Số lần đọc/download: 3633 / 20
Cập nhật: 2015-10-11 19:25:20 +0700
Chương 6 -
T
ừ đó Đan Uyên không còn nhốt mình trong phòng riêng, không còn chui trong vỏ ốc nữa. Đan Uyên thoát ra ngoài, chạy lung tung nói năng bừa bãi.
Lúc nào cô cũng bảo Hoàng Lạc phải mở mắt ra:
– Tôi bảo anh chết không nhắm mắt mà. Anh mở mắt mới thấy tội của mình.
Cô luôn có những cử chỉ ngớ ngẩn. Hết độc thoại nói chuyện với Hoàng Lạc, Đan Uyên lại hát ầu ơ ví dầu ru em bé. Đan Uyên còn xếp chiếc khăn bông nhỏ bồng bế hát đưa qua đưa lại.
Cả nhà thấy cử chỉ bất thường của Đan Uyên, bắt đầu lo lắng. Mẫn Huy bảo:
– Đan Uyên có vấn đề rồi. Cô ấy bị sốc vì bệnh, vì Hoàng Lạc đã chết.
Ông Mẫn Kha nói nhanh:
– Coi chừng nó điên thì khổ cả đám! Hãy đưa nó đi trị bệnh rồi trả về cho gia đình. Khi không vướng của nợ.
Chẳng phải khi không mà do cả nhà đồng tình rước Đan Uyên về đây đó chứ . Mẫn Huy muốn thốt lên lời phê phán. Nhưng bây giờ không phải lúc trách cha trách mẹ nữa. Lỗi cũng do Mẫn Huy một phần, anh đã đồng ý ... cưới Đan Uyên.
Đan Uyên được đưa vào bệnh viện khám bệnh. Bác sĩ bảo do cô bị cú sốc làm chấn động tâm lý, tinh thần căng thảng nên phát sinh tâm bệnh.
Đan Uyên bị tâm thần nhẹ nhưng cũng phải đưa đi bệnh viện điều trị. Nếu không bệnh phát triển thì rất nguy.
Cả nhà Mẫn Huy thống nhất đưa Đan Uyên vào bệnh viện tâm thần Biên Hòa điều trị.
Lúc đầu Đan Uyên không chịu đi. Cô bảo:
– Tôi chẳng có bệnh hoạn gì cả. Tôi chờ chết vì nhiễm HIV.
Cuối cùng, Mẫn Huy cũng thuyết phục được Đan Uyên. Đưa cô vào bệnh viện, cả nhà mới thấy nhẹ nhõm đôi chút.
Tại bệnh viện, Đan Uyên được chăm sóc rất kỹ.
Đan Uyên được các bác sĩ tâm lý, hỏi han, trò chuyện ân cần, Cô có dịp giải tỏa những ức chế trắc ẩn trong lòng lại được bác sĩ tư vấn nên tinh thần bớt khủng hoảng.
Bên cạnh đó, Đan Uyên cũng được cho uống thuốc đặc trị.
Từ từ, Đan Uyên thấy không còn hoang mang trống vắng, thần kinh được xoa dịu, đầu óc nhẹ nhàng hơn, không như lúc trước cứ như dây đàn căng cứng sắp đứt.
Đan Uyên đã tự làm chủ hành động, lời nói của mình nên những câu nói ngớ ngẩn lộn xộn cũng giảm dần.
Sáng nay, sau khi đã được bác sĩ khám bệnh, cho uống thuốc và được tư vấn, Đan Uyên ra ngồi chơi ngoài băng đá.
Ánh nắng lên. Những sợi nắng vàng tươi len qua cành cây thảm lá, rồi nhảy múa lung linh màu da trời xanh ngắt tạo nên bức tranh đẹp. Lại nhớ những bức tranh cát của Mẫn Huy .... Mới đây thôi mà ngỡ ký ức đã xa xôi lắm rồi.
Bất chợt có tiếng kêu:
– Đan Uyên! Đan Uyên đấy ư?
Đan Uyên giật bắn người. Tiếng gọi của ai như từ cõi xa xăm mơ hồ vọng lại?
Tiếng gọi của Hoàng Lạc? Không! Hoàng Lạc đã chết rồi mà!
Tiếng ma quái nào vẳng đến đây.
– Đan Uyên! Đúng là Đan Uyên!
Đan Uyên ngơ ngác nhìn người đối diện. Ai? Bóng ma của Hoàng Lạc ư?
Hoàng Lạc đừng hiện về quấy phá tôi. Anh đã về miền xa xăm cũng tại anh thôi. Chẳng lẽ anh muốn rủ Đan Uyên đi thật nhanh sao? Anh ác lắm. Anh đã gieo cho tôi! Hãy tránh xa tôi đi.
