Đừng lo ngại cuộc sống sẽ kết thúc, hãy lo ngại cuộc sống chẳng bao giờ bắt đầu.

Grace Hansen

 
 
 
 
 
Tác giả: David Gilmour
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2469 / 49
Cập nhật: 2015-08-24 18:21:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
hi từ Cuba trở về, tôi hơi ngạc nhiên khi không thấy bất kỳ tin nhắn điện thoại nào của Derek H. Cảnh quay đầu tiên của bộ phim tài liệu Viagra dự kiến bắt đầu trong một tháng nữa, thế nhưng chúng tôi không có kịch bản cuối cùng. Tôi đã chờ một ngày, một ngày nữa rồi mới gửi cho anh ta một email vui vẻ. (Tôi ghê tởm cái kiểu tình bạn giả tạo này). Anh ta trả lời thư gần như ngay lập tức. Anh ta đề xuất một bộ phim tài liệu dài hai tiếng về tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, chủ yếu là cách thức tiếp cận phỏng vấn ông ấy, vợ cũ của ông ấy, thậm chí vài người bạn chí cốt của ông ấy trong tù. Có một yếu tố thời gian trong phim, đó là năm Mandela 86 tuổi, đương nhiên tôi có thể hiểu dấu mốc này. Ông ấy, Derek kết luận, vô cùng tiếc nuối nhưng ông ấy đã “không còn đủ thời gian”.
Tôi rối trí. Không đề cập tới việc khánh kiệt sau chuyến đi “trọng đại” đến Cuba. Tôi cũng cảm thấy mình từng bị như vậy. Bị cám dỗ vào những thứ phù phiếm, những công việc không xứng đáng khiến tôi chẳng khác nào một kẻ ngốc. Tôi nhớ những lời đã nói với Jesse trong sân nhà thờ, cả sự nhiệt huyết truyền giáo mà tôi đã ban phát. “Con chưa bao giờ có được bất cứ thứ gì xứng đáng có từ cái nơi chết tiệt này”.
Tôi đi lại huỳnh huỵch trong phòng khách, tay nắm chặt và thề trả thù; Jesse đã lắng nghe một cách lặng lẽ, tê liệt vì cảm giác tội tỗi, tôi hình dung như vậy. Rồi tôi lên giường ngủ trong tình trạng say khướt, tỉnh giấc lúc bốn giờ sáng để đi vệ sinh, đúng lúc tôi giật nước toilet thì chiếc đồng hồ đang đeo trượt khỏi cổ tay và bị cuốn theo dòng nước. Tôi ngồi bệt xuống bệ cầu và bắt đầu nức nở từng tiếng nhỏ. Chính tại đây, tôi đã để cho Jesse bỏ học giữa chừng, tôi đã hứa chăm nom thằng bé và giờ thì hóa ra tôi thậm chí không thể chăm sóc chính bản thân mình. Một chuyện nhảm nhí, giống như cha của Claire Brinkman.
Đến sáng, tôi cảm thấy một cơn sốc chạy dọc ngực mình như một liều thuốc độc. Tim tôi đập nhanh, như thể chiếc thắt lưng dần xiết chặt quanh cơ thể tôi. Cuối cùng tôi không thể chịu nổi. Cần phải làm một cái gì đó, phải đi lại, tôi đã leo lên xe đạp và đạp xuống phố. Hôm đó là một ngày mùa hè buồn thảm, oi bức và nhung nhúc những con người khó ưa. Khi dắt xe qua một con phố chật hẹp, tôi chợt thấy một người đưa thư thận trọng đạp qua tôi. Anh ta đeo một cặp kính chống nắng, một chiếc cặp to chéo vai và găng tay không ngón. Nhưng điều làm tôi thích nhất ở anh chàng này là anh ta có vẻ cùng tuổi với tôi. “Xin lỗi”, tôi nói: “Anh là người đưa thư phải không?”
“Vâng.”
Tôi hỏi anh ta liệu có thời gian trả lời vài câu hỏi của tôi không? Anh ta kiếm được bao nhiêu từ công việc này? Khoảng 120 đô-la một ngày. Một ngày? Đúng vậy, nếu cố hết sức. Tôi đã hỏi anh ta làm việc cho ai, và anh cho tôi tên công ty. Anh chàng đúng là một gã dễ chịu với hàm răng trắng hoàn hảo.
“Anh nghĩ liệu tôi có thể xin việc ở công ty của anh không?”, tôi hỏi.
Anh chàng đẩy kính lên và nhìn tôi với đôi mắt xanh biếc. “Anh không phải cái gã ở đài truyền hình đấy chứ?”
“Không phải thời điểm này”.
Anh ta nói. “Lúc nào tôi cũng thấy anh trên tivi. Tôi xem anh phỏng vấn Michael Moore. Gã đó quả là một tay khó chịu”.
Tôi nói: “Vậy anh nghĩ sao?”
Anh ta nhìn xuống con dốc và chau mày. Anh ta nói: “Chà, chúng tôi giới hạn độ tuổi. Anh bắt buộc phải dưới 50”.
Tôi nói: “Thế anh dưới 50 à?”
“Không, nhưng tôi đã làm việc ở đó một thời gian dài”.
Tôi nói: “Anh có thể làm giúp tôi một việc được không? Anh có thể thay mặt tôi nói với sếp của anh rằng tôi không phải kẻ lừa gạt hay lấy chuyện này ra đùa cợt, tôi sẽ làm việc tối thiểu trong sáu tháng, tôi đang rất sung sức”.
