Số lần đọc/download: 0 / 46
Cập nhật: 2023-03-26 23:07:49 +0700
Chương 3
Đ
i ba đêm ba ngày, chị em Nguyệt và An tưởng như mình đã đi được rất xa. Xa tít mù tắp, ngoảnh đầu lại, chỉ thấy những ngọn núi xanh lơ ở phía chân trời. Chẳng biết núi Tam Đảo ở đâu, làng xóm quê hương mình ở đâu. Thực ra, họ không đi được xa lắm. vẫn nằm trong tỉnh. Chỉ khác là ở một huyện cuối tỉnh. Ở đây bằng phẳng hơn, nhiều ruộng nước hơn, nhưng vẫn còn đồi. Nhất là ở bên kia con sông đào, ở đấy đồi lô xô như bát úp. Đó là vùng du kích. Còn ở bên này sông, đó là vùng tề, vùng đang bị tranh chấp quyết liệt giữa Việt Minh và quân Pháp. Vào lúc xảy ra câu chuyện, trên bề mặt vùng này đã thuộc Pháp, đã có chính quyền tề ngụy, và Việt Minh đang cố sức giành lại.
Đây là một tiểu khu, dưới quyền chỉ huy quân sự của P.C. Huyện. Dưới P.C. là một loạt đồn bót nhỏ đóng rải rác ở các điểm xung yếu, và ở dọc các huyện lộ, hương lộ. Các đồn nhỏ này thường chỉ có từ hai tiểu đội đến một trung đội lính gồm cả lính Âu Phi lẫn lính bảo hoàng. Ở P.C. thì đông hơn. Có cả một tiểu đoàn lính cơ động. Có cả đơn vị cơ giới, pháo binh. Ban chỉ huy quân sự tiểu khu đóng ở đây. Đại úy Thalan là chỉ huy trưởng. Phụ trách phòng nhì là trung úy Bernard. Cả hai nhân vật này ta đều đã gặp trong trận càn ở chân núi Thằn Lằn. Đó là cuộc hành quân phối hợp mà họ tham dự nhất thời để rút kinh nghiệm. Còn nhiệm vụ chính của họ là ở P.C. Huyện, nơi mà họ đang tìm trăm phương ngàn kế để xây đồn, để củng cố chính quyền làng xã, để tiêu diệt và xua đuổi tất cả những phần tử Việt Minh đang còn nằm vùng hoạt động.
Sau trận càn Thằn Lằn, một tối, Thalan và Bernard ngồi uống rượu ở câu lạc bộ sĩ quan. Thalan nói:
- Tôi hiểu, tôi rất hiểu công việc vô cùng khó khăn của trung úy. Tôi biết những người cấp dưới của trung úy là những con người không dễ tìm. Họ là những người gan dạ, có máu lạnh, lại phải thông minh lanh lẹn. Không dễ gì kiếm được những người cộng sự như vậy...
- Xin cám ơn sếp đã một phần nào hiểu được công việc của chúng tôi. - Bernard thấy lúc cuối câu Thalan có vẻ ngập ngừng, chưa chịu nói hết ý riêng, anh ta liền nói toạc ra - Chắc đại úy muốn nhắc nhở những người lính phòng nhì chúng tôi, rằng trong trận hành quân vừa qua họ hành động nhẫn tâm quá chứ gì, hay nói cho rõ hơn, là tàn bạo quá chứ gì. Nào khám vú ư! Nào cắt cổ ư! Tôi xin nói, họ là những con người đặc biệt, phải cho phép họ những hành vi đặc biệt. Đại úy nên biết cho, họ là những người cầm chắc cái chết nếu bị sa vào tay Việt Minh. Họ là đối tượng số một bị các đội diệt tề trừ gian đưa vào tầm ngắm. Cái chết kề bên, nếu không tàn nhẫn làm sao họ có thể sống sót. Vậy thì, nên cảm thông với họ, nương nhẹ với họ. Vậy thì, trong trận càn, nếu họ có đi tìm thú vui ở một người đàn bà nhà quê, tôi nghĩ chuyện ấy chỉ là một lỗ nhẹ. Trên thế gian này, đã có cuộc chiến tranh nào không có sự hãm hiếp, không có chuyện cắt cổ giết người. Chúng ta, những người sĩ quan, chúng ta có bao nhiêu quyền lợi. Tiền ư, gái đẹp ư, thăng quan tiến chức ư, chúng ta có nhiều điều kiện để đạt được. Còn họ, với học vấn của họ, với thân phận của họ, chẳng có cơ may nào để ngoi lên. Vậy thì...
Thalan lắc đầu:
- Trung úy ơi! Tiếng là chúng ta làm quân sự, làm chiến tranh nhưng thực ra chúng ta làm chính trị. Bởi VI nếu dân chúng oán hận chúng ta, liệu chúng ta có bình định được cái xứ sở này không? Trung úy cố tình không muốn hiểu điều đó hay sao?
-Tôi hiểu chứ! Nhưng, thực bụng, tôi chưa đồng ý với quan niệm làm chiến tranh của đại úy. Đại úy đã học từ một trường đại học quân sự danh tiếng ra. Tuy nhiên, nhà trường người ta dạy làm chiến tranh khác. Còn ở Việt Nam, chúng ta lại đối mặt với một cuộc chiến tranh hoàn toàn khác. Ở đây không có mặt trận, chiến tranh xảy ra ở mọi lúc mọi nơi, ở đây không có những chiến binh. Một người đàn bà, một đứa trẻ ngây thơ đều có thể giết chúng ta. Ở đây không chỉ đàn ông cầm súng mới là kẻ thù. Ở đây chúng ta có thể chết vì hố chông vì một cây gậy tre vót nhọn. Ở đây, kẻ thù ở lẫn với ta. Ở đây ngọn cỏ, cành cây, mái tranh xơ xác đều thù địch với ta. Do vậy, nó khốc liệt gấp hàng trăm lần so với chiến tranh chính quy. Hoàn cảnh chiến tranh đã khác. Lẽ nào ta cứ khư khư những quan niệm chiến tranh mà nhà trường đã dạy. Xin lỗi đại úy, tôi có thể tự hào tôi hiểu đất nước này hơn các vị, bởi vì trong dòng máu của tôi một nửa là dòng máu da vàng. Tôi có thể nói: Trong cuôc chiến tranh này, kẻ nào nhân đạo, kẻ ấy đang tự sát.
Thalan bỗng cảm thấy lúng túng. Không phải ý kiến của Bernard sai. Nó có nhiều phần sự thật. Cái sai của nó nằm ở chỗ nó ngược hẳn với những lý tưởng của những vĩ nhân, danh nhân của nước Pháp. Nó khác hẳn với những tư tưởng của Rousseau, Hugo, Pascal, Descartes... mà lúc còn ngồi ở ghế nhà trường, chàng đêm ngày say sưa đọc... Biết nói gì với anh ta đây? Bernard cũng là người được học hành. Chàng trung úy thấy vậy lại tiếp thêm:
- Tôi biết đại úy đã từ đường số 4, từ đường biên giới địa ngục sống sót trở về. Tôi cũng hiểu đại úy là người sùng bái đại tướng De Lattre de Tassigny. Tôi cũng biết đại úy là người muốn, sau trận quân viễn chinh của chúng ta thua ở đường số 4, phải phục hồi danh dự cho nước Pháp ở cái xứ sở Đông Dương này. Chắc đại úy cũng biết cha tôi là người đã hy sinh từ những ngày đầu cho công cuộc thuộc địa khai sáng đất nước này. Nói cho cùng, chúng ta có gì khác nhau đâu. Tôi cũng là người sùng bái đại tướng De Lattre như đại úy. Tôi sùng bái ý chí, quyết tâm sắt đá không hề run tay của đại tướng. Khi người mới sang, Việt Minh mở ngay chiến dịch Vĩnh Yên sát Hà Nội. Đối phương muốn thừa thắng sau chiến dịch Biên giới. Tình báo của ta đưa tin Việt Minh muốn tổng phản công. Đại tướng liền giơ quả đấm sắt, đưa quân tinh nhuệ vào cuộc. Lần đầu tiên quân viễn chinh dùng bom na pan, dùng súng phun lửa. Tiêu diệt đối phương không thương tiếc. Tôi cũng muốn như vậy thôi. Bình định ư? Giai đoạn đầu ta cũng phải đánh địch một cách tàn bạo như vậy. Bất kể ai. Đã chống chúng ta là phải chết. Còn sau đó, đại úy muốn dùng củ cà rốt hay những ngón ngọt ngào thế nào thì tùy...
