Having your book turned into a movie is like seeing your oxen turned into bouillon cubes.

John LeCarre

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Mike Nguyen
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1533 / 21
Cập nhật: 2015-07-15 09:41:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6 - Khám Phá Của Tuấn
hôi Việt trở về đến ấp Xuân Lộc thì trời đã xẩm tối. Bữa cơm đã ăn xong. Dượng Tư vì đã dặn trước Khôi. Việt không được về trễ bữa ăn nên tức giận không thèm nói với Khôi Việt nửa lời. Dượng bảo dì Hạnh:
- Tụi nó khoẻ đi chơi thì cho chúng nhịn luôn, khỏi phải ăn!
Khôi. Việt biết dượng Tư đang giận, len lén trở về phòng ngủ. Dì Hạnh theo vào ngồi trên mép giường cạnh Việt rầu rĩ nói:
- Các cháu hư quá! Hồi chiều dượng mới cho dì hay các cháu đã lén đi chơi tối đúng vào đêm nhà bà Hương Mỹ mất trộm, nên đã bị thầy Bách nghi ngờ. Dượng cũng có căn dặn các cháu, có đi đâu thì cho dì dượng hay, và phải trở về trước bữa ăn cơm để dì dượng khỏi mong, mà sao các cháu không vâng lời?
Khôi đáp:
- Chúng cháu có nhớ lời dượng Tư dặn, nhưng vì…
Việt tiếp:
- Vâng, thưa dì chúng cháu cũng muốn về trước bữa cơm, chỉ tại…
Dì Hạnh không nhịn được, sẵng giọng:
- Tại vì sao? Dì không thể chịu nổi nữa, các cháu chỉ làm phiền cho dì dượng thôi! Các cháu đã lớn rồi, đâu còn nhỏ dại nữa, không lẽ các cháu còn muốn để cho dì nọc ra đánh nữa hay sao?
Tội nghiệp dì Hạnh, dì thật là một người đàn bà hiền đức. Thương giận cháu mà quở mắng, nhưng mới nói được bấy nhiêu, nước mắt dì muốn long lanh chảy ra.
Việt sững người nhìn dì. Nét mặt rầu rĩ của dì Hạnh không khác gì nét mặt rầu rĩ của mẹ Việt khi thấy con có lỗi. Việt ôm chầm lấy dì ngậm ngùi nói:
- Cháu xin lỗi dì. Chỉ vì chúng cháu mải tìm dấu vết quân gian trong vụ trộm nhà bà Hương Mỹ nên mới về trễ. Nhưng chúng cháu đoan chắc với dì là chúng cháu sắp tìm ra thủ phạm.
- Nếu chúng cháu tìm ra được sao không báo ngay cho nhà chức trách biết? Các cháu hãy nói cho thầy Bách biết.
Khôi trình bày:
- Nhưng thưa dì, chúng cháu chưa đủ bằng chứng đích xác. Chừng nào nắm được đầy đủ, chúng cháu sẽ báo ngay, chứ bây giờ thầy Bách còn đang nghi cho chúng cháu, dì bảo chúng cháu nói làm sao được.
Dì Hạnh mỉm cười:
- Dì chắc thầy Bách làm bộ nghi cho các cháu để dễ điều tra đó thôi chứ thầy đâu có ngốc như cháu tưởng.
Việt nắm tay dì Hạnh đặt lên môi:
- Dù sao chúng cháu cũng phải nắm đủ bằng cớ mới bày tỏ với thầy ấy được.
Khôi tiếp:
- Với lại, chúng cháu hy vọng chỉ nội ngày mai là có tin tức đích xác thôi, chừng ấy chúng cháu sẽ nói hết với thầy Bách.
Dì Hạnh im lặng nhìn Khôi, Việt rồi dịu dàng bảo:
- Ừ thôi, dì tin các cháu. Dì thương các cháu như con dì, nên dì không muốn các cháu làm điều gì dại dột, các cháu phải nhớ đấy nhé. Bây giờ các cháu tạm ăn ít khoai luộc này cho đỡ đói rồi ngủ đi, kẻo sớm mai còn phải ra bãi với dượng.
Dì Hạnh đi ra khỏi rồi, Việt quay lại hỏi Khôi:
- Sao cậu lại nói với dì Hạnh là nội ngày mai sẽ báo cho thầy Bách biết. Mình đã chắc gì nhờ được Tuấn tìm ra được chiếc bao bố kia đâu?
Khôi đáp:
- Đúng thế. Tối nay Dũng sẽ gặp Tuấn lo tìm cho ra chiếc bao bố giấu trong vườn nhà hắn, bằng không thì nội ngày mai cũng phải báo cho thầy Bách hay để thầy ấy kịp thời hành động, kẻo vụ trộm qua đi mấy ngày rồi. Người đàn ông lạ mặt đi với thằng Chín Đầu Bò tất phải quay lại để lấy chiếc bao bố ấy đem đi. Từ bây giờ đến mai, chúng mình chẳng còn bao nhiêu thì giờ nữa, và cũng chẳng làm gì được. Thôi cứ ngủ đi rồi việc tới đâu sẽ hay.
