Số lần đọc/download: 1284 / 25
Cập nhật: 2018-08-18 10:47:52 +0700
Chương 6
T
iếng kẻng tan tầm buổi chiều, lão Bành vội vàng xếp đôi quang gánh vào góc cái hố đất. Lão tất bật chạy ra chỗ buộc lối con trâu. Con trâu biến đâu mất chỉ còn có cái cọc đứng trơ chỏng giữa bãi cỏ đó trụi thùi lụi. Lão ngơ ngác nhìn quanh, sợ nó tạt xuống ruộng lúa, ruộng ngô nào. Lão tất tưởi chạy ngược chạy xuôi, vừa chạy vừa la ó. Nghe tiếng lão, bà Tứ đứng trên đồi Mom Thị cất gịong ời ời:
- Trâu ông đây, ông Bành ơi!...
Lão Bành thở phào và lập cập chạy về phía quả đồi Mom Thị. Gặp bà Tứ lão bày tỏ:
- May quá, tôi tưởng nó sà vào ruộng lúa, ruộng ngô nào thì chết! Mải làm quá quên mất bà ạ!
- Cũng tại ông buộc lỏng mối mà.
- Vâng, tôi xin bà - Nói rồi lão dắt con trâu thủng thỉnh đi.
Về đến nhà, trời đã nhọ mặt người, lão ngõa con trâu đuổi nó vào chuồng, chốt chặt văng cửa rồi lão vào bếp cời lửa nấu cơm. Lửa bếp cháy lên, lão bắc nồi cơm lên kiềng rồi ra cái chõng ngồi thở. Chợt lão nhìn thấy cái bì thư đặt dưới cái gối gỗ của lão. Lão đoán là ông đưa công văn của xã mang đến. Lão cầm cái bì thư lên xem, những dòng chữ mực xanh ngay ngắn rất đều. Lão ngắm nghía và đoán đúng là thư của thằng Hữu. Tiếc là lão không biết đọc. Lão gấp làm tư cái bì thư lại và đút vào trong bọc.
Cơm canh chín, lão xới đầy vào bát ăn qua loa vài miếng rồi nghiêng cái ấm tu một ngụm. Lão khép cửa đi một mạch đến nhà ông giáo Thuyên. Thấy lão cập rập, ông giáo Thuyên vội vàng mở của. Ông chưa kịp nói gì, giọng lão đã oang oang:
- Phiền ông giáo một tí, mong ông giáo thông cảm giúp tôi!...
- Có gì bác cứ nói, giúp được là tôi giúp ngay chứ có gì mà phiền với muộn.
- Vâng, cảm ơn ông giáo. Nhờ ông giáo xem cái này có phải là thư của thằng cháu Hữu nó gửi về cho tôi không? - Vừa nói lão vừa lần túi lôi ra cái phong bì đưa cho ông giáo Thuyên.
Cầm cái phong bì giơ vào chỗ đèn sáng, ông giáo Thuyên nói như reo:
- Phải đấy bác Bành ạ. Thư của thằng cháu Hữu đấy. Thằng bé thế mà chu đáo, mới đi được có hơn tuần lẽ mà đã thư về ngay. Chắc là nó nhớ nhà đấy.
- Vâng, vâng. Nhờ ông giáo đọc giúp tôi nghe xem cháu nó bảo gì.
Giọng lão Bành vừa hồi hộp vừa e ngại. Ông giáo Thuyên nhẹ nhàng lấy cái kéo cắt bì thư, nâng bức thư lên trước đèn, giọng ông rành mạch:
"Bố Bành yêu kính của con! Con đó đến trường cùng các bạn đúng ngày khai giảng. Chúng con đã vào học rồi. Trường ở trên huyện to đẹp hơn trường ở làng ta nhiều. Phố huyện cũng đẹp lắm, đêm đến điện sáng đến mười giờ. Bốn đứa chúng con đươc ở cùng một nhà, cái Dần là con gái nên được ngăn riêng một phòng nhưng vẫn học cùng một lớp, ăn chung nhau một nồi. Chúng con cử cái Dần lo toan việc bếp núc, chợ búa. Thằng Tùng gánh nước hàng ngày về phòng ở, con và thằng Phú chịu phần việc vào rừng kiếm củi. Chúng con đã phân công nhiêm vụ và có quy định thực hiện rất rõ ràng không để ảnh hưởng đến thời gian học tập đâu. Bố đừng lo lắng về chúng con quá nhiều mà ảnh hưởng đến sức khỏe. Bố ở một mình, bố nhớ ăn uống điều độ, đừng vì con mà phải chắt bóp quá nhỡ ốm ra đấy thì khổ. Con sẽ viết thư cho bà lang ở Đồng Mụng về hoàn cảnh của bố con mình. Bố cứ an tâm, con sẽ học tập thật tốt và luôn luôn coi bố như là người đẻ ra mình!... Bố tin con bố nhá!
Cuối thư con yêu bố mãi mãi và cho con chuyển lời kính thăm thầy Thuyên, bà Tứ và bà con thân thích người làng Thông ta. Bố cũng nói với bố bầm của thằng Tùng, thằng Phú, cái Dần là chúng con đều khỏe mạnh cả. Kính chào bố!
Con trai của bố
Hữu
Đặt bức thư xuống, ông giáo Thuyên cười hiền lành:
- Thằng bé thật là ngoan, văn vẻ ngắn gọn mà đủ đầy, tình cảm chứa chan, chân thật. Mừng cho bác, bác Bành ạ!
- Vâng, cảm ơn ông giáo! Cháu nó nghĩ được thế là do công lao dạy dỗ của ông giáo nhiều, thật nhiều đấy! Biết bao giờ bố con tôi mới đền đáp lại đươc!
Và tự nhiên nước mắt lão Bành lại ứa ra đầy hai hốc mắt. Để an ủi lão, ông giáo Thuyên bảo:
- Khi nào rảnh tôi và Bác đi huyện một chuyến, thăm chúng nó và cũng để xem phố huyện nhà ta to đẹp bằng nào.
- Vâng. Cảm ơn ông giáo! - Giọng lão Bành nghèn nghẹn. Lão cầm lá thư gấp lại và đúc vào túi như một kỷ vật rồi xin phép ông giáo Thuyên ra về.
