Đôi khi cố gắng hết sức cũng chưa đủ, mà còn phải làm những gì cần làm.

Sir Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Boris Pasternak
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Khánh Trường
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Nhu Nguyen
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3364 / 225
Cập nhật: 2020-06-15 16:51:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần V Vĩnh Biệt Cái Cũ
.
Thị trấn Meluzep nằm trong vùng đất đen. Bộ đội và các đoàn xe đi qua làm bụi đen bay lên như đám mây châu chấu lơ lửng trên các mái nhà. Suốt từ sáng đến tối, người và xe cứ liên tục qua lại theo cả hai chiều, ra mặt trận, và từ mặt trận về, nên không thể nói thực ra chiến tranh còn tiếp diễn hay đã chấm dứt…
Cứ mỗi ngày lại mọc lên đủ thứ chức vụ mới, không biết thế nào là cùng. Và tất cả nhóm của họ đều được giao chức vụ: bác sĩ Zhivago, trung uý Galiulin, nữ y tá Lara và mấy nhân viên khác nữa. Tất cả đều là dân từng ở các đô thị lớn, am hiểu và giàu kinh nghiệm.
Họ thay thế các chức vụ trong hội đồng tự quản thị trấn, họ làm chính uỷ, chính trị viên tại các đơn vị quân đội và sở y tế, và họ coi sự luân chuyển chức vụ đó như một cuộc giải trí ngoài trời hay trò chơi ú tim. Song càng ngày họ càng mong chấm dứt trò chơi đó để trở về nghề của mình.
Công tác đã luôn luôn đưa Zhivago và Lara gần nhau, rất gần nhau.
2.
Những ngày mưa, đám bụi đen ở thị trấn biến thành một thứ hồ màu nâu sẫm, màu cà phê, bao phủ các đường phố phần lớn không lát đá.
Thị trấn không lớn, nên bất cứ chỗ nào chỉ ra góc phố là có thể nhìn thấy đồng cỏ ảm đạm, bầu trời âm u, cái mênh mông của chiến tranh, cái mênh mông của cách mạng.
Zhivago viết thư cho vợ:
"Trong quân đội tình hình rối loạn và vô chính phủ vẫn đang tiếp diễn. Người ta dùng nhiều biện pháp để vãn hồi ý thức kỷ luật và tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Anh đã rảo qua các đơn vị đóng tại địa phương. Sau cùng, thay vì tái bút (đáng lẽ anh phải cho em biết việc này từ lâu), ở đây anh làm việc cạnh một nữ y tá tên là Lara Antipova gì đó từ Moskva đến và sinh quán ở Ural.
"Chắc em còn nhớ cây Nôen trong cái đêm ghê sợ mẹ em qua đời, nhớ cô thiếu nữ đã bắn vào ông phó biện lý? Sau đó hình như cô ta bị đưa ra toà. Và theo anh nhớ, có lẽ dạo ấy anh cũng đã kể với em, rằng Misa Gordon và anh đã gặp cô ta trong một khách sạn tệ hại, hồi cô ta còn là nữ sinh trung học.
Misa và anh theo cha em tới khách sạn đó, anh cũng không rõ để làm gì, trong một đêm giá rét khủng khiếp. Khi đó hình như là đang có cuộc khởi nghĩa vũ trang ở khu phố Presna. Thiếu nữ ấy chính là Lara.
"Mấy lần anh đã tìm cách trở về với em. Nhưng chuyện không đơn giản. Cái nó cầm chân anh ở lại đây không hẳn là công tác, bọn anh có thể giao lại cho người khác mà chẳng thiệt hại gì cả, - khó khăn chính là ở chỗ về bằng cách nào. Hoặc không có tàu, hoặc có xe lửa chạy qua thì đông quá, không tài nào chen lên được.
"Tuy nhiên, tình trạng này không thể kéo dài mãi mãi. Vì thế một số người đã bình phục hẳn, đã mãn hạn và được giải ngũ (trong đó có anh, Galiulin và cô Lara) đã quyết định dầu thế nào đi nữa cũng sẽ lên đường vào tuần sau và để dễ lên tàu hơn, sẽ đi lẻ tẻ, mỗi ngày một người.
"Anh có thể tới nhà bất kỳ lúc nào, không báo trước. Tuy vậy anh cũng sẽ cố đánh điện tín cho em biết".
Nhưng trước khi lên đường, Zhivago còn kịp nhận một bức thư trả lời của Tonia.
Trong thư đó, câu văn mất cả mạch lạc thời gian vì tiếng khóc nức nở; những giọt nước mắt, những vết nhòe thay dấu chấm câu. Tonia khuyên chồng đừng về Moskva nữa, mà hãy đi luôn tới Ural cùng cái cô y tá lạ lùng trong đời từng gặp bao nhiêu điều hay ho, bao nhiêu sự phối ngẫu hoàn cảnh kia; còn cuộc sống khiêm nhường của Tonia, thì không tài gì sánh nổi với cô ta đâu.
Nàng viết: "Còn về phần bé Xasa và tương lai của nó, anh đừng lo. Anh sẽ không phải hổ thẹn vì nó, em hứa sẽ dạy dỗ nó theo những phép tắc của gia đình em và anh từng biết hồi nhỏ".
Zhivago vội trả lời:
"Tonia, em điên rồi. Em đa nghi quá. Có lẽ nào em chưa biết hoặc không thật rõ là chính em, chính ý nghĩ về em, lòng chung thủy với em, với gia đình chúng ta, đã cứu anh thoát chết, trăm nghìn thứ chết, trong hai năm chiến tranh khủng khiếp và tàn khốc vừa qua? Nhưng nói nhiều mà làm gì? Vài bữa nữa chúng mình sẽ gặp nhau, sẽ lại sống một cuộc đời như xưa, mọi việc sẽ sáng tỏ…
"Nhưng cách trả lời của em như thế khiến anh lo sợ vì lý do hoàn toàn khác. Nếu anh gây ra nguyên cớ để em viết như vậy thì có lẽ là quả thật anh đã có thái độ mập mờ; trong trưởng hợp đó, anh còn có lỗi cả với người phụ nữ đã bị anh đánh lừa và anh sẽ phải xin lỗi cô ta. Anh sẽ làm việc đó ngay khi cô ta đi thăm mấy làng xung quanh trở về đây. Các hội đồng tự quản địa phương trước kia chỉ có ở cấp tỉnh và huyện, bây giờ được lập thêm ở cấp xã. Lara đã đi giúp một cô bạn đang hoạt động ở xã với tư cách "cán bộ chỉ đạo", chính về việc đổi mới pháp luật ấy.
"Kể cũng kỳ thật, sống cùng một ngôi nhà với cô Lara mà đến bây giờ anh vẫn không biết buồng cô ta ở đâu, và cũng chẳng bao giờ anh để ý đến chuyện ấy".
3.
Có hai đường lớn đi từ Meliuzev, về phía Đông và sang phía Tây. Một là con đường đất chạy qua rừng tới Zybusino, nơi chuyên mua bán bột mì, trực thuộc Meliuzev về phương diện hành chính, nhưng vượt thị trấn này về mọi mặt. Còn con đường kia rải đá sỏi chạy qua những đồng lầy khô cạn vào mùa hè, dẫn tới ga Biriuchi, chỗ hai đường xe lửa gặp nhau, cách Meliuzev không xa.
Vào tháng sáu, nước cộng hoà tự trị do một chủ xưởng xay bột tên là Blazheyko khởi xướng, chỉ tồn tại trong hai tuần lễ.
Cái nước cộng hoà ấy dựa vào đám binh lính đào ngũ thuộc trung đoàn bộ binh 212, đã mang khí giới bỏ trốn, qua Biriuchi mà tới Zybusino vào thời điểm xảy ra cuộc đảo chính.
Nước cộng hoà ấy không công nhận Chính phủ lâm thời và sự tách biệt khỏi nước Nga. Blazheyko, hồi còn trẻ có liên lạc thư từ với Lev Tolstoy, đã tuyên bố một xứ Zybusino mới, có lịch sử hàng ngàn năm, một cộng đồng lao công và tài sản, và gọi các nhân viên phụ trách hành chính trong xã là các Sứ đồ.
Zybusino từ xưa vốn là đầu đề những câu chuyện hoang đường và đầy cường điệu. Nó nằm ở giữa các cánh rừng rậm. Nó đã được nhắc đến trong một vài tài liệu về Thời kỳ loạn lạc 1 và trong thời kỳ tiếp theo, khu vực này đầy rẫy bọn trộm cướp. Đầu đề bàn tán ở cửa miệng dân chúng là sự giàu có của các tay lái buôn và chất đất phì nhiêu kỳ lạ của miền này. Một số điềm lành điềm gở, một vài phong tục tập quán, những đặc điểm tiếng nói riêng, phân biệt cái dải phía tây này của mặt trận, chính đều bắt nguồn từ Zybusino.
Bây giờ thì người ta kể những chuyện không kém phần hoang đường về người phụ tá chính của Blazheyko. Họ quả quyết rằng đấy là một kẻ bị câm điếc từ lúc mới đẻ, khi cao hứng lên thì biết nói, hễ hết hứng lại câm.
Giữa tháng bảy, nước cộng hoà Zybusino sụp đổ. Một đơn vị quân đội trung thành với Chính phủ lâm thời tiến vào vùng này, dánh đuổi số quân nhân đào ngũ phải rút chạy về phía Biriuchi.
Ở đấy suốt mấy dặm, hai bên đường tàu là những cánh rừng bị chặt nham nhở, trong đó rải rác những gốc cây bị đốn đã chằng chịt dây leo, những đống củi bị bỏ lại từ lâu nay đố ngổn ngang, những nhà hầm sụt lở của các thợ đốn củi những mùa trước.
Đám quân nhân đào ngũ đã tới ẩn mình trong khu vực này.
4.
Nơi bác sĩ Zhivago nằm điều trị vết thương, sau đó ở lại làm việc và nay đang sửa soạn rời bỏ, là một quân y viện được đặt trong toà biệt thự của nữ bá tước Giabriscaia. Ngay từ đầu chiến tranh, bà đã nhường toà biệt thự này làm nơi chạy chữa cho thương binh.
Toà nhà hai tầng đó chiếm một trong những địa điểm đẹp nhất của thị trấn Meliuzev. Nó đứng ở nơi tiếp giáp giữa một đường phố chính và quảng trường trung tâm của thị trấn. Chỗ này trước được gọi là thao trường, vì bịnh sĩ thường thao diễn tại đây còn ngày nay, vào các buổi tối, người ta lấy địa điểm họp mít tinh.
Nhờ vị trí ở đầu ngã tư, đứng trên toà nhà có thể nhìn ra tứ phía rất rõ. Trừ phố chính và quảng trường, từ đây còn thấy ở ngay dưới chân toà nhà, trong sân nhà bên cạnh, phơi bày cảnh sinh hoạt nghèo nàn của tỉnh lỵ chẳng khác gì cảnh sinh hoạt nông thôn. Phía sau nhà có một bức tường, bên kia tường là cái vườn cây cũ của nữ bá tước.
Toà biệt thự này chưa bao giờ là một tài sản có giá trị đối với bà chủ. Trong huyện, bà còn một khu trang trại rộng lớn tên là "Razdonoi". Ngôi nhà ở thị trấn chỉ là nơi tạm dừng chân mỗi khi bà có công việc tới thị trấn và là nơi hội ngộ của khách khứa từ khắp nơi đến nghỉ hè ở trang trại "Razdonoi" của bà. Bây giờ toà biệt thự trở thành quân y viện, còn bà chủ đã bị bắt ở Petersburg, nơi thường trú của bà.
Trong số gia nhân còn tiếp tục sống ở toà biệt thự có Mazmoazen Flori, vốn là gia sư dạy dỗ mấy cô con gái của bà chủ (các cô đã lấy chồng cả) và chị bếp tên là Ustina.
Đầu bạc, nước da hồng hào, Mazmoazen Flori thường mặc chiếc áo cũ, sờn, rộng lùng thùng, rách và bẩn, kéo lê đôi giày cũ đi khắp nhà ung dung như trước đây giữa gia đình bá tước. Bằng thứ tiếng Nga theo lối người Pháp, bà cứ luôn miệng kể chuyện này chuyện nọ. Bà lấy điệu bộ, giơ chân múa tay và mỗi lần kết thúc trò ba hoa lại phá lên cười khàn khàn rồi ho rũ, ho rượi.
Bà Flori biết các uẩn khúc của cô y tá Lara. Theo bà thì ông bác sĩ và cô y tá phải yêu thích nhau. Trung thành với bản tính thích làm mối lái (một thuộc tình sâu xa của những người thuộc dòng Rômăng), bà lấy làm mừng rỡ khi thấy hai người kia đứng với nhau, bà dứ dứ ngón tay ra bộ ta đây biết cả rồi, và nháy mắt với họ một cách tinh quái. Lara ngơ ngác, bác sĩ Zhivago thì bực mình, còn bà, như mọi bà già lập dị, cứ coi trọng sự lầm lẫn của mình hơn tất cả và không đời nào chịu sửa chữa.
Bà Ustina lại còn kỳ quặc hơn. Thân hình bà thu hẹp ở phía trên, khiến bà có dáng dấp một ả gà mái đang ấp trứng.
Bà khô khan, tỉnh táo ghê gớm, nhưng bên cạnh sự tỉnh táo bà lại có một trí tưởng tượng không sae kiềm chế nổi về khoản mê tín dị đoan.
Bà biết vô số câu trừ tà của đám bình dân, bước đi đâu một bước là bà đều tránh nhìn ngọn lửa trong bếp lò, không bao giờ ra khỏi nhà mà không thì thầm mấy câu thần chú vào lỗ khoá để xua đuổi ma quỷ. Bà sinh ở Zybusino. Người ta bảo đâu như bà là con một thầy phù thuỷ ở vùng quê.
Bà Ustina đã có thể im lặng nhiều năm liền, nhưng đến khi có chuyện làm cho bà lên cơn nói, thì lúc đó không tài gì ngăn cản được bà nữa. Bảo vệ chân lý là ham mê của bà.