Trung úy phòng nhì Bernard Martinot là Tây lai, một anh chàng nửa Việt, nửa Pháp. Cha là chuẩn úy Jean Martinot, sang Đông Dương từ đầu từ thế kỷ hai mươi, có nhiều công tích trong công cuộc bình định thuộc địa, nên đã được tưởng thưởng huân chương Bắc đẩu bội tinh.
Mẹ là bà Lê Thị Thu, một cô gái quê đặc sệt. Bà Thu người làng Bái, vì quá nghèo đói nên bỏ quê ra Hà Nội làm ăn. Trước khi ra Hà Nội, bà Thu đã vào chùa định làm ni cô nương nhờ cửa Phật. Sư thầy Diệu Tầm thấy Thị Thu là người nhan sắc mới bảo rằng:
- Con là gái hồng nhan. Khó tu hành lắm con ơi! Đi tu mà nửa đời nửa đoạn, không trọn kiếp thì chỉ thêm mang tội. Đàn bà đẹp đi tu, bọn đàn ông nó cũng không tha đâu.
Thị Thu van lạy, thề quyết tâm theo Phật. Sư bà thở dài đành lòng cho Thị Thu tu thử một thời gian. Nghĩa là Thu vẫn chưa cắt tóc, chỉ ăn mặc nâu sồng. Nhà chùa cắt đặt công việc, chỉ bắt Thu hàng ngày đi gánh nước và học tụng kinh niệm Phật. Quả nhiên như lời sư bà nói, hàng ngày bọn trai làng đã chờ sẵn ở ngoài giếng, hễ cứ thấy bóng Thu ở chùa ra là chúng vây lại buông lời chòng ghẹo. Đến nỗi Thị Thu quỳ xuống lạy chúng chẳng tha. Có đứa táo tợn còn giật khăn bịt đầu cho xổ tóc ra rồi ôm lấy cô nghịch ngợm. Hôm ấy Thị Thu không gánh được nước, chỉ còn biết nức nở chạy về chùa. Sư bà thương tình liền cho Thu một đồng bạc và bảo:
- Thầy thấy con vừa có sắc, lại vừa lanh lợi tháo vát. Ngay từ đầu thầy đã biết con chưa có duyên với Phật. Thôi thì sống ở đời cũng được. Chỉ cốt con có cái tâm. Tâm là Phật con ơi. Thầy chẳng có nhiều, chỉ có đồng bạc này cho con làm vốn ở đời.
Thị Thu lạy tạ sư bà rồi một thân một mình ra đất Hà Nội kiếm sống, vốn là gái quê thạo việc chăn nuôi, nên Thu chọn việc buôn gà. Mới đầu là dăm con gà ngoài chợ, sau rồi bu to bu lớn. Thu có duyên bán hàng nên công việc dần phát đạt. Thu tháo vát, dám theo chị theo em lên tận Cửa Đông bán hàng cho nhà binh trong thành. Ngày ấy, làm thân con gái hơ hớ ra mà dám giao thiệp với Tây cũng thật táo tợn. Lẽ dĩ nhiên, chút nhan sắc, Thị Thu cũng chẳng dại gì mà không sử dụng cái ma lực trời ban cho riêng mình ấy. Vừa ăn nói mặn mà, vừa xinh đẹp, Thị Thu được một ông Tây “ắcxìđằng” [1] làm trong “anhtăngđăng” [2] để ý. Ông giao cho cô việc cung cấp thịt gà cho lính Tây. Thế là Thị Thu phất lên như diều gặp gió. Chỉ trong vài năm, cô đã làm được mấy căn nhà cho thuê ở ô cầu Dền. Thị Thu thấy ông chuẩn úy Martinot là người Tây nhưng cũng thật tốt bụng. Tử tế chẳng khác gì người An Nam. Thế là cô quyết định lấy ông. Một quyết định thật khó khăn ở thời buổi ấy. Bởi vì người ta gọi cô là me Tây. Đó là một từ ngữ sỉ nhục với người đàn bà lấy giặc làm chồng. Tuy nhiên, cô ở Hà Nội, cho nên sự thành kiến dè bỉu khinh miệt cũng đỡ hơn nhiều so với ở làng.
Mối tình Pháp Việt đề huề ấy đã khai hoa kết trái. Cô sinh được một con trai. Đó chính là Bernard Martinot. Tuy nhiên, cuộc tình chẳng được dài lâu. Nếu dài lâu, chắc bà Thu đã trở thành nhà tư sản kếch xù ở Hà Nội. Bởi vì vào thời đó, chân nhà thầu cho “anh tăng đăng” là một chân béo bở. Chỉ ngồi không, tiền của cũng đổ vào như nước. Ông Martinot qua đời, người khác lên thay, lẽ dĩ nhiên mối lợi phải rơi vào tay người khác.
Ông Martinot qua đời khi cậu Bernard mới được sáu tuổi. Bà Thu lo tang lễ cho chồng khá chu tất. Có cả những nghi thức Thiên Chúa giáo. Lại có cả những nghi thức Phật giáo. Bà về làng làm lễ cầu siêu cho ông Martinot ở chùa. Chạy đàn tưng bừng một đêm. Rồi cỗ bàn mời hết các bậc kỳ hào trong tổng trong huyện. Người ta hỏi ông Martinot là Tây có đi chùa đâu mà làm thế. Bà trả lời:
- Tôi được như ngày hôm nay là nhờ một đồng bạc sư thầy cho tôi. Tôi ăn mày cửa Phật nên mới nên người. Tôi phải biết ơn Phật.
Đã đến lúc cho Bernard đi học. Giá như ông Martinot còn sống, chắc cậu Bernard sẽ nhập học trường Tây. Nhưng bà Thu lại là người Việt nên cách suy nghĩ của bà có khác. Bà nghĩ con người phải có tổ có tông, con gái xuất giá, phải nhờ nhà chồng, nhưng bên nội nhà thằng Bernard nào có ai. Mình sống ở đất Nam, mà sống ở quê mình là phải có họ hàng làng nước, nếu không khi gặp bước hoạn nạn thì ai giúp đỡ. Thôi! Không được nhờ bên nội, thì ta nhờ bên ngoại. Bà Thu là người Việt rất thuần túy. Trong khi làm ăn phất lên, bà không quên họ hàng anh em. Bà bỏ tiền ra tậu ruộng, gây dựng cho ông em là Cẩm. Lại chạy cho chân lý trưởng. Hiện nay lý Cẩm vừa giàu có vừa oai phong nhất làng Bái. Bà cũng dùng thế lực của chồng chạy cho người trong họ những chân chánh tổng, trưởng bạ... Họ Lê nhà bà nhờ thế trở thành một họ lẫy lừng của làng Bái. Bà đã tuân theo đúng lời dạy của cụ trưởng họ: “Ở cái xã hội An Nam này, nếu không có vây cánh, không có anh em họ hàng che chở, thì sẽ chết đầu nước”. Do nghĩ vậy, bà đã cho Bernard theo một đứa anh họ lớn tuổi hơn vào trường Hàng Kèn, một trường học ở Hà Nội dành cho người An Nam.
Thế là suốt thời thơ ấu, Bernard chơi bời nghịch ngợm và học tập cùng với lũ trẻ người Việt. Nó nói tiếng Việt, ăn cơm bằng đũa, chén thịt chó mắm tôm, đi ăn giỗ ăn tết, rồi có lúc học cả cái cách đối xử mánh khóe, xỏ lá ba que chẳng khác gì hạng hạ lưu trong xã hội người Việt. Nói tóm lại, bà Thu đã biến nó thành người An Nam, chỉ có khác là mắt nó xanh, mũi nó lõ.
