Nếu bạn không đủ sức để chịu thua, bạn cũng sẽ không đủ sức để chiến thắng.

Walter Reuther

 
 
 
 
 
Tác giả: Yasunari Kawabata
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: 川端 康成
Dịch giả: Thái Văn Hiếu
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6699 / 193
Cập nhật: 2015-08-21 07:45:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6: Những Cành Thông Xanh
akichiro được biết là gần chùa Nandgendgi có một ngôi nhà thích hợp người ta rao bán, nên ông rủ Xighe và Chieko đi thăm thử xem. Nhân thể cũng làm cuộc dạo chơi để hưởng tiết ấm trời đầu thu.
- Mình định mua đấy à? - Xighe.
- Trước hết phải xem cái đã, - Takichiro cáu kỉnh đáp. - Tôi cần một căn nhà nhỏ mà rẻ rẻ thôi. Thậm chí có không mua thì chẳng qua là đi dạo, - không tốt à?
- Tất nhiên cũng tốt thôi...
Lòng Xighe đầy lo lắng. Nếu mua nhà, hàng ngày họ phải đạp xe tới cửa hiệu. Ở Kyoto này đã có nhiều thương gia trong quận Nakaghio sống tại những căn nhà tách biệt với cửa hiệu nhà mình giống như các chủ cửa hàng ở Ghinxe và Nhihonbaxi bên Tokyo. Tuy nhiên, vậy cũng còn chưa đến nỗi nào. Nhất là lúc này Takichiro còn có điều kiện tậu nhà hơn, cho dù hồi gần đây công việc ở cửa hàng không được tốt. Nhưng ngộ nhỡ ông định mua nhà để bán cửa hiệu lui về nghỉ hưu thì sao? Cứ cho rằng có thể ông quyết định tậu nhà trong lúc còn có một khoản tiền dư. Song, nếu vậy ông sẽ sống bằng gì? Của đáng tội, Takichiro đã ngoại ngũ tuần từ lâu, nên ông có quyền hành động thế nào tùy ý. Người ta sẽ trả cái cửa hiệu món tiền không nhỏ, mà dù sao chăng nữa sống bằng số lãi phần trăm cũng buồn. Tất nhiên, có thể tìm được một người đáng tin cậy đầu tư khoản tiền bán cửa hiệu cho có lợi, song Xighe chưa nhớ ra một ai trong số những người quen biết.
Mặc dù Xighe không hé nửa lời nhưng Chieko đã ngay lập tức cảm thấy mối lo ám ảnh bà. Nàng âu yếm nhìn mẹ để cố làm cho bà yên tâm.
Takichiro thì ngược lại, đang rất phấn chấn.
- Cha ơi, nếu đã đến gần chỗ Nandgendgi thì có lẽ ta rẽ cả sang Thanh thiên Sen nữa - chỉ dừng ở lối vào một lát thôi cũng được, - Chieko yêu cầu lúc họ lên xe.
- Cha hiểu rồi, con muốn ngắm cái cây long não ấy chứ gì?
- Vâng! - Chieko ngạc nhiên trước sự tinh ý của Takichiro.
- Ừ thì ta rẽ. Cha con thời trẻ vẫn gặp gỡ bạn bè dưới bóng cây long não ấy luôn, Chieko ạ. Bọn cha chuyện trò thôi thì đủ thứ. Bây giờ thì chẳng còn ai ở Kyoto nữa.
- Ở đấy đối với cha có nhiều chỗ đáng ghi nhớ lắm.
Chieko im lặng một lúc, cố khỏi làm phiền cha vẫn đắm mình trong hồi ức, sau đấy nàng nói:
- Con cũng đã lâu chưa thấy cây long não này, - kể từ hồi ra trường. Mà cha có biết không, tham quan chùa Thanh thiên Sen được kể là một trong các lộ trình du lịch buổi tối đấy. Ở đấy có các vị tăng ni cầm đèn lồng đón du khách. Đã có lần con đi chuyến xe buýt du lịch ấy.
Con đường dẫn từ xe buýt tới lối vào chùa mà du khách đi bộ dưới ánh đèn lồng khá dài và thú vị. Song cũng vì thế mà tính chất hấp dẫn của cuộc thăm viếng ngôi chùa bị cạn kiệt.
Trong sách hướng dẫn du lịch có nói rõ rằng, các vị ni cô chùa Thanh thiên Sen có bày nghi thức trà đãi du khách.
- Thực ra thì người ta nhất loạt đưa tất cả vào một gian phòng lớn, bày ra một khay to tướng những cái chén xấu xí, du khách uống hết trà cho mau rồi rút lui, - Chieko bật cười. - Của đáng tội được cái cũng có vài vị ni cô có mặt, nhưng nghi thức - nếu có thể gọi cảnh uống trà như thế là nghi thức - thì diễn ra nhanh đến chóng mặt. Con cũng phải phát chán, đã thế trà chỉ hơi âm ấm.
- Đành vậy thôi. Chứ nếu người ta nghiêm thủ mọi quy tắc thì riêng việc uống trà đã hết bao nhiêu thời gian rồi...
- Vậy còn chưa đến nỗi nào, chứ uống trà xong họ mới bật đèn pha trong vườn chùa, một nhà thuyết giáo hùng hồn hết mức bước ra khoảng giữa và bắt đầu bài thuyết trình bất tận về ngôi chùa.
- Sau đấy họ hộ tống chúng con lên chùa. Đâu đấy vẳng lại tiếng Koto 1, song con với cô bạn gái vẫn cứ không rõ: liệu người ta chơi koto thật hay mở máy quay ra cũng nên...
- Thế đấy, thế đấy...
- Rồi người ta chở chúng con lên đường đi xem các vũ nữ Ghion. Họ múa mấy điệu, nhưng bộ dạng họ mới chán chứ?
- Con không thích họ ở điểm nào?
- Kimono họ mặc thì xài xạc, thắt lưng thắt cẩu thả, thật là buổi biểu diễn thảm hại. Từ Ghion xe buýt du lịch chuyển bánh đi Shumiva nằm trong quận Shimabara, nơi người ta cho du khách xem tayu các bà đua đòi lẳng lơ. Họ thì lại mặc những chiếc kimono rất xa hoa. Dưới ánh nến đại, họ phô diễn điển trao nhau chén sake trong đám cưới, rồi trong gian phòng tayu nền đất, họ lấy điệu bộ này nọ giả như đi dạo ngoài phố. Thế là hết.
- Chả ít ỏi lắm đâu, - Takichiro bác lại.
- Điều thú vị nhất suốt lộ trình là đám rước đèn lồng lên chùa Thanh thiên Sen và hành trình đến Shimabara. - Chieko nói. - Nhưng hình như con đã kể với cha chuyện này rồi...
- Lúc nào rủ cả mẹ đi với. Mẹ chưa lần nào có dịp đến Shumiya xem tayu, - Xighe yêu cầu. Cùng lúc ấy xe đã tới gần chùa Thanh thiên Sen.
Khó mà lý giải được, vì sao đột nhiên nàng muốn ngắm cây long não. Nàng nhớ đến cuộc đi dạo con đường trồng long não trong vườn bách thảo cách đây không lâu chăng? Hoặc giả, có lẽ vì trong lần gặp gỡ mới đây Naeko bảo rằng, những cây thông liễu trên Bắc Sơn là cây trồng, chứ cô thì thích những cây nào mọc chính bằng sức mình chăng?
