The worth of a book is to be measured by what you can carry away from it.

James Bryce

 
 
 
 
 
Tác giả: Thế Uyên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Khôi Khiếu Mai
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2305 / 19
Cập nhật: 2015-07-16 13:43:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6 Thực Tại Và Văn Chương
ồi còn niên thiếu tại Hà Nội, tôi có một số bạn gái Huế quen biết qua thư từ. Nội dung của những bức thư trao đổi ấy, không cần phải đọc lại, cũng có thể đoán ngay là rất lãng mạn. Kẻ thiếu niên chưa tới hai mươi kể cho các bạn gái mình nghe sương mù mùa đông yêu ma và mộng ảo trên hồ Hoàn Kiếm, sóng bạc đầu dữ tợn của hồ Tây những hôm trời giông bão và những đàn bướm trắng bay từng đàn lớn như những bông hoa vỡ nát dưới nắng các buổi sớm những này êm ả trên con đường đi mặt nhựa còn ướt sương. Những thiếu nữ mười lăm mười bảy tả lại cuộc theo dõi nhỏ bé kiên nhẫn những nụ hoa mai vàng hiếm hoi, những búp sen mọng hồng nở dần từng chiếc hay những chiếc đèn mờ ảo thả trên sông Hương không sóng trôi ra biển vào những hôm lễ Phật… Chiến tranh đã có đó và đang tiếp diễn, cuộc kháng chiến giành độc lập ấy, chỉ xuất hiện qua vài đoạn thư của thiếu nữ có anh lớn một buổi sớm rời cố đô êm đềm ra đi theo những kẻ đang cầm súng đã mẹ thà coi như chiếc lá bay, chị thà coi như là hạt bụi, em thà coi như hơi rượu cay, để rồi chí lớn chưa về bàn tay không, thì không bao giờ nói trở lại, ba năm mẹ già cũng đừng mong 2.
Hơn mười năm về sau, tại một tỉnh ven biển mùa nóng miền Trung trong một chuyến đi, tôi được mời ăn cơm tại gia đình một công chức cao cấp, chồng là bạn quen khi cùng làm thầy đồ trẻ tại một tỉnh nhỏ miền Tiền Giang châu thổ Cửu Long, vợ là một trong những cô bạn nữ sinh Đồng Khánh trao đổi thư từ những ngày thiếu thời đã xa vời. Đỗ chiếc jeep ở góc sân, tôi lấy khẩu colt từ thắt lưng nhét vào hộp ở xe, phủi dăm ba cái lên quần cho bay bớt bụi của miền quê vừa đi thăm một vài đoàn dân sự chiến đấu, tưởng như thế là tạm đủ tề chỉnh cho hai người bạn cũ. Nhưng thiếu phụ xuất hiện dưới hình thức tôi ít chờ đợt nhất: dáng người mảnh mai thanh tú, áo dài nội hoá vàng nhạt, tóc bới cao sau gáy và dĩ nhiên là dáng điệu dịu dàng đài các như một nàng tôn nữ thực sự của cố đô. Bữa cơm chiều diễn ra bình thường, nghĩa là với những lời xã giao, những tiếng bát đũa và những dáng điệu tha thướt của nữ chủ - làm tôi đôi lúc có cảm tưởng rằng giá đứng lên nhìn qua cửa sổ, sẽ nhìn thấy dòng sông Hương êm đềm chứ không phải là hàng rào dây kẽm gai, vọng gác và các mũi súng đen của một trại binh ngay cạnh. Vào một lúc nào đó, nữ chủ lên tiếng bàn về văn chương tôi đã viết và bằng một giọng êm ái bề mặt như thành phố nơi sinh trưởng, nàng như trách cứ đại khái rằng văn chương chi mà ghê, đọc phát ớn, thương nhau chi mà toàn những cưỡng đoạt môi nhau, những cuồng bạo dã man chi lạ…
