We don’t believe in rheumatism and true love until after the first attack.

Marie E. Eschenbach

 
 
 
 
 
Tác giả: Bùi Việt Sỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 20
Cập nhật: 2020-10-08 21:15:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ưng Đạo vương nhìn Phạm Ngũ Lão. Lát sau Hưng Đạo vương thong thả kể lại đầu đuôi câu chuyện giữa Tiết chế với công chúa An Tư. Rồi Tiết chế hạ giọng:
- Kiếp nạn của con thế là thoát rồi. Cha phải dùng “khổ nhục kế” xin An Tư buông tha cho con, công chúa mới xiêu lòng mà về kinh đấy! Chứ không công chúa An Tư mà “ăn vạ” ở đây thì… lôi thôi to cho con.
- Đa tạ công ơn trời biển của cha.
- Tình hình binh lính luyện tập thế nào?
- Thưa cha… Sĩ khí rất hăng… Con tính quân số đây có gần mười vạn… Sẽ chia làm ba đợt thay nhau luyện tập… Sau khi dụng câu liêm thương đã thành thục sẽ tập chống công thành… Rồi tập đánh mai phục, tập đột kích, tập bầy trận…
- Cha nghĩ thời gian còn đủ để luyện quân… Nhưng cha thấy trong gan một của con, bề ngoài có phần hùng hổ lắm! Nhưng bên trong vẫn ẩn chứa một nỗi canh cánh gì rất lớn, có đúng không?
- Thật đúng là không có gì giấu được cha… Nhưng nếu con nói ra có sợ mắc tội làm giảm nhuệ khí của quân ta không?
- Cha con với nhau. Có gì con cứ trải hết lòng mình.
- Cái con lo nhất là binh lính của ta chưa quen với trận mạc. Kinh nghiệm trận mạc ngay cả con đây cũng chưa có gì. Vậy thì luyện cho binh lính thế nào? Nhiều đêm con “thức trắng” không sao chợp mắt được. Nhưng vẻ bề ngoài vẫn tỏ… cho binh sĩ biết là ta đây không có gì phải sợ…
- Nỗi lòng của con cũng là nỗi lo của cha. Nhưng Ngũ Lão này… Khi giặc Thát sang ta xâm lược lần thứ nhất, tất cả tướng sĩ Đại Việt đã ai có kinh nghiệm trận mạc gì đâu… Nhưng cuối cùng hơn năm vạn quân Nguyên Mông đã phải ôm đầu máu mà tháo chạy. Mải chạy đến nỗi đói không dám ăn, khát không dám uống… không dám động đến một ngọn cỏ, ngụm nước, hạt cơm của Đại Việt, khiến dân chúng gọi đùa chúng là “giặc Phật”. Lần này chắc chắn là sẽ vô cùng quyết liệt. Quyết liệt hơn lần trước bội phần. Nhưng con cứ nguôi lòng đi! Như chính con lần đầu gặp ta đã nói. “Hãy tạm thời nhường đất cho giặc vào ở nhờ. Sai các tướng giỏi giữ vững các nơi hiểm yếu. Chặn mọi đường tiếp lương của giặc. Đánh qua vài trận là quân tướng Đại Việt ta sẽ có kinh nghiệm ngay thôi… Dân mình tài trí lắm… Và kế sách phá giặc cha cũng đã dự định xong xuôi cả rồi… Bây giờ con về nghỉ đi. Chờ Yết Yêu, Dã Tượng về bốn cha con chúng ta sẽ phải đi thị sát một chuyến…
- Thưa cha còn quân lính đang luyện tập?
- Đây cũng là hình thức tốt để kiểm chứng xem có con hay không có con ở trại, kỷ luật binh lính thế nào? Biết để mà rèn thêm.