Đưa hai tay dụi mắt. Đan Uyên lại nhìn trừng trừng người đối diện. Ánh mắt Khánh Toàn không rời khỏi từng cử chỉ của Đan Uyên. Anh ngạc nhiên quá đỗi.
Trông Đan Uyên rất tiều tụy nét mặt bơ phờ, ánh mắt đờ đẫn mất vẻ tinh anh, cử chỉ ngơ ngác vụng về. Bộ quần áo bệnh viện rộng thùng thình.
Khánh Toàn đang tự hỏi. Không biết anh có nhìn lầm với ai.
Khánh Toàn khẽ hỏi:
– Cô là Đan Uyên phải không?
Đan Uyên nở nụ cười ngô nghê:
– Anh gọi tôi à? Đúng, tôi là Đan Uyên. Đến chết vẫn là Đan Uyên.
Khánh Toàn vẫn chăm chú nhìn Đan Uyên. Vậy là Đan Uyên bị bệnh, bởi thế trông cô có vẻ bất thường. Đan Uyên đến bệnh viện từ bao giờ nhỉ, sao chẳng nghe Mẫn Huy nói. Không biết Đan Uyên có nhận ra Khánh Toàn?
Anh chợt hỏi:
– Cô có còn nhớ tôi không, Đan Uyên?
Đan Uyên ngơ ngác:
– Anh là ai?
– Tôi là Khánh Toàn bạn của Mẫn Huy.
Đan Uyên lắp bắp gọi như trong vô thức:
– Khánh Toàn! Khánh Toàn à!
Khánh Toàn vội nhắc:
– Tôi ở Đồng Nai. Hôm đám cưới cô với Mẫn Huy, tôi làm chú rể phụ đó.
Đan Uyên lẩm bẩm:
– Khánh Toàn! Đồng Nai ... Tranh cát ...
Có lẽ Đan Uyên không nhớ nhiều vì cô chỉ gặp Khánh Toàn có hai lần, hôm đám cưới và hôm đến nhà anh lấy bức tranh về.
Tuy thế, Khánh Toàn vẫn kiên nhẫn nhắc:
– Mẫn Huy ở nhà tôi làm tranh cát. Hôm nọ cô có đến nhà tôi nhận bức chân dung tranh cát mang về.
Đan Uyên lầm bầm:
– Bức chân dung tranh cát của tôi, Hoàng Lạc lấy rồi. Anh ta chết rồi. Đồ làm ăn gian dối. Tôi cũng sẽ chết theo anh ta.
Khánh Toàn ngồi xuống cạnh Đan Uyên. Không biết sao Đan Uyên bị tâm thần thế nầy Khánh Toàn rất quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh, anh đến bệnh viện làm công tác từ thiện, giúp đỡ an ủi người bệnh.
Giọng anh như vỗ về Đan Uyên:
– Cô sao thế Đan Uyên?
Đan Uyên đáp tỉnh bơ:
– Tôi có sao đâu?
Rồi cô cất giọng vui vẻ như không hề bệnh gì cả:
– Anh Khánh Toàn! Em nhớ rồi. Anh Mẫn Huy ở nhà anh làm tranh cát. Em có lên đó nhận bức chân đung tranh cát mang về.
Khánh Toàn hân hoan gật đầu:
– Đúng rồi. Tôi đưa bức tranh cho cô mang về. Mẫn Huy tạo bức chân dung cô đẹp lắm.
Đan Uyên buông gọn:
– Anh và Mẫn Huy đều tốt.
Chắc là Đan Uyên gặp vấn đề gì? Khánh Toàn chẳng biết hỏi han cô thế nào cho rõ.
Đưa mắt nhìn quanh, Khánh Toàn thăm dò:
– Mẫn Huy có lên đây không?
– Không! Mẫn Huy bận lắm. Có lên đây một lần.
Nghe cách Đan Uyên trò chuyện, Khánh Toàn nghĩ là bệnh của cô không trầm trọng lắm.
– Đan uyên lên đây hôm nào? Lâu chưa?
Đan Uyên Lắc đầu:
– Em cũng chẳng nhớ hôm nào nữa. Có lẽ lâu rồi. Hoàng Lạc chết rồi, anh có biết hay chưa?
Đang trả lời rõ ràng, Đan Uyên xen vào câu hỏi ngớ ngẩn. Có lẽ đầu óc Đan yên chứa nhiều vấn đề quá mà cô chưa sắp xếp nên cứ nói lộn xộn.