Trong lúc mệt nhọc vì chuyến đi và chán nản vì những điều mới nhìn thấy, tôi không còn giữ nổi lối đối thoại xã giao tẻ nhạt thường nhật, đã lên tiếng trả lời thẳng thắn. Thoạt tiên tôi nhắc lại cuộc kháng chiến kéo dài chín năm, nhắc tới cuộc chiến hiện tại với tất cả những máu lửa nước mắt hỗn loạn, tràn đầy. Những biến cố lịch sử lớn lao đã và đang xảy ra trên đất nước và tôi đã ở trong dòng lịch sử, bị lôi cuốn vào guồng máy của bạo động, của cách mạng, của xuống đường, của áp bức, của phản kháng… làm sao thế giới trong văn chương tôi lại có thể chứa đựng hoài những tà áo bay thật nhẹ và tinh khiết, những tình yêu vẩn vơ như mây chiều, thanh cao thầm lặng như giọt sương đêm. Còn thiếu phụ ngồi thật ngoan, thật lạnh hiền, người bạn gái của thiếu thời đã mất, đang ngồi như cả một thanh bình trước mặt tôi kia, đã có bao giờ phải sống hay tham dự vào cái thế giới của tôi, cái thế giới thực sự của dân tộc khổ đau này. Nàng lớn lên bên dòng sông trong, vào thời con gái giữa hoa sen hồ Tĩnh Tâm và con thuyền neo bến đợi trăng Vỹ Dạ, đi vào tình yêu và đời vợ chồng có đủ một bông hồng đỏ nói anh yêu em, một khăn tay thêu nói em yêu anh, có đủ những lá thư xanh nhẹ thơm như lá lúa non đi về, có nhẫn đính hôn vòng vào những ngón tay nhau, có đủ xe hoa chất đầy gối mộng mơ cho ngày cưới, cho thông reo cho tuần trăng mật mịn như bột làm bánh cưới… Thế giới của nàng là như thế, là thế giới thanh bình ấu thờ của tôi kéo dài như một ốc đảo nhỏ bé, bên cạnh và bên ngoài thế giới thực sự đang dữ dội, dã man, tàn bạo và vô nhân đạo – thế giới của đa số dân Việt hiện tại, thế giới mà tôi đã phải ở trong kể từ khi rời tuổi thiếu thời.
Sau cùng, tôi nói với nữ chủ nhân rằng cõi ốc đảo của nàng và những người cho tới giờ còn sống được như nàng, mong manh lắm. Mong manh không những vì chiến tranh, mà còn mong manh vì thứ văn minh Hoa Kỳ đang tràn ngập. Tôi cũng hơi chua chát thêm rằng nàng sẽ thông cảm văn chương tôi hơn sau một đêm nào đó giả thử địch tấn công tràn ngập thị xã này, chồng bị mã tấu chém bay đầu, người nhà bị tan xác vì súng cối 82, và nàng thì ôm con tìm nơi trú ẩn trong đêm lửa đạn ngụt trời, thân gái thời loạn giữa dục vọng thả lỏng của đàn ông…
Bữa ăn đến đây bắt đầu khó thở bởi vì nữ chủ nhân đã thu về ốc đảo của mình, lạnh nhạt và lịch thiệp. Tôi hiểu và hơi muốn cười bởi vì tự dưng bị doạ là chồng bị chém bay đầu, người nhà bị tan xác và mình thì dám bị cưỡng bức – dù những sự kiện giả định ấy đã được diễn tả bằng những từ ngữ cổ điển bay bướm, cũng là ngoài mức chịu đựng của một thiếu phụ như nàng… Một vài tháng sau, thị trấn đó bị pháo kích dữ dội. Căn cứ vào địa thế đã am hiểu, tôi đoán biết khu biệt thự của vợ chồng người bạn ấy đã nằm trong vùng pháo kích của địch. Một thời gian sau nữa, tình cờ một lần đọc báo thấy người chồng bị gọi nhập ngũ khoá… Thủ Đức. Tôi tự hỏi gia đình ấy có bị thương vong gì không trong đêm pháo kích và liệu người bạn có xếp bút nghiên theo việc đao cung không, hay là sau cùng lại được hoãn hay miễn dịch vĩnh viễn với lý do là người “tối cần thiết cho quốc gia” – đã có lần tôi nghĩ về sự tối cần thiết này mà thấy tiếu lâm: trong một quốc gia tổng thống thủ tướng cho đến các tổng tư lệnh tổng tham mưu trưởng… còn thay