Fear keeps us focused on the past or worried about the future. If we can acknowledge our fear, we can realize that right now we are okay. Right now, today, we are still alive, and our bodies are working marvelously. Our eyes can still see the beautiful sky. Our ears can still hear the voices of our loved ones.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Margaret Atwood
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Văn Minh Lê
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7286 / 356
Cập nhật: 2019-01-28 21:09:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6: Gia Hộ
4
Khi chuông đã dứt tôi xuống cầu thang, dạt vô thừa nhận trong chốc lát qua con mắt thủy tinh trên tường tầng dưới. Đồng hồ lên tiếng điểm giờ bằng con lắc, đôi bàn chân gọn gàng giày đỏ đếm nhịp xuống lầu.
Cửa phòng nghỉ mở rộng. Tôi vào: đến giờ vẫn chưa có ai. Tôi không ngồi, mà vào vị trí, quỳ chân, gần ghé tựa và ghế đẩu đặt chân mà chốc nữa Serena Joy sẽ thượng lên, tay tì trên can khi khom mình ngồi xuống. Có thể bà sẽ còn đặt tay lên vai tôi, cho vững, như một cái bàn hay ghế. Đã từng có lần.
Phòng nghỉ ngày xưa chắc đã từng mang tên là phòng tiếp tân, chẳng hạn; rồi sau đó, là phòng sinh hoạt. Hoặc khách sảnh, loại dành cho nhện và ruồi. Nhưng giờ nó chính thức tên là phòng nghỉ, bởi đó là việc người ta làm trong đó, một số người. Một số khác chỉ biết thế nào là phòng nghiêm. Tư thế cá thể có tầm quan trọng lớn, lúc này ở đây: mỗi bất tiện nhỏ đều mang tính khai sáng.
Phòng nghỉ sắc trầm và đối xứng; một trong những hình thái của tiền đóng băng. Tiền đã rỉ rách qua phòng này hàng năm trời, như chảy qua động ngầm dưới đất, đóng cặn rồi cứng lại như thạch nhũ thành nhiều hình dạng. Các loại bề mặt im lìm phô diễn: chất nhung hồng phấn trên cánh rèm buông rủ, nước sơn bóng loáng của ghế tựa đồng màu, thế kỷ mười tám, độ êm ru của tấm thảm lông Trung Hoa trên sàn, mẫu đơn hồng nở rộ, lớp da âu yếm căng trên tay ghế Chủ soái, ánh đồng lóe lên từ cái hộp bên cạnh.
Tấm thảm là hàng thật. Trong phòng này một số là đồ thật, số khác thì không, ví như hai bức họa, đều vẽ đàn bà, mỗi bức một bên lò sưởi. Cả hai mặc đồ đen, như trong nhà thờ cổ, dù thuộc một thời kỳ muộn hơn. Hai bức họa có lẽ là thật. Tôi ngờ rằng khi rước chúng về, sau khi hiểu rõ rằng sẽ phải giới hạn bầu nhiệt huyết trong lĩnh vực tề gia thuần chất, Serena Joy có ý đồ để lại một báu vật truyền gia. Cũng có thể chúng có sẵn từ khi Chủ soái tậu được ngôi nhà. Chẳng cách nào biết được mấy chuyện đó. Dù sao nữa, họ vẫn treo đỏ, lưng miệng cứng đờ, ngực bó chặt, mặt nhăn nhúm, mũ hồ bột thẳng đơ, da trắng tai tái, đưa đôi mắt nhíu gác phòng.
Giữa họ, trên bệ lò, là tấm gương ô van, hai cặp để nến bạc hai bên, chính giữa thần ái tình sứ trắng, đôi tay ôm cổ chú chiên non. Sở thích của Serena Joy là một hỗn hợp lạ lùng: lên tới đỉnh cao chất lượng và xuống tận cùng thói ủy mị. Có hai đĩa cắm hoa khô hai bên lò sưởi, và một lọ thủy tiên vàng tươi trên cái bàn nhỏ gỗ dát đánh bóng cạnh xô pha.
Phòng bốc mùi dầu chanh, mùi vải bạt, mùi hoa tàn dở, mùi bếp núc còn vương len lỏi từ bếp hay phòng ăn sang, và mùi nước hoa của Serena Joy: Bông huệ trong thung. Nước hoa là thứ hàng xa xỉ, hẳn bà phải có nguồn riêng. Tôi hít vào, nghĩ mình phải biết quý lấy nó mới phải. Đó là mùi bé gái chưa dậy thì, mùi những món quà trẻ nhỏ thường mua tặng trong Ngày của Mẹ; mùi tất cô tông trắng và váy lót cô tông trắng, phấn rôm, mùi da thịt con gái bé thơ chưa nhường bước cho lông và máu. Mùi đó khiến tôi hơi khó ở, như ngồi xe đóng kín một ngày nóng bức với một bà đánh phấn quá nhiều. Phòng nghỉ chính là thế đấy, bất chấp vẻ tao nhã.
Tôi rất muốn đánh cắp thứ gì đó trong phòng này. Tôi muốn lấy đi cái gì nho nhỏ, cái gạt tàn chạm trổ, ống thuốc bạc nhỏ trên bệ lò sưởi chẳng hạn, hay bông hoa khô: giấu trong nép áo hay túi ống tay, tới hết tối nay, về trữ trong phòng mình, dưới đệm, trong giày, hay kẽ chiếc gối cứng thêu mũi nhỏ ĐỨC TIN. Chốc chốc tôi sẽ lấy ra ngắm nghía. Nó sẽ cho tôi cảm giác về sức mạnh.
Nhưng cảm giác đó nếu có cũng chỉ là huyễn tưởng, lại liều lĩnh nữa. Tay tôi ở đâu yên đó, xếp trong lòng. Đùi khép lại, gót gập bên dưới, thúc vào nguời. Đầu cúi thấp. Miệng có vị kem đánh răng: giả bạc hà và thạch cao.
Tôi ngồi, đợi gia hộ về đủ. Gia hộ: chúng tôi là thế đấy. Chủ soái đứng đầu gia hộ. Gia đình được ông ta bảo hộ. Hưởng thụ và bảo hộ, chỉ có cái chết chia lìa.
Khoang một con thuyền. Khoảng rỗng.
Cora vào trước, rồi đến Rita, tay chùi vém. Cả họ cũng bị tiếng chuông triệu tới, họ thù nó, họ còn bao việc phải làm, bát đĩa chẳng hạn. Nhưng họ cần tới đây, tất cả đều cần tới đây, Lễ tháng đòi hỏi vậy. Chúng tôi đều buộc phải ngồi đến hết, làm cách nào thì tùy.
Rita quắc mắt với tôi trước khi lách vào đứng sau lưng. Lỗi tại tôi, chị mới phải phí thời gian thế này. Không phải tại tôi, tại thân thể tôi, nếu như thế có khác gì. Ngay cả Chủ soái cũng lệ thuộc vào những con bốc đồng của nó.
