A good book is always on tap; it may be decanted and drunk a hundred times, and it is still there for further imbibement.

Holbrook Jackson

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Vu Duy
Upload bìa: Vu Duy
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 48
Cập nhật: 2020-12-23 17:01:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 - Truyện Thứ Tư - Kinh Kong - Anh Hùng... Phản Quốc
hắng lợi của đại tá Osaki trong vụ siêu điệp viên Sót là một thắng lợi lớn của ngành Phản gián điệp. Nhiều người đồng ý là nếu giám đốc Phản gián Đông kinh hồi ấy không phải là Osaki thì vị tất Sót bị sa lưới. Tuy nhiên, các chuyên viên phản gián lại nghĩ khác: họ cho rằng Sót để lại quá nhiều hớ hênh nên bị tóm cổ là đúng. Sót lộng hành trong 8 năm liền rồi mới bị lột mặt nạ, đại tá Osaki chưa thể được coi là giỏi. Dầu sao, Osaki còn có phương tiện và nhân sự dưới tay.
Như đại tá người Hòa lan Oreste Pinto mới thật là giỏi. Ông có tài đánh hơi, chỉ nhìn qua một người, đưa đẩy vài ba câu chuyện tầm phào là xuyên thấu được tâm can của họ. Pinto điển hình cho loại chuyên viên phản gián thầm lặng, quanh năm ngồi trong phòng giấy, thẩm cung, nghiên cứu hồ sơ. Vụ Christian Lindermans, anh hùng kháng chiến chống Đức Hòa lan, hỗn danh là King Kong, được công chúnq ca tụng, bái phục, là một trong những vụ phản gián quan trọng nhất trong thế chiến thứ hai, và cũng là một trong những thành tích quan trọng nhất đưa đại tá Pinto lên hàng thủ lãnh phản gián quốc tế.
Công cuộc điều tra của ônq đã lột mặt nạ nhiều điệp viên địch, 7 tên bị hành quyết. Trong những tuần cuối cùng của thế chiến, ông được giao phó một nhiệm đặc biệt tại SHAEF (Supreme Headquarters Allied Expeditionary Forces — Tổng hành Doanh Tối cao Lực lượng Viễn chinh Đồng minh). Trong khi quân Mỹ, Anh và Gia-nã-Đại tiến qua Bỉ và Hòa lan, ông có bổn phận thộp cổ bọn gián điệp và phá hoại do Đức quốc xã gài lại. Ông bèn lập các trung tâm tiếp cư được canh phòng cẩn mật để gạn lọc phần tử tay sai của địch.
Do một sự ngẫu nhiên kỳ thú, ông khám phá ra King Kong. Hồi ấy, thống chế Mon-go-mê-ry (Montgomery), cho toán binh sĩ nhảy dù xuống Ac-nơ-hem (Arnhem), chặn hậu tuyến địch, với hy vọng tiến thật sâu vào đất Đức, hợp với mũi dùi thiết kỵ của đồng minh. Kế hoạch thả quân này, nếu thành công, sẽ có thể rút ngắn chiến cuộc 6 tháng, nghĩa là đại chiến thứ hai có thể kết thúc vào lễ Giáng sinh năm 1944. Nhưng kế hoạch táo bạo của đồng minh bị thất bại. Sau 10 ngày bị kẹp trong cái bẫy mỗi ngày một thắt hẹp, binh sĩ dù đã phải rút lui để lại trên chiến địa 7000 thương vong.
Nguyên nhân thất bại không phải vì lính dù chiến đấu kém. Cũng không phải vì cuộc hành quân thiếu chuẩn bị, hoặc chuẩn bị thiếu sáng suốt. Tất cả đã được trù liệu.
Song điều Đồng minh quên trù liệu - hoặc không bao giờ ngờ đến — là bộ tư
lệnh địch đã biết trước nơi đổ quân. 7.000 thương vong trong tổng số 10.000 binh sĩ nhảy xuống Ac-nơ-hem. Điều Đồng minh không bao giờ ngờ đến là cái chết của 7.000 binh sĩ dũng cảm hoàn toàn do một cá nhân gây ra.
Tên phản bội ghê tởm này là Kinh Kong. Khi ấy King Kong đang là anh hùng kháng chiến, danh tiếng nổi như cồn...
I.
Đối với tiêu chuẩn tây phương thì cao một mét chín chỉ đủ được gọi là khá cao, chưa phải cao quá khổ. Tuy nhiên kiếm được một người cao mét chín mà cân nặng 115 kí thì chẳng dễ chút nào.
Bởi vậy gã đàn ông đang khệnh khạng gồng cánh tay khoe bắp thịt trước cổng trại tiếp cư ở ngoại ô An-ve (Anvers) một thị trấn Bỉ, đã thu hút được một đám đông đáng kể. Người lính gác cổng trại thuộc 1 binh chủng quân cảnh, nghĩa là binh chủng toàn thanh niên cao to, bỗng nhiên bị lút hẳn. Gã đàn ông lạ vượt hơn người lính một cái đầu. Về bề ngang, còn thua tai hại hơn nữa: vai gã đàn ông như trái núi thịt, hắn mặc bộ đồ kaki ngắn tay để lộ bắp thịt vai lớn hơn cả bắp đùi đại lực sĩ. Ngực hắn vĩ đại đến nỗi làn vải kaki như muốn rách bung. Đặc điểm của thân thể hắn là không thấy mỡ bèo nhèo, mặc dầu hắn cao to, chỗ nào trên người hắn cũng đều bằng thịt, và rắn chắc như bọc thép...
Chỉ riêng khối thịt khổng lồ của hắn đã khiến thiên hạ kinh hồn táng đởm, huống hồ hắn còn đem thêm từ đầu xuống chân một công binh xưởng vũ khí nữa. Nơi thắt lưng da to bản tòng teng hai con dao rèn bằng thép đen, tiếng là dao nhỏ nhưng lớn không thua mã tấu. Khẩu súng lục Luger nòng dài lê thê, được gắn thêm bộ đồ nhắm xa cồng kềnh, nằm dọc trên mông phải. Khẩu tiểu liên Schmeisser vắt ngang bộ ngực rộng mênh mông. Loại tiểu liên này đâu đến nỗi nhỏ, thế mà ở trên ngực hắn đã trở thành cái súng bắn nước tí hon của trẻ em. Chưa hết, túi quần, túi áo của hắn đều căng phồng xoàng ra cũng chứa 5,7 trái lựu đạn.
Gã khổng lồ ôm mỗi tay một cô gái, chung quanh hắn số người hiếu kỳ mỗi lúc một gia tăng. Chú lính gác cổng có vẻ lúng túng. Nhiệm vụ chú lính là cấm người lạ đột nhập vào trung tâm tiếp cư. Nhưng gã khổng lồ cứ khệnh khạng bước tới, giọng vang rền như sấm:
- Nè hai chú kia, hai cô em này là công dân Hòa lan yêu nước chính hiệu, phiền chú nói với ông đại tá của chú rằng anh hùng Kinh Kong đứng ra bảo đảm. Đại tá phải trả tự do tức thời cho họ để họ uống rượu với tôi nghe chưa.
