất vọng thấy rõ. Từ sự thất vọng ông đâm ra nghi ngờ Hạnh đặt điều vụ mượn tiền già để lên coi con cho nó, vì thế ông không nhờ Hạnh nữa mà quay sang mấy đứa em của nó. Ai ngờ mấy thằng con trai viện cớ không có xe, đón xe bus chen lấn chịu không nổi và giờ làm việc trùng với giờ học nên không thể giúp ông được. Cực chẳng đã kêu con Hạnh đưa ông tới tận văn phòng làm việc thì nó lại đẩy qua cho thằng tóc đỏ với lý do xe hư. Đôi ba lần ông ngỏ lời với bà về ý định giúp cho Hạnh đổi chiếc xe khác để có phương tiện chuyên chở đưa ông đi chỗ này chỗ nọ, thế mà bà chỉ gắt:
- Tiền đâu mà giúp? Ông gọi điện thoại xin thằng Phước thì tôi về ngay với nó.
- Bà bỏ tôi à! Giọng ông đặc lại.
- Ừ, tôi bỏ hết, ở đây chỉ làm con ăn đầy tớ cho chúng nó.
Ông Cửu buồn lắm, nhất là thấy vợ mình vất vả với đàn chắt leo nheo lóc nhóc, rồi cơm nước, tắm rửa, ỉa đái, quần quật cả ngày. Ông cố nở nụ cười héo hắt để an ủi bà:
- Ráng vài ngày nữa có tiền thì bà hết thành con ăn đầy tớ ngay ấy mà! Lúc đó cứ nhìn bà ngồi đếm tiền cũng thấy vui.
Bà Cửu không thể cười được nên chỉ thở dài. Từ hôm đó đến nay bà chưa dám nói cho chồng biết về chuyện cái Nụ chửa hoang hiện đang nương náu ở nhà Cảnh chờ đẻ và số tiền sáu trăm sau khi lãnh được sẽ phải chi dùng thế nào. Bà biết cái bệnh hoạn của thể xác không đáng sợ bằng cái bệnh hoạn trong tâm hồn. Để nó hoành hành, đục đẽo đầu óc ông khác nào bị vi trùng lao xâm nhật vào phổi ở thời kỳ thứ ba chỉ còn chờ chết. Thêm vào đó bà không muốn ông thấm thía niềm đau của sự thả mồi bắt bóng để rồi nhắm mắt ra đi sớm bỏ bà một mình trơ trọi. Bà khỏe thế mà tưởng không thể gượng nổi với những cơn đau nội tâm dồn dập xảy đến. Chuyện Nụ nặng một bên vai chưa giúp gì được cho nó thì bây giờ lại đến chuyên gia đình Hạnh. Nhìn lũ cháu sống với nhau không có tình người, đi học về đến nhà vừa buông cặp xuống là lục nồi lục niêu dồn mọi thứ vào miệng rồi mạnh đứa nào đứa nấy đi mất. Con Loan thì cả ngày không ôm điện thoại cũng vào thư viện, chẳng hiểu học trên thư viện hay đi rẽo ở đâu có nhiều đêm mười một giờ mới về tới nhà. Lũ chắt không được cậu dì chăm dẫm dạy bảo mạnh thằng lớn bắt nạt thằng bé mà ông bà thì chỉ đe qua loa chứ nào bằng dì, cậu.
Bà Cửu biết bà chẳng ở lâu được trong gia đình này vì nó không phải là tổ ấm, không có liên hệ tình cảm mà là những vá víu của tiền bạc. Tạm thời chúng đang túng thiếu thì nhờ vả đến bà, chịu sống dồn cục, dồn đống một chỗ nhưng khi có tiền mỗi đứa sẽ bung ra mỗi nơi chứ chẳng tốt lành gì. Ông bà ở đây cũng như người bù nhìn, có nói, có dạy bảo thì chúng chỉ ậm ự cho qua như vịt nghe sấm. Đôi khi chúng còn dùng tiếng Mỹ nói chuyện riêng tư với nhau để ông bà khỏi xen vào. Làm cha làm mẹ thấy những gì bất bình không nói không được nhưng nói chúng cũng đâu thèm nghe và càng để ý thì càng mang gánh nặng. Nhiều khi bà tự hỏi nếu không có ông bà ở đây chẳng biết tương lai chúng sẽ đi về đâu? Nghĩ thì thương vậy nhưng rồi bà lại tự trách mình. Nếu ông bà không xuống thì con Hạnh đâu thể rảnh tay rảnh chân mà cặp với thằng tóc đỏ, tóc đen. Nếu con Hạnh không có môi trường thì có lẽ suốt đời nó sẽ an phận nuôi con không bồ bịch đua đòi và ông sẽ không bệnh hoạn. Giá bà quyết liệt một tí... Thực ra bà không biết rõ lòng mình nên mới dễ bị ông mê hoặc. Máu tham trong con người ai mà chẳng có, có trách là trách chính mình đã để cho chúng sai khiến.
- Tôi chẳng ở đây đâu ông ạ! Bà nhắc lại như sợ chính mình chưa nghe thấy.
- Sao bà cứ đổi ý hoài vậy?
Giọng ông thều thào đứt quãng và đôi mắt thâm quầng mỏi mệt của bệnh hoạn khiến bà chợt có ý định nói hết cho ông hiểu về số tiền sẽ phải chi tiêu hàng tháng rồi muốn đến đâu thì đến, thà một chết hai sống còn hơn kéo lê kiếp con người tàn tạ lây lất. Nếu ông quyết định về với vợ chồng Phước thì chuyện của Nụ lúc ra phi trường bà sẽ cho ông biết cũng không muộn. Trầm ngâm một lúc để lựa lời, giọng bà khản đặc:
- Liệu ông còn sống đến ngày ấy để lãnh tiền không hở ông?