Bốn cây long não nhô lên trên tường rào đá của ngôi chùa, cây ngay gần là cây già nhất.
Chieko cùng cha mẹ dừng lại trước cây long não và im lặng ngắm. Càng nhìn các cành cây đan quyện nhau cầu kỳ bao nhiêu thì càng đâm ra có cảm giác rõ rệt hơn, là dường như trong cái cây già này ẩn giấu một sức mạnh hung hiểm nào đấy.
- Ngắm một chút, vậy là đủ, - Takichiro nói và là người trước nhất tiến về Nandgendgi.
Takichiro lấy trong ví ra mảnh giấy nhỏ có sơ đồ vị trí ngôi nhà mà họ quan tâm và bắt đầu xem xét kỹ.
- Cha không biết rõ lắm, - ông quay lại nói với Chieko, - nhưng xứ sở của cây long não là các nước phương Nam, nơi khí hậu ấm. Ta có nhiều cây long não lớn ở Atami và Kyuxiu chứ còn tại Kyoto này, đến cả cái cây cổ thụ ấy cũng hao hao giống Bonsai - chỉ có điều là to hơn.
- Không lẽ cả Kyoto giống như vậy sao? Cả núi non xung quanh, cả sông suối, rồi con người... - Chieko nói.
- Mà đúng thế đấy - Takichiro gật đầu, - song con người thì không hoàn toàn như vậy...
-...
- Không hẳn như vậy cả trong số những người hiện đang sống, cả trong số những người mà tên tuổi họ còn lưu lại trong lịch sử những năm đã qua...
- Có lẽ.
- Nhưng nếu cứ theo cái suy lí của con, Chieko ạ, thì ngay toàn bộ đất nước có tên là Nhật Bản cũng hao hao như Bonsai.
- Cha bắt đầu nói những chuyện nghiêm túc đây, Chieko nghĩ. - Và chính vào lúc chăm chú nhìn thân cây long não già, nhìn những cành dài đan nhau đến kỳ quặc của nó thì cũng đâm rờn rợn mà cảm thấy một sức mạnh to lớn biết bao ẩn giấu trong cái cây ấy. Phải vậy không thưa cha?
- Đồng ý. Cha ngạc nhiên vì chuyện khác cơ: tại sao một cô con gái còn non trẻ như con lại suy ngẫm điều đó? - Takichiro ngoái lại trông cây long não rồi chăm chú nhìn Chieko và nói, - Nhưng con nói đúng. Quả là sức mạnh ấy đang sống cả trong con nữa đấy, mà cũng chính nó buộc mớ tóc huyền của con dài ra nhanh biết bao...Dạo gần đây cha con đâm chậm hiểu. Cảm ơn, con đã dạy lão thấy!
- Cha! - Chieko mủi lòng thốt lên.
Họ dừng lại cạnh cổng Nandgendgi, liếc qua khoảng sân chùa mênh mông - hầu như không một bóng người và lặng ngắt như mọi khi.
Dò lại sơ đồ vẽ trên mẫu giấy xong, Takichiro rẽ trái.
Ngôi nhà không lớn và nằm giữa khu đất bao quanh là tường rào cao bằng đất trộn rơm. Ở hai bên con đường nhỏ dẫn từ cánh cổng hẹp vào nhà có những bụi hagi 2 trắng, chúng đang kỳ nở rộ.
- Tuyệt thật! - Takichiro thốt lên, dừng lại cạnh cổng và ngắm những đóa hoa trắng. Song ý muốn tậu ngôi nhà này đã tan biến. Ông nhận thấy một tòa khách sạn hiện đại có kèm tiệm ăn.
Nhưng dù sao Takichiro cũng không thể cầm lòng bỏ đi ngay: những bụi hagi ra hoa đẹp là thế! Kể từ dạo Takichiro tới đây lần cuối, người ta đã dần dà xây dựng trên đại lộ gần chùa Nandgendgi bao nhiêu quán ăn và khách sạn. Một vài tòa nhà được biến thành ký túc xá, trong đấy là những nhóm sinh viên huyên náo người tỉnh xa cư ngụ.
- Nhà tựa hồ tốt đấy, nhưng chuyện mua thì thôi, - mắt vẫn nhìn mấy khóm hoa, Takichiro lẩm bẩm. - Chỉ ít lâu nữa Kyoto đến biến thành một ô-ten khổng lồ có kèm cao lâu. Như ở vùng lân cận chùa Kodaidgi... Giữa Osaka và Kyoto bây giờ là một khu công nghiệp điển hình. Đất trống còn lại có chăng là ở Nhixinokio, mà ngay ở đấy cũng đã bắt đầu xuất hiện những ngôi nhà theo kiến trúc thời thượng đến thánh cũng chả tưởng tượng nổi... - ông rầu rĩ kết luận.
Say mê vẻ đẹp của những đóa hoa trắng, Takichiro quay lại phía cổng ngôi nhà bán để ngắm chúng lần nữa.
- Hoa nở tuyệt vời biết mấy. Chắc gia chủ nắm được bí quyết gì đó - Trở về chỗ hai người phụ nữ đợi mình, ông thán phục nói. - Của đáng tội, khéo phải dùng cọc chống cho các khóm hoa chứ nếu không sau trận mưa qua con đường hẹp thế kia vào nhà làm sao được. Có lẽ lúc trồng gia chủ không hề có ý nghĩ rời bỏ ngôi nhà, chứ giờ họ còn bụng dạ nào nghĩ đến hoa nữa.
Xighe và Chieko lặng im.
- Bản tính con người là thế đấy, - vừa lau trán Takichiro kết luận.
- Cha ạ, nếu cha thích loài hoa này thế thì cha hãy cho phép con nghĩ cho cha một phác thảo có họa tiết bằng hoa hagi. Chieko nói để cố làm Takichiro lãng quên những ý nghĩ phiền muộn. - Năm nay con e không kịp mùa mất, chứ sang năm nhất định con sẽ vẽ.
- Nhưng, đấy là thứ hoa phái yếu, họa tiết như vậy chỉ hợp với kimono của nữ mặc mùa hè thôi.
- Con sẽ làm họa tiết không phải cho kimono.
- Cho quần áo lót chắc? - Takichiro nhìn Chieko ngồi cố nén cười nói thêm: - Để phúc đáp con cho tương xứng, cha sẽ vẽ cho con một phác thảo kimono hoặc áo khoác có họa tiết cây long não. Cho dù bấy giờ thì cô Chieko đành phải biến thành đàn ông...
-...
Mà tất cả sẽ thành trái ngược hết: đàn ông hóa phụ nữ, còn phụ nữ hóa đàn ông.
- Làm gì có chuyện ạ?
- Không lẽ con dám cả gan mặc kimono họa tiết long não mà ra phố - đấy là mẫu thuần túy nam tính cơ mà.
- Vâng, con sẽ diện vào rồi ra, ra đâu cũng được!...
- Úi chà chà! - Takichiro cúi đầu nghĩ ngợi - con thấy không Chieko, cha không phải chỉ thích loài hoa hagi, - ông nói. - Tâm hồn sẽ đáp lại bất cứ thứ hoa gì - tất cả tùy thuộc ở chỗ con thấy nó khi nào và trong hoàn cảnh nào.
