Some books are to be tasted, others to be swallowed, and some few to be chewed and digested.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: Dave Barry
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Big Trouble
Dịch giả: Việt An
Biên tập: Việt An
Upload bìa: Lin Hal
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2022-04-16 15:18:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
úc người đàn ông đó bước vào tiệm Jolly Jackal, Puggy đang ngồi ở quầy bar xem buổi phát lại của Jerry Springer Show trên TV. Đề tài là về chuyện các ông chồng muốn vợ mình cạo quách mớ lông mép của mấy bả đi. Các bà vợ giãy đông đổng, họ bảo rằng mớ lông ấy là quà tặng của thiên nhiên. Phe chồng bảo: OK, công nhận nó là quà tặng của thiên nhiên, nhưng nó vẫn xấu bỏ mẹ. Phe vợ phản đòn: bảo nếu các ông muốn thấy cái gì xấu bỏ mẹ thì cứ nhìn vào gương ấy – để thấy rằng Brad Pitt không lo bị họ truất ngôi. Không ai ở bất kì phe nào trong cuộc đàm luận này nặng dưới tạ mốt. Đến lúc đó vẫn chưa có gì xảy ra, nhưng nhìn cách Jerry Springer lẩn như chạch từ diễn đàn xuống hàng ghế khán giả, Puggy biết xíu nữa có đánh lộn chắc.
Người đàn ông vừa bước vào Jolly Jackal xách theo một cặp táp, nên Puggy đoán hắn sẽ vòng ra sau quầy để nói chuyện với gã râu rậm, John. Bọn mang cặp táp lúc nào cũng làm vậy.
Puggy nào phải một trạng nguyên, nhưng nó cũng thấy lờ mờ Jolly Jackal không phải một quán bar bình thường. Ít khách quá: Khách sộp nhất – xét trên phương diện tiêu thụ bia – là Puggy, người không trả tiền. Hoạt động thực sự của Jolly Jackal, Puggy để ý, diễn ra ở sau quầy chỗ cái bàn mà John ngồi. Vài lần trong ngày, một gã, có khi hai ba gã sẽ ghé đến bổn tiệm để bàn bạc gì đó với John. Rồi cứ dăm ba bữa, Leo bán bar lại ngoắc Puggy xuống gian phòng được khóa cùng những cái thùng. Hai đứa lại è cổ lúc khuân lúc đẩy, lúc một thùng lúc hai thùng, lúc vô lúc ra khỏi con Mẹc, đôi khi là một chiếc tải nhỏ, có lần là nguyên con U-Haul.
Puggy vẫn mù tịt về những thứ có trong thùng. Nếu buộc phải đoán, nó sẽ nói đó là ma túy, dù đó hơi nặng để là ma túy. Với nó thì miễn ngày ngày còn được coi TV và uống bia chùa là quá đủ, hơi sức đâu lo đến mấy cái thùng đựng gì, hay John và Leo là ai chi cho mệt.
Sự thật thì John và Leo – tên cúng cơm là Ivan Chukov và Leonid Yunanski – là người Nga. Hai đứa hạnh ngộ nhau vào năm 1986, khi cùng phục vụ như những kỹ thuật viên bảo trì trong một đơn vị quân đội Xô Viết. Phần sự của đơn vị này là bảo vệ và phòng thủ - tức chiếm đóng và, nếu cần thiết, san bằng luôn – Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết Grzkjjistan.
Đó chẳng một công việc trong mơ. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết Grzkjjistan là một quốc gia hẻo lánh, khắc nghiệt, núi non trùng trùng, đậm tính bộ lạc, nơi nền móng của kinh tế được đặt trên việc phục thù, rửa hận. Dân Grkjjistan dành trọn quãng đời người lớn của mình cho việc lên ý tưởng và thực hiện những biện pháp tinh vi để giết và phanh thây đồng bào mình vì những mối thâm thù, nợ máu kéo dài hàng thế kỷ, phần nhiều có liên quan đến những con dê.
Thành phần duy nhất dân Grzkjstanis ghét hơn đồng bào mình là bọn người ngoài, nên cố nhiên binh sĩ Nga ở đây cũng được dân mến dân yêu như nấm ngoài da vậy. Tình anh em giữa hai quốc gia đã chính thức bị nghiêm cấm, song thỉnh thoảng lại có những đồng chí nảy sinh ý định mèo mỡ với các phụ nữ Grzkjistani. Chuyện này đòi hỏi một sự hứng tình ở cấp độ vô cực, bởi sau hàng thế kỷ giao phối cận huyết, thì một người Grzkjistani trung bình khá, xét mức độ hấp dẫn về mặt thể lý, cũng ngang với một con dê Grzkjistani trung bình khá.
