Số lần đọc/download: 1946 / 89
Cập nhật: 2017-08-29 15:44:17 +0700
IV: Chuyện Vặt
G
ương, dao cạo, chổi phết thuốc cạo râu, cốc nhựa, bô, bình đựng nước bằng đồng – Ishvar bày hết lên mặt chiếc thùng các tông úp ngược kê ở một góc lán. Rương hòm cùng chăn chiếu choán gần hết khoảng không còn lại. Ông treo quần áo của hai bác cháu vào những đầu đinh rỉ sét nhô lên trên mặt tường gỗ dán. “Thế là mọi sự đâu vào đấy. Chúng ta có việc làm, chúng ta có một ngôi nhà, chả mấy chốc bác cháu ta sẽ kiếm được một cô vợ cho cháu.”
Om không cười. “Cháu ghét chỗ này,” cậu nói.
“Cháu muốn quay về với Nawaz và mái hiên nhà lão ư?”
“Không. Cháu muốn quay về với ông trẻ Ashraf và cửa hiệu của ông.”
“Tội nghiệp chú Ashraf, bị khách hàng lâu nay bỏ rơi.” Ishvar cầm chiếc bình đồng lên và đi ra cửa.
“Để cháu đi lấy nước cho,” Om giành phần.
Cậu ra chỗ vòi nước ở giữa ngõ. Một bà cụ tóc bạc nhìn cậu rờ rẫm khóa vòi để mở nước. Chẳng có động tĩnh gì. Cậu đá vào ống dẫn và lắc lắc vòi, chỉ có vài giọt nước nhểu ra.
“Cậu không biết à?” Bà cụ lên tiếng. “Vòi chỉ chảy vào buổi sáng thôi.”
Om quay ra xem ai vừa nói. Bà ta đang đứng trên ngưỡng cửa tối om, trông vóc người khá thấp. “Nước chỉ về vào buổi sáng thôi,” bà ta nhắc lại.
“Chả ai bảo cháu cả.”
“Cậu là trẻ con chắc mà cái gì cũng phải chờ người ta nói mới biết?” Bà ta quở, đoạn bước hẳn ra khỏi lán của mình. Giờ cậu đã nhìn rõ, bà ta không thấp, chỉ là lưng đã còng gập hẳn xuống. “Cậu không tự dùng trí khôn của mình được à?”
Cậu phân vân không biết cách nào sẽ giúp phô diễn trí khôn của mình một cách hùng hồn nhất: đốp lại một câu hay bỏ đi. “Vào đây,” bà ta nói, và bỏ vào trong lán. Cậu liếc vào cửa. Từ trong bóng tối, bà ta lại cất tiếng gọi: “Cậu định đứng chờ cạnh vòi đến sáng mai phỏng?”
Bà cụ mở nắp chiếc vò đất nung đáy tròn, rồi múc hai cốc nước đầy đổ vào cái bình đồng của cậu. “Nhớ đấy, cậu phải đi lấy nước từ sớm. Dậy muộn thì chỉ có chết khát. Nước chả chờ ai cả, như mặt trăng mặt trời thôi.”
Khi hai người thợ may chui ra khỏi lán với bàn chải đánh răng cùng xà phòng để chờ tới lượt mình, một hàng người dài dằng dặc đã đứng đợi sẵn trước vòi nước. Từ lán bên cạnh, một người đàn ông bước ra đứng chắn trước mặt họ, miệng cười toe toét. Từ thắt lưng của anh ta trở lên để trần trùng trục, còn mái tóc thả dài chấm vai. “Xin chào,” anh ta chào hai bác cháu. “Hai người không làm thế được đâu.”
“Tại sao?”
“Nếu hai người cứ đứng luôn ở vòi nước, đánh răng, xát xà phòng rồi kì cọ rồi tắm táp, thế nào cũng có đánh nhau to. Ai cũng muốn lấy xong phần mình trước khi nước hết mà lị.”
“Nhưng biết làm sao bây giờ?” Ishvar nói. “Chúng tôi chẳng có cái xô nào cả.”
“Không có xô hử? Chuyện vặt ấy mà.” Anh hàng xóm của họ biến vào lán, rồi quay ra với một cái xô mạ kền. “Dùng tạm cái này này.”
“Thế còn cậu?”
“Tôi còn một cái nữa – một xô nước là đủ cho tôi dùng rồi.” Anh ta túm tóc lại thành một cái đuôi gà và giật mạnh, rồi lại xõa tung ra. “Nào. Hai người còn cần gì nữa? Một cái lon nhỏ hay thứ gì đó, để đi vệ sinh nhá?”
“Chúng tôi có bô rồi,” Ishvar nói. “Nhưng phải đi ở đâu?”
“Đi theo tôi, cũng không xa lắm đâu.” Họ hứng nước, cất cái xô nặng trịch vào lán của mình, rồi đi bộ về phía đường ray tàu hỏa bên ngoài khu nhà, tay bưng bô. Nước đựng trong bô bị sánh ra một ít khi họ leo qua những đống bê tông vỡ cùng kính vụn. Một con lạch thối khẳm màu nâu nâu vàng vàng chảy ngoằn ngoèo giữa những ụ gạch đất, mang theo đủ thứ chất thải nổi lềnh bềnh trên dòng chảy lờ đờ của nó.
“Sang bên phải,” anh ta nói. “Bên trái là của đàn bà.” Họ đi theo, trong bụng mừng rỡ vì có người dẫn đường; giá thử đi nhầm chỗ thì ngượng chết mất. Giọng phụ nữ léo nhéo, tiếng mẹ dỗ con rộn lên từ phía bên kia, bay qua cùng mùi hôi thối. Xa xa bên dưới, đám đàn ông đang ngồi xổm trên đường ray hoặc bên rãnh, gần đám cây bụi và tầm ma lởm chởm gai, lưng quay về phía đường tàu hỏa. Cái rãnh là phần nối dài của đường cống thoát nước bên lề đường, là chỗ kí thác đủ loại rác rưởi từ dân cư của khu lều lán.
Đi qua mấy người đàn ông đang ngồi chồm hổm, ba người tìm thấy một chỗ vừa vặn. “Cái đường ray thép này hữu dụng lắm đấy,” anh hàng xóm nói. “Y như một cái bệ xí. Ngồi lên đấy, người mình cao hơn hẳn mặt đất, dù cứt có vun đầy lên cũng chả sợ dính đít.”
“Mánh gì anh cũng thạo, chắc luôn,” Om nói, đoạn cả ba tụt quần và ngồi xuống chỗ của mình trên đường ray.
“Mất tí thời gian là thông hết ấy mà.” Anh ta chỉ mấy người ngồi trong bụi. “Tầm này mà ngồi kia cũng nguy hiểm phết đấy. Trong ấy hay có rết độc bò linh tinh. Tôi chả dại mà phơi mấy chỗ thịt mềm của mình trước mũi chúng. Vả lại, nếu đang ngồi giữa bụi mà chấp chới ngã bệt ra, thế nào mông cũng bị gai đâm chi chít.”
“Anh có kinh nghiệm về vụ đấy rồi à?” Om hỏi, thân hình cậu đang đậu trên đường ray rung rinh vì cười.
“Ừ, kinh nghiệm của người khác. Coi chừng cái bô đấy,” anh ta đe. “Khéo làm đổ hết nước, lúc ấy lại phải bê cái đít dấp dính về nhà.”
Ishvar chỉ ước sao anh chàng kia im cho một phút. Ông chẳng thấy mấy câu đùa của anh ta có ích lợi gì cho công việc này, nhất là khi hậu môn của ông đang phản ứng rất tiêu cực với cái toa lét công cộng. Cái hồi ông đi đồng ngoài trời, lúc còn bé tí, dễ phải cách đây mấy thập kỷ. Ông vẫn nhớ mình đi cùng bố, trong cảnh tranh tối tranh sáng của buổi tinh mơ. Khi ấy, tiếng chim rộn lên nháo nhác, còn ngôi làng chìm trong im lặng. Sau đó, hai bố con rửa ráy dưới sông. Nhưng những năm sống cùng Chú Ashraf đã dạy ông lối vệ sinh kiểu tỉnh thành, khiến ông quên hẳn cung cách ở quê.
“Ngồi trên đường ray thế này chỉ có một cái phiền,” anh hàng xóm tóc dài nói. “Lúc tàu đến là phải đứng dậy ngay, bất kể đã ỉa xong hay chưa. Nhà tàu chả nể nang gì sự nghiệp phóng uế lộ thiên của bọn ta đâu.”
“Sao giờ cậu mới nói!” Ishvar nghển cổ lên nhìn sang cả hai phía, nhớn nhác ngó nghiêng khắp dải đường ray.
“Bình tĩnh, bình tĩnh. Chí ít trong vòng mười phút nữa là chả có tàu tiếc gì đâu. Vả lại, nghe thấy tiếng xình xịch thì ta nhảy ra luôn là được.”
“Lời khuyên thật chí lý, có điều tai phải không bị điếc,”
Ishvar cáu kỉnh nói. “Thế cậu tên gì?”
“Rajaram.”
“Bác cháu tôi thật tốt phúc vì có anh làm tổ sư,” Om nói.
“Phải, ta là Tổ sư Cứt của các con đây,” anh ta cười sằng sặc.
Ishvar thấy chẳng có gì hay sất, nhưng Om thì cười như hóa rồ. “Xin người cho con hay, thưa Tổ sư Cứt vĩ đại, nếu sáng nào ta cũng ngồi xổm trên đường ray thế này, thì người bảo có nên mua một tờ lịch tàu chạy để dắt lưng không?”
“Chả cần đâu, đồ đệ ngoan của ta. Chỉ mất vài ngày nữa là ruột con sẽ học được cách căn giờ tàu còn chuẩn hơn cả tay giám đốc nhà ga ấy chứ.”
Chuyến tàu tiếp theo không thấy mọc mũi sủi tăm cho đến tận khi họ đã đi xong, rửa ráy, và cài hết khuy quần. Ishvar quyết định sáng mai sẽ lẻn đi trước khi Rajaram tỉnh dậy. Ông không muốn phải ngồi đại tiện cạnh vị triết gia môn ỉa đái này.
Suốt dọc dải đường tàu, đàn ông và đàn bà lũ lượt rời đường ray và đứng bên rãnh chờ cuộc gián đoạn do đầu máy xe lửa gây ra chấm dứt; chỉ những người ngồi trong bụi vẫn giữ nguyên vị trí. Rajaram chỉ vào một toa tàu đúng lúc nó chậm chạp trườn qua trước mặt ba người.
“Xem bọn thối thây kia kìa,” anh ta hét lên. “Ai lại nhìn người ta ỉa chòng chọc thế, cứ như chúng nó không có trôn không bằng. Cứ như cảnh cục cứt đùn ra từ lỗ đít là một tiết mục xiếc ấy.” Đoạn, anh ta múa may đủ mọi cử chỉ tục tĩu về phía đám khách đi tàu, khiến vài người phải quay mặt đi. Duy có một người chọn cách khác: ông ta nhổ toẹt qua cửa sổ, nhưng một cơn gió xuôi chiều lại thổi ngược nó về phía tàu.
“Ước gì tôi có thể chổng mông lên, ngắm, và bắn cứt như tên lửa vào giữa mặt chúng nó,” Rajaram nói. “Cho chúng nó ăn luôn, thích đến thế kia mà.” Anh ta lắc đầu, khi ba người cùng quay về lán. “Những cử chỉ vô liêm sỉ kiểu đó làm tôi bực ghê gớm.”
“Ông nội tôi có một ông bạn tên là Dayaram,” Om nói. “Có lần ông ấy bị bắt phải ăn cứt của một lão địa chủ, vì tội đến muộn bữa cày cho thửa ruộng nhà lão.”
Rajaram dốc nốt những giọt nước cuối cùng trong ống bơ lên tay và vuốt ngược tóc ra sau gáy. “Về sau cái ông Dayaram đấy có sinh tí phép thuật nào không?”
“Không, tại sao thế?”
“Tôi nghe nói có một đẳng cấp thầy pháp. Chúng ăn cứt người, nhờ thế mà có phép hô mưa gọi gió.”
“Thật hả?” Om nói. “Nếu có thế thật, ta có thể mở cuộc làm ăn lắm chứ – ta đi nhặt hết cứt trên đường tàu, đóng gói lại rồi đem bán cho bọn người của đẳng cấp kia. Bữa trưa nấu sẵn, quà vặt dùng lúc uống trà, nóng hổi, vừa thổi vừa xơi.” Cậu và Rajaram cười rú lên, nhưng Ishvar chỉ cắm đầu sải bước thật nhanh, cảm thấy hết sức ghê tởm, ông vờ như mình không nghe thấy gì.
Om trở lại chỗ vòi nước để hứng thêm một xô đầy nữa. Dòng người xếp hàng đã dài ra đáng kể. Ở phía trước, cậu nhìn thấy một cô gái, tay giữ chiếc bình đồng thau bên sườn. Khi nàng giơ hai cánh tay để đặt cái bình lên đầu, đôi mắt cậu bị hút vào khoảng cong vồng trên áo nàng. Sức nặng của cái bình in hằn một vệt khá sâu trên eo nàng khi nàng bước ngang qua. Nước trào ra khỏi miệng bình và rớt xuống, chảy dài trên trán nàng. Những giọt ngọc long lanh đọng trên tóc và mi nàng. Hệt như sương mai vậy, Om thầm nghĩ. Ôi, nàng đáng yêu làm sao. Suốt khoảng thời gian còn lại của ngày hôm ấy, cậu có cảm giác toàn thân mình cơ hồ muốn vỡ tung vì khao khát và hạnh phúc.