Đan Uyên lại nói tiếp:
– Hoàng Lạc chết rồi. Anh ta còn rủ tôi đi theo nữa đó.
Vậy là gã Hoàng Lạc có liên quan đến Đan Uyên và chắc chắn có liên quan đến căn bệnh của cô.
Khánh Toàn buột miệng trấn an Đan Uyên:
– Hoàng Lạc chẳng rủ cô đi đâu cả. Cô vẫn ở đây.
Ánh mắt đờ đẫn của Đan Uyên nhìn vào khoảng không:
– Anh nói chắc nghen. À! Anh đuổi Hoàng Lạc đi đi. Đừng để hắn ở đây.
Hắn không có thương con nít ...
Khánh Toàn nhìn Đan Uyên chăm chú như muốn tìm hiểu nguyên nhân nào khiến cô bị bệnh.
Lòng đầy thắc mắc, nhất định Khánh Toàn sẽ hỏi bác sĩ diều trị bệnh cho Đan Uyên.
– Anh Khánh Toàn vào bệnh viện thăm ai hả?
Bỗng Đan Uyên hỏi Khánh Toàn một câu đầy tỉnh táo khiến anh rất mừng.
Khánh Toàn vui vẻ đáp:
– À! Tôi vào làm công tác từ thiện đi với đoàn thăm tất cả bệnh nhân.
Lớp u ám trên mặt Đan Uyên bị xua tan, cô lộ vẻ hân hoan:
- Làm công tác từ thiện phát quà bánh cho bệnh nhân phải không? Mai mốt anh Khánh Toàn cho em làm với nha?
Khánh Toàn khích lệ:
– Đan Uyên thích thì sẽ làm được ngay.
Đan Uyên gật đầu:
– Em rất thích! Làm công tác từ thiện vui lắm phải không anh?
– Rất vui, vì mình giúp đỡ người khác. Làm cho họ vui là mình vui.
Khánh Toàn nói với Đan Uyên mà như tâm nguyện với chính mình.
Sau khi trò chuyện với bác sĩ Tú người trực tiếp tư vấn điều trị cho Đan Uyên, Khánh Toàn biết tất cả ngọn nguồn căn bệnh của Đan Uyên.
Khánh Toàn gọi điện cho Mẫn Huy, anh muốn nắm thêm về tình hình xảy ra với Đan Uyên.
Khánh Toàn trách bạn:
– Chuyện xảy ra như thế mà mầy không cho tao biết.
Mẫn Huy lắc đầu:
– Chuyện buồn cho mầy biết làm chi.
– Tao không giúp gì được thì cùng biết được tình hình chứ.
- Bây giờ mầy đã biết rõ tình hình rồi. Thật là bi đát.
Đúng là bi đát cho Đan Uyên. Biết mình bị lây nhiễm HIV, Đan Uyên cùng đường tuyệt vọng, tìm đến cái chết. Rồi Hoàng Lạc khiến cô suy sụp hoàn toàn.
Tinh thần bị khủng hoảng bị tâm thần là điều không thể tránh khỏi. Cũng may Đan Uyên chỉ bệnh nhẹ.
Khánh Toàn thường xuyên đến bệnh viện thăm Đan Uyên, trò chuyện an ủi động viên cô.
Khánh Toàn cảm thông chia sẻ nỗi bất hạnh của Đan Uyên:
– Đừng nghĩ đến căn bệnh của mình, Đan Uyên hãy vui vẻ sống tốt thì sẽ vượt qua tất cả.
Không bị khinh khi xa lánh lại được Khánh Toàn an ủi động viên, Đan Uyên thấy nguôi ngoai phần nào nỗi buồn đau, mặc cảm vì bệnh:
- Cảm ơn anh đã nhắc nhở em.
Khánh Toàn nói tiếp bằng sự khích lệ:
– Nếu vì bệnh mà Đan Uyên buông xuôi cuộc đời thì có nghĩa gì đâu. Hãy sống có ích cho người khác, Đan Uyên sẽ thấy quý cuộc sống hơn.
Hai người như có một sự đồng cảm nhau. Đan Uyên sung sướng vì Khánh Toàn hiểu được cô. Anh động viên giúp đỡ hướng Đan Uyên mộ t con đường đi có mục đích tốt đẹp.
Khánh Toàn chân tình bảo Đan Uyên:
– Hãy quên căn bệnh của mình và hãy làm những việc có ích cho người khác.
Đó là phương châm sống của Đan Uyên.
