I would never read a book if it were possible for me to talk half an hour with the man who wrote it.

Woodrow Wilson

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 201 / 19
Cập nhật: 2020-07-08 19:36:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ÌNH MINH LUÔN LÀ ĐIỀU TỆ HẠI NHẤT. Phải lôi bản thân ra khỏi cái hố đen êm ái đầy cám dỗ của giấc ngủ và đối mặt với tất cả lại từ đầu. Ừ, đúng rồi. Anh với người ta. Rất có thể cũng chính lúc này. Âu yếm nhau bằng tất cả những ngọt ngào ấm áp của một ngày mới.
Liệu pháp duy nhất là triệt tiêu buổi sáng. Thế là tôi ngủ suốt ngày. Mẹ bảo rằng đó là triệu chứng trầm cảm mãn tính. Hết giờ làm mẹ về nhà, kéo tôi ra khỏi giường, nhồi thức ăn vào tôi. Trong khi tôi ngồi bên bàn trong cái áo khoác tắm bằng bông màu hồng, hai mắt đờ đẫn, mẹ kể về công việc mới, chỗ mẹ đến ăn trưa, mẹ thấy mến đồng nghiệp này, không ưa đồng nghiệp kia. Chẳng có gì đọng lại. Tôi đang neo mình ở Riverside, nơi có Viện Công Nghệ Làm Lạnh, đông cứng trong ni-tơ lỏng, chờ một ngày nhân loại phát minh ra thuốc chữa li hôn.
Mẹ bền bỉ nã vào tôi rằng cần phải gặp bác sĩ tâm lý, như vậy chắc tôi sẽ được kê thuốc chống trầm cảm. Tôi hứa sẽ cân nhắc khả năng đó, và đúng là tôi cân nhắc thật. Tôi nghĩ tái nghĩ hồi như thể có viên đá cứ đảo qua lật lại ở trong đầu. Ban đêm, đó dường như là một ý kiến hay. Nhưng ngày đến, bất cứ can thiệp nào cũng có vẻ như vượt quá sức chịu đựng của tôi. Điều duy nhất mỗi ngày tôi đều dành chút năng lượng để làm là thay ga trải giường mang đi giặt. Tôi đã dần quen ngủ mà không mặc gì, và nghiện mùi ga trải giường mới giặt, nghiện cảm giác mềm mại man mát cọ lên da mình.
Mẹ bảo rằng thế thật bệnh hoạn.
Có lẽ ga trải giường sạch hết sức hệ trọng với tôi vì đêm nào tôi cũng thức, đọc cho đến lúc mắt đau nhức, khô ran và cay xè khi chớp. Tôi phải nuôi bộ não mình bằng từ ngữ, để nó tiếp tục nhai và tiêu hóa. Nguy hiểm ập đến khi tôi dừng lại. Mỗi lần nhắm mắt, mọi từ ngữ đểu tan biến, chỉ còn lại những hình ảnh của David. Cách anh mỉm cười. Dáng anh ngồi đọc trên chiếc ghế da, nếp tóc vàng tự nhiên xòa xuống trán. Cách anh nhai thức ăn, đầy suy tư, như thể đang thưởng thức từng mùi vị nhỏ nhất. Động tác vung vợt đánh quả bóng tennis đầy ung dung, gần như chuyên nghiệp. Cách anh hài hước nhún nhảy chân mày theo điệu nhạc. Gác khuỷu tay lên ô cửa sổ để mở khi lái xe. Giọng nói của anh. Mùi nước hoa Polo của anh.
Tôi thận trọng dỡ hai thùng các-tông sách mang từ nhà cũ đi. Không đọc một mạch từ đầu đến cuối, mỗi cuốn tôi chỉ đọc vài chương rồi chuyển sang cuốn khác. Những đầu sách chẳng ăn nhập gì với nhau, như thể anh đã lướt qua giá, rút ra ba cuốn một bất kỳ rồi bỏ vào thùng. Bờ biển Mosquito, Gatsby Vĩ Đại và Chúa Nhẫn nằm cạnh nhau, cùng với Nữ thái giám, Atlas so vai và Anna Karenina, thêm trọn bộ Sherlock Holmes. Bản Bay đêm của bố tôi. Cuốn Tassajara và James Râu Ria viết về bánh mì, tập hai trong bộ sách của Julia Child, Thợ bánh mì Ý của Carol Field.
Và ấn bản lần đầu Nghệ thuật ủ men và làm bánh kiểu Anh của Elizabeth David mà CM mang tặng trước khi tôi lên đường đi Paris. Một cuốn sách với tinh thần “hãy cho tôi biết bây giờ là mấy giờ, tôi sẽ dạy bạn cách chế tác một cái đồng hồ”. Hai trăm năm mươi trang lịch sử các loại cốc, xay xát hạt, ủ men và làm bánh từ thời văn minh Lưỡng Hà, thêm khoảng ba trăm năm mươi trang công thức. Cuối sách còn có một chương ghi chú những tài liệu có thể đọc thêm - cứ như là còn có thể đọc thêm được nữa vậy.
Một đêm, tay tôi quờ phải cái gì đó như vải thô, to bản và bị gấp dúi ở đáy thùng thứ hai. Tôi rút ra được một cuốn gáy xoắn, bìa bằng vải bố, các góc đã quăn nát. Đó là quyển sổ tôi bắt đầu ghi chép trong khoảng một năm trước khi đi Pháp, cuốn nhật ký bánh mì với các công thức và ghi chú bằng mực xanh lam, nguyên liệu và dụng cụ bằng mực màu lá cây, những trích dẫn về bánh, cả triết học lẫn thực tiễn, bằng mực đen. Từng phần được đánh dấu thư mục riêng. Tỉ mỉ quá trời. Dù sao tôi cũng là con gái của mẹ tôi mà.
Tôi gập sổ lại, đặt lên cái bàn cạnh giường, rồi vớ lấy cuốn của Elizabeth David, vùi đầu đọc chương “Các loại hạt làm bánh: Lúa mì, hắc mạch, đại mạch, yến mạch, đậu”. Chắc sẽ chữa được chứng mất ngủ.
Hai tiếng đồng hồ sau, tôi vẫn đọc, mê mẩn vì văn phong trau chuốt, vấn vít những sợi tơ của trí tuệ sắc sảo và rung cảm sâu sắc. Đây không chỉ là lịch sử bánh mì, mà là câu chuyện kể về thế giới này, hành trình gieo trồng, thu hoạch các loại hạt và làm thành chiếc bánh đã hun đúc nên những nền văn minh như thế nào. Rong ruổi qua ba mươi thế kỷ bột mì đi từ Kurdistan, qua Ai Cập đến châu Âu, tôi thấy mệt nhoài. Ấy là còn chưa mon men đến đoạn xay xát giần sàng.
Tôi úp cuốn sách còn đang mở xuống chăn, với tay lấy lọ thuốc nhỏ mắt. Nước mắt nhân tạo, theo cách các bác sĩ vẫn gọi. Mỉa mai gớm, tôi có thể sản xuất ra vô số nước-mắt-nhân-thật chứ nhân tạo thì khó gì. Cảm giác cay nhức dịu lại, tôi chớp nhanh, rồi nhắm mắt giây lát, để thứ nước mắt nhân tạo làm mềm bờ mi và lắng lại ở hốc mắt. Điều tiếp theo tôi nhận biết được, là mẹ đang đứng đó, trong bộ váy lụa màu thiên thanh và áo khoác trắng. Nắng ngập, phòng, hình như tôi đã lịm đi rất lâu. Thấy mình hệt như ông già Scrooge* lèm bèm hỏi “Này nhóc, hôm nay ngày mấy nhỉ?”.
Mẹ nhíu mày đáp hôm nay là hai mươi tháng Mười. Và Elizabeth Gooden đang đợi tôi ở đầu dây điện thoại. Có phải giám định viên đã tìm ra thông tin gì rồi không nhỉ? Tôi mường tượng một ông anh ngoại hình từa tựa diễn viên gạo cội Danny DeVito, sắm bộ vest xanh bóng và mũ phớt, lẩn khuất bám theo David với chiếc camera nhỏ xíu. Lẩn đầu tiên sau suốt nhiều tuần liền, tôi phá lên cười sằng sặc. Một góc nhỏ nào đó đã bình yên hơn, nếu ta tin vào những khoảnh khắc sáng suốt ấy.
Tôi xỏ dép lê, mặc áo phông và nhấc ống nghe lên.
- Chào chị Wynter, hi vọng tôi đã không đánh thức chị. - Hẳn là Elizabeth đã dậy từ năm giờ sáng, chạy bộ dăm cây số và hẹn ăn sáng với một thẩm phán.
- Không chị ạ, - tôi nói dối. - Tôi mới tắm xong.
- Chị sẽ nhận được các giấy tờ trong một, hai ngày tới, nhưng tôi muốn báo luôn, chồng chị đã được yêu cầu phải giải quyết khoản cấp dưỡng ba ngàn đô-la một tháng cho chị. Ngày ba mươi mốt tháng này anh ta sẽ chuyển lần đầu vào tài khoản của chị. Chị sẽ ổn cho tới...
- Ba...? Ba ngàn đô-la ư?
- Tôi yêu cầu năm, nhưng Hochnauer đã thuyết phục được thẩm phán rằng chị từ bỏ cuộc hôn nhân trước...