Khi Bernard mười ba tuổi, bắt đầu lên trung học, có một đồng đội cũ của ông Martinot đến chơi. Ông này đã chuyển sang làm công chức. Ông Jules thấy tình hình của cậu Bernard như thế, cho là không ổn. Thằng bé rõ ràng là dân Tây. Bố nó là Tây chính cống. Còn nó, chỉ phải tội mái tóc nó màu đen, chứ còn màu da, con mắt... hầu như tất tật trên con người nó đều lộ ra nó là người Pháp. Nói thực bụng, ông Jules không ưa cái mớ tóc màu đen của nó. Mớ tóc đen nhánh của nó được thừa hưởng của người mẹ. Xưa kia, mớ tóc đen mượt mà của bà Thu đã hút hồn ông bạn Martinot; đó là điều mà ông chê cái “gu” của bạn. Ông Jules là người tóc vàng, và rất tự hào về màu vàng mớ tóc. Ông cho rằng nó rất Pháp, rất quý phái. Nghĩ xong ông Jules lại tự trách mình hẹp hòi. Bởi vì, mớ tóc màu đen dễ gợi ý cho ta sự kỳ thị chủng tộc, nhưng biết đâu đấy, ở một thời nào đó, nó lại là một ưu điểm thì sao.
Tuy nhiên, có một điểm ở Bernard lúc này, ông hoàn toàn không thể bằng lòng. Đó là tiếng Pháp của anh chàng lai. Ngôn ngữ phản chiếu tâm hồn con người rất rõ. Ngôn ngữ thế nào, tâm hồn thế ấy. Ông không thể quan niệm nổi một người Pháp mà lại nói tiếng Việt sõi hơn tiếng Pháp. Nghe nó nói tiếng Pháp... thì “Ôi! Thật là thảm hại!”. Nói thì sai ngữ pháp, giọng thì đúng là dân An Nam nói tiếng Tây, điệu bộ khi giao tiếp thì giống như kiểu me sừ lý trưởng. Ông rên lên, kết luận trong lòng:
“Hỏng! Bà mẹ này đã biến hóa một ông Tây thành một kẻ An Nam. Chỉ vài năm nữa là cậu bé sẽ trở thành một thứ “sale Annammite” (người An Nam bẩn thỉu), một thứ người An Nam khúm núm, nịnh bợ. Chẳng còn chút gì dáng vẻ kiêu hãnh, uy nghi của một ông chủ, của một người văn minh đã chinh phục một đất nước man rợ”.
Ông ta hỏi Bernard:
- Cậu đã nghe câu chuyện này chưa? Chắc chưa ai kể cho cậu bao giờ. Câu chuyện xảy ra vào thời chinh phục xứ Bắc Kỳ vào cuối thế kỷ mười chín. Chính ông Martinot cha cậu, đã tham dự. Lúc bấy giờ, tướng Négrier chỉ huy một đạo quân lớn gồm 7.200 lính Pháp và 6.500 cu li người Việt để khuân vác lương thực và đạn dược. Chúng ta đánh lên biên giới Lạng Sơn. Chúng ta đánh nhau với quân triều đình Huế và quân Cờ đen Cuộc chiến thật hào hùng. Nó rất tàn bạo kinh hoàng nhưng cũng rất hùng tráng. Con biết không, người đi chinh phục không thể có tình cảm thương xót, mềm yếu. Tất cả tù binh và tử sĩ đối phương đều bị chặt đầu. Ta nhớ tướng Négrier ra lệnh chặt 640 cái thủ cấp để xếp thành một cái Kim tự tháp toàn đầu lâu. Đếm thì số thủ cấp còn thiếu. Ông ra lệnh cho lính đi lùng ở khu vực lân cận. Lính theo lệnh đi càn. Hễ kẻ nào có dáng vẻ học trò, dáng vẻ văn thân thì chặt đầu không tha. Tại sao lại thế? Bởi vì chống lại người Pháp lúc ấy là đảng Văn Thân. Con hãy nhớ lấy. Chúng ta muốn làm ông chủ thì bắt buộc phải làm như vậy. Muốn cai trị một xứ man di thì phải biết không thương xót, con có hiểu không? Ở trong con có hai dòng máu: một là thứ máu cao quý của nước Pháp, hai là dòng máu thấp hèn của xứ da vàng. Muốn trở thành cao quý, con phải biết thanh lọc, gội rửa dần dần cho đến hết kiệt cái chất da vàng trong máu huyết của con.
Thực ra, Bernard chưa hiểu hết những lời nói của ông Jules, chiến hữu của cha cậu. Cái gì mà cao quý? Cái gì mà thấp hèn? Cái gì mà tẩy rửa? Cái gì mà man di?... Tất cả cuộc sống của cậu từ thời thơ ấu đều không nói lên những điều mà ông Jules phát biểu. Thực ra, cuộc sống ở với bên ngoại nhà cậu cũng êm đềm lắm chứ, cũng thú vị lắm chứ. Tuy nhiên, từ thẳm sâu trong lòng, Bernard vẫn cảm nhận được có một niềm kiêu hãnh âm thầm trú ngụ. Nhất là khi ông Jules khơi gợi cho nó thức dậy. Mình thuộc về một nòi giống cao quý, thượng đẳng ư? Mà lạ thật! Mình chẳng giống mọi người chung quanh. Cả với mẹ, mình cũng khác. Hình như mọi người chung quanh khi tiếp xúc, lại có vẻ nể sợ mình... Ôi chao! Sự khác người ấy cũng ngọt ngào lắm chứ, cũng tự hào lắm chứ!...
Ông Jules thấy có trách nhiệm phải phục hồi lại bản sắc cho cậu bé Bernard. Ông âm thầm làm chuyện ấy. Ông thấy đó hình như là một di chúc ẩn ngầm mà ông Martinot khi nhắm mắt chưa kịp nói với ông. Việc đầu tiên của ông Jules là chạy chọt, nhờ vả, tìm mọi cách để đưa chàng thiếu niên Bernard được vào trường học dành riêng cho trẻ em mồ côi của những binh sĩ Pháp. Muốn sửa tâm hồn, thì trước hết hãy sửa ngôn ngữ, đó là điều ông vẫn nghĩ. Có thể nói, đây là một công cuộc tái Pháp hóa, một công cuộc đi tìm lại cái nhân dạng Âu châu cho một chàng trai đã bị “da vàng hóa”.
Chàng trai Bernard thừa hưởng được từ người cha, nhà chinh phục thuộc địa cái can trường táo tợn của một kẻ phiêu lưu mạo hiểm, lại đồng thời thừa hưởng được cái lanh lẹn tháo vát, láu lỉnh của người mẹ, nên rất thông minh, cả quyết và dễ dàng thích ứng mọi hoàn cảnh. Chẳng thế mà chỉ một năm sau, anh ta đã có điệu bộ hoàn toàn Tây, và giọng nói thì hệt như một người Pháp mới từ Paris sang xứ thuộc địa. Tuy vậy, khi trở về nhà ngoại hay trở về quê mẹ, những ngày Tết, ngày nghỉ hè, anh ta lại lột xác biến đổi như con kỳ nhông và trở thành một anh chàng An Nam đặc sệt, biết ăn lòng lợn chấm mắm tôm và chén tiết canh thì không sợ. Ông Tây chiến hữu của cha muốn Bernard lột bỏ lốt da vàng vô hình mà ông cho rằng anh đã có lúc vô tình khoác vào. Thực ra Bernard không lột xác da vàng, anh chỉ khoác thêm cái lốt da trắng bên nội mà lúc này anh ta mới được tiếp nhận. Tức là anh ta có hai lớp da: lớp vàng, lớp trắng. Và Bernard có thể sử dụng chúng tùy hoàn cảnh. Như vậy, chẳng tốt sao. Ở tiểu học Bernard được hưởng cái tự do tự tại của người Nam, được hưởng cái không khí êm đềm chất phác của đồng quê Việt. Lên trung học, Bernard được biết mình có một miền quê nội xa lắc xa lơ qua những áng văn tinh tế, qua những điều kỳ diệu mà người ta gọi là văn minh, qua cái lý tính khôn ngoan từ ý tưởng vụ lợi chuyển sang cao cả mà người ta gọi là sự nghiệp của người đi khai sáng. Từ mơ hồ chuyển sang ý thức, hình như Bernard đã mang máng hiểu được cha mình hơn. Tiếng gọi của nòi giống đã lên tiếng trong Bernard tuy nó chưa tường minh, tuy nó chưa mồn một. Từ đó Bernard chững chạc hẳn lên.