Đến khi vòi cạn nước, dân cư khu lều lán đã hoàn tất công cuộc tắm táp rửa ráy, để lại mặt đất bị cào xé ngang dọc bởi vô số con lạch nhỏ xíu của bọt và bong bóng xà phòng. Lần lần theo từng giờ trôi, mặt đất và mặt trời hăm hở nuốt trọn tất cả. Mùi của cái nhà xí kiêm đường tàu có phần lì lợm hơn. Cơn gió đồng bóng hộ tống những luồng hơi thối nồng nặc xuống từng mái lán suốt hàng giờ liền rồi mới chuyển hướng.
Tối muộn hôm ấy, khi hai người thợ may trở về sau chuyến thám hiểm các vùng lân cận quanh khu ổ chuột, Rajaram đang nấu ăn trên cái bếp Primus ngay ngoài cửa lán. Họ nghe thấy tiếng mỡ sôi xèo xèo trên chảo. “Hai người ăn chưa?” Anh ta hỏi.
“Ăn ở ga rồi.”
“Ăn thế đắt lắm. Cố xoay lấy cái phiếu thực phẩm rồi tự nấu đi.”
“Bác cháu tôi còn chẳng có bếp.”
“Chuyện vặt ấy mà. Mượn của tôi đây này.” Anh ta mách họ, rằng trong xóm này có một bà chuyên bán rau quả ở các khu dân cư gần đây. “Nếu đến cuối ngày mà vẫn còn ít hàng ế – vài quả cà chua, đậu, cà tím – bà ta sẽ bán rẻ lắm. Các anh ra chỗ bà ta mà mua, như tôi đây này.” “Được đấy,” Ishvar nói.
“Duy có một món bà ta sẽ không bao giờ bán cho các anh – chuối.”
Om cười rinh rích, chờ đón một câu tếu táo thú vị, nhưng hóa ra chẳng có gì sất. Người dạy khỉ ở trong xóm này đã giao kèo trước với bà bán rau. Những quả chuối bị dập và thâm của bà ta sẽ để phần cho hai diễn viên chính của anh ta. “Có điều, con chó khốn khổ phải tự kiếm lấy thức ăn,” Rajaram nói.
“Chó nào?”
“Chó của gã dạy khỉ chứ ai. Nó cũng có phần trong suất diễn – bọn khỉ cưỡi nó. Nhưng lúc nào cũng thấy nó lang thang ngoài bãi rác, sục tìm thức ăn. Hắn nghèo quá, chả bao được cả lũ.” Cái bếp Primus kêu xì xì hai lần, anh ta bèn vặn to lửa lên và luôn tay đảo thức ăn trong chảo. “Nhiều người bảo gã dạy khỉ còn làm những trò bẩn thỉu, trái lẽ tự nhiên với lũ khỉ. Tôi chả tin. Mà nếu hắn có làm thế thật thì đã sao? Lũ chúng ta ai chả cần giải tỏa, không phải à? Khỉ, điếm, hoặc bàn tay của chính ta – có khác quái gì đâu? Đâu phải ai cũng cưới nổi vợ.”
Anh ta chọc chọc mấy miếng rau đang sôi xèo xèo để xem đã chín chưa, rồi tắt bếp và xúc một muôi vào chiếc đĩa nhựa mời hai người thợ may.
“Thôi, chúng tôi ăn ở ga rồi, thật đấy.”
“Tôi tự ái bây giờ – ít ra cũng phải làm một miếng chứ.”
Hai bác cháu đón lấy chiếc đĩa. Một anh chàng cổ đeo choàng chiếc đàn đạp hơi đi ngang qua, nghe lỏm được tiếng ba người nói chuyện với nhau. “Thơm thế,” anh ta nói. “Để dành cho tớ một miếng nhá.”
“Ờ, được chứ, ngồi xuống ăn đi.” Song anh kia chỉ bấm vài nốt nhạc, vẫy tay chào và đi tiếp.
“Hai người gặp anh ta chưa? Sống ở dãy hai.” Rajaram đảo thức ăn rồi tự xúc cho mình một muôi. “Đến tối anh ta mới bắt đầu làm việc. Anh ta bảo khách khứa rộng tay hơn nếu anh ta hát đúng lúc họ đang ăn hoặc nghỉ ngơi. Thêm tí nữa nhé?”
Lần này hai bác cháu kiên quyết từ chối. Rajaram bèn xơi nốt chỗ còn lại. “May cho tôi là hai bác cháu nhà anh thuê căn nhà này. Sát vách bên kia nhà tôi,” anh ta hạ giọng xuống chỉ còn như tiếng muỗi kêu, “là một thằng vô tích sự – say khướt cò bợ tối ngày. Toàn đánh bà vợ với năm, sáu đứa con lên bờ xuống ruộng nếu họ không ăn xin được đủ xu để nộp cho hắn.”
Họ đưa mắt nhìn sang cái lán nọ, lúc này đang lặng tờ. Chẳng thấy bóng dáng lũ trẻ đâu. “Đi ngủ rồi. Để mai lại đi ăn xin tiếp. Còn bà vợ chắc đang bồng bế mấy đứa út ít vật vờ ngoài đường.”
Hai người thợ may ngồi cùng anh hàng xóm đến hết buổi tối, kể về làng mình, về Hiệu may Muzaffar, và về công việc họ sẽ bắt đầu làm từ thứ hai tới với Dina Dalal. Nghe câu chuyện đồng điệu, Rajaram bèn gật gù cái đầu. “Ừ, cả nghìn nghìn người đổ về thành phố vì dưới quê đang độ khó khăn.
Tôi lên đây cũng vì thế.”
“Nhưng chúng tôi chẳng muốn ở đây lâu quá đâu.”
“Nào ai muốn,” Rajaram nói. “Có ai muốn sống thế này đâu?” Bàn tay anh ta uể oải khoát thành một vòng cung, bao quát hết những dãy lều lán bẩn thỉu, khu đất nhếch nhác, cái ổ chuột khổng lồ nằm bên kia đường cái đang diện chiếc vương miện nặng mùi của khói bếp và khí thải công nghiệp. “Nhưng nhiều lúc, ta chẳng còn lựa chọn nào khác. Đôi khi thành phố tóm lấy anh, cắm ngập móng vuốt của nó lên da thịt anh, rồi không chịu buông ra nữa.”
“Bác cháu tôi thì không, chắc luôn. Chúng tôi lên đây kiếm tí tiền rồi sẽ sớm quay về,” Om nói.
Ishvar không muốn mang kế hoạch của hai bác cháu ra bàn thêm, sợ nó sẽ bị vẩn đục vì những mối hoài nghi. “Thế cậu làm nghề gì?” Ông hỏi, lái sang chủ đề khác.
“Cắt tóc. Nhưng tôi bỏ được ít lâu rồi. Tôi phát chán vì khách khứa lằng nhằng quá. Ngắn quá, dài quá, tóc chưa được bồng, mai chưa đủ dày, thế này thế nọ. Toàn thằng xấu như cú mà cứ đòi mình trông phải y như diễn viên điện ảnh cơ. Thế là tôi bảo, thôi, dẹp. Từ hồi đó đến giờ tôi cũng kinh qua nhiều nghề rồi. Giờ tôi đang làm nghề thu mua tóc.”
“Hay đấy,” Ishvar ngập ngừng ướm lời. “Cậu phải làm gì, với cái nghề thu mua tóc này?”
“Thu mua tóc.”
“Vậy mà cũng ra tiền ư?”
“Ô, làm ăn lớn lắm. Ở nước ngoài người ta cần mua nhiều tóc lắm.”
“Họ mua tóc làm gì?” Om hỏi, vẻ ngờ vực.
“Làm nhiều thứ lắm. Chủ yếu là để đội. Nhiều khi họ sơn tóc đủ màu – đỏ, vàng, nâu, xanh. Phụ nữ nước ngoài thích đội tóc người khác lắm. Cả đàn ông cũng vậy, nhất là mấy ông hói. Ở nước ngoài người ta sợ hói lắm. Dân nước ngoài giàu thật đấy, thừa hơi để lo sợ toàn chuyện vớ vẩn.”
“Anh lấy tóc ở đâu?” Om hỏi. “Giật trộm trên đầu người ta à?” Giọng cậu hơi pha chút châm chọc.
Rajaram cười thật thà. “Tôi tìm đến cánh thợ cạo vỉa hè. Họ cho tôi tóc để đổi lấy một hộp lưỡi dao cạo, có khi là bánh xà phòng, hoặc cây lược. Ở các tiệm cắt tóc, họ cho không luôn nếu tôi chịu quét sàn. Nào, vào trong này, tôi sẽ cho hai người xem kho tàng của tôi.”
Rajaram châm một cây đèn để xua tan bóng tối tới sớm bên trong ngôi lán. Đốm lửa lập lòe, rồi cháy đều dần, và bung nở thành một vầng màu cam, soi sáng những bị cói cùng túi ni lông xếp chồng chất sát tường.
“Mấy cái bị là lấy từ các thợ cạo vỉa hè,” anh ta nói, đoạn mở một cái ra dưới cặp mắt tò mò của hai bác cháu. “Thấy chưa, tóc ngắn đây.”
Họ hơi chùn lại trước món hàng nom chả ngon lành gì đựng trong bị, còn Rajaram xọc tay vào lấy ra một nắm bùi nhùi. “Toàn tóc dài chưa đến sáu, bảy phân. Tay làm ở đại lý xuất khẩu trả hai tư rupi một cân. Tóc loại này chỉ dùng để chế hóa chất với thuốc thôi, hắn bảo tôi thế. Nhưng thử nhìn cái túi ni lông này mà xem.”
Anh ta cởi nút buộc và rút ra một nắm bím tóc dài thướt tha. “Lấy từ một hàng cắt tóc nữ đấy. Đẹp quá, không phải à? Hàng quý đấy. Hôm nào may lắm tôi mới kiếm được tóc loại này. Từ hai mươi đến ba mươi phân, giá hai trăm rupi một cân. Dài hơn ba mươi phân, sáu trăm rupi.” Anh ta mân mê tóc mình rồi kéo nó ra như kéo một cây đàn vi-ô-lông.
“Thảo nào anh nuôi tóc dài thế.”
“Lẽ dĩ nhiên. Của trời cho giúp tôi có cơm bỏ bụng mà lị.”
Om cầm lấy mấy cái bím tóc mà vuốt ve, chứ không né tránh như khi nhìn thấy bịch tóc vụn. “Sờ thích thật. Vừa mềm vừa mượt.”
“Cậu biết không,” Rajaram nói, “mỗi khi tìm thấy món tóc thế này, tôi luôn muốn gặp chủ của nó. Đêm đến, tôi nằm thao thức, băn khoăn về cô ta. Trông mặt mũi cô ta ra sao? Sao mái tóc lại bị cắt? Để chạy theo mốt? Hay do bị phạt? Hay chồng cô ta chết? Tóc đã bị cắt đi rồi, nhưng còn cả một đời người gắn liền với nó.”
“Chắc hẳn đây là tóc của một phụ nữ giàu có,” Om nói.
“Tại sao cậu lại nghĩ thế?” Rajaram hỏi, với giọng điệu của một ông thầy hỏi đứa học việc.
“Vì mùi thơm trên tóc. Xem ra đây là nước dưỡng tóc đắt tiền. Phụ nữ nghèo chỉ dùng dầu dừa thô thôi.”
“Hoàn toàn chính xác,” anh ta vỗ vai Om ra chiều khen ngợi. “Cứ xem tóc là biết người. Khỏe hay ốm, trẻ hay già, giàu hay nghèo – tất cả đều lộ ra mái tóc hết.” “Cả tín ngưỡng và đẳng cấp nữa,” Om nói.
“Chính xác. Cậu có tố chất của một thợ thu mua tóc đấy. Khi nào chán nghề may thì bảo tôi nhá.”
“Nhưng tôi có được vuốt tóc khi nó vẫn còn ở trên người các bà các cô không? Từ gốc đến ngọn? Từ đầu đến chân, và cả ở giữa háng nữa?”
“Thằng lỏi này khôn ghê nhỉ?” Rajaram quay sang bảo Ishvar, lúc ấy đang trậm trộ dọa đánh thằng cháu. “Nhưng tôi làm ăn chuyên nghiệp quy củ lắm đấy. Cũng phải thừa nhận là lắm lúc, nhìn thấy một cô gái có mái tóc dài, tôi chỉ muốn chạy ra mà lùa tay vào tóc cô ta, rồi quấn nó quanh cổ tay. Nhưng tôi phải tự kiềm chế. Thợ làm tóc mà chưa cắt xong, thì tôi chỉ dám mơ hão thôi.”
“Chắc anh phải ôm mộng về bà chủ mới của bọn tôi ghê lắm, nếu anh nhìn thấy cô ta,” Om nói. “Dina Dalal có mái tóc đẹp lắm. Chắc cả ngày cô ta chẳng có việc gì để làm, ngoài gội rồi vuốt dầu rồi chải rồi tỉa tót sao cho nó trông thật hoàn hảo.” Cậu đặt mấy cái đuôi sam lên gáy mình, đoạn chun mũi nhíu mày. “Trông iem thế nào?”
“Bác đang định tìm cho mày một cô vợ,” bác cậu nói. “Nhưng nếu mày thích, chúng ta có thể tìm một ông chồng cũng được.” Vừa cười khùng khục, Rajaram vừa lấy lại mớ tóc và cẩn thận cất nó trở vào túi ni lông.
“Tôi đang nghĩ,” Ishvar nói. “Dân thu mua tóc hẳn phải kiếm ăn khá hơn ở những vùng như Rishikesh chứ? Hoặc một khu thánh địa như Hardwar chẳng hạn? Ở những nơi đó, các tín đồ thường cạo đầu và dâng tóc lên các Thánh mà?”