- Là ai vậy?
- Ivan Hochnauer, luật sư của chồng chị, còn được biết đến với mĩ danh là Ivan Khủng Khiếp, - Elizabeth hài hước bổ sung.
- Ồ. Vậy có tin gì tốt không?
- Có, chúng ta sẽ quay lại và yêu cầu tăng lên, nhưng tôi cần chút thời gian chuẩn bị. Trong khi chờ đợi, tôi muốn chị phải có được chút ít đã.
- Ồ... - Lạ thật, sao con người ta có thể nhanh chóng quên đi cảm giác tự tin đến vậy.
- Wynter này, hiện chị có đang làm gì không? Tôi muốn nói kiểu như đi ra ngoài, gặp gỡ bạn bè, đi xem phim, tập thể thao ấy?
- Ơ...
- Tôi đoán không sai mà. Chị cần phải tiến lên. Dù không thích, nhưng chắc chắn chị sẽ thấy ổn hơn nếu bắt bản thân phải năng động.
- Tôi sẽ cố. Tôi chỉ...
- Nhưng đừng hẹn hò gì đấy, được chứ? Và đừng đi làm ăn lương. Ít nhất đừng làm việc gì nghiêm túc. Nếu chị bắt đầu kiếm ra tiền, thì sẽ khó yêu cầu tăng cấp dưỡng cho chị hơn.
- Tôi nghĩ chắc nguy cơ ấy sẽ không xảy ra đâu.
- Tốt. Nhớ lời tôi nhé: Hãy năng động lên. Tôi sẽ liên lạc lại với chị.
o O o
Sau khi mẹ biến mất cùng mùi nước hoa Guerlain, tôi thay quần áo và lái xe đến cửa hàng thực phẩm có lợi cho sức khỏe, trở về với mấy món hữu cơ khác nhau - bột, cốc, mật ong, nho khô, và men bánh. Tôi lật giở cuốn sổ tay cũ mèm, tìm công thức cơ bản làm bánh mì nguyên cám.
3 cốc nước âm ấm
1 thìa men bánh
1 cốc sữa bột
1/4 cốc mật ong hoặc đường mật
1 thìa muối
6 đến 7 cốc bột mì nguyên cám
1/4 cốc dầu ăn hoặc bơ
1 đến 2 cốc bột khô, để bao áo trong khi nhào
Tôi mở lọ men bánh mới, thò ngón tay vào quấy nhẹ. Ram ráp như cát, nhưng gần như không trọng lượng. Tôi biết nấm men là một tổ chức sống, loài thực vật đơn bào. Tôi biết nó sinh sôi vô tính, cứ năm tiếng đồng hồ lại tạo ra cả một thế hệ mới. Tôi hiểu quy trình phản ứng, nấm men ăn đường và tinh bột, phá vỡ liên kết hóa học, tạo ra rượu và các-bon-níc.
Dù với những gì đã biết, và thực tế rằng có thể vào bất kỳ cửa hàng thực phẩm nào, mua một gói men đặt trên giá, ta vẫn không thể phủ nhận sự kì diệu của quá trình lên men. Tại vương quốc Anh cổ xưa của thi hào Geoffrey Chaucer, một trong những cái tên người ta đặt cho nấm men làm bánh chính là “goddisgoode”, vì nó được coi như món quà từ thiên đường. Trước khi đặt chân đến Pháp, tôi vẫn luôn cho rằng nấm men là thứ được sản xuất công nghiệp, đóng trong lọ hoặc giấy gói ở cửa hiệu thực phẩm.
o O o
Ngay buổi sáng đầu tiên của tôi ở boulangerie, Sylvie tình nguyện dẫn tôi đi bộ đến chỗ làm, dù tôi phải có mặt lúc năm giờ sáng. Cơn gió nhẹ từ mặt sông mát mẻ và tươi mới, bóng chúng tôi cao lênh khênh trong ánh ngày mới. Sylvie và tôi rẽ vào một hẻm nhỏ phía sau hiệu bánh. Jean-Marc đứng bên ngoài, ngay gần cửa hậu, dựa lưng vào tường gạch phong sương, một chân co lên như cò, uống cà phê espresso từ cái tách trắng nhỏ xíu và hút điếu Gauloise đầu tiên trong ngày.
Thấy chúng tôi, anh thả điếu thuốc đi, dậm tắt dưới đế ủng nâu nặng trịch. Mùi bánh mì đang nướng trong lò tỏa ra như một lời mời gọi.
- Vous êtes en retard*. - Anh nhíu mày. - Hết ngày đến nơi rồi.
Tôi chực xin lỗi, nhưng Sylvie cười lớn và tôi quan sát thấy khóe môi Jean-Marc hơi khẽ nhích lên, tín hiệu rõ ràng nhất, đôi khi là duy nhất, cho biết anh đang đùa.
- Lại đây, tôi cho cô xem fournil, hay còn gọi là phòng nướng bánh. - Chúng tôi bước qua cửa và nhiệt độ tăng lên thấy rõ. - Làm nóng lò phải mất một tiếng.
Chúng tôi đi qua một gian nhỏ chất đầy những bao bột lớn, vào một căn phòng dài và hẹp, trần rất cao. Ở phía cuối phòng là lò nướng - bằng thép không gỉ, cao chừng hai mét, xếp được năm tầng bánh. Trên dãy giá để nguội chạy dọc tường bên đã đầy nhóc những ổ bánh giòn rụm đủ mọi hình dáng và kích cỡ. Tôi tưởng chừng mình có thể xỉu vì ngây ngất trong mùi bánh mới ra lò này quá. Hai người đàn ông đứng trước lò đẩy một cái giá dài chân gắn bánh xe và mặt căng vải bạt, xếp hàng chục bánh mì baguette vào lò. Mới có mấy phút mà trán tôi đã lấm tấm mồ hôi, Sylvie cũng lấy khăn tay chấm khẽ lên mặt.
- Cậu có thấy trần rất cao không? - Sylvie chỉ lên. - Anh Jean-Marc làm đấy.
Có một đường hầu như không nhìn rõ, ở chừng hai mét rưỡi trên tường, nơi hàng gạch trông hơi khang khác.
- Một vài trong số những hiệu boulangerie hồi tôi còn đi học, trần rất là thấp. - Anh giơ tay cao quá đầu chút xíu. - Nhất là ở Paris. Fournil nào cũng ở dưới hầm. Làm việc như thế rất nóng. Thế này ổn hơn nhiều. - Anh nhìn gian phòng với vẻ tự hài lòng.
Jean-Marc dẫn chúng tôi qua một hành lang hẹp vào gian phòng chật kín những tủ lạnh, tủ để bột nghỉ, máy nhào bột với những lưỡi trộn to như cánh quạt gió của máy bay, và một bàn gỗ rộng mênh mông. Một trong hai người đàn ông vừa xếp bánh baguette vào lò đang đẩy một giá đầy bánh mới ra cửa hàng ở mặt tiền. Khi anh ta đi ngang cửa, Jean-Marc dừng anh lại, lấy một ổ nhỏ còn ấm và giòn đưa cho tôi.
- Pain au levain, - Jean-Marc nói. - Cô sẽ muốn nếm thử đấy. -Đó là mệnh lệnh chứ không phải lời mời.
Tôi bẻ một miếng.
- Pain de campagne phải không ạ?
Jean-Marc lắc đầu.
- Pain au levain. Khác pain de campagne. Thử đi.
Vỏ bánh dày và vàng suộm, vụn rơi ra màu xám nhạt với chất bánh rất lạ. Tôi cắn một miếng. Ngọt nhưng thoáng đọng dư vị chua chua. Ruột bánh đặc, mượt và dai, vỏ rất giòn và bùi.
Tôi ngừng nhai chỉ đủ lâu để thốt lên:
- Ngon tuyệt! Làm thế nào ạ? Sao anh làm được ạ?
Chắc chắn không phải bánh mì mà là nụ cười phảng phất nửa miệng của anh lập tức khiến dạ dày tôi hân hoan đến lạ.
- Levain giống như bột chua, thứ levure sauvage. Nấm men tự nhiên, phải không nhỉ? Trộn bột nguyên cám với bột trắng. Để bánh khỏe hơn. Đằm hơn ấy, cô hiểu chứ? Loại levain chắc làm giảm độ chua đi. Loại levain... -Anh cọ cọ đầu ngón tay vào nhau, tìm từ thích hợp để diễn đạt.
- Ướt phải không ạ?
- Đúng, đúng thế, loại ướt làm ra bánh chua hơn. Như bánh mì San Francisco cô vừa ăn.
Ổ pain au levain đó là thứ bánh mì ngon nhất tôi từng được nếm.
o O o
Ghi nhớ nguyên tắc của Jean-Marc, tôi chia men bánh ra làm hai, không dùng sữa bột và dầu ăn, giảm lượng mật ong còn một phần tám cốc, và thả thêm vào ít hạt óc chó đã rang.
Tôi trộn các nguyên liệu bằng máy KitchenAid, nóng lòng đợi đến lúc được cho tay vào nhấc khối bột ra. Nhào bột - cảm giác của đôi tay về chiếc bánh - chính là điều ta không được trải nghiệm nếu dùng máy làm bánh mì. Ta quên mất phải đắm chìm thế nào trong sự hòa hợp đầy nhịp điệu, và rằng bằng xúc giác của mình, ta biết được chính xác thời điểm khối bột nhào bắt đầu phập phồng sự sống, nở ra và cao lên. Ý nghĩa nằm cả ở đó, “bạn cũng là chính quá trình làm bánh”.