Hắn đang chuẩn bị thi tú tài thì nổ ra cuộc đảo chính mồng 9 tháng 3 năm 1945: Nhật đảo chính Pháp. Hôm ấy, may mắn hắn về làng Bái ăn giỗ. Đến tối, bà Thu từ Hà Nội bổ về quê, giọng nói hoảng hốt thì thầm:
- Con còn nhớ ông Jules không?... Cái ông bạn bố mày, đã xin học cho mày ấy... Chết rồi... Chắc là thế... Có khi cả vợ ông ta nữa... Nhà ở phố Hàng Chuối... Người ta đi chợ về qua nhà, thấy bảo có vũng máu ở trước cổng sắt... Còn cả chiếc giầy cao gót màu tím nằm chỏng gọng... Khổ thân bà Jules... Người gầy gầy, hay làm đỏm... Giầy màu tím là đúng của bà ấy... Dân Hà Nội lên tận vườn hoa Canh Nông xem Nhật đánh Tây... Người ta bảo súng trong thành nổ đì đọp đến chiều mới thôi.
Thế là, Bernard ở lì trong làng Bái. Nghe nói tất cả Tây Hà Nội bị Nhật bắt hết. Cả học sinh, cả trẻ con cũng bị bắt tuốt tuột. Điều may mắn là lý trưởng làng Bái lại là lý Cẩm em bà Thu, cho nên Bernard được che chở. Vóc người Bernard thấp và đậm. Chỉ cao có một mét sáu mươi, bằng khổ người Việt tóc anh lại màu đen. Cho nên, mặc quần áo nâu, rồi đội cái nón sùm sụp vào Bernard dễ dàng lẫn với người nhà quê.
Mới đầu, người Nhật phải lo trăm công nghìn việc, không với tay được tới miền quê xa. Sau vài tháng, thì vùng Bái lại là địa bàn hoạt động của Việt Minh. Cho nên cuộc sống của Bernard khá an toàn.
Cho đến ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945...
Từ ngày Nhật đảo chính đến ngày cách mạng, tính kỹ ra được năm tháng mười ngày. Chỉ hơn năm tháng một chút, nhưng cũng đủ để nảy sinh ra một mối tình. Bernard, mà dân làng Bái vẫn gọi là cậu Lê Na, ở tại nhà ông lý Cẩm. Nhà ông Cẩm xưa chỉ là một ngôi nhà lá trên mảnh đất vườn họ Lê. Từ khi bà Thu phất lên ở kẻ chợ, nhà họ Lê cũng phất lên theo. Xưa, dù giàu có ở Hà Nội, mà ở quê vẫn lúi xùi thì dân làng vẫn coi khinh. Do vậy, bà Thu mang tiền của về quê xây nhà, tậu ruộng. Thứ nhất, để báo hiếu mẹ cha. Thứ nhì, để gây dựng cho em trai, cho họ hàng. Vậy nên, ngôi nhà gạch năm gian của ông Cẩm to nhất làng. Rồi ông Cẩm được bà chị chạy cho chân lý trưởng. Từ một gia đình tầm thường, bỗng chốc lý Cẩm nhảy lên ngôi vị nhất nhì trong xã. Thực ra cái cách ứng xử ấy của bà Thu là cách nhìn xa, đúng theo lề thói của người Việt. Cộng đồng quan trọng, trong đó cộng đồng gia tộc là quan trọng nhất. Phải thế thôi vì ở cái xứ sở đầy biến động bất trắc này khi thất thế ai là người dang tay ra giúp đỡ trước tiên. Chẳng là gia đình họ tộc đó sao? Cứ ngẫm như trường hợp của Bernard, nếu không có quê hương làng Bái, không có gia đình ông Cẩm thì số phận của anh ta lúc này ra sao? Nếu không bị Nhật giết thì cũng bị chúng nó bắt tù đày.
Bernard thích ứng rất nhanh. Từ khi ở nhà ông cậu, anh không dùng tên Tây nữa. Anh lấy họ của mẹ, và chuyển Bernard thành Na. Cái tên Lê Na cũng hay đấy chứ, mà lại có vẻ người Việt. Cạnh nhà ông lý Cẩm là nhà ông chánh Toàn. Ông chánh có cô con gái là Mận đẹp nhất nhì trong xã. Năm ấy Mận chừng đôi tám, cái tuổi căng đầy nhựa sống. Cô gái quê ấy mộc mạc, chất phác, nhưng là thứ mộc mạc của con nhà giàu trong làng nên diêm dúa và duyên dáng lắm. Cũng là váy, nhưng không phải thứ váy mo nang, mà là váy sồi mềm mại. Cũng là yếm, nhưng bao giờ Mận cũng mặc yếm lụa, buộc căng ra để khoe đôi vú thây lẩy, tràn trề sinh lực. Cũng là vành khăn quấn trên đầu, nhưng vành khăn bao giờ cũng đen nhánh (hễ vải hơi bạc là cô nhuộm lại hoặc thay ngay). Cô kín đáo trang điểm đấy, chả là chỉ có màu đen và thật đen mới làm nổi bật được làn da trắng bóc của khuôn mặt cô, của cái gáy và cái cần cổ như ngà, như ngọc mà lũ trai làng đứa nào cũng thèm cắn vào một miếng.
Những ngày ấy, thế lực gia tộc họ Lê vẫn đang mạnh, cho nên khi chàng Lê Na đứng bên hàng rào nhấm nháy, thì Mận không đáp ứng ngay, cũng không phản đối, mà chỉ đỏ bừng mặt, chạy đi cùng với nụ cười. Lần tán tỉnh thứ hai, Lê Na nắm cổ tay, Mận đẩy tay ra, nhưng Na vẫn nắm. Lần gặp gỡ thứ ba ở chỗ vắng, Lê Na thừa cơ ôm choàng lấy Mận, và cậu bắt chước bọn trai làng, dùng bàn tay bóp vú cô nàng. Mận đánh mạnh vào tay Na rồi giận luôn mười ngày. Sau đó, lần gặp thứ tư, thứ năm, Lê Na nghiêm chỉnh hơn...
Đến lần gặp thứ sáu, lần này cả nhà ông chánh đi ăn giỗ bên ngoại, Mận ở nhà một mình trông nhà. Lê Na xé rào sang nhà ông chánh. Đôi trai gái hái quả trong vườn. Nhân lúc Mận ngã cây ổi, đau chân, Na thương xót bóp chân cho cô. Rồi anh thổi, anh xoa. Bất thình lình anh bế bổng cô lên, đem ra sau đống rơm. Ở đây, anh là người đầu tiên cắn vào cái cổ ngọc ngà của cô. Rồi tốc cái yếm lên... Tốc cái váy lên... Lần này, anh không bắt chước lũ trai làng. Bọn ấy chỉ biết bề ngoài, chỉ biết mơn trớn, không biết chiếm đoạt. Hình như đây là tiếng gọi của nòi giống, tiếng gọi của người cha. Lê Na đã quên mất gương mặt người cha, nhưng người cha vẫn ngủ lịm trong anh, đến bây giờ chợt thức giấc. Cưỡng đoạt chăng? Chưa chắc! Sao người đàn bà lại run rẩy, bám chặt lấy anh? Móng vuốt của sự oán hận, hay của sự hân hoan? Sao cô ta lại đầm đìa nước mắt rồi lại ôm chặt lấy cổ anh. Có tiếng thì thào trong đầu: Cái ấy có tên là chinh phục. Phải chăng đó là tiếng của người cha.
