There is a temperate zone in the mind, between luxurious indolence and exacting work; and it is to this region, just between laziness and labor, that summer reading belongs.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Mark Winegardner
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Godfather’S Returns
Dịch giả: Phan Quang Định
Biên tập: Bùi Thanh
Upload bìa: Bùi Thanh
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3191 / 132
Cập nhật: 2016-05-03 19:52:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ua hồ ERIE, chiếc máy bay nhỏ bay vào nanh vuốt của một cơn bão giông. Buồng lái rất nóng nhưng điều này lại hợp với Nick Geraci. Những người khác trong máy bay cũng đầm đìa mồ hôi như chàng ta. Mấy tay vệ sĩ đã càu nhàu chửi bới cái nóng. Bọn vô lại. Chàng ta cũng từng là một trong số đó, một con bò lớn xác nhỏ đầu, chỉ biết ai sai đâu đánh đó.
“Tôi nghĩ cơn bão ở đàng sau chúng ta”, Frank Falcone, người mặt áo lụa màu cam phát biểu. Anh ta không biết viên phi công thực ra là ai.
“Bạn nói chính xác đấy”, người mặc áo lụa màu ngọc xanh biển, Tony Molinari, lên tiếng đồng tình. Người này biết rõ Nick.
Những cuộc gặp gỡ giữa mấy tay chóp bu của các nghiệp đoàn tội ác Barzini, Tattaglia, Corleone đã lôi cuốn sự chú ý của bộ máy thực thi pháp luật ở khắp nơi từ các sếp cớm đia phương cho đến FBI (mặc dầu ngài Giám đốc Cục Điều tra Liên bang, bị cho là vì nhà Corleones nắm được một bí mật đáng xấu hổ nào đó của ông ta, nên tiếp tục giữ lập trường cho rằng cái gọi là Mafia chỉ là một huyền thoại). Trong gần suốt mùa hè ngay cả những tay cho vay nặng lãi nơi các quán bar, nhà thổ cũng phải co cụm hoạt động lại. Hai Ông Trùm kia của New York, Ottilio “Leo Bán sữa” Cuneo và Anthony “Tony Mặt sắt Đen sì” Stracci, đã giám sát một cuộc ngưng bắn. Phải chăng điều này có nghĩa là chấm dứt chiến tranh thì chẳng ai biết được.
“Thứ lỗi cho tôi, nhưng tôi muốn nói đến cơn bão thực sự kìa”, Falcone nói. “Cơn bão đàng kia. Cơn bão chó đẻ”.
Molinari lắc đầu. “Ông bạn thân mến, hình như bạn không thích đùa”.
Mấy tay vệ sĩ của họ, giờ đây thấy rõ là xanh mặt hơn, nhìn xuống sàn máy bay. “Hiệu ứng hồ nước”, Geraci nói. “Nó tạo ra hiệu ứng là không khí và nước có nhiệt độ rất khác nhau”. Chàng ta cố lấy giọng như một phi công nhà nghề, trong một bộ phim mà phi công là người cầm đầu. Chàng buông chùng. “Đó là điều khiến bão giông có thể bất thình lình ập đến từ bất kỳ hướng nào. Quí vị vẫn có hứng thú theo dõi đấy chứ?”
Molinari đặt một tay lên vai Geraci. “Cám ơn Ông Khoa học ấm ớ!” “Xin hầu Ngài”, Geraci đáp tỉnh rụi.
Falcone từng là tay móc mối chóp bu ở Chicago - mua chuộc các chính trị gia, các thẩm phán, các sếp cớm - và giờ đây điều hành cơ ngơi riêng của mình ở Los Angeles. Molinari sở hữu một nhà hàng bốn sao cạnh bến cảng ở San Francisco, thêm vào một chút của bất kỳ cái gì nơi nào anh ta muốn xí phần. Theo bức thư ngắn mà Michael đã đưa cho Geraci thì Falcone và Molinari vẫn luôn có những bất
đồng, đặc biệt là khi nhận định về các Đại gia ở New York. Falcone cho là họ thời thượng kiểu rởm đời còn Molinari thì lại cho là họ bạo loạn vô tổ chức. Molinari cũng cảm thấy một tình cảm quyến luyến riêng tư đối với Bố Già quá cố Vito Corleone, điều mà Falcone không hề chia sẻ. Nhưng trong mấy năm vừa qua hai Ông Trùm của Bờ Tây đã thành lập một liên minh thận trọng và hữu hiệu, đặc biệt là trong việc tổ chức việc nhập khẩu và phân phối ma túy từ Philippines và Mexico (một lí do khác mà Michael đã không phải nói, để Geraci được gửi đến gặp họ). Cho đến khi Michael nắm quyền ở Gia đình Corleone, thì hai tay này là hai Ông Trùm trẻ nhất ở Mỹ.
“O’ Malley, thế à?” Falcone lẩm bẩm.
Geraci hướng mũi máy bay xuyên qua đầu sấm, để tìm không khí tốt hơn. Chàng ta biết Falcone có ý chỉ gì: tên trên bằng phi công của chàng. Chuyến bay hiển nhiên là đủ thách thức để Falcone chấp nhận chuyện Geraci làm thinh, không trả lời mình để tập trung vào việc điều khiển máy bay. Có những điều đôi mắt chẳng nhìn thấy được gì đâu, mà phải nhờ đến cái đầu. Như Michael đã tiên đoán, Falcone đặt một cái tên Ái nhĩ Lan cùng với một anh chàng Sicily vai rộng, tóc vàng, một người mà anh ta tự nhiên giả định là làm việc cho chiến dịch Cleveland, và anh ta lại thấy một người Ái nhĩ Lan. Tại sao không? Cleveland làm việc với rất nhiều người Do thái, Ái nhĩ Lan và Da đen khiến dân ở đó gọi nó là Tổ hợp. Những người bên ngoài thì gọi Ông Trùm ở đó, Vincent Forlenza, là “Tên Do thái”.
Đó là một thủ đoạn cần thiết. Rattlesnake Island (Đảo Rắn Rung chuông) chẳng phải là nơi dễ đi vào. Falcone có thể không lên một chiếc máy bay của nhà Corleone. Don Forlenza đã hy vọng đến dự đám cưới nhưng sức khỏe không cho phép. Cuối cùng máy bay lên cao khỏi những đám mây. Mọi người được tắm trong ánh sáng chói lòa.
“Này, O’ Malley,” Falcone nói, “vậy là bạn đến từ Cleveland, phải không?” “Vâng, thưa ngài, sinh ra và trưởng thành ở đó”. Đánh lạc hướng, nhưng mà đúng.
Molinari bắt đầu nói về việc xem Di Maggio chơi cho San Francisco Seals và ngay thời đó anh ta đã là một vị thần giữa con người như thế nào. Qua nhiều năm Molinari đã kiếm được bộn tiền từ việc đánh cá ở Seals, nhưng chưa có lần nào trong suốt thời gian Di Maggio ở đó. “Người ta vẫn có thành kiến với dân Ý, tôi nói đúng không, O’Malley?”
“Tôi không chắc là mình có thành kiến hay không, thưa ngài” “Chúng ta gặp thứ cacasangue rồi,” Falcone nói.
“Xin thứ lỗi?” Geraci nói, mặc dầu chàng ta biết quá rõ từ đó có nghĩa gì. “Đồ láu cá”, một vệ sĩ của Falcone nói.
“Kẻ raaaanh ma, hả?” Geraci nói, nhại giọng Curly trong phim hoạt hình Ba tên hề.
Molinari và hai tên vệ sĩ cười phá lên. “Thôi, đủ rồi đấy!” Molinary nói. Geraci cố rặn ra một tiếng cười hùa, cho ra vẻ hòa đồng. Tiếng cười đó làm mọi người thấy vui, nhưng Falcone thì không.
Cuộc nói chuyện trở nên lác đác, rời rạc vì bị ngăn cản bởi chuyến bay luôn nhồi xóc và cả bởi cái tên của Geraci trên tấm bằng phi công. Họ nói một lúc về những nhà hàng khách sạn và sau đó về cuộc chiến giành tước hiệu ở Cleveland Armory mà họ định tham dự tối nay thay vì đến Vegas để nghe Fontane - một số chỉ dành cho khách mời, do nhã ý của Michael Corleone, để phá bỏ qui ước của Nghiệp đoàn Xe tải. Họ cũng nói về phim The Untouchables (Những kẻ không thể chạm đến), mà cả hai đều thích, mặc dầu có phần bởi vì họ thấy nó khôi hài. Geraci đã nghe kịch bản này trên radio và phát cáu bởi hình ảnh sao chép khô cứng về những tay cớm đoan chính, liêm khiết đối đầu với những tay tội phạm Ý xảo quyệt, khát máu. Một kịch bản mang tính ước lệ, vụng về, nghe đã chán nhìn càng thấy tức. Cho nên chàng chẳng bao giờ thèm xem phim truyền hình. Chàng thích đọc sách để nghiền ngẫm hơn. Chàng đã thề sẽ không bao giờ sắm Tivi, nhưng năm rồi vì Charlotte và các con gái nài nỉ chàng phải nhượng bộ, song chàng luôn tìm cớ để né không xem phim truyền hình, chỉ xem những trận đấu thể thao ưa thích mà thôi.
Geraci hướng mũi máy bay chúc xuống những đám mây. “Chúng ta đang hạ dần cao độ”, chàng thông báo.
Máy bay nhảy chồm chồm như ngựa lồng. Hành khách ai nấy đều dán mắt vào từng mỗi thanh giằng, từng con bù-loong, từng con ốc vít, như thể họ chờ chúng sẽ bung ra, mỗi thứ một nơi.
Geraci cố gắng tin vào những công cụ của mình, chứ không tin vào mắt mình hay những nỗi lo ngại trong lòng mình. Chàng thở đều. Chẳng mấy chốc mặt hồ màu nâu hiện ra trong tầm mắt.
“Rattlesnake Island, đúng không?” Molinary vừa nói vừa lấy tay chỉ.
“Đúng rồi” Geraci đáp, trở lại giọng trịnh trọng. “Đây là phi công nói, thưa các bạn” “Chúng ta sẽ đáp xuống đó?” Falcone hỏi. “Cái dãi đất bé tí xíu như cái hĩm kia?”
Hòn đảo chỉ rộng khoảng bốn mươi sào, chừng một phần mười lăm của Công viên Trung tâm của New York, và phần lớn diện tích của nó, nhìn từ trên không, hình như bị lấy đi bởi một sân golf và một rẻo đất để làm bãi đáp, nhỏ một cách... đáng báo động! Một cầu cảng dài từ Đảo Rắn Rung Chuông nhô ra hướng bắc thật xa đến độ thực tế là đã thuộc về lãnh hải Canada; và điều này, trong thời kỳ Cấm rượu, tất nhiên là có chỗ hữu dụng. Cái hòn đảo thuộc sở hữu tư nhân này là một phần của Hiệp chủng quốc theo cái kiểu lập lờ sớm nắng chiều mưa đến độ nó còn tự phát hành cả tem bưu chính riêng cho vùng lãnh thổ của mình nữa!
“Thật ra hòn đảo lớn hơn nhiều so với khi ta nhìn từ đây,” Geraci nói để trấn an mọi người, chứ thật ra chàng ta cũng không lấy gì làm chắc về chuyện đó. Không những chàng ta chưa bao giờ hạ cánh xuống hòn đảo này, cho dầu nghĩa phụ của chàng vì những ý đồ và những mục đích nào đó mà đã tiêu tốn số tiền lớn để sở hữu nó, Geraci còn chưa bao giờ đến đó.
Molinari vỗ vào tay Falcone: “Hãy thả lỏng, ông bạn à”.
Falcone gật đầu, ngồi lùi ra sau trong ghế của mình, và cố hút một ngụm cà-phê cuối cùng từ cốc của mình.
Mấy lần trước họ tưởng chừng sắp tiếp đất, nhưng máy bay lại bị một cơn gió hút như thể có một bàn tay khổng lồ vỗ mạnh vào cho nó tung ra giữa trời rồi đột ngột tụt nhanh xuống mặt hồ. Geraci có thể nhìn thấy bọt sóng sủi lên. Chàng kéo cần nâng độ cao, cố gắng kiểm soát, chỉnh thăng bằng đôi cánh cho máy bay lướt tới.
“Oooo-kay,” Geraci thở phào, kéo mạnh cần ra sau. “Hãy thử lần nữa xem”
“Lạy chúa, này cậu bé”, Molinari nói, mặc dầu anh ta chỉ lớn hơn Geraci có mấy tuổi. Geraci khe khẽ đọc bài Thánh vịnh thứ Hai mươi ba, bằng tiếng Latinh. Khi đọc đến phần nói về không sợ ma quỉ, thay vì đọc “vì có Chúa bên con”, chàng ta lại đọc thành, “vì con là cái thằng đéo mẹ ngổ ngáo nhất, lì lợm nhất nơi thung lũng này”.
Falcone cười ngất. “chưa từng nghe câu đó trong tiếng Latinh”. “Bạn biết tiếng Latinh à?” Molinari hỏi.
“Mình từng học ở chủng viện để ra làm thầy dòng mà”, Falcone đáp.