Đan Uyên phấn chấn sống theo phương châm của Khánh Toàn đã nêu. Anh đã kể và đọc báo cho Đan Uyên nghe về những trường hợp bị lây nhiễm HIV, bị bệnh AIDS hoành hành nhưng vẫn có những người sống sót vươn lên. Họ lao động có ích làm những việc tốt đẹp cho người khác.
Khánh Toàn còn kể cho Đan Uyên nghe chuyện một người bạn của anh là họa sĩ cũng bị nhiễm HIV. Biết mình bị bệnh, Thiện cũng điên cuồng phẫn nộ, muốn kết liễu đời mình cho xong. Nhưng sau đó, Thiện đã điềm tĩnh lại và tiếp tục vẽ tranh như không có chuyện gì xảy ra. Thiện còn sống tích cực hơn, và cùng Khánh Toàn đi làm công tác từ thiện ở các nơi.
Nghe xong câu chuyện của Thiện bạn Khánh Toàn, Đan Uyên đề nghị:
– Hôm nay anh đưa em gặp anh Thiện nha!
Khánh Toàn gật đầu hứa hẹn:
– Tôi sẽ đưa Đan Uyên đến gặp Thiện và xem phòng tranh của Thiện, bảo đảm Đan Uyên sẽ thích vẽ ngay.
Đan Uyên cười nhẹ tênh:
– Thích nhưng vẽ không được.
Khánh Toàn đùa giọng:
– Nếu thích Đan Uyên cứ vẽ đại.
– Anh làm như dễ lắm. Em đâu thể là họa sĩ ngang xương được.
Khánh Toàn hỏi khẽ:
– Vậy Đan Uyên muốn thành họa sĩ có bài bản?
Đan Uyên tiếp lời Khánh Toàn:
– Phải học mới biết vẽ phải không anh?
Khánh Toàn sốt sắng:
– Nếu Đan Uyên thích, tôi sẽ chỉ Đan Uyên vẽ tranh.
– Thôi anh ơi, muộn rồi.
– Không có cái gì muộn cả.
– Trước mắt em thích theo anh làm công tác từ thiện.
– Cũng hay đó. Chúng ta sẽ cùng nhau chăm sóc các bệnh nhân bị lây nhiễm HIV ở giai đoạn cuối.
Khi nào đi anh nói với em nghen.
– Đồng ý!
Khánh Toàn bỗng ngập ngừng bảo:
– À! Còn việc nầy nữa. Tôi muốn hỏi Đan Uyên.
Đan Uyên hồi hộp:
– Việc gì hả anh?
Khánh Toàn hỏi nhanh:
– Sao không trả tự do cho Mẫn Huy để ràng buộc nhau làm gì?
Đan Uyên rất hồn nhiên:
– Em và anh Mẫn Huy rất tự do có ràng buộc nhau gì đâu. Chúng em chỉ là vợ chồng giả.
– Giả thật gì vẫn ràng buộc về mặt pháp lý.
Đan Uyên vẫn say sưa nói tiếp:
– Hiện giờ em và anh Mẫn Huy càng tự do. Đường ai nấy đi.
Khánh Toàn kêu lên:
- Đan Uyên nói vậy sao phải. Hai người vẫn còn ràng buộc nhau. Đã có một đám cưới.
Đan Uyên buột miệng:
– Lẽ ra đừng có đám cưới đó phải không anh?
Khánh Toàn gật đầu giải thích:
– Phải! Lẽ ra đừng có đám cưới đó. Nhưng đã cưới rồi có giấy tờ, Đan Uyên nên ra tòa ly dị để trả tự do cho Mẫn Huy.
Đan Uyên thốt lên:
– Ôi! Sao em không nghĩ ra điều đó nhỉ? Em tưởng là cả hai luôn tự do chẳng làm gì phiền anh ấy.
Khánh Toàn trách nhẹ:
– Đan Uyên thật là ngây thơ.
Rồi anh lại hỏi:
– Đan Uyên có biết là Mẫn Huy cưới Đan Uyên vì chữ hiếu với mẹ. Nó đã phản đối với gia đình và bỏ lên nhà tôi ở. Sau đồng ý vì sợ bệnh của mẹ nguy kịch và còn một lý do nữa là nhìn thấy Đan Uyên nó lại tưởng nhớ một hình bóng khác.
Đan Uyên chùng giọng:
– Em có biết điều đó. À! Anh có biết người yêu của anh Mẫn Huy không?
– Không! Mẫn Huy bảo cô ấy bị mất tích tìm chưa được.
– Nhiều lúc em nghĩ anh ấy tưởng tượng chuyện người yêu để phản đối em thôi.
