Books are embalmed minds.

Bovee

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Tiến Lê
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ong
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6714 / 62
Cập nhật: 2015-12-15 12:59:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ê Minh lên huyện họp ba ngày để nhận nhiệm vụ mới. Anh ra đúng đúng giữa đêm được tin thím Bảy báo cho biết sáng hôm sau Huỳnh Ví sẽ cho đại đội biệt kích đánh úp. Ra đi Minh hơi băn khoăn và nhất là khi Năm gợi ý anh nên ở lại, chậm một hôm chắc huyện thông cảm. Song kỷ luật quân đội đã thường xuyên được giữ nghiêm chỉnh trong người Minh, vả lại chắc có nhiều diễn biến quan trọng của mùa xuân này nên huyện mới cấp tốc gọi về, hơn nữa đội du kích xã bây giờ đã phát triển đông, vững vàng mỗi người là một hướng chiến đấu tốt, và Năm – có thể thay anh điều khiển trận đánh khi hai người đã dự kiến hết các phương án mà địch sẽ áp dụng. Bây giờ điều gì Minh nghĩ ra là Năm có thể nghĩ tới người này gần như là một phần của người kia.
Đúng hẹn, đêm Minh về, Năm ra đứng tận đầu làng chờ đón. Nói là đầu làng nhưng rất khó phân biệt đâu là đầu làng, đâu là cánh đồng, tất cả bằng phẳng, không ranh giới. Người nơi xa đặt chân tới làm sao hiểu nổi trước kia, chỉ cách vài tháng thôi, đây là những khu vườn có rào dậu rậm rạp, đủ các loại mít, xoan, cau, chuối, khế, táo, cam, quýt, bưởi…Từ mùa đông lạnh lẽo đến mùa thu bâng khuâng tới mùa xuân phơi phới, rồi mùa hạ tưng bừng, mùa nào cũng vó một vị quả, một hương thơm của hoa lá làm điều hòa không khí, tăng thêm thi vị cuộc sống…Bây giờ mọt cành nè tre (1-cành tre lòa xòa) không rơi xuống cho lũ chim bói cá về đậy cũng không còn. Tụi Mỹ ngụy hòng diệt người, diệt cây quả, chim muông…Nhưng không phải vì thế mà người ta không biết đâu là làng, đâu là đồng nữa. Biết chứ! Nơi kia phân biệt bìa làng với cánh đồng là một đầm sen nho nhỏ, có đường kính khoảng mười mét. Những bông sen vẫn không thay đổi trước những sự đe dọa thường nhật của chiến tranh. Sen vẫn sáng màu hồng tươi roi rói, thơm phức làm dịu bớt sự căng thẳng cho đội du kích sau một ngày nắng rát nằm trong hầm bí mật chịu mọi sự lùng soát của kẻ địch. Đêm đến, bật nắp hầm, gặp ngay mùi thơm quen thuộc, và giờ đây cũng phần nào làm giảm bớt sự bồn chồn của Năm khi trời tối một lúc mà vẫn chưa thấy Minh về. Bên cạnh tình đồng chí, những lúc mày mò nắm địch, bàn bạc cách đánh, tức thở khi giày đinh giặc nện cồm cộp trên nắp hầm, còn là phần tình cảm riêng tư giữa Minh và Năm nữa. Mới nghĩ thôi mà hai má Năm đã nong nóng, thèn thẹn, Từ lâu Năm đã cố gạt ra ngoài những suy nghĩ không bình thường để giữ thăng bằng tình bạn. Nhưng nào có được.
Sao anh chưa về. Có chuyện gì xảy ra chăng? Đêm trên vùng đất không cây cối trông càng dài càng rộng, tưởng dài và rộng hơn ban ngày. Kẻ thù dữ tợn đã biến đất cứng thành mùn, bốc một nắm lên không gặp sắt thép thì cũng có ít nhiều xương người. Năm đứng đó trong nỗi chờ đợi tưởng như lạc vào giữa bãi cát dài không ranh giới với những điều nghĩ gần đến nghĩ xa. Cho tới lúc nghe tiếng chân bước, cô vội vàng để ngón tay trỏ sát nòng súng. Nhận ra dáng đi nổi trên nền đất, Năm không hỏi mật khẩu, không cất tiếng chào, cô im lặng như thưở nhỏ trốn trong bóng đêm đố nhau tìm bắt.
Khi tới gần, dáng đi đó, lên tiếng hỏi:
- Năm chờ đã lâu chưa?
- Tóc em ướt hết rồi. Bắt thường anh đó.
Nói ra chờ lâu thì ngượng với mình mà nói vừa ra xong, sợ bạn không hiểu sự chờ đợi, lo lắng gần như tức thở nên Năm chọn cách nói thách vậy.
Minh để tay lên tóc Năm:
- Khô rang, có ướt gì đâu. Nói ngoa nhá!
Năm nắm bàn tay Minh có ý chống chế như mình không vừa lòng, nhưng rồi cô giữ mãi tay anh trong tay cô. Đưa các ngón sờ sờ lên những nốt chai sạn. Im lặng. Cả hai im lặng. Không khí dường như cũng chẳng chuyển động, Họ đứng bên nhau, tay đặt trong tay, giữa trời đêm yên ả, thoang thoảng hương sen. Chiến tranh như đã lùi xa và như chưa bao giờ nơi này xảy ra chiến tranh. Chỉ có tình yêu và hạnh phúc.
Xa xa nổi lên một tiếng cạch, đấy là tiếng bắn pháo sáng của bọn bộ binh gác đêm soi quanh hàng rào, từ mặt đất vút lên trời kêu cút cút kéo dài, người mới nghe lần đầu dễ rờn rợn. Tiếng cút cút vừa dứt là bầu trời rực sáng. Ánh sáng lung lay trong mắt hai người. Cả hai ngường ngượng buông tay, chuyển sang hỏi chuyện công tác.