Đêm quê nhà êm ả chỉ có gió trời từ ngoài sông Lô thổi vào dìu dặt. Lão Bành lững thững đi, chưa bao giờ lão thấy phong cảnh làng Thông dễ chịu như thế này. Có cái gì cứ nao nao trong lòng lão. Cái nao nao ấy chính lão cũng không hình dung ra được. Nhưng lão thực sự nhớ thằng Hữu, nhớ những người đã cưu mang lão ở làng Thông này. Lão lững thững vừa đi vừa nghĩ ngợi. Về đến nhà lão ngồi bệt xuống cái chõng tre. Căn nhà im thít. Lão đảo mắt nhìn từng đồ vật trong nhà. Chợt lão thấy những cái chai đựng đom đóm của thằng Hữu xếp ở chỗ cái nong rách cạp dựng chỗ góc nhà. Lão tần ngần đi lại nhặt những cái chai lau chùi thật sạch sẽ. Lão lặng lẽ xếp những cái chai lên nóc cái bục ở dưới bàn thờ bố bầm thằng Hữu. Lửa đèn hắt vào, những cái chai lấp lánh như những con đom đóm đang bò ngược, bò xuôi. Hình ảnh thằng Hữu những ngày bị lão hành hạ lại hiện lên trước mặt. Lão nhìn ra xó nhà, cái bó roi cật nứa, mấy cái vọt mây, cái dùi đục còn nằm chổng gọng đấy. Nhìn những thứ này lão lại thấy những vết sẹo trên thân thể thằng Hữu. Lão bo mặt khóc tu tu. Nghe thấy tiếng lão khóc bà con hàng xóm vội chạy đến. Đi đầu là ông Bếp Thìn đội trưởng rồi đến bà Tứ... Họ quây tròn quanh lão hỏi sự tình có chuyện gì. Bấy giờ Lão lão mới tỉnh. Lão ngơ ngác nhìn mọi người rồi ngượng ngùng bảo:
- Không, không có chuyện gì đâu, Tôi nhớ thằng cháu Hữu quá thôi mà!...
- Có hai bố con, giờ nó đi vắng cũng trống trải thật nhưng nó đi học chứ có đi đâu mà sợ hả ông!
- Vâng, vâng, mời các ông các bác ra chõng uống nước - Vừa nói lão vừa lọ mọ cầm cái ấm xuống bếp.
Bà Dậu và bố bầm thằng Tùng, thằng Phú hỏi dồn:
- Nghe bảo thằng cháu Hữu nó gởi thơ về à bác Bành?
- Vâng, vâng có đấy ạ. Tôi, tôi vừa, à đây. Bác nào thạo chữ, mắt tỏng đọc cho cả nhà nghe vui- Nói rồi lão lục túi lấy ra cái bì thơ.
Ông Bếp Thìn mau miệng:
- Đưa tôi, đưa tôi- Ông cầm bức thư giơ lại gần ngọn đèn. Giọng ông sang sảng: "Bố Bành kính mến của con, con đã cùng các bạn đến trường đúng ngày khai giảng..."
Đọc xong ông Bếp Thìn đặt bức thư xuống bàn, nhìn mọi người, nhìn lão Bành ông bảo:
- Thế là yên tâm lắm rồi, chúng nó sẽ biết bảo nhau học hành. Các ông bà ở nhà là phải tích cực đi theo công điểm để có tiền gạo nuôi chúng nó. Mấy đứa này thế nào cũng thành bác sĩ kỹ sư cả cho mà xem.
- Vâng, có nom vào thằng cháu Hữu và cháu Dần chứ còn ông tướng Tùng nhà tôi thì ham chơi lắm.
- Thằng Phú nhà tôi cũng thế.
- Không sao, đi đấy chúng nó sẽ đua nhau học tập thôi mà.
- Vâng tôi cũng chỉ mong có thế.
Câu chuyện về đám trẻ đi học vui dài dưới căn nhà của lão Bành mãi tới tận khuya. Lão Bành sung sướng lắm. Lão thấy những giờ phút này cuộc đời lão thật hạnh phúc. Nhưng khi mọi người về hết, chỉ còn mình lão giữa căn nhà lão lại thấy tủi thân. Lão lọ mọ lại chỗ bàn thờ bố bầm thằng Hữu lầm rầm khấn vái, việc xong lão lại nhấc những cái đèn chai của thằng Hữu dưới gầm cái án thờ xếp thật gọn gàng vào chỗ cái chõng tre gần cái gối gỗ lão vẫn nằm gối đầu. Lão ngả lưng bo những cái chai đèn và lim dim ngủ. Gió ngoài sông Lô từng cơn hảy vào căn nhà mát lịm.
***
Đêm đã khuya, mấy đứa vẫn chụm đầu vào ngọn đèn mà vẫn không giải được bài toán. Thằng Hữu hết vò đầu laị bóp trán mà đáp số vẫn sai. Thằng Tùng nản lòng bảo:
- Thôi, đi ngủ đã, mai dậy sớm xoay vần với nó sau.
- Mày có mà sớm đến lúc quạ gáy- Cái Dần bĩu môi nhưng nó vẫn cúi mặt xuống tờ giấy nháp.
- Quạ gáy hay gà gáy cũng thế, cũng hết mẹ nó dầu rồi còn đâu mà học.
Cái Dần vội ngẩng lên, Cái bấc đèn đã thòi ngược đỏ như quả ớt. Nó vội cúi xuống gầm bàn lôi cái chai, nó nghiêng cái chai lắc lắc. Thằng Tùng cười hì hì:
- Rắn ráo nó đẻ vào đấy lâu rồi. Rắn nó cũng ủng hộ cơn buồn ngủ của thằng Tùng này đấy. Nhưng mà "bà chị" thiếu trách nhiệm với các cậu rồi nhé! Bài toán không giải xong là do hết dầu đèn chứ không phải do thằng Tùng này bàn chùn.
Cái Dần tròn mắt nhìn nhưng cảm thấy mình có lỗi thật nên nó không nói gì. Thằng Tùng lại cười hì hì và lặng lẽ co chân chui vào màn ngủ. Cái Dần nhìn thằng Hữu bảo:
- Ngày mai tao đi mua dầu nhưng cũng phải thâm vào tiền ăn một chút xíu đấy. Vì những ngày cuối năm chúng mình học khuya nhiều, lại hôm nọ thằng Phú ốm mua cho nó năm lạng thịt, nếu mai mua chai dầu nữa thì chỉ còn trong quỹ ăn có sáu đồng thôi mà hôm nay mới có ngày 15, còn nửa tháng nữa thì mới có tiền ở dưới nhà gửi lên tới - Cái Dần thở dài.
Thằng Hữu hỏi:
- Thế còn gạo không?
- Gạo thì còn ăn đủ đến hết tháng.
- Thế thì không lo.
- Lo chứ! Ăn kham khổ quá thằng con nhà Tùng nó hay làu bàu. Ai mà dỗ dành mãi được! Vả mai kia lại còn phải đóng tiền học phí kỳ 2, lại quỹ lớp để liên hoan cuối năm nữa... Vị chi mỗi đứa cũng phải hết khoảng năm đồng. Bốn đứa là hai mươi đồng chứ có ít đâu. Hay là mai thi xong môn toán tao tranh thủ về quê xin thêm tiền? - Cái Dần hỏi và lại thở dài.
- Không cần đâu, tao có cách rồi. Chỉ cần chủ nhật này mày chịu khó ngồi chợ là bọn ta có tới ba, bốn chục đồng chứ chả đùa.
- Bốc phét - Thằng Từng ở trong màn nói chõ ra.
- Thôi, ngủ đi ông tướng ạ. Mai tao dựng dậy từ bốn giờ đấy. Bài toán còn dở đây này.
- Không có dầu thì dậy làm cái đếch gì! - Thằng Tùng làu bàu rồi lại thụt cổ chui vào màn như con rùa tụt đầu vào mai.
Thằng Hữu cười bảo:
- Tao còn một bát dầu cây chám đây. Đủ mà học.