Nick đi vào, gật đầu chào cả ba, nhìn một vòng quanh phòng. Cả anh ta cũng tới đứng sau tôi. Gần tới nỗi mũi ủng chạm vào bàn chân tôi, cố ý chăng? Dù gì chúng tôi cũng đang chạm nhau, hai hình hài da thuộc. Tôi cảm thấy giày mình mềm đi, máu tuôn vào đó, nó ấm lên, trở thành làn da sống. Tôi khẽ nhích chân, xa khỏi đó.
“Mong ngài nhanh lên cho,” Cora nói.
“Nhanh lên còn đợi,” Nick nói. Anh ta cười to, nhích chân để lại chạm vào tôi. Không ai nhìn thấy, những nếp váy xòa rộng. Tôi xê dịch, trong này quá ấm, mùi nước hoa hả khiến tôi muốn nôn. Tôi nhích chân ra xa.
Chúng tôi nghe Serena đang đến, xuống thang, đi dọc sảnh, tiếng can gõ xuống thảm bùng bục, tiếng bên chân khỏe giẫm nặng. Bà tập tễnh đi vào cửa, liếc nhìn chúng tôi, đếm mà không thấy. Bà khẽ gật, với Nick, nhưng không nói gì. Bà đang mặc bộ áo váy thuộc loại diện nhất, màu da trời, mép mạng có thêu chỉ trắng: hoa lá và hình kỷ hà. Đến tuổi này bà vẫn có nhu cầu quấn hoa kín mình. Chẳng ích gì đâu, tôi nghĩ với bà, mặt không hề đổi, bà chẳng dùng được chúng nữa, bà héo úa rồi. Hoa là cơ quan sinh dục của cây. Tôi đã đọc thấy ở đâu đó, ngày trước.
Bà lần đến bên ghế và ghế đẩu, xoay người, khuỵu xuống, chạm đất rất không uyển chuyển. Bà vác cẳng trái lên ghế đẩu, mò tìm trong túi tay áo. Tôi nghe tiếng sột soạt, tiếng bật lửa đánh cách, ngửi thấy mùi khói thuốc ấm khen khét, hít thật sâu.
“Lại muộn như mọi khi,” bà nói. Chúng tôi không trả lời. Nghe lịch kịch khi bà mò mẫm vặn đèn bàn, rồi tiếng tách, và ti vi bật lên.
Đội hợp xướng nam, da nửa vàng nửa xanh - màu chưa chuẩn; đang hát “Tới đây giáo đường bên rừng hoang”. Tới, tới, tới, tới, bè trầm xuống. Serena chuyển kênh. Hình nhiễu, toàn vân màu, âm thanh méo mó: đài vệ tinh Montreal bị chặn rồi. Rồi xuất hiện một linh mục, điệu bộ thành khẩn, mắt đen ngời sáng, đứng sau bàn nghiêng về phía chúng tôi. Nay họ trông chẳng khác doanh nhân là mấy. Serena cho phép ông ta nói vài giây, rồi chuyển tiếp.
Sau vài kênh trắng, đến bản tin. Là cái bà đang tìm. Bà ngả người ra sau, rít thuốc thật sâu. Ngược lại tôi chồm tới trước, đứa bé con được phép thức khuya cùng người lớn. Đây là điều duy nhất có ý nghĩa trong những tối này, những tối Lễ tháng: tôi được phép xem bản tin. Gần như thành quy ước ngầm trong gia hộ: chúng tôi luôn tới đúng giờ, ông ta lúc nào cũng muộn, Serena luôn để chúng tôi xem tin.
Có thế thì biết thế: ai biết được có gì đáng tin không?
Có thể hình quay từ trước, có thể làm giả. Nhưng tôi vẫn xem, hy vọng đọc được ẩn ý. Giờ đây, bất cứ tin gì vẫn hơn không có gì.
Trước hết là tiền tuyến. Thực tế cũng chẳng hẳn là “tuyên”: chiến sự dường như diễn ra cùng lúc tại rất nhiều nơi.
Mỏm đồi có cây, từ trời nhìn xuống, lá vàng khè bệnh hoạn. Tôi câu bà chỉnh lại màu cho rồi. Trên cao nguyên Appalachia, giọng thuyết minh nói, quân đoàn Thiên sứ Mạt thế, sư đoàn 4, đang hun khói đuổi một nhúm du kích Tẩy lễ, với sự trợ giúp bằng không lực của tiểu đoàn 21 quân đoàn Thiên sứ Ánh sáng. Chúng tôi được xem hai trực thăng, màu đen hai sườn vẽ cánh bạc. Bên dưới, một mảng cây nổ tung.
Giờ cận cảnh một tù binh, mặt bấn thỉu lởm chởm râu, kẹp giữa hai Thiên sứ quân phục đen phẳng phiu. Người tù nhận điếu thuốc từ tay một Thiên sứ, vụng về đặt lên môi với đôi tay bị trói. Anh ta hơi nhệch miệng cười. Phát ngôn viên đang nói gì đó, nhưng tôi không nghe: tôi nhìn vào mắt người kia, cô đoán anh ta nghĩ gì. Anh ta biết có máy quay: nụ cười kia là khiêu khích, hay quy phục? Bị bắt rồi, anh ta hổ thẹn hay không?
Họ chỉ chiếu toàn thắng lợi, không bao giờ thấy thất bại. Ai muốn nghe tin xấu chứ?
Có thể chỉ là một diễn viên.
Giờ thì thấy mặt phát ngôn viên. Phong thái hết sức dịu dàng, vỗ về; ông ta nhìn chúng tôi từ màn hình, da rám nắng, tóc bạc phơ, mắt cương trực, những nếp nhăn thông tuệ, hình ảnh lý tưởng về một người ông. Ông ta bảo chúng tôi những chuyện này, nụ cười vững vàng kia nói thế, cũng chỉ là vì muốn tốt cho chúng tôi, sắp ổn cả rồi. Tôi hứa. Sẽ có hòa bình. Phải tin chứ. Đi ngủ đi, như mọi đứa trẻ ngoan.
Ông ta nói những điều chúng tôi muốn được tin. Ông ta rất thuyết phục.
Tôi cố sức cưỡng lại ông ta. Chỉ là một ngôi sao màn bạc cuối mùa thôi, tôi tự nhủ, trồng răng giả và buôn nước bọt. Cùng lúc tôi lại dao động về phía ông ta, như bị thôi miên. Giá mà là thật. Giá tôi tin được.
Giờ ông ta đang nói về ổ gián điệp ngầm đã bị một toán Con mắt đập tan, nhờ chỉ điểm viên nội bộ. Tổ chức này vận chuyển lậu tài nguyên quốc gia quý báu qua biên giới sang Canada.
“Năm tín đồ của tông phái dị giáo Quaker đã bị bắt giữ,” ông ta nói và cười nhàn nhạt, “và dự kiến sẽ còn những cuộc bắt giữ tiếp theo.”
Hai người Quaker xuất hiện trên màn hình, một đàn ông, một đàn bà. Họ mặt mày khiếp đảm, nhưng vẫn cố giữ phẩm giá trước ông kính. Người đàn ông trán có vết bầm lớn; người kia bị xé mất mạng, tóc lõa xòa từng dải quanh mặt. Cả hai độ khoảng năm mươi.
