Số lần đọc/download: 1386 / 9
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 5 -
T
ôi ngồi lặng lẽ trước đàn. Bên ngoài, trời đã rất khuya, cửa sổ mở ra vườn xôn xao bóng lá, ánh trăng hạ tuần nhợt nhạt trải những lớp bạc mỏng trên giàn thiên lý xa. Tôi vừa dạo xong bài Nocturne tuyệt vời của Chopin, tôi vừa lang thang trong đêm xưa dĩ vãng. Vườn nhà ngoại đẫm ướt trăng khuya, những quả mận hồng ngủ yên trong khóm lá, hoa nhãn đầu mùa thơm nức hương trinh... Tiếng hát dịu dàng của má ru tôi say giấc đêm xuân: "Xuân tươi.. êm êm ánh xuân nồng, nâng niu sáo bên rừng, dăm ba chú tiên đồng... Êm êm, ôi tiếng sáo tơ tình xinh như bóng xiêm đình trên không uốn thân hình.. Đường lên thiên thai, lọt vài cung nhạc gió, thoảng về mơ mộng quá, nàng Ngọc Chân tưởng nhớ, tiếng lòng bay xa..."
Trong giấc mơ tôi lạc vào thiên thai với hạc trắng, tùng xanh, suối bạc, mây vàng và tiếng sáo tiên đồng cao vút. Thuở ba má còn đầm ấm bên nhau, ba đã ví má là nàng tiên Ngọc Chân, còn ba là chàng nghệ sĩ đa tình từng chiều đến trước cung đình thổi sáo cho tiếng lòng nàng đắm đuối bay xa...
Tôi nhìn lên khoảng tường trước mặt, tấm hình màu chụp ba má trong ngày cưới đã được thay bằng một bức tranh sơn dầu. Hình ảnh cô gái tóc dài tha thướt bên hồ với hàng liễu rũ trông cũng đẹp thật đấy nhưng sao tôi bỗng ghét cay ghét đắng cô ta. Này cô gái không quen kia ơi, cô có tư cách gì mà dám thay thế khoảng không gian hạnh phúc của ba má tôi? Ảnh ba má chụp cách đây mười sáu năm mới đẹp làm sao. Dù ba có dẹp đi, dù má có xé bỏ, tôi vẫn mường tượng ra một hình ảnh chói ngời hạnh phúc đã khắc đậm trong tâm trí tôi: ba và má tay trong tay, mắt trong mắt, chiếc nơ đỏ trên bộ vét trắng của ba như ngọn lửa nhỏ thắp sáng niềm tin, tấm voan hồng trên mái tóc mượt mà của má là giấc mơ hoa đã chín, gắn bó hai linh hồn mãi mãi bên nhau. Vậy mà bây giờ, tự nhiên cô gái này lại xen vào, đáng trừng trị quá. Tôi đậy nắp đàn lại, bắc ghế lên gỡ bức tranh xuống. Chưa biết xử lý như thế nào thì đã có tiếng gọi:
--Thảo Phương.
Ơ kìa ba, tôi luống cuống xuýt té:
--Con làm gì vậy?
Tôi vẫn chưa nói được. Ba đến gần:
--Con điên à, sao lại phá phách thế!
Ba treo lại bức tranh rồi nhìn vào mắt tôi:
--Bức tranh của bác Trân tặng cho ba, con không thích nó hả?
Tôi gật đầu.
Ba ngắm nghía bức tranh:
--Ba thấy nó rất đẹp.
Tôi cãi lại:
--Con thấy nó rất.. lãng xẹt vì hiện diện không đúng chỗ.
Ba trố mắt:
--Sao... sao vậy?
Tôi nói như muốn khóc:
--Con thích bức ảnh trước cơ, sao ba lại thay đi hả ba?
Ba chợt hiểu, đôi mắt ba tối lại, ba đưa tay vuốt mái tóc để dấu niềm bối rối:
--Thảo Phương à, con đã buồn ngủ chưa?
--Dạ chưa ba.
--Vậy ba con mình ra vườn chơi nhé.
Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp sánh bước bên ba. Con đường mịn màng ôm ấp ánh trăng xanh, trăng đổ lên vai áo toi từng hạt sáng ngời, trăng soi vào mắt ba âu yếm nhìn tôi:
--Thảo Phương, ba biết, con đang rất buồn.