Khánh Toàn khẳng định:
– Cô ấy tên Hồng Cát. Có thật, Mẫn Huy không bịa ra đâu. Tôi biết tính nó mà.
Đan Uyên chép môi:
– Vậy là em vẫn làm anh hưởng đến anh Mẫn Huy.
– Hiện giờ trên pháp lý, Mẫn Huy vẫn là chồng của Đan Uyên.
– Em phải làm sao đây hả anh?
– Như tôi đã nói Đan Uyên và Mẫn Huy phải ly dị mới tự do về mặt pháp lý.
– Anh giúp em tìm luật sư để lo thủ tục nha.
Khánh Toàn nói thêm:
– Điều quan trọng là Đan Uyên phải được bác sĩ bệnh viện tâm thần xác nhận đã khỏi bệnh.
– Thế mà em tính ở bệnh viện nầy luôn.
– Uyên đừng quá bi quan! Biết là sẽ cố gắng vượt qua, không bi lụy nhưng sao Đan Uyên vẫn chạnh lòng. Cuộc đời còn đẹp quá!
Thế giới nầy đáng sống quá mà Đan Uyên thì ...
Đan Uyên âm thầm nhờ luật sư làm thủ tục ly dị để trả tự do cho Mẫn Huy.
Luật sư đã làm xong hồ sơ đến liên hệ với Mẫn Huy đề anh ký tên và chờ ngày nhận giấy ly hôn.
Mọi việc tiến hành thật nhanh chóng. Mẫn Huy vô cùng cảm động. Anh không ngờ là lúc nằm viện mà Đan Uyên còn nghĩ đến vấn đề nầy. Thật ra nhờ Khánh Toàn nhắc nhở Đan Uyên.
Mẫn Huy mải lo sáng tác tranh cát mà không nhớ đến việc làm thủ tục ly hôn. Anh chỉ mong Đan Uyên qua cơn chấn động, tinh thần ổn định và vui sống bình thường.
Giữa lúc thời đại thông tin người ta nhắn nhau bằng mẩu tin nhanh gọn thì Đan Uyên viết cho Mẫn Huy một lá thư dài, nội dung là những lời xin lỗi Mẫn Huy.
Đan Uyên mong là Mẫn Huy luôn bình yên thoải mái và tìm được hạnh phúc sau khi hai người chính thức ly hôn.
Từ đấy, Mẫn Huy sẽ được tự do, một sự tự do đúng nghĩa. Đan Uyên không bao giờ quấy rầy anh. Cô ước mong hai người bạn.
Đan Uyên sẽ không trở lại nhà, Mẫn Huy cũng không về thành phố. Cô đã có con đường đi mới.
Nhờ Khánh Toàn giúp đỡ tận tình, cảm thông chia sẻ với cô, Đan Uyên sẽ đi theo anh làm công tác từ thiện, chăm sóc người bị nhiễm HIV ở giai đoạn cuối.
Từ đây đến cuối đời, cô tự nguyện sẽ làm những việc có ích lợi. Cuộc sống ăn chơi phóng túng vừa qua khiến cô trả giá khá đắt bằng mạng sống của mình.
Bài học, Đan Uyên không bao giờ quên.
Mẫn Huy rất mừng vì Đan Uyên qua cơn sốc, tinh thần ổn định bình thường.
Đan Uyên đã biết sống vì mình và quên đi căn bệnh của mình.
Tất cả là nhờ Khánh Toàn. Mẫn Huy không ngờ ông bạn họa sĩ có trái tim nhân ái đã đồng cảm và giúp đỡ Đan Uyên vượt qua thử thách để Đan Uyên có cái nhìn thoáng hơn và không mặc cảm về căn bệnh thế kỷ.
Mận Huy cũng góp phần làm công tác từ thiện như Khánh Toàn và Đan Uyên. Anh miệt mài sáng tác tranh cát chuẩn bị cho đợt triển lãm nữa. Bán được tranh cát, Mẫn Huy sẽ tham gia làm từ thiện vớI Khánh Toàn. Anh gọi điện bảo Khánh Toàn triển lãm tranh chung như lần trước. Khánh Toàn đồng ý ngay.
...
Mẫn Huy khoe với bà Tâm khoe tờ quyết định ly hôn:
– Từ nay về mặt pháp lý con hoàn toàn tự do không có gì ràng buộc với Đan Uyên nữa.
Bà Tâm. Khuê thở phào:
– Như vậy cũng yên. Dính líu đến Đan Uyên chỉ càng thêm khổ, vừa bị nhiễm HIV vừa bệnh tâm thần.
Mẫn Huy đính chính:
– Cô ấy đã khỏi bệnh tâm thần rồi nội.