Sau khi nước Cộng hoà Zybusino sụp đổ, chính quyền Meliuzev tổ chức một chiến dịch chống lại các tư tưởng vô chính phủ từ cái xứ Zybusino kia lan ra. Chiềư chiều ở quảng trường có những cuộc mít tinh tự phát, ôn hoà và thưa thớt, gồm một số kẻ nhàn rỗi tham dự, như thời thái bình xưa, lúc hoàng hôn họ vẫn kéo nhau ra ngồi chơi ở bên cổng trụ sở đội cứu hoả. Ban "Văn hoá giáo dục" khuyến khích các cuộc mít tinh kiểu đó và cử cán bộ của mình hoặc các nhà hoạt động từ nơi khác đến thị trấn, tới điều khiển các cuộc hội họp. Các vị ấy coi những chuyện đồn đại ở Zybusino về anh chàng câm điếc mà nói được là điều cực kỳ vô lý, và trong các bài chí trích, họ luôn luôn nhắc đến anh chàng đó. Song các thợ thủ công, các chị vợ lính, các người từng là gia nhân ở nhà ông này bà nọ, thì lại nghĩ khác. Họ cho rằng người câm điếc biết nói chẳng phải là cái gì quá ư phi lý. Họ bênh vực cho anh ta.
Trong nghiên cứu tiếng bất bình lẻ tẻ từ trong đám đông phát ra để bênh vực anh chàng câm điếc biết nói, người ta thường nghe thấy tiếng bà Ustina. Thoạt đầu, bà chưa dám ra mặt, cái tính xấu hổ của đàn bà đã ngăn bà lại. Nhưng dần dà bà thêm dạn dĩ và bắt đầu táo bạo công kích những diễn giả nào phát biểu những quan điểm mà dân Meliuzev không ưa. Thế là tự nhiên bà cũng trở thành một diễn giả hùng hồn lúc nào không hay.
Đứng ở toà biệt thự, qua cửa sổ để mở, có thể nghe thất tiếng nói lao xao ở quảng trường, và nhất là vào những buổi trời yên gió lặng, có thể nghe rõ từng mẩu diễn văn. Nhiều khi, lúc bà ústina nói, bà Flori lại chạy vào phòng bảo mấy ai có mặt hãy lắng tai mà nghe, rồi với thứ tiếng Nga giả cầy của bà, bà ân cần nhại lại:
- Xếu xa! Trụ lạt? Dưbusi! Chàn cam đế. Phả bọi! Phả bọi!
(Xấu xa! Truỵ lạc! Zybusino? Chàng câm điếc! Phản bội! Phản bội!).
Trong thâm tâm, Mazmoaden Flori hãnh diện về chị bếp hăng hái có tài ăn nói kia. Hai bà rất gắn bó cảm mến nhau, tuy vẫn luôn luôn hầm hè nhau.
5.
Dần dần bác sĩ Zhivago sửa soạn lên đường, chàng đi đến các nhà và các cơ quan để từ giã người quen và xin các giấy tờ cần thiết.
Lúc đó, vị uỷ viên quân sự mới của mặt trận vùng này, trên đường công tác đã dừng chân ở thị trấn. Người ta kể rằng vị uỷ viên còn trẻ măng, gần như một cậu bé.
Đấy là những ngày chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn. Người ta cố khôi phục tinh thần của đám đông binh sĩ, siết chặt kỷ luật trong quân đội. Các toà án quân sự cách mạng được thiết lập và khôi phục án tử hình đã bị bãi bỏ ít lâu nay.
Trước khi ra đi, bác sĩ Zhivago phải đến lấy dấu chứng thực của trưởng ban quân quản. Ở Meliuzev, chức vụ này do một sĩ quan quân đội đảm nhiệm, mà dân gọi là "ông quận" cho tiện.
Ngày nào ở văn phòng của ông quận cũng đông nghịt những người là người. Cảnh chen chúc chờ đợi diễn ra. Không chỉ ở quanh cửa và trong sân, mà còn lan rộng đến một nửa đoạn đường phố phía dưới cửa sổ của văn phòng. Hàng trăm người cùng nói một lúc, chẳng còn ai hiểu ra làm sao nữa.
Hôm ấy văn phòng không tiếp khách. Trong văn phòng trống trải, yên tĩnh, các viên thư ký bực tức vì đủ thứ giấy má rắc rối đang yên lặng ngồi viết và thỉnh thoảng trao đổi với nhau những cái nhìn giễu cợt, mỉa mai. Từ phòng làm việc của ông quận vọng ra tiếng cười nói vui vẻ, tựa hồ người ta đang phanh áo mà uống nước giải khát cho thoả thích.
Galiulin từ trong bước ra, thấy bác sĩ Zhivago đang ở dãy phòng chung bên này, bèn cúi người như lấy đà để chạy, làm hiệu mời chàng vào chia sẻ cảnh náo nhiệt trong phòng làm việc của ông quận.
Đằng nào thì Zhivago cũng phải vào đó xin chữ ký của ông quận. Tại đó, chàng được thấy một cảnh tượng khá kỳ khôi. Con người được cả thị trấn nhắc tới, người anh hùng của ngày hôm nay, vị uỷ viên quân vụ mới, thay vì lên đường tới nơi được bổ nhiệm, lại đang ở đây, trong cái phòng làm việc chẳng liên quan gì đến ban tham mưu và các vấn đề tác chiến.
Đứng trước đám nhân viên hành chính của ban quân quản, anh ta đang lên lớp hùng hồn.
- Thưa, đây lại thêm một ngôi sao nữa của chúng tôi, - ông quận giới thiệu bác sĩ với vị uỷ viên quân vụ; vị này đang quá bận trí với bản thân mình, chẳng buồn đưa mắt nhìn bác sĩ ông quận chỉ đổi tư thế để ký vào giấy tờ bác sĩ giơ cho ông, rồi lại trở về tư thế cũ vả giơ tay nhã nhặn mời bác sĩ ngồi xuống chiếc ghế nệm thấp đặt ở giữa phòng.
Trong số người có mặt, chỉ riêng Zhivago là ngồi ngay ngắn tử tế, tất cả các vị còn lại đều ngồi những kiểu kỳ cục và buông thả. Ông quận nửa nằm nửa ngồi cạnh bàn giấy, một tay chống đầu theo kiểu Petsorin 2, đối diện là ông phó quận ngồi trên thành đi văng, hai chân quặp lại bên dưới như một phụ nữ đang ngồi trên yên ngựa, còn Galiulin thì ngồi trên một cái ghế, hai tay ôm vòng lấy lưng ghế mà tựa cằm lên đó.
Vị uỷ viên lúc thì dùng hai cánh tay co người lên bờ cửa sổ, lúc lại tụt xuống và, y như một con quay vừa lên dây cót thả ra, cứ nói luôn miệng và hấp tấp từng bước ngắn trong phòng. Vị uỷ viên đang nói về đám binh sĩ đào ngũ ở Biriuchi.
Tiếng đồn đại về vị uỷ viên là đúng. Đó là một thanh niên hỉ mũi chưa sạch, người mảnh khảnh, dong dỏng cao, và giống như một cây nến nhỏ cháy to, anh ta say sưa cháy lên với những lý tưởng cao cả nhất. Nghe đâu anh ta thuộc một gia đình khá giả, con một nguyên lão nghị viên gì đó và tháng hai vừa qua anh ta đã là một trong nhứng sĩ quan đầu tiên dẫn đại đội của mình vào chiếm Viện Duma. Tên anh ta là Ghinse hay Ghinsơ gì đó, lúc giới thiệu với bác sĩ, ông quận nói không rõ.
Anh ta nói đúng giọng Petersburg, rõ ràng, đĩnh đạc và nghe hơi giống giọng người vùng Bantich. Anh ta mặc chiếc áo phơrenchơ 3, chắc thấy mình quá trẻ và để có vẻ nhiều tuổi hơn, anh ta cứ nhăn mặt khinh bỉ và giả bộ hơi gù lưng, bằng cách thọc hai tay vào túi quần galiphê 4 và so đôi vai có hai cầu vai mới thẳng đứng, dáng dấp do đó trở nên giống một tay kỵ sĩ gầy, đến mức có thể kẻ từ vai xuống chân hai đường đồng qui về phía dưới.
Ông quận nói với vị uỷ viên:
- Trên đường xe lửa, cách đây vài ga, có một trung đoàn kỵ binh Hồng quân, rất trung thành. Chỉ việc điều họ đến đây vây quân phiến loạn là xong xuôi. Đại tướng chỉ huy quân đoàn nhấn mạnh là phải mau chóng tước khí giới của chúng.
- Dùng kỵ binh? Không bao giờ! - Vị uỷ viên nổi nóng. - Bây giờ đâu phải là năm 1905! Một bức thư dư âm của thời trước cách mạng! Không, về điểm này quan điểm của chúng ta không giống nhau, các vị tướng của ông khôn ngoan quá đấy!
- Chưa thực thi việc gì cả. Tất cả mới chỉ là kế hoạch, là kiến nghị. Đã thoả thuận với cấp chỉ huy quân đội là không can thiệp vào các mệnh lệnh tác chiến. Tôi không loại trừ trung đoàn kỵ binh côdắc. Cứ cho là như vậy. Nhưng về phần tôi, tôi sẽ dùng những biện pháp khôn ngoan hơn. Bọn đào ngũ có doanh trại không?
- Chả biết gọi là gì… dù sao, họ có căn cứ, có công sự phòng ngự.
- Được! Tôi muốn đến thăm họ. Ông hãy chỉ cho tôi cái đám cướp rừng đáng sợ ấy. Ừ thì họ là bọn phiến loạn, thậm chí là bọn đào ngũ đi nữa, nhưng đó là nhân dân, thưa các ngài, các ngài quên mất điều đó. Mà nhân dân là trẻ con, cần phải hiểu họ, hiểu tâm lý của họ, ở đây cần một cách tiếp cận đặc biệt. Phải biết nhắm vào những cái đầy mẫn cảm, tốt đẹp nhất của họ và làm cho chúng ngân lên. Tôi sẽ đến khu rừng của họ, tôi sẽ tâm tình với họ, giải thích cho họ hiểu. Rồi các ông xem, họ sẽ trở lại vị trí chiến đấu cũ với hàng ngũ chỉnh tề. Tôi đánh cuộc đấy. Các ông không tin ư?
- Chưa chắc. Nhưng thôi thì cũng trông nhờ Chúa Tôi sẽ bảo họ thế này: "Anh em ơi, hãy nhìn tôi đây. Tôi là con một, là niềm hy vọng của gia đình, vậy mà tôi đã không ngần ngại hy sinh cả tên tuổi, địa vị, tình yêu của cha mẹ, để giành lại cho anh em một nền tự do mà chưa dân tộc nào trên thế giới được hưởng. Đó là điều tôi đã làm, cùng với vô vàn thanh niên hệt như tôi, đấy là chưa kể đến những bậc tiền bối vinh quang, những đảng viên Dân tuý 5 bị lưu đày và các đảng viên Dân ý 6 bị cầm tù ở Slisenburg. Chúng tôi cố gắng như thế có phải để cho chúng tôi chăng? Chúng tôi cần cái đó chăng? Từ đây anh em sẽ không còn là binh lính như trước nữa, mà là những chiến sĩ của đạo quân cách mạng đầu tiên trên thế giởi. Các anh em hãy thành thật tự hỏi, liệu anh em đã xứng đáng với danh hiệu đó chưa? Trong khi Tổ quốc bị đổ máu đang cố gắng lần cuối cùng để giải thoát khỏi quân thù đang quấn chặt lấy mình như các vòi thuỷ tức, thì anh em lại nghe theo một dúm người vô lại, vô danh tiểu tốt và anh em vô tình trở thành một bọn đạo tặc, một đám đông vô ý thức, được tự do, thật y như câu tục ngữ: thả heo dưới gầm bàn, nó lại thượng cẳng lên bàn. Đấy, tôi sẽ chinh phục họ, sẽ làm cho họ phải xấu hổ.
- Ấy chớ, đừng liều mạng như vậy, - ông quận có thể ngăn, ông kín đáo trao đổi với ông phó quận một cái nhìn đầy ý nghĩa.
Galiulin cũng can vị uỷ viên đừng làm cái việc điên rồ ấy. Anh thừa biết những kẻ quá khích ở trung đoàn 212, thuộc biên chế một sư đoàn mà anh từng phục vụ. Vị uỷ viên không nghe lời anh.
Bác sĩ Zhivago nhấp nhổm chỉ muốn ra về. Chàng phát ngượng trước sự ngây thơ khờ dại của vị uỷ viên. Thái độ quỷ quyệt khôn khéo của ông quận và ông phó quận, hai gã láu cá tức cười cũng chẳng hay ho gì hơn. Sự ngu xuẩn và sự quỷ quyệt cũng cùng một giuộc với nhau. Và cả hai thứ ấy đang phun ra một mớ từ ngữ rỗng tuếch, vô dụng, nhạt nhẽo mà chính cuộc sống đang muốn gạt bỏ.
Ôi đôi khi ta muốn né tránh cái cao siêu giả tạo và bất tài, cái lối nói năng tối nghĩa của loài người để bước vào cái tưởng chừng tĩnh mịch của thiên nhiên, cái im lặng khổ sai của lao động bền bỉ, cái im lặng không lời của giấc ngủ sau, của âm nhạc chân chính và của sự rung động trái tim, một sự rung động không nói nên lời vì sự trọn vẹn của tâm hồn.
Bác sĩ chợt nhớ mình còn phải gặp Lara để biện giải, một việc dẫu sao cũng chăng lấy gì làm thú vị. Chàng sung sướng vì buộc phải gặp nàng, dù với cái giá như vậy. Nhưng chắc nàng chưa về. Nhân lúc thuận tiện, chàng bèn đứng dậy, bỏ ra ngoài mà không ai hay biết.
6.
Hoá ra nàng đã về. Mazmoaden báo tin đó cho bác sĩ và nói thêm rằng, cô Lara trở về rất mệt, chỉ ăn tối một cách vội vã qua loa, sau đó về buồng ngay và dặn đừng cho ai quấy rầy cô. Nhưng bà Flori lại khuyên:
- Ông cứ gõ cửa đi, chắc cô ấy chưa ngủ đâu.