Tôi ôm lấy cánh tay ba:
--Ba ơi, con nghĩ là... ba má phải có một giải pháp khác tốt đẹp hơn chứ.
Ba dừng lại bên giàn thiên lý, kéo chiếc ghế mây:
--Con ngồi xuống đi - và ba ngồi xuống bên tôi - ba muốn nói với con là, trong sự đổ vỡ này không phải một mình ba có lỗi.
--Má, má cũng có lỗi ư?
--Má không bao giờ chịu hiểu ba.
--Má có lý của má.
--Cũng như ba, ba có lý của ba, ba đi sớm về trễ, ba vắng nhà thường xuyên cũng vì công việc, mà mục đích của công việc là kiếm được thật nhiều tiền cho má, cho con.
--Nhưng ba đã quên má...
Ba ngắt lời:
--Con lầm rồi, Thảo Phương ạ, ba vẫn luôn luôn nghĩ đến gia đình.
--Vậy tại sao ba không giữ má lại?
Ba lắc đầu:
--Ba không đủ sức ngăn trở một cánh chim trời. Má đã vuột khỏi tay ba hồi nào ba chẳng rõ, để khi nhìn lại thì đã muộn mất rồi.
Tôi nép đầu vào ngực ba, van lơn:
--Không muộn đâu ba ơi, hãy gọi má trở về!
Ba thở dài:
--Má đã đặt tự ái quá cao, sự ra đi của má là giọt cuối cùng làm tràn ly nước, má đã xúc phạm ba quá nhiều.
Tôi òa khóc:
--Ba ơi, đừng giận má nữa.
Ba đứng dậy:
--Khuya rồi, vào ngủ đi con.
Ba đã vào phòng đóng chặt cửa lại, còn mình tôi bơ vơ trong đêm, không biết giờ này má đang làm gì? Tôi bước ra bao lơn, nhìn theo một đám mây thật mỏng trôi lang thang trong bầu trời. Càng về khuya trăng càng vằng vặc và đám mây kia mỏng dần tan biến vào không gian. Phải chăng hạnh phúc là những áng mây? Gió thổi cho mây tan đi, chỉ còn lại vòm trời lồng lộng, tìm nơi đâu những ngày tháng ngọc ngà khi ba má còn đầm ấm bên nhau? Tôi nhìn xuống vườn nhà, trăng vẫn sáng soi những hàng cây thưa thớt. Ngôi biệt thự này ba mới mua không lâu nên những cây ăn trái ba trồng còn nhỏ xíu, chỉ có mấy chậu kiểng bên hồ cá là mau lớn không ngờ. Cả giàn thiên lý nữa, những chùm hoa màu hồ thủy tỏa ngát hương đêm. Gần một năm nay, tôi thường bắt ghế ngồi dưới giàn hoa này mỗi buổi chiều nghỉ học, để ngắm nhìn giọt nắng lung linh nhảy múa trong vòm lá và để buồn cùng bóng hoàng hôn xuống chậm bao phủ cõi hồn tôi.
Có tiếng bước chân nhẹ nhàng sau lưng:
--Cô Phương, khuya rồi, vào ngủ đi thôi.
Tôi nghe cay cay nơi mắt:
--Chị Hai cứ đi ngủ để mặc em.
Chị Hai cầm bàn tay tôi:
--Tôi dắt cô vô ngủ, mai còn đi học sớm.
--Mai em được nghỉ buổi sáng mà.
--Có nghỉ cũng phải đi ngủ, nghe lời Hai, Phương à.
Tôi chợt thèm nhõng nhẽo:
--Nhưng chị Hai phải vào phòng ngủ với em cơ.
Chị Hai cười dịu dàng:
--Tôi phải ngủ ở phòng dưới để trông nhà.
Tôi dậm chân xuống đất:
--Không biết, vậy thì em không thèm ngủ nữa.
Chị Hai để một ngón tay lên môi:
--Suỵt, đừng làm ồn để ông ngủ.
Tôi vẫn bướng bỉnh đạp chân rầm rầm. Ba mở cửa bước ra:
--Cái gì mà ồn vậy?
Chị Hai hoảng hốt giữ tay tôi lại:
--Thưa ông, cô Phương đòi tôi phải ở trên này ngủ với cô.
Ba nhìn tôi rồi bảo chị Hai:
--Thì chị vào ngủ với nó đi.
