Số lần đọc/download: 178 / 17
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:21 +0700
Chương 6
C
ái xóm ba nhà ở làng Thác thật sự là nơi hẻo lánh vắng vẻ. Từ phía làng Nhớn muốn đi tới, phải qua ba khúc suối, một cái gò hoang, một đồi mai rậm rịt, tiếp đó lại phải lội qua một con mương sâu, con mương dẫn nước vào chạy dãy cối nước của cả xóm, rồi vòng quanh một vạt nương dài mới trông thấy ba căn nhà xếp hàng chữ nhất[42], cùng ngoảnh mặt ra con suối lớn.
Nhà đầu tiên là nhà bà cụ Trì lòa. Kế đến là nhà anh Lẳng bỏ hoang từ ngày anh đi làm cần khỏi[43] cho lí trưởng Vi Văn Tăm.
Nhà ông Yểng ở trong cùng. Căn nhà sàn rộng ba gian, hai chái, cột là gỗ lõi không bào, xù xì mộc mạc nhưng vững chãi. Từ chái nhà bên phải có một cái cầu thang qua sân phơi dẫn tới một túp lều nhỏ ở sườn đồi, nơi để thóc lúa của gia đình.
Trong nhà, đồ đạc và sự bày biện đều đơn sơ hết mức. Không ngăn buồng, sàn rộng trống trải, giữa sàn là cái bếp, góc nhà trải một cái chiếu, đó là giường ngủ của ba bố con ông Yểng.
Dòng họ Trần là những người đến đất Cam Đồng muộn. Họ bị coi là dân ngụ cư. Mọi nghĩa vụ với xã, họ là kẻ phải đóng góp nặng nề nhất. Ruộng công đã chia hết. Ai lo lót khéo thì dịp mở hội lồng tồng có việc điều chỉnh lại ruộng công mới được ông lí thí cho một mảnh đầu trâu mõm khỉ. Còn không thì tự khai phá rồi chịu đủ mọi sự nhũng nhiễu của lệ làng, luật quan.
Dọn nhà tới đây, ông Yểng không được nhận ruộng công nhưng cũng không chịu làm cần khỏi. Ông dựng nhà, phá hoang. Hai năm trời ăn củ nâu, củ bấu, một mình ông khai hoang được sáu mươi cân giống[44] diện tích. Sống đất nuôi, chết đất chôn, trực tính, ông Yểng không biết sợ ai.
Năm mươi tuổi, ông Yểng vẫn còn khỏe. Vóc người tráng kiện, tay nổi bắp rắn như gỗ hồng sắc, mặt vuông vức nghiêm nghị. Nếu cái chân phải của ông không bị què thì sức ông, trai mười bảy, mười tám cũng không vật ngã được...
Mấy năm trước ông Yểng còn để búi tóc. Sào cũng vậy. Tới năm đói Ất Dậu[45], có ông phó mộc[46] ở dưới xuôi lưu lạc lên đây, được ông Yểng nuôi ăn, cứu giúp, tuyên truyền thế nào, Sào liền cắt phăng cái búi tóc đi. Còn ông Yểng, tới năm 1946 Việt Minh về, xã được giải phóng, mới chia tay với cái búi tóc trong cuộc vận động theo đời sống mới.
Ông phó mộc ở nhà Sào chừng hai năm. Ông giúp các gia đình làng Thác sang sửa nhà cửa, đóng bàn đóng ghế, đồ đạc trong nhà. Đối với Sào thì ông phó mộc là người thầy giáo dạy chữ đầu tiên. Sào ham học. Không có giấy, anh lấy những cuốn sách chữ Tây nhặt được hồi đảo chính Nhật - Pháp, tập viết vào bên lề. Không có mực, anh lấy lá cẩm[47], giã vắt lấy nước làm mực. Sào mới đọc thông viết thạo thì ông phó mộc về xuôi. “Tôi phải về làng thôi.” Ông phó nói. “Làng tôi nổi cách mạng rồi. Lúc này không có mặt ở làng thật là không phải.”
Dạo ấy, Cam Đồng đã được giải phóng, việc ông phó về quê, ông Yểng không thể cản ngăn được, mặc dầu về tình, hai người bạn già một Kinh, một Tày đã gắn bó thiết tha.
Vào các buổi tối, cơm nước xong, ông Yểng thường ngồi cạnh bếp, ôm cái điếu, bùi ngùi nhớ người bạn xưa:
- Ngẫm ra Nam quốc Nam nhân mình ai cũng khổ cả. Chết, chết, sao cái năm ấy đói gì mà đói đến nỗi có nhà chết sạch không còn một ai. Đói đến nỗi cả làng ông phó phải li tán, tha phương cầu thực mỗi người một nơi!
