People sacrifice the present for the future. But life is available only in the present. That is why we should walk in such a way that every step can bring us to the here and the now.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Pearl S. Buck
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Hidden Flower
Dịch giả: Vũ Minh Thiều
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1915 / 29
Cập nhật: 2016-06-02 14:09:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
à Kennedy sửa soạn đón con trai. Vợ ông đại tá viết thư cho bà, báo chuyện Allen có cuộc phiêu lưu với một thiếu nữ Nhật và ông đại tá cho chàng về nhà để tránh cuộc hôn nhân này và để cứu vãn một trong số những sĩ quan ưu tú của ông.
Bà Kennedy đưa bức thư cho chồng, rồi kín đáo đưa cả cho Cynthia, vì ông có dặn dò bà đừng nói chuyện này với ai.
Cynthia không bình phẩm gì. Nàng đọc kỹ trước khi trả lời bà Kennedy.
- Những bà vợ các ông đại tá chẳng đã có tiếng là…
- Là làm sao vậy?
- Ngồi lê đôi mách – cuối cùng Cynthia nói.
- Có lẽ thế – bà Kennedy công nhận. Nhưng Allen là một thanh niên. Và nó sống đã mấy năm ở xa cách xã hội chúng ta. Ta cần sự giúp đỡ của con, Cynthia.
Cynthia giương to đôi mắt xanh.
- Vâng dĩ nhiên rồi, bác Kennedy. Con sẽ làm bất cứ chuyện gì cho Allen.
Bà Kennedy đi nhón gót đến hôn Cynthia. Thiếu nữ đi rồi, bà xét lại xem phòng của Allen đã xếp đặt đầy đủ chưa, bà đặt hai bình hoa cúc lên bàn và lò sưởi. Đến phút cuối cùng, bà hái một bông hồng cắm vào một chiếc bình bạc và đặt lên mặt tủ. Cần phải tái tạo cái không khí gia đình, thấm nhuần những truyền thống hòa dịu với một tình yêu nồng nhiệt người con trai độc nhất, người thừa kế. Bà đã hiểu từ lâu rằng nếu làm trái ý Allen hoặc làm chàng tức giận thì chẳng được việc gì. Bà không hề nhắc nhở với chồng về thiếu nữ Nhật và quyết định quên chuyện này. Đối với bà, thiếu nữ này coi như không có.
Khi Allen về, bà đang ở cửa vào, mặc một chiếc áo buổi chiều bằng voan màu xám bạc. Chàng ngả vào cánh tay mẹ dang ra và ôm lấy bà, đặt má chàng áp vào má bà.
- Mẹ lúc nào cũng thơm tho – Allen nói.
Hai mẹ con thường hay nói đùa với nhau. Đối với những lời giỡn cợt nhẹ nhàng của chàng, bà lướt đi như cánh một con chim sâu.
- Ồ! Bà Kennedy phản đối và xoa má. Con không cạo râu từ ngày con rời nước Nhật?
Một vết hồng hiện lên da mặt mịn màng của chàng.
- Việc ấy con sẽ làm xong năm phút – Allen nói và đi trèo lên thang gác.
Ông Kennedy đi xuống.
Hai bố con ôm lấy nhau.
- Mẹ bảo con đi cạo râu – chàng nói. Bây giờ con lại ở trong không khí gia đình.
- A! Được lắm, vậy ta không chặn giữ con nữa.
Khi Allen về nhà, sau khi đi vắng ít hay nhiều ngày, ngay tức thời chàng cũng quen thuộc ngay với cảnh nhà, tưởng như chàng chưa bao giờ bước chân ra đi. Chàng vội vã về giang sơn của mình và ngắm nghía khung cảnh thân yêu: phòng khách và phòng ngủ rộng lớn của chàng, với chiếc cửa sổ có khung kính hướng về phía Tây. Trong một thế giới thống khổ, đối với chàng, nhà chàng bao giờ cũng hơn tất cả, như gợi lên hình ảnh thiên đường. Tại sao chàng không về đây sống với Josui?
Chàng ăn cơm tối với cha mẹ và Cynthia. Sắc đẹp muộn màng của thiếu nữ làm chàng ngạc nhiên. Lúc còn nhỏ, nàng xanh xao vụng về, tóc hung vang và cứng, vẻ rụt rè, khiêm nhường của một cô gái quá mau lớn. Tính rụt rè đã biến mất trong vòng tuổi thiếu thời và sự khiêm nhường biến thành sự nhũn nhặn đáng yêu. Chàng ngắm nàng với mớ tóc xoắn cắt ngắn, da mịn màng, cặp môi tô son một cách kín đáo. Mảnh dẻ và kiều diễm, nàng cân đ ối với thân hình và có vẻ tự cao.
Allen rất hài lòng thấy nàng tỏ ra vui vẻ thấy chàng về. Chàng có ý muốn nói với nàng về Josui, nhưng chàng thấy thế là bất nhã vì chưa trinh bày với cha mẹ.
- Ổng thấy con chúng ta thế nào? Bà Kennedy day hỏi chồng.
- Trông nó khá, khá lắm!
Bà đứng ờ ngưỡng cửa thông sang hai căn phòng của ông bà, một chiếc áo lót dentelle vắt lên chiếc áo ngủ bằng lụa. Ông Kennedy đang thắt vải áo ngủ quanh mình.