Song le, những giao lưu quân dân kiểu ấy thi thoảng vẫn xảy ra. Và một khi chúng bại lộ, mà lộ chắc chứ chạy gì khỏi, quân đội đã có được bài học là phải lo tống gấp chiến sĩ có liên quan ra khỏi đất nước này, nếu không muốn tìm thấy đương sự bị trói gô vào một tảng đá, người một nơi dương vật một nẻo.
Vậy nên đại đa số chiến sĩ nhận trọng trách bảo vệ Cộng Hòa Grzkjinistan đã chọn cách phụng sự khôn ngoan, là ở yên trong trại và uống như hũ chìm, khỏi lo hi sinh lãng. Thiên thời địa lợi nhân hòa, Ivan và Leonard có tất. Bởi là thợ bảo trì, chúng được quyền tiếp cận những thùng kim loại tổ bố đựng các dung môi và chất lỏng mà nếu dùng theo đường uống, có thể gây nên hưng phấn trong não người. Cũng hên xui, một số chất có thể khiến hệ thần kinh trung ương tắt điện luôn; nên bí quyết là phải am hiểu thứ gì an toàn để cho vào, và đong liều lượng ra sao. Tay nghề của Ivan và Leonid trong mảng bảo trì này sớm đạt đến mức lão luyện, và chúng gầy dựng được một đại ly nhỏ khấm khá, cung cấp nước giải khát đã qua chế biến cho các đồng chí của mình để đổi lấy tiền, thuốc lá, băng video Debbie Does Dallas, vân vân. Ivan là bộ não, với tài tổ chức và thương lượng; Leonid là cơ bắp, với tài giữ cho khách hàng trật tự, táng vỡ đầu các thượng đế lộn xộn. Vào giai đoạn phát đạt của đại lý, có lời rỉ tai là nếu đồng chí cần thứ gì đó – không chỉ nước giải khát thôi đâu – thì Ivan và Leonard là những người mà đồng chí cần gặp.
Vào một ngày của năm 1989, một người đàn ông lặn lội từ Mạc Tư Khoa đến để hội kiến Ivan và Leonid. Y diện bộ đồ may đo rất kẻng, và tự giới thiệu mình là một thương gia, Ivan và Leonard hiểu điều đó có nghĩa y là một tội phạm. Người đàn ông đề nghị một áp phe ngon lành: y sẵn sàng giao đô la Mỹ bằng tiền mặt cho Ivan và Leonid, đổi lại y muốn những khẩu súng máy – mặt hàng lúc bấy giờ chưa có trong kho của Ivan và Leonid.
Song hùng Ivan và Leonid từ ấy tiến lên một nấc thang mới, từ bọn buôn rượu lậu trở thành những thương gia khí giới. Thời cơ mới chín muồi làm sao: Liên Xô đang đến hồi cáo chung, và Mạc Tư Khoa nội lo miệng ăn núi lở cũng đủ điên, lấy đâu ra trả lương cho những binh đoàn xa lắc xa lơ của nó. Ở những tiền đồn khỉ ho cò gáy như Grzkjistan thì kỷ luật và đạo đức, miễn bàn đến kiểm kê quân kho, là những thứ gần như không hiện hữu. Ivan và Leonid biết tỏng chỉ cần xòe đô Mỹ ra là tha hồ đi chợ quân đội phủ phê. Súng máy hả? Mại zô, mại zô! Xe tăng ư? Dạ mời đồng chí lựa!
Ivan và Leonid tỏ rõ thiên khiếu trong việc mua bán tài sản quân đội, và sự nghiệp mới của hai đứa thăng tiến như rồng. Khi đã hết thời hạn phục vụ tổ quốc, chúng rời quân đội, song vẫn duy trì được mạng lưới liên lạc trải khắp khu phức hợp quân sự Xô Viết rộng lớn và đang chìm vào hỗn loạn. Chúng mở rộng biên độ khách hàng, vài phen du hành ra hải ngoại, và chẳng mấy chốc đã bắt tay làm ăn với các chính phủ ngoại quốc, bọn khủng bố, những nhà cách mệnh, các tổ chức bán quân sự, những thủ lĩnh tôn giáo, và tụi điên khùng chập cheng ở khắp nơi trên thế giới, Idaho chẳng hạn.
