Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không nằm ở chỗ thiếu sức mạnh, thiếu kiến thức, mà là ở chỗ thiếu ý chí.

Vince Lambardi

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Văn Trương
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3087 / 50
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6 -
ột bọn trẻ dơ dáy và rách như tổ đỉa đã chờ ở cổng, thấy người đàn bà về thì ồ cả ra:
- Kìa bu, bu không đi chợ à?
Rồi trông thấy nó:
- Ai đấy?
- Bu thấy nó nằm ngủ ở gốc cây xanh đằng gò Phương, bu đưa nó về đây. À, thế nào? Đã thổi cơm chưa? Cho nó một bát, nó đói lắm! Từ chiều hôm qua đến giờ, nó chưa ăn gì.
Thằng bé nhỏ trong đám, nhìn Đức trừng trừng:
- Ồ, nó ăn mặc thế kia mà phải đi ăn xin à?
Thằng Đức vụt thấy nóng rực cả tai. Thằng bé nhớn trong đám, cũng trạc tuổi thằng Đức, đập ngay vào vai em:
- Nó quen đâu với bu ấy chứ, đâu phải nó ăn xin.
Thằng Đức thấy yêu ngay thằng bé từ đấy.
Lúc nó vào trong nhà thì bốn đứa trẻ, hai giai hai gái, vây chung quanh nó. Người đàn bà liền quát:
- Xê ra, sao vây lấy nó thế kia? Cu Nhớn, mày chưa thổi cơm à?
- Chưa, con mới vo gạo.
Người đàn bà dắt Đức vào gần bếp lửa:
- Cậu ngồi xuống đây mà sưởi. Rồi thì khi nào nó thổi cơm xong, nó lấy cho mà ăn.
Đức ngoan ngoãn ngồi xuống cạnh bếp. Chà, những ngọn lửa mới phúc đức làm sao! Nó khiến cho tay chân Đức đang cóng, dần dần ấm lại.
Người đàn bà nhìn Đức, rồi nhìn ra bóng mặt giời, rồi lại nhìn đàn con, rồi thì người đàn bà ấy vùng bảo Đức:
- Tôi xem ra cậu cũng mệt lắm, không thể đi về Hà Nội ngay hôm nay đâu. Thôi, cậu ở đây mà nghỉ. Rồi sáng mai, nhân tiện thằng Cu Nhớn nhà tôi nó đem áo rét ra cho thầy nó làm lò gạch ở Yên viên, cậu sẽ đi với nó.
Đức chưa biết nên trả lời ra sao thì thằng Cu Nhớn, đang tra gạo vào nồi, quay lại:
- Sao bu bảo năm hôm nữa mới đi cơ mà?
Người đàn bà nhìn con:
- Ừ, bu định năm hôm nữa, nhưng bây giờ nhân tiện có cậu ấy đây thì con đưa cậu ấy đi một thể.
Thằng Cu Nhớn vỗ rá cho những hạt gạo rơi cả xuống nồi, rồi hỏi:
- Thế nó cũng ra Yên Viên à?
- Không, cậu ấy đi Hà Nội.
- Thế là xa hơn Yên Viên chứ. Từ Yên Viên sang Hà Nội, đi còn gần nửa buổi nữa.
- Ừ thì mày đưa cậu ấy đến đấy, rồi thì cậu ấy đi lấy một mình.
Người đàn bà lại nhìn ra phía bóng nắng như có vẻ vội vàng:
- Thế nào, cậu có bằng lòng không?
- Vâng.
- Thế cậu ở đây ngày hôm nay, rồi sáng mai đi sớm với cháu nhé?
- Vâng.
- Thế bây giờ tôi phải đi chợ đây, không trưa mất rồi. Chiều thì tôi về. Cậu ở nhà chơi với chúng nó nhé. Thằng Cu Con với cái Đĩ đừng có ra ao, nhỡ một cái, khốn đấy! Thôi, cậu ở nhà nhé.
Người đàn bà nói xong, cũng chẳng kịp chờ Đức trả lời, tất tả quay ra, nhưng tới cửa lại lộn vào. Thằng Cu Nhớn đang ghé nhìn, thấy mẹ quay lại, liền hỏi ngay:
- Bu còn về làm gì đấy! Bu không đi chợ đi, trưa mất rồi!
Người đàn bà lật chiếc thúng, nhìn xuống cái thạp nhỏ:
- À, trưa nay, hễ cậu ấy có đói thì còn ít khoai đây, luộc cho cậu ấy ăn nhé.
- Ồ, thế chiều lấy gì mà ghế vào cơm?
- Thôi được. Cứ luộc cho cậu ấy ăn rồi chiều sẽ hay.
Nói xong, người đàn bà lại tất tả quay ra, nhưng tới ngưỡng cửa, lại quay lại:
- Nhớ lấy rau thật nhiều, nấu cám cho lợn ăn thật no đấy nhé.
Thằng Cu Nhớn gõ hai chiếc đũa cả vào nhau, rồi nói với mẹ bằng một giọng bực tức:
- Thôi, bu không đi chợ đi, trùng trình mãi, trưa mất rồi! Con biết rồi mà. Hôm nào con chả cho lợn ăn no, nào có hôm nào đói ở đâu!
- Thế ở nhà trông các em nhé, nhớ đừng cho chúng nó theo đi vớt bèo, nhỡ một cái, ngã xuống ao thì khốn đấy!
Lần này thì thằng Cu Nhớn giận thật, nó gắt to:
- Biết rồi, không phải dặn mãi thế! Ngày nào cũng dặn, dặn mấy mươi lượt!