Tôi để bột nghỉ trong không khí mát ở phòng giặt, rồi đi lên gác và thay ga trải giường.
o O o
Những ổ bánh chẳng đợi đến lúc được dỡ ra khỏi lò đã tỏa mùi thơm nức khắp nhà. Tôi để bánh lên giá cho nguội, cảm giác mình như nhà điêu khắc đang trưng bày tác phẩm mới. Vô cùng phấn chấn và háo hức, tôi không thể đợi được đến lúc mẹ về. Tôi muốn nói với mẹ rằng những gì tồi tệ nhất đã qua rồi. Rằng tôi biết mình đã là một đứa khó chịu ra sao, nhưng tôi đang vượt qua nó đây. Cần phải có thời gian, tất nhiên rồi, nhưng vết thương đã bắt đẩu lành lại. Tôi sẽ cảm ơn mẹ đã kiên nhẫn và động viên tôi, nói với mẹ rằng đã đến lúc tôi cần dọn đến một nơi của chính mình, tìm việc làm, sống vì chính mình.
Tiếng chuông điện thoại chặn mạch cảm xúc đang trào dâng trong tôi. Dạ dày tôi như muốn nổ tung. Wyn à, là anh đây. Giọng anh nghe rầu rĩ và cô đơn. Em à, anh biết anh đã cư xử lạ lùng. Cố lên nào, David. Anh thở dài. Ừ, đúng vậy. Anh đã cư xử như một thằng cặn bã. Nhưng anh nghĩ đến em rất nhiều. Anh không thể chịu đựng hơn được. Chắc anh đã phát điên rồi - Wyn à, anh yêu em. Em có thể...
- Wyn phải không con? - Là mẹ gọi điện về. - Con thấy sao rồi?
- Ổn ạ. Con... khá hơn rồi. Con đã dậy và...
- Ôi, vậy tốt quá, mẹ mừng lắm. Con này, mẹ sắp đi uống với mấy người ở cùng văn phòng, nếu cao hứng thì có khi mọi người sẽ ăn tối luôn. Vậy con đừng đợi mẹ về nhé, được chứ? Nhà còn mì lasagne trong tủ lạnh, có cả xa-lát nữa đấy.
- Vâng.
- Hôm nay con đã làm gì? Ngoài giặt ga trải giường ra. - Giọng mẹ thật hào hứng. Mẹ đang cố gắng chọc cười làm tôi vui. Tôi chỉ muốn hét lên đáp trả.
- Không có gì đặc biệt. Con đã làm bánh mì.
- Ổ, vậy à? Khi nào về mẹ phải ăn ngay mới được.
- Mẹ không phải ăn đâu. Thế nào cũng được ạ. - Tôi thấy ghét bản thân.
Mẹ thở phào một hơi.
- Ừ, vậy gặp con sau nhé.
Tôi đặt điện thoại xuống, mặc như không để ý đến cơ man nước mắt đang dâng lên trong xoang, chực nổ tung thành cơn đau đầu búa bổ. Không phải là David, sẽ không bao giờ là David. Hãy quen với thực tế đó đi. Mẹ có cuộc sống của mẹ. Mẹ ra ngoài cùng bạn bè. Tôi nên lấy làm mừng vì mẹ không ở nhà chăm chăm nhồi tôi ăn, và vì mẹ đang tận hưởng thời gian của mình. Hẳn tôi mừng rơn nếu bản thân đang không ở trong cảnh ngập ngụa ngao ngán này.
Tôi rót một cốc sữa, xé một góc ổ bánh còn ấm, cứ thế đứng trước bồn rửa, nhúng bánh vào sữa ăn và bật khóc nức nở. Khi đèn đường bên ngoài bắt đầu nhá sáng, tôi lên gác, thay ga trải giường, cởi hết quần áo, cuộn mình trong chăn với Holmes và bác sĩ Watson.
o O o
Tôi còn đang ngủ khi mẹ về, và mẹ không đánh thức tôi khi đi làm vào buổi sáng. Thực ra tôi không trách mẹ được. Chính tôi còn không muốn động đến bản thân. Tôi dậy, lôi hết ga trải giường ra và ném vào máy giặt. Mẹ đã pha cà phê để trong bình giữ nhiệt, tôi rót một tách và mang cả bình theo lên gác.
Khi vào phòng tắm lấy ga trải giường sạch cất trong tủ, tôi chợt bắt gặp chính diện bản thân ở trong gương, và khung cảnh thật chẳng mĩ lệ gì. Thật ra không hiểu sao tôi có thể đứng vững và chăm chú ngắm mình những mấy phút. Mái tóc xơ rối - một thực tế hiển nhiên vì không được chải từ thứ Hai. Nước da bủng bợt. Trừ hai quầng mắt trũng thâm. Khuôn mặt hốc hác, y như những lần tôi bị cúm nặng.
Tôi uống một ngụm cà phê, đưa mắt nhìn xuống cơ thể mình, như đang dõi theo đường đi của cà phê. Xương quai xanh nhọn hoắt, gồ lên khỏi cổ áo phông, quần jeans bất ngờ lỏng ra ở eo. Nếu là lúc trước, hẳn tôi đã mừng húm, nhưng hiện tại tôi nhận thức sâu sắc được rằng vóc dáng của siêu mẫu Twiggy khác xa cái khung mỏng lét là tôi bây giờ. Chẳng mảnh mai đài các gì, tôi biết mình giống nhân vật nào đó trong ảnh của nhiếp ảnh gia Dorothea Lange.
Lần này khi điện thoại đổ chuông, tôi tự nhắc mình hãy lắc đầu. Không phải David đâu, đừng nín thở nữa. Nếu là mẹ, có thể mẹ sẽ nổi cáu với tôi. Kịch bản dễ xảy ra nhất là ai đó chào bán một mẫu mái lợp hoặc tường nhôm mới.
Là giọng thân thương của CM.
- Chào bồ yêu, mọi việc ổn cả không?
Tôi muốn khóc xả đi cho nhẹ.
- Tôi vẫn còn sống.
- Bồ nói chuyện với Hoàng Tử Thốn chưa?
- Chưa hẳn, nhưng tôi đã thấy anh ấy.
Tôi hát cho CM nghe bài ca buồn của mình. David và Kelley sáng sớm nọ. Triết lý hài hước của Elizabeth Gooden về li hôn. Chuỗi hồi xuân bất ngờ của mẹ. Màn bội bạc kinh niên của Tim Graebel với vợ suốt ba mươi năm qua.
- Vấn đề lớn nhất của bồ là bồ có quá nhiều thời gian. - CM bắt bệnh. - Bồ cần dọn ra ở riêng và làm việc đi. Mà chuyện tiền nong thì thế nào?
- Tôi có khoản cấp dưỡng. David hàng tháng phải gửi ba ngàn vào tài khoản của tôi, nếu không sẽ bị nhốt vào cũi, bêu ra làm đích ngắm trứng ung cho trẻ con.
CM thở dài.
- Trời ơi, đôi khi phải khó khăn lắm tôi mới nâng được mức bác ái của mình lên mà thông cảm với bồ. David có người bạn độc thân nào muốn cưới tôi về rồi đá tôi đi để tôi được hưởng cấp dưỡng không đây?
- Tôi chẳng động lòng trắc ẩn mà trả lời đâu.
- Cơ mà bồ vẫn cần việc làm. Khi có việc phải động đậy làm thì bồ sẽ không còn thời gian nghĩ nhảm nữa.
Tôi thả xăng-đan khỏi chân và nằm xuống giường.
- Chắc bồ có lý. Nếu không bận tâm việc gì khác thì sớm muộn gì tôi cũng điên mất.
- Nói nghiêm túc, tôi nghĩ bồ nên đến đây đi.
- Giờ tôi không đi đâu được.
- Tại sao lại không? Bồ có thể ở nhà tôi. Thứ Hai tuần sau nữa mấy lớp múa nâng cao bắt đầu khai giảng, tôi sẽ đi vắng ba tuần. Bồ cứ tự nhiên ở nhà tôi, xe của tôi cũng...
- Tôi không thể, CM ạ. Cho tới khi mọi chuyện được giải quyết xong.
CM chuyển tông sang giọng thấy đội cảnh sát.
- Ừ, thế bồ làm gì để giải quyết được chuyện đó?
Sự im lặng của tôi đã tố cáo chính tôi.
- Tiếc là tôi không thể ở ngay đó mà đá vào mông bổ, - CM cáu. -Tôi biết thừa bồ đang nằm xìu một góc bôi trát lên mình đủ thứ thương thân tủi phận rồi.
- Không đúng.
- Thôi thì thế nào cũng được. - Giọng CM lại mềm đi. Cô nên theo nghiệp diễn viên lồng tiếng mới phải. - Hôm qua tôi vừa đến hiệu bánh. Chị Ellen hỏi thăm bồ. Chị ấy bảo vẫn đang tìm thợ làm bánh mì đấy.
- Ngay bây giờ tôi không đi được thật. Đang bị đều đặn hàng tháng.