Zhivago hỏi một câu khiến bà Flori vô cùng kinh ngạc:
- Thế đi lối nào đến phòng cô ấy hở bà?
Thì ra Lara ở cuối hành lang tầng trên, cạnh các gian phòng để đồ đạc của bà nữ bá tước đã được khoá lại. Zhivago chưa lên chỗ đó bao giờ.
Trong lúc ấy trời tối rất nhanh. Đường phố trở nên chật chội hơn. Nhà cửa, hàng rào xích lại sát nhau thành từng cụm trong bóng tối. Từ cuối sân, bị ánh đèn lôi cuốn, cây cối như xáp lại gần cửa sổ. Một đêm nóng bức ngột ngạt. Động làm một cử chỉ gì lại toát mồ hôi. Những vệt sáng đèn dầu hoả hắt xuống sân cứ chảy dọc các thân cây như một luồng hơi nước bẩn thỉu.
Tới bậc thang trên cùng, Zhivago dừng lại. Chàng nghĩ rằng đến quấy rầy một phụ nữ mệt mỏi sau một cuộc hành trình, cho dù chỉ gõ cửa không thôi, cũng là điều bất tiện và thiếu lịch sự. Nên để câu chuyện đến mai thì hơn. Người ta thường đãng trí lúc thay đổi quyết định, vì thế chàng đã vô tình đi theo hành lang đến tận đầu đằng kia. Ở đó có cửa sổ trông xuống sân nhà bên cạnh. Chàng thò đầu ra cửa sổ.
Đêm tối chứa đầy những âm thanh nhỏ nhẹ và huyền bí. Bên cạnh, trong hàng lang, có tiếng nước ở lavabô nhỏ giọt tí tách, đều đều. Có tiếng thì thầm bên ngoài cửa sổ. Đâu đây, phía vườn rau, người ta đổ nước từ thùng này sang thùng khác để tưới rau, tiếng dây xích kéo nước ở giếng kêu lạch xạch.
Tất cả các đoá hoa trên thế gian đều toả hương cùng một lúc, tựa hồ trái đất suốt ngày nằm bất tỉnh, nhờ các làn hương đó nay đã hồi lại. Từ khu vườn lâu hàng thế kỷ của bà bá tước ngổn ngang những cành cây gãy chắn hết lối đi, một mùi thơm dìu dịu dâng lên ngang ngọn cây, lan rộng ra như bức tường một toà nhà lởn, bụi bậm như túp lều, mùi thơm của một cây doạn già đang ra hoa. Phía tay phải, bên kia hàng rào nghe có những tiếng gọi ngoài phố. Một anh lính về phép đang làm huyên náo, một cánh cửa đóng sập, vài câu hát dứt đoạn của một bài ca nào đó vỗ cánh bay lên.
Đằng sau những tổ quạ ngoài vườn cây chợt ló ra mặt trăng màu tía gần như đen, to lớn lạ thường. Thoạt đầu nó giống cái khu máy xay chạy hơi nước, xây bằng gạch, ở Zybusino. Rồi nó ngả sang màu vàng như cái tháp nước ở nhà ga Biriuchi.
Bên dưới cửa sổ, trong sân một mùi thơm như mùi trà ướp hoa, của cỏ mới cắt hoà lẫn mùi dạ lan hương. Ở đó người ta vừa dắt về một con bò cái mua ở một làng xa. Người ta đã bắt nó đi suốt ngày, bây giờ nó mệt, nó nhớ đàn và không chịu ăn mớ cỏ do bà chủ mới giơ cho nó: nó chưa quen chủ.
- Này, này, đừng có giở trò đá hậu nghe, bà sẽ cho mày biết tay, cứ húc vào bà xem nào, con quỷ cái!
Bà chủ nói nhỏ, nhẹ nhàng dỗ dành con bò, nhưng nó giận dỗi quay đầu né tránh hoặc nghển cổ rống lên một cách thảm thương. Phía sau các kho lúa đen sì của thị trấn Meliuzev, những ngôi sao lấp lánh đang giăng tới con bò những sợi dây thông cảm vô hình, tựa hồ chúng từ các chuồng bò ở thế giới khác tỏ lòng thương nhớ con bò dưới này.
Xung quanh, vạn vật đều nảy chồi, mọc lên, ngoi lên trên lớp men huyền dịu của sự tồn tại. Sự thán phục cuộc sống, niềm vui sống, như một làn gió nhẹ, cứ tràn đi như một làn sóng bát ngát, tràn đi mọi phía, qua thành phố và mặt đất, qua các bức tường và hàng rào, lướt qua các thân cây và thân người, đến đâu cũng làm mọi vật run lên đến đấy. Để tránh sức tác động của làn sóng đó, bác sĩ Zhivago bèn đi ra quảng trường xem người ta nói những gì trong cuộc mít tinh.
7.
Trăng đã lên cao. Muôn vật chìm trong thứ ánh sáng đặc như sơn trắng chảy tràn.
Cạnh thềm những công thự bằng đá quanh quảng trường, các chiếc cột hắt xuống đất những cái bóng rộng như các tấm thảm đen.
Cuộc mít tinh diễn ra bên phía đối diện của quảng trường. Nếu muốn, lắng tai nghe cũng có thể phân biệt những điều người ta đang nói ở đó. Nhưng cảnh vật huy hoàng đã thu hút toàn bộ tâm trí của bác sĩ Zhivago. Chàng ngồi ghé xuống chiếc ghế dài trước cửa trụ sở đội cứu hoả, không để ý đến tiếng nói vang lên phía bên kia, chàng bắt đầu đưa mắt nhìn quanh.
Từ hai bên hông có các con hẻm sau đổ ra quảng trường. Cuối hẻm lô nhô những ngôi nhà nhỏ cũ kỹ, xiêu vẹo. Các con hẻm lầy lội y như ở các làng quê. Từ đám bùn nhô lên những hàng giậu thưa và dài, đan bằng các cành liễu, trông như những chiếc đăng hoặc lưới đánh tôm để chìm.
Trong các ngôi nhà nhỏ, các mặt kính cửa sổ để ngỏ đang nhấp nhánh dưới trăng. Những cây ngô ngọn màu hung ươn ướt bắp và bông lấp lánh như phết một lớp dầu, từ ngoài vườn chõ vào tận trong nhà. Đằng sau các hàng giậu xiêu vẹo, lác đác có những cây miên quì gày gò, nhợt nhạt nhô lên, trông xa như những cô thôn nữ mặc áo cộc, không chịu được nóng bức trong nhà phải chạy ra ngoài hóng mát.
Đêm trăng sáng này kỳ lạ như lòng từ thiện hoặc như món quà hên tri. Đột nhiên, giữa cảnh yên tĩnh trong sáng và lấp lánh của chuyện cổ tích ấy, chợt nổi lên đều đều, nhịp nhàng từng tiếng một, các âm thanh của một giọng nói quen quen như vừa mới nghe vài phút trước đây. Giọng nói du dương, hăng hái và toát ra được sức thuyết phục. Bác sĩ Zhivago lắng tai và nhận ra đó là tiếng vị uỷ viên quân sự Ghinsơ. Anh ta đang diễn thuyết trên quảng trường.
Chắc hẳn nhà cầm quyền đã yêu cầu anh ta dùng uy tín ủng hộ họ. Bằng một giọng dầy tình cảm, anh ta trách người dân Meliuzev thiếu ý thức tổ chức kỷ luật và dễ dàng sa vào ảnh hưởng xấu xa của bọn bolsevich, mà theo anh ta, chính là những kẻ phải chịu trách nhiệm về sự kiện xảy ra ở Zybusino.
Cũng một luận điệu như trước đây ở phòng làm việc của ông quận, anh nhắc nhở mọi người nhớ đến kẻ thù tàn bạo và hùng mạnh, và rằng giờ phút thử thách của Tổ quốc đã điểm.
Từ giữa bài diễn thuyết, người ta bắt đầu ngắt lời anh ta. Những lời yêu cầu đừng ngắt lời diễn giả xen lẫn với các tiếng hét phản đối. Rồi tiếng phản đối nổi lên nhiều hơn, mạnh hơn. Một vị cùng đi với Ghinsơ bèn đứng ra làm chủ tịch buổi mít tinh, yêu cầu dân chúng giữ trật tự, không được tự ý phát biểu tại chỗ. Một số người yêu cầu nhường lời cho một nữ công dân đang đứng lẫn trong đám đông, một số khác thì suyt suỵt và đề nghị diễn giả cứ tiếp tục nói.
Một phụ nữ rẽ đám đông tiến về phía chiếc hòm gỗ úp sấp dùng làm diễn đàn. Bà không định trèo lên đó, nhưng sau bao cố gắng mới len tới nơi, bà cũng trèo lên dứng ở rìa. Người ta biết bà. Tất cả đều biết bà. Tất cả đều yên lặng. Người phụ nữ được mọi người chú ý đó là Ustina.
- Thưa đồng chí uỷ viên, đồng chí nói đến Zybusino, sau đó đồng chí bảo phải có mắt, à, phải mở mắt ra. Đừng để người ta lừa dối, ngoài cái đó, thì như tôi vừa nghe, đồng chí chỉ nhai đi nhai lại hết bolsevich lại đến melsevich, bolsevich, melsevich… đồng chí không biết gì thêm hả? Còn chuyện thôi đừng đánh nhau, hãy sống thân ái với nhau, cái đó là luật Chúa, chứ đâu phải luật melsevich; và đem nhà máy, công xưởng giao cho người nghèo không phải là bolsevich, mà là lòng thương của con người. Về phần anh chàng câm điếc, người ta đã sỉ vả chúng tôi trước đồng chí chán ra rồi. Đồng chí thù hằn với anh ta, tôi cam đoan thế! Cái gì đã khiến đồng chí khó chịu với anh ta nào? À, có phải vì anh ta lâu ngày bị câm, bỗng chốc không xin phép đồng chí đã dám nói hả? Chuyện ấy có gì lạ đâu. Còn khối chuyện lạ hơn kia! Chuyện con lừa cái chẳng hạn, ai cũng biết, nó bảo với Valam rằng: "Valam, Valam, tôi thành thực xin ông đừng đến đấy ông sẽ phải ân hận!". Đúng, dĩ nhiên lão ta không nghe, lão ta cứ đi. Cũng đại loại nhe thái độ đồng chí đối với anh câm điếc. Lão ta nghĩ, sao lại đi nghe nó, một con lừa? Một con vật. Lão ta khinh nó. Thế rồi sau lão ta hối hận thật! Chắc đồng chí đã biết câu chuyện kết thúc ra sao rồi.
- Kết thúc ra sao? - đám đông tò mò hỏi.
- Thôi đủ rồi, bà Ustina càu nhàu. - Biết nhiều chóng già đấy Không, thế không ổn. Phải kể sau đó ra sao nữa chứ, - vẫn giọng lúc nãy đề nghị.
- Ra sao với chả ra giăng. Cứ bám người ta như đỉa đói! Thế rồi Valam hoá thành cột muối.
Mấy tiếng kêu to vang lên:
- Mụ già chỉ tán dóc! Đó là chuyện ông Lốt. Bà vợ ông Lốt.
Mọi người cười rộ. Vị chủ tịch kêu gọi tất cả giữ trật tự.
Bác sĩ Zhivago đứng dậy, về đi ngủ.
8.
Tối hôm sau chàng gặp Lara. Chàng gặp nàng ở phòng soạn đồ. Trước mặt nàng để một đống quần áo cuộn tròn.
Nàng đang ủi.
Phòng soạn đồ là một trong các phòng ở tầng trên cùng và trông xuống vườn cây. Đây là nơi đặt các ấm samova, dọn vào bát đĩa các món ăn từ dưới nhà bếp chuyển lên bằng một cái cần trục quay tay, chuyển bát đĩa bẩn xuống để rửa. Cũng tại đây người ta cất các thứ sổ sách thống kê vật dụng của bệnh viện, tiến hành kiểm kê bát đĩa, quần áo. Những lúc rỗi rãi, người ta đến đó ngồi nghỉ và đây cũng là chỗ hẹn hò gặp gỡ.
Các cửa sổ đều mở. Mùi hoa đoạn bay vào phòng, rồi mùi đăng đắng của các cành cây già giống như trong các công viên cũ và mùi thán khí hơi nồng nồng của hai chiếc bàn ủi mà Lara đang lần lượt sử dụng, mỗi lúc để trên lò một chiếc cho nóng.
- Tối hôm qua sao ông không gõ cửa phòng tôi? Mazmoaden Flori có kể với tôi. Mà ông làm thế cũng phải. Lúc ấy tôi đã đi nằm, không thể mời ông vào được. À quên, chào ông. Ấy, xin ông cẩn thận kẻo bẩn quần áo. Chỗ nào cũng vương vãi bụi than!
- Hình như cô ủi đồ cho cả bệnh viện.
- Không, phần lớn là quần áo của tôi. Ông thì lúc nào cũng trêu tôi, bảo tôi sẽ chẳng bao bao giờ rời bỏ chốn này. Bây giờ thì tôi đi thật. Đấy ông xem, tôi đang sửa soạn, thu xếp các thứ. Hễ xong là cuốn gói ngay. Tôi đi Ural, còn ông về Moskva. Sau này, nếu người ta có hỏi bác sĩ Zhivago: "Ông có nghe nói đến cái xó Meliuzev hay không?", chắc ông sẽ trả lời: "Không thì phải" - "Còn cái cô Lara là ai nhỉ?" - "Tôi không hề biết cô ta".
- Được cứ cho là như vậy đi. Còn việc xuống các xã của cô thế nào? Ở nông thôn có dễ chịu không?
- Nói vắn tắt vài lời sao được? Ủa, mấy cái bàn ủi này chóng nguội quá! Nhờ ông đưa cho tôi cái nóng, nếu không phiền ông. Kia kìa, ở trên lò. Và ông làm ơn đặt chiếc này vào chỗ đó giùm. Phải rồi. Cám ơn ông. Nông thôn thì cũng tuy chỗ. Tất cả đều phụ thuộc vào dân làng. Có làng, dân chăm chỉ làm ăn. Ở đó cũng tàm tạm. Có nơi chỉ toàn những người nghiện rượu. Ở đấy, đất bỏ hoang trông đến sợ.