- Có lẽ cha nói đúng...- Chieko tán thành - nhân tiện cha ạ, một công tới đây ta ghé qua cửa hiệu Tatsumura chứ nhỉ - không xa xôi đâu...
- Vào cửa hàng dành cho khách ngoại quốc ấy? Mình nghĩ sao, Xighe?
- Thôi được, nếu Chieko nó muốn... - Xighe đáp vẻ dung hòa.
- Ừ thì ta xem Tatsunlura buôn những thứ thắt lưng kimono ra làm sao.
Vào cửa hàng, Chieko rẽ sang phải rồi bắt đầu thích thú xem kỹ các thứ lụa dùng cho phụ nữ cuốn thành từng súc. Chúng được sản xuất ở các xí nghiệp Kanebo.
- Chieko này, con có định may cái váy Âu không? - Xighe tiến lại gần quầy hỏi.
- Không mẹ ạ. Chẳng qua là con để ý xem người nước ngoài họ thích những thứ lụa gì.
Xighe gật đầu, rồi đứng đằng sau Chieko chốc chốc bà giơ tay rờ rờ mặt lụa.
Ở gian giữa và hành lang có trưng bày những mẫu vải phỏng theo các loại vải cổ của kho Xioxoin 3.
Takichiro vẫn thường đến thăm các triển lãm do Tatsumura tổ chức, ông nhớ tên tất cả các thứ vải và phác thảo cổ đã bày, xong cũng chẳng từ nỗi niềm khoái cảm được ngắm nghía chúng lần nữa.
- Chúng tôi có ý muốn phô bày cho khách nước ngoài thấy ở Nhật người ta có đủ tài tạo được những vật dụng như thế nào, - viên quản lý quen thuộc giải thích riêng với ông.
Takichiro cũng đã nghe ông ta nói chính câu này khi ông tới đây lần trước và ông gật đầu vẻ tán thành. Nhìn mẫu phỏng theo thứ vải thời Đường 4, ông nói vẻ thán phục:
- Phải, thời cổ người ta đã biết cách làm rồi. Những vải như thế này làm cách đây một ngàn năm cơ đấy.
Ý chừng, các loại vải giả cổ chỉ trưng bày để xem. Trong số đấy có cả những loại vải dùng làm thắt lưng phụ nữ. Takichiro rất thích. Ông hẳn sẽ rất vui lòng mua vài cái thắt lưng như thế cho Xighe và Chieko, song cái cửa hiệu dành cho khách nước ngoài này không bán thắt lưng. Chỉ có thể mua ở đây họa chăng những dải khăn thêu để lên bàn trang trí là cùng. Ngoài khăn tua ra người ta còn bán túi xắc, giấy thấm, bót thuốc lá, khăn lụa và đại loại là những hàng mỹ nghệ lặt vặt.
Takichiro chọn cho mình mấy cái cà-vạt và một chiếc ví bằng giấy ép có hình hoa cúc. Nghệ thuật tạo các đồ bằng giấy ép hình như cũng không cổ xưa lắm. Koetsu 5 trong bức "Cúc đại đóa trên giấy ép" của mình đã đưa vào tranh lụa một trong các vật phẩm làm tại xưởng Takagamine 6.
- Tôi nghe nói ở Tohoku 7 bây giờ người ta cũng sản xuất những hàng mỹ nghệ như thế bằng giấy Nhật rất bền, - Takichiro nói.
- Có lẽ có lẽ thế, - viên quản lý tán đồng. - Tôi thì hẳn không được rõ nghệ thuật ấy gắn với tên tuổi Koetsu đến mức độ nào nhưng...
Ở một trong các quầy sâu bên trong cửa hàng, Takichiro rất ngạc nhiên nhận thấy các máy thu thanh xách tay của hãng "Sony". Thế này thì thật quá quắt, cho dù Tatsumura có nhận bán lấy hoa hồng để "khai thác ngoại tệ"... Sau đấy người ta đưa họ vào phòng khách ở phần đằng kia cửa hàng đãi trà. Viên quản lý giải thích thêm rằng phòng khách này thường dùng để tiếp các yếu nhân ngoại quốc.
Ngoài khung cửa sổ ló ra những cây thông liễu dị dạng, lùn tịt.
- Loại thông liễu gì đấy? - Takichiro hỏi.
- Bản thân tôi không biết thật chuẩn xác, - viên quản lý lúng túng - hình như người ta gọi nói là Coyoshughi"...
- Viết thành chữ thế nào nhỉ?
- Người làm vườn không biết mấy chữ này, nhưng tôi thiển nghĩ đấy là loài thông liễu lá to. Chúng mọc ở Honxiu và miền Nam.
- Sao thân nó lại có màu như thế nhỉ?
- À, rêu đấy mà!
Có tiếng nhạc từ máy thu thanh xách tay. Chieko ngoảnh lại và thấy một người đàn ông trẻ giảng giải điều gì đó cho một toán phụ nữ ngoại quốc.
Đấy chính là Riuxuke, anh trai Shinichi đấy, - Chieko rời ghế bành đứng dậy.
° ° °
Riuxuke cũng đã nhận ra Chieko và tiến lại gặp nàng. Gần tới nơi, anh lễ phép cúi đầu chào Takichiro và Xighe còn ngồi ở ghế bành. - Tiên sinh tháp tùng các bà ấy? - Chieko hỏi lúc cảm thấy ngượng ngùng và chưa biết bắt đầu câu chuyện thế nào. Khác với Xinichi tính tình mềm mỏng, ở anh ta có cái gì khăng khăng giữ mực, và trước mặt anh Chieko thường mất bình tĩnh, cảm giác mình không được tự nhiên.
- Không hẳn tôi đi tháp tùng... Sự thể là cô phiên dịch, em gái anh bạn tôi, cách đây mấy hôm đã đột ngột thiệt mệnh, thế nên người ta yêu cầu tôi giúp.
- Đáng thương quá, em gái...
- Vâng, cô ấy là một cô gái dễ thương, trẻ măng - kém Shinichi hai tuổi...
-...
- Shinichi không giỏi tiếng Anh, vả lại chú ấy ngại ngùng. Vậy là tôi đành phải... Thật ra, ở đây đâu cần phiên dịch: các viên quản lý đều nói được tiếng Anh. Các bà này là người Mỹ. Họ trú tạm ở ô-ten Miyako, mà ghé lại đây là để mua máy thu thanh xách tay.
- Ra thế ạ.
- Ô-ten ngay cạnh, bởi thế họ mới quyết định vào cửa hàng Tatsumura.
- Chả phải để xem bộ sưu tập vải ở đây đâu, mà sáp ngay vào những cái máy thu thanh, - Riuxuke bật cười khe khẽ. - Mặc dù có khác gì...
- Hôm nay là lần đầu tiên tôi mới biết ở đây người ta biết cả máy thu thanh đấy.
- Máy thu thanh hay vải lụa thì cũng thế cả thôi. Điều quan trọng đối với ông Tatsumura là họ trả bằng đô la.
- Tôi hiểu.