– Ôi! Cái bệnh nay vậy mai khác biết đâu mà nói.
– Tinh thần cô ấy đã ổn định rồi.
Bà Tâm Khuê nói như ân cần:
– Cũng tại nó thôi, chứ nội cũng làm hết khả năng của mình. Nội cũng không có gì ray rứt. Phải chi nó đàng hoàng chung sống với con thì hay biết mấy.
Mẫn Huy mỉm cười hóm hỉnh:
– Số con với Đan Uyên không có sống với nhau nội ơi!
Bà Tâm Khuê hỏi ngay:
– Vậy số con sống với ai?
Mẫn Huy lắc đầu:
– Con chưa có sống với ai cả.
Bà Tâm Khuê nói đùa. Nhưng mấy hôm sau thì bà nói thẳng với Mẫn Huy:
– Con phải lo cưới vợ gấp đi để nội có cháu ẵm bồng.
Mẫn Huy nhăn mặt:
– Từ từ đã nội!
Bà Tâm Khuê dài giọng kể kể:
– Nội chỉ có mình con là cháu đích tôn. Con phải có để sinh con nối dõi tông đường.
Mẫn Huy pha trò:
– Sao hồi đó nội không bảo mẹ con sinh cho nội nhiều nhiều cháu.
Huệ Ngân kêu ca:
– Cái thằng vậy mà giỡn được! Mẹ sinh chỉ có mình con nên con mới quý đó, Mẫn Huy xua tay:
– Con không thích làm của quý đâu mà phàn nàn.
Bà Huệ Ngân phụ họa theo mẹ chồng:
– Nội nói phải đó, Mẫn Huy. Con cưới vợ rồi lo trông nôm công ty phụ với bà. Còn nội với mẹ cũng có người hủ hì.
Mẫn Huy ngửa mặt lên kêu trời:
– Nội với mẹ thì luôn bắt con cưới vợ. Còn gặp ba thì bắt coi công ty. Sao cả nhà cứ chiếu cố đến con dữ vậy?
Bà Huệ Ngân mỉm cười:
– Vì con là con một.
– Con không ham làm con một đâu.
Bà Tâm Khuê cũng cười vui vẻ:
– Con một quý lắm nghe!
Bà Tâm Khuê vặn lại:
– Con làm gì mà không được, có ai không cho đâu.
Mẫn Huy phân bua:
– Con muốn làm gì cũng không được thoải mái.
Bà Huệ Ngân ôn tồn bảo:
– Trước nay con muốn làm gì thì làm có ai cản trở đâu. Con vẫn tự do kia mà.
Mẫn Huy phàn nàn:
– Ba nói thế nầy, nội nói thế kia, con thấy mất tự do khi làm việc riêng của con.
Bà Tâm Khuê la:
– Thôi, đừng có phàn nàn, cả nhà đều muốn tốt cho con.
– Con đã lớn rồi cứ xem con là con nít.
Bà Huệ Ngân ân cần:
– Cả nhà chỉ có một mình con nên chăm sóc kỹ.
Mẫn Huy kêu ca:
– Con sợ bị chăm sóc kỹ. Nội và mẹ hãy để cho con tự do đi!
Bà Tâm Khuê nói với vẻ bình thản:
– Nào có ai ép buộc con gì đâu. Nội chỉ nhắc con một điều quan trọng là cả nhà trông mong con cưới vợ.
Mẫn Huy hối hận vì đã báo cho nội và mẹ hay tin đã ly dị với Đan Uyên.
Nội biết tin lại thúc ép Mẫn Huy cưới vợ. Thật phiền toái.
Mặt Mẫn Huy nhăn như chiếc lá úa:
– Cưới vợ đã một lần khốn khổ cho con rồi, nói còn thúc ép con nữa.
Bà Tâm Khuê vẫn lạc quan:
– Không phải ai cũng như Đan Uyên.
– Nhưng con ớn lắm nội ơi! Một lần tởn tới già.
Bà Tâm Khuê nhìn Mẫn Huy, ánh mắt già nua nheo lại:
– Cái thằng nói nghe lạ. Tới tới già, chẳng lẽ con ở giá?
Mẫn Huy cười hề hề:
– Con ở giá thật đó!
Bà Huệ Ngân nhắc nhở:
– Đừng giỡn nghe con. Nội luôn trông mong có cháu cố.
Mẫn Huy cất giọng khôi hài:
– Phải hồi đó mẹ sinh thêm ba bốn thằng như con nữa.