Anh ta do dự: “Đó sẽ là một cuộc trò chuyện hơi kỳ quặc”.
Tôi viết tên mình cùng số điện thoại và đưa cho anh ta.
“Tôi thực sự biết ơn anh,” tôi nói.
Một ngày trôi qua, rồi vài ngày nữa, chẳng có gì xảy ra cả. Tôi không bao giờ nghe được bất cứ tin tức gì từ anh ta.
“Em có thể tin chuyện này không?” Tôi nói với Tina. “Anh thậm chí còn không xin được việc đưa thư.”
Giữa bữa sáng yên ắng của ngày hôm sau, tôi đột nhiên đứng dậy, quay lại giường ngủ, mặc nguyên quần áo. Tôi trùm chăn qua đầu và cố tìm lại giấc ngủ.
“Em có thể giúp anh chuyện này,” Tina nói, “nhưng anh phải để em giúp anh. Anh không được cãi lời em đấy.”
Một giờ sau, cô ấy đưa tôi một danh sách 20 cái tên. Các tổng biên tập báo, các nhà sản xuất truyền hình cáp, những người làm trong ngành quan hệ công chúng, các chuyên gia tốc ký, thậm chí cả một chính trị gia địa phương chúng tôi chỉ hơi hơi biết. Cô ấy nói: “Anh phải gọi cho những người này và nói với họ anh rất sẵn sàng làm việc”.
“Anh đã gọi rồi”.
“Không, anh chưa gọi. Anh mới chỉ tìm đến những người bạn cũ”.
Tôi nhìn vào cái tên đầu tiên trong danh sách. “Ôi, không phải cái tên chiết tiệt đó. Anh không thể gọi cho ông ta!”.
Cô ấy bảo tôi im lặng. “Anh đã hứa sẽ không cãi lời em mà”.
Bởi vậy tôi đã ngoan ngoãn nghe những gì cô ấy nói. Tôi cho mình hoãn thi hành một ngày, sau đó ngồi xuống bàn bếp và bắt đầu các cuộc gọi của mình. Trước sự ngạc nhiên của tôi, cô ấy đã đúng. Hầu hết mọi người đều lịch sự và tử tế. Họ không giúp tôi bất kỳ điều gì vào thời điểm đó, nhưng họ than thiện và đầy khích lệ.
Trong khoảnh khắc mà tinh thần lạc quan trong tôi được nhân lên (dù sao thì gọi điện thoại vẫn tốt hơn là ngồi chờ đợi), tôi đã nói với Jesse: “Đây là vấn đề của bố, không phải của con.” Nhưng thằng bé không phải một kẻ thô lỗ hay ăn bám và tôi có thể cảm thấy nó đi dè dặt khi hỏi xin 10 đô-la cho việc này, 10 đô-la cho việc kia. Nhưng nó có thể làm được gì đây? Nó không có một xu. Mẹ thằng bé cũng nhưng cô ấy chỉ là một diễn viên thường. Và chắc chắn Tina sẽ không dùng các khoản tiết kiệm của mình (từ khi cô ấy 16 tuổi), để chu cấp cho con trai tôi, bởi như vậy thằng bé sẽ trở thành công tử bột mà đã có lần tôi đã khích lệ nó một cách quá tự tin. Vào giữa đêm (khi vài điều tốt đẹp có thể đến từ những suy nghĩ vẩn vơ), tôi băn khoăn không biết làm sao những thứ không dễ chịu này lại đến, bầu không khí toàn mùi tiền sẽ độc hại thế nào nếu vận may của tôi không sớm thay đổi.
* * *
Câu lạc bộ điện ảnh lại tiếp tục. Để lôi kéo Jesse xem nhiều phim hơn mà không biến thành một hoạt động giống kiểu bắt ép ở trường học, tôi đã bày ra trò chơi khoảnh-khắc-tuyệt-vời. Điều này có nghĩa một cảnh hoặc đoạn hội thoại hay hình ảnh khiến người ta chú ý khi xem, làm trái tim bạn đập rộn ràng. Chúng tôi đã bắt đầu với một bộ phim nhẹ nhàng The shining (Ngôi nhà ma) (1980) của Stanley Kubrick, câu chuyện về một nhà văn thất bại (Jack Nicholson thủ vai chính), dần hóa điên trong một khách sạn vắng vẻ và tìm cách giết cả gia đình mình.
The Shining có thể là phim hay nhất của đạo diễn Stanley Kubrick. Nhưng Stephen King, tác giả cuốn tiểu thuyết miễn cưỡng đón nhận bộ phim và không hề thích Kubrick. Nhiều người cũng vậy, vì Kubrick nổi tiếng là một người khó tính, cầu kỳ và tôn thờ bản thân thái quá. Ông ta đã bắt các diễn viên diễn đi diễn lại, hết lần này tới lần khác mà vẫn không hài lòng. Khi quay cảnh Jack Nicholson cầm rìu phục kích Scatman Crothers, Kubrick đã bắt họ diễn đi diễn lại 40 lần, cuối cùng, khi thấy diễn viên Crothers 70 tuổi gần kiệt sức, Nicholson bảo Kubrick rằng cảnh quay thế là đủ và anh ta sẽ không diễn thêm một lần nào nữa.
Sau đó, trong cảnh quay Jack cầm dao leo lên gác để đuổi theo người vợ (Shelley Duvall thủ vai), họ đã phải quay tới 58 lần thì Kubrick mới thấy hài lòng. (Tác phẩm có xứng đáng không? Cảnh quay thứ hai hoặc thứ ba có thể làm như thế không? Có thể.)