Thấy thằng Hữu nói còn dầu cây chám thằng Tùng sợ phải lùa dậy tiếp tục xoay vần với bài toán, nó nằm im thin thít một lúc rồi trả đò ngáy khò khò. Thằng Hữu và cái Dần, thằng Phú hí hoáy giải bằng xong bài toán khó chúng mới đi ngủ.
Mờ sáng thằng Hữu đã dựng thằng Tùng dậy ngồi vào bàn học. Thằng Hữu tua lại cách giải bài toán hắc búa tối hôm qua. Việc xong cả đám lục đục lên lớp dự kỳ thi hết môn cuối năm. Cả bốn đứa đều làm bài tốt. Cái Dần làm xong bài trước giờ khoảng hai mươi phút. Nó về nấu cơm, bọn thằng Tùng về nó đã bày cơm lên bàn. Cơm chỉ có rau sắn luộc chấm muối vừng. Thằng Tùng làu bàu:
- Thi cử, học hành thấu sáng mà ăn uống như sư chịu thế chó nào mãi được!
- Thôi nào, còn hai môn nữa thôi, văn và sử là phải tự học lấy chứ chả ỷ lại cho ai được đâu. Phấn đấu cả bọn không ai dưới đểm trung bình mà phải từ khá trở lên. Được vậy chủ nhật này thằng Hữu sẽ khao một bữa tươi. Yên tâm, rồi đâu sẽ có đó.
Thằng Hữu lạc quan và gắp rau sắn đằm vào muối vừng ăn hùng hục. Cả đám cùng làm theo, chẳng đứa nào nói với đứa nào nữa. Bữa cơm chỉ trong mươi phút là đáy nồi nhẵn bóng. Cái Dần bê mâm rửa. Nó vừa cười vừa nói:
- Tớ thích ăn uống kiểu này, rửa bát cũng nhàn!...
- Nhưng rồi thành con cá mắm ối tay xót ruột! Thằng Tùng bĩu mồm.
Biết nó sắp giở cái đục để chọc ngoáy, thằng Hữu lại cười như không nghe thấy gì và nói:
- Bây giờ nghỉ trưa, hai giờ thằng Phú dậy đi với tớ. Ai không ngủ thì lấy sách ra mà đọc, không gây ồn đến người khác - Nói rồi thằng Hữu co chân lên giường nằm. Buổi trưa, gió từ ngoài sông Đáy thổi vào mát rượi.
Buổi chiều, thằng Hữu lẳng lặng dẫn thằng Phú leo lên núi Nhội. Qua con suối, đến chỗ vạt rừng xoài ra bằng phẳng. Thằng Hữu dừng lại chỉ vào cái gốc cây đầy gai nhọn hoắt, tán nó tỏa gần kín bãi đất, từng chùm quả chi chít giống như quả muồng ở quê. Thằng Hữu bảo:
- Quả bồ kết đấy.
- Lấy cho cái Dần gội đầu? - Thằng Phú hỏi.
- Cũng là vậy nhưng quả này mang ra chợ Kỳ Vọng bán chỉ lúc là hết mà cũng đắt ra phết đấy chứ tưởng đùa. May gặp mấy bà buôn dưới xuôi lên mình còn vớ hàng trăm bạc chứ mày tưởng bỡn đấy à!
- Nhưng nó cao lại toàn gai thế này, ta chỉ có mỗi con dao chặt bao giờ đổ? - Thằng Phú kêu ca.
- Ngốc ạ! Đốn, gồi cành nó thôi chứ. Mày cứ việc ở dưới đất vặt quả nó bó lại từng túm.
Nói rồi thằng Hữu lôi đám dây Mủ muống cột vào con dao, đeo ngang thắt lưng, nó như con mèo bấu vào gốc cây bồ kết. Nó nhoi lên từng nấc một, nhoi đến đâu nó dóc sạch gai đến đấy. Tới chỗ chạc ba cây bồ kết, nó tỳ dao chặt từng cành, cứ từ thấp lên cao nó ngả. Thằng Phú ở dưới gốc kéo từng cành gọn gàng vào một chỗ lặng lẽ ngồi bó quả. Tự nhiên nó giật thót mình, một cành bồ kết to rơi đánh rầm một cái và tiếng thằng Hữu kêu: Ối trời! Thằng Phú ngẩng lên thấy vai áo thằng Hữu một bên rách toạc, máu rớt xuống ròng ròng! Thằng Phú kêu toáng lên nhưng nó vẫn không biết xoay sở cách gì. Thằng Hữu bình tĩnh bảo:
- Mày đừng kêu nữa. Đứng sát vào gốc cây để tao tụt xuống. Khi nào chân tao chạm vào vai mày, mày cố đỡ nhá.
Nói rồi thằng Hữu một tay giữ vết thương, một tay bo gốc cây cứ thế tụt xuôi. Khi cái chân nó chạm vào bả vai thằng Phú, Thằng Phú căng hết sức mình đỡ thằng Hữu nằm xuống đất. Máu chảy nhiều quá làm mặt thằng Hữu tái mét. Thằng Phú vội cởi áo định buộc vào chỗ bị thương. Thằng Hữu bảo không cần. Nó lẳng lặng lê lại chỗ bãi cỏ rác vơ một nắm to cho vào mồm nhá nghiến ngấu rồi đắp vào chỗ vết thương và bảo thằng Phú xé cái khăn mặt buộc chặt lại. Công việc vừa xong thì vết thương cũng tụ máu. Hai thằng bo lấy nhau cùng hoàn hồn. Thằng Phú bảo:
- Cỏ rác thế mà tốt nhề!
- May mà có nó, không thì mày chỉ còn cách cổ tao đi bệnh xá thôi.
- Tại mày không cẩn thận mà.
- Tao vô tình vì không nhìn thấy cái dây to nó dìu ở cành trên. Thôi nhưng mà đã tai qua nạn khỏi. Mày bứt quả bó vào đi, tao nghỉ một tẹo.
Nói rồi thằng Hữu nằm kềnh ra bãi cỏ. Thằng Phú cặm cụi bứt quả bồ kết bó lại từng bó, lúc này ruột gan nó tự nhiên cũng như có gai cào. Nó thực lòng thương và kính nể thằng Hữu. Nó ngậm ngùi bảo:
- Hay mày về bảo bọn cái Dần và thằng Tùng vào bứt quả cùng với tao. Mày về nghỉ lấy lại sức thứ hai này còn thi nốt hai môn văn sử chứ.
- Tao không sao đâu. Mình cố lên một tí, bây giờ về chuyện lại ầm lên khắp khu kí túc xá thì không hay. Mày còn lạ gì mồm thằng Tùng nữa.
- Ừ, cái thằng con khỉ ấy nhác việc học hành lắm. Nó chỉ giỏi cái việc láo cá láo tôm với cái Dần thôi. Mà tao thấy hình như nó khoái cái Dần hay sao ấy?
- Nhưng cái Dần nó rắn, cu cậu đành bó tay. Thôi, cả tao và mày phải cùng hợp sức động viên và bắt nó tập trung vào việc học hành. Chúng mình ôm gạo đi học thế này, bố bầm chúng mình ở nhà vất vả thêm nhiều lắm đấy. Phải cùng nhau cố lên, đừng để phí công bố bầm và sự hy vọng của thầy giáo Thuyên về chúng mình!
