Số lần đọc/download: 11814 / 469
Cập nhật: 2016-06-20 21:07:12 +0700
Chương 4: Song Tấu (4)
Ông giáo trừng mắt răn đe. Bà Tuyết Bông cụp mắt im lặng. Dù là kẻ lăng loàn, có thể sắn váy chửi nhau với bất kì ai vì một đồng xu, có thể tuôn ra hàng tràng những lời nguyền rủa độc địa với bất kì người láng giềng nào dám đụng tới bản thân hoặc con trai mình, nhưng bà lại sợ chồng một vành. Trước mặt ông, bà có vẻ của một con chó trung thành. Cặp môi dày vô tận của bà luôn khép lại khi ông cao giọng. Cặp mắt sư tử cái của bà cũng luôn luôn cụp xuống theo cách loài thỏ cái khi ánh mắt ông chiếu tới. Một khi ông đã ra lệnh, bà phải xuống mã ngay tức khắc cho dù trước đó một giây bà có thể nhẩy chồm chồm như con ngựa cuồng đang xung trận.....Dân phố huyện bảo rằng bà tuổi chuột còn ông tuổi rắn, chuột có thể rỡn mặt với mèo nhưng gặp rắn thì hoàn toàn tê liệt chỉ còn nằm chờ chết. Số khác lại nói chẻ hoe ra rằng chẳng cần tuổi với tác, hạng người như bà, nếu chẳng nhờ một mối duyên tiền định bí ẩn áp đặt, hẳn chỉ có thể ngồi mơ....các gã khố rách áo ôm, chân đất mắt toét kiếm cơm bằng nghề rong lợn đực trên các nẻo đường thôn....
Như thế, đã nhiều năm họ sống theo nguyên tắc: Dâu là con, rể là khách. Vân cũng chưa bao giờ phật ý khi ông chỉ trích những thói xấu của cậu ấm Tùng. Nhưng giờ đây, mọi sự đã thay đổi. Kể từ ngày con ông lớn lên, và nó trở nên một cậu ấm Tùng thứ hai, có nguy cơ còn tồi tệ hơn cả nguyên mẫu. Bởi chỗ đứng của ông chẳng phải là cái bục gỗ trường tư thục phố huyện. Sự thối nát mọc trên cái cây của uy quyền, sẽ ngàn lần thối nát hơn khi nó nảy mầm trên mặt đất hoặc giữa đống rơm.
―Chao ôi, con cái là những xiềng xích bằng vàng „
Một lời than não nùng bất giác vang lên trong óc não ông. Cùng một lúc, trái tim ông bị xuyên thủng bởi hai mũi tên, hai gương mặt đồng hiện: Con trai của chính ông. Và con trai của một người đàn ông khác.
― Ta sẽ chết....ta sẽ chết bởi sự giằng xé này. Bởi nỗi khổ đau không thể bày tỏ cùng ai...Bởi đường hầm tối chẳng tìm ra lối thoát.„
Ông bật lên một tiếng rên. Nhưng chợt nhớ ra rằng vợ ông đang nằm trên giường và chắc chắn là chưa ngủ nên ông vội nghiến răng lại để ghìm giữ cơn rên rỉ. Rồi một gương mặt khác hiện lên, cùng một ý nghĩ sắc nhọn như lưỡi kiếm:
―Nhưng không! Ta không có quyền chết. Ít nhất ta chưa được quyền chết vào lúc này. Với cái chết của ta, bọn khốn kiếp sẽ tự do hành động. Với cái chết của ta, bao người sẽ phải hệ luỵ. Rồi chưa biết những gì đáng tiếc sẽ xảy ra. Không, ta phải sống. Ta không được quyền thua...„
Đưa tay ôm đầu, mò mẫm như một kẻ bị trúng thương, ông lò dò đi về phía giường ngủ.
Máy bay chưa thể cất cánh vì trời lắm sương mù.
Sương giăng như những tấm lụa trắng đan xen nhau trên phi trường và cỏ ngả màu xanh thẫm khi đầm sương. Một cô gái bưng khay trà tới trịnh trọng đặt trước mặt Vũ:
- Mời thủ trưởng dùng trà ạ.Chắc còn lâu máy bay mới nổ máy được.
- Cảm ơn cô. Tháng này có mấy buổi phải hoãn chuyến bay?
- Dạ, đã ba lần. Hôm nay là buổi sáng thứ tư.
- Thông thường, phải đợi bao nhiêu tiếng?
- Tuỳ theo thời tiết từng ngày, nhưng trung bình cũng phải qua ngọ.
- Cô cũng biết câu tục ngữ ấy sao?
- Dạ, các cụ dạy: ― "Mưa không qua ngọ, gió chẳng qua mùi"....Bà ngoại em bảo thế.
Nói rồi, cô gái lật chiếc tách úp trên đĩa, rót trà. Hương trà nhài bay lên khiến căn phòng bớt đi vẻ chểnh mảng và trống trải thường gặp nơi các quán trọ hay các nhà ga.
- Một giờ nữa căng-tin sẽ bán phở và bánh rán nhưng nếu thủ trưởng cần ngay bây giờ, em sẽ mang lên.
- Cảm ơn, tôi đã ăn sáng tại nhà.
Vũ đáp, rồi lại đổi ý tức khắc:
- Nhưng nếu tiện, cô có thể đem cho tôi ít bánh rán. Ở đây, căng-tin làm loại bánh gì?
- Dạ, chúng em có cả ba loại: Bánh nhân mặn, nhân đậu xanh đường cát và bánh ngào mật.
- Cho tôi loại nhân đậu xanh đường cát.