- Ừa, nhưng lời mời còn nguyên giá trị đấy nhé, nếu bỗng dưng lí trí quay trở lại với bồ.
o O o
Tôi đang co mình trên xô-pha đọc cuốn Middlemarch thì mẹ về cùng với súp và xa-lát mua ở Gelson’s. Mẹ ý tứ nhìn tôi, rõ là quyết định tốt hơn không nói ra những điều mẹ muốn nói. Rồi mẹ ra hành lang treo áo khoác.
- Sao con không nướng lại bánh con làm để chúng ta ăn tối luôn nhỉ?
Vừa ăn mẹ vừa kể chuyện bâng quơ, cố điều tiết sắc giọng vừa phải và lạc quan.
- Bánh ngon lắm. Tối hôm qua về mẹ đã ăn vụng một ít rồi.
- Mẹ thấy thích thì con cũng vui. - Tôi uống một ngụm rượu lớn và nhón xa-lát ăn.
Mẹ đặt dĩa xuống và nhìn tôi. Đến lúc rồi đấy.
- Wyn ơi, con không thể cứ thế này mãi được. Gần đây con có để ý tử tế đến bản thân không vậy?
- Ơ, thực ra là có ạ. Vừa chiều nay xong. Cơ mà con không chắc đấy là tử tế.
- Con có thôi cứ năm phút lại căng với mẹ như thế không? Con làm mẹ lo đấy.
- Chính con còn lo nữa là. - Tôi gượng cười. - Ngày hôm qua rất ổn. Khi con làm bánh. Cảm thấy mình có chút nghĩa lý trở lại.
Mẹ nhăn trán.
- Vậy rồi đã có chuyện gì?
- Rồi mẹ gọi điện. Khi mẹ gọi điện bảo sẽ không về nhà ăn tối, con chỉ cảm thấy... con không biết nữa. Nhão ra. Con đã muốn khoe với mẹ mấy ổ bánh. - Không thể tin được giọng tôi đang bắt đầu vỡ ra. - Như một đứa trẻ thích khoe. Thật là... ngốc xít mà. Và... - tôi hít sâu một hơi - và rồi điện thoại reo, con đã nghĩ biết đâu lại là...
- David, - mẹ nói nốt hộ tôi. - Mẹ hiểu. Mẹ từng có ảo giác tương tự về bố con. Sau khi bố mất, thỉnh thoảng mẹ lại tưởng tượng ra mình nhấc điện thoại lên thì đầu bên kia bố nói “Jo à, em cất thịt nướng vào tủ lạnh đi, hôm nay mình ra ngoài ăn tối nhé”.
Giờ thì cả hai mẹ con tôi cùng ngồi nhỏ nước mắt vào xa-lát.
- Nhưng là bố đã mất. - Tôi thốt ra mà không cần nhắc. - Bố không bỏ mẹ để đi theo con đàn bà hợm hĩnh nào cả.
Tôi vụt nhận ra mình vừa lỡ nói những lời thật thô lỗ và cay nghiệt trước mặt mẹ. Tôi bật cười. Và mẹ cũng cười.
- Ồi, Wyn. - Mẹ đứng dậy lấy hai tờ khăn giấy trong cái hộp trên bàn bếp. - Có việc này con giúp mẹ được không?
Tôi quệt nước mắt.
- Việc gì ạ?
Mẹ ngồi lại xuống ghế.
- Mai đi ăn tối với bác Ed và mẹ nhé. Đi mà con, - mẹ bồi thêm trước khi tôi kịp máy móc từ chối. - Bác ấy và mẹ định đến một nhà hàng mới mở ở Beverly Hills. Le Jardin*. Chắc là một chỗ rất được. Con đi nhé.
- Con không thể ạ.
- Con muốn nói con không thích thì có. Wyn này, bác Ed là người tử tế và thú vị, vả lại chắc mẹ sẽ không gặp bác ấy thêm nữa.
- Sao thế ạ?
- Bác ấy bắt đầu có tình cảm thật sự, còn mẹ thì không. Mẹ vui khi đi cùng Ed. Bác ấy kể chuyện rất hay. Bác ấy nghĩ đã yêu mẹ, còn mẹ không thể để mặc mọi sự như vậy. Thật ra nếu con đi cùng, bác ấy sẽ nén những màn lãng mạn lụy tình lại, như thế sẽ rất vui. Vậy con đi nhé? Thôi nào, nói đồng ý đi mà.
o O o
Bảy giờ mười lăm tối thứ Năm, tôi dúi mình vào ghế sau chiếc Camaro màu vàng kim của bác Ed. Mẹ nhường tôi ghế trước, nhưng trông vẻ say đắm mà bác Ed nhìn mẹ, tôi không nỡ ngồi vào chỗ ấy. Loa phía sau đang phát nhạc của Van Halen, bác Ed gõ gõ chiếc nhẫn đang đeo lên tay lái theo nhịp bass.
Hai người phía trước rủ rỉ với nhau những chuyện linh tinh lang tang, tôi chẳng nghe rõ lời nào. Tôi chỉ ngồi co đầu gối lên chống cằm, chăm chăm nhìn phía sau đầu bác Ed. Kiểu tóc cảnh sát siêu ngắn chìa lên trên cổ áo, trông giống những hàng răng trên chiếc lược làm bằng lông lợn lòi cũ của bố tôi. Một chút kem cạo râu còn dính lại sau vành tai bác ấy. Đúng lúc đó bác Ed gặp được ánh mắt tôi trong gương chiếu hậu. Tôi nhận ra bác ấy vừa nói gì đó và đang đợi tôi trả lời.
- Xin lỗi bác, vừa nãy cháu nghe không rõ.
Bác vặn nhạc nhỏ đi.
- Bác vừa hỏi cháu có biết gì về chỗ ăn tối không? Le Jardin ấy. - Có điều bác Ed phát âm thành “Lay Jardeen”.
- Cháu không biết ạ. Nhân tiện, nhà hàng đó là “Luh Zhardanh” bác ạ.
Mẹ chẳng cần phải quay sang; tôi thấy rõ là sống lưng mẹ cứng lại. Bác Ed bật cười hiền lành.
- Phải rồi, mẹ cháu kể rằng cháu đã ở Pháp một thời gian. Vậy là Le Jardin. - Lần này bác nói khá chuẩn.
- Vâng, đúng rồi ạ. - Tôi đáp.
- Dù sao thì Ruthie cũng thích chỗ đó.
-Ai cơ ạ?
- Ruthie Reichl. Thời báo Los Angeles. - Bác lại nhìn qua gương chiếu hậu. - Mà bà ấy kĩ tính kinh lên được. - Nghe như bác ấy nói về một người bạn thân vậy. - Mất mấy tuần bác mới đặt được chỗ. Nhà hàng mới khai trương.
Bác lái xe len qua giao thông đông đúc trên Sunset Boulevard, một tay trên tay lái, một tay tự nhiên vắt lên lưng ghế bên kia, với vẻ ung dung của người quen và thích ngồi lâu sau tay lái. Thỉnh thoảng ngón tay bác ấy lại khẽ chạm vào tóc mẹ tôi.
Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, mắt khép hờ để tất cả những đèn pha, đèn hậu, biển báo giao thông và bảng hiệu nê-ông chảy nhòe vào nhau thành một dòng sông đa sắc. Gần đa sắc bằng cái áo khoác ca-rô bác Ed đang mặc. Lúc ở nhà tôi đã thấy mẹ thận trọng biểu cảm thế nào khi ra mở cửa cho bác ấy. Cra-vát của bác chi chít những họa tiết cong như cánh hoa, với tông màu hoàn toàn khác áo khoác. Tôi lơ đãng tự hỏi không biết có phải bác ấy bị mù màu không nhỉ. Hình như rất nhiều đàn ông bị mù màu.
Đến lúc tới được Le Jardin, tôi chợt nhận ra không biết phải gỡ bản thân ra thế nào đây. Bác Ed giúp một tay, mạnh mẽ kéo tôi ra như rút nút bấc khỏi chai; rồi anh nhân viên phụ trách đưa xe ra bãi đỗ còn duyên dáng làm bắn nước lên váy tôi. Bác Ed nói tên mình cho ông phục vụ trưởng, ông này cố gắng không dán mắt vào cái áo khoác bác đang mặc.
Ông phục vụ trưởng rò cuốn sổ màu đen, rồi nhìn sang chúng tôi với cái mũi dài nhọn hoắt.
- Chắc là có nhầm lẫn đâu đó. Tôi nhận được đặt chỗ cho hai người, mà bây giờ các vị lại đi ba.
Bác Ed tháo khuy áo khoác, móc hai ngón cái vào khóa thắt lưng và mỉm cười.
- Thế này không giống như đi lậu vé vào rạp xiếc, đúng chứ? Ông lấy thêm cái ghế là xong. Ông trông cũng biết cô ấy không ăn nhiều đâu.
Tôi phải cố gắng mím chặt môi để ngăn một tràng cười chắc là rất mất thể diện. Khổ thân ông phục vụ trưởng, chắc ông ấy không có nhiều kinh nghiệm với những thực khách như thám tử Ed Talley. Ồng cân nhắc tình hình trong vài giây, rồi búng ngón tay gọi một trong mấy cậu chạy bàn.
- Ghế.