"Ông đại tá" mà Kinh Kong vừa nhắc tên chính là đại tá Oreste Pinto.
Pinto đi ngang, nghe tiếng ồn nên đứng lại. Ông nghe danh con người mang hỗn danh Kinh Kong từ lâu. King Kong là thủ lãnh can trường có một không hai trong hàng ngũ kháng chiến Hòa lan. Trên các vùng đất bị Đức quốc xã chiếm đóng ở châu Âu, ít ai không biết tiếng và không khâm phục King Kong, người có sức khỏe ghê gớm, không hề biết sợ trong bất cứ trường hợp nào, người từng đánh quân Đức những trận thất điên bát đảo.
Tuy vậy, là ai nữa cũng phải tôn trọng kỷ luật. Dầu là anh hùng kháng chiến King Kong cũng không được nghênh ngang đột nhập trung tâm tiếp cư, bất chấp nguyên tắc an ninh, đòi thả hai trại viên trong khi cuộc điều tra chưa hoàn tất...
Ông bèn lớn giọng kêu hắn:
- Anh kia lại đây.
King Kong quay lại, mắt hơi chớp, đoạn thả hai cô gái ra. Hắn lấy ngón tay trỏ — lớn bằng nắm tay người khác — chỉ vào bộ ngực bê tông cốt sắt của hắn:
- Ông muốn nói chuyện với tôi?
Pinto đáp:
- Phải, đích anh. Lại đây tôi bảo.
Hắn lưỡng lự một giây rồi rầm rộ bước lại. Pinto không lấy gì làm cao nên trông như chú lùn đứng trước ông khổng lồ. Trước khi Kinh Kong cất tiếng, Pinto sờ ba ngôi sao vàng dính trên cánh tay áo hắn, giọng hơi gay gắt:
- Anh lấy quyền nào để đeo cái này? Anh là đại úy hả? Đại úy thuộc quân đội nào?
King Kong thở phù phù:
- Ba ngôi sao vàng hả? Tôi được quyền đeo lon theo lệnh của Kháng chiến quân bí mật Hòa lan.
- Té anh là của Kháng chiến. Nhưng tên là gì?
- Tên tôi hả?
Hắn tỏ vẻ vô cùng kinh ngạc. Hắn kinh ngạc là phải vì hắn lừng danh như vậy không lẽ một sĩ quan cấp tá quèn không biết. Hắn bèn quay một vòng về phía đám đông, nhún vai một cách miệt thị, để như muốn nói "hừ, ông là đồ quê mùa, đồ cù lần, đồ ngu dốt, đứng trước King Kong vĩ đại mà chẳng thấy gì cả".
Rồi hắn nói oang oang:
- Tên tôi hả, đại tá? Ở đây, ai ai cũng biết tên tôi. Tôi đang ngụ tại tổng hành doanh của Kháng chiến quân Hòa lan.
Hắn ngưng nói, ưỡn phồng bộ ngực tủ đứng với dụng ý khoe khoang:
- Mọi người thường gọi tên tôi là King Kong.
Hắn nghiến răng, nắm chặt bàn tay chẳng khác con khỉ King Kong trong xi-nê. Đại tá Pinto chạm tay vào báng khẩu súng lục Walthur đeo dưới nách trong tư thế chuẩn bị rút bắn. Sau này kể truyện lại, ông cho biết nếu King Kong chộp được ông, hắn chỉ vặn nhẹ là ông gẫy xương cổ, và tất ông phải lẩy cò ngay để tự vệ. Song hắn chỉ trố mắt nhìn ông mà không làm gì hết.
Sự rụt rè của hắn làm Pinto vững tâm và lấn át thêm:
- Anh không phải là đại úy trong quân đội Hòa lan nên không được quyền đeo cấp bậc đại úy.
Nói đoạn, ông giật phăng miếng da đính ba ngôi sao đại úy óng ánh vàng. Miệng của King Kong trễ ra trong sự tức tối, da mặt hắn đỏ ửng. Khi ấy hắn có thể làm liều vì tự ái bị va chạm nặng nề. Nhưng không hiểu sao hắn lại bước lùi. Bước lùi, thay vì bước tới để tấn công. Khổng lồ King Kong đột nhiên có thái độ ngượng ngùng, gần như xấu hổ của cậu học trò trốn học đi chơi bị bắt quả tang. Hắn thè lưỡi liếm mép, rồi nói:
- Tôi sẽ chính thức khiếu nại về sự cư xử của đại tá.
Không chờ Pinto đáp, hắn rảo bước ra xa, bỏ lại hai cô gái và đám đông ái mộ ngây người trong cơn sửng sốt chưa từng thấy.
II.
Đó là buổi gặp gỡ ngẫu nhiên giữa đại tá phản gián Pinto và anh hùng kháng chiến King Kong.
Theo lời Pinto nếu ông gặp King Kong ở một nơi nào khác thì ông đã không ngần ngại xiết chặt tay khen ngợi hắn. Vì nhờ sự hy sinh dũng cảm của hắn, nhiều người tị nạn và phi công đồng minh bị bắn hạ trên vùng trời Hòa lan do Đức chiếm đóng đã thoát hiểm. Hắn đã đích thân dẫn họ qua vùng địch bằng những lộ trình an toàn. Hắn đã chỉ huy những vụ phục kích đẫm máu, đánh đuổi mật vụ địch chạy như vịt. Nếu hắn tôn trọng kỷ luật, không xồng sộc vượt qua cổng trại, và không đòi thả hai cô gái, chắc Pinto đã mời hắn vào câu lạc bộ sĩ quan khui chai rượu ngon nhất mời hắn cụng ly. Pinto là chỉ huy trưởng an ninh trong trại tiếp cư, ông bắt buộc phải "cạo" King Kong để làm gương cho kẻ khác.
Nhưng có lẽ lý do khiến ông nặng lời với King Kong là sự "đánh hơi" của giác quan thứ sáu. Ông hoạt động từ lâu trong ngành Phản gián, nên giác thứ sáu bén nhậy khác thường; đứng trước gã khổng lồ đeo súng đạn đầy mình ông bỗng cảmthấy có một cái gì là lạ khó hiểu. Nhiều câu hỏi hiện ra trong óc ông: tại sao King Kong chấp nhận quá dễ dàng, gần như ngoan ngoãn trước sự đối xử quá cứng rắn, quá phũ phàng của ông? Một anh hùng kháng chiến như hắn, dẫu rằng làm quấy đi nữa, cũng không thể chịu rút dù một cách yếu ớt đến thế. Trừ hắn là anh hùng kháng chiến giả mạo...