- Tao nghe lời mày. Mày nằm nghỉ đi - Thằng Phú giục.
Thằng Hữu ngửa mặt nhìn trời rồi thiu thiu ngủ. Khi nó tỉnh dậy thì thằng Phú đã bó xong hai gánh bồ kết đặt ngay ngắn cạnh gốc cây. Nhìn vết đau trên lưng thằng Hữu, thằng Phú bảo:
- Mày cứ ở đây, tao gánh về rồi vào đón mày sau.
- Không lo, tao còn gánh được mà.
Vừa nói thằng Hữu vừa co người nhấc gánh bồ kết lên vai. Thằng Phú cũng lặng lẽ nhấc gánh bước theo thằng Hữu. Mặt trời cũng ngả sang màu vàng và tụt dần xuống bên kia ngọn núi Nhồi
Sáng chủ nhật, cả đám lặng lẽ bí mật gánh bồ kết ra chợ Kỳ Vọng. Cái Dần ngồi bán hàng, cái mặt nó tươi tắn lại dễ nhìn, cứ như gọi khách đến, chỉ khoảng nửa buổi sáng là đã hết vèo đống bồ kết. Mấy đứa mặt mày hớn hở bảo:
- Thôi "bà chị Dần" chiều bọn cậu một tí.
- Chiều cái gì?
- Mua lấy con gà về giải quyết thân mật bữa trưa nay!... - Thằng Phú khẩn khoản đề nghị.
Cái Dần cười:
- Nhất trí, nhưng để kiểm xem được bao nhiêu tiền đã.
Nói rồi cái Dần mở túi đếm tiền. Nó cười khúc khích. Cả đám cùng cười ran chợ.
Về đến khu kí túc xá, căn phòng của đám thằng Hữu vui như có tết. Mỗi đứa một việc. Thằng Hữu và thằng Phú cởi áo bổ củi. Nó vừa cởi áo ra thì thằng Tùng kêu tóa lên:
- Lưng mày làm sao thế?
- Có sao đâu - Giọng thằng Hữu vô tư.
- Vết sát dài sâu thế kia mà bảo không sao! - Cái Dần cau có.
- So với những vết roi cật nứa của lão Bành ngày xưa thì thầm gì! - Thằng Hữu tếu.
Cái Dần vẫn tròn mắt cau có. Nhìn nó, thằng Phú ậm ừ rồi bảo:
- Lúc chặt cành bồ kết, nó quật vào. Còn xa ruột chán. Mà cũng may, thằng Hữu nó biết thứ cỏ tiên, nhá đắp vào là cầm máu ngay. Chứ cả như thằng Phú này thì cũng về cầu viện bọn mày rồi.
- Coi như không có chuyện gì xẩy ra đi - Thằng Hữu cười.
- Nhưng mà xót ruột xót gan tôi nhiều lắm!... - Thằng Tùng liếc vào cái Dần cười hề hề.
Cả đám cùng cười ran. Căn phòng vui rộn lên. Thằng Hữu lại bảo:
- Cơm nước xong, ai vào việc người ấy nhá! Ngày mai quyết tâm phải giành từ điểm 4 trở lên.
- Đúng, phải đạt điểm 4 trở lên thì mới bõ cái công đi gồi bồ kết của thằng Hữu. Số tiền bán bồ kết này là đủ tiền ăn, tiền đóng học phí kì hai rồi. Nếu nhận được tiền dưới quê gửi lên là phải nhập quỹ đấy nhá - Cái Dần Tuyên bố. Cả đám cùng đồng thanh hô nhất trí.
***
Đám thằng Hữu về quê nghỉ hè cũng cùng với thời gian giặc Mỹ bắt đầu dùng tàu bay bắn phá ra khắp miền Bắc. Lão Bành phải dậy từ nửa đêm để đi làm. Thấy bố vất vả thằng Hữu đến nhà ông Bếp Thìn đội trưởng ghi tên để được đi làm công điểm. Ông Bếp Thìn nheo mắt nhìn nó bảo:
- Tàu bay, tàu bò nó lượn như quạ trên trời cả ngày, công việc toàn làm ban đêm, sức mày theo sao được! Ốm ra đấy lại bỏ học. Thôi cứ tranh thủ đi thả con trâu giúp bố mày là được rồi....
- Không, bác cứ cử cháu đi làm, cháu theo được mà.
- Thế cháu làm được việc gì?
- Cày, bừa, tát nước, đắp bờ, gánh phân....
- Thế thì xã viên làng Thông thất nghiệp mất thôi! - Ông Bếp Thìn cười và nhìn thằng Hữu âu yếm - Được rồi, sớm mai cháu đi bừa trong đồng Cây Bưởi cùng với tổ của ông Đường nhá. Nhớ là đi từ ba giờ đêm đấy. Làm với ông Đường là phải siêng năng, bừa là phải biết xúc đổ, chứ đừng chỉ vịn tay vào cái bừa là ông ấy đuổi lên bờ ngay hoặc không tính công cho đâu.
- Bác cứ yên tâm và tin cháu một lần đi, cháu không làm bác mất mặt vì nể nang mà cho đi làm những công việc của người lớn, của lao động chính đâu - Nói rồi thằng Hữu cười tít mắt. Ông Bếp Thìn nhìn nó cũng khà khà cười theo.
Sáng hôm sau, ba giờ sáng thằng Hữu đã thức dậy, nó khều bếp nhóm lửa rang cơm. Thấy nó lục đục bếp lửa, lão Bành giật mình nhổm dậy. Giọng lão hấp hoảng:
- Con cời lửa tàu bay nó đến thì chết đấy!
- Còn nửa đêm thế này nó chưa bay đâu. Mấy ngày nay con thấy cứ chín giờ buổi sáng và ba giờ buổi chiều nó mới bay. Nó đánh cầu Việt Trì đấy bố ạ! Con tranh thủ rang bát cơm nguội lên cho nó nóng hai bố con ăn cho nó ấm bụng. Hôm nay con đi bừa với tổ ông Đường ở đồng Cây Bưởi bố ạ!
- Chết thôi! Ai bảo con đi làm việc này?
- Con hỏi bác Bếp Thìn, bác ấy nhất trí rồi mà. Bố đừng ngại.
- Nhưng mà việc cày bừa là của lao động chính. Tuổi con đó có đứa nào biết làm việc này đâu.
- Thì con thử làm.
- Con còn đi học. Đi làm thế người ta lại bảo bố cay nghiệt, bắt tội con. Nhất là bố lại là bố ghẻ nữa - Lão Bành thở dài - Thôi con cứ ở nhà chăn trâu, cắt cỏ cho bố mấy tháng hè là được rồi. Mình bố đi theo công điểm cũng đủ lúa gạo nuôi con đi học. Con đừng lo, đừng để dân làng bảo bố cay nghiệt với con một lần nữa! Một thời bố đã bị cái tiếng độc ác với con rồi mà!