--Toi còn phải trông nhà, thưa ông.
--Chị cứ khóa cửa nẻo cẩn thận, không sao đâu.
Chị Hai đưa tôi vào phòng, tôi kéo tay chị:
--Chị ngủ chung giường với em nghe.
Chị Hai mở chiếc ghế xếp:
--Tôi nằm đây được rồi.
Tôi lại phụng phịu:
--Chị phải nằm gần em kia...rồi chị... chị hát ru em ngủ nha.
Chị Hai lại cười hiền hậu:
--Trời ơi, cô là dân trường nhạc, nghe tôi hát chắc là phải bịt lỗ mũi lại.
Tôi cảm thấy vui vui:
--Bộ chị tưởng dân trường nhạc xịn lắm sao? Có đứa cũng ngu thí mồ.
Tôi bắt chị Hai phải nằm cạnh tôi, đắp chung tấm mền mỏng:
--Chị Hai, chị hát ru em ngủ đi, hay là chị hò Huế cũng được.
--Tôi không biết hò Huế, nhưng dạo còn đi học tôi cũng biết hát sơ sơ, để tôi hsat ru cô nghe.
Tôi rúc đầu vào vai chị:
--Hay quá, chị hát bài về xứ Huế của chị nhé.
Giọng hát của chị Hai thật êm ái:
"....Hoàng hôn rơi ngơ ngẩn hàng thùy dương, lạnh lùng trong bóng chiều giòng sông Hương. Tràng tiền qua mấy nhịp mờ trong sương, để lòng khách thấy buồn dâng mênh mang..."
Tôi chìm sâu vào một giấc mơ xanh, màu hàng thùy dương bên giòng sông quê hương của chị Hai.
Dù đêm qua thức khuya, sáng tôi vẫn dậy thật sớm, nhìn sang bên cạnh, chị Hai đã mất tiêu. Tôi chạy xuống nhà, thấy chị đang giặt đồ:
--Chị Hai ơi, ba em đâu?
--Ông đi làm rồi, cô ăn gì, phở hay bún để tôi đi mua.
Tôi có một quyết định:
--Em không ăn đâu, chị Hai ơi, sáng nay em về ngoại thăm má rồi chiều lên trường luôn, chị đừng nấu phần cơm em nhé.
Tôi vào phòng thay áo quần, sửa soạn sách vở cho bốn tiết học văn hóa buổi chiều rồi dắt chiếc Chaly ra cổng. Tôi chạy xe ra chợ Tân Định mua cho ông bà ngoại một hộp trà ngon, mua cho má một cái kẹp tóc mô đen. Gần hai tháng chưa gặp lại má, chắc tóc má đã dài quá vai rồi.
Mới sáng sớm mà chợ đã rất đông, trái cây bán ê hề hai bên lề đường. Tôi lách qua đám người chen chúc rồi phóng xe nhanh, đến chân cầu Sài Gòn, chợt có tiếng gọi ơi ới:
--Thảo Phương, Thảo Phương.
Tuấn đang đứng nơi một tiệm sửa xe, nhìn tôi cười vui vẻ:
--Phương đi đâu vậy?
--Phương về Thủ Đức thăm ngoại.
--Vậy chiều nay Phương không đi học à?
--Có chứ, Phương đi chút xíu à, ăn cơm trưa ở nhà ngoại xong là Phương đi thẳng về trường luôn.
--Phương làm xong mấy bài tập toán chưa?
--Rồi, còn Tuấn?
Tuấn gãi đầu:
--Sao Tuấn lười quá. Phương có tập cho Tuấn mượn "nghiên cứu" coi.
Tôi mở cặp đưa tập toán cho Tuấn:
--Nè, không khó lắm đâu, thôi Phương đi nhé.
--À Phương -Tuấn níu tôi lại - Báo cho Phương một tin mừng nhé, Phương có tên trong danh sách dự kiến ra Hà Nội dự thi "Tài năng trẻ" đó.
Tôi sững sờ, vậy mà tôi đã bảo Thu Sương nói xạo. Tuấn nhìn sát mặt tôi:
--Sao? Cô Nguyệt Hằng không nói gì với Phương cả à? Thầy của Tuấn đã bật mí cho tụi Tuấn biết hết rồi, trong số học trò của thầy, chỉ có mỗi mình Tuấn được đi.