Nói đoạn Khôi thở dài, quay mặt vào tường và chừng năm phút sau, anh ta đã ngủ say. Riêng Việt lo lắng trằn trọc không sao ngủ được.
Tảng sáng hôm sau, mắt Việt còn cay sè, thì dượng Tư đã vào gọi các anh dậy. Giọng nói của dượng tuy không được niềm nở như mọi bữa nhưng dượng cũng không trách mắng gì về tội về trễ tối qua nữa. Chắc là dì Hạnh đã nói hết với dượng rồi. Sau bữa điểm tâm dượng đưa Khôi Việt ra bãi.
Trồng khoai là một công việc nặng nhọc đối với hai cậu học sinh ở tỉnh như Khôi Việt. Trước hết phải cắp một thúng dây khoai đi men theo luống đất và cứ mỗi bước lại phải cúi mình cắm một cọng xuống đất. Việc tuy không khó nhưng khá mệt. Các luống đất song hàng khít nhau nên đi đứng không được thoải mái, lại phải chăm chú trồng cho ngay hàng.
Khôi, Việt men theo các luống đất mà như phải đi hàng bao cây số. Trong vòng một giờ Việt tưởng như qua một thế kỷ. Anh bước uể oải, lòng buồn rã rượi. Điều làm Việt áy náy hơn cả là đã làm dượng Tư phật ý, và còn bị thầy Bách nghi ngờ. Anh luôn tự hỏi không biết đêm rồi Dũng và Tuấn có tìm ra kết quả gì không. Nếu họ thấy được chiếc bao bố và khám phá ra những gì dựng bên trong để báo cho thầy Bách biết, rồi xếp đặt một cuộc rình bắt thì chắc chằn sẽ lòi ngay ra thủ phạm.
Ý nghĩ ấy làm Việt đỡ bứt rứt. Nhìn lên đầu bãi, anh chợt thấy Dũng đứng xớ rớ gần đống dây khoai. Khôi vừa hết dây giống, đem thúng tới lấy thêm và Việt thấy họ nói với nhau. Trong vòng vài phút, Dũng bỏ đi còn Khôi quay trở xuống bãi. Chờ Khôi tới gần, Việt hỏi:
- Có tin gì không?
Khôi chán nản lắc đầu:
- Vẫn chưa gặp được Tuấn. Tối qua Dũng đã ra ngoài lều chờ hắn có gần hai tiếng đồng hồ.
- Ngán thật! Cậu tính sao bây giờ?
- Còn tính gì nữa! Chỉ còn cách nói cho thầy Bách rõ. Tin hay không tuỳ thầy ấy, và để mặc thầy hành động. Tớ cũng có dặn Dũng tối nay bọn mình sẽ cố gắng ra họp nhau ngoài lều.
Việt thở dài tiếp tục công việc. Thời khắc trôi qua chậm chạp buồn tẻ. Tới trưa, dì Hạnh mang ra một lẵng thức ăn. Dì nhìn những luống kkhoai mới trồng, tỏ vẻ hài lòng, mỉm cười bảo:
- Hai cháu giỏi lắm. Thôi hãy nghỉ tay đi ăn trưa đã. Chỗ còn lại làm nốt nửa giờ nữa là xong. Dì có đem theo thức ăn cho các cháu đây. Các cháu ăn uống nghỉ ngơi cho khoẻ, rồi chiều hãy làm tiếp. Làm xong thì về cho sớm đừng có trễ bữa cơm như chiều hôm qua.
Nghe nói đôi bạn mừng rỡ chạy lên khỏi bãi, nhận lấy lẵng thức ăn rồi chạy thẳng đến chỗ hẹn.
Dũng và Bạch Liên đã đợi sẵn ngoài lều. Dũng thuật rõ nỗi thất vọng khi chờ đợi Tuấn cả buổi tối mà không gặp. Bạch Liên bất mãn nói:
- Cái anh chàng Tuấn ấy thật đáng ghét. Mới lần đầu đã sai hẹn.
Việt đáp:
- Không phải lỗi tại Tuấn đâu. Chắc hắn bị ông già ngăn cấm nên không đi được.
Khôi tiếp:
- Tóm lại là ta không hy vọng nhờ Tuấn tìm hộ chiếc bao bố nữa. Hiện thời chúng ta chỉ còn một giải pháp là báo gấp cho thầy Bách để thầy ấy giải quyết và hành động.
Bạch Liên cự nự:
- Đâu được! Như thế thì ra công lao dò xét của tụi mình bỗng dưng thầy Bách được phần cả hay sao?
Khôi nhún vai:
- Chỉ còn cách ấy thôi, vì chúng mình hết hy vọng rồi.