- Cô chỉ bịa. Những người nghiện rượu nào kia? Cô hiểu tình hình nông thôn gớm. Đất bỏ hoang chẳng qua vì không còn ai, đàn ông đi lính cả rồi. Được rồi. Thế các Hội đồng tự quản cách mạng mởi thành lập thì sao?
- Về những người nghiện rượu, ông lầm đấy, tôi có bằng chứng. Còn Hội đồng tự quản ấy à? Còn phải khổ với họ nhiều lắm. Các huấn lệnh không áp dụng được. Ở các xã không tìm đâu ra người làm việc. Dân quên lúc này chỉ quan tâm đến vấn đề ruộng đất. Tôi có ghé qua trại Razdonoi. Đẹp lắm? Ông nên đến thăm trại đó. Mùa xuân vừa rồi, trại bị đốt phá, kho lúa bị thiêu, cây ăn quả cháy xém, một phần mặt tiền bị ám đen muội than. Tôi có tìm cách đến Zybusino, nhưng không được. Nhưng đâu đâu người ta cũng quả quyết là chuyện anh chàng câm điếc biết nói chẳng phải chuyện bịa. Người ta tả diện mạo hẳn hoi. Người ta bảo hắn còn trẻ, có học thức.
- Hôm qua bà Ustina đã tốn công tốn sức bênh vực anh ta.
- Vừa về đến đây, tôi đã thấy một đống việc từ Razdonoi vừa đưa đến. Đã bao lần tôi bảo người ta đừng động chạm tới bất cứ cái gì ở đó. Việc ở đấy còn chưa đủ bận hay sao. Sáng nay vừa có lính đem thư ông quận đòi mượn bằng được bộ đồ trà bằng bạc và bộ ly rượu bằng pha lê của bà bá tước. Chỉ mượn một tối, rồi sẽ trả lại. Ai chẳng biết họ trả lại như thế nào! Khéo không được một nửa. Họ bảo có tiệc tùng chiêu đãi một nhân vật mới đến.
- À tôi biết rồi! Đó là ông uỷ viên mới của mặt trận. Tôi tình cờ đã gặp anh ta. Anh ta đang định giải quyết vấn đề đám binh sĩ đào ngũ, bao vây và tước khí giới họ. Tay uỷ viên còn trẻ người non dạ, chưa biết làm việc. Nhà cầm quyền ở đây đề nghị sử dụng kỵ binh, nhưng anh ta muốn khuất phục họ bằng nước mắt. Anh ta bảo dân là trẻ con, vân vân, cho nên tất cả chỉ là trò trẻ con. Trung uý Galiulin có thể ngăn, bảo đừng có đánh thức con mãnh thú đang ngủ, hãy để việc đó cho chúng tôi. Nhưng can sao nổi một kẻ đã có chủ định sẵn. Cô nghe đây Cô hãy nghỉ tay và nghe tôi nói điều này. Chỉ nay mai ở đây sẽ xảy ta một cuộc hỗn loạn ngoài sức tưởng tượng. Chúng ta cũng không có cách gì ngăn lại. Tôi rất mong thấy cô rời bo chốn này, trước khi chuyện đó ập tới.
- Sẽ chẳng có gì xẩy ra cả. Ông chỉ phóng đại thôi. Mà tôi cũng sắp đi rồi. Song không thể muốn một cái là bỏ đi. Phải bàn giao giấy tờ kê khai tài sản, nếu không họ tưởng mình ăn cắp cái này cái nọ. Và rồi cũng chưa biết bàn giao cho ai? Đó là cả một vấn đề. Tôi đã khổ sở với các thứ sổ sách ấy… và phần thưởng chỉ toàn là sự trách móc. Tôi đã chuyển của cải của bà Giabrinscaia vào sổ tài khoản của bệnh viện, vì ý nghĩa của sắc lệnh là như vậy Thế mà bây giờ người ta lại bảo đấy chỉ là thủ đoạn bảo vệ tài sản cho bà bá tước. Thật là tồi tệ!
- Thôi cô cứ mặc xác những chiếc thảm với các thứ bát đĩa ấy đi. Thây kệ chúng! Hơi đâu mà bận tâm! Chán quá, tối hôm qua tôi lại không được gặp cô. Tôi có nguồn cảm hứng rất tuyệt. Giá gặp cô hôm qua, tôi đã cắt nghĩa cho cô nghe toàn bộ cơ học thiên thể, đã giả đáp mọi câu hỏi oái oăm. Không, tôi nói thật đấy, tôi đã muốn kể với cô nhiều chuyện. Chuyện vợ tôi, con trai tôi, cuộc đời tôi. Trời ơi, chẳng lẽ một người đàn ông không thể nói chuyện với một người đàn bà cùng tuổi để khỏi bị dị nghị là có dụng ý ngấm ngầm, hay sao? Hừ, ngấm với chả ngầm, mặc xác chúng!
- Ấy chết, xin cô cứ ủi đi, cứ ủi đi, đừng để ý đến tôi, cứ mặc tôi nói. Tôi còn nói dài. Cô nghĩ mà xem, thời gian này mới lạ lùng làm sao! Và cô với tôi đang sống trong đó. Bao nhiêu đời mới xảy ra một lần những chuyện chưa từng thấy này. Cô nghĩ xem: cả nước Nga đã mất nóc, chúng ta cùng với toàn thể nhân dân đang sống ngoài trời, phóng khoáng. Chẳng còn ai kiểm soát chúng ta. Tự do! Tự do thực sự, chứ không phải thứ tự do trong những lời nói suông, trong những đòi hỏi quyền lợi, mà nền tự do từ trên trời rơi xuống quá cả sự mong đợi. Cái tự do vì tình cờ, vì ngộ nhận mà có. Hết thảy mọi người bây giờ mới hùng vĩ và lúng túng biết mấy! Cô có nhận thấy thế không? Dường như ai cũng cảm thấy mình bị đè bẹp bởi chính mình, bởi cái sức mạnh phi thường vừa được khám phá của mình. Nhưng xin cô cứ ủi đi. Cô không có ý kiến gì à? Cô không ngán chứ? Để tôi đưa cô chiếc bàn ủi kia. Hôm qua, tôi có quan sát cuộc mít tinh ban đêm. Một cảnh tượng kỳ lạ. Nước Nga, người mẹ thân yêu của chúng ta, đã thức tỉnh lòng dạ, bồn chồn, cứ đi đi lại lại, cứ nói mãi không biết chán. Và không phải chỉ có loài người lên tiếng. Những ngôi sao và cây cối cũng hợp nhau bàn bạc, các đoá hoa đêm cũng triết lý và các toà nhà bằng đá cũng họp mít tinh. Cứ như trong Phúc âm phải không cô? Như thời các Sứ đồ. Cô còn nhớ câu nói của Thánh Phao- lồ chứ: "Hãy nói tiếng lạ hãy nói tiên tri! Hãy cầu nguyện được ơn thông dịch".
- Về phần các ngôi sao và cây cối họp mít tinh, tôi hiểu. Tôi hiểu ý ông muốn nói gì. Tôi cũng từng có cảm giác như vậy.
- Chiến tranh đã làm xong một nửa công việc. Nửa còn lại cách mạng cũng đã hoàn tất. Chiến tranh là sự gián đoạn cuộc sống một cách giả tạo, tựa hồ có thể làm cho sự tồn tại lùi lại (thật vô nghĩa!). Cách mạng đã bùng ra ngoài ý muốn, như một tiếng thở dài bị kìm giữ từ lâu. Mỗi người đã sống lại, đã hồi sinh, tất cả mọi người đều biến đổi, đảo lộn. Có thể nói rằng mỗi người đều trải qua hai cuộc cách mạng, một của riêng mình, một của tất cả mọi người. Tôi có cảm tưởng, chủ nghĩa xã hội là một biển lớn, biển độc đáo. Biển đời sống, phải, cái đời sống mà người ta được thấy trên các bức hoạ, cái đời sống đã được thiên tài hoá, được làm giàu bằng sức sáng tạo. Nhưng hiện nay người ta đã quyết định nếm trải nó không phải trong sách vở, mà trong bản thân mình, không phải theo kiểu trừu tượng, mà trong thực tế.
Giọng nói của Zhivago bất ngờ run lên, biểu lộ mối cảm xúc vừa phát khởi. Lara ngừng tay ủi đồ, nhìn chàng một cách nghiêm trang và bỡ ngỡ. Zhivago lúng túng, quên cả điều mình vừa nói. Chàng ngập ngừng một lát rồi nói tiếp, nói tràn cung mây, nghĩ sao nói vậy.
- Lúc này ta tha thiết muốn được sống một cách trung thực và có tác dụng! Được dự phần vào niềm hứng khởi của toàn dân! Thế mà giữa niềm vui sướng tràn ngập nơi hết thảy mọi người đó, tôi lại bắt gặp ánh mắt buồn rầu khó hiểu của cô bắt gặp cái nhìn phiêu diêu tận đâu đâu, có lẽ ở một chốn xa xăm nào đó. Còn gì mà tôi không sẵn lòng hy sinh, để nó đừng buồn như thế nữa, để nét mặt cô lộ rõ sự hài lòng về số phận và để cô khỏi cần đến bất cứ cái gì của bất cứ ai? Để một người thân yêu của cô, một người bạn hay chồng cô (tốt hơn hết nếu đó là một quân nhân) sẽ nắm lấy cánh tay tôi mà bảo tôi đừng bận tâm đến số phận cô, đừng săn sóc cô nữa. Tôi sẽ giằng tay ra, gạt hắn đi và… Chết chửa, tôi đã không giữ lời. Mong cô tha lỗi cho.
Giọng nói của Zhivago một lần nữa lại biểu lộ cảm xúc của chàng. Chàng phẩy tay bực bội, cảm thấy mất hẳn tự nhiên, bèn đứng dậy đi ra phía cửa sổ. Chàng quay lưng vào phía trong, chống khuỷu tay lên bờ cửa sổ, tựa cằm lên bàn tay và đưa mắt nhìn sâu vào bóng tối ngoài vườn cây một cách lơ đãng, nhìn mà chẳng thấy gì.
Lara đi vòng chiếc bàn ủi đò kê từ chỗ bàn viết đến mép cửa sổ bên kia, nàng dừng lại sau lưng bác sĩ, cách vài bước ở giữa phòng.
- Ôi từ trước đến giờ tôi vẫn sợ chuyện này, - nàng nói khẽ như nói riêng với mình. - Thật là một sự nhầm lẫn tai hại! Thôi, ông Zhivago, không nên thế. Chết chửa, xem này, lỗi tại ông đấy! - Nàng kêu lên và chạy lại bên bàn ủi đồ: một chiếc sơ- mi để quên dưới bàn ủi đang bốc khói khét lẹt. - ông Zhivago, xin ông thông minh một chút, hãy sang chỗ bà Flori uống một ly nước, đi đi ông bạn thân mến, rồi trở lại đây, như một người tôi đã quen thấy và muốn thấy. Ông Zhivago, ông nghe đấy chứ? Tôi biết ông có đủ can đảm để làm việc đó. Ông hãy làm đi, tôi xin ông.
Từ hôm ấy, giữa họ không xảy ra chuyện nào tương tự.
Một tuần sau, Lara lên đường.
9.
Sau đó ít lâu, Zhivago cũng sửa soạn lên đường. Đêm hôm trước ngày ra đi, ở Meliuzev có cơn giông lớn.
Tiếng gió rít mạnh hoà với trận mưa rào lúc thì rơi đồm độp xiên xiên xuống mái ngói, lúc thì bị luồng gió ngông cuồng dổi hướng thổi bạt theo dọc phố như các dợt sóng dồn đuổi nhau.
Tiếng sấm nổ dồn nối liền nhau thành tiếng gầm đều đều. Dưới ánh sáng những tia chớp nhằng nhịt vào nhau, người ta thấy đường phố sâu hun hút chạy về đằng xa và cây cối cũng uốn mình ngả theo về phía đó.
Quá nửa đêm, bà Flori giật mình thức dậy vì nghe có tiếng gõ dồn dập ở cửa chính. Đang nằm trên giường, bà hoảng hồn nhỏm dậy lắng nghe. Tiếng gõ vẫn tiếp tục.
Không còn ai trong cái bệnh viện này để ra mở cửa hay sao, bà nghĩ, mà lại đến lượt một mụ già bất hạnh như bà phải làm thay, chỉ vì trời đã sinh ra bà là người tử tế và đã phú cho bà cái tinh thần trách nhiệm?
Nếu gia đình Giabrinscaia là tầng lớp giàu sang, quí phái, thì đã đành. Đằng này bệnh viện là sở hữu của họ, của dân kia mà. Người ta đã ném nó vào tay những kẻ như thế này ư? Chẳng hạn, thử hỏi cái ban y tế đã chui vào cái xó nào rồi? Tất cả đều chạy trốn, chẳng còn ban giám đốc, chẳng còn y tá, bác sĩ gì ráo! Mà trong nhà vẫn còn thương binh đấy, hai anh cụt chân nằm ở phòng mổ tầng trên, trước kia là phòng khách, rồi ở dưới nhà, cạnh phòng giặt, hàng chục người mắc bệnh hoại thư. Cái mụ quỷ sứ Ustina lại đi thăm ai chẳng biết nữa. Cái con mẹ ngu ngốc ấy cũng thừa biết là trời sắp có giông. Không, thật là xúi quẩy Bây giờ thị mụ ta có cớ để ngủ lang ở nhà người khác.
Nhưng thôi, ơn Chúa, yên rồi, không nghe tiếng gõ cửa nữa rồi. Chắc họ không thấy ai ra mở cửa, dành bỏ đi, đành chịu vậy. Nhưng kể cũng rồ thật, giữa lúc sấm chớp mưa bão thế này. Hay mụ Ustina? Không, con mẹ đó có chìa khoá riêng.