- Chúng tôi đã vào khu vườn đấy, dưới ao đằng kia toàn cá chép màu sặc sỡ. Tôi cuống lên, nghĩ: Họ hỏi cặn kẽ bây giờ thì tôi cũng không biết giảng giải làm sao. Thậm chí tôi cũng không biết chẳng hạn như "cá chép sọc" tiếng Anh nó thế nào. May mà họ chỉ ồ, à rồi nói: "Đẹp quá!" - Tiểu thư có định xem cá chép không?
- Thế các bà đầm của tiên sinh thì sao?
- Không có tôi viên quản lý cũng xong thôi, với lại nói chung đã đến lúc họ phải về ô-ten để uống trà. Các ông chồng sắp sửa nhập bọn và họ sẽ đi Nam.
- Có điều tôi phải báo cho cha mẹ biết.
- Còn tôi thì phải báo cho các bà đầm của mình. - Riuxuke lại gần những người đàn bà Mỹ, bảo họ điều gì đó, thế là các bà này đồng loạt nhìn về phía Chieko. Cô gái đỏ bừng mặt.
Chẳng mấy chốc Riuxuke quay lại và dẫn Chieko ra vườn. Họ ngồi bên bờ ao, im lặng ngắm lũ chép sặc sỡ lượn lờ dưới nước.
- Xin tiểu thư hãy nghe tôi nói, Chieko ạ, - Riuxuke đột ngột mào đầu, - hãy cố khắt khe hơn một chút với viên quản lý nhà tiểu thư hay với cái kẻ nào ở chỗ tiểu thư mà bây giờ được kể vào hiệp hội cổ phần ấy nhỉ?? Giám đốc điều hành viên phải không? Tin là tiểu thư làm được. Nếu muốn, tôi sẵn sàng có mặt trong cuộc nói chuyện của tiểu thư...
Lời đề nghị khác lạ đến nỗi Chieko lặng người, không sao thốt nổi lấy một tiếng.
° ° °
Đêm ấy nàng mơ thấy những con chép muôn màu muôn vẻ xúm lại trước mắt Chieko lúc ấy ngồi trên bờ ao, chúng chồng chất lên nhau, một số con thậm chí còn ló đầu lên khỏi mặt nước.
Toàn bộ giấc mộng có thế. Còn trong thực tế nàng đã nhúng tay xuống nước, khẽ khỏa nhẹ mấy ngón tay. Lập tức lũ chép bơi lại phía tay nàng. Chieko ngạc nhiên nhìn chúng và bỗng có cảm giác trìu mến khó tả với những con chép này.
- Có lẽ các ngón tay tiểu thư có tỏa ra một hương vị riêng, chúng cố một sức mạnh huyền bí nào không rõ, - Riuxuke thầm thì. Anh còn ngạc nhiên hơn chính Chieko.
- Cá chép thường dạn người. - Nàng ngượng nghịu đáp.
Riuxuke mải mê ngắm nét mặt nhìn nghiêng của cô gái.
- Tiên sinh trông kìa, rặng Đông Sơn dường như ngay cạnh đây, - thẹn thùng trước cái nhìn chăm chú của Riuxuke nàng nói.
- Đúng vậy. Mà tiểu thư có nhận thấy nó hơi đổi màu một chút không? Có cảm giác mùa thu...
Tỉnh dậy, Chieko không nhớ nổi: trong giấc chiêm bao thấy lũ chép kia, Riuxuke có ở cạnh nàng không nhỉ? Nàng mở to mắt, im lặng một lát.
Ngày hôm sau, Chieko nhớ lại lời Riuxuke khuyên hãy khắt khe hơn một chút với viên quản lý, song nàng chưa biết nên khởi sự việc đó như thế nào.
Trước lúc cửa hiệu đóng cửa nàng đến gần viên quản lý Uemura và ngồi xuống trước bàn viết. Cái bàn viết kiểu cổ được ngăn với gian bán hàng bởi tấm lưới thấp bằng gỗ. Nhận thấy có cái gì không bình thường trên vẻ mặt Chieko, Uemura hỏi:
- Tiểu thư cần cái gì đó chăng?
- Tôi muốn lựa ít vải may kimono.
- Tiểu thư ư? Không lẽ tiểu thư lại may bằng vải của hiệu nhà? - Uemura thở phào nhẹ nhõm. - Hiện đang có kimono Tết và kimono mặc lúc ra ngoài, cả phurixode 8 nữa. Nhưng thông thường tiểu thư vẫn mua những thứ ấy ở cửa hàng của Okadezaki hoặc ở Erimana cơ mà.
- Tôi không quan tâm đến kimono mặc Tết, làm ơn cho xem cửa hiệu chúng ta có những mẫu lụa hoa Yudgen nào.
- Ô, cái đó ở ta thì đầy...và đủ mọi màu sắc...Tôi không biết tiểu thư có thích chúng không. - Uemura rời khỏi bàn viết, gọi hai nhân viên rồi rỉ tai họ điều gì đó. Họ nhanh chóng mang tới mấy súc vải khác nhau và cùng viên quản lý trải các cuộn vải ra giữa cửa hàng.
- Tôi lấy thứ này - Chieko vẻ hấp tấp trỏ loại vải mà nàng thích.
- Hi vọng là năm ngày nữa, cùng lắm là một tuần kimono phải xong chứ? Tôi mong được giảm giá hai mươi phần trăm.
- Kìa tiểu thư! Thời hạn gấp gáp đến thế sao? Chúng ta chỉ bán buôn thôi mà, ta có may kimono đâu, nhưng thôi dẫu sao tôi sẽ cố gắng.
Hai người nhân viên khéo léo cuộn vải lại rồi mang đi.
- Số đo đây, - Chieko đặt lên bàn viết mảnh giấy nhỏ. Song nàng chưa đi. - Tiên sinh Uemura ạ, tôi muốn được ít nhiều làm quen với công việc kinh doanh của chúng ta, hy vọng ông giúp đỡ, - hơi cúi đầu Chieko mềm mỏng nói tiếp.
- Tiểu thư ư? Viên quản lý thốt lên, nhìn cô gái vẻ ngạc nhiên ra mặt.
Chieko điềm tĩnh tiếp:
- Ta sẽ bắt đầu từ ngày mai. Nhân thể xin ông chuẩn bị sổ sách kế toán cho.
- Sổ sách kế toán ấy à? - Uemura cay độc cười mát. - Phải chăng tiểu thư định rà soát lại.
- Sao lại thế thưa ông? Chuyện ấy rắc rối quá tôi làm thế nào được. Chẳng qua tôi định ngó qua để biết, chẳng hạn như chúng ta có quan hệ buôn bán với những ai thôi mà.
- Hóa ra thế ư? Sổ sách kế toán của ta thì nhiều. Với lại cũng có sở thuế nữa.
- Ý ông định nói cửa hiệu ta có lệ kế toán kép à?
- Không bao giờ, tiểu thư ạ! Tiểu thư mà có tài cứ thử đánh lừa sở thuế xem... Không đâu, trong chuyện này chúng ta làm ăn ngay thẳng.
- Nhưng dù sao, đến mai cứ cho tôi xem sổ sách kế toán, tiên sinh Uemura ạ, - Chieko nói vẻ kiên quyết rồi đi thẳng.