- Anh chị em có ai việc gì không? - Minh hỏi về trận đánh xảy ra sáng hôm anh đi.
- Một người bị thương nhẹ thôi. Chúng vào đúng các hướng như Thím Bảy đã báo. Mười lăm thằng bị mìn và lựu đạn cài mà chúng vẫn cứ vào.
- Chắc chúng lùng sục ghê lắm để tìm cho được Năm?
- Chúng tìm anh là chủ yếu. Các hầm loại hơi lộ để tránh khi báo động cấp hai đều bị đào bới hoặc dùng mìn đánh sập.
- Ở trên huyện tôi có nghe tin, các anh bên huyện ủy theo dõi trận đánh tỷ mỉ lắm. Nhưng sao em không bảo ba xuống hầm bí mật?
- Em nói ba có nghe đâu. Chúng vấp mìn rồi mà ba vẫn ngồi trong hầm thùng uống rượu. Ba còn quát ra: “Tao mà phải chịu chui vào hầm bí mật hử! Tao phải ngồi lại đây để xem chúng vào bao nhiêu và chúng mày giết được bao nhiêu?”. Thế là chúng bắt mất ba, và phá hầm thùng. Họp huyện có gì vậy, anh?
- Vui lắm. Sắp đánh to. Sắp giải phóng huyện rồi. Trong mùa xuân này thôi. Tôi và Năm trao đổi trước. Huyện ủy giao cho chúng ta nắm thật chắc địa hình địa vật, cách bố trí trong chi khu và số lượng địch. Nắm quy luật hoạt động của chúng. Nắm số hàng rào, chiều cao và độ dày. Tìm nơi chúng đặt mìn. Ta có nhiệm vụ dẫn bộ đội chủ lực tiếp cận đến hàng rào thứ nhất và cung cấp mọi tình hình. Càng cụ thể càng giải quyết nhanh trận đánh. Hôm tấn công, du kích của xã ta đã cũng đảm nhiệm một mũi. Vài ngày tới đề nghị cô Năm sẽ đưa bốn chị em tin cậy nhất lên chợ mua mỳ tôm, gạo, la ve giải khát và các thực phẩm khác vào bán cho tụi lính bên khu biệt động, để tạo điều kiện liên lạc với cơ sở, nắm tình hình bên trong. Ta tính xem, những ai làm được. Theo tôi thì nên đưa cô Út, cô Nhiên…
Hai người lầm rầmbàn tính. Năm nên đặc điểm từng cô trong đội du kích sau khi loại ra ngoài những cô bộc trực, những cô đảm nhiệm tốt một hướng tấn công đối mặt với kẻ thù, những cô thiếu mềm mỏng, họ đã chọ được từ bốn đến sáu cô. Đó là những cô vừa đẹp vừa duyên dáng, có tiếng nói ngọt ngào, nhưng rất chủ động, trong mọi trường hợp không rối trí và có thể đóng góp tỉ mỉ thêm những điều trong nhiệm vụ đã giao.
Năm nói:
- Chút nữa thím Bảy sẽ vào có gì ta bàn thêm, nhất là cách đưa người vào bán hàng trong khu biệt động.
- Năm có thấy còn điều gì cần phải tính thêm nữa không? Minh hỏi.
- Bước đầu chi vậy đã…có gì ngày mai em nắm tình hình thêm đã.
Hai người như cùng xôn xang phần chính là do nhiệm vụ sắp tới, một nhiệm vụ nặng nề mà sau đó trong đội du kích sẽ có người vắng mặt vĩnh viễn. Họ ngã xuống để bảo vệ quê hương. Họ chết và rồi nấm mộ cũng không còn, phần thì địch thường xuyên cày ủi và bom pháo bắn tới liên tục, lưỡi cày và mảnh đạn sẽ đào xới từng mô đất nổi lên, phần khác đội du kích thề rằng quyết không để cho thằng địch thấy được chúng đã thắng lợi như thế nào dù thắng lợi rất nhỏ, cho nên mọi người đều đề nghị. Nếu tôi chết hãy chôn sâu vào lòng đất, đừng đắp nổi thành mộ, đừng để thằng địch thấy chúng đã giết được ta. Đừng để chúng thây ta đau khổ. Và người dân Điện Bắc đã thực hiện ý định đó. Nơi đây không có nghĩa trang liệt sỹ, không có mảnh vải đen nào cài lên áo để tang. Tất cả những đau thương ấy dồn làm một: Phải chiến đâu, phải đi thẳng tới kẻ thù, đánh chúng, diệt chúng. Tất cả mọi mảnh đất thuộc Quảng Đà bây giờ đều sôi bỏng, đều quyết liệt như vậy. Từ suy nghĩ vùng mình đến cả huyện, và rồi bao giờ suy nghĩ cụ thể đến những điều bình thường gần như bẩm sinh của người phụ nữ Việt Nam, Năm khẽ hỏi:
- Anh lên huyện có tạt qua nhà không?
- Vội quá, nhưng cũng được các anh cho biết tin
- Má vẫn mạnh chứ anh?
- Tàm tạm
- Anh chưa bao giờ nói chuyện riêng cho em nghe cả
- Riêng tư cũng chẳng có gì đặc biệt. Nhỏ thì đi ở. Lớn lên chưa qua tuổi thiếu niên, Mỹ đã nhảy vào, từ đó đi đánh Mỹ ngụy.
Năm hỏi:
- Hình như dạo nhỏ, anh làm con nuôi thầy phù thủy
- Sao Năm biết?
- Em nghe người ta nói
- Họ nói nhiều lắm à?