Nhưng quan trọng hơn, Stephen King cảm thấy Kubrick “không lột tả được vấn đề” khi xét đến yếu tố kinh dị, không có mạch xuyên suốt cho câu chuyện. King đã đi xem một buổi chiếu khi The Shining mới ra mắt và rời rạp với sự phẫn nộ. Ông nói bộ phim giống như một chiếc xe Cadillac thiếu động cơ để chạy. Thực tế, King nghĩ rằng Kubrick toàn đạo diễn ra những bộ phim “làm đau tim” người khác.
Cũng có điểm tôi đồng ý, nhưng tôi thích The Shining; tôi thích các cảnh quay và ánh sáng của phim, tôi thích âm thanh chiếc xe đạp ba bánh đi từ thảm tới gỗ rồi lại tới thảm. Tôi luôn thấy sợ hãi khi xem cảnh hai bé gái sinh đôi xuất hiện trong hành lang. Mặc dù với tôi khoảnh-khắc-tuyệt-vời là cảnh Jack Nicholson bị ảo giác về cuộc đối thoại giữa bản thân với một người hầu bàn khách sạn, một dạng quản gia người Anh vụng về, cứng nhắc. Cảnh phim diễn ra trong ánh sáng điện trắng và cam mờ ảo của phòng vệ sinh. Cuộc hội thoại bắt đầu rất ngây ngô rồi người hầu bàn cảnh cáo Jack rằng con trai anh ta đang gây phiền toái, rằng có thể anh ta sẽ phải giải quyết hậu quả của chuyện này. Người hầu bàn (Philip Stone thủ vai) được hoan nghênh nhiệt liệt với cách diễn xuất tỉ mỉ, lời thoại xen lẫn nhiều khoảng lặng; hãy xem cái cách anh ta khép đôi môi khô khốc của mình khi kết thúc mỗi câu nói. Nó biểu hiện sự mỏng manh, một dấu chấm câu thô lỗ đầy lơ đãng.
Người hầu bàn khẳng định: Anh ta có vấn đề với những đứa con của mình. Một trong số chúng không thích khách sạn và cố đốt nó. Nhưng anh ta đã “sửa sai” cho cô ta bằng một chiếc rìu. “Và khi vợ tôi cố ngăn tôi thực hiện nhiệm vụ của mình, tôi đã ‘sửa sai’ cô ấy”. Đó là một màn trình diễn hoàn hảo về cách dùng từ. Không giống với cách diễn xuất của Jack, chẳng hề chín chắn thêm chút nào kể từ lần đầu tiên tôi xem cách diễn ấy vào năm 1980. Ở đây, anh ta dường như không có kinh nghiệm, gần như không lành nghề, kém cỏi một cách đáng kinh ngạc, đặc biệt khi diễn bên cạnh nam diễn viên người Anh đầy tài năng và tinh tế nhường ấy.
Mặc dù vậy, đó lại không phải là khoảnh-khắc-tuyệt-vời của Jesse, nó đã chọn cảnh cậu con trai vào phòng ngủ của Jack lúc sáng sớm để lén lấy lại một món đồ chơi thì thấy cha đang ngồi cạnh giường với ánh nhìn chòng chọc xa cả nghìn thước. Jack gọi thằng bé lại gần và thằng bé có vẻ bối rối. Nhìn vào gương mặt chưa cạo râu của người cha cùng đôi mắt lờ mờ, trong bộ đồ ngủ màu xanh da trời, khi đó Jack trông tái nhợt như một xác chết, cậu con trai bé bỏng đã hỏi cha rằng tại sao ông ta chưa đi ngủ.
Sau một khoảnh khắc, anh ta lạnh lùng đáp: “Bố có quá nhiều việc phải làm”. Nghĩa là ở đây, chúng ta có thể trực cảm về ý định giết gia đình như người hầu bàn đã tiên đoán.
“Chính nó,” Jesse thì thầm, “bố con mình có thể xem lại không?”
Chúng tôi đã xem Annie Hall (năm 1977) vì, trong số nhiều lý do, thì cảnh phim trong đó Diane Keaton hát ca khúc “Seems Like Old Times” là ở một quán bar tối tăm. Keaton xuất hiện mỏng manh từ một phía trong cảnh quay và dường như nhìn vào ai đó ở phía đằng sau camera. Đó là một cảnh khiến tôi nổi da gà, cô ấy đang hát nhưng nhấn nhá vào những ca từ sâu sắc và thể hiện tâm trạng qua đôi mắt. Đó cũng là khoảnh khắc của sự tự nhận thức bản thân, với nhân vật của cô ấy, Annie Hall, một người viết nhạc thiếu kinh nghiệm, non nớt, đang thực hiện chuyến bay đầu tiên đầy lo sợ.
Một số bộ phim khiến tâm trạng của bạn tụt dốc thảm hại, bạn lẽ ra phải đang yêu hoặc thất tình, hoặc bạn cần kết thúc thứ gì đó khi bạn xem chúng, bởi lúc này, nhìn từ góc độ khác, không có phép màu nào còn lại. Tôi đã cho nó xem bộ phim Around the World 80 Daỵs (80 ngày vòng quanh thế giới) (năm 1956) với những cảnh quay rực rỡ, thú vị về một chiếc khí cầu trôi nổi trên bầu trời Paris lúc hoàng hôn, từng khiến tôi choáng ngợp khi ở vào tuổi của thằng bé, nhưng có vẻ bây giờ đã lỗi thời và ngớ ngẩn kinh khủng.