Trời ơi, kinh quá, lại gõ cửa nữa kìa?
Thật chẳng còn ra cái thể thống gì. Đã đành không thể đòi hỏi lão Zhivago. Ngày mai lão ta cuốn gói rồi, và tâm trí lão ta hẳn đã ở Moskva hay ở trên tàu. Nhưng còn thằng cha Galiulin… Nghe tiếng gõ ầm ầm như thế mà ngủ được, hay là hắn biết mà cứ nằm ỳ trên giường? Chắc hắn ta nghĩ, thây kệ, mặc mụ già đáng thương, yếu đuối, không ai che chở, phải ra mở cửa cho thứ người nào có trời biết, đang lúc đêm hôm ghê sợ như thế này, ở cái đất nước khủng khiếp như thế này.
- Galiulin! - Chợt bà Flori tỉnh ngủ hẳn. - Sao còn nhắc đến Galiulin? Không, chỉ tại mình còn ngái ngủ nên mới nghĩ đến chuyện phi lý như thế. Làm gì còn Galiulin, hắn đã chuồn rồi còn đâu. Chẳng phải chính mình cùng với bác sĩ Zhivago đã che dấu hắn, cho hắn mặc giả thường dân, chỉ đường cho hắn biết phải qua làng nào, theo con đường nào mà trốn, khi xảy ra cuộc giết người kinh khủng ở ga Biriuchi đó thôi? Uỷ viên Ghinsơ bị giết, còn Galiulin bị đuổi bắt suốt từ Biriuchi đến Meliuzev, họ bắn theo hắn, lùng sục tìm hắn khắp thị trấn Galiulin! Giá hôm ấy không có đơn vị cơ giới đến thì thị trấn đã tan hoang rồi. May có một tiểu đoàn thiết giáp tình cờ chạy qua, họ bênh vực dân chúng, bắt tụi vô lại phải chùn tay!
Giông bão đã ngớt và xa dần. Tiếng sấm cũng thưa, dịu và xa hơn. Mưa có lúc ngớt hẳn, nhưng nước vẫn tí tách nhỏ giọt đều đều xuống các cành lá và ống máng. Những ánh chớp lặng lẽ hắt vào buồng và nán lại hơi lâu trên người bà Flori như muốn tìm kiếm vật gì.
Đột nhiên, tiếng gõ cửa đã tắt từ lâu lại vang lên ở ngoài cửa. Có ai đó cần được giúp đỡ, nên cứ gõ một cách dai dẳng và tuyệt vọng như thế. Gió lại nổi lên. Mưa lại đổ xuống như trút.
- Tôi ra đây! - Bà Flori kêu to với kẻ vô danh, và bà thấy sợ cả tiếng nói của bà. Một ức đoán bất ngờ lóe lên trong óc bà. Bà tụt xuống khỏi giường, xỏ giầy, choàng vội cái áo dài và chạy đi đánh thức bác sĩ Zhivago. Nhưng bác sĩ cũng đã nghe thấy tiếng gõ cửa và đang cầm nến đi xuống phía bà.
Zhivago cũng ước đoán như bà.
- Ông Zhivago! Ông Zhivago! Người ta gõ cửa trước. Tôi sợ một mình không dám mở. - Bà Flori nói to với bác sĩ bằng tiếng Pháp, sau đó tiếp bằng tiếng Nga: "Rôi ôn xêm, chá là cô Lara hai trun ý Galin đấy". (Rồi ông xem, chắc là cô Lara hay trung uý Galiulin đấy).
Bác sĩ Zhivago cũng thức dậy vì tiếng gõ cửa và chàng nghĩ là một người nào trong nhà, hoặc là Galiulin gặp ngăn trở, người quay về đây, nơi người ta có thể cho anh ta ẩn náu hoặc là Lara gặp khó khăn gì đó phải trở lại.
Ở tiền sảnh, bác sĩ trao cây nến cho bà Flori và tự tay vặn khoá, mở then cửa. Một luồng gió mạnh thổi bật cánh cửa ra, tắt cây nến, hắt những vốc nước lạnh toát vào người họ.
- Ai đấy? Có ai không?
Cả bác sĩ lẫn bà Flori cùng hỏi to trong bóng tối. Nhưng chẳng ai trả lời. Bỗng họ lại nghe thấy tiếng gõ như trước, ở chỗ khác, phía cửa hậu, và hình như ở một cửa sổ trông ra vườn cây.
- Chắc là tại gió, - Zhivago nói. - Nhưng để yên lòng, bà thử đi ra cửa sau xem cho nó chắc, còn tôi sẽ đợi ở đây, không có lại tốn công vô ích, nếu quả thực có người gõ cửa.
Bà Flori đi về phía cuối nhà, còn bác sĩ ra đứng dưới mái hiên. Mắt chàng lúc này đã quen với bóng tối và đã nhận ra những dấu hiệu đầu tiên của buổi rạng đông.
Trên trời mây đen chạy như điên như bị đuổi bắt. Nhiều đám mây bay thấp là là sát những ngọn cây cũng đang nghiêng tất cả về một phía, tưởng chừng người ta đang dùng chúng như những cây chổi cong cong để quét trời. Nước mưa đập vào tường gỗ của ngôi nhà, làm cho nó mặt gỗ màu xám chuyển thành màu đen.
- Thế nào bà? - bác sĩ hỏi bà Flori đang bước lại.
- Ông đoán đúng. Chẳng có ai cả. - Rồi bà kể rằng bà đã đi một vòng khắp nhà. Ở phòng soạn đồ, mặt kính một cửa sổ bị đầu cành cây đoạn đập vỡ và đưới sàn đầy những vũng nước. - Buồng cũ của cô Lara cũng thế, nước lênh láng đúng là một biển nước, một đại dương.
- Ô đây có một cánh cửa sổ bị bật chốt nên cứ đập hoài vào khung cửa, bà thấy chưa? Tất cả là tại nó!
Hai người còn đứng nói chuyện một chút rồi mới đóng cửa, ai về buồng nấy để ngủ tiếp. Cả hai đều tiếc vì bị báo động giả. Họ cứ ngỡ là lúc mở cửa ra, sẽ được thấy một phụ nữ, mà họ đã quá quen, bước vào, ướt sũng và rét run cầm cập, rồi trong lúc nàng rũ áo, họ tranh nhau hỏi thăm, sau đó chắc là nàng sẽ đi thay đồ, rồi đến ngồi hơ khô bên cái bếp lò vẫn còn nóng từ hôm qua và nàng sẽ kể cho họ nghe bao câu chuyện rủi ro, nàng sẽ sửa tóc, nàng sẽ cười.
Họ đinh ninh như thế đến nỗi lúc đóng cửa vào rồi, dấu vết điều họ tin vẫn còn đứng lại ở góc phố ngoài kia như một hình chìm, một hình ảnh người thiếu phụ mà họ vẫn tưởng mình còn nhìn thấy lờ mờ ở góc phố.
10.
Người ta cho rằng Kolia Florenko, điện báo viên ở ga Biriuchi phải chịu trách nhiệm gián tiếp về cuộc nổi loạn của binh lính ở nhà ga.
Kolia là con một bác thợ sửa đồng hồ nổi tiếng ở Meliuzev. Dân thị trấn biết cậu ta từ lúc mới lọt lòng. Hồi nhỏ, cậu ở nhà một người đầy tớ trại Razdonoi và thường chơi đùa với hai cô con gái của bà bá tước dưới sự coi sóc của Mazmoaden Flori. Bà Flori biết Kolia rất rõ. Dạo đó, Kolia cũng đã hiểu võ vẽ một ít tiếng Pháp.
Ở Meliuzev người ta quen thấy Kolia tứ thời mặc bộ quần áo phong phanh, đầu để trẩn, chân đi đôi giầy vải đế gai, ngồi chễm chệ trên chiếc xe đạp chẳng thèm cầm tay lái, người ưỡn ra phía sau, hai tay khoanh trước ngực; cậu bé cứ thế đạp xe khắp các phố mắt ngước nhìn các cột điện và đường dây điện thoại xem có hỏng chỗ nào chăng.
Một nhánh điện thoại của sở hoả xa nối một số nhà trong thị trấn với nhà ga. Việc điều khiển hệ thống đó ở trong tay Kolia, trong phòng thiết bị của nhà ga. Công việc của Kolia ngập đầu ngập cổ, đủ thứ điện tín trong ngành đường sắt, rồi điện thoại, và đôi lúc ông sếp ga Povarikhin đi đâu vắng một lát, Kolia lại kiêm cả việc báo hiệu và chắn đường, vì các máy móc điều khiển đặt trong phòng thiết bị.
Do buộc phải theo dõi hoạt động của mấy loại máy cùng một lúc, nên Kolia có một lối nói đặc biệt, khó hiểu, ngắt quãng, nhiều ẩn ngữ, và Kolia thường sử dụng lối nói ấy khi không muốn trả lời hoặc không thiết tiếp chuyện ai. Người ta kể rằng Kolia đã lạm dụng cái lối nói ấy hôm xẩy ra cuộc nổi loạn. Bằng sự cố ý đánh bài lờ, Kolia đã làm cho thiện chí của Galiulin, người cất công gọi điện thoại từ thị trấn, bị mất hết hiệu quả. Và Kolia có lẽ đã vô tình làm cho những việc diễn ra sau đó đi đến kết cục tai hại.
Galiulin yêu cầu được nói chuyện điện thoại với ông uỷ viên quân vụ đang ở đâu đó trong khu vực ga hoặc xung quanh đấy, để báo cho ông uỷ viên biết rằng anh sẽ đến và cùng đi vào rừng, đề nghị ông uỷ viên đợi anh và đừng làm điều gì khi anh chưa tới nơi. Kolia từ chối, không chịu gọi ông Ghinsơ, viện cớ đường dây đang bận, phải truyền tín hiệu cho một chuyến tàu đang chạy đến Biriuchi; trong khi đó cậu ta lại tìm đủ mọi cách ngăn giữ chính chuyến tàu đó ở một đoạn đường tránh gần đó: chuyến tàu này chở đơn vị kỵ binh được điều đến Biriuchi. Dầu vậy, chuyến tàu vẫn cứ tới, và Kolia không thể giấu nỗi bực tức.
Đầu tàu chậm chạp bò dưới mái ga và đỗ lại ngay trước chiếc cửa sổ lớn của phòng thiết bị. Kolia vén hẳn tấm rèm nặng nề bằng dạ màu xanh đậm, chung quanh có thêu những chữ đầu của tên tuyến đường này. Trên bệ cửa sổ xây bằng đá có một bình nước lớn và một chiếc ly thuỷ tinh dày, mặt thuỷ tinh thô thô, đặt trong một cái khay to. Kolia rót nước ra ly, uống mấy ngụm rồi nhìn qua cửa sổ.
Bác lái tàu thò đầu ra, thấy Kolia thì gật đầu thân mật.
- Hừ, đồ khốn nạn, quân phá hoại! - Kolia nghĩ thầm, lòng đầy căm tức, cậu lè lưỡi và giơ nắm đấm doạ bác lái tàu. Bác ta không những hiểu rõ trò câm của Kolia, mà còn biết nhún vai và ngoảnh đầu về phía các toa đằng sai, ngụ ý: "Biết làm sao được? Cậu cứ thử xem, sức mạnh ở trong tay chúng nó". Vẫn dùng điệu bộ, Kolia trả lời: "Mặc, đồ khốn kiếp, đồ tồi".
Người ta bắt đầu đưa ngựa ở các toa xe xuống ga. Chúng giằng lại không chịu đi. Tiếp sau những tiếng vó đập khô khốc trên cầu ván gỗ là những tiếng móng sắt gõ vang trên nền đá sân ga. Người ta dắt ngựa qua mấy dãy đường ray. Bầy ngựa cứ luôn luôn muốn chồm lên.
Ở cuối dãy các đường ray ấy, có hai chuỗi toa xe đã bị thải đỗ trên những thanh ray han gỉ, cỏ mọc đầy, che cả tà vẹt.
Những tấm gỗ hư nát, bị mưa gió làm long lở cả sơn, bị mối mọt, ẩm thấp gậm nhấm, đã trả lại cho các toa xe đó mối liên lạc họ hàng của chúng với khu rừng xanh mọc ở phía bên kia hai chuỗi toa xe, với thứ nấm lỗ ăn loang lổ trên thân cây bạch dương, với những đám mây đè nặng phía trên khu rừng.
Dẫn ngựa tới bìa rừng, nghe lệnh, các kỵ binh nhảy lên yên và phi vào rừng. Họ bao vây quân phiến loạn thuộc trung đoàn 212. Ở trong rừng, các kỵ sĩ trông bao giờ cũng có vẻ cao lớn và oai vệ hơn là ở chỗ bãi đất trống. Họ gây được ấn tượng đối với quân phiến loạn, dù bọn này cũng có súng ống để trong hầm. Cánh kỵ binh tuốt gươm ra.
Ở giữa vòng kỵ binh, Ghinsơ nhẩy lên một đống củi xếp chặt và diễn thuyết cho đám quân bị bao vây.
Một lần nữa, theo thói quen, Ghinsơ lại nói đến nghĩa vụ quân nhân, đến ý nghĩa của Tổ quốc và nhiều vấn đề cao siêu khác ở đây các tư tưởng đó không được hưởng ứng. Đám người đông quá, và họ từng chịu đủ thứ trong mấy năm chiến tranh, họ đã trở nên thô lỗ và mệt mỏi. Những lời lẽ của Ghinsơ, họ đã nghe chán tai từ lâu. Bốn tháng trời phiêu bạt đã làm họ hư hỏng. Họ là những người bình dân, họ không ưa cái tên lạ tai của diễn giả và giọng nói vùng Bantich của anh ta.