- Dạ, em sẽ đem lên ngay.
Cô gái đáp, rồi xăng xái ra khỏi phòng. Ông đưa mắt nhìn theo, thầm nghĩ:
― Chắc con cái nhà ai mới được tuyển làm nhân viên sân bay...„
Tất thảy những cô gái đồng quê đang từ nơi chân lấm tay bùn được tuyển lên làm việc trong các cơ quan hay thành phố đều có cái vẻ hớn hở và tận tuỵ như thế. Thân thể căng đầy sức sống, gương mặt hồng hào rám nắng, sự hăng hái dư thừa của những người đang quay đảo trong nhịp điệu căng thẳng của sự lao động cật lực rơi vào cảnh sống an nhàn và đầy đủ tiện nghi hơn:
― Nhưng chỉ một thời gian sau, con người sẽ thay đổi...Từ hình tướng cho đến tính cách....Với tháng năm mọi sự sẽ thối rữa dần....„
Ông buồn rầu nghĩ và đưa tách trà lên nhắp.
Cô gái đã quay lại với đĩa bánh rán đầy ụ. Với đĩa bánh này, ông phải trẻ lại ba mươi nhăm tuổi mới có thể ăn hết. Hẳn khách ăn quen ở căng-tin phi trường toàn phi công với thợ máy trẻ, đang tuổi bụng cao dạ dốc hoặc các gã tân binh từ các miền quê đổ về.
Đặt đĩa bánh ngay ngắn lên bàn, cô gái lại lễ phép cúi chào ông lần nữa trước khi bước đi.
- Cảm ơn cô.
Vũ mỉm cười rồi cầm tấm bánh lên nhấm nháp. Bỗng nhiên, cùng với tách trà cảm giác ngon miệng trở lại khiến ông ăn hết liền hai tấm. Vũ uống tách trà tiếp theo với sự ngạc nhiên. Sáng nay, vợ ông chuẩn bị cho ông một bát mì như thường lệ. Bát mì đó cũng đầy đủ gia vị như mọi ngày nhưng ông không nuốt nổi hai thìa. Có lẽ, vì họ trải qua đêm trắng. Một đêm trắng lạnh lẽo đến tê cứng cả tâm can. Khi một người đàn ông và một người đàn bà cùng chia xẻ một chiếc giường nhưng không muốn hoặc không thể làm tình, cũng không muốn và cũng không còn chuyện tâm tình để nói, khi trái tim họ đã quay sang những chiều khác biệt, và óc não họ cũng nung nấu bởi những chuyện khác biệt. Mà họ buộc phải cùng thao thức ngần ấy thời gian. Điều đó thật kinh hoàng.
Buổi sáng, khi chuông báo thức vừa réo, ông ngồi dậy đi ra vườn tức khắc dẫu biết rằng làm như thế, có nguy cơ viêm phổi. Đi thơ thẩn một hồi dưới các vòm cây, ông quay vào nhà thay áo quần. Đoạn ông ngồi vào bàn ăn, trước bát mì bà đã để sẵn. Đột nhiên, ông nhìn thấy gương mặt sưng húp vì mất ngủ của Vân giống hệt mặt bà Tuyết Bông. Ông sững sờ nghĩ:
― Mình già rồi, nhìn gà hoá cuốc. Xưa nay, chưa có ai nói Vân giống mẹ. Người ta vẫn bảo cô ấy là bản sao của ông giáo Vương, cũng như cậu Tùng lợn là phiên bản của bà chủ đại lý nước mắm.„
Rồi ông nhìn đi nhìn lại người đàn bà của ông, người hơn ba mươi năm chung chăn chung gối, người ông đã thuộc từ cách đánh răng đến cách chải đầu, từ màu sắc đến kiểu áo quần bà ưa chuộng, từ cách gắp thức ăn đến lối làm dáng làm duyên....Ông nhìn bà với nỗi hồ nghi, trong tâm trạng của kẻ không còn tin chắc ở các giác quan của chính mình....Bởi, ở một góc độ nào đấy, ông thấy vợ ông quả là có những nét của bà Tuyết Bông, chẳng phải gương mặt, đường sống mũi, dáng đi hay nét cười, nhưng ở một thứ dáng dấp vô hình khó diễn đạt bằng ngôn ngữ:
― Chẳng phải trí tưởng tượng, nhưng là sự mù mờ của óc phân tích...Hoặc thói hàm hồ của sự lãng quên. Ta đã từng chứng kiến cảnh Vân đứng chống nạnh tay cãi nhau với cậu cán bộ quản lý văn khố, một kiểu cách cong cớn lăng loàn giống hệt mẹ cô ấy. Chuyện đó diễn ra đã từ lâu. Mười sáu hay mười bẩy năm về trước.
Lần ấy, Vân vô cùng xấu hổ. Giờ đây, sự việc tái diễn. Và cô ấy không còn xấu hổ nữa. Với tháng năm, mọi sự thối rữa đi....„
- Thưa thủ trưởng, để em châm thêm nước vào ấm trà.
Cô gái đã quay lại, phích nước sôi trên tay. Định rót thêm nước vào ấm, nhưng rồi cô lại ngần ngừ dừng lại:
- Thủ trưởng có cần thay trà mới không ạ?
Vũ ngẩng lên đáp:
- Cảm ơn. Trà còn đặc, cô cứ châm thêm nước cho tôi.
