Hoài nghi là một tên phản bội, bởi nó khiến bạn sợ hãi không dám liều mình, vì thế bạn đánh mất cơ may thành công của mình.

William Shakespeare

 
 
 
 
 
Tác giả: Doãn Quốc Sỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2671 / 59
Cập nhật: 2015-12-18 11:23:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 Bên Giường Mẹ
Trên quãng đường vắng từ đồn điền Lợi Ký ra đường cái lớn, Kha thủ thỉ cho Tân nghe qua về mối tình hoàn toàn tan vỡ của chàng với Vân.
Tân chẳng biết nói gì để an ủi người bạn mới.
Khoảng chín giờ rưỡi đôi bạn dừng lại bên sông Hồng. Đương mùa nước cạn, Tân vô tình xuống bãi cát. Dòng sông tuy nông và hẹp nhưng khi lội xuống Tân mới thấy là nước chảy xiết. Chàng miên man thầm nghĩ:" Người con gái ở ga Thanh Ba đã chắc gì hơn số phận Vạn?
Nước chảy xiết cuốn cát dưới chân khiến tân có cảm tưởng nếu đứng nghuyên một chỗ chàng có thể chìm dần xuống vực.
Từ dưới sông lên, Tân vừa toan cùng Kha theo đường tới Đại Đồng, trụ sở tạm thời của trường Thuốc, thì có tiếng gọi hốt hoảng:
- Anh Tân, có phải anh tân đấy không?
Tân nhận ra ngay Phiệt, chú em họ cách đây tám năm vẫn theo mình đi đánh cá, kể từ sau ngày Hoạt bỏ làng ra Hà Nội làm "ét "ô tô. Ngày nay Phiệt đã mười bốn tuổi, đương làm liên lạc viên cho cơ quan kháng chiến hành chính huyện đóng tại một làng ven sông gần đấy.
- Ô chú Phiệt, có gì lạ thế chú? - Tân hỏi.
- Bà mệt nặng đã hơn một tháng nay, bà mong anh.
Tân thấy lòng thắt lại.
- Bà mệt nặng thật đấy - cậu bé ngây thơ tiếp - có người làng nào lên mạn ngược bà cũng ân cần dặn là cố ý dò la giúp bà xem anh ở đâu để nhắn về ngay. Tân nhờ Kha ghi tên hộ tại trường Thuốc, chàng theo ngay quốc lộ Số Một xuôi về Bắc Ninh, lòng dạ bồn chồn.
II
Về tới đầu làng tân đã rảo cẳng mà bước chân của bà con còn nhanh hơn để phi báo cho mẹ chàng hay trước. Cụ ốm liệt giường, bệnh già! Cụ đã ngồi dậy dựa vào thành giường đón Tân đôi mắt sáng dịu tình thương yêu.
tân chỉ kịp quăng ba lô vào góc buồng rồi chạy đến nám chặt hai bàn tay gầy guộc của mẹ, thốt ra hai tiếng:
- Mẹ, Mẹ!
Nước mắt cứ ứ lên long lanh, cả khuôn mặt gầy của cụ như co lại, giần giật vì cảm động. Cụ nói:
- Mẹ tưởng chết không được gặp mặt con.
Sau câu nói là tiếng thở dài trút hết nỗi lo âu, rồi nhịp thở của Cụ trở lại đều đều, giọng nói cũng đều đều.
III
Cũng may mấy năm trước ngày tác chiến cửa hàng ở tỉnh Bắc Ninh của cụ khá phát đạt, cụ tậu được vài mẫu ruộng ở quê nhà, giao cho mấy người nghèo trong họ cầy rẽ, rồi khi tác chiến cụ kịp thu gần hết tiền vốn - chừng hai vạn bạc Đông Dương.
Thoạt chiến tranh với cụ là tiếng bom, tiếng phi cơ nhào lộn rít lên và khạc đạn. Khi Hà Nội hoàn toàn do địch kiểm soát, trung đoàn Thủ Đô rút khỏi, chiến tranh lan tới Cầu Đuống gần làng thì cụ biết thêm chiến tranh còn là tiếng moóc chi- ê, tiếng đại bác bất ngờ gieo chết chóc xuống nhà nào đó. Cụ được chứng kiến một căn nhà ngói năm gian làng bên đổ xập và toàn gia khổ chủ chết bên trong: viên đại bác rơi trúng nhà! Chết vì tai nạn chiến tranh đáng thương thật nhưng được chết cả nhà như vậy theo ý cụ cũng là một đặc ân trời phật ban cho. Đồn địch đóng gần đó, chiến tranh không chỉ là cảnh các làng mạc bị đốt phá hoặc bị dội bom đạn mà còn là khuôn mặt bẽ bàng của những đàn bà con gái rủi sa vào tay địch.