Giờ chúng tôi được thấy một thành phố, lại từ trên cao quay xuống. Xưa đây là Detroit. Làm nền cho giọng thuyết minh là tiếng trọng pháo thì thùm. Bên đường chân trời những cột khói bốc lên.
“Công cuộc tái định cư cho Dòng dõi Ham vẫn đang diễn ra đúng tiến độ,” khuôn mặt hồng hào đến yên lòng lại hiện ra. “Tuần này ba ngàn người đã tới Bản quán quốc gia 1, hai ngàn nữa đang trên đường.” Làm sao họ vận chuyển được từng ấy người một lúc? Tàu lửa hay xe? Chúng tôi không được thấy hình ảnh nào cả. Bản quán quốc gia 1 nằm ở Bắc Dakota. Chúa biết người ta định cho họ làm gì, khi đến đó. Làm ruộng, đấy là lời đồn.
Serena Joy nghe tin thế đủ rồi. Sốt ruột, bà bấm đổi kênh, gặp phải một ca sĩ giọng trung-trầm luống tuổi, má xệ như vú bò. “Hy vọng khẽ khàng” là bài ông hát. Serena tắt ông ta đi.
Chúng tôi đợi, đồng hồ điểm giờ trong sảnh, Serena châm điếu nữa, tôi ngồi vào xe. Sáng nay thứ Bảy, tháng Chín, chúng tôi còn có xe. Những người khác đã phải bán hết. Tên tôi không phải là offred, tôi có tên khác, giờ đây không ai gọi vì đã cấm. Tôi nhủ mình không quan trọng, tên cũng như số điện thoại, chỉ để người khác dùng; nhưng điều tôi tự nhủ không đúng, nó có quan trọng. Tôi cất giữ ý thức về cái tên này như một vật tàng trữ, một của báu tôi sẽ quay lại đào lên, sau này. Tôi coi như tên ấy đã chôn. Cái tên nằm giữa vầng hào quang bao bọc, như tấm bùa hộ thân, câu thần chú đã cầm cự lại đời từ một thời xa xưa mất hút. Đêm đêm tôi nằm trên giường cá nhân, mắt nhắm, và cái tên lập lờ sau mí mắt, không hẳn trong tầm tay, ngời lên trong tối.
Sáng nay thứ Bảy vào tháng Chín, tôi còn đeo cái tên ngời sáng của mình. Bé gái nay đã chết đang ngồi ghé sau, mang theo hai con búp bê yêu nhất, cả chú thỏ bông, xơ xác vì tuổi tác và hôn hít. Tôi rõ đến từng tiểu tiết. Những tiểu tiết hết sức ủy mị, nhưng tôi không đừng được. Nhưng không thể nghĩ quá nhiều về con thỏ, không thể khóc lúc này, trên tấm thảm Trung Hoa, trong lúc hít vào thứ khói tù trong người Serena ra. Giờ không được, đây không được, để lúc khác.
Con cứ tưởng cả nhà đi picnic, mà đúng là có giỏ đồ ăn ở ghé sau, cạnh con, đồ ăn đàng hoàng, trứng luộc, bình tích và đủ thứ khác. Chúng tôi không muốn con biết thực sự đang đi đâu, không muốn con lỡ miệng mà nói ra, để lộ bất cứ gì, nếu chẳng may bị chặn. Không muốn đặt gánh nặng sự thực lên con.
Tôi xỏ đôi giày đường trường, con có giày thế thao. Dây buộc giày con trang trí những tim là tim, đỏ, hồng, vàng, tía. So với tháng này tiết trời khá ấm, lá bắt đầu ngả màu, trên lác đác vài cây; Luke cầm lái, tôi ngồi bên anh, mặt trời tỏa nắng, da trời xanh, nhà cửa bên đường trông ấm cúng và hết sức bình thường, mỗi ngôi nhà bỏ lại sau là biến mất vào quá khứ, sập xuống trong nháy mắt như chưa từng tồn tại, vì tôi sẽ không còn nhìn thấy chúng thêm một lần sau; hoặc ít nhất tôi đã đinh ninh thế.
Chúng tôi hầu như không mang gì theo, không muốn tạo ấn tượng đang đi một chuyến xa hay lâu dài. Đã cầm hộ chiếu giả, rất đảm bảo, đáng đồng tiền. Đâu có trả bằng tiền được, tất nhiên, cũng không tính vào khoản vi tính: chúng tôi dùng cách khác, ít nữ trang bà tôi để lại, bộ tem Luke thừa hưởng từ ông bác. Những thứ đó trao đổi được lấy tiền, ở nước ngoài. Khi đến biên giới chúng tôi sẽ vờ như chỉ sáng đi chiều về; dấu thị thực giả có tác dụng trong ngày thôi. Trước đó tôi sẽ cho con uống thuốc ngủ để con ngủ khi qua biên giới. Như thế con sẽ không làm lộ chuyện. Không thể trông chờ trẻ con nói dối trơn tru được. Và tôi không muốn con khiếp sợ, không muốn con cảm thấy nỗi kinh hoàng đang siết chặt mỗi bắp cơ, kéo thẳng sống lưng, khiến tôi căng ra đến nỗi e mình sẽ vỡ vụn nếu có ai đụng phải. Mỗi điểm dừng là một vòng thử lửa. Chúng tôi sẽ ngủ đêm ở nhà nghỉ, hay tốt hơn là trong xe, ở một nhánh đường phụ để tránh những hỏi han ngờ vực. Sẽ vượt biên vào buổi sáng, qua cầu, hết sức đơn giản, chỉ như lái xe đi siêu thị.
Xe rẽ vào xa lộ, lên phía Bắc, đường vắng vẻ, đi bon bon. Từ độ khai mào chiến cuộc, giá ga đội lên, mà cũng hiếm tìm được. Ra khỏi thành phố là qua chốt kiểm soát đầu tiên. Họ chỉ đòi xem đúng có bằng lái, Luke xoay xở ổn. Bằng lái và hộ chiếu khớp nhau: cái đó tính rồi.
Khi lại lên đường, anh bóp chặt tay tôi, ngó qua tôi. Em trắng bệch như tờ giấy ấy, anh nói.
Và tôi cảm thấy y như thế: trắng, phẳng, mỏng dính. Tôi thấy mình trong suốt. Chắc chắn họ sẽ nhìn thấu tận tim gan tôi. Tệ hơn, làm sao tôi bám được vào Luke, vào con, nếu tôi phẳng thế này, trắng thế này? Tôi cảm thấy mình không còn lại bao nhiêu; hai người sẽ trượt khỏi vòng tay tôi, như thể tôi làm bằng khói, một ảo ảnh sa mạc, tan dần trước mắt họ. Đừng nghĩ thế, Moira ắt sẽ nói. Cứ nghĩ thế là chuyện sẽ xảy ra.
Cười lên nào, Luke nói. Giờ anh đi hơi nhanh. Máu đã bốc lên đầu. Giờ anh còn hát nữa. Cuộc đời vẫn đẹp sao, anh ngân nga.
Ngay chuyện đó cũng làm tôi lo. Người ta đã cảnh báo đừng tỏ ra hân hoan quá.