Sau chuyện đó, Lê Na lâng lâng sung sướng. Lần đầu tiên anh biết thế nào là hạnh phúc của kẻ chiến thắng. Nhưng chỉ ít lâu sau, anh lại trải nghiệm ngay thế nào là nỗi chua cay của chiến bại. Đó là ngày Cách mạng tháng Tám. Cả một dân tộc bỗng tưng bừng trong niềm hân hoan. Khắp nơi, người người ca hát:
“Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than.
Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang...”.
Tất cả cứ như một thùng thuốc súng nổ vang trời. Người ta biểu tình. Người ta treo cờ. Người ta tập quân sự. Người ta tập hát Người ta đi họp. Người ta đi học bình dân...
Chỉ riêng nhà ông lý Cẩm buồn thiu. Cả Lê Na cũng buồn thiu. Ô hay! Việt Minh cướp chính quyền từ tay người Nhật cơ mà. Người Nhật thua chứ người Pháp có thua đâu. Cớ sao Lê Na lại buồn. Thậm chí có thể nói người Pháp cũng thắng, bởi vì người Pháp ở trong phe đồng minh chống phát xít. Lê Na cố tự giải thích và anh ta yên lòng vì thấy mình có lý.
Nghĩ như vậy, Lê Na đường hoàng ra khỏi nhà. Ra tới ngõ anh lại chợt thấy lý lẽ của mình chẳng vững. Anh cảm thấy ngay, hình như tình cảm của dân làng Bái đối với anh đã đổi khác. Hình như người ta có ý lảng tránh anh. Cả cô Mận cũng vậy. Thoáng bóng anh từ xa, cô ta đã rẽ sang lối khác.
Ba hôm sau, Lê Na mới thực sự hiểu rõ hoàn cảnh của mình. Có giấy ủy ban triệu tập anh lên xã. Người tiếp chuyện anh là một cán bộ Việt Minh từ nơi khác đến. Một người trạc ba mươi, nước da ngăm ngăm, đôi mắt sáng và giọng nói thật nghiêm nghị:
- Tên anh là gì?
- Tôi họ Lê tên Na.
- Anh là Tây lai phải không?
- Dạ, phải.
- Vậy thì, tên họ chính thức, tên Tây của anh là gì?
- Dạ, Bernard Martinot.
- Tốt! Thế mới phải chứ. Hiện bố anh ở đâu?
- Dạ, đã chết.
- Còn bà mẹ anh?
- Bà là Lê Thị Thu, hiện ở Hà Nội.
- Cha anh, ông Martinot chết vì gì?
- Dạ, nghe nói bị bệnh.
- Không đúng! Thế là anh chưa thành khẩn.
- Dạ, vì vết thương ở ngực.
- Có thế chứ!... Này, anh đừng tưởng... chúng tôi biết hết cả. Đừng có giấu diếm. Anh thử trả lời xem vì sao ông Martinot bị
thương vào ngực?
- Dạ, quả thực điều đó tôi hoàn toàn không biết. Lúc ông bị chết, tôi mới lên sáu.
- Vậy để tôi nói cho anh nghe nhé. Ông Martinot chỉ huy một trung đội, thuộc đoàn quân của thiếu tá Bonifacy. Họ truy kích đoàn nghĩa binh của cụ đề Thám ở vùng núi Tam Đảo Trong trận càn ấy, cha anh bị thương nặng ở ngực, được thưởng Bắc đẩu bội tinh, và được chuyển về Hà Nội làm trong intendante, từ đó mới quen bà Thu bán gà ở Cửa Đông. Chuyện này báo Pháp đăng ầm ĩ, thậm chí đã viết thành sách. Tôi học luật nên có đọc chuyện ấy. Tôi là người huyện này. Bà Thu mẹ anh là người cùng huyện với tôi. Bà lại là người đàn bà lấy Tây giàu có. Ảnh của bà được in lên báo. Chính vì vậy, nên tôi mới nhớ câu chuyện.
Bernard chẳng còn biết nói sao nữa, lý lẽ của anh cán bộ Việt Minh lại rất rõ ràng xác đáng. Cho nên anh đành im lặng, coi như hoàn toàn công nhận lý lịch của mình. Và Bernard cũng hiểu được cái ý ẩn ngầm của người cán bộ Việt Minh kia là: “Dù chúng tôi không cướp chính quyền trực tiếp từ tay người Pháp các anh, nhưng thực chất chính người Pháp là kẻ bị thua. Và từ đây, sẽ không bao giờ người Pháp còn có thể cai tri người Nam được nữa”. Cuối cùng anh cán bộ Việt Minh kết luận:
- Anh hãy nhớ cho kỹ. Từ nay, chính quyền là của chúng tôi. Tất cả mọi thế lực ngoại bang đều phải đầu hàng. Hàng thì sống, chống thì chết. Người Nhật đầu hàng, gia nhập hàng ngũ cách mạng, được gọi là người Việt Nam mới. Người Pháp, nếu đầu hàng, cũng sẽ là người Việt Nam mới chứ sao.
Bernard chỉ biết vâng, dạ. Từ lúc đó, anh ta không nói nửa lời. Đột nhiên, đất dưới chân anh như sụt xuống. Trong anh ta, một cái gì to lớn, kiêu hãnh bỗng đột ngột tan tành. Phút chốc, tất cả bỗng dưng đảo ngược. Sụp đổ nhất là niềm tự hào, niềm tự hào là người da trắng. Trước kia, Bernard không nghĩ tới nó mấy. Nào ngờ nó vẫn thường trực trong anh. Bây giờ đây, đối mặt với hiện thực, Bernard mới nhận ra sự hiện hữu của nó. Ông Jules, người chiến hữu của cha anh, ngày trước đưa anh đi học, ông chỉ muốn làm công việc thức tỉnh điều này trong anh nhưng không được. Còn bây giờ, anh đột nhiên thức tỉnh, nhưng ông Jules đã chết rồi. Bỗng nhiên, Bernard chợt hiểu rằng anh không thể sống ở cái làng này được nữa. Ông lý Cẩm đã đùm bọc anh, cứu anh sống sót trong mấy tháng qua, anh rất quý điều này, nhưng mái nhà của ông vẫn không phải mái nhà của anh. Có lẽ cái nhà của anh nó phải to hơn, sang trọng hơn; mà điều cốt yếu anh phải là chủ ở đấy.
Cả một đêm suy nghĩ. Cả một ngày suy nghĩ. Cả ngày anh chỉ ăn cơm qua quýt rồi lại nằm dài. Đến tối hôm sau, Bernard nói với ông lý Cẩm:
- Cậu ơi! Cháu phải đi thôi. Chỗ của cháu không phải ở đây Nếu chần chừ, cháu nghĩ rằng người ta sẽ giết cháu, vì ý nghĩ của cháu khác họ. Cháu cảm ơn cậu vì những ngày qua. Cậu cũng cẩn thận đấy. Cháu còn cảm thấy, sắp tới, cả cậu nữa người ta cũng chẳng để yên. Cháu lạy cậu. Cháu ra Hà Nộ ngay đêm hôm nay.
Trong đêm đen, Bernard ra đi, không cả lời chào cô Mận, người con gái mà mấy tháng trước đây, anh cứ nghĩ đinh ninh sẽ cưới làm vợ. Cái đêm trốn chạy khỏi quê ngoại ấy, cá đêm phải đi bộ ròng rã vài chục cây số ấy đã khắc sâu vào tâm hồn Bernard, có lẽ cả đời anh không quên. Nó là nỗi hận thứ nhất đối với xứ sở này, nỗi hận của một ông chủ bỗng dưng bị đổi ngôi.
Về tới Hà Nội, Bernard thấy yên tâm hơn. Trước đây ở làng, lúc nào anh cũng vẫn có cảm giác bức bí. Cứ như con cá nằm trong rọ vậy. Khi cách mạng nổ ra, lúc ấy cá không nằm trong rọ, mà nằm trên thớt. Còn khi về Hà Nội, lại là cảm giác cá được thả vào nước. Và khi người Pháp quay về Hà Nội, đóng quân trong thành, lúc ấy Bernard mới thấy mình đã hành động hoàn toàn đúng đắn. Con cá đã bơi lội tung tăng. Anh ta đã tìm cách liên hệ với người Pháp. Con mắt xanh, cái mũi lõ, giọng nói đặc Paris của anh là những đảm bảo tuyệt hảo. Chỉ một tháng thôi, người ta đã có đủ hồ sơ về anh. Đầu tiên, anh làm phiên dịch cho một đại tá. Sau đó, thấy anh quá thông thạo về xứ sở này, người ta chuyển anh sang làm việc trong hòng nhì cơ quan tình báo của quân đội Pháp.
