Số lần đọc/download: 266 / 35
Cập nhật: 2020-07-19 20:14:21 +0700
Chương 5 - Người Khách Bí Mật
Y
-von lấy lại can đảm, sau khi uống cạn ly huýt-ky. Từ tối đến giờ, nàng không còn nhớ đã uống ly thứ mười mấy.
Dầu được huấn luyện chu đáo để cáng đáng vai trò hiện tại, nàng vẫn hồi hộp lo sợ. Hồi chưa gia nhập hàng ngũ gián điệp, Y-von là đệ tử trung thành của tiểu thuyết toát bồ hôi lạnh. Mỗi đêm, ở vũ trường về, nàng không quên mang theo một cuốn truyện với vai chính đẹp trai, độc thân, bắn súng, đấu võ rất giỏi, và những vai phụ đa tình.
Tắm xong Y-von trèo lên giường, đọc truyện đến khi mí mắt nặng phĩu, và nàng ngủ thiếp. Trong giấc mơ, nàng quen nghe tiếng súng nổ chát chúa, tiếng la hét thất thanh, và tiếng xác người đổ phịch trên nền đất ướt.
Phút này, nàng mới thấy thực tế không giống tiếu thuyết. Y-von ném điếu thuốc Rothmans mới đốt xuống đất. Lòng nàng rạo rực một tình cảm khác thường.
Văn Bình ở xa mà như thể ngồi bên nàng.
Toàn thân nàng run rét. Nàng nhớ lại những cái hôn đắm đuối mà chàng điệp viên tài hoa gắn thật lâu, thật chặt, trên môi nàng. Trời ơi! Vậy mà bác sĩ lại bảo nàng sắp chết! Trong vòng từ sáu tháng đến một năm, nàng sẽ từ giã cõi đời.
Như máy, ngón tay trắng muốt của nàng mở cái ví da đen: ví của cô gái nuốt lửa Nancy. Trước giờ lên đường, nhân viên của Sở đã khám kỹ hành trang của nàng, bất cứ vật dụng nào không phải của Nancy đều bị loại bỏ. Rời khách sạn Philippinát ở Mani, nàng đẫ đưa ví da này cho người chồng hờ của nàng soát lại lần nữa.
Nhưng Y-von vẫn giấu được một kỷ vật quý giá. Đó là tấm ảnh của bé Hồng, đứa con gái duy nhất của nàng. Nàng cất bức ảnh bán thân trong túi, máy bay rời phi trường Mani một lát nàng mới dám vào phòng rửa mặt, rút
ra ngắm trộm cho đỡ nhớ.
Nàng nhớ bé Hồng lạ lùng. Lệ thường, mẹ nào chẳng nhớ con, phương chi Y-von là người mẹ ra đi không về. Trông cặp mắt to và sáng của đứa trẻ mũm mĩm, dường như Y-von đã bắt gặp cái nhìn sâu thẳm và ai oán của chồng nàng. Chẳng bao lâu nữa, Y-von sẽ sang thế giới bên kia, nàng sẽ gặp chồng.
Dầu sao cuộc đời trên trần thế vẫn đầy hoa và mộng. Nàng thèm sống vì bé Hồng. Nàng thèm sống vì người con trai hiên ngang và khả ái ấy vừa đi vào đời nàng.
Y-von thở dài. Một luồng hơi lạnh tê thâm nhập xương sống nàng. Nàng thấy rõ cái nắm cửa đang xoay.
Văn Bình đến chăng? Vậy còn an ủi nào bằng... Trong cảnh ly hương, một thân vò võ trên hòn đảo xa lạ, Y-von bỗng nhớ Văn Bình, yêu Văn Bình hơn ai hết, hơn bao giờ hết.
Nắm cửa vẫn quay từ từ.
Y-von sửa soạn một nụ cười thật tươi. Phi Văn Bình, còn ai vào đấy nữa. Cười với chàng xong, nàng sẽ ngồi gọn trong lòng chàng, bắt chàng hôn môi nàng rõ lâu, và nũng nịu đòi chàng ôm nàng vuốt ve nàng như thế mãi.
Cửa mở hẳn, một bóng đen lọt vào.
Y-von bàng hoàng như bị điện giật.
Nàng lầm. Bóng đen không phải Văn Bình. Hắn là người ngoại quốc tầm thước, khuôn mặt méo sẹo và cặp môi mỏng lét gây cho nàng một cảm nghĩ lo ngại. Người lạ ngó nàng bằng đôi mắt lươn ti hí, đầy tròng trắng gớm ghiếc.
Y-von chưa kịp lên tiếng, hắn đã cúi đầu:
- Chào bà.
Nàng thu hết can đảm vào câu hỏi:
- Không dám. Chào ông. Chẳng hay ông cần gì?
Người lạ cười ròn:
- Bà Nancy khéo đóng kịch ghê! Tôi đến đây là để mời bà đi.
- Đi đâu?
- Lẽ nào bà không biết?
- Xin lỗi ông, tôi không biết.
Hắn nhếch mép cười nham hiểm:
- Bà không biết nhưng tôi biết bà vừa nhận được lá thư.
Biết kẻ lạ mặt không phải người nàng cần gặp. Y-von thở dài:
- Việc riêng của tôi, ông hỏi làm gì?
- Việc riêng của bà, nhưng lại là việc chung đối với chúng tôi. Tôi trân trọng yêu cầu bà nghĩ lại. Bà nên hợp tác với chúng tôi. Như thế, tôi khỏi phải cưỡng bách bà, điều mà chúng tôi không thích.