“Chắc là có, nhưng chỉ độ một vài tuần thôi. Đừng làm phi công chia trí nữa, Frank à” Geraci ra dấu hiệu biểu lộ đồng tình.
Chàng tìm gặp một túi không khí dịu và toan tính tiếp đất lần thứ nhì của chàng lại nhẹ nhàng đến không ngờ. Một lát sau, mấy người mặt áo mưa dài, rộng màu vàng xuất hiện ở cuối đường băng để đón họ.
Geraci hít không khí mát lạnh từ cửa sổ máy bay, và hành khách đi ra. Mấy người dưới đất mở dù che cho họ, đặt mấy cái nêm sau các bánh máy bay, buột chặt cánh, và mang mọi vali đi, trừ một cái. Một xe ngựa lớn màu đen, lót nhung đỏ, do những con ngựa trắng kéo, chờ họ trên bãi biển để chở họ lên những đỉnh đồi - cách đó khoảng một trăm yard.
Gerachi nhìn mấy Ông Trùm và đám vệ sĩ của họ chạy ùa tới để chui vào trong xe ngựa. Một khi họ vào hết bên trong rồi, Geraci mới xách chiếc vali của mình đi lên đồi một mình, mở cánh cửa hầm chứa, và biến đi xuống các bậc thang, bước vào một nơi trước đây từng là một casino náo nhiệt, đi qua quầy băng đĩa và quán bar ổ nhện để đến phòng thay quần áo. Anh bật đèn lên. Tường phía sau làm bằng một thứ cửa thép trượt giống như mấy ga-ra ô-tô ở Brooklyn, nhưng ngoài ra căn phòng lại trông giống một phòng suite cao cấp ở Vegas: giường rộng khổ vua chúa (king-sized bed), nhung đỏ
khắp nơi, bồn tắm rộng đủ để bạn nghịch nước cùng lúc với hai, ba em. Đàng sau cánh cửa thép là một căn phòng đầy đồ hộp, mặt nạ chống hơi độc, bình chứa oxy, máy phát điện, một hệ thống xử lí nước, một chiếc radio lớn, và một hầm chứa ngân hàng. Bên dưới, gắn dính vào tấm đá sàn, là một bồn chứa nhiên liệu khổng lồ và, có lẽ là những phòng khác và những tiếp liệu khác. Bao lâu mà ông trùm Forlenza chưa có bất kỳ cảnh báo nào, dầu bất kỳ chuyện gì xảy ra - cảnh sát bang tổ chức bố ráp đột kích, hay có người lạ muốn hành thích ông, hay ngay cả trường hợp Liên sô tấn công - ông vẫn có thể trú ẩn ở đây trong nhiều năm trời. Forlenza kiểm soát công đoàn làm việc nơi mỏ muối dưới hồ gần Cleveland; người ta đồn rằng có cả một đoàn công nhân chuyên nghiệp ngày đêm không làm việc gì khác hơn là đào những đường hầm đến và từ Đảo Rắn Rung Chuông. Geraci bật cười. Một tên nhãi nhép như chàng ta, con của một tài xế xe tải, lại đang đứng đây bên trong một nơi chốn mà một người bình thường ắt sẽ không bao giờ nghe nói đến. Chàng ta mang gói tiền vào phòng khác và đặt xuống trước hầm chứa.
Chàng ta đứng đó, nhìn trừng trừng vào gói tiền.
Tiền là một ảo tưởng. Cái túi da kia còn có giá trị cố hữu hơn là hàng vạn những tờ giấy nhỏ đựng bên trong. “Tiền” không là cái gì khác hơn là hàng vạn tờ giấy được in ấn theo những mẫu nào đó được ấn định bởi một chính quyền vốn, trên thực tế, không có khả năng chi trả cho một phần trăm mệnh giá lượng tiền được tung ra lưu hành trên thị trường. Còn chuyện này mới là... ngồi trên đầu trên cổ thiên hạ chứ: chính quyền muốn phát hành bao nhiêu tờ giấy bạc cứ tùy thích rồi thông qua những đạo luật để cho những tờ giấy kia không bao giờ bị triệu hồi. Theo chỗ Geraci ước đoán, những tờ giấy kia biểu thị giá trị một tháng hớt váng kem của một casino ở Las Vegas mà cả hai gia đình Corleones và Forlenza đều có phần hùn, cùng với một phần quà tầm cỡ đáp ứng lại lòng hiếu khách và ảnh hưởng của Ông Trùm Forlenza. Những bó tiền đó biểu thị công sức lao động của hàng trăm con người giản qui thành cổ phần bằng chứng khoán tạm thời, thành vỏ sò ốc dùng làm tiền, được trao đổi trong cuộc thương lượng quyền lực của một số ít người, những cổ phần cho một số người còn ít hơn. Những mảnh giấy chẳng có giá trị gì mấy mà Ông Trùm Forlenza sẽ chấp nhận không cần suy nghĩ. Chỉ là những tờ giấy in.
Minchionaggine, bố anh có lẽ sẽ nói thế, nếu biết anh đang chìm trong suy tư như thế. Con suy nghĩ nhiều quá đấy.
Fredo quay cửa xe xuống và chìa cho nhân viên hải quan bằng lái của anh. “Không có gì để khai báo cả”.
“Còn số cam kia?” “Số cam nào?”
“Ở ghế ngồi sau. Trên sàn xe kìa”.
Hẳn rồi, chúng ở đó: một giỏ mắt lưới cam hiệu Van Arsdale. Chúng không phải là cam của chàng. Fredo sẽ không thèm ăn một quả cam nào cho dầu đó có là mẩu thức ăn cuối cùng trên đời này. Dứt
khoát là không thèm!
“Thưa ông, ông có thể cho xe về làn đường kia? Gần người mặc đồng phục trắng đó?”
“Anh có thể lấy số cam kia. Giữ lại hay ném đi tùy anh. Tôi không quan tâm. Chúng không phải của tôi”. Bố chàng đang mua cam vào cái ngày chàng thấy ông bị bắn chết. Một trong những viên đạn đã nghiền nát một quả cam trên đường phóng vào gan ruột ông già. Nhiều chuyện từ ngày ấy đã lờ mờ trong kí ức. Fredo nhớ lại mình lóng ngóng với cây súng. Anh nhớ lại mình trông theo đám sát thủ chạy đi, ngược Đại lộ Số Chín, bỏ lại Fredo không bị bắn, quá vô nghĩa cho cả một viên đạn lẻ. Anh nhớ lại quả cam ấy. Anh không nhớ là đã quên không kiểm tra xem bố đã chết chưa và thay vì thế cứ ngồi trên ghế mà khóc, mặc dầu vậy bức hình anh trong tư thế đó, trong những nét biểu cảm tự nhiên đó đã đem lại cho người nhiếp ảnh đủ loại giải thưởng. “Tôi quên mất là chúng vẫn còn đó”.
“Ông Frederik”. Anh chàng nhân viên công lực đang nghía kỹ để “ngâm kíu” bằng lái của Fredo. Bằng lái mang tên giả, Carl Frederick, nhưng là bằng thiệt được chính Cục Xe Cơ Giới Nevada cấp. “Sáng nay ông đã uống bao nhiêu cồn vào người rồi?”
Fredo lắc đầu. “Lại đàng kia hở? Bên anh chàng đó?” “Vâng, nếu ông vui lòng”.
Hai người ăn mặc giống như cớm ở Detroit đang đi vế phía người mặc đồng phục trắng. Fredo kéo ra và với tay đến ghế ngồi sau tóm lấy chiếc sơ mi màu vàng và dùng nó phủ lên chai whiskey. Người mặc đồng phục trắng yêu cầu anh tránh xa khỏi chiếc xe.
Chuyện này ít nhiều giống như chuyện đã xảy ra với anh Sonny của chàng. Nếu đây là một trò dàn cảnh và nếu chúng đón lõng để giết anh, thì cơ may duy nhất anh có được là, ngay bây giờ, chộp lấy khẩu súng dưới ghế ngồi, rồi vụt ra khỏi xe, bắn xối xả. Nhưng nếu như bọn họ là người thực của Sở Cảnh sát? Thì sự vụ sẽ ra sao đây? Trong trường hợp này có lẽ anh sẽ giết một hai tay cớm rồi chính mình cũng sẽ bị khử hoặc bởi súng đạn ngay tại chỗ hoặc là bị bắt rồi chờ ngày lên ghế điện. Mặc dầu Mike cũng từng rơi vào tình huống tương tự nhưng đã thoát hiểm chỉ trong đường tơ kẽ tóc. Nhưng là do chú ấy có mạng lớn.
Chàng động não quay cuồng.
“Thưa ông”, người áo trắng nói. “Giờ đây, xin vui lòng”
Nếu họ là người thật và nếu họ tìm thấy khẩu súng ở đó, anh sẽ bị bắt. Chuyện này sẽ có người, có thể là Zaluchi, sẽ dàn xếp được. Vả chăng giờ đây không còn cách nào thoát khỏi rắc rối với cái của nợ đó được nữa.
Fredo nắm lấy một trong các quả cam. Anh mở cửa xe và nhẩn nha đi ra. Không có những động tác bất ngờ. Anh tung quả cam trong tay cho người mặc đồng phục trắng và chuẩn bị tinh thần đón nhận cái
chết. Người áo trắng chỉ bước xéo qua để tránh. Mấy tay cớm nắm lấy hai cánh tay của Fredo trước khi quả cam rơi xuống đất.
“Các anh là Cảnh sát kỵ binh Canada?”, đôi mắt Fredo chiếu thẳng, tìm kiếm mấy người mang súng tự động Tommy.
“Ông đang đi vào nước Mỹ đấy, thưa ông. Vui lòng theo lối này”.
“Các anh biết chiếc xe đó chứ?” Fredo nói. “Nó là của ông Joe Zaluchi, người mà chắc có lẽ các anh cũng biết, là một doanh nhân có vai vế ở xứ Detroit này”.
Nắm tay của họ chùng ra, nhưng cũng chỉ một tí thôi. Họ dẫn anh đến sau khu cao ốc hải quan. Trái tim của Fredo đập loạn nhịp. Anh tiếp tục nhìn quanh tìm kiếm mấy người mang súng, lắng nghe âm thanh của những tiếng búa hay những băng đạn được nạp vào súng. Anh định tự giải thoát và chạy đi. Ngay lúc anh sắp sửa làm điều đó, mấy người kia chỉ vào một tuyến đường trên mặt đất và yêu cầu anh bước vào.
Họ là người thực. Họ không sắp sửa giết mình đâu, anh nghĩ. Có lẽ thế.
“Ông Zaluchi hẳn là đang sốt ruột muốn lấy lại chiếc xe của ông ấy đấy” Fredo lên tiếng.
“Với đôi cánh tay ông giang ra như thế này, thưa ông”, một trong mấy tay cớm nói. Anh ta dùng giọng Canada để nói kiểu giễu nhại nghe cũng khá khôi hài.
“Chắc chắn anh không phải là Cảnh sát kỵ binh Canada đâu”, Fredo nói, nhưng anh vẫn làm như được bảo.
Theo như anh nghĩ, anh đã đi qua tuyến đường một cách hoàn hảo, nhưng mấy anh chàng thích đùa này chưa thấy ấn tượng. Họ bảo anh đọc ngược bảng chữ cái mà phải nhanh như đọc xuôi và anh cũng... hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc! Anh nhìn đồng hồ.
“Nếu các bạn cho mình biết tên”, anh nói,” Tôi chắc là Ngài Zaluchi sẽ rất vui lòng gửi món quà tặng vào quỹ hưu trí của bạn hay đại khái một khoản nào đó. Bất kỳ ông ta làm cái gì thì tôi cũng làm như thế”.
Họ ngẩng đầu lên, có vẻ muốn gây sự.
Không biết mắc chứng gì mà Fredo lại bỗng nhiên cười rúc rích. “Có gì đáng buồn cười đâu, ông Frederik?”
Fredo lắc đầu. Bị chính những dây thần kinh của mình phản bội, anh cố gắng, nói đúng theo nghĩa đen,
quét nụ cười ra khỏi khuôn mặt mình. Đúng, có cái quái gì đáng buồn cười đâu?
“Này, thưa Ngài, tôi xin lỗi nếu như tôi lỡ hiểu lầm”, một tay cớm nói giọng ngọt nhạt. “Có phải Ngài muốn ban tặng chúng em đây một ít... chất bôi trơn?”
Chàng nhíu mày. “Chẳng phải chữ tôi đã dùng là quà tặng?”
“Đó là một từ chấp nhận được thôi,” tay kia nói. “Tôi cho rằng Bob đã nghĩ là anh đang đề xuất một vụ “bánh sáp đi, bánh qui lại” đấy mà.
Một tay cớm học một số dụng ngữ của luật sư, anh ta được ủy thác một nhiệm vụ kì kèo mặc cả ở biên giới. Nhiệm vụ kì kèo mặc cả: ý tưởng đó khiến anh ta nhếch mép, mặc dầu anh ta đang tự giận mình chứ chẳng phải vui thú gì. Kì kèo mặc cả. Không phải Fredo Corleone, kẻ đã làm cho một nửa các cô gái trình diễn ở Vegas mang bầu và đang trên đường quay trở lại đó để tiếp tục “nựng” nửa số còn lại. Anh lấy một hơi thở sâu. Anh không sắp sửa cười. “Tôi không muốn chuyện rắc rối. Tôi không muốn giả định bất kỳ điều gì, nhưng” - và đến đây anh lại phải chiến đấu chống lại cơn cười - “tôi đã qua được trắc nghiệm hay chưa?”