- Tôi không có ý định nói cho nó biết việc này – bà Kennedy nói. Nó sẽ đơn giàn nghĩ rẳng tôi không biết.
- Khôn ngoan lắm, ông khen ngợi bà, bao giờ tôi cũng hoài nghi lời những người khác.
Hai người trao chiếc hôn lên trán và người nào về phòng người ấy. Cửa thông sang hai phòng để ngỏ. Ban đêm, bao giờ bà cũng đóng cửa này tại, đóng nhẹ nhàng quá, ông không nghe thấy tiếng nữa. Ông không hỏi lý do, ông vốn hoài nghi những lời nói.
Buổi sáng hôm sau, Cynthia gặp Allen bất ngờ trong khi nàng đang đi mua mấy thứ cho mẹ. Hai người đi sát gần nhau và luôn luôn gặp bạn bè hãm lại.
Alien thổ lộ với nàng chuyện bí mật của chàng. Chàng cần phải giải bày với người khác.
Sớm muộn rồi chàng cũng phải báo tin cho cha mẹ nhưng chàng còn đợi cơ hội thuận tiện. Chàng khinh miệt những người đàn ông lúc nào cũng tưởng tượng như được tất cả phái nữ yêu đương, vậy mà chàng đoán với sự tinh tế của mình rằng, nếu chàng không quen biết Josui thì lúc trở về chắc chàng gặp một Cynthia ưng thuận chàng. Thái độ thân thiện của thiếu nữ biểu lộ bằng nhiều cách. Không bao giờ chàng tìm hiểu và phân tách tính chất.
- Cha mẹ anh biết à? – Allen nhắc, không tin, đứng nhìn chôn chân một chỗ.
- Bà đại tá có viết thư cho mẹ anh.
Cynthia nói giọng điềm tĩnh, với âm hơi kéo dài của miền Nam.
- Ngay ông đại tá cũng không biết – Allen kêu lên.
- Allen, anh đừng đứng trơ ra như thế, người ta nhìn mình đấy!
Chàng cất bước đi, mau lẹ quá, nàng phải đuổi theo.
- Anh hãy nghe em, đừng chạy nữa. Ông đại tá không biết cái gì.
Chàng bước chậm lại.
- Chúng tôi đã làm lễ kết hôn. Ngoài em không ai ở đây biết nữa. Anh nói với em, vì anh cần em giúp đỡ.
Cynthia liếc nhìn chàng giận hờn, làm nàng tủi thẹn. Chàng lấy quyền gì ở ngoại quốc kết hôn với một người màu da khác. Như vậy, những người phụ nữ như nàng sẽ ra sao, không lẽ lại sống già lẻ loi trong các thành phố và làng mạc ở Mỹ à? Những người phụ nữ ngoại quốc hãy lấy đàn ông nước họ! Allen là của riêng nàng! Nàng buông trôi theo bản năng như một người thiếu nữ thuở trước và quyết định liên kết với mẹ Allen, chống đối người phụ nữ xa lạ kia.
- Em tưởng rất khó khăn khi cưới lấy một người phụ nữ Nhật – nàng nói.
Chàng trông thấy nàng, dưới vành chiếc mũ dạ, mĩm cười với bạn bè qua đường.
Bỗng có một người chặn hai người lại, một thiếu nữ xinh tươi đi đánh bài tây chiều thứ sáu.
- Anh, Allen Kennedy!... Chị Cynthia, thật vô ích hỏi xem anh chị sáng nay có đến câu lạc bộ.
Giọng nói trong trẻo của họ vang lên trong không khí buổi sáng thu. Ý chí rửa hận thắng thế bản tính dịu hiền của Cynthia. Nàng mỉm cười với các bạn gái và báo tin với họ giọng thật đáng yêu:
- Allen vừa báo cho tôi một tin mừng: anh vừa kết hôn với một thiếu nữ Nhật xinh đẹp trước khi về nghỉ phép.
- Ồ! Allen, thật lý thú!
- Anh hãy nói về nàng cho chúng em nghe!
- Anh cho bọn em xem ảnh nàng.
Allen nhìn Cynthia vẻ tức giận.
- Anh không có…có…ý báo tin như vậy.
Chàng có giữ trong mình một tấm hình thường của Josui mặc Âu phục. Trông nàng nghiêm chỉnh, ăn mặc vụng về, đầu bới tóc không được đẹp. Mấy thiếu nữ chuyền tay nhau tấm hình và cùng kêu lên:
- Allen, nàng thật kiều diễm.
Họ đưa tấm hình cho Cynthia, tất cả đều mỉm cười cúi chào rồi đi. Cynthia đăm đăm nhìn tấm hình.
- Đó là tấm hình xấu – Allen nói. Josui thật đẹp, nhất là khi nàng mặc Kimono.
- Nàng khó có thể mặc như vậy ở Mỹ.
- Cũng có thể. Tại sao em lại kể chuyện của anh cho các cô nhiều chuyện ấy? Rồi cả thành phố này đều biết!
- Chính vì thế mà em nói – nàng quả quyết một cách điềm tĩnh. Người ta biết sớm, như vậy lại hơn.