- Bố khỏi băn khoăn nhiều, trước khi xin việc đi làm con đã nói kỹ với bác bếp Thìn rồi. Bác ấy tin con thì bố cũng phải tin con chứ. Con cũng phải tập những công việc của người lớn đi là vừa. Chắc người làng Thông ta cũng chả ai chê cười người học việc đâu bố ạ.
- Ừ, thì con cứ thử đi làm, bác Bếp Thìn đã cho đi, bố cũng chả ngăn con nữa!...
- Vâng, con cảm ơn bố - Nói rồi thằng Hữu lấy cái muôi xới đầy bát cơm đưa cho lão Bành.
Cơm nước xong thì con gà trống trong chuồng cũng cất tiếng gáy o o. Thằng Hữu lón thón ra cởi văng chuồng trâu, vác cái bừa to kềnh càng đi ra ngõ.
- Con mới tập bừa, phải nhớ khiển đường bặt diệt con trâu thật chuẩn chả có nó phá ngang, ông Đường mắng và đuổi lên bờ đấy.
- Bố khỏi lo - Vừa nói thằng Hữu vừa đánh trâu đi.
Lão Bành nhìn theo nó thở dài. Và hình như lão lại nảy ra một điều gì rất mới từ thằng Hữu nhưng lão chưa hình thù ra được. Lão lọ mọ khép cửa và gổng đôi quang gánh lúi húi đi ra cổng.
Bầu trời còn chi chít những vì sao. Tổ bừa do ông Đường điều hành bắt đầu khởi hành. Khi đàn trâu đã đóng xong vạy, giọng ông Đường sang sảng:
- Mỗi "đầu máy" cách nhau hai nhảng chân. "Máy" nào đi đúng đường của máy ấy, nhớ đổ chã cho đều. Phấn đấu đến lúc bọn quạ bay ra là phải đủ mười lượt để chiều tối nay các bà ba đảm đang còn có chỗ mà chổng mông.
Ông Đường vui vẻ và xua con trâu xuống ruộng đi đầu. Các tổ viên của ông bám hàng theo nhau. Thấy thằng Hữu lạch bạch, ông ngoái lại nhìn nhưng thấy con trâu của nó đã nối vào hàng và đi đúng lối ông không nói gì. Tiếng bước chân trâu bì bõm, tiếng bừa gạt nước, sục bùn ọp oạp, gió đêm tràn lên rì rầm quện vào cùng những âm thanh ruộng đồng cần mẫn như tự vẽ vào màn đêm một bức tranh huyền diệu của làng quê những ngày chiến tranh. Thấy thằng Hữu nhoay nhoáy đổ chã bừa, ông Đường bảo:
- Thằng nhỏ học việc từ bao giờ mà nhòng ra phết rồi đấy. Làng này đứa nào cũng như mày thì mát mặt bọn tao lắm. Nhưng khổ con ạ, sinh ra phải buổi loạn lạc, nhà lại neo nên nhọc từ bé. Được mấy tháng hè con người ta thì nghỉ ngơi, mày thì đóng cái vai lao động chính. Thôi, khổ trước sướng sau. Nay mai học thành kỹ sư bác sĩ cho cái làng Thông này mở mang ra!...
- Nhưng mà tàu bay tàu bò ầm ì suốt năm tháng thế này, thanh niên lớn đứa nào đi bộ đội đứa ấy, chúng nó liệu có còn được đi học tiếp? Cái thằng Rôn Xôn này hung đồ thật. Có ai chọc mả bố nó đâu mà nó cứ đem bom đạn trút xuống đầu người ta. Mả mẹ nó chứ. Phải đánh cho nó vỡ đầu ra chứ.
- Đúng, Phải đánh cho nó vỡ đầu ra chứ.
- Vì thế ta mới phải "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Lớp này đi, lớp kia lớn kế. Ruộng đồng nó bắn phá ban ngày, ta làm ban đêm. Thằng Rôn Xôn đừng có mà tưởng bở. Bao giờ mặt đất nước Nam hết cỏ khô thì mới hết người đánh mày thằng Rôn Xôn nhá!
Tiếng cười lại rộn lên trong đêm. Thằng Hữu lặng lẽ vừa đẩy bừa vừa lắng nghe câu chuyện nôm na, vui vẻ nhưng lại đầy chí khí sắt đá của các bác, các anh, các chị. Câu chuyện như những nét vẽ tươi rói tô đậm thêm những bài lịch sử về truyền thống của ông cha nó đã được học trong sách vở. Nó càng thấy yêu thương hơn những con người quần nâu áo vá. Nó hiểu ra được một điều giản dị quen gần đó là chính từ những con người quần nâu áo vá này đã làm nên vóc dáng quê hương, làm nên nếp ăn nếp ở, giọng điệu của quê nhà. Vì thế nó phải học, học để hiểu biết quê hương, hiểu biết ngọn ngành về họ, về những người sinh đẻ, nuôi dưỡng mình. Nghĩ vậy thằng Hữu thấy trong lòng phơi phới, nó phảy nhẹ cái roi tre vào mông con trâu, con trâu té lên, bùn bắn vào lưng ông Quỳ. Ông Quỳ làu bàu:
- Mày buồn ngủ à Hữu?
- Dạ, cháu chồ cái roi tre vào mông nó, nó dồn lên mấy bước thôi mà. Cháu ghì chạc lại rồi, bác yên tâm.
- Con bặt nó sang đường của mình đi, đúng đường của mình nó có nhanh chân một tí cũng không té lấm lên người đi trước- Giọng ông Đường ngọt ngào.
- Nó còn bé lại đi làm buổi đầu mà công việc lại của lão nông, của lao động chính, nó khiển trâu, xúc bừa như thế là khá lắm đấy- Mấy người khen ngợi - Cũng phải dạy chúng nó biệt làm lụng chứ. Mấy chốc nữa mà bọn mình già, già còn cày bừa sao được. Phải biết tạo ra thế hệ kế cận đồng ruộng chứ...
- Nhưng thế hệ chúng nó là phải lái máy cày, máy bừa chứ đâu còn cảnh con trâu đi trước như cánh ta nữa!..
- Thì vậy, nhưng muốn có máy cày, máy bừa thì cũng phải thạo cái việc tiền lệ, truyền thống trước đã.
- Đúng, đúng thế - Mỗi người một câu, làm cho không khí ruộng đồng đêm khuya càng vui nhộn.
Thằng Hữu thỏ thẻ:
- Mấy tháng hè cháu sẽ đi làm đủ ngày công cùng các bác. Các bác hướng dẫn cháu thật thạo vào nhá! Sau này học xong phổ thông, cháu phải trở thành một xã viên thật giỏi. Nếu thằng Rôn Xôn còn đánh phá nước mình, cháu sẽ xung phong đi bộ đội học thành anh pháo thủ bắn thẳng vào đầu thằng thần sấm, con ma....
- Đúng, rất đúng. Thằng này đúng là con cháu của làng Thông thật.
- Tao còn mong sau này mày thành kỹ sư bác sĩ để cả làng được nhờ nữa cơ...
- Vâng chúng cháu sẽ cố gắng để khỏi phụ lòng mong muốn của các bác, của quê hương.
