Reading - the best state yet to keep absolute loneliness at bay.

William Styron

 
 
 
 
 
Tác giả: Mạc Thụy
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 65
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 997 / 3
Cập nhật: 2017-08-25 13:40:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Ðừng E Dè Hà Nội
ột chuyến bay bão táp.
Tôi đến Hà Nội giữa những ngày thời tiết thật khó chịu. Nhà đài liên tục đưa tin bão về. Máy bay liên tục rơi vào vùng nhiễu động không khí, khiến tôi và mọi hành khách cùng chuyến bay đều hoảng hồn, khổ sở và mệt mỏi.
Mỗi khi đi lại trên mây, tôi thường thích thú ngắm nhìn qua khung cửa tròn vo của máy bay. Lần này thì thú vui chẳng được thỏa mãn khi khung cảnh ngoài trời len chặt mây là mây. Trắng xóa và chói sáng. Ðến lúc sắp đến Nội Bài cũng chẳng khá khẩm hơn.
Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Hà Nội có vẻ không mấy suôn sẻ.
Trước lúc đi đến vùng đất cổ kính nhân văn giai thoại này, tôi nhận được rất nhiều lời dặn dò, lẫn hăm dọa. Dặn dò gì hay hăm dọa gì thì tôi chắc mẩm ai cũng quá rành rẽ vì đã nghe nhiều câu chuyện truyền miệng và thông tin lan đầy trên các mạng xã hội. Vậy mà, bỗng dưng một lúc lại nghe tổng hợp li kì truyện về Hà Nội làm tôi hơi hoảng. Chẳng lẽ rồi Hà Nội không còn gì hay, vui nữa sao?
Ngày trước, một người cô tên Thụy từng kể cho tôi nghe về giai thoại rỉ tai nhau rằng, văn nhân ai chưa ra đến đất Bắc Hà thì chưa thành danh. Cụ Nguyễn Du chẳng phải cũng đặt chân đến đây rồi mới viết nên Truyện Kiều hay sao. Chẳng rõ thực hư ra làm sao. Nhưng tâm ý người ta vẫn muốn nói Hà Nội là một vùng đất của thi ca và mộng mị. Của những thổn thức thời cuộc một thời mà dẫu xa, dẫu vắng người ta vẫn hướng về, nhớ mong về mà rung cảm với từng kí ức và hoài niệm.
Từ trên cao nhìn xuống, qua lớp mây mờ lãng đãng trôi là những cánh đồng rộng thênh thang và hoang sơ. Cảm giác vắng vẻ và đìu hiu. Những dải núi sườn thoải, thấp và xanh mươn mướt nối tiếp dựa vào nhau. Rồi thì, phi trường Nội Bài cũng hiện ra giữa một vùng xa và heo hút. Có vẻ là một vùng đang được xây dựng và quy hoạch thành một khu đô thị tích hợp trong tương lai.
Một người anh của tôi đột nhiên chuyển sang nói giọng Bắc khi vừa đặt chân xuống đất này dẫu tôi chắc mẩm tay này dân Sài Gòn chánh hiệu. Cũng may phước, nhờ ảnh khéo léo, chúng tôi sau cùng lên được một chiếc taxi, với giá chấp nhận, để vào nội đô.
Nhà cửa và khung cảnh hai bên đường vào nội đô khá là thôn dã và rất… Bắc. Tôi sinh ra và lớn lên ở miền thôn quê phương Nam, bởi thế, khi nhìn con trâu, con bò, mái nhà, và người dân quê bên đường đang ung dung đi lại, tôi nhìn nhận được sự khác biệt và lạ lẫm rõ rệt giữa hai vùng miền. Bất giác, những hình ảnh về thôn quê trong Tắt đèn, Ðồng hào có ma hay Vợ nhặt hiện lên trong tôi thật sống động và sắc nét. Có khóc, có thương cho nhân vật một thời cách mấy, tôi cũng chẳng ngờ những cảm xúc ấy lại trở nên sống động trong khoảnh khắc tôi mục sở thị mảnh đất này. Rồi, lại phì cười nhớ lại một mẩu chuyện truyền miệng trước đó về cánh nhà văn và thôn quê Bắc Bộ. Chuyện là, giữa lúc Vũ Trọng Phụng đang được khen ngợi hết mực với các tác phẩm viết về thôn quê miền Bắc, Ngô Tất Tố, sau đó, lên tiếng: “Vũ Trọng Phụng ấy à, tay ấy thì biết gì về nhà quê Bắc Kì! Tớ sẽ viết một cuốn về nhà quê Bắc Kì!”.Sau đấy, chúng ta có Tắt đèn. Chợt nghĩ, thỉnh thoảng, văn chương cũng phát tiết từ những cái tôi va vào nhau loảng xoảng.
