Đừng lo ngại cuộc sống sẽ kết thúc, hãy lo ngại cuộc sống chẳng bao giờ bắt đầu.

Grace Hansen

 
 
 
 
 
Tác giả: Tony Parsons
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 991 / 27
Cập nhật: 2017-05-20 09:04:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Bốn
inh nhật thứ ba mươi của Gina cũng không hoàn toàn trôi chảy.
Trời vừa tối thì cha cô gọi điện để chúc mừng sinh nhật - có nghĩa là cô đã dành cả buổi sáng và cả buổi chiều tự hỏi cái ông già dở dở ương ương vô dụng ấy có định gọi không.
Hai mươi lăm năm trước, lúc Gina mới bắt đầu đi học, Glenn - đây là cái tên mà ông ấy bắt mọi người phải dùng, nhất là con mình - bước ra khỏi cửa nhà, mơ ước thành công trong vai trò một nhạc sĩ rock. Và cho dù đã làm việc sau quầy thu tiền ở cửa hàng guitar trên phố Denmark cả trăm năm, và tất cả những mơ mộng về hào quang đã mất dần cùng với mái tóc híp pi, thì ông vẫn nghĩ mình là một tâm hồn phóng túng có thể quên những ngày sinh nhật hay nhớ đến chúng tùy tâm trạng.
Glenn chưa bao giờ thành công trong vai trò nhạc sĩ. Có một ban nhạc với một hợp đồng ghi âm khiêm tốn và một đĩa đơn tương đối nổi tiếng. Có lẽ bạn đã từng nhìn thoáng thấy mặt ông đang chơi bass trên chương trình Top of the Pops ngay trước khi Ted Heath(1) vĩnh viễn rời bỏ số 10 phố Downing(2).
Thời trẻ ông rất bảnh bao - Glenn, không phải Ted Heath - có chút phong cách Robert Plant, tóc vàng quăn kiểu Viking và mặc áo hở bụng. Nhưng tôi luôn có cảm giác nghề nghiệp thật sự của Glenn là xây dựng gia đình rồi đập tan chúng.
Gia đình nhỏ xinh của Gina chỉ là gia đình đầu tiên trong một hàng dài những người vợ và những đứa con mà Glenn đã bỏ rơi. Họ ở rải rác khắp đất nước, những người phụ nữ như mẹ của Gina, từng được coi là nhan sắc hơn người vào thập niên sáu mươi bảy mươi đến nỗi khuôn mặt tươi cười của bà có lúc đã xuất hiện trên các tạp chí hào nhoáng, và những đứa con như Gina, những đứa trẻ đã phải lớn lên trong một gia đình mẹ đơn thân khi mà nó vẫn còn bị coi là gia đình đổ vỡ.
Glenn lướt ra lướt vào cuộc đời của bọn họ, thản nhiên quên các ngày sinh nhật và Giáng sinh và rồi tự dưng xuất hiện với một món quà to đùng, vô duyên nào đó. Cho dù ông giờ đã là một gã trung niên ở ngoại ô bắt tàu điện hàng ngày để đi làm trong một cửa hàng, ông vẫn thích nghĩ rằng mình là Jim Morrison chết tiệt và những luật lệ áp dụng với người khác không áp dụng với ông.
Nhưng tôi không thể phàn nàn nhiều về Glenn thân mến. Ở một phương diện nào đó, ông ấy là người xe duyên cho tôi và Gina. Vì thứ cô thích nhất ở tôi là gia đình tôi.
Đó là một gia đình nhỏ, bình thường - tôi là con một - và chúng tôi sống trong một căn nhà kép tường bê tông đá ở khu ngoại ô London, trông giống bất cứ một vùng ngoại ô nào ở Anh. Khắp xung quanh chúng tôi là các căn nhà và người, nhưng phải đi bộ nửa dặm mới có thể mua được một tờ báo - khắp xung quanh là sự sống, nhưng lại không bao giờ thoát khỏi cái cảm giác là cuộc sống đang xảy ra ở nơi khác. Đấy là đặc tính của ngoại ô.