15
Chủ soái gõ lên cửa. Đấy là luật định: phòng nghỉ được coi là lãnh thổ của Serena Joy, ông ta phải xin phép mới được vào. Bà ta ưa bắt ông ta đợi. Một việc nhỏ nhặt thôi, nhưng trong gia hộ này từng việc nhỏ nhặt đều có ý nghĩa. Tuy nhiên đêm nay, bà không có được cả khoái thú ấy, bởi bà chưa kịp lên tiếng ông ta đã bước thẳng vào phòng. Có thể đơn giản là ông quên quy ước, mà cũng có thể cố tình. Ai biết được bên bàn ăn lấp lánh bạc, bà đã gì nói với ông? Hoặc không nói gì.
Chủ soái vận quân phục đen, trông như bảo vệ bảo tàng. Bán hưu trí, lịch thiệp nhưng nghi ngại, cả ngày ngồi nhàn. Nhưng là khi thoạt nhìn thôi. Kỹ hơn chút nữa, ông ta giống một chủ nhà băng miền Trung Tây, mái tóc bạc chải gọn, dáng điệu trịnh trọng, vai hơi khòm. Kỹ nữa thấy bộ ria cũng bạc, rồi nữa cái cằm, không ai có thể bỏ qua. Xuống tới cái cằm thì ông giống hình quảng cáo vodka, trên trang tạp chí giấy bóng, cái thời đã xa.
Ông ta có tác phong mềm mỏng, bàn tay lớn, ngón dày, ngón cái tham lam, đôi mắt xanh kín bưng, vô hại một cách giả dối. Ông ta nhìn tóm bọn tôi như kiểm kho. Một đàn bà quỳ màu đỏ, một đàn bà ngồi màu lam, hai xanh lục đứng, một đàn ông duy nhất, mặt xương, làm hậu cảnh. Ông ta khéo tỏ vẻ bối rối, như không nhớ rõ sao lại có cả đám ả đây. Như những thứ vừa do thừa ké mà có, một cây dương cầm đạp chân thời Victoria, ông chưa luận ra phải làm gì với chúng tôi. Hay chúng tôi giá trị cỡ nào.
Ông gật đầu đại khái về phía Serena Joy, bà này không mở miệng. Ông bước ngang phòng tới ghế bành da lớn dành riêng, lấy chìa trong túi, lần mò cái hộp bọc da bịt đồng tinh xảo đặt trên bàn con cạnh ghế. Ông tra chìa, mở hộp, nhấc ra cuốn Kinh thánh, bản thường, bìa đen, mép mạ vàng. Cuốn kinh khóa kỹ, như ngày xưa người ta khóa kỹ trà, để gia nhân không thó được. Một quả bom cháy: ai biết được chúng tôi sẽ làm gì với nó, nếu có chạm vào được? Chúng tôi được đọc cho, nhờ ông, nhưng không được phép đọc. Mấy cái đầu quay cả về ông, ngóng đợi, giờ kể chuyện cổ tích đến rồi.
Chủ soái ngồi xuống khoanh chân lại, giữa mười mắt cùng ngó. Thẻ đánh dấu trang đều đúng chỗ. Ồng ta mở cuốn kinh. Hơi hắng giọng, dường như ngượng nghịu.
“Cho tôi cốc nước,” ông nói vu vơ. “Được không?” ông thêm.
Sau lưng tôi, một trong hai người, Cora hoặc Rita, rời hoạt cảnh mà lạch bạch về phía bếp. Chủ soái ngồi đó, mắt nhìn sàn. Chủ soái thở dài, lôi từ túi áo trong ra đôi kính, gọng vàng, đẩy lên mũi. Giờ ông ta thành cụ thợ giày trong cuốn truyện cổ tích cũ. Cổ phải ông ta dự trừ một kho vô tận, những mặt nạ nhân tù?
Chúng tôi theo dõi: từng xăng ti, từng cái giật mình.
Làm đàn ông, giữa một đám đàn bà đang theo dõi. Hẳn phải rất lạ lùng. Khi để họ đó, chăm chú nhìn ông, mọi lúc. Khi đế họ đoán chửng, Ông sắp làm gì tiếp đây? Đe họ rúm người trước mỗi cử động, dù vô hại đến đâu, với lấy gạt tàn chẳng hạn. Để họ đo lường ông. Để họ nhủ thầm, Không được, không đâu, đành phải vậy, câu thứ ba như thể ông là một thứ trang phục, lôi thôi hay thứ phẩm, vẫn phải khoác vào vì nếu không cũng chẳng có gì.
Để họ mang ông vào, ướm lấy ông, thử nghiệm ông, trong khi chính ông cũng mang họ vào, như đi tất vào chân, bọc lấy cái mẩu đuôi cụt của ông, ngón cái thừa rất nhạy, cái xúc tu, con mắt cuống mềm yếu của sên trần, biết phóng tới, nở ra, rụt lại, hay cuộn trả vào trong mình nếu bị chạm vào không đúng cách, lại to ra, hơi phình lên ở đầu, tiến lên trước như dọc theo cuống lá, vào trong họ, háo hức muốn nhìn thấy. Nhìn thấy được bằng cách đó, bằng chuyến du hành vào bóng tối, thứ bóng tôi cấu tạo bởi đàn bà, bởi một người đàn bà biết nhìn trong bóng tối trong khi ông đây căng người tiến tới trong mù lòa.
Người ấy theo dõi ông từ bên trong. Chúng tôi thảy đều theo dõi ông. Việc duy nhất chúng tôi thực tình được phép làm, mà cũng không phải là vô nghĩa: nếu ông do dự, thua cuộc, nếu ông chết, chúng tôi sẽ ra cái gì? Chẳng trách ông như chiếc bốt, vỏ ngoài cứng rắn, bao bọc đôi chân trắng. Mà đây chỉ là ước muốn thôi. Tôi đã quan sát ông khá lâu và không thấy dấu hiệu yếu mềm nào cả.
Nhưng hãy coi chừng, Chủ soái, tôi nói thầm trong đầu. Tôi vẫn để mắt tới ông. Nhúc nhích một ly là tôi chết.
Dù sao, hẳn phải khốn nạn lắm, khi làm đàn ông, như thế.
Hẳn phải ổn thôi.
Hẳn phải khốn nạn lắm.
Hẳn phải tịch mịch vô cùng.
Nước đến, viên Chủ soái uống. “Cảm ơn,” ông ta nói. Cora loạt xoạt về chỗ.
Chủ soái ngưng lại, nhìn xuống, soi xét trang sách. Rất nhẩn nha, làm như không nhớ có chúng tôi. Như người thực khách gảy gảy miếng bít tết, sau cửa kính nhà hàng, vờ không thấy những cặp mắt dõi theo trong bóng tối đói khát cách khuỷu tay mình chưa đầy mét. Chúng tôi hơi chồm về phía ông, mạt sắt xoay về nam châm. Ông có thử chúng tôi không có, ông có lời. Mà xưa chúng tôi hoang phí đi biết mấy.
Chủ soái, làm như miễn cưỡng, mở miệng đọc to. Đọc không hay lắm. Có thể chỉ vì buồn chán.
