People say that life is the thing, but I prefer reading.

Logan Pearsall Smith, Trivia, 1917

 
 
 
 
 
Tác giả: Vệ Tuệ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3625 / 63
Cập nhật: 2015-07-07 01:56:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương VI - Linh Hồn Lạc Lối
rên đầu ngón tay, trên nỗi đau màu hạt dẻ và tiếng kêu se sẽ, vào lúc này đang là giữa đêm đen.
Căn phòng rất hẹp, những hạt bụi lửng lơ giữa bốn bề bóng tối, góc tường tỏa mùi ẩm mốc lẫn với mùi nước đái chuột lưu cữu nhiều năm.
Tôi vẫn mặc chiếc áo pull và quần bò. Bây giờ thì bộ đồ này đã bẩn, dính máu, không rõ đây là máu muỗi hay vẫn nguyên là máu từ đầu tôi chảy ra.
Bốn bề yên tĩnh có thể đoán được lúc này là buổi tối. Tôi nằm trên chiếc giường gỗ chật hẹp, như con bò biển được sóng dạt lên bờ, cái chết đến gần mà không có cách nào giẫy giụa thoát ra nổi. Ngoài hành lang thỉnh thoảng lại có tiếng chân bước nặng nề của cảnh sát, có cả tiếng nói chuyện, tưởng chừng hôm nay lại đi truy quét hang ổ đen của những tiệm cắt tóc, vậy là các báo của thành phố sáng hôm sau sẽ dành ba, bốn trang chạy "tít" đại loại như "tấn công mạnh mẽ" ở vị trí nổi bật nhất như vẫn thường thấy.
Tư duy của tôi rất rành mạch, vẫn nhạy cảm với tất cả những gì dù nhỏ nhất đang xảy ra ở chung quanh. Tôi vẫn cảm thấy rất rõ đầu đau ghê gớm. Vết thương ở bên trái tuy đã kín miệng nhưng đêm đêm vẫn nhức nhối, tựa hồ có bàn tay đang bóp nặn sục sạo từ trong đầu ra ngoài. Đó là bàn tay của Hân, móng tay nhọn, mu bàn tay có bốn xoáy đồng tiền mềm mại. Hân bảo đó là "phúc tướng". Lúc đi dưới mưa, Hân vẫn khép chặt năm ngón tay đưa ra ngoài ô, để bốn xoáy đồng tiền đựng đầy nước long lanh.
Nước mưa long lanh, long lanh sáng như mắt mèo, cả nụ cười dịu dàng rực rỡ như ánh hồng bên khóe miệng, những bức tranh trong ký ức với trực cảm nhẹ như lông hồng cứ thế giao hòa hiện lên nhưng lại như tấm bia mộ đè nặng đầu tôi.
Tôi đang bị hành hạ bởi cảm giác dịu dàng, lạnh lẽo, hoang tưởng, cuồng vui, tội lỗi, như tro tàn tan biến trong đêm tối vô hình.
Hân chết. Chết khi chuyến "du lịch chia tay" của chúng tôi sắp kết thúc, trên con đường ướt át của miền nam, chiếc xe máy màu đen đâm vào đuôi chiếc xe Audi. Mấy con bướm bay bay trong ánh đèn của xe cảnh sát, bốn chung quanh nồng nặc mùi xăng và mùi ngòn ngọt của huyết tương. Hân nằm kia, như con búp bê vỡ vụn, một tay đặt lên khuôn mặt bị thương, che mắt bên trái, tưởng như che được sự sợ hãi vào lúc cái chết đến gần, có thể che chắn được tai nạn ập đến. Bàn tay trắng trẻo, bàn tay không còn sức lực, dẫu là thiên sứ cũng không ngăn nổi cái đau đớn trẻ con kia.
Tôi mở cặp mắt bị che máu lấp, nhìn thấy tất cả nhưng vẫn chưa đi vào ý thức tôi, tựa như được ngụy trang bằng cảm giác xa lạ của ác mộng, đại não tôi loại tất cả những hình ảnh đó, cho đến khi một cảnh sát đến gần, cho đến khi tôi và Hân cùng được đưa vào xe cấp cứu lạnh lẽo.