Mẹ tôi theo dõi khu phố từ đằng sau rèm vải (“Là phố của tôi,” bà nói khi bị cha tôi phản đối). Cha tôi lăn ra ngủ trước màn hình ti vi (“Chẳng bao giờ có cái gì hay,” lúc nào cha cũng than vãn). Và tôi loăng quăng đá quả bóng ngoài vườn sau, mơ về những phút bù giờ ở sân Wembley và cố gắng tránh đám hoa hồng của cha.
Có bao nhiêu gia đình như thế trên đất nước này? Chắc là hàng triệu. Nhưng giờ chắc chắn là đã giảm đi rất nhiều so với trước. Những gia đình như chúng tôi gần như một loài bị đe dọa. Gina xử sự như thể cha tôi và mẹ tôi và tôi là gia đình hạt nhân cuối cùng, một thứ động vật hoang dã được bảo tồn mà ta cần phải trân trọng và ngưỡng mộ và lấy làm kinh ngạc.
Đối với tôi, tất nhiên, gia đình tôi có phần trầm tĩnh. Tất cả những lần rửa xe, những lần nhìn hé từ rèm vải, những buổi tối trước ti vi, những nhà nghỉ có bữa sáng đi kèm ở Devon và Cornwall hay trong một cái nhà lưu động ở Frinton. Tôi ghen tị với xuất thân quyến rũ của Gina - mẹ cô một cựu người mẫu, cha cô một tiền-siêu-sao nhạc rock, những tấm ảnh trong tạp chí, cho dù những tấm ảnh đó đang phai dần.
Nhưng Gina nhớ những ngày sinh nhật bị bỏ qua thời thơ ấu, một người cha luôn lơ đãng vì những thú vui mới hơn, thú vị hơn của mình, những chuyến du lịch hứa hão, người mẹ đi ngủ một mình, già đi một mình, ốm đau một mình, khóc một mình và cuối cùng là chết một mình. Gina không bao giờ có thể coi nhẹ một gia đình bình thường. Cô không tài nào có thể làm vậy.
Giáng sinh đầu tiên đưa cô về nhà, tôi nhìn thấy cô nghẹn ngào khi được mẹ tôi trao một món quà nho nhỏ - chỉ là mấy thứ thơm thơm trong một cái giỏ từ Body Shop, một ít xà phòng có hình gấu Bắc cực bọc trong giấy bóng - và tôi biết tôi đã có cô. Cô nhìn những con gấu Bắc cực và cô bị hút hồn.
Ta không bao giờ nên coi thường sức mạnh của một gia đình hạt nhân. Giờ đây xuất thân từ một gia đình không đổ vỡ cũng giống như kiểu có tài sản riêng, hay đôi mắt của Paul Newman, hay “súng ống” khủng. Đấy là một cái phúc của cuộc sống, chỉ được ban cho một vài người may mắn. Và khó mà cưỡng lại.
Nhưng những gia đình không đổ vỡ có thể ru những đứa con vào một cảm giác an toàn giả tạo. Khi tôi lớn, tôi luôn cho rằng lẽ tất nhiên, tất cả các cuộc hôn nhân đều vững chắc và bất diệt như của cha mẹ mình - kể cả hôn nhân của tôi. Cha mẹ tôi trông có vẻ dễ dàng. Nhưng không hề dễ dàng một chút nào.
Gina chắc hẳn đã phủi tay với Glenn từ nhiều năm trước nếu mẹ cô vẫn sống. Nhưng bà mất vì ung thư vú ngay trước khi Gina bước vào đài radio và cuộc đời tôi, và tự dưng cô cảm thấy cần phải cứu vớt những mảnh gia đình tả tơi ít ỏi còn lại.