Về phương diện đàn bà, Hà Nội có biết bao cô gái đẹp, song không hiểu sao Bernard vẫn cứ tơ tưởng tới cô Mận con ông chánh làng Bái. Phải chăng cái bận tiếp xúc với thân xác cô ở chân đống rơm vẫn để lại trong anh một dư vị không thể nào quên. Đó là người đàn bà đầu tiên trong đời Bernard. Bảo rằng giữa hai con người ấy hoàn toàn chỉ là chuyện thân xác, điều ấy không đúng. Trong tâm hồn người đàn ông nào cũng có một mẫu hình nào đó về người đàn bà. Thường thường mẫu hình đó là mẹ chúng ta. Bởi vì ta sống với mẹ từ thuở lọt lòng. Mẹ bú mớm, ôm ấp ta. Sống bên mẹ ta được che chở, cảm thấy hoàn toàn yên tâm. Có thể người đàn ông phối kết với một người đàn bà thuộc mẫu hình khác. Cuộc kết đôi ấy chắc sẽ gây ra nhiều ấm ức, bất mãn, để rồi người đàn ông gặp người đàn bà thuộc mẫu hình từ thuở ấu thơ của mình, lúc đó bi kịch sẽ nổ ra. Bernard mồ côi cha từ nhỏ. Bà Thị Thu như con gà mái, suốt đời xòe cánh ấp ủ anh. Hơn nữa, thuở ấu thơ, anh chỉ sống với người An Nam, do đó hình ảnh bà Thu chắc chắn sẽ là mẫu hình về người đàn bà mà anh muốn tìm kiếm. Có thể anh khó nói ra lời, nhưng trong tiềm thức đó là một người đàn bà Việt, thắt đáy lưng ong, đầy sức sống, tháo vát, dịu dàng, và rất cương nghị. Cái vẻ đẹp quê mùa An Nam ấy, nếu nói ra, chắc sẽ bị chê cười vì nó có màu sắc da vàng quá. Mà những ngươi con lai như anh, thì điều lý tưởng là phải gội rửa cho nhanh cái màu vàng ấy khỏi tâm hồn, phải thanh lọc cho nhanh cái chất vàng ấy khỏi dòng máu. Vì thế cho nên Bernard cố giấu kín điều đó, cố đè nén ham thích đó. Tuy nhiên, điều ấy vẫn cắm rễ trong vô thức anh, và chỉ gặp dịp là thức dậy. Người ta có thể gặp người đàn bà mơ ước ở những thời đoạn khác nhau trong cuộc đời. Ở Bernard, điều đặc biệt là anh đã gặp người đàn bà ấy ngay trong cuộc tình đầu tiên.
Bernard đã yêu cô Mận. Nếu như không có thay đổi thời thế, có thể họ sẽ thành vợ chồng. Cũng phải lẽ thôi, vì đứng về mặt gia thế, cô Mận là con ông chánh tổng. Môn đăng hộ đối đấy chứ.
Nhưng thời thế đã khác rồi. Cách mạng đã cuốn phăng mọi giá trị, quan niệm cũ. Và những giá trị mới lên ngôi. Một anh Vệ Quốc đoàn, lại là đại đội trưởng đến đóng quân ở làng Bái. Anh đại đội trưởng bị tình yêu sét đánh bỗng chết mê chết mệt cô Mận. Đổi đời rồi. Họa có điên mới dính líu và mơ tưởng mãi một cậu Tây lai. Còn là con gái không chồng, có rồ dại đâu mà tự choàng vào cổ cái thòng lọng, để cho cả làng cả xã gọi mình là kẻ lấy Tây. Cho nên, đến năm 1946, nhà cụ chánh tổ chức đám cưới đời sống mới rất linh đình cho cô Mận lấy anh đại đội trưởng Vệ Quốc đoàn.
Đến khi cuộc chiến tranh Pháp Việt nổ ra, khi quân Pháp tấn công tràn qua làng Bái, Bernard mới biết tin cô Mận đã lấy chồng. Điều này là một mối hận thứ hai trong lòng Bernard. Mối hận này càng bị đẩy lên khi Bernard biết người đại đội trưởng nọ lại chính là anh cán bộ gầy gò hôm xưa đã gọi anh ra ủy ban để dạy dỗ. Nghĩ lại càng thêm căm. Hắn bảo người Pháp cũng phải đầu hàng và nếu đầu hàng thì được làm người Việt Nam mới.
Khi quân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng đến làng Bái, thấy các làng trong vùng đã lập tề hết cả rồi, chắc rằng nghĩ người Pháp đã vững chân ở đây rồi, nên hôm viên đại úy chỉ huy vùng về úy lạo, ông lý Cẩm đã đặt hương án ở đầu làng, rồi khăn xếp áo the chỉnh tề, dẫn các bô lão ra đón. Lý Cẩm lại được phục chức lý trưởng. Người Pháp biết lý Cẩm có chị gái lấy Tây, cháu lại là sĩ quan phòng nhì, nên rất tin cậy. Quan tỉnh, quan huyện về nhà ông luôn. Kể ra, lý Cẩm chưa phải là tay sai đắc lực và cũng chưa làm điều gian ác. Tuy nhiên lũ tay chân của lão lại rất hách dịch thích ra oai. Đội du kích thấy cần phải diệt tận gốc, cho nên một buổi tối về làng, định bắt hắn đem ra hậu phương. Hôm ấy, Thị Thu cũng về nhà em trai. Cả nhà lý Cẩm phải quỳ xuống nghe bản cáo trạng. Bà Thu lạy như tế sao:
- Xin lạy các ông. Tha cho em trai tôi được sống.
- Bà là ai?
- Tôi là Thu, chị gái lý Cẩm.
- A, con mụ me Tây.
- Vâng! Tôi lấy Tây, tôi có tội. Các ông giết tôi, tôi cũng chịu. Nhưng xin tha cho em tôi. Nó chẳng làm gì ác cả. Chẳng qua là bù nhìn. Tây người ta bắt làm lý trưởng. Không làm cũng không xong.
- Chúng tôi chỉ bắt lý Cẩm ra vùng tự do. Sẽ có tòa án nhân dân xét xử.
Lý Cẩm líu lưỡi:
- Xin các ông du kích tha cho. Tôi làm lý trưởng, nhưng đâu có dám hại dân làng.
- Có đi không thì bảo? - Anh đội trưởng du kích trở nên cáu kỉnh.
Tình thế càng trở nên lúng túng khi cả nhà lý Cẩm bỗng đồng thanh khóc như mưa như gió, van xin náo động. Thực ra đội du kích không chủ định giết lý Cẩm. Tội lão ta chưa đáng Họ chỉ định bắt Cẩm ra hậu phương ít ngày để giáo dục, đe nẹt, cảnh cáo làm gương cho bọn hào lý trong vùng. Nhưng khốn nỗi, ở gần nhà Cẩm có cái bốt hương dũng. Có thể lý Cẩm định kéo dài tình hình, chờ bọn lính dõng đến giải cứu. Thấy dằng dai mãi không có lợi. Anh chỉ huy lại là người nóng tính. Quát mấy lần Cẩm vẫn không nghe, anh ta nổi điên liền kéo tay Cẩm, lôi sềnh sệch ra cửa. Lão ta bám lấy chân bàn làm cái bàn đổ kềnh. Ấm chén, nước nôi tung tóe khắp nhà. Đã thế, lão còn om sòm cầu cứu, kêu vang trời đất. Đội du kích được giao nhiệm vụ đánh nhanh rút gọn. Thấy dềnh dàng mãi cả đội sẽ bị nguy hiểm. Chẳng còn cách nào khác, anh đội trưởng bèn rút súng lục bắn một phát vào đầu lý Cẩm. Lý Cẩm chết tươi. Tất cả im re. Bắn xong, du kích còn đặt tờ cáo trạng lên mặt người chết rồi mới rút lui.
