Tài giỏi không có nghĩa là không bao giờ phạm phải sai lầm, mà ở chỗ nhanh chóng chuyển bại thành thắng.

Bertolt Brecht

 
 
 
 
 
Tác giả: Morrist West
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lệ Thanh
Biên tập: Oanh2
Upload bìa: Bánh Bèo
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1703 / 11
Cập nhật: 2015-11-29 02:17:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ôi uể oải thức dậy, sang phòng tắm để rửa mặt và tắm, hầu xua đi mùi rượu đã ngấm vào da thịt. Rồi tôi từ tốn mặc quần áo, thầm nghĩ giờ đã quá trễ để ăn sáng. Sau đó, tôi thu xếp hành lý và trả tiền khách sạn. Tôi khướt từ ly rượu do chủ khách sạn mời và, gởi chiếc va-li ở quầy tiếp tân, tôi đi đến ngôi nhà bằng gỗ, ngân hàng duy nhất của thành phố.
Giám đốc ngân hàng là một người cao lớn, da hồng hào, mặc sơ-mi trắng và quần short hồ bột thẳng tắp. Ông ân cần tiếp tôi như thể tôi là một triệu phú, sau khi tôi cho ông xem tín dụng thư của tôi. Ông mời tôi vào văn phòng để uống trà. Nhưng rồi ông lại tỏ ra dè dặt và liếc nhìn tôi khi tôi bảo rằng tôi có ý trao cho ông tín dụng thư của tôi và nếu sau ba tháng không thấy tôi trở lại, ông sẽ dùng số tiền đó để trả cho Johnny Akimoto. Giám đốc ngân hàng kéo hộc, lấy ra vài tờ giấy và đặt lên bàn.
Ông hỏi tôi:
- Thưa ông Lundigan, hẳn ông có lý do để e ngại rằng ông sẽ không trở lại đây sau ba tháng?
- Vào lúc này thì chẳng có lý do nào cả, nhưng tốt hơn tôi thấy mình nên đề phòng.
- Đúng. Nhưng đề phòng chuyện gì chứ?
- Thì đề phòng tai nạn. Tai nạn đâu có chừa một ai trong chúng ta?
- Đúng vậy, nhưng...
Nhận thấy mình có vẻ tò mò, ông giám đốc ngân hàng im bật và mỉm cười nhìn tôi.
- Dĩ nhiên, ngân hàng sẽ đảm nhận mọi công việc mà ông xét thấy cần thiết. Ông Lundigan à, ông chỉ việc ký vào những tờ giấy này và... theo tôi nghĩ, như thế là đủ... Nếu tôi tỏ ra tò mò thì xin ông thứ lỗi cho...
Cái trò hỏi và đáp này có thể kéo dài bất tận, vì thế, mhận thấy việc nói ra một phần nào sự thật sẽ chẳng có gì nguy hiểm nên tôi nói:
- Tôi có thuê một hòn đảo ở ngoài khơi bờ biển. Vì chuyện nghiên cứu các sinh vật dưới biển nên tôi thường xuyên phải lặn sâu và tai nạn là chuyện có thể xảy ra. Johnny Akimoto là người cho tôi thuê mướn con tàu và làm việc với tôi. Nếu tôi không may gặp tai nạn, tôi muốn ngân hàng thay mặt tôi để trả công và tiền thuê mướn con tàu của anh ta, cùng với phần tiền còn lại của tôi để thưởng công cho anh ta.
Vẻ căng thẳng biến mất trên khuôn mặt ông giám đốc. Có lẽ ông nghĩ rằng tôi là một kẻ lập dị, nhưng không đến nỗi điên rồ như ông tưởng.
Trà được mang lên và ông giám đốc bắt đầu tản mạn về đủ chuyện. Trong một hồi lâu, tôi nhẫn nại lắng nghe ông nói để cuối cùng được nêu lên câu hỏi:
- Thưa ông... chẳng hay ông có biết về quyền sở hữu trên các vùng nước?