Trong thị trường buôn bán vũ khí quốc tế, Ivan và Leonid đã gầy dựng được tiếng tăm nhờ vào sự linh động và chăm sóc khách hàng tốt. Không như mấy thằng đối thủ to đầu hơn trong ngành buôn khí giới, đặc biệt là thằng Mỹ, Ivan và Leonid không rầy rà bạn với đủ thứ thủ tục hành chính quan liêu. Chúng không quản ngại đường xa để săn được những món đồ độc. Lấy ví dụ, khi một tổ chức Marxist người Jamaica có tên Mặt Trận Thống Nhất Nhân Dân, đề nghị đổi một lượng lớn cần sa thượng hạng để lấy một tàu ngầm chiến đấu: Ivan đã tài tình môi giới cho một áp phe hết sức nhì nhằng, bao gồm – ngoài hải quân Xô Viết – chính phủ Paraguay, một băng đảng đường phố ở Chicago có tên Cruds, và Nhà Thờ Khoa Học Giáo. Cú áp phe hoàn tất vào sáu tháng sau, trong ngày bàn giao chiếc tàu ngầm bán-cải-tạo của Nga hồi Đệ Nhị Thế Chiến, chiếc Vrmsk. Mặt Trận Thống Nhất Nhân Dân đổi tên nó thành Sư Tử Biển Kiêu Hùng. Tưởng sao, nhiệt tình cách mạng của Mặt Trận Thống Nhất Nhân Dân vượt quá xa kỹ năng hàng hải của nó. Và Sư Tử Biển Kiêu Hùng, trong cú lặn để thực hiện nhiệm vụ cách mạng đầu tiên của nó – một cuộc tấn công ngoài Cảng Kingston nhắm vào chiếc du thuyền Goofy tráng lệ mới coóng của Disney – đã chìm nghỉm như một cái đe. Sự cố đáng tiếc này, tuy vậy không ảnh hưởng đến uy tín của Ivan và Leonid. Tụi nó là dân buôn bán mà, đâu phải huấn luyện viên.
Vào cuối những năm 90, ngó màu kinh tế Nga đang trên đà xuống hố cả nút, Ivan và Leonid quyết định chuyển cơ sở của chúng ra nước ngoài, và Nam Florida là nơi chúng chọn để an cư lạc nghiệp. Chúng đã ghé qua nơi này vào đợt áp phe tàu ngầm, và rất ưng khí hậu ấm áp ở đây. Chúng càng ưng hải cảng và sân bay hơn, những nơi tỏ ra rất niềm nở với các thương nhân quốc tế. Nếu biết làm ăn với đúng người, bạn có thể tuồn qua bất kể thứ gì, nguyên bầy nô lệ cũng còn được. Súng ống nhập dễ như kẹo. Ivan và Leonid bao giờ cũng trót lọt qua ải an ninh sân bay, cười thầm nhìn đám nhân viên cau có khoác áo nỉ cộc lệch căng mắt săm soi mấy chiếc laptop Toshiba của bọn kế toán viên. Trong khi dưới đó vài bước thôi, tại đường hầm vận chuyển hàng hóa, những thùng đựng vũ khí đủ để xóa xổ một cao ốc đang băng qua rẹt rẹt như ngỗng ỉa.
Vậy là Ivan và Leonid, nay tự xưng là John và Leo, trở thành chủ sở hữu của quán bar Jolly Jackal. Hai đứa thấy cũng hay hay, khi một lần nữa góp mặt vào lĩnh vực pha chế nước giải khát. Và quán bar đúng là bình phong lý tưởng cho việc làm ăn thực sự của chúng: Những con người tình cờ đến và đi trong mọi giờ, và chẳng có mống sai nha nào thò mặt đến xách nhiễu, miễn John và Leo còn chung chi đủ cho bọn thanh tra đô thị các loại. Phiền toái duy nhất của việc sở hữu một quán bar, là thi thoảng lại có người ghé vào và thực lòng muốn kêu đồ uống. Song Leo đã khéo léo khống chế điều đó ở mức tối thiếu, bằng sự kết hợp giữa phục vụ tồi và lâu lâu xách chày đập đầu khách quen.
Miami hóa ra là đất canh tác màu mỡ: Hình như nam phụ lão ấu ở đây ai cũng đều cần thứ gì đó nổ được. Bọn đồ tể của các tập đoàn ma túy, muốn những khẩu súng nã một phút ngàn phát để khỏa lấp trình độ bắn ba trật bốn vuột của mình. Tụi cô hồn các đãng, muốn có súng để hù dọa thường dân; và những thường dân, cố chạy đua vũ trang với cô hồn các đãng. Và những gã thợ săn mà nếu nhìn vào những khẩu súng trường họ mua, sẽ tưởng như họ đang đi săn mấy con nai trong xe bọc thép. Rồi đến các “nhà sưu tập” và các “fan cuồng”, sống trong những căn nhà lưu động ba nghìn đô treo đầy những khẩu súng phóng lựu bảy nghìn đô. Và một sớ dài dằng dặc những nhân vật mờ ám đại diện cho tá lả thiên tinh các phong trào, nào cách mạng, nào phản cách mạng, nào phản-phản cách mạng, nào phản-phản-phản cách mạng rải cùng khắp vùng Car-ri-bê, Trung và Nam Mỹ, tụi này lúc nào cũng đòi mua súng chịu.