Phòng ăn thực sự là một khu vườn. Những tán cọ và dương xỉ, dây leo, hoa đuôi chồn rực rỡ và hoa lan thanh tao khéo léo đan vào nhau, tạo không gian riêng cho từng bàn. Những ngọn đèn lung linh khắp nơi, như đèn đom đóm phản chiếu trên pha lê. Nghệ sĩ thụ cầm chơi đàn ở một góc, và nơi này đủ tĩnh lặng để thực khách thật sự thưởng thức được tiếng nhạc.
Mẹ tôi mỉm cười.
- Ôi, anh Ed, chỗ này đáng yêu thật. Như xứ sở thần tiên vậy.
Bác Ed trông rạng rỡ hẳn lên và gọi một chai Taittinger Brut Rose, mà bác phát âm là “Tatenjer”. Tôi cũng không bận tâm sửa bác ấy nữa.
Những món tôi thấy trên các bàn xung quanh trông giống tác phẩm nghệ thuật hơn thức ăn, nhưng đây là Los Angeles mà. Bánh mì được đưa ra, kiểu bánh đồng quê và có rắc chút rau thơm. Tôi nhấm một miếng trong khi đọc thực đơn. Ravioli* nhân thịt thỏ với bơ ngải giấm. Cá ahi nướng tái. Mì sợi tăm với ba loại trứng cá. Sashimi cá hồi với spaghetti dưa chuột. Các loại rau bao tử. Taquito* cuộn thịt vịt non với nước sốt xoài. Ắt hẳn đều rất ngon, nhưng không phải là những gì tôi muốn lúc này. Có lẽ thứ tôi muốn ăn không có trong thực đơn.
Anh phục vụ mang rượu ra, nhắc rằng các món đặc biệt hôm nay được viết trên mấy tấm bảng đá. Bác Ed nâng ly lên nói:
- Uống vì hai quý cô đẹp nhất trong phòng.
Mẹ tôi mỉm cười duyên dáng còn tôi uống một ngụm lớn champagne. Rồi mẹ đẩy ghế ra và đứng lên.
- Xin phép cả hai một lát nhé. - Mẹ đi về hướng trông có triển vọng dẫn đến nhà vệ sinh nữ nhất.
Không thể tin được là mẹ để tôi lại một mình với bác Ed. Tôi uống thêm champagne, đọc thực đơn và giả vờ thích thú quan sát vài bàn xung quanh.
-Johanna đã kể cho bác nghe về chồng cháu. - Đây hẳn là giọng hỏi cung của bác Ed, điềm tĩnh và lặng lẽ. Theo kịch bản kiểu phim cảnh sát tốt/ cảnh sát tồi, hẳn bác ấy sẽ đặt tay lên vai tù nhân mà nói: “Ta uống với nhau một tách cà phê nhé, con trai?”
Tôi tiếp tục đọc thực đơn, nhưng bác ấy không dừng lại.
- Bác chỉ muốn nói là bác rất tiếc. Bác biết việc này rất khó khăn.
Tôi nhìn thẳng lên.
- Cháu tưởng vợ bác đã qua đời.
- Bà thứ hai. Người vợ đầu đã bỏ bác. - Biểu cảm trung tính của bác không mảy may suy suyển. Lạy Chúa, mẹ đã kể với bác ấy những gì không biết?
Tôi cong môi chun mũi nói:
- Cháu thật lòng muốn nói sang chuyện khác.
- Được rồi, bác hiểu rối. - Bác ấy phết cả cục bơ lên miếng bánh.
- Nhưng vẫn rất cực khi đó là tất cả những gì cháu nghĩ đến. Vậy nếu cháu muốn, bác sẽ nhận phần nói chuyện. Bác làm tốt phần này mà, cháu cứ thoải mái nhé.
- Vâng. - Tôi ngả người dựa vào lưng ghế. - Bác kể về một vài trong số những cuộc phiêu lưu lý thú ở sở cảnh sát Encino đi ạ.
Bác Ed bật cười, nghe như tiếng gầm của cả một cánh rừng nhiệt đới vậy. Mọi người ngoái đầu lại nhìn. Bác ấy chẳng để tâm.
- Ở sở Encino không có nhiều chuyện đáng kể. Nhưng trước đó, bác ở phòng Cảnh sát trưởng Quận Cam. Hồi đó mới gọi là oanh liệt. Chẳng hạn, một sáng Chủ nhật, bọn bác được gọi ra dinh Bartholomae ở Balboa. Giá mà cháu chứng kiến cảnh ấy. Hãy tưởng tượng trên bán đảo đó, một dinh cơ trải ra gần hai trăm mét dài, nhìn ra biển. Nổi bật trên mặt nước là chiếc thuyền buồm cao gần ba chục mét, được đặt tên là Viên kim cương của biển. -Bác lúc lắc mái đầu. - Tuyệt đẹp! - Không ngăn nổi bản thân, tôi ngả người về phía trước.
Những gì diễn ra tiếp theo rất chóng vánh. Không phải chấn động gì, mà là chuỗi những hành động nhỏ như cảnh trong một vở kịch. Người phục vụ đến ghi các món được gọi. Mẹ trở lại bàn, bác Ed đứng dậy kéo ghế cho mẹ. Ông phục vụ trưởng lướt qua với hai cặp theo sau. Một trong hai cặp đó là David và Kelley. Gần như khôi hài, khi tất cả cùng nhìn thấy nhau vào cùng một khoảnh khắc, và mọi hành động ngưng lại.
May mà tôi không thấy được chính mặt mình. Nhưng tôi thấy lại đúng cảm giác tôi từng trải qua hồi chơi trong đội bóng chày mềm* và bị một cú đánh bóng thẳng trúng bụng. Mẹ tôi khắc họa tư thế mẹ gấu lớn chứng kiến gấu con bị đe dọa, trừng mắt nhìn Kelley. Người phục vụ hờ hững theo dõi, chắc trông đợi chúng tôi sẽ hôn gió và vồn vã chuyện trò. Khuôn miệng ngây thơ của Kelley chợt sắt lại một nụ cười nham nhở. David có biệt tài tỏ ra lóng ngóng như một cậu trai mới lớn. Nhưng rồi ánh mắt anh hạ xuống bác Ed và chiếc áo khoác ca-rô, và anh nhìn tôi với nét cười trên mặt cùng một bên chân mày nhướn lên. Biểu cảm đó chúng tôi từng vô số lần trao đổi với nhau, khi cười cợt điều gì hoặc ai đó mà chúng tôi cho là không thể chấp nhận được.
Đúng lúc ấy, ông phục vụ trưởng quay lại tìm đôi vịt con đi lạc. Hai người bạn đã đi trước trông có vẻ sốt ruột. David và Kelley trở lại hành trình bay. Mẹ ngồi xuống. Tôi bắt đầu thở. Tất cả chừng mười giây, không ai nói một lời, nhưng mọi thứ bất chợt sáng tỏ, không thể nhầm lẫn được.
Người phục vụ lên tiếng:
- Quý khách đã quyết định chọn món gì chưa?
Tôi lơ đãng gọi món. Người phục vụ đi khỏi, bác Ed nhìn mẹ, rồi nhìn tôi, mỉm cười tàn bạo:
- Bác ký lệnh tịch thu xe của hắn nhé?
Tôi xin phép vào nhà vệ sinh, bước đi như thể sàn nhà trải kín những ổ bi. Tôi chốt cánh cửa sau lưng, ngồi thụp xuống cái ghế mềm in hình hoa hồng ở góc phòng. Tôi chỉ ngồi, yên lặng như ta có thể ngồi khi đang run. Rồi tôi lấy khăn giấy trong ví ra, thấm mồ hôi rịn ở trán và môi trên. Khi đứng dậy rửa tay, tôi thấy buồn nôn và chóng mặt, nên tôi hít vào, thở ra, thật sâu, thật chậm. Tôi thoa son dù chẳng cần thiết, mở cửa và đi ra. Trên đường trở lại bàn, tôi đưa cho ông phục vụ trưởng tờ mười đô-la, nhờ ông gọi giúp tắc-xi.
o O o
Một chuyến tắc-xi dài trở về Encino. ít nhất, tôi thở phào vì người tài xế không thạo tiếng Anh. Tôi ngồi cứng đờ một góc ghế và nghĩ về Kelley. Buồn cười thật, David chọn một người trông giống hệt như hình mẫu tôi luôn muốn giống - cứ như với lựa chọn đó anh đã làm tôi bẽ mặt. Cô ấy là loại phụ nữ có thể chặn dòng giao thông ở bất cứ chỗ nào muốn đi qua. Cao và mềm mại, luôn rám nắng, nhưng không quá sậm. Chỉ vừa đủ để tôn lên mái tóc thẳng vàng óng và nụ cười hoàn hảo. Kelley Hamlin sẽ là hình dung của bất cứ ai khi nhắc đến “con gái California”. Thực ra, cô ấy người gốc Wisconsin hoặc Minnesota, hoặc một trong mấy bang chuộng sữa nguyên kem khác. Nhìn Kelley tỏa sáng ở Le Jardin trong bộ váy lam bó sát và giày cao gót bảy phân, tôi có thể hiểu được tại sao David lại sa vào lưới tình. Có người đàn ông nào lại không cơ chứ? Còn tôi ngồi đó, xấu hổ với nước da trắng bợt, tóc nâu xơ như cỏ đan giỏ dịp lễ Phục sinh, quầng mắt trũng thâm. Cùng bác Ed với cái áo khoác như đi hội hóa trang, và mẹ tôi trong bộ đồ lụa rất mệnh phụ phu nhân.