Nhưng mộc số bộ phim vẫn tạo được cho bạn cảm giác phấn khích năm này qua năm khác. Tôi đã cho Jesse xem bộ phim Mean Streets (Phố phường tồi tàn) (năm 1973), bộ phim mà đạo diễn tài ba Martin Scorsese đã làm trong thời điểm ông bắt đầu sự nghiệp. Phim nói về tình trạng gia tăng bạo lực tại khu Little Italy ở New York. Có một cảnh gần đoạn khởi đầu mà tôi không bao giờ quên. Với nhạc nền là những nốt nhạc kịch tính trong ca khúc “Tell Me” của nhóm Rolling Stones, các máy quay đã theo sát Harvey Keitel trong từng chuyển động, cách đi đứng của anh ta trong quán bar đầy ánh đèn đỏ. Bất cứ ai từng tới một quán bar yêu thích của mình trong đêm thứ Sáu cũng sẽ biết khoảnh khắc đó. Bạn biết mọi người, họ vẫy tay, gọi tên bạn, cả đêm vui vẻ đang ở trước bạn. Keitel lách mình qua đám đông, bắt tay chỗ này, buông lời đùa cợt chỗ kia; anh ta khiêu vũ chậm rãi, đung đưa duy nhất phần hông theo điệu nhạc, đây là bức chân dung một người đàn ông trẻ yêu cuộc sống, ham thích việc được sống trong không khí tối thứ Sáu này, với những con người thế này, ở nơi thế này. Nó cũng mang dấu ấn của một nhà làm phim trẻ tuổi, một khoảnh khắc của những xúc cảm mãnh liệt, khi anh ta như vậy, anh ta thực sự đang tạo ra một bộ phim.
Có những khoảnh khắc tuyệt vời khác: Khi Gene Hackman gây náo loạn ở một quán bar trong bộ phim The French Connection (Mối quen Pháp) (năm 1971). Anh ta gào lên: “Thủy thủ Popeye đây!” rồi lao xuống quầy thu tiền, làm những lọ thuốc, những con dao bấm tự động và những viên ma túy bay xuống sàn nhà. Phản ứng ngạc nhiên của Charles Grodins trong bộ phim Ishtar (Thần tình yêu mang tai họa) (năm 1987) khi tài tử Dustin Hoffman hỏi anh ta liệu nước Libya có “gần đây” không. Hay phần độc diễn của Marlon Brando trong Last Tango in Paris (Bản Tango cuối cùng ở Paris) (năm 1972) về một con chó tên Dutchie từng “nhảy lên và nhìn quanh tìm những con thỏ” trên một cánh đồng toàn cây mù tạt. Chúng tôi đã xem Last Tango vào ban đêm, một cây nến được thắp trên bàn và vào cuối phim, tôi thấy đôi mắt sẫm màu của Jesse nhìn chằm chằm vào mình.
“Thế đấy,” tôi nói.
Có cảnh Audrey Hepburn cố thoát khỏi vụ hỏa hoạn tại một căn hộ xây bằng sa thạch nâu đỏ ở khu Manhattan trong phim Breakfast at Tiffany’s (Bữa sáng ở Tiffany) (năm 1961), tóc cô ấy cuộn trong khăn tắm, ngón tay cô ấy nhẹ nhàng gẩy đàn ghi ta. Máy quay đã thu được tất cả nét đẹp vào khung hình: cầu thang, những viên gạch, người phụ nữ mảnh mai; sau đó là chuyển những cảnh khép chặt khuôn hình, chỉ có mình Audrey; rồi thuyết minh, rồi cận cảnh đầy đủ, gương mặt cô ấy nổi bật trên màn ảnh, hai bên xương gò má mong manh, cằm nhọn, đôi mắt nâu. Cô ấy nhìn lên, ngạc nhiên thấy ai đó phía sau camera. “Xin chào!” cô nói bằng giọng êm ái. Đó là một trong những khoảnh khắc thúc đẩy người ta đi xem phim, bạn xem nó một lần, dù bạn bao nhiêu tuổi, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ quên. Đó là một ví dụ về thứ mà những bộ phim có thể làm, cách họ lờ đi sự biện hộ của bạn và thực sự khiến trái tim bạn tan vỡ.
Tôi ngồi trong trạng thái xúc động mạnh khi danh sách diễn viên và ê kíp sản xuất lướt qua, bài hát nhạc nền cho phim nhỏ dần nhưng tôi vẫn ý thức được sự dè dặt của Jesse như thể nó phải miễn cưỡng bước qua một tấm thảm trong đôi giày lấm bùn, có thể ví von như vậy.
“Cái gì cơ?”, tôi nói.
“Đó là một bộ phim khác thường”, nó đáp, cố kìm một cái ngáp, cách thể hiện khi thỉnh thoảng nó không thoải mái.
“Như thế nào?”
“Đó là câu chuyện về hai cô gái điếm. Nhưng bản thân bộ phim dường như lại không biết điều này. Dạo này người ta cho rằng nó nói về thứ gì đó đại loại như sự ngọt ngào và hấp dẫn”. Nói xong, nó cười. “Con không có ý thiếu tôn trọng trước những gì bố thực sự thích”.
“Không, không”, tôi nói với giọng cảnh giác “Bố không thực sự thích phim này. Bố thích cô diễn viên”. Tôi tiếp tục nói rằng Truman Capote, người đã viết cuốn tiểu thuyết ngắn mà bộ phim dựa vào để chuyển thể, không bao giờ thích phần thử vai của Audrey Hepburn. “Ông ta đã nghĩ Holly Golightly giống một cô gái tinh nghịch hơn, cả mẫu phụ nữ như Jodie Foster”.