Y-von nín thinh. Tên lạ mặt gật gù:
- Bà vẫn chưa chịu nói. Chắc bà đang bối rối. Vâng! Tôi sẵn sàng giành thêm thời giờ cho bà cân nhắc. Trong trường hợp bà đồng ý, bà có thể sửa soạn để đi ngay.
Y-vôn buông thõng:
- Tôi không đi được.
Tên lạ mặt nói:
- Vì bà có hẹn? Bà đừng giấu quanh vô ích. Tôi biết bà có hẹn bên Hồng kông, trên đường Queen's Road, trong vòng 1 giờ ruỡi. Tuy tôi nói ít, chắc bà đã hiểu. Bà quý mạng sống của bà, cũng như mạng sống của gia đình bà hiện ở đây. Cho nên tôi không tin bà từ chối để buộc chúng tôi phải nhẫn tâm làm dữ.
Y-von đau nhói nơi tim, như bị đâm mũi dao nhọn, ông Hoàng đã tiên đoán nhiều việc rắc rối có thể xảy ra, và khuyên nàng luôn luôn giữ bình tĩnh. Mỗi khi gặp biến nàng phải báo cho Văn Bình biết. Chàng có nhiệm vụ bảo vệ nàng. Nếu trở tay không kịp, nàng phải tìm cách kéo dài thời giờ.
Y-von bèn hoãn binh:
- Ông đã biết hết, tôi sẽ không dối quanh nữa.
Tên lạ mặt cười hềnh hệch:
- Bà biết điều, tốt lắm.
- Nhưng tôi chỉ thỏa thuận hợp tác với một điều kiện. Hẳn ông đã rõ tôi làm việc cho cơ quan R.U.. Người ta sẽ không để tôi yên nếu tôi tiết lộ bí mật. Điều kiện của tôi là sự đảm bảo an ninh.
- Bà đừng lo. Nội đêm nay, bà sẽ đi khỏi Hồng Kông. Dẫu họ rượt theo bà cũng không kịp.
Y-von giả vờ sửng sốt:
- Đi đâu thưa ông?
- Chưa nói được. Thật ra, tôi cũng chưa biết đi đâu. Nếu biết tôi chẳng giấu bà làm gì.
Y-von dò dẫm thêm:
- Vâng, tôi tin vào lời nói danh dự của ông. Tuy nhiên, tôi chỉ sẽ được hoàn toàn yên tâm để đi theo ông nếu được biết thêm một vài chi tiết cần thiết. Ông là ai? Ông thay mặt tổ chức nào?
Tên lạ mặt phá lên cuời:
- Đã sống lâu năm trong nghề, hẳn bà đã hiểu tôi không thể thỏa mãn đề nghị này của bà. Tôi đại diện ai, lát nữa bà sẽ rõ. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, bà có thể biết tên tôi. Người ta thường kêu tôi là Alen. Nhưng bà chớ lầm. Tôi không phải là A-len Đơn-lớt 1 đâu!
Hắn cúi nhìn đồng hồ. Đoạn giục:
- Đến giờ, mời bà đi ngay.
Y-von lắc đầu:
- Xin lỗi ông, tôi chưa đi được.
Alen tỏ thái độ ngạc nhiên:
- Bà đã hứa với tôi rồi mà!
- Vẫn biết đã hứa: nhưng ông chưa cho biết ông từ đâu đến.
Alen lắc đầu:
- Bà đòi hỏi quá nhiều. Tôi không thể chiều bà.
- Vậy ông đừng hòng nhờ cậy vào tôi.
Y-von thản nhiên chấm điếu thuốc Rothmans khét lẹt, thứ thuốc lá đắng họng mà cô gái nuốt lửa Nancy mê say hơn mê say tình nhân.
Đôi mắt lươn cùa Alen bỗng quắc lên, tròng trắng chuyển ra đỏ ngầu mầu máu. Hắn từ từ tiến gần Y-von. Hắn tát mạnh vào mặt nàng.
Nàng tránh không kịp nên bị đẩy chúi xuống đất. Tuy vậy, nàng không đau. Nàng la to:
- Ai cứu tôi với? Trời ơi!
Alen bĩu môi:
- Thông minh như bà thì không nên kêu cứu là hơn. Là người Trung Hoa bà đã biết Hồng kông là thành phố ồn ào như cái chợ ai làm gì mặc ai, không quan tâm đến người khác. Dầu bà la to, cảnh sát ập vào cùng vô ích. Tôi sẽ bảo họ bà là vợ tôi, hoặc là người yêu của tôi, và bà có tính ỉăng nhăng bất trị nên tôi đánh cho hả cơn ghen. Trăm phần trăm người ta sẽ tin tôi, vì bà còn lạ gì, người Tàu cho tính ghen là tính tốt, dạy vợ bằng võ lực là bổn phận của chồng.
Y-von im bặt. Đối phương vừa nói sự thật. Thật vậy, nàng có kêu cứu lớn hơn cũng chẳng đi đến dâu.
Y-von thở dài:
- Vâng, tôi chịu thua ông. Ông muốn đưa tôi đi đâu tùy ý.
Alen lách sang bên cửa:
- Mời bà ra trước.
Nàng mặc áo sường sám bằng gấm Thượng hải mỏng tanh màu hổ phách, xẻ thật cao. và may ôm lấy eo. Trông dáng đi rún rẩy của nàng, đố ai dám ngờ nàng mắc bệnh ung thư ruột nan y, đang chờ ngày bước sang bên kia thế giới.
Cửa thang máy xuống tầng dưới mở, Y-von chưa kịp buớc ra thì một tiếng chào quen thuộc cất lên:
- Chào Nancy.