- Xin lỗi, ông muốn nói về chuyện gì ạ?
- Với người thuê mướn một hải đảo thì họ có quyền hạn gì trên vùng biển bao quanh đảo?
Sau một lúc suy nghĩ, ông giám đốc ngân hàng nói:
- Theo như tôi được biết thì vấn đề đó cho đến nay vẫn chưa được ai nêu ra. Theo luật pháp quy định thì người thuê mướn có quyền sở hữu trên vùng biển trải dài đến đường ngấn thủy triều. Dĩ nhiên nếu bị vi phạm quyền sở hữu thì ông có thể truy tố kẻ phạm pháp nhưng đó chỉ là chuyện tốn hao tiền của và thời gian. Dẫu sao, theo tôi nghĩ thì chuyện đó rất khó xảy ra.
- Tôi đồng ý với ông, nhưng dẫu gì chăng nữa thì tôi cũng muốn biết đôi chút về những quyền hạn mà tôi có khi thuê mướn một hòn đảo.
- Để biết rõ những gì mà luật pháp đã quy định thì ông nên tra cứu thêm, nhưng theo tôi nghĩ thì cái đảo mà ông mướn hẳn phải xa vùng hải đảo du lịch và vì thế sẽ chẳng có ai đến làm phiền ông.
Vì không thể nói cho ông giám đốc ngân hàng về cái tên Manny Mannix, nên tôi chỉ biết gật đầu và mỉm cười tán đồng ý kiến của ông. Tiếp đó tôi ký vào những văn bản mà ông trao cho tôi và bắt tay từ biệt ông.
Ở phía bên kia đường, hơi xa đôi chút, tôi trông thấy một hiệu thuốc tây với bảng hiệu kẻ chữ vàng và cửa kính lấm bụi. Tôi đi về phía đó và bước vào, chào tay dược sĩ trẻ, chủ tiệm. Tôi cảm thấy thoải mái trước sự trẻ trung của anh ta, nhưng đồng thời tôi cũng hơi e ngại vì anh ta nói hơi nhiều. Sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh, anh ta bán cho tôi một số thuốc ampiciline, atébrine và sulfamide mà không đòi tôi phải trình toa bác sĩ. Tôi cũng mua một con dao giải phẫu, boong băng và aspirine, rồi cho mọi thứ vào cái hộp gỗ.
Nhưng tôi chưa thể dễ dàng rời khỏi tiệm thuốc tây. Ở miền bắc này, thời gian xem chừng là những chuyện không đáng kể và những chủ tiệm thường níu kéo khách hàng để tâm sự đôi chút về sinh hoạt của cộng đồng.
Tôi nhẫn nại lắng nghe tay dược sĩ trẻ giảng giải về sự nguy hiểm của loài cầu gai và ruồi xanh. Anh cũng cho tôi biết trước đây mười lăm ngày, có một nhà tự nhiên học đã đến thị trấn này trước khi đi ra đảo. Đó là một cô gái rất đẹp, vừa tốt ngiệp đại học. Tôi nghe anh ta nói nhưng không mấy quan tâm, lòng chỉ muốn rời khỏi hiệu thuốc. Nhưng rồi khi đứng trên lề đường, với cái hộp gỗ kẹp nách, tôi mới nhớ ra rằng còn nhiều giờ nữa mới đến giờ hẹn Johnny Akimoto.
Trong không khí nóng bỏng, tôi bước đi và lo âu khi thấy nhà cửa càng lúc càng thưa thớt, lẫn trong đám cây cỏ xanh um. Tôi bỗng nhớ đến lời căn dặn của Johnny Akimoto cùng lời cảnh báo của Nino Ferrari trước những nguy hiểm đang chờ đợi một thợ lặn thiếu kinh nghiệm. Và tôi thầm rủa mình vì đã không chuẩn bị chu đáo và đã hăm hở đến vùng biển này để lao vào một công việc mà ngay cả những tay chuyên nghiệp cũng phải ngần ngại.