- Tiểu thư ạ, tôi đã phục vụ ở đây trước lúc tiểu thư ra đời... - Uemura nói, song Chieko thậm chí không ngoái cổ lại. - Sinh sự gì lạ thế! - Viên quản lý vẻ căm tức, chặc lưỡi lẩm bẩm, nhưng của đáng tội vẫn cố để Chieko khỏi nghe thấy. Khi Chieko ghé qua chỗ mẹ đang bận làm cơm tối, bà kinh hãi hỏi:
- Con nói gì với viên quản lý ngoài ấy thế?
- Chính con cũng rối bung lên mẹ ạ.
- Mẹ sợ run cả người lên... Thì người ta vẫn chả nói tâm ngẩm tầm ngầm đấm thầm chết voi là gì.
- Có phải tự con nghĩ ra đâu, có người bảo cho biết đấy chứ.
- Ai vậy?
- Riuxuke tiên sinh, lúc chúng con gặp nhau ở cửa hiệu Tatsumura... Anh ấy nói, cha anh ấy biết cách điều hành việc buôn bán, chỗ họ có hai người quản lý tâm phúc, nên nếu Uemura đi khỏi cửa hàng họ có thể cử một trong hai người đó sang giúp chúng ta. Riuxuke tiên sinh thậm chí nói rằng, bản thân anh ấy cũng thuận lòng sang cửa hàng nhà ta làm để chỉnh đốn công việc.
- Chính Riuxuke đề xuất à?
- Vâng, mà còn nói vì chuyện này sẽ sẵn sàng bất cứ lúc nào thôi làm nghiên cứu sinh...
- Anh ta nói vậy cơ à? - Xighe thăm chú nhìn khuôn mặt Chieko xinh đẹp đến kỳ lạ vào giây phút này. - Nhưng Uemura không định đi.
- Ông ta đã nói sẽ yêu cầu cha kiếm lấy ngôi nhà khang trang ở gần chỗ có những cây hagi trắng.
- Thế cơ đấy, - Xighe kéo dài giọng. - Nghĩa là ông ta biết chuyện Takichiro định từ bỏ doanh nghiệp.
- Có lẽ như thế sẽ tốt cho ông ta hơn.
- Riuxuke nói cả chuyện ấy à?
- Vâng.
-...
- Mẹ ơi, con có một điều thỉnh cầu mẹ: mẹ cho phép con tặng cô gái ở trong làng Bắc Sơn một trong những chiếc kimono của con nhé. Mẹ nhớ không, con đã thưa chuyện với mẹ về chị ấy rồi.
- Đương nhiên rồi, con cứ tặng đi! Cả áo khoác nữa.
Chieko quay đi. Nàng muốn giấu những giọt lệ biết ơn rưng rưng trên mắt.
° ° °
Vì sao người ta lại gọi một trong các dạng máy dệt tay là "takabata"? Lẽ tất nhiên là bởi nó cao hơn máy thường. Song nó cũng còn có một đặc điểm khác. Người ta đặt takabata ngay xuống đất, sau khi đã san bằng lớp phía trên mặt nền. Nghe nói, hơi ấm từ đất toát ra làm cho sợi mềm và dai hơn. Thời xưa, đứng máy takabata phải hai người, trong đó một người ngồi chót vót lên trên để làm đối trọng.
Giờ thay cho người đó là chiếc bị đựng đá nặng treo bên cạnh.
Ở Kyoto có những xưởng dệt dùng đồng thời cả máy dệt tay takabata, cả máy cơ khí...
Xưởng của Xoxuke - cha Hideo - được coi là loại vừa ở quận Nhixidgin, nơi có bao nhiêu là những xưởng chỉ bé tí tẹo. Hideo với hai người em trai anh làm ba máy dệt tay. Thỉnh thoảng cả Xoxuke cũng ngồi vào máy.
Hideo nhìn mặt vải có hoa văn của chiếc thắt lưng Chieko đặt với cảm giác vui sướng. Công việc đã gần hoàn thành. Anh đặt vào đấy toàn bộ tâm hồn, tất cả tài nghệ của mình. Ở mỗi lượt go anh như được thấy Chieko.
Không, không phải Chieko, Naeko chứ, tất nhiên rồi. Bởi cái thắt lưng anh dệt cho Naeko cơ mà. Song trong khi dệt, hình ảnh Chieko và Naeko cứ hòa làm một trong mắt anh.
Người cha lại gần máy, im lặng quan sát một lúc.
- Được, chiếc thắt lưng tốt đây, - ông khen, - mà mẫu trang trí cũng không thường, làm cho ai thế?
- Cho con gái ngài Xada.
- Còn phác thảo?
- Chieko nghĩ ra.
- Không lẽ Chieko sao? Mẫu trang trí đáng chú ý đấy. - Người cha sờ sờ rìa chiếc thắt lưng vẫn còn trên máy. Cừ lắm Hideo ạ, thắt lưng sẽ rất bền.
-...
- Hideo này, chúng ta chịu ơn ngài Xada đấy. Hình như bố đã nói với mày chuyện ấy rồi thì phải.
- Con hiểu, bố ạ...
- Vậy là bố đã kể, - Xoxuke lẩm bẩm, thế nhưng vẫn không nén được và lại nhắc lại câu chuyện đã lâu: - Bố vẫn xuất thân là thợ dệt bình thường mà ăn nên làm ra. Mua chịu nửa tiền một cái máy rồi từ đấy làm thắt lưng, mang đến ngài Xada. Có đời thuở nhà ai lại mang bán cho nhà buôn từng chiếc thắt lưng một. Vì thế bố phải đến chỗ bác ấy bí mật lúc gần về khuya để khỏi bị ai thấy...Nhưng ngài Xada thậm chí không bao giờ bóng gió gì về chuyện phải mua từng chiếc thắt lưng một. Đấy, thế rồi bố tậu được hai máy nữa... và công việc cứ trôi chảy.
-...
- Song dù sao, Hideo ạ, ta với bác Xada khác nhau về địa vị...
- Điều đó con hiểu rất rõ, nhưng bố nói ra chuyện ấy để làm gì? - Hideo dừng máy, đưa mắt nhìn cha.
- Hình như, mày thích Chieko...
- Ra bố có ý ấy. - Hideo quay lại phía máy và lại bắt đầu làm.
Ngay khi chiếc thắt lưng vừa xong, anh đến làng để trao nó cho Naeko.
° ° °
Mặt trời đã xế trưa. Nền trời bên trên Bắc Sơn bừng lên dải cầu vồng.
Cắp nách cái gói nhỏ, Hideo bước ra phố và nhìn thấy cầu vồng.
Nó rộng nhưng không rõ, mà quầng thì đứt đoạn ở phía trên. Hideo dừng bước, bắt đầu ngắm nó. Cầu vồng mờ dần rồi sau đó mất hẳn.
Trong khi anh đáp xe buýt đến làng, cầu vồng còn xuất hiện hai lần nữa. Cả những cầu vồng này, cũng như cái kia, đều đứt quãng và không rõ. Các cầu vồng như vậy cũng thường thấy thôi.
"Những cầu vồng này may hay không may nhỉ?" - Hideo lo âu nghĩ. Ngày hôm nay anh xao xuyến lạ thường.
Trời quang đãng. Lúc xe buýt đi vào hẻm núi, phía trước lại lơ lửng một cầu vồng nữa, song Hideo không kịp nhìn kĩ: những rặng núi tiến đến sát sông Kiyotaki đã che khuất nó.