Ông rót tiếp chén trà mới còn nóng bỏng, nâng lên ngang cằm để làn hơi lan toả trên gương mặt trong lúc một tiếng nói thầm thì lặp đi lặp lại bên tai:
― Với năm tháng, mọi sự dần thối rữa đi...Với năm tháng....„
Không hiểu vì cớ gì, ý nghĩ đó cứ bám riết lấy óc ông, giống như loài đỉa đói bám chặt kẽ bẹn của con trâu khốn khổ. Nhà Vũ không có ruộng, nhưng cảnh sống nơi thôn trang thân thuộc với ông từ nhỏ, nhờ những kì nghỉ hè. Sau này, dấn thân vào cách mạng ông buộc phải làm quen với đồng ruộng. Trong suốt quãng thời gian ấy, hình ảnh khiến ông ghê sợ nhất, ghê sợ mà không dám thú nhận là hình ảnh loài đỉa trên những cánh đồng vùng chiêm trũng. Cứ mỗi lần hình dung lại cảnh những bầy đỉa ngoi đen mặt nước, đuổi theo con mồi, dù con mồi ấy là chính ông hay người khác, Vũ lại sởn gai ốc. Ông ghê sợ lũ đỉa không chỉ vì chúng hút máu người, bởi muỗi dĩn và vô số côn trùng khác cũng sống theo cách kí sinh ấy; nhưng điều khủng khiếp nhất chính là hình thù nhầy nhụa của chúng gợi nên một sự bất định, một thứ tai hoạ mềm dẻo co giãn, một mối đe doạ dai dẳng không thể đoán được nơi bắt đầu cũng như nơi kết thúc:
― "Có những nỗi đau dai dẳng như loài đỉa đói bám chặt vào con tim chúng ta, nơi ngóc ngách thầm kín nhất và không bao giờ buông nhả con mồi. Loài đỉa thật sự không nguy hiểm đến thế, bởi người ta có thể để mặc chúng hút no máu trâu bò con nào con nấy tròn vo như những ngón chân cái. Khi no nê, tự chúng rụng xuống. Người ta gạt lũ đỉa lặc lè máu ấy vào hố vôi đang tôi, và đó sẽ là cuộc tàn sát hiệu nghiệm nhất đối với loài kí sinh này. Nhưng trước một nỗi đau dai dẳng, con người trở nên tê liệt, bởi họ không thể trục xuất nó khỏi trái tim chảy máu...."
Vũ không nhớ ông đã đọc đoạn văn trên trong cuốn sách nào....Nhưng nó bỗng nhiên quay về, như đám khói đốt rạ phất phơ bay trên cánh đồng kí ức.
Bỗng điệu cười lanh lảnh khiến ông quay đầu lại: Nơi khuôn cửa căng-tin dẫn sang nhà bếp, một tốp thiếu nữ xuất hiện. Bốn cô gái, cô nào cô nấy tròn vo, má đỏ ửng, mắt long lanh, gương mặt tràn đầy sung sướng. Hai cô đi trước khiêng một chiếc thúng đại, trong đó chất ngất các loại bánh rán. Hai cô đi sau vạm vỡ hơn, khiêng nồi quân dụng cỡ lớn nhất, hẳn là nồi nước phở. Sau bốn cô, đến một anh chàng đen như cột nhà cháy, mặt lẫn vai đều vuông như bánh chưng, khệ nệ bưng thúng bánh phở thái sẵn. Đã đến giờ căng-tin phục vụ bữa sáng cho lính phi trường. Vũ cúi xuống nhìn đồng hồ, cũng là lúc tiếng kẻng vang lên ròn rã.
Sau ba hồi kẻng dóng dả và hối hả, lính phi trường rộn rịp tiến vào, anh nào anh nấy đầu tóc bóng mượt, quần áo chỉnh tề, da dẻ hồng hào nhẵn nhụi, rõ ra là đám lính sang trọng nhất được cưng chiều nhất trong mọi binh chủng. Họ vừa đi vừa tiếp tục nô rỡn, trao đổi những câu chuyện và những cái nhìn đồng loã.
Vũ tò mò đưa mắt theo rõi họ:
― Rồi trong đám bạn hữu thân ái đó, ngày mai ai sẽ cầm dao đâm vào lưng ai? Ai sẽ đổ thuốc độc vào chén nước của ai? Và ai sẽ dụ ai bước vào bãi mìn gài sẵn? „
Đám lính trẻ cũng đã nhìn thấy ông. Họ chựng lại thôi cười nói, giơ tay chào ông rồi theo nhau ngồi vào những dãy bàn bên tay phải căn phòng, khu vực dành cho bếp ăn trung táo.
Cùng một gian phòng, cùng một thứ bánh rán, cùng một nồi nước phở; nhưng căng-tin vẫn phải ngăn đôi. Khu vực ông đang ngồi dành cho bếp tiểu táo, sàn nhà được tôn cao hơn hai gang tay nhờ một bục gỗ lớn đánh vec-ni kĩ lưỡng lên nước bóng như gương. Bàn ghế cũng thuần bằng gỗ tốt, mặt bàn phủ vải trắng. Tách chén, bát đĩa bằng sứ Tầu mỏng. Khu vực dành cho bếp trung táo bên tay phải, sàn nhà thấp hơn lát gạch, bàn ghế bằng gỗ mộc không vải phủ, đĩa tách bằng nhôm và bát ăn bằng sứ Hải dương loại thứ phẩm men nứt nẻ và dầy như ngói. Giữa hai khu vực, chừng như để tô đậm sự phân cách, người ta dựng lên một dãy dài cột gỗ tiện, trên đó giăng những tràng hoa giấy đủ màu.
