Những ai dám làm, sẽ thắng.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Alexander Pushkin
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Дубровский
Dịch giả: Cao Xuân Hạo
Biên tập: N.H.K
Upload bìa: N.H.K
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1580 / 22
Cập nhật: 2017-02-14 17:07:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương VI
hế là hết, — Đubrốpxki tự nhủ, — mới khi sáng ta còn có góc nhà mà ở, còn có miếng bánh mà ăn, thế mà ngày mai là đã rời bỏ ngôi nhà này. Ta đã ra đời trong ngôi nhà này, cha ta đã mất trong ngôi nhà này, thế mà ngày mai phải để nó lọt vào tay chính kẻ đã làm cho cha ta phải chết và làm cho ta phải bần cùng”. Và mắt chàng đăm đăm nhìn vào bức chân dung của mẹ chàng treo trên tường. Hoạ sĩ đã vẽ mẹ chàng đứng tựa lan can, mặc áo dài buổi sáng màu trắng, trên tóc cài một đoá hoa hồng đỏ thắm. “Thế bức chân dung này sẽ lọt vào tay kẻ thù của gia đình ta; chúng sẽ vứt nó vào trong phòng chứa đồ cũ cùng với mấy chiếc ghế gãy, hoặc đưa treo ở phòng đợi: bọn giữ chó của Tơrôiêkurốp sẽ tha hồ nhạo báng — và trong phòng của mẹ ta, trong cái phòng… mà cha ta đã tắt thở, sẽ có một tên quản lý của Tơrôiêkurốp ở, hoặc giả hắn sẽ cho làm nơi chứa gái. Không! Hắn đuổi ta đi, nhưng nhà này không thể lọt vào tay hắn được”. Vlađimia nghiến răng lại — những ý nghĩ khủng khiếp nảy ra trong óc chàng. Tiếng sai bảo của bọn nha lại từ phòng khách vẳng đến; chúng nó lên giọng chủ nhà, yêu sách này nọ, giọng nói khả ố của chúng đến quấy rầy Vlađimia trong khi chàng đang triền miên trong những ý nghĩ buồn bã của mình. Nhưng cuối cùng tất cả đều im lặng.
Vlađimia mở các ngăn kéo ra và điểm qua giấy tờ của cha. Phần lớn đều là những giấy tờ tính tiền và những thư từ về công việc. Vlađimia xé những thứ đó đi, không đọc. Trong tập thư từ này có một cái gói đề là: thư của vợ tôi. Lòng bồi hồi khôn xiết, Vlađimia mở ra đọc. Những bức thư này viết từ hồi chiến dịch Thổ Nhĩ kỳ (5) từ thôn Kixtênhốpca gửi đến đơn vị Anđrây Gavrilôvích. Mẹ chàng tả cho chồng nghe cảnh sống cô đơn ở nhà và những công việc nội trợ mà bà phải cáng đáng, dịu dàng than thở về nỗi vợ chồng xa cách và cầu mong Anđrây Gavrilôvích sớm về với vợ hiện đang mòn mỏi ngóng trông. Trong một bức thư bà kể cho chồng nghe nỗi lo lắng của mình về sức khoẻ của cậu bé Vlađimia, trong một bức thư khác bà vui mừng về khiếu thông minh sớm này nở của con trai và tin tưởng rằng Vlađimia sau này sẽ có một đời sống hạnh phúc và một tương lai rực rỡ. Vlađimia mê mải đọc, quên hết mọi chuyện ở trên đời: tâm hồn chàng lắng sâu vào cái thế giới của hạnh phúc gia đình; chàng không để ý gì đến thời gian đang trôi qua nữa. Đồng hồ treo tường điểm mười một tiếng. Vlađimia bỏ tập thư vào túi, và cầm cây nến đi ra khỏi phòng. Trong phòng khách, bọn viên chức trên huyện về đang nằm ngủ ở giữ sàn. Trên sàn có mấy cái cốc không của bọn học uống rượu lúc nãy. Trong phòng nồng nặc mùi rượu rôm. Vlađimia kinh tởm rảo bước qua chỗ họ nằm và đi ra phòng ngoài. Cửa đóng kín và khoá kỹ. Không thấy chìa khoá đâu, Vlađimia trở vào phòng khách: chìa khoá nằm ở trên bàn. Vlađimia mở cửa ra thì vấp phải một người nép ở góc tường, tay cầm một cây rìu sáng loáng. Giơ cây nến lên soi, Vlađimia nhận ra Áckhíp, người thợ rèn. Chàng hỏi:
— Anh đến đây làm gì?