Thằng Hữu nói như một lời hứa. Câu chuyện trên đồng ruộng rì rầm mãi đến lúc ngôi sao Mai tụt xuôi chân núi Cọn, đám con vạc mò mẫm ở chằm Đậu vỗ cánh sải ngang sông Lô về phía bờ bên kia, ông Đường mới cho lệnh tháo trâu.
Trời sáng ra rất nhanh, tổ bừa của ông Đường vừa lùa trâu vào ven đồi Sao Vai thì mấy thằng Vỉ Ruồi (AD6) đã vè vè bay ngang núi Châm. Chúng ngoi lên vòng cung núi Lịch rồi cắm đầu theo hướng chảy của sông Lô về phía cầu Việt Trì và thình lình mặt đất bầu trời lại đỏ àu trong khói bom, khói đạn. Bất thần thằng Hữu nhìn thấy một ánh lửa như que diêm cứ nhập nhòe bám theo thằng Vỉ Ruồi. Thằng Vỉ Ruồi nghiêng cánh, cái ánh lửa như que diêm cắm bập vào đầu, thằng Vỉ Ruồi cắm gập xuống đất, lửa bùng lên đỏ một góc trời. Tiếng reo hò cũng ầm lên:
- Cháy rồi, máy bay của thằng Rôn Xôn cháy rồi!
Một chiếc dù màu trắng bật ra lơ lởng giữa bầu trời rồi dạt về rặng tre làng Thông. Đám Cổ Ngỗng (F105) từ đâu sạt xuống nhưng chúng bất lực vì các tay súng trường thiện nghệ của ta từ các trận địa phòng không bắn lên. Chúng bổ nhào lộn ngửa bắn đạn bừa bãi xuống làng rồi vọt lên cao chuồn thẳng. Cái dù dạt vào bờ tre, dân quân làng Thông đã súng đạn, gậy gộc phục sẵn. Thằng phi công vừa chạm chân vào đất nó đã bị người làng Thông túm cổ lôi về nhà kho của hợp tác. Đám trẻ túm năm, tụm ba, trong đó có cả thằng Tùng, thằng Phú cứ thủ đá quậy ném rào rào vào cái nhà kho. Thấy vậy ông Đường và các chị dân quân chạy ra:
- Thôi nào các cháu, để cho nó ngồi im, ta bắt được nó rồi cần gì phải đánh nó nữa.
Nghe ông Đường và các chị dân quân nói, đám trẻ lùi dần ra. Thằng phi công ngồi gục mặt xuống đất. Ông Kỉ xã đội trưởng đưa cho nó bát nước vối. Nó đỡ bát nước uống ừng ực và cứ thế chắp hai tay lạy ông Kỉ. Nom nó thật khổ sở. Một lúc sau thì chiếc xe quân sự chở nó đi. Nhìn theo chiếc xe thằng Hữu lại nảy ra cái nghĩa lớn trong câu thơ của Nguyễn Trãi mà nó đó được học: “Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn". Cái đức tính của dân tộc Việt được chứng minh ngay từ tâm khí của những người dân làng Thông quanh năm quần nâu áo vá. Thằng Hữu thấy trong lòng như có một niêm tự hào to lớn về quê hương. Nó lặng lẽ đi về nhà. Sau phút trận mạc làng quê lại trở về yên tĩnh. Người người ai vào việc ấy. Cái nếp sinh hoạt trong chiến tranh được hình thành vừa kín đáo vừa tấp nập.
Chiều đến thằng Hữu lại gổng đôi quang giành cùng đám thanh niên đi gánh phân vào Dộc Gia. Nhìn nó gổng đôi quang dài quyệt đất lão Bành nghẹn ngào bảo:
- Thôi, con đi bừa đêm rồi, chiều ở nhà nghỉ ngơi còn học ôn bài chứ! Cố làm quá sức, ốm ra đây lại khổ. Một mình bố đi theo điểm cũng vẫn đủ thóc gạo để nuôi con đi học mà. Cất quang giành đi ở nhà mà nghỉ con ạ! - Gịong lão Bành ngọt ngào. Thằng Hữu nhìn lão cười rất hồn nhiên.
- Bố cứ yên tâm, có mấy ngày hè, con phải tranh thủ giúp bố chứ. Bố ở nhà đầu hôm gà gáy quanh năm ở hố đất còn chả ốm nữa là!- Nói rồi nó quảy đôi quang gánh cắm đầu đi ra cổng. Lão Bành nhìn theo nó, tự nhiên hai hốc mắt lão nước lại ứa ra. Lão nói vói theo:
- Gánh vừa sức thôi con nhá! Nhớ khi qua đồng trống phải cài lá Bòng Bong vào cái nón trắng đề phòng đám Vỉ Ruồi, Cổ Ngỗng nó đến bất ngờ là nguy đấy con nhá.
Thằng Hữu không ngoảnh lại, nó chỉ dạ lên một tiếng thật to rồi cắm cổ đi.
***
Khi sáng ra đám Hét vằn sà về đậu đầy trên những cây sung mọc dọc bờ ngòi Thông, sương bay trắng đồng Sào, đồng Cây Mơ, Cây Mận, đám thằng Hữu lại lục đục khăn gói lên trường huyện vào năm học mới. Lão Bành tiễn chúng qua tận chỗ cầu Gãy. Chia tay chúng nó lão ân cần dặn:
- Đi đường xa lại thời chiến tàu bay tàu bò, các con phải luôn luôn cẩn trọng. Cố gắng đi một lèo đến trường rồi gởi thơ về.
Mấy đứa cùng đồng thanh vâng dạ và chúng cắm đầu đi. Thằng Tùng bảo:
- Lão Bành bây giờ đổi tính đổi nết tợn. Tại sao thế nhỉ?
- Sao với răng cái gì, có thế mà cũng phải hỏi! Lão ấy bị thằng Hữu và bọn mình cảm hóa chứ còn sao. Lão ấy mà không tỉnh bám lấy thằng Hữu thì chỉ có chết bờ, chết bụi. Lão ấy thức tỉnh là từ cái vụ bị cảm, thằng Hữu chạy chữa cho lão ấy sống lại. Các dây thần kinh động vật của lão ấy bị tê liệt là từ vụ ấy. Không có cái vụ ấy thì thằng Hữu còn khổ! Và khối đứa còn khổ theo - Thằng Tùng cười hềnh hệch....
- Lại sắp chọc ngoáy nhau rồi đấy.
- Có ai dám chọc ngoáy đâu! Đấy là sự thật. Sự thật này còn có cả những tàu lá chuối ở vườn nhà ông Tràng Chức biết!... - Thằng Tùng lại cười hi hí.
- Chỉ tài thóc mách chuyện của người khác, nhưng nếu không có vườn chuối nhà ông Tràng Chức thì lấy ai giải toán khó cho. Có ghen với thằng Hữu cũng chả đến lượt đâu nhá. - Cái Dần bĩu môi lườm thằng Tùng.
- Đấy, có tật thì giật mình chứ Tùng này có ghen tị, chọc ngoáy ai bao giờ!...