Vũ đưa mắt nhìn những tràng hoa rực rỡ một cách trâng tráo lạc lõng, thầm nở nụ cười mỉa mai:
― Một bát phở cho bếp tiểu táo khác biệt ra sao bát phở cho bếp ăn trung táo? Có lẽ loại thứ nhất được kèm theo mười hai miếng thịt còn loại thứ hai tám miếng hoặc sáu miếng. Có thể loại thứ nhất nhiều hành hơn loại thứ hai và nước dùng được gia thêm váng mỡ hay hạt tiêu? Ồ, cái hiện thực này quả là xa vời với mộng tưởng của những người dấn thân vào con đường cách mạng. Sau rất nhiều xương rơi và máu đổ, cuối cùng sự sống cũng rút lại bằng cách đếm những miếng thịt phủ lên một xuất phở hay đĩa cơm.„
Ông cúi xuống, nuốt vội một ngụm nước nóng vì chợt nhận ra lối mòn dẫn đến ngục luyện tội. Những tràng giấy hoa sặc sỡ vẫn đập vào mắt ông. Ý nghĩ về sự phân chia đẳng cấp, về sức mạnh quyền lực, về sự mong manh bất khả thay đổi của kiếp người...những nỗi giằng xé thường trực ấy day dỉa con tim ông như loài đỉa đói.
Sáng hôm qua, khi ông vừa tới cơ quan, chưa kịp đặt chiếc cặp lên bàn, cậu thư kí đã hớt hải chạy vào báo tin văn phòng ban tổ chức trung ương đảng triệu tập ông đột xuất. Cậu thư kí này vốn gầy nhom, da xanh mét, tính lại cả lo nên gương mặt trông thật thảm hại:
- Mời thủ trưởng đi ngay, thủ trưởng Sáu đang đợi.
Vũ đặt chiếc cặp lên mặt bàn, thủng thẳng cất tiếng hỏi:
- Ai đưa lệnh đó?
Cậu thư kí trợn tròn mắt lên, đồng thời hạ giọng như thì thầm:
- Dạ, đích thân thủ trưởng Sáu gọi điện trước đây mười phút. Không chỉ gọi một lần mà những hai lần.
- Gọi hai lần vì ông ấy thích luyện giọng.
Vũ đáp. Nhưng rồi thấy cậu thư kí đứng đần mặt ra, vừa bối rối vừa hoảng hốt, ông liền nói:
- Cậu chuẩn bị tài liệu cho tôi.
- Dạ, thủ trưởng Sáu dặn là công việc đặc biệt, không cần mang theo tài liệu như lệ thường.
- Thôi được.
Vũ bỏ chiếc cặp da vào tủ, đoạn cuốn mấy tờ báo mang theo. Ông định đọc cho qua thời gian ngồi trên xe. Nhưng rồi ở trên xe, cơn bồn chồn khiến ông phải ném mớ báo vào một góc:
― Có chuyện gì đặc biệt xảy ra hôm nay? Đã lâu lắm y không gọi ta lên một cách đường đột như vầy, kể từ ngày mọi ván bài đã được lật ngửa.
Xuống xe, ông đi qua đám lính gác. Một đám người bằng xương bằng thịt đứng trong tư thế cứng đơ của tượng gỗ, mặt nghếch lên đúng góc độ quy định, ngực ưỡn đúng tư thế đã được học, súng chọc thẳng lên trời....Tất thảy cái nghề nghiệp của họ là ở chỗ đó, một thứ hình thức biểu dương sức mạnh thế tục, một kiểu cách răn đe và hù doạ ngoại nhân. Cảnh tượng này đã quá quen thuộc với ông, sao bỗng nhiên gợi lên một cảm thức bất tường, vừa lạ lùng vừa thù nghịch? Đã từ lâu, Vũ nhìn thấy trong cuộc triển lãm thường nhật này, một tấn tuồng nhàm chán. Nhưng hôm nay, ông chợt nhận ra rằng đó là cảnh tượng được dàn dựng cho riêng ông, nhằm đe doạ một mình ông. Những gương mặt vô cảm của đám người tượng gỗ kia che giấu mối hiểm nguy mà ông chưa dò nổi. Dường như có một thứ âm mưu nào đó chưa rõ hình thù len lỏi trong không gian. Dường như có những loại hơi ngạt, những thứ nọc rắn, những thứ thuốc độc....những cái chết vô hình đang nhiễm đầy khí quyển....Bất chợt, ông quay đầu lại nhìn đám lính gác cho dù ông đã tiến vào giữa khuôn viên. Rồi, ông cố gắng tự phân tích tâm trạng kì lạ của mình nhưng không tìm thấy cách lý giải nào thoả đáng. Cứ như thế, ông đi qua khuôn viên đang tưng bừng các loài hoa của mùa xuân, trong lúc trí tưởng mò mẫm giữa đường hầm tối tăm của sự hoang mang và ngờ vực. Trước khi trèo lên tam cấp, bất giác ngước mắt lên ông đã thấy Sáu đứng sẵn ở đó, chăm chú nhìn xuống sân. Y giơ tay vẫy ông. Mặt Vũ nóng lên khi nghĩ rằng y có thể chứng kiến cảnh ông quay đầu lại nhìn đám lính gác, và rất có thể y đoán được những ý nghĩ thầm kín nảy sinh trong óc não ông. Đám cận vệ đó là của y, do y tuyển chọn, do chính y cấp lương bổng, do chính y soạn thảo những đặc quyền và thực thi những biệt đãi. Đám người ấy chắc chắn sẽ hành động theo mệnh lệnh của y. Đấy là điều ai cũng biết.