thế và thay thế luôn, tại sao lại có thể còn có những người được xếp vào loại tối cần thiết cho sự tồn vong của một quốc gia. Nhưng muốn nghĩ gì, tôi vẫn cầu mong cho gia đình người bạn vô sự lui về cố đô, bởi vì chiến tranh tàn phá quá sâu rộng, vậy một vài ốc đảo còn lại rất quí cho những người lữ hành mệt mỏi. Nhưng cầu mong thì cầu mong, nếu người bạn trai lên đường nhập ngũ để người bạn gái trở thành chinh phụ – thì nàng, với tư cách này, sẽ bắt buộc phải tham dự vào cái thế giới lớn của đất nước, sẽ biết thế nào là cuồng nộ tuyệt vọng của cả một thế hệ trẻ cầm súng qua cái hôn và vòng tay ôm của người chồng lần đầu về phép, một cái hôn và vòng tay ôm chắc chắn không thể là nhẹ như bướm đậu trên hoa mùa xuân, kiên nhẫn như đá núi và dịu dàng như gió thổi trên mặt sông êm đềm của cố đô nữa.
Đến khi đó, nàng sẽ ở trong thứ thực tại văn chương tôi và từ đó sẽ chỉ còn phê bình văn tôi viết hay hay dở, chứ không còn chê văn chương chứa đựng những chi mà ghê, toàn dã man chi lạ nữa.
Nói thế chứ không có nghĩa tôi mong người bạn cố tri hay những người khác phải khổ để “thưởng thức” văn tôi viết – bởi vì chính tôi, đâu phải vì lập dị, vì nổi loạn siêu hình kiểu một Malraux lao sang Tây Ban Nha, sang Tầu làm cách mạng hộ chiến đấu hộ những kẻ khác. Đất nước Việt Nam đâu có phải là đất nước Pháp trong thời kỳ giữa hai thế chiến, để tôi có thể “dấn thân” kiểu Sartre, cách mạng kiểu Malraux trong một chọn lựa tuỳ ý trong một tự do tương đối như thế.
Làm nhà văn Việt Nam, bất quá tôi chỉ có thứ chọn lựa của một thí sinh trước hai đề thi, chọn đề nào thì cũng phải làm bài cả. Nhưng ở đây, trong thân phận làm người Việt Nam, tôi không có thứ quyền không chọn để bỏ phòng thi ra về thơ thới hân hoan – tôi không phải là một lưu-dân-tinh-thần Pháp hay Mỹ-da-vàng-mũi-tẹt nhưng sinh trưởng trên phần đất Việt Nam. Tôi đã có dịp, có cơ hội để bước vào ốc đảo của đề thi thứ nhất, đề của an bình an thân tạm bợ và kín mít. Nhưng tôi đã không thể chọn lựa như vậy – để giờ phút này khéo léo ra thì nhà cao cửa rộng xe hơi vài chiếc, tiền gửi vài chương mục ngoại quốc, vụng về ra thì cũng chẳng đến nỗi trở thành cùng-đinh-mới của xã hội Việt Nam như hiện nay. Không nắm lấy cơ hội làm đề thứ nhất như thế ngay từ khi đoàn quân thứ nhất Hoa Kỳ đổ bộ vào bờ biển, dĩ nhiên chỉ còn đề thứ hai để làm bài – không còn chọn lựa nào khác nữa. Và dù khó nhọc, tủi nhục, tôi không có lần nào hối tiếc bởi vì vào thế giới lớn của đất nước, tôi đã được trả lại bằng một tình liên đới với dân tộc khốn khổ. Chính thứ liên đới này mới là động lực chính của đa số văn chương tôi viết, còn thực tại, nó có thể đổi thay – chiến tranh không lẽ kéo dài tới hết thế kỷ 20, chế độ thối nát hiện nay không lẽ cứ thế đứng được nguyên vẹn cho tới ngày con tôi bằng tuổi tôi lúc viết những hàng chữ này: chúng sẽ phải chấm dứt vào một ngày nào đó, và khi ấy nếu còn sống và nếu còn muốn cầm bút, tôi có thể sẽ viết về hoa lá, về tình yêu, có thể sẽ làm văn nghệ viễn mơ hay nói một cách khác, sẽ viết từ và về thứ thực tại sẽ đến với tôi khi ấy.