Hideo xuống xe buýt ở đầu làng. Naeko đã hấp tấp ra đón anh, hai tay ướt còn chùi chùi vào tạp dề. Cô mặc quần áo làm việc.
Hôm nay, cô làm ở ngay vệ đường, chỗ người ta đánh bóng gỗ bằng cát lấy ở đáy thác Bodai lên.
Tháng mười chỉ mới bắt đầu mà nước sông trong vùng núi đã lạnh buốt. Các súc gỗ nổi lềnh bềnh trong con mương đào dành riêng chứa nước. Ở rìa con mương là cái bếp lò người ta dùng đun một vạc nước để lúc lúc lại trút xuống mương. Một làn hơi mỏng bay lên phía trên vạc.
- Rất hân hạnh được tiên sinh tới vùng núi chúng tôi. - Cô gái cúi chào rất thấp.
- Naeko ạ, đây là chiếc thắt lưng đã hứa với chị.
- Chiếc thắt lưng mà tôi phải mặc thay cho Chieko ư? Tôi không muốn nhận cái đã hứa cho người khác.
- Nhưng chính tôi đã hứa dệt nó cho chị đấy chứ. Còn mẫu thì Chieko làm.
Naeko cúi gằm.
- Thưa Hideo tiên sinh, hôm kia đằng cửa hiệu của Chieko đã gửi cho tôi bao nhiêu thứ - nào kimono, nào dgiori 9 - Nhưng biết diện những cái đó vào lúc nào đây?
- Chỉ một ngày hăm hai lễ Kỷ Nguyên 10 thôi cũng được. Dĩ nhiên là nếu chị được phép nghỉ...
- Sao lại không, người ta sẽ cho...Naeko vẻ tin chắc nói. - Tiên sinh Hideo ạ, ở đây ai cũng chú ý đến chúng ta. Ta đi đâu nhỉ? - Cô nghĩ ngợi một phút. - Ta ra chỗ sông vậy.
Cố nhiên, cô không thể dẫn Hideo vào rừng thông liễu như lần dẫn Chieko.
- Tôi sẽ giữ gìn chiếc thắt lưng của tiên sinh suốt đời, như một báu vật quý giá nhất, - cô thì thầm.
- Việc gì phải thế? Tôi sẽ rất vui lòng được dệt nữa cho chị ấy chứ.
Naeko không nói gì đáp lại.
° ° °
Cô cũng có thể mời Hideo về nhà, song đã không làm thế. Gia chủ cho Naeko nương náu đã biết các tặng phẩm là từ cửa hiệu của Takichiro gửi đến, và cô sợ sẽ gây tác hại cho Chieko vì một hành vi thiếu thận trọng nào đấy. Chính cô đã đoán già đoán non Hideo có tình cảm gì với Chieko cơ mà. Đã tìm được chị em, đã thực hiện được ước mơ mà Naeko hằng ôm ấp từ thuở nhỏ - vậy là đủ.
Hơn nữa Naeko cho rằng cô không ngang hàng với Chieko mặc dù nói thật ra, gia đình Muraxe mà ở đó cô được nuôi nấng làm chủ một khoảnh rừng rất lớn, còn cô gái thì làm việc không ngơi tay, thế cho nên hoàn toàn không có chuyện Naeko có điều gì đó khả dĩ làm tổn hại thanh danh của dòng họ Xada, cho dù người ta biết mối quan hệ của họ đi nữa. Vả lại, địa vị người chủ một khoảnh rừng không chừng còn vững vàng hơn là thương gia hạng trung.
Song dẫu sao Naeko cũng không cố tìm cách gặp Chieko. Cô cảm thấy tình thương yêu của Chieko đối với cô ngày một bền chặt thêm và cô không rõ điều đó liệu sẽ dẫn tới đâu...
Đấy cũng là lý do tại sao cô không mời Hideo về nhà. Trên bờ sông Kiyotaki phủ đầy cuội nhỏ, việc trồng thông liễu đã chiếm hết mọi khoảng trống.
- Xin thứ lỗi vì đã đưa tiên sinh tới một chỗ không xứng chút nào, - Naeko nói. Giống như mọi cô gái khác, cô không đủ kiên nhẫn liếc nhìn món quà tặng.
Những rặng núi phủ thông liễu ở đây đẹp đẽ biết bao? - Hideo không nén nổi thốt lên thán phục, anh mở phuroxiki và cẩn thận lấy chiếc thắt lưng ra khỏi túi giấy.
- Hình này sẽ ở nút buộc đằng sau, còn hình này là trên thắt lưng phía trước.
- Thật là kỳ diệu! - Naeko thốt lên, chăm chú ngắm chiếc thắt lưng. - Tôi không xứng được một tặng phẩm như thế này.
- Sao vậy chị? Chiếc thắt lưng này chỉ là do một gã thanh niên thiếu kinh nghiệm dệt thôi mà. Tôi có cảm giác, thông đỏ và thông liễu hợp với kimono mặc tết, ngày lễ chả sắp đến rồi là gì. Ban đầu tôi định dệt lên chỗ nút buộc thông đỏ thôi, song Chieko lại khuyên dệt thông liễu. Mãi đến lúc tới đây tôi mới hiểu rằng tiểu thư đúng. Trước kia nói thông liễu là tôi hình dung những cái cây to, cổ thụ. Còn bây giờ... chị thấy đấy, tôi dệt ra chúng bằng những nét thanh, mềm mại, nhưng dẫu sao bên cạnh vẫn có thêm mấy cây thông đỏ, mà cũng có thay màu đi một chút.
Cả những cây thông liễu cũng được mô tả không hoàn toàn như thật, nhưng hình dạng và màu sắc của chúng thì rất sáng tạo.
- Đẹp lắm, cảm ơn tiên sinh... Thậm chí tôi còn chưa mường tượng được bao giờ mới có dịp mặc chiếc thắt lưng lộng lẫy như thế này.
- Liệu nó có hợp với chiếc kimono Chieko gửi đến không?
- Tôi nghĩ, nó thật hợp.
- Chieko thì từ thời niên thiếu đã rất am hiểu về trang phục... Tôi thậm chí còn không dám để tiểu thư xem chiếc thắt lưng này.
- Sao vậy? Đấy là làm theo mẫu của chị ấy cơ mà... Tôi thì mong giá như chị ấy nhìn thấy.
- Vậy xin chị hãy mặc vào lễ Kỷ Nguyên đi, - Hideo đề nghị và cẩn thận bỏ chiếc thắt lưng vào túi giấy.
° ° °
Buộc xong mấy nút ruy-băng ra ngoài cái túi, Hideo nói:
- Xin chị nhận cho, đừng từ chối. Tôi đã hứa dệt nó cho chị theo yêu cầu của Chieko. Tôi chỉ là người thừa hành, một thợ dệt bình thường mà dẫu sao cũng đã cố làm chiếc thắt lưng cho đến hết khả năng.
Naeko im lặng nhận cái gói nhỏ từ tay Hideo rồi đặt nó lên đầu gối.
- Tôi vừa nói từ thuở nhỏ Chieko đã quen xem xét kimono nên tôi tin là chiếc thắt lưng sẽ hết sức hợp với áo mà Chieko gửi cho chị.