Song khách hàng lớn nhất của bọn chúng, cho tới nay, là một công ty địa phương luôn đặt hàng những vũ khí hạng nặng, đắt đỏ, kiểu vũ khí mà quân đội thật sử dụng trong những cuộc chiến thật. John và Leo không đoán nổi vì lẽ gì lại có người ở Miami cần nhiều hỏa lực tới vậy, mà chúng cũng chẳng quan tâm. Điều quan trọng là, khi chúng thu thập được một vũ khí hạng nặng, công ty này sẽ lập tức mua nó, bằng tiền mặt, khỏi kỳ kèo.
Người giao tiền mặt chính là gã xách cặp táp vừa bước vào Jolly Jackal, khi Puggy đang theo dõi các cặp vợ chồng kình lộn về chuyện ria mép trên Jerry Springer Show. Leo, đứng bên máy tính tiền, khẽ gật đầu khi gã bước qua. John đứng dậy từ bàn, nhỏ nhẹ chào hỏi ông khách bằng tên.
“Chào ông Herk,” hắn nói.
Đó quả thực là Arthur Herk, tên chồng vũ phu, kẻ biển thủ, và chủ sở hữu hợp pháp cái cây của Puggy. Chủ của Arthur, Penultimate, Inc., nhà thầu của những công trình kém chất lượng, chính là khách sộp địa phương của John và Leo. Lí do mà Penultimate sắm sửa vũ khí – thực ra toàn bộ lí do Penultimate tồn tại ngay từ đầu – đó là thôn tính Cuba một khi Fidel đứt bóng. Có cơ man các tổ chức ở Nam Florida, chưa nói tới Cuba, đang mài gươm mài giáo chờ ngày đó. Một điều bạn có thể quả quyết về Cuba thời hậu Castro: quốc gia này không sợ thiếu người lãnh đạo.
Arthur là người xách giỏ của Penultimate. Phần sự điều hành viên cấp trung của lão đại khái chỉ có thế: đi giao tiền hối lộ và những khoản chi phi pháp khác. Lão đã thi hành nó suôn sẻ cho đến vài tháng trước, khi số nợ bài bạc vượt quá tầm kiểm soát. Một ngày lão ra về giờ làm và thấy hai thằng cô hồn chực sẵn trong bãi đỗ xe. Chúng thông báo nếu nội trong 24 giờ tới lão không xoay đủ số tiền cần thiết, chúng buộc lòng phải cắt một ngón tay của lão mà không dùng đến thuốc gây tê. Hai thằng xốc nách Arthur ra sau ô tô của chúng, mở cốp và bắt lão nhìn vào. Trên sàn cốp xe là một cây kéo chuyên dụng để tỉa cây. Arthur té đái.
Bí quá làm liều, Arthur xén bớt tiền hối lộ, một khoản vừa đủ để giữ mười ngón tay của lão nguyên vẹn qua hết tuần sau. Lão hi vọng, niềm hi vọng hão huyền của những tay ăn hại, rằng bằng cách nào đó tiền sẽ không bị thâm hụt, mà nếu có họ sẽ nghi cho thằng khác. Cố nhiên tiền phải bị thâm hụt chớ sao không. Cấp trên của Arthur không hé răng với lão nửa lời; họ không muốn lão hết hồn mà chạy đi khóc kể với cảnh sát. Họ để lão tiếp tục đi giao tiền hối lộ, và không kèn không trống rước cặp Henry-Leonard từ New jersey đến xử lí tình hình. Tinh thần là dàn xếp vụ này sao cho nhìn như màn đâm chém của tụi cờ bạc, Penultimate vô can.
Khi chiếc TV 35 inch của Arthur bị ám sát, lão biết chính mình mới là nạn nhân mục tiêu, và dù kẻ bắn là ai thì nó cũng được thuê bởi, còn ai trồng khoai đất này, Pennultimate. Duy trong đêm đó khi Arthur bước vào tiệm Jolly Jackal, John và Leo chẳng mảy may hay biết chuyện này. Với chúng Arthur là cầu nối với một khách hàng sộp, nên tội gì chúng không xã giao chút đỉnh với lão, dù cũng như bao người có dịp tiếp xúc với Arthur, chúng biết lão là một thằng chó đẻ.
“Ông anh muốn gì đó thấm giọng chứ?” John hỏi.
“Vodka,” Arthur nói, lão là người luôn muốn gì đó thấm giọng.
John nói gì đó bằng tiếng Nga với Leo, kẻ đang chìa ra một ly vodka. Arthur chụp vội như sợ ai giành mất, làm hơi hết sạch, đặt ly xuống rồi nhoài người về phía John. Mắt lão vằn đỏ, giọng lão khàn khàn bắt ghê.
“Nói trên phôn rồi,” lão bảo, “tao cần một quả tên lửa.”
“Hiểu,” John nói. “Cái này ông mua cho ông đúng không? Tên lửa dùng riêng?”
“Mày quan tâm làm cóc khô gì?” Arthur nói.