Sáu đứng chờ ông ngoài hành lang để có thể cùng bước vào phòng với ông một lượt. Căn phòng rộng thênh thang, giống phòng chơi bi-da hay bóng bàn hơn là nơi tiếp khách. Ngoài mấy bộ sa-lông kê liền nhau còn một chiếc bàn kê sát bức tường phía trái, cũng rộng thênh thang một cách vô lý, trên đó sắp la liệt từng dãy dài những loại ly tách khác nhau, đến từ những xứ sở khác nhau, vừa để pha trà vừa để lọc cà-phê. Một gã trai đang loay hoay sửa soạn đồ uống ở đó.
Vừa bước vào phòng, Sáu ra lệnh:
- Thôi, để đấy.
Người hầu biến đi tức khắc như bóng ma. Lúc đó, y giơ tay chỉ cho ông chiếc ghế bành thấp:
- Ngồi xuống đi. Hôm nay tôi có việc bận bên bộ ngoại giao, không thể tiếp cậu lâu như thường lệ. Ta sẽ làm việc chóng vánh.
Đã ngồi xuống ghế, nghe tới đó Vũ liền đứng phắt dậy:
- Nếu anh bận, tôi về. Lúc khác sẽ gặp.
- Việc cần kíp mới phải kéo cậu lên đột xuất như thế này.
- Dẫu cần kíp, tôi cũng vẫn làm việc theo nguyên tắc chính quy. Tôi không muốn phiền hà người khác. Tôi không chấp nhận làm việc theo kiểu: giật gấu vá vai.
Y sững lại, chăm chú nhìn ông. Có vẻ như sững sờ. Có vẻ như từ quá lâu chưa có ai dám nói năng với y theo kiểu đó. Có vẻ như món này thật khó nuốt đối với y. Cũng có vẻ như y không hề chuẩn bị để đối phó lại tình thế này. Một khoảnh khắc sượng sùng trôi qua. Bỗng nhiên, y nhoẻn miệng cười:
- Sao bây giờ cậu dễ cáu bẳn thế? Trước đây mọi người vẫn nói tính cậu mát như thạch...
- Ai sinh ra thế nào, chết như thế. Cổ nhân dạy rồi.
Y lắc đầu cười một cách hóm hỉnh:
- Không đúng đâu. Tính nết thay đổi với thời gian. Tôi cũng thay đổi, nhưng không cáu bẳn như cậu mà lại thích bông lơn. Còn điều này mới thật là thú vị...
Y cất tiếng cười to hơn, một tiếng cười vô cùng sảng khoái:
- Điều tôi sắp nói sẽ khó hiểu thậm chí phi lý đối với kiểu người có máu « nho nhe » đặc sệt như cậu. Nghe đây này....
Y tiến đến sát bên chiếc ghế bành của ông, cúi xuống lảy từng câu với một sự vui thú lẫn nghịch ngợm không che giấu:
- Về già bỗng dưng lại thèm ngắm gái đẹp. Món này hình như cũng giống như thuốc lá, thuốc lào, cai được hàng chục năm bỗng dưng nghiện lại...Chỉ vì công việc bó buộc, nếu không, sáng nào tôi cũng ra hồ Tây. Ở đó, cứ rạng mặt trời là đám thiếu nữ ra tập thể dục và bơi thuyền, toàn những đứa mười sáu mười bảy, đẹp như trong mộng.
Nói xong, y quay gót tiến về phía chiếc bàn kê áp tường, chuyên cà phê từ bình lọc vào hai chiếc tách đen. Vũ lặng lẽ nhìn những nếp nhăn tẽ chân chim nơi đuôi mắt y, nhận ra rằng y cũng già đi đáng kể cho dù y vốn dĩ cao to trắng trẻo, được trời phú cho một cái thân xác chuẩn mực mà y thường tự đánh giá một cách nửa đùa nửa thật trong các cuộc chuyện trò:
« Cái thân xác của tôi có sức chứa mười hai cuộc đời khác biệt, đủ sự dẻo dai để phục vụ một cách tận tụy ba mươi sáu người đàn bà, từ dậy thì cho đến hồi xuân. »
Sau những câu chuyện bông lơn của y, bao giờ cũng có ai đó chôn xác trong xó xỉnh của rừng sâu, trên một nẻo đường hẻo lánh hoặc nơi buồng tối nhà tù. Vũ nhìn cái gáy béo hồng của y nhô lên trên cổ áo sơ-mi đen và tự hỏi:
« Vào buổi sáng hôm nay, những câu tán tỉnh bông lơn của y liên quan đến ai đây? »
Nhưng Sáu đã quay lại, hai tách cà-phê trên hai tay. Mùi cà-phê thơm nức lan khắp gian phòng. Y nheo mắt lại:
- Cậu có thấy thứ cà-phê này tuyệt diệu hay không?
Vũ đáp:
- Tôi mới ngửi, chưa nếm. Còn phải chờ kiểm nghiệm.
- Ngốc, cà-phê chỉ cần ngửi là đủ biết chất lượng rồi. Cậu chưa phải kẻ sành sỏi.
- Tôi chưa từng nhận là kẻ sành sỏi trong bất cứ lãnh vực nào. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, có những thứ đồ ăn chỉ có thể ngửi chứ không thể ăn. Cá rán tẩm thuốc độc chẳng hạn. Hồi còn ở phố huyện, tôi chứng kiến gã hàng xóm nhà tôi đánh bả con chó nhà khác theo kiểu ấy.
- A ha ha.....