Bức thư thứ nhất của Allen đến khi Josui đi vắng. Bác sĩ Sakai bỏ vào ngăn bàn giấy của ông. Ông đi lại, săn sóc các bện nhân và suy nghĩ về bức thư mà ông không bóc ra. Bệnh tình ông Matsui cần phải có sự săn sóc hàng ngày. Ông bị sưng túi mật nguyên nhân vì không tiêu hóa được cua biển. Mặc dù ông thường ăn thanh đạm, hàng năm vào mùa thu, ông Matsui không sao cưỡng được món cua biển nhấm nháp với rượu vang trắng. Đôi khi ăn cua, không xảy ra chuyện gì, khi khác bị trúng thực, lúc nặng lúc nhẹ. Năm nay cua biển suýt giết ông Matsui.
Một ngày kia, cảm thấy trong người khá dễ chịu, ông mời bác sĩ Sakai lại trò chuyện với ông. Sau những ngày ở bệnh viện, bác sĩ Sakai mệt nhọc nhưng ông không biết làm thế nào để chuộc lỗi của con gái, nên đến khi bác sĩ định nói điều này, ông Matsui chỉ lấy tay ra hiệu:
- Những chuyện đó có gì quan trọng – ông nói.
Ngày hôm ấy, ngồi ở đầu giường thân hữu, bác sĩ Sakai cảm thấy cần phải thổ lộ với ông Matsui. Ông Matsui, đầu và vai trùm một chiếc áo lụa màu xám thắt chéo ở ngực đã bình phục như thường ngày và mặt không còn thấy nhăn nhó đau đớn nữa.
Ông Matsui nói:
- Tôi sống được là nhờ ông.
- Đó là bổn phận của tôi – bác sĩ Sakai khiêm tốn trả lời.
- Quả hơn nữa. Thế là chúng ta hết nợ nhau.
Bác sĩ Sakai hiểu lời ám chỉ này. Một cảm giác nồng ấm làm ngực ông nở ra. Ông ngả người ra phía trước và nói khẽ:
- Tôi muốn hỏi ý kiến ông. Ở trong ngăn bàn giấy tôi có một bức thư gửi cho con gái. Không đưa cho nó, có phải là một lỗi không? Vì hạnh phúc của nó, tôi vẫn ước mong nó rời người Mỹ kia. Chỉ vì riêng hạnh phúc của nó thôi.
Ông Matsui suy nghĩ một lúc về vấn đề này. Ông không còn muốn để cho thiếu phụ này vào nhà ông. Chỉ một người trong trắng mới xứng đáng với con trai ông thôi.
- Tôi nghĩ ông phải trả bức thư cho cô ấy. Tôi tán thành những ý kiến của ông, nhưng ở trong gia đình, cần phải giữ những mối liên lạc tương kính.
Bác sĩ Sakai khẽ nghiêng mình.
Ông Matsui thay đổi ngay để tài câu chuyện.
- Tôi có định mở rộng thêm tiền đình trà thất.
Ngay tối hôm ấy, khi Josui đến chúc cha mẹ ngủ ngon giấc, bác sĩ Sakai đưa cho nàng bức thư.
- Thư đến lúc con vắng nhà – ông không nói rõ ngày nào.
Và nàng cũng không hỏi ông.
Josui cúi rạp xuống trước mặt cha, mặt mẹ và chạy biểu vào phòng riêng. Ồ! Bức thư! Không sao bóc ra được, nàng ghì bức thư vào má, vào ngực, vào môi. Rồi nàng chăm chú đọc, thưởng thức từng chữ. Nàng cố gắng tưởng tượng để hình dung những ngọn đồi dập dờn của miền Virginia, những khu vườn, ngôi nhà của Allen, một cách yêu thương, nàng hình dung căn phòng mà một ngày kia nàng sẽ sống gần chàng.
Nàng đọc đi đọc lại mãi đoạn chàng mô tả ngôi nhà, vì nàng sẽ qua sống ở đấy và nàng muốn quen thuộc với nơi này khi nàng bước chân vào. Allen chưa nói chuyện với cha mẹ chàng, nhưng chàng cam kết rằng nàng không có gì phải e ngại: cha mẹ chàng đầu tiên đón nàng vì chàng và sau này, cũng vì nàng nữa.
Cuối cùng Josui tắt đèn, thu mình dưới những mền đệm và bức thư ghì chặt vào lòng, nàng khóc vì sung sướng và vì cô quạnh.
Allen phải nói với cha mẹ chàng, không đợi lâu được nữa. Có cần phải thổ lộ với cha chàng trước không và hy vọng ông giúp đỡ? Nhưng than ôi! Chàng biết rằng sự can thiệp của cha chàng chỉ gây thêm sự căm ghét của mẹ chàng. Chàng quyết định nói với mẹ ngay, sợ rằng máy điện thoại sẽ đi nhanh trước chàng. Chàng vừa chạy vừa leo lên những bậc đá hoa trắng và gọi:
- Mẹ ơi, mẹ ở đâu đấy?
Bà vốn ưa thích được gọi như thế.
- Ở đây, ở Vườn mùa Đông – có tiếng ở xa đáp.