— Vlađimia Anđrêêvích, cậu đấy à? — Áckhíp thì thào đáp, — Chúa phù hộ cho cậu! May quá, may mà cậu mang theo cây nến!
Vlađimia kinh ngạc nhìn anh thợ rèn. Chàng hỏi:
— Thế anh nấp ở đây làm gì?
— À tôi… tôi đến xem xem có mất mát gì không, — Áckhíp ấp úng đáp khẽ.
— Thế thì mang rìu đến làm gì?
— Cái rìu ấy à? Thì thời buổi này đi đêm phải mang rìu theo chứ. Cậu cũng biết đấy. Cái tụi nha lại ấy thật là đồ vô lại, cũng nên đề phòng chúng nó.
— Anh này say rượu hẳn; quẳng rìu đi, rồi về mà ngủ.
— Tôi say à? Cậu Vlađimia Anđrêêvích, nói có trời chứng giám, tôi không hề uống qua một giọt… còn lòng dạ nào mà uống rượu lúc này nữa hả cậu. Có đời thuở nào bọn nha lại lại dám đến nạt nộ chúng tôi, dám đến đuổi chúng tôi ra khỏi nhà như vậy. À chúng nó ngáy, cái đồ chết rấp — cho chúng mỗi đứa một nhát là xong cả.
Đubrốpxki cau mày. Im lặng một lúc, chàng nói:
— Anh nghe tôi, anh Áckhíp ạ, anh làm thế không tốt đâu. Bọn họ cũng chẳng phải là thủ phạm trong việc này. Anh đốt đèn lên, rồi theo tôi!
Áckhíp lấy cây nến trong tay chủ, tìm cây đèn lồng kính sau lò sưởi, thắp lên và cả hai im lặng bước xuống thềm ra sân; người gác đêm đánh vào mảnh gang mấy tiếng; chó sủa ran. Đubrốpxki hỏi:
— Ai gác đấy?
— Thưa cậu chúng tôi đấy ạ, Vaxilixa và Lukêria đây ạ.
— Đi về đi, không cần gác nữa đâu.
Áckhíp đệm theo: “Dẹp!”
— Cám ơn cậu, cha nuôi chúng tôi, — hai người đàn bà đứng gác nói đoạn đi thẳng về nhà.
Đubrốpxki đi một quãng nữa, thì thấy hai người đang tiến lại phía chàng; họ cất tiếng gọi chàng. Đubrốpxki nhận ra giọng nói của Antôn và Grisa.
— Sao các anh chưa đi ngủ?
— Còn bụng dạ nào mà ngủ nữa! — Antôn đáp. — Ai ngờ đến nông nỗi này!
— Khẽ chứ! U già Êgôrốpna đâu?
— Trong nhà ấy, trong buồng u ấy, — Grisa đáp.
— Đi gọi u ra ngay, gọi tất cả mọi người ở trong nhà ra. Đừng để sót một người nào hết, trừ bọn nha lại, còn Antôn đóng ngựa vào chiếc xe đi!
Grisa đi vào và một lúc sau đưa mẹ đến. U già đêm hôm ấy không cởi áo ngoài: trừ bọn nha lại ra, trong nhà không có ai chợp mắt. Đubrốpxki hỏi:
— Mọi người đã ra đây cả chưa? Còn ai ở trong nhà nữa không?
— Chẳng còn ai! Chỉ còn bọn nha lại thôi, — Grisa đáp.
— Mang rơm ra đây! — Đubrốpxki nói.
Mọi người chạy vào chuồng ngựa, ôm những bó rạ lớn trở ra.
— Chất cả lên thềm. Thế, thế… thôi, nào bây giờ châm lửa!
Áckhíp mở nắp kính cây đèn lồng. Đubrốpxki lấy một que đóm châm lửa. Bỗng chàng quay lại phía Áckhíp:
— Khoan đã, hình như lúc nãy tôi vội quá quên mở cửa trước, anh đưa chùm chìa khoá đến mở ngay ra.
Áckhíp chạy lại phía cửa — cửa vẫn mở. Áckhíp khoá trái cửa lại, miệng lẩm bẩm:
— Đừng hòng!… Này thì mở này!