- Không nhiều, không ít, nhưng cứ để vậy, theo em thì chẳng lợi. Cần phải có sự thanh minh để họ thấy rằng mình chiến đấu không phải bằng phù phé
Năm ngừng một tý rồi nói tiếp: - Anh chẳng lạ gì, ở xã em các cô bác, ngay cả nam nữ, thanh niên cũng còn mê tín…Mặt khác, những chuyện họ nói về anh đều có dẫn chứng cụ thể làm em rối lên không sao giải thích được.
Minh cười, cười rất thoải mái. Đêm nay còn chờ cơ sở từ ngoài quận vào cho biết tình hình, cũng là thời gian có thể cho phép Minh kể cho Năm nghe tuổi thơ của anh đã đi qua như thế nào.
- Tôi tưởng về đây là biệt tích phần lý lịch thuở nhỏ. Vậy mà cũng có người biết.
Minh kể cho Năm nghe những ngày đi ở với ông Trẩn, vì sao đến ở với ông. Kể về cảnh nghèo của gia đình và những pháp thuật của thầy phù thủy. Minh kể với giọng huyền bí, có lúc lầm rầm như đọc thần chú, cố tìm cách bắt bẻ, nhưng rồi câu chuyện ly kỳ, chốc chốc Năm níu lấy vai Minh hỏi:
- Thiệt bộ dỡn anh? Nghe khiếp quá!
- Thiệt chớ
- Mắt anh thấy hay nghe người ta kể?
- Tôi theo hầu, giúp việc đắc lực nhất cho ông ta mà
- Còn chuyện nữa anh chưa kể, nghe tên gọi đã lạnh thấy mồ
- “Thần trùng lão âm khái thanh” à?
- Dạ, nghĩa là sao anh?
- “Thần trùng lão âm khái thanh”, đó là cách gọi của thầy phù thủy, dịch nôm na có nghĩa là: “Tiếng ông già ho trong nhà”. Chuyện xảy ra như sau: Gia đình nọ có cụ già chết. Chôn cất xong, ngay đêm đó trong buồng nơi ông cụ lúc ốm đau vẫn nằm, con cháu nghe tiếng ông cụ nấc lên, ho khù khụ như lúc sắp hấp hối thở hơi cuối cùng. Trong nhà, người gan dạ nhất mới dám cầm đèn đi tới soi xem thử có thấy gì không, nhưng chẳng thấy gì cả, gian buồng lặng ngắt, cửa đóng kín mít. Ra ngoài nằm chưa ấm chỗ lại nghe tiếng ho ấy phát ra. Có sợ không chớ. Cứ thế kéo dài suốt đêm. Họ phải sang nhà khác ở nhờ, đợt mặt trời lên sẽ mời thầy phù thủy về cúng. Trường hợp đó là vì thần trùng áp giải linh hồn ông cụ đã chết về tận nhà, tra tấn bắt ông khai tên con cháu, để thần trùng lần lượt bắt chết theo. Ông cụ thương hại nên nghẹn ngào nức nở. Phải lập đàn cúng té, xin bùa yểm, giải thoát tống tiễng hồn ông cụ ra khỏi vòng tra tấn của những người còn sống tránh được tai nạn.
Có tiếng chân đạp vỡ một hòn đất, cắt ngang câu chuyện. Lê Minh huýt sáo. Bóng người phía trước nhận ra tín hiệu, ngồi xuống rồi đứng dậy đi vào.
- Thím Bảy! Minh gọi rất khẽ như thoáng hơi thở rồi hỏi thêm: - Thím đi luôn không sợ tụi chúng biết à?
- Tụi chúng thì không sợ nhưng sợ tiếng gió vù vù trên đồng trống cứ như ma đuổi. Thím hỏi: - Ai ngồi đó nữa. – Thím cúi xuống nhìn: -À cô Năm, - Tiếng thím vui vẻ: - Nè ngồi riêng thế vầy, không sợ “cậu con nuôi thầy phù thủy” này bắt mất hồn hứ?
- Em đâu có sợ, Anh ấy đang kể chuyện hay lắm.
- Thôi, ta bàn công việc đã…Lê Minh trao đổi với thím tất cả mọi việc mà thím có thể làm được.
- Huyện chỉ thị việc phải giết tên quận trưởng, Tôi định tối ngày kia.
- Không được đâu
- Nó đi vắng hay thay đổi chỗ ở?
- Vẫn chỗ cũ, nhưng gay lắm. Tôi vào bữa ni cũng là báo cho chú biết thằng Tư Thìn chiêu hồi đã nói với quận trưởng rằng: Xưa kia chú làm con nuôi thầy phù thủy. Nhất là sau thất bại ba cầu sập cùng một lúc, quận trưởng càng bày mưu tính kế rất gấp. Bằng giá nào cũng bắt cho được chú, hoặc giết cắt đầu đem về treo giữa chợ.
- Minh nói chen vào:
- Nó định cùng một lúc treo đầu tôi và đầu cô Năm giữa chợ à?
- Tôi nói thiệt, mà chú cứ dỡn. – Giọng thím Bảy tỏ vẻ rất lo lắng, lo hơn những lần thím vào báo tin quan trọng mà đội du kích phải đối phó ngay tức khắc. Thím tiếp: - Quận trưởng đã vận dụng bao nhiêu cách đánh đều thua chú, nên hắn đã xoay sang phép khác. Hôm nay hắn đã mời được ông Trẩn, thầy phù thủy, bố nuôi của chú xưa kia lên. Nó buộc ông phải tung mọi pháp thuật bắt cho được chú.
Trái với sự lo lắng của thím Bảy, Minh phá ra cười. Tiếng cười thoải mái vô tư, gợi những kỷ niệm mà giờ đây Minh hết sức thích thú. Tiếng cười lan qua vùng đất đã bị cày ủi, không còn bóng cây bóng lá.
Năm ngạc nhiên hỏi:
- Gì mà anh cười dữ vậ?