Năm 1283, mùa xuân tháng Hai, bốn cha con gồm Hưng Đạo vương, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu và Dã Tượng đem ba ngàn quân kỵ rời đại bản doanh Vạn Kiếp thẳng tiến ra cửa sông Bạch Đằng. Hưng Đạo vương đi ngựa chứ không dùng voi cho khỏi ồn ã. Trời rét như cắt da cắt thịt. Bầu trời tràn ngập một mầu mây xám. Mưa phùn gió bấc. Tuy nhiên đoàn người ngựa vẫn hăm hở vượt qua những quả đồi đá ong. Đến vùng cửa sông, Yết Kiêu muốn phi ngựa lên trước báo cho Đô tướng Nguyễn Khoái biết để ra nghênh tiếp, nhưng Hưng Đạo vương cản lại. Người muốn bí mật từ xa quan sát xem thủy quân của Nguyễn Khoái luyện tập thế nào?
Lúc ấy thủy triều đang lên. Mặt sông căng phồng trải rộng mênh mông. Quân của Nguyễn Khoái chia làm hai đội. “Quân Đại Việt” chít khăn đỏ “Phía Nguyên Mông” chít khăn xanh. Quân xanh dùng thuyền lớn hơn đang hùng hổ từ phía biển tiến vào. Quân đỏ dùng thuyền nhẹ, chia cắt đội hình “địch” cứ ba chiếc quây lấy một chiếc của “địch” mà đánh. Có điều là cả “quân ta” lẫn “quân địch” đều hò “Sát Thát!” vang động cả một khúc sông. “Quân địch” thì cố tiến vào. Còn “quân ta” thì ra sức chặn lại. Đến lúc thủy triều xuống thì Nguyễn Khoái từ thuyền lớn ra lệnh khua chiêng thu quân.
Hưng Đạo vương thấy Nguyễn Khoái thao luyện năm vạn thủy quân với hàng ngàn chiếc thuyền lớn nhỏ hết sức bài bản, lên xuống nhịp nhàng, kỷ luật nghiêm minh thì lấy làm vui lắm. Chợt dưới thuyền có tiếng hô:
- Tiết chế đến!
Nguyễn Khoái đánh mắt nhìn thấy đoàn người ngựa với lá cờ súy lớn thì vội vàng lệnh cho thuyền quay mũi vào bờ. Còn cách bến một đoạn khá xa, Nguyễn Khoái đã nhảy ào xuống nước hớt hải chạy lên:
- Mạt tướng thật có tội! Không biết Tiết chế đến để nghênh tiếp từ xa. - Nguyễn Khoái vội phủ phục xuống vạt cỏ bên bờ sông vừa liến thoắng nói.
- Đô tướng đừng đa lễ thế! Đứng dậy đi!
Hưng Đạo vương ân cần nói.
- Tạ ơn Tiết chế! - Nguyễn Khoái đáp lại.
Ngũ Lão nhảy xuống ngựa tự lúc nào, đỡ Nguyễn Khoái đứng lên và hỏi:
- Hiền huynh vẫn mạnh khỏe chứ?
- Nếu bây giờ lại vật nhau với đệ nữa thì huynh không thua đâu?
Tất cả mọi người đều cười vui vẻ.
Hưng Đạo vương sai cắm trại ngay trên bờ sông. Cửa trại quay về hướng nam để tránh cái gió Bấc rét như cắt da cắt thịt. Người bảo Nguyễn Khoái cho gọi viên đô giám (tức giám quân) và quan chuyên trông coi việc quân lương, binh khí cùng đến dự họp. Một chiếc bàn vuông rất rộng cùng hơn một chục chiếc ghế được bày ra. Hưng Đạo vương ngồi trên chiếc ghế bành lớn, bên phải là Ngũ Lão, bên trái là Yết Kiêu và Dã Tượng. Phía đối diện là Nguyễn Khoái và hai viên đô giám và quan lương. Vừa ngồi vào bàn Nguyễn Khoái đã đưa cặp mắt nhỏ dưới cái trán thấp nhìn chằm chặp vào bình rượu lớn đặt ở một góc bàn. Hưng Đạo vương cười vang ra lệnh cho tên lính hầu:
- Rót rượu bát to cho Đô tướng!
Nguyễn Khoái chẳng còn biết giữ lễ, chộp lấy bát rượu tợp một đẫy ngụm hết sạch. Lưỡi đánh sang hai bên mép ra vẻ còn rất thèm thuồng.
- Rót tiếp cho Đô tướng hai bát nữa!