Đubrốpxki đưa đuốc châm lửa. Rạ bốc cháy, một ngọn lửa bùng lên, soi sáng cả khoảng sân. Êgôrốpna rên rỉ:
— Trời ơi! Vlađimia Anđrêêvích, cậu làm gì thế hả cậu!
— U im đi! Thôi bây giờ xin từ biệt, tôi đi nhé, Chúa cho đi đâu thì đi đấy; chúc các anh em mạnh giỏi ở lại với chủ mới.
Nông dân nhao nhao nói:
— Cậu ơi! Cha nuôi của chúng tôi! Chúng tôi thà chết còn hơn rời cậu, cậu đi đâu chúng tôi cũng xin đi với cậu.
Ngựa đã sẵn sàng; Đubrốpxki và Grisa ngồi lên xe ngựa và hẹn với mọi người sẽ gặp nhau ở khu rừng Kixtênhốpca. Antôn quất ngựa và chiếc xe rời khỏi sân.
Gió nổi lên, chỉ trong một phút ngọn lửa đã bùng lên vây kín cả ngôi làng. Một đám khói đỏ quằn quại ở phía trên mái. Kính nứt vỡ rơi loảng xoảng, những thanh xà cháy gãy sập xuống sàn. Những tiếng kêu la thất thanh nổi lên: “Chúng tôi cháy mất! Ai cứu với! Cứu tôi với!” Áckhíp bình thản ngắm ngọn lửa, trên môi nở một nụ cười tinh quái:
— Đừng hòng!
Êgôrốpna khẩn khoản anh thợ rèn:
— Anh Áckhíp ơi! Anh cứu cái bọn chết tiệt ấy với, Chúa sẽ phù hộ anh!
— Đừng hòng, — anh thợ rèn đáp gọn.
Lúc đó bọn nha lại ra lại cửa sổ, cố sức phá các khung cửa lắp đôi. Nhưng mái nhà bỗng đổ xuống ầm ầm và những tiếng kêu la im bặt.
Chẳng bao lâu tất cả các gia nhân đều chạy ra khắp sân. Đàn bà gọi nhau í ới, chạy về nhà cứu lấy mấy cái áo rách.
Trẻ con nhảy nhót mừng rỡ xem cảnh cháy nhà. Tàn lửa bay theo gió thành từng đám cuồn cuộn như bão tuyết, và chẳng bao lâu mấy ngôi nhà gỗ ở chung quanh bắt đầu bốc cháy.
Áckhíp nói:
— Bây giờ thì ổn cả rồi. Xem cháy ghê chưa! Đứng bên Pôkrốpxcoiê mà nhìn sang thì đẹp tuyệt.
Vừa lúc ấy một việc khác xảy ra làm cho anh thợ rèn chú ý: một con mèo đang chạy trên mái nhà kho, loay hoay tìm chỗ thoát — bốn bề đều có lửa. Con vật tội nghiệp cất tiếng kêu thảm thiết để cầu cứu. Bọn trẻ con thấy con mèo hoảng hốt như vậy ôm bụng cười sằng sặc. Anh thợ rèn tức giận quát:
— Cười cái gì mà cười, hở đồ quỉ sứ! Chúng mày không biết sợ Chúa à, một tạo vật của Chúa sắp chết, thế mà chúng mày thì vui mừng một cách ngu độn!
Rồi Áckhíp dựng một chiếc thang tựa vào mái nhà đang bốc cháy và leo lên bắt con mèo. Con vật hiểu ý anh thợ rèn, lộ vẻ mừng rỡ và biết ơn, hấp tấp bám lấy ống tay áo của anh ta. Anh thợ rèn, mặt mày cháy xém, mang con mèo tụt xuống. Anh ta chào mọi người đang ngơ ngác:
— Thôi anh em ở lại nhé, tôi đi đây, chả ở đây là gì nữa. Chúc anh em may mắn, trước nay có gì bỏ quá cho tôi nhé!
Anh thợ rèn đi rồi, lửa còn cháy to một hồi lâu. Cuối cùng ngọn lửa lụi dần và tắt hẳn, nhưng những đống than vẫn còn đỏ rực trong đêm tối. Chung quanh đấy, bóng những người dân bị nạn của thôn Kixtênhốpca vật vờ qua lại.
Đubrốpxki Đubrốpxki - Alexander Pushkin Đubrốpxki