Người đàn bà cười rồi quay ra:
- Mẹ chó! Có thế mà cũng gắt.
o O o
Người đàn bà đi rồi, Đức mới để ý nhìn đến những hành vi của thằng Cu Nhớn, và nó lấy làm lạ sao thằng Cu Nhớn nhỏ hơn nó mà làm được tuốt cả những việc thằng Bếp nhà nó đã làm. Quái, tay nó vần nồi cơm, cứ dẻo quẹo.
Thằng Cu Nhớn vần nồi cơm xong, rồi gạt lửa, rồi nó chạy ra sân, ngắt một cái lá khoai đệm dưới vung.
Xong, nó quay lại, bảo thằng Cu Con:
- Không đi lấy chiếu trải ra, ngồi giương mắt ra đấy à?
Trong khi em nó chạy lên nhà trên lấy chiếu, thì nó lấy mâm xếp bát đĩa, vớt rau muống ở nồi ra, rồi ra sân múc một bát tương đầy, đem vào để ở giữa mâm.
Mâm vừa đặt xuống chiếu thì cái Đĩ Con và cái Đĩ Nhớn sà ngay vào nghịch đũa bát.
Thằng Cu Nhớn quát ngay:
- Nghịch đổ tương ra đấy, mất ăn bây giờ!
Hai đứa rụt ngay tay vào, và từ đấy không dám nhúc nhích nữa.
Thằng Cu Nhớn quét nhà, đẩy gọn đống rơm vào một bên bếp, treo rá lên tường. Nó làm, nó cứ làm thoăn thoắt, cũng chẳng để ý đến thằng Đức.
Nó làm xong mọi việc, mới đến mở vung nồi cơm, nhón một hột, đút vào mồm nhai:
- À, chín rồi!
Bao nhiêu con mắt của các em nó liền sáng lên. Rồi chúng nó đều ngồi dịch vào mâm.
Thằng Cu Nhớn lấy một chiếc mo để lên chiếu, rồi mới bắc nồi cơm, đặt lên. Chà, cái tay nó đánh cơm mới dẻo làm sao!
o O o
Chưa thấy thằng Đức ngồi vào chiếu, nó liền bảo:
- Thôi, mày ngồi vào ăn đi chứ!
Đức cởi giày, rồi rón rén ngồi vào chiếu, cạnh thằng Cu Con. Nó nhìn xuống mâm cơm, chỉ thấy một dĩa rau muống tú ụ, và một bát tương đầy thì nó chắc rằng là còn thức ăn nữa để ở đâu, nhưng thằng Cu Nhớn chưa mang ra.
Nhưng không, thằng Cu Nhớn lần lượt xới từng bát cơm đầy để trước mắt các em, rồi sau một tiếng: “Thôi, ăn đi!” thì sáu bàn tay nhem nhuốc liền cầm lấy đũa và bát. Rồi thì chúng cứ và những miếng lớn, và chấm rau muống vào tương, đút thun thút vào mồm.
Đức tuy đói, đói lắm, nhưng vì còn mải nhìn, chưa kịp ăn thì thằng Cu Nhớn liền giục:
- Kìa, mày chưa ăn đi, sao bu tao bảo mày đói lắm cơ mà?
Lúc ấy, Đức mới cầm lấy bát cơm. Chà, cái gạo đỏ kệch và lổn nhổn làm sao!
Tuy nó đói lắm, nhưng nó cũng thấy rằng không dễ nuốt bằng cái gạo trắng của nhà nó. Ấy thế mà bọn trẻ thì cứ và những miếng lớn tướng. Và xem chúng nó ăn mới ngon lành làm sao! Đói, nó đành phải ăn, nhưng nó chỉ ăn nhạt… Cái gì chứ rau muống với tương thì nó không quen ăn.
Cu Nhớn thấy nó không gắp cái món ăn “quốc túy” ấy, liền mời:
- Kìa, mày không gắp đi, trong rá còn cả khối.
Đức nể lời, gắp mấy sợi rau, chấm vào tương. Rồi thì nó cũng buộc lòng phải nhai, phải nuốt. Thật quả, những miếng đầu, nó chẳng thấy ngon một tí nào, nhưng sau nó thấy đậm đà, dễ ăn, nó cũng gắp thêm mấy miếng.
Nhưng chỉ hết bát đầu, chứ từ bát sau thì nó chịu. Nó chỉ ăn nhạt. Phải, lúc ấy nó đã đỡ đói rồi.
Cu Nhớn thấy nó không gắp, lại mời. Nó buộc lòng phải thú thực:
- Tao không quen ăn tương.
Đến lượt Cu Nhớn kinh ngạc:
- Thế mày quen ăn gì?
- Tao quen ăn nước mắm Ô Long cơ.
- Nước mắm, nước mắm, nhà tao thỉnh thoảng cũng ăn, nhưng ít thôi. Tương làm được, chứ nước mắm thì phải mua.
Câu chuyện, vì món rau muống tương, bắt đầu có giữa chúng nó.
Thằng Đức nhìn mâm, nhìn những hột gạo đỏ kệch, rồi hỏi:
- Thế tại sao ở đây, mày không mua gạo trắng mà ăn có được không?
Cu Nhớn giả nhời một cách rất ngon lành:
- Gạo trắng đắt, tiền đâu! Đến gạo này cũng nhiều khi không có nữa là…
Đức lại chỉ bát rau muống và bát tương:
- Thế ở đây, mày chỉ ăn cơm với những thứ này thôi à? Thế mày không biết ăn thịt à?
Cu Nhớn mở to hai mắt:
- Có chứ, nhưng những hôm việc làng cơ.
Ba Ngày Luân Lạc Ba Ngày Luân Lạc - Lê Văn Trương Ba Ngày Luân Lạc