Sợ chạm nỗi đau của con dâu vì bị mổ chỉ sinh được có một lần, bà Tâm Khuê dõng dạc nói với Mẫn Huy:
– Đừng nói lôi thôi gì nữa! Nhiệm vụ của con là phải sinh cháu cho nội và mẹ con.
Mẫn Huy giơ tay lên ra vẻ đầu hàng:
– Con xin chịu! Con không sinh được đâu nội ơi.
Bà Tâm Khuê bật cười:
– Bởi vậy nên con phải cưới vợ.
Biết là Mẫn Huy sợ bị bắt ép nữa, bà Huệ Ngân nói con trai yên lòng:
– Con cứ chọn theo ý con.
Hơi nghi ngờ, Mẫn Huy nhìn mẹ rồi nhìn bà nội:
– Có thật con được chọn theo ý con không nội?
Bà Tâm Khuê ra chiều dễ dãi:
– Con cứ chọn theo ý con, nhưng cũng phải là con nhà gia giáo,môn đăng hộ đối với gia đình mình. Nội không thể nào chấp nhận cái thứ bá vơ.
Nghe bà Tâm Khuê phán, Mẫn Huy chán ngán. Anh không có sẵn chẳng lấy đâu mà chọn. Nếu có sẵn thì cũng không đáp ứng được yêu cầu của bà nội.
Mẫn Huy lộ vẻ bất nhẫn:
– Nội bảo con tự ý chọn mà còn ra điều kiện cao quá.
– Vào gia đình mình thì phải con nhà danh giá cao sang chứ con.
Mẫn Huy đáp tỉnh bơ như một sự chống trả:
– Con chẳng chọn lựa gì cả. Yêu thì con cưới hà.
Bà Tâm Khuê giục:
– Thì con cứ cưới vợ đi. Tuổi con đâu còn trẻ nữa.
Biết cưới ai đây? Mẫn Huy ngồi trầm tư thả hồn về phương nào. Người đến rồi đi ngắn ngủi quá. Tình yêu chưa kịp đơm hoa nở nụ.
Nhớ quắt quay, khi bóng hình đã mất. Người có về chốn xưa cho tôi gặp lại?
Gần gũi và hiểu con trai hơn bà mẹ chồng, bà Huệ Ngân lên tiếng hỏi Mẫn Huy:
– Con đã quen cô gái nào, hãy đưa về đây chơi, rồi nội và mẹ sẽ lo cho.
Bà Tâm Khuê nghiêm giọng cảnh cáo:
– Phải là con nhà đàng hoàng, chứ cái thứ con gái chẳng có gì nội không bước tới đâu.
Cũng là áp đặt, bó buộc! Mẫn Huy bất bình không muốn nghe nội và mẹ bàn chuyện cưới xin nữa. Viện cớ bận việc, Mẫn Huy lui về phòng riêng.
Mấy hôm sau cũng đếngiờ cơm, ca nhà quây quần bên nhau thì bà Tâm Khuê cứ nhắc nhớ Mẫn Huy chuyện cưới vợ.
Chối quanh hẹn lần hẹn lựa mãi chẳng được, Mẫn Huy trốn luôn ở phòng làm việc lo sản xuất tranh cát.
Tuy nhiên, ở nhà có nguy cơ bị bà nội bắt ép phải cưới một cô gái xa lạ nào đó như lần trước, Mẫn Huy lo lắng không yên.
Thế là Mẫn Huy lại xách valy bỏ nhà đi xa, anh muốn sưu tầm mẫu cát màu mới.
Tìm cát màu ở khắp nơi, Mẫn Huy vẫn tìm lại vùng biển ngày xưa.
Vùng biển, bãi cát mịn, căn lều, ngôi nhà dưới chân núi. Tất cả ngập đầy kỷ niệm.
Hình ảnh Hồng Cát vẫn in đậm trong tim Mẫn Huy.
Căn nhà cũ trên núi không còn. Hồng Cát đã biến mất. Cô tiên biến đi đâu rồi.
Một mình trước biển, buồn nhớ mênh mông.
Phía bên kia là đồi núi giăng giăng. Chiều nghiêng bóng. Một mình Mẫn Huy đôi mắt xa trông.
“Chập chùng đồi núi là sương.
Sương gieo đẫm nát con đường tình yêu.
Em thơm thao giọt sương chiều.
Trong nghiêng lơi lả dặt dìu trong tôi!
Yêu em từ thuở hồng hoang.
Trăng thanh hao cả nhỡ nhàng bước quê!
Tôi bên nầy nhớ bên tê,.
Rừng lơ thơ nắng chiều đê mê tình.
Sương qua phố nui chạnh mình.