Bán tín bán nghi, đại tá Pinto trở về văn phòng tình báo của tổng hành doanh SHAEF. Ông hỏi viên sĩ quan phụ tá về lý lịch của King Kong. Sĩ quan này đã lăn lộn nhiều trong trường đời, cũng như ngoài mặt trận, từng đeo lon trung sĩ trong đạo quân Lê dương Pháp và hoạt động gián điệp ở Bắc-Phi. Y có trí nhớ phi thường, y thường được coi là cuốn tự điển bách khoa sống về các phong trào kháng chiến bí mật tại châu Âu và lý lịch các điệp viên phục vụ cho đồng minh hay Đức quốc xã.
Tự điển sống suy nghĩ một lát, vẻ mặt đăm chiêu, trán hơi ríu lại, đoạn tuôn một hơi:
-Tên thật của đương sự là Lin-đơ-man (Lindermans). Sinh tại Rốt-tơ-đam (Rotterdam), con một ông chủ ga-ra. Nguyên là võ sĩ và đô vật. Say rượu ẩu đả trong các quán rượu và đã đánh chết nhiều người. Có cả chục bạn gái thân thiết.
Y cười đắc thắng và hỏi:
- Đại tá muốn biết gì thêm nữa không?
Pinto đáp:
- Anh em?
- Thưa, hắn là anh cả trong gia đình 4 anh em, toàn thể đều tham gia kháng chiến, và đều hoạt động trong đường dây đưa người từ hậu địch ra vùng tự do.
- Có ai bị chết không?
Viên sĩ quan phụ tá bóp trán một phút và nhún vai bước lại tủ đựng phiếu tài liệu, loay hoay lựa chọn, sau đó rút ra một tấm phiếu, đọc lướt qua:
- Thưa, không người nào thiệt mạng. Có lần đứa em út bị Phòng Nhì Đức bắt giữ. À, cô bạn gái khá thân của King Kong, tên là Verônica, làm nghề ca vũ, cũng bị bắt giữ. Cả hai đều ở trong đường dây đưa người. Nhưng cả hai đều được thả.
- Được thả?
Viên sĩ quan phụ tá gật đầu:
- Vâng, theo hồ sơ thì cả hai đều được Phòng Nhì Đức trả tự do. Tôi cũng hơi ngạc nhiên về vụ này. Phản gián Đức ít khi phóng thích như vậy.
Pinto bắt đầu nhìn thấy tia sáng. Tia sáng này tuy nhỏ song có thể soi sáng những vùng tối trong đời King Kong. Ông hất hàm:
- Còn gì nữa?
- Thưa còn, tôi xin đọc nốt. Mấy tuần sau khi em gái và cô bạn bị tóm, đến luợt hắn bị sa lưới. Hắn bị đạn bắn lủng ngực thì phải. Toán kháng chiến của hắn đột nhập vào bệnh viện nhà lao giải cứu hắn sau một trận đọ súng chớp nhoáng.
- Nhiều người bị giết?
- Một lính canh thiệt mạng, hai người khác bị thương, còn King Kong thoát hiểm. Nhưng phe kháng chiến bị tổn thất nặng nề. Chỉ có 3 người sống sót. Còn 47 người khác bị giết. Họ ra khỏi nhà thương thì rơi vào ổ phục kích.
- Nghĩa là quân Đức có thể đã biết trước vụ đánh tháo King Kong?
Viên sĩ quan phụ tá nhìn đại tá Pinto bằng cặp mắt mở rộng, có lẽ y đã thoáng đọc được tư tưởng trong đầu thượng cấp. Song y chỉ ngúc đầu nhè nhẹ mà chẳng nói gì hết.
Pinto mượn tập hồ sơ để nghiên cứu thêm, và sáng hôm sau ông đi Bờruxen (Bruxelles), thủ đô Bỉ. Mục đích của ông là tìm gặp những người từng chiến đấu với King Kong. Như thường lệ, công tác phản gián đòi hỏi sự nhẫn nại, tỉ mỉ khoa học và nhất là một thời gian dài. Đại tá Pinto tiếp tục công việc mò kim đáy biển, và một ngày kia, ông được giới thiệu với một đồng chí của King Kong. Ông đến gặp y tại một quán cà-phê (Café Vedettes). Thoạt đầu, ông hơi thất vọng, vì khi ông hỏi:
- Ông là một trong các chiến sĩ thoát chết trong vụ tấn công nhà thương phải không?
Thì y đáp:
- Không, mặc dầu tôi có nhiều bạn chết trong vụ ấy. Tôi vẫn tiếc là không được góp mặt. Nhưng một tháng sau đó tôi cũng hút chết.
Y nhấc cái mũ bê-rê đen đầy dầu mỡ và bụi ghét đang đội ra, và chỉ cái thẹo của viên đạn cầy một rãnh dài trên da đầu. Pinto phê bình:
- Chỉ nhích thêm chút nữa là...
Y cười vui vẻ:
- Vâng, chỉ vào sâu độ một phân là ô hô... tôi chẳng còn được hân hạnh ngồi đây trò chuyện với đại tá nữa.
- Ông bị vết thương này trong một cuộc phục kích quân Đức với King Kong phải không?
- Khi ấy, bọn tôi đang cho nổ một cây cầu. Tôi vừa khom lưng, gắn ngòi nổ dưới dạ cầu thì...chóc..chóc...chóc, một, hai, ba viên đạn rớt tung tóe chung quanh. Té ra địch biết trước kế hoạch của bọn tôi và mai phục sẵn sàng, đợi bọn tôi đến là tiêu diệt gọn. Tiếng súng nổ lớn làm tôi mất thăng bằng ngã lộn xuống sông, may tôi còn tỉnh, không đến nỗi ngu xuẩn nên nín thở lặn luôn một mạch, không ngoi lên mặt nước nữa. Vì, eo ơi đạn của quân Đức bắn chính xác kinh khủng, anh em tôi ngã lăn như rạ, nếu tôi ló mặt là đã..đi đoong từ khuya.
- Còn King Kong?
- King Kong hả? King Kong quả là thiên thần. Anh ta tả xung hữu đột mà
vẫn không trầy da tróc vẩy.
- Địch bắn bằng loại súng nào? Súng máy phải không?
Y úp cái bê-rê xuống đầu, mặt hơi ngẩn ra trong một phút. Y ờ ờ rồi đáp:
- Vâng, đại tá không hỏi thì tôi quên bẵng. Lạ quá, đại tá ơi, địch không bắn bằng súng máy. Địch chỉ đặt một cây trung liên gần cầu, quạt một băng là bọn tôi xụm hết, không còn mống nào. Địch lại chơi trò bắn xẻ mới kỳ cục chớ! Chúng cứ chóc chóc, tỉa từng thằng một, 8 thằng trong bọn tôi đều trúng đạn, trừ King Kong.