Sào ngồi đối diện cha, đang ghé quyển sách in gần ánh lửa bếp, mắt không rời hàng chữ, chép miệng:
- Trên U Sung cũng đang đói to đấy, bố à.
- U Sung ấy à! Nhà cụ Tả thế nào?
- Cũng đói.
Ông Yểng gật gù, trầm ngâm:
- Đói thì đói, mình cũng còn nhờ cậy vào rừng. Phi[48] rừng còn nuôi được mình. Còn như ở làng ông phó thì củ chuối cũng chẳng có mà ăn. Khổ!
Sào gập quyển sách, nhíu mày:
- Cũng là người mà sao có người sướng, có người khổ thế?
- Sào này. - Dịch lại về phía con, vẻ mặt ông Yểng nghiêm trang hẳn lên. - Bước vào năm nay, tao thấy nhiều cái lạ lấm. Đầu năm thì mày ném còn trúng cái vòng giấy nhé. Hôm kia thằng Tiển lại bảo tao là nó đi chăn trâu trong rừng Khuổi Pất gặp một người lạ nằm trong bụi đom đóm[49]. Tổng đoàn Ngao đang lùng bắt người đó! Nó bảo thế.
Sào sửng sốt, kêu to:
- Cái thằng Tiển!
- Nó nói thế mà.
- Bố phải bảo nó đi. Chỗ nào cũng đến rồi bép xép...
Ông Yểng lắc đầu:
- Chưa biết thế nào, nhưng hôm qua tao nằm mê thì thấy đúng Phật bà Quan âm hiện về báo mộng. Thật mà. Phật bà đứng nhìn tao, hát hết câu chuyện Trần Chu - Quyền Vương[50], rồi biến mất. Cái đoạn cả hai người tài đức ấy chết lâm li quá. Còn cái chỗ kể trên mộ hai người ấy nở ra cây hoa có một bống hoa là gang, là thép, mọi người lấy hoa ấy rèn gươm rèn giáo, giọng hát cứ sang sảng như chuông đồng:
Trần Chu biến kiếm thành phép lạ
Tên bắn tua tủa trên không trung
Trái sắt rực lửa hồng đêm tối
Bốn phương lửa cháy sáng cây rừng
Quân giặc tơi bời thua tan tác....
Sào đặt quyển sách xuống sàn, nhìn cha, hai mắt rưng rưng, bồi hồi. Cha ơi! Cha biết nhiều chuyện cổ. Quảng Trân - Ngọc Cương, Lương Quân - Bjóc Rôm... những chuyện đau thương, những chuyện hào hùng. Con biết lòng cha. Con đang có một việc cần sự giúp đỡ của cha đây, cha à.
Vừa lúc đó, cầu thang có tiếng ho khan và tiếng guốc chầm chậm bước lên.
- Ông binh thầu, mời ông vào chơi. - Ông Yểng đứng lên rồi lại ngồi xuống, cầm cái cặp tre nhấc siêu nước lên kiềng.
Binh thầu Phù chậm rãi bước lên sàn, hai tay vòng trước bụng, ề à:
- Nhà có người lạ không, ông Yểng?
- Có ai mà lạ? - Ông Yểng chép miệng, giọng giễu cợt. - Lệ bây giờ đặt ra phải kiểm soát chặt chẽ thế kia à?
- Cáo bắt gà nhà khó, khổ thế! Có muốn làm đâu. Khốn nỗi lệnh ông một Brusex riết róng quá!
- Phải rồi. Thằng Tiển nó bảo tôi, ông Ngao theo lệnh ông một chia địa giới cho từng thôn kia mà. Vào đây uống nước đã, ông Phù.
Sào lui vào góc nhà.
Binh thầu Phù ngồi xuống cạnh bếp, khép vạt áo va- rơi dạ, kéo vành mũ chào mào[51], đưa cặp mắt cum cúp nhìn một lượt quanh nhà. Trông cái dáng ngồi gù gù, cái vẻ lù đù của ông, không ai nghĩ rằng ông đã từng sống một đoạn đời lính tráng trôi nổi. Ông đã đi lính khố đỏ[52], đã sang Tây hồi đại chiến thế giới lần thứ hai, rồi về nước sau ngày Cách mạng tháng Tám. Sau bảy năm vác súng cho Tây, trở về làng, ông vẫn là lính trơn. Ông không hăng hái nơi trận tiền, nhưng lại khéo léo thu vén, dành dụm tiền bạc. Ông về làng với mấy cái vòng bạc, mấy cái nhẫn vàng. Vàng bạc ấy được nhân dần lên với sự khôn ngoan của ông. Ông làm ruộng như người ta đi buôn. Nay, ông đã có tới hai trăm cân giống diện tích, toàn chân ruộng tốt. Ông chỉ mê làm giàu. Ra làm binh thầu, thật tình ông rất ngại.