--A, Tuấn cũng được chọn hả, hay quá.
--Thôi, Phương đi kẻo trưa. Chiều mình gặp lại nhé, bái bai.
Tôi phóng xe trên đường rộng thênh thang với niềm vui lâng lâng. Tôi được chọn ra Hà Nội dự thi "Tài năng trẻ" là một điều mà tôi không thể nào ngờ đến, dù tôi là một học sinh giỏi của cô Nguyệt Hằng, vì ngoài tôi ra, trường còn thiếu gì những bạn giỏi khác, như Hồng Giang học trò cô Minh Ngọc hoặc Đặng Hùng ở Biên Hoà mới thi đậu vào trung cấp chẳng hạn.. Về cuộc thi này, năm ngoái trường tôi có tổ chức nhưng chỉ dành cho môn violon thôi nên không nổi đình nổi đám lắm. Năm nay Hà Nội tổ chức chắc là xôm tụ hơn nhiều vì có cả violon và piano. Bây giờ tôi mới hiểu được ánh mắt của cô Nguyệt Hằng khi cô bảo tôi tập bài Nocturne số 9 của Chopin. Phải chăng đây là bài thi mà cô đã chọn cho tôi? Sao bỗng nhiên tôi vừa mừng vừa run, dù thời gian còn lâu nhưng việc tập luyện một bản đàn để dự một cuộc thi có tầm cỡ quốc gia như thế này đâu phải là chuyện đơn giản, không biết tôi có làm vui lòng cô được chăng?
Màu xanh mát mẻ của vườn nhà ngoại đã hiện ra trước mắt, tôi chạy xe chầm chậm giữa hai hàng nhãn xanh um. Các bạn ơi, Phương đã về đây, hỡi gốc mít, gốc xoài, gốc mận, cùng đàn chim thân yêu đang nhảy nhót trên cành, Phương bây giờ vẫn là Phương ngày cũ, nhưng là Phương với tâm sự ngổn ngang, với nỗi buồn trong mắt, gia đình Phương có nguy cơ tan vỡ! Các bạn hãy cầu nguyện cho Phương đi, cho đám mây đen thôi giăng mờ hạnh phúc, cho bão tố phong ba đừng lôi cuốn những tháng ngày tươi đẹp của gia đình Phương chìm vào biển cả bao la. Hãy giúp Phương với.
Nhà đi đâu vắng, cửa trước đóng kín, tôi vòng ra ngã sau. Bà ngoại đang vãi thóc cho gà ăn, thấy tôi, bà rất mừng:
--Thảo Phương đó hả, sao lâu quá không về thăm ngoại?
Tôi dựng xe, tắt máy:
--Dạ con bận học, chương trình càng ngày càng nặng bà ơi.
--Ừ, thôi gắng học, ông bà cũng thường hỏi thăm cô Hằng, cô khen con chăm chỉ, ông bà cũng mừng.
Tôi ngồi xuống bên bà:
--Ông đâu rồi bà?
Bà đưa mắt nhìn quanh:
--Ủa, mới thấy ổng đây mà, chắc là qua nhà ông Tú đánh cờ rồi.
--Còn má con đâu?
Bà ngoại đứng dậy:
--Má mày đi đâu với cô Diễm Hương, Diễm Hoa gì đó, chắc cũng sắp về đấy. Thôi vô nhà, bà lấy mãng cầu cho ăn, có hai quả mới chín to lắm.
Tôi theo bà vào bếp, thấy nồi niêu lạnh ngắt, tôi hỏi:
--Sáng nay bà không đi chợ à, sao không có đồ ăn gì hết trơn vậy?
--Hôm nay ăn chay, lát nữa hái rau dền luộc ăn được rồi, bà ngại đi chợ lắm.
Tôi với lấy chiếc rổ nylon màu đỏ trên bên cửa bếp:
--Để cháu hái rau cho bà nhé.
Tiếng nói ồ ồ của ông ngoại làm tôi giật mình:
--Con Thảo Phương đó phải không?
Tôi ôm cánh tay ông ngoại:
--Thưa ông cháu mới xuống.
Ông lấy trong túi ra một gói bánh xốp đưa tôi rồi bảo bà ngoại:
--Bánh tôi mua cho bà đó, giờ gặp nó, cho nó ăn.