Họ trao đổi một cái nhìn. Người mặc đồng phục trắng đi đến quanh góc cao ốc. Thôi bỏ mẹ rồi, Fredo nghĩ. Nhưng anh ta không mang khẩu súng của Fredo. Thay vì thế, anh ta cầm một tờ giấy ướt nhẹp, gần như nát bét, trải nó ra trên tấm bảng có kẹp giữ giấy tờ, ấn nhẹ xuống đó với một cái khăn tay. “Ông Frederik?” anh ta lên tiếng. “Ông có thể giải thích chuyện này không?”
“Cái gì vậy?” Fredo nói. Đó là lúc anh nhớ lại: hắn đã để lại khẩu súng trong phòng.
“Tôi chưa bao giờ thấy cái đó”.
Người áo trắng kề mặt sát vào tờ thư ngắn. “Chữ kí cuối thư là, Tha lỗi cho tôi, Fredo”, anh ta đọc. “Ai là Fredo?”
Fredo phá ra cười lớn.
Những động tác làm ấm mà bác sĩ đã chỉ định phải tập trong nửa tiếng thuộc loại được nghiên cứu kỹ, nhưng Johnny Fontane không còn đủ thời gian. Anh bắt đầu trong sa mạc, dừng lại ở Barstow uống một cốc trà nóng bốc khói pha mật và chanh và đi qua cả một đội quân những tiếng tru tréo, gào thét có lẽ đến lần thứ năm mươi khi anh phóng xe vượt đèn đỏ liền mấy dãy phố từ Tháp Ghi âm Quốc gia. Một xe mô-tô của Sở Cảnh sát Los Angeles đang đánh võng đàng sau xe anh. Họ cùng đến một chỗ dừng, gần cửa sau của tòa cao ốc. Phil Orstein - chỉ huy phó ở Tháp Ghi âm Quốc gia - đứng một mình ở bục chỉ huy, vừa hút thuốc vừa đếm bước.
Johnny lấy mấy ngón tay vuốt chải đầu tóc lơ thơ của mình, tóm lấy cái mũ từ ghế ngồi bên cạnh, và ra khỏi xe. “Coi chừng cái này,” Johnny nói, chỉa một ngón cái về phía anh cớm. “Mạnh khỏe, Philly?”
“Bình thường thôi”. Phill rút ra điếu thuốc. “Chúng tôi nghĩ anh lái đến đây sau sô nửa đêm. Chúng tôi
đã đặt phòng cho anh ở Khách sạn Ambassador và trả tiền trước luôn rồi nhưng anh chẳng thèm hạ cố đến đấy”.
Tay cớm dỡ mũ bảo hiểm ra. “Ông là Johnny Fontane, phải không?” anh ta hỏi.
Vẫn không ngừng sải bước, Johnny quay đầu lại, toe toét một nụ cười nhăn nhở đáng giá cả... triệu đô la, xếp mấy ngón tay thành khẩu súng sáu, nháy mắt và bắn mấy phát tưởng tượng vào anh cớm.
Phil, trên đường đi đến nói chuyện phải quấy với anh cớm, dừng lại, thở ra và lấy mấy ngón tay chải tóc.
“Bà xã và tôi đều thích bộ phim vừa rồi của ông lắm”
Đó là một phim cao bồi nhưng thuộc loại nhảm nhí thứ thiệt! Làm như bất kỳ ai cũng tin rằng một anh chàng dân chơi như Johnny lại sẵn sàng xả thân vào chốn gian nguy, cưỡi ngựa ào ào như gió, nổ súng đì đùng vào bọn vong mạng để cứu khốn phò nguy cho dân lành. Một chàng hiệp sĩ anh hùng rơm trong một phim truyện loại... ba xu rưỡi! Johnny hỉ hả tặng chữ kí cho chàng cớm ái mộ mình ngay sau tấm vé.
“Ông lại ghi âm mấy bài hát nữa, phải không?” anh cớm hỏi. “Ờ, cũng đang định thế” Johnny đáp.”
“Bà nhà tôi vẫn luôn thích các đĩa hát của ông”
Đó là lí do tại sao không một hãng đĩa nào ở New York muốn kí hợp đồng với Johnny - không một ca sĩ nào từng nổi tiếng với phụ nữ hơn với đàn ông lại không từng tìm cách thay đổi điều đó. Phim ảnh thì cũng tốt thôi, mặc dầu ngay cả bây giờ, với hãng sản xuất phim của riêng mình và một giải thưởng của Hàn lâm viện Điện ảnh Hoa kỳ, những người điều hành công việc ở đây vẫn tiếp tục làm cho anh cảm thấy mình như là một tên Ý ngu khờ, kẻ phá bĩnh đám tiệc. Những lần chờ đợi quá lâu làm anh chán ngán đến ê ẩm và anh cũng đã ngán đến tận cổ chuyện nghe bọn con lừa làm mặt lanh xưng tụng anh là Johnny Độc nhất Vô nhị! Ôi dào! Đây xin lạy cả nón! Từ đây trở đi, nếu anh có thể lấy được đúng phần, thế thì tốt, nhưng anh đang hướng đến chân trời khác. Tâm anh không trụ ở đây. Thực ra anh không phải là diễn viên, không phải là vũ công chuyên nghiệp, không phải là thần tượng cho tuổi teen, càng không phải là ca sĩ nhạc sến. Anh là Johnny Fontane, ca sĩ thính phòng - đầy tài năng và, nếu như anh toàn tâm toàn ý vào đó, mà hợp đồng này với National đem lại cho anh cơ hội để thực hiện ước nguyện, có lẽ là một trong những ca sĩ thính phòng lỗi lạc nhất từng có mặt trên đời. Cũng có thể là giọng ca tuyệt vời nhất. Tại sao không? Quả là đáng chán khi con người mà bạn biết đó mới đúng là mình lại không phải là con người mà người ta thấy khi họ nhìn vào bạn. Không phải là anh sắp nói điều gì. Bạn không nói bất kỳ điều gì xấu với hoặc về bất kỳ ai trước nay vẫn trung thành với mình. “Tên bà xã anh bạn là gì?” Johnny hỏi.
“Irene”.
“Bạn và Irene chưa từng đến Vegas?”
Chàng cớm lắc đầu. “Chúng tôi có nói về chuyện đó”
“Bạn phải thấy tận mắt mới tin được. À, thế này nhé. Tôi ở Lâu Đài Trên Cát suốt tháng tới. Phòng thượng hạng. Nếu bạn muốn tới, tôi đưa bạn vào.”
Chàng cớm cảm ơn rối rít: “Quí hóa quá! Ông chu đáo quá!”
“Đồ nỡm!” Johnny nói với Phill khi hai người ở trong thang máy đi lên studio. “Cá với anh là hắn sẽ đi khoe tùm lum là đã quen anh và tôi. Cá với anh là hắn tích lũy bộ sưu tập chữ kí đủ chất đầy một ga-ra đấy”.
“Anh bạn nói giọng kiêu bạc quá đấy, Fontane à”
“Thả lỏng đi, Philly à, anh bạn làm ra vẻ đạo mạo gớm!” Mặc dầu Johnny nhìn thấy cái cốc của anh trong những bức tường thép sáng loáng của thang máy và anh chẳng nhìn cái gì là nghiêm chỉnh cả. Anh dở mũ ra, lấy tay chải tóc, rồi đội mũ lại. “Mọi thứ xong xuôi đâu đó cả rồi chứ?”
“Hơn một giờ rồi”, Phill nói. “Nhưng có điều này. Xin hãy nghe tôi nói cho hết đã, OK?”
Johnny làm mặt lạnh như tiền và đếch nói gì, nhưng có lẽ anh chịu nghe. Chính Phill Orstein là người đã - sau khi mọi nhãn hiệu lớn khác đã qua đi - thu xếp cho Johnny một hợp đồng bảy năm (dầu tiền thù lao hơi èo uột, nhưng đã sao nào? Tiền bạc không thành vấn đề. Cái chính là cơ hội thể hiện đúng giá trị đích thực của mình). Chính Phill Orstein đã nhấn mạnh rằng giọng của Johnny Fontane đã trở lại và rằng hình ảnh trước công chúng của chàng ta như là một tên côn đồ ác ôn, lúc nào cũng say mèm, ưa cãi lộn, đánh lộn vừa là không có gì bảo đảm lại vừa có khả năng làm tăng mại vụ cho xê-ri băng đĩa của chàng ta mà thôi.
“Tôi biết anh muốn có Eddie Neils làm giám đốc âm nhạc, và nếu đó là điều anh thực sự muốn, thì được thôi, chúng tôi sẽ cố”.
Johnny bấm vào nút stop trên thang máy. Eddie Neils đã hòa âm phối khí cho Johnny lần cuối khi mà chàng không còn bài “hit” nào. Johnny đi đến nhà ông và có lẽ đã không rời nơi đó cho đến khi ông già này mở cho chàng nghe ngay tại thính phòng lát đá hoa cương của ông, giữa những bức tượng đại bàng và tượng người khỏa thân, và khi Johnny khắc phục được độ vang âm và thể hiện được ở mọi âm vực và mọi cung bậc tình cảm, thì cuối cùng Eddie đã đồng ý làm việc lại với anh.
“Anh nói với tôi rằng Eddie không có ở đây?”
“Đúng, tôi nói với anh như vậy đó,” Phill đáp, vừa vỗ vào bụng mình. “Bị ung sang xuất huyết bao tử. Phải vào bệnh viện tối qua. Cũng không đến nỗi gì đâu. Sẽ khỏi thôi. Nhưng - luôn luôn vẫn có một
chữ nhưng...”
“Ông ta không có ở đây.”
“Ờ, thì ông ta không có ở đây. Đúng. Song lẽ, đây mới là cốt lõi của câu chuyện. Bởi, dầu sao, ông ấy cũng chưa bao giờ là lựa chọn của chúng tôi cho anh.”
Rằng Phill đủ thẩm quyền và uy tín để nói cho anh thay vì là để anh trở lại, chuyện ấy không phải trong tâm trí Johnny. “Các anh vẫn luôn luôn thích anh chàng kia hơn,” Johnny nói. “Thằng nhóc đó. Một tay kèn trombone”.
“Đúng, Cy Milner. Anh ta không phải là thằng nhóc. Anh ta đã ngoại tứ tuần, bốn mươi lăm rồi đấy. Chúng tôi đã thuê anh ta viết cho một vài bài hit mới nhất đấy”
Milner từng là cột trụ của ban Les Halley, nhưng chỉ sau khi Johnny rời khỏi nhóm. Từ đó đến giờ hai người chưa từng gặp lại nhau.
“Các anh thuê hắn viết ca khúc từ bao giờ vậy? Từ hôm qua phải không?”
“Đúng, mới từ hôm qua. Nhưng anh ta làm việc nhanh khiếp lắm. Một huyền thoại về làm việc nước rút đấy.”
Thằng nhóc là một huyền thoại, còn tôi là Johnny Độc nhất Vô nhị. “Còn những bài Eddie đã viết thì sao?”
“Cả những bài đó nữa. Chúng ta có quyền khai thác mà”.
Phill đưa cả hai bàn tay lên vuốt tóc, dầu anh bị hói, tóc chỉ còn lơ thơ vài cọng. Anh ta là loại người, một cách vô thức, hay bắt chước những kiểu làm điệu của người khác.
“Anh nghĩ tôi thế nào, khó tính, khó nết, khó ưa phải không?” Johnny ấn mạnh vào nút stop. “Coi nào, Philly. Mình là dân chuyên nghiệp mà. Chúng ta cho Cy xoay tít một vòng, thử một vài chuyện, xem chúng ta có thể tung ra một trò ảo thuật nho nhỏ nào chăng, nhé?”
“Cám ơn Johnny”.
“Tôi vẫn luôn thích một tay Do thái ưa làm điệu.” “Đừng có đùa nhảm, Johnny”.
“Mà vẫn thẳng ruột ngựa, chứ không vờ vịt, ỡm ờ”
Johnny ra khỏi thang máy và sải bước xuống sảnh, đến phòng 1A, studio duy nhất đủ lớn cho dàn đàn
dây mà anh mong muốn. Anh ào qua các cánh cửa và đi thẳng tới anh chàng tóc vàng xám bên kia phòng. Anh ta mặc bộ côm-lê vải tuýt Anh quốc, đeo kính gọng sừng, với một lăng kính thật dày làm cho con mắt đàng sau đó trông thật ngộ nghĩnh. Đôi bờ vai rộng, giống một chàng cầu thủ bóng đá hơn là dáng một người cầm đũa chỉ huy dàn nhạc. Trông anh ta giống hình ảnh một ông hiệu trưởng trong các bộ phim. Johnny và Cy Milner làm quen với nhau bằng sự trao đổi rất kiệm lời, chỉ vừa đủ mức tối thiểu cần thiết. Johnny xỉa một ngón cái về chiếc mi-cờ-rô, và Milner gật đầu.