Bà Kennedy tay đeo bao tay, sửa những cây xanh tốt. Ánh mặt trời đùa giỡn trên những cây dương sĩ và những chậu cúc...
- Những bông cúc đẹp quá! – Allen kêu. Lớn ngang với những bông cúc ở Nhật!
Bà Kennedy không lưu ý đến nước Nhật.
- Mẹ đang nghĩ rằng có lẽ chúng ta phải tiếp đãi nhiều khách khứa. Tất cả mọi người đều muốn gặp con. Điện thoại kêu suốt ngày.
Chàng nắm ngay lấy cơ hội:
- Con muốn nói với mẹ một việc trước cái máy điện thoại khả ố đấy. Cynthia quả quyết rằng bà đại ta có viết thư cho mẹ.
- Về việc thiếu nữ Nhật ấy phải không? – bà hỏi.
- Vâng.
- Ồ! Việc ấy mẹ coi không phải chuyện đáng lưu ý – bà nói vẻ thản nhiên hết sức. Mẹ hiểu biết: con ở nơi xa xôi quá.
- Thưa mẹ, xin mẹ hãy khoan.
Bà ngẩng mắt lên, trông thấy mặt chàng tái đi, môi mím lại.
- Có gì thế, Allen?
- Thưa mẹ, Josui là vợ con.
- Allen Kennedy.
Đó là tiếng bà kêu, trước kia, mỗi khi thấy Allen làm điều gì dại dột.
- Chúng con đã kết hôn với nhau, thưa mẹ và con muốn dẫn nàng về nhà.
- Không có gì đáng kể. Được rồi.
Chàng theo mẹ. Mỗi người ngồi một bên lò sưởi.
- Kể cho mẹ nghe.
Giọng bà có vẻ khẩn khoản. Hai tay chấp lại, khẽ mỉm cười, dù vậy, bà không hề giấu được nỗi băn khoăn hiện ra trong cặp mắt.
Chàng vâng lời, tức giận mẹ và tức giận cả mình, tức giận vì đến tuổi trưởng thành rồi mà còn bị ám ảnh bởi những hình bóng tội lỗi thuở thiếu thời, bà thường mắng chàng cũng trong gian phòng này. Khi bà mắng chàng hồi ấy, chàng phải xin lỗi, hứa hẹn không tái phạm và đoan chắc rằng chàng vẫn yêu mẹ.
Nay chàng không thể ép mình theo lệ xưa được. Chàng kể cho mẹ nghe hết và nếu mẹ không muốn chàng ở nhà nữa, thì mẹ chàng cứ nói hẳn ra. Phản ứng của bà thật bất ngờ. Bà nghe, không biểu lộ một sự giận dữ nào. Vậy mà Allen đoán rằng mẹ chàng bối rối.
- Nàng là người Nhật chính tông à? – bà Kennedy hỏi.
- Vâng, nhưng nàng sinh tại California. Con đã chẳng nói với mẹ là gì?
Chàng đã nói điều này với mẹ và nay chàng nhắc lại.
- Như vậy nàng là người Nhật đặc biệt phải không?
- Người Nhật da không sẫm. Họ không giống một chút nào những người da đen ở miền chúng ta.
- Dầu sao, họ cũng không phải da trắng – bà ngắt lời một cách tàn bạo.
Trước lý lẽ không thể bác bỏ được, chàng không van nài và để mặc sự yên lặng bao trùm hai người. Rồi bà lại nói, vẫn cái giọng sắc bén:
- Bảo rằng người Nhật là kẻ thù của chúng ta, mới không bao lâu nay và con chiến đấu chống họ. Nay con lại bảo mẹ tiếp nhận một người phụ nữ Nhật vào gia đình chúng ta.
- Thưa mẹ, con hiểu những ý nghĩ của mẹ hơn bao giờ hết, vì con cũng có những ý nghĩ này trước khi biết rõ Josui.
Một ý nghĩ bất ngờ làm cho bà mỉm cười.
- Mẹ có biết là cha nàng cũng có một phản ứng y hệt mẹ không? Ông không muốn con làm rể vì con là người da trắng.
Bà Kennedy bỏ qua lời nhận xét này. Bà không lưu tâm đến bác sĩ Sakai.
Allen ngả người ra phía trước, khuỷu tay tì lên đầu gối và cố mỉm cười, đón chờ một tia hy vọng trên khuôn mặt mẹ chàng.
- À! Mẹ…
Bà nhìn nàng:
- Allen, hãy để cho mẹ ngồi riêng một mình một lúc. Mẹ phải nói chuyện này với cha con. Thật là một đòn nặng cho cha con. Chúng ta hy vọng là con kén chọn một người vợ ở đây... Chúng ta có nghĩ đến Cynthia... Và chúng ta ước mong được trông thấy các cháu nhỏ chạy trong nhà này, một ngôi nhà quá rộng lớn! Ta ước mong có thêm con nữa, nhưng không được.
- Chúng con có thể sẽ có con, mẹ ạ.
Chàng tưởng an ủi được mẹ thì chàng lại phạm một lỗi lầm lớn. Phản ứng của bà bộc phát ngay:
- Ồ! Không Allen! – bà kêu và bỗng đứng dậy.
- Mẹ ơi – chàng áo não kêu, tay chìa ra.