Minh không trả lời Năm mà quay sang hỏi thím Bảy:
- Thím tin là ông Trẩn có pháp thuật và sẽ bắt được tôi à?
- Hỏi lạ thiệt, chú quên chuyện cũ rồi sao. Chuyện đánh đồng thiếp đưa hồn người chết xuống âm phủ gặp người chết mà dạo trước ông Trẩn đã cúng lễ cho bố Huỳnh Ví, hôm đó hình như cũng có cả chú nữa?
- Từ bấy đến nay chưa ai giải thích cho thím hiểu chuyện đánh đồng thiếp đó à? Tại thím cả thôi.
- Sao lại tại tôi?
- Ngồi xuống đây!. Thím cứ ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân, cũng vừa đỡ lộ mục tiêu. Tại thím là thế này. Khi thím ở vú cho nhà đình Chánh Ngân, nuôi thằng Huỳnh Ví, thì tôi làm con nuôi ông Trẩn thầy phù thủy. Ông nhận hai ba đứa cùng trạc tuổi tôi làm con nuôi, nhưng rồi khi chúng ốm đau ông đuổi dần, còn lại mình tôi. Ông đối xử với tôi không nghiệt ngã lắm. Cho đi chơi khắp nơi. Sau này tôi biết việc cho đi chơi ấy cũng có mục đích. Dạo đó tôi hay đến chỗ thím ngồi khâu vá, gặp hôm trời mưa tôi đọc sách kiếm hiệp cho thím nghe. Cũng có lúc thím bảo tôi đọc những lá thư viết bằng bút chì, chữ mờ mờ. Thím khâu cho tôi những chỗ rách trênlưng áo do trèo cây hoặc bị dây thép gai cào. Tôi lục tìm đầu giường thím, thấy có quyển sổ thím ghi chép tên những người nợ tiền bà Chánh Ngân. Cũng vô tình thôi, về nhà tôi kể cho ông Trẩn nghe, ông bảo phải tìm mọi cách đánh cắp cho được quyển sổ đó. Nghe ông nói là “ phải tìm mọi cách” tôi bĩu môi trả lời: dễ ợt! Ông Trẩn khen tôi là làm được việc và nhận xét tôi là đứa con nuôi có nhiều triển vọng nối nghiệp ông.
Thím Bảy nói ngay:
- Tôi nhớ rồi, quyển sổ ghi tên những người trong xã nợ tiền, Cứ tưởng là thằng Ví xe, đâu ngờ chú lấy. Trong vở cũng chẳng ghi gì. Mụ chủ thường sai tôi đến các nhà đòi nợ. Tính tôi hay quên, nên phải ghi vào những nhà nào mắc nợ và họ trả chừng nào.
- Cái chốt là ở đó – Minh nói chen vào. Ông Chánh Nhân sau khi vợ chết thì không biết những ai còn nợ tiền, nợ lúa của mình nữa. Chìa khóa kinh tế gia đình cả mọi quyền hành sai bảo hầu như là ở trong tay mụ Chánh. Ông không dám hỏi người ở hoặc hỏi bên ngoài là những ai mắc nợ, hỏi vậy họ biết thóp và xí xóa hết, không có chững cớ đâu mà đòi. Hình như dạo đó cũng có người hí hửng cho rằng ông Chánh không biết nợ để đòi. Ông Chánh Ngân đang tìm cách thì ông Trẩn nắm được và mừng rơn khi tôi lấy quyển sổ của thím về. Ông bắn tin sang cho Chánh Ngân biết là chỉ có cách đánh đồng thiếp đưa người đang sống xuống âm phủ gặp hồn bà Chánh Ngân, gọi bà về nhập vào xác người đang sống để đọc lên số tiền mọi người đã nợ.
- Nhưng trong số có ghi hết tên người nợ đâu?
- Có cần chi phải đủ tên, chỉ đánh trúng đòn tâm lý là mọi người mang trả hết. Chắc thím còn nhớ khi hồn bà Chánh về nhập vào xác người sống, đọc vanh vách những người nợ, số tiền bao nhiêu, đọc chưa hết thì xung quanh đã hoảng, tưởng bà Ngân về đòi nợ thật, một số người vội vàng xướng luôn số tiền mình đang nợ, không chờ nhắc đến tên. Thực ra thì có gì đâu, chắc thím còn nhớ, người nằm để đánh đồng thiếp là vợ ông Trẩn. Bà ta đã thuộc lòng tên những người nợ và số tiền đã ghi trong sổ của thím. Còn cách bày binh bố trận làm cho ly kỳ thì dưới tay phù phép của ông Trẩn sẽ hóa thành ghê gớm. Bà Trẩn đọc hết tên những người đã ghi trong sổ của thím, bà làm như chưa hết nhưng vì công việc ở âm phủ còn gấp gáp phải về, nên nói là còn nhiều người nợ nữa, nếu không mang trả ông Chánh Ngân cứ lpạ đàn tế cúng là bà cho ma quỷ về gõ cửa đòi nợ. Nghe ma quỷ gõ cửa ai cũng sợ!
- Gớm thiệt! Vậy là chú cùng một giuộc với thầy phù thủy lừa dối bà con hử?
- Dạo đó tôi còn nhờ đã biết chi đâu mà thím, nên cứ nghĩ là lừa lọc kiếm cho nhiều tiền là được rồi, ai chết mặc ai.
- Còn những chuyện anh kể lúc nãy cũng là lừa cả chớ?
Nghe Năm hỏi vậy thím Bảy nói:
- Bây chừ mà chú còn đi lừa bà con hử?
Năm đỡ lời:
- Không phải chuyện bây giừo đâu thím ạ, anh Minh kể chuyện ngày xưa đó thôi.
Thím Bảy hỏi:
- Chuyện chi vậy
- “Thần trùng lão âm khái thanh”
Thím Bảy rụt người lại nói:
- Gì mà nghe dữ vậy, cứ như kiếm hiệp, hảo hán giang hồ.