Lão có lý. John đâu rảnh. Hắn chỉ tò mò bởi trước giờ chưa thấy Arthur đề cập đến, sức mấy mà đi nhận lãnh bất cứ loại khí giới gì. Lão chỉ làm độc nhất chuyện giao tiền.
“Bắt buộc phải là tên lửa ư?” John hỏi.
“Bộ có vấn đề gì sao?” Arthur hỏi.
“Xui rồi,” John nói, “hiện giờ bọn tôi không có tên lửa. Tên lửa khó kiếm lắm.” Đó là sự thật. Mặt hàng tên lửa rất khan hiếm; không biết giang hồ nào đã vét sạch chúng. Nghe đồn đó là bọn Iraq hoặc bọn Microsoft.
“Ày,” Arthur nói, “Khó sao tao không cần biết, mau mau quác đít lên, kiếm quỹ khí gì đó cho tao đi.” Arthur giễu giọng John, đọc “v” thành “qu”.
Nghe câu móc mỉa, John toan gọi thằng Leo hộ tống lão Arthur ra ngoài. Nhưng John là một thương gia, và khách thì cũng có người này người kia.
“Ông muốn sử dụng vũ khí này thế nào?” hắn hỏi.
“Đừng van tâm tao sử dụng quỹ khí này thế nào,” Arthur tiếp tục nhây. “Lo mà kiếm quỹ khí gì thật chiến cho tao.”
Arthur đâu định sử dụng vũ khí như một vũ khí. Lão biết đách gì về vũ khí chứ. Lí do duy nhất lão muốn có hàng nóng là vì sau rất nhiều cân nhắc, kế hoạch mà lão vạch ra để bảo toàn tính mạng là: diện kiến FBI và khai tất tần tật những gì lão biết về Penultimate – các hợp đồng, những khoản đút lót, quán bar Jolly Jackal và bất cứ chuyện trên trời dưới biển nào lão nghĩ ra hay vẽ vời ra được. Với thần trí suy nhược vì alcohol, lão đã nghĩ ra diệu kế để thuyết phục FBI là trình diện với một quả hỏa tiễn Nga chính hiệu.
“Ông định trả bao nhiêu?” John hỏi.
Lão ẩy cái cặp trên bàn về phía hắn. “Mười thiên,” lão nói. “Cứ đếm đi.” Arthur đã tự mình kiểm tra số tiền trong va-li từ trước. Vào lúc ấy tổng cộng nó là 15.000$, được sắp thành những cọc 20$, Arthur xén 5000$ làm của riêng – với 500$ nhét bóp và phần còn lại cho vào túi quần. Lão đã được lệnh đi giao 15.000$ này từ hai ngày trước cho một nghị sĩ Hạt Dade. Nghị sĩ này sau đó sẽ bỏ lá phiếu tối hậu để thưởng cho Penultimate một gói thầu xây dựng mười bốn nhà chờ xe buýt, để rồi từng cái một sau đó, với đủ lí do trời ơi đất hỡi, sẽ tốn của bà con đóng thuế Hạt Dade khoản tiền tương đương một cư xá sang trọng hai phòng ngủ ở Key Biscayne.
John mở cặp, nhìn sơ qua bên trong rồi đậy nắp lại. Hắn nhìn cái cặp và trù tính. Một mặt, áp phe này thối hoắc. Thằng cóc cắn này đâu đáng ngồi chung bàn làm ăn với hắn, mất giá quá. Nhưng tiền mặt là tiền mặt. Và nếu thằng ngu này cóc cần biết nó đang mua gì, John nhìn thấy một phương án để vừa kiếm được một số tiền vừa phải, vừa tháo gỡ được một vấn đề đang làm hắn ưu tư.
“OK,” hắn nói. “Có lẽ tôi có một thứ cho ông.”
Hắn dẫn Arthur đi xuôi theo hành lang đến gian phòng ở nhà sau, mở khóa cửa và bước vào. Hắn tiến đến góc phòng, nắm lấy quai của một thứ trông như một chiếc va-li công nghệ cao, to hơn chút đỉnh so với loại có bánh lăn thông thường, và được đúc bằng một thứ kim khí màu xám bạc. Hắn kéo lê nó ra cửa, đặt nằm xuống, mở bốn lớp khóa lớn, đoạn giở nắp lên. Bên trong va-li là một miếng đệm bằng bọt biển; bên trong miếng đệm là một hộp kim loại đen có ghi tiếng nước ngoài, cùng một dãy công tắc điện. Kế bên nó, nối kết với cái hộp bởi những sợi cáp điện là một vật hình ống bằng thép. Nhìn hao hao cái máy xay rác nhà bếp.
“Cái đồ thiên lôi gì đây?” Arthur ngơ ngác hỏi.
“Bom đấy,” John đáp.
“Nhìn khác mẹ gì cái máy xay rác đâu!” Arthur nói.