Bà ngả vào lòng con trai, người run lên và thổn thức khóc. Chàng chưa bao giờ trông thấy mẹ khóc. Cố làm nguôi lòng mẹ, chàng cầm tay bà và thì thầm:
- Đừng khóc nữa, mẹ… mẹ sẽ thấy…
Nhưng bà bứt ra khỏi tay chàng và chạy đi.
Đi dạo chơi về, ông Kennedy cảm thấy có sự khác lạ trong nhà mình, ông là một người khả ái, rất khôn ngoan. Vừa vào đến gian phòng lớn, với sự nhận xét tinh tế ông thấy ngay có sự hỗn loạn nào đó, ông treo mũ, áo khoác da màu xám và cắm chiếc can vào trong một chiếc bình lớn của Trung Hoa bằng xứ xanh. Không mấy lúc, ông nghe tiếng chân con trai đi xuống cầu thang.
- Cha về con vui mừng quá! Con không biết tìm cha ở đâu. Con e sợ đã làm mẹ con bối rối nhiều. Mẹ con vào phòng khép chặt cửa lại rồi.
Đó là một điều tai họa. Cả hai cha con đều biết như vậy. Hai người nhìn nhau.
- Con không biết nói thế nào với cha… – Allen bắt đầu nói.
- Ta cũng đoán ra.
Ông Kennedy vào gian phòng rộng khác, không có ai và ngồi xuống.
- Ta ngờ rằng việc sẽ xảy ra. Chúng ta biết khi sống ở Nhật, con có một người do ông đại tá…
Allen ngắt lời cha, nóng lòng sốt ruột quá.
- Thưa cha điều làm cho mẹ con bối rối là mẹ biết rằng con lấy Josui Sakai.
Chàng ngồi trên tay ghế bành lớn bọc nhung và vi phạm một sự cấm đoán từ thuở chàng còn nhỏ.
Khuôn mặt lớn và hai má phị của ông Kennedy đều nhuốm một màu hồng.
- Con của cha, đáng lẽ con có thể báo cho chúng ta biết trước – ông bảo chàng, giọng hờn giận.
- Con không ngờ việc diễn ra mau chóng như vậy – Allen thú thật. Tuy vậy, đó là giải pháp duy nhất có thể làm được và con tưởng con xử sự như vậy là có lý. Josui là con nhà gia giáo. Vả nữa, con không phải là người thuận theo làm điều gì khác ý mình.
- Nàng là người thế nào? – ông Kennedy hỏi. Hai bàn tay to lớn, xanh xao của ông, xòe ra trên hai ghế, biểu lộ một cảm giác suy nhược và nhàn rỗi – Con biết nàng bao giờ?
- Không lâu gì, nhưng cũng đã đủ để hiểu nàng còn có nhiều đức tính tốt nữa.
Allen đứng dậy và đi lại trong phòng, không nhìn cha nàng.
- Con không biết nói với cha thế nào, việc xảy ra sao. Nàng không những đẹp, nhưng còn điểm khác ở nàng nữa. Có phải là do ở nguồn gốc Á Đông của nàng không? Con không hiểu. Con ở đấy đã ba năm và có lẽ đã chịu ảnh hưởng của xứ sở đó. Khi việc đã xảy ra như thế, hình như người chỉ có thể lấy người phụ nữ phương Đông được thôi.
Ông Kennedy như có vẻ rã rời, nhưng đó chỉ là bề ngoài. Ông lắng nghe và suy nghĩ.
- Mẹ con không bao giờ chấp nhận điều này… – ông nói giọng thất thanh – Có lẽ mẹ con không phản đối một việc sắp xếp khác, như có trong gia đình một nàng dâu khác màu da...
Ông đứng dậy, lấy đôi tay chắc khỏe chống lên, bước nặng nề và trèo lên thang gác, chân đạp chắc nịch xuống mỗi bậc cầu thang. Đến trước cửa phòng vợ, ông khẽ động vào tay nắm cửa:
- Bà mở cửa cho tôi.
Một lúc sau, ông nghe thấy tiếng chân đi. Cửa mở ra. Ông vào và ôm vợ vào cánh tay. Bà đặt đầu lên vai chồng và khẽ vuốt tóc ông.
- Con nó nói với ông chưa? – bà thì thầm.
- Nói rồi, bà ạ.
- Chúng ta biết làm thế nào?
- Nguyên tắc của tôi là không làm gì cả và để tự nhiên cho mọi việc tự xếp đặt lấy.
- Nhưng nó sẽ dẫn con bé kia về đây! – bà kêu lên.
- Phải tiếp nhận vậy!
- Không bao giờ!
Bà đẩy ông ra. Ông thở dài, đứng yên, trong khi bà đi lại trong phòng.
- Tôi bị đau đầu.
- Tôi cũng ngờ thế.
Ông thận trọng ngồi xuống một chiếc ghế bành thấp, bọc vải hồng, trong khi bà bóp thái dương. Ông yêu mến vợ và hiểu rằng ngoài mấy điểm nhỏ nhặt trong tính tình độc đoán và chuyên chế của bà, bà là một người có phẩm cách, một người vợ hiền và tiêu biểu cho sức mạnh của xứ sở.