Ghinsơ cảm thấy mình nói dài dòng văn tự và tự trách mình, nhưng anh ta tưởng nói như vậy sẽ làm cho thính giả dễ hiểu hơn; họ đã chẳng biết ơn thì chớ, lại còn tỏ ra lãnh đạm, bực bội, chán ngán. Với cảm giác khó chịu mỗi lúc một tăng, anh quyết định dùng những lời lẽ cứng rắn, đe doạ mà anh ta vẫn để dành sẵn. Chẳng nghe thấy tiếng họ bắt đầu xì xào, anh ta nhắc họ nhớ rằng các toà án quân sự cách mạng đã được thành lập và đang hoạt động, anh ta yêu cầu họ nộp khí giới và tố cáo những tên cầm đầu, nếu không sẽ bị án tử hình. Nếu họ không làm như vậy, Ghinsơ nói, họ sẽ chứng tỏ họ là những tên phản quốc đê hèn, một bọn đạo tặc vô ý thức, những tên vô lại kiêu căng.
Từ lâu, đám người kia đã không quen nghe cái giọng như vậy. Tiếng gầm từ mấy trăm con người nổi lên. Một số người nói giọng trầm trầm, chưa có vẻ tức giận: "Nói thế đủ rồi. Thôi được rồi đấy". Nhưng cũng có những tiếng thét khản đi vì giận dữ. Người ta lắng nghe những tiếng ấy.
- Các đồng chí đã nghe thấy nó ăn nói với chúng ta thế nào rồi chứ? Cái lối hách dịch đời xưa! Cái lối lên mặt sĩ quan chỉ huy! à, hoá ra chúng tao là bọn phản quốc hả? Thế còn mày, mày là gì hả, thưa quý ngài? Nhưng mất thì giờ với nó làm gì? Các đồng chí thấy chưa, nó là một tên Đức, một tên gián điệp. Ê, quý ông, yêu cầu cho xem giấy tờ, ngài quý tộc?
- Còn các bạn đi dẹp loạn, các bạn đứng há hốc mồm ra đấy à?
- Đây trói chúng tôi đi, ăn thịt chúng tôi đi!
Nhưng đám kỵ binh dần dần cũng thấy bực bội với bài diễn thuyết vụng về của Ghinsơ. Họ nói nhỏ với nhau: "Hắn bảo tất cả đều là bọn vô lại, là đồ chó lợn. Sao mà lên mặt ông chủ quá thế". Lúc đầu một vài người, rồi dần dần càng có thêm nhiều người tra gươm vào vỏ. Họ lần lượt xuống ngựa, và khi đã đủ đông, họ liền tiến lộn xộn vào giữa khoảng rừng thưa chỗ tập trung các binh sĩ của trung đoàn 212. Tất cả đứng lẫn lộn vào nhau và bắt tay nhau thân mật.
Các sĩ quan kỵ binh lo ngại bảo Ghinsơ.
- Ông phải liệu mà lẩn đi cho kín đáo. Xe ô tô của ông đậu ở nhà ga. Để chúng tôi sai người ra gọi. Ông biến ngay đi.
Ghinsơ làm theo lời họ, nhưng vì anh ta cảm thấy lủi đi như thế là không xứng đáng, nên anh ta đi về phía nhà ga mà chẳng cẩn thận giữ gìn, cứ gần như công khai. Anh ta bước đi mà bụng lo ngay ngáy, nhưng vì kiêu hãnh, anh ta cố làm ra vẻ bình tĩnh, thong thả.
Đã tới gần nhà ga. Ở bìa rừng, lúc đã trông thấy đưởng tàu anh ta mởi ngoảnh lại lần thứ nhất. Có một tốp lính ôm súng đi theo. "Chúng muốn gì?" - Ghinsơ nghĩ thầm và bước nhanh hơn.
Những kẻ bám theo Ghinsơ cũng rảo bước, khoảng cách giữa đôi bên không thay đổi. Trước mặt Ghinsơ là hai dãy toa xe hư nát. Anh ta bèn vòng ra sau những toa xe ấy rồi bắt đầu chạy. Chuyến tàu chở đơn vị kỵ binh đến lúc trước đã được đưa vào bãi đỗ tàu. Quãng đường sắt khi ấy để trống. Ghinsơ chạy ngang qua.
Sẵn đà chạy, anh ta nhảy lên sân ga. Lúc đó, những kẻ đuổi theo Ghinsơ cũng chạy từ phía sau các toa xe hư nát kia.
Povarikhin và Kolia kêu to điều gì đó với Ghinsơ và làm hiệu bảo anh ta vào nhà ga, nơi họ có thể cứu anh ta.
Nhưng lại chính cái tinh thần đanh dự, thứ tinh thần hy sinh theo kiểu dân thành thị, đã được rèn luyện qua bao thế hệ, song không thể áp dụng ở chỗ này, đã cắt mất đường sống của Ghinsơ. Bằng một nỗ lực phi thường của ý chí, anh ta cố nén những tiếng đập dồn dập của trái tim và nghĩ thầm: "Mình phảí nói to với họ: anh em hãy tỉnh ngộ, đời nào tôi lại là một tên gián điệp? Phải nói vài lời nào đó cho họ khỏi mê muội, vài lời thân ái để ngăn họ lại".
Mấy tháng vừa qua, cảm giác chiến công, tiếng gọi thống thiết của tâm hồn ở anh ta đã vô tình gắn liền với các bục sân khấu các diễn đàn và các chiếc ghế, nơi người ta có thể đứng lên mà tưôn ra những lời kêu gọi, những lời lẽ thiêu đốt tâm can. Gần vào cửa ga, dưới cái chuông có một thùng nước lớn dùng để cứu hoả, được đậy nắp kỹ càng. Ghinsơ nhảy lên nắp thùng và từ chỗ ấy tuôn ra những lời lẽ rời rạc, thống thiết ngoài sức tưởng tượng, với tốp lính đã đuổi tới gần. Thái độ táo bạo điên rồ đó, cách cửa ga đang để mở có vài bước, nơi Ghinsơ cán lẫn vào một cách dễ dàng, đã khiến tốp lính sững sờ đứng lại. Họ hạ mũi súng xuống.
Nhưng Ghinsơ đứng lệch ra mép thùng làm cho cái nắp bị lật. Một chân anh ta tụt xuống nước, còn một chân vướng trên miệng, thành thử anh ta ngồi cưỡi trên mép thùng.
Sự vụng về đó khiến tốp lính thích chí cười rộ lên, tên đứng gần nhất bèn bắn một phát trúng cổ Ghinsơ. Anh ta ngã vật xuống chết liền, mấy tên khác còn xông đến dùng lưỡi lê đâm xỉa vào cái thây.
11.
Bà Flori gọi điện thoại cho Kolia, yêu cầu xếp cho bác sĩ một chỗ tử tế trên tàu, nếu không bà sẽ đưa ra ánh sáng những chuyện chẳng hay ho gì của cậu ta.
Vừa trả lời bà Flori, Kolia vừa, theo thói quen, nói điện thoại với người khác, và căn cứ vào các một số thập phân đầy rẫy trong lời lẽ của anh ta, thì anh ta cũng đang đánh điện tín bằng mã số đến một địa điểm thứ ba.
- Pskov 7 Komosev 8 có nghe thấy không? Tụi phiến loạn nào? Bàn tay nào? Bà Flori, bà nói gì vậy? Bịa đặt, đoán mò. Thôi, bà bỏ ống nghe xuống đi, đừng quấy rầy tôi. Pskov, nghe rõ chứ, Pskov, Komosev. Ba mươi sáu, phẩy, không, không, mười lăm: ôi, chó má thật, cái băng bị đứt rồi. Hả? Hả? Hả? Chẳng nghe thấy quái gì cả. À, bà Flori, lại bà đấy à? Tôi nói rõ ràng với bà rồi, không thể được, tôi chịu. Bà hỏi ông Povarikhin ấy. Bịa đặt. Đoán mò. Ba mươi sáu… Trời đất… Bà ơi mămden, để tôi yên nào, đừng có quấy rầy.
Bằng thứ tiếng Nga giả cầy, bà Flori bảo Kolia đại loại thế này:
- Cậu đừng có mà đánh trống lảng. Đoán mò mò mẫm cái gì Cốp cốp với chả kếch kếch. Tối thì vạch rõ cái chân tướng của cậu ra. Ngày mai cậu phải lo chỗ ngồi cho bác sĩ trên tàu, thì rồi tôi sẽ không nhắc đến những đứa sát nhân, những thằng Judas phản bội nữa.
12.
Trời nặng trĩu khi Zhivago ra đi. Cũng như hôm kia, lại sắp có giông.
Những ngôi nhà nhỏ vách đất và bầy ngỗng, ở cái xóm ga vương vãi vô số hạt hướng dưởng đã nhằn, đang trắng lên sợ hãi dưới cái nhìn bất động của bầu trời đen sắp có giông.
Hai bên hông nhà ga có một cái bãi rộng. Cỏ ở đấy bị giẫm nát gí. Người ta tự tập đông như kiến, kín cả bãi: đã bao tuần lễ họ chờ tàu đi các nơi.
Có những cụ già mặc áo vải thô màu xám, dưới ánh nắng gắt cứ đi từ tốp này sang tốp khác nghe các lời đồn đại, nghe tin tức Những cậu bé khoảng mười bốn tuổi, lầm lì, chống khuỷu tay nằm nghiêng, cầm một cành cây đã vặt trụi lá như thể các cậu đang chăn gia súc. Những đứa em trai, em gái của chúng, áo tốc ra, để hở cả đôi mông đỏ hồng. Những bà mẹ ôm con, ngồi duỗi thẳng chân dưới đất, đứa con cứ nép mình giữa các nếp áo màu nâu, bằng vải thô, bị kéo lệch cả vạt.
- Khi súng bắt đầu nổ, bọn họ chạy tan tác như một đàn cừu Không thích súng đạn mà lại? - Ông xếp ga Povarinkhi khó chịu kể với bác sĩ Zhivago trong khi hai người len lỏi theo đường chữ chi giữa những hàng người nằm ngổn ngang trước các cửa ra vào và trên nền nhà ga. Loáng một cái, bọn họ đã chuồn sạch. Người ta lại được trông thấy mẫu đất kia mừng ơi là mừng! Chẳng là suốt bốn tháng nay nó đã bị giẫm nát bởi đám người kia, khiến ai nấy quên khuấy nó đi. Đấy, anh ta nằm chết ở chỗ này này. Thật kỳ lạ, trong chiến tranh tôi đã gặp biết bao cảnh ghê sợ, tưởng phải quen đi rồi. Thế mà trước cảnh ấy, trông thảm thương quá? Cái chính là hết sức vô nghĩa lý! Vì lẽ gì cơ chứ? Nào anh ta đã làm điều gì xấu với chúng? Không biết chúng nó có còn là giống người nữa không? Nghe đâu anh ta là con cưng trong gia đình. Bây giờ thì ông quẹo phải. Đúng rồi, mời ông đi đằng này, vào phòng làm việc của tôi. Tôi khuyên ông chớ đi chuyến tàu này, rồi ông bị chen bẹp ruột mất thôi. Tôi sẽ xếp chỗ cho ông trên một chuyến tàu khác tàu địa phương. Chúng tôi đang thu xếp chuyến tàu đó, cũng sắp chạy rồi. Nhưng xin ông chớ hở ra với ai một câu nào cả, khi ông chưa bước lên đó. Kẻo trước khi tàu chạy, họ sẽ chẻ xác ông ra nếu ông không biết giữ mồm giữ miệng. Đêm nay đến Sukhinichi, ông phải đổi tàu.
13.
Khi chuyến tàu không được báo trước ấy đã nối xong toa và đang chạy giật lùi từ xưởng đề- pô vào ga, tất cả đám đông phủ kín bãi cỏ lập tức kéo ùa về phía đoàn tàu đang thong thả đi giật lùi kia. Như những hạt đậu, họ lăn xuống bờ dốc, rồi leo lên đường sắt. Họ xô đẩy nhau, người thì trèo lên chỗ đệm giữa hai toa và các bậc lên xuống, kẻ thì leo qua các cửa sổ, có người leo lên cả nóc tàu. Trong chớp mắt, tàu chưa đỗ đã chật ních và lúc nó tới sân ga, thì từ trên xuống dưởi đã có từng chùm người bám xung quanh.
Bác sĩ Zhivago leo lên được một đầu toa đã là sự lạ, lại còn vào được trong hành lang toa chẳng hiểu bằng cách nào. Và chàng ngồi trên bọc hành lý của mình ở hành lang mãi đến tận ga Sukhinichi.
Những đám mây giông đã tan từ lâu. Những cánh đồng tràn ngập ánh nắng như thiêu như đốt, với tiếng dế, tiếng muỗm kêu không biết mỏi, át cả tiếng tàu chạy.
Hành khách đứng ở chỗ cửa sổ, che lấp ánh sáng của những người khác những cái bóng của họ, dính liền hai, ba cái làm một, ngả dài trên các ghế ngồi và các vách ngăn, ở trong toa không đủ chỗ, lại còn chui qua cửa sổ phía đối diện và cùng nhảy cà tưng với bóng cả đoàn tàu đang chạy in trên nền đường phía bên kia. Chỗ nào cũng nghe tiếng ồn ào, hát hỏng, chửi bới, chơi bài ầm ĩ ở mỗi ga, tiếng ồn ào bên trong lại phụ thêm tiếng huyên náo của dân chúng bên ngoài đang vây quanh đoàn tàu. Những tiếng om sòm làm váng cả tai như một cơn bão biển. Và cũng như ở ngoài biển, giữa lúc đoàn tàu đang đậu, đột nhiên có lúc yên lặng khó giải thích. Lúc ấy, nghe rõ tiếng chân vội vã trên sân ga, suốt dọc đoàn tàu, tiếng chân chạy rình rịch và tiếng cãi nhau chỗ toa hành lý, tiếng chào từ biệt của những người đưa tiễn đứng đằng xa, cả tiếng gà cục cục và tiếng cây cối rì rào trong vường cây ven ga.
Lúc đó, như một bức điện, người ta trao cho giữa cuộc hành trình hoặc như một lời chào từ Meliuzev gửi đến, có một mùi thơm quen thuộc như dành riêng cho bác sĩ Zhivago, đã lọt qua cửa sổ vào trong toa. Mùi hương kiêu hãnh và kín đáo, phảng phất từ đáu đó trên cao đưa xuống, không giống mùi hoa ngoài đồng hay trong vưởn.