- Ông Yểng à. - Cầm chén nước trên nay, ông Phù ngắc ngứ một lát rồi mới nói. - Nước chảy vào cánh quạt, cánh quạt quay, cần cối phải nhấc thôi. Thực lòng tôi không muốn thế!
- Chử dề[53] Nam quốc Nam nhân với nhau...
- Tôi đã sống với người Tây rồi, tôi hiểu họ. Ai đắc dụng thì họ còn xoa đầu, bằng không là họ mẹc- xà- lù, cu- soong[54] mình ngay. Hôm qua, ông một dẫn một tốp dõng đi lùng sục ở làng Giềng, anh Sẩu chỉ chậm chân một tí mà ông ấy giơ ba toong vụt túi bụi. Thật quá là cần khỏi!
- Tổng đoàn Ngao có đi cùng Tây đồn sang làng Giềng không, ông Phù?
- Không! Địa phận ông lí là ông tổng không đến. Hai ông ấy kình nhau mà. Ông một biết chuyện đấy. - Ngồi sát lại ông Yểng, ông Phù thi thầm. - Ông ấy chửi: Hai con chó tranh nhau ăn kia. Mở mắt ra! Việt Minh nó sắp lấy xứ tự trị này rồi đấy.
- Tự trị! Tự trị mà còn có đồn Tây?
Bị ông Yểng cắt ngang câu nói, ông Phù ắng cổ một lúc rồi mới gật đầu, xuê xoa:
- Ờ ờ... Thì nghe họ nói thế. Chậc! Khổ vì sông lắm bãi, nước lắm quan. Cứ như tôi: Ai muốn làm quan... cứ làm, thì chẳng bao giờ đánh nhau cả.
- Đâu phải thế! - Từ góc nhà, Sào bật lên tiếng phản đối. - Việt Minh họ đánh Tây là vì Tây áp bức, đè nén dân mình, vì các ông tổng đoàn, lí trưởng như cái thớt đá trong chiếc cối ngàn chà xát hạt thóc là người dân mình, chứ đâu có phải họ muốn làm quan.
Ông Phù lại gật đầu, tay vê vê mấy sợi lông trên mụn nốt ruồi dưới má phải, gật gật.
- Ờ ờ... Hai kéo thì căng, hai nhịn thì dãn. Nhường nhau một tí có hơn không? Trêu gấu nên sẹo, trêu ong bị đốt. Mình là người dân, họ bảo gì, ta cứ làm cho xong đi. Lồm cải bấu pền dú cốc mạy, gió to không nên ngồi ở gốc cây, như các cụ xưa đã dạy, cứ tránh xa là tốt nhất, ông Yểng ạ.
Ngừng một lát, đặt chén nước xuống bàn, ông Phù nhìn ông Yểng, chuyển giọng, tiếp:
- Thôi thì mình nhũn đi một tí cho nó yên mọi bề đi! Chậc! Tuần này là đến làng ta đóng thóc gạo, lợn gà cho đồn rồi đấy, ông Yểng ạ. Tất cả là... hai tạ gạo...
Ông Yểng bật dậy như bị ong châm:
- A rồi! Sao mà đóng nhiều thế?
- Thì ông tính, đồn có tới bốn năm chục lính chứ có ít đâu. Còn cái bốt Cối Ngàn, ông tổng đoàn Ngao bảo làng ta phải nộp cau, nộp mai cho họ làm lô cốt, tăng sê[55].
- Nộp là nộp thế nào! - Sào lên tiếng. - Một hạt thóc chín hạt mồ hôi. Đi đồng giẫm chó giẫm lợn, về nhà giẫm ếch giẫm nhái mới có được hạt gạo.
Vỗ vai ông binh thầu đang ngây đờ vì phản ứng của Sào, ông Yểng đà đận[56]:
- Cái bụng họ, tức người Tây và các ông tổng ông lí như cơn nước lũ, ông binh thầu à. Phai đắp không cao là nó tràn lên. Cứ như cái việc ông Ngao ăn chặn nước của dân ấy, không cứng thi thử hỏi bây giờ lúa đã xanh đồng chưa? Ai chứ tôi chuyến này là tôi không nộp đâu. Mai, vầu tôi trồng đấy là trồng cho con cháu, bất quá cho thằng Tiển đẽo cà kheo chơi, đứa nào động vào, tôi đánh gãy tay. Dú chính, ngầu bấu chại, ở ngay, bóng không chệch. Tôi chẳng sợ đứa nào đâu.