Vẫn là chuyện cũ, vẫn những chuyện cũ. chúa bảo Adam, Chúa bảo Noah. Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất. Rồi tới và Rachel và Leah hăng mùi ấm mốc chúng tôi đã bị nhồi lấy nhồi để ở Trung tâm. Cho tôi có con đi, không thì tôi chết mất. Tôi đâu có thay quyền Thiên chúa là Đấng đã không cho bà sinh đẻ. Đây Bilhah, nữ tỷ của tôi. Để nó sinh con trên đầu gối tôi, và nhờ nó mà cả tôi nữa, cũng có con. Vân vân và vân vân. Chúng tôi đã nghe kèm bữa sáng, khi ngồi trong căng tin trường trung học, ăn cháo mạch với kem và đường nâu. Các cô được hưởng thức hảo hạng đây, hiểu không, dì Lydia bảo. Đang chiến tranh, nhu yếu phẩm đều phải phân phối. Các cô bé được nuông, dì hấp háy mắt, như quở trách một đứa con nít. Cái hĩm hư nào.
Còn bữa trưa có Tám mối phước. Phước thay cái này, phước thay cái kia. Chạy băng ghi âm, để ngay các dì cũng không phạm phải tội đọc. Giọng đàn ông. Phước thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước trời là của họ. Phúc thay ai xót thương người. Phước thay ai lành hiền. Phúc thay ai ngậm miệng. Tôi biết cái này họ bịa ra, tôi biết thế là sai, và họ cũng cắt đi nhiều nữa, nhưng không có cách nào kiểm chứng. Phước thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được ủi an.
Không ai cho biết khi nào.
Tôi canh đồng hồ, khi tráng miệng, lê hộp với quế, tiêu chuẩn bữa trưa, và đưa mắt tìm Moira cách đó hai bàn. Cô đã đi rồi. Tôi giơ tay lên, được phép. Chúng tôi không đi quá thường xuyên, giờ giấc cũng luôn thay đổi.
Tới phòng vệ sinh tôi vào ngăn thứ hai từ trong, như lệ thường.
Cậu có đấy không? tôi nói thầm.
Có mặt, mặc dù cái mặt khá ôi riêu, Moira thì thầm đáp.
Nghe được những gì? tôi hỏi.
Không mấy. Tớ phải ra khỏi đây, tớ hóa dại đến nơi rồi. Tôi chết khiếp. Không được, Moira, tôi nói, đừng liều. Một mình cậu không thể được.
Tớ sẽ giả ốm. Sẽ có xe cứu thương, tớ thấy rồi.
Cậu chỉ tới được bệnh viện là hết. Ít ra thì cũng đổi gió. Tớ không phải nghe mụ giặc cái ấy lải nhải nữa.
Họ sẽ phát hiện ra.
Khỏi lo, cái này tớ thạo lắm. Hồi còn trung học tớ bỏ uống C, tớ bị scorbut tức thì. Mới đầu chúng nó không thể chẩn đoán ra ngay được. Rồi uống lại là sẽ đâu vào đấy. Tớ sẽ giấu hết mấy viên C đi.
Moira, xin cậu.
Tôi không thể chịu nổi nếu cô không còn ở đây, với tôi. Vì tôi.
Sẽ có hai thằng cha đi cùng, trong xe cứu thương ấy. Nghĩ xem. Chúng chắc phải chết thèm đã lâu rồi, mẹc, chúng còn không được phép thọc tay vào túi, cơ hội khá...
Mấy cô trong kia. Hết giờ rồi. Giọng dì Elizabeth, ngoài cửa. Tôi ðứng dậy, giật nýớc. Hai ngón tay Moira hiện ra, qua lỗ týờng. Chỉ ðủ chỗ cho hai ngón. Tôi chạm tay mình vào, thật nhanh, nắm lấy. Buông ra.
“Bà Leah nói, Thiên chúa đã trả công cho tôi, vì tôi đã hiến nữ tỳ của tôi cho chồng tôi,” Chủ soái két. Ông buông rơi cuốn kinh gập lại. Nó thở hắt một tiếng đùng đục, như cánh cửa mút đóng vào, tự mình, ở đâu xa: luồng hơi phụt ra. Nghe đủ hình dung được độ mềm mại của những trang giấy mỏng như lụa, hình dung cảm giác khi chạm ngón tay vào. Mem và khô, như giấy thấm dầu, hồng hồng mịn mịn, từ thời xưa, bán từng xấp mỏng để chấm mồ hôi trên mũi, trong những cửa hàng bán cả nến và xà phòng nhiều hình dạng: hình nấm, hình vỏ ốc. Như giấy cuốn thuốc lá. Như cánh hoa.
Chủ soái ngồi nhắm mắt hồi lâu, vẻ mệt. Ông ta bận bịu cả ngày dài. Ông mang nhiều trọng trách.
Serena đã khóc từ lúc nào. Tôi nghe thấy, sau lưng. Không phải lần đầu. Lần nào cũng vậy, mỗi đêm Lễ tháng. Bà cô không phát ra tiếng. Bà cô giữ thể diện, trước mặt chúng tôi. Đệm và thảm nuốt bớt tiếng bà nhưng chúng tôi vẫn nghe rất rõ. Bà không kiềm chế được, nhưng vẫn gồng người đè nén, độ căng thẳng thật đáng ghê sợ. Cứ như đánh rắm giữa nhà thờ. Tôi lại, như mọi lần, muốn cười phá lên, nhưng không phải vì thấy chuyện đó tức cười. Con khóc của bà bốc mùi khắp phòng và chúng tôi vờ lơ đi không thấy.
Chủ soái mở mắt, nhận thấy, cau mày, ngừng nhận thấy. “Bây giờ là phút im lặng cầu nguyện,” ông ta nói. “Chúng ta sẽ cầu xin phước lành, và xin thành đạt trong mọi công nghiệp của mình.”
Tôi cúi đầu, khép mắt. Tôi lắng nghe hơi thở cố nén, tiếng hổn hển gần như không nghe được, con run rẩy vẫn tiếp diễn sau lưng. Chắc bà ta ghét mình lắm lắm, tôi nghĩ.
Tôi lặng yên cầu nguyện: Nolite te bastardes carborundo- rum. Tôi không hiểu thế có nghĩa gì, nhưng đọc lên nghe hợp lý, mà đành phải vậy thôi, vì tôi không biết còn nói với Chúa được gì đây. Không phải lúc này. Không phải, như cách nói ngày xưa, đúng giờ khắc này. Dòng chữ vạch trên sàn tủ chập chờn trước mắt, di tích của người đàn bà lạ, mang khuôn mặt Moira. Tôi đã thấy cô, ra xe cứu thương, trên băng ca, khiêng trên tay hai Thiên sứ.
Gì vậy? tôi máy môi hỏi người đàn bà bên cạnh; vô hại, câu hỏi như thế, trừ phi trúng một đứa cuồng tín thì thôi.
Sốt cao, đôi môi kia đáp lại. Viêm ruột thừa, thấy bảo thế.