Ông Cửu gượng ngồi dậy nhưng chóng mặt lại ngả hẳn người trên ghế:
- Đừng có nói nhảm, lãnh nay mai bây giờ.
- Vâng đúng rồi, thì nay mai nhưng thử hỏi ông có sống tới ngày mai?
Tưởng vợ lo lắng sốt ruột ông trấn an:
- Sống chết là do ý Chúa định biết đâu mà nói.
- Do Chúa định hay do ông định?
Giọng bà cao và sẵng làm ông giật mình:
- Ơ hay cái bà này bữa nay ăn nói hay nhỉ?
- Con người ta cả đời ngu cũng phải có lúc khôn.
- Hôm nay bà tính làm người khôn? Vậy bà muốn gì nói ngay cho tôi nhờ? Ông cũng sẵng giọng không kém.
- Từ ngày lấy ông đến giờ lúc nào tôi cũng cung cúc theo ông như con ăn đầy tớ nhưng hôm nay...
- À! Thì ra bà tính vùng lên lật đổ tôi?
- Không phải thế, ý tôi muốn nói cả đời chỉ biết nghe ông, theo ông nhưng hôm nay...
- Hôm nay tôi phải theo bà và nghe bà? Mặt ông mắt đầu nghiêm nghị và rắn lại, vẻ lờ đờ mệt mỏi cũng biến đi đâu mất.
Bà Cửu nhìn quanh quất, nhà chẳng còn ai, chắc chắn phải có một trận cãi nhau to thì mới có thể thay đổi được ý định của chồng. Tuy nhiên bản tính chất phác, với lại đã bao giờ dám cãi nhau với chồng nên bà cảm thấy ái ngại:
- Ông nghĩ giấc mơ có khi nào trở thành sự thật?
- Đừng quanh co, ngớ ngẩn, ấm ớ với tôi mà liệu phần hồn.
- Ừ, tôi ấm ớ đấy nhưng không bao giờ nghĩ giấc mơ sẽ trở thành sự thật.
Ông Cửu nhìn vợ, suy nghĩ mãi cũng chẳng hiểu bà muốn nói gì. Lối quanh co rào đón của bà chỉ làm ông bực mình nhưng ông quên rằng đa số đàn bà trước một chuyện hệ trọng ít khi nào họ dám đi vào thẳng đề tài.
- Vậy bà cho là tôi đã mơ? Giọng ông nhẹ lại.
- Giấc mơ sáu trăm đồng.
Ông Cửu thở hắt, bực dọc:
- Sáu trăm có to tát gì mà mơ với chả mơ? Nó là sự thật, chung quanh nhan nhản khắp mọi người lãnh chứ đâu phải chỉ có tôi với bà?
- Không sáu trăm thì bẩy ngàn hai. Không bẩy ngàn hai thì bẩy mươi hai ngàn.
- Bà câm đi, hết khôn rồi dồn đến dại. Không tính chuyện bẩy mươi hai ngàn thì về rúc ở dưới này làm gì?
- Bởi thế nên tôi mới hỏi ông có sống nổi đến ngày đó không.
Nói đi rồi lại vòng trở lại, bây giờ thì ông đã đoán được phần nào sự lo lắng của vợ. Ông mỉm cười cố ngồi ngay ngắn vuốt lại mái tóc đã xác xơ:
- Tôi không chết trước bà đâu mà sợ. Bệnh rồi cũng phải có lúc khỏi.
Bà Cửu vẫn chưa dám nói thật nên thấy chồng hiểu lầm qua bệnh tật bà cũng ừ phứa:
- Ông có đi bác sĩ đâu mà khỏi?
- Thì cũng phải chờ có phiếu khám bệnh đã chứ!
- Hôm qua tôi gọi điện thoại hỏi con Tâm thì nó bảo rằng đã có giấy tờ ở dưới nó rồi nên bệnh ở tiểu bang nào họ cũng khám cho hết á.
- Vậy thì mai con Hạnh chở tôi đi, có gì đâu mà bà phải lo.
Nhớ đến Hạnh và sự lần lữa đốn mạt của lũ cháu, bà thở dài, giọng quyết liệt:
- Tôi không muốn nói đến bệnh tình của ông mà vấn đề là sáu trăm. Bỏ giấc mộng hão huyền đi ông ơi. Cả đám cháu chắt nghèo đói của ông đang chờ chực xâu xé...
- Rộn, tiền của tôi mà bà nói cứ như của chúng...
- Thì khâu vào ruột tượng mà giữ xem nó được nằm yên trong đó mấy ngày?
- Mấy ngày hay mấy giờ cũng mặc tôi. Để rồi bà xem một xu cũng không mất đâu.
- Ăn uống, ỉa đái ở nhà chúng nó mà ông quặp chặt tiền coi sao được?
- Không quặp cũng chẳng thể lấy của tôi. Mình coi con, coi nhà cho chúng không tính tiền là phước.
Cho đến nước này mà chồng mình vẫn cứ hung hăng, bà quyết liệt bung câu chuyện đã dấu bấy lâu nay:
- Tôi bảo thật, con Hạnh đã nói với tôi rằng khi nào ông lãnh được tiền, nó sẽ kiếm căn nhà rộng rãi, khang trang hơn ở gần phố để ở cho thoải mái chứ trong này chùm đống mất vệ sinh lại ở chui, ở lậu chẳng chóng thì chầy tụi hao dinh cũng biết...