“Chắc chắn”, Jesse nói. “Con chỉ không thể tưởng tượng Audrey Hepburn là một cô gái điếm. Và người phụ nữ trong bộ phim đó là một cô gái điếm. Anh chàng nhà văn trẻ cũng vậy. Cả hai đều làm vì tiền.”
Holly Golightly là một kẻ bán rẻ danh dự, tài năng và tên tuổi vì tiền?
* * *
Jesse từng một lần hỏi tôi, rằng tôi có nghĩ là Rebecca đã rời bỏ nó? Tôi nói không, nhưng lại thầm lo rằng cuộc chạy đua giành con bé có thể đánh bại thằng bé. Tôi nhớ thằng bé tái nhợt, gương mặt thất vọng hướng về tôi trong nhiều tuần sau “sự cố” và nói: “Con nghĩ Chúa sẽ cho con mọi thứ con muốn ngoại trừ Rebecca Ng”.
Bởi vậy, khi nó “có được” con bé, tôi đã cảm thấy bớt căng thẳng bởi điều này có nghĩa thời gian tới, ít nhất thì thằng bé sẽ không bị ám ảnh bởi nỗi nghi ngờ rằng đó là một niềm hạnh phúc cao hơn vượt ra ngoài tầm tay của nó. Nghĩ lại, tôi hình dung đó chính là các tin đồn về Claire Brinkman, thứ đã làm hồi sinh mối quan tâm của Rebecca dành cho Jesse. Các tin đồn đã thổi bay cậu bạn trai ngốc nghếch của con bé ra tận biển khơi và đáng buồn là đã mang theo cả Claire.
Sự thật là, cho dù bạn đã vượt qua vẻ ngoài quyến rũ của con bé, Rebecca Ng vẫn là một nỗi nhức nhối khó nguôi ngoai. Con bé là một người chuyên gây rắc rối, một người tình hấp dẫn và gây khổ sở, một sinh vật dường như hút sạch oxy của người khác, khiến người ta phải buồn rầu và nói về con bé.
Con bé gọi điện cho Jesse vào tối muộn và quấy rối. Nó đang phân vân. Có thể hai đứa nên “hẹn hò” với những người khác và xem liệu chúng có phải một “cặp xứng đôi vừa lứa” không. Tất cả điều này dành cho những giây cuối cùng của cuộc gọi. Đó là cách Rebecca khiến thằng bé tiếp tục trò chuyện. Con bé không thể chịu nổi khi thằng nhóc là người nói: “Anh phải đi bây giờ. Tạm biệt.”
Nhiéu giờ trôi qua như thế, các cuộc chuyện trò khiến thằng bé tả tơi và dễ xúc động như thể đang có cát trong mắt nó. Tôi lo con bé sẽ để lại vết sẹo khó lành trong lòng Jesse.
Nhưng có một phần nhỏ không thể có trong Jesse, thứ gì đó mà tất cả những thằng con trai khác cho con bé, nhưng vì những lý do mà tôi không hiểu, Jesse lại từ chối không cho, như một căn phòng đơn, tối tăm trong tòa nhà, nơi Rebecca không thể lại gần và nó ám ảnh con bé. Bạn đã biết, lúc con bé vào được bên trong tòa nhà với chiếc đèn pin, khoảnh khắc Rebecca hiểu nó không thể đến và đi, xuất hiện rồi biến mất, đó sẽ là một căn phòng vô giá trị, Jesse cũng vô giá trị và con bé tiếp tục tiến lên. Nhưng trong khoảnh khắc đó, một chiếc cửa bị khóa và con bé chờ bên ngoài, cố gắng tìm chiếc chìa có thể xoay được chốt cửa.
Trong những buổi chiều ấm áp, chim hót líu lo, máy cắt cỏ kêu ro ro, tiếng búa đập rầm rầm trong ngôi nhà thờ đã cải tạo trên phố, Rebecca Ng xuất hiện trước hiên nhà chúng tôi, mái tóc đen óng ả của nó đầy sức sống. Có hai hoặc ba phút con bé lôi kéo tôi tham gia vào cuộc chuyện trò bâng quơ, vui vẻ, một kiểu nói chuyện mà người ta cho rằng chỉ có ở một chính trị gia trong buổi gây quỹ. Tán gẫu, tán gẫu, tán gẫu. Giao tiếp bằng mắt không sợ sệt. Loại con gái sẽ điều hành một chuỗi các khách sạn đẳng cấp thế giới một ngày không xa.
Sau khi nhiệm vụ trò chuyện với tôi hoàn thành, con bé bất ngờ viếng thăm tầng hầm. Cánh cửa ở chân cầu thang đã đóng với tiếng lách cách nhẹ nhưng dứt khoát. Tôi nghe tiếng rì rầm của những giọng nói trẻ tuổi, sau đó tự hỏi liệu mình có nên nhắc nhở Jesse đánh răng hay sắp lại gối (và tôi đã quyết định không làm vậy), tôi đã tiến đến một góc thật xa, cách âm trong ngôi nhà.