Tôi đang ăn, tối hôm ấy, thịt băm viên với khoai xắt mỏng. Tôi ngồi ngay bàn cửa sổ, có thể nhìn ra sân, tới tận cổng trước. Tôi đã thấy xe cứu thương về, lần này không hú còi. Một Thiên sứ nhảy ra, nói mấy câu với lính gác. Tay gác đi vào trong; xe vẫn đỗ đó; người Thiên sứ đứng quay lưng về phía chúng tôi, như được dạy. Hai dì ra khỏi tòa nhà, cùng tay gác. Họ đi vòng ra sau xe. Họ kéo Moira ra, lôi cô vào qua cổng, lên bậc cấp phía trước, tay xốc nách cô, mỗi bên một người. Cô đi rất khó khăn. Tôi dừng ăn, tôi không ăn nổi; lúc này cả bàn ngồi phía tôi đều nhìn trừng trừng ra ngoài cửa sổ. Cửa sổ bằng kính xanh đùng đục, trong lòng kính có cốt mắt cáo. Dì Lydia nói, lo mà ăn đi. Dì lại gần kéo mành xuống.
Họ đem cô vào phòng xưa là phòng thí nghiệm. Cũng là phòng chúng tôi chưa có ai từng tự nguyện đi vào. Sau đó cô không thể đi lại suốt một tuần, chân nhét không vừa giày nữa, chúng sưng tướng lên. Họ sẽ làm chân trước, khi vi phạm lần đầu. Dùng roi cáp thép, hai đầu lởm chởm. Sau đó đến bàn tay. Có làm gì bàn tay bàn chân chúng tôi cũng chẳng sao, dù thương tật vĩnh viễn cũng vậy. Nhớ cho kỹ, dì Lydia nói. Đối với mục đích của chúng ta, tay chân các cô không cần thiết.
Moira nằm trên giường, làm gương cho tất cả. Lẽ ra cô không nên thử, nhất là với đám Thiên sứ, Alma nói, từ giường bên. Chúng tôi phải khênh cô đến lớp. Chúng tôi ăn cắp những gói đường nhỏ cho cô, mỗi giờ ăn ở căng tin, lén chuyển đến chỗ cô, hàng đêm, qua các giường. Hẳn nhiên cô chẳng cần đến đường nhưng có mỗi thứ đó là chúng tôi tìm cách ăn trộm được. Trao đi được.
Tôi vẫn đang cầu nguyện, nhưng chỉ thấy trước mắt đôi chân Moira, sau khi họ mang cô về. Chân cô không giống chân người. Giống như chân xác chết đuối, sưng phồng, mềm oặt, trừ có màu. Cái màu như buồng phổi.
Chúa ơi, tôi cầu nguyện. Nolite te bastardies carborun- dorum.
Đây đúng là ý định của người ư?
Chủ soái húng hắng. Nghĩa là báo hiệu theo ý ông chúng tôi dùng cầu nguyện được rồi. “Bởi Đức chúa đưa mắt rảo khắp hoàn cầu để gia tăng sức mạnh cho những ai giữ lòng trung nghĩa với Người,” ông nói.
Tín hiệu báo nghỉ. Ông đứng dậy. Chúng tôi giải tán.
16
Lễ tháng diễn ra như thường lệ.
Tôi nằm ngửa, mặc đủ quần áo trừ quần lót dài cô tông trắng vệ sinh. Trước mắt, nếu tôi được mở mắt, là tấm màn trắng rộng căng trên chiếc giường bốn cọc kiểu thực dân ngoại cỡ của Serena Joy, lửng lơ như đám mây sũng nước bên trên, một đám mây thêu lối cành cây những giọt mưa bạc tí xíu, nhìn kỹ sẽ hóa ra là những bông hoa bốn cánh. Tôi sẽ không thay được tấm thảm, có màu trắng, hay đôi rèm cũng thêu cành cây và bàn trang điểm rủ khăn với bộ gương lược khung nạm bạc; chỉ thấy mỗi tấm màn, nhờ chất tơ mỏng trong suốt đi đôi với độ cong trĩu xuống, đã tài tình cùng lúc gợi lên cả vật chất lẫn thượng thanh khí.
Hoặc cánh buồm một con tàu. Cánh buồm no gió, xưa từng nói vậy, lối thi ca. Cái bụng no căng. Băng băng tiến tới nhờ vòm bụng căng tròn.
Làn sương Bông huệ trong thung vương vất xung quanh, lạnh lẽo, băng giá nữa là khác. Phòng này không ấm.
Phía bên trên, gần đầu giường, Serena Joy đã vào vị trí, xoải rộng. Chân bà dạng ra hai bên, tôi nằm giữa, đầu đặt lên bụng bà, xương mu bà đỡ gốc sọ tôi, đùi kẹp hai bên người tôi. Cả bà cũng mặc đủ quần áo.
Hai tay tôi giơ lên; bà ta nắm lấy tay tôi, mỗi bàn tay một bàn tay. Việc đó được coi như hàm nghĩa chúng tôi chung một xác thịt, một thực thể. Còn nghĩa thực sự là bà ta nắm quyền kiểm soát, suốt cả quá trình, và do đó cả sản phẩm của quá trình ấy. Nếu có. Mấy cái nhẫn trên tay trái cắt vào những ngón tay tôi. Là báo thù có thể, cũng có thể không.
Tấm váy đỏ gài ngược lên thắt lưng tôi, tuy chỉ đến đấy là hết. Bên dưới đó viên Chủ soái đang đụ. Đối tượng là hạ bộ người tôi. Tôi không nói là làm tình, bởi đây không phải ông ta đang làm tình. Giao cấu cũng không chính xác, bởi từ này nói đến hai phía tham gia mà đây chỉ một. Cưỡng hiếp cũng không thích hợp luôn: mọi chuyện diễn ra đây không có gì không được tôi chấp thuận. Không có nhiều lựa chọn, nhưng cũng có, và tôi đã chọn cái này.
Vậy là tôi nằm yên và phác thảo trong đầu tấm màn không nhìn thấy. Tôi nhớ đến lời nữ hoàng Victoria khuyên con: Cứ nhắm mắt lại và nghĩ tới nước Anh. Nhưng đây không phải nước Anh. Tôi ước ông ta nhanh lên cho rồi.
Cũng có thể tôi đang điên và đây là một loại hình trị liệu mới.
Tôi ước đúng là như thế; như vậy bệnh tình có thể tiến triển, và chuyện này sẽ thôi.
Serena Joy bóp chặt tay tôi cứ như bà, chứ không phải tôi, đang bị đụ, cứ như bà là người cảm thấy hoặc thống khoái hoặc đau đớn, và viên Chủ soái tiếp tục, theo một nhịp quân hành hai-bốn, lặp đi lặp lại như vòi nước rỉ. Ông ta chìm đắm tận đâu, như người ngâm nga trong khi tắm mà không tự biết, như còn bận bịu chuyện khác trong đầu. Cứ như ông ta đang ở một nơi nào, chờ chính mình đang tới, ngón tay gõ lách cách trên mặt bàn. Nhịp điệu ông ta giờ có vẻ hối thúc. Nhưng chẳng phải đây là giấc mộng tình lý tưởng hay sao - hai người đàn bà một lúc? Họ thường bảo thế. Cực kỳ kích thích, họ thường nói vậy còn gì.