- Những người khác nhỏ con thì trúng đạn, còn King Kong to như bồ sứt cạp lại không trúng đạn?
- Vâng. Mà Kinh Kong có thèm núp cho cam... anh ta đứng sừng sững, bẳn trả lại nghe rát cả mặt. Có lẽ anh ta hên. Trời có mắt thật đấy, lần nào anh ta cũng gặp số đỏ.
Đại tá Pinto không muốn làm hình ảnh King Kong anh hùng tan biến trong lòng người đối thoại. King Kong gặp hên quá nhiều, nhiều đến nỗi đâm ra nhàm chán. Trong hai trận phục kích, các đồng chí thương vong gần hết, trừ hắn. Hắn là cừu địch của mật vụ Đức, vậy mà em hắn, cô bồ của hắn bị mật vụ Đức bắt rồi thả. Hắn là anh hùng kháng chiến, coi cái chết nhẹ hơn lông hồng, vậy mà hắn sẵn sàng chịu nhục một cách vô lý trước đám đông ái mộ, nhất là trước hai cô gái đẹp...
Ông rót đầy ly rượu vang, mời người kháng chiến Bỉ uống, rồi hỏi tiếp, giọng lơ đãng:
- Tôi nghe người ta nói King Kong hảo ngọt một cây?
Y đáp ngay:
- Đúng, đúng, họ nói rất đúng. Cái gì chứ về khoản ga-lăng với phái yếu thì ít ai ăn đứt King Kong. Vả lại, trông bộ vó lực sĩ khổng lồ của anh ta thì đố cô gái nào khỏi rệu nước miếng. Tôi xin kể cho đại tá nghe một chuyện: Trên ngọn đồi cao gần Laeken, có một tòa lâu đài to lớn và tráng lệ, chủ nhân là một mệnh phụ phu nhân giầu nứt đố đổ vách và đẹp mê hồn, chẳng hiểu mến phục King Kong ra sao mà bà ta tặng hết tư trang, tiền bạc và sản nghiệp cho quỹ kháng chiến của anh ta. Nhưng...
Y ngần ngừ rồi nói tiếp:
- Nhưng cũng có điều không lấy gì làm đẹp lắm. Có người nói mà tôi không tin hẳn. Họ nói là anh ta hảo ngọt một cây nên lấy một số tư trang do bà mệnh phụ biếu công quỹ dúi ngầm cho mấy cô bồ của anh ta ở Bờruxen..Tôi nghĩ King Kong là một anh hùng kháng chiến, chắc chắn có nhiều kẻ ganh ghét, bầy đặt bêu xấu cho bõ hờn, vả lại anh hùng thì cũng là con người, phải không đại tá, mà đã là con người thì đôi khi phải mềm yếu đối với đàn bà đẹp...
Pinto đã biết được điều cần biết.Ngay sau cuộc nói chuyện, ông lên xe chạy thẳng đến lâu đài gần Laeken, và may mắn được gặp bà mệnh phụ. Dĩ nhiên, ông chưa nhập đề ngay. Vòng vo Tam quốc một hồi, ông mới nhắc đến King Kong. Bà mệnh phụ nhìn nhận có trao tận tay anh các đồ tư trang do song thân để lại. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý đó không phải vì tình riêng, mà chính vì bà cảm thấy có bổn phận đóng góp vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Bà đồng ý rằng King Kong là lãnh tụ vĩ đại, đáng khâm phục, tuy nhiên lãnh tụ vĩ đại này mắc một vài nhược điểm, và bà nghi ngờ King Kong chiếm công vi tư, không bán tư trang lấy tiền xung quỹ kháng chiến mà là đút túi...
- Căn cứ vào đâu bà nghi ngờ King Kong.
- Thật ra, tôi không muốn nói như vậy vì dầu sao anh ta cũng là người can đảm hiếm có, từng nhiều phen vào sinh ra tử cho Bỉ quốc. Sở dĩ tôi thắc mắc vì một hôm kia tôi bắt gặp trên phố một cô gái đeo sợi dây chuyền cổ của tôi, sợi dây này do mẫu thân tôi để lại, được cẩn ngọc bích rất độc đáo, tôi không thể lầm được. Cô ta không phải là con nhà tử tế cho nên tôi nghĩ là đeo sợi dây của mẹ tôi không xứng. Tôi đinh ninh kháng chiến đem bán tư trang do tôi tặng, và cô gái này mua được, vì vậy tôi gạ nàng bán lại cho tôi, tôi cũng đã thận trọng không lộ cho nàng biết tôi là chủ cũ. Thì nàng đáp lại là King Kong tặng nàng cho nên nàng không dám bán, King Kong biết được thì bóp nàng gẫy cổ.
- Bà có biết tên cô ta không?
Bà mệnh phụ thở dài:
- Ông để tôi nhớ lại xem. À, không phải một mà là hai, cả hai cô gái đều đeo nữ trang của tôi. Cô ả thứ nhất tên là Mia (Mia Zeist), và cô ả thứ hai tên là....tên là... quái, tôi vừa nhớ đó đã quên bẵng, tôi vẫn có tính hay quên bất tử như thế, à... à...nhớ ra rồi, Mác-gô (Margaretha Delden). Cả hai cô gái đều làm việc trong quán rượu ở đây và đều ăn chơi điếm đàng.
Đại tá Pinto hơi giật mình. Cũng may bà mệnh phụ không nhìn lên nên không bắt gặp sự thay đổi trên nét mặt của nhà chuyên viên phản gián. Hai cô gái kia chẳng xa lạ gì đối với ông: họ nằm trong danh sách an ninh của quân đội đồng minh, kèm theo lời chú dẫn rõ ràng "mật báo viên ăn lương của Phòng Nhì quốc xã, từng được coi là đắc lực và tin cậy".....
Từ giã bà mệnh phụ, đại tá Pinto phóng như bay về thủ đô Bờruxen. Ông gọi ngay điện thoại cho văn phòng tình báo tại An-ve, và nói với viên sĩ quan phụ tá. Lát sau, ông đã có địa chỉ của hai cô gái. Ông mượn hai nhân viên tình báo Hòa lan đi theo. Xe hơi đậu lại trước địa chỉ thứ nhất. Địa chỉ của cô gái tên là Mia.
Ông đã đến quá chậm. Căn phòng trống trơn. Con chim xanh đã bay bổng. Sau này ông mới biết Mia đã tẩu thoát qua Viên-na, thủ đô Áo quốc. Nhảy phóc lên xe Zíp, ông và đoàn tùy tùng vù đến căn phòng của Mác-gô. Cửa phòng được khóa chặt. Đại tá Pinto chỉ đến với tư cách riêng, không có giấy phép của tòa, nên rất có thể bị khiếu nại về tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Nhưng ông không thể trù trừ, vi dầu sao cũng là thời chiến, cô gái trong nhà có thể là đầu mối dẫn đến những bằng chứng phản quốc cụ thễ của King Kong, ông bèn ra lệnh phá cửa.