- Cũng lừa thôi. Minh nói vậy và tiếp:
- Chuyện không lấy gì làm ly kỳ nữa đâu. Bây giờ ai cũng biết cả rồi. Chẳng là khi người chết, ông Trẩn giao cho tôi chập tối lẻn vào nhà họ ném xuống gầm giường người chết một con cóc. Con cóc nào do ông Trẩn bắt từ đêm hôm trước rồi cho vào miệng nó một nhón thuốc lào. Ông khâu hai múi chỉ phía trước miệng. Thuốc lào ngấm vào cổ họng, cóc khó chịu phải dồn sức ho khạc cho bật nhón thuốc ra. Tiếng cóc nghe như tiếng ho ở gầm giường khi người chết vừa mang ra đồng xong, ai cũng sợ, nên vội vàng lập đàn cúng tế. Sau đó ông Trẩn vào buồng một mình, cấm không được ai theo, cũng chẳng ai dám theo. Ông yểm bùa làm phù phép trừ thần trùng, giải vây linh hồn. Ông chụp luôn con cóc đưa cho tôi. Tôi giả đi ngoài ném vụt xuống ao, thế là xong chuyện. Nhưng cái khó của âm mưu này là ở chỗ khác. Lúc bắt cóc phải soi đền đi tới, chộp hết sức bất ngờ để cóc hốt hoảngm sau đó mỗi lần thấy bóng người hoặc bóng đèn là cóc không dám ho, sợ bị bắt lần nửa, nên nhảy vào bóng tối ẩn nấp. Nếu không cóc sẽ ho ngay cả khi thấy ngừoi tới, lộ tẩy âm mưu của thầy ngay. Còn khâu chỉ vào miệng có cũng cần khéo léo. Phải khâu một mũi chính giữa, buộc lưỡi của cóc luôn luôn nằm thẳng, không co vào đâu được nếu lưỡi co vào duỗi ra được là cóc sẽ nuốt mất viên thuốc lào.
- Anh ở với lão phù thủy mấy năm?
- Ba năm, Ba năm chỉ học leo trèo vượt tường, làm quen với chó la cà khắp các nhà giàu sang. Muốn đi chơi bao nhiêu cũng được nhưng phải về báo cho ông biết nơi đến chơi đã có những chuyện gì đặc biệt xảy ra. Ví như gia đình kia có anh em ở bên Pháp gặp tai nạn hoặc ông chủ nọ nằm ngủ gặp giấc mơ kinh hoàng, thức dậy rồi mà vẫn còn ngơ ngẩn.
Không phải ông Trẩn chỉ phù phép mà ông cũng còn luyện tập nữa. Ông đi trên tám mũi dao nhọn, nhưng thực ra chân ông chỉ đặt hờ vào mũi dao thôi, còn hai cánh tay nắm chắc thành thang rút người lên. Đêm đêm ông đóng cổng ngoài, đóng cửa trong, một mình tập leo. Các cơ bắp trên cánh tay ông nổi tròn, rắn chắc như một hiệp sĩ hay một đô vật. Tôi cũng phải học tập như ông, bởi vậy cái đạo đến lớp huấn luyện đặc công của tỉnh anh em rất khó nhọc khi leo vượt tường rào còn tôi xoạch một cái nhẹ như mèo lọt thỏm bên trong. Đó là thói quen lúc đi ở.
Việc phối hợp với ông Trẩn thầy phù thủy lừa dối người khác là sai, nhưng cũng phải nói rằng tôi học tập được ở ông rất nhiều, nhất là rèn luyện cơ thể vượt tường rào và tôi vận dụng vào huấn luyện cho bộ đội thực hiện bí mật: “ Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng…”
Ba năm, tôi trở thành tên đầy tớ mưu mẹo, làm giàu cho ông Trẩn rất nhiều
Minh đã muốn ngưng câu chuyện để thím Bảy còn về và Năm còn lo sắp xếp công việc ngày mai, nhưng cả hai người vẫn bắt kể, vẫn muốn nghe. Chưa giải thích xong hiện tượng này họ đã hroi sang hiện tượng khác.
- Còn chuyện ma đấm cửa? Năm hỏi
Minh trả lời:
- Nghe lúc đầu thì quả là huyền bí nhưng giải thích xong ai cũng thấy dễ dàng. Dạo đó hình như ông Chín Toại có người chú chết. Tôi nhớ mang mang ông Chín Toại vào hạng giàu có, lại hơi ngang ngang tính, coi thường ma quỷ và thần trùng. Ông Toại không tin thì người khác cũng không tin. Cứ để vậy sẽ ảnh hưởng đến công việc làm ăn, ông Trẩn nhân lúc ông Toại có chú chết, phao luôn tin là chú ông Toại chết vào giờ độc. Đêm đến ông Toại đóng cửa nghe ngóng: Quả nhiên đúng là có tiếng ma đập cửa. Đập nhè nhẹ, rồi đập mạnh dần…tiếng đập cửa ấy chính là do ông Trẩn tạo ra đó thôi. Không phải đối với ông Toại mà với nhiều người khác về sau ông cũng áp dụng cách này để kiếm sống. Chẳng là đêm hôm trước ông Traàn đã bảo tôi vượt tường chui vào nhà ông Toại, dùng mỡ gà và nước quả nhãn lồng, loại ngọt nhất, thơm nhất bôi vào cánh cửa. Hai thứ đó loài dơi rất thích. Loại dơi to ở hang đá xa xôi về bắt được mùi, lao tới giành nhau. Cảnh cửa không có chỗ cho dơi bám chân và lại dơi cũng yếu nên chúng phải vỗ vỗ cánh vào ván cửa, dùng miệng hút chất ngọt, nghe cứ tưởng như tiếng đấm cửa, Lúc người nhà thức dậy cầm đèn đi ra, thấy ánh sáng là dơi bay vù lên cao. Cửa đóng, chúng kéo nhau trở lại. Suốt đêm người nhà nghe tiếng đập bốc bốc lên cánh cửa, thần hồn nát thần tính, phải mời thầy phù thủy về cúng.