Y-von nhận ra Woòng, gã bồi khách sạn đẹp trai hơn Nghiêm Tuấn, nam tài tử Hồng kông thường đóng chung với minh tinh điện ảnh Lý lệ Hoa. Thân hình vạm vỡ và khả ái của hắn đã trút bỏ bộ đồng phục công nhân khách sạn. Hắn diện áo vét xanh lơ, cái quần xanh nước biển cắt thật khéo. Nhìn hắn, người đàn bà náo cũng thấy con tim xúc động.
Y-von cười với hắn. Woòng hỏi:
- Nancy sang bên kia?
Bên kia tức là Hồng kông. Y-von gật đầu. Nàng không dám trò truyện nhiều vì sợ lộ tung tích.
Woòng đon đả:
- Ồ! Tôi cũng sang Hồng kông bây giờ. Tôi đưa Nancy đi được không?
Y-von chưa biết trả lời ra sao, Alen đã thân mật khoác tay nàng. Trước vẻ mặt ngơ ngác của gã bồi si tình, hắn kéo Y-von ra cửa.
Trời cao và mát. Nền trời láng mượt như được lợp vảỉ sa tanh, điểm những hạt kim cương lóng lánh nhiều màu huy hoàng. Gió quạt hơi mát từ bến đò máy về phía hai người.
Y-von dừng lại, hỏi:
- Đi đâu?
Alen dáp:
- Dĩ nhiên là sang Hồng kông.
Chợt nhớ ra điều gì, Y-von giả vờ bước hụt. Nàng ngồi thụp, ôm mắt cá bị đau.
Alen gắt:
- Gì thế?
Y-von rên rỉ:
- Không khéo tôi gẫy bàn chân.
Alen cúi xuống, loay hoay nắn cổ chân cho nàng.
Y-von nhăn nhó, suýt soa kêu đau không ngớt. Trong khi ấy, mắt nàng vẫn liếc trộm lầu 6 của khách sạn Pen. Kế hoãn binh của nàng đã thành công. Y-von vừa bắt gặp khuôn mặt quen thuộc của Văn Bình. Nàng nhắm mắt, thở phào sung sướng.
A-len hỏi:
- Hết đau chưa?
- Cám ơn ông, hết rồi.
- Thôi, chúng mình đi nhanh mới kịp.
Alen dắt tay nàng rồi lẩn vào đám đông....
° ° °
Trước cửa thang máy, Văn Bình đụng phải một thiếu phu đứng tuổi, béo tròn như hột mít, Thiếu phụ ngã chúi, bàn tay nắm lấy ve áo chàng, làm chàng mất thăng bằng, suýt đè chận cây thịt gần trăm cân nhầy nhụa.
Thiếu phụ lồm cồm bò dậy, tuôn ra một tràng tiếng Tàu. Thì ra thiếu phụ rủa mắng chàng xối xả.
Chàng nghiêng đầu xin lỗi. Thiếu phụ trả lời bằng cách day mạnh vào ve áo của chàng. Văn Bình thấy không giấu được vẻ bực bội. Chàng muốn tranh thủ thời giờ không ngờ lại gặp trở ngại vô lý.
Hồi nãy, đứng trên lầu 6, chàng thấy Y-von tần ngần dưới ánh đèn sáng quắc. Chàng biết Y-von rềnh rang đợi chàng can thiệp. Chàng không rõ mụ Tàu mập ú này vô tình hay cố ý kiếm chuyện với chàng, nhưng dầu sao chàng cũng phải giải quyết cho xong bằng phương pháp mạnh.
Văn Bình gạt tay thiếu phụ. Những móng tay sơn đỏ đâm tua tủa vào mặt chàng. Chàng có cảm tưởng mụ là tay sai của địch, được lệnh cản chân chàng.
Chàng né sang bên, thuận tay đẩy mụ lăn kềnh. Rồi chàng hối hả thót vào thang máy.
Qua bàn tiếp tân, nhân viên khách sạn lễ phép chào chàng:
- Thưa, ông đối tiền?
Văn Bình sực nhớ không có đô la Hồng kông nào trong túi. Chàng chỉ có một nắm mỹ-kim chưa kịp đổi. Nhưng chàng lắc đầu. Trong khi chàng đổi tiền, Y-von có thể bị mang đi mất hút.
Ra đến cửa, chàng phải trổ tài ngoại giao mới thoát khỏi sự soắn sít của một gã bồi thiếu niên, cứ muốn kêu tắc-xi cho chàng. Chùng xua tay:
- Tố chề (Cám ơn). Tôi ra bến phà.
Bến tầu sang Hồng kông chỉ cách khách sạn một quãng đường. Trời mưa bắt đầu nặng hột. Văn Bình không ngạc nhiên, tuy mấy phút trước vòm trời còn bóng mượt như nhung và tinh tú chiếu sáng như hột soàn. Thời tiết trên đảo vốn thay đổi thất thường.
Giờ này, bến phả còn đông. Văn Bình trèo cầu thang xi-măng. Chàng móc túi rút ra đồng 10 xu Mỹ bằng kền, trao cho nhân viên đò máy, đoạn đẩy cửa ra bến.
Phía trước là một hành lang dài thăm thẳm. Y-von bước chậm, níu lấy người lạ mặt như sợ trượt ngã. Hành khách qua lại rộn rịp nên Văn Binh đi sau Y-von mấy mét mà nàng không hề hay biết. Cũng có thể nàng biết nhưng giả vờ không biết để đánh lừa đối phương.
Văn Bình thong thả bước nương theo nền đất thoai thoải. Chàng trèo xuống con tàu chói lòa ánh sáng đang chờ sẵn ở phía dưới. Chàng đợi Y-von có chỗ ngồi ngay ngắn mới đảo qua mặt nàng báo nàng biết có chàng một bên hầu nàng khỏi hoang mang.
