Bất hạnh là liều thuốc thử phẩm chất của con người.

Seneca

 
 
 
 
 
Tác giả: Lan Khai
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Ngô Hồng Dương
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1966 / 21
Cập nhật: 2016-04-09 07:24:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ung hầu đủ tăm nước, điếu đóm cho cha rồi mới bưng mâm xuống bếp. Cô ngồi vào ăn, nhưng tay vừa nhấc bát đũa thì hai mắt đã rưng rưng, cổ họng đã nghẹn ngào...
Dung đột ngột thấy mình trơ lại với một trái tim đầy tiếc hận. Từ khi biết Kính, Dung chưa hề tưởng tượng có một ngày Dung phải xa cách Kính, chưa hề chờ đợi một éo le nào trong những éo le khe khắt mà cuộc đời vô thường vẫn đem lại cho người ta. Dung yên trí sẽ trở nên vợ Kính, bởi lẽ giản dị là từ khi biết mình cũng có một cuộc đời, Dung thấy ngay đời mình có liên lạc mật thiết với đời Kính.
Đã thế, vừa rồi cớ sao Dung lại nhận lời với Nhuận? Dung ngạc nhiên và hổ thẹn như mình đã dối lừa. Một câu Kính hát từ lâu chợt lại ám ảnh trí nhớ Dung, như một hối hận:
Non non nước nước khơi chừng...
Ái ân đôi chữ xin đừng có quên!
Tình sâu mong trả nghĩa đền;
Đừng vui chốn khác mà quên chốn này!...
Dung đỏ mặt cúi đầu nhưng lại ngẩng lên và nhìn thẳng vào ngọn đèn hiu hắt... "- Thế nào, khổ tâm của thầy con đã rõ, vậy con vui lòng chứ?..." Dung thở dài lẩm bẩm:
"- Anh ơi, anh nên biết cho em không phải là kẻ phụ ngãi tham vàng!..."
Tuy đã cố lẩn vào sau nghĩa vụ, Dung vẫn không thôi đau đớn... Cô đứng dậy cất mâm nồi và rửa đũa bát để còn giần lấy mẻ gạo sớm ngày mai. Dung vừa làm vừa khe khẽ thở than cùng tịch mịch:
Bớ thảm ơi! Bớ thiết ơi!
Bớ bạn tình nhân ơi!
Thân em như cái quả xoài trên cây,
Gió đông, gió tây, gió nam, gió bắc,
Nó đánh lúc la lúc lắc trên cành!..
Một mai rụng xuống biết vào tay ai?
Kìa khóm trúc, nọ cành mai...
Ông tơ, bà nguyệt se hoài chẳng thương...
Dung thu dọn xong, đem mẻ gạo ra giần...
Đêm bấy giờ đã khuya; mặt trăng đã xế... Làng Ỷ La ngủ im sau một ngày gặt hái bộn bề.
Dung ngồi làm việc dưới ánh đèn, thỉnh thoảng ngẩng đầu, lặng lẽ nhìn vào bóng tối.
Dung chẳng mơ màng gì hết. Thân thể cô suốt ngày quần quật ngoài đồng đã mệt lả. Tâm trí cô đau đớn đã tê mê...
Bên hàng xóm, bác xã Ngọ vẫn ru con; giọng lè nhè lẩn trong tiếng võng đưa cót két...
... Vầng trăng dần khuất sau đỉnh núi xa. Mặt sân như rắc một lần vôi mỏng. Sương trắng nằm im trên mặt đồng không...
Dung mở túi trầu định nhai một miếng cho đỡ lạnh thì gà hàng xóm cũng vừa xao xác...
- Ồ, thế mà đã sáng rồi nọ!
Dung vươn vai đứng dậy, cầm ấm ra chum. Cô ngửa mặt nhìn trăng và bùi ngùi nhớ lại cảnh trăng đêm rằm tháng tám, lòng xuân của cô bắt đầu thổn thức với tình...
"- Anh Kính lúc này hẳn đương ngon giấc!".
Câu nói gợi ra trong lòng Dung một cảm giác tê tái về sự cô đơn...
Khăn thương nhớ ai?
Khăn rơi xuống đất...
Khăn thương nhớ ai?
Khăn chùi nước mắt...
Khăn thương nhớ ai?
Khăn vắt lên vai...
Đèn thương nhớ ai?