Thế là Glenn tới dự đám cưới chúng tôi, và làm một “bi” cần ngay trước mặt cha mẹ tôi. Rồi ông ấy cố ve vãn một cô phù dâu. Đã gần năm mươi nhưng ông xem ra vẫn tưởng mình mười chín tuổi và mọi thứ vẫn đang ở trước mặt. Ông mặc một chiếc quần da kêu cót két khi nhảy. Và, ông đã nhảy ra trò.
Gina đã rất giận vì Glenn còn không thể cố làm một người cha, cho dù chỉ là phớt qua đi nữa, đến nỗi cô không muốn gửi một bức ảnh nào của Pat khi thằng bé sinh ra cho ông. Nhưng tôi nhất quyết bảo là ông có quyền được xem ảnh thằng cháu duy nhất của mình. Và tôi thầm nghĩ rằng khi Glenn nhìn thấy cậu bé đẹp đẽ của chúng tôi, ông sẽ xiêu lòng ngay lập tức. Khi ông quên sinh nhật của Pat ba lần liên tiếp, tôi nhận ra là giờ tôi đã có lý do riêng để ghét cái ông già híp pi đó.
“Có thể ông ấy khiếp sợ khi phải làm ông ngoại,” tôi nói. “Phát ghê - không phải đấy là từ ông ấy dùng sao?”
“Ừ, có một phần,” Gina nói. “Còn một phần khác là ông ta là một gã tồi tệ ích kỷ không bao giờ khôn lớn. Đừng quên cái đó.”
Không như cha mẹ Gina, chẳng có ai nghĩ là cha mẹ tôi là một đôi vàng son cả. Chẳng ai nghĩ là cuộc hôn nhân của họ đại diện cho tinh thần của cả một thời đại. Ảnh của mẹ không bao giờ xuất hiện trên tạp chí hào nhoáng - tuy rằng báo địa phương tốn rất nhiều giấy bút viết về đám cà chua được giải của bà. Nhưng cha mẹ tôi đã ở bên nhau cả đời. Và Gina với tôi cũng sẽ như vậy.
Từ ngày cưới của mình, chúng tôi đã có những người bạn gặp ai đó, yêu, cưới, ly dị và bắt đầu ghét người vợ hay chồng cũ của mình. Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra với chúng tôi. Dù hoàn cảnh gia đình có khác nhau, nhưng thế có nghĩa là tôi và cô muốn cùng một thứ.
Tôi muốn một cuộc hôn nhân kéo dài mãi mãi vì đó là thứ cha mẹ tôi có. Gina muốn một cuộc hôn nhân kéo dài mãi mãi vì đó chính là thứ cha mẹ cô không bao giờ có.
“Đấy là điểm tốt của chúng mình,” Gina bảo tôi, “giấc mơ của chúng ta hợp nhau.”
Gina yêu điên cuồng cha mẹ tôi và tình cảm ấy được đáp lại. Họ nhìn cô gái tóc vàng trên lối đi dọc khu vườn với thằng cháu nội nhỏ nhắn của họ, và cả hai dường như căng tràn mãn nguyện, bẽn lẽn cười sau cặp kính đọc sách và những bông hoa phong lữ.
Không ai trong hai bên có thể tin được vận may của mình. Cha mẹ tôi nghĩ là mình đang có được Grace Kelly. Gina nghĩ mình đang được nhà Walton(3).
“Em đang định đưa Pat đến nhà ông bà nội,” cô nói trước khi tôi đi làm. “Em mượn di động của anh được không? Điện thoại em hết pin rồi.”
Tôi sẵn lòng cho cô mượn. Tôi không thể chịu được mấy cái đó. Nó làm tôi cảm thấy tù túng.
Một luồng hoảng loạn lan tỏa khắp phòng chiếu.
“Con ruồi đã quay lại!” đạo diễn nói. “Chúng ta có con ruồi!”
Nó ở ngay đó trên màn hình. Con ruồi phòng thu.