Chẳng có gì để làm trừ việc lặng lẽ về nhà, thay ga trải giường và quay lại với những cuốn sách. Có thể tôi sẽ điên dại chút chút và uống một ly rượu vang chăng.
Trong khi David và Kelley vui vầy một bữa tối nhàn nhã với bạn bè. Hoặc vốn đã hiểu con người họ, tôi nghĩ những người đó chắc là bạn làm ăn. Rồi họ sẽ về nhà cô ấy chứ? Hay nhà của chúng tôi? Ngốc quá đi mất. Tôi muốn nói là nhà của anh. Có thể họ sẽ đốt lò sưởi, rót chút rượu cognac. Cùng cười bộ ba khôi hài ở nhà hàng. Khi tràng cười lắng xuống, mắt họ gặp nhau. Tay anh vuốt ve bờ vai cô ấy. Anh hôn phớt lên cổ cô ấy. Anh luôn giỏi những bước dạo đầu tinh tế này. Tôi thực sự không muốn nghĩ đến nữa, nhưng một khi đã đánh thức trí tưởng tượng...
Tôi là cô ấy. Kelley. Tôi cảm nhận đầu lưỡi anh miên man trên cái hõm giữa cổ và vai tôi. Anh kéo khóa cởi chiếc váy của tôi, trượt phần trên xuống. Tôi có đang mặc áo lót không nhỉ? Có lẽ là một chiếc bằng ren màu lam, cúp nửa bầu ngực. Móc cài ở phía trước, nhưng anh biết rõ tất cả. Phực khẽ một tiếng. Bầu ngực tôi tràn ra và môi anh đuổi theo, đùa giỡn hai nụ hồng nhỏ, làm tôi say lịm đi. Chúng tôi cuốn lấy nhau trên sàn. À, nếu đang ở nhà tôi. Còn nếu ở nhà David, anh sẽ không muốn dây bẩn ra tấm thảm lông cừu. Mái tóc vàng tuyệt đẹp của tôi bồng bềnh quanh mặt như những dải mây ngược sáng trong một bộ phim nào đó. Tay anh trượt dài trên đùi tôi, tới nơi anh biết nếu khéo chạm sẽ khiến tôi phải hét lên. Và anh bên tôi thật gần, thật sát. Ôi trời ôi, trời ôi trời. Tôi cắn chặt môi dưới. Người tôi đổ về phía trước, ống chân đập mạnh vào lưng ghế.
- Nhà này phải hông? - Người tài xế lơ lớ hỏi.
o O o
Khoảng mười rưỡi, mẹ đến và ngồi xuống giường tôi. Không tốn thời gian à ơi vỗ về, mẹ nói thẳng:
- Wyn ơi, đừng cho phép con búp bê Barbie ấy gạt con ra. Hãy chiến đấu vì những gì con muốn.
Tôi uống ít nước trong cái cốc trên bàn đầu giường.
- Con không biết mình muốn gì nữa.
Mẹ lấy cốc nước từ tay tôi và uống nốt chỗ còn lại.
- Con dễ từ bỏ quá. David cư xử như một thằng tồi, nhưng phần lớn đàn ông kiểu gì cũng có lúc như vậy. Nó đẹp trai, thông minh, có tài. Một thời gian dài nó đã chăm lo cho con rất tốt. Mẹ nghĩ nếu con không ruồng bỏ thì nó sẽ quay về.
- Mẹ ơi, con tin rằng anh ấy đã có lựa chọn của mình rồi. - Tôi nhặt một cuốn sách lên. Mẹ giằng lấy và để cuốn sách ra ngoài tầm với của tôi.
- Wyn à, mẹ thấy David đã nhìn con.
- Vâng, chẳng phải con cũng dễ nhìn đấy chứ?
- Con đẹp lắm.
- Trông con giống con gái nhân viên nhà xác thì có.
- Trông con rầu rĩ thôi. Để David thấy dáng vẻ đó cũng chẳng sao. - Mẹ thở dài, nhắm mắt lại trong một vẻ căng thẳng mà tôi biết quá rõ. - Mẹ nhận ra là con nghĩ rằng mẹ không hiểu gì sất, nhưng nghe mẹ nói này, hãy kiên nhẫn chờ đợi. Đừng làm gì đột ngột. Những chuyện hy hữu sẽ có lợi cho con. Và nếu David khăng khăng làm thằng ngốc, kết cục con vẫn sẽ là một thiếu phụ giàu có.
Tôi đặt ngón tay trỏ lên thái dương và day nhẹ theo đường tròn. Yên lặng chừng một phút, rồi mẹ lên tiếng:
- Mẹ đã nói với bác Ed rằng mẹ sẽ không gặp bác ấy nữa.
Tôi ngẩng đầu lên nhìn mẹ.
- Con đánh giá đó là một nghĩa cử rất nhân đạo. Bác ấy có bị suy sụp không ạ?
- Tất nhiên là không. Bác ấy chấp nhận như một quý ông lịch lãm. Hôn má mẹ và chúc những điều tốt đẹp nhất.
- Mẹ là kẻ đốn tim người ta. -Tôi phải nhe răng cười một chút. - Chán thật. Con vừa bắt đầu thích bác ấy. Giờ con sẽ không bao giờ biết được điều gì đã xảy ra tại nhà Bartholomae trên bãi biển Newport.
- Một người đàn ông giàu sụ bị ám sát chăng.
- Vâng, có thể cân nhắc kịch bản đó ạ.
Mẹ ngáp.
- Mẹ phải đi ngủ thôi. - Ở ngưỡng cửa, mẹ quay lại. - Hãy nghĩ về những điều mẹ đã nói nhé Wyn. Con chẳng có gì để mất cả.
o O o
Tôi thức giấc lúc bảy giờ kém mười. Xét mức độ yên tĩnh trong nhà, tôi biết mẹ đã đi làm rồi. Tôi mặc áo ấm, tận hưởng những mùi hương thân thuộc ở trong phòng, mùi thơm tho của chăn lông, mùi túi thơm trong tủ còn vương trên ga trải giường, đồ gỗ được đánh bóng bằng tinh dầu chanh, và hơn hết, sau chừng ấy năm ròng, vẫn thoang thoảng dấu vết nước hoa Bluegrass. Đó là thứ tôi mê mẩn suốt những năm tháng thiếu nữ. Và hàng lít nước hoa tôi xịt vào không trung, cùng với phấn thoa toàn thân bung ra mỗi lần đánh, và những giọt sữa dưỡng thể tôi vô ý làm rớt, tất cả quện vào nhau, hương thơm dần ngấm vào tường phòng, len vào thảm trải sàn và đồ đạc.
Ông Trăng, cây đèn ngủ bà tặng hồi tôi năm tuổi và đêm nào cũng vật lộn với ác mộng vì sợ bóng tối, vẫn ở trên mặt tủ, tỏa ra thứ ánh sáng xám nhạt như có như không. Cạnh tủ là bảng tin tự chế của tôi, dán đầy lịch thi đấu bóng bầu dục và những trang cắt ra từ báo viết về các buổi biểu diễn của CM, ảnh bọn tôi - bức đẹp nhất do bố CM chụp tại lễ tốt nghiệp trường trung học Burroughs. Năm ấy Los Angeles hứng chịu một đợt sóng nhiệt kinh hoàng. Bức ảnh chụp lúc năm giờ chiều trong cái nóng ba mươi chín độ C. Khối cuối cấp đứng xếp hàng bên ngoài sân bóng, chuẩn bị làm lễ diễu hành. Bố CM chớp được khoảnh khắc hai đứa đang vén tà áo chùng khoe quần lửng và áo hai dây, mũ tú tài nghịch ngợm lệch sang một bên trên đôi kính râm to tướng. Hai đứa đều nhe răng cười, cầm tấm bảng viết “Mát thế này đi học thì phí”.
Trên đỉnh giá sách có một khung bạc lồng tấm ảnh bố mà tôi thích nhất. Trong ảnh bố đang mặc áo phông trắng Lacoste, cầm cây vợt tennis tôi tặng vào dịp sinh nhật bố. Hồi đó tôi ghét cay ghét đắng phải trông tụi nhóc hàng xóm, có mấy đứa chẳng nhỏ hơn tôi là mấy. Thế mà tôi đã ráng làm cả năm, mỗi cuối tuần ít nhất một buổi, tích góp mua tặng bố cây vợt mới bằng titan mà bố vẫn thích. Giờ tôi không nhớ rõ là vợt của hãng nào nữa.
Tôi kéo chăn lên sát cằm và giữ chặt. Giường ngủ, bàn học, sách báo, tranh ảnh, căn phòng của tôi, mọi thứ vẫn như xưa, và tôi, an ổn giữa tất cả. Đông cứng, như loài côn trùng tiền sử nào đó trong một giọt hổ phách.
Ông chú Tim cà chớn đã đúng ở một điểm. Bố tôi là người ưa mạo hiểm. Tôi đã muốn giống bố. Nhưng tôi luôn bị giằng xé giữa một bên là mong muốn làm bố hài lòng và bên kia là đi theo những bản năng thận trọng hơn của chính mình.