Rồi hình ảnh của Manny Mannix cũng làm tôi lo sợ không ít. Tôi thắc mắc không hiểu y sẽ giở trò gì, tôi sẽ chạm trán y ở đâu và điều gì sẽ xảy ra trong cuộc chạm trán đó... Nghĩ đến nó, tôi sực tỉnh khi thấy mình đang ngang qua bưu điện.
Tôi băng qua đường, vào bưu điện để nhờ nhân viên gọi số điện của Nino Ferrari. Anh ta ghi vội số điện thoại trên một mẫu giấy và yêu cầu tôi chờ.
Tôi phải chờ một lúc khá lâu mới liên lạc được với Nino. Ở đầu dây bên kia, giọng nói nghe thật xa xôi:
- Nino Ferrari đây. Xin lỗi ai đang gọi tôi?
- Nino à, Renn Lundigan đây.
- Đến rồi à? Ông đã nhận được các kiện hàng chưa?
- Rồi, hôm nay chúng sẽ được gởi đi Brisbane.
- Vì tôi sợ, Nino à.
Tôi có cảm tưởng vừa nghe Nino cười nho nhỏ, nhưng không chắc lắm.
- Này ông bạn, ông sợ chuyện gì chứ?
- Tôi nghĩ rằng tôi bị dở hơi.
Lần này Nino cười ồ:
- Tôi biết chắc là ông bị dở hơi. Không cần ông nói ra, tôi cũng biết điều đó. Liệu tôi có thể giúp ông được gì không?
- Được chứ Nino. Tôi e rằng tôi sẽ gặp rắc rối.
- Rắc rối gì chứ?
Tôi biết mình phải thận trọng, không nên nói nhiều trong ca-bin điện thoại của một thị trấn nhỏ của Queesland.
- Nino à, như tôi đã nói, có kẻ đang muốn ám hại tôi.
- Tôi biết, ông có nói với tôi về chuyện đó. Nhưng đã có chuyện gì xảy ra chưa?
- Chưa, nhưng nếu tôi gặp chuyện, anh sẽ giúp tôi chứ?
Một lúc im lặng, thật lâu đến nỗi tôi tưởng cuộc điện đàm đã bị cắt. Rồi tôi lại nghe giọng nói của Nino:
- Giúp ông chuyện gì? Chuyện lặn xuống biển?
- Đúng, và tôi cũng cần anh giúp tôi chuyện khác. Lúc này tôi chưa thể biết rõ là chuyện gì. Tôi không thể tiên đoán tương lai. Có điều là tôi mong được tin cậy ở anh.
Lại một lúc im lặng. Tôi hiểu Nino đã nghĩ gì. Anh mới đến định cư ở nước này và nếu gặp rắc rối, anh sẽ có nguy cơ không được nhập tịch. Tôi đã đòi hỏi Nino khá nhiều và tôi hiểu điều đó. Nhưng tôi biết làm sao hơn khi đang bị đe dọa và cảm thấy lo sợ...
Nino nói:
- Được, nếu thấy cần thì ông cứ gọi và tôi sẽ đáp máy bay đến ngay. Ông sẽ chi trả mọi phí tổn chứ?
- Đương nhiên, Nino... Cám ơn nhé.
- Phần tôi, tôi sẽ cám ơn ông nếu ông biết né tránh những rắc rối và để cho tôi được yên.
- Nino à, tôi sẽ cố tránh những rắc rối, nhưng không biết có được không. Tôi sẽ gởi thư cho anh để nói rõ hơn về các chi tiết. Thôi chào nhé và một lần nữa, cám ơn.
- Chào ông bạn.
Tôi vào quày bưu điện, mua một bao thư và viết ít dòng cho Nino Ferrari.
Sau khi gởi đi lá thư, tôi cảm thấy vơi đi nỗi cô đơn và sợ hãi. Như thế chúng tôi có cả thảy là ba người. Ba người, một con tàu khá tốt và một hòn đảo khá êm ả. Manny Mannix sẽ không dễ dàng bắt nạt. Ôm thùng thuốc tây, tôi đi về căn lều của Johnny Akimoto.