Mác-gô đang nằm sóng sượt trên giường. Bất động. Thường ngày chắc nàng khá xinh đẹp. Giờ đây nhan sắc đã héo hắt, mặt nàng xám ngoẹt, môi nàng tím thâm, trễ ra, hàm răng nhe một cách ghê sợ. Thì ra nàng đã bị đầu độc. Bị đầu độc hay tự uống thuốc độc, đại tá Pinto không rõ. Chỉ biết là nạn nhân còn thoi thóp thở khi được chở đến bệnh viện. Chiều hôm ấy, nạn nhân thở hơi cuối cùng, không nói được lời nào. Đại tá Pinto thu hồi được sợi dây chuyền cẩn ngọc bích, nhưng cuộc điều tra dậm chân tại chỗ, hai nhân chứng quan trọng đã bị gạch tên ra khỏi danh sách.
Pinto lưu lại Bờruxen thêm một đêm, một ngày nữa, lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm nhằm tìm thêm chi tiết về hành vi của King Kong. Sự thật dần dà hiện ra: nhiều nhân chứng không quen biết xác nhận là khi đứa em út bị Phòng Nhì Đức bắt giữ, King Kong đang mắc nợ như chúa Chổm. Hắn mắc nợ nhiều món tiền lớn nên mặc dầu hắn có tiếng tăm trong hàng ngũ kháng chiến nhưng những chủ nợ của hắn vẫn dọa thưa kiện tùm lum. Cô gái bán bar Vêronica, bị bắt giữ cùng với đứa em út, té ra là tình nhân của King Kong từ thuở còn vị thành niên. Hắn lang chạ lung tung, song hắn luôn luôn về với nàng, nàng cũng trung thành với hắn. Hễ sa lưới mật vụ Đức là nhẹ ra cũng bị rút móng tay hoặc gẫy xương, thế mà nàng không bị trầy da.
Theo lời một nhân chứng khác, sau ngày tình nhân và em hắn được thả, bỗng dưng King Kong có thật nhiều tiền. Không những hắn trang trải hết nợ nần, hắn còn dư tiền để tiêu xài đế vương nữa. Đồng thời hắn trở nên gan dạ hơn trong các trận du kích với quân Đức. Riêng có điều đáng nói là thương vong mỗi ngày một nhiều. Có thể vì kế hoạch tấn công của hắn mỗi ngày một táo bạo hơn. Và lần nào cũng vậy, nhà lãnh tụ kháng chiến anh dũng đều đã thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. Hắn có ấn tượng là quân Đức được mật báo từ trước. Nghĩa là có kẻ bội phản. Hắn thề bóp nát ra cám kẻ bội phản. Song kẻ bội phản vẫn nhởn nhơ ngoài vòng cương tỏa. Còn một điều lạ khác là tuy thương vong gia tăng, nhiều người vẫn nguyện được đi theo King Kong, dường như vận đỏ và tài sống sót của hắn đã làm các du kích phấn chấn và tin tưởng mãnh liệt.
Đại tá Pinto nhận thấy không ai nghi ngờ tinh thần yêu nước của King Kong. Ai cũng khen hắn, kể cả những người thoát chết trong những trận phục kích kỳ quặc. Ai cũng khen King Kong rốt cuộc Pinto đâm ra nghi ngờ khả năng suy luận của mình. Không khéo ông bị méo mó nghề nghiệp, trông gà hóa cáo cũng nên...
Ông sực nhớ đến vụ King Kong bị bắn lủng phổi. Lẽ nào tình báo quốc xã dàn cảnh như vậy? Nếu là dàn cảnh thì họ bắn vào chân. Bắn vào ngực dễ chết như chơi, họ chẳng dại gì để mất một cộng sự viên quý giá, trong khi họ đang suy yếu trên khắp các mặt trận. Pinto suy nghĩ một mình luôn trong mấy giờ đồng hồ nhưng không tìm ra lời giải đáp. Suýt nữa thì ông bỏ cuộc...
Một chi tiết kỳ thú bỗng hiện ra: khi biết địa chỉ hai cô bạn gái của King Kong, ông đã liên lạc với các cơ quan tình báo địa phương nhưng họ bí xị, ông ta phải nhờ văn phòng SHAEF mới tìm thấy. Tình báo địa phương và đồng minh đều hoạt động cho mục đích chung là đánh đuổi quân Đức, song lại không chia xẻ tin tức cho nhau, nhiều khi còn kèn cựa nhau nữa là khác. Nếu phe đồng minh còn có sự giấu nghề, sự ích kỷ, sự tranh chấp, thi tại sao bên phe Đức làm sao có sự đồng tâm nhất trí giữa Phòng Nhì (Abwehr), Công an Quân báo (Sicherheitsdienst) và Mật vụ (Gestapo) được? Hai cô bạn gái của Kinh Kong ăn lương Phòng Nhì (Abwehr), chắc King Kong cũng hưởng lương Phòng Nhì. Và Phòng Nhì giữ hắn làm của riêng, không chia phần với Công an Quân báo (Sicherheitsdienst) và Mật vụ (Gestapo). King Kong là nhân vật kháng chiến tối nguy hiểm nên Công an quân báo hoặc Mật vụ ra lệnh gặp đâu bắn đó. Và hắn đã bị thương lủng ngực.
Sự suy dẫn này vừa cất gánh nặng trên vai đại tá Pinto. Ông cảm thấy tin tưởng hơn lên. Ông bèn quyết định đối diện với King Kong. Quyết định vào tận hang hùn bắt cọp dữ...
III.
Pinto gửi một điệp văn đến trụ sở tình báo Hòa lan. King Kong dọa khiếu nại về việc ông dứt cấp bậc của hắn, song hắn chỉ dọa mà không làm, Pinto không nói rõ lý do, ông chỉ yêu cầu King Kong đến trình diện với ông hồi 11 giờ sáng hôm sau tại khách sạn Palace, nơi các sĩ quan SHAEF trú ngụ.
Palace là lữ quán sang trọng bậc nhất của Bờruxen. Khi xưa toàn là ghế nệm êm ái, giờ đây mang đầy dấu vết chiển tranh, quân đội dùng làm câu lạc bộ, ghế gỗ giường vải lung tung.
Đại tá Pinto chờ quá giờ hẹn mà King Kong không tới. Ông không tỏ vẻ nóng ruột, có thể hắn lánh mặt, nhưng cũng có thể hắn đến chậm để biểu lộ thái độ ta đây. Dầu sao ông cũng đã chuẩn bị chu đáo, bao súng được đánh xi-ra trơn tru, đụng nhẹ là khẩu Walthur thân yêu tuột vào lòng bàn tay, nó được lắp đạn đàng hoàng, và ông bắn không đến nỗi dở. Có thể King Kong không ngờ được đây là cuộc họp sinh tử của đời hắn. Về phần ông, ông phải đề phòng mọi sự bất trắc. Nếu biết bị bại lộ King Kong sẽ kiếm cách thoát thân....