Chiếc taxi thong dong đưa chúng tôi len qua từng con phố nho nhỏ. Nắng lúc này hãy còn chói chang và hanh vàng lắm. Trời thì xanh và nín bặt gió. Tôi lẩm bẩm giai điệu của Hà Nội mùa vắng những cơn mưa và tựa vào cửa kính xe, ngó bâng quơ dòng xe cộ chầm chậm ngoài kia. Hà Nội, kì lạ thay, vẫn còn giữ được nét rất mộc mạc của vùng thôn quê Bắc Bộ rất rõ rệt. Chẳng hạn như, ở những góc công viên, thay vì là cô hàng xén răng đen “cười như mùa thu tỏa nắng” thì sẽ là các cô với ấm nước to và liên tục rót ra mấy cái li nho nhỏ cho khách tránh khát. Và khách đi đường thì vô tư ngồi thưởng thức cơn khát được giải tan đi bởi li trà vừa đón từ tay cô hàng nước và hớn hở trò chuyện cùng những người xung quanh.
Tôi mỉm cười nhìn. Hà Nội vẫn vậy, chẳng khác gì mấy so với thời Một người Hà Nội, làm tôi phát tiết sự cuồng loạn của tuổi trẻ hăm hở và ham thích những giá trị truyền thống đấu tranh trong mòn mỏi trước cuộc xâm lăng của văn hóa ngoại lai vào đời sống trẻ.
Ngày hôm sau, bão vào Hà Nội. Ngay từ sáng, mưa đã ầm ầm thác lũ xuống nơi đây. Tôi bước vào phòng tắm và mở tung cửa sổ cạnh buồng tắm hương sen để đón gió và mưa lạnh buốt ào ạt ghé thăm. Rồi, tưởng rằng, mình đang trần trụi ngoài kia dưới cơn mưa của đất Bắc Hà. Tôi chợt nhớ đến lời người anh Hà Nội vừa gặp hôm qua: “Hà Nội là đất văn vật, cổ kính nên sống chỗ này cảm giác cũng cũ kĩ, thiêng liêng. Không thiêng làm sao được khi mà dưới mỗi bước chân là mỗi lớp đất đá của nhiều lớp di tích, di chỉ, trải qua mấy nghìn năm lịch sử vẫn chưa được khám phá hết...”.
Nghe anh nói vậy, tôi gật gù nghĩ cũng phải. Rồi nhìn đâu cũng tự huyễn hoặc ra một cái tuồng tích xưa cũ, về những ông hoàng, bà chúa xa xăm. Biết đâu, mưa Hà Nội cũng khác với mưa chốn khác. Mà hẳn là khác thật, vì ít nhất, dễ thấy nhất là nó đã làm dấy lên trong tim bao tài tử xứ này những xúc cảm bật thành thơ, thành nhạc. Tôi tin là Văn Cao cũng ngồi trong một đêm mưa tầm tã để viết nên Buồn tàn thu cho những buổi đầu của tân nhạc Việt Nam.
Mưa cứ thế tầm tã hoài, trắng xóa cả một lớp nhà nơi phố cổ. Các bà, các cô bán hàng nhìn nhau ngán ngẩm. Tôi nghe trong mưa tiếng ai cất lên vài câu hát xẩm giải khuây. Tiếng ca không đàn, không nhịp, cứ vậy mà âm ỉ, day dứt xuyên qua màn mưa. Mặc cho mưa trút, tiếng hát vẫn văng vẳng. Kệ cho gió lạnh, tôi vẫn đứng tựa bên hiên mà nghe như uống lấy từng lời xẩm từ tiếng ai đó đâu đây. Bỗng chốc, quanh tôi như tự hóa, hoặc chính tôi đang tự huyễn hoặc về một không gian thăm thẳm, nơi những lời ca ý nhạc của cội nguồn phát xuất, mà trìu mến, mà đong đưa.
Hà Nội, đến mưa cũng thanh nhã ý nhạc, ý thơ.
Ðến sập tối, sau khi xong việc ở gần đấy, dẫu trời vẫn đang mưa rỉ rả, tôi và một người bạn vẫn quyết định đi dùng thử món cà phê trứng như lời truyền tụng. Món này thì vẫn còn ngồi yên ở đất Bắc, chưa được du nhập vào Sài Gòn. Trong một lần đọc bài viết về thức này, tôi đã nhủ dạ, phải thử thôi, vào một ngày có dịp.