Vì quá chật chội, bác sĩ Zhivago không thể len ra chỗ cửa sổ Nhưng chẳng cần nhìn, chàng cũng hình dung được những cây toả ra mùi hương đó. Chắc chúng phải mọc sát đâu đây và đang xoã xuống mái toa những cành lá um từm, phủ lớp bụi dày như đêm tối trên những cánh lá lốm đốm các chùm hoa hình sao nhấp nhánh.
Suốt dọc đường cứ tiếp tục như thế. Chỗ nào cũng tiếng người lao xao, chỗ nào cũng những cây đoạn đang ra hoa.
Mùi hương toả ra khắp chốn ấy như muốn vượt trước đoàn tàu chạy lên miền Bắc, như một tin mừng bay qua các nhà ga, các trạm gác, các nơi tàu đỗ; và đến chỗ nào hành khách cũng bắt gặp nó lan đến, có thực.
14.
Đêm ấy ở Sukhinichi, một bác phu khuân vác cư xử theo lối xưa rất tử tế, đã dẫn bác sĩ Zhivago đi qua những tuyến đường ray tối mò lên cửa sau một toa hạng nhì của chuyến tàu vừa đến, một chuyến tàu không được thông báo trên bảng giờ tàu.
Bác phu khuân vác vừa dùng chìa khoá mở cửa toa và ném bọc đồ của bác sĩ Zhivago lên đầu toa, đã phải giằng co một hồi với tay nhân viên kiểm soát. Ông này nhất định bắt cả hai người phải xuống ngay, sau nhờ bác sĩ nói khéo, ông ta mới bỏ đi và biến mất hút như có phép độn thổ.
Chuyến tàu bí ẩn ấy có một mục đích đặc biệt, chạy nhanh và đỗ rất ít thời gian, hình như có một đơn vị bảo vệ. Trong toa có thể đi lại thoải mái.
Ngăn bác sĩ Zhivago bước vào có một cây nến đã cháy hết một nửa, cắm trên chiếc bàn con. Ngọn lửa nến chập chờn theo luồng gió lọt vào qua chiếc cửa kính đã hạ thấp. Cây nến là của người hành khách duy nhất trong ngăn. Đấy là một thanh niên tóc vàng, cứ nhìn chân tay anh ta dài lòng thòng và cử động quá ư dễ dàng và ở các khớp, y như các bộ phận đã nới ốc của một đồ vật có thể tháo lắp, cũng có thể đoán anh ta chắc phải rất cao. Anh ta đang ngồi ưỡn người thoải mái trên đi- văng gần cửa sổ. Thấy Zhivago vào, anh ta lịch sự nhổm dậy, đổi lại tư thế ngồi cho ngay ngắn hơn.
Dưới gầm đi- văng có một vật gì trông như đống giẻ lau. Đột nhiên đống giẻ lau ấy cựa quậy và một con chó săn tai cụp bò ra, làm nhộn cả lên. Nó đánh hơi và nhìn Zhivago, đoạn sục sạo các xó duỗi chân duỗi cẳng uyển chuyển chẳng kém chủ nó bắt chéo chân vào rồi lại duỗi ra. Lát sau, nghe lệnh chủ, con chó vẫy đuôi chui xuống nằm ở gầm đi- văng đúng như lúc nãy, như một đống giẻ lau.
Bây giờ Zhivago mới nhìn thấy khẩu súng hai nòng để trong bao súng, cái túi đạn bằng da và một cái túi săn nhét đầy chim, treo trên móc áo ở trong ngăn toa.
Chàng thanh niên đó là một tay thợ săn.
Đặc tính của anh ta là nói luôn mồm. Vởi một nụ cười dễ thương anh ta vội bắt chuyện với bác sĩ Vừa nói chuyện, anh ta vừa nhìn chòng chọc, đúng là nhìn chòng chọc, vào miệng Zhivago.
Giọng nói của anh ta nghe the thé, những lúc lên cao cứ như tiếng kim khí va chạm vào nhau. Lại còn một điều lạ: xem chừng anh ta rõ ràng là người Nga, nhưng lại phát một nguyên âm, cụ thể là âm "ư" rất kỳ dị, giọng nghe lướt như âm "u" của tiếng Pháp hay âm "i" của tiếng Đức. Hơn nữa, âm "ư" đọc sai ấy, anh ta phát ra hết sức vất vả, phải dụng tâm đọc mạnh hơn các âm khác, như phải hét lên một chút.
Vừa mở đầu câu chuyện, anh ta đã giáng cho bác sĩ một câu này:
- Suyết ngày hôm qua, tôi đã bắn đuộc bao nhuy là chim quy- ốc (Suốt ngày hôm qua, tôi đã bắn được bao nhiêu là chim quốc).
Thỉnh thoảng, lúc nào anh ta để ý đến giọng nói hơn, anh ta thắng được cái tật phát âm sai của mình, nhưng lúc quên lại đọc như cũ.
"Cái này là bệnh quỷ gì nhỉ? - Zhivago nghĩ thầm. - Chắc chắn là mình đã đọc thấy ở đâu về hiện tượng này. Một bác sĩ như mình phải biết, vậy mà lại quên biến đi mất. Một thứ bệnh não, sinh ra tật đọc sai. Nhưng cái lối nói léo xéo này nghe thật tức cười không thể nào giữ nghiêm trang được. Chịu không sao trò chuyện nổi. Tốt hơn hết là trèo lên trên kia mà ngủ".
Zhivago đã làm như vậy. Khi chàng đang sửa soạn nằm ở giường trên, anh thanh niên hỏi có cần tắt nến đi không, sợ ánh sáng làm phiền bác sĩ chăng. Zhivago nhận lời đề nghị với lòng biết ơn. Người bạn đường tắt nến. Tối om. Cửa kính vẫn còn để mở nửa chừng.
- Anh có bằng lòng hạ hẳn cửa sổ xuống không? - Zhivago hỏi. - Anh không sợ kẻ trộm à?
Anh kia không trả lời. Zhivago nhắc lại thật to câu vừa hỏi, anh ta vẫn im lặng.
Zhivago bèn bật diêm xem người bạn đường có làm sao không. Chẳng lẽ mới thoáng một cái anh ta đã kịp ra bên ngoài? Hay là anh ta ngủ rồi? Lại càng khó tin hơn nữa.
Nhưng không. Anh kia vẫn ở nguyên chỗ cũ, hai mắt mở thao láo, miệng mỉm cười nhìn bác sĩ đang ngồi giường trên, thòng hai chân xuống.
Que diêm đã tắt, Zhivago bật thêm que nữa, và dưới ánh sáng của nó, chàng nhắc lại lần thứ ba câu hỏi của mình, vì muốn người kia trả lời cho dứt khoát.
- Tuỳ ông, - anh ta trả lời ngay, - tôi chả có gì mà sợ mất trộm. Vả lại, có lẽ không nên đóng hẳn. Sẽ khó thở.
"Thú vị chưa! Zhivago nghĩ thầm. - Một người thật kỳ dị! Hẳn anh ta có thói quen chỉ nói chuyện lúc có ánh sáng. Và vừa rồi anh ta nói rất đúng giọng, chẳng sai âm nào cả! Thật quỷ cũng không hiểu nổi!".
15.
Bác sĩ Zhivago cảm thấy mệt lử vì những chuyện xảy ra tuần trước, vì những xúc cảm trước ngày ra đi, vì đã phải sửa soạn cho cuộc hành trình và đã phải ngồi suốt từ sáng ở hàng lang trên chuyến tàu trước. Chàng tưởng rằng có chỗ nằm tử tế là sẽ ngủ được ngay. Nhưng cái mệt quá độ đã làm cho chàng mất ngủ. Mãi đến gần sáng mới thiếp đi được.
Bao nhiêu tư tưởng chen chúc trong tâm trí của chàng, suốt mấy tiếng đồng hồ ròng rã ấy là cả một mớ lộn xộn, song, như người ta nói, vẫn có thể sắp xếp thành hai vòng tròn, hoặc hai mớ dây lúc cuốn vào, lúc lại bung ra.
Vòng thứ nhất là các ý nghĩ của chàng về Tonia, về ngôi nhà và về cuộc sống hoà thuận trước kia, trong đó mọi sự, cho đến từng chi hết nhỏ nhất, đều toát ra chất thơ, đều thấm đượm tấm tình tha thiết và sự trong sáng. Bác sĩ lo sợ cho cuộc sống đó, mong nó được hoàn toàn nguyên vẹn, và nằm trên chuyến tàu tốc hành đêm nay, chàng nóng lòng trở lại với nó sau hơn hai năm xa cách.
Lòng trung thành và sự thánh phục của chàng đối với cách mạng cũng nằm trong cái vòng thứ nhất này. Đó là một cuộc cách mạng theo ý nghĩa mà các tầng lớp trung lưu chấp nhận, và theo như quan niệm của đám thanh niên học sinh năm 1905, là tầng lớp vốn ngưỡng mộ nhà thơ Blok.
Nằm trong cái vòng thân quen này còn có cả những dấu hiệu của cái mới, những lời hứa hẹn và những điềm báo từng xuất hiện ở chân trời dạo trước chiến tranh, giữa khoảng 1912 và 1914, trong lĩnh vực tư tưởng, nghệ thuật và vận mệnh của nước Nga, trong vận mệnh của toàn thể dân tộc Nga và trong số phận riêng của chàng, của Zhivago.
Sau chiến tranh, chàng mong tìm về và làm sống lại bầu không khí tinh thần đó, cũng thiết tha như người ta muốn trở về mái nhà xưa sau bao năm xa cách.
Đối tượng suy nghĩ của vòng thứ hai cũng là cái mới, nhưng là cái mới khác trước, hoàn toàn khác! Đây không phải là cái mới của chàng, vốn quen thuộc với chàng, hoặc được chuẩn bị bởi cái cũ, mà là cái mới ngẫu nhiên, không thể xoá bỏ, do thực tại định trước và đột ngột như một cơn chấn động.
Cái mới ấy là chiến tranh, với máu lửa và những nỗi kinh hoàng, cảnh bơ vơ và sự man rợ của nó. Đó là những thử thách của chiến tranh và lối sống khôn ngoan mà nó dạy cho người ta biết. Cái mới ấy là những thành phố và thị trấn hẻo lánh mà chiến tranh đưa đẩy chàng tới và những con người mà nó buộc chàng phải tiếp xúc. Cái mới ấy là cuộc cách mạng, không phải thứ cách mạng được lý tưởng hoá bởi tầng lớp trí thức đại học trước năm 1905, mà là cuộc cách mạng hiện thời, nảy sinh từ chiến tranh, đẫm máu, một cuộc cách mạng của binh lính, bất chấp mọi sự, do những người am hiểu tình thế này, những người bolsevich, lãnh đạo.
Cái mới ấy là nữ y tá Lara Antipova, bị chiến tranh ném đi có trời biết tới những nơi đâu, với một cuộc đời hoàn toàn bí ẩn đối với chàng: nàng không trách móc bất cứ ai điều gì, sự nín lặng của nàng gần như một tiếng kêu than, nàng ít nói đến mức huyền bí và nàng mạnh mẽ biết mấy nhờ sự trầm lặng ấy.
Cái mới ấy là những cố gắng chân thành và tận sức của Zhivago để khỏi yêu nàng, cũng hệt như suốt đời chàng từng cố gắng yêu thương hết thảy mọi người, chứ không riêng gia đình và những người thân thuộc.
Đoàn tàu phóng hết tốc lực. Gió thổi lồng lộng ngược chiều tàu chạy, lọt qua khe cửa sổ để hở, tạt bụi vào mặt và làm bay bay mái tóc chàng. Ở các ga tàu đỗ ban đêm, cảnh tượng lại diễn ra y hệt lúc ban ngày: đám đông ồn ào sôi sục và những cây đoạn xào xạc. Thỉnh thoảng từ trong bóng đêm thăm thẳm có những chiếc xe ngựa chạy tới ga. Tiếng người nói và tiếng bánh xe lọc cọc hoà lẫn với tiếng lào xào của cây lá.
Những phút ấy tưởng như có thể thấu hiểu điều gì đã buộc các bóng đêm kia rì rầm chụm đầu vào nhau và thì thầm với nhau những gì bằng cách khẽ lay động những chiếc lá nặng trru ngái ngủ, trông như những cái lưỡi dính bết, dơn dớt. Đó cũng chính là điều Zhivago ngẫm nghĩ trong lúc nằm trăn trở ở ngăn giường trên, ấy là cái tin nói rằng nước Nga đang dâng lên những đợt sóng ngày một lan rộng, rằng cuộc cách mạng đang bùng nổ với giờ phút khó khăn, kinh khủng của nó, chắc chắn nó sẽ đi tới kết cục vĩ đại.
16.
Hôm sau, bác sĩ Zhivago thức dậy thì đã quá mười một giờ. "Hầu tước, hầu tước" - người bạn đường thấp giọng vỗ về con chó đang gầm gừ của anh ta. Zhivago ngạc nhiên thấy vẫn chỉ có chàng với tay thợ săn trong ngăn tàu, suốt dọc đường không có thêm ai cả. Tàu qua những nhà ga chàng đã nghe tên từ thuở nhỏ Sau khi rời tỉnh Kaluga, tàu đang tiến sâu vào tỉnh Moskva 9.
Sau khi đã ra ngoài rửa mặt, cạo râu cẩn thận với đủ tiện nghi như hồi trước chiến tranh, Zhivago quay vào ngăn tàu của mình để dùng bữa điểm tâm theo lời mời của người bạn đường kỳ dị. Lúc này chàng mới có thời gian để quan sát anh ta kỹ hơn.
Điều nổi bật ở con người này là nói luôn miệng và cấm chịu ngồi yên. Anh ta thích nói, và điều quan trọng đối với chàng ta không phải sự giao tiếp và trao đổi tư tưởng, mà là chính cái hoạt động nói năng, sự phát âm các tiếng và từng âm thanh. Trong lúc trò chuyện, anh ta cứ nhún nhẩy trên ghế như trên lò so, cười ha hả một cách vô cớ, xoa xoa tay một cách thích thú, và khi cả những trò đó cũng chưa đủ diễn tả nỗi vui thích của mình, anh ta còn vỗ đùi đen đét và cười đến chảy nước mắt.