Chàng thoáng gặp trên môi Y-von một nụ cười thỏa mãn. Lượn xong một vòng, với dáng điệu du khách mới đến đảo lần đần, Văn Bình thong thả ngồi xuống gần mũi tàu. Mắt chàng phóng ra xa: Hồng kông ban đêm chan hòa ánh điện, tạo cho kẻ giàu óc tưởng tượng hình ảnh thần tiên của một thành phố ngàn lẻ một đêm.
Mưa đã ngớt, Văn Bình đánh diêm châm thuốc Salem. Chàng ngửa cổ, thờ làn khói xanh biếc. Hơi thuốc quen thuộc làm chàng khoan khoái. Chung quanh, mọi người cười nói ồn ào như ong vỡ tổ. Bên cạnh chàng là một đôi trai gái khoác chung cái măng tô ni-lông dầu những giọt mưa lác đác không đủ làm ướt quần áo. Xuyên qua lớp ni-lông mỏng như giấy bóng, Văn Bình thấy rõ bàn tay lợi dụng của gã đàn ông. Dưới ánh đèn, chàng suýt bật cười, khi thấy nét mặt ngẩn tò te vì tê mê của cô gái.
Trước mặt chàng cũng là một cặp tình nhân. Con tàu lướt nhẹ trên sóng, họ vẫn ôm cứng nhau, người đàn bà lẳng lơ trún kẹo cho người đàn ông. Văn Bình phải quay ra chỗ khác, để tránh tiếng thở dài. Mỗi đêm, hàng trăm cặp trai gái thường lấy con tàu lênh đênh trên vịnh Hồng kông làm nơi hẹn hò ân ái. Hai mạn tàu, lấp lánh những ngọn đèn vàng: đòn của những con đò dạ lạc. Không cần đến gần, chui hẳn vào khoang, Văn Bình cũng đoán được bên trong có hai người đang âu yếm nhau quên đời. Trên thể gian, có lẽ chưa có thú nào bằng thú được yêu nhau ban đêm trên biển Hồng kông.
Khoảng cách từ bến Cửu Long sang Hồng kông 1.200 mét đã được con tàu nuốt ngấu nghiến. Văn Bình đặt chân lên bộ, cùng lúc với Y-von. Chàng nhìn kỹ gã người Âu khoác tay nàng. Hắn chỉ cao xấp xỉ bằng chàng, nhưng bề ngang có vẻ đồ sộ hơn. Với dáng dấp nghênh ngang hắn phải là võ sĩ có hạng.
Bọn trẻ làm việc cho hang tàu đon đả mời chàng đi tắc-xi. Chàng phải gắt om mới hết bị quấy rầy. Du khách ở đây luôn luôn bị mời mọc một cách cưỡng bách, có khi phải cho tiền bọn trẻ dai như đỉa đói chúng mới chịu buông tha.
Văn Bình rảo qua đường Chanter. Khi ấy Y-vôn bị gã người Âu lôi đi thật nhanh. Hắn rẽ bên phải, vào đường Des Voeux, con đường chính của Hồng kông. Văn Bình rượt theo. Hai phút sau, hắn kềm Y-von dừng lại trước một tiệm ảnh. Trên quầy hàng, đủ loại máy chụp hình danh tiếng trên thế giới được trưng bày, và bán giá thật rẻ, rẻ bằng phân nửa nơi khác. Hồng kông là nơi mua sắm rẻ nhất. Tuy nhiên, Văn Bình không tin là gã người Âu có đôi mắt lươn ti hí đang dìu Y-von vào hiệu để chọn mua máy ảnh.
Chàng dừng lại theo. Một gã đàn ông cao lớn nghiêng đầu chào. Trên môi hắn, vắt vẻo điếu xì gà dài lêu nghêu.
Thì ra hắn xin lửa châm thuốc. Tại những dô thị đông đảo khách lạ xin lửa là thường. Nhưng làm nghề điệp báo Văn Bình không giấu được ngờ vực. Có thể đối phương giả vờ xin lửa, giữ chân chàng lại hầu đồng lõa kịp thời tẩu thoát vào bóng tối với Y-von.
Chàng giả vờ không nghe tiếng. Gã đàn ông cao lớn phải nhắc lại lần nữa. Chàng càu nhàu:
- Không có lửa.
Gã cao lớn nói:
- Ông nói dối. Tôi biết ông có bật lửa. Ông vừa hút thuốc trên đò máy, chính tôi còn nhìn thấy.
Văn Bình giật mình. Chàng đoán không sai: kẻ xin lửa là tay sai của địch. Ngay khi ấy, Y-von bị lôi đi. Văn Bình lạnh lùng buớc theo. Một cánh tay rắn chắc thộp vạt áo chàng kéo lại. Gã cao lớn vứt điếu xì gà xuống đường, miệng lẩm bẩm:
- Anh định cho lửa hay không?
Cười gằn, Văn Bình gạt nhẹ. Cánh tay khổng lồ của hắn bật ra. Chàng bồi atémi bằng cùi trỏ vào mặt hắn. Bằng đuôi mắt, chàng thoáng thấy bóng Y-von khuất vào đường Pedder.
Gã cao lớn hoành tay đỡ đòn. Văn Bình thúc đầu gối vào bụng hắn. Hắn gập người làm đôi, thốt ra tiếng kêu đau đớn.
Hắn chưa chịu ngã, Văn Bình bèn xoạc chân, sửa soạn phang một đòn cực hiểm quyết định song từ phía sau đã vang lên chuỗi cười thách thức, và một họng súng thọc mạnh vào hông chàng.