Sau khi Nguyễn Khoái đả xong ba bát rượu, Hưng Đạo vương nghiêm giọng nói:
- Hôm nay bản vương đi kiểm tra, thấy cánh thủy quân của Đô tướng thao luyện rất quy củ, nề nếp bản vương có lời khen ngợi. Bây giờ bản vương có một số câu hỏi, hỏi cả ba người có gì cứ trả lời thật.
Tất cả dạ ran.
- Binh lính ăn có đủ no không?
- Cũng tàm tạm. - Nguyễn Khoái đáp luôn. - Song nếu khẩu phần hàng ngày được tăng thêm một phần tư hay một phần năm nữa thì mới no ạ!
- Việc này từ mười ngày sau sẽ được đáp ứng! - Hưng Đạo vương đáp và bảo Ngũ Lão ngồi bên ghi ý kiến đó vào cuốn sổ đã mở ra ở trước mặt.
- Thế còn cái mặc?
- Ban ngày luyện tập nên không thấy rét. Nhưng đêm ngủ, chăn áo cũng có phần chưa đủ ấm. Nguyễn Khoái lại đáp luôn mà chẳng thưa bẩm gì khiến viên giám quân phải đá vào chân ở dưới gầm bàn ra điều nhắc nhở. Nhưng Nguyễn Khoái lại không để ý, quay sang vặc lại: “Ta nói không đúng sao?”.
Hưng Đạo vương thấy vậy thì cả cười và nói tiếp:
- Chăn, áo bông cũng sẽ có sau mười ngày nữa.
- Đa tạ Tiết chế! - Nguyễn Khoái đáp.
- Bây giờ ta có một số lệnh thế này! - Hưng Đạo vương nghiêm giọng nói - đô giám và quan coi sóc quân lương và vũ khí nhớ ghi chép cho cẩn thận để cái gì Đô tướng quên thì hai người phải nhắc nhở.
- Dạ! Bẩm thưa Tiết chế, vâng ạ!
- Sáng mai cho dừng thao luyện ở đây. Từ chiều mai, chuyển toàn bộ binh lính và chiến thuyền về vùng cửa sông Thái Bình. Chọn khúc sông rộng nhất cho quân dàn chiến thuyền tập tấn công binh thuyền của Nguyên Mông. Nửa tháng nữa sẽ có khoảng hai nhăm đến ba mươi thuyền đinh lớn, gần lớn bằng binh thuyền của giặc sẽ được đưa đến. Các tướng hãy chia quân ra làm nhiều lớp, tấn công thuyền “khủng” của giặc. Tập đánh ngày, đánh đêm, đánh cả trong lúc sương mù, mưa gió. Vận dụng xa luân chiến cho thành thục. Quân lương vũ khí phải nhớ lấy riêng ra vài ngàn quân, lên rừng chặt mây, tre đực già. Lột lấy cật, đan thành khiên hai lớp. Có các loại khiên lớn có thể che cả mặt trước chiến thuyền, đồng thời che được cả mui thuyền. Khiên nhỏ dùng cho binh lính. Trong ruột được nhồi bông, sẽ được bản vương cho người chỉ dẫn. Khi luyện tập phải nhúng khiên xuống sông cho ngậm no nước để chống tên tẩm dầu của giặc. Đồng thời quân lính cũng phải luân phiên nhau lên rừng chặt tre, vót cho được hai mươi đến ba mươi vạn mũi tên… Hàng tháng bản vương sẽ cho người xuống đôn đốc, kiểm tra. Sẽ có thưởng phạt nghiêm minh. Các tướng rõ cả chưa?
- Dạ! Bẩm Tiết chế, rõ ạ!
- Còn nữa, quân lính phải chia theo đội! Mỗi đội khoảng một trăm người. Tất cả phải biết mặt nhau. Thấy người lạ trà trộn thì phải bắt giữ, nhưng tuyệt đối không được đánh đập mà phải giao về cho Đô tướng tra xét.
- Dạ! Bẩm Tiết Chế rõ ạ!
- Có ai muốn nói gì không?
- Dạ! Bẩm binh sĩ đang thao luyện ở đây rất tốt. Sao lại phải chuyển đi nơi khác! Thao luyện bài tập khác ạ! - Nguyễn Khoái mạnh dạn thưa.