- Này bà – ông bắt đầu nói vẻ dịu dàng – Bà là một người độ lượng, sao lại tính như vậy. Tôi hiểu bà lắm, thôi được, chính tôi cũng muốn Cynthia là mẹ của cháu chúng mình. Nhưng con trai muốn điều khác và nó quyết định như thế. Chúng ta hãy gắng làm sao cho cuộc nhân này có được kết quả tốt đẹp.
- Làm thế nào cho có kết quả tốt đẹp được? – bà hỏi – Hôn nhân không phải chỉ liên hệ đến hai cuộc đời. Điều chính yếu là lập một gia đình. Chúng nó không nên có con cái. Ông có rõ không? Không nên có.
Ông Kennedy cũng chẳng vui thích gì khi tưởng tượng rằng nhà mình lúc nhúc những đứa trẻ nhỏ lai Nhật.
- Có thể chúng sẽ có con cái – ông nói không chút tin tưởng.
- Ông biết rằng sẽ có! Những người Á Đông sinh con như thỏ! Không, cần phải thuyết phục Allen.
- Nhưng nó đã cử hành hôn lễ rồi!
- Nó sẽ ly dị.
- Đó! Tôi sẽ nói với bà ý kiến của tôi. Một lời khuyên nhỏ cuối cùng nữa, bà hãy tự hỏi, nếu bà biết rõ con trai bà.
Cuối cùng ông đi ra, ông cần phải có ngay một ly Whisky nguyên chất. Ông ra ngồi ngoài hiên.
Allen thấy ông thiu thiu ngủ, một chiếc ly không ở dưới chân. Nghe thấy tiếng chân đi, ông Kennedy tỉnh dậy và trông thấy con trai sắp sửa ra đi, chiếc valise ở tay.
- Con đi một vài ngày.
- Con đi đâu?
- Đến Washington.
- Tại sao con tới cái nơi bẩn thỉu ấy?
- Kiếm một thằng ngốc và nhất là hỏi cách thức cho Josui tới đây được.
- Con có báo cho mẹ con biết không?
- Không. Xin cha hôn mẹ giúp con. Cha nói hộ con không? Con không đi lâu ngày đâu.
- Được, con trai của cha.
Ông nhìn con lên chiếc xe mà ông bà đã nâng niu giữ gìn nhiều năm nay. Rồi ông ngủ trong yên tĩnh.
Đời sống tiếp tục không có sự thay đổi đáng kể nào trong khi Allen vắng nhà. Ông Kennedy dần dần quen nghe câu trả lời của vợ ở điện thoại, giọng như ca hát.
- Ồ, chị ạ, chúng tôi coi việc ấy không có gì đứng đắn cả! Các bà mẹ chúng tôi đều quen thấy con trai chúng tôi trong các cuộc phiêu lưu như vậy, nếu như không tránh được, đó là một hậu quả đáng buồn của chiến tranh… Không, cháu nó chưa có cử hành hôn lễ. Hai người chỉ mới đính hôn, trong một ngôi đền Phật giáo mà tôi tưởng rằng nghi lễ rằng chẳng có chút giá trị nào đối với chúng ta. Dù thế nào, trong lúc này, chúng tôi không nói đến việc này.
Những ngày tươi đẹp nối tiếp nhau. Những bông hồng lại tưng bừng nở: hồng mùa thu, kém đẹp, không thắm sắc như hồng mùa xuân, nhưng thơm ngát hơn. Allen gửi về nhà một vài tấm bưu phiếu, trong mỗi tấm đều báo tin chàng sắp về. Nhưng chàng vẫn không về.
Trong các bữa ăn, bà Kennedy đọc các bưu phiếu cho chồng nghe và giả đò vẻ lơ đãng. Bà có viết thư gửi máy bay cảm ơn bà đại tá và cầu bà giúp đỡ thêm nữa:
“Có thể biệt phái Allen sang Âu châu được không? Bà hỏi bà đại tá. Được như vậy là giải pháp hay nhất. Nếu không có thời giờ đưa thiếu nữ Nhật kia về đây thì tất cả mọi người đều cất được gánh nặng.”
Ở Washington, những sự chậm trễ không sao hiểu nổi dáng lo ngại nữa vẫn dồn dập đối với Allen. Trái lại chàng được phép khỏi phải trở lại Nhật. Hơn nữa, chàng sửng sốt thấy người ta cho chàng một công việc ở Âu châu, tương tự như ở Viễn Đông.
Nhưng Allen quyết định từ chối nhiệm sở ở Âu châu nếu không được Josui đi theo chàng. Đối với chàng cũng là một thế giới khác: chàng đã nhìn thấy Âu châu quá nhiều nơi rồi.
Lưỡng lự không biết phải làm thế nào thì chàng lại được phép nghỉ vô hạn định không lương, để có thời giờ suy nghĩ. Nhưng trên đường về, giữa lúc xe chạy giữa các cánh đông trù phú miền Virginia, chàng quyết định đưa Josui về Mỹ ngay. Đối với pháp luật, nàng là công dân Mỹ. Chàng chỉ cần cương quyết bám lấy điểm thực tế này.
