There are very few people who are not ashamed of having been in love when they no longer love each other.

Francois

 
 
 
 
 
Tác giả: Patrick Deville
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Peste Et Choléra
Dịch giả: Đặng Thế Linh
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 47
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1280 / 46
Cập nhật: 2017-05-20 08:52:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Ở Paris
hám phá ra thủ đô này, Yersin đặc biệt khám phá ra chủ nghĩa bài Đức. Ở Paris thì nên hát nhạc dân ca Thụy Sĩ và đội cái mũ kỳ cục của dân xứ này hơn là đội mũ cát chóp nhọn và hát nhạc vùng Bayern.
Mười lăm năm rồi, kể từ Sedan (Ý nói trận đánh Sedan (một thành phố nhỏ của Pháp) trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ, vào năm 1870; ở trận này, Napoléon III đã bị bắt làm tù binh), nước Pháp bị bé lại và điều này thật không chấp nhận được. Bị cắt mất Alsace và Lorraine, nó trả thù bằng cách đi chinh phục để trở thành một đế quốc hải ngoại rộng lớn, lớn hơn so với đế quốc hải ngoại của người Đức. Từ các đảo ở Caribê cho đến Đa Đảo, từ Phi châu tới Á châu: cũng chẳng khác mấy so với lá cờ Anh quốc, mặt trời không bao giờ lặn trên lá cờ tam tài Pháp. Năm ấy, Pavie nhà thám hiểm xứ Lào gặp Brazza nhà thám hiểm xứ Congo. Quán Bò Nhỏ trên phố Marazine thì là nơi tụ tập của đám thám hiểm Sahara. Hai năm trước, hải quân Pháp, sau Nam Kỳ, đã chiếm được các tỉnh ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Yersin đọc truyện về những chuyến đi, xem bản đồ. Thế mới là đàn ông chứ, và họ hẳn chẳng bao giờ đến Marburg mà sống mòn đâu. Anh tin mình đã lựa chọn đúng. Chính đây là nơi phải sống.
Có lẽ đây là lần cuối cùng trong lịch sử của mình, Paris là một thành phố hiện đại. Các công trình cách tân của Haussmann (Haussmann từng là trưởng vùng sông Seine từ 1853 đến 1870. Trong thời kỳ này ông cho tiến hành các công trình quy hoạch lại Paris) đã xong xuôi. Người ta vẽ bình đồ tàu điện ngầm. “Con vào bảo tàng Louvre. Hôm nay con đi thăm khu Ai Cập cổ đại.” Yersin đọc báo ở phòng khách cửa hàng Bon Marché. Hai mươi lăm năm sau đó, gia đình Boucicaut, chủ cửa hàng, sẽ cho xây khách sạn Lutetia ở đối diện. Và vào quãng cuối đời, Yersin sẽ có thói quen mỗi năm sống ở khách sạn đó hàng tuần liền, sau khi vì nó mà đã đi qua cả hành tinh, lúc nào cũng là căn phòng ở góc tầng sáu, cách chốn đầu tiên ông từng ở khi là sinh viên có vài trăm mét, một căn gác xép tồi tàn trên phố Madame, từ đó anh viết thư cho Fanny, bảo rằng ngoảnh đến sái cổ thì có thể trông thấy một tòa tháp của nhà thờ Saint-Sulpice.
Ở phố Ulm, Louis Pasteur vừa lần thứ hai thành công trong việc tiêm vắcxin chống bệnh dại. Sau cậu bé Joseph Meister người Alsace là Jean-Baptiste Jupille, người Jura, được tiêm vắcxin. Từ khắp nơi người ta sẽ đổ xô đến. Cho tới khi ấy, ở mọi vùng nông thôn cũng như tại những khu rừng ngập tuyết đầy chó sói, ở Pháp cũng như ở Nga, phương thuốc thường là trói các con vật mắc bệnh dại, bóp ngạt chúng, trước khi đến lượt mình cũng bị cắn. Có thể phiêu lưu ở ngay góc phố Ulm, không khác gì trên các đụn cát Sahara. Đường biên mới của vi trùng học. Chàng sinh viên nước ngoài hăm hai tuổi, ngồi lì trước đống báo, sống nhờ tiền chu cấp của mẹ. Giống mọi đàn ông thời ấy, anh để râu cằm tỉa ngắn và mặc một chiếc áo vest sẫm màu, ăn xúp trong góc các quán xá xập xệ nơi giới vô sản nhấc cốc lên mà đinh ninh là mỗi cốc cạn là một cốc mà bọn Đức bẩn không được uống, ôi giời ơi ông chủ ạ, dại gì mà để lại cho chúng cả thùng. “Con đã chứng kiến một cuộc chạm trán dữ dội giữa cánh công nhân và một người gốc Đức, con đoán thế, anh ta trót dại nói tiếng mẹ đẻ, anh ta bị đánh gần như bất tỉnh.”