-...
Họ ngồi trên bờ, lắng nghe tiếng rì rào khe khẽ của sóng nước trườn qua bãi bồi sông Kiyotaki.
- Thông liễu mọc thành hàng như thể những món đồ chơi, mà lá trên ngọn cây thì na ná như những loài hoa giản dị, chẳng hề chói lọi; Hideo nói.
Naeko cảm thấy buồn. Cô nhớ lại người cha đã khuất. Có lẽ, lúc đang đốn cành thông liễu và chuyển từ ngọn cây nọ sang ngọn cây kia, ông đau lòng nhớ tới đứa con thơ Chieko hai vợ chồng đã vứt bỏ và rồi sẩy chân... Hồi bấy giờ Naeko đã hiểu gì đâu. Mãi nhiều, rất nhiều năm về sau, khi cô đã lớn, người trong làng mới kể cho cô điều đó. Người chị em tên gì, còn sống không, ai trong hai người bọn họ - cặp trẻ sinh đôi - ra đời trước, cô không biết gì hết. Suốt bao năm tháng Naeko ước mơ: giá như tiền định họ gặp được nhau, dù chỉ thấy người chị em của mình một thoáng thôi cũng được. Cho đến nay, trong làng vẫn còn căn nhà bé tẹo, thảm thương, gần như đã đổ nát của cha mẹ cô. Sống ở đấy một mình không thể nào chịu nổi. Và cô đã giao căn nhà ấy cho một cặp vợ chồng luống tuổi nhiều năm rồi làm nghề tước vỏ cây ở đây. Họ có đứa con gái đã vào học sơ học. Naeko chẳng hề đòi hỏi họ chút tiền nhà nào, mà vị tất đã có ai thuận mua túp lều dột nát kia.
Cô bé nọ rất thích hoa, thỉnh thoảng vẫn ghé vào "chị Naeko" và cứ hỏi mãi xem phải chăm nom cái cây ôliu thơm kỳ diệu mọc ở cạnh nhà như thế nào.
- Em đừng chú ý làm gì, cứ để nó tự mọc, - Naeko thường vẫn đáp. Nhưng dù sao mỗi khi đi qua nhà, ngay từ xa cô đã cảm thấy hương thơm hoa ôliu, song nó không làm cô vui sướng, mà khiến buồn lòng thì đúng hơn...
Lúc Naeko đặt gói đựng thắt lưng lên đầu gối, cô bỗng cảm thấy hai đầu gối thành ra nặng trĩu. Vì nhiều nguyên cớ...
- Tiên sinh Hideo ạ, cuối cùng tôi đã tìm thấy Chieko - tôi chả cần thêm gì nữa. Tôi nghĩ, từ nay tôi không nên gặp chị ấy. Kimono và thắt lưng tôi sẽ chỉ mặc một lần...Hy vọng tiên sinh hiểu cho tôi...
- Vâng, - Hideo đáp. - Nhưng lễ Kỷ Nguyên thì thế nào chị cũng đến nhé. Tôi muốn được thấy chị mặc chiếc thắt lưng này. Tôi không rủ Chieko đâu. Tôi sẽ đợi chị ở cổng Tây Hamaguri - đấy là nơi đám rước lễ từ hoàng cung tiến ra.
Naeko gật đầu ưng thuận, hai má cô ửng hồng vì bối rối.
° ° °
Sát mép nước bờ bên kia có một cái cây nhỏ. Những chiếc lá đã bắt đầu đỏ của nó soi bóng xuống sông.
- Cái cây lá đỏ tươi kia gọi là cây gì nhỉ? - Mắt nhìn Naeko, Hideo hỏi.
- Đấy là cây sơn, cây để lấy sơn, - cô gái đáp và đến lượt mình lại nhìn Hideo. Hai tay lóng ngóng cô bắt đầu sửa lại mái tóc. Nhưng thình lình nó xổ ra và như một làn sóng huyền đổ xuống lưng cô.
- Ôi! - Cô gái kêu lên, mặt đỏ bừng. Ngậm những cái trâm ở miệng, cô bắt đầu búi lại tóc cho ngay ngắn mà không sao búi được: hình như, một vài cái trâm đã rơi ra đất.
Lòng đầy ngưỡng mộ, Hideo ngắm làn tóc xõa của Naeko, ngắm sự mềm mại nữ tính trong cử chỉ hai tay cô đang sửa lại tóc.
- Tóc chị dài làm sao, chị có ý nuôi tóc không? - Anh hỏi.
- Vâng. Tóc Chieko cũng dài lắm. Chẳng qua chị ấy biết cách để đầu - Thế nên đến đàn ông cũng không ngờ... tiên sinh vui lòng lượng thứ nhé, - Naeko bắt đầu vội vã buộc chiếc khăn lên đầu 11.
-...
- Thế đấy, gỗ thì tôi cứ đánh bóng còn bản thân chả bao giờ vào nề nếp hết.
Tuy vậy Hideo để ý thấy đôi môi Naeko có thoa nhẹ ít son. Bỗng dưng anh thấy mong muốn giá cô gái bỏ khăn buộc đầu ra và buông xõa mái tóc huyền kỳ diệu của mình lần nữa, song cố nhiên yêu cầu chuyện đó anh không dám. Dường như Naeko cũng cảm thấy điều ấy và cô thắt chặt thêm chiếc khăn.
Những rặng núi từ đằng Tây tiến sát đến lòng sông hẹp đã sẫm lại.
- Naeko ạ, có lẽ đã tới lúc chị phải về, - Hideo đứng dậy nói.
- Việc của tôi hôm nay xong rồi... Ngày lại đâm ngắn quá...
Hideo nhận thấy trên các đỉnh núi từ đằng Đông tiến lại phía sông, sắc hồng hoàng kim của ráng chiều đã nhuộm khoảng không giữa những thân cây thông liễu cân đối.
- Cảm ơn, rất cảm ơn anh, thưa Hideo tiên sinh, - Naeko đứng lên nói.
- Xin hãy cảm ơn Chieko, - Hideo đáp và đúng vào lúc ấy anh cảm thấy lòng mình đang dâng trào cảm giác vui sướng ấm áp bởi một lẽ anh đã dệt thắt lưng cho cô gái thôn dã này. - Xin lượng thứ vì đã quấy rầy, nhưng chị hãy hứa với tôi, lễ Kỷ Nguyên sẽ đến nhé. Tôi sẽ đợi chị cạnh cổng Tây, cổng Tây Hamaguri ấy.
- Thế nào tôi cũng đến, - Naeko cúi đầu thật thấp. - Thực quả lẩn đầu tiên diện kimono với thắt lưng mới cứ ngường ngượng làm sao ấy.
Ở Kyoto nơi có bao nhiêu là lễ hội, lễ Kỷ Nguyên - cũng như lễ Cẩm Qui, lễ Ghion - là một trong ba ngày lễ chính của kinh đô cổ.
Đấy là ngày lễ của chùa Heian Dginu, nhưng bản thân đám rước long trọng thì lại xuất phát từ hoàng cung.
Ngay từ sáng Naeko đứng ngồi không yên và cô đã tới cổng Tây Hamaguri nửa giờ trước hẹn. Ở đấy, dưới bóng những vòm cổng, cô đợi Hideo. Lần đầu tiên trong đời Naeko đợi một người đàn ông.