Đêm tối mênh mông như thác lũ nuốt chửng sinh mệnh chúng tôi, đóa hoa của tôi, tội lỗi và nỗi sợ hãi của tôi. Tôi xếp tất cả những thứ đó vào huyệt mộ tối tăm đã được đào sẵn.
Hân chết, tôi cũng chết
Chuyện xảy ra vào mùa hè năm nay. Tôi học xong các phần của chương trình năm thứ ba về máy tính, muốn tìm một việc làm.
Không phải tôi thiếu tiền, tài sản của bà ngoại để lại tạm đủ cho cuộc sống tằn tiện của tôi, ít nhất trong vòng một năm không phải băn khoăn gì về sinh kế.
Bố tôi là một người lái xe tải hạng nặng, ông đã lấy vợ hai, sinh con ở Cáp Nhĩ Tân. Trong ấn tượng tôi, ông là người cao lớn, râu quai nón, thích uống rượu, mặc quần áo lao động bẩn thỉu, lái xe chạy rất nhanh nhưng chưa bao giờ xảy ra chuyện đáng tiếc, là người đẹp trai, cánh con gái rất thích, lúc dịu dàng như một chú mèo, lúc nóng nảy đập phá cả lò sưởi, bát đĩa. Ông dạy tôi biết đứng để lái xe, biết mở khóa cửa xe. Mẹ tôi, một thanh niên trí thức đưa tôi từ Cáp Nhĩ Tân về Thượng Hải năm tôi hai tuổi, kiếm được một căn gác bảy mét vuông trong gia đình bà ngoại đông đúc và bắt đầu cuộc sống mới yên ổn giống như một con sên. Bà ngoại, một người giấu vẻ mặt mình trong những nếp nhăn căng chùng là thiên kim tiểu thư của một chủ ngân hàng lớn một nhà đại từ thiện lừng lẫy ở bến Thượng Hải thuở xưa. Trên bàn tay mềm nhũn đến kinh người của bà là chiếc nhẫn mặt ngọc đẹp kỳ lạ. Vẻ ngoài của bà rất uy nghiêm, lúc nào cũng thở dài thườn thượt, các cô chú trong gia đình cũng nói chuyện, than thở bằng giọng đặc trưng của những quý tộc sa cơ lỡ vận.
Người mẹ dịu hiền, xinh đẹp của tôi về Thượng Hải được ba năm thì qua đời bởi bệnh ung thư phổi. Hồi ấy, bà tìm được một việc tạp dịch trong một đoàn ca múa của Thượng Hải, mua sắm trang phục, trông coi quần áo, mỹ phẩm, chuẩn bị bữa ăn đêm, quét nhà, có lần đỡ đẻ cho một diễn viên trên đường cùng đoàn đi biểu diễn ở địa phương, chị diễn viên này cùng chồng trình diễn tiểu phẩm vui, chị trong vai người phụ nữ mang bầu. Mẹ tôi rất mệt mỏi với công việc, nhưng trong đoàn có một anh kém mẹ tôi bốn tuổi rất yêu mẹ tôi, mẹ tôi cũng bị mối tình này mê hoặc, khôi phục vẻ đẹp chói lọi và sinh khí vốn có, cho đến ngày gia đình anh buộc anh phải bỏ mẹ tôi, ra Hồng Công sống với ông cậu. Mẹ tôi nhanh chóng lâm bệnh và sớm rời bỏ tôi. Tôi vẫn nhớ người mẹ khốn khổ của tôi nằm trên giường bệnh lén hút thuốc, hút hết điếu nọ đến điếu kia, vẻ mặt bà tỏ ra yên tĩnh, mệt mỏi, người bà tỏa mùi thơm kỳ lạ lẫn với mùi thuốc, bay qua giường, bay lên trần nhà, bay ra ngoài cửa sổ, đó là mùi vị của chết chóc.
Một tay mẹ tôi kẹp điếu thuốc, một tay nữa ôm tôi vào ngực, nhẹ nhàng vuốt tóc, vuốt tai tôi, bà nói con rất đẹp trai, rất giống bố con, cũng giống mẹ, con hãy gắng học thật giỏi, học thật thông minh, giữ mối liên hệ với bố con, có thể một lúc nào đó bố sẽ giúp con tìm một công việc thích hợp, con tìm một bạn gái ngoan ngoãn, sạch sẽ là được, không nhất thiết phải đẹp. Mẹ tôi cười ngây dại, rồi ho, mộng mị gọi tên người tình đã bỏ đi Hồng Công. Chỉ ít lâu sau mẹ tôi chết.