King Kong vẫn chưa vác mặt tới. Ông đinh ninh hắn chỉ chậm 10 phút hoặc 15 phút là cùng. Ngần ấy thời giờ chờ đợi cũng đủ trả cái thù bị hạ nhục tại trung tâm tiếp cư ở ngoại ô An-ve. Nhưng 12 giờ đã trôi qua...Phải có lý do chính đáng nào — hoặc hắn tự tin quá độ, hoặc hắn được bạn bè chính trị có thế lực che chở - hắn mới dám coi thường lệnh triệu tập.
Hơn 2 giờ sau ông mới biết lý do. Hai sĩ quan Hòa lan đeo cấp bậc đại úy bước nhanh vào lữ quán. Họ lại bàn đại tá Pinto, nghiêm chào. Một người hỏi:
- Đại tá đang chờ ông Lin-đơ-man?
Pinto gật đầu:
- Phải, tôi ngồi đây đã 2 giờ đồng hồ!
- Xin lỗi đại tá đã phải chờ lâu, Lin-đơ-man không thể đến trình diện. Vì ông ta đã nhận lệnh khác.
- Lệnh khác? Lệnh của ai?
- Lin-đơ-man lên đường hồi sáng để thi hành công tác tối đặc biệt.
- Hoạt động với quân đội du kích?
Hai đại úy trẻ nhìn nhau, và cả hai đều có vẻ rụt rè. Đoạn cả hai trở nên trịnh trọng, nét mặt trịnh trọng đáng ghét của hầu hết những người tình cờ biết được bí mật mà thiên hạ không biết. Một người đáp:
- Thưa không. Lin-đơ-man được cử đi theo quân đội Gia nã đại. Đặc biệt về tình báo. Chúng tôi không được phép tiết lộ, xin đại tá cảm phiền.
"Sau này, Pinto mới biết là bộ tư lệnh, Gia nã đại cần một nhân vật địa phương hoàn toàn tin cậy để lẻn vào En-hô-ven (Endhoven) bị Đức chiếm giữ, liên lạc với thủ lãnh kháng chiến trong vùng, báo tin là nhiều đơn vị đồng minh sẽ được thả xuống phía bắc En-hô-ven vào sáng chủ nhật 17-9, và yêu cầu kháng chiến quân chuẩn chiến, giúp đỡ binh sĩ dù và khai thác triệt để sự hỗn loạn ban đầu trong hàng ngũ địch. Bộ tư lệnh Gia nã đại nhờ nhà đương cuộc Hòa lan tìm người thích hợp. Họ nghĩ ngay đến King Kong, họ không ngờ hắn đang bị Pinto điều tra ráo riết về tội phản quốc....".
Pinto chỉ biết có vụ thả dù xuống khu vực địch sau khi ván đã đóng thuyền. Khi ấy, ông không còn làm gì hơn được nữa, ngoài việc chắp tay cầu nguyện cho số thương vong không đến nỗi quá nhiều.
........................
Tấn thảm kịch Ác-nơ-hem là một sự kiện lịch sử đầy máu và nước mắt mà ai cũng biết.
Rạng đông 17-9 năm ẩy, cuộc đổ bộ bằng binh sĩ dù lớn nhất trong thế chiến thứ hai bắt đầu. Gần 10000 người của sư đoàn Dù I Anh quốc nhảy xuống Ác-nơ-hem, trong khi 20000 quân dù Mỹ và 3000 quân Ba lan được thả xuống một vị trí kế cận, với nhiệm vụ chiếm giữ hai đầu cầu chiến lược, đồng thời các mũi dùi cơ giới sẽ tiến thật sâu vào địch, bắt liên lạc với các đơn vị dù....
Mọi việc đã diễn ra trôi chảy, gần đúng với dự định. Cuộc không thám sáng 16-9 cho thấy không có hoạt động bất thường của địch trong khu vực Ác-nơ-hem. Nhưng chập choạng tối đoàn chiến xa Đức lặng lẽ án ngữ những địa điểm yết hầu. Sáng sớm, quân đội không vận đồng minh đến nơi và rơi vào ổ phục kích khổng lồ. Tuy vậy, Bộ tổng tư lệnh Đồng minh còn tin là quân Đức gặp may mắn không ngờ, nên họ đã tập trung cả thiết kỵ lẫn bộ binh hùng hậu tại một địa điểm mà họ....không ngờ là nơi đồng minh thả dù...
Chín ngày sau, lương thực và đạn dược thiếu hụt trầm trọng, vòng vây phòng thủ dần dà bị thu hẹp khiến đồ tiếp tế từ trên máy bay thả xuống đều lọt vào tay địch. 2400 binh sĩ sống sót của đạo thiên thần mũ đỏ Ac-nơ-hem phải liều chết mở con đường máu vượt qua sông, để lại phía sau 7000 thương vong.
Kế hoạch tấn kích chớp nhoáng của quân Đồng minh đã thất bại.
........................
Đại tá Pinto viết một tờ trình chi tiết về vụ King Kong, đệ lên bộ tổng tư lệnh. Sau đó, ông phải bù đầu lo những vụ khác. Ông vẫn không quên theo dõi mặc dầu ông biết trước là bản báo cáo của ông nằm kẹt ở một góc ngăn kéo nào đó trong bộ tổng tư lệnh đồng minh bao la. Ngành Tình báo có hàng đống việc phải giải quyết, việc nào cũng quan trọng. Vảlại, đa số sĩ quan cao cấp quen điều khiển bằng giấy tờ, quen đọc những báo cáo ca tụng King Kong một tấc đến trời sẽ khó có thể "tiêu hóa" những lời buộc tội của Pinto. Chắc chắn họ sẽ gạt sang bên, với bút phê "để xét sau". Bởi vậy Pinto mỏi mẳt chờ đợi mà thượng cấp không hề hỏi đến. Ông đành than thở với một đại tá Phản gián Anh biệt phái tại SHAEF, với hy vọng tìm thêm đồng minh. Vị đại tá này có tiếng tăm và thế lực lớn. Nhưng Pinto đã thất vọng.
Trong 6 tuần lễ dài đằng đẵng, Pinto không nhận được phúc đáp của Bộ tổng tư lệnh về vụ King Kong. Nói cho đúng tờ trình của ông cũng chỉ đề cập tới một số sự kiện khả nghi, kèm theo những suy dẫn, chứ ông chưa hề nắm được bằng chứng cụ thể.