- Thôi nào, đi bộ đã mệt lại còn cãi nhau nữa! Thằng Hữu này suốt đời ơn các bạn, có các bạn thì mới có ngày hôm nay được cùng nhau đi học trường huyện. Thằng Hữu này mới còn có ngôi nhà để về. Còn có ông bố, dù là bố ghẻ. Các bạn thông cảm cho mình, cho cả lão Bành nữa!
- Có ai thù hằn lão ấy đâu. Suy cho cùng thì lão ta vẫn là người đáng thương. Nhưng nghĩ lại những đận lão ấy quật roi nứa vào xác thằng Hữu tao còn căm suốt đời. Tao mà là thằng Hữu tao từ mặt lão ta từ lâu rồi - Thằng Phú làu bàu.
- Thế thì mày vẫn còn nông dân lắm!
- Thì mày là công nhân, trí thức chắc!...
- Không phải thế. Mấy đứa mình đều là nông dân cả, nhà chúng mình toàn năm đời làm ruộng. Nông dân có gì xấu, có gì lạc hậu. Nhưng thù hận cố hữu là tư tưởng nông dân, cái này phải khắc phục. Chúng mình hơn ông cha là có chữ, có chữ mình phải biết tự giải tỏa các mâu thuẫn để tìm đến sự ấm cúng chan hòa - Thằng Hữu bộc bạch tự đáy lòng.
Nghe thằng Hữu nói, mấy đứa im lặng nhưng chúng đều gặp nhau ở một điều. Thằng Hữu luôn luôn đúng, nó mãi mãi là tấm gương để ta noi theo. Và tự nhiên hình ảnh cái đèn chai lấp lánh những con đom đóm bò ngược, bò xuôi ở cái nong rách nhà thằng Hữu cứ hiện lên trong tâm trí chúng dọc suốt con đường.
Chiều tắt thì chúng đến phố huyện. Cảnh tượng hoang sơ làm chúng rợn người. Ngay đầu cái cầu sắt mấy hố bom sâu hút, nhìn sang phố bên kia những ngôi nhà nhọ nhem, đổ nát còn ngổn ngang đấy. Mấy đứa ngơ ngác rồi cắm đầu đi một mạch về khu trường. Thấy đám thằng Hữu đến, thầy giáo chủ nhiệm ân cần động viên:
- Các em đi đường xa còn mệt nhưng ngay bây giờ vẫn phải tiếp tục đi vào khu sơ tán. Mỹ đã leo thang bắn phá ra khắp miền Bắc nước ta rồi. Chúng còn đổ bom xuống phố huyện để đánh sập cây cầu. Thằng Mỹ sẽ không từ bất cứ mục tiêu nào cả. Vậy theo lệnh của cấp trên trường phải đi sơ tán. Các em ở xa, nhà trường chưa thông báo kịp. Bây giờ các em phải tiếp tục hành quân vào khu sơ tán, không thể ở kí túc xá được dù chỉ là một đêm.
Thầy chủ nhiệm ngừng lời. Thằng Hữu từ tốn hỏi:
- Thưa thầy, trường mình sơ tán ở đâu ạ?
- Cách đây khoảng ngót chục cây. Dưới chân núi Nhội ấy các em ạ! Trước mắt vào đấy thầy trò ta ở nhờ nhà dân, sau này làm lán trại ở sau. Thầy sẽ đưa các em về khu sơ tán ngay bây giờ. Có em nào thắc mắc, gặp khó khăn gì không?
- Thưa thầy không ạ! Chỗ núi Nhội chúng em biết rồi ạ! Thầy chả phải đưa đâu, chúng em biết đường rồi ạ!- Mấy đứa đồng thanh.
Thầy giáo chủ nhiệm nhìn chúng cười:
- Các em biết đường rồi thì tốt nhưng thầy vẫn phải đi cùng để dẫn các em vào nhà trọ. Nhà trường đã hỏi nhà cho từng tổ học sinh kí túc xá rồi. Các em uống nước, kiểm tra lại tư trang, ta đi ngay thôi.
- Vâng ạ!...
Mấy thầy trò lại lục đục lên đường. Đêm cũng trùm xuống. Trăng rằm trung thu nhô lên đỉnh núi Nhội tỏa ánh vàng xuống núi sông lấp loáng.
Đúng lúc đài tiếng nói Việt Nam dạo bản nhạc buổi phát thanh quân đội nhân dân thì thầy trò đám thằng Hữu cũng đến khu trường sơ tán. Thầy chủ nhiệm đưa mấy đứa vào một ngôi nhà nhỏ núp dưới chân quả đồi, cổng vào có cây mít đại thụ. Cửa nhà vẫn mở, thầy chủ nhiệm cất tiếng gọi cổng. Bà cụ già khoảng bảy mươi tuổi lập cập ra đón. Thầy chủ nhiệm chắp tay chào và nói với đám thằng Hữu:
- Đây là bà cụ Vuông. Cụ ở có một mình. Các em trọ học ở đây phải thật ngoan ngoãn, không được nghịch ngợm, bày biện và phải biết giúp đỡ cụ những việc lặt vặt.
- Thưa thầy vâng ạ!
Nhìn mấy đứa khôi ngô tuấn tú, bà cụ cười móm mém:
- Ông giáo cứ yên tâm, ở với lão có muốn hư cũng chả đươc. Nói rồi bà mời thầy chủ nhiệm và mấy đứa vào nhà. Bà bê nồi nước vối đặt giữa cái bàn. Giọng bà ân cần:
- Mời ông giáo và các cháu xơi nước! Các cháu đi đường xa nếu chưa ăn cơm để bà nấu?
- Dạ, chúng cháu có cơm nắm đây rồi ạ!- Thằng Hữu lễ phép.
- Thế thì bày ra mà ăn đi, muộn lắm rồi đấy. Ăn xong nghỉ ngơi mà còn ngủ, sáng mai mà đi trường. Khổ thật! đang học hành ở chỗ đàng hoàng lại phải chạy vào rừng vào núi. Tam tứ đại cái thằng giặc Mỹ ấy chứ, có ai trêu ghẹo gì nó đâu mà nó đem bom thả xuống đầu người ta! Tam đại, tứ đại nhà nó chứ!...
Vừa chửi rủa thằng giặc Mỹ bà lão vừa lọ mọ xuống bếp lấy mâm bát. Đám thằng Hữu mở túi lấy ra nắm cơm to bằng con lợn con gói tròn trong cái mo cau. Nhìn nắm cơm tự nhiên bà cụ bàng hoàng. Bà cứ tần ngần như nhớ ra một cái gì rất thiêng liêng đã bị vùi giấu đi kín từ lâu mà bây gìơ nó lại được bới hở ra. Thấy tâm trạng bà khang khác, thằng Hữu bộc bạch:
- Bà làm sao thế ạ? Hay là trong đám chúng cháu có điều gì làm bà sái lòng?
- Không, các cháu vừa mới đến nhà, bà vui chứ có gì mà sái, bà chả kỹ tính quá thế đâu. Các cháu bày cơm ra mà ăn đi. Nhìn cái nắm cơm trong cái mo cau bà chợt nhớ ngày xưa, lúc ông còn sống, mỗi bận ông đi xa, bà cũng gói cho ông nắm cơm to như thế này bằng cái mo cau...