Mà đèn không tắt...
Mắt thương nhớ ai?
Mắt ngủ không yên...
Đêm qua em những lo phiền...
Lo vì một nỗi chẳng yên bề nào?
o O o
Ở trong một làng với nhau, đố ai có chuyện gì mà giấu kín được. Một tin vừa đồn ra là bay truyền ngay đi khắp các cửa miệng.
Đã mấy hôm nay, cái việc thầy lý Nhuận hỏi Dung, chẳng ai còn không biết. Người tốt với nhà ông đồ thì lấy làm mừng và ngợi khen Dung:
"- Cô ta ngoan nết quá! Vừa hay làm vừa đứng đắn và nhũn nhặn. Ông bà cụ Bá được con dâu ấy, cơ nghiệp còn là nổi!...".
Rồi họ nhắc đến bà đồ:
"- Thế mới biết mẹ nào con nấy: Trứng rồng lại nở ra rồng; liu điu lại nở ra dòng liu điu!".
Nhưng lẫn trong những lời công bằng ấy, tiếng gièm pha chẳng phải là không nhiều. Ở đời, ai không có kẻ ghét ghen! Thứ nhất các cô gái mong chồng càng ngứa ngáy khó chịu về sự may mắn của Dung. Họ túm năm tụm ba trong trong những lúc đi chợ hay làm việc ở ngoài đồng để bàn tán dầy mỏng về Dung. Họ dè bỉu Dung những là đũa mốc chòi mâm son và chuột sa chĩnh gạo. Họ nói dửng dưng lên những chuyện không tốt để gán cho Dung rồi họ kết luận rằng ngữ gái như Dung mà làm dâu nhà cụ Bá thì chẳng khỏi vào mồng ba, ra mồng bảy, dẫy mồng tám mà thôi!...
Đến Hạnh, thân với Dung là thế, cũng phản Dung nốt. Một hôm, đương buổi gặt, Hạnh bảo Sung, cô gái út ông Phó hội Mẫn, cô tình nhân xấu số của Nhuận:
- Con Dung độ này làm bộ đáo để. Cái mặt nó lúc nào cũng vác lên, nom rõ đáng ghét quá chừng!...
Sung bĩu môi:
- Làm bộ với ai chứ thử làm bộ với con này xem! Mà ra chó gì cái thói chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng ấy?...
Vẫn chưa thỏa căm hờn, Sung nói tiếp:
- Cái thằng lý Nhuận thì còn ai lạ nó nữa! Đồ phá gia chi tử ấy mà! Trước kia, mấy lần cu cậu chực vờn tôi, nhưng phải biết đây chứ không phải con Dung!...
Hạnh biết thừa cô ả nói mỹ tự nhưng cũng đáp lấy lòng:
- Phải, Dung thì ví với chị thế nào được!
Sung đắc ý:
- Mành treo chiếu rách cũng treo, hương xông nghi ngút củi rều cũng xông!
- Chỉ ái ngại cho anh Kính hay chắc bụng người, có ngờ đâu thiên hạ chết mệt vì tiền cả!
- Ế, tôi cũng mong manh hai người có tình với nhau...
- Có tình mà thôi à? Lại không già nhân ngãi non vợ chồng rồi ấy!
Sung và Hạnh đương bàn tán thì Dung chợt vừa ở chợ về qua, tay cắp rổ rau muống...
Hạnh đưa mắt cho Sung rồi dài môi hát:
Có bát sứ, tình phụ bát đàn.
Nâng niu bát sứ vỡ tan có ngày!...
Bây giờ hai ngả Đông Tây;
Trước kia xe mối duyên này làm chi!...
Sung họa theo:
Tham vàng bỏ ngãi, nàng ôi!
Vàng thời ăn hết, ngãi tôi vẫn còn...
Sung và Hạnh trông nhau cười khúc khích...
Dung gai cả người; cô chợt nghĩ: "Nếu anh Kính cũng nhầm như họ?".
Dung đau lòng có thể khóc lên được. Cô nhất định đi tìm Kính để nói rõ tâm sự mình.
- Nội nhật hôm nay, ta phải gặp Kính mới được!
Dung bước rảo về nhà. Cô làm bữa ăn xong, thu vén bếp nước để đến trưa thì ra đi.
Nhưng kìa! Mặt trời đã đứng bóng...