Năm hỏi:
- Khi cúng làm sao mà xóa được nước nhãn?
- Đơn giản thôi, Thầy phù phép hò hét bắt người nhà nấu nước sôi. Thầy tùng vào nước một gói bột và là bùa giấy bán có chữ son, Người ngoài xì xào bàn tán, đó là một đạo âm binh thầy sai phái đi từ ma quỷ. Thực ra lá bùa chỉ là giả mạo thôi, cái chính là gói bột màu nâu kia, đó là quả bồ kết được rang khô, tán nhỏ.
Dơi rất sợ mùi bồ kết, ở đâu có bồ kết là ít dơn nhưng rất nhiều muỗi, bởi dơi hay ăn muỗi. Thầy quét một lớp nước bồ kết lên cánh cửa, chờ khô khô, dán là bùa vào. Đêm hôm sau hết tiếng đập thình thịch.
Năm lại hỏi tiếp như sợ Minh ngừng một chút sẽ nghĩ tới công việc mà bỏ qua câu chuyện cô đang muốn nghe:
- Còn đặt chân lên lưỡi cày nung đỏ?
- Trước đây tôi cũng phục ông Trẩn sát đất. Không những mình phục mà mỗi lần về thăm nhà, còn kể cho tụi trẻ cùng lứa nghe, làm như mình với ông Trẩn cùng một cánh, cũng có bùa phép. Tụi trẻ xúm nhau lại, tò mò hỏi, bỏ cả buổi học sáng, mắt chúng trố tròn, có đứa sau khi nghe kể chuyện đêm về không dám ra sân nữa.Một buổi tối đang say sưa kể thì một thằng ở xóm dưới kéo chú bộ đội tới tỏ ý khoe và ra điều thích thú là hắn có bạn, một người bạn có phù phép trong tay: - “ Giới thiệu với chú đây là Lê Minh bạn của cháu, tương lai sẽ chỉ huy âm binh”. – “Cái gì? Âm binh nào? “ Chú bộ đội ngỡ ngàng hỏi.
Tụi trẻ con đứa nào cũng giành nhau nói, chúng kể về tôi như kể vể một chuyện thần thoại, một nói thành ba, ba nói thành chín. Lạ gì tụi trẻ con khi đã tưởng tượng ra đủ thứ thì không còn biết đâu là chuyện nói dóc nữa. Tôi biết chúng kể cũng có nhiều chuyện sai, cả những chuyện trước đây tôi nghe họ kể là xảy ra đâu tận Sài Gòn, mà giờ chúng cũng nói là của tôi. Tôi không chối, đứng gật gật đầu, bụng có vẻ hơi ưỡn ra một tý. Chú bộ đội hình như sực nhớ ra cười nói:
“-Đây hả. Đây hả!” Chú đi tới cầm tay tôi:”Ông nhóc, đừng đưa chuyện ma quỷ về huyễn hoặc làng xóm, gieo rắc mê tín dị đoan nhá!. Tôi cáu lắm, tự dung ông này mò tới làm mất hết cả uy quyền của mình. Tôi nói:”-Dị đoan làm sao. Chú biết quái gì. Chẳng được tích sự gì lại vô thần. “Ấy là hàng ngày tôi vẫn nghe ông Trẩn nói những người cách mạng là vô thần. Chú bộ đội nghiêm nét mặt lại, hình như tôi đã có thái độ quá đáng hoặc nói một câu gì hơi nặng nề. Chú hỏi: ”Cháu có thần à? Thần của cháu gồm những loại gì?” Tôi đỏ mắt tía tai trả lời: “Cháu chưa có thần, nhưng rồi sẽ có thần. Ông Trẩn nhà cháu có thần, có hàng trăm đạo âm binh, có pháp thuật trừ tà quỳ!”. Chú bộ đội gạt đi hỏi: ”Không mà quỷ mà cũng chẳng có âm binh nào cả. Bịp thôi. Ma đấm cửa là chuyện con dơi, “lão âm khái thanh” là chuyện con cóc, “trùng khảo mả” là chuyện con mèo” Tôi cãi: - “Thế nào là chuyện con mèo ạ?” Chú bộ đội vỗ vào vai tôi nói: “-Cháu đừng nóng này mà chóng già, dễ đau đầu, mất hết trí thông minh. Chính cháu cũng bị lừa, Từ trước đến nay cháu không để ý đến cách làm của lão phù thủy đó. Nếu cháu chú ý theo dõi sẽ rõ sự thật. Trùng khảo mả, có nghĩa là chết đúng giờ độc bị ma quỷ tra tấn, nên đêm đến người nhà ra thăm nghe tiếng rên ri trong mộ. Chuyện ấy không có gì là lại cả. Lão phù thủy đêm hôm trước đã đến chôn cạnh mộ người mới chết một con mèo sống. Con mèo đó được nhốt trong chiếc nồi hông bằng đất có nhiều lỗ thông hơi. Lão lấp đất ngụy trang rất khéo, khéo như bộ đội chôn mìn tren đường cái đánh xe địch. Người nhà đi tới viếng. Mèo nghe tiếng động đứng dậy cất tiếng kêu cầu cứu. Tiếng kêu trong nồi đất nghe âm vang rền rĩ và không còn là tiếng mèo nữa. Với sắn óc mê tín nên ai cũng tưởng là tiếng kêu của hồn người chết đang bị thần trùng tra khảo”. Chú bộ đội nói vậy, tôi cũng bán tín bán nghi. Có thể là trước kia mình tin hoàn toàn vào phù phép của lão Trần nên cứ tưởng học vượt rào, leo tường là để cho âm binh sợ. Ừ mà đúng thật, như cái việc luồn vào nhà ông Toại quét một thứ nước lên ván cửa, lúc đầu mình tưởng là để dọa mà quỷ. Nghe chú bộ đội giải thích mới rõ dần, và bấm bụng nghĩ kỳ này về thử theo dõi xem. Tuy vậy lúc đó tôi cũng còn cố cãi thêm: “Ma quỷ là loại mơ hồ, giải thích vậy cũng tạm nghe được nhưng còn chuyện đi trên lưỡi cày nung đỏ, uống dầu sôi, bùa biết đi. Không những tôi thấy mà hàng trăm người đứng quanh cũng thấy. Ông bịt được hết mắt họ à?”Chú bộ đội trả lời: “Giờ thì chú bận đi họp. Cháu có ở nhà đến ngày mai không? Nếu còn ở nhà chú sẽ làm mọi việc cho cháu thấy rõ ràng hơn.”