“Chú nghĩ phải lắm,” Rajaram nói. “Nhưng có một trở ngại rất lớn. Một anh bạn của tôi, cũng làm nghề thu mua tóc, lặn lội xuống miền nam, tới Tirupati. Chỉ để xem sản lượng tóc ở các đền đài vùng đó thế nào thôi. Chú biết anh ta thấy gì không? Mỗi ngày có khoảng hai vạn người đến để hiến tóc. Sáu trăm thợ cạo, làm liên tục tám tiếng một ca.”
“Thế thì phải cắt ra cả một đồi tóc ấy chứ.”
“Đồi á? Cả một dãy Himalaya tóc ấy chứ. Nhưng những tay trung gian như bọn tôi chả có cơ sờ vào chỗ tóc ấy đâu. Sau khi tóc được dâng lên, bọn thầy tế Bà la môn vô cùng cao quý đem tóc cất hết vào cái nhà kho cao quý vô cùng của chúng. Và cứ mỗi ba tháng, chúng lại mở một cuộc đấu giá, các công ty xuất khẩu sẽ đến mua trực tiếp luôn.”
“Cậu chả cần nói, chúng tôi cũng quá biết bọn Bà la môn với thầy tế rồi,” Ishvar nói. “Lòng tham của lũ người đẳng cấp trên thì cả làng tôi đều rõ.”
“Ở đâu cũng vậy,” Rajaram gật gù đồng tình. “Tôi vẫn mong gặp được một người đối xử ngang hàng với mình. Như một người đồng loại – tôi chỉ mong có thế, không hơn.”
“Từ nay trở đi, anh cứ việc lấy tóc của bác cháu tôi,” Om hào phóng nói.
“Cảm ơn cậu. Tôi có thể cắt tóc miễn phí cho cậu, nếu cậu thích, miễn là cậu không đòi kiểu cọ cầu kì quá.” Anh ta cất gọn mấy bị tóc và lôi bộ lược cùng kéo ra, đòi được trổ tài ngay tức khắc.
“Hãy khoan,” Om nói. “Để tôi nuôi tóc cho dài bằng anh đã. Như thế anh bán mới được giá.”
“Không được,” Ishvar nói. “Không có tóc dài tóc diếc gì sất. Cô Dina Dalal sẽ không thích một gã thợ may để tóc dài đâu.”
“Có một điều chắc chắn,” Rajaram nói. “Cung và cầu tóc là vô tận, thời nào ngành này cũng làm ăn tốt.” Khi họ trở ra ngoài, đứng giữa bầu không khí buổi tối, anh ta đế thêm:
“Cũng có lúc chỉ vì sợi tóc mà sinh ra lắm chuyện lôi thôi.”
“Sao lại lôi thôi?”
“Tôi đang nghĩ đến sợi râu lấy từ bộ râu của Đấng tiên tri. Khi nó biến mất khỏi nhà thờ Hazrat-Bal ở Kashmir mấy năm về trước. Chú có nhớ không?”
“Nhớ chứ,” Ishvar nói. “Nhưng hồi đó Om vẫn còn bé lắm, nó chả biết đâu.”
“Bác kể đi, kể đi. Chuyện gì đã xảy ra thế ạ?”
“Thì đấy,” Ishvar nói. “Một ngày nọ, sợi râu thiêng biến mất, thế là nổ ra bạo loạn to. Dân nhao nhao đòi chính phủ phải từ chức, kêu rằng chắc chắn bọn chính trị gia có dính dáng đến vụ này. Để gây rối thôi, cháu biết đấy, vì hồi đấy dân Kashmir đang đòi độc lập mà.”
“Chuyện là thế này,” Rajaram nối lời, “sau hai tuần bạo loạn và giới nghiêm, các thanh tra của chính phủ tuyên bố họ đã tìm thấy sợi râu thiêng. Nhưng dân chúng không chịu – nhỡ chính phủ lừa chúng tôi thì sao? Họ hỏi. Nhỡ họ lấy một sợi râu thường rồi bảo đấy là sợi râu thiêng thì sao? Thế là chính phủ bèn triệu tập một nhóm giáo sĩ Hồi giáo có tiếng là uyên bác và giao cho họ nhiệm vụ thẩm tra sợi râu. Chỉ đến khi nhóm giáo sĩ đó khẳng định sợi râu đúng là đồ thật, các đường phố Srinagar mới bình yên trở lại.”
Ngoài trời, khói từ các bếp nấu đã xâm lăng cả bầu không khí. Trong bóng tối có tiếng người gọi to: “Shanti! Mang củi ra đây mau!” và một cô gái đáp dạ. Om nhìn theo: chính là nàng, cô gái đội chiếc bình đồng lớn. Shanti, cậu thầm nhắc lại, bỏ rơi hứng thú trước câu chuyện của anh chàng thu mua tóc.
Rajaram bê một hòn đá chặn lên cửa lán để gió không thổi bung nó, rồi dẫn hai người thợ may đi một vòng các khu xung quanh. Anh ta chỉ cho họ đường tắt ra ga tàu qua một lỗ thủng trên hàng rào đường sắt. “Đi tiếp qua cái rãnh kia, đến khi nào nhìn thấy mấy tấm biển quảng cáo lớn hình Bơ Amul và Bánh mì Phong cách mới là tới. Như thế hai người sẽ tiết kiệm được ít nhất mười phút mỗi lần đi làm.”
Anh ta cũng dặn hai bác cháu phải coi chừng khu ổ chuột nằm ở rìa khu họ ở. “Đa số dân sống ở vùng giáp ranh đều là người tử tế, nhưng có vài con ngõ rất nguy hiểm. Chuyện giết chóc và cướp giật hoàn toàn có thể xảy ra nếu hai người lỡ đi qua đó.” Đi qua vùng an toàn của khu ổ chuột, anh ta giới thiệu họ với một quán nước quen, ở đấy họ có thể uống trà và ăn quà chịu, đến cuối tháng mới phải trả.
Đến tối muộn, khi đang ngồi ngoài cửa lán hút thuốc, họ nghe thấy tiếng anh chàng chơi đàn dạo. Anh ta đã kết thúc một ngày làm việc, và đang chơi vài bài để tiêu khiển. Những nốt nhạc chói tai tuôn ra từ cây đàn của anh ta, đặt giữa khung cảnh nghèo nàn xơ xác, bỗng chốc hóa thành du dương tựa tiếng sáo thần. “Bạn tôi ấy đấy cũng là tình tôi,” anh ta cất tiếng hát, và bài hát về tình bạn, tình yêu như hòa tan vị hăng cay của đám khói nồng bốc lên từ những ngọn lửa ngun ngún.
Viên Trưởng ban Cấp phát Tem phiếu không có mặt tại bàn làm việc. Một nhân viên cần vụ báo lại, rằng sếp đang nghỉ thiền. “Thứ Hai các anh hãy quay lại.”
“Nhưng chúng tôi phải bắt đầu công việc mới vào thứ Hai rồi,” Ishvar nói. “Giờ nghỉ thiền kéo dài bao lâu?”
Gã cần vụ nhún vai. “Một, hai, hoặc ba tiếng – tùy thuộc gánh nặng đang đè lên tâm trí ông ấy lớn cỡ nào. Sếp bảo, nếu không có giờ nghỉ này, thì chỉ đến cuối tuần là ông ấy sẽ hóa điên.” Hai người thợ may quyết định xếp hàng đợi.
Có lẽ tuần vừa qua là một tuần tương đối dễ thở đối với viên Trưởng ban Cấp phát Tem phiếu, bởi chỉ sau có nửa tiếng y đã trở lại, trông có vẻ tươi tỉnh thư thái, và đưa cho hai bác cháu một tờ đơn xin cấp phiếu thực phẩm. Y mách là ở vỉa hè bên ngoài sở có mấy chuyên gia có thể giúp họ điền đơn với giá rất rẻ.
“Không sao, chúng tôi biết viết mà.”
“Thật à?” Y nói, vẻ tẽn tò. Y vẫn tự phụ là chỉ bằng một cái liếc mắt, y có thể đọc vị tất cả những kẻ đến xin cấp tem đi qua bàn mình mỗi ngày – quê quán, tình trạng tài chính, trình độ giáo dục, đẳng cấp. Cơ mặt y giần giật, rồi khoặm lại, bất chấp khóa thiền định vừa kết thúc. Việc hai người thợ biết chữ quả là một sự nhục mạ đối với trí tuệ toàn hảo của y. “Điền vào rồi mang lại đây,” y xua hai bác cháu đi với một cái phẩy tay dằn dỗi.
Họ cầm tờ khai ra ngoài hành lang để điền, đặt nó lên một cái bệ cửa sổ mà viết. Mặt tường khá xù xì, khiến đầu chiếc bút bi mấy lần xuyên thủng cả tờ giấy. Hai bác cháu cố phục hồi sức khỏe cho tờ khai lốm đốm nốt đậu mùa bằng cách lấy móng tay ấn phẳng những mụt u, rồi quay về hàng, chờ đến lúc được gặp lại đối tượng đàm thoại của mình.
Viên Trưởng ban Cấp phát Tem phiếu đọc lướt tờ khai một lượt rồi nở nụ cười. Đó là một nụ cười trịch thượng: ừ thì chúng bay biết viết, song chúng bay chả hiểu quái gì về cái gọi là rành mạch, sáng sủa hết. Y đọc phần trả lời của họ và đắc thắng dừng lại ở ô địa chỉ. “Cái của khỉ gì đây?” Y gõ gõ vào chỗ đó bằng ngón tay ám bẩn ni-cô-tin.
“Là nơi ở của chúng tôi,” Ishvar đáp. Ông đã ghi tên con đường dẫn đến dãy lán hai bác cháu trú ngụ bên mạn bắc. Ô trống dành cho tên tòa nhà, số nhà, và số phố bị bỏ không.
“Thế chính xác nhà của các anh ở đâu?”
Họ bèn tuôn ra hàng tràng thông tin bổ sung: điểm giao cắt gần đó nhất, hai con phố nằm ở phía đông và phía tây của khu ổ chuột, nhà ga, tên các rạp chiếu phim lân cận, cái bệnh viện to đùng, cửa hàng bánh kẹo lớn nhất vùng, một khu chợ cá.
“Thôi, đủ rồi,” tay Trưởng ban Cấp phát Tem phiếu kêu lên, đoạn bịt chặt hai tai lại. “Tôi không muốn nghe mấy thứ vớ vẩn đấy.” Y lôi ra một cuốn danh bạ thành phố, giở vài trang, rồi săm soi một tờ bản đồ. “Đúng như tôi nghĩ. Nhà các anh ở trong một dãy lán, đúng không?”
“Nó là một mái lán – chỗ ở tạm thôi.”
“Một dãy lán không phải là một địa chỉ. Luật quy định là phiếu thực phẩm chỉ có thể được cấp phát cho những người có địa chỉ thật.”
“Ngôi nhà của chúng tôi là thật mà,” Ishvar nài nỉ. “Anh có thể đến mà xem.”
“Tôi đến xem thì phỏng ích gì? Quan trọng là luật quy định thế. Và trong con mắt của pháp luật, cái lán của anh không được tính.” Y cầm một xấp tờ khai và xốc vỗ cho ngay ngắn bốn cạnh. Bị xô về đúng góc cạnh, từng tờ giấy trước sau gieo mình xuống bàn, làm tung ra cả đám bụi. “Nhưng còn một cách khác để lấy phiếu thực phẩm đấy, nếu các anh muốn.”
“Vâng, anh nói đi – cách nào cũng được.”
“Nếu các anh chịu để tôi bố trí cho làm phẫu thuật cắt ống dẫn tinh, đơn của các anh sẽ được duyệt ngay tức khắc.”
“Phẫu thuật cắt ống dẫn tinh á?”
“Phải, để phục vụ công tác kế hoạch hóa gia đình ấy mà.
Thủ tục triệt sản.”
“À, nhưng tôi đã làm rồi,” Ishvar nói dối.
“Cho tôi xem F.P.C[28] của anh nào.”
“F.P.C. á?”
“Chứng nhận kế hoạch hóa gia đình.”
“Ây dà, tôi lại làm lạc đâu mất rồi.” Nghĩ nhanh một giây, ông nói: “Hồi ở quê, nhà tôi bị cháy. Tất cả đồ đạc đều ra tro hết.”
“Chả sợ. Để tôi gửi anh đến chỗ một ông đốc tờ, ông ta sẽ ưu tiên làm lại cho anh và cấp cho anh một tờ đơn mới.”
“Một cái phẫu thuật mà phải làm những hai lần? Có cần phải thế không?”
“Khối người làm hai lần. Lợi gấp đôi. Hai cái đài bán dẫn liền cơ đấy.”
“Tôi cần hai cái đài làm gì?” Ishvar cười. “Chả lẽ mỗi tai nghe một kênh à?”
“Tôi bảo, nếu vụ tiểu phẫu vớ vẩn này làm anh sợ, cứ cho thằng cu kia đi thay. Chỉ cần một tờ chứng nhận triệt sản là xong hết.”
“Nhưng nó mới mười bảy tuổi! Nó còn phải lấy vợ, đẻ lấy vài đứa con, không thì nhà nó lại tiệt nòi à?”
“Tùy anh thôi.”
Ishvar đùng đùng bỏ đi, Om tất tả chạy theo sau để vỗ về bác khi thấy ông nổi giận bừng bừng trước lời đề nghị chối tai, nếu không muốn nói là báng bổ. Dẫu vậy, chẳng ai thèm để ý đến họ, vì cả dọc hành lang chật cứng những người như Ishvar, hoang mang và lúng túng, cố tìm cách xin xỏ sao cho qua lọt cửa quan. Họ đứng chờ đợi trong đủ mọi cung bậc của nỗi đau khổ. Người sụt sịt giọt vắn giọt dài, kẻ cười sằng sặc như hóa dại trước những điều trái khoáy của bộ máy quan liêu, còn một số ít lại quay mặt vào tường, miệng lầm bầm nguyền rủa.