Chúng tôi tìm đến một quán ở Yên Phụ. Mưa ướt nhẹp. Chúng tôi hí húi chui ra khỏi xe, vừa lò dò tìm địa chỉ, vừa nép vào mái hiên trên vỉa hè để đỡ ướt. Lúc này, tôi phì cười khi nhớ lại bài Lá đổ muôn chiều: “Bên nhau cùng đội mưa mà đi…”. Chỉ vậy thôi mà cũng cảm nên thơ nên nhạc.
Quán vắng, chỉ có hai bàn. Một cặp tình nhân đang âu yếm và đôi ông bạn già có vẻ là đang bàn chính sự.
Anh chủ quán trẻ có vẻ thích thú khi biết hai thằng tôi là dân miền Nam lò dò đến đây tìm thưởng thức món uống nổi tiếng của quán nhà anh. Anh hồ hởi hỏi han đủ thứ. Vừa hỏi vừa pha hai cốc cà phê thơm phưng phức và quyến rũ lạ thường.
Ðầu tiên là mùi thơm của lòng đỏ trứng, quyện lấy mùi thơm tỏa ra từ cà phê cứ thế mà xộc vào khướu giác của ẩm khách. Tôi dùng muỗng từ từ tách lớp trứng keo dính bên trên, cho hòa quyện vào thứ chất nước màu đen sâu lắng phía dưới. Lạ lùng. Hai kẻ có vẻ chẳng dính dáng gì cuộc đời nhau lại kết hợp với nhau thật ăn ý. Vị béo và ngòn ngọt của trứng cộng hưởng cùng cái đắng thấm thía của cà phê, làm đê mê và thỏa mãn vô cùng đầu lưỡi của kẻ thèm muốn là tôi.
Dùng được một li thì anh bạn tôi có hẹn riêng phải đi. Tôi gọi thêm một li nữa cho thỏa thích mà ngắm đời sống Hà Nội về đêm trong một góc thật riêng, đó là Hà Nội chỉ của mình tôi.
Anh chủ quán lễ mễ bê mâm cơm chiều lên một bàn gần đấy. Cả gia đình quây quần ấm áp, anh nhìn quanh quất rồi nói lên với tôi, “Ăn cơm nhá”. Tôi phì cười, gật đầu với anh. Ðâu phải hiếu khách và cởi mở là đặc sản của riêng một vùng miền nào. Người Hà Nội vẫn có cách thân tình của riêng mình. Rất riêng biệt và rất đậm màu. Và, còn nữa, giọng Hà Nội thì ngọt, mềm, thanh, lịch thiệp và ân cần lắm.
Tôi nghe về những con người dị dạng tấm lòng và những đối xử xập xệ với nhau. Rồi ở đây, tôi gặp những con người của sự tử tế và ấm áp. Tôi gặp những anh chàng tài xế hào hoa và khéo lời nói. Anh nào cũng hồ hởi cảm xúc khi biết tôi từ phương Nam ra đây. Tôi gặp bà cụ làm tôi liên tưởng tới cô Hiền của Nguyễn Khải, người nhiệt tình chỉ đường cho tôi. Và nhiều nữa những người bạn, người anh, chị, em ấm áp giữa những ngày bão Hà Nội, mưa như trút.
Dẫu Chúa có ước nguyện chia chiên và dê thành hai bầy rõ rệt, thì trong thế giới rộng lớn này, chiên và dê vẫn chung sống cùng dưới một bầu trời. Cũng chẳng nên vì thế mà mang những chú dê lạc bầy làm thành biểu tượng cho cả đàn chiên tốt lành.
Nếu cứ không chịu trải lòng, không dám thử nghiệm và khám phá, chỉ ôm khư một mối hoài nghi và mách bảo đầy định kiến, áp đặt thì bạn mãi mãi chẳng khám phá ra được nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn và đầy bất ngờ, thú vị đang đợi chờ ở cuộc sống ngoài kia.
Tối hôm ấy, tôi đi dạo trên cầu Long Biên cùng bè bạn đất này. Mưa đã thôi rỉ rả. Chỉ có gió lồng lộng thổi, như ngàn năm vẫn thế, trên cây cầu xưa cũ này.
Ðêm Hà Nội nhẹ nhàng và lãng đãng trôi.
Độc Thoại Hai Mươi Độc Thoại Hai Mươi - Mạc Thụy Độc Thoại Hai Mươi