Thật may, trời không mưa và phía trên đầu trải rộng ra bầu trời xanh thẳm không một gợn mây.
° ° °
Chùa Heian Dgingu được xây năm 1895 nhân kỷ niệm lần thứ một ngàn một trăm việc thiên đô về Kyoto, nên lễ Kỷ Nguyên nếu đem so với hai hội lễ chủ yếu kia thì nói chung mới được cử hành cách đây chưa lâu. Những người tham gia hội rước như chỉ cho người xem thấy các phong tục tập quán của thành phố đã biến đổi ra sao trong khoảng thời gian ngắn khác nhau, nhiều người đóng giả các cá nhân và nhân vật lịch sử nổi tiếng trong dân gian.
Trong đó có Kadzunomiy và Renghetsu, bà quý phái lẳng lơ Yoshino và Okunhi vùng Idzumo, Yodoghimi và phu nhân Tokioa, Yobuen phu nhân Tomoe và phu nhân Shidzuka, Onono Komachi, Murasaki Shikibu và Xay Xyonagon 12 bán than hoa và cá tươi, những người đàn bà ở các quận son phấn và các diễn viên.
Nhưng ngoài những người đàn bà nổi tiếng ra còn có thể thấy trong đám rước có Mashasighee Kusunoki, Nobunaga Oda 13 Hideyoshi Toyetomi, nhiều cận thần quý tộc và các chiến binh.
Phụ nữ chỉ mới bắt đầu tham gia đám rước từ năm 1950. Điều này đã tạo cho hội lễ một vẻ hoa lệ và hấp dẫn mới.
Lính cận vệ đầu thời đại Maydgi và xạ thủ miền núi Tam ba dẫn đầu đám rước, còn đi đoạn hậu là các quan chức mặc trang phục thời đại Enryaku 14. Sau khi về chùa Heian Dgingu những người tham gia đám rước xướng hô trước cỗ xe có con phượng hoàng bằng vàng Norito của thiên hoàng - đấy là những lời cầu khẩn thời cổ.
Tốt nhất là xem rước lễ từ quảng trường trước hoàng cung, nơi đám rước bắt đầu. Đấy cũng chính là nơi Hideo hẹn gặp Naeko.
Rất nhiều người, vội vã đi xem hội đã qua vòm cổng mà cô đang đợi Hideo trong bóng râm của nó, thế nhưng không một ai chú ý đến cô. Sự thực, cũng có một người đàn bà luống tuổi, ý chừng là một chủ hiệu, lại gần Naeko và nói:
- Thưa tiểu thư, cái thắt lưng của tiểu thư đẹp quá chừng và lại rất hợp với kimono. Tiểu thư đã vui lòng sắm nó ở đâu vậy? Xin tiểu thư cho phép...- Bà ta sờ tay vào chiếc thắt lưng. - Tiểu thư cho xem nút buộc đằng sau nào. - Naeko quay lưng về phía bà ta.
- Thật tuyệt mỹ! - Người đàn bà thốt lên lúc ngắm mẫu trang trí trên nút buộc. Đây là lần đầu tiên Naeko diện bộ kimono và thắt lưng mới và điều này khiến cô ngượng nghịu, song những câu gặng hỏi và ngợi khen của người đàn bà xem chừng đáng kính khiến cô gái yên lòng.
Hideo xuất hiện.
- Xin thứ lỗi vì đã làm chị phải đợi.
Những chỗ gần hoàng cung nhất đã chật các hội viên hội đệ tử chùa hoặc được văn phòng du lịch giữ trước. Hideo và Naeko yên vị ở xa hơn một chút - đấy là nơi đám công chúng bình thường ngồi.
Naeko lần đầu tiên quan sát đám rước từ một vị trí thuận tiện như vậy. Quên bẵng cả bộ đồ diện mới có của mình, cả Hideo đứng bên cạnh, cô mải mê nhìn đám rước.
Rồi cô quay về phía Hideo và chợt nhận thấy anh đang nhìn đâu đó trên đầu.
- Hideo tiên sinh, tiên sinh nhìn đi đâu vậy? - Cô ngạc nhiên hỏi.
- Nhìn những cây thông xanh. Và cả đám rước nữa đấy chứ.
Trên nền những cành cây xanh nó có vẻ chói lọi hơn. Chị biết không Naeko, tôi rất thích những cây thông trong khu vườn lớn cung điện này. Tôi cũng thoáng nhìn cả chị nữa, mà chị không để ý đấy thôi.
- Xin tiên sinh đừng nói vậy, - Naeko thì thầm, cúi gằm xuống.
--------------------------------
1 Koto: một nhạc cụ Nhật mười ba dây.
2 Hagi: đậu ba lá của Nhật Bản.
3 Tàng khố quốc gia các báu vật Nhật Bản ở thành phố Nam.
4 Nhà Đường Trung Quốc (618-907).
5 Koetsu Honami (1558-1637): họa sĩ và nhà thảo mĩ tự nổi tiếng thời tiền Edo, sống ở Kyoto.
6 Một vùng ngoại ô Kyoto.
7 Miền đông ở bắc đảo Honxiu.
8 Phurixode: áo kimono tay dài.
9 Dgiori: dép bằng rơm hoặc trúc.
10 Lễ Kỷ Nguyên - Dgidai Matsun - do chùa Heian Dgingu tổ chức để kỉ niệm việc thiên đô về Kyoto năm 794. Trong lễ rước những người tham gia mặc trang phục bằng quần áo của nhiều thời kì lịch sử khác nhau cũng như đóng các nhân vật lịch sử nổi tiếng.
11 Theo tục lệ lúc có khách không được buộc khăn trên đầu mà ngược lại phải cởi ra.
12 Kadzunomiya (1846-1877), vợ vị chúa phong kiến Ieshighe Tokugaoa Renghetsu (1791-1875) - nữ thi sĩ thời hậu Edo, quê ở Kyoto. Okunhi vùng Idzumo (? - 1607) - nữ sáng lập viên dòng kịch Kabuki. Ydoghimi (1367-1616) vợ bé vị tướng quân Hideyoshi Toyobomi (1536-1598). Phu nhân Tokyoa - vợ vị chúa phong kiến Yoshitomo Minamoto (l123-1160), Yokobue (thế kỉ XII) một trong các nhân vật của Truyện ngôi nhà Taira thời trung thế kỉ. Phu nhân Tomoe - vợ bé vị chúa phong kiến Yoshinaka Minamoto (1154-1184). Phu nhân Shidzuka - vợ bé vị chúa phong kiến Yoshitsume Minamoto (1159-1189). Onono Komachi (giữa thế kỉ thứ IX) - nữ thi sĩ thời tiền Heian. Marasaki Shikibu (cuối thế kỉ X đầu thế kỉ XI) - nữ văn trung Heian, tác giả Truyện Ghendgi. Xay Xyonagon (khoảng 978 - 1014) nữ văn sĩ.
13 Mashasighee Kusunoki: (1294-1336) - vị tướng nổi tiếng thế kỉ XIV.
14 Thời đại Enryaku (782-806) - những năm cầm quyền của Nhật hoàng Kammu.
Cố Đô Cố Đô - Yasunari Kawabata Cố Đô