Milner nói lí nhí mấy lời hướng dẫn cho tay kỹ sư âm thanh rồi bước lên bục chỉ huy. Các nhạc công ôm ấp nhạc cụ của mình. Milner cởi bỏ áo khoác, giang cao đôi cánh tay khỏe khoắn, nhấc thẳng đũa chỉ huy. Johnny đứng trước micro, sẵn sàng vào cuộc.
“Nào, các bạn, bắt đầu!” Milner nổ phát súng lệnh. Và anh chỉ nói có thế.
Johnny khởi động bài hát mạnh mẽ ngay từ nốt nhạc đầu tiên, và dàn nhạc - tất cả đều là người của Eddie Neils - cuồn cuộn trào dâng lên làn sóng âm thanh xum xuê phồn mậu và lộng lẫy theo sau anh. Giống hệt như ngày xưa. Anh cảm thấy như mình đang cưỡi qua đầu sóng lời ca, bập bềnh lắc lư trên biển nhạc. Anh vẫn còn đầy đủ tài năng để thực hiện kỳ công này. Như đang ngối trên lưng con tuấn mã không cần có yên cương, mà vẫn lao đi vun vút theo ý mình, chỉ cần vài lời điều khiển ngắn gọn.
Khi họ chấm dứt, cả khán thính phòng sững sờ lặng ngắt, chỉ có tiếng vỗ tay rào rào trong tâm tưởng!
Milner ngồi xuống một chiếc ghế đẩu. Johnny hỏi anh thấy thế nào. Milner nói rằng anh ta đang suy nghĩ. Johnny hỏi anh ta có nghĩ rằng họ nên làm lại không. Milner không nói gì. Mà chỉ đứng dậy và giang cao đôi cánh tay. Họ làm lại. Milner ngồi xuống và bắt đầu ghi chú.
“Anh đang làm gì vậy?”
Milner lắc đầu nhưng không nói gì khác. Johnny nhìn vào Phil; anh chàng này nắm bắt được thông điệp và mang họ vào căn phòng nhỏ trở lại.
“Chúng ta phải tinh giản bớt hai phần ba quân số dàn nhạc”, Milner nói.
Không phải “chúng ta nên” hay “có lẽ chúng ta nên” mà chỉ là câu phát biểu thẳng thừng, phẳng lì, không úp mở, quanh co. Johnny gắt gỏng. Đây chính là loại dàn nhạc thường hòa âm cho anh trong những bài hit thành công nhất, đúng là loại âm thanh mà người ta vẫn khao khát.
Milner đứng yên tại chỗ, không một dấu hiệu biểu cảm nào, chỉ cố miễn cưỡng “hấp thụ” tràng dài chỉ trích của Johnny.
Cuối cùng, Milner trao cho Phil một mẩu giấy. Trên đó ghi danh sách những người được mời về nhà nghỉ ngơi, ngồi chơi xơi nước vối. Phil nhướng cao một hàng lông mày, rồi lấy một ngón tay chỉ vào mình. Milner bảo rằng anh không quan tâm ai sẽ làm chuyện đó.
“Chết tiệt!,” Johnny thở ra. “Cứ làm điều gì anh thấy cần làm”. Chàng ta thả phịch người xuống chiếc ghế nệm bọc da.
Milner là người tống tiễn đám “thặng số biệt phái”. Johnny ngồi nhìn lướt qua danh sách những bài hát chàng đã chọn, so sánh những bài “hot” mà Neils đã sáng tác với những bài Milner sáng tác. Những bài của Milner được viết ra nhanh, điểm xuyết bởi những ghi chú chi chít, nhếch nhác, luộm thuộm. Về chuyện này không có cái gì giống như ngày xưa.
Lát sau, Johnny trở lại đứng sau micro, nhìn trừng trừng vào mấy bản nhạc trên giá để nhạc trước mặt mình. Lần này là một bản do Milner soạn tổng phổ. Một bài ca bất hủ của huyền thoại Nat “King” Cole lừng lẫy thời xưa mà trước đây anh cũng từng ghi âm thành công. Johnny vừa muốn giết anh chàng Milner này vừa muốn ôm siết anh ta. Có lẽ anh muốn chứng minh rằng anh ta sai. Nhưng anh thầm cầu nguyện là anh ta đúng.
Những người từng thấy Johnny Fontane hát nơi các câu lạc bộ, hay ngay cả những ai từng thấy anh thu âm mười năm trước đây, có lẽ sẽ khó nhận ra con người đang cuộn mình lại, có vẻ ủ ê, hơi thở đều, đang đứng sau micro lúc này. Số nhạc công được giữ lại bước vào vị trí. Tay kỹ sư âm thanh muốn “check” lại micro. Ngay lúc họ đang sẵn sàng, một chú nhóc đi vào và hỏi cháu nên đặt ly trà cho Ông Fontane ở đâu. Johnny chỉ tay nhưng không nói, nhún nhảy chầm chậm tại chỗ nhưng không làm động tác nào khác, dán mắt mình vào bản nhạc nhưng không thực sự nhìn vào đó. Tất cả chuyện này chỉ diễn ra trong chốc lát nhưng với Johnny dường như hàng bao giờ đã trôi qua và cũng dường như chẳng có thời gian nào. Tâm trí anh như rơi vào cõi phi thời. Anh nhắm đôi mắt lại. Lần cuối cùng mà anh đã hát bài này lúc đó giọng anh trong trẻo như tiếng hạc bay qua, như giọt mưa mùa hạ lóng lánh trên các tàng lá, và như anh có thể nhớ, quả là làm người nghe mê mẩn.
Johnny gần như không ý thức được lúc khúc hát bắt đầu. Việc kiểm soát hơi thở của anh đã được xây dựng kỹ trong suốt thời gian anh lặn xuống hồ bơi khiến anh chỉ còn ý thức là mình đang hát. Sự cải biên là ở khắp nơi và chẳng ở nơi nào, nhảy vào khi anh muốn, hay ở bên ngoài đường đi của anh mà không cần biết tại sao. Một khổ thơ được đưa vào và tất cả những gì Johnny ý thức được đó là kẻ kém cỏi được nhắc đến trong bài ca, cố gắng dùng những từ dễ nghe và những câu đùa để tự thuyết phục mình rằng mình vẫn có thể sinh tồn mà không cần người đàn bà đã bỏ mình. Vào lúc Johnny xướng đoạn nhạc đầu tiên, chàng ta là kẻ kém cỏi đó. Chàng đang hát không phải cho những người khác có thể đang nghe chàng nơi studio, trên làn sóng phát thanh, hay trong sự riêng tư của phòng khách nhà mình với một chai whiskey được nốc cạn nhanh hơn nhiều so với tốc độ lẽ ra nên uống. Chàng đang hát cho mình và vì mình, nói lên những sự thật rất riêng tư đến độ có thể đốt cháy những cái lỗ xuyên qua đá! Chẳng có điều gì mà bất kỳ người nào thực sự lắng nghe âm nhạc có thể làm ngoại trừ trông cậy vào những ngôn từ dễ nghe và những biểu kiến giả tạo mà tình yêu đã mất gợi ra, vào tất cả những lời trách móc, thóa mạ được “ban tặng” một cách hào phóng cho ai đó đã hành động đúng khi bỏ rơi anh (đáng đời tên bất tài, kém bản lĩnh đã không dám buông cho các em rơi tự do trước khi các em kịp “giở quẻ” với mình!). Và rồi chàng tuyệt vọng, rên rỉ.
Khúc hát chấm dứt.
Milner hạ thấp que chỉ huy và nhìn vào chàng kỹ sư âm thanh, chàng này gật đầu. Mọi người trong studio_ ngay cả ban nhạc đã được tinh giản - bùng nổ thành tràng pháo tay dòn dã. Milner hướng đầu về chỗ quầy nhỏ.
Johnny bước lùi ra xa micro. Anh nhìn quanh vào những bộ mặt tươi cười của tất cả những kẻ xu nịnh này. Milner quay lại từ cái quầy nhỏ và bắt đầu tái định vị các micro. Anh không nói gì. Có lẽ người ta sẽ nói anh chàng này là dân Sicily, vì cái kiểu lầm lì ít nói và lại nói rất nhỏ.
“Không” Johnny nói. Cám ơn rất nhiều tất cả các bạn, nhưng không. Các bạn tuyệt vời lắm nhưng tôi không thể làm tốt hơn. Nhưng cứ thử một cái gì khó hơn xem sao, OK?”
Milner tái định vị micro kia.
“Tốt lắm, Cy.” Johnny nói. “Bạn có thể làm điều đó giống như Puccini không?”
Milner câu ra một mảnh giấy nhăn nheo từ túi áo sơ -mi, trông giống một giấy biên nhận giặt ủi, và ngồi xuống trước piano, ngơ ngác nhìn quanh một tí, ghi tháu mấy chú thích, đưa ra một ít hướng dẫn vắn tắt cho những thành viên dàn nhạc.
Johnny có lẽ se không làm việc với Eddie Neils sớm bất kỳ lúc nào.
Anh đã ở nơi nào đó, đi nơi nào đó, hát bài ca đó, và anh có thể lại đến đó, anh tuyệt đối chắc chắn điều đó, và đi sâu hơn, và sau đó làm điều đó cả hàng chục lần nữa. Anh có thể làm đầy nguyên cả một đĩa với những bài ca đưa người ta ra khỏi cuộc sống thường ngày với những lo toan cơm áo gạo tiền, đề ru hồn về bến mơ, và đi sâu vào thâm cung hồn viễn mộng khôn khuây của họ, và, một tia chớp lóe lên trong đầu óc chàng - xâu chuỗi các bài hát theo cách Les Halley đã làm khi Johnny là ca sĩ độc quyền của ông ấy, tất cả chỉ trên một băng ghi, để mọi thứ thi đấu trận quyết định với mọi thứ khác, theo một cách và đến một mức độ mà không một ai, kể cả những tay ca nhạc jazz hay nhất, từng làm trước đây.
Phil Orstein tiếp tục khen ngợi mọi người. Philly sẽ không hạnh phúc khi bảo họ tiêu phí nguyên cả một kỳ tập dợt vào chỉ một bài ca này nhưng không làm sao được. Johnny Fontane sẽ thách bạn chỉ cho chàng ta một tiệm băng đĩa nào mà khách hàng đi vào hỏi mua những sản phẩm mới ra của National Records. Cái họ muốn là những bài hát họ yêu thích, được những ca sĩ thần tượng của họ hát. Milner bước lên bục chỉ huy. Hai mắt kiếng khác độ nhau xa của anh làm cho giống như thể là con mắt bình thường của anh nhìn vào dàn nhạc còn con mắt phồng to lên sau cái lăng kính lớn độ lại nhìn vào Johnny. Johnny nhìn xuống và họ lại bắt đầu.
Dường như bóng ma của Puccini nhập vào bài hát, mở ra xa hơn và Johnny hít đầy không khí vào buồng phổi và bơi lội trong đó.
Michael và Kay trải qua giờ bay đầu tiên trong yên lặng tương đối. Có lần Kay tỏ ra ngạc nhiên thích thú trước vẻ đẹp gây sững sờ của sa mạc và so sánh vẻ đẹp đó với tác phẩm của các họa sĩ trừu tượng
thì Michael nhận định rằng mình cũng nên biết. Chàng ta làm bộ hứng thú và cố tỏ ra cũng hiểu biết đôi chút về nghệ thuật, thế là nàng say sưa thuyết pháp một thôi một hồi về hội họa trừu tượng, hội họa phi hình dung... khiến chàng ù cả tai, lơ mơ thần trí không biết mình đang bay ở tầng mây thứ mấy! Và rồi chàng tự hỏi tại sao về một chuyện tầm thường như vậy, chàng cũng không chịu trung thực. Có lẽ là vì chàng đã quen... nói dối thành tinh rồi!
Michael hỏi về việc dọn nhà. Kay định nói với chồng về cái ngày trong tuần rồi khi những người nhà Clemenzas hiện ra tại ngôi nhà cũ của bố mẹ chàng, mà họ đã mua lại, và Kay thấy mẹ chồng, Carmela Corleone đứng ở cửa sổ nơi văn phòng người chồng quá cố của bà, một căn phòng mà ít khi bà đặt chân tới trong nhiều năm rồi. Bà đã lâng lâng với vài ve và đang lẩm bẩm những bài kinh bằng tiếng Latinh. Đây là nhà của tôi, bà thông báo. Và tôi sẽ không dời đến sa mạc nào. Chẳng bao lâu nữa đâu rồi chàng sẽ nghe chuyện đó. Bà đang đùa ai vậy? Mà không chừng là chàng đã biết rồi cũng nên. “Nhưng sắp ổn thôi,” Kay nói. “Connie thường rất đắc lực trong những chuyện này”.
Ngay cả lời bình luận trung lập đó cũng chất chứa nhiều ẩn ý. Michael không phản ứng lại việc Kay nêu tên cô em gái mình, nhưng chàng biết Connie vẫn còn hận anh mình về cái chết của chồng cô, Carlo, mặc dầu là một phụ tá mà anh biết từ Guadalcanal đã đổ vấy cuộc mưu sát đó cho một thuộc hạ của nhà Barzini.