Chàng về nhà lúc trời tối. Ở phòng khách cha mẹ chàng đang đánh cờ. Cả hai người đều đánh giỏi nhưng bà Kennedy thường được luôn vì sự ham muốn được thắng, trong khi đó ông Kennedy không quan tâm đến được thua.
- Kính chào các nhà quán quân! – Allen kêu lúc đi vào phòng khách.
Hai ông bà ngẩng đầu lên, ngạc nhiên và hài lòng. Allen tưởng như thấy mẹ chàng có có phần dè dặt, tuy vậy bà cố gắng đón chàng niềm nở. Bà đứng dậy, ôm lấy con, hai tay giữ chặt lấy một cánh tay chàng:
- Ồ! Thấy con về mẹ hoan hỉ quá! Mẹ ước mong rằng con không tìm được công việc gì, con yêu của mẹ, ít nhất trong lúc này. Nhà ta trống rỗng khi con đi vắng!
- Con ngồi xuống đây – ông Kennedy nói – Và mách ta một nước. Quân hậu đẩy ta vào ngách cuối cùng, như thường lệ.
- Ồ! Ông tấn đi! – bà Kennedy nói tiếp – Allen, con đã ăn bữa tối chưa, bé con của mẹ?
- Thưa mẹ chưa.
Allen cảm thấy niềm vui bất ngờ có một cảm giác là cha mẹ chàng không gây khó khăn cho cuộc sống của chàng. Chàng giãn chân tay và sự mệt nhọc xâm lấn chàng ngay. Tất cả mọi việc ở đời thật phức tạp quá. Nhưng ở đây, cuộc đời vẫn tiếp tục luôn luôn không thay đổi. Nàng Josui nhỏ bé có thể lướt vào cánh cửa hé mở, cuộc đời cũng chẳng có gì đảo lộn. Với ý chí cương quyết, chàng sẽ giữ ngôi nhà này nguyên vẹn như xưa, qua đời này đời khác, xin được như nguyện.
Josui đọc lại bức thư cuối của Allen, nhiều lần, như thường lệ để cảm thấy được gần gũi chàng hơn và cũng để hiểu biết thêm về tâm trí chàng nữa. Chàng dâu có cương quyết nhiều như thoạt đầu nàng tưởng, chàng cũng phụ thuộc một phần nào vào cha mẹ chàng. Nàng ngạc nhiên về điều này, vì nàng tưởng tất cả những thanh niên Mỹ đều được hoàn toàn tự do. Nàng nhìn thấy sự lầm lẫn của mình. Đối với nàng, sự khó khăn do ở cha nàng, về phần Allen, sự khó khăn lại ở mẹ chàng. Josui suy nghĩ về sự phát giác này và quyết định trước tiên là lấy lòng mẹ chàng. Tình trạng cũng hơi giống như ở Nhật, hạnh phúc hay tai họa của một người con dâu đều phụ thuộc vào người mẹ chồng.
Bức thư này còn đem lại cho nàng một vé máy bay. Nàng chăm chú ngắm nghía vật báu này và thưởng thức từng chi tiết nhỏ. Một vật giản dị và quý giá biết bao, nó là chìa khóa mở cửa thiên đàng cho nàng. Allen sẽ chỉ dẫn rất cho nàng. Nàng sẽ đi máy bay ở Tokyo, chàng sẽ tới đón nàng ở San Francisco, đi xe vượt qua các tiểu bang, sẽ thay thế cho cuộc du lịch tuần trăng mật.
Sau khi đọc lại thư một lần nữa, Josui đi tìm mẹ để nói chuyện này. Nàng thấy bà ở gần hồ nước nơi bà nuôi cá vàng. Bà Sakai khua nước nhẹ nhàng với chiếc que tre để thức tỉnh cá gần tê cóng vì giá lạnh, nhưng chúng vẫn chưa chịu rời nơi ẩn náu dưới bùn, nơi chúng sẽ trải qua một mùa Đông ở đây.
Trong vườn, ánh mặt trời tràn ngập qua làn sương sớm. Hình dáng nhỏ bé của mẹ nàng mặc chiếc Kimono màu xanh đập vào mắt Josui như một bức tranh bỗng hiện ra. Nàng sẽ thiếu mẹ, Josui quỳ xuống gần mẹ trên thảm cỏ vàng bệch và chờ đợi một lúc trước khi đưa cho bà bức thư.
Cá vàng ở dưới các hồ đá bơi ra, lắc lư những chiếc vẩy trong suốt, nhưng chúng chê thức ăn.
- Chúng muốn ngủ – Josui nói khẽ.
- Chúng thấy mùa Đông sắp đến.
Chăm chú vào công việc, bà Sakai không nhìn con gái. Rồi như đoán được ý nàng, bà bổng ngẩng đầu lên:
- Có có điều gì muốn nói với mẹ?
- Vâng – Josui trả lời và chìa bức thư – Allen muốn con sang Mỹ và gửi cho con vé máy bay – nàng đưa cho mẹ xem vé máy bay – Cha con sẽ nói thế nào? Thật ra cha con không bao giờ nghĩ rằng Allen lại gọi con về Mỹ.
- Bây giờ thì cha con phải tin như thế.
Bà Sakai đứng dậy và đóng lại lọ bột.