Một ngày hè trên biển với bố mẹ. Tôi khoảng bảy, tám tuổi. Bố đang ra xa, còn xa hơn cả những ngọn sóng lớn. Tôi muốn theo bố, nhưng lại sợ sóng. Bố gọi, ra hiệu bảo tôi hãy ra đây, còn mẹ đang ngồi trên tấm khăn bông, giả vờ bặm môi đọc sách. Tôi lập cập rẽ nước đi ra.
“Bơi đi con!”, bố nói lớn. “Lặn hẳn vào sóng ấy”. Nhưng tôi quá sợ hãi, chỉ dám cố thử bước tiếp về phía mặt nước đang dâng cao. Đột nhiên, cả một tháp nước trùm lên, nhấn chìm và kéo tôi trôi mòng mòng như quần áo bị quay tít trong máy giặt. Tôi cố gắng bơi nhưng bị mất phương hướng và va vào đáy cát. Tôi hét lên, nước mặn chát xộc gắt vào miệng và mũi, tràn qua xoang và thấm xuống phổi tôi.
Rồi tôi ở trong vòng tay bố, vừa ho vừa khóc. Tôi nghe thấy tiếng bố cười rất nhẹ khi nhấc tôi ra khỏi nước. Mẹ chạy lại đón hai bố con, nhưng mẹ không nói gì. Bố mẹ ôm tôi cho đến khi tôi thôi thổn thức. Mẹ vắt nước khỏi tóc tôi, bố lấy khăn bông lau mặt cho tôi, hôn lên má tôi.
“Bây giờ con đã biết rồi nhé, bố nói. “Khi sẵn sàng tiến vào vùng nước sâu, con phải lặn xuống dưới ngọn sóng. Nếu cứ đợi sóng đến thì nó sẽ hạ con đo ván đấy”.
Tôi nhoài ra và nhấc điện thoại lên. Trong một tiếng đồng hồ, tôi nói chuyện xong với Ellen ở hiệu bánh Queen Street, Elizabeth Gooden, CM, và nhân viên hãng hàng không Alaska. Rồi tôi nằm lại xuống, tự chiều mình bằng cảm giác quá ư hài lòng. Tôi vừa cả gan thay đổi toàn bộ hướng đi cuộc đời mình khi chưa đến tám rưỡi sáng. Thậm chí còn chưa ra khỏi giường.
Chỉ còn một việc nữa phải làm.
o O o
Tôi đang ngồi dưới hiên khi David tấp xe vào sân. Anh nhấc cặp táp ở ghế sau ra và bước về phía cửa trước. Anh không thấy được tôi vì trời đã tối và anh lại đãng trí không bật trước đèn dưới hiên. Nhưng tôi vẫn có thể thấy anh trong ánh đèn đường vàng vọt hắt vào, và con tim tôi như tan nát. Anh bước chậm chạp hơn bình thường, đầu cúi và bờ vai so lại.
- Anh David.
Anh ngẩng phắt đầu lên khi nghe thấy tiếng tôi. Không chuẩn bị tâm lý, anh không giấu được vẻ ngạc nhiên, và cả những nét hơi hơi giống một nụ cười.
- Wyn à, em đang làm gì ở đây?
- Em từng sống ở đây, - tôi khẽ đáp.
Anh nhìn đi chỗ khác, lóng ngóng tìm chìa khóa, tra vào ổ nhưng không vặn mở.
- Em vào nhà được không anh?
Anh đăm chiêu ngoái nhìn qua vai, như e ngại rằng luật sư của tôi đã dàn dựng chuyện này và đang ghi hình tất cả.
- Anh chẳng gọi điện cho em, - tôi thấp giọng, cố không để bị lạc đi vì run rẩy. - Mình vẫn chưa nói chuyện được với nhau.
- Anh biết. Anh xin lỗi. Anh... Thời điểm này không tốt lắm, Wyn ạ. Anh mệt quá...
- Em cũng mệt, và sẽ chẳng thời điểm nào là tốt cả, đúng không anh?
Anh xoay người nhanh, mở ngỏ cửa và đứng sang một bên khi tôi bước vào. Anh gạt công tắc, ánh sáng tràn khắp toàn bộ phần trước tòa nhà. Tôi nhìn quanh - phòng khách, phía sau là phòng ăn, xuôi theo hành lang vào bếp, ngược lên cầu thang tới phòng bày các tác phẩm nghệ thuật. Những căn phòng chỉ hơi quen quen, như một khách sạn ta từng xem trong cuốn quảng cáo nhưng chưa bao giờ đặt chân đến.
Tôi theo David vào phòng khách. Tro để lâu ngày trong lò sưởi phả ra một mùi cũ kỹ.
- Cho em một ly rượu brandy được không?
Anh cởi áo khoác, gấp lại cẩn thận rồi vất lên lưng ghế xô-pha.
- Ừ, tất nhiên.
David bước lộp cộp trên sàn đá xám, và tôi nghe thấy tiếng lanh canh khi anh đảo qua tủ đựng rượu ở trong bếp. Anh vừa rời khỏi phòng khách chừng một phút thì có tiếng sập cửa trước. Tôi không rõ là do anh không nghe thấy, hay do anh biết sẽ không thắng được tôi, nên cứ kệ cho những mảnh vụn tùy tiện vương vãi.
Chắc người cuối cùng Kelley muốn gặp trong căn nhà này là tôi. Chắc chắn cũng là người cuối cùng cô ấy muốn giáp mặt.
- Chào chị Wyn, bất ngờ quá. - Kelley phản ứng rất nhanh.
- Tôi cũng thấy thế. - Tôi gượng cười, nhưng khó quá, tất cả những gì tôi có thể nghĩ được là không biết cảm giác ngón tay tôi trên da cô ấy sẽ như thế nào nhỉ. Tôi liếc đồng hồ đeo tay. - Mang hồ sơ đến lúc chín giờ bốn mươi phút thì hơi muộn đấy.
- Anh David đâu chị? - Giọng Kelley thể hiện sự kiểm soát hoàn hảo. Cô ấy hẳn là thuốc nổ trong những cuộc thương thuyết bộn tiền và bộn áp lực.
- Anh ấy đang lấy brandy. Đêm nay chúng tôi cần bàn một số chuyện. Cô cứ tự nhiên đợi ngoài hiên nhé.
Có hai điểm ửng lên trên gương mặt mịn màng rám nắng của Kelley, nhưng cô ấy chưa kịp nói gì thì David đã quay lại với brandy trong hai ly pha lê tròn.
- Ơ... - anh thốt lên.
Ba chúng tôi đứng nhìn nhau như một góc trưng bày trong bảo tàng tượng sáp Madame Tussaud, cho đến khi David cứng đờ lên tiếng.
- Wyn và anh có một số chuyện cần nói, Kelley ạ. Mai gặp em ở văn phòng nhé.
Kelley không một lời quay đi và biến mất, khẽ đóng cánh cửa lại sau lưng. David đưa cho tôi ly rượu và chúng tôi ngồi ở phòng khách.
- Cảm ơn anh. - Đó là tất cả những gì tôi cho phép bản thân nói ra khi rượu brandy nóng bừng trong cổ họng. Tôi đã tự hứa mình sẽ rất đàng hoàng, không làm gì mất mặt, đặc biệt là không khóc. Nhưng có một nút thắt khổng lồ trong cổ họng, tôi không thể thốt nên lời. Tôi gắng hít thở theo yoga, thêm vài ngụm brandy, và rút cục cái nút ấy bắt đầu lỏng ra.
- Em muốn nói chuyện gì nào? - Anh đặt ly xuống mặt bàn thủy tinh.
Em muốn nói chuyện gì nào? Tôi muốn gào thét, hắt ly rượu vào khuôn mặt hoàn hảo của anh, nhưng tôi kiềm chế được và không làm như vậy.
- Em nghĩ hai ta có thể nói về chính mình, anh David ạ. - Tôi thích cách mình nói ra như vậy. Thật thấp giọng.
- Được rồi. - Anh nới cra-vát. Đeo cra-vát như vậy chứng tỏ hôm nay họ đã họp với một khách hàng. David ngả người dựa vào lưng ghế, nhìn tôi với ý chờ đợi.
- Em sẽ đi Seattle tiếp một thời gian. - Có phải tôi đã tưởng tượng không, hay đúng là anh vừa thở phào? - Và em không biết anh đã nghĩ gì về... tình hình chưa.
Dựa trên những gì vừa xảy ra, đó có thể là một câu hỏi ngớ ngẩn, nhưng anh nặng nề lắc đầu.
- Chưa. Gần đây anh bận quá...
- Nếu chuyện gì đủ hệ trọng thì anh cần dành thời gian cho nó.
Anh nhoài về phía trước, khuỷu tay chống lên đầu gối.
- Wyn ơi, anh xin lỗi. Anh chỉ có thể làm được những gì có thể thôi. Có lẽ vấn đề là ở chỗ, em trông đợi quá nhiều vào anh. Anh xin lỗi nếu em đã thất vọng.
- Sau tất cả những gì đã xảy ra, chúng ta ngồi lại và nói chuyện về hôn nhân của mình, như vậy là trông đợi quá nhiều ư? Hay là anh không quan tâm? Anh không thể cho em biết anh cảm thấy thế nào sao?