“Lạ thật”, Kay nói sau một hồi yên lặng kéo dài. “Bay qua sa mạc bằng một chiếc thủy phi cơ.”
Về mọi hướng sa mạc hoang vắng tiêu điều, chỉ có cát và những cây còi cọc trải dài ra đến tận chân trời. Cuối cùng những hình dáng mà hóa ra là những ngọn núi hiện lên từ lớp sương mù mỏng ở phía bắc.
“Bọn trẻ thế nào?” Cuối cùng Michael lên tiếng.
“Anh thấy bọn chúng sáng nay mà”, Kay đáp lời. Mary, lên hai tuổi, khóc và la “Daddy, Daddy”, khi hai người rời nhà. Anthony, vào thời điểm này năm tới sẽ bắt đầu đi nhà trẻ, đang ngồi dưới một cái hộp đặt trên sàn nhà, xem Tivi qua một cái lỗ. Đang chiếu chương trình trong đó những khuôn mặt bằng đất sét chạm trán các vấn đề của đời sống: mối cám dỗ không chịu chia sẻ cái wagon đỏ của mình hay những đức tính để chấp nhận vai trò của người ta trong việc làm bể cái bóng đèn nơi máy khâu của má. Nói rằng cậu bé bằng đất sét kia sẽ không bao giờ tranh đua với hai ông chú bị ám sát của mình thì chắc cú rồi. Ông bố đất sét của cậu với cái áo len mướt mồ hôi sẽ không bao giờ bị gọi là “một bộ mặt của thế giới ngầm” trong The New York Times. Ông nội đất sét mảnh mai dường như không ngã xuống chết dưới chân cậu. “Anh nghĩ chúng thế nào?”
“Chúng có vẻ ổn đấy. Chúng có bạn chưa? Ở gần nhà ấy?”
“Lúc đó em còn lo lấy đồ ra, Michael à. Em đã không có đủ thời giờ -” “Được thôi. Anh đâu có phê phán gì.”
“Anh đủ gần phi trường Reno để làm thủ tục bay vào” “Bố mẹ em đã có cuộc du hành dễ chịu chứ?”
“Vâng, tốt. Bố nàng đã dạy thần học ở Dartmouth đủ lâu để có thêm phần trợ cấp nhỏ hàng tháng, từ đó tăng thêm phần trợ cấp ông lãnh hàng tháng từ khi ông nghỉ hưu với tư cách mục sư năm năm trước đây. Ông và mẹ Kay đã mua một xe kéo lữ hành (travel trailer) và dự định đi thăm thú khắp nước Mỹ. Họ đến ngày hôm qua để giúp Kay sắp xếp lại nhà cửa và trông nom mấy đứa cháu. “Hai cụ khen chỗ đậu chiếc trailer trông thật xinh xắn dễ thương khiến hai cụ không muốn rời đi”. Lâu Đài Trên Cát cũng có bãi đậu xe trailer riêng.
“Xin rước các cụ cứ ở lại bao lâu tùy thích”.
“Các cụ nói đùa cho vui vậy thôi, “nàng nói. “Anh đã lên kế hoạch gì chưa? Mình sẽ làm gì ở Tahoe?” “Ăn tối rồi xem phim, em thấy sao?”
“Bây giờ còn chưa đến mười một giờ”.
“Ăn trưa và xem phim. Suất buổi chiều. Ở đó có một suất buổi chiều chúng ta có thể coi kịp”. “Okay. Ôi lạy Chúa! Michael, nhìn kìa! Đẹp quá!”
Hồ nước, lớn hơn Kay đã tưởng tượng nhiều, được điểm xuyết bởi những thuyền câu và viền quanh bởi các rặng núi. Xung quanh phần lớn của hồ, những rừng thông dày ăn lan ra đến mép nước. Mặt nước trông bóng mượt như một mặt bàn bằng sơn mài.
“Đúng vậy, đẹp quá.” chàng đồng tình. “Anh chưa bao giờ thấy nơi nào đẹp hơn đây.”
Chàng liếc mắt tình tứ nhìn vợ. Nàng đang xoay xoay quanh ghế ngồi, vươn cổ ra để ngắm phong cảnh lộng lẫy huy hoàng mà họ đang đáp xuống. Nàng rạng rỡ hạnh phúc.
Michael cho máy bay hạ thấp dần, gần bờ nước và đáp máy bay xuống không xa một cầu tàu và một nhà để ghe thuyền. Dường như không có gì khác ở chung quanh ngoài rừng cây và một khoảng đất được phát quang gần đó, nơi có một mũi đất vươn ra trong hồ.
“Nơi đây hơi xa với thị xã, anh nhỉ?” Kay nói.
“Anh biết có một chỗ thật tuyệt để ăn trưa, ngay gần đây thôi”.
Khi máy bay tiếp cận cầu tàu, ba người trong những áo khoác sậm màu đi ra từ mấy cánh rừng.
Kay hít vào một hơi và thả người lại phía sau xuống chỗ ngồi. Mấy người kia tiến ra chỗ cầu tàu và
nàng gọi tên chồng.
Michael lắc đầu. Hàm ý rất rõ: Đừng lo. Họ làm việc cho anh mà.
Mấy người kia trèo lên mấy cái phao và buộc máy bay vào cầu tàu. Người phụ trách là Tommy Neri, cháu Al Neri. Al - trong bộ đồng phục cũ của Sở Cảnh sát New York đã xả sạch một băng đạn súng sáu vào ngực Ông Trùm Don Emilio Barzini và là kẻ, với một con dao bén ngót lấy từ chính nhà bếp của nạn nhân, đã mổ bụng tay đội trưởng nhà Phillip Tattaglia và đái vào lỗ hổng của thi thể còn đang bốc hơi của nạn nhân. Tay này hiện phụ trách an ninh cho mọi khách sạn thuộc quyền kiểm soát của gia đình. Giống như Al, Tommy cũng từng là một anh cớm của New York. Ba anh chàng này trông giống như mới vừa rời trường trung học. Hầu như họ chẳng nói gì và quay đầu trở lại về hướng rừng. Trong khi họ làm như thế, Kay đối diện Michael ở chân cầu tàu. Cô vừa có khối chuyện để nói lại vừa chẳng biết nói bất kỳ điều gì.
“Hãy đợi tại đây,” Michael nói. Anh sờ vào phía mặt mình đã từng bị dập nát, một động tác anh thường làm, có lẽ một cách vô thức, khi anh bồn chồn, căng thẳng. Nhiều năm sau khi tay cớm kia đấm mấy quả trời giáng vào mặt anh, anh đã không làm gì để chỉnh sửa bộ mặt bị lệch chuẩn của mình mà chỉ khịt mũi liên tục và nói về vẻ bề ngoài bị tàn phá của mình, cho đến cuối cùng, vì Kay, chàng đã chịu đi phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh hình. Sau đó trông anh khá hơn, nhưng không đúng như lúc trước, và không bao giờ giống như chính mình nữa. Nàng chưa bao giờ thổ lộ với chàng về điều này.
Anh đi về phía cửa nhà chứa thuyền, đến cái bậu cửa, lục chìa khóa, và đi vào.
Kay vừa muốn vừa không muốn hỏi cái nhà chứa thuyền này của ai. Điều ngăn nàng hỏi không phải là sợ câu trả lời. Mà là sợ rằng Michael không muốn bị hỏi.
Một lát sau, chàng hiện ra, tung khoảng một tá đóa hồng về phía nàng. Nàng lùi về sau một bước. Rồi nàng vươn người tới trước đón nhận chúng. Họ hôn nhau.
“Lễ kỷ niệm cưới hạnh phúc!” Michael nói.
“Em nghĩ cuộc du ngoạn này là món quà cho em”. “Tất cả mọi thứ đều là cho em.”
Chàng trở lại nhà chứa thuyền và đi ra và mang theo một tấm nệm có sọc, loại để ngồi chơi ở bãi biển và một cái giỏ đi picnic khổng lồ bọc trong chiếc khăn trải bàn đỏ sậm. Hai ổ bánh mì Ý dài được lôi ra khỏi giỏ, như hai thanh gươm đặt chéo nhau. “Voilà” (Đấy! Nhìn xem! Tiếng Pháp trong nguyên tác), chàng nói. Chàng hất đầu chỉ về phía khoảng trống trong rừng (do cây bị phát quang). “Bữa trưa nơi bãi biển”.
Kay dẫn đầu. Nàng để mấy đóa hoa xuống và bung tấm nệm ra.
Họ ngồi xuống theo kiểu người Da đỏ, đối mặt nhau. Cả hai đều bị cơn đói cồn cào thúc giục, và họ cùng ăn ngấu nghiến. Đến một lúc, Michael vít một chùm nho trên đầu Kay xuống trước miệng nàng.
“Cám ơn. Em sẽ đớp ngay thôi”. Nàng cắn ra một trái nho. “Có duyên ghê!” Michael nịnh vợ.
Nàng nhìn vào cánh rừng nhưng không thể thấy mấy người kia. “Đấy không phải là điều em có ý muốn nói. Không phải chỉ là những gì em muốn nói.” Nàng dừng lại. Nhưng tại sao không hỏi. Đây đâu phải là câu hỏi về chuyện làm ăn. Chàng đã mang nàng đến đây trong một cuộc hẹn. Cho lễ kỉ niệm ngày cưới của họ. “Mọi thứ này ở đâu mà có vậy mình?”
Chàng chỉ qua bên kia hồ. “Anh đã bảo họ giao đến đây.” “Đất này của ai?”
“Đất này? Ở đây?” Nàng nhíu mày.
“Ồ!” chàng nói. “Anh đoán là của em”. “Anh đoán?”
“Nó là của em”. Chàng đứng lên. Chàng rút một mảnh giấy từ túi sau. Đó là bản sao của một chứng từ. Giống như mọi thứ họ sở hữu, tờ giấy có tên nàng trên đó nhưng không có tên chàng. “Mừng lễ kỉ niệm ngày cưới”, chàng nói.
Kay nhặt lên những đóa hồng. Tất cả những gì diễn ra làm nàng vừa chấn động sâu sắc vừa thích thú mãnh liệt. “Chắc chắn là mình biết cách đem lại thời gian thú vị cho một cô gái,” nàng nói.
Michael cũng biết là lẽ ra chàng không nên gọi khu đất này là một món quà kỉ niệm ngày cưới. Anh đang làm quá. “Món quà cuối cho em,” anh nói. Chàng đặt tay phải trên một cuốn Thánh kinh tưởng tượng và đưa tay trái lên. “Anh thề. Không có ngạc nhiên nào nữa”.
Nàng ngước nhìn chàng. Nàng ăn một quả dâu. “Anh mua đất ở đây mà không cho em biết?”
Chàng lắc đầu. “Anh có phần hùn trong một công ty bất động sản; công ty đã mua khu đất này. Đó là chuyện đầu tư. Anh đã nghĩ chúng ta có thể phát triển đất đai ở đây cho chúng ta. Cho gia đình”.
“Cho gia đình?” “Đúng”
“Anh định nghĩa gia đình như thế nào đi,” nàng bảo.
Chàng xoay vòng và nhìn ra mặt hồ. “Kay này, em phải tin anh. Hiện nay mọi chuyện đang trong một tình huống hơi tế nhị, nhưng không có gì thay đổi”.
Mọi chuyện đều đã thay đổi. Nhưng nàng còn biết nhiều hơn là nói lên điều này. “Anh kéo cả nhà đến Las Vegas và rồi ngay cả trước khi mọi người kịp tháo mở va-li, anh lại lôi cả nhà đi, đến đây?”
“Fredo đã thu xếp mọi sự cho chúng ta ở Las Vegas. Nhưng trong trường kỳ Hồ Tahoe là một cơ hội tốt hơn. Cho chúng ta, Kay à. Em có thể làm việc với kiến trúc sư, xây căn nhà trong mơ của em. Chuyện đó có thể mất cả năm, thậm chí hai năm. Em có thời gian mà. Cứ nhẩn nha, chậm mà chắc. Bọn trẻ sẽ lớn lên, bơi lội thỏa thích trong hồ này, khám phá các cánh rừng, cưỡi ngựa, trượt nước.” Chàng quay lại đối mặt nàng. “Ngày anh cầu hôn em, Kay à, anh đã nói rằng nếu mọi chuyện xuôi chèo mát mái, thì mọi công việc làm ăn của chúng ta sẽ hoàn toàn trở nên hợp pháp trong vòng năm năm nữa thôi”.
“Em nhớ”, nàng nói, mặc dầu đây là lần đầu tiên họ lại nói về chuyện này kể từ đó đến giờ.
“Tiêu chí đó vẫn giữ nguyên. Chúng ta phải thực hiện vài điều chỉnh, đúng vậy, và không phải mọi sự đều thẳng một đường theo ý chúng ta. Anh đã không tính tới việc bố mất. Cũng còn những chuyện khác nữa. Người ta không thể chờ đợi mọi sự trong một kế hoạch có yếu tố con người - nhiều người nữa - lại có thể thẳng tiến một mạch mà không phải có lúc vòng qua những zigzags. Nhưng” - anh đưa ngón trỏ lên – “nhưng: Chúng ta đã gần đến đích. Mặc dầu có những chướng ngại, đôi khi cả những bước lùi, Kay ạ, nhưng chúng ta đã tiến gần, rất gần.” Chàng cười và quì gối xuống trước mặt nàng. “Las Vegas đã có chút tiếng tăm. Trong bất kỳ phiên bản nào của kế hoạch này, chúng ta cũng còn được công việc kinh doanh khách sạn và casino ở đó. Nhưng Hồ Tahoe thì khác. Đây là nơi có thể làm được việc cho chúng ta, không hạn định. Ở đây chúng ta có đủ đất để xây dựng bất kỳ căn nhà nào em thích. Mẹ anh, những người thân của em nếu họ muốn. Bất kì người thân nào muốn đến đây cũng đều có không gian cho họ”.