Còn bây giờ, lúc này, tôi đang ở trong thực tại chiến tranh và bất công xã hội, còn bị ràng buộc với thứ liên đới với phần dân tộc bị đoạ đày, thì tôi cứ tiếp tục viết như đã viết: không phải viết như một nông phu hay một người thợ, cũng phải viết cho những người ấy đọc (họ hẳn ít người hiểu được hay thích đọc văn tôi). Tôi viết ở vị trí tôi đang ở với con người tôi đang là và viết cho những người cùng ở một thành phần hay cùng chung một thực tại. Như thế, tôi viết cho tôi và cho người khác nhưng không phải cho tất cả mọi người.
Có thể rằng các nhà văn trong xã hội chủ nghĩa cộng sản chỉ viết cho người khác, cho “nhân dân cả nước”. Xin để họ theo con đường ấy bởi vì họ chẳng còn con đường nào khác. Có thể có những nhà văn ở trong thế giới nhỏ xíu như một ốc đảo an bình kín mít của Việt Nam, hoặc ở trong thứ thực tại giả tạo, nhập cảng như những lọ nước hoa fabriqué en France những đồ hộp made in USA, làm văn chương “chính thống và viễn mơ” cho những kẻ xuất thân từ tầng lớp chịu ảnh hưởng và nuôi dưỡng quá sau đậm của các ngoại bang da trắng đọc và tán dương với nhau. Xin để họ đi con đường ấy bởi vì họ không thể đi theo con đường nào khác, không nhìn thấy con đường nào khác – nền giáo dục ngoại lai đã thu nhận từ bao năm không cho phép họ nhìn thấy thực tại nào khác thứ thực tại giả tạo nhập cảng ấy, và dù có thế đi nữa, tôi không hề muốn phủ nhận họ bởi vì tôi chẳng bao giờ chủ trương vườn văn phải toàn hoa cúc vạn thọ – dù rằng họ đang nương vào sức mạnh tài chính của ngoại bang hay nương tựa quá nhiều vào phương tiện của chính quyền để phủ nhận những dòng văn chương phát xuất từ thế giới lớn của phần dân tộc khốn khó, cùng đinh… Có thể rằng trên thế gian này còn có những nhà văn viết chỉ để cho chính mình cho riêng mình – nghĩa là tác phẩm viết ra không cần ai đọc, không cần xuất bản. Xin cúi đầu ngưỡng mộ và xin kính nhi viễn chi những vị ấy vì tôi không siêu thoát, không thiên tài đến thế được. Về phần riêng, tôi lại trở về với thực tại của mình, chấp nhận thứ liên đới không thể chối bỏ, để tiếp tục cái gì đã bắt đầu: tiếp tục viết cho mình và cho người khác như thế, trong ý thức chẳng có gì là vĩnh cửu trên thế gian này.
Đoạn Đường Chiến Binh Đoạn Đường Chiến Binh - Thế Uyên Đoạn Đường Chiến Binh