Cách bờ biển một trăm thước, con tàu của Johnny Akimoto đong đưa êm ả theo con sóng. Tôi và Johnny phải đi ba chuyến xuồng mới đưa hết các thứ cần thiết lên con tàu. Một khi đã sắp xếp mọi thứ vào hầm tàu, Johnny đóng cửa boong rồi vào bếp để nấu nướng.
Tôi nói:
- Con tàu này được lắm tôi rất thích.
Johnny ngoái cổ mỉm cười nhìn tôi:
- Một con tàu tốt cũng tựa như người vợ hiền. Nếu ta biết chăn sóc nó thì nó sẽ lo lắng cho chúng ta. Như ông thấy đó, tên của con tàu này là Vahiné, tiếng bản xứ có nghĩa là Đàn Bà. Đây là người đàn bà duy nhất của đời tôi.
- Johnny à, trường hợp tôi cũng chẳng khác gì cậu.
Johnny gật đầu rồi lại chăm chú vào chuyện nấu nướng. Anh nói:
- Đời là thế đó. Khi ta gặp một người đàn bà đối với ta, người đó là tất cả, thế rồi người ấy không còn nữa thì đời ta cũng trở thành vô nghĩa.
- Cậu nói giống như một nhà hiền triết.
Johnny nhún vai:
- Cũng như một số di dân khác, tôi cảm thấy lạc lõng ở nơi này, nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi là những đứa trẻ hoặc những kẻ ngu ngốc.
- Cậu có từng chia sẻ cuộc đời với một người đàn bà nào chưa?
Johnny gật đầu:
- Nhưng ở nước này thì làm sao tôi có thể tìm được một người đàn bà cùng quê hương với tôi? Và nếu tôi bỏ nước này mà đi thì liệu tôi có thể tìm thấy ở đâu cuộc sống như tôi ở đây? Vậy thỉ tốt hơn hãy để mọi sự xuôi thuận như thế này.
Một lúc im lặng, thời gian đủ để cho tôi hút xong điếu thuốc trong khi Johnny hâm nóng món thịt hộp và cắt bánh mì, trét bơ lên và dọn ra đĩa.
Khi đã nấu nướng xong, Johnny bày thức ăn lên cái bàn nhỏ trong ca-bin và chúng tôi ngồi vào bàn. Một lần nữa, tôi lại có cái cảm giác của sự giải thoát, một cảm giác lạ lùng mà tôi đã nếm trải khi ngồi trên máy bay. Johnny là người bạn của tôi, một chiến hữu. Và cái thế giới nhỏ bé là con tàu này, nơi tôi cùng chia sẻ với anh ta, là cái thế giới duy nhất có thật, ngoài ra chỉ là ảo ảnh.
Sau khi ăn xong và lau rửa chén bát, tôi và Johnny lên boong tàu, ngắm nhìn cái rạng rỡ sau cùng của buổi hoàng hôn. Và rồi các vì sao đã mọc lên trên bầu trời tím thẫm. Gió hiu hiu thổi về đất liền trong khi con tàu Vahiné đong đưa trên những con sóng nhỏ, trong tiếng bì bõm của nước.
Quay sang tôi Johnny nói:
- Renboss à, có một điều tôi mong ông hiểu cho.
- Điều gì?
- Con tàu này là của tôi và tôi xem nó như là người vợ. Tôi hiểu nó và nó hiểu tôi. Vì vậy, bao lâu chúng ta ở trên tàu này, thì tôi là người chủ duy nhất. Khi lên đảo thì trái lại. Vì hòn đảo thuộc về ông nên ở đó, ông sẽ là người chủ và tôi nghe theo lệnh ông. Ông đồng ý chứ?
- Hoàn toàn đồng ý.
- Như vậy thì chúng ta đã thỏa thuận với nhau.
- Tôi thấy còn có một điểm muốn nói thêm.
- Tôi nghe ông.