Dung tự nhiên thành do dự. Cô chỉ e gặp phải nụ cười khinh bỉ và nét mặt lạnh lùng của Kính. Cô loay hoay làm hết việc này sang việc khác, tìm cớ lùi chậm lại cái phút ghê gớm sau cùng...
Thời khắc lạnh lùng qua...
Ánh nắng dần dần nhạt...
Rồi mặt trời lặn...
Quanh quẩn đã tới bữa cơm chiều!
Lại ăn uống; lại thu dọn cửa nhà; lại xem cổng ngõ; bấy nhiêu việc làm xong thì ngày vừa tối sầm...
- Mai ta tìm anh Kính cũng chưa muộn!
o O o
... Đã bao nhiêu ngày mai!
Càng lui lại cái phút phải gặp Kính chừng nào, Dung càng thấy mình nhút nhát thêm chừng nấy. Gặt hái cũng xong rồi. Dung ít có dịp ra khỏi cổng. Thêm mùa đông tới, mưa gió sụt sùi... Dung đành tự giam mình trong sự buồn thương, hối hận, sống những ngày dài tẻ ngắt...
Thế rồi, buổi sớm kia, Dung bừng mở mắt trước một cảnh tươi cười. ánh vàng dội lênh láng trên sự vật; những mái nhà tranh nghi ngút bốc hơi; đường đi bắt đầu khô ráo, từng đàn khiếu, yểng, vàng anh đua nhau hót trong khi hoa đào, hoa mận nở tưng bưng...
Suốt bốn tháng trời đằng đẵng, Dung tuy khao khát mà vẫn chưa dám gặp Kính, lại cũng chẳng rõ âm hao gì về Kính.
Việc cưới xin của Dung thì ngày càng gần lại, khiến ông đồ vui sướng quên cả bệnh tật, khiến cô Sung, cô Hạnh càng bồn chồn, những lời ong tiếng ve càng xôn xao...
Dung ngấm ngầm đau khổ giữa sự rộn rịp quanh mình...
Bỗng, ngay sớm hôm nhà trai dẫn cưới, chị xã Ngọ gọi qua bờ rào và giúi cho Dung một phong thư.
- Anh Kính nhờ tôi đưa cô cái này.
Dung choáng váng; lần thứ nhất Dung đã nhận một bức thư tình!
- Xin cảm ơn chị...
Dung vừa lắp bắp được mấy câu đã vội chạy lên buồng. Cô run tay mở bức thư chỉ vỏn vẹn có mươi dòng chữ:
Cô Dung!
Tôi từ lâu đã định ra ngoài kiếm ăn. Nay tôi đã sẵn món tiền bán mấy thửa ruộng, nên tôi phải đi ngay, kẻo lại tiêu hết. Tôi xin chào thầy và gửi lời thành thực chúc mừng cô lấy chồng được bách niên giai lão. Tôi biết chắc cô tư lự nhiều lắm nên phải có thư này khuyên cô đừng nên nghĩ ngợi gì cả. Người ta ai chẳng cốt hiếu với cha mẹ làm đầu?
Ngày nào em bé cỏn con;
Bây giờ em đã nhớn khôn thế này!
Cơm cha, sữa mẹ, công thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao!
Tôi xin tặng cô câu hát đó và mong rằng cô sẽ coi tôi như một người em trai hay một người anh cả...
Một tiếng thổn thức, tự đáy lòng Dung thoát ra, làm cho cô như vừa cất được cái gánh nặng... Mắt Dung đầm đìa những giọt lệ nhớ ơn...
Thì ra Kính đã không hờn giận và khinh bỉ Dung như cô vẫn sợ. Kính đã thấu tình cho Dung và, chắc hẳn, chàng đã hiểu rõ cái khổ tâm của ông đồ! Dung hối hận vì đã bỏ lỡ cái dịp cuối cùng được thở than cùng Kính...
Một thương, hai nhớ, ba sầu...
Cơm ăn chẳng được, ăn trầu ngậm hơi!
Thương chàng lắm lắm chàng ơi!
Biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than?...
Muốn than mà chả được than,
Kìa như đá đổ bên ngàn lầu tây.
Đá đổ, còn có khi đầy;
Thương chàng, biết thuở nào khuây hỡi chàng?
Cô Dung Cô Dung - Lan Khai Cô Dung