Chàng không nhắc đến ông anh hay cô em. Kay hiểu chồng khá kỹ để chắc chắn rằng chuyện này hẳn là không phải ngẫu nhiên đâu.
“Anh có thể bay bằng chiếc thủy phi cơ này vào hay ra khỏi đây, và phản lực cơ kích cỡ nào cũng có thể bay đến Reno vốn ngay trên đường đi, Carson City chưa đến một giờ tính từ đây. San Francisco khoảng ba giờ”.
“Carson City?”
“Đó là thủ phủ bang.”
“Em nghĩ Reno mới là thủ phủ chớ”.
“Ai cũng nghĩ như thế. Nhưng đúng ra là Carson City”. “Anh chắc không?”
“Anh từng có công việc phải đến đó, đến chính nhà quốc hội bang. Em muốn anh chứng minh điều đó không?”
“Hẳn rồi”.
“Đúng là Carson City, Kay à, tin anh đi. Em đề nghị anh phải chứng minh điều đó bằng cách nào?” “Chính anh là người đề xướng chứng minh chuyện đó mà.”
Chàng nhặt lên một quả trứng. Chàng cầm lấy nó như một cái lao và phóng vào nàng.
Nàng bắt lấy quả trứng và trong cùng một động tác ném trả nó lại chàng. Nhưng nàng ném hụt. Quả trứng bay qua khỏi người chàng và nhảy thia lia hai lần trên mặt hồ, và chàng cười lớn.
“Thật dễ chịu khi thấy mình như thế này,” nàng nói. “Em có ý chỉ gì?”
“Em không biết giải thích thế nào.”
Chàng ngồi xuống bên nàng. “Cũng có nhiều điều mà anh không thể giải thích, Kay à. Nhưng anh có một khải tượng. Vẫn là khải tượng mà anh luôn có, chỉ là bây giờ thì nó rất gần với thực tại hơn thôi, với con cái của chúng ta lớn lên theo cách em dạy dỗ hơn là theo cách của anh, mọi đứa trẻ của nước Mỹ có thể lớn lên để thành bất kỳ cái gì chúng muốn. Em lớn lên nơi một thị xã nhỏ; con cái chúng ta cũng vậy. Em vào một trường đại học tốt, chúng cũng sẽ như thế.”
“Anh cũng từng vào một trường đại học tốt mà. Một trường còn tốt hơn trường của em, danh giá hơn trường của em”.
“Nhưng em theo học đến lúc tốt nghiệp ra trường. Các con chúng ta sẽ không cần phải bỏ học vì bất kỳ lí do nào, và chắc chắn là không phải để phụ giúp anh trong công việc. Chúng sẽ không phải chịu ảnh hưởng từ anh theo cái cách mà anh chịu ảnh hưởng từ bố mình, và việc sống ở đây sẽ là một phần trong mục tiêu đó. Chúng ta tạo khoảng cách cho gia đình -”
Kay nhướng mày.
“Hãy định nghĩa gia đình như thế nào theo em muốn, nhất trí không? Gia đình của chúng ta. Bốn người chúng ta. Chúng ta tự cách xa khỏi tất cả những” - chàng lượm lên một chai sữa đã uống một nửa và
hút hết phần còn lại - khỏi, hãy nói là New York. Chỉ có điều ấy mới vẽ nên biểu đồ cho hành trình mới trong cuộc đời chúng ta. Các cổ phần của chúng ta ở bang Nevada - nơi đây chưa phải là một bang đông dân lắm - các cổ phần ở đây sẽ cho chúng ta phương tiện để tổ chức lại công việc làm ăn của anh theo những phương cách vốn sẽ là bất khả thi ở New York. Chúng ta đã làm được phần gay go nhất của tiến trình này. Hãy nhớ những lời này của anh: năm năm nữa, kể từ bây giờ, Gia đình Corleone sẽ hoàn toàn hợp pháp như Standard Oil.”
“Nên như thế lắm”, Kay phụ họa.
Chàng thở ra. Nếu đó là điều khiến nàng giống một cô giáo thì các học trò của nàng vừa may mắn lại vừa bất hạnh. “Anh xin lỗi nếu chuyện mình nói không thể một trăm phần trăm chắc chắn. Có gì trên đời mà chắc cú trăm phần trăm đâu?”
“Gia đình, đồng ý không?”
Michael chọn cách làm như đùa. “Anh có thể hành động cách nào khác? Buông bỏ tất cả? Ngay cả nếu như anh có thể làm như thế và không khiến em thành góa phụ, thì rồi sao nữa? Đi làm một công việc tử tế đại loại như bán giày, tối đi học lớp đêm và hoàn tất đại học. Bao nhiêu người tùy thuộc vào anh, Kay à, và trong khi em và mấy đứa nhỏ luôn đứng ở hàng đầu và sẽ luôn luôn như vậy trong tâm tưởng anh, trong hệ số tình cảm của anh, thì anh cũng còn phải lưu ý đến số phận của bao nhiêu người khác. Fredo, Connie, mẹ anh, đó mới chỉ là nói trong gia đình riêng của mình thôi, chưa nói đến công việc. Chúng ta bán công ty dầu ôliu vì chúng ta cần một số tiền mặt lớn và hoàn toàn được chính quyền chấp nhận, nhưng ngay cả sau đó chúng ta vẫn còn những phần hùn kiểm soát trong nhiều loại hình kinh doanh hoàn toàn hợp pháp khác; Các xưởng sản xuất, bất động sản thương mại, hàng chục nhà hàng và một dây chuyền cửa hàng hamburger, nhiều tờ báo, các đài phát thanh, các đại lí bán vé, một studio điện ảnh, và cả một hãng đầu tư ở Phố Wall. Các phần hùn của chúng ta trong kinh doanh cờ bạc và cho vay tiền đều có thể hoạt đông bất kì nơi nào mà những công cuộc kinh doanh này được coi là hợp pháp. Còn đối với những khoản chúng ta chi ra để giúp cho các chính trị gia phe ta đắc cử - chuyện đó cũng không khác gì điều mà bất kỳ các công ty lớn hay các công đoàn lớn vẫn làm. Anh giả định rằng anh có thể ngưng lại, ngồi thu mình trong ghế bành và nhìn mọi thứ rời rã tan tành, bất lực nhìn thấy chúng ta mất hết tất cả. Hoặc là.” Anh giương một ngón trỏ lên. “Hoặc là. Thay vì thế, anh có thể chấp nhận thêm một ít rủi ro có tính toán và cố gắng thực hiện một kế hoạch vốn đã, anh muốn nói là, được thực hiện đến tám mươi phần trăm. Em biết là anh không thể kể rõ cho em mọi chi tiết đặc thù của kế hoạch này, nhưng anh sẽ nói cho em nghe điều này, Kay à: nếu em có thể tin vào anh, thì chỉ năm năm nữa kể từ đây, chúng ta sẽ ngồi nơi chính chỗ này, ngắm con cái của chúng ta - Mary và Anthony và có thể thêm một vài cặp nữa - bơi lội trong hồ, và Tom Hagen, anh Tom của anh, chỉ còn khoảng hai tháng sau, sẽ đắc cử Thống đốc bang Nevada rộng lớn, và cái tên Corleone sẽ bắt đầu có nghĩa, đối với hầu hết người Mỹ, tương tự như những cái tên Rockefeller và Carnegie. Anh muốn làm nên những điều kỳ diệu, vợ yêu của anh à. Những điều kỳ diệu. Và lí do chính cho tất cả những chuyện đó, trước tiên và trên tất cả, là em và những đứa con của chúng ta.”
Họ thu gom bữa ăn trưa. Michael huýt sáo và Tommy Neri đi ra từ cánh rừng. Chàng ta nói mình và đồng đội đã ăn xong cả rồi, nhưng nhấm nháp ít miếng snack cho vui miệng cũng tốt thôi, cám ơn.
Michael chỉ Kay đi vào nhà để thuyền. Bên trong là một chiếc Chris -Craft, màu ngọc lục biển với những khoang gọn gàng, sạch sẽ, trang nhã. Anh giang một cánh tay ra và Kay bước vào. Nàng chờ đợi Tommy Neri đi theo nàng, nhưng anh ta tháo dây neo thuyền và đứng lại đàng sau.
“Anh đang tự hỏi,” Michael mở lời, đẩy thuyền vào trong hồ. “À này, quà tặng kỉ niệm năm năm ngày cưới theo truyền thống là gì em nhỉ?”
“Gỗ. Điều này nhắc nhở em.” Nàng rút một tấm thiệp ra khỏi ví và chìa cho chàng. “Thật thế ư?” chàng hỏi. “Gỗ?”
“Đúng thế,” nàng đáp. “Mình thử mở ra xem.”
Khi chàng mở phong bì, một tập nhỏ hiện ra. Chàng cầm lên. “Xem kìa,” nàng nói. “Gỗ.”
Nó đến từ một tiệm chuyên bán dụng cụ thể thao của một câu lạc bộ điền dã ở Las Vegas.
“Cả hai, gỗ và thép. Em mua cho mình một bộ gậy đánh golf,” nàng nói. Nàng bóp chặt bắp tay phải của chàng. “Anh phải vào phòng khám để cân đo chúng.”
“Chơi golf à?”
“Bộ anh không thích sao? Anh không thích chơi golf để giải trí sao?”
“Thích chứ,” anh nói, xoa xoa một bên mặt. “Tốt. Golf. Giống như mọi giám đốc điều hành của Mỹ, anh thích golf. Thực thế.”
Michael nhấn ga chiếc thuyền và họ khởi hành băng qua hồ để đến thị xã. Kay xích lại gần chồng hơn trên ghế băng và chàng vòng một tay ôm vợ. Chàng mở rộng hết cỡ van tiết lưu. Nàng tựa đầu vào vai chồng và giữ nguyên tư thế đó trong suốt hai mươi phút hành trình.
“Cám ơn mình,” nàng nói khi họ lên bờ. “Em thích khu đất này. Em thích kế hoạch của mình.” Nàng nghiêng người về phía chàng. “Và -” Nàng hôn chồng. Michael thường không mấy thích biểu lộ cảm xúc trước đám đông, nhưng có gì đó trong nụ hôn của vợ như luồng điện xuyên thẳng người chàng, và khi nàng bắt đầu rời ra, chàng kéo nàng lại phía mình và tiếp tục hôn nàng, nồng nhiệt hơn nữa.
Khi cuối cùng họ rời nhau ra, như hụt hơi thở, họ nghe tiếng vỗ tay. Từ hai cậu thiếu niên trên bờ. Mỗi cậu kèm bên một cô bạn gái. Mấy cô lên tiếng xin lỗi. “Hai anh chàng này đoảng quá!” một cô nói.
“Không biết giấu hai anh ngốc này chỗ nào. Thật xấu hổ!” cô bé kia nói, làm ra vẻ chị cả lắm lắm!
Cả bốn cô cậu ăn mặc như thể vừa đi lễ nhà thờ ra.
“Không có gì phải xin lỗi cả,” Michael nói. “Này, ở gần đây có rạp chiếu bóng nào không vậy, mấy em?”
Có, và họ đi theo hướng của mình. Hai cậu nhóc tụt lại đàng sau các cô gái, cười đùa và véo vào cánh tay nhau.
“Lúc nãy em định nói -” Kay mở lời trở lại.
“Rằng em yêu anh, phải không nào?” Michael “mớm cung”.
“Anh cũng láu lỉnh chẳng khác gì mấy chú nhóc kia,” nàng nói. “Và anh cũng yêu em nữa”.
Rạp chiếu bóng đóng cửa. Phim họ đang chiếu là một phim sản xuất bởi công ty điện ảnh Johnny Fontane, mà sáu mươi phần trăm phần hùn thuộc về một hãng bảo hiểm ở Delaware trong đó cổ phiếu được nhiều người đứng tên thế cho Gia đình Corleone. Đến một điểm nào đấy, Michael sẽ (với một giá mua lại tượng trưng) mua tất cả mọi thứ. Chỉ có điều là có gì đáng để mua hay không mà thôi. Công ty này từng có thời sinh lợi khá. Bộ phim này, giống như phần lớn các phim mới đây, không có Johnny Fontane đóng. Michael đập vào cửa sổ.
“Cửa đóng mà, Michael”
Chàng lắc đầu. Chàng gõ mạnh hơn. Chẳng bao lâu, một anh chàng đầu hói trong bộ quần áo jeans đi vào phòng lobby và la to rằng rạp đang giờ đóng cửa. Michael lắc đầu và gõ vào cửa chính lần nữa. Anh chàng kia bước đến cửa chính. “Xin lỗi ‘tôn ông’. Mọi chủ nhật chúng tôi chỉ có một suất vào bảy giờ rưỡi.”