Rồi cả một vùng lớn dọc theo tả ngạn sông Đuống thuộc vùng tề. Gọi là vùng tề thôi, sự thực tổ chức hành chính địch chưa có gì. tại các trường tiểu học, trẻ em vẫn học những bài ca dao kháng chiến: tới làng nào, địch cũng phải đi từng đội, trang bị đủ loại súng ống. Các làng đã có cách báo hiệu cho nhau để khi toán tuần tiểu địch ra khỏi đồn tới làng nào là những truyền đơn, những tài liệu kháng chiến nơi đó được cất dấu hoặc thiêu hủy đi, những tấm đá in litho của cơ quan tuyên truyền kháng chiến được thả xuống ao bèo hoặc xuống ruộng rau muống, các cán bộ cùng những trai gái trong làng tạm chạy sang làng bên, chỉ còn ông già bà cả ở lại.
Đêm đêm rất có thể địch vẫn rớt đại bác, moóc cghi-ê về làng nào chúng nhận thấy có những ánh đèn khả nghi;
Chiến tranh còn là - điều này làm cụ đau đớn nhất - tiếng súng lục xử tử Việt gian vang lên tự ngoài đồng, thường là vào lúc gàn sáng. Việt gian, Việt gian... là nghe người ta nói thế chứ cứ theo tiếng lòng trung hậu của cụ thì nước ta làm gì có nhiều Việt gian đến thế. Cứ mỗi lần có tiếng súng lục đêm, chờ khi thật sáng rõ dân làng ra khỏi lũy tre sẽ thấy xác nạn nhân quẳng lại trên gò. Nếu nhận diện được đó là người làng kế cận nào, người ta phi báo ngay cho người nhà nạn nhân, nếu hoàn toàn chỉ là một kẻ xa lạ, dân làng đào huyệt chôn kẻ xấu số vô thừa nhận. Khói lửa chiến tranh đốt xém làng mạc cũng như cảnh người Việt xử tử người Việt đó đốt xém tâm hồn từ bi sùng đạo Phật của cụ. Cụ thật bất bình về cácg họ mang nạn nhân tới xử trên bãi tha ma rồi quẳng đấy mặc nhiên coi làng cụ có bổn phận sáng hôm sau phải ra nhận diện, phi báo thân nhân hoặc chôn cất.
Lần thứ năm tiếng súng xử tử, lo buồn nặng chĩu lòng cụ, cụ cảm thấy cô độc trong tuổi già và mong Tân về. Đúng lúc niềm mong nhớ con xót xa nhất thì có một tiểu gia đình tản cư đến xin ở nhờ nhà cụ. Tiểu gia đình này gồm hai anh em ruột, hai chị em dâu và lũ con của họ. Vợ chồng người anh tên là Trường có ba con hai trai một gái. Trường không làm gì, suốt ngày gương mặt đăm chiêu, nụ cười mỉm đượm vẻ mỉa mai riễu cợt. Người em tên là Lam đi vắng luôn, thường tuần lễ về một lần thăm vợ con. Đứa con gái đầu lòng của Lam lên ba, vợ Lam đương có mang chừng ba bốn tháng. hai vợ chồng Lam cùng nhỏ nhắn, đẹp và hiền, cụ rất ưa.
Một buổi trưa cụ cảm thấy mệt lắm, cụ nằm ngủ thiếp trên phản ghế ngựa rồi cụ sực thức dậy, đầu óc cụ trống rỗng, cụ mở to đôi mắt rồi nghĩ mãi không hiểu mình hiên ở đâu. Thoạt cụ tưởng đương nằm ở nhà trọ trên con đường buôn bán xuôi ngược ngày xưa, rồi cụ tưởng đương nằm ở cửa hàng tại tình Bắc Ninh và Tân vừa buôn một chuyến hàng về. Có lẽ tới hai phút sau cụ mới hoàn toàn định thần nhớ rằng cụ đương nằm trên phản ghế ngựa tại quê nhà, cụ đương sống vào thời chiến tranh... Chân tay bải hoải, toàn thân đau như dần, ngực như bị nghẹt thở: cụ bắt đầu ốm từ đấy, bệnh già.