Y cất tiếng cười vang. Tiếng cười của y vang đầy căn phòng rồi vọng ra hành lang. Một cô gái thò đầu vào nhìn trộm rồi rụt ra tức khắc. Sáu đặt tách cà-phê trước mặt ông, nói:
- Uống đi....Cậu quả là người có tài biện báo....Lẽ ra tôi phải bố trí cậu sang đặc trách bộ ngoại giao mới đúng....
- Thế hả?...
Vũ cũng cất tiếng cười theo:
- Vậy thì sửa sai đi, chưa quá muộn đâu....
Rồi ông bắt đầu nhắp cà-phê.
Bên kia bàn, y cũng lặng lẽ uống. Ngón tay áp út của y đeo chiếc nhẫn vàng gộc lớn xấp xỉ chiếc bu-loong tà-vẹt, món đồ trang sức này phản chiếu lên lớp men sứ đen bóng của chiếc tách sứ ngoại nhập:
« Cà-phê đen chứa trong tách sứ đen. Quả là sành điệu! Lẽ ra mày có thể làm nghề vẽ mẫu trang trí gia thất hoặc hoạ sĩ sân khấu. Như thế, sẽ bớt đi những người bị chết oan. »
Vũ thầm nghĩ khi nhìn ánh phản chiếu lấp lánh trên lớp men sứ. Trong lúc đó, Sáu đã đặt tách cà-phê xuống bàn, ngửa người tựa trên lưng chiếc ghế bành thấp chân. Cổ áo sơ-mi đen của y phanh ra làm nổi bật lớp da trắng hồng, tuy đã điểm vết mồi nhưng vẫn còn rực lên lửa dục. Y thích màu đen. Y có vài tá sơ-mi đen. Trong các buổi tiếp khách nước ngoài hoặc những lần ra mắt dân chúng, y buộc phải mặc sơ-mi trắng và com-plê nhưng vào tất cả các dịp được phép, y đều mặc áo đen. Một sở thích đáng lưu ý. Có thể đó là cách làm dáng, tôn tạo nước da mỡ màng, được chăm sóc kĩ lưỡng của y. Nhưng cũng có thể đó là cách gây ấn tượng, kiểu những băng cướp áo đen hay những môn phái võ áo đen trong lịch sử. Không ai dám bàn đến điều đó một cách công khai, trừ ông. Lần đó, chính ông khơi chuyện, chính ông tấn công:
- Anh quả thật là quyến rũ trong màu áo đen...Hiện đại và trẻ trung nữa...Trong màu áo đen, trông anh trẻ hơn đến mười tuổi....Như thế là ăn gian được mười năm trong đời...
Ông nói với y như vậy vào giờ nghỉ trưa một hội nghị, khi tất cả các đại biểu đang sà xuống các bàn ăn. Y có vẻ sững sờ như không tin vào những gì tai y vừa nghe được. Lúc đó, ông thong thả nói tiếp:
- Nhưng theo tôi, đây là cách anh chơi trội bằng màu sắc. Kiểu chơi này đã có từ những năm đầu thế kỉ, chẳng mới mẻ gì. Thêm nữa, những việc anh làm đã đủ gây ấn tượng quá nhiều. Guồng máy quyền lực anh nắm trong tay, quyền sinh quyền sát. Hà cớ chi phải khoác áo đen?
- Cậu....cậu....
Y lắp bắp, mặt tái đi vì giận. Những người xung quanh cũng tái mặt đi vì sợ hãi. Còn ông, ông lặng lẽ nhìn y. Một tích tắc trôi qua, y mỉm cười. Đối lại nụ cười của y, ông cũng cười, nụ cười của kẻ chuẩn bị bước lên dàn treo cổ. Sau một khoảng khắc câm lặng và đông cứng thù nghịch, y lấy giọng xuề xoà, thân thiết:
- Cậu...bị ong đốt hay sao? Tôi mặc áo đen hay áo trắng thì có ảnh hưởng gì đến kinh tế quốc dân?
Ông cười mai mỉa:
- Có chứ! Anh mặc áo đen thì tiết kiệm được một ít xà-phòng. Như thế, làm gương giáo dục thanh niên rất tốt. Chỉ có điều giá tiền mua mười cân xà-phòng không vượt qua giá một lọ nước hoa Pháp mà mỗi lần đi nước ngoài về, tôi thấy anh xách cả va-ly cho các phu nhân lớn nhỏ trong ngoài gia thất của anh.
- Tôi chịu thua cậu.
Y nhã nhặn đáp lời:
- Nhưng cũng cần thông cảm cho người khác. Không phải ai ai cũng chịu được cuộc sống thày tu như cậu. Đàn ông cũng như gà trống, nó phải biết khoe mào và vẫy đuôi.
Lúc đó, ông cười nhạt rồi bỏ đi. Trong khi các đại biểu khác lặng lẽ như tờ so đũa, chia bát....
Ba tuần sau, ông anh cả từ quê lên. Không kịp nghỉ sau những cuốc tàu xe, họ kéo nhau ra vườn hoa ven hồ Tây, nơi những kè đá ngập đầy rễ bèo với xác phù du. Ông anh nói ngay, chẳng cần rào đón:
- Có người vừa thuật lại cho tôi nghe mọi sự. Chú định chết hay sao?
- Chính vì em không sợ y, mạng em mới còn. Nếu không giờ này mồ em đã xanh cỏ.
- Đó là hạng người tàn độc đặc biệt. Chẳng phải thời nào cũng xuất hiện. Chú đã quên bài học của gã Lê Đinh rồi sao?
- Em không quên. Nhưng em chẳng ở vào vị thế của gã.
- Tôi lo cho chú quá. Nếu chú có mệnh hệ nào....