Hiện thời, thì chính anh là người phải ăn thịt bò dại (Ở đây, tác giả chơi chữ, để nhại lại chữ “dại” đã dùng ở trên. Trong tiếng Pháp, “ăn thịt bò dại” có nghĩa là sống tằn tiện). Anh ghi tên theo lớp vi trùng học đầu tiên do giáo sư Cornil (Victor André Cornil (1837-1908), bác sĩ người Pháp, chuyên gia bệnh học) giảng. Môn này mới toanh. Cả đời mình, Yersin sẽ chọn những gì mới mẻ và tuyệt đối hiện đại (Cụm từ này xuất hiện nhiều lần trong cuốn sách, xuất phát từ câu của nhà thơ Rimbaud, “Il faut être absolument moderne”, nghĩa là “Phải tuyệt đối hiện đại”).
Ở chỗ Pasteur, trong vòng vài tháng, người ta tiêm vắcxin không ngừng nghỉ. Tháng Giêng 1886: trên tổng số gần một nghìn người được tiêm, có sáu người chết, trong đó bốn người bị chó sói cắn, hai người bị chó nhà cắn. Tháng Bảy: đã có gần hai nghìn ca thành công và không quá mười thất bại. Những xác chết đó được đưa đến nhà xác Hôtel-Dieu, nơi Cornil giao cho Yersin nhiệm vụ giải phẫu. Chất lượng chiếc kính hiển vi mua của hãng Carl Zeiss được chứng minh dứt khoát: quan sát tủy sống cho thấy huyết thanh chống dại hoàn toàn vô hại. Những nạn nhân này đã được chữa trị quá muộn. Yersin chuyển các kết quả cho Émile Roux, trợ lý của Pasteur. Đó là cuộc gặp mặt của hai đứa trẻ mồ côi mặc áo blu trắng, đứng đó trong nhà xác của Hôtel-Dieu, cạnh xác nạn nhân bệnh dại, và cuộc đời hai người từ đây sẽ đảo lộn.
Đứa trẻ mồ côi thành phố Morges và đứa trẻ mồ côi thành phố Confolens.
Roux giới thiệu Yersin cho Pasteur. Chàng trai rụt rè khám phá nơi chốn và con người Pasteur, viết trong một bức thư gửi Fanny: “Phòng làm việc của ông Pasteur nhỏ, vuông vắn, có hai cửa sổ lớn. Gần một cửa sổ có bàn nhỏ trên đó để mấy cái ly đựng virus để tiêm thí nghiệm.”
Rất nhanh, Yersin đến sống cùng họ ở phố Ulm. Sáng sáng, một hàng dài người mắc bệnh dại sốt ruột đứng trong sân. Pasteur khám, Roux và Grancher tiêm, Yersin chuẩn bị vắcxin. Anh được nhận vào làm, hưởng một món lương còm. Từ giờ anh sẽ không bao giờ còn phải nợ nần một ai nữa. Đứa trẻ mồ côi ở Morges và đứa trẻ mồ côi ở Confolens đã tìm được một người cha ở nhà bác học khắc kỷ vùng Jura. Người đàn ông mặc áo rơđanhgốt đen (Redingote: một loại áo choàng ngoài phổ biến ở châu Âu thế kỷ thứ 18, thường mặc trong dịp có tính trang trọng khi ở ngoài trời) và mang cái họ đầy âm hưởng Kinh Thánh, dành cho người dẫn dắt đàn chiên về đồng cỏ và dẫn dắt những linh hồn về nơi cứu rỗi (“Pasteur” trong tiếng Pháp còn có nghĩa là người chăn chiên, mục sư).