Tình cờ bằng chứng cụ thể này đã đến tay ông vào một buổi tối kia. Quân đội đồng minh vẫn tiếp tục chiếm đất, tuy rằng từ sau thảm bại Ac-nơ-hem thì cuộc chiến trở nên ác liệt hơn. Pinto di chuyển đến En-hô-ven, hiện đã rơi vào tay đồng minh và hôm ấy ông mới thẩm vấn xong một điệp viên địch sau ba giờ mệt nhọc. Ông không còn nhân viên phụ tá và xe cộ ê hề như trước nữa, ông phải hoạt động một mình, vừa là nhân viên thẩm vấn, vừa kiêm luôn chánh án và quản đốc khám đường.
Điệp viên này là một người Hòa lan, tên là Vơ-lúp (Cornelis Verloop). Bằng thủ đoạn hạch hỏi tinh vi, ông đã thành công, Vơ-lúp chối quanh hồi lâu để rồi chịu thú nhận là tay sai của địch. Ông đứng dậy, vươn vai duỗi gân cốt, và phủi tàn thuốc bám đầy bộ quân phục. Vơ-lúp chăm chú nhìn ông, hỏi nhỏ, miệng khô đét vì sợ hãi:
- Tôi có bị xử bắn không, đại tả?
Pinto nhún vai không đáp. Dĩ nhiên hắn sẽ bị đem bắn vì hắn là gián điệp địch.
- Vợ tôi hiện ở Am-te-đam (Amsterdam) còn rất trẻ. Nàng là công dân Hòa lan tốt, nàng hoàn toàn vô tội, tôi xin thề với đại tá.
- Vậy hả? Anh yên tâm. Tôi không đi xử bắn vợ anh đâu. Tội ai nấy chịu. Bọn quan thầy Đức của anh bắn bất kể ai, chúng tôi thì không.
Vơ-lúp bèn trắng trợn đề nghị:
- Thưa đại tá, tôi xin cung cấp một tin vô cùng quan trọng... nếu tôi được tha chết.
- Anh điên rồi. Anh cũng đừng trông đợi hão huyền nữa. Trước khi đem anh ra bắn, chúng tôi bắt anh phải khai hết những điều anh biết.
- Nhưng thưa đại tá, đại tá chỉ có thể bắt tôi khai những điều đại tá tưởng tôi biết. Trên thực tế, tôi còn biết những điều lạ lùng hơn nhiều.
- Hà hà... anh biết những điều lạ lùng nào? Nói thử tôi nghe chơi!
Giọng nói của Pinto đượm vẻ khinh bỉ rõ rệt. Nhưng Vơ-lúp vẫn tỉnh bơ. Hắn ngồi thẳng người tay bóp trán một phút, đoạn cất tiếng đọc vanh vách tên và tướng mạo các cộng sự viên của Pinto trong tổng hành doanh tình báo. Pinto lặng người vì những nhân viên này đang hoạt động trong lòng địch, mạng sống của họ có thể bị đe dọa từng giây, từng phút. Tên khốn Vơ-lúp đã biết như vậy, chủ của hắn tất còn biết nhiều hơn nữa. Tuy vậy, ông giữ cho xúc động khỏi hiện ra mặt, rồi hỏi hắn, giọng bình thản:
- Ai nói với anh?
Mắt hắn sáng rực:
- Đại tá Ki (Kiesewetter) của Phòng Nhì Đức. Một người khác báo cáo với đại tá Ki. Tôi biết tên người ấy. Nhưng tôi sẽ không nói, trừ phi...
Trong đời, Pinto đã gặp nhiều người bị dồn vào đường cùng sẵn sàng bán hết bạn bè, thân thích, cộng sự viên và cả tổ quốc nữa, miễn sao giữ được chỗ đội mũ, nhưng chẳng hiểu sao sự mặc cả của Vơ-lúp lại làm ông lộn mửa. Ông đã ra lệnh cho hắn bước ra ngoài. Trời tối om. Ông phải đích thân áp giải hắn về quân lao ở đầu kia thị trấn. Đề phòng hắn bỏ chạy, ông rút súng, gằn giọng:
- Đi. Tôi đã chán ngấy cái trò lưu manh đổi chác của anh. Tôi hỏi và anh phải trả lời: Ai báo cáo với đại tá Ki?
Nụ cười hy vọng tắt ngúm trên môi, hắn cố nài nỉ:
- Xin đại tá xét lại. Tôi xin khai rõ nếu đại tá hứa tha giết cho tôi.
Pinto lia mạnh họng súng:
- Đi ngay, đừng lộn xộn nữa.
Bản tâm của ông là nhốt hắn một đêm, đến mai, sáng sẽ kêu hắn lên hỏi lại.
Một đêm vắt tay lên trán sẽ làm hắn ngoan ngoãn hơn trước.Nhưng Vơ-lúp lại tưởng lầm ông ta lia súng để sửa soạn bắn hắn. Hắn kêu to, giọng hoảng hốt:
- Thong thả, thong thả, đại tá. em xin nói, đại tá đừng bắn em...Người báo cáo mọi việc lên đại tá Ki là Lin-đơ-man, tức King Kong.
IV.
Đúng là món quà tự trên trời rơi xuống, Pinto không ngờ tới thì nó lại xảy ra. Ông dí mũi súng vào xương sống Vơ-lúp. Hắn run lẩy bẩy, như thể thân thể hắn trở thành bùn. Ông quát to:
- King Kong báo cáo với đại tá Ki về vụ Ac-nơ-hem nữa phải không?
Hắn gật đầu lia lịa như chầy máy:
- Thưa phải, thưa phải.
- Báo cáo như thế nào?
- Thưa... thưa. King Kong báo cáo rằng binh sĩ Anh và Mỹ sẽ nhảy dù xuống.
- King Kong đến gặp đại tá Ki?
- Vâng, gặp ngay tại trụ sở Phòng Nhì. King Kong nói rõ rằng một sư đoàn không vận Anh cát lợi sẽ...
Pinto hạ mũi súng xuống làm tên gián điệp giật nảy người. Hắn vội quỳ gối, van lơn:
- Đại tá ơi, đại tá định giết em ư? Em đã khai hết rồi... đại tá thương hại em...
Giọng nói mếu máo vá ướt nhèm nước mắt của tên gián điệp chỉ gây thêm sự khinh bỉ trong lòng Pinto. Ông nghiêm giọng:
- Tôi không bắn anh đâu. Tòa án quân sự sẽ quyết định số phận của anh sau. Giờ đây nên đứng lên và ngoan ngoãn về khám. Vì nếu anh thiếu ngoan ngoãn tôi mới bắn, khi ấy anh đừng trách.