Bà ngoại nói:
--Để nó đem về nhà ăn dần, bây giờ có mãng cầu phải ăn ngay mới ngon.
--Hai trái to tướng một mình nó ăn gì hết, bà nên ăn cùng nó, tốt lắm.
Bà nhìn ông âu yếm:
--Ông đi đâu nãy giờ vậy? Tôi đã pha trà cho ông rồi đó.
--À, tôi sang nhà ông Tú chơi.
--Sao về nhanh vậy?
--Ổng không có nhà.
Bà đến bên ông, sửa lại chiếc cổ áo:
--Ông này thật, sáng sớm ra đường không chịu mặc áo lót cho kín cổ, lớn tuổi rồi ông đừng có ỷ y.
Ông ngoại cười:
--Bà yên trí đi, tôi còn sống đến trăm tuổi mà.
Bà ngoại nguýt yêu:
--Người thì yếu như sên mà cứ giở cái giọng... thấy ghét.
Ông ngoại lại cười hề hề, ông đến bên bàn rót một ly nước trà nóng, rồi gồng hai cánh tay lên, hát ồ ề:
"Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia, đoàn thanh niên ta góp tài ba..."
Bà ngoại che miệng cười, không để ý đến tôi đang ngồi bên ngưỡng cửa, một tay cầm gói bánh, tay kia nắm chặt chiếc rổ nylon, ngẩn ngơ trước hạnh phúc dài lâu của ông bà.
Tôi lựa những cọng rau thật non, ngắt bỏ vào rổ. Đám rau dền ngoài vườn ngoại thật xanh tươi trải rộng một góc rào. Tôi để rổ rau đầy vừa hái lên một tảng đá rồi leo lên chạc cây ổi thấp, tựa lưng vào cành, nghĩ ngợi lan man.. Ông bà ngoại thật hạnh phúc. Nhìn những sợi tóc trắng ẩn hiện trên mái đầu ông bà tôi thấy thương quá. Má là người con gái duy nhất của ông bà và tôi cũng vậy, tại sao tuổi thơ tôi lại bất hạnh như thế này? Liệu ngày xưa ông bà ngoại yêu nhau có thắm thiết như cách đây mười sáu năm ba má đã yêu nhau? Bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu khúc hát ba má đã tặng cho nhau, và bản "La vie en rose" là bài hát kỷ niệm ngày hai người gặp gỡ đã được tôi đàn đi đàn lại mãi trong những lần sinh nhật của ba má.
Gần ba năm nay tôi chưa có dịp đàn lại bản này vì những ngày sinh nhật của ba má đã dần trôi trong quên lãng và đúng như lời chị Hai thường nói: "Ông đi đường ông, bà đi đường bà...", chỉ còn lại Thảo Phương cô đơn lẻ loi bên chị.
Có tiếng bà ngoại gọi:
--Thảo Phương, nước sôi rồi, đem rau vào cho ngoại.
Tôi nhảy xuống, xỏ vội dép, mang rổ rau dền chạy vào bếp. Ông ngoại đang loay hoay xé bao mì gói bỏ vào tô, ông ngoắc tôi lại:
--Ông để dành cho cháu gói mì Thái Lan này đặc biệt lắm - rồi ông gọi bà - bà ơi, cho nước sôi vào đây nhé.
Tôi mang nước sôi đến cho ông:
--Ông ăn mì đi, để cháu ăn cơm với bà ngoại cho vui.
Ông nhíu mày:
--Vui gì mà vui, bả ăn chay rau dền chấm tương chán chết....
Bà ngoại ngắt lời:
--Ông này, ăn với nói, không sợ Trời Phật.
Ông cười giả lả:
--Thì tôi nói như vậy để con Phương nó ăn gói mì đặc biệt của tôi.
Bà liếc dài:
--Ngon lành gì thứ mì gói Thái Lan, giá đã mắc lại còn thua mì gói VIệt Nam xa.
Tôi cười:
--Ông mắc bệnh "chuộng hàng ngoại" rồi bà ơi, cháu chưa ăn mì Thái Lan nhưng đã ăn mì Mã Lai rồi, dở như chưa bao giờ được dở.
Ông đưa hai tay lên trời:
--Thôi ông chịu thua, khi những người phụ nữ đứng về một phía thì sức mạnh còn hơn bom hạt nhân.