Hai người đứng im, mắt chăm chăm nhìn xuống nước. Cá vàng vẫy mỗi khi chúng nhấm nháp bột.
- Có lẽ không bao giờ mẹ gặp con nữa – bà Sakai nói.
- Con sẽ về thăm mẹ – Josui hứa.
Nàng làm lại một cử chỉ như khi còn bé, nàng nắm tay ấn vào lòng bàn tay mẹ.
- Nếu con có con... – bà Sakai bắt đầu nói.
Josui thấy mẹ có vẻ băn khoăn.
- Người đàn bà Mỹ... Họ không bao giờ biết trước màu mắt của con cái họ. Có phải là khó chịu không?
- Như vậy có nghĩa gì với con?
- Điều đó quan trọng lắm. Nếu khi xưa, con không có cặp mắt đen, ta sẽ bối rối lắm. Có thể nào mẹ dám tự coi mình là bà một đứa cháu có cặp mắt xanh.
- Ồ, mẹ.
Josui muốn cười, nhưng những lời nói của mẹ làm nàng băng khoăn. Nếu đứa trẻ có cặp mắt xanh, nàng có thấy dễ chịu không? Vậy mà nếu đứa trẻ giống nàng về tất cả mọi phương diện, chính Allen sẽ không được thư thái cõi lòng. Còn ai biết được? Đúng như mẹ nói, vấn đề thật đáng quan tâm.
- Có thể con sẽ không có con – Josui nói.
Bà Sakai lắc đầu:
- Người ta không thể nói như thế được. Đến lúc, đứa trẻ sẽ được thai nghén và không có gì ngăn cản được. Thần linh đợi nó ở ngưỡng cửa. Khi đến thời điểm sinh ra, chúng ta bước vào cuộc đời và cũng kết thúc vào khoảnh khắc khi chúng mất. Chúng có một cuộc đời ngắn ngủi hoặc sống lâu hơn, nhưng tất cả đều theo số phận đã định trước.
Bác sĩ Sakai không lên tiếng phản đối một lời nào, khi Josui đến báo tin mừng sắp khởi hành. Nàng ngạc nhiên thấy sự bất ngờ này, nhưng cảm thấy việc không sao tránh được. Ông bảo nàng rằng ông còn ít tiền dành dụm để ở một ngân hàng San Francisco, trước để cho Kensan và nay ông muốn sang tên cho nàng. Điều khó khăn duy nhất lại chính do Josui gây ra: nàng muốn có một giấy thông hành với tên mới của nàng: bà Allen Kennedy.
Về điểm này không thể lay chuyển ông được.
- Ta không cho phép con điều này. Con hãy dùng tên họ của chúng ta. Một ngày khác con sẽ cần dùng đến.
- Thưa cha, sao cha có thể nói thế được? Cha không tin tưởng con sao? – nàng tức giận phản đối.
- Ta không tin tưởng ở đời!
Nàng nhượng bộ. Cuộc đời sẽ có chứng thực cho cha nàng biết là ông lầm lẫn. Ông sẽ thấy. Các bậc cha mẹ hay hoài nghi quá!
Một vài ngày trước khi khởi hành, nàng nhận được của Kobori Matsui một bức thư ngắn, thân mật. Chàng chúc nàng được hạnh phúc và báo tin cho nàng biết là chàng sẽ gửi sang Mỹ một món quà nhỏ mọn tặng nàng. Chàng còn báo tin là có thể chàng sẽ đến thăm nàng năm tới và xin Josui cho phép chàng được đến thăm. Không muốn giữ và để lại bức thư, nàng đốt trong bình hương.
Lúc khởi hành. Josui từ giã ngôi nhà, khu vườn, mẹ nàng, Yumi. Khi đi cùng với cha ra phi trường, nàng cảm thấy sung sướng. Nàng không sao nghĩ về cha mẹ được, cũng như những vật nàng rời bỏ đi.
Khi máy bay cất cánh, Josui cảm thấy trong chớp nhoáng ý nghĩ hành động của nàng. Nàng nhìn qua khung cửa nhỏ máy bay và nhìn thấy một lần cuối cha nàng. Gió thổi hất tà áo choàng của ông, ông chắp tay chống cây gậy của mình, ngước nhìn. Cao lớn, thẳng ngực, đầu ngẩng cao, chân hơi xoạc ra và vững chắc, đứng trên mặt đất. Josui không chắc rằng cha nàng trông thấy nàng, nhưng trong giờ phút ngắn ngủi này, hình bóng của ông hiện ra rõ ràng. Mặt trời chói lọi, sau những ngày mưa bão, soi tỏ khuôn mặt xinh đẹp đã in sâu vết răn. Josui nhìn thấy qua vẻ bề ngoài điềm tĩnh của ông là một nỗi buồn cao quý, một mối đau thương nghiêm trọng, một sự tiếc nhớ khôn nguôi. Lòng nàng se lại.
Giờ phút phân ly đó không thể kéo dài được. Đôi cánh lớn sáng ngời đưa nàng bay bỗng lên trời và mặt đất xa rời mắt nàng. Những ý nghĩ, những ước mơ của nàng đã tiến xa hơn nàng nhiều.
Cành Hoa E Ấp Cành Hoa E Ấp - Pearl S. Buck Cành Hoa E Ấp