Người mẹ xinh đẹp, giàu tình cảm và dễ xúc động đã cho tôi vẻ đẹp và một linh hồn dễ nhạy cảm. Tôi chán ghét trong cái chán ghét của bà, tôi điên cuồng trong cái điên cuồng của bà, giống như một ngọn cỏ không siêu thoát.
Một dòng sông mắt thường không trông thấy, bay bay những sợi tơ, đốm lửa, hoa anh túc, tóc dài, xuyên suốt mạch máu ngang dọc tôi và người phụ nữ ấy. Có thể tôi sắp bị cuồng vui và tội lỗi dắt dẫn, cuốn theo dòng chảy của dòng sông số phận.
Mùa hè năm tôi thi vào được một trường đại học lớn, bà ngoại tôi qua đời, để lại cho tôi chiếc nhẫn và phần tài sản kha khá như để tỏ lời khen ngợi tôi đã đỗ đại học bước vào ngưỡng cửa vinh quang (Từ lâu tôi dã đổi họ Tôn, họ của bố tôi Tôn Đình Bang, thành họ ông ngoại tôi - Ôn). Bà qua đời, tôi cũng đến ngôi nhà cũ ở phố Hoài Hải, căn gác vẫn còn, chỉ có ký ức của hai người đàn bà đã chết giống như mạng nhện giăng mắc khắp nơi. Tôi cũng ít qua lại với các cô dì, cậu mợ có cái vẻ ưu việt và bất cần đời đặc trưng của kẻ không gặp thời, xa tất cả những cái đó như xa một vườn hoa tàn lụi, vườn hoa này quanh năm đầy những gỗ mục, lá rụng, tóc ướt, mùi long não cũ, mùi của quá khứ.
Tóm lại, đời sinh viên của tôi, Ôn Lượng, rất bình thản và ung dung, cho dù được xếp vào loại sinh viên giỏi (chuyên ngành xuất sắc, Anh ngữ và văn học thuộc loại khá), may mắn là kẻ mồ côi, hòa nhã, sống có nội tâm, lễ độ, rất được nữ sinh viên yêu mến.
Không phải vì tiền mà tôi tìm việc làm trong dịp nghỉ hè, nhưng tại sao tôi cũng không rõ, có thể vì nghỉ hè quá dài, vô vị, làm suy giảm trí lực chăng.
Tôi hút thuốc, mặc chiếc áo sơ-mi ngắn tay và quần bò đã bạc, đi vào cửa nhà ăn. Ở đó có tấm bảng dán đầy quảng cáo, không ít thông tin vừa học vừa làm, nhưng không có công ty máy tính nào mượn người trong thời gian ngắn. Tôi xem những tin tức thuê gia sư, trong đó có một tờ quảng cáo cần một sinh viên máy tính, tốt nhất trình độ từ năm thứ ba trở lên, dạy một học sinh mười ba tuổi vừa tốt nghiệp tiểu học, nếu cần xin liên hệ với trung tâm việc làm của Hội sinh viên.
Tôi vứt đầu mẩu thuốc, suy nghĩ, một học sinh tốt nghiệp tiểu học mười ba tuổi, vẫn chưa hết chất trẻ con, là một trong những đứa nhỏ học đòi thời thượng, mặc áo đen bó sát người, kính đen bé tẹo không ở trên sống mũi mà để tận trên đỉnh đầu, vểnh cái mông quần bó chặt chạy xe như bay ngoài phố ấy ư? Vừa nghĩ, vừa phát hiện ra mình đang đi về phía trung tâm dịch vụ.
Mọi thủ tục làm rất nhanh chóng, tôi nộp sáu mươi đồng lệ phí giới thiệu, cầm một tấm thẻ ghi rõ số điện thoại và địa chỉ gia chủ. Buổi tối, tôi gọi điện thoại từ trạm điện thoại công cộng trong trường.