- Thế bây giờ ông ở đâu hả bà? - Thằng Tùng mau miêng.
- Thôi các cháu ăn đi, ở đây lúc nào rảnh bà kể cho mà nghe sau.
Mấy đứa mổ nắm cơm ra bày lên mâm. Thầy giáo chủ nhiêm dặn dò các em đôi điều về công việc của ngày hôm sau rồi thầy chắp tay chào bà cụ ra về.
Mấy đứa ăn xong thì trăng thu cũng cao đến đỉnh đầu. Giọng bà lão ấm áp:
- Bây giờ ba thằng cháu trai lên cái phản kia, buông mùng xuống mà ngủ. Còn cháu gái thì ngủ với bà. Nếu có tàu bay nó đến thì chạy ra cái tăng xê bà đào ngay đầu nhà, vững chắc lắm. À mà các cháu tên là gì? Nói để bà còn tiện gọi.
- Dạ, cháu là cái Dần. Còn thằng béo múp kia là thằng Tùng, thằng cao lêu nghêu là thằng Phú, còn thằng gầy quắt này là thằng Hữu bà ạ! Bà cứ gọi thằng Tùng béo, thằng Phú kều, thằng Hữu quắt là không lẫn vào ai được.
- Bà biết rồi - Bà cụ cười sung sướng. Thằng Tùng vẹo môi:
- Còn cái Dần bà cứ gọi nó là Dần gạo! Nó giữ gạo của cả bốn đứa chúng cháu mà!...
- Lũ quỷ con này! Thôi bà biết cả rồi- Bà cụ lại cười, nụ cười bao dung, nhân hậu- Bọn bay về đây ở, bà như có người mang thuốc tiên đến cho đấy. Các cháu đi học, bà sẽ phụ cơm nước cho nhưng với điều kiện đứa nào cũng phải ngoan và học hành thật giỏi giang vào.
- Vâng ạ. Chúng cháu cảm ơn bà.
- Bây giờ thì đi ngủ đi, ngủ mai còn đến trường, đến lớp- Giọng bà cụ ngọt ngào.
Mấy thằng lẳng lặng chui lên tấm phản, buông mùng nằm. Chỉ một lúc là chúng nó đua nhau ngáy kho kho như lũ dế. Cái Dần bo bà cụ nhưng nó không ngủ, thỉnh thoảng nó lại thở dài. Bà cụ Vuông bảo:
- Cháu nhớ nhà hay có điều gì mà cứ thở dài? Con gái mà hay thở dài trong đêm là khổ đấy cháu ạ!
- Dạ! Nhưng mà cháu nhớ nhà với lại thương ông bố ghẻ của thằng Hữu quá bà ạ!
- Ừ- Bà cụ Vuông khẽ nghiêng đầu nhìn cái Dần.
Qua ánh trăng thu lọt vào, bà bắt gặp những đường nét tươi mát dịu dàng cứ ngời ngợi trên gương mặt xuân xanh của nó. Bà vòng tay vỗ vỗ vào lưng nó an ủi- Cháu có tấm lòng thế thì thật quý hóa nhưng mà khổ đấy cháu ạ! Những người tử tế có bao giờ sướng đâu cháu!
- Sao lại thế hả bà?
- Rồi lớn lên cháu sẽ biết. Vừa nói bà vừa vỗ vỗ vào mông cái Dần.
Cái Dần thấy vô cùng sung sướng vì ngay từ phút đầu nó đã cảm nhận được những hơi ấm nồng hậu từ bà cụ. Nó lại hình dung ra những ngày bà nội nó còn sống. Nó quay mặt áp vào ngực bà cụ Vuông, giọng nó thỏ thẻ thật thà:
- Trong bốn đứa chúng cháu đến ở với bà chỉ có thằng Hữu là hoàn cảnh nhất, bố mẹ nó chết hết rồi, nó ở với ông bố ghẻ. Giờ nó đi học xa, ông bố ghẻ nó ở một mình, vừa cô đơn, vừa vất vả. Nghĩ đến ông ấy cháu cứ thấy tội tội.
- Ừ, thế các cháu càng phải bảo nhau cố mà học. Học có cái chữ nó sẽ hơn hẳn đời các bà bây giờ! À, mà các cháu ở xã nào nhỉ?
- Dạ, chúng cháu ở làng Thông xã Lâm Xuyên ạ! Quê cháu có con sông Lô chảy qua đẹp lắm bà ạ! Nhưng mỗi năm mùa lũ đến cũng vất vả, may mà bây giờ đó có con đê cao, nước sông phải thật to mới bị ngập đồng. Ngày đắp con đê này vui lắm, ông bố ghẻ của thằng Hữu được bao nhiêu giấy khen của tỉnh, của huyện bà ạ. Vì bác ấy tích cực, cứ gánh mỗi chuyến bốn sọt đất đầy, ai cũng nể
bà ạ...
- Ừ, bà biết rồi, ngủ đi cháu, khuya lắm rồi đấy!
Bà cụ Vuông giục. Cái Dần vâng lời nó lại giụi mặt vào bọc bà rồi thiu thiu ngủ. Hơi thở từ nó tràn sang như có mùi bùn đất, rơm rạ của một vùng quê bà đã từng gắn bó một nắng hai sương gần hết cuộc đời ở đấy. Bao nhiêu buồn vui gian khổ như toát ra từ thân thể thanh xuân của con bé cứ thế tràn sang bà. Bà vòng tay bo chặt lấy nó để hít thở những tinh khiết của quê nhà và cũng để xóa đi bao oán giận còn hằn sâu trong lòng bà từ mấy chục năm nay mà những kẻ xấu bụng ở đấy đã đổ tội cho bà. Bà dứt lòng bỏ những người thân ở cái làng ấy trốn lên đây để được mát mặt, bao nhiêu uẩn khúc đã được bóng mát tán rừng, bóng núi ở đây che khuất dần, lòng bà đang dịu lại. Thế mà hôm nay ông trời lại dắt đám trẻ làng Thông đến đây! Khổ, đám trẻ này lại toàn là những dây mơ rễ má trong nhiều mối quan hệ với bà! Thế mới biết ông trời còn bắt bà phải có trách nhiệm với làng quê! Bà có trốn cũng không được. Nước mắt bà tự nhiên lại ứa ra. Bà muốn gào lên nhưng nghĩ đến đám trẻ đang say ngủ, đầu óc chúng nó đang sạch như tờ giấy trắng, mình thả rắn thả rết vào đấy tội lắm vả có nói ra bây giờ chuyện sẽ về đến làng, Thằng con rể của bà (lão Bành ông bố ghẻ của thằng Hữu) sẽ khó xử. Thôi thì mọi việc đã qua lâu rồi, nó như cái bếp đã tàn lửa, khời ra làm gì! Rồi sau này lớn khôn đám con cháu này nó có học hành đầy đủ, nó khắc tự hiểu ra. Nghĩ vậy bà bấm bụng nằm bo cái Dần thiu thiu ngủ. Đêm càng khuya, đại ngàn càng mênh mông, bí ẩn.