“Bom mà,” John nói.
“Nó hoạt động ra sao?” Arthur hỏi.
“Như hướng dẫn sử dụng,” John chỉ vào dòng chữ ngoại quốc.
“Bỡn tao hả mày?” Arthur nói.
“Đâu có,” John nói.
“Làm sao tao biết đây là bom?” Arthur lườm hắn. “Làm sao tao biết mình không tốn mười thiên để tha về một cái máy xay rác?”
“Cứ nhìn đi,” John trả lời tỉnh khô.
Với sự thôi thúc của căn tính giống đực, Arthur cúi xuống và nhíu mày nghiên cứu thứ trong va-li. Y bong cái kiểu các đấng mày râu nhíu mày nghiên cứu các thiết bị gia dụng, đường ống nước, động cơ ô tô, và các thứ máy móc kia nọ lọ chai mà họ chả biết ất giáp gì. Sau một hồi trầm ngâm nghiên cứu, như thể đã nhìn thấy gì đó giải đáp được mọi thắc mắc nam tính của mình, lão đứng thẳng dậy và nói, “Ngon.”
John gật đầu kính cẩn. Hắn đóng va-li, khóa lại rồi sai Puggy xách nó ra xe của Arthur.
John như mở cờ trong bụng. Năm thưở mười thì, hắn và Leo lại tàng trữ ở nhà sau những con hàng cực kì nguy hiểm. Không nhiều thứ trong số đó khiến hắn bận tâm, song thứ này thì khác. Nó là thứ đầu tiên bọn hắn tha về khiến hắn ăn không ngon ngủ không yên. Hắn mừng hết biết khi tống được của nợ đó đi.
7:45 TỐI, Matt đang xớ rớ bên ngoài quán Gap, thuộc khu mua sắm CocoWalk trung tâm Coconut Grove, chờ Jenny lộ diện để nó có thể hạ sát cô. Andrew, người làm chứng, đang ở bên kia đường chỗ quán Johny Rockets, chờ mua sinh tố. Niềm phấn khích sắp được gặp Jenny khiến nó quên bẵng cái bụng lép kẹp.
Nhằm tránh những ánh mắt soi mói ở khu mua sắm ngoài trời nhộn nhịp này, Matt để khẩu súng trường Squirtmaster Model 9000 ở nhà và giắt theo cây súng ngắn JetBlast Junior. Dung tích và phạm vi phun nước dĩ nhiên không thể so sánh, nhưng xong việc là tốt rồi. Phiền cái là cứ chốc chốc, Matt lại phải rút hé khẩu súng từ túi quần ra coi nó có bị rỉ nước không, xui sao nhìn như mới tè ra quần là nhục mặt.
Matt nào biết, nhất cử nhất động của nó đang bị theo sát bởi một gã hói thấp lùn vạm vỡ đang ngồi trên nó một bậc thềm, tại một quán bar ngoài trời có tên Thứ Ba Béo. Một quán chuyên phục vụ các món giải khát có cồn nhão nhoét, xanh xanh đỏ đỏ rót từ mấy bình nhựa trong suốt có dán nhãn sắp hàng hàng, mỗi cái nhãn là mỗi cái tên dở hơi lẩm cẩm, tỉ dụ: You Gotta Colada. Tên gã hói là Jack Pendick - một nhân viên bán hàng ở Sunglass Hut vừa bị đuổi việc ngay chiều hôm đó, sau khi nhiều khách nữ phàn nàn bị một nam nhân viên nhìn chòng chọc vào cổ áo họ, lúc họ đang cúi xuống để xem hàng trưng bày.
Đằng nào Jack cũng đâu chí thú gì với trò bán buôn manh mún này. Hắn đeo đuổi ước mơ về một sự nghiệp huy hoàng trong ngành hành pháp. Hai lần hắn nộp hồ sơ xin việc tới sở cảnh sát Hạt Metro, hai lần đều bị trả hồ sơ, bởi hạng mục tâm lý trong giấy tờ của hắn ghi rõ: hắn, nói theo lối chân phương, là một thằng đần. Song ý định trở thành dũng sĩ trừ gian chưa lúc nào thôi cháy bỏng trong hắn, và rồi, khi đang rột rột thanh toán chút dư tàn của ly nước thứ ba, một ly cocktail xanh lá óng ánh có tên Melter Thần Lửa, sự chú ý của gã, như một tia la-de – rọi thẳng vào một thanh niên khả nghi bên dưới.
Jack đã cày nát các chương trình thực tế về cảnh sát trên TV, và hắn tin mình có giác quan thứ sáu khi một tội ác sắp sửa xảy đến. Giác quan đó giờ đang ngứa ran. Thằng mãnh dưới kia nom đáng nghi tợn, và nó cứ thậm thà thậm thụt kiểm tra cái gì đó trong túi quần, một thứ mà Jack, bằng sự tập trung tối đa, đã kết luận đó là – đó, mới nói tức thì! – một khẩu súng.