Nhận điện là tiếng một cô gái, giọng thỏ thẻ, vừa nghe tôi giới thiệu liền đặt máy xuống, tai tôi cảm nhận được những rung động nhẹ nhàng. Bố, bố ơi, nhanh lên nghe điện, nhanh lên, tiếng cô bé gọi. Sau đó là tiềng một người đàn ông trung niên, giọng nói thận trọng và bình thản rất đặc trưng của một nhân viên công sở. Ông tên là Thư, bố đứa bé, cán bộ phòng nhân sự của một doanh nghiệp lớn, mẹ là diễn viên Việt kịch (Ca kịch Triết Giang, rất phổ biến ở vùng Thượng Hải, Triết Giang), hai người đều rất bận, ông nói.
Giọng nói và lời lẽ của tôi rõ ràng làm ông ta có cảm tình, thế là ông hẹn thời gian gặp tôi, dặn kỹ tuyến xe công cộng đến chỗ ông, giống như những người Thượng Hải khác, ông thuộc lòng những tuyến xe công cộng của thành phố.
Hôm sau tôi lên đường, mặc áo sơ-mi cộc tay vải bông kẻ, do dự về cái nhẫn mặc ngọc đeo trên tay, nhưng rồi vẫn quyết định đeo nó, cho dù cái nhẫn rất con gái. Tôi cảm thấy cái nhân thích hợp với tôihơn. Hơn nữa, cũng để chủ nhà thấy tôi không phải vì tùng tiền, theo đó có nhận thức đúng đắn về việc tôi đi làm gia sư (tôi chỉ muốn làm một việc gì có ích trong những tháng hè) hoặc ít nhất tôi cũng tạo được bầu không khí bình đẳng, tự do để bắt đầu công việc dạy học của tôi, tóm lại đừng coi gia sư này là xoàng để tùy ý can thiệp, sai khiến như vẫn thường thấy.
Xe buýt đưa tôi đến phố có ngôi nhà tầng của gia chủ. Tôi lên gác, đứng trước cửa, ấn chuông. Cửa mở, một cô gái, thực tình cũng bình thường thôi, một cô gái thanh tú đặc trưng phương nam, không cao lắm, nhưng dôi chân dài dưới tấm váy ngắn làm mọi người phải chú ý. Cô gái nheo mắt, nheo mắt chừng sáu bảy giây, một nụ cười nở trên môi, không nói gì, quay vào gọi bố, mẹ, thầy giáo đến. Tư thế trấn tĩnh, nhạy cảm, cảnh giác của cô gái tạo cho tôi ấn tượng như đã gặp ở đâu rồi, vì thế tôi hơi giật mình.
Phòng khách lát đá hoa cương, mấy chiếc sô-pha bọc vải kẻ chéo trông rất nền nã và rất Tây, trên tủ lạnh là một lọ hoa sen và hoa hồng bằng chất dẻo, máy điều hòa không khí ù ù chạy đưa hơi mát dễ chịu, một chiếc bàn ăn chiếm vị trí không nhỏ. Phải thừa nhận đây là một phòng khách bình thường không có gì đáng chê trách, Thượng Hải có vô số phòng khách tương tự.
Ông Thư tướng mạo không có gì nổi bật, đầu hơi hói, đeo kính, cái bụng hơi to. Bà Thư trông điều đà, mặc áo pull đen và quần ta màu nhạt, đúng là bà đã di truyền cặp chân dài cho con gái. Phòng khách treo hai tấm ảnh của bà, một tấm bà mặc trang phục cổ, một tấm nữa ngược lại, vẻ mặt bà trông nhu mì nhưng trễ nải, có thể gọi là gợi cảm, tình cảm giành giật của người phụ nữ trung niên nắm trong tay tôi tia hồi quang cuộc đời.
Ông Thư rót nước mát mời tôi trong cái cốc dùng một lần, rồi ngồi vào cái ghế tựa ở cách xa. Bà chủ ngồi bên tôi, nhìn tôi từ đầu đến chân, bà nhìn kỹ cái nhẫn mặt ngọc, ánh mắt tán thưởng, tỏ vẻ thân thiết. Sự thăm dò ấy khiến tôi không thoải mái.