Lần đầu tiên kể từ lúc thấy tôi dưới hiên, David nhìn thẳng vào tôi. Trông anh hốc hác, hai mắt thâm quầng.
- Anh không thể cho em biết được, vì chính anh cũng không biết. Chẳng rõ mình cảm thấy như thế nào. Chẳng rõ điều gì sẽ xảy ra. Anh biết em muốn nhiều hơn thế. Em xứng đáng được nhiều hơn... nhưng thực sự anh không biết nữa. Việc công ty hỗn loạn như điên. Hôm nay bọn anh đã bị vuột mất Hathaway, vài nhân viên sẽ phải giơ đầu chịu báng. Trong đó chắc có anh. Anh... anh xin lỗi.
- Mất Hathaway ư? - Tôi thốt lên gần như sửng sốt.
David gật đầu.
- Ừ, họ sẽ làm với bên Foote Cone.
- Nhưng anh Tom là...
- Chuyện làm ăn mà Wyn. Không có chỗ cho riêng tư. - Giọng anh đờ đẫn. Chợt quá rõ rằng đêm nay không phải là lúc giải quyết chuyện chúng tôi. Tôi đứng dậy, cầm lấy áo khoác và đi về phía anh.
David ngước nhìn tôi.
- Em yêu anh, David ạ.
David cầm lấy bàn tay tôi, thoáng áp lên má anh, nhưng không nói gì.
- Chủ nhật em đi. Trước hôm đó nếu anh tiện thì gọi cho em nhé.
- Ừ, anh sẽ gọi, - David đáp, nhưng cả hai chúng tôi đều biết rõ hơn.
o O o
- Con quyết định như vậy vì mẹ đã bảo con đừng làm.
Mẹ đứng dựa lưng ở ngưỡng cửa, nhìn tôi tết từng lọn tóc thành một bím cầu kỳ theo kiểu Pháp. Mẹ mặc cái quần nỉ đã dùng năm năm nay mà trông vẫn như mới, áo phông dài tay có hình một bó hoa vẽ tay ở phía trước. Mẹ đã mua ở một trong những hội chợ Giáng sinh mẹ luôn đi vào tháng Mười một.
Tôi cố nói tránh đi.
- Mẹ có bảo con đừng đến Seattle đâu ạ.
- Mẹ đã bảo con đừng làm gì đột ngột. - Cặp mắt xám của mẹ đón lấy mắt tôi trong gương. - Wyn ơi, con đang cả giận mất khôn đấy.
Tôi buông xuôi những lọn tóc đã cam chịu nãy giờ và xổ tung hết khỏi bím.
- Mẹ ơi, chắc mẹ thấy khó chấp nhận, nhưng chuyện này không liên quan gì đến mẹ.
- Con để mặc ả đó ngang nhiên cướp chồng con đi. Con thì bỏ chạy. Từ bỏ trong khi còn chưa đánh trả. Đó không phải là Wynter mà mẹ biết.
- Thế con nên làm gì ạ? Sắm một búp bê hình Kelley rồi yểm bùa ạ? Hay là con nên lén lút bám gót cô ta? Chọc thủng lốp xe? Xông đến văn phòng JMP tát cô ta một cú nổ đom đóm mắt?
Mẹ vào hẳn trong phòng và đứng cạnh tôi.
- Tất nhiên là không rồi. Chỉ cần con đừng bỏ đi. Hãy ở lại đây. Có mặt. Nói chuyện với David. Chiến đấu với thủ tục li hôn. Gây khó dễ. Phục sức xinh đẹp. Ngọt nhạt với David. Qụyến rũ nó.
Tôi ném cái lược đi, nó trúng mặt tủ rồi rơi xuống sàn.
- Sao con phải biến mình thành con ngốc thế ạ?
- Vì con yêu David, đó là lý do. Và mẹ nghĩ, sâu trong lòng, nó cũng yêu con. - Tôi trợn tròn mắt, nhưng mẹ phớt lờ. - Phụ nữ trẻ thế hệ các con cứ thích tự huyễn hoặc rằng không có khác biệt căn bản nào giữa giống đực và giống cái của mỗi loài, nhưng thực ra là có đấy. - Mẹ lên giọng, kiểu Aimee Semple McPherson thuyết giảng về quan hệ hôn nhân. - Nó nằm ở thuộc tính sinh học, hành vi, di truyền, qua hàng ngàn năm...
- Mẹ ơi, mẹ được sinh ra lầm thời rồi. Lẽ ra mẹ phải là một con người mẫu mực của thời đại Nữ hoàng Victoria.
Giờ mẹ chuyển sang đi đi lại lại trước cửa sổ.
- Wynter ạ, đàn ông đạt được những gì mình muốn bằng cách lấy đi. Phụ nữ đạt được những gì mình muốn bằng kiên tâm và bền bỉ, biết giữ vững cho đến khi mọi kẻ khác phải bỏ cuộc và thoái lui.
Tôi quay sang nhìn thẳng vào mẹ.
- Hình ảnh quá đẹp mẹ ạ. Phụ nữ trong vai quái vật Gila*.
Mẹ cáu quá chỉ còn biết bất đắc dĩ nhắm mắt lại. Những màn đấu khẩu kiểu này mẹ con tôi đã diễn với nhau nhiều năm nay.
- Wyn à, cả đời con chỉ cần nghe mẹ lần này thôi. Nếu con quyết tâm thả trôi cuộc hôn nhân của mình, thì ít nhất hãy giữ lấy phần chia tài sản. Mẹ biết quá nhiều phụ nữ đã để mất những gì chính đáng thuộc về họ, chỉ vì không kiên quyết ở lại và chiến đấu. Đàn ông có rất nhiều cách che giấu tài sản, lách luật, giảm giá trị của...
- Chúng ta sống tại một bang áp dụng luật chia tài sản chung trong hôn nhân mẹ ạ.
- Nếu luật mà được áp dụng một cách hai năm rõ mười thì Los Angeles đã không có chỗ cho hàng ngàn luật sư chuyên giải quyết các vụ li hôn như vậy.
Tôi đứng dậy và nắm lấy tay mẹ.
- Mẹ ơi, con xin mẹ, hãy cố hiểu cho con. Con không thể ở lại đây được.
- Vậy con dọn ra ở riêng đi.
- Không phải là ở đây, nơi này. Con không thể ở lại Los Angeles được. Con không muốn cứ nơm nớp sợ không biết có chạm mặt họ ở đâu không. Con không muốn phải trả lời câu hỏi của mọi người. Con còn chẳng muốn bị hỏi những câu vô duyên chết tiệt ấy. Con không muốn nhìn thấy biểu cảm trên mặt mọi người. Ôi, khổ thân Wyn. Chồng cô ta bỏ đi theo một nàng tóc vàng đẹp lộng lẫy. Chắc cô ấy sắp mở một cửa hàng bán đồ thêu đan...
- Con nói vớ vẩn gì thế. Bạn bè sẽ không xem nhẹ con chỉ vì David đã...
Tôi cười phá lên không nhịn được.
- Bạn bè ư? Con không có bạn, có chỉ có các mối quen biết thôi. Tất cả đám phụ nữ con giao du trong năm năm vừa qua đều được lựa chọn cẩn thận, quan hệ được củng cố dựa trên tiềm lực kinh tế. Con chẳng có thời gian kết bạn.
- Thế con sẽ làm gì ở Seattle? Khóc trên vai CM hàng đêm ư?
- Con xin thông báo, thực tế là con được mời làm việc. Làm bánh mì ạ.
- Ôi, Wyn. - Giọng mẹ rỉ ra sự thất vọng. - Thật lòng, mẹ không xét nét gì...
- Nhưng... - tôi nối lời đầy thiện ý.
- Nhưng sao con có thể kiếm sống bằng công việc trong hiệu bánh được?
- Con không cần nhiều tiền. Còn có khoản cấp dưỡng hàng tháng của David nữa ạ.
Mẹ thực sự bật cười.
- Wyn ơi, con sống thế sao đủ. - Nhấn mạnh vào từ con.
Tôi cảm thấy móng tay mình đang ấn sâu vào lòng bàn tay.
- Chị luật sư Elizabeth nói sẽ yêu cầu cho con được hưởng khoản cấp dưỡng cao hơn.
Hình như mẹ không nghe những điều tôi vừa nói.
- Mà con có bằng sư phạm. Trời ơi, bằng Anh văn và Pháp văn. Sao con lại muốn lao động chân tay?
- Bởi vì con thấy thích.
Mẹ con tôi đối diện nhau, ngay giữa căn phòng, như hai võ sĩ giác đấu. Nếu tôi nhìn lên, chắc sẽ thấy Nero Đại đế giơ ngón tay cái ngược về phía tôi.
- Chuyện này vô lý hết sức. - Đám mây mệt mỏi đã kéo lên trong mắt mẹ. - Nếu khăng khăng muốn làm bánh mì, con có thể làm tại đây. Ít nhất con có thể ở với mẹ mà không phải...
- Con không muốn làm ở đây. Con đã nhận công việc ở đó rồi.
- Con bướng y như bố con vậy. - Đó là diễn văn nhượng bộ của mẹ.
Đối với tôi đó là một lời khen.
Bánh Mì Cô Đơn Bánh Mì Cô Đơn - Judith Ryan Hendricks Bánh Mì Cô Đơn