- Hôm nay, trước khi gặp cậu, tôi đã gọi điện cho một người bạn ở Sydney. Anh ấy cho biết nếu chúng ta gặp khó khăn, anh ấy sẽ đến tiếp ứng.
- Anh ta là người như thế nào?
- Người Ý và là thợ lặn chuyên nghiệp. Trước đây anh ta đã từng là người nhái trong quân đội.
- Với công việc mà chúng ta đang đeo đuổi mà được tiếp tay bởi một người thợ như thế thì rất tốt... Ông vào đấy, tôi cho ông xem thứ này. Johnny mở cái hộc tủ dưới ghế nằm và lôi ra hai khẩu súng trường đã được lau chùi và dầu mỡ kỹ lưỡng.
Mỉm cười, Johnny nói:
- Đây là thứ mà tôi đã có từ lâu và chỉ dùng để bắn thỏ và kangaroo. Nhưng mai này nếu lỡ bị tấn công, chúng ta cũng có thứ để tự bảo vệ.
- Cậu có đạn đấy chứ?
- Hai trăm viên. Đó là chi phí mà ông phải trả đấy.
Johnny trả hai khẩu súng về chỗ cũ rồi đóng cửa tủ. Anh nói:
- Bây giờ chúng ta đi ngủ để sáng sớm mai nhổ neo.
Tôi cởi vội quần áo và ngả người trên ghế nằm. Tôi nghe tiếng Johnny lên boong tàu để thắp đèn hiệu. Rồi tôi thấy anh đi xuống và tắt đèn ca-bin. Tôi chìm nhanh vào giấc ngủ không mộng mị.
Khi chúng tôi thức dậy, mặt trời đã ló dạng trên vùng biển thật êm ả. Tôi đứng ngắm cảnh một lúc rồi lao xuống biển để tắm trong khi Johnny cằm súng đứng trên boong để phòng ngừa cá mập. Rồi tôi bám vào sợi cáp mỏ neo để lên tàu và đến lượt Johnny xuống tắm.
Cuối cùng, tàu nổ máy, neo được kéo lên và con tàu, trước tiên đi về hướng đông, sau đó trực chỉ hướng nam để đến các hòn đảo vui tươi, nơi lui tới của các du khách.
Johnny cho biết chuyến đi của chúng tôi kéo dài khoảng ba giờ, sau đó phải mất một tiếng để đưa các kiện hàng lên tàu. Johnny đề nghị tôi ăn trưa tại đó trước khi đến đảo Hai-Sừng. Dĩ nhiên, với các khách du lịch thì chúng tôi không có gì để phải e ngại: họ ra đảo để tiêu tiền, vui chơi rồi ra đi, để lại sau họ những ngày vui ngập nắng những tiếng thì thầm dưới hàng dừa trong những đêm trăng. Nhưng với cư dân bản địa thì khác. Chúng tôi phải uống với họ dăm ba ly, trao đổi tin tức và giúp họ một số việc vặt như sửa cái tủ lạnh bị hỏng, mang giùm thư từ sang cho bạn bè họ ở đảo lân cận. Dĩ nhiên, chúng tôi còn nhiều việc phải lo nhưng không vì lẽ đó mà đánh mất sự đoàn kết với công đồng dân cư trên các đảo mà giờ đây chúng tôi đã là thành viên.
Tôi nhắc nhở Johnny nên thận trọng vì sớm muộn Manny Mannix cũng lần ra dấu vết của tôi. Nhưng Johnny không đồng ý với quan điểm đó. Anh nói:
- Các cư dân ở đảo là những người rất tử tế. Nếu họ thương mến ta và xem ta như là thành viện của cộng đồng họ thì khi ta gặp nguy nan họ sẽ không bỏ ta đâu. Biết đâu ông sẽ cần đến họ nhưng giờ đây hẳn ông không lường trước tầm quan trọng của sự giúp đỡ của họ.
Tôi đồng ý với quan điểm của Johnny và thầm nghĩ mình sẽ ra sao nếu không có sự giúp đỡ của một người lực lưỡng, thận trọng và vững chãi như Johnny.