Bà bắt đầu nói về cô con gái. Mấy mùa hè trước em nó học dương cầm và Anh ngữ, nhưng ham chơi, không kiên trì, cái gì cũng học một tị, mong rằng lần này em nó sẽ quyết tâm học được những hiểu biết về máy tính. Bà rất biết nói chuyện, giọng nói nhẹ nhàng, cứ như lông vũ quết ngang tai người nghe, tiếng phổ thông pha lẫn phương ngôn rất nặng.
Trong lúc bà nói chuyện, ông chồng im lặng, ngồi một góc cách xa, chốc chốc lại gãi lưng, uống nước, toàn thân một màu xám kỳ quái, áo sơ mi màu xám, quần màu tàn thuốc, đôi dép lê màu xám nhạt, các giác quan như dình khói xám (khói bếp hay là khói thuốc hút lén khi vợ vắng nhà), mảng đầu không có tóc giống như một sân bóng bỏ hoang, tàn tạ không hơi người.
Bà Thư cũng đã hiểu qua về tôi, thành tích học tập loại giỏi, mạnh khỏe, thích hợp với con trẻ. Tôi nhắc lại không tính thù lao là bao nhiêu chỉ cần công việc có ý nghĩa, làm vui lòng gia chủ. Ông Thư rất hoan nghênh thái độ đó của tôi, ông đồng ý trả thù lao mỗi giờ hai mươi đồng, con số tối thiểu để giữ được thể diện ở một mức nào đó, mỗi tuần hai buổi, mỗi buổi hai tiếng, vào tối thứ sáu và chủ nhật.
Trong lúc nói chuyện, cô bé vẫn ngồi một đầu sô-pha, trên tay cầm trò chơi điện tử, miệng nhai gì đó, chốc chốc lại nhìn về phía này. Tất nhiên, bà chỉ giới thiệu tên cô con gái cho tôi. Cái Thư Hân nhà tôi không đến nỗi ngu si, có thể thuộc loại thông minh, mong anh quản lý chặt nó. Rõ ràng cô đã nghe thấy, bĩu môi, mắt chớp chớp, rồi theo yêu cầu của mẹ, cô bỏ cái máy tính đồ chơi xuống, đi đến chỗ tôi. Em chào thầy. Chào em, tôi cười.
Cái vẻ lơ đễnh trẻ con, cặp mắt long lanh và nụ cười pha chút hài hước, khiến có cảm giác cô bé này không phải là thứ búp bê trống rỗng. Thông minh, có thể định hướng.
Thư Hân ngồi lắc lư trước bàn phím, rất hay gõ nhầm chữ. Ông bố đã có lần hỏi tôi, cháu nó có cần học gõ bàn phím không, học cho biết các vị trí của các con chữ. Tôi rất khách sáo nói khỏi cần, ngoại trừ ông muốn sau này Hân trở thành nhân viên đánh máy chuyên nghiệp. Từ đấy về sau tôi không bị những đề nghị đại loại như thế quấy rầy. Tôi tìm cho Hân một cuốn sách nhập môn máy tính, không dùng đến những tài liệu gia đình chuẩn bị. Tôi còn vạch ra một chương trình, tiết thứ nhất: cấu tạo cơ bản của bàn phím; tiết thứ hai: những hiểu biết cơ bản về phần mềm; tiết thứ ba: sơ qua về chương trình DOS; tiết thứ tư: khởi động DOS và cách sử dụng bàn phím...
Cô bé Hân dán chương trình này len tường, hỏi tôi có thể linh hoạt không, ví dụ có lúc muốn chơi. Hân cười, thưa thầy, thầy không mách bố em chứ ạ? Tôi lắc đầu, từ thuở bé tôi rất ghét ai thưa với thầy giáo, tôi nói.
Thế thì hay lắm, Hân nghiêng đầu. Thầy bao nhiêu tuổi rồi ạ? Nó đột ngột hỏi. Hai mươi mốt. Tôi trả lời rất thật. Hình như cô bé gật gật đầu, tôi đoán nó đang làm phép trừ, hai người chênh nhau tám tuổi. Thuở bé chắc là thấy hay nghịch lắm nhỉ, đi học có hay nghỉ vặt không? Nó hỏi rất thẳng thắn, vậy mà thầy thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng.
