Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-21 05:49:54 +0700
Chương 5
T
rên con đường phủ tuyết, tiếng chiêng chát chúa của người gác đêm nghiêm trọng vang lên thăm thẳm trong đêm yên tĩnh. Tiếng chiêng vang dội trong không khí lạnh lẽo, rồi lướt qua chân của phu khiêng kiệu trên tuyết.
Phu khiêng kiệu bước rất chậm, như thể sợ nếu họ đi nhanh hơn tiếng chiêng thì họ sẽ mất đi người bạn trang trọng này. Nhưng sau khi khuất sau hai dãy phố, tiếng chiêng tắt đi, chỉ để lại cái âm thanh tiếc nhớ nhạt dần trong tai phu khiêng kiệu và khách ngồi kiệu.
Người đầy tớ trung niên Trương Thành cầm đèm lồng dẫn đường, đầu hắn nhô lên giữa hai vai co lại, như muốn chống lại cái lạnh. Thỉnh thoảng tiếng ho sặc sụa của hắn vang lên trong sự im lặng đáng sợ.
Phu khiêng kiệu đưa lên vai gánh nặng của họ, lặng lẽ đi những bước dài. Trời rét như cắt và tuyết buốt giá cắt da thịt của những bàn chân đi dép rơm. Nhưng họ quen với cái lạnh rồi và họ biết con đường trước mặt không quá dài. Họ sẽ tới nơi ngay. Rồi họ sẽ nghỉ ngơi bên ngọn đèn thuốc phiện hoặc tại bàn cờ bạc. Họ lặng lẽ bước đi cùng một nhịp chân, thỉnh thoảng đổi cái đòn kiệu từ vai này sang vai kia, hoặc hà hơi nóng lên hai bàn tay. Hoạt động dâng tràn hơi nóng qua thân thể họ. Họ bắt đầu đổ mồ hôi, mồ hôi trên lưng ướt đẫm qua những chiếc áo độn bông rách rưới.
Bà Trương, mẹ của Ngọc Cầm, ngồi trên chiếc kiệu trước. Tuy bà mới hơn bốn mươi tuổi, nhưng bà đã tỏ ra dấu hiệu của tuổi tác. Một vài bàn mà chược cũng đủ làm bà mệt. Óc bà mụ mẫm. Thỉnh thoảng làn gió thổi hất màn kiệu lên, nhưng bà không để ý.
Trái lại Ngọc Cầm thì rất cảnh giác và khích động. Nàng đang nghĩ tới cái gì sắp sửa xảy ra, một biến cố quan trọng nhất trong đời nàng. Nàng hầu như có thể trông thấy nó ngay trước mặt, đáng yêu và ngoạn mục. Nàng muốn nắm lấy nó, nhưng nàng biết cái giây phút nàng vươn tay ra, người ta sẽ ngăn cản nàng. Tuy không chắc có thể thành công hay không, nhưng nàng quyết định phải làm thử. Tuy đã quyết định rồi, nhưng nàng vẫn lo lắng nàng sẽ thất bại, và nàng khá sợ sệt. Những ý tưởng phức tạp này khiến nàng lúc hân hoan lúc u sầu. Chìm đắm trong những vấn đề riêng, Ngọc Cầm quên cả chung quanh. Nàng chỉ hồi tỉnh lại khi kiệu đi vào cổng nhà nàng, và được đặt xuống cửa trước của tòa nhà chính.
Như thường lệ, Ngọc Cầm đi theo bà Trương vào phòng bà, và nhìn người đầy tớ thay quần áo cho mẹ. Chính Ngọc Cầm treo quần áo của mẹ vào một phòng treo quần áo.
Bà Trương thở dài nói, "Mẹ không biết tại sao hôm nay mẹ mệt thế." Bà đã mặc một chiếc áo lụa viền lông thú và ngồi mệt mỏi trong một chiếc ghế mây bên cạnh giường.
Ngọc Cầm mỉm cười nói, "Tại hôm nay mẹ chơi quá nhiều, mẹ ơi." Nàng ngồi xuống một chiếc ghế bát giác đối diện với mẹ. "Mà chược làm người ta mệt lắm, và mẹ chơi tới mười hai bàn lận."
Bà Trương cười. "Con bao giờ cũng trách mẹ chơi mà chược, những có gì khác cho một người đàn bà ở tuổi mẹ làm không? Ngồi suốt ngày đọc kinh Phật, như bà nội của con ư? Mẹ không thể làm thế được."
"Con không muốn nói là mẹ không nên chơi. Con chỉ nói là mẹ không nên chơi lâu quá."
"Mẹ biết rồi," bà Trương vui vẻ trả lời. Bà quan sát người đầy tớ đứng nửa thức nửa ngủ bên cạnh phòng treo quần áo. Bà ra lệnh, "Ði ngủ đi, chị Lý. Tôi không cần chị nữa."