Vũ nắm tay người anh, nhìn gương mặt xiết bao gần gũi và tin cậy:
- Anh ơi, trong hoàn cảnh này chúng ta chỉ có thể trông cậy ở tình huyết mạch mà thôi. Chúng ta sẽ làm tất cả những gì có thể làm được. Còn thành hay bại là ở mệnh trời.
Người anh cả nghẹn ngào:
- Tôi chỉ lo cho chú thôi. Còn tôi sao cũng được. Trong gia đình ta, chú mới là kẻ có tóc. Còn tôi là thứ trọc đầu. Chúng nó chẳng thèm để mắt đến tôi.
- Em cũng như anh thôi. Chúng ta chẳng có đường lùi.
Họ nắm tay nhau nhưng không nói gì thêm vì lúc đó, phía đền Quan Thánh đã xuất hiện một cặp trai gái. Cặp này vượt qua đường Cổ Ngư rồi tiến thẳng về phía họ.
-Sao, giờ cậu có thể đánh giá được một cách chuẩn xác rồi chứ?
Giọng Sáu vang lên đột ngột khiến ông giật mình. Vũ vội đặt tách cà-phê xuống và đáp:
- Ngon!...Quả là ngon.
Sáu ngả người hoàn toàn ra phía sau lưng ghế, trong dáng điệu vừa uể oải vừa oai vệ, hai cánh tay vắt một cách đối xứng lên hai ngai chiếc ghế bành:
- Cậu nghiện cà-phê hay nghiện trà?...
- Tôi thích cả hai, nhưng không nghiện thứ nào hết. Giờ có chuyện gì anh nói đi.
- Ồ, đương nhiên là có chuyện.
Y ngừng lại, dường như chờ ông hỏi tiếp. Nhưng đã quá thuộc ngón nghề của Sáu nên ông lơ đãng nhìn ra ngoài khuôn cửa sổ, làm như đã quên chủ đề, hoặc chủ đề ấy là thứ vặt vãnh chẳng đáng quan tâm. Sau cùng, y cạn tách trước ông và lên tiếng:
- Văn phòng vừa báo cho tôi biết rằng ông cụ yêu cầu xuống núi thăm một người dân.
- Người dân nào?
- Một gã tiều phu rơi xuống vực, chết ngay trên võng cáng về làng. Tôi mời cậu đến là để khuyên ông cụ bỏ ý định ấy đi. Vào lúc này, chúng ta đang có trăm ngàn công việc phải lo. Ông cụ chẳng nên làm rắc rối thêm mọi sự.
- Ông cụ là chủ tịch nước, đương kim chủ tịch. Cũng là người sáng lập đảng...Làm sao tôi có thể khuyên nhủ ông cụ. Ai đẻ ra cái ý nghĩ quái gở này?
- Đấy không phải một ý nghĩ quái gở mà là một nhận định sáng suốt. Anh Ba quyết định điều này. Cũng chính anh Ba gợi ý rằng giờ đây cậu là người duy nhất có khả năng bảo được ông cụ.
- Bảo ông cụ?
Vũ buông tách cà-phê, đứng bật lên. Một cơn uất giận cháy bùng bùng trong cơ thể ông, lan theo huyết mạch, co giật các cơ bắp, bóp nghẹt con tim. Ông đột nhiên run rẩy, tiếng nói của ông cũng run rẩy theo:
- Anh nói gì?....Tôi bảo ông cụ?...
- Không....Không....tôi xin lỗi....
Sáu cũng đứng lên theo, và y bỗng nhiên nói lắp vì bối rối:
- Tôi lỡ lời...Tôi quên mất ngôn từ chính xác. Tôi thành thật xin lỗi cậu. Nhưng anh Ba nói rằng lúc này cậu là người gần gũi nhất với ông cụ, có khả năng tác động đến ông cụ.
- Chẳng phải riêng tôi mà cả dân tộc này gần gũi với ông cụ. Điều ấy là sự thật hiển nhiên. Nếu các anh có quên, tôi xin nhắc cho các anh nhớ lại.
- Tôi biết! Tôi biết!
Y đáp và làn môi y bỗng trắng nhợt đi khiến giọt cà-phê còn rớt trên đó hằn lên một vết nâu rõ rệt:
- Xin lỗi, tôi dùng nhầm danh từ. Điều này đôi khi cũng xảy ra với nhiều người khác, bởi chúng ta chỉ là những cán bộ của đảng. Chúng ta không phải các nhà tư tưởng cũng chẳng phải các nhà văn.
« Các nhà tư tưởng với các nhà văn thì ăn nhằm gì trong câu chuyện này? Họ chỉ là đám hề múa may theo kịch bản chúng mày viết sẵn.»
Ông muốn khạc vào mặt y câu nói đó, nhưng linh cảm về sự chừng mực cần thiết của tấn trò đời khiến ông ngừng lại được. Vờ như không chú ý đến những lời lẽ của y, ông lại nâng tách cà-phê lên nhấm nháp cho đến giọt cuối cùng. Lúc đó, như đã lấy lại được thăng bằng, y hắng giọng nói tiếp:
- Thật sự là đôi khi tôi cũng rối trí vì quá bận. Cứ nghĩ rằng ông cụ đang trong thời kì dưỡng bệnh nên tốt nhất là nên nghỉ ngơi. Vả chăng, lúc này mọi phi đội trực thăng đều bị huy động ra chiến trường. Ông cụ cũng nên thông cảm với chúng ta. Đất nước đang có chiến tranh.
Ông nhìn thẳng vào mặt y:
- Anh nghĩ một cách thật sự rằng tôi có thể nói lại với ông cụ những gì anh vừa nói? Anh tin rằng điều đó là khả thể?