- Ngươi hỏi rất có lý! Nhưng quân cơ bất khả lậu. Các người cứ thế mà thi hành. Ai trái lệnh! Chém!… - Hưng Đạo vương nghiêm giọng quát.
- Dạ! Bẩm Khoái mỗ này rõ rồi ạ!
- Có thế chứ! - Hưng Đạo vương cả cười và ra lệnh - Bây giờ thì tất cả đến uống rượu. Phải uống cho thực say để mai, ai vào việc nấy!
Tiệc rượu được bày ra, đủ cả các món sơn hào, hải vị. Viên giám quân bẩm:
- Dạ! Bẩm Tiết chế, để mạt tướng cho lính mang lên mấy con cá tươi ở vùng sông này lên Quốc công Tiết chế nếm thử ạ!
- Ngươi không sợ ta bắt tội, ăn lẻ trước binh lính sao? - Hưng Đạo vương nửa đùa nửa thực hỏi.
- Dạ! Bẩm quả là oan cho mạt tướng ạ! Mạt tướng đoán thế nào cũng có lúc Quốc công Tiết chế xuống đây kiểm tra, nên sai lính chuẩn bị sẵn đấy ạ! Chứ bản thân ba người mạt tướng… cũng chưa biết mùi vị cá thế nào ạ!
- Nếu thế thì được!
- Quân pháp của Đô tướng rất nghiêm. Trong quân cấm không được uống rượu. Đến Đô tướng thèm rượu như thế mà cả mấy tháng nay không có giọt nào rót vào bụng đâu ạ!
- Các ngươi che giấu cho nhau chứ gì? - Hưng Đạo vương tinh quái hỏi.
- Khoái mỗ này đã nói một là một hai là hai. Cái trò trí trá đó Khoái mỗ vô cùng căm ghét ạ!
- Ta cũng nói đùa đấy thôi! Mong Đô tướng đừng để bụng.
Mọi người đều tái mặt trước câu trả lời bỗ bã của Nguyễn Khoái. Nhưng vội thở phảo nhẹ nhõm trước sự chân tình, cởi mở của Tiết chế.
Hưng Đạo vương vỗ vào tấm lưng to tròn như một gốc lim cổ thụ của Nguyễn Khoái mà bảo rằng:
- Đây là một trong hai cây cột chống trời của Đại Việt ta!
- Đa tạ Tiết chế quá khen Khoái mỗ này là gì không quan trọng. Chỉ biết rằng lòng trung với Đại Việt với hai Thánh thượng và với Tiết chế thì có trời xanh chứng giám. Nếu từ nan bất cứ việc gì thì chết sẽ không có đất chôn thây…
Hưng Đạo vương lấy làm hài lòng lắm. Người quay sang nói với viên giám quân và viên quan coi sóc quân lương:
- Hai ngươi phải hết lòng giúp đỡ Khoái Đô tướng nhé! Sau này công của hai ngươi cũng không nhỏ đâu!
- Dạ! Bẩm Tiết chế hai người chúng tôi xin đem hết lòng khuyển mã. Nếu có điều gì sơ sảy sai sót, Tiết chế cứ cho chặt đầu, bêu lên ba ngọn sào để răn người khác ạ!
Cả hai đều ứng khẩu đồng từ khiến Hưng Đạo vương càng cảm thấy yên tâm.
Từ cửa sông Bạch Đằng, Hưng Đạo vương sai nhổ trại hành binh xuống phía nam nhằm Hồng Lộ thẳng tiến. Trên đường đi người hỏi Ngũ Lão:
- Con có biết vì sao ta lại lệnh cho Nguyễn Khoái chuyển quân không?
- Dạ! Bẩm thưa cha con cũng như Nguyễn Khoái đều chưa hiểu ngầm ý ở bên trong là gì ạ!
- Ngươi không hiểu thật hay giả vờ ngây ngô như Nguyễn Khoái đó?
- Dạ! Bẩm thưa cha, có việc gì con giấu được cha từ trước đến nay đâu ạ!
- Kế của ta đã định. Nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật. Đến như con mà cũng không biết là tốt rồi. - Hưng Đạo vương nói với Ngũ Lão mà cũng như nói với chính mình.