Ông Phù ngồi im, hai má phì phị. Lát sau, ông đứng dậy, lẳng lặng ra về.
Có tiếng sáo từ bên kia suối lọt vào căn nhà. Tiếp đó khe khẽ tiếng chân bước trên bậc cầu thang gỗ. Quay ra cửa, ông Yểng mới thoáng thấy bóng Tiển, đã cau mày:
- Con chim én chiều nó biết chui vào hốc nhà ngủ. Mày bây giờ mới nhớ là có nhà, hả Tiển?
Tiển, em Sào, mười ba tuổi, vóc hình mập mạp, gài cây sáo ở sau cổ áo, bước vào cửa, đi tới cái chạn, lục nồi cơm, đáp trống không:
- Phải đi nhờ bà cụ Va dịt[57] thuốc cho con trâu đấy.
Sào bước lại gần em:
- Đi chơi những đâu, Tiển?
- Đi chơi đâu mà đi! - Tiển nhướng cổ nuốt miếng cơm độn sắn. - Đi tìm con hổ thôi. Anh Sào này, con hổ bị con trâu nhà mình húc thế nào nó cũng chết anh nhỉ?
- Thôi, ăn đi rồi còn học chứ!
Tiển và vội bát cơm, chùi mồm, rút cây sáo đầu bung bênh hai núm bông đỏ, gài vào liếp, rồi bước lại cạnh bếp, ngồi xuống, bâng quơ:
- Ai dà, bên làng Giềng họ nói nhiều chuyện hay quá!
- Chuyện gì?
- Ở tỉnh lị Lào Cai, họ vừa ném lựu đạn giết chết một thằng quan năm[58] một thằng quan sáu.
- Ở tỉnh lị Lào Cai làm gì có quan năm, quan sáu?
- Có chứ!
- Dỏ... ỏ... ỏ. Ai bảo mày thế? Mày trông thấy à?
Ông Yểng lại quay lại lườm con. Tiển trợn mắt:
- Anh Lẳng kể. Lựu đạn từ ngoài cửa sổ họ ném trúng bàn tiệc.
- A rổi! Cái thằng Lẳng miệng ươn như miệng cáo.
- Chính tri châu Vi Văn Dẻn, em trai ông lí Tăm nói nữa.
- Tri châu Dẻn nó ở Bảo Trang chứ nó ở làng Giềng à?
- Không biết thì thôi. Nó về thăm lí Tăm. Nó nói: Bây giờ ban đêm là của Việt Minh rồi, bác Tăm phải cẩn thận đấy.
- Úi chà chà!
- Thì chính anh Lẳng nghe thấy mà!
- Thôi, đừng như con chim én, chỗ nào cũng bay tới nữa!
Ông Yểng nhăn mặt, phẩy tay. Ngẩng lên, nhìn ông Yểng, Tiển vô tư:
- Mà pò[59] à, Tây đồn hôm qua nó tới nhà lí Tăm bàn việc đánh Việt Minh đấy. - Rồi Tiển liếc mắt qua anh trai, thủng thẳng. - Thì ra Cam Đồng mình cũng có Việt Minh rồi đấy, anh Sào nhỉ.
Ông Yểng và Sào cùng giật thót mình. Biết là mình lỡ miệng, Tiển liền nín bặt. Im thít, ông Yểng ra chiếu nằm. Sào kéo em ra cạnh cửa sổ, khe khẽ:
- Tiển! Mấy hôm nay em đi những đâu mà nghe nhiều chuyện lạ thế?
- Đi thả trâu chứ đi đâu. Người ta nói ối ra kia kìa!
- Thế còn cái chuyên vừa rồi?
- Chuyện gì!
Thấy môi Tiển mấp máy Sào vội nắm hai vai em:
- Biết cái gì thì để bụng thôi. Nhớ chưa? Này hôm qua học đến chữ gì rồi? - Sào hỏi và lẳng cho em quyển sách.
- Chữ tờ.
Tiển đỡ quyển sách, nhưng đang giở soàn soạt, bỗng ngẩng lên, như sực nhớ:
- Anh Sào này, làm thế nào đi bằng hai tay mà không ngã nhỉ?
Đang nằm, ông Yểng nhổm dậy, kêu to:
- Ôi dà, cái thằng! Lại muốn vào hội sư tử à?
- Muốn tập võ thôi!
- Không dễ đâu.
- Khó cũng tập. Trâu có sừng, người phải có võ chứ, pò.
Không thể không bật cười. Tiếng cười của ông Yểng vang động cả căn nhà, xua tan tất cả nghi ngại từ những câu chuyện Tiển vừa kể.