Hầu hạ cụ vẫn có một con bé nhà nghèo ngườilàng, nhưng lần này cụ ốm may sao còn thêm vợ Lam bên cạnh. Người đàn bà trẻ măng và phúc hậu đó luôn luôn ở bên giường cụ, sắc thuốc, nấu cháo, nâng giấc đỡ đần... Nhiều hôm cơn bệnh lên m^man, bóng quần áo trắng của "mợ Lam" - cụ vẫn gọi thế - thấp thoáng đầu giường như một giấc mơ dịu dàng đến an ủi cụ trong tuổi già cô độc. Cụ đã nhắn bao nhiêu ngưòi làng ra đi mà chưa thấy Tân về. Đã nhiều lần sau cơn bệnh cụ nói với mợ Lam: "Tôi có mệnh hệ nào mợ lo chôn cất dùm nhé, gói tiền tôi để đầu giường đây, mợ toàn quyền xử dụng, còn lại bao nhiêu thằng Tân nó về, mợ trao cho nó, nó sẽ nhớ ơn mợ suốt đời." Và lần nào "mợ Lam" cũng an ủi cụ là "đau chóng đã chầy", thế nào cụ cũng khỏi và gặp mặt "anh Tân cháu". Nghe những lời dịu dàng đó cụ thấy yên tâm, bệnh tình có thuyên giảm. Cụ muốn phó thác tiên nong cho mợ Lam không phải vì cụ không còn con cháu nào thân khác, một đứa cháu trai gọi bằng mợ, một đứa cháu gái gọi bằng dì vẫn năng tới thăm hỏi bệnh tình của cụ: cũng không phải cụ không tin ai gì hai đứa cháu đó, nhưng cụ nghĩ chúng ở xa, đứa cháu trai ở xóm chợ, đứa cháu gái ở tận xóm chùa, bệnh già như ngọn đèn trước gió có được người đáng tin cẩn ngay trong nhà là may lắm rồi, nếu cụ nằm xuống đã có con bé hầu hạ cụ đi loan báo cho anh em bà con rồi, lo gì. Cụ nghĩ đã chí lý nhưng cuộc đời trong buổi loạn ly này còn biết bao điều bất ngờ khác
Một hôm nằm trên giường bệnh cụ thấy có nhiều bóng người lạ vào nhà, người cao lớn nhất đeo súng lục. Bước họ đi rộn ràng lúc đến cũng như lúc đi làm cụ lo sợ bội phần. Vợ Lam cho cụ hay đó là Ủy ban Huyện đến gặp Trường thảo luận mấy điều.
Chẳng hiểu thảo luận gì, chính vợ Lam cũng không rõ, chỉ biết Trường đã lựa lời từ chối khéo, khi họ đã ra đi, nụ cười Trường càng đượm vẻ mỉa mai chua chát. Hai hôm sau đúng hôm Lam về thăm vợ con và Trường ra đi đón cha mẹ (hình như mới từ đâu xa sắp tới, cụ không được rõ) khoảng mười giờ sáng cụ nghe có tiếng gọi cổng, vợ Lam ra mở, hai người lạ mặt ập vào, sát khí đằng đằng, tiến về phía buồng riêng của tiểu gia đình tản cư. Cụ nghe tiếng Lam kêu hốt hoảng lẫn với tiếng khóc thét của đứa bé: «Thưa các ông tôi có làm gì nên tội?» Hai tiếng súng lớn như hai tiếng ống lệnh đồng thời với tiếng thét thê thảm của vợ Lam vừa tự ngoài xô được vào phòng: «Trời ơi, các ông giết lầm chồng tôi rồi!» Những tiếng chân rồn rập ra khỏi cổng.
Tiếng vợ Lam rên la, tiếng đứa bé khóc lặng … và cụ ngất đi trên giường bệnh. Tiếng súng kinh tởm đó trước đây vang lên trong đêm khuya về sáng và tự ngoài lũy tre, nay thì nỗ giữa thanh thiên bạch nhật và ngay trong nhà cụ.
Cụ ngất đi trong bao lâu chính cụ cũng không rõ vì khi tỉnh dậy - gọi là tỉnh dậy - căn bệnh giả trở lại trầm trọng sau hai ngày thuyên giảm. Trong cơn sốt mê sảng cụ luôn luôn nhớ đến tiếng kêu xé ruột của người đàn bà còn trẻ mà cụ quý mến vô cùng, «Trời ơi, các ông giết lầm chồng tôi rồi!» Cụ lo sự bất trắc có thể xảy đến cho Tân. Tân có thể bị giết nhầm như vậy - họ thi hành án xử tử đấy - hoặc, đau đớn hơn. Tân sẽ đi giết nhầm người như vậy. Tất cả những điều không bao giờ ngờ tớiở thời bình, vào thời chiến này đều có thể xảy tới một cách tự nhiên - kinh ngiệm ba tháng khói lửa đã cho cụ biết vậy.