Bà Thu là người trọng gia tộc. Sở dĩ bà lăn lóc buôn bán, rồi lấy ông Martinot cũng chỉ vì muốn cho gia đình thoát khỏi nghèo túng để vươn lên trong xã hội. Báo hiếu cha mẹ, gây dựng cho em trai, bà coi đó là nghĩa vụ thiêng liêng ở đời. Sau khi đẻ con, lại tiếp tục lo lắng gây dựng cho con, đó là nghĩa vụ to lớn. Làm xong những điều ấy thì nhắm mắt cũng yên tâm. Tuy nhiên, đối với Bernard bà thấy chẳng còn phải lo lắng. Nó là người Tây, chính phủ Pháp lo liệu cho nó còn tốt gấp trăm lần bà ấy chứ. Vả lại nay nó là trung úy phòng nhì đầy uy quyền.
Do nặng tình gia tộc như vậy, nên bà coi cái chết của lý Cẩm là một đòn chí tử. Đã đành Cẩm có con trai, nhưng lo cho lũ cháu thì bà không còn sức, bà đã già rồi. Lý Cẩm chết, bà coi như mình đã không làm tròn chữ hiếu với cha mẹ. Bà đã không che chở được cho đứa em trai. Cái chết của người em làm bà Thu chuyển biến thành người sùng đạo Phật. Bà rất chăm đi chùa. Không đi được chùa xa, nhưng trong lòng Hà Nội thiếu gì chùa. Rồi sùng Phật đến mức lập bàn thờ Phật ngay trong nhà, và đêm ngày gõ mõ tụng kinh. Bernard nói với bà:
- Sao mẹ có thể tin được mấy ông sư răng đen, trọc đầu, dốt nát ấy?
- Con chớ ăn nói báng bổ như vậy. Chẳng qua là nghiệp chướng. Kiếp trước, mẹ đã làm nhiều tội ác. Cả cha con cũng vậy. Không chỉ có cậu, mẹ còn lo cả cho con. Na ơi! Mẹ chỉ ước ao giá con bỏ cái nghề nhà binh của con lúc này đi. Ôi mẹ lo lắng lắm. Đêm ngày mẹ tụng kinh, chẳng qua là mẹ tụng cho con đấy thôi.
Bà Thu đụng đến người cha, đụng đến công việc của Bernard, tức là đụng đến điểm nhạy cảm nhất của anh. Niềm kiêu hãnh vì người cha, vì nòi giống vốn ngủ lịm trong anh, nay thức giấc. Nó tỉnh dậy một cách đột ngột và mạnh mẽ đến mức không lý lẽ nào có thể làm nó nhụt đi. Gặp những hoàn cảnh éo le của chiến tranh, nó càng được củng cố và nuôi dưỡng để ươm thành thù hận một cách phi lý. Bà Thu đêm ngày tụng kinh, và suy nghĩ rất nhiều. Suy nghĩ mãi thành bệnh. Ốm lơ ốm lửng được một năm thì chết.
Việc lý Cẩm chết nằm ngoài tầm tay của Bernard. Anh ta rất thương lý Cẩm, bởi vì ông là một ông cậu rất An Nam, rất trọng tình gia tộc hệt như người chị, ông ta thật sự yêu thương Bernard. Thuở nhỏ, đã có lúc hắn sống hàng năm trời với người cậu quê mùa, hiền lành ấy. Có thể vì bà Thu quá quý mến cậu em trai, cho nên cái tình cảm của người mẹ đã chuyển sang người con. Ông cậu chết đã đành một nhẽ. Tiếp theo bà Thu cũng lại chết. Bà Thu là người mẹ mà càng lớn lên Bernard càng hiểu rõ sự tận tụy cao quý của bà. Bà đã xả thân vì bố mẹ, vì em, vì con cháu. Bà Thu chết, Bernard nghĩ dù bà không chết trực tiếp vì tay Việt Minh, nhưng Việt Minh phải chịu trách nhiệm gián tiếp. Bởi vì không có cái chết của ông lý Cẩm, thì bà Thu không héo hon đi như thế. Cái chết của người cậu và người mẹ trở thành cái hận thứ ba trong lòng viên trung úy phòng nhì.
Sự oán giận được nghiền ngẫm mãi đã trở thành sự thù hận càng lúc càng sâu sắc. Sự thù hận có tính lây lan. Đạo Phật, mà bà Thu cuối đời sùng bái, tuy không bị Bernard xếp vào nguyên nhân chính, nhưng cũng bị cho rằng nó làm đầu óc bà Thu mê muội tối tăm. Vì nó nên bà tụng kinh quên cả thuốc thang. Nghĩ vậy nên Bernard ác cảm lây cả sang đạo Phật. Sự thù hận làm con người thiếu sáng suốt. Sự thù hận của Bernard cứ như vậy tăng lên từng bước. Nó như những lớp sóng xô đẩy, lớp sau đè lên lớp trước hay nói cho đúng, lớp nọ đẩy lớp kia dâng lên càng ngày càng cao. Hơn nữa, lại còn cái cộng đồng nơi anh làm việc nữa chứ. Phòng tình báo là chốn mà mưu mô xảo quyệt được tôn vinh thành thông minh sáng láng, mà sự tàn bạo đến quỷ khóc thần sầu được tôn vinh là đức hạnh, là thước đo lý tưởng trung thành. Ở đây, thương xót là trò ngớ ngẩn đàn bà, đức từ bi được đánh giá là trò ngu xuẩn. Cái gì cũng được cho phép, miễn là kẻ thù bị tiêu diệt. Cái hung bạo vốn sẵn có trong con người không hề bị kiềm chế. Ở người lương thiện bình thường, nó bị xiềng xích bị giam giữ. Nhưng ở đây, xiềng xích đã tháo tung, nó tha hồ bay lượn tung hoành. Như đã nói, Bernard là người thích ứng giỏi, là người thông minh. Cho nên chẳng cần phải dạy dỗ, chỉ thoáng nhìn, hắn đã hiểu ngay mình cần phải làm gì. Bạo lực ở đây gắn với quyền lực. Nó có tiếng gọi, sức hấp dẫn mê hồn. Bạo lực sẽ gặp phản bạo lực. Chúng là đối thủ song cũng là đối tác trong cái vũ điệu ma quái không gì kiềm chế nổi. Hai bên sẽ say máu như những kẻ lên đồng. Bên nọ đẩy bên kia lên. Người nào rơi vào cơn lốc xoáy của nó sẽ trở nên mê muội cực đoan. Không biết chừng trở thành đao phủ khát máu lúc nào chẳng hay. Ở cấp độ này, trí thông minh cộng với sự tàn bạo sẽ thành lý thuyết để biện minh cho hành động của mình. Hai bàn tay sạch của kẻ văn minh bao giờ chả hấp dẫn. Trên thế gian này, kẻ đao phủ nào củng hô hoán lên: "Hai bàn tay tôi rất sạch”.
Bernard cũng không thoát khỏi tình trạng này. Hắn thường tự nhủ mình: “Đáng lẽ ra tôi là người bình thường đấy chứ. Nhưng ai đã phản bội tôi. Ai đã giết cậu tôi, đẩy mẹ tôi đến chỗ chết. Ai đã cư xử với tôi như một kẻ hạ đẳng. Mà ai hạ đẳng kia chứ? Người Việt hay người Pháp. Cha ông tôi đã chẳng giương ngọn đèn sáng lên cao cho cả nhân loại soi chung đó sao. Chẳng qua các người vô ơn. Nhân loại tránh sao được chuyện có dân tộc sáng láng hơn, còn dân tộc khác tối tăm hơn. Chúng tôi là dân tộc thượng đẳng, còn các người hạ đẳng. Chuyện ấy lẽ tự nhiên. Chống lại chúng tôi, các người sẽ mãi mãi rơi vào tăm tối. Còn theo chúng tôi, các người sẽ nhìn thấy ánh sáng”.