- Tống tướng Triệu Trung là người thế nào? - Người hỏi Ngũ Lão tiếp.
- Dạ! Bẩm thưa cha Triệu Trung quê ở Hạ Khẩu bên bờ sông Trường Giang. Võ nghệ và sức lực cũng có thể xếp ngang với bọn Lý Hằng, Lý Quán, Phàn Tiếp của Nguyên Mông. Duy Triệu Trung có tài huấn luyện thủy quân, vì từ nhỏ đã sinh sống bên bờ sông lớn. Triệu Trung mang ơn rất sâu nặng với Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Khi trốn sang đây chỉ có đơn thân. Chiêu Văn vương đã cho người lặn lội về tận quê đón bố mẹ già cùng vợ con sang ta sinh sống. Lại xây cất cho một dinh thự khá tươm tất. Hiện Triệu Trung được Chiêu Văn vương sai cai quản và huấn luyện khoảng ba ngàn binh Tống.
- Chiêu Văn vương quả cũng là một con người sáng suốt. - Hưng Đạo vương buột miệng khen. - Lần này ta xuống đây hội kiến cùng Chiêu Văn vương, theo con có nên để cho Triệu Trung cùng dự không?
- Dạ! Bẩm thưa cha… Cha nên cho Triệu Trung vào yết kiến và có lời úy lạo hắn lúc đầu thôi. Đến khi bàn chuyện cơ mật thì con sẽ rủ hắn ra ngoài chơi.
- Ừ! Con ta cũng biết phép đối nhân xử thế đấy.
Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật tiếp Tiết chế tại quân doanh nửa ở bờ sông Cái nửa trên đê. Sau khi phân ngôi chủ khách Chiêu Văn vương cho gọi Triệu Trung vào ra mắt Hưng Đạo vương. Triệu Trung người không cao lớn lắm, nhưng dáng vẻ chắc chắn với khuôn mặt phong trần dãi dầu sương gió.
- Bại tướng[2] Triệu Trung xin lạy chào Tiết chế.
Sau câu nói ấy Triệu Trung cứ quỳ mọp dưới chân Hưng Đạo vương. Ngũ Lão vội cúi xuống đỡ lên. Triệu Trung mới dám đứng dậy và nói tiếp:
- Đội ơn Tiết chế đã cấp thêm tiền lương cho Chiêu Văn vương mà đời sống đám binh Tống mới được no đủ như hiện nay.
- Gia đình anh em hàng binh sang đây có được nhiều không? - Hưng Đạo vương hỏi.
- Khởi bẩm Tiết chế người có người không ạ!
- Thế cuộc sống của họ thế nào?
- Khởi bẩm Tiết chế. Cũng tạm đủ ạ! Những người có nghề làm thuốc, có nghề làm thủ công hay có nghề buôn bán đều được Chiêu Văn vương tạo điều kiện làm ăn sinh sống như ở quê nhà. Số tay trắng thì Chiêu Văn vương cho mượn ruộng của công cũng như của Chiêu Văn vương cho cấy cày mà không phải nộp sưu thuế gì ạ!
- Tinh thần của anh em binh sĩ Tống thế nào?
- Khởi bẩm Tiết chế đa số rất háo hức muốn được ra trận để rửa hận mất nước, mất nhà… Và để báo ơn tri ngộ của Chiêu Văn vương ạ!
- Như vậy là rất tốt! Bản vương có lời khen! Nhưng ta hỏi thật câu này. Trung Tống tướng đừng để bụng nhé!
- Khởi bẩm Tiết chế! Xin ngài cứ dạy bảo. Có gì biết Triệu Trung đều cởi hết tấm lòng ạ!
- Số Hán gian cam tâm làm chim mồi chó săn cho giặc Nguyên Mông có nhiều không?
- Khởi bẩm Tiết chế theo bại tướng có thì cũng không nhiều mà không ít ạ! Duy có một tên mà Tiết chế phải lưu tâm là Phạm Nhan. Tên này hành nghề đạo sĩ. Có thuật chém đầu này, mọc đầu khác. Hắn rất nham hiểm, quyền biến cơ mưu. Theo như bại tướng biết thì hắn đã vài năm qua Đại Việt hành nghề nên nắm rất rõ đường đi lối lại cũng như thế sông, thế núi của Đại Việt ta.