Khi cơn bịnh ngớt, cụ nhận ra chỉ còn con bé hầu hạ bên cụ. Theo lời con bé kể thì xác cậu Lam được chôn cất ngay hôm đó và mợ Lam bụng mang dạ chửa ôm đứa con thơ lên ba đi ngay buổi chiều, nói là đi kiện đến cùng cho ra nhẽ, hiện không còn ai ở nhà nữa. Tình trạng cô quạnh này kéo dài được hai hôm thì Tân về.
III
Bằng một giọng đều đều cụ kể cho con nghe tất cả những việc đã xảy ra và cụ kết luận:
- Giá con về trước đây một tuần biết đâu con chẳng cản được vụ giết người đó. Nhà có thêm một bóng đàn ông sự việc có thể xảy ra khác.»
Tân cười buồn rầu:
- Biết đâu chúng chẳng giết nhầm con.
- Con chỉ nói dại.
Tiếng là cụ phủ chính lời con như vậy, nhưng rồi cụ cũng nghĩ thầm: "Ừ biết đâu, phải, biết đâu" Mà thôi nghĩ miên man làm gì? Tân về đúng vào lúc này, cụ đâu có ngờ, âu cũng là hương hồn ông ấy (cha Tân) cùng hương hồn ông bà ông vải run rủi. Cụ cảm thấy bệnh tình thuyên giảm như hồi được mợ Lam trông nom.
Về phần Tân, ba ngày ở quê bên mẹ già, chàng cảm thấy lòng êm ả như mấy ngày êm ả vừa qua. Đội tuần tiểu địch ở lì trong đồn Cầu Đuống không đi khám xét các làng, phi cơ địch vẫn cất cánh nhưng oanh tạc tận đâu, xa lắm, không nghe thấy tiếng bom. Ngày êm ả đến nỗi Tân nghe thấy cả tiếng còi mười giờ từ Hà Nội vẳng đến. Tựa hồ như chốn đó cuộc sống đã thật sự trở lại bình thường. Tân tự đặt thầm câu hỏi liệu chàng có thể ở lại làng công tác kháng chiến với Ủy ban HUyện? Chắc chắn là không! Chàng đã hứa với Kha và chàng cũng muốn vừa kháng chiến vừa tiếp tục học thuốc, như thế nhất cử lưỡng tiện. hãy biết giờ đây được gần mẹ là quý. Tân quyết định ở lại quê cho đến ngày mẹ thật bình phục.
Trên giường bệnh, ý muốn giữ Tân ở quê nhà có thoáng trong trí cụ, nhưng rồi cụ thấy cứ để con ra đi là hơn. Quân địch còn xục xạo đâu có để cho Tân yên. Còn những đêm địch câu đại bác, moóc chi-ê, rồi một ngày kia biết đâu lại không có một trái rơi vào làng, rơi vào nhà cụ? Cụ già rồi, chết không sao, nhưng Tân không thể chết uổng thế được (Cụ làm như thể lên Việt Bắc, vào an toàn khu là không còn gì nguy hiểm nữa!)
Bệnh tình cụ thuyên giảm được ba ngày, sang ngày thứ tư cụ chợt nghe trong người khác, bệnh tình như nhịp nước triều rút đi rồi lại ào tới, lần này có phần quyết định. Cụ kín đáo bảo Tân kê lại giường vào góc đối diện với giường cụ
Buổi chiều Tân lo lắng hỏi:
- Con thấy như hôm nay mẹ mệt lắm.
Cụ lắc đầu.
- Không sao con ạ.
Một cơn gió mạnh thổi quanh nhà, tiếng lá rụng xào xạc. Mây đen từ chân trời ùa tới rồi đổ mưa, sấm sét vang rền, những tia chớp rạch màn mưa liên tiếp. Đó là trận mưa đầu mùa hạ. Con nó về kịp thế này cụ mãn nguyện lắm rồi, chẳng nên phiên nó làm gì hơn nữa. Trận mưa đến rầm rộ sao mà hợp thời. Cụ thiếp đi trong bóng tối … Tiếng mưa rơi đều đều như vuốt mắt cụ, tiếng sấm sét vang rền đánh lạc sự chú ý của đứa con để nó khỏi chứng kiến giây phút tử biệt sinh ly. Đúng lúc cụ gần mất hết trí giác đầu cụ còn tuân theo một định kiến tối hậu là ngả mình về phía giường con, góc đối diện.
Bên ngoài trân mưa đầu hạ vẫn rào rào …
Ba Sinh Hương Lửa Ba Sinh Hương Lửa - Doãn Quốc Sỹ Ba Sinh Hương Lửa