Michael yêu cầu người kia mở cửa và anh ta làm theo.
“Tôi hiểu”, Michael nói. “Chuyện là, vợ tôi và tôi đang làm cuộc hẹn hò, và thế này,” - anh quay người lại và nháy mắt vào tấm poster quảng cáo phim -” Dirk Sanders, anh chàng ấy gần như là ngôi sao điện ảnh được ưu ái nhất trên đời của phu nhân tôi, đúng thế không, mật ong ngọt lịm của anh?”
“Ồ vâng, đúng thế mình ạ!”
“Được rồi, ông bà có thể xem phim đó tối nay. Suất chiếu bắt đầu từ bảy giờ rưỡi.”
Michael nhìn vào tay trái anh chàng kia. “Tuy nhiên, xin ông quan tâm cho, chúng tôi cần trở về nhà lúc bảy giờ rưỡi, và còn chuyện này nữa, hôm nay nhằm kỉ niệm ngày cưới của chúng tôi. Lần thứ năm. Bạn biết làm chuyện gì hay hay chứ, được không?”
“Tôi là chủ rạp,” anh ta nói, “không phải nhân viên chiếu phim”.
“Điều đó càng làm cho thời gian của bạn đáng giá hơn. Tôi sẽ không mong chờ bạn ban cho một ân huệ như thế này đối với một kẻ hoàn toàn xa lạ. Tuy là ông chủ, song bạn vẫn biết vận hành máy chiếu chứ, tôi nói đúng không?”
“Tất nhiên là tôi biết”
“Vậy thì, cho tôi được phép nói lời này, với riêng anh thôi. Chỉ vài giây thôi.”
Anh chàng đảo tròn mắt, nhưng Kay có thể nói rằng có một khí lực lạ lùng nào đấy trong tia hàn quang sắc lạnh như băng từ đôi mắt Michael làm kinh động hồn vía chàng ta. Anh ta để Michael bước vào. Họ trao đổi vài lời thì thầm. Vài lát sau, Michael và Kay ngồi ở giữa rạp khi phim bắt đầu. “Anh nói gì với hắn ta vậy?”
“À, tưởng đâu xa lạ, chứ hóa ra là bọn anh lại có những người bạn chung”.
Vài phút vào phim, khi tên những nhân vật chính nhảy múa xô đẩy nhau trong một phiên bản Technicolor, ông chủ rạp mang đến cho họ hai chai soda và một bịch lớn bắp rang. Anh chàng và cô nàng trong phim lúc đầu mất một thời gian vờn nhau và tỏ vẻ không ưa nhau, làm như nhìn mặt là thấy ghét rồi, dấu hiệu báo trước cho thấy chuyện hai anh chị sẽ rơi vào lưới tình, mê nhau chết bỏ là... vô phương khả đảo! Chẳng mấy chốc Kay và Michael cũng bắt đầu ngứa ngáy hứng thú với trò “tình yêu và... bóng tối” giống như đám tuổi choai choai! Hai anh chị cứ tiếp tục trò quấy quá đó, đẩy kịch tính leo thang đưa đến cao trào... “Xem này!” Kay la lên thành tiếng, tay siết chặt của quí của chồng. “Cứng như khúc gỗ!”
Michael phá ra cười: “Hãy đánh trống ngũ liên dồn dập để giục hoa nở đi em!”
“Và rồi em sẽ uống đến giọt mật ngọt cuối cùng vẫn còn thơm ngon từ đóa hoa còn quí hơn cả kim cương vàng ngọc của chồng em!” Kay rên rỉ trong cơn đắm đuối mê cuồng...
“Ơ!... Tuyệt quá. Cảm tạ ơn em, vợ yêu. Cả đất trời bây giờ chỉ còn có đôi ta...”
***
Một năm trước, một trong hai người qua lại gần quầy bán vé ở Cổng 10 B của Sân bay Thành phố Detroit là một thợ cắt tóc trên Phố Pháp đình ở Brooklyn, báo cáo cho một anh chàng, anh chàng này lại báo cáo cho một anh chàng khác để anh ta báo cáo cho Pete Clemenza. Người kia trước đây là một chủ trại chăn nuôi dê ở Sicily, gần Prizzi. Trong những năm xen giữa, lòng trung thành và sự thăng tiến trong chinh chiến và sự thiếu hụt lao động đã khiến cho họ nhảy lên các cấp bậc nhanh chóng hơn là người ta có thể đạt được trong thời bình. Người cắt tóc thuộc thế hệ thứ ba, nhưng giọng Ý còn nặng trịch; còn anh chăn dê thì hãy còn phải vật lộn với tiếng Anh. Chuyến bay của họ đến Las Vegas giờ đây đang đón khách lên tàu. Không thấy dấu hiệu nào của Fredo Corleone. Anh chăn dê mang một điện
thoại ma (phantom telephone) nơi tai. Người hớt tóc thở ra và gật đầu. Anh ta không có chọn lựa nào khác. Anh ta đến một máy điện thoại trả tiền và bắt đầu nhét những đồng hai mươi lăm xen vào đó.
“Dịch vụ đây”, giọng ở Las Vegas nói. Người ta đồn rằng, các cô gái ở dịch vụ điện thoại, cô này và cô ở Brooklyn, đều là cháu gái của Rocco Lampone, đều đẹp cực kì, nhưng chưa có ai từng thấy mặt các cô hay biết chắc ai là ai.
“Mr Barber đang gọi đây”, anh nói.
“Vâng, thưa quí ông. Và thông điệp của ông, thưa ông Barber?”
“hành lí của chúng tôi”, anh nói, “đã bị đặt sai chỗ “. Anh suýt nói mất, nhưng mất sẽ được hiểu là bị giết. “Nó sẽ không ở trên chuyến bay đã lên lịch”.
“Vâng, thưa ngài. Tất cả chỉ có thế?”
“Tất cả chỉ có thế?” Khi Ông Trùm Corleone nghe tin rằng những cận vệ mới của Fredo để lạc cậu ta trong một casino một nơi nào đó trong vùng hoang vu của Detroit, vâng, tất cà chì là thế, được thôi. “Xin nói thêm rằng tôi và Ông -” Tay thợ hớt tóc khựng lại. Dê trong tiếng Ý là gì nhỉ? Anh ta đặt một tay chận lên điện thoại. Chàng chăn dê đi qua sảnh, lấy cà phê uống. “Come si dice goat?” (Dê, tiếng Ý nói là sao nhỉ?)
“La capra,” chàng chăn dê nói, vừa lắc đầu.
Chuyện là, từ nhỏ đến lớn, sống nơi Phố Pháp đình, chàng thợ cắt tóc chưa hề thấy con dê nào, cũng chưa từng có cơ hội nào để học cái từ mắc dịch đó. “Ông Capra và tôi đang tìm kiếm nó. Chúng tôi hy vọng sẽ đi chuyến bay tới, cả hành lí và tất cả.”
“Vâng, thưa ngài. Cám ơn ngài.”
Sandra Corleone đỗ chiếc wagon Roadmaster trên bãi cỏ gần nhà ngủ của Francesca.
“Ồ, má,” Francesca nói. Cô chui vào cái áo mưa mới có kiểu dáng đặc biệt của mình. “Má sẽ không đỗ xe ở đây chứ?”
Mọi chiếc xe khác đều dồn vào trên lề phố và khu lên hàng.
“Mẹ chắc là ổn thôi”, Sandra nói, tắt máy xe và vói tay ra ghế sau để đánh thức Kathy. Như thể để nối đuôi, hai chiếc xe khác đi theo sự dẫn dắt của xe Sandra. “Người ta phải đỗ xe ở nơi nào chứ”.
Họ mở cửa của chiếc wagon, và Kathy chuyền cho Francesca và Sandra những hộp đựng đồ, tất cả đều từ cửa hàng bán rượu mà vị hôn phu của mẹ cô sở hữu. Phần lớn những đứa trẻ khác cũng đều đầy những hòm xiểng. Kathy chỉ lấy một cái quạt bàn và chiếc radio Bakelite của Francesca.
Các cửa trước đều mở rộng. Kathy ấn thang máy cho họ. Mẹ của chúng đã ướt đẫm mồ hôi. Bà ta để mấy cái hộp xuống sàn thang máy. “Mẹ ổn rồi”, bà ta chỉ nói được có thế và mệt đứt hơi để có thể nói được gì thêm. Bà ta mới ba bảy, nhưng đầu óc nệ cổ, và đã tăng trọng nhiều kể từ khi họ dời nhà về Florida.
Khi họ đến phòng của Francesca, Kathy đặt cái quạt bàn và chiếc radio xuống, nằm ườn ra trên chiếc giường đôi, rồi cong người lại, ôm lấy bụng dưới và làu bàu rên rỉ.
Francesca đảo tròn mắt. Bởi vì cô hiếm khi bị vọp bẻ, nên cô hoài nghi về những biểu hiện trước mắt của cô em. Nhưng than phiền về chuyện đó thì cũng chẳng ích gì.
“Mấy tấm trải giường ở đâu?” Sandra hỏi. “Trên giường kia”, Francesca đáp. “Không phải những cái đó”
Francesca tự thân đi một vòng. Khi cô trở lại giường đã được phủ với các tấm trải màu hồng, và Kathy được đặt dựa vào trên mấy cái gối từ cả hai chiếc giường, quạt quay vào cô, đôi mắt cô nhắm lại, một tấm khăn lau ướt đắp ngang trán. Cô đang hút một lon Coke, nghe nhạc Jazz trên radio.
“Em lấy nước uống ở đâu?”
“Má nuôi ký túc xá đem tới,” Sandra nói. “Để chào mừng các con đấy”.
Trên đường đi xuống, mẹ của hai cô hướng đầu vào phòng khách chung. Sandra mang ba hộp nặng và đi í ạch, khó khăn. Francesca đặt hành lí xuống trên bậc đi của cửa bên, chờ mẹ cô theo kịp.
“Tại sao con không chịu đến một trường con gái?” Sandra Corleone gọi, thở nặng nhọc, dùng đầu chỉ về building bên cạnh, ở đó hàng mấy chục cậu thanh niên cùng cha mẹ của họ đang đi vào. Mẹ cô là người ăn to nói lớn. “Giống như chị con ấy?”
“Làm thế nào một mình mẹ có thể đưa xuống mọi đồ đạc của Kathy?”
“Đừng lo cho Kathy. Nó sẽ ổn thôi. Con biết đó, sẽ không ai nói là phòng ngủ của bọn con trai ở ngay cửa kế bên.” Giọng của bà càng lên cao hơn. “Mẹ không thích mấy ánh mắt hau háu đó”.
Người ta đang nhìn. Francesca chắc như thế. Francesca bị cám dỗ muốn sửa sai mẹ và nói phòng ngủ của quí ông nhưng kịp khóa mồm đúng lúc vì thấy rằng như thế sẽ làm mọi chuyện tồi tệ hơn.
Trên quãng đường tiếp theo, mẹ cô mang nhẹ hơn. Tuy vậy, vào lúc họ đến cửa hông, bà cũng thở hồng hộc và phải dừng lại. Bà thả phịch người xuống chiếc ghế gỗ, gây ra một âm thanh vụn vỡ. Người ta
dự định dời đến Florida và sẽ phơi nắng suốt ngày và ăn uống kiêng cữ, tập thể dục cho người thon thả để có dáng đẹp khi mặc đồ chơi tennis hay khi đi dạo ở bờ biển. Thế mà mẹ cô thì vẫn càng ngày càng bành trướng bá quyền, lấn chiếm không gian của người khác. Mùa hè này, Francesca đã bắt gặp Stan, Ông Bán Rượu cấu véo mông mẹ cô và nói lão ta thích nhà tù của bà. Francesca rùng mình.
“Con mặc áo khoác rồi sao còn lạnh được?”mẹ cô hỏi. “Con có lạnh đâu”
“Vậy con ốm?”
Cô nhìn mẹ mình, vốn đang như say nóng trong chiếc ghế chật chội kia. “Không”, Francesca nói, “Con ổn mà”.
“Ngay cửa bên”, mẹ nàng lặp lại, lần này dùng ngón cái để chỉ về phía phòng ngủ của... quí ông học trò, vốn đứng hàng thứ ba chỉ sau nhất quỉ nhì ma thôi! Nên bà mẹ nàng tỏ vẻ úy kị kiêng dè, lo lắng cho cô con gái cũng phải. “Ngay cửa bên. Trời đất quỉ thần thiên địa ơi! Ai tin nổi không? Tôi không tưởng tượng nổi!”
Tại sao bà lại nói to thế, ai mà biết?
“Vậy tại sao con lại không muốn vào một trường chỉ toàn con gái?”
Bà nói điều này khá to khiến Francesca tin chắc rằng mấy người ở bên phòng quí ông hẳn là nghe rõ. “Đây là một trường tốt, Má à, đúng không?” Cô vươn một tay ra để giúp má đứng lên. “Nào, cố lên.”