- Cám ơn ngươi đã cho biết thêm về con người này. Chính hắn đã chỉ điểm nơi ẩn náu của vua Tống để quân Nguyên truy sát.
- Khởi bẩm Tiết chế có chuyện đó ạ!
- Ngươi nghĩ ngày các ngươi trở về cố hương có xa ngái lắm không?
- Khởi bẩm trước mắt lũ chúng tôi lấy đất Đại Việt làm nhà! Còn về sau thế nào thì quả là còn bất định lắm ạ!
- Thế là các ngươi hơi chán nản rồi! Bản vương cho ngươi hay. Trước mắt nhà Nguyên Mông thật rất hùng mạnh. Nhưng đất nước Trung Hoa rộng lớn lại không thiếu gì người tài, người có lòng ái quốc. Vậy thì nhà Nguyên Mông chỉ tồn tại trên dưới một đời người. Khoảng ba bốn chục năm nữa bên đó chắc chắn sẽ có loạn. Và cũng từng ấy năm nữa thì nhà Nguyên Mông chắc chắn sẽ sụp đổ. Và thay thế vào đó sẽ là một triều đại Trung Hoa mới.
Hưng Đạo vương nói tới đó thì đưa mắt cho Ngũ Lão. Ngũ Lão ôm vai Triệu Trung nói nhỏ:
- Lâu lắm chúng ta mới gặp nhau. Đệ mời đại ca ra ngoài uống rượu.
Triệu Trung dường như cũng hiểu ý. Hai người vào một quán mới mở của người Hoa tản cư sang.
- Ngũ Lão tẩm ngẩm tầm ngầm mà đá chết voi. - Triệu Trung mở đầu câu chuyện.
- Hưng Đạo vương hay Chiêu Văn vương thì họ cũng là anh em một nhà cả ấy mà. - Ngũ Lão thanh minh. - Có điều đệ không có tài đánh thủy nên không dám theo huynh phò Chiêu Văn vương.
- Nhưng cái mẹo ra mắt Tiết chế phải nói là gan cùng mình. Để giáo đâm vào đùi chảy máu ròng ròng mà vẫn vờ như không biết gì quả là một cách ra mắt có một không hai.
- Có gì đâu! Âu cũng là học cách bên nước Tầu của huynh. Nghe nói xưa Khương Tử Nha muốn theo phò nhà Chu mới đến câu ở hồ Thủy Đình. Nhưng ngặt một nỗi là dây câu lại không có lưỡi. Có người hỏi thì Khương Tử Nha bảo rằng ta đâu cần câu lấy cá. Ta đang câu chức tể tướng của nhà Chu. Chuyện đó đồn đến Chu Vũ vương Cơ Phát. Biết có người tài đến giúp mình, Cơ Phát thân ra mời Tử Nha vào nội điện. Mình là quan võ phải nghĩ ra cách của mình chứ!
Ngũ Lão nói đến đó thì cả hai cùng cười rồi nâng bát rượu uống cạn.
- Bây giờ bố mẹ, vợ con huynh đã ở đây cả rồi. Huynh cứ yên tâm phục vụ Đại Việt. Sau này không ai đối xử tệ bạc với gia đình huynh đâu!
- Huynh biết chứ! Nguyên Mông là kẻ thù chung của cả hai dân tộc chúng ta mà.
Trở lại chuyện Hưng Đạo vương và Chiêu Văn vương trong trại lớn. Mở đầu Hưng Đạo vương điểm đúng huyệt người ngồi đối diện:
- Nghe nói suất ăn của gia binh Chiêu Văn vương khá hơn của quân triều đình có đúng không?
- Quả là có chuyện ấy thật. Vì gia binh chỉ có ba ngàn mà quân triều đình có tới năm vạn quân lương không thể kham nổi.