Việt và Dũng cũng chung một ý ấy. Cả ba anh con trai đề nghị rằng nếu cứ chần chờ không báo cho thầy Bách biết thì Chín Đầu Bò sẽ giao cái bao bố cho người đàn ông lạ mặt mất tang, và bà Hương Mỹ cũng chẳng còn mong lấy lại được của đã mất.
Cho nên dù Bạch Liên cực lực phản đối, Khôi vẫn cứ tỉnh táo tiếp:
- Tớ đề nghị thế này: Ăn xong bữa cơm trưa, tớ sẽ phóng xe đạp lên quận tìm thầy Bách ngay. Sau đó kể như chúng mình không còn dính dáng gì vào vụ này nữa.
Bọn trẻ bày thức ăn lên cỏ lặng lẽ ngồi ăn. Mới cách đây mấy ngày, bữa ăn ngoài trời này đáng lẽ ngon miệng và vui vẻ lắm nhưng bữa nay tẻ ngắt. Dũng thì lầm lỳ, Việt khổ sở, còn Khôi cáu kỉnh. Riêng Bạch Liên trách móc hết mọi người, cho bọn trai là ngốc chẳng làm nên trò trống gì.
Khôi cự nự lại, cho con gái là vô tích sự, đã không giúp được gì còn hay nỏ mồm và mau nước mắt.
Đang cãi vã lẫn nhau, chợt Khôi nhổm người dậy:
- Im! Hình như có ai tới.
Quả nhiên có tiếng chân bước, và tiếng nói chuyện từ xa vẳng lại. Chú mục nhìn, bọn trẻ thấy thấp thoáng phía rặng dừa có hai bóng người, trong số đó có một thiếu nữ.
Việt vừa nhận ra được bóng thiếu nữ ấy là ai vội nắm tay bạn:
- Trời, chị Mỹ Dung và…
Giữa lúc ấy một giọng nói vang lên:
- Các anh đang làm gì đấy?
Mọi người đều nhận ra Tuấn và vì quá sửng sốt không ai nghĩ đến trả lời. Tất cả đều biết Tuấn không bao giờ được ra khỏi nhà ban ngày. Sự có mặt đột ngột của Tuấn làm ai nấy bỡ ngỡ. Cuối cùng Khôi đặt tay lên miệng làm loa gọi:
- Tuấn đó hả! Tới đây mau lên.
Tuấn vừa chạy vừa thở. Đến gần, Tuấn sôi nổi nói:
- Tối qua tôi lỡ hẹn với các anh không ra đây được, vì cha nuôi tôi phạt nhốt trong buồng. May sáng nay nhờ có chị Mỹ Dung can thiệp xin cho tôi ra ngoài hóng gió một lát, nên tôi nhờ chị đưa ra đây. Tôi muốn nói với anh chuyện này, lạ lắm. Chắc anh còn nhớ tối hôm chúng mình gặp gỡ và lúc chia tay nhau có thấy hai bóng người tiến về phía chúng mình, và…
Mỹ Dung lúc ấy mới thủng thỉnh tới. Nàng mỉm cười ngồi xuống một tảng đá, nói:
- Cứ tiếp đi, Tuấn. Kể cho các bạn em nghe rồi còn phải về cho kịp giờ đấy nhé!
- Nói mau đi, Tuấn. Cậu biết gì về hai bóng đen ấy?
- Tôi nấp sau hàng rào nên nghe rõ họ và nhận ra thằng Chín làm vườn cho nhà tôi đang nói chuyện với người đàn ông về bao bố…
Khôi cắt ngang:
- Chúng tớ biết rồi vì cũng nghe như cậu. Rồi sao nữa?
- Nghe người đàn ông doạ vặn cổ thằng Chín nếu nó mở cái bao bố ra, tôi đoán ngay là có chuyện gì khả nghi. Tôi cũng ngờ thằng Chín đem giấu cái bao bố ấy.
Bọn trẻ vây quanh Tuấn nín thở đứng nghe.
Khôi hấp tấp hỏi:
- Cậu thấy cái bao bố ấy ở đâu?
- Ở trong nhà kho sau vườn, giấu sau những đồ vật lủng củng khác. Nếu không có ý tìm thì không tài nào thấy được. Tôi đã cố mở xem mà vì dây buộc kỹ quá nên đành chịu.
Khôi nắm chặt cánh tay Tuấn hỏi dồn:
- Trong ấy có những gì?
- Oái, anh nắm tay tôi đau quá! Hình như có đựng những vật gì tròn tròn.
- Mềm hay cứng?
- Cứng và có những góc sắc cạnh.
- Giống như những chiếc "cúp" của các giải thưởng thể thao phải không?
Tuấn ngạc nhiên đáp:
- Phải, tôi cũng đoán như thế. Nhưng tại sao các anh biết?
Bóng Người Dưới Trăng Bóng Người Dưới Trăng - Nguyễn Trường Sơn Bóng Người Dưới Trăng