Còn điều đang diễn ra trong phòng này, dưới tấm màn bạc của Serena Joy, không có gì kích thích. Nó không dính gì tới đam mê hay yêu đương hay lãng mạn hay bất cứ khái niệm nào trong số chúng ta thường dùng tự đốt nóng mình ngày trước. Nó không dính gì tới ham muốn tình dục, ít nhất với tôi, và Serena chắc chắn càng không. Động tình hay lên đỉnh không còn được coi là đòi hỏi; mấy thứ đó chỉ còn là dấu hiệu của bệnh phù phiếm, như nịt tất ren hay nốt ruồi duyên: trò giải khuây vô nghĩa của lũ nông cạn. Lỗi thời rồi. Có phần kỳ quái khi nhớ lại đàn bà ngày xưa từng bỏ nhiều thời gian công sức đến thế cho những chuyện này, đọc về chúng, nghĩ về chúng, băn khoăn lo lắng, viết về chúng nữa. Tính chất tiêu khiển quá hiển nhiên.
C̣n đây không phải là tiêu khiển, kể cả với Chủ soái. Đây là làm ăn nghiêm túc. Cả Chủ soái nữa, ông ta cũng đang thực hiện bổn phận.
Nếu he hé mắt ra chút ít, tôi sẽ thấy ông ta, khuôn mặt không quá kém ưa nhìn lơ lửng trên thân mình, vài lọn tóc bạc có lẽ phất phơ trước trán, chú tâm vào chuyến đi bên trong, vào vị trí ông đang hối hả nhằm tới, cái đích như trong giấc mơ cứ lùi xa cùng tốc độ ông tiến tới. Tôi sẽ nhìn thấy đôi mắt mở của ông.
Nêu ông điển trai hơn liệu tôi có thích thú hơn?
Ít nhất ông ta cũng là tiến bộ so với ông trước, bốc mùi như phòng để mũ áo nhà thờ ngày mưa, như khoang miệng khi nha sĩ bắt đầu lấy cao răng, như một cái lỗ mũi. Chủ soái này, trái lại, tỏa mùi băng phiến; hay là một dạng nước hoa cạo râu nhằm gây khốn khổ? Sao ông phải mặc cái bộ quân phục ngu xuẩn đó? Nhưng liệu thân thể trần trụi phớt lông trắng bệch của ông có khá hơn gì cho tôi?
Theo quy định cấm hôn. Nhờ thế vẫn còn chịu được.
Người ta tự tách khỏi mình. Người ta mô tả.
Cuối cùng ông cũng tới, để thoát một tiếng rên nghèn nghẹt như giải thoát. Serena Joy, trước vẫn nín thở, giờ hắt ra. Chủ soái, trước vẫn chống trên hai khuỷu, khỏi chạm vào đôi thân thể nhập một, giờ không cho mình đắm chìm vào bên trong chúng tôi. Ông nghỉ một lát, thu lại, rút lui, cài lại khóa. Ông gật đầu, rồi quay đi rời khỏi căn phòng, đóng cửa một cách cẩn trọng quá đáng, cứ như đôi chúng tôi là một bà mẹ đau yếu. Chuyện này có gì đó nực cười vô kể, nhưng tôi không dám cười.
Serena Joy buông tay tôi. “Cô dậy được rồi,” bà nói. “Dậy và ra ngay.” Đáng ra bà phải để tôi nghỉ, chừng mười phút, chân gác lên gối, để tăng xác suất. Thời gian ấy đáng ra để bà chiêm nghiệm trong yên lặng, nhưng giờ bà không có lòng dạ làm việc đó. Giọng bà hắt hủi, như thể chạm vào da thịt tôi khiến bà phát ốm, khiến bà ô uế. Tôi gỡ mình khỏi thân bà, đứng dậy; thứ dịch từ Chủ soái chảy xuống dọc chân tôi. Trước khi quay đi, tôi còn thấy bà vuốt phang tấm váy lam, khép chặt chân; bà vẫn nằm lại trên giường, mắt ngó trân lên tấm màn bên trên, thẳng đờ như nộm.
Không hiểu với ai tệ hơn, bà hay tôi?
17
Tôi làm những việc sau đây khi trở lại phòng mình:
Tôi trút bỏ quần áo và thay đồ ngủ.
Tôi kiếm mẩu bơ tí xíu, trong mũi giày phải, chỗ đã giấu sau bừa ăn. Trong tủ ấm quá, bơ chảy mềm ra rồi. Phần lớn đã thâm vào mẩu giấy ăn bọc ngoài. Giờ trong giày có bơ. Không phải lần đầu, bởi cứ khi nào có bơ hoặc cả macgarin, tôi lại để dành một ít theo cách đó. Tôi có thể chiết ra gần hết chỗ bơ từ lớp lót giày, ngày mai, dùng khăn lau hay giấy vệ sinh trong phòng tắm.
Tôi xoa chỗ bơ khắp mặt, xát vào da tay. Giờ không còn kem bôi mặt hay sữa dưỡng da nữa, không phải dành cho chúng tôi. Đó cũng thuộc hạng phù phiếm. Chúng tôi là bình đựng, chỉ phần nội tạng mới quan trọng. Ngoại biên có thể cứng lại và nhăn nheo, như vỏ hạt dẻ, họ cũng bất chấp. Đây là sắc lệnh của các Phu nhân, chuyện mất tích sữa dưỡng da này. Họ không muốn chúng tôi trông hấp dẫn. Với họ, sự tình thế này đã đủ tệ rồi.
Bơ là mẹo học được ở Trung tâm Rachel và Leah. Trung tâm Đỏ, chúng tôi gọi thế, bởi đâu đâu cũng toàn màu đỏ. Người tiền nhiệm tôi ở phòng này, cô bạn có tàn nhang và tiếng cười giòn giã, chắc cũng đã làm vậy, với bơ. Chúng tôi đều làm vậy.
Chừng nào còn làm việc đó - xoa bơ lên mặt cho mềm da, chúng tôi còn tin được có ngày mình sẽ thoát ra, tin mình sẽ lại được động chạm, vì yêu đương hay ham muốn. Chúng tôi cũng có những nghi lễ của mình, cử hành đơn độc.
Bơ rất nhờn, sẽ chóng ôi và tôi sẽ bốc mùi pho mát chua; nhưng ít ra cũng là dưỡng chất thiên nhiên, như xưa thường nói.
Chúng tôi đã xuống đến mức ấy rồi vậy.
Đã phết bơ, tôi nằm xuống giường, thẳng thớm, một miếng bánh mì nướng. Tôi không ngủ nổi. Trong bóng tranh sáng tranh tối tôi nhìn mãi lên con mắt thạch cao mù giữa trần, cũng đang nhìn lại xuống tôi, dù không thấy. Không có gió, đôi rèm trắng như hai tấm gạc, rũ oặt xuống, nhờ nhờ trong quầng sáng đèn pha đêm đêm vẫn chiếu quanh nhà này - hay là có trăng?