Đêm hôm sau, bộ đội tổ chức liên hoan văn nghệ, đốt lửa trại ngay giữa sân vận động, Họ hát tập thể, hô bài chòi ca vọng cổ, sau múa súng là đến tiết mục “ những mưu mẹo của thầy phù thủy” Bốn chú bộ đội vác nứa đã đốt đỏ vào một chỗ, bắc nồi nước lên. Lửa rừng rực cháy, bốc cao quá đầu người. Trong bếp có chiếc lưỡi cày nung đỏ. Một người bước ra mặc áo dài đen, quần trắng, tay cầm ô, bôi thêm nhọ nồi và phấn trắng vào mặt, lông mày kéo dài gần chạm tai, vắt dải khăn đỏ ngang vai, vung tay thét: “- Bớ âm binh, theo lệnh ta, mau mau lên đường thi hành nhiệm vu. Hỡi thần trùng khôn hồn cút sớm kẻo ta ra oai dưỡng sức thi tài” Nhìn kỹ chính là chú bộ đội hôm qua. Chú đã cải trang thành phù thủy, trông dữ tợn, bộ tóc giả xõa dài và mắt đeo kính trắng. Phép biểu diễn đầu là uống dầu đun sôi. Chú vẫy mọi người hãy đứng sát để xem. Dầu sôi sùng sục tưởng chừng chỉ một giọt bén vào tay cũng tuột da chín thịt. Chú xắn áo, mồm lẩm rầm đọc, hai tay bắt vào nhau như bắt quyết, hét lên một tiếng rồi dùng chiếc bát để cạnh vục vào nồi dầu đưa lên miệng uống. Uống một hơi ngon lành như buổi trưa đi làm về được bát nước chè xanh, Người xem chen nhau chăm chăm nhìn thử có phù phép gì không. Số sửng sốt, số vỗ tay. Rồi tất cả vỗ tay để chấm dứt tiết mục thứ nhất. Sang tiết mục thứ hai, chú kéo lưới cày trong bếp đã đỏ rực ra giữa nền sân cỏ.Hai chân không dày dép, chú đứng lên lưỡi cày, Miệng chú hát và tay bắt nhịp cho những người khác hát theo. Nào có ai hát, mặc dầu rất thuộc bài hát ấy và cũng rất quen hát tập thể, nhưng tất cả đang rờn rợn, thắc mắc và lo lắng cho hai bàn chân chú sẽ bị bỏng. Chú bước khỏi lưỡi cày chân không hề sây sát, phút chốc chú quên ngay chuyện đang làm, chú hét lên như thầy phù thủy, bảo các chú kia đưa chiếc mâm đồng ra. Chú đặt lên trên chiếc mâm đồng những đạo bùa xoắn tròn rồi đi vòng quanh, miệng lầm rầm đọc, hết đọc lại hét, bốn chú bộ đội khác kề bên cũng hát, hát như kiểu hát của người cúng văn. Mắt chú bộ đội đứng giữa nhăm nhắm. Còn một chú khác giải thích cho mọi người nghe: “Đó là thầy phù thủy đang giao nhiệm vụ cho âm binh. Âm binh nào rõ nhiệm vụ sẽ cuốn trong di chuyển”. Một chiếc, hai chiếc, ba chiếc bùa rồi tất cả đi vòng quanh. Khi chú gõ vào mâm đồng là các đạo bùa đứng lại
Người xem trầm trồ khen chú bộ đội có cả âm binh, chuyến này thì địch sẽ thua liểng xiềng.
Đêm đã khuya, còn đảm bảo sức khỏe cho ngày mai sản xuất và công tác, chú bộ đội thu các đạo bùa cho vào túi, gỡ khăn đội đầu, hai tay xoa xoa vào nhau nói: “Bà con, chú bác vừa xem xong một vài thần bí của thầy phù thủy. Thực ra không có gì là thần bí cả đâu” Chú bộ đội cho tay vào túi lấy ra một đạo bùa mở cho bà con xem, bên trong chỉ là con ốc nhỏ, loại ốc vặn ở cầu ao. Chú giải thích rằng phải để mắt hàng ngày, chọn tìm những con nào hau đi, xong cuốn vào tờ giấy bản, cho miệng ốc nằm dưới. Lúc đàn hát không khí yên ả là ốc bò, kéo theo tờ giấy trên lưng. Con ốc trong tay thầy phù thủy làm cho ta tưởng có phép tài giỏi sai khiến được âm binh.” Chú móc túi lấy ra nắm bùa, vừa dặt xuống bàn là tụi trẻ con ùa tới cướp và ngày hôm sau trong xóm không còn con ốc nào nữa. Chúng thi nhau bắt, cuốn vào giấy làm phép.