Thôi, thế là hết, Văn Bình đã bị phỉnh gạt như kẻ tập tễnh mới vào nghề. Tại khách sạn Pen người ta đã hy sinh một nhân viên để chàng không thể bảo vệ được Y-von. Từ khách sạn địch đã theo chàng xuống "bắc", sang bờ bên kia mới ra tay.
Một con tàu điện sơn màu lá cây xanh thẫm rầm rộ chạy qua. Óc chàng quyết định thật nhanh. Chỉ còn cách phản công liều lĩnh may ra chàng mới hóa giải được họng súng đen ngòm và bắt kịp Y-von.
Lẹ như điện, chàng quay nửa vòng, sống bàn tay đập vào nòng súng. Địch cũng nhanh không kém, ngón tay bóp cò, đạn nổ đoàng. Tuy nhiên viên đạn không trúng Văn Bình. Tàu điện sắp chạy qua. Chàng rún mình vọt qua đường sắt trơn như mỡ. Phát thứ nhì vèo theo, nhưng bị thân tảu cản lại. Văn Bình loin cồm bò dậy, cắm cổ chạy về đường Pedder.
Cuộc thử sức giữa Văn Bình và địch diễn ra trong vòng một phút ngắn ngủi. Thời gian ấy tạm đủ cho địch mang Y-von ra khỏi tầm tìm kiếm của chàng.
Ngoảnh lại, chàng thấy hai nhân viên địch co chân chạy theo.
Chàng phóng mình vào bin-đinh Gloucester. Phía trước chàng là ba cái thang máy đưa lên khách sạn. May thay, còn một cái mở cửa. Thiểu niên giữ thang máy ngẩng mặt hỏi chàng. Văn Bình xòe năm ngón tay ra hiệu.
Thang máy vừa đóng thì gã cao lớn bị chàng đánh ngã hồi nãy le te chạy tới. Chúng bị "lỡ tàu". Văn Bình thản nhiên hút thuốc lá trong khi thang máy chạy vùn vụt,
Tầng 5 của lữ quán vắng hoe. Giờ này, mọi người đều tập trung ở tầng 7, nơi có nhà ăn và văn phòng khách sạn. Cửa mở, chàng bước ra, một chú bồi mặt bấm ra sữa xán lại.
Văn Bình chìa cho hắn tờ đô-la Mỹ, kèm theo câu nói:
- Cảm ơn em, tôi không cần gì cả.
Đã quen với cử chỉ thất thường của khách, gã bồi trẻ tuổi chào chàng và lẩn ra chỗ khảc. Mắt Văn Bình dán vào những cây kim sáng trên cửa để theo dõi vị trí của thang máy.
Thang máy bên phải vừa phải vừa rút lên. Đến số 4, thang máy tốp lại. Văn Bình vứt thuốc lá vào chậu cát, thọc tay vào túi quần đợi cửa mở.
Gã cao lớn chạy bổ ra. Văn Bình lẳng lặng rình từng cử chỉ của hắn. Một đứa lên tìm chàng, đứa thứ nhì gác dưới nhà, Văn Bình nghĩ như vậy. Nghĩ xong, chàng hành động liền.
Đôi mắt tóe lửa của gã cao lớn chiếu vào chỗ chàng đứng. Hắn vội luồn tay lấy súng. Cuộc tấn công của Văn Bình đã được tính trước, không nhanh cũng không chậm một tích tắc đồng hồ. Phát atémi tuyệt luân của võ sĩ đai đen đệ tứ rơi đúng huyệt tsie n - tsing trên xương bả vai địch. Đòn này không làm địch mê man, chỉ gây ra sự đau nhức ghê gớm.
Văn Bình không giết đối phương vì có sẵn định kiến. Biết không còn hy vọng theo Y-von, chàng liền tương kế, tựu kế, mượn tay gã cao lớn đế khám phá ra sào huyệt địch.
Đối phương ngã vùi, Văn Bình lôi hắn vào phòng tắm kế cận. Rồi chàng nép mình chờ đợi.
Một phút sau, chàng đã tìm được phòng trống. Khách ngụ ở đỏ vừa mở cửa ra ngoài để lên nhà ăn. Văn Bình chờ thang máy đóng lại mới đẩy cửa phòng, kéo gã cao lớn vào theo.
Hắn là người Tàu trạc 35 tuổi, mép lún phún làn râu Hoa kỳ xanh biếc. Da mặt hắn sần sùi một cách gớm ghiếc, mắt hẳn bật ra như ốc lồi. Chỉ nhìn qua Văn Bình biết ngay hắn là nhân viên cấp dưới. Nguyên tắc gần như bất dịch của nghề do thám là điệp viên hữu danh có bộ mã phong lưu công tử, bọn anh chị mặt thẹo xấu xí thì được dùng vào công việc đâm chém thông thường.
Dàn đao búa ít khi được am tường bí mật quan trọng. Văn Bình đoán đúng: vừa mở mắt tỉnh dậy, phản ứng đầu tiên của hắn là van vỉ hèn hạ:
- Cháu chẳng làm gì hại ông, xin ông tha tội.
Văn Bình quắc mắt:
- Chủ mày ở đâu?
- Chủ nào ạ?
- Thằng cha người Âu khoác vai cô gái mặc áo dài mầu hổ phách.
Hắn nuốt nước bọt ừng ực:
- Dạ...
Văn Bình đá vào bụng hắn:
- Dạ cái gì? Tao chỉ hỏi mày một câu, thằng ấy dẫn cô gái đi đâu?
Hắn lắc đầu lia lịa:
- Thưa, cháu không biết. Cháu xin thề không biết. Hồi nãy, có một người lạ thuê cháu 50 đô-la Hồng kông dặn theo ông từ bến tàu tới đường Des Voeux thì chặn bắt ông, hoặc nếu không xong được thì giết.