Sau khi đã vượt qua hơn nửa cuộc hành trình, Johnny nhờ tôi cầm lái thay anh. Rồi anh ra khoang mũi và đứng đó, huýt sáo để mong cho ngọn breeze thôi lên, tựa như các thuyền trưởng thuở trước.
Thật ra chúng tôi không cần có gió breeze. Máy tàu chạy êm và chúng tôi đang lướt trên biển với tốc độ tám hải lý một giờ. Nhưng Johnny thì mong có một ngọn breeze thật tốt để anh có dịp giương buồm và chứng tỏ cho tôi thấy con tàu Vahiné dũng mãnh như thế nào khi buồm căng gió... Biển thật êm. Tôi thích thú nhìn nắng trời đùa vui trên nước và thưởng thức cái im lặng dễ chịu đang ngự trị trong hai chúng tôi, hai người am hiểu hoàn cảnh của nhau mà không cần phải tâm sự nhiều lời.
Mười một giở sáng, chúng tôi đến hòn đảo san hô đúng như dự liệu. Ở trung tâm đảo là một tòa nhà dài, thấp và lấp ló sau hàng dừa là những lều tranh. Bờ biển có độ dốc sâu. Chúng tôi tắt máy tàu và thả neo. Một số người đang bơi trên biển tiến tới chiếc Vahiné, bám tay vào sợi cáp neo, mong muốn được tham quan tàu, nhưng Johnny từ chối. Chúng tôi dùng xuồng nhỏ để vào bờ. Theo từng nhóm, những du khách đến chào chúng tôi: những người trẻ mặc đồ tắm đi kèm với hướng dẫn viên du lịch mặc áo đầm in hoa hoặc quần short kaki. Johnny tươi cười chào mọi người, lịch sự trả lời những câu thăm hỏi của người dân bản địa, và giới thiệu với họ. Anh cho họ biết tôi là chủ nhân của một hòn đảo ở vùng lân cận và đến đây để nhận ba kiện hàng được gởi từ Brisbane. Dân ở đảo tiếp đón tôi khá thân tình và không mấy thắc mắc về sự hiện diện của tôi. Họ cho biết các kiện hàng đã được gởi đến. Thế là tôi có thể an tâm thư giãn, uống nhiều bia ướp lạnh và thích thú với lòng hiếu khách của người dân trên đảo.
Tôi nói ra cái tên hòn đảo mà tôi sở hữu và mọi người đều cười ồ; nhưng khi tôi quả quyết rằng ở đó có một con lạch và một suối nước ngọt thì họ gật gù và bảo rằng Sở Địa chính cứ cho rằng biết tất cả, nhưng thật ra vẫn còn thiếu sót. Rồi, bằng một lối nói khá mơ hồ, tôi đề cập đến chuyện thăm dò lòng biển. Họ lắng nghe tôi và khoe với tôi về những điều kỳ diệu trong vùng biển bao quanh họ. Mỗi người trong số họ đều có những khám phá và những bộ sưu tập nho nhỏ: ốc biển, san hô hình dáng lạ lùng, những mảnh vỡ của những con tàu bị đắm thuở xưa.
Tựa như chàng dược sĩ mà tôi đã gặp, các cư dân đảo cho tôi biết có một cô sinh viên trẻ đang đi từ đảo này sang đảo khác, trên một chiếc xuồng nhỏ có gắn máy. Tôi bảo rằng tôi rất tiếc chưa được gặp cô ta; thật ra tôi thầm mong rằng tốt hơn đừng nên gặp nàng.
Bữa ăn rồi cũng kết thúc. Tôi và Johnny chỉ còn việc đưa các kiện hàng lên tàu, nhổ neo và trực chỉ hướng Đông bắc, về hòn đảo Hai-Sừng. Tôi mỉm cười chào các cư dân bản địa và các du khách ra tận bãi biển để đưa tiễn chúng tôi... để tôi được một mình trên tàu Vahiné với Johnny và những cánh buồm căng gió.