Thằng này đang tính chơi lớn. Jack biết điều đó.
Và Jack lại nghe khúc nhạc ấy âm vang trong tâm trí mình. Khúc tráng ca công lý của hắn; lần đầu hắn nghe nó là ở tập đỉnh nhất của chương trình đỉnh nhất mọi thời đại, Chuyên Án Miami. Lúc này đấy hắn đang nghe rõ mồn một, giọng mũi của Phil Collins:
Kìa nó đang đến trong bầu trời đêm nay
Chúa ôi...
Và Jack, dõi theo kẻ hung đồ với bàn tay sắp sửa vấy máu kia, cũng thấy nó đang đến – cơ hội của hắn, có thế chứ. Cơ hội để đạp sóng rẽ gió; để chứng minh hắn không phải đồ bỏ đi; để trở thành anh hùng, để cho cả thế giới thấy – nhất là thằng quản lý ở Sunglass thấy – hắn là một đấng đại trượng phu đỉnh thiên lập địa cỡ nào. Tay phải hắn thọc vào túi quần, cảm thấy vững dạ bởi cái độ cứng trơn trơn, lành lạnh của khẩu súng lục hắn tậu vào tuần trước trên show Coconut Grove Súng và Dao. Tay trái hắn ngoắc cô hầu bàn, thêm một Melter Thần Lửa nữa em ơi!
CÁCH ĐÓ CHÍN khối nhà, Henry và Leonard đang ngồi trong chiếc ô tô thuê, trên đường phố tối hù cách cửa quán Jolly Jackal khoảng cách vài làn xe. Chúng đã theo đuôi Arthur đến tận đây và đang đợi lão chường mặt ra để theo đuôi tiếp. Radio trên xe đang phát bình luận thể thao. Tay dẫn chương trình đang nói liến thoắng.
Anh em Cá Sấu Mỹ đâu hết rồi ta? Cá Sấu Mỹ mà THẮNG là anh em gọi muốn cháy máy. Bữa nay THUA, anh em lại hỏng có gan.
“Cá Sấu Mỹ là mốc xì gì vậy?” Leonard hỏi.
“Banh bầu dục,” Henry đáp. “Bọn đại học ấy mà.”
“Rảnh!” Leonard bĩu môi, hắn không hình dung được chuyện khơi khơi đi húc nhau cho sứt càng gãy gọng, phải té vàng té bạc gì thì cũng ráng.
Thằng dẫn chương trình nhận một cú phôn.
Tôi fan Cá Sấu Mỹ. Và tôi đang gọi đây.
OK, ông bạn muốn nói gì?
Thì ông nói tụi này hổng có gan gọi, tôi đang gọi đây nè.
Rồi, OK, vậy ông bạn muốn nói gì?
Tôi nói là tôi đang ở đây. Và tôi đang gọi.
Có vậy thôi hả? Ông gọi chỉ để nói ông đang gọi?
Thì bởi ông nói tụi này không có gan.
Chớ hổng phải ha? Nguyên tuần nay ngày nào tôi cũng nghe Cá Sấu Mỹ mấy ông gáy rầm trời đất. Rôi giờ coi, cha nào cha nấy chui vô hang hết.
Hang nào? Tôi đang gọi đây mà.
OK, vậy xin mời ông cho biết ý kiến?
Ờ thì, ông nói bọn tôi không có gan, cho nên...
Henry lắc đầu, bấm tắt radio.
“Đến lạy cái đất nước,” hắn nói.
“Má đúng thiệt,” Leonard đồng tình.
Hai thằng ngồi thừ ra đó trong vài phút, đưa mắt nhìn tấm biển nê-ông dặt dẹo, bụi đóng tấc tấc của tửu quán Jolly Jackal. Chữ “ACKAL” bồng lên mông lung giữa bóng tối.
“Mà thằng đó tới đây chi vậy cà?” Leonard thắc mắc. “Một thằng ngời ngời như nó, nhà cao cửa rộng, công việc ngon lành, đốc chứng gì mà đun đầu vô cái xó chó ỉa này chớ?”
“Hỏi hay,” Henry nói.
“Hông ấy mình cứ xách đầu nó ra đây, tìm hiểu cho lẹ?” Leonard sốt sắng ướm hỏi.
Henry lắc đầu. “Để thủng thẳng đã,” hắn nói. “Tao muốn coi thử nó đang làm gì.”
“Má oải quá mày ơi,” Leonard thở dài. “Xin mày, cứ cho tao hai phút với nó và cái này” – hắn giựt cái hộp quẹt trong xe ra khỏi lỗ cắm – “tao cuộc nó sẽ khai tới đời ông cố nội nó luôn. Nó sẽ hót in hệt thằng cha gì gì đó, Luciano Calamari.”