Sang chuyện đi trên lưỡi cày nung đỏ, chú giải thích là dùng nước là trầu không hòa tan trong thủy ngân với thạch lãnh sẽ có chất cách nhiệt rất tốt. Bôi các chất đó vào chân là đi được trên than hồng, trên lưỡi cày nung đỏ. Bôi càng dày đi càng lâu. Một thằng bé lau nhau hỏi ngay: “- Lấy chất thủy ngân và thạch lãnh ở đâu ạ?” Chú trả lời là nên đi học cho giỏi cho đến cuối chương trình văn hóa cấp hai sẽ rõ, Đừng hỏi tắt về làm dọa người khác, không cẩn thận bị bỏng chân đó.
Tôi đúng nghe cũng thấy thích, mọi điều rõ rang, có một số điểm mà ông Trẩn hay làm, muốn hỏi thêm nhưng ngài ngại. May quá đã có người hỏi đúng điều mình đang thắc mắc như việc uống dầu đun sôi. Chú nói: “Chỉ được uống dầu đun sôi thôi nha, và chỉ được dùng dầu lạc đun sôi thôi vì dầu lạc đun lên thấy sôi, ta đứng ngoài tưởng là nóng lắm nhưng cũng chỉ nóng từ sáu mươi đến bảy mươi độ Trước khi múc uống, thầy phù thủy thường cầm chiếc bát, trong bát đựng rượu Thầy huơ huơ tay trên nồi, đọc thần chú, đổ bát rượu vào. Rượu bốc hơi nhanh nên nhiệt độ trong nồi lúc nào chỉ còn bốn mươi đến năm mưoi độ, múc uống ngay sẽ không việc gì cả. Tôi vừa làm cho bà con xem là như vậy đó. Chú ý là chỉ dùng dầu lạc để nấu thôi, còn các loại dầu khác nhiệt độ sẽ rất cao và thế này nữa: Người nầu dầu bao giờ cũng phải là loại tin cậy nhất của thầy phù thủy, bởi dùng kẻ khác nhỡ họ phản bội, cho nhúm muối vào là nhiệt độ sẽ tăng đột ngột làm bỏng miệng, bỏng lưỡi.
Chú kết luận: “Vũ trụ bao la, thế giới đầy bí ẩn, ta cũng đừng nghĩ rằng không có thần linh, không có thế giới bên kia. Nhân loại khoa học đang nghiên cứu vấn đề này, ta phải ủng hộ nhưung cũng cần vạch mặt một số kẻ đang lợi dụng kiểu thầy phù thủy dùng mánh khóe để lừa lọc bà con ta”.
Sau đó chú gặp tôi nói: Cháu nên trở về với gia đình, xin đi học hoặc lao động giúp đỡ má cháu, Theo thầy phù thủy chỉ trở thành tay sai, lớn lên sẽ có tội với nhân dân. Ba năm qua cháu học được gì nào? Học thói lừa lọc thôi ư? Để chú bàn với má cháu”
Tôi trở về nhà thầy phù thủy, để ý quả đúng là thầy chỉ tìm cách đánh lừa người như chú bộ đội đã nói. Từ mến phục ông Trẩn, tôi chuyển qua bực bội, khó chịu, song bề ngoài vẫn giữ vẻ bình thường. Mãi tới hôm xã dưới mời ông đi trừ ma, ông giao tôi việc đun dầu sôi. Cũng thử xem chú bộ đội nói đúng hay sai, tôi thủ nhúm muối ném vào nồi lúc dầu đang sôi sùng sục. Ông Trẩn vục bát múc lên uống bỗng ông trừng mắt nhìn tôi, nhìn nồi dầu quát: “Thằng chó! Đứa nào…”. Ông nói chưa hết câu hai tay đã bưng lấy miệng. Gia chủ xúm đến dìu ông tới giường. Hình như mất một tháng ông phải dùng nước cơm pha đường, không nhai được thứ gì hết. Tiếng đồn ầm lên là thần trùng vùng đó cao tay đã trị lại thầy phù thủy. Còn tôi trốn một mạch về nhà mẹ. Từ đó được các chú bộ đội giúp đỡ, cho đi theo, và khi cả xã tôi cũng như cả huyện bị địch đóng chiếmm tôi vẫn ở lại xã, hoạt động bí mật, Có hôm tôi đánh cắp được của tụi ngụy hai trái lựu đạn, Tôi định ném vào nhà chúng khi đêm xuống chúng nằm ngủ. Hồi này chúng bắn giết, triệt hạ những người và những gia đình cộng sản. Cơ sở cách mạng hầu như tan vỡ. Tôi xin phép chú bộ đội đã giải thích các âm mưu của thầy phù thủy, hồi này chú hoạt động bí mật Chú bảo: “Nó canh gác kỹ lắm, không len vào để ném được đâu. Hơn nữa cháu chưa nghe tiếng nổ bao giờ, lập cập ném rất khó. Vậy đang đêm cháu cầm một quả lựu đạn ra chỗ đất trống đầu thôn ném thử. Đó là cách tập ném lựu đạn với lại lựu đạn nổ cũng là tiếng thức tỉnh báo cho bà con biết, chúng chưa giết hết được cách mạng đâu, cách mạng vẫn còn xung quanh bà con.
Câu chuyện Lê Minh kể cho thím Bảy và Năm nghe rất hấp dẫn, mỗi người có một sự hấp dẫn và liên hệ khác nhau. Thím Bảy nghĩ: Từ nay đi qua khoảng trống mà xưa kia là bãi tha ma mình không còn sợ nữa và thím chợt nghĩ ra tiếng thình thịch như tiếng ma đuổi theo làm thím hoảng hốt, có thể chỉ là tiếng chân mình bước dội vào đêm vắng vẻ mà thôi.
Con Nuôi Thầy Phù Thủy Con Nuôi Thầy Phù Thủy - Cao Tiến Lê Con Nuôi Thầy Phù Thủy