Con ruồi của chúng tôi là một sinh vật to đùng đen như bọ cánh cứng với cánh lớn như ong bắp cày và thân phình lên như thể có khung gầm. Trong hình zoom cận cảnh Marty đọc máy chạy chữ, chúng tôi dõi theo con ruồi uể oải bay vòng quanh đầu người dẫn chương trình, rồi sau vài lần va vào màn hình, nó chậm rãi bò lên.
Con ruồi sống đâu đó ở ngóc ngách tối tăm phía trên phòng thu, cùng với đống hỗn độn những ổ điện, dây cáp và đèn. Con ruồi chỉ xuất hiện giữa chương trình, và ở phòng chiếu những tay kỳ cựu nói là nó phản ứng với nhiệt của đèn phòng thu. Nhưng tôi luôn cho rằng con ruồi bị cuốn hút bởi cái loại nước mà lỗ chân lông loài người tiết ra lúc truyền hình trực tiếp. Con ruồi của chúng tôi thích hương vị của sự sợ hãi.
Ngoại trừ màn biểu diễn trên không của chú ruồi, cuộc phỏng vấn của Marty với Cliff đang diễn ra khá trôi chảy. Cậu trẻ tuổi non nớt thoạt đầu run rẩy, gãi bộ ria mới mọc, giật giật lọn tóc tết dơ dáy, lắp bắp những câu lan man và còn phạm phải lỗi cơ bản nhất trong truyền hình là nhìn thẳng vào máy quay. Nhưng Marty có thể nhẹ nhàng một cách đáng ngạc nhiên đối với những vị khách lo lắng và, tỏ ra cảm thông với mục đích chính nghĩa của Cliff, cuối cùng cậu ta cũng làm cho cậu trai trẻ trở nên thoải mái. Chỉ đến khi Marty chuẩn bị kết thúc cuộc phỏng vấn thì mọi thứ mới trở nên tồi tệ.
“Tôi xin được cảm ơn Cliff vì đã xuất hiện ở đây tối nay,” Marty nói, mặt nghiêm trang bất thường, phẩy đi con ruồi phòng thu. “Và tôi muốn cảm ơn những đồng nghiệp của anh đang sống trên những ngọn cây ở ngoài sân bay. Vì cuộc chiến họ đang chiến đấu là vì tất cả chúng ta.”
Tràng pháo tay vang lên, Marty chìa tay ra rồi bắt tay khách mời. Cliff nắm lấy nó. Và cứ nắm mãi lấy nó. Rồi cậu ta đút tay vào cái áo choàng lếch thếch, na ná như thổ cẩm và lấy ra một đôi còng tay. Trong lúc Marty dõi theo với một nụ cười ngờ vực, Cliff bập một bên vòng kim loại quanh cổ tay mình còn cái kia quanh cổ tay Marty.
“Thả lũ chim ra,” Cliff nhỏ nhẹ nói. Cậu ta đằng hắng.
“Cái gì - cái gì đây?” Marty hỏi.
“Thả lũ chim ra!” Cliff hét lên với sự tự tin mỗi lúc một lớn. “Thả lũ chim ra!”
Marty lắc đầu. “Mày có chìa khóa cho cái thứ này không, cái thằng hôi thối này?”
Từ phòng chiếu tối lờ mờ chúng tôi theo dõi cảnh đó xảy ra trên một loạt các màn hình đang sáng trưng trong bóng tối. Ông đạo diễn vẫn tiếp tục ra hiệu lệnh cho năm cái máy quay - “Dừng ở Marty, hai... cho tôi cận cảnh còng tay, bốn...” - nhưng tôi có cái cảm giác mà ta chỉ cảm thấy khi chương trình truyền hình trực tiếp đang trở nên vô cùng tồi tệ, một cảm giác trộn lẫn buồn nôn, tê liệt nhẹ và sự sững sờ khủng khiếp, nằm sẵn đó ở đáy lòng ta.
Và tự dưng con ruồi xuất hiện, lởn vởn vài giây trên tóc Cliff, rồi thực hiện một cú hạ cánh hoàn hảo lên sống mũi cậu ta.
“Thả lũ chim ra!”