Câu chuyện lại tái diễn với tất cả những điều kỳ cục như đêm trước. Lời lẽ của tay thợ săn chẳng có mạch lạc gì hết. Khi thì không khảo mà xưng, anh ta thổ lộ chuyện riêng tư, khi thì lại buông lơi, chẳng buồn trả lời những câu hỏi vô thưởng vô phạt.
Anh ta tuôn ra cả một mớ những điều hết sức kỳ khôi và rời rạc về chính bản thân anh ta. Hiển nhiên là anh ta gây được ấn tượng bằng các quan điểm cực doan của mình và bằng việc phủ định tất cả những gì mọi người đều thừa nhận. thảy những điều đó gợi nhớ một cái gì quen thuộc từ lâu Quan điểm cấp tiến kiểu đó được đề xướng bởi những người theo chủ nghĩa hư vô thế kỷ trước, và ít lâu sau bởi một vài nhân vật của Dostoievsky, rồi ngay gần đây, bởi những kẻ kế tục trực tiếp của họ tức là toàn bộ tầng lớp trí thức tỉnh lẻ của nước Nga, gồm những người thường đi trước hai thủ đô 10, nhờ họ vẫn giữ được ở nơi hẻo lánh cái tính cẩn thận đến nơi đến chốn, trong khi ở thủ đô nó bị coi là cổ hủ và lỗi thời.
Người trẻ tuổi kể rằng cậu anh ta là một nhà cách mạng nổi tiếng, còn cha mẹ anh ta, thì trái lại, là những người cổ hủ và ngoan cố hết bề cứu vãn, một thứ đầu bò đầu bướu chính hiệu, theo cách nói của anh ta. Gia đình anh ta có một trại ấp ra trò ở một vùng nằm sát mặt trận. Anh ta đã lớn lên ở đó.
Cha mẹ anh ta suốt đời đối nghịch với ông cậu, nhưng người cậu không để bụng thù oán, và bây giờ cũng nhờ ảnh hưởng của ông mà gia đình thoát khỏi nhiều vụ rắc rối.
Anh chàng bẻm mép nói rằng về phương diện đức tin, anh ta giống ông cậu, là một tay cực đoan - quá khích trong mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống, chính trị và nghệ thuật.
Lại toát ra cái giọng điệu của Petenka Veckhovenski 11 không phải với nghĩa khuynh tả, mà với nghĩa hủ bại và sáo rỗng.
"Chắc anh ta lại sắp thuyết minh về chủ nghĩa vị lai đây", - Zhivago nghĩ thầm, - và quả vậy, chuyện bước sang đề tài các nhà vị lai. Còn bây giờ anh chàng sắp nói về thể thao, - Zhivago tiếp tục đự đoán, - về đua ngựa, hoặc về trượt băng nghệ thuật, khúc côn cầu hay về đánh vật theo lối Pháp.
Nhưng câu chuyện lại lái sang vấn đề săn bắn. Người trẻ tuổi nói anh ta thường về quê săn bắn và khoe mình là một tay thiện xạ, và ví thử không bị miễn quân dịch vì thể lực không bị miễn quân dịch vì thể lực có bệnh tật, thì hẳn là anh ta đã trở thành một xạ thủ cừ khôi ngoài mặt trận.
Trước cái nhìn dò hỏi của Zhivago, anh ta kêu lên:
- Sao, chẳng lẽ ông không thấy gì sao? Tôi cứ ngỡ ông đã đoán biết tôi có khuyết tật gì rồi cơ đấy.
Đoạn anh ta rút trong túi ra hai miếng bìa cứng và chìa cho Zhivago. Một là tấm danh thiếp. Anh ta có cái họ tên đúp là Maxim Aristakhovich Klinsov - Pogarevsyk, hay vắn tắt là Pogarevsyk, như anh ta vẫn đề nghị người ta gọi như thế để tỏ lòng tôn kính ông cậu cũng mang cái họ đó.
Trên miếng bìa kia là một bản kẻ ô, mỗi ô vẽ hình hai bàn tay với các tư thế và các kiểu dang ngón tay hết sức khác nhau. Đấy là bản mẫu tự bỏ túi của những người câm điếc. Bỗng chốc mọi sự trở nên sáng tỏ.
Pogarevsyk hoá ra là một học viên có năng khiếu lạ lùng của trường Gactơman hay trường Ostrogadski, nghĩa là một người câm điếc đạt đến kết quả khó tưởng tượng trong việc học nói không phải nhờ tai nghe, mà bằng cách nhìn các cử động bắp thịt ở cổ của thầy dạy, và qua đó hiểu được lời nói của người tiếp chuyện.
Nhớ lại quê quán của chàng thanh niên và những nơi anh ta đến săn, Zhivago hỏi:
- Xin lỗi anh, tôi hỏi thế này hơi khiếm nhã, trả lời hay không tuy ý anh, nhưng anh có quan hệ gì với nước Cộng hoà Zybusino và việc thành lập nó hay không?
- Nhưng sao ông lại biết… Xin lỗi… Thế ra ông cũng biết Blazheyko à?… Có, tôi có quan hệ, dĩ nhiên rồi, - Pogarevsyk lại huyên thuyên một cách vui vẻ, vừa cười ha hả vừa lả lớn nghiêng người hết sang bên phải lại sang bên trái và vỗ đùi như điên. Một lần nữa, anh ta lại tuôn ra hàng loạt chuyện kỳ dị.
Pogarevsyk nói rằng Blazheyko chỉ là đối tượng sai khiến của anh ta, còn Zybusino hay bất cứ địa điểm nào khác cũng chỉ là một trong những nơi vận dụng các ý tưởng của anh ta.
Triết lý của Pogarevsyk một nửa bao gồm các luận điểm vô chính phủ, một nửa đích danh là những chuyện phịa về săn. Bằng giọng thản nhiên của một vị thánh tiên tri, Pogarevsyk dự đoán sắp xảy ra những cuộc xáo động chết người. Zhivago trong thâm tâm cũng đồng ý rằng rất có thể các xáo động ấy là không thể đảo ngược, nhưng chàng thấy cơn giận sôi lên trước cái giọng thản nhiên; quả quyết của gã nhãi ranh kia khi hắn tuôn ra hàng tràng những lời tiên đoán.
- Hượm đã, - hượm đã, - Zhivago dè dặt phản đối. - Tất cả những chuyện ấy là thế, có thể sẽ thế. Nhưng theo tôi, chọn lúc này, giữa tình trạng hỗn loạn và suy sụp, trước sự tấn công của kẻ thù, làm thời điểm cho những cuộc thí nghiệm kiểu đó thì thật là nguy hiểm. Nên để cho đất nước hồi tỉnh lại và nghỉ xả hơi một chút sau cuộc biến động lởn, rồi hãy lao vào cuộc biến động khác. Cần chờ đến lúc tình hình tạm yên ổn và trật tự, dù chỉ là tương đối.
- Ngây thơ quá, - Pogarevsyk nói. - Cái mà ông gọi là sự suy sụp chỉ là hiện tượng bình thưởng, y hệt thứ trật tự yên ổn mà ông ca ngợi và ưa chuộng kia. Những sự phá hoại ấy là một bộ phận sơ bộ và hợp quy luật của một kếhoạch xây dựng lớn lao hơn. Xã hội suy sụp chưa đến mức đầy đủ. Phải để nó sụp đổ hoàn toàn, sau đó một chính quyền cách mạng thực thụ sẽ tập hợp nó lại, từng phần một, trên những nền tảng khác hẳn.
Zhivago hết chịu nổi. Chàng bỏ ra hành lang.
Con tàu chạy mỗi lúc một nhanh đang vượt qua vùng ngoại vi Moskva. Chốc chốc, các cánh rừng bạch dương có những ngôi nhà ngoại ô ken sát nhau, lại chạy tới gần cử sổ tàu rồi vút qua. Những sân ga lộ thiên, nhỏ hẹp với khá đông người dân Moskva ra ngoại ô nghỉ mát, bay qua và lùi nhanh về phía sau, lẫn trong đám bụi do đoàn tàu cuốn lên và tựa hồ quay tròn như trên bàn quay ngựa gỗ ở công viên. Đầu tàu kéo hết hồi còi này đến hồi còi khác vang đi rất xa và tiếng gọi từ rừng dội lại nghe nấc nghẹn, âm ấm như tiếng loa.
Đột nhiên, lần đầu tiên trong suốt những ngày qua, Zhivago chợt hiểu rất rõ chàng đang ở đâu, điều gì đang xảy ra với chàng và cái gì đang đợi chàng trong một, hai giờ nữa.
Ba năm, với bao biến đổi, bao điều không hay biết, bao cuộc chuyển dịch, chiến tranh, cách mạng, những cơn chấn đóng, những cuộc bắn giết, những cảnh chết chóc, những chiếc cầu bị nổ tung, những sự tàn phá, những đám cháy - tất cả những thứ đó bỗng hoá thành một khối trống rỗng, mất hết nội dung. Sự kiện thực thụ đầu tiên sau thời kỳ gián đoạn lâu dài, đó là chàng đang ở trên con tàu chạy nhanh đến chóng mặt, hướng gần đến ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn trên thế gian này, ngôi nhà mà mỗi hòn đá nhỏ trong đó đều thân thiết đối với chàng. Đấy, cuộc sống là ở đó, xúc cảm là ở đó, mục tiêu săn đuổi của những kẻ tìm chuyện phiêu lưu là ở đó, cái mà nghệ thuật muốn nói tới cũng là ở đó: trở về với những người thân, trở về với chính mình, hồi phục sự tồn tại.
Các cánh rừng đã lùi lại phía sau. Con tàu bứt khỏi các tán lá rậm rạp và lao ra khoảng không gian phóng khoáng. Từ một lũng sâu, một triền đồi thoai thoải nhô lên, trải đài về phía xa thành một cái gò rộng. Những luống khoai tây chạy dọc, màu xanh thẫm, phủ kín mặt đồi. Trên đỉnh đồi, cuối cánh đồng khoai tây, có những khung kính tháo từ nhà ươm cây đang xếp dưới đất. Đối diện với quả đồi, phía bên kia phần đuôi tàu một đám mây tím thẫm, cực lớn, che kín nửa bầu trời Vài vệt nắng xuyên qua đám mây ấy như các cây tăm của một bánh xe đang lăn, và trên đường lăn, khi chạm vào các khung kính kia, nó làm loáng lên chói mắt.
Đột nhiên đám mây đổ xuống những hạt mưa lớn, xiên xiên, lóng lánh ánh nắng, một trận mưa mùa hè. Các hạt mưa rơi rào rào, hối hả đúng theo nhịp gõ ầm ầm của các bánh xe, của các tấm đệm đầu toa, theo đọàn tàu đang lao nhanh, tựa hồ các hạt mưa kia cố đuổi kịp con tàu hoặc sợ bị rớt lại phía Zhivago chưa kịp để ý thì đã thấy từ sau quả đồi nhô ra nhà thờ Chúa Cứu Thế, rồi một phút sau là những vòm tròn, những mái nhà và ống khói của cả thành phố.
- Moskva! - Chàng vừa thốt lên vừa quay vào trong ngăn tàu. - Sửa soạn đi là vừa.
Pogarevsyk bật dậy, lục trong túi săn, chọn lôi ra một con vịt to nhất - Xin ông cầm lấy, - anh ta nói, - chút quà kỷ niệm. Tôi đã được ở suốt một ngày với một người bạn đường vô cùng dễ chịu.
Zhivago từ chối thế nào cũng không được.
- Thôi được - chàng buộc phải nhận, - tôi xin đem món quà của anh về tặng vợ tôi.
- Tặng vợ! Tặng vợ! Quà tặng vợ! - Pogarevsyk vui sướng nhắc đi nhắc lại hệt như anh ta mới nghe hai tiếng đó lần đầu, rồi bắt đầu khoa chân múa tay cười ngả ngớn đến nỗi con "Hầu tước" cũng phải nhảy ra góp vui.
Tàu đi vào sân ga. Trong toa trở nên tối om như đang đêm, anh chàng câm điếc trao cho bác sĩ Zhivago con vịt trời được bọc bằng một mảnh bích chương chính trị nào đó.
--------------------------------
1 Thuật ngữ này được các nhà văn Nga bắt đầu sử dụng thế kỷ 17, chỉ các biến cố xảy ra cuối thế kỷ 16, sau đó được các nhà sử học quý tộc và tư sản sử dụng như một thuật ngữ chính thức.
2 Tên nhân vật chính trong tiểu thuyết "Người hùng của thời đại" của Lermontov.
3 Loại áo varơi quân đội, thắt lại ở cuối vạt áo, có bốn túi lớn, hai ở trên ngực, hai ở ngang sườn.
4 Loại quần nhét ống vào ủng, thắt lại ở đầu gối vá phanh rộng về phía trên.
5 Phái Dân Tuý là phong trào của trí thức dân chủ Nga thời kỳ 1861 - 1895, chống chế độ nông nô và sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Nga, muốn lật đổ chế độ quân chủ bằng cách mạng nông dân.
6 Dân ý là tổ chức cách mạng lớn nhất của phái Dân Tuý ra đời ở Petersburg năm 1879, với cương lĩnh lật đổ chế độ quân chủ, giành quyền dân chủ, trao ruộng cho nông dân. Ưa dùng khủng bố (ám sát Nga hoàng tám lần). Sau năm 1881 bị đàn áp và tan vỡ.
7 Tên một thành phố ở phía Bắc nước Nga, gần Petecbua.
8 Không rõ định nghĩa.
9 Ở Nga, tỉnh là đơn vị hành chính lớn hơn thành phố, ví dụ tỉnh Moskva gồm có thành phố Moskva và các đơn vị hành chính nhỏ hơn khác.
10 Ngụ ý Petersburg và Moskva.
11 Nhân vật trong tiểu thuyết "Bầy quỉ" của Dostoievsky.
Bác Sĩ Zhivago Bác Sĩ Zhivago - Boris Pasternak Bác Sĩ Zhivago