“Pavarotti,” Henry nói.
“Ba bốn gì kệ mẹ đi. Nó hót xong là mình vô công chuyện, pằng, lên máy bay về Newark. Hết muỗi, hết thằng cha con mẹ nào trên cây, hết Cá Sấu Mỹ, hết...”
“Im coi,” Henry nói.
Leonard dõi theo ánh nhìn của Henry và thấy có hai thằng ngất ngư nào đâu, một thằng đi tập tễnh, đang lò dò bước về phía cửa quán Jolly Jackal. Trong vầng sáng màu đỏ tím hắt ra từ chữ ACKAL trên biển hiệu, Henry và Leonard thấy hai thằng đều trùm kín đầu với một thứ có vẻ như là quần tất của đàn bà. Thằng đi tập tễnh đang cầm súng.
“Coi bộ tới giờ khuyến mãi,” Leonard nói.
Andrew đang phù mỏ hút thứ sinh tố chocolate đặc sệt của nó. Nó đã tới đứng chung với Matt chỗ ngoài quán Gap. Từ dàn loa chất lượng kẹo kéo của quán Johnny Rockets bên kia đường, vọng đến giọng ca của Elvis thời trai trẻ:
Hãnh diện biết bao để nói nàng là cục kẹo bơ của tôi
Tôi đang yêu... Tôi đang rung chuyển!
Andrew tiếc rẻ rời miệng khỏi cái ống hút, nói: “Thử nghĩ xem, mày có hãnh diện để nói ai đó là cục kẹo bơ của mình không?”
Matt thử nghĩ về chuyện ấy.
“Kiểu như,” Andrew nói, “mày ra mắt nàng với bà con cô bác, cái mày nói, “Xin giới thiệu với mọi người, CỤC KẸO BƠ của tui!’ Ế, bộ đái trong quần hả cha nội?”
“Chết cha,” Matt hoảng hồn ngó xuống cái quần kaki của nó, thứ mà như luật bất thành văn đối với tụi con trai mười bảy tuổi, luôn có size vòng eo quá lớn và chỉ che được nửa mông. Coi, khẩu JetBlast Junior rỉ nước thiệt, tạo thành một vũng đen sũng sĩnh ngay háng nó.
“Hẻo rồi,” Matt ca cẩm.
“Ê, con Jenny tới kìa,” Andrew la lên.
“Bỏ mịa,” Matt chắt lưỡi, cuống quít kéo cái áo phông trắng của nó xuống để che đi vết ố.
“Matt có khẩu súng nào trong túi quần không đó?” Jenny tủm tỉm, “hay Matt chỉ muốn gặp Jenny nói chuyện chơi thôi?”
Andrew cười hô hố, nhổ một miệng lút sinh tố lên vỉa hè. Matt đấm nó một cú trật lất.
“À phải rồi,” Jenny nói, “tụi mình sẽ làm chuyện này ở đâu? Một nhân chứng thôi mà đúng không? Chỗ này đông quá trời.”
“Hổng ấy tụi mình đi vô con hẻm kia đi,” Matt chỉ về phía Đại lộ Grand. “Ở sau tiệm chạp phô có một bãi đỗ xe.”
“Cũng được,” Jenny nói.
“À Jenny nè,” Matt ấp úng, “Giả tỉ... ờ, sau khi mình giết Jenny xong rồi ấy, giả tỉ Jenny không bận chuyện gì, ý mình là...”
“Ý nó là,” Andrew xọt dưa, cấp kỳ lui lại để né đường quyền thứ hai của Matt, “nó hãnh diện được nói Jenny là cục kẹo bơ của nó.”
“Matt,” Jenny làm mặt nghiêm, “Jenny hân hạnh được làm cục kẹo bơ của Matt.”
Eo ơi.
“OK,” Matt nói với vẻ nghiêm túc không kém. “Nhưng trước tiên, Matt phải giết Jenny đã.”
Vậy là đám trẻ tíu tít phới về phía tiệm chạp phô. Matt vẫn lày quày đậy điệm vết ố trên quần, lòng lâng lâng một cảm giác vui sướng và tự nhiên đến lạ khi được sóng bước cạnh Jenny. Khi những rộn ràng và rực rỡ của CocoWalk đã nằm lại sau lưng, ba bạn trẻ vô tư đâu để ý gì đến dáng hình cục mịch của Jack Pendick, Dũng Sĩ Trừ Gian, cách bảy thước phía sau đang lạch bạch đuổi theo bọn họ. Một tay hắn sờ vào khẩu súng trong túi áo, giọng mũi the thé của Phil Collins rót đầy thần trí đang sôi sùng sục của hắn, khi hắn đã sẵn sàng để đón nhận bất cứ gì đang đến trong bầu trời đêm nay.
Đại Rắc Rối Đại Rắc Rối - Dave Barry Đại Rắc Rối