Tôi cười, tôi không mách đâu, nhưng em phải học thật nghiêm túc, tôi có thể cài một vài trò chơi vào máy tính.
Ôi! Nó đưa một tay để ngay dưới mũi tôi, thầy với em ngoắc tay nào, đúng thế nhé!
Mười lắm phút nghỉ giữa buổi chúng tôi ăn bánh ngọt, trái cây, có lúc ông Thư làm món gì đó rất ngon, ví dụ bánh tôm bóc nõn, chè đỗ xanh.
Hôm nào bà Thư không phải biểu diễn hoặc tập vở, bà ngồi ở sô-pha sửa móng tay, lật giở những trang tạp chí thời trang. Máy thu hình mở rất bé, trên truyền hình nếu chiếu phim gì đó, thể nào bà cũng khe khẽ hát theo, tay áo cuộn lên như con rắn, trông hoa cả mắt, "tĩnh lặng như cung hằng nga, thê lương, lạnh lùng...". Thời trẻ, bà ngoại tôi cũng rất thích ca kịch tây, về già lại càng thích các môn nghệ thuật quốc hồn, quốc túy. Bà Thư hình như rất thích tôi làm một người bình phẩm nhiệt tình, thỉnh thoảng tôi làm ra vẻ công bằng khen vài câu. Mỗi lần như thế, bé Hân lại vểnh tai, liếc nhìn.
Một lần, tôi chào bà để về phòng của Hân, Hân nháy mắt tỏ ra không bằng lòng với tôi, nó đang định nói gì thì nhó ra cửa vẫn mở, vội đứng dậy đóng cửa.
Thầy thích mẹ em rồi à? Nó hỏi.
Tôi giật mình, hỏi lại, thích mẹ em?
Hân xua xua tay, thôi, thôi, em nói đùa đấy, mẹ em già rồi, thầy đâu thích.
Tôi không nói gì, nghĩ đằng sau câu nói ấy có màu sắc tình cảm, là ám hiệu tâm lý nào đó.
Tôi lật giở trang thứ 58, bỗng phát hiện cô bé không chú ý nhìn vào trang sách. Muốn chơi một lúc chứ gì? Tôi hỏi.
Ứ, không thèm! Cô bé đứng dậy, đến bên giá sách. Nói là giá sách, đúng hơn là giá để thức ăn. Trên giá ngoài một vài cuốn tạp chí nhi đồng, tranh liên hoàn, vở làm bài tập ở nhà, còn nữa là thức ăn, kẹo socola, bánh pudding, bánh quy, cả lạc rang, kẹo sữa, bỏng ngô... Đúng là một cô bé tham ăn (nhưng răng trắng như ngọc, cô bé thích xem quảng cáo kem đánh răng Colgate "sáng khoái, mát lạnh, lượng tiêu thụ hàng đầu"), nhưng ở độ tuổi này vẫn chưa phải lo giảm béo.
Hân lấy ra một hộp cocola hạnh nhân, rồi ôm vào lòng chú gấu nâu ở đầu giường, chú gấu bà mẹ mua hồi đi biểu diễn ở Ôxtrâylia, rất tự nhiên gác một chân lên ghế của tôi, đá đưa. Tôi cảm thấy dưới chỗ ngồi của tôi đang động đậy, trong lòng không biết cái cô bé này đang nghĩ gì đây, đôi mắt có hàng mi dài che rợp nhìn tôi, một anh chàng nào đây? Tôi ngồi, vô tình lấy tay phải xoay xoay cái nhẫn trên ngón tay trái, trong giây lát tôi cảm thấy mình như một con nhện rơi vào tấm lưới lạ. Trẻ con bây giờ hiểu biết sớm lắm, lại thông minh nữa.
Hân đưa cho tôi cái kẹo, tôi lắc đầu, cô bé quan sát vẻ mặt tôi, rồi đậy nắp hộp kẹo lại. Từ nay em không dám nói đùa với thầy nữa, Hân nói khẽ.
Tôi ho lên một tiếng, thôi nhé, bây giờ vào học.
Điên Cuồng Như Vệ Tuệ Điên Cuồng Như Vệ Tuệ - Vệ Tuệ Điên Cuồng Như Vệ Tuệ