Nhớ thuơng đau đáu một hình bóng ai ...”.
Mẫn Huy cứ thắc mắc mãi, Hồng Cát đi đâu mà mất hút biền biệt. Tại sao cô không nói một lời với Mẫn Huy? Hồng Cát đi đâu? Ôi chẳng lẽ Hồng Cát mất tích? Nước cuốn em rồi ư?
Không! Mẫn Huy không tin Hồng Cát bị mất tích. Hồng Cát vẫn đâu đây, cô vờ giấu mặt với Mẫn Huy.
Thế là Mẫn Huy vội vã đi tìm Hồng Cát. Ngỡ như em đang chui vào quả thị.
Ngỡ như em đang chơi trò trốn tìm mà anh phải đi tìm. Em trốn nơi nào ngoài gờ đá, vách núi, dưới hàng cây hay lùm cát, ngoài vịnh hay trong căn lều. Em cười khúc khích và lao ra khi thấy anh tìm không được.
Tìm không được Hồng Cát, Mẫn Huy như rơi vào cơn chiêm bao, chỉ mong Hồng Cát hiện ra.
Đã bao lần Mẫn Huy cũng ao ước Hồng Cát hiện ra.
Em là tiên mà! Tiên đã biến mất thì cũng dễ hiện ra. Tại sao không? Nhưng trong Liêu trai hay mộng mị gì, Hồng Cát cũng không hiện ra để Mẫn Huy khắc khoai mong chờ, đau đáu một niềm đau.
Mẫn Huy trở lại chốn xưa. Mẫn Huy dựng căn lều tiếp tục tìm cát màu.
Mong nhìn thấy Hồng Cát đến vọc cát biết bao. Mong nhìn thấy em đem đến cho anh mớ rau rừng, con ốc biển.
Khao khát đến cháy lòng được nhìn thấy ánh mắt, nụ cười, dáng hình ai. Tất cá đã xa xăm mờ mịt. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm đóng băng buốt giá tái tim Mẫn Huy.
Anh đã trở lại đây và sẽ phải trở về. Còn em thì vắng bóng.
Mẫn Huy nao nao hát một tình khúc buồn.
Đêm mưa miền Trung sao đường về xa lắc.
Đi tìm nhau sao lòng trắng cánh cò.
Tình không duyên nên hẹn hò khó gặp.
Trời xui chi mưa vẫn cứ mua.
Anh vẫn thấy dòng sông mưa vô tận.
Trôi đời nhau lận đận suốt một thời.
Em đã nói không bao giờ chờ đợi.
Tình đã xa đành vậy phải xa luôn.
Mưa vẫn rơi chìm nổi những giọt buồn.
Mưa xao động chuyện từ trong ký ức.
Ngõ nhà ai hoa cau còn trắng rực.
Thương người về lặng lẽ dưới mưa ...
Có phải chúng ta không duyên nên hẹn hò khó gặp.
Không, chỉ tại chúng ta chưa một lần hò hẹn.
Và để trôi đời nhau lận đận suốt một thời.
Chẳng lẽ tình đã xa đành vậy phải xa luôn?
Anh không muốn xa em mất em đâu, Hồng Cát. Anh di tìm và khát khao được hạnh ngộ.
Em ở đâu có nghe tiếng lòng anh đang thổn thức? Có biết anh mong mong mỏi ngóng tin?
Hãy trở về đi em. Trở về như ngày nào làm cô Tấm hiện ra.
Hoàng hôn biển tuyệt đẹp. Không có em cùng ngắm với anh.
Tiếng thở dài phát ra, Mẫn Huy ngẩn ngơ nuối tiếc. Anh dùng cát viết tên Hồng Cát.
Hai tiếng Hồng Cát đậm đà phút chốc bị sóng biển xóa tan.
Mấy ngày ở biển kiếm tìm Hồng Cát chẳng được, Mẫn Huy cảm thấy buồn chán vô vọng.
Anh lại lao vào việc sưu tầm cát màu. Tưởng chừng như Mẫn Huy nhìn thấy hình bóng Hồng Cát trong sắc màu lung linh của cát.
Bất ngờ Mẫn Huy được điện thoại của bà Huệ Ngân nhắn gọi về gấp. Ông Mẫn Kha bị bệnh nặng đã nhập viện.
Hết mẹ đến cha bệnh, Mẫn Huy phát hoảng. Bình thường ông Mẫn Kha rất khỏe mạnh, mấy lúc gần đây hay bị cao huyết áp.
Chẳng biết tình trạng của cha thế nào, Mẫn Huy hối hả về thành phố ngay.