- Bắt được thì chở về đâu?
- Cháu không biết.
- Thằng đợi mày dưới nhà biết không?
- Biết.
Chẳng nói, chẳng rằng. Văn Bình quạt atesmi vào giữa đỉnh đầu hắn. Hắn ngã xuống như 1 cây thịt vô tri giác. Lãnh ngón đòn khoa học này, hắn sẽ ngủ say nửa giờ là ít. Lát nữa chàng quay lên đây, tiếp tục cuộc điều tra cũng chưa muộn.
Văn Bình lại gặp gã thiếu niên giữ thang máy của khách sạn. Văn Bình cười duyên ấn vào miệng thằng bé láu cá thêm một tờ 5 mỹ kim mới toanh.
Hai phút sau, chàng nhô ra đường Pedder. Chàng xục xạo khắp nơi, song không thấy tên bắn súng hồi nãy. Bỗng nhớ ra điều gì, chàng trở lại thang máy.
Lên đến lầu 5, Văn Bình nép mình sát tường nghe ngóng. Đợi một lát, không có tiếng động khả nghi, chàng xồ cửa phòng có gã cao lớn nằm ngất. Chàng đau nhói nơi tim, và chết lặng một giây đồng hồ, nhìn vũng máu đỏ lòm trên sàn nhà...
Trước mắt chàng, gã cao lớn nằm dài, một tay đắp ngực, dường như muốn che dấu nhũng cái lỗ nhỏ xíu, do mũi dao nhọn gây ra. Hắn bị đâm nhiều nhát, nhát nào cũng trúng chỗ phạm. Mắt hắn trợn trừng, nửa sợ hãi, nửa kinh ngạc, chứng tỏ hắn không ngờ bị giết.
Văn Bình mở cửa nhìn ra hành lang. Địch đã lừa chàng lần nữa. Mới chân ướt, chân ráo đến cảng Thơm, trong vòng một buổi ngắn ngủi, Văn Bình đã bị phỉnh gạt hai lần, lần nào cũng thua sát nút. Và nếu không nhanh chân chàng sẽ sa lưới công an Hồng kông. Theo kinh nghiệm, chàng đã đoán chắc đối phương đã kêu điện thoại cho cảnh sát, báo tin án mạng trên tầng 5 khách sạn Glou-cester. Và công an sẽ xuất hiện cấp thời.
Chàng vừa lọt vào thang máy giữa thì thang máy bên trái mở rộng, hai công an viên người Anh nhô đầu ra. Văn Bình tái mặt, tháp tùng 2 công an viên là đứa bé giữ thang máy có bộ mặt hiền như đất.
Thấy chàng, nó kêu rối rít:
- Này ông, này ông, nó đấy!
Văn Bình tức sôi ruột. Tưởng nó là gã bồi chân chỉ hạt bột, chàng đã thưởng tiền hai lần, cả thẩy 6 đô-la Mỹ. Tính sang đô-la Hồng kông là 29 đồng. Ở một thành phố người khôn, của khó, đầy ắp dân tị nạn từ lục địa tới, thì 29 đô-la không phải ít. Văn Bình thường tự hào rành tướng diện, giờ đây mới biết trông mặt bắt hình dong là lầm.
Nghe đứa bé chỉ điểm, một tên công an nhảy bổ vào thang máy. Văn Bình đạp mạnh, hắn bị bắn ra ngoài, cửa thang máy xập lại. Văn Bình nghe rõ tiếng khẩu súng được rút ra khỏi vỏ.
Chàng đã biết trước hai công an viên sẽ phóng nhanh xuống tầng dưới bằng cầu thang xi-măng, nên chàng hãm thang máy, thót ra hành lang.
Trong khi họ chạy xuống, chàng ung dung trèo lên lầu chót. Bề nào thì Y-von cũng đã bị mang đi biệt tích, chàng có chấp cánh vào chân cũng không tìm ra được nữa. Mỏi mệt quá, chàng phải ngủ một giấc lấy sức.
Nhưng hiện thời bụng chàng đói cồn cào. Chàng phải kiếm cái gì ấm áp để cung cấp cho thần khẩu khó tính.
Chàng chọn cái ghế mây trong góc tối. Bồi xun xoe tiến lại. Chàng ra lệnh:
- Một chai huýt-ky...
Gã bồi trố mắt hỏi lại:
- Thưa, một ly?
Văn Bình gắt:
- Không. Một chai.
- Trời ơi!
- Có gì mà anh kêu Trời! Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, anh chưa thấy ai uống cả chai huýt-ky hay sao?
- Thưa chưa.
- Vậy thì người ấy là tôi. Nếu anh không tin, anh cứ đứng đấy mà xem.
Gã bồi đi khuất, Văn Bình đâm ra bực mình. Không phải lần đầu chàng gặp khó khăn trong việc uống ruợu tại các nhà hang sang trọng. Khách ở đây chỉ uống ba bốn ly là cùng. Phần vì đắt tiền, phần vì uống cả chai huýt-ky nguyên chất không phải là việc ai cũng làm được. Hồi nãy, Văn Bình trốn lên đây để kiếm một nơi yên tĩnh, nhấm nhi và chất thức ăn đầy bao tử cho khuây sầu; ngờ đâu, với thành tích uống cả chai rượu mạnh chàng sẽ biến thành mục phiêu cho thực khách trầm trồ bàn tán. Và trong trường hợp này công an khách sạn sẽ để ý đến chàng.
Chàng bèn đứng dậy.