“Triệt sản, hắn dám nói thế đấy!” Ishvar nghiến răng ken két. “Thằng khốn mất dạy! Triệt sản, với một thằng bé mới tí tuổi đầu! Phải chi có người cắt cổ con quỷ xấu xa ấy đúng lúc nó đang ngồi thiền cho rảnh!” Ông chạy sồng sộc qua hành lang, xuống cầu thang, và lao ra khỏi cửa chính của tòa nhà.
Trên vỉa hè, một anh chàng nhỏ thó, dáng điệu nom như một thầy ký, nhận thấy vẻ mặt giận dữ của Ishvar, bèn đứng dậy khỏi chiếc ghế đẩu gỗ để chào hai bác cháu. Anh ta đeo kính, mặc áo sơ mi trắng, trước mặt là đủ loại giấy tờ bày la liệt trên chiếu. “Cậu và chú gặp vấn đề gì thì phải. Tôi có thể giúp được không?”
“Cậu thì giúp được gì?” Ishvar cộc cằn nạt.
Anh chàng bèn chạm lên khuỷu tay Ishvar để khiến ông dừng lại nghe mình nói. “Tôi là một Hỗ trợ viên. Nghề của tôi, chuyên ngành của tôi, là hỗ trợ mọi người trong các giao dịch với cơ quan công quyền.” Bệnh sổ mũi khiến anh ta khụt khịt tới mấy lần liền trong suốt màn giới thiệu.
“Cậu làm cho chính quyền à?” Ishvar hỏi, giọng ngờ vực, tay chỉ vào tòa nhà nơi hai bác cháu vừa đi ra.
“Không, không đời nào, tôi làm việc cho chú và cho chính tôi. Tôi có thể giúp chú kiếm được những thứ mà bọn viên chức nhà nước nghĩ ra đủ tình đủ tội để ngáng trở. Thế nên tôi mới được gọi là hỗ trợ viên. Giấy khai sinh, giấy chứng tử, giấy đăng ký kết hôn, các loại giấy chứng nhận, giấy đăng ký – tôi lo được tuốt. Chú chỉ cần nói muốn có thông tin gì trên đó, là tôi sẽ kiếm ngay cho chú.” Anh ta gỡ cặp kính ra và nở một nụ cười dễ dãi nhất trần đời, rồi lập tức đánh mất nó dưới sáu cái hắt xì hơi kinh hồn táng đởm. Hai người thợ may vội nhảy lùi lại để tránh cơn mưa nước mũi.
“Bác cháu tôi chỉ cần một cái phiếu thực phẩm thôi, thưa ngài Hỗ trợ viên. Thế mà gã kia đòi chúng tôi mang của quý ra đổi! Trần đời lại có thứ lựa chọn kiểu đấy ư, một bên là thức ăn, bên kia là của quý?”
“A, ông ta muốn F.P.C.”
“Phải, hắn gọi cái của khỉ ấy như thế đấy.”
“Chú không biết đấy thôi, kể từ khi Tình trạng khẩn cấp được áp dụng, trong sở có một quy định mới – tất cả các viên chức phải khuyến khích dân đi triệt sản. Nếu không thuyết phục được đủ số người trên ốp xuống, ông ta cũng khỏi nghĩ đến thăng chức luôn. Biết làm sao đây, tay viên chức khốn khổ, ông ta cũng kẹt, không phải à?”
“Nhưng thế là không công bằng với chúng tôi!”
“Thì thế nên tôi mới ở đây, không phải à? Chỉ cần chọn cái tên chú và cậu muốn ghi trên tờ phiếu thực phẩm, tối đa sáu chữ cái, và bất cứ địa chỉ nào hai người muốn. Giá chỉ hai trăm rupi. Một trăm đặt cọc ngay, và một trăm nữa trả nốt sau khi lấy được phiếu.”
“Nhưng chúng tôi không có đến ngần ấy tiền.”
Anh chàng hỗ trợ viên nói họ có thể quay lại khi đã xoay đủ tiền, anh ta vẫn sẽ ngồi ở đây. “Chừng nào chính quyền còn tồn tại, chừng ấy tôi còn có việc để làm.” Anh ta xì mũi rồi quay lại chỗ ngồi của mình trên vỉa hè.
Men theo con đường tắt Rajaram chỉ, hai người thợ may hối hả chạy xuyên sân ga, hướng về phía bãi chứa đường ray hỏng và sắt phế thải, vừa chạy vừa ngắm đoàn tàu trườn khỏi ga và mất hút vào màn đêm. “Càng về gần chuồng, ngựa mỏi phóng càng nhanh,” Ishvar nói, và Om gật đầu.
Ngày làm việc đầu tiên với Dina Dalal đã kết thúc. Bị lôi kéo bởi cả đoàn quân người đang trên đường trở về nhà, kiệt sức sau mười tiếng đồng hồ may vá, hai bác cháu cùng chia sẻ cảm xúc thiêng liêng của giây phút này với đám đông, lần này là cuộc chuyển dịch từ nhọc mệt sang hi vọng. Chẳng bao lâu nữa đêm sẽ xuống; họ sẽ mượn cái bếp của Rajaram, nấu món gì đó, ăn. Họ sẽ dệt những kế hoạch và mơ về tương lai nhuộm trong những viễn cảnh xán lạn, cho đến lúc bắt chuyến tàu tiếp theo vào buổi sáng hôm sau.
Mé cuối của sân ga dốc dần xuống thành một bãi cát sỏi ôm lấy những song rào. Khoảnh đất này là nơi tọa lạc của lỗ chui vô cùng hữu dụng trên dải hàng rào gang dài vô tận, ở đây có vài chấn song hình mũi giáo đã mục nát do bàn tay của thiên nhiên, và bị bẻ gãy hẳn nhờ bàn tay con người giúp sức chút đỉnh.
Từng tốp đàn ông cùng phụ nữ luồn qua lỗ hổng, cách xa lối vào nơi người soát vé đứng. Những người khác, với sự nhanh nhẹn thôi thúc bởi tình trạng lậu vé của mình, chạy dọc theo đường ray, mặc kệ sỏi đá cùng mạt sắt dồ lên nhoi nhói dưới lòng những bàn chân hoặc đi đất, hoặc lồng trong mấy thứ giày dép tuềnh toàng. Họ chạy giữa hai dải ray, xoạc chân nhảy trên những thanh tà vẹt gỗ mòn mục, từ thanh nọ sang thanh kia, rồi phi thân qua lan can khi tàu đã cách ga một khoảng an toàn.
Dù đã có vé, song Om tha thiết muốn lao theo những con người kia trong cuộc xông pha anh dũng hòng mưu cầu tự do. Cậu cảm thấy nếu chỉ có một mình, cậu cũng thừa sức nhảy tàu như ai. Rồi cậu liếc sang bên cạnh, nhìn ông bác, người còn hơn-cả-bác, người cậu không bao giờ có thể bỏ mặc. Những mũi giáo của dải hàng rào nhô lên trong ánh chiều nhập nhoạng nom chẳng khác nào những món vũ khí han gỉ của một quân đoàn ma. Còn những người đi lậu vé tựa hồ người thời thượng cổ, đột nhập vào hàng ngũ địch, tung người bay vọt qua đầu chông mũi giáo như thể chân họ sẽ không bao giờ còn chạm đất nữa.
Đột nhiên, một toán cảnh sát mệt mỏi bất thần hiện ra từ trong bóng tối nhập nhoạng và bao vây đám người đang mò tìm lỗ hổng rào. Một vài nhân viên công lực uể oải đuổi theo những kẻ đang nhảy rào ở phía xa. Người duy nhất tỏ ra hăng hái trong nhóm này là một gã thanh tra, tay vung vẩy cây gậy ngắn, mồm không ngừng hò hét, hết ra lệnh lại úy lạo binh sĩ.
“Bắt hết cả lũ! Mau, mau, mau! Không cho đứa nào thoát! Quay lại sân ga hết cho tao, lũ đầu trộm đuôi cướp kia! Thằng kia!” Lão vung gậy chỉ. “Nhanh nhanh cái chân lên! Bọn tao sẽ dạy cho chúng bay biết thế nào là đi lậu vé!”
Nỗ lực của hai người thợ may hòng báo với ai đó, bất kì ai, rằng thực ra họ có mua vé đã chìm nghỉm trong tiếng la hét và cảnh hỗn loạn. “Xin ngài, ngài sĩ quan, chúng tôi chỉ đi đường tắt thôi,” họ kêu van với bộ sắc phục đứng gần mình nhất, song đã bị lùa vào một đàn với những người còn lại. Người soát vé lúc lắc một ngón tay ra chiều chê trách khi dòng người bị bắt rồng rắn đi qua trước mặt ông ta.
Ra đến bên ngoài, các tù nhân bị dồn lên một chiếc xe tải của cảnh sát. Vài người cuối cùng được đôn lên bằng cửa đuôi xe. “Bọn ta toi rồi,” một người nói. “Tôi nghe nói theo luật Tình trạng khẩn cấp, đi lậu vé đồng nghĩa với một tuần ngồi khám.”
Trong suốt một giờ đồng hồ họ bị giữ trong xe tải, mồ hôi mồ kê chảy đầm đìa, trong khi gã thanh tra còn bận lo việc gì đó trong phòng vé. Rồi xe tải lăn bánh dọc con đường trước nhà ga, chiếc xe jeep của gã thanh tra hộ tống sau đuôi. Xe đi chừng mười phút thì rẽ vào một bãi đất trống. Đến nơi, cửa đuôi xe tải được mở ra.
“Đi ra! Tất cả ra hết! Ra, ra, ra!” Gã thanh tra quát, có vẻ nghiện nhai lại một từ ba lần, tay lão gõ cây trượng liên hồi vào bánh xe tải. “Đàn ông đứng bên này, đàn bà đứng bên kia!” Lão dàn hai nhóm thành một đội hình với mỗi hàng sáu người.
“Tất cả chú ý! Tay giữ chặt tai! Mau lên, nắm lấy! Nắm, nắm, nắm! Chúng bay còn đợi gì nữa? Giờ mỗi đứa sẽ đứng lên ngồi xuống năm mươi lần! Chuẩn bị, bắt đầu! Một! Hai! Ba!” Lão đi quanh các hàng, giám sát việc thực hiện và đếm số, thỉnh thoảng lại đột ngột quay đầu lại để thộp cổ những kẻ âm mưu giở trò. Nếu lão tóm được ai đang gian lận, hoặc không ngồi thụp hẳn xuống, hoặc buông tai ra, lão sẽ vụt cho một gậy để bắt họ làm cho tử tế.
“… bốn mươi tám, bốn mươi chín, năm mươi! Xong! Nếu tao còn bắt được chúng bay đi lậu vé lần nữa, tao sẽ cho chúng bay thấy ông bà ông vải luôn đấy! Giờ chúng bay có thể về nhà! Đi đi! Chúng bay còn chờ gì nữa? Đi, đi, đi!”
Trong chớp mắt, đám đông tản mát mỗi người một nơi, vừa đi vừa đùa bỡn về hình phạt và gã thanh tra. “Tay Rajaram ngu si,” Om nói. “Từ rày trở đi cháu sẽ không tin bất cứ thứ gì từ miệng hắn mà ra nữa. Xoay lấy cái phiếu thực phẩm đi, hắn bảo bác cháu ta, dễ lắm. Đi đường tắt này này, sẽ tiết kiệm được khối thời gian.”
“Ây dà, rồi cũng có sao đâu,” Ishvar hiền lành nói. Lúc còn ở nhà ga, ông đã bị một phen sợ mất mật. “Cháu xem, nhờ cảnh sát mà bác cháu ta đỡ phải cuốc bộ một đoạn, ta gần về tới nhà rồi đây này.”
Họ băng qua đường và đi về phía khu lều lán. Tấm pa-nô quen thuộc dần hiện lên trước tầm mắt, nhưng hình ảnh trên đó đã thay đổi. “Có chuyện gì thế nhỉ?” Om nói. “Bánh mì Phong cách mới với Bơ Amul biến đâu mất rồi?”
Các quảng cáo trên đã bị thay bằng hình thủ tướng đang hô hào: “Ý chí sắt đá! Làm việc chăm chỉ! Chúng ta sẽ đứng vững!” Đây là hình ảnh tinh túy nhất của khuôn mặt hiện đang sinh sôi nảy nở trên khắp thành phố qua những tấm áp phích. Đôi má bà được lột tả bằng màu hồng bợt bạt thường thấy trên các biển quảng cáo phim ảnh. Những phần khác của tấm chân dung còn phải gánh chịu lắm bất hạnh hơn nữa. Đôi mắt như gợi lên nỗi nhức nhối trước một cơn ngứa dữ dội đang hoành hành nơi bộ phận đầu não, quay quắt đòi được gãi cho thỏa. Tham vọng của họa sĩ muốn khắc họa một nụ cười nhân hậu cũng xôi hỏng bỏng không – sự giao thoa giữa một bên là nụ cười khinh miệt và bên kia là vẻ nghiêm nghị cay độc của một nữ sĩ quan huấn luyện đã lẻn vào giữa khuôn miệng. Và vạt tóc bạc trắng quen thuộc phía trên trán bà, khi đặt trên nền màu đen, lại rơi chụp xuống da đầu như vết phóng uế có tính toán của một loài chim cực lớn.
“Om, xem kìa. Trông mặt bà ta nhăn như khỉ ăn ớt ấy, giống hệt cháu những lúc cáu kỉnh.”
Om góp vui bằng cách nhại lại biểu cảm nọ, và phá ra cười. Khuôn mặt ngự trên cao tít tiếp tục truyền đi lời răn đe lạnh câm tới những đoàn tàu đang gầm rú ở một bên, và các xe buýt cùng xe hơi đang trườn đi trong những đám mây khí thải ở bên kia, còn hai người thợ may lại lê bước về với khu lều lán.
Anh chàng thu mua tóc thò đầu ra đúng lúc họ đang mở khóa cửa. “Hai ‘con’ hư quá, sao đến giờ này mới về,” anh ta cằn nhằn.
“Nhưng…”
“Không phải lo, chuyện vặt ấy mà. Thức ăn sẽ được hâm lại ngay đây. Tôi phải tắt tạm bếp vì rau bị héo quắt hết cả.” Anh ta biến vào trong lán rồi quay trở lại với cái chảo cùng ba cái đĩa. “Rau tẩm bột chiên và bánh chapatti. Và cả món masala wada chấm tương ớt xoài đặc sản của tôi, để mừng ngày làm việc đầu tiên của hai bác cháu.”
“Cậu vất vả vì hai bác cháu tôi quá,” Ishvar nói.
“Ôi, có gì đâu.”
Rajaram đun lại chỗ thức ăn trong khoảng một phút, rồi đưa cho mỗi người một chiếc đĩa với bốn món ăn sắp gọn ghẽ thành vòng tròn. Trong chảo vẫn còn lại khá nhiều. “Cậu nấu nhiều thế,” Ishvar nói.
“Hôm nay tôi kiếm cũng khá, thế nên tôi mua thêm ít rau. Cho bọn trẻ,” anh ta chìa khuỷu tay về phía cái lán sát vách bên kia. “Lũ con lão nát rượu lúc nào cũng đói.”
Trong lúc họ ăn, hai người thợ may kể lại vụ cảnh sát vây bắt dân đi lậu vé. Món quà là bữa tối đã làm mềm hẳn giọng điệu trách cứ mà Om tính sẽ sử dụng; thay vào đó, cậu kể lại sự việc như thể đó là chuyến phiêu lưu của một nhà du hành.
Rajaram giơ tay vỗ lên trán nom rất kịch. “Sao tôi lại ngu thế chứ lị – tôi quên tiệt mất là phải dặn hai bác cháu. Căn bản, vụ bắt bớ gần nhất cũng bao nhiêu tháng rồi.” Anh ta lại đập trán cái nữa. “Có người đi lậu vé cả đời thì chả sao.
Thế mà hai người lại bị tóm ngay ngày đầu tiên. Mà có mua vé hẳn hoi,” anh ta cười khùng khục.
Ngẫm ra sự trớ trêu, Ishvar và Om cũng cười phá lên theo. “Tại số đen thôi. Chắc là lại chính sách mới do Tình trạng khẩn cấp.”
“Rặt trò hề. Nếu trên muốn làm nghiêm thật, cớ sao gã thanh tra lại tha cho mọi người về?”
Rajaram vừa nhai vừa ngẫm nghĩ, rồi lấy cho mỗi người một cốc nước. “Có khi họ chẳng còn cách nào khác. Theo như tôi nghe được, thì nhà tù bây giờ chật cứng kẻ thù của thủ tướng – công nhân công đoàn, nhà báo, giáo viên, sinh viên. Chắc vì thế nên trong tù chả còn chỗ nào trống nữa.”
Giữa lúc ba người đang nghiền ngẫm về sự việc vừa qua, gần vòi nước bỗng rộ lên những tiếng thét sung sướng. Vòi đang bắt đầu kêu lọc xọc! Mà vào tận lúc khuya khoắt thế này! Ai nấy dán mắt vào miệng vòi, nín thở. Một vài giọt nhểu ra. Rồi một sợi nước mảnh. Cả xóm hò reo cứ như vừa thắng cá ngựa khi thấy nước chảy mạnh dần, rồi tuôn ồ ạt xối xả. Kì tích! Dân cư khu lều lán đồng loạt vỗ tay và hú hét vang dội.
“Chuyện này đã từng xảy ra một lần,” Rajaram nói. “Tôi nghĩ ở nhà máy nước đã có người sơ ý mở nhầm van.” “Họ nên sơ ý thường xuyên một chút,” Ishvar nói.
Các bà các cô đổ xô ra chỗ vòi nước để tận dụng cho bằng hết dòng nước trời cho. Những đứa bé trên tay họ ê a mừng rỡ khi dòng nước mát rượi dội xuống làn da dấp dính của chúng. Bọn lớn hơn sung sướng nhảy nhô nhảy nhếch xung quanh, say sưa trong những điệu múa vô thức, háo hức chờ một cơn mưa hào phóng thay vì những ca nước ít ỏi vào mỗi buổi sớm.
“Có lẽ ta cũng nên ra hứng nước luôn,” Om nói. “Sáng mai đỡ phải xếp hàng.”
“Đừng,” Rajaram ngăn. “Cho bọn trẻ con được thả dàn một tí. Ai mà biết đến bao giờ chúng mới lại gặp một dịp như thế này.”
Cuộc hội hè kéo dài chưa tới một tiếng; vòi nước ngừng bặt cũng đột ngột y như lúc mới chảy ra. Nhiều đứa đã xát xà phòng đợi sẵn, giờ đành phải lau người và tiu nghỉu lên giường đi ngủ.
Chỉ trong nửa tháng sau đó, tên trùm khu ổ chuột đã cho dựng thêm năm mươi ngôi lán xiêu vẹo trong cùng khu vực này, số này được Navalkar cho thuê hết chỉ trong một ngày, nhân số dân lên gấp đôi. Nay mùi hôi thối bốc lên từ con rãnh lẩn quẩn tối ngày trên những mái lán, dày còn hơn khói mù. Chẳng còn gì để phân biệt giữa khu lều lán nhỏ bé và cái ổ chuột khổng lồ ở bên kia đường nữa. Dòng người xếp hàng trước vòi nước phải nhận thêm những thành phần bất hảo. Chẳng buổi sáng nào thiếu lời chì tiếng bấc do chen hàng nhảy lối, rồi người này xô, kẻ kia đẩy, ẩu đả nổ ra, bình chậu bị lật, các bà các mẹ kêu choe chóe, còn lũ trẻ con khóc như ri.
Mùa mưa kéo đến, và ngay đêm đầu tiên mưa rơi xuống, hai người thợ may bị đánh thức vì mái lán dột đúng vào chỗ ngủ. Hai bác cháu ngồi co quắp ở góc lán khô ráo duy nhất. Nước đều đặn trút xuống thành dòng ngay bên cạnh họ, dần dà ru họ vào giấc ngủ. Rồi mưa ngớt dần. Lỗ dột biến thành những giọt tí tách trêu ngươi. Om bắt đầu nhẩm đếm số giọt rơi. Cậu đếm đến một trăm, một nghìn, mười nghìn, đếm, lại đếm thêm, rồi cộng dồn, dường như hi vọng mình có thể khiến chúng khô cạn nếu đạt đến một con số đủ lớn.
Đêm hôm ấy, hai bác cháu chẳng chợp mắt được mấy tí. Sáng hôm sau, Rajaram trèo lên mái để xem xét chỗ tôn mục. Anh ta giúp họ trải tạm một miếng nhựa, dù không đủ rộng, trùm lên chỗ dột.
Cuối tuần đó, được khích lệ bởi món tiền công vừa nhận từ Dina Dalal, Ishvar bèn lên kế hoạch cho một chuyến mua sắm nho nhỏ để kiếm một tấm nhựa lớn và vài món lặt vặt khác. “Cháu thấy sao, Om? Giờ ta đã có thể sửa sang lại ngôi nhà cho thêm phần tiện nghi rồi, phải không?”
Đáp lại lời đề nghị của ông chỉ là một bầu không khí im lặng ủ rũ. Họ dừng lại trước một quán vỉa hè bán bát, hộp bằng nhựa pô-li-ten, cùng đủ loại thìa dĩa. “Xem nào, nên mua đĩa và cốc màu gì đây?”
“Gì cũng được.”
“Lấy một cái khăn nhé? Cái màu vàng in hoa được không?”
“Gì cũng được.”
“Cháu có muốn một đôi dép mới không?”
Một câu “gì cũng được” nữa lại vang lên. Đến lúc này, Ishvar đã hết chịu nổi. “Mấy hôm nay cháu bị làm sao thế? Lúc ở nhà cô Dina, cháu không mắc lỗi nọ kia thì lại cự cãi. Cháu chẳng đoái hoài gì đến việc may vá. Bác hỏi gì, cháu cũng đáp gì cũng được. Cố lên một tí, Om, cố lên một tí.” Ông kết thúc sớm hành trình mua sắm, và hai bác cháu quay về cùng hai cái xô nhựa đỏ, một cái bếp Primus, năm lít dầu hỏa, và một gói hương que mùi hoa nhài.
Phía trước mặt, họ nghe thấy tiếng bập bung, bập bung quen thuộc phát ra từ chiếc trống cầm tay nhỏ của người dạy khỉ. Chùm chuông buộc dây nảy tưng tưng trên da khi anh ta xoay xoay cổ tay. Lúc này anh ta không màng gọi khách đến xem nữa, mà chỉ lo dắt phái đoàn của mình về nhà. Một trong hai con khỉ nhỏ lông nâu cưỡi vắt vẻo trên vai anh ta, con còn lại rảo bước theo, vẻ lơ đãng. Con chó gầy còm đi sau một quãng, hít hửi, rồi nhồm nhoàm nhai những tờ báo đã từng được dùng để gói thức ăn. Anh chàng dạy khỉ huýt sáo, và gọi “Tikka!”, con chó lai bèn co giò phóng lên.
Hai con khỉ bắt đầu nhảy vào trêu chọc Tikka, hết vò tai, lại xoắn đuôi, cấu dái. Con vật chịu nhịn hai kẻ hành hạ mình với một phong thái bình thản đứng đắn. Lệnh ân xá cho nó được ban xuống khi hai chiếc xô màu đỏ lủng lẳng trong tay Om hút hết sự chú ý của lũ khỉ. Chúng quyết định đi thám thính một phen, và nhảy tót vào xô.
“Laila! Majnoo! Thôi nào!” Chủ của chúng quát lên, đoạn giật mạnh sợi dây xích. Hai con vật bèn nhô đầu khỏi miệng xô.
“Không sao đâu,” Om nói, có vẻ khoái trò nghịch của chúng. “Cứ để chúng chơi một tí. Chắc chúng đã vất vả cả ngày rồi.”
Cả nhóm cùng đi bộ về khu lều lán, hai người thợ may, anh chàng dạy khỉ, và mấy con vật của anh ta, chân bước theo tiếng trống bập bung như thôi miên. Chả mấy chốc, Laila và Majnoo đã chán ngấy cái xô và chuyển sang leo trèo lên người Om, lúc ngồi ngật ngưỡng trên vai hoặc đầu cậu, lúc lại đu lên tay, hay ôm lấy chân. Cậu cười khanh khách trên suốt quãng đường về nhà, còn Ishvar mỉm cười hài lòng.
Vẻ tinh nghịch của Om lập tức biến mất ngay khi cậu chia tay với hai con khỉ. Một lần nữa, cậu lại chìm đắm trong nỗi u uất của bản thân, mắt lộ vẻ ghê tởm khi liếc về phía Rajaram, lúc này đang bận phân loại các túi tóc bên ngoài cửa lán. Các đống màu đen nho nhỏ nom hệt như một bộ sưu tập những cái đầu người bờm xơm.
Thấy hai bác cháu xách lỉnh kỉnh đủ món, Rajaram bèn khen. “Thấy hai bác cháu bắt đầu bước vào con đường dẫn đến giàu sang, tôi vui quá.”
“Nếu anh nghĩ đây là con đường dẫn đến giàu sang, anh nên sắm kính mà đeo là vừa,” Om đốp lại. Cậu bỏ vào trong lán và trải chăn chiếu ra nằm.
“Cậu ấy bị làm sao vậy?” Rajaram ngẩn ngơ hỏi.
“Tôi nghĩ nó bị mệt thôi. Này, tôi bảo, hôm nay anh phải ăn với bác cháu tôi mới được. Để mừng cái bếp mới.”
“Làm sao tôi nỡ từ chối những người bạn tốt như thế?”
Hai người cùng nấu nướng, rồi gọi Om ra ăn khi cơm nước đã dọn ra đâu vào đấy. Ăn được nửa chừng, Rajaram bỗng hỏi vay mười rupi. Lời thỉnh cầu khiến Ishvar ngạc nhiên lắm. Ông cứ đinh ninh rằng anh chàng thu mua tóc đang làm ăn khá lắm, suy từ cung cách chuyện trò nhiệt tình của anh ta trong nửa tháng vừa qua thì thấy.
Nỗi băn khoăn hiện cả lên mặt ông, vì Rajaram vội đế thêm: “Tôi sẽ hoàn lại sau một tuần, đừng lo. Công việc làm ăn dạo này hơi chững. Nhưng hiện nay vừa mới rộ lên một mốt tóc nữ mới. Rồi mọi người sẽ đua nhau cắt hết đuôi sam cho mà xem. Những bím tóc dài thượt ấy kiểu gì cũng rơi thẳng vào tay tôi.”
“Đừng nhắc đến tóc nữa,” Om nói. “Nghe đến đấy là bụng tôi lại đau.” Ăn uống xong, thay vì ngồi ngoài ngõ chuyện gẫu và hút thuốc cùng bác và anh hàng xóm, cậu nói mình bị đau đầu và bỏ đi ngủ.
Một tiếng sau, bác cậu chui vào lán và đứng nhìn gáy Om suốt một phút. Thằng bé tội nghiệp, đầu nó bị đè nặng bởi biết bao ký ức khủng khiếp. Ông nhòm vào và thấy mắt cậu vẫn mở trừng trừng. “Om à? Hết đau đầu chưa cháu?” Cậu rên lên và đáp chưa.
“Phải kiên nhẫn, Om ạ, rồi sẽ hết đau thôi.” Để làm cháu vui lên, ông tiếp lời: “Chắc rốt cuộc ngôi sao chiếu mệnh của bác cháu ta đã về đúng vị trí. Mọi việc đều đang xuôi chèo mát mái, phải không?”
“Sao bác có thể nhai đi nhai lại những thứ rác rưởi ấy? Chúng ta sống trong một túp lều rách nát, hôi thối. Công việc ta làm thật kinh khủng, mụ Dina ấy săm soi chúng ta như một con kền kền, bóc lột ta, bảo ta lúc nào mới được ăn, lúc nào mới được ợ.”
Ishvar thở dài; cháu ông lại đang sa lầy trong một khoảnh khắc u uất không gì cứu chữa nổi. Ông bèn châm lửa đốt hai que trong gói hương nhài. “Đốt cái này, nhà ta sẽ có mùi dễ chịu lắm. Cháu ngủ đi, sáng mai sẽ hết đau đầu thôi.”
Đến khuya, khi tiếng hát của anh chàng chơi đàn hơi dạo đã tắt và Tikka cũng thôi không sủa nữa, thì chính những tiếng động phát ra từ ngôi lán của người thu mua tóc lại tiếp tục khiến Om thao thức. Anh ta có khách. Một người phụ nữ khúc khích, rồi Rajaram phá lên cười hô hố. Chỉ ít phút sau, anh ta đã thở hổn hển, và những âm thanh đâm xuyên tấm vách gỗ dán giày vò tâm trí Om. Cậu tưởng tượng ra hai người bọn họ trần truồng giữa những bị tóc ghê rợn, uốn éo theo những tư thế gợi dục trên mấy tấm áp phích phim ảnh. Cậu nghĩ đến Shanti bên vòi nước, mái tóc sáng lấp lánh yêu kiều của nàng, chiếc áo nàng mặc căng chật khi nàng nâng chiếc bình đồng to nặng lên đầu, những việc cậu có thể làm với nàng trong những bờ bụi ven đường sắt. Cậu nhìn sang ông bác, lúc này đã ngủ say. Cậu trở dậy, lẻn ra bên vách lán, và thủ dâm. Vừa hay, người phụ nữ ở lán bên cũng lục tục ra về. Cậu núp trong bóng tối cho đến khi cô ta đi khuất hẳn.
Quá nửa đêm, cậu mới thiu thiu ngủ được một chút, thì lại bị đánh thức bởi những tiếng thét xé tai. Lần này Ishvar cũng vùng dậy. “Hai Ram! Có chuyện gì thế?”
Ra đến ngoài cửa, họ va phải Rajaram đang cười nhăn nhở vẻ thỏa mãn. Om quắc mắt nhìn anh ta, nửa đố kỵ, nửa kinh tởm. Mọi người ở tất cả các lều lán dọc con ngõ đều rầm rộ chui ra. Rồi người nọ truyền tai người kia, rằng có một chị phụ nữ trở dạ, thế là ai nấy lại quay về ngủ. Một lát sau, tiếng thét ngưng hẳn.
Sáng ra, họ nghe nói một đứa bé gái đã ra đời lúc tờ mờ sáng. “Bác cháu ta đến chúc mừng họ đi,” Ishvar rủ.
“Bác thích thì đi một mình đi,” Om cau có nói.
“Ây dà, đừng quạu quọ thế,” ông giơ tay xoa đầu thằng cháu. “Bác cháu ta sẽ tìm được một cô vợ cho cháu, bác hứa đấy.”
“Bác tự đi mà tìm cho mình, cháu không cần.” Cậu bèn né ra khỏi tầm với của bác và vớ lấy chiếc lược trên mặt thùng các tông để chải lại mái tóc.
“Hai phút nữa bác sẽ quay lại,” Ishvar nói. “Rồi ta sẽ cùng đi làm.”
Om ngồi trên bậu cửa, tay mân mê một mẩu vải voan cậu đã nhét vào túi hôm qua, nhặt từ chỗ vải vụn rơi vương vãi trên sàn nhà Dina Dalal. Cảm giác dễ chịu thật, như nước len lỏi giữa những ngón tay cậu – tại sao đời lại không được như thế, mềm mại và mượt mà? Cậu cầm nó mơn man lên má, mắt nhìn mấy đứa con nhà lão nát rượu chạy loăng quăng, lăn lê bò toài trong đám bụi đất cho qua thì giờ, chờ đến lúc mẹ dẫn đi ăn xin tiếp. Bỗng một đứa nhặt được một viên đá hình thù kì quái, nó bèn đem khoe với lũ anh chị em. Rồi cả bọn hò nhau đuổi theo một con quạ đang mổ cục gì đó đã thiu thối. Con vật gan lì không thèm bay đi, mà nhảy lách chách, rồi lượn vòng, tìm về với miếng mồi đã rữa nát và mang thêm niềm vui cho lũ trẻ. Sao chúng có thể vui sướng đến thế? Om tự hỏi – dơ dáy và trần truồng, đói ăn, lở loét đầy mặt, chốc ghẻ khắp thân. Ở cái chốn khốn cùng này đâu có thứ gì đáng để bất cứ ai vui cười?
Cậu nhét mẩu vải voan trở lại túi và cất bước về phía lán của anh chàng dạy khỉ. Laila đang chải lông cho Majnoo, cậu bèn ngồi xuống xem. Một phút sau, hai con vật đã trèo lên vai cậu, lùa những ngón tay mảnh khảnh bé xíu như tay trẻ sơ sinh vào tóc cậu.
Thấy Om không tỏ vẻ gì là khó chịu, anh chàng dạy khỉ mỉm cười và để mặc lũ khỉ nghịch ngợm. “Chúng cũng làm thế với tôi đấy,” anh ta nói. “Như thế tức là chúng thích cậu. Cách tốt nhất để giữ sạch tóc đấy.”
Laila tìm thấy thứ gì đó trong tóc Om và giơ nó lên để săm soi. Majnoo bèn giật phắt lấy từ tay bạn rồi nhét luôn vào mồm mình.
Om chọn một chiếc Hercules màu đen ở cửa hàng cho thuê nằm trên quãng đường đến căn hộ của Dina Dalal. Trên bánh sau của chiếc xe có lắp một cái gác-ba-ga đệm lò xo nom rất hoành tráng, còn nơi ghi đông ngự một quả chuông to đùng sáng loáng.
“Nhưng cháu cần xe đạp làm gì?” Ishvar gặng hỏi. Cháu ông chỉ mỉm cười ranh mãnh trong khi ông chủ cửa hàng lúi húi chỉnh độ cao của chiếc yên bằng một cái cờ lê dẹt.
“Cũng đã được một tháng kể từ ngày bác cháu ta bắt đầu làm việc cho cô ta,” Om nói. “Thế là đủ rồi, cháu đã có kế hoạch.” Hai cái bánh xe mới bơm căng vẫn vững vàng trước những ngón tay nắn bóp thăm dò của Om. Cậu bèn dắt nó ra đường cái. “Hôm nay là ngày cô ta phải đến công ty xuất khẩu, đúng không? Cháu sẽ đạp xe bám theo xe tắc xi của cô ta.” Đoạn, nhẹ nhàng vòng một chân qua yên xe, cậu lái đi.
“Cẩn thận,” Ishvar gọi với theo. “Đường đông lắm đấy, không phải như ở làng ta đâu.” Ông rảo chân chạy bên lề đường, cố bắt kịp thằng cháu. “Kế hoạch hay đấy, Om ạ, nhưng cháu còn quên một điều – cánh cửa khóa. Cháu định ra khỏi nhà kiểu gì?”
“Bác cứ chờ khắc biết.”
Buông chân cho xe lướt đi cạnh bác, Om phấn khích lắm. Hai thanh chắn bùn rung lạch xạch, còn phanh xe khá rít, mặc dù quả chuông còn tốt nguyên. Tinh-tinh, tinh-tinh, ngón tay cái của cậu bấm dồn, tinh-tinh. Tự tin dâng lên bừng bừng, cậu lao vào dòng xe cộ trên chiếc xe đạp rộn rã tiếng chuông, trên những bánh xe sẽ giúp cải hóa tương lai.
Cậu đánh xe về khoảng không an toàn sát lề đường, lúc ấy Ishvar mới thở phào nhẹ nhõm. Âm mưu của nó thật ngớ ngẩn, song ông mừng khi thấy thằng cháu vui sướng đến thế. Ông nhìn nó lắc lư ghi đông xe, hết hướng sang trái lại quay qua phải, và đạp ngược lại, để xe không vọt lên. Om ngồi trên yên, phô diễn một điệu múa tinh vi, điệu múa giữthăng-bằng-khi-đi-xe-đạp-chậm. Ishvar thầm mong thằng cháu sẽ sớm từ bỏ những ý tưởng điên rồ và biểu diễn điệu múa nhọc nhằn may-cho-bà-chủ với sự khéo léo y như thế.
Nghe Om giục, Ishvar bèn ngồi lên gác-ba-ga phía sau yên xe. Ông ngồi lệch một bên, chân buông thõng. Hai bàn chân ông chỉ còn cách mặt đất dăm phân, đôi xăng đan thỉnh thoảng lại quét xuống mặt đường, hai bác cháu lướt đi. Niềm lạc quan của Om rung lên theo cơn mưa tinh-tinh tuôn trào từ quả chuông. Trong khoảnh khắc, thế giới thật hoàn hảo.
Chỉ lát sau, hai người thợ may đã đến gần góc phố có người ăn mày đang lăn chiếc bệ gỗ tới lui. Họ dừng lại để vứt cho ông ta một xu. Đồng xu gõ một tiếng keng trong chiếc ống bơ rỗng.
Họ giấu chiếc xe đạp cách xa cửa nhà Dina Dalal một khoảng an toàn, trong một gầm cầu thang chăng đầy mạng nhện, nồng nặc mùi nước đái và rượu quê. Xích xe vào một ống dẫn ga bỏ không xong xuôi, họ chui ra, luôn tay phủi những sợi tơ vô hình bám trên tay và mặt mình. Bóng ma của lũ mạng nhện vẫn tiếp tục quấy rối họ mất một lúc nữa. Những ngón tay của họ không ngừng quay lại trán và cổ, cố gạt đi những sợi tơ không hề có mặt ở đó.
Ngón tay Dina di động như những chú bướm yểu điệu, gập gọn từng chiếc váy để chuẩn bị giao cho Công ty Xuất khẩu Au Revoir. Cô kiểm lại bộ mẫu may bằng giấy để đảm bảo không thiếu một tờ nào. Bà giám đốc lúc nào cũng đay đi đay lại về tầm quan trọng của chúng. “Phải bảo vệ các mẫu may giấy bằng chính mạng sống của cô,” bà Gupta luôn bảo. “Nếu chúng rơi vào tay kẻ xấu, cả công ty tôi sẽ đi đời nhà ma đấy.”
Dina thấy chuyện đó có phần phóng đại. Dẫu vậy, khi xếp lại những mảnh giấy nâu vẽ hình thân áo, tay áo, cổ áo, cô không thể dứt nổi cảm giác chính thân, tay, cổ của mình đang bị đe dọa. Gần đây, cô nhận thấy có gì đó rất trịch thượng trong thái độ của bà Gupta, như thể bà ta đã phát hiện ra địa vị xã hội của đôi bên không cân xứng. Bà ta không còn rời khỏi bàn làm việc để chào cô hoặc tiễn cô về nữa, cũng không mời cô uống trà hay một chai Fanta.
Ngón tay cô bồn chồn quay về với chồng váy, nhặt ngẫu nhiên một chiếc lên, rồi săm soi đường may cùng đường viền của nó. Liệu lô váy này có vượt qua cuộc sát hạch của bà ta không? Bao nhiêu chiếc sẽ bị loại? Hai người thợ may thiên thần nay đã sa vào cảnh lầm đường lạc lối; sự chểnh mảng đang tác oai tác quái trong những sản phẩm của họ.
Từ góc mình ngồi, Om nhìn Dina hoàn tất cuộc trình diễn hàng tuần của nỗi bực dọc. Tâm trí của cậu riết róng thúc giục bản thân: thời cơ đã đến.
Là lúc này đây.
Cô đóng sập nắp túi xách lại.
Cậu bèn đưa mũi kéo chọc thẳng vào ngón tay trỏ của mình.
Cơn đau, buốt nhói hơn dự tính, khiến cậu giật nảy mình. Cậu cứ ngỡ một cơn đau được trù tính trước sẽ bớt trầm trọng hơn, cũng giống như một niềm vui được trù tính trước. Dòng máu phun ra thành những tia cầu vồng đỏ ối trên nền vải voan vàng.
“Ôi trời đất ơi!” Dina kêu lên. “Cậu vừa làm gì thế!” Cô nhặt vội một miếng vải vụn dưới đất và bịt vào vết thương. “Giơ tay lên, giơ cao vào, không máu sẽ chảy nữa đấy.”
“Hai Ram!” Ishvar kêu lên, đoạn gỡ cái váy vấy máu khỏi chân vịt của chiếc máy Singer. Đúng lúc ông nghĩ thằng cháu đã khá lên, thì nó lại bị thế này. Nỗi ám ảnh muốn tìm ra công ty xuất khẩu bằng được của nó thật không tốt lành gì.
“Mau lên, nhúng cái váy đấy vào xô đi,” Dina nói. Cô lấy lọ cồn benzoin trong hộp sơ cứu ra và bôi bừa lên vết thương. Chỗ đứt không trầm trọng như cô tưởng khi mới thấy máu phun ra. Cô bèn tự cho phép mình được giải khuây chút đỉnh với một câu quở mắng.
“Cái cậu này, sơ ý đến thế là cùng! Cậu tính làm gì thế hả? Đầu óc để đi đâu đấy? Người ngợm gầy gò thế, mất ngần ấy máu thì sao chịu nổi. Sao cậu làm gì cũng hấp tấp, nóng nảy làm vậy?”
Vẫn chưa hết bàng hoàng trước những gì chiếc kéo của mình vừa làm được, Om chỉ có thể đáp trả bằng một cái quắc mắt yếu ớt. Cậu thích mùi hương hăng hăng của thứ chất lỏng nâu sánh đang bao phủ ngón tay mình. Khi dòng máu đã cầm bớt, chỉ còn nhỏ giọt, cô lấy một miếng bông quấn chặt quanh vết thương.
“Ngón tay của cậu làm tôi muộn mất rồi. Bà giám đốc sẽ cáu lắm đây.” Cô không đả động gì đến giá tiền của chiếc váy dính máu. Tốt hơn hết là chờ xem miếng vải voan có gột sạch được không rồi hẵng bàn đến chuyện đền bù. Cô ôm lô váy ra cửa và nhấc chiếc khóa lên.
“Đau quá,” Om kêu. “Tôi muốn đi bác sĩ.”
Giờ thì Ishvar đã hiểu: cuộc va chạm giữa cây kéo và ngón tay là một phần trong kế hoạch ngu ngốc của cháu ông.
“Vết thương này mà phải đi bác sĩ? Đừng trẻ con thế,” cô nói. “Chỉ cần nghỉ ngơi một tí, để tay giơ lên, cậu sẽ thấy khỏe lại thôi.”
Om nhăn mày nhíu mặt lại thành những bức biếm họa về nỗi đau. “Cứ nghe lời cô mách, nhỡ ngón tay của tôi thối ra rồi rụng luôn thì sao? Tội nợ đâu đều tại cô hết, chắc luôn.”
Cô ngờ rằng vở diễn này được cậu bày ra hòng trốn phần việc buổi chiều, song nó vẫn gieo một cái hạt giống bất nhẫn trong đầu cô. “Tôi chỉ lo là… thôi, cậu muốn thì cứ đi đi,” cô nói cộc lốc.
Cô có cảm giác, áp lực từ việc phải đối phó với hai bác cháu nhà này, cung cách làm việc luộm thuộm, đầu óc ngu độn của họ, đang giết dần giết mòn cô. Sớm muộn gì bà Gupta cũng sẽ chấm dứt giao kèo này. Vấn đề duy nhất còn lại là, cái gì sẽ biến đi trước, hai người thợ may hay sức khỏe của cô? Cô mường tượng ra cảnh hai cái vòi nước rò; một vòi có chữ Tiền, vòi kia, mang chữ Trí. Và cả hai vòi đang nhất loạt nhỏ nước tong tỏng.
Cảm ơn trời là Maneck Kohlah sẽ đến vào ngày mai. Chí ít khoản tiền trọ và tiền cơm của cậu cũng là món thu nhập được đảm bảo một trăm phần trăm.
Om đứng nhìn từ xa, giơ cao ngón tay đứt cho đến khi Dina đã yên vị bên trong chiếc tắc xi. Thế rồi, được khích lệ bởi mùi vị của thành công, cậu co cẳng chạy ra chỗ giấu xe.
Đến khi cậu mở khóa xe xong và dắt nó ra khỏi gầm cầu thang, chiếc tắc xi đã biến mất. Cậu phóng ra ngõ và – kia rồi, nó đang đứng chờ trước đèn đỏ.
Cậu bám theo, ghìm xe cách đó hai xe ô tô. Giữ cô trong tầm mắt cậu cũng quan trọng chẳng kém gì giữ cậu khỏi tầm mắt cô. Cậu tăng tốc, rồi giảm tốc, núp sau những chiếc xe buýt, nhảy từ làn nọ sang làn kia như một con quỷ. Các xe hơi rú còi phản đối inh ỏi. Người đi đường chửi bới cậu, múa may đủ thứ cử chỉ bậy bạ. Cậu buộc phải lờ tất, bởi chiếc tắc xi và chiếc xe đạp đòi hỏi cậu phải tập trung toàn bộ trí lực.
Tin chắc rằng mình sắp tìm ra điểm đến, toàn thân cậu run lên. Đó là một cảm giác hồi hộp kì quái, cơn kích động của kẻ săn đuổi hòa lẫn với nỗi hoảng hốt của kẻ bị săn đuổi.
Con phố hòa vào đường lớn, và xe cộ giờ đã đông hơn, vừa hỗn độn vừa hung hãn, kinh khủng hơn bất kì thứ gì cậu đã từng phải đối mặt. Chỉ sau vài phút cậu đã thở hồng hộc trong tuyệt vọng. Chiếc taxi biến mất rồi lại hiện ra đến gần chục lần, càng lúc càng bứt xa dần. Hàng chục con Fiat cũng sơn màu vàng và đen giống y sì đúc giễu từng đàn khắp phố phường, chiếc đồng hồ công tơ mét kềnh càng nhô ra bên sườn trái mỗi chiếc, không làm cho nhiệm vụ của cậu dễ dàng hơn chút nào.
Trong lúc bối rối, Om bắt đầu mất bình tĩnh. Cuốc xe ngắn ngủi hồi sáng từ nhà ga về nhà không đủ chuẩn bị cho cậu đối mặt với cảnh cuồng loạn của giao thông buổi trưa. Nó cũng hệt như nhìn thấy những loài động vật hoang dã lờ đờ trong các chuồng thú, rồi phải gặp chúng giữa nơi rừng hoang núi thẳm. Trong một nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng, cậu lách vào giữa hai chiếc xe hơi và bị hất tung khỏi xe.
Những người đứng trên vỉa hè đều thét lên.
“Ối làng nước ơi! Thằng bé khốn khổ toi đời rồi!”
“Bị cán chết rồi!”
“Cẩn thận, chắc xương cậu ta gãy rồi!”
“Bắt lấy thằng lái xe! Đừng để nó thoát! Tẩn cho thằng khốn một trận!”
Ngại ngùng vì đã lỡ khuấy động quá nhiều sự quan tâm không cần thiết, Om đứng dậy, kéo lê chiếc xe đạp theo sau. Khuỷu tay cậu bị xước, một bên đầu gối thâm tím, nhưng về cơ bản vẫn lành lặn.
Giờ đến phiên người tài xế. Ông ta hùng hổ chui ra khỏi xe, nơi mà vừa mới đây ông ta còn ngồi rúm ró. “Mắt mũi để đi đâu đấy?” Ông ta quát lên. “Mày không nhìn thấy đường à? Mày làm hư hại tài sản của người ta rồi, thấy chưa!”
Một tay cảnh sát chạy đến và hỏi han các hành khách ngồi trên xe bằng giọng ân cần nhất trần đời. “Mọi người có sao không, thưa ngài?” Om nhìn lảng đi, phần choáng váng, phần sợ hãi. Liệu những kẻ gây tai nạn có bị tống vào tù không? Ngón tay cậu lại bật máu, giần giật như điên.
Một người đàn ông diện bộ âu phục kiểu đi săn màu đỏ son đang ngồi tịt ở ghế sau xe bỗng xỉa ví ra. Ông ta giúi cho tay cảnh sát ít tiền, rồi ra hiệu cho gã tài xế tới gần cửa sổ. Gã tài xế bèn nhét thứ gì đó vào tay Om. “Thôi đi đi! Cẩn thận kẻo có ngày chú mày làm chết người đấy! Trời cho đôi mắt thì phải dùng chứ!”
Om nhìn xuống thứ đang nằm gọn trong lòng bàn tay run rẩy của mình: năm mươi rupi.
“Mau lên, thằng dở hơi kia!” Tay cảnh sát quát. “Dựng xe lên để lấy đường cho người ta đi nào!” Đoạn hắn vẫy cho chiếc ô tô đi qua với tư thế chào hỏi cung kính nhất dành cho VIP.
Om dắt chiếc xe đạp vào lề đường. Chiếc ghi đông bị nghiêng lệch hẳn đi, hai thanh chắn bùn còn rung lắc dữ dội hơn cả trước đó. Cậu phủi bụi bám trên quần, đoạn săm soi mấy vết dầu mỡ đen sì bám trên cổ tay áo.
“Lão cho cậu bao nhiêu?” Có người trên vỉa hè hỏi.
“Năm mươi rupi.”
“Cậu đứng dậy sớm quá,” ông ta nói, lắc lắc đầu ra chiều chê trách. “Đừng bao giờ đứng dậy vội thế. Cứ nằm im mà la hét rên rỉ ác vào. Gọi bác sĩ, gọi cứu thương, quát, thét, gì cũng được. Với một vụ như thế này, bét ra cậu có thể moi được hai trăm rupi ấy chứ.” Ông ta phát biểu như một chuyên gia; cái khuỷu tay trật khớp buông thõng ở một bên sườn chẳng khác nào một thứ giấy chứng nhận.
Om nhét tiền vào túi. Cậu kẹp chặt bánh trước giữa hai chân và xoay chiếc ghi đông thật lực cho đến khi nó thẳng thớm trở lại. Cậu dắt chiếc xe vào một con ngõ, bỏ mặc đám đông tiếp tục phân tích bình luận về tai nạn của cậu.
Trở lại nhà Dina cũng vô ích, chiếc khóa sẽ treo lủng lẳng trên cửa, đen sì và nặng nề, như cái bìu đã mất của một con bò thiến. Cậu cũng ngại không muốn trả xe sớm – hai bác cháu đã thanh toán trước tiền thuê một ngày. Cậu ước gì sáng nay mình đã nghe lời bác. Song kế hoạch dường như rất hoàn hảo khi cậu mường tượng ra từng chuỗi sự kiện, chúng tỏa ngời thành công, như ánh nắng lung linh phản chiếu trên ghi đông chiếc xe. Tưởng tượng quả là thứ nguy hiểm.
Đến chỗ xe cộ đỡ đông hơn, cậu mới ngồi lên xe, và đạp theo con đường dẫn ra biển. Không phải sắm vai con mồi hay kẻ đi săn nữa, giờ cậu có thể thoải mái tận hưởng cuốc xe. Chợt cậu nghe thấy tiếng chuông leng keng của một người bán kẹo bông ngoài cổng trường. Cậu dừng lại và nheo mắt nhìn xuyên cái thùng kính treo trên cổ người đàn ông, và lờ mờ nhìn thấy những quả bóng bông màu hồng, vàng, xanh qua phần mặt kính sạch nhất.
“Bao nhiêu?”
“Hai nhăm paisa[29] một chiếc. Hoặc cậu có thể chơi xổ số với giá năm mươi paisa một lượt – giải thưởng là từ một tới mười chiếc.”
Om trả tiền và sục tay vào chiếc túi đựng thăm bằng giấy nâu. Mẩu giấy cậu bốc được có vẽ hai vạch xiêu vẹo.
“Màu gì?”
“Một hồng, một vàng.”
Người bán tháo cái nắp tròn ra và thò tay vào bên trong thùng. “Không phải cái đấy, cái bên cạnh cơ,” Om chỉ.
Mớ bông ngọt ngào tan chảy trong miệng cậu trong nháy mắt. Chắc chắn ta đã lấy được cái kẹo hồng to hơn, cậu thầm nghĩ, lấy làm khoái chí lắm. Cậu lấy ra một tờ mười rupi trong mớ năm tờ tiền khô giòn. Người bán bèn quệt ngón tay lên dải dây đeo ở cổ rồi mới nhận lấy tiền. Om nhét nắm tiền thừa vào túi rồi tiếp tục đi ra biển.
Ra tới biển, cậu dừng lại để đọc cái tên khắc dưới một bức tượng tạc bằng đá đen cao lớn. Tấm bảng nói ông là Người bảo vệ Nền dân chủ. Om đã học về ông trong giờ lịch sử, bài về Cuộc đấu tranh giành độc lập. Tấm ảnh trong sách lịch sử trông đẹp hơn tượng, cậu kết luận. Dựng xe đạp bên bệ tượng, cậu ngồi nghỉ dưới bóng râm của bức tượng. Bốn phía bệ tượng dán đầy các áp phích ca tụng những điểm ưu việt của chính sách Tình trạng khẩn cấp. Khuôn mặt bắtbuộc-phải-có của bà thủ tướng nổi lên đập vào mắt. Những dòng chữ nhỏ giải thích tại sao những quyền cơ bản lại bị đình chỉ tạm thời.
Cậu nhìn hai người đàn ông đang ép nước mía trong một quán dựng trên bờ cát. Một người đút mía vào giữa hai bánh ép, còn người kia xoay tay quay. Người thứ hai cởi trần, cơ bắp dồ lên, làn da bóng mướt mồ hôi khi anh ta gắng sức vận hành chiếc máy. Phần việc của người này nặng hơn hẳn, Om nghĩ, và cậu hi vọng hai người thay phiên nhau làm, nếu không, đó không phải mối hợp tác công bằng.
Thứ nước vàng óng sủi bọt khiến miệng cậu tứa nước miếng. Tuy trong túi có tiền, song cậu lại do dự. Mới đây, cậu nghe ở chợ người ta kháo chuyện về một quán nước mía đã ép một con thằn lằn cùng mía. Chỉ là tai nạn thôi, họ bảo – có lẽ lúc ấy con vật đang luồn lách trong ruột máy, liếm láp những trục cùng bánh răng dính nước đường, song rất nhiều khách hàng đã bị ngộ độc.
Lũ thằn lằn bị ép thành nước không thôi ngụp lặn trong tâm trí Om, choán hết hình ảnh những cốc nước vàng sánh. Kết quả là bọn thằn lằn thắng cuộc, đè bẹp mọi nỗi thèm muốn đối với món giải khát nọ. Thay vào đó, cậu mua một đẵn mía, nhờ người bán tước và chặt thành mươi khẩu. Cậu nhai từng khẩu ngon lành, mút sạch nước ngọt của chúng. Cậu nhổ từng mồm bã thành một đống gọn ghẽ dưới chân tượng. Chẳng mấy chốc hàm cậu đã mỏi nhừ, song cơn ê ẩm cũng khiến cậu thỏa mãn hệt như vị ngọt.
Những mẩu xác mía khô kiệt thu hút sự chú ý của một con mòng biển hiếu kì. Lần nhổ bã tiếp theo, cậu nhắm về phía con chim. Nó nhảy nhót né tránh viên đạn, rồi mổ lấy mổ để chút bã còn ẩm ướt, xới tung tóe ngọn đồi bã mía nhỏ xinh mới hình thành trước khi quay đi với vẻ khinh bạc.
Om vứt cho nó khẩu mía cuối cùng, vẫn còn nguyên vẹn. Niềm hứng thú của con chim lại được phục hồi. Nó lật đi lật lại khẩu mía, không dám tin mỏ của mình đang được tung hứng một khúc mía thật.
Một đứa bé bụi đời đuổi con mòng biển đi và vồ lấy cái phần thưởng. Nó đem khẩu mía ra quán nước và rửa sạch đất cát bám trên đó trong xô nước mà hai người đàn ông tráng cốc bẩn. Om thẫn thờ nhìn con bé gặm khẩu mía. Cậu ước mình có thể cùng tới đây với cô gái đáng yêu tóc lấp lánh. Shanti. Cậu sẽ mua cơm cháy trộn và mía cho cả hai. Họ sẽ ngồi trên bờ cát và ngắm sóng. Rồi mặt trời lặn, gió nổi lên, hai người sẽ nép sát vào nhau. Họ sẽ ngồi bên nhau, vòng tay ôm nhau, và sau đó, chắc chắn…
Mải mơ mộng, cậu ngủ thiếp đi tự lúc nào. Khi cậu tỉnh dậy, mặt trời vẫn chiếu sáng gay gắt, và chói chang trong mắt cậu. Thời gian thuê xe vẫn còn một tiếng rưỡi nữa, nhưng cậu quyết định đem trả.
Ishvar đoan chắc thằng cháu đã đạt được mục đích, nếu cái điệu bộ vô lo toe toét mà nó đeo vào mặt khi ngồi xuống trước chiếc Singer được tính là tín hiệu.
Dina, đã về đến nhà từ trước đó mấy tiếng, bắt đầu rầy la cậu. “Thế đấy, chỉ giỏi phí thời giờ thôi. Cậu vừa đi tua vòng quanh thành phố đấy à? Bác sĩ của cậu ở đâu thế, ở cực nam Sri Lanka à?”
“Phải, thần Hanuman đã mang tôi bay qua bầu trời,” cậu đáp, tự hỏi không biết lúc nãy cô có nhìn thấy mình cưỡi xe đạp không.
“Anh chàng này ăn nói càng lúc càng sắc sảo nhỉ.”
“Quá sắc ấy chứ,” Ishvar nói. “Nếu không cẩn thận, nó lại tự làm mình đứt tay thêm lần nữa cho mà xem.”
“Thế ngón tay sắp thối của cậu sao rồi?” Cô móc máy.
“Nó đã rụng chưa?”
“Cũng đỡ. Bác sĩ đã xem rồi.”
“Tốt. Vậy thì làm việc đi. Chịu khó động chân một tí, có nhiều váy mới lắm.”
“Làm ngay đây, thưa cô.”
“Ối trời. Không càu nhàu gì ư? Chả biết ông bác sĩ kê cho cậu thuốc gì, nhưng tốt thật đấy. Sáng nào cậu cũng nên uống một liều.”
Thật không ngờ, giờ cuối cùng trong ngày, thường là giờ khó chịu nhất, lại trôi qua trong tiếng cười đùa. Tại sao không phải ngày nào cũng được như vậy, Dina thầm ước. Trước khi hai bác cháu ra về, cô bèn nhân lúc họ vui vẻ để nhờ chuyển một phần đồ đạc từ phòng ngủ của cô sang phòng may.
“Cô định bày biện lại cả căn hộ à?” Ishvar hỏi.
“Chỉ phòng này thôi. Tôi phải chuẩn bị cho khách trọ.”
“À, cậu sinh viên,” Om nhớ lại. Họ cuốn chiếc đệm trải giường lên, rồi khiêng khung cùng giát giường vào, sau đó thay đệm. Hai chiếc máy Singer, ghế đẩu, bàn làm việc được xếp san sát lại với nhau để lấy không gian. “Bao giờ cậu ấy tới?”
“Tối mai.”
Cô ngồi một mình trong phòng may sau khi hai bác cháu đã ra về, ngắm những nhúm tơ và sợi vải bay lơ lửng trong ánh sáng đèn điện. Những tấm vải hồ nặng bột lấy từ xưởng Au Revoir hòa lẫn vị ngọt vải vóc giả tạo của nó với mùi mồ hôi và thuốc lá của hai người thợ may. Những lúc sự hiện diện sôi nổi của họ choán ngập căn phòng, cô rất thích mùi này. Nhưng nó lại khiến cô trầm uất khi những buổi tối trống tênh kéo về, khi có gì đó chua cay thở hắt ra từ từng súc vải, khiến bầu không khí như quánh lại, ngập ngụa trong những ý nghĩ tăm tối về những nhà máy nhếch nhác, những người công nhân lao phổi, những mảnh đời u ám. Cảm giác trống rỗng của chính cuộc đời cô trào lên quay quắt nhất trong những giờ phút ấy.
“Thế. Tên của công ty đó là gì?” Ishvar hỏi.
“Cháu không biết.”
“Địa chỉ?”
“Cháu không biết.”
“Vậy thì sao lại hớn hở thế? Kế hoạch ma mãnh của cháu chả đem lại lợi ích gì sất.”
“Kiên nhẫn, phải kiên nhẫn,” cậu nhại giọng ông bác. “Nó có đem lại một thứ đấy.” Cậu xòe nắm tiền ra và thuật lại cuộc phiêu lưu hồi chiều của mình.
Ishvar cười phá lên. “Những chuyện như thế chỉ có thể xảy ra với mình cháu.” Cả hai bác cháu đều không tỏ vẻ gì là thất vọng – có thể là do món tiền trời cho, hoặc cảm giác nhẹ nhõm mà thất bại này mang lại: biết đâu việc tìm ra công ty xuất khẩu lại dẫn đến nhiều lựa chọn khó khăn.
Khi họ về tới nhà, một Phòng khám Kế hoạch hóa Gia đình lưu động đang đỗ lại bên ngoài khu lều lán. Phần đông dân cư khu ổ chuột sinh con đẻ cái rất khỏe. Các nhân viên y tế đang phát bao cao su miễn phí cùng tờ rơi nói về các biện pháp kiểm soát sinh sản, giải thích những quyền lợi đi kèm dưới dạng tiền mặt hoặc ưu đãi.
“Có lẽ cháu nên làm phẫu thuật,” Om nói. “Kiếm cái đài Bush chơi. Mà sau đó xoay thêm cái phiếu thực phẩm cũng chả khó gì.”
Ishvar bèn bợp cho thằng cháu một cú ra trò. “Đừng có đem mấy chuyện đấy ra đùa!”
“Sao ạ? Cháu sẽ không bao giờ lấy vợ đâu. Như thế chẳng thà kiếm lấy cái đài.”
“Mày sẽ lấy khi nào bác bảo lấy. Không có tranh cãi gì sất.
Mà một cái đài bé tí thì có gì hay ho chứ?”
“Thời nay ai chả có một cái.” Cậu đang tưởng tượng ra hình ảnh Shanti ngồi trước biển, ánh chiều nhạt dần, còn chiếc đài của cậu dạo những khúc nhạc ru tai họ.
“Thế nếu mọi người đua nhau lao đầu xuống giếng, mày cũng lao theo phỏng? Học được lối ở thành phố rồi cơ đấy – quên tiệt kiểu cách thị trấn khiêm tốn, đứng đắn của bọn ta rồi.”
“Nếu bác không muốn cháu làm phẫu thuật thì bác làm đi.”
“Thằng mất dạy. Muốn bác đem của quý ra đổi lấy một cái đài vớ vẩn hử?”
“Ôi dào, không phải đâu, họ không đòi cắt của quý của bác đâu. Bác sĩ chỉ cắt một cái ống bé tí ở bên trong thôi. Bác còn chả cảm thấy gì cơ.”
“Không ai được động dao động kéo với hai quả cà của bác hết. Mày thích đài chứ gì? Chịu khó mà làm việc cho cô Dina, kiếm lấy ít tiền.”
Rajaram từ đâu mò tới, chìa ra mấy cái bao cao su anh ta được cho ở chỗ phòng khám. Mỗi người được phát bốn cái, anh ta bèn hỏi hai bác cháu ra xin phần của mình rồi đem cho anh ta được không, nếu họ không dùng đến. “Ai biết khi nào xe mới lại qua đây nữa?” Anh ta nói.
“Anh chăm phịch đến thế kia à?” Om nói, miệng cười nhưng ghen tức đầy bụng. “Định làm bác cháu tôi mất ngủ cả đêm đấy phỏng?”
“Thằng mất dạy,” Ishvar chửi và giơ tay đánh cháu, nhưng cậu đã kịp chạy tót đi chơi với lũ khỉ.
Dina đọc lại lá thư của bà Kohlah gửi cùng tờ séc tiền nhà được ghi lùi ngày đến đúng hôm Maneck dọn tới. Ba trang giấy ghi toàn những hướng dẫn liên quan đến cách thức chăm bẵm vỗ về cậu quý tử của Aban Kohlah. Có cả các mẹo làm bữa sáng cho cậu: trứng phải được tráng ngập bơ vì cậu không thích ăn phần cháy cạnh bị dính vào đáy chảo; trứng bác phải mềm và xốp, sữa chỉ được đổ vào khi đến công đoạn cuối cùng. “Lớn lên trong bầu không khí miền núi trong lành của quê mình,” bức thư viết, “nên thằng bé ăn khỏe lắm. Nhưng đừng cho nó ăn quá hai quả trứng, kể cả nó có đòi đi nữa. Nó phải học cách ăn uống điều độ.”
Về việc học hành, Aban Kohlah viết rằng “Maneck là một thằng bé chăm ngoan, học giỏi, nhưng đôi khi hơi mất tập trung, nhờ cậu nhắc nó làm bài mỗi ngày.” Thêm nữa, thằng bé rất kĩ tính về chuyện ăn mặc, quần áo phải được hồ bột và ủi phẳng; một chiếc dhobi sạch đẹp là thứ không thể thiếu để giúp thằng bé có cảm giác tự tin. Và Dina có thể gọi nó là Mac cho thân mật, vì đó là tên cả nhà thường hay dùng với nó.
Dina khịt mũi và cất lá thư đi. Trứng tráng ngập bơ, thế cơ! Và một chiếc dhobi sạch đẹp, lạy hồn! Rặt những thứ ngớ ngẩn các bậc phụ huynh tự gán cho con mình. Khi chàng trai ghé qua hồi tháng trước, phong thái của cậu đâu có gì giống với kẻ được mô tả trong lá thư của bà mẹ. Nhưng đó là chuyện thường tình – các ông bố bà mẹ có mấy khi nhìn nhận con mình đúng như bản chất của chúng.
Để chuẩn bị căn phòng cho hôm cậu tới, Dina chuyển hết quần áo, giày dép cùng đủ thứ lỉnh kỉnh của cô ra, dọn riêng một chỗ cho chúng giữa những “đồ tế nhuyễn, của riêng tây” của hai người thợ may. Chỗ vải vụn và băng vệ sinh nhà làm của cô đã kiếm được chốn cư ngụ trong chiếc rương đặt trên chân đỡ. Lố vải thừa kích cỡ lớn hơn, hiện đang được cô tận dụng để may một cái chăn ghép, được tống vào ngăn dưới cùng của tủ búp phê. Cái ô in hình ngôi chùa vẫn treo lủng lẳng trên nóc tủ búp phê dành cho khách trọ, nó sẽ chẳng làm phiền gì đến cậu.
Phòng ngủ cũ của cô đã sạch trơn, sẵn sàng đón Maneck Kohlah. Phòng ngủ mới của cô thì – khủng khiếp. Mình đến thức trắng đêm vì ngạt thở mất, cô thầm nghĩ, bị ngần này súc vải quây kín thế cơ mà. Nhưng để khách trọ ở cùng với mấy chiếc máy may là chuyện không tưởng. Làm thế sẽ khiến cậu ta chuồn thẳng về kí túc xá ngay.
Cô lựa vài miếng từ bó vải cất dưới gầm giường và ngồi may thêm mấy mảnh ghép cho tấm chăn. Tập trung vào công việc giúp đẩy lùi nỗi lo lắng về ngày mai. Thật quá nực cười, cô tự nhủ, nếu ta đòi nghĩ đến chuyện so bì với Aban Kohlah và những tiện nghi xa xỉ trong ngôi nhà của cô ta ở miền bắc. Nhường phòng ngủ cho Maneck là sự nhượng bộ duy nhất cô chịu chấp nhận.