Tôi gập lại tấm chăn, thận trọng trở dậy, chân trần giẫm không tiếng động, mình khoác áo ngủ, tới bên cửa sổ, như đứa bé con, tôi muốn thấy, vầng trăng trên ngực trần vồng tuyết mới rơi. Trời trong veo nhưng khó nhìn ra, bởi ánh đèn; nhưng đúng, trên nền trời bị át mờ có một vầng trăng lơ lửng, tinh khôi, một vầng trăng chờ lời ước nguyện, một mảnh đá từ vạn cổ, một nữ thần, một nháy mắt. Vầng trăng là đá còn trời đầy những khí tài chết chóc, nhưng Chúa ơi, dù gì cũng đẹp làm sao.
Tôi muốn có Luke không tả xiết. Tôi muốn được ôm, được nghe gọi tên mình. Tôi muốn được quý trọng, theo những cách giờ không còn được; tôi muốn nhiều hơn chứ không chỉ là quý báu và quan trọng. Tôi lặp lại cái tên lúc trước, tự nhắc nhở mình xưa làm được những gì, được nhìn nhận ra sao.
Tôi muốn đánh cắp gì đó.
Trong sảnh đèn đêm vẫn thắp, lối đi dài sáng dìu dịu màu hồng; tôi đi, mỗi bước chân đều thận trọng, không một tiếng cọt kẹt, theo tấm thảm dài, như trên mặt đất trong rừng, lén lút, tim đập rộn, lướt qua căn nhà đêm. Tôi đang bỏ vị trí. Phi pháp trăm phần trăm.
Xuống qua gương mắt cá trên tường, tôi nhìn thấy hình thù mình màu trắng, thân thể lùng nhùng, tóc xòa lưng như mái bờm, mắt lóe sáng. Tôi thích vậy. Tôi đang làm một việc, tự mình, chủ động; đó có phải một thì ngữ pháp không? Kích động. Cái tôi muốn đánh cắp là con dao, trong nhà bếp, nhưng hôm nay chưa sẵn sàng.
Tôi tới phòng nghỉ, cửa hé mở, lẻn vào, để cửa rộng hơn một chút. Ván kêu cái kẹt, nhưng ai ở gần mà nghe? Tôi đứng giữa phòng, đợi đồng tử nở rộng ra, như mèo hoặc cú. Mùi nước hoa cũ và bụi vải xông đặc mùi. Có làn ánh sáng mảnh lọt vào qua khe giữa những tấm rèm đã kéo, ánh đèn pha ngoài sân, tôi biết chắc có hai người đi tuần ngoài đó, tôi đã thấy họ, từ trên, từ sau rèm phòng mình, những hình khối đen, tranh cắt bóng. Giờ thì tôi nhìn thấy những nét lờ mờ, những bóng sáng: tấm gương, chân đèn, mấy bình hoa, ghế xô pha lù lù như đụn mây lúc trời chập choạng.
Nên lấy gì? Một vật sẽ không ai biết là thiêu. Trong rừng lúc nửa đêm, một đóa hoa thần. Một bông thủy tiên héo, không phải từ đĩa cắm hoa khô. Thủy tiên sắp quẳng đi đến nơi, chúng có mùi rồi. Thêm vào mùi nước hoa oải của Serena, mùi đồ đan khăn khẳn.
Tôi quờ quạng, thấy chiếc bàn con, mò thử. Có tiếng cạch, chắc va đổ gì rồi. Tôi tìm ra bình thủy tiên, rìa cánh đã khô xác, gần cuống thì mềm oặt, đưa ngón tay bấu đi. Tôi sẽ ép bông này, đâu đó. Dưới đệm giường. Để lại đó, cho người đàn bà kế, sẽ đến tiếp sau tôi, có cái mà tìm thấy.
Nhưng có ai trong phòng, sau lưng tôi.
Tôi nghe tiếng chân, cũng nhẹ như mình, tiếng cọt kẹt đúng chỗ ván sàn lúc nãy. Cửa khép lại sau lưng tôi, đánh cạch, chắn ánh đèn. Tôi cứng người: mặc đồ trắng thật sai lầm. Tôi là tuyết dưới ánh trăng, dù đêm tối.
Rồi tiếng thì thầm: “Đừng có hét. Không sao đâu.”
Cứ như tôi định hét, cứ như quả thật không sao. Tôi quay lại: một bóng người, chỉ thế, xương gò má hơi sáng lên, không màu.
Người đó bước về phía tôi. Nick.
Cô ở đây làm gì?
Tôi không trả lời. Cả anh ta cũng phi pháp, ở đây, bên tôi, không thể tố cáo tôi. Tôi cũng không thể tố anh; hiện tại chúng tôi là đôi bạn. Anh ta đặt tay lên tay tôi, kéo tôi sát lại, miệng áp miệng tôi, nhịn đến thế còn đem lại gì khác được? Không nói một lời. cả hai đều run lên, sao mà tôi muốn. Trong khách sảnh của Serena, bên những hoa khô, trên tấm thảm Trung Hoa, thân thể anh thanh mảnh. Một người hoàn toàn xa lạ. Sẽ y như gào toáng lên, y như giơ súng bắn người. Tay tôi trượt xuống, làm thế thì sao, tôi có thể cởi cúc, và rồi. Nhưng nguy hiểm lắm, anh ta biết, chúng tôi đẩy nhau ra, không quá xa. Tin cậy quá mức, liều lĩnh quá mức, thế này đủ quá mức rồi.
“Tôi đến đây tìm cô,” anh ta nói, thì thào, gần như sát tai tôi. Tôi muốn nhỏm lên, nếm làn da anh ta, anh ta làm tôi đói. Những ngón tay kia động đậy, dò trên tay tôi dưới ống tay áo ngủ, như không chịu nghe theo lý trí. Tuyệt làm sao, được kẻ khác chạm vào, được kẻ khác lần tìm hau háu, được lần tìm hau háu. Luke, anh biết mà, anh hiểu mà. Chính là anh đây, trong thần thể khác.
Mẹ kiếp.
“Làm gì?” tôi nói. Chẳng lẽ không chịu nổi, anh ta ấy, đến nỗi liều mạng mò đến phòng tôi ban đêm? Tôi nhớ tới những người bị treo vào móc trên Bức tường. Tôi muốn khuỵu. Tôi phải đi, trở lại cầu thang, trước khi hoàn toàn tan biến. Tay anh đặt trên vai tôi, giữ nguyên, nặng trĩu, đè xuống như chì nóng. Cái này đáng cho tôi chết? Tôi hèn, tôi ghét bị đau.
“Ngài sai tôi,” Nick nói. “Ngài muốn gặp cô. Trong văn phòng.”
“Anh nói gì cơ?” tôi nói. Chủ soái, hẳn rồi. Gặp tôi ư?
Anh nói gặp người là sao? Ông ta chẳng thừa thãi tôi rồi hay sao?
“Ngày mai,” anh ta nói, vừa đủ nghe. Trong bóng tối khách sảnh chúng tôi rời khỏi nhau, thật chậm, như bị hút lại gần bởi một lực, một dòng chảy, lại bị đẩy ra xa bởi những cánh tay không kém mạnh mẽ.
Tôi tìm ra cửa, vặn nắm đấm, ngón tay chạm vào sứ lạnh mở ra. Tôi chỉ làm được có vậy.
Chuyện Người Tuỳ Nữ Chuyện Người Tuỳ Nữ - Margaret Atwood Chuyện Người Tuỳ Nữ