Tôi chia nửa tô mì với ông ngoại rồi ăn thêm cơm chay cùng bà ngoại, chưa ăn xong bữa thì má về. Má ôm chầm lấy tôi:
--Thảo Phương của má, sao lâu quá con không lên đây?
--Con bận học, con cũng rất mong má, sao những lần lên Sài Gòn má không ghé con?
Má hôn vào má, vào tóc tôi:
--Má rất nhớ con, má có ghé trường nhưng gặp lúc con không có giờ học.
--Thì má lại nhà mình.
--Má không muốn gặp ông ấy.
Tôi nghe lòng quặn đau:
--Sao.. sao má lại gọi ba bằng danh từ xa lạ đó?
Má bật khóc:
--Má căm ghét ông ta.
Ông ngoại trầm ngâm:
--Thảo à, con nói như thế là hơi quá đáng đấy, thằng Khôi không đến nỗi tệ lắm đâu.
--Vậy thì như thế nào mới gọi là tệ hả ba? Ổng đã từng đi suốt ngày đêm, về đến nhà thì say sưa, phát ngôn bừa bãi, mất hết cả nhân cách.
Ông ngoại vẫn bênh ba:
--Theo ba nghĩ, có thể công việc làm ăn đã khiến chồng con phải ăn nhậu, nhưng.. đàn ông mà, miễn nó không bỏ bê vợ con là được.
Má cương quyết:
--Con không chấp nhận một người chồng ăn chơi sao đọa như vậy.
Bà ngoại ăn cơm xong, bỏ đũa xuống:
--Mày vừa thôi Thảo ạ, không có thằng Khôi gặp vận may thì mày đâu được sung sướng như bây giờ.
Má cười chua chát:
--Đó là điều sai lầm nhất trong cuộc đời của con đấy má ạ, về một phương diện nào đó, tiền bạc không thể đem lại hạnh phúc đâu.
Bà ngoại lắc đầu:
--Có hạnh phúc hay không là do nơi mình cả, một sự nhịn chín sự lành, chúng mày tự ái quá rồi đâm ra hư bột hư đường hết.
Đồng hồ treo tường chỉ mười một giờ rưỡi, tôi đứng dậy:
--Thôi con phải về đi học.
Má cầm tay tôi:
--Bỏ học một buổi, ở lại với má.
--Không được má ơi, chiều nay có giờ kiểm tra toán.
Tôi lục cặp đem gói trà ra để trên bàn rồi đưa cho má cây kẹp tóc, lòng thật buồn khi thấy mái tóc dài của má được cắt cao lên để uốn theo một kiểu rất mốt. Mái tóc mới làm má trẻ hẳn ra nhưng làm tôi như già đi trước tuổi, ôi tuổi mười lăm của tôi sao lắm nỗi muộn phiền? Má đã dứt khoát với dĩ vãng rồi sao? Ngày xưa ba rất yêu mái tóc dài của má, sau này, tuổi càng lớn, thấy để tóc dài không tiện, má đã hỏi ý kiến ba để cắt ngắn bớt, ba nói không nên cắt cao quá mà hãy để tóc đến vai. Má nghe lời ba, má luôn luôn làm vui lòng ba và ba đã yêu má biết bao! Đã có những chiều ba má ngồi bên nhau, ba âu yếm gỡ từng cánh hoa cau trắng ngà đậu trên tóc trên vai má và má cũng thường nghịch tóc của ba bằng cách vén từng lớp lên để tìm những sợi tóc bạc chưa hề có, rồi cười khúc khích bên ba. Bao ngày tháng trôi qua trên bờ vai gầy ốm của tôi rồi nhỉ, khoảng thời gian nhạt nhòa tình cảm giữa ba má dễ chừng đã ba bốn năm rồi, ba bốn năm ở chung nhà nhưng không nói với nhau một lời êm dịu nào mà chỉ có gây gổ hành hạ lẫn nhau. Cuối cùng là má về với ngoại, cuối cùng là tôi vò võ cô đơn.
Má tiễn tôi ra cổng. Trời đã trưa nhưng ngôi vườn vẫn đầy những bóng cây, vẳng tiếng đàn chập chững thoáng qua từ nhà cô Nguyệt Hằng, cô đang dạy bọn nhóc. Đinh sang thăm cô nhưng sợ trễ giờ, tôi đành chạy xe về trường.