Thừa dịp không ai quan tâm, chàng lẻn ra cầu thang, đổ xuống tầng dưới. Mục đích của chàng là tìm đứa bé xỏ xiên gác thang máy, tặng nó một kỷ niệm nho nhỏ. Chàng cảm thấy khoan khoái khi nghĩ đến mũi, và tai thằng bé bị chàng véo đỏ lòm. Chàng không tin nó là tay sai của địch. Là tay sai của thần đô-la có lẽ đúng hơn. Dầu sao nó cũng đáng bị trừng phạt.
Đứa bé thường ngủ gà ngủ gật trên cái ghế đẩu gần thang máy. Kinh ngạc xiết bao: chàng đã không thấy nó đâu. Cái ghế đẩu nằm còng queo trong xó.
Chàng nhìn quanh. Gần đấy là phòng tắm. Chàng chợt hiểu. Sự việc khó thể xẩy ra khác với sự tiên đoán của chàng.
Cái chàng mục kích trước tiên khi cửa phòng tắm hé mở là xác một thiếu niên sóng sượt trên nên gạch bông màu vàng ướt át. Văn Bình lật ngửa cái xác nóng hổi: nạn nhân đúng là đứa trẻ giữ thang máy.
Văn Bình khẽ thở dài. Đối phương giết người không gớm tay. Chàng lục túi đứa bé. Trong người nó không có một xu, địch giết nó vừa để bảo vệ bí mật, vừa để đòi lại mấy đô-la cho nó.
Văn Bình rảo lại cầu thang cấp cứu. Năm phút sau chàng đã có mặt trên đuờng Des Voeux.
Đặc điểm của cảng Thơm là nơi nào cũng thấy cửa tiệm. Trong nhà. Ngoài đường. Trên vỉa hè. Cái gì cũng có. Cái gì cũng rẻ. Văn Bình không tìm được chỗ chen chân khi chàng tạt qua hai đường hẻm Lee Yuen, tuy ngắn ngủn, và nhỏ xíu, nằm kẹt giữa đường Hoàng hậu và đường Des Voeux nó lại là nơi bán đồ rẻ nhất. Cách đó một quãng cũng có hai con hẻm thi vị khác. Cũng bán đồ rẻ nhất. Ngày xửa ngày xưa, khách thường đến đó để mua bán... gái tơ và nàng hầu.
Đảo Hồng kông vẫn rộn rịp, ồn ào như thường lệ nhưng lòng Văn Bình lại đìu hiu như bãi vắng không người.
Đến bến, chàng nhảy xuống một con đò máy tư nhân. Quăng cho cô gái giữ đò một tờ mỹ kim mới toanh, chàng thu hình trong khoang, trái với thói quen cố hữu, chẳng buồn chiêm ngưỡng pho tượng bằng xương, bằng thịt đang uốn éo trước mặt. Tim chàng đã biến thành khối sắt nguội.
Chàng xua tay:
- Không. Cám ơn. Yêu cầu nị chở tôi thật nhanh sang Cửu Long. Càng nhanh càng tốt. Còn cái kia hẹn nị đến lần khác.
Cô lái đò nhìn chàng bằng cặp mắt bốc lửa, không phải thứ lửa thường mà là lửa 10.000 nhiệt độ, dư sức nấu sắt thành nước. Văn Bình cứ lặng thinh. Vì chàng phải nghĩ đến Y-von, nghĩ đến ông Hoàng ngồi một mình với cặp kính cận thị dày cộm và điếu xì gà Ha-van khét lẹt dưới biển, trong một hang đá khá sâu gần đảo Lan Tao.
Đò ghé bờ.
Văn Bình bước nhanh về lữ quán Pen. Địch đã sai nhân viên bám chàng từ khách sạn Pen sang Hồng kông.
Địch đã bố trí hại chàng giữa đường phố đông đúc. Địch đã dùng rồi giết thằng bé giữ thang máy. Địch đã báo công an đến bắt chàng về tội sát nhân mặc dầu chàng không phải là thủ phạm.
Ngần ấy biến cố chứng tỏ địch không muốn cho chàng sống nữa. Như 2 với 2 là 4, địch đã tiên đoán nội đêm nay chàng phải quay về khách sạn Pen hoặc lấy hành lý, hoặc lục lọi trong phòng Y-von.
Nghĩa là địch đang chờ chàng trong khách sạn.
Nhưng Văn Bình cứ quay về. Chàng sẽ dùng miếng mỡ béo ngậy đánh lừa chú mèo tham ăn.
Lên đến tần G, Văn Bình ung dung lấy Salem ra hút. Nếu địch nấp trong bóng tối, chàng sẽ cho chúng có cơ hội nhìn thấy chàng. Đến cửa phòng Y-von, chàng nhẩn nha dừng lại. Giả vờ điếu thuốc lá không bắt lửa, chàng quẹt thêm một cây diêm.
Đoạn chàng rềnh rang mở cửa. Như chàng trù liệu, cửa phòng Y-von không khóa bên trong. Và như chàng trù liệu, một người khách lạ thản nhiên ngồi đợi chàng trong phòng.
Phải là kẻ đã thu thập được nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp như Văn Bình mới không thốt tiếng kêu sửng sốt. Đành rằng Văn Bình đoán trước có người đợi chàng. Nhưng chàng không thể ngờ lại là người ấy. Sau bao năm ngang dọc, hình bóng hắn vẫn ám ảnh trong tâm trí của chàng. Giờ đây hắn lại xuất hiện. Hắn ngồi chĩnh chện trước mặt chàng, điếu thuốc phì phèo trên môi, vẻ mặt phây phây như một phú thương vừa trúng một vụ làm ăn lớn.
Thấy chàng, hắn hơi tái mặt. Nhưng chỉ nửa giây sau, hắn trở lại thản nhiên như thường. Văn Bình đứng khựng, mắt mở rộng, hướng vào cái cà-vạt sặc sỡ trên cổ người khách bí mật.