Khi họ đến Barnard, Francesca biết thế, tất cả những gì mà Kathy sẽ nghe là “Tại sao con phải đi xa nhà đến thế?” Bất kỳ điều gì mà Francesca làm đều bị nhìn như là muốn làm cho không giống những gì Kathy đã làm và ngược lại. Trước cuộc khiêu vũ đến nhà (homecoming dance), mẹ cô đã kéo Francesca qua một bên để ca tụng những đức tính của người bạn của Kathy, mà sau đó bà lại vứt bỏ hết. Ngày hôm sau, mẹ nàng bắt đầu liệt kê mọi điều sái quấy về anh ta. Hắn đã thay đổi, Sandra nói. Bất kỳ ai có mắt đều có thể thấy điều ấy.
Francesca tự mình đi quãng đường còn lại. Chỉ khi đó cô mới lưu ý có bao nhiêu cửa chính được trang trí bằng mẫu tự Hy lạp. Mẹ cô và Kathy đã can ngăn cô đi đến từ tuần trước, đúng thời điểm diễn ra cuộc hội nữ sinh, mẹ cô bởi vì bà để tâm vào sự tiện và bất tiện của việc làm một cuộc lữ hành bằng xe nhà dự một cuộc hội hè náo nhiệt còn Kathy bởi vì cô nói rằng các cuộc hội nữ sinh chỉ tuyệt vời cho đám WASPs (White Anglo -Saxon Protestant: Tin lành Da trắng gốc Anglo -Saxon), những bọn phóng đãng hay những con bé tóc vàng đần độn, chứ chẳng tuyệt vời tí nào cho bất kỳ chị em nào của nàng, người đã có một gia đình và chắc chắn không cần giả bộ như mình là chị/em của một đám WASPs tóc vàng phóng đãng.
Vào thời điểm cô quay về phòng mình, mẹ cô đã mở những hộp đựng đồ và vali của cô và bắt đầu bày
đồ đạc ra. Bà cũng đã mang đến một ảnh Đức Mẹ và một bộ còi bằng sừng bò đỏ, những linh vật mà Francesca không bao giờ rời sau khi mẹ cô rời đi. (Má không cần phải làm thế”, Francesca nói với mẹ.
“Ồ, có gì đâu”, Sandra nói.
“Thật sự thì”, Francesca nói. “Con tự lo chuyện đó được mà”.
Kathy cười. “Sao không nói với bà rằng chị không thích bà lục soát đồ đạc của chị?” “Con không thích Má lục lọi đồ đạc của con, Má à!”
“Má đã soạn đồ đạc cho con ở nhà. Má hy vọng ngôi trường tử tế này sẽ dạy con không ăn nói theo kiểu một tên beatnik bẩn thỉu. Vả chăng, có gì mà con phải cố giấu mẹ, hở?”
“Không có gì.” Còn Beatnik” Và trong trường hợp mẹ không lưu ý, chúng ta hiện không ở nhà.” Sandra ngước nhìn lên như thể sửng sốt vì một tiếng động lớn đột ngột.
Rồi bà ngồi xuống trên bàn của Francesca và òa ra khóc tức tưởi. “Bây giờ, lại thế đấy,” Kathy nói, ngồi thẳng lên.
“Chị chẳng giúp được gì”.
“Tôi không nói đến chị,” Kathy nói và dĩ nhiên nàng có lí: không chỉ ngáp và tiếng cười là dễ truyền nhiễm mà thôi.
Hai chị em sinh đôi khóc to lên rồi bắt đầu cùng gào thét. Cả ba mẹ con cùng túm tụm trên giường. Đã từng có một năm khủng khiếp. Đám tang Ông Nội Vito, một cú choáng váng cho mọi người. Rồi sự biến mất kỳ lạ của chú Carlo. Chip, đứa dễ thương và được cưng nhất nhà, bỗng hóa điên và làm vỡ so một đứa nhóc bằng cái bình thủy. Chỉ có một thời điểm khác mà cả ba mẹ con từng ở trong cảnh ngộ giống như thế này: hợp nhất, ôm nhau và cùng thổn thức. Hai cô gái lúc đó đang học tiết toán với thầy Chromos. Thầy Hiệu trưởng đi vào và dẫn hai cô bé về văn phòng thầy mà không cho biết lí do tại sao. Mẹ hai đứa ở đó, mặt bà đỏ và sưng phì phị. Mẹ bảo, “Chuyện liên quan đến Ba các con. Tai nạn đã xảy ra”. Cả ba mẹ con nhào xuống chiếc ghế xô-pha có mùi cam của ông hiệu trưởng, khóc vùi không biết trong bao lâu. Bây giờ lại khóc với nhau, ắt họ đều nghĩ đến ngày đó. Tiếng gào khóc của họ càng to hơn, hơi thở càng trở nên rời rạc, họ càng quấn chặt lấy nhau.
Cuối cùng, những dòng lệ tuôn trào ào ạt kia cũng giúp họ vơi bớt nỗi đau buồn chất ngất. Lòng họ dịu lại và những vòng tay bấu víu của họ chùng ra. Sandra lấy một hơi thở và nói, “Mẹ chỉ mong sao -” Bà không thể nói hết câu.
Một tiếng gõ đanh phát ra nơi cửa chính. Francesca nhìn lên, mong đợi rằng màn cảnh này sẽ là ấn tượng đầu tiên chân thực mà má nuôi ký túc xá sẽ có được về nàng. Thay vì thế là một cặp xuất hiện, ông trong bộ côm -lê xanh sậm, bà trong kiểu tóc chó xù, cả hai tươi cười và có vẻ thể thao.
“Xin thứ lỗi”, người đàn ông nói. Ông ta mang dãi tên ghi là BOB. “Có phải đây là phòng 322?” Số phòng được sơn bằng màu đen lên cửa chính. Ngón trỏ của ông thực tế đang chạm vào đó.
“Đúng rồi, xin thứ lỗi”, người đàn bà nói. Cả hai đều nói rặt giọng miền Nam. Dãi tên của bà ghi là BARBARA SUE (tắt là BABS). Bà nhìn qua họ và thấy ảnh Đức Mẹ và bà nhíu mày. “Nếu tất cả các bạn thích chúng tôi sẽ quay lại sau -”
“Đây là phòng con bé,” người đàn ông nói, bước tránh qua một bên và đẩy nhẹ một cô gái da sẫm màu qua ngưỡng cửa. Cô gái vẫn dán mắt xuống đôi giày Mary Janes.
“Tôi tin là chúng ta đang ngắt lời,” người đàn bà nói. “Có phải chúng tôi đang ngắt lời?” người đàn ông hỏi.
Sandra Corleone khịt mũi. Kathy lau mặt vào gối của Francesca. Francesca dùng tay ra hiệu. “Không”, cô nói. “Không, xin lỗi. Xin mời vào”
“Tuyệt quá!” người đàn ông nói. “Tôi là Mục sư Kimball, đây là bà nhà tôi, Bà Kimball, đây là con gái chúng tôi, Suzy. Chào mọi người đi, Suzy.”
“Hello”, cô gái nói và rồi nhìn xuống lại đôi giày của cô.
“Chúng tôi là tín hữu Báp -tít.” Người đàn ông gật đầu về phía ảnh Đức Mẹ. “Tuy vậy chúng tôi có những tín hữu Công giáo, ở thị xã kế bên. Tôi từng chơi golf với cha xứ của họ, Linh mục Ron”.
Francesca tự giới thiệu mình và giới thiệu gia đình mình, mà nàng phát âm thành Cor-lee-own.
Suzy nhìn hai chị em sinh đôi từ cô này sang cô khác, lộ rõ vẻ bối rối.
“Vâng, chúng tôi sinh đôi,” Kathy nói. “Cô bé kia sẽ là bạn cùng phòng với bạn. Còn mình sẽ đi đến trường khác”.
“Có phải hai bạn hoàn toàn giống hệt nhau?” Suzy hỏi. “Không đâu”, Kathy nói.
Suzy trông càng có vẻ bối rối hơn.
“Cô ấy đùa thế thôi,” Francesca nói. “Dĩ nhiên chúng tôi hoàn toàn giống nhau”.
Người đàn ông đã để ý mấy chiếc còi sừng trâu. Ông ta chạm tay vào. Chắc thế rồi, chúng là đồ thực. “Suzy là một cô gái Da đỏ,” ông nói. “giống như mấy cô vậy”.
“Con bé là con nuôi của chúng tôi”, người đàn bà thì thầm.
“Nhưng không phải là một Seminole,” ông nói, và cười to đến độ mọi người khác trong phòng đều giật mình.
“Tôi không bắt kịp ý tôn ông,” Sandra nói.
Với một cái thở hắt ra, người đàn ông ngưng cười. Suzy ngồi vào chỗ có lẽ là bàn học của nàng và nhìn trừng trừng vào mặt bàn Formica. Francesca muốn cho cô bé hoa, rượu, sô -cô -la, bất kỳ cái gì có thể khiến cô mỉm cười.
“Bang Florida”, người đàn ông nói. “Họ thuộc bộ tộc Seminoles.” Ông làm bộ ném một quả bóng. Ông lại cười, càng lớn hơn, và ngưng cười, càng đột ngột hơn.
“Tất nhiên họ là thế,” Sandra nói. “À không, tôi muốn nói về chuyện là người Da đỏ. Chúng tôi là người Ý.”
Người đàn ông và người đàn bà trao đổi một cái nhìn. “Hay thật đấy”, ông ta nói. “Vâng” bà vợ nói. “Khác nhau chứ”
Francesca xin lỗi và nói mẹ cô và người chị em của cô phải đi nhưng cô sẽ trở lại trong vài giây thôi để giúp Suzy bày biện đồ đạc.
Mẹ cô hơi ngần ngại với chữ đồ đạc nhưng dĩ nhiên là không chỉnh Francesca trước mặt nhà Kimballs.
Francesca và Kathy nắm tay nhau trên đường đi đến chiếc xe. Không ai trong hai đứa có thể, hoặc cần nói lời nào.
“Má có thích để con lái không?”
Sandra mở ví, lấy ra chiếc khăn tay và chùm chìa khóa và ném chìa khóa cho Kathy. “Đừng có để dính bầu nhé”, Kathy dặn dò Francesca.
Mẹ hai cô làm lơ, không biểu hiện bị sốc chút nào. Chuyện này thôi thì... đành phó thác cho trời vậy! Chứ bố mẹ có muốn cản cũng đâu có cản nổi! Quả là có con gái trong nhà chẳng khác nào chứa... trái
bom nổ chậm! Chỉ còn biết cầu nguyện các Đấng Bề Trên che chở cho. Có phúc thì... đẹp mặt, hôn lễ rình rang. Lỡ như vô phúc thì cũng... lời được cháu ngoại!
Mình cũng sẽ không trở thành một WASP ngớ ngẩn, Francesca nghĩ. Hay một con nhỏ tóc vàng ngu ngơ. Hay chị em gái của bất kỳ ai khác. Cô siết chặt tay Kathy. “Đừng làm hỏng đôi mắt vì đọc quá nhiều nhe”.
“Đừng làm bất kỳ điều gì mà em không làm”, Kathy nói.
“Có lẽ Ta là Ngươi”Francesca phán ra lời linh hứng bông đùa.
Đó là một câu đùa đã cũ. Hai đứa vẫn luôn thắc mắc làm thế nào mà mẹ chúng giữ chúng như những đứa bé, luôn luôn giả định rằng chúng đã được hòa lẫn nhau một thời gian cho đến khi chúng đủ trưởng thành để khẳng định bản sắc riêng của mỗi đứa.
Chúng hôn nhau vào cả hai bên má, kiểu đàn ông hôn nhau, và Kathy vào trong xe.
Khi Francesca ôm mẹ để tạm biệt, Sandra cuối cùng tìm thấy cơ hội để nói ra. “Mẹ chỉ muốn,” bà thì thầm,” rằng bố chúng con sống khôn thác thiêng, hiển linh để chứng giám điều này”. Sandra lùi một bước, có vẻ đắc thắng. Bà nhìn từ cô con gái này đến cô kia. “Những con gái yêu của chàng nay đã vào đại học” Bà khịt mũi. Rất to.
“Bố chẳng bao giờ thích chúng con khóc” Francesca nói. “Ai mà thích thấy gia đình mình khóc?” Kathy nói.
“Bố đúng là không phải người mau nước mắt,” Francesca nói, vừa lau mặt vào tà áo khoác.
“Con đùa đấy à?” mẹ cô nói. “Sonny? Chàng là đứa bé to xác nhất trong tất cả chúng ta đây. Xem phim tình cảm bố chúng mày khóc rưng rức. Những bài ca Ý truyền thống đậm chất sướt mướt trữ tình thường làm bố chúng mày khóc gào ầm ĩ như con nít. Các con không nhớ à?”
Đã bảy năm qua rồi, và Francesca đã bắt đầu phôi pha.
Nàng nhìn chiếc Roadmaster hướng mũi tìm đường xuyên qua những làn đường hẹp, chằng chịt, chòng chéo. Khi chiếc xe len lách đến góc quẹo, Francesca âm thầm phát ra tiếng good -bye trong tâm trí. Cô không có cách nào để biết chắc điều này, nhưng cô dám cá bằng cả mạng sống, rằng người chị em song sinh của mình cũng đang làm như thế.
Bố Già Trở Lại! Bố Già Trở Lại! - Mark Winegardner Bố Già Trở Lại!