Sau khi đã chỉnh con tàu theo đúng hướng gió, Johnny vẩn đứng sau bánh lái, hai chan dạng ra ngang cao đầu, mắt ngời sáng. Anh ta lớn tiếng cười đắc thắng:
- Này Renboss, ông thấy chiếc Vahiné của tôi tuyệt vời không?
- Nhất rồi! Bao giờ thì sẽ trông thấy hòn đảo của chúng ta?
- Một tiếng rưỡi. Hoặc chậm lắm là hai tiếng.
- Tốt lắm. Như thế chúng ta sẽ có đủ thời gian để mang các thứ xuống đảo và dựng trại trước khi trời tối.
Johnny gật đầu rồi nghêu ngao hát những bài ca của cư dân hải đảo. Tôi cảm nhận niềm vui và nỗi buồn đan quyện trong những lời ca đó và cám ơn Trời đã cho tôi người bạn đồng hành là Johnny Akimoto.
Ba giờ chiều, chúng tôi đến đảo. Đứng ở mũi tàu, tựu vào dây neo, tôi thấy hòn đảo dần dần hiện rõ, lúc đầu là một đốm xám, rồi xám xanh màu lá và cuối cùng là hải đảo Hai-Sừng, với bãi cát hình trăng lưỡi liềm. Tiếp đó tôi thấy rõ những mỏm đá sừng sững và hàng cây. Tôi nhận ra bụi hoa râm bụt đánh dấu nơi có nguồn suối; bọt sóng trắng xóa tung tóe dưới chân gành đá lớn hướng ra biển và nước màu xanh ngọc êm ả của phá. Nhìn hải đảo trước mắt tôi tưởng chừng mình là người lính trở về nhà sau chuyến viễn chinh.
Tôi ngoái cổ, lớn tiếng hỏi:
- Johnny, cậu biết lối vào con lạch chứ?
Huơ tay, Johnny nói:
- Biết chứ.
- Cậu cho nổ máy để đưa con tàu vào đấy. Con lạch khá hẹp và nước chảy xiết.
Mắt ngời sáng vẻ thách thức, Johnny nói lớn:
- Không, tôi vẫn giương buồm. Chẳng có gì phải ngại cả.
Và Johnny giữ lời. Cách gành đá một trăm thước, Johnny bắt đầu cho tàu đi ngoắt ngéo để lợi dụng gió ngược, rồi hướng chiếc Vahiné song song với sừng phía Tây của hòn đảo. Anh đưa nhanh con tàu đến hàng rào san hô. Tôi thấy con tàu chồm lên theo con sóng trong khi Johnny bám chặt bánh lái để đưa nó nhanh chóng vượt qua khe hở của hàng rào san hô. Tôi há hốc mồm nhìn Johnny, ngỡ ngàng rằng những cành san hô sẽ xé toạc vỏ tàu.
Một phút sau, chúng tôi đã ở trong phá được bao bọc bởi rạn san hô hình vành khuyên; con tàu lướt nhẹ trên mặt nước trong veo, êm ả. Trước mắt tôi là bãi cát trắng; nỗi lâu sợ hãi và hình ảnh của Manny Mannix đã bị bỏ lại phía sau, cách xa cả ngàn cây số.
Tôi sung sướng, nhảy múa và gào thét trên boong tàu trong khi Johnny đưa chiếc Vahiné đến nơi thả neo.
Cuối cùng, neo được thả xuống và những cánh buồm được cuốn lại. Khi chúng tôi chuẩn bị để hạ chiếc xuồng nhỏ xuống, trước mắt tôi hiện ra một cảnh tượng khiến niềm vui của tôi tắt hẳn và tôi không ngăn được phải chửi thề...
Ở bìa hàng cây cuối bãi biển có dựng một lều trại nhỏ và phía dưới, nơi đường ngấn triều lên, có một chiếc ca-nô gắn máy.
Đồng Tiền Vàng Bí Ẩn Đồng Tiền Vàng Bí Ẩn - Morrist West Đồng Tiền Vàng Bí Ẩn