Hùng hồn thế đấy! Hợp lý thế đấy! Những lý lẽ làm hắn yên tâm, cảm thấy được một chính nghĩa hỗ trợ, bảo vệ. Và hắn nhúng tay vào máu một cách điềm nhiên. Tuy vấy máu mà vẫn thấy bàn tay sạch một cách tinh tươm.
Hắn ta là một tiểu trí thức. Người ta bảo khi một tiểu trí thức đã tin vào một điều gì, và khi điều ấy đã được lý trí bảo đảm, thì hắn rất dễ cực đoan cuồng tín. Bernard rơi vào trường hợp ấy. Ông Jules, chiến hữu của cha hắn, đã mất bao công sức để thuyết giảng, bảo hắn phải tẩy rửa cái chất da vàng còn chảy lẫn trong dòng máu của hắn, song hắn có chịu nghe đâu. Còn bây giờ, hắn đã trải nghiệm, hắn có lý lẽ, hắn mới chợt “đốn ngộ” ra cái màu trắng cao quý của mình. Ngộ ra không cần thuyết giáo. Hắn bỗng cảm thấy xấu hổ vì cái màu vàng luôn nằm trong từng tế bào của hắn. Có lẽ cái mặc cảm bị nhuộm vàng ấy và cái mong ước được tẩy rửa nó đi quá mạnh mẽ nên hắn trở thành một con người lạnh lùng khét tiếng. Hắn không đánh giá cao cái nửa phần An Nam trong hắn, nhưng ngược lại, cấp trên của hắn đánh giá rất cao điều ấy. Thực ra, trong công việc phòng nhì ở xứ này, điều ấy là môt ưu điểm khó kiếm. Nhờ nó mà hắn thành công dễ dàng. Chả thế mới chỉ vài năm hăn đã leo lên đến trung úy.
Bất kỳ đến địa phương nào, hắn cũng nhanh chóng tập hợp ngay được một lủ lâu la. Bọn đầu trâu mặt ngựa chỉ ngửi thấy hắn, chỉ trông thấy hắn là lập tức bâu lại ngay. Có gì đâu, thuở nhỏ hắn đã thường xuyên đi lại với bọn anh chị Hà Nội. Nói rất sõi tiếng Việt, lại sõi đến nước rành rẽ cả những tiếng đầu đường xó chợ; rồi cách đối xử rất khí phách anh hùng nghĩa hiệp, rồi nốc rượu như hũ chìm, sẵn lòng thử tài vài chiêu quyền cước, rồi rất hào phóng sẵn sàng chia sẻ với đàn em; tất cả những điều ấy giúp hắn thu hút được những tay anh chị, tạo lập được một màng lưới tay chân, những điệp viên được dung túng, được ưu đãi, tự nguyện trung thành và rất tàn bạo.
Bernard ngày nào cũng bia rượu, cũng cơm gà cá gỏi, nên chẳng mấy chốc, người hắn to ra. Dân xung quanh nơi đóng quân, trông thấy hắn là sợ nem nép, sợ đến xanh mặt. Người ta gọi hắn là Tây lùn. Thực ra, hắn có lùn đâu.
Tây lùn rất yêu trẻ con, thường ra phố huyện thấy trẻ con là cho kẹo. Nhưng rồi một hôm, người phố huyện thấy Tây lùn dân ba người bị trói giật cánh khuỷu đem ra bãi chợ. Người ta nói đó là ba cán bộ Việt Minh. Dân phố bị lùa ra xem. Không chỉ là cuộc xử tử. Họ bị trói vào cọc. Một tiểu đội lính tập bắn, mỗi người lính ba viên đạn. Ba anh cán bộ bị bắn nát lồng ngực. Có anh bị đạn trúng mặt, văng cả quai hàm. Máu bắn tung tóe. Óc vãi ra tung tóe. Một lính ba-ti-dăng sợ quá, bắn văng đạn lên trời. Anh lính bị phạt phải chạy quanh bãi tập vòng; rồi lại phải một mình tập bắn tiếp cho đến khi trúng mới thôi. Sau bận ấy, trẻ con phố huyện sợ mất mật, hễ thấy Tây Bernard xuất hiện là chạy bán sống bán chết. Chúng đi trốn không dám xin kẹo nữa.
Tại sao Bernard lại hung tợn như thế? Người ta giải thích rằng: Khi một người lính đi xâm chiếm phối kết với một người đàn bà thuộc địa, thì đứa con sinh ra sẽ là một bãi chiến trường cho cuộc chiến tranh chấp giữa dòng máu nội và dòng máu ngoại. Nếu phía người mẹ thắng, người con sẽ đứng về phía ngoại. Nhiều người lai đã trở thành những chiên sĩ chống thực dân kiên quyết nhất. Nếu phía người cha giành giật được, đứa con sẽ trở thành kẻ chống đối lại bầu sữa đã nuôi nấng nó một cách điên cuồng. Hắn cố phủ nhận người mẹ. Và để lấy lòng người cha, hắn sẽ không từ một thủ đoạn nào. Hắn ghê tởm dòng máu người mẹ mà hắn mang trong huyết quản. Hắn cực kỳ nguy hiểm, bởi vì hắn từ lòng mẹ chui ra, hắn đã thuộc lòng tất cả những gì thuộc về người mẹ. Bernard thuộc về trường hợp này. Phải nói rằng, có lúc hắn đã ngả về phía người mẹ. Nhưng rồi hoàn cảnh chiến tranh đưa đẩy, hắn đã chối từ phía mẹ và đi về phía người cha. Chối từ bằng những lý lẽ biện minh đàng hoàng.
Khi về P.C. Huyện phụ trách phòng nhì, hắn gặp đại úy chỉ huy Thalan. Bernard cười thầm trong bụng cho rằng đó là một con người viển vông, thiếu thực tế. Phải nói trong thâm tâm, hắn còn có chút ghen tị, đố kỵ. Đó là một người Pháp thuần túy. Ở ông ta toát ra những nét quý phái, ngây thơ, lý tưởng... những nét mà hắn có học hàng chục năm cũng không có được, hay nói cho đúng hơn, hắn thèm khát những điều đó, nhưng nhũng điều đó lại từ trong máu toát ra, mà máu hắn lại là máu của kẻ tạp chủng.
Hôm hai người về làng Sọ để khảo sát lập bốt tại đây, lý trưởng dẫn Bernard và Thalan ra chùa. Bernard rất tỉ mỉ, trung úy quan sát kỹ từng người. Bernard nhận xét: Sư cụ thì lạnh lùng có vẻ không thích người Pháp; sư bác Độ thì đôi mắt sắc sảo đáng ngờ; bà vãi Thầm, cô Nguyệt và chú tiểu An thì là lũ dân mê tín, ngu muội.
Đại úy Thalan nghe lời nhận xét, liền chau mày tỏ ý không bằng lòng. Ông cho rằng con người có đức tin tôn giáo là những người lương thiện, đáng quý. Người Pháp muốn đứng vững trên mảnh đất này, thì phải biết trân trọng ngôi chùa.
Bernard không trả lời Thalan. Viên trung úy lẳng lặng một mình đi quan sát ngôi chùa. Ra vườn chùa xem ao bèo, vào thượng điện ngắm nghía các pho tượng Phật, ra sân trước ngắm tam quan. Ông ta đi đâu, con chó vàng cũng lừ lừ đủng đỉnh theo chân đến đó. Đang đứng giữa sân chùa, ông đột ngột quay mặt lại, rồi rút súng bắn chỉ thiên một phát. Con vàng hết hồn chạy vút ra vườn sau. Chạy bán sống bán chết, kêu ăng ẳng thảm thiết mặc dù nó không hề bị thương.
Hình như Bernard có ác cảm với ngôi chùa. Tại sao vậy?
Người ta bảo rằng người được nhận ơn thường hay ghét người ban ơn.
Mẹ của Bernard - bà Thu, nhận của tam bảo một đồng bạc mà làm nên cơ đồ. Nay Bernard muốn chối bỏ món nợ ấy.
Chú thích:
[1] Acxìđằng (Aspirant): chuẩn úy.
[2] Anhtăngđăng (intendante): hậu cần.