Marty săm soi cánh tay của mình, không tin nổi là mình đang bị xích với chàng thanh niên bù xù có lớp phấn đang nhòe dần dưới ánh đèn. Rồi cậu ta cầm bình nước trên bàn ở giữa hai người lên và, như thể để đập con ruồi phòng thu, phang vào mặt Cliff. Máu và nước phun ra. Marty đứng đó, trên tay chỉ còn cái quai bình đã vỡ.
“Chim cái đếch gì,” cậu ta nói. “Và vứt mẹ cái lỗ thủng tầng ôzôn đi.”
Một người trợ lý trường quay xuất hiện trên máy quay, mồm há hốc sững sờ, tai nghe lủng lẳng quanh cổ.
Cliff ôm lấy cái mũi vừa ăn đập. Có ai đó trong số khán giả bắt đầu la ó. Và đấy là lúc mà tôi biết rằng chúng tôi đã lãnh đủ. Marty đã làm việc duy nhất mà cậu ta không được làm trong những chương trình loại này. Cậu ta đã làm mất khán giả.
Trong phòng chiếu, tất cả điện thoại đồng loạt rung, như thể để tưởng niệm sự nghiệp hoành tráng của tôi đi thẳng xuống hố xí. Đột nhiên tôi nhận ra mình đang toát mồ hôi như tắm.
Con ruồi phòng thu xuất hiện thoáng qua trên tất cả các màn hình, như thể lượn một vòng đắc thắng, rồi biến mất.
“Tôi ngu quá,” Siobhan nói mấy tiếng sau khi trong phòng chiếu không một bóng người. “Tất cả đều là lỗi của tôi. Đáng lẽ tôi không nên mời anh ta. Đáng lẽ tôi phải đoán được rằng anh ta muốn lợi dụng chúng ta để bày ra một vụ như thế này. Anh ta luôn là một thằng cha ích kỷ. Tại sao tôi lại đi làm thế chứ? Vì tôi muốn gây ấn tượng với mọi người. Và giờ hãy nhìn chuyện gì đã xảy ra.”
“Cô không ngu,” tôi nói với cô. “Marty mới ngu. Mời người thế này là tốt. Kể cả chuyện đã xảy ra thì mời người thế này vẫn là tốt.”
“Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra bây giờ?” cô hỏi, tự dưng trông rất non trẻ. “Họ sẽ làm gì chúng ta?”
Tôi lắc đầu và nhún vai. “Chúng ta sẽ biết sớm thôi.” Tôi thấy mệt khi nghĩ đến nó. “Nào, ra khỏi đây thôi.”
Tôi đã bảo Marty về nhà, lẩn qua cửa sau tòa nhà vào trong một cái taxi đang đợi ở lối chất dỡ hàng hóa, dặn cậu ta không được nói chuyện với bất kỳ ai. Cánh báo chí sẽ xé cậu ta tan tành. Chúng tôi tin chắc điều đó. Tôi lo hơn là những gì đài sẽ làm với cậu ta. Và chúng tôi. Tôi biết họ cần The Marty Mann Show. Nhưng họ có cần lắm không?
“Đã muộn lắm rồi,” Siobhan nói lúc chúng tôi vào thang máy. “Tôi bắt taxi ở đâu được nhỉ?”
“Cô sống ở đâu?” tôi hỏi.
Đáng lẽ tôi phải đoán được là cô sẽ nói Camden Town. Cô tất nhiên phải sống ở khu phố của tầng lớp lao động cũ giờ đã bị chiếm đóng bởi những người vận đồ đen hầm hố. Thực ra, nhà cô không xa ngôi nhà nhỏ xinh của chúng tôi ở Highbury Corner lắm. Chúng tôi ở hai đầu cùng một con đường. Nhưng Siobhan ở đầu đường Camden nơi người ta muốn biến nó thành khu híp pi. Tôi ở đầu đường nơi người ta mơ tới ngoại ô.
“Tôi sẽ chở cô về,” tôi nói.