Thật hoàn hảo làm sao, tôi nghĩ, cái con bé Rebecca “điểm-A” đó lại có chuyện yêu đương với một học sinh bỏ học giữa chừng. Trong những buổi chiều khác tương tự, lúc con bé gặt hái được quá nhiều thứ trong một khóa đào tạo quản lý, Jesse và tôi đã xem phim trên ghế băng. Tôi có thể thấy từ những chiếc thẻ màu vàng của mình rằng chúng tôi đã trải qua vài tuần trong một “đơn vị” (có một từ đáng khinh là “trường học”) có tên gọi “Tài Năng Sẽ Hé Mở”. Đây đơn giản là một nhóm nhỏ những bộ phim, đôi khi không hay lắm, nhưng một diễn viên vô danh đã thể hiện nó vô cùng xuất sắc. Hãy nghĩ về Samuel L. Jackson như là một kẻ nghiện cocain hạng nặng trong bộ phim Jungle Fever (Sốt rét rừng) (1991) của Spike Lee. Bạn xem nó 30 giây đầu và tự hỏi: “Gã kia là ai?” Hay như vai nhỏ tí ti của nữ diễn viên Winona Ryder trong Beetlejuice (Ngôi nhà ma) (1988).
Điều tương tự, tất nhiên, với vai diễn của Sean Penn, một kẻ nghiện cần sa ở trường trung học trong bộ phim hài về giới tính Fast Times at Ridgemont High (Thời vô tư ở trường Ridgemont ) (1982). Hãy để ý cái cách anh ta nhìn người khác khi nói chuyện. Như thể anh ta bị chói tai bởi âm thanh nhạc cụ điện tử trong đầu và đang dùng một cái gối áp chặt vào hai tai. Đó không phải là một vai chính nhưng Penn đã nổi bật trong bộ phim, tài năng của anh quá rõ ràng, quá hiển hiện, tới mức các nhân vật khác bị giảm xuống mức chỉ như những ca sĩ hát đệm (giống như hiệu ứng “làm thứ gì trở nên xám xịt” mà tài tử huyền thoại Gary Cooper đã làm với các bạn diễn của mình).
“Con có tài năng không bố?”, Jesse hỏi.
“Cả tấn,” tôi đáp.
“Tài năng nào cơ ạ?”
Con nói gì thế? “Thủ thuật,” tôi đáp, “để có một cuộc sống hạnh phúc là tài giỏi một lĩnh vực gì đấy. Con có hoài nghi rằng mình có thể giỏi điều gì không?”
“Con không biết đó là điều gì”.
Tôi kể cho nó về Andre Gide, tiểu thuyết gia người Pháp, người đã viết trong nhật ký của mình rằng ông ta giận điên tiết khi ở tuổi 20, ông đi dạo trên một con phố của Paris và chỉ bằng việc nhìn vào mắt ông, người ta không thể nói về những kiệt tác mà ông sẽ sáng tạo nên.
Trên ghế của mình, Jesse nhoài người về trước, nói: “Đó chính xác là những gì con cảm thấy”.
Tôi đã cho nó xem Audrey Hepburn trong bộ phim Roman Holiday (Kỳ nghỉ lãng mạn,) (1953). Đó là bộ phim đầu tiên của nữ diễn viên huyền thoại, với tư cách vai nữ chính khi bà mới 24 tuổi; thiếu kinh nghiệm nhưng sự ăn ý với Gregory Peck như khiến bà nổi bật lên với sự thuần thục, khéo léo, cách diễn tự nhiên không thể lý giải. Làm sao Audrey có thể tiến bộ nhanh như thế? Và với giọng nói có âm điệu lạ lùng, sự mãnh liệt đầy cảm xúc, một cách kỳ cục, bà đã khiến người ta nhớ tới Natasha, nữ anh hùng lãng mạn của Tolstoy. Nhưng Hepburn cũng có được thứ mà bạn không thể học được, đó là sự hòa hợp tuyệt vời với máy quay.
Tôi đã đề nghị Jesse xem một lần nữa để xem chuyện gì đã xảy ra khi các máy quay tập trung vào gương mặt của nữ diễn viên, Roman Holiday đã giúp Audrey Hepburn giành một giải Oscar.
Tôi đã chọn bộ phim đầu tay của một đạo diễn trẻ như là một phần trong chương trình “Tài Năng Sẽ Hé Mở” của chúng tôi. Tới hôm nay, bộ phim truyền hình bị lãng quên ở diện rộng này vẫn giữ được một trong những khoảnh khắc vui vẻ của cách làm phim nhìn-tôi-đây-này, rất trẻ trung mà tôi từng xem. Các bộ phim chiếu trên ti vi có xu hướng không thuộc lĩnh vực hàn lâm nhưng chỉ vài giây đầu của Duel (Đấu tay đôi) (1971), người ta có thể nói điều gì đó kỳ lạ đang diễn ra. Bạn thấy, từ góc nhìn của người lái xe, chiếc ô tô rời vùng ngoại ô dễ chịu của một thành phố nào đó ở Mỹ và chầm chậm thẳng tiến ra ngoài thành phố. Đó là một ngày nóng nực, bầu trời xanh ngắt, nhà cửa thưa thớt dần, xe cộ thưa thớt dần, chỉ có mình chiếc xe trên tường.
Sau đó, không biết từ đâu, một chiếc xe tải 18 bánh gỉ sét xuất hiện trong gương chiếu hậu. Các ô cửa xe của nó bị chắn tối mịt. Người ta không bao giờ thấy người lái xe. Người ta nhìn lướt qua đôi giày cao bồi, bàn tay anh ta thò ra ngoài cửa sổ xe vẫy vẫy.