Người khách khoan thai đứng dậy, chìa tay ra. Văn Bình cũng lễ độ chào:
- Hân hạnh được gặp lại đồng chí Xi-lốp.
Xi-lốp cười nửa miệng:
- Không dám. Chào bạn Văn Bình.
Trong đời vào sinh ra tử, Văn Bình không thể nào quên được Xi-lốp. Cách đây không lâu, chàng chạm trán Xi-lốp tại Hà nội. Hồi ấy, Xi-lốp giữ chức trưởng ty đặc phái R.U. Văn Bình lập kế giết Bê-rếp, phụ tá đắc lực của hắn, rồi ngang nhiên bắt cóc nhà bác học nguyên tử Bi-la-tốp ngay ở trước mũi hắn rồi mang về Sài gòn.
Lần sau, Văn Bình cũng đụng Xi-lốp ở Hà nội. Và cũng như lần trước, chàng đã tặng hắn một bài học cay hơn ớt mọi. Hệ thống điệp báo của Xi-lốp ở miền Nam bị chàng phá tan hoang, và đau đớn hơn nữa, chàng đã trêu cợt vợ hắn, và làm Mai Hoa, người yêu của hắn thiệt mạng trên cầu Hiền Lương trong một cuộc trao đổi con tin. 2
Lần này là lần thứ ba. Sự bất quá tam, không lẽ phen này Xi-lốp chịu để Văn Bình thoát cũi, xổ lồng.
Văn Bình quan sát Xi-lốp từ đầu xuống chân. Mới xa nhau một thời gian ngắn mà chàng thấy hắn già khọm. Hắn cố tỏ ra còn trẻ, với cái cà-vạt màu đỏ chói lọi, và bộ âu phục may đúng thời trang bằng hàng lụa đắt tiền, nhưng vẫn không giấu được những nếp răn trên trán, ở đuôi mắt và mái tóc điểm sương non nửa. Hắn cũng không giấu được những cử chỉ cứng nhắc, tố cáo hắn là cựu quân nhân.
Thật vậy, Xi-lốp là cựu võ quan cấp tá của Hồng quân. Văn Bình không biết rõ cấp bậc của hắn nhưng dường như hắn là đại tá. Đại tá, nghĩa là cao hơn chàng một cấp, vì chàng mới đeo Ion trung tá. 3 Nhờ bộ óc thông minh và tháo vát, Xi-lốp đã làm nhiều vụ kinh thiên, động địa trong thời gian được đặc phái tại các nước Đông Âu. Một tay hắn đã tiêu tiêu diệt hệ thống do thám đắc lực của Tây phương ở Prague, Vạc-sô-vi, Buy-ca-rét và Buy-đa-pét..
Sự hiện diện đột ngột của Xi-lốp không làm Văn Bình lo sợ. Nếu hắn là nhà thiện xạ trăm phát trúng trăm, thì Văn Bình cũng không đến nỗi kém tài. Chàng lại trội hơn hắn một điểm: chàng ít tuổi hơn và quen với nếp sống hoạt động hiểm nghèo. Ngồi bàn giấy đã lâu, họa hoằn mới "hạ sơn" xông pha hòn đạn mũi tên, Xi-lốp khó có thể chiếm thế thượng phong.
Vì thế, chàng nhoẻn miệng cười, tròng mắt chàng lóe sáng một tia ngạo nghễ. Xi-lốp ném mẩu thuốc đang cháy dở xuống đất. Đoạn quắc mắt, dằn từng tiếng:
- Văn Bình? Giờ chết của anh đã điểm. Lần này, anh đừng hòng thoát chết như những lần trước..
Văn Bình bật ra tiếng ồ kinh ngạc. Chàng nghĩ rằng Xi-lốp chưa có đủ bản lãnh đánh chàng ngã..Chàng lầm. Từ góc phòng vẳng lại tiếng "lách cách" đặc biệt. Tiếng đạn nhảy vào nòng tiểu liên.
Văn Bình nhìn về phía cỏ tiếng động. Ánh thép của khẩu tiểu liên tối tân sáng ngời dưới ánh đèn nê-ông. Chàng nhận ra khuôn mặt gớm ghiếc của gã cầm súng. Ngón tay mềm mại đặt trên cò chứng tỏ hắn là kẻ xử dụng tiểu liên lành nghề.
Trong khi ấy, Xi-lốp lẹ làng rút khẩu Nagan bóng loáng, hắn nói bằng giọng thật nhỏ nhẹ:
- Thôi, anh còn đợi gì nữa? Giơ tay lên?
Văn Bình ước lượng bằng mắt. Xi-lốp đứng cách chàng một mét. Nếu chàng bước lên hoành tay chộp được khẩu Nagan và xoay thân hắn ra làm mộc thì tên cầm tiểu liên sẽ chẳng làm gì nổi chàng...
Nhưng chàng chưa kịp phóng người ra đằng trước thì cảm thấy đỉnh đầu đau nhói. Văn Bình ngã khuỵu. Rồi chàng không còn biết gì nữa.....
1. A-len là phiên âm của Allen. Alen Đơn-Lớt tức là ô ng Allen Dulles, c ố t ổ ng giám đốc Trung tâm Tình báo C. I.A. của Mỹ.
2. Xin đọc " Z.2 8 Vượt Tuyến" và " Z. 2 8, Gián điệp Nhị trùng ", để theo dõi những c u ộc đụ ng độ kinh hồn giữa Văn Bình và Trưởng ty R.U. S ô - viết, Xi-l ố p...
3. Hồi này, Z.28 còn là Trung tá...