“Gì cơ - bằng con MGF của anh?”
“Ừ.”
“Tuyệt!”
Chúng tôi cười lần đầu tiên trong hàng tiếng đồng hồ - cho dù tôi không hiểu tại sao - và đi thang máy xuống bãi đỗ xe ở tầng hầm nơi chiếc ô tô đỏ nhỏ nhắn đang đứng hoàn toàn đơn độc. Đã muộn. Gần hai giờ. Tôi dõi theo đôi chân cô luồn vào dưới bảng đồng hồ.
“Tôi sẽ không thao thao bất tuyệt về nó đâu,” cô nói, “nhưng tôi chỉ muốn nói là anh đã rất tốt bụng về chuyện tối nay. Cảm ơn anh vì không giận tôi. Tôi rất cảm kích điều đó.”
Đó là một lời xin lỗi rất tử tế về một việc mà cô không phải xin lỗi. Tôi nhìn khuôn mặt Ai Len trắng trẻo của cô và lần đầu tiên nhận ra là tôi thích cô đến mức nào.
“Đừng ngớ ngẩn,” tôi nói, nhanh tay bật động cơ lên để giấu sự xấu hổ của bản thân. “Chúng ta cùng một phe mà, phải không?”
Hôm đó là một buổi tối mùa hạ ấm áp và các con phố rất vắng vẻ. Chỉ trong vòng hai mươi phút chúng tôi đã lái qua khu chợ cóc giờ đã đóng cửa, mấy nhà hàng dân tộc độc đáo và qua hết những cửa hàng đồ cũ với biển hiệu quá khổ trông thật lố bịch - có những đôi bốt cao bồi, ghế mây khổng lồ và những tấm nhựa vinyl vĩ đại, tất cả đổ bóng xuống con phố như ảo giác do thứ thuốc phiện nào đó gây ra. Trước đây Gina và tôi hay mua đồ ở quanh đây các chiều thứ Bảy. Từ đó đến giờ đã mấy năm rồi.
Siobhan chỉ đường cho đến khi chúng tôi đỗ trước một căn nhà riêng lớn màu trắng đã bị chuyển thành khu căn hộ từ lâu.
“Thôi,” tôi nói, “chào nhé.”
“Cảm ơn anh,” cô đáp. “Vì tất cả mọi thứ.”
“Không có gì.”
“Nghe này, tôi không nghĩ bây giờ mình đã ngủ được. Sau một tối như tối nay thì không. Anh có muốn vào nhà uống một ly không?”
“Uống rượu giờ này có thể làm tôi khó ngủ,” tôi nói, căm ghét bản thân vì đang nói như thể một ông già nghỉ hưu phải nhanh về với sữa sô cô la và ga chống thấm của mình.
“Anh chắc không?” cô hỏi, và tôi cực kỳ mát dạ là cô trông có vẻ tiu nghỉu đôi chút. Tôi cũng biết là cô sẽ không hỏi lại lần nữa.
Về đi, một giọng nói trong tôi vang lên. Từ chối với một nụ cười lịch sự và về nhà ngay bây giờ.
Và có lẽ tôi sẽ làm vậy nếu tôi không thích cô đến thế.
Có lẽ tôi sẽ làm vậy nếu tối hôm nay không trắc trở như thế.
Có lẽ tôi sẽ làm vậy nếu tôi không chuẩn bị ba mươi tuổi.
Có lẽ tôi sẽ làm vậy nếu đôi chân cô ngắn hơn vài xăng ti mét.
“Ừ được rồi,” tôi nói, giọng thản nhiên hơn rất nhiều so với cảm giác thực của mình. “Nghe được đấy.”
Cô nhìn tôi chỉ một giây, và rồi chúng tôi hôn nhau, tay cô trên gáy tôi, giật tóc tôi với nắm tay nhỏ gấp gáp. Lạ nhỉ, tôi nghĩ. Gina chẳng bao giờ làm thế cả.
Cha & Con Cha & Con - Tony Parsons Cha & Con