Trong 74 phút, giống như một con quỷ thời tiền sử, chiếc xe tải đuổi theo chiếc ô tô trong khung cảnh ánh mặt trời thiêu đốt. Đó là Moby Dick đang tìm kiếm Ahab. Chờ bên đường, trốn trong cống thoát nước, xuất hiện để mất sự hứng thú rồi đột ngột xuất hiện trở lại, chiếc xe tải là một sự truyền nhiễm các tai ương phi lý; đó là bàn tay dưới giường ngủ đang chờ để chộp lấy mắt cá chân của bạn. Nhưng tại sao? (Gợi ý: Thậm chí ở lứa tuổi còn trẻ, đạo diễn đã biết cách không trả lời câu hỏi này.)
Một chiếc xe tải và một chiếc ô tô, chẳng có mẩu đối thoại nào giữa chúng. Chỉ chạy vòng quanh những con đường cao tốc. Làm thế nào, tôi đã hỏi Jesse, người ta có thể thổi vào những đống sắt vụn đó sức sống và cảm xúc? “Giống như ép chặt rượu trên một tảng đá vậy”, nó nói. Tôi đã gợi ý rằng câu trả lời nằm ở sự tấn công về thị giác của đạo diễn. Duel bắt bạn phải xem, nhìn vào nó. Nó dường như nói với khán giả rằng có thứ gì đó quan trọng đang diễn ra ở đây, bạn từng lo sợ điều này trước đây và giờ nó lại lặp lại một lần nữa.
Steven Spielberg 24 tuổi khi ông dạo diễn Duel. Ông đã làm một vài bộ phim truyền hình (Columbo được xem như tấm danh thiếp của ông) nhưng không ai lường trước được ông sẽ trở thành biểu tượng với sức lôi cuốn tuyệt đối này. Hơn cả chiếc xe tải, hơn cả vai người tài xế bị nỗi sợ hãi leo thang của Dennis Weaver, vị đạo diễn này đã trở thành ngôi sao của Duel. Giống như đọc những trang đầu tiên của một cuốn tiểu thuyết xuất sắc, bạn sẽ ý thức mình đang thấy sự hiện diện của một tài năng vĩ đại khinh suất.
Người ta có thể thấy tại sao những nhà sản xuất phim chỉ xem Duel một lần mà lại cho ông ta đạo diễn bộ phim Jaws (Hàm cá mập,) (năm 1975) vài năm sau đó. Nếu Spielberg có thể làm một chiếc xe tải kềnh càng trở nên đáng sợ, hãy tưởng tượng cái ông ta có thể làm với một con cá mập (thứ mà, giống như người lái chiếc xe tải, phần lớn ở ngoài tầm nhìn. Bạn chỉ có thể thấy hiệu ứng, tác động của nó, một con chó mất tích, một cô bé đột ngột bị kéo chìm nghỉm xuống mặt nước, một chiếc phao nổ tung. Spielberg đã có trực cảm rất tốt khi còn rất trẻ rằng nếu bạn muốn dọa dẫm ai đó, hãy để chính trí tưởng tượng của họ thực hiện những phần quan trọng).
Chúng tôi đã xem The Making of Duel (Quá trình sản xuất phim Duel), được ra mắt dưới dạng DVD. Trước sự ngạc nhiên của tôi, Jesse lắng nghe một cách thích thú Spielberg nói về việc xây dựng từng cảnh quay, cũng như ông ấy đã nghĩ về nó nhiều thế nào, làm việc nhiều ra sao. Những tấm bảng phác thảo cảnh quay và chuỗi hành động, loạt máy quay, thậm chí cả việc thử đến nửa tá xe tải để xem cái nào trông tồi tàn nhất. “Bố biết đấy,” nó nói với giọng hơi sửng sốt, “cho tới tận bây giờ, con đã nghĩ Spielberg là một người hơi ngớ ngẩn”.
“Ông ấy là nhà làm phim gàn dở,” tôi nói, "một kiểu người hơi khác biệt” Rồi tôi kể cho Jesse nghe câu chuyện về một nữ diễn viên trẻ đẹp, ham mê tiệc tùng, từng quen biết cả Spielberg, George Lucas, Brian De Palma và Martin Scorsese ở California khi bọn họ chỉ mới bắt đầu sự nghiệp. Cô ấy rất ngạc nhiên, rồi nói dường như họ không hứng thú với gái đẹp hay ma túy. Tất cả những gì họ muốn là người này giao thiệp với người kia và nói về những bộ phim. “Giống như bố đã nói: đó là những kẻ gàn dở”.
Tôi đã cho nó Xem bộ phim A Streetcar Named Desire (Chuyến tàu mang tên dục vọng) (195l). Tôi nói với nó, làm thế nào mà vào năm 1948, chàng diên viên trẻ vô danh Marlon Brando lại đi nhờ xe từ New York tới ngôi nhà của Tennessee Williams ở Provincetown, Massachusetts, để xin thử vai ở sân khấu Broadway, làm cách nào anh ra đã tìm được nhà soạn kịch trứ danh ở một bang toàn những mối lo kinh khủng, mất điện, những khu vệ sinh chật ních người. Không có nước. Brando đã khắc phục được rắc rối này bằng cách đặt những đồng xu vào đằng sau cầu chì rồi quỳ xuống, sửa hệ thống ống nước. Khi đã hoàn thành, anh ta lau tay, đi vào phòng khác và đọc lời thoại dành cho nhân vật Stanley Kowalski. Anh ta đọc trong khoảng 30 giây, rồi câu chuyện tiếp diễn, trước khi Tennessee, đang ngà ngà say, im lặng vẫy anh rồi nói: “Tốt đấy” rồi đưa anh chàng trở về New York với vai diễn chính.