Sau nhiều năm lăn lộn trong ngành phản gián, đại tá Pinto đã tập được bộ mặt luôn luôn lạnh như tiền. Theo ông, bộc lộ cảm xúc là điều tối kị của nghề nghiệp. Dầu vậy, ông vẫn không ngăn được cảm xúc trước lời tiết lộ của tên tay sai Phòng Nhì quốc xã. Ông giận dữ đến nỗi mặt ông trắng bệch như tờ giấy, lưỡi ông cứng lại, ông không nói thêm được tiếng nào nữa. Sở dĩ ông giận dữ vì ông đã trình báo đầy đủ, ông đã lưu ý thượng cấp đến sự khuất tất của King Kong, yêu cầu mở ngay cuộc điều tra sâu rộng, thượng cấp chẳng nghe thì thôi, lại còn giao hắn thực hiện điệp vụ quan trọng mà kết quả là tiềm lực quân sự của đồng minh bị thương tổn nặng nề.
7000 thương vong tại mặt trận Ac-nơ-hem... trời ơi, giờ đây không còn phép lạ nào cứu sống những chiến sĩ mũ đỏ anh dũng này nữa, chỉ còn cách bắt giữ, truy tố, hành quyết King Kong may ra linh hồn họ nơi chín suối mới khỏi ngậm hờn...Nhưng làm cách nào tóm được King Kong?
Nhốt phạm nhân vào xà lim xong, đại tá Pinto lên xe phóng đến trụ sở tình báo Hòa lan, xô cửa chạy như điên vào câu lạc bộ sĩ quan. Nhìn thấy đồng bào ông, những sĩ quan Hòa lan phây phây thả lưng xuống ghế xa-lông êm ái, tay cầm ly rượu sủi bọt, miệng cười toe toét. Pinto muốn gầm thét, đập phá cho hả giận.
Một người bạn của Pinto nhìn thấy, vội hỏi:
- Ơ kìa, Pinto, anh đi đâu đấy? Tại sao mặt anh nhợt nhạt thế kia?
Được thể, ông trút luôn một hơi:
- Nhợt nhạt còn là tốt, tôi tưởng không còn đủ sức về đây nữa...Tôi nói hoài, nói hủy mà chẳng ai chịu nghe. Khi nào tôi nghi ngờ thì các anh nên lưu ý, các anh đừng ném báo cáo của tôi sọt rác... và như vậy còn chưa đủ, các anh còn phái hắn vào hậu địch, nướng mất mấy ngàn binh sĩ của ta nữa, trời ơi.....
Mọi người xúm quanh, Pinto vẫn nói thao thao bất tuyệt, nhưng chẳng ai hiểu ông định nói gì. Mấy phút sau, ông mới thở dốc:
- Lin-đơ-man, King Kong... thằng phản bội... Hắn là nhân viên gián điệp Đức. Phải đến bắt hắn ngay kẻo hắn trốn mất.
- Bắt King Kong hả? Thôi, anh khùng rồi. Thứ nhất, ai cũng cho hắn là đệ nhất anh hùng kháng chiến, anh không thể bắt hắn vì những tin đồn lăng nhăng. Nghĩa là anh phải trưng bằng cớ. Và lại, dẫu anh có bằng cớ hẳn hòi, thộp cổ hắn cũng chẳng dễ chút nào. Chỉ bằng tay không, hắn có thể bóp chết hai người lực lưỡng như chơi. Thêm vào đó, hắn luôn luôn luôn đeo hàng đống súng ngắn, súng dài và lựu đạn. Chạm đến hắn chỉ tổ rước họa vào thân.
Pinto lớn tiếng:
- Nghĩa là chúng mình nhắm mắt cho gián điệp Đức hoành hành trong hàng ngũ đồng minh?
Một sĩ quan cao cấp vỗ vai ông. Không khí trong câu lạc bộ trở lại êm dịu hơn. Sĩ quan này nói:
- Đồng ý, nhưng chưa ai ở đây hiểu gì hết. Yêu cầu đại tá kể lại từ đầu đến cuối. Nếu đại tá đưa ra bằng chứng xác đáng, chúng ta sẽ quyết định.
Mọi người đều sững sờ sau cuộc thuyết trình ngắn của Pinto về vụ phản bội. Tuy nhiên, hầu hết còn băn khoăn về cách bắt giữ King Kong. Đột ngột, Pinto nghĩ ra mưu kế. Ông bèn chỉ hai sĩ quan đứng gần:
- Giao việc ấy cho 2 anh. Nhưng không phải đi bắt hắn đâu. Hai anh đến trụ sở, gặp hắn và nói là Bộ tổng tư lệnh đồng minh tuyên dương công trạng của hắn đối với kháng chiến, và lễ gắn huy chương sẽ cử hành ngay. Nghe đến tuyên dương và mề-đay, hắn sẽ khoái chí tử, hai anh sẽ yêu cầu hắn thay đổi y phục, chải tóc chỉnh tề. Tham dự gắn huy chương hắn phải cất tạm võ khí ở một nơi, hai anh đã hiểu chưa? Xong xuôi, dẫn hắn đến chờ ở một phòng riêng nào đó, về phần tôi, tôi sẽ liên lạc ngay với bộ Tổng xin 10 quân cảnh to con. Với hai tay không, hắn sẽ không thể nào đương đầu lại với 10 lực sĩ có súng ống hẳn hoi.
Hai viên sĩ quan được chọn cười mỉm ra vẻ thú vị. Trước khi đi, một người nói với Pinto:
- Đại tá kiếm 10 quân cảnh to con nhất mới được.
Kế hoạch "gắn huy chương" của đại tá Pinto đã thành công đúng như dự tính. King Kong sướng rơn quên nghĩ rằng hắn là kẻ phản quốc. Bộ Tổng tư lệnh đồng minh vừa mù vừa điếc hay sao mà gắn mề-đay chiến công cho hắn. Ngoan ngoãn như một con cừu non, hắn tháo gỡ súng đạn, hối hả đi tìm sơ-mi mới, cạo râu, rẽ tóc tử tể. Hắn mở cửa phòng, ngực ưỡn lên, sửa soạn nhận tấm huy chương rực rỡ. Hỡi ôi, tấm huy chương đang đợi hắn chẳng rực rỡ chút nào. Vì đó là một tiểu đội quân cảnh, người nào cũng cao xấp xỉ bằng hắn, và bề ngang cũng chẳng thua hắn bao nhiêu. Hắn chùn lại, song không kịp nữa. Toán lực sĩ quân đội đã ùa lại, hắn trổ tài tả xung hữu đột, tuy nhiên, chỉ mấy phút sau hắn bị quật ngã trên đất, và hai tay khổng lồ của hắn bị đút vào còng sắt.
Khác với bọn phản quốc bị lột mặt nạ trước hắn, Lin-đờ-man tức King Kong khỏi phải ra pháp trường, lãnh 12 phát đạn đền tội.
Vì hắn đã tự tử chết trong nhà giam.
Z.28 - 13 Giờ Định Mạng Z.28 - 13 Giờ Định Mạng - Người Thứ Tám Z.28 - 13 Giờ Định Mạng