Sau khi người đầy tớ lui ra rồi, bà Trương quay về phía con gái. "Con nói gì nhỉ? À phải rồi, mẹ không nên chơi quá nhiều mà chược. Mẹ biết thế. Nhưng mẹ cũng vẫn mệt, ngay cả khi mẹ không làm gì nặng nhọc. Cuộc đời không có gì để làm thì buồn tẻ lắm, nếu cuộc đời ấy kéo dài quá. Dẫu sao người ta sống lâu quá thực là một sự khó chịu." Bà Trương nhắm mắt và khoanh tay trước ngực. Bà dường như ngủ gật.
Ngoại trừ tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ, căn phòng rất lặng lẽ.
Hiển nhiển Ngọc Cầm không có cơ hội bàn luận cái vấn đề quan trọng ấy với mẹ tối nay. Nàng đứng dậy, nghĩ rằng nên đánh thức mẹ, và đặt mẹ xuống giường để mẹ không bị cảm lạnh.
Nhưng khi Ngọc Cầm đứng dậy, mẹ nàng mở mắt và nói, "Ngọc Cầm, con cho mẹ tách trà."
Người con gái cầm bình trà từ cái lò than nhỏ, rót ra một tách và đặt trên chiếc ghế đẩu bên cạnh mẹ.
Nàng nói, "Trà đây, mẹ." Nàng đứng vụng về, cảm thấy cơ hội cho nàng nói đã tới, nhưng nàng không thể nói ra lời.
"Ngọc Cầm ơi, con mệt rồi. Ði ngủ đi."
Ngọc Cầm ngập ngừng. Cuối cùng nàng lấy hết can đảm. Nàng bắt đầu. "Mẹ ơi." Giọng nàng hơi run rẩy vì khích động.
"Cái gì thế?"
"Mẹ ơi," Ngọc Cầm lập lại. Ðầu cúi xuống, nàng đùa nghịch cái viền của áo chẽn. Nàng thong thả nói, "Giác Dân nói năm tới trường của anh ấy sẽ thâu nhận nữ sinh. Con muốn thi vào trường ấy."
"Con nói gì vậy? Nữ sinh trong một trường con trai? Con muốn học trường ấy ư?" Bà Trương không tin được tai mình.
"Vâng," Ngọc Cầm nhút nhát trả lời. Nàng giải thích, "Chuyện ấy không có gì sai trái cả. Ðại học Bắc Kinh đã có ba nữ sinh viên. Trường nam nữ đã bắt đầu tại Nam Kinh và Thượng Hải."
"Thế giới sẽ thay đổi đến thế nào? Trường dành riêng cho nữ sinh chưa đủ, và bây giờ họ muốn nam nữ học chung!" Bà Trương thở dài. "Hồi mẹ còn nhỏ, mẹ không bao giờ mơ tưởng đến những chuyện này!"
Những lời nói này như một gáo nước lạnh dội lên Ngọc Cầm. Run lạnh và ngỡ ngàng, nàng đứng im lặng. Nhưng nàng không chịu từ bỏ hy vọng. Từ từ sự can đảm của nàng trở lại. Nàng nói:
"Mẹ, thời đại thay đổi rồi. Dẫu sao đã hơn bốn mươi năm qua rồi khi mẹ ở tuổi con; thế giới mỗi ngày có sự mới lạ. Con gái cũng như con trai vậy. Tại sao con trai và con gái không thể học chung với nhau trong lớp học?"
Bà Trương cười chặn con lại: "Mẹ không cố gắng tranh luận về sự ích lợi trong trường hợp này; mẹ không bao giờ nói lại con. Mẹ tin chắc con sẽ tìm ra nhiều lý do trong sách vở của con để cãi lại mẹ. Chắc con nghĩ mẹ là một người cổ lỗ phản động."
Ngọc Cầm cũng cười, rồi nàng năn nỉ, "Mẹ ơi, xin mẹ cho con thi vào trường đó đi. Mẹ thường tin con mà. Mẹ chưa bao giờ từ chối con cái gì cả!"
Bà Trương hơi yếu đuối. Bà thở dài. "Và mẹ đã phải chịu nhiều sự xúc phạm vì lý do đó. Nhưng mẹ không sợ những lời ngôi lê đôi mách, và mẹ tin con. Dù bất cứ chuyện gì, mẹ bao giờ cũng làm những gì con muốn. Nhưng chuyện này quá đặc biệt. Bà nội con sẽ là người đầu tiên chống đối. Chắc con không muốn mẹ phải đương đầu với bà nội vì chuyện này? Và dĩ nhiên bà con trong họ sẽ nói ra nói vào."
Ngọc Cầm cãi lại. "Mẹ vừa nói mẹ không sợ những người ngồi lê đôi mách mà. Bà nội ở trong chùa, và chỉ về thăm nhà nhiều lắm là một tháng một lần, và mỗi lần chỉ ở lại vài ba ngày. Mấy tháng vừa qua bà nội đâu có về nhà. Ngoài ra ai mà bận tâm bà nội nói gì? Vì bà nội không bận tâm tới vấn đề gia đình nữa, mẹ có thể quyết định - giống như lần mẹ cho con vào trường nữ sư phạm vậy. Bà con trong họ không có lý do gì để chống đối. Nếu họ muốn ngồi lê đôi mách thì chúng ta không cần phải đếm xỉa đến họ."