Và vai diễn của anh ấy ra sao? Có những diễn viên đã từ bỏ diễn xuất khi họ thấy Brando diễn vở Streetcar ở BroadWay năm 1949. (Cùng cách thức Virginia Woolf đã muốn từ bỏ khi lần đầu bà đọc Proust). Nhưng các hãng phim không muốn Brando tham gia các bộ phim. Anh ấy quá trẻ và hay làu bàu. Những giáo viên dạy diễn xuất của anh là Stella Adler lại đưa ra lời tiên đoán từ rất sớm rằng “cậu thanh niên huênh hoang, xấc xược lạ lùng” này sẽ trở thành diễn viên vĩ đại nhất trong thế hệ của mình. Và điều này đã được lịch sử chứng minh. Những năm sau đó, những sinh viên từng tham gia các hội thảo về diễn xuất với Brando đều nhớ, cách anh ta có thể ngâm thơ và độc diễn đoạn thoại của Shakepeare và làm nó trở nên chân thực hơn, tình cảm hơn tác phẩm của bất kỳ ai khác ngày hôm đó.
“Streetcar,” tôi giải thich, “là vở kịch mà họ để cho những vị thần được bước ra khỏi chai; về nghĩa đen, nó đã thay đổi toàn bộ phong cách diễn xuất của người Mỹ”. “Bạn có thể cảm thấy nó”, Kark Maiden, người đóng vai Mitch trong vở kịch đầu tiên ở Broadway, vài năm sau đã nói rằng: “Khán giả muốn Xem Brando, họ đến vì Brando, và khi anh rời sân khấu, bạn có thể thấy rằng họ đang chờ đợi anh ấy trở lại."
Tôi đã nhận ra mình đang trở nên gần gũi một cách nguy hiểm khi quá đề cao bộ phim, bởi vậy tôi buộc mình ngừng nói: "Được rồi,” tôi nói với Jesse, “con sẽ được xem một thứ đáng xem hôm nay. Thắt chặt dây an toàn nào."
Thỉnh thoảng tôi thấy khiếp đảm khi chuông điện thoại reo. Nếu đó là Rebecca Ng, tâm trạng của chúng tôi chắc chắn sẽ bị không yên, như bị một kẻ phá hoại ném đá qua cửa sổ. Một buổi chiều, một ngày mật ngọt cuối tháng Tám, giữa chừng bộ phim Some Like It Hot (Những kẻ thích phiêu lưu) (l959), Jesse đã biến mất để nhận một cuộc gọi; nó đi khoảng 20 phút, rồi trở lại với vẻ sao lãng và khổ sở. Tôi bật phim tiếp tục nhưng tôi ý thức rõ ràng là, thằng nhóc không hề chý ý. Nó “dính” chặt mắt vào màn hình tivi như thể đang bấu víu vào một chiếc mỏ neo, rồi lại bồn chồn nghĩ về.
Tôi tắt đầu DVD. Tôi nói: “Con biết đấy, Jesse, những bộ phim này đã được sắp đặt và khắc họa quan điểm tuyệt vời về suy nghĩ và tình yêu. Chúng đáng để người ta tập trung khi xem và đầu óc nghĩ vẩn vơ chỗ khác. Bởi thế, bố sẽ đề ra quy tắc ở đây. Kể từ lúc này, không nghe điện thoại trong khi xem phim. Vì việc đó thiếu tôn trọng và bất lịch sự”.
“Được ạ,” nó nói.
“Chúng ta thậm chí sẽ không nhìn số khi có cuộc gọi đến, được không?”
“Được ạ, được ạ”.
Điện thoại reo lên lần nữa. (Thậm chí từ nửa kia thành phố, dường như con bé Rebecca vẫn ý thức được rằng sự chú ý của thằng bé đang rong chơi đâu đó.)
“Con nên nghe điện thoại đi. Một lần này nữa thôi đấy”.
“Tớ đang ngồi với bố,” nó thì thào. “Tớ sẽ gọi lại”. Tiếng vo vo như một con ong bắp cày bị mắc bên trong ống nghe. “Tớ đang ở cạnh bố,” nó nhắc lại.
Rồi nó đặt điện thoại xuống.
“Chuyện gì thế?”, tôi hỏi.
“Không có gì ạ.” Sau đó, như bị cơn giận khiêu khích, nó như nín thở nói: “Rebecca luôn chọn những thời điểm lạ lùng nhất để muốn nói chuyện.” Trong một khoảnh khắc, tôi nghĩ mình đã nhìn thấy nước ngân ngấn trong mắt thằng bé.
“Chuyện gì thế?”
“Về mối quan hệ của chúng con.”
Chúng tôi quay lại với bộ phim nhưng tôi biết rõ rằng thằng bé không hề ở đó nữa. Nó đang xem một bộ phim khác, điều tồi tệ là Rebecca sẽ làm điều này vì thằng bé khiến con bé bực mình qua điện thoại. Tôi tắt tivi. Nó nhìn tôi, giật mình hoảng hốt như thể chuẩn bị gặp rắc rối.
“Bố từng có một cô bạn gái,” tôi nói. “Tất cả những gì bọn bố từng nói với nhau là về mối quan hệ của mình. Và nó dần dần trở thành một nỗi buồn chán thực sự. Hãy gọi lại cho con bé. Và làm rõ mọi chuyện.”
Cha, Con Và Những Thước Phim Cha, Con Và Những Thước Phim - David Gilmour Cha, Con Và Những Thước Phim