- Chiêu Văn vương đừng lo, mười ngày nữa sẽ có lương cấp đủ cho Chiêu Văn vương. Tuy nhiên bản vương chỉ lưu ý Văn vương một điều nhỏ là đối với quân lính phải thật công bằng, kể cả binh Tống cũng thế. Đói cùng đói, no cùng no. Có như thế khi lâm trận, tất cả đều xả thân… chứ không suy bì được.
- Tiết chế thật là cao kiến. Vừa có lý lại có tình. Văn vương này xin nghe theo.
- Hàng ngày Văn vương thao luyện thủy quân thế nào?
- Vẫn như cũ thôi. Chia làm hai phe “đối luyện”. Tập trận như trò chơi ở các lễ hội. Vui vẻ lắm, ai cũng thích thú cả.
- Như thế là không được rồi. Lâm trận thật thì làm thế nào?
- Thế theo Tiết chế thì phải làm sao?
- Độ gần nửa tháng nữa triều đình sẽ cấp cho Văn vương khoảng bảy chục thuyền đinh lớn, gần bằng chiếc thuyền của Toa Đô đang chinh phạt Chiêm Thành. Văn vương nên chia quân ra làm các đội thay nhau tấn công các chiến thuyền đó”. Đánh theo kiểu “xa luân chiến”, liên tục bất kể ngày đêm, sớm tối nắng mưa. Còn nữa phải cho lính tập phòng thủ chống quân Nguyên Mông bắc cầu phao từ phía kinh thành Thăng Long tấn công sang.
- Ta hiểu rồi! Đúng là phải như thế thật. Chứ như bây giờ thì lúc đánh nhau thật sẽ hỏng cả.
Rồi Hưng Đạo vương cũng truyền lệnh cho Chiêu Văn vương (tất nhiên là giọng nói nhẹ nhàng hơn) như với Nguyễn Khoái về việc phải vót ba mươi vạn mũi tên cùng các loại khiên lớn nhỏ. Với số tàn binh Tống, Hưng Đạo vương bảo Văn vương phải chuẩn bị may đủ ba ngàn bộ quân phục mới toanh theo kiểu Tống. Cờ hiệu cũng phải sắm sửa như cờ hiệu quân Tống. Chiến thuyền cũng phải như chiến thuyền Tông. Cùng hàng trăm loa sắt. Riêng Triệu Trung phải chuẩn bị cho hắn một bộ áo giáp vàng sáng choang. Chiêu Văn vương nghe đến đó thì ù cả tai. Chả hiểu ý của Hưng Đạo vương là thế nào?
- Bây giờ với Đại Việt ta, một ngọn giáo, một tay gươm, một cây cung cùng tham gia chống Nguyên Mông cũng là quý rồi. Ở đây những ba ngàn người, ta phải biết cách để kết quả tăng lên gấp hàng mười, hàng trăm lần… Nuôi lính ba năm dụng một giờ. Nhưng đó phải là giờ vàng…
Hưng Đạo vương vừa mỉm cười vừa vuốt râu, cặp mắt đen sáng long lanh vừa thông minh vừa hóm hỉnh. Người ghé tai Chiêu Văn vương nói nhỏ… cứ như thế! Như thế… một hồi.
Nghe tới đâu mắt Chiêu Văn vương sáng ra đến đấy. Và câu cuối cùng Hưng Đạo vương vừa nói xong thì bất thần Chiêu Văn vương thốt lên:
- Tiết chế quả là Thánh thật!
- Còn một việc nữa. - Chờ cho cơn xúc động của Chiêu Văn vương dịu lại, Hưng Đạo vương nói tiếp. - Lần này bản vương để lại Yết Kiêu cho Văn vương sử dụng, sai khiến. Việc đầu tiên là Yết Kiêu sẽ tham gia thao luyện cùng với binh lính. Rồi từ đó Yết Kiêu sẽ tuyển chọn ra khoảng trên dưới một trăm người có bản lĩnh, có sức khỏe và có tài bơi lội. Song cái quan trọng nhất là lòng trung thành. Dẫu gươm kề cổ cũng không được khai việc mình đang làm. Số người này Yết Kiêu sẽ đem đi một nơi tập luyện riêng. Huấn luyện thế nào và sau này sẽ làm gì “thần cũng không biết, mà quỷ cũng không hay.”
Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt - Bùi Việt Sỹ Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt