Số lần đọc/download: 6710 / 130
Cập nhật: 2017-04-19 15:28:05 +0700
Chương I - Thời Thơ Ấu - Phần 5
S
ương sớm ám mái nhà. Tiếng chim cu gáy trên khóm tre làng xa văng vẳng. Nắng trải vàng rộm đồng quê. Bóng nắng núng nắng trước ngõ. Trên sân, Khiêm và Côn chạy ra chạy vào tíu ta tíu tít với mấy thứ đồ chơi quen thuộc mà hai anh em sắp phải xa chúng. Trong nhà, hai mâm cơm đã dọn sẵn, không ai muốn ăn trước cái cảnh người đi xa, người ở lại. Hai mâm cơm được đậy hai cái lồng bàn sơn son. Bà đồ tay luýnh quýnh điểm lại từng thứ đồ đạc trong hai cái thúng của con gái sắp đi theo chồng vào kinh. Bà nhìn trăn nhìn trở bó dép mo cau do bà làm cho con và cháu mang đi đường trường, nước mắt ướt mèm gò má nhăn nheo nhưng bà vẫn giữ vẻ thản nhiên trước con và cháu. Chị cử Sắc ngồi ở trong buồng với em gái và con gái. Chị dặn cô An lo toan những công việc nhà trong khi chị đi vắng, và thay chị làm mẹ dạy dỗ cháu Thanh. Chị lại dặn con gái ở nhà thay mẹ chăm sóc bà ngoại lúc trái gió, trở nắng.
Bóng nắng đã trải lên sân. Bà con hàng xóm và bạn hát phường vải lần lượt đến tiễn đưa gia đình “quan cử, vô kinh. Vợ chồng anh Thuyết, anh cử Quý, anh nho San đều đã có mặt.
Bé Côn chợt nhận ra đã đến giờ mình và anh cùng cha mẹ đi xa nhà. Côn chạy từ ngoài hè nhà sà vào lòng bà. Khiêm cùng chạy theo em, ôm choàng lấy cổ bà. Bà đồ ôm choàng lấy cháu, môi mím chặt không cho bật lên tiếng khóc. Phải một lúc nghẹn ứ cổ bà mới nói trôi mấy tiếng: “… Các cháu đi đường ngái (xa), bà lo lắm… Bà ở nhà sẽ khấn tổ tiên phù hộ cho các cháu, cho cha mẹ các cháu được chân cứng đá mềm”.
Bé Khiêm lắc lắc cổ bà:
– Bà! Bà lại khóc rồi!
Côn ngước mắt nhìn bà, lau nước mắt trên má bà. Nhưng hai mắt Côn lại tràn lệ, bà phải lấy chéo áo lau khô cho cháu.
Một không khí rộn rịp giữa kẻ ở với người đi. Chị cử Sắc xỏ chân vào dép mo cau, đặt gánh lên vai. Bé Thanh vẫn bịn rịn bên chân mẹ. Cô An, các cô bạn gái xúm xít quanh chị Sắc. Bé Khiêm đã chạy ra ngõ trước. Bé Côn cầm tay bà ngoại đi sau mẹ. Anh cử Sắc mang tay nải vải tây điều, ô gọng đồng mắc ngang khuỷu tay, chân đi dép da bò mỏng. Anh bước từng bước chậm rãi giữa đám bạn danh nho và anh em bên làng Sen sang tiễn đưa. Lúc đi ngang qua bờ giậu, anh cử Sắc lưu luyến nhìn những bông cúc mới nở. Anh cử Quý mỉm cười ứng khẩu:
Hoa cúc vàng vườn sớm,
Anh nho San tiếp:
Giậu tre xanh gió thu.
Anh cử Sắc giọng bùi ngùi:
Đường vào kinh muôn dặm,
Giấc hương quan hằng mơ…
Ngoài cổng làng, ông Xẩm cất lên những tiếng đàn bầu réo rắt và lời ca thảm thiết:
…Trách ông trời chuyển vận ra sao,
Thiệt công bao kẻ anh hào ra tay
Nước Nam ta sao lại có Tây,
Thần dân quyết đánh, vua rầy không nghe
Khăng khăng chịu khuất một bề
Muôn dân kẻ chợ nhà quê than thầm:
Nước Nam làm cho nước Tây ăn…
Lúc đám người tiễn gia đình anh Sắc đi tới cổng làng, ông Xẩm vẻ mặt âu sầu nói:
– Kẻ mù lòa này thường được cụ đồ ban lộc và được người trong gia đình quan cử Sắc dành cho những miếng ngọt miếng bùi. Nay quan cử đưa cả gia đình vô kinh, tui xin ca một lối để tỏ bày cái nghĩa nước tình làng ạ.
Mọi người dừng quanh ông Xẩm. Khiêm và Côn đứng sát ngay phía cần đàn, chăm chú nghe:
Chòm xóm náu lặng mà nghe,
Tôi xin ca một bài vè Đức ông.
Bao giờ đầu nhọn như chông
Xương đeo trước ngực, Đức ông sẽ về
Ông về non nước cùng về
Dân Nam hết ách nặng nề ngựa trâu.
Anh nho San nhìn mặt các bạn bè, vẻ trầm tư, nghĩ ngợi về bài ca của ông Xẩm. Anh cử Quý gật đầu, nói nhỏ nhẹ: “Đầu nhọn như chông? Vậy là cái nón thúng sẽ mất, cái nón chóp (nón bài thơ) sẽ thịnh hành. Xương đeo trước ngực? Cái khuy áo này – anh sờ lên khuy áo tết bằng vải – cũng sẽ thay bằng xương, bằng ngà. Còn… ông? Ông sẽ về?…” Nho San, cử Sắc, cử Quý nhìn nhau rồi im lặng bước đi. Bé Khiêm, bé Côn thì chỉ thấy thú vị về ngón tay đàn của ông Xẩm như biến hóa trên sợi dây đồng, trên cái cần tre mà tạo ra một chuỗi âm thanh trong như ngọc rót vào tai, xao xuyến trong lòng.
Đoàn người tiễn đưa gia đình cử Sắc đi xa dần. Chị cử Sắc là người cuối cùng chào ông Xẩm và chị đặt vào bàn tay ông mười đồng tiền hiệu Thành Thái. Tiếng đàn bầu của ông Xẩm vẫn văng vẳng theo ra phía đường quan và lan rộng trên cánh đồng nắng dát vàng thu. Tới con đường quan, anh cử Sắc dừng lại, đứng trước bà đồ:
– Trời khá trưa rồi, chúng con xin mời mệ về kẻo mệt. Vợ chồng con và hai cháu luôn luôn cầu mong mệ ở nhà mọi sự được bình yên. Dì An, cháu Thanh sẽ thay vợ chồng con sớm hôm chăm sóc mệ. Chừng nào con học đỗ đạt, chứng con lại sẽ trở về làm ấm tuổi già của mệ.
Bà đồ sụt sùi, tay xoa đầu hai cháu Khiêm, Côn:
– Các con… đi… đi cho chân cứng đá mềm.
Anh cử Sắc chắp hai bàn tay lại, giơ lên vái: “Xin cảm tạ bà con, chú, bác, o, dì, bầu bạn đã đi với gia đình tôi khá dài đường đất. Đến đây, tôi cầu chúc mọi người ở lại an khang…”. Anh cử Quý, nho San, anh Thuyết đều chắp tay vái lại anh Sắc. Chị Sắc nước mắt vòng quanh, bịn rịn với con gái, em gái và các bạn hát phường vải… Ai nấy giọt ngắn giọt dài, không muốn rời tay… Một cơn gió thổi cuốn theo những chiếc lá vàng, cát bụi chạy dài trên con đường nắng quánh. Bé Côn ôm chặt cổ cha, mặt vẫn ngoảnh lại phía sau gọi: “Bà a… ơi bà về nhớ…”. Những cái nón, dải khăn giơ lên vẫy theo và khuất dần sau rặng cây bên lối về làng Chùa.
Thành phố Vinh hiện ra trước mắt cậu bé Côn. Lần đầu tiên Côn thấy có nhiều đường tỏa ra như bàn cờ và nhà cửa ở san sát dọc theo đường dài tăm tắp. Côn càng ngơ ngắc trước những dòng người đi chân đất, quần áo rách rưới. Lại có cả những kẻ ngồi trên xe cho người kéo!
Côn níu chặt bàn tay cha, bước chầm chậm trên hè phố. Đôi dép mo cau ôm chặt dính vào hai bàn chân Côn thon thon như hai chiếc lá non. Côn chăm chú nhìn cảnh vật mới lạ trên đường phố, quên đói bụng, mỏi chân. Chị Sắc nhìn con, hỏi:
– Con đã đói bụng chưa? Mệ để sẵn khoai xéo cho hai anh em trong thúng nì.
– Khôông. Con khôông thấy đói bụng, mệ ạ.
Một người gầy gò, đội nón gỗ, chân đất, vấn xà cạp từ đầu gối xuống mắt cá chân, đang khom người về phía trước kéo chiếc xe gọng đồng mui trần. Trên xe, một người ngồi ngả hẳn về phía sau thành xe, bụng to vượt mặt, cái mũi to hình thuyền choán hết bộ mặt râu xồm xoàm, mắt mèo, miệng ngậm cái điếu như củ tỏi, khói xì ra đằng mũi. Côn siết chặt bàn tay cha, mắt chằm chằm nhìn theo cái xe kéo, chân bước sát gót chân cha, hỏi:
– Cha ơi! Răng… cái ông to đùng, bụng phệ lại nằm trên xe bắt ông gầy gò kéo đi, hả cha?
– Ê. Con… con nói nho nhỏ chứ. Tây… người Tây dương đó. Nước Nam ta đã mất cho người Tây dương rồi. Bây giờ họ bắt người Nam mình làm việc gì đều phải è cổ ra mà làm, con ạ.
Lặng lẽ đi bên cha một lúc, Côn lại sửng sốt nhìn dãy thành cao, hào sâu và trước cửa thành có lính gác, cờ tam tài (26) bay giữa nắng chói chang.
– Cha ơi! Cái nhà! Cái nhà của ai mà có hào bao bọc, có tường xây cao dày, cổng lại có lính gác vậy cha? Còn có cả cờ kia nữa!
– Không phải nhà mô mà là thành… thành Vinh con ạ.
– Những ai được ở trong đó, thưa cha?
– Có quan tổng đốc đứng đầu tỉnh. Còn có cả các quan bố chánh, án sát nữa, con ạ. Nhưng ngày nay, nước Nam ta bị người Tây dương chiếm đoạt mất rồi! Cho nên, bên cạnh quan tổng đốc người Nam còn có quan công sứ, giám binh người Tây, chúng cai trị dân mình qua đám quan lại bản xứ.
– Bản xứ là gì, hả cha?
– À à quên. Cha cứ quen miệng nói chữ như lúc trò chuyện với bạn bè. Còn nghĩa chữ bản xứ là nơi mình ở con ạ.
Côn hỏi, vẻ tò mò:
– Quan tổng đốc nào ở trong thành, hả cha?
– Mấy năm vừa rồi có quan Đào Tấn làm tổng đốc An Tĩnh. Vua vừa mới vời ngài về kinh làm quan thượng thư Bộ Công. Hiện giờ chưa có quan tổng đốc mới đến thành Vinh ni, con ạ… Mà con hỏi làm chi những việc đại sự ấy, chẳng có ích lợi chi cho con cả.
– Con hỏi chuyện để cha vui chuyện mà quên mỏi chân, con cũng vui chân đi bộ, cha đỡ phần cõng con.
Anh Sắc nhìn xuống đôi chân bé nhỏ của con, mỉm cười Chị Sắc nhắc con:
– Con chạy lên trước đi với anh cho vui.
-Con nỏ thích đi với anh Khơm (Khiêm) mô. Đi với cha được vui chuyện, chứ đi với anh Khơm cứ im ỉm chán lắm.
Khiêm vẻ ức với em, quay lại nói:
– Nhớ nhá… nhớ nhá. Từ rày đừng hòng tau bày cách dán dều (diều) cho nữa nhớ. Tau cũng nỏ cho chơi chung cá thia lia nữa.
– Anh không cho em chơi dều chung, chơi cá thia lia chung thì em cũng nỏ nhắc bài học thục trầm (thuộc lòng) cho anh nữa.
– Thục trầm! Thục trầm được “Trống tràng thành lưng lay bóng nguyệt”, rồi “Long lanh đáy nước in trời. Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”, rứa mà lúc thấy dãy thành Vinh lại nói với cha: đó là cái nhà to! Êu ôi! Thục trầm như rứa có ích chi mô?
Bị anh chế, Côn phụng phịu chạy đến phía cha…
o0o
Con đường thiên lý vào kinh đô Huế thưa thớt bóng người. Những người “trẩy kinh” hầu hết đi bằng cáng. Thỉnh thoảng có những người phu trạm phi ngựa bụi mù mặt đường. Côn ôm lưng cha, mắt ghé theo bóng dáng chàng kỵ sĩ bay trên dặm xa mù tắp. Tiếng nhạc ngựa đọng lại trong tâm hồn hoang sơ của Côn.
Gia đình anh Sắc kết bạn với một số khách bộ hành để đỡ lo cướp lo hổ báo trên các chặng đường rừng hẻo lánh.
Hằng ngày chị Sắc dậy từ gà gáy đầu, thổi cơm, vắt mỗi người một nắm đem đi ăn trưa trên đường. Buổi chiều, lúc mặt trời chen xuống núi, vợ chồng anh Sắc lại đưa hai con vào nghỉ nhờ qua đêm ở những làng gần đường quan nhất. Nhiều hôm gặp trời mưa to, Côn ngồi ăn cơm nhìn ra sân, từng hàng bong bóng trôi lềnh bềnh. Côn muốn ở lại để tránh mưa và cùng anh Khiêm chơi trò đua thuyền lá trên sân nước. Nhưng sợ cha mắng, Côn vòi mẹ:
– Mệ! Mưa to quá. Đi không nổi mô, mệ ạ. Mệ xin với cha ở lại hôm sau trời tạnh ráo hẵng đi, mệ nhớ!
Khiêm hơi trề môi lườm em:
– Được cha cõng mà còn sợ mưa!
– Em cũng phải tự đi chứ, cha có cõng em cả ngày mô.
– Hừ. Lại còn được ngồi vô thúng để mệ è cổ gánh đi nữa. Mi sướng có kém chi mấy ông nằm trên cáng cho phu khiêng?
Côn lắc đầu nói với anh theo lối đọc vè:
Em ngồi trong thúng,
Mẹ gánh cân vai.
Mẹ đi đường dài,
Nghe em kể chuyện…
Chị Sắc mỉm cời, nói nhỏ nhẹ với hai con:
– Em nó còn bé bỏng, chưa thể đi dài đường đất được thì cha, mệ phải na bế đôi đoạn. Anh cả đừng nên tị nạnh với em, nghe không. Còn Côông thì phải chịu khó đi mưa đi nắng, làm quen với cái khổ dần đi, con ạ. Ở đời chẳng ai phải tập ăn sang mặc sướng mà phải rèn chí chịu khó, chịu khổ để nên người.
Nghe lời mẹ, Côn vui vẻ bám lưng cha, trùm kín tơi lá đi trong mưa gió. Vào đến đèo Ngang. Trời trong vắt. Gió biển gọi cây ngàn. Gia đình anh Sắc nghỉ chân trên bãi cỏ dưới chân đèo. Chị Sắc lúi húi soạn cơm nắm, cà muối để chồng con ăn cho chắc bụng trước lúc vượt đèo Anh Sắc giở sách lịch xem ngày, giờ… Bé Khiêm ngồi bệt xuống cỏ, ôm bàn chân tấy đỏ. Chị Sắc giục bé Khiêm:
– Mệ đã nhủ con là phải dầm nước đái của mình lên hai bàn chân thì khỏi… Nước đái nóng từ trong người ra là một liều thuốc quý đó, con ạ.
Lần đầu thấy dãy núi cao nằm chắn ngang con đường thiên lý, bé Côn đứng tần ngần, tay mân mê cái vuốt hổ bịt bạc xâu vào cái vòng bạc treo ở cổ, mắt đăm đăm nhìn lên đỉnh đèo Ngang. Gió biển lật lật tà áo năm thân, hai cụm tóc trái đào bay loa xoa quanh đầu mà bé Côn vẫn không hay biết. Bất chợt, Côn hỏi:
– Cha ơi cha, trên đỉnh núi kia có cái chi vắt qua núi, màu đo đỏ như sợi dây ngoằn ngoèo ấy cha?
Anh Sắc nhìn lên đèo:
– Ồ! Cái như sợi dây đo đỏ nằm ngoằn ngoèo trên núi ấy là con đường mòn đó con ạ. Lát nữa cha con mình sẽ leo lên đó rồi mới sang bên kia dãy núi được.
Côn nhảy lò cò, miệng líu lo:
Núi cõng con đường mòn
Cha thì cõng theo con
Núi nằm ì một chỗ
Cha đi cúi lom khom
Đường bám lì lưng núi
Con tập chạy lon ton
Cha siêng hơn hòn núi
Con đường lười hơn con
Anh Sắc gập sách lại, mỉm cười, mắt lấp lánh thêm vui nhìn hai đứa con trai. Chị Sắc thì phủi phủi bàn tay rồi xoa đầu bé Côn:
– Con nhìn phong cảnh mà vận ngay thành vần thành vè. Còn anh cả thì chậm chạp, thua em rồi nớ.
Khiêm phụng phịu:
– Nó được cha cõng trên lưng, con bì với nó mô được.
Côn ngồi thụp xuống bên anh, tay nhón miếng cơm nắm, thanh minh:
– Em lớn bằng anh, em cũng tự đi được như anh mà.
Anh Sắc giọng ân cần:
– Ăn quàng cho xong bữa để còn leo dốc kẻo tối giữa truông, các con ơi.
Mặt trời ngó xuống đỉnh đèo. Bé Côn đòi cha cho được tự leo lên dốc, lúc nào mệt thì cha hẵng cõng. Khiêm đi trước. Bé Côn níu bàn tay cha đi sau anh. Chị Sắc gánh trĩu vai đi sau cùng. Nắng xiên khoai, bóng bốn người đổ dài trên đèo thăm thẳm cao. Qua khúc lượn quanh sườn núi, gió lồng đẩy lùi lại, họ phải nhoai người lên phía trước, tay níu cây bên đường mới bước lên được từng bậc dốc… Bé Côn bám sát theo anh, bàn chân mum múp phải xòe ngón ra bấm vào mớm đá. Anh Sắc đi sau, một tay vịn cây, một tay đỡ lấy mông của bé Côn mà đẩy lên dốc. Chị Sắc áo sũng mồ hôi vẫn theo sát gót chồng con. Đằng sau chị Sắc còn có những tốp người đi vào kinh đô cũng đang tiếp tục vượt đèo. Trên đỉnh đèo cao. Gió lộng. Biển trải dưới chân đèo, xa mênh mang. Mọi người ngồi nghỉ chân, phanh ngực đón gió lành.
Bé Côn trầm trồ nhìn ra phía chân trời xa:
– Cha ơi cha! Cái ao… Cái ao lớn quá!
Anh Sắc cười, bảo:
– Biển đó con ơi.
Khiêm cũng nhìn theo hướng nhìn của em và quên cả bỏng rát trên hai chân, la to:
– Ồ, biển! Biển!
Côn lại chỉ trỏ:
– Ồ! Bò… con bò to lội trên biển!
Anh Sắc cười. Chị Sắc càng không nén được tức cười về cái nhìn ngộ nghĩnh của con. Anh Sắc giải thích:
– Không phải bò đâu, con ơi! Thuyền đó. Thuyền chạy bằng buồm theo chiều gió… con nhớ chưa?
Côn lại nhảy tâng tâng:
Biển là ao lớn
Thuyền là con bò
Thuyền ăn gió no
Lội trên mặt nước
Em nhìn thấy trước
Anh trông thấy sau
Ta lớn mau mau
Vượt qua ao lớn.
Anh Sắc bâng khuâng nhìn con và cảm thấy ở đứa con có thiên tư khác thường.
Côn ôm lấy cổ cha, bóng trải dài trên đỉnh đèo Ngang cao vòi vọi. Biển xanh xa vẫy gọi dưới chân bé Nguyễn Sinh Côn.
Từ trong triền núi xa xa vọng tới tiếng chim: Quốc… quốc gia… gia… quốc… quốc… gia… gia… Côn hỏi cha:
– Ở đây cũng có chim quốc và có cả tiếng chim chi đó nữa, nghe “gia gia”, lạ quá, cha ạ.
– Vì có loài chim ấy kêu mà người xa đi qua đây đã vịnh thơ: “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc… Thương nhà mỏi miệng cái gia gia…” (27)
Côn hai tay vẫn ôm chặt cổ cha, nhắc từng tiếng thơ “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc” theo nhịp bước cửa cha xuống dốc đèo Ngang…
————-
Chú thích:
(26) Cờ ba màu, xanh, trắng đỏ (cờ nước Pháp).
(27) Thơ của Bà Huyện Thanh Quan