- Ồ không! Tôi không muốn nói rằng cậu phải trần thuật lại những ý tưởng trần trụi như vậy, nhưng bằng cách thức khác và với những ngôn từ khác.
- Những lời lẽ đường mật hơn, văn vẻ hơn? Phải chăng ý anh muốn nói vậy? Nhưng tôi cũng như các anh đâu phải nhà văn?
- Nói với cậu khó bỏ mẹ. Cậu cứ cố tình không chịu hiểu người ta. Chẳng làm văn chương nhưng rõ ràng cậu được ông cụ tin yêu hơn bọn mình. Khi đã tin yêu nhau, người ta dễ bề thông cảm. Chiến tranh đang gay cấn, chúng ta cần phải động viên toàn quân cũng như toàn dân. Ông cụ nên nghỉ ngơi, giữ gìn sức khoẻ để còn đón tiếp các đoàn anh hùng chiến sĩ sắp từ chiến trường trở về. Ngoài ông cụ ra, chẳng ai có thể làm điều ấy.
- Tôi không rõ tôi có vinh hạnh được ông cụ tin yêu như anh nói hay không, nhưng cái sự thực là ngoài ông cụ ra, chẳng ai làm được điều ấy là chân lý hiển nhiên, người mù cũng biết.
Vũ buông từng tiếng và đọc những ý nghĩ lộ liễu đang chạy qua cặp mắt của y:
« Nếu điều ấy không hiển nhiên thì mồ mày đã xanh cỏ. Và không chỉ mình mày. »
Ông cười thầm trong bụng:
― Đôi khi mày cũng là kẻ thật thà. Hoặc nếu không phải thật sự thật thà thì mày là thằng kép hát loại hai.
Đưa chiếc tách cà-phê đã cạn sạch lên ngó nghiêng một hồi, ông thong thả nói tiếp:
- Anh là người cầm đầu guồng máy tổ chức của đảng, lý lịch của từng người anh thuộc như bàn tay, vậy anh phải biết rõ rằng trước khi đi theo cách mạng tôi đã được ăn học tử tế. Tổ tiên tôi dạy rằng phàm khi ai đã thật sự yêu thương ta thì ta phải lấy sự tín cẩn nghiêm kính và lòng trung thành đáp lại. Nếu ông cụ đã yêu thương tôi thì tôi chẳng thể đối đãi lại như một thứ ―mẹ mìn hay quân phản tặc.
Y lại cười, dẫu tiếng cười nhợt nhạt:
- Ồ, cậu đúng là dân sính chữ nghĩa.
Nói xong, y đứng phắt dậy như bị bọ cạp chích dưới mông rồi y bắt đầu sải những bước dài trong phòng. Cái bóng cao lớn, phương phi của y in xuống nền đá lát sáng choang như gương. Đôi giầy của y đánh xi bóng loáng. Ông có cảm tưởng rằng vừa đi y vừa lắng nghe tiếng gót giày nện xuống sàn, thậm chí có thể y còn đếm cả những bước chân....Một người bạn đồng cấp đã kể cho Vũ nghe rằng trong một cuộc gặp tay đôi, y đã bắt ông ta ngồi chết dí trên ghế suốt nửa tiếng đồng hồ trong khi y lượn vòng không mệt mỏi, hệt như một gã chào hàng giới thiệu kiểu giầy mới.
Vũ thầm nghĩ:
― Mày chưa đủ sáng suốt để hiểu rằng mẹo nào dùng mãi cũng nhàm. Các ngón hù doạ thế nhân cũng như văn chương nghệ thuật, cần thay đổi.
Đưa mắt ngắm y một cách tò mò từ đầu xuống chân, ông nói:
- Xem ra anh vẫn dẻo dai lắm. Còn phục vụ chị em được lâu dài...
Y nhìn đôi mắt cười cợt của ông, hiểu rằng mình vừa đi sai nước cờ. Mặt y thoáng đanh lại nhưng rồi y lại mỉm cười và ngồi xuống trước mặt ông, vươn hai cánh tay ra phía sau chiếc ghế bành khua khoắng, làm như cuộc diễu hành của y vừa rồi đơn thuần chỉ là một thứ thể dục buổi sớm, một thứ thói quen để khởi động ngày làm việc của đám người mài đũng quần trên ghế văn phòng:
- Cảm ơn cậu, nhờ trời máy móc của tôi còn tốt. Đấy là chưa gia tăng sâm nhung quế phụ.
Rồi, như để tránh một cú móc hàm của ông, y vội kêu lên như chợt nhớ ra một điều quan trọng:
- Chết thật, dạo này bận bù đầu, tôi quên không gọi điện cho ông cụ. Còn cậu?
- Ông cụ cũng chẳng gọi điện cho tôi, đã từ lâu.
Ông đáp lạnh lùng.
Y vồn vã:
- Nếu vậy, tôi sẽ bố trí để cậu lên thăm ông cụ. Lâu lâu quay lại thăm thú núi non cũng hay.
- Tuỳ anh.
Ông trả lời vắn tắt và đứng lên.
Ngay tức khắc y đứng lên theo, nhanh như một con mèo, giơ tay nắm chặt cánh tay ông:
- Để tôi gọi điện bảo chúng nó lo. Ngày mai cậu có thể lên đường được.
Thế là ông có mặt ở đây, sân bay nội bộ dành riêng cho không quân vào lúc đứng bảy giờ sáng.
Bây giờ, ông ngồi uống trà và ngắm sương mù bồng bềnh phía bên kia con hồ Định Công. Chờ đợi.