Sau một lúc im lặng, bà Trương nói bằng một giọng xìu xuống. "Trước kia mẹ can đảm hơn, nhưng bây giờ mẹ già rồi. Mẹ không muốn là trò cười của những chuyện nhàn rỗi của bà con trong họ nữa. Mẹ muốn sống yên ổn vài năm nữa, tránh mọi rắc rối. Con biết mẹ là một người mẹ tận tụy với con. Cha con chết khi con còn rất nhỏ, để lại cho mẹ tất cả gánh nặng nuôi dưỡng con. Mẹ không chịu bó chân cho con giống như những đứa con gái khác. Mẹ để con học chung thày đồ với các anh họ con tại nhà ông ngoại Cao. Sau đó, bất chấp tất cả, mẹ cho con vào trường nữ học. Em họ của con là Thục Trân bó chân nhỏ tí, và không biết đọc. Ngay cả chị họ của con là Thục Hoa cũng đi học rất ít! Nói chung, con phải nhìn nhận mẹ đối xử với con rất tốt đẹp."
Bà Trương quá mệt không nói tiếp được. Nhưng khi bà trông thấy Ngọc Cầm sắp khóc, trái tim bà tuôn về đứa con gái và nói:
"Ngọc Cầm ơi, đi ngủ đi con. Khuya quá rồi. Chúng ta có thể nói cái chuyện của mùa thu tới vào một lúc khác. Mẹ sẹ cố gắng giúp con."
Với tiếng lẩm bẩm vâng lời, Ngọc Cầm thất vọng bước ra, băng ngang qua một phòng tiền đình để bước vào phòng riêng. Mặc dù thất vọng, nàng vẫn không trách mẹ; thực ra nàng rất biết ơn tình thương yêu của mẹ.
Căn phòng của Ngọc Cầm có vẻ ảm đạm, như thể không còn hy vọng nữa. Ngay tấm hình của thân phụ nàng đã chết, treo trên tường, dường như đang khóc. Ngọc Cầm cảm thấy đôi mắt ẩm ướt. Nàng cởi váy ra và đặt lên giường, rồi bước lại bàn giấy, khêu to ngọn đèn bằng thiếc và ngồi xuống. Cầm tờ tạp chí Tân Thanh Niên lên, nàng lơ đãng lật vài trang. Những hàng chữ dưới đây đập vào mắt nàng:
"...Tôi tin rằng trên tất cả mọi thứ khác, tôi là một con người, cũng giống như bạn - hoặc ít nhất tôi phải cố gắng trở nên một người như thế. Tôi không thể thỏa mãn với những gì người ta nói; tôi phải tự mình suy nghĩ sự việc, và cố gắng làm mọi việc sáng tỏ..."
Những hàng chữ này từ vở kịch A Doll's House của Ibsen.
Ðối với nàng, những lời này là sự khám phá mới, và mắt nàng sáng rỡ. Nàng rõ ràng trông thấy ước vọng của nàng không tuyệt vọng, và đều tùy thuộc vào cố gắng của nàng. Nói cách khác, nàng vẫn còn hy vọng, và sự hoàn thành hy vọng ấy tùy thuộc chính nàng, chứ không phải người khác.
Với nhận thức ấy, nỗi tuyệt vọng của nàng tan biến đi, và nàng hứng khởi cầm bút lên, viết lá thư sau đây cho Kim Ngọc, một trong những nữ sinh trong lớp nàng:
"Hôm nay các anh họ tôi cho biết Trường Ngoại Ngữ đã quyết định thu nhận nữ sinh bắt đầu mùa thu tới. Tôi đã quyết định xin thi tuyển. Còn chị thì sao? Chị có muốn cùng đi với tôi không? Tôi hy vọng chị sẵn sàng cương quyết bước theo. Chúng ta phải chiến đấu, với bất cứ giá nào, để mở con đường cho các chị em đến sau chúng ta.
Xin mời chị lại tôi chơi nếu chị có thời giờ. Tôi còn nhiều điều muốn nói cho chị hay. Mẹ tôi cũng sẽ vui mừng gặp chị.
Ngọc Cầm"
Ngọc Cầm đọc lại lá thư đã viết xong, viết thêm ngày tháng, rồi chịu khó bỏ thêm những dấu ngắt câu, mà chỉ gần đây mới thịnh hành. Mẹ nàng khinh bỉ những lá thư viết bằng văn bạch thoại. Bà ta nói "như thế quá dài hơn thư viết lối cổ điển, và quá thô tục!" Nhưng Ngọc Cầm thích loại văn này, và nàng trau giồi cách hành văn của nàng theo kiểu văn mới trong mục "Gửi Toà Soạn" của tờ Tân Thanh Niên.