Ở Viện Hàn lâm Khoa học, đang ốm và vẫn còn là quản lý của Trường Sư phạm, Louis Pasteur vừa đọc xong bài trình bày của mình. Cần phải xây dựng một trung tâm điều chế vắcxin chống bệnh dại. Thành phố Paris cho ông tạm sử dụng một tòa nhà ba tầng bằng gạch và ván cũ nát, phố Vauquelin, và nhóm nhỏ ấy dọn vào đó sống luôn. Đó là khởi đầu cuộc sống cộng đồng của họ. Dưới sân có các loại chuồng nuôi súc vật và phòng tiêm chủng. Nhóm đồ đệ Pasteur chia nhau những căn phòng trên tầng. Roux, Loir, Grancher, Viala, Wasserzug, Metchnikoff Haffkine, Yersin. Yersin lúc nào cũng ủ dột và cau mày khi nghe người ta phát âm tên mình là “Yersine”, kiểu như “Haffkine” để nhại giọng anh (Người Thụy Sĩ phát âm tiếng Pháp với một giọng khá đặc biệt). Sáng sáng anh đến phố Saints-Pères theo học y khoa. Buổi trưa, anh ăn ở một quán nhỏ trên phố Gay-Lussac. Anh chọn bệnh bạch hầu và lao, vẫn còn được gọi là “lao lực” trong thơ ca, làm đề tài luận án. Anh tiến hành các quan sát lâm sàng ở Bệnh viện Nhi, lấy mẫu bệnh trong những cổ họng sưng tấy, trích màng nhầy, tìm cách cô lập hóa độc tố bạch hầu, và anh đọc ghi chép của các nhà thám hiểm trên những tờ tạp chí.
Ở Nhà băng Pháp quốc người ta mở một đợt quyên góp quốc tế để ủng hộ Louis Pasteur. Tiền ào ào đổ về. Sa hoàng nước Nga, hoàng đế Braxin và vua Istanbul gửi tiền đóng góp, nhưng cũng có cả những người bình thường, tên họ được đăng sáng trên tờ Công Báo. Ông già Pasteur đọc lướt qua bản danh sách. Ông khóc khi thấy cậu bé Joseph Meister gửi đến cho mình mấy đồng còm. Họ mua một mảnh đất ở quận 15. Roux và Yersin tuần nào cũng đến kiểm tra việc xây dựng trên phố Dutot, quay về phố Ulm, và gặp lại cả nhóm trong căn hộ của vợ chồng Louis Pasteur, các sơ đồ được trải rộng ra. Ông già vận áo rơđanhgốt đen đã hai lần bị xuất huyết não, nói năng khó nhọc, cánh tay trái bị liệt, chân đi lết. Roux và Yersin cùng kiến trúc sư vẽ một cầu thang bên trong cho cái Viện sắp xây, các bậc nhiều hơn và thấp hơn.
Với ông già Pasteur, việc khám phá vậy là xong rồi. Sau ông sẽ là Roux, kẻ được ân sủng, đứa con giỏi nhất trong cả đám, người thừa kế chính thức. Cuộc chiến cuối cùng của ông có tính cách lý thuyết. Đối đầu với ông từ hơn hai mươi năm nay là những người ủng hộ sự sinh sản bộc phát, những người ấy đông vô kể. Ông bảo vệ ý kiến cho rằng không có gì nảy sinh từ hư vô. Nhưng còn Thượng đế thì sao. Ở đâu ra lũ vi trùng ấy, và tại sao lại giấu chúng tôi trong hàng thế kỷ. Tại sao trẻ con lại chết, nhất là trẻ con nhà nghèo. Fanny lo lắng. Pasteur giống như là Darwin vậy. Nguồn gốc các loài và tiến hóa sinh học, từ vi trùng cho đến loài người, đều đi ngược lại các văn bản thần thánh. Còn Yersin, anh cười vào điều đó, cùng với anh là cả nhóm. Sắp tới, mọi sự sẽ hết sức rõ ràng, sẽ chỉ cần giải thích, giảng dạy, lặp lại các thí nghiệm. Làm sao họ lại có thể tưởng tượng nổi là một thế kỷ rưỡi sau, phân nửa dân cư trên hành tinh vẫn bảo vệ thuyết tạo hóa?
Vào những năm hình thành nhóm đồ đệ Pasteur ấy, nhóm Sahara vẫn tiếp tục gặp nhau ở phố Mazarine, còn nhóm Thi Sơn (Thi Sơn (Les Parnassiens) là tên một phong trào thơ Pháp xuất hiện ở nửa cuối thế kỷ 19, có tham vọng cách tân thơ ca. Nhóm này gồm một số nhà thơ lớn lúc đó như Leconte de Lisle, Banville, Heresia, Rimbaud, Verlaine, Mallarmé, Baudelaire tham gia vào nhóm này khá muộn và bỏ đi cũng khá nhanh) thì lụi tàn. Ba nhóm nhỏ này từng có lúc sống chung với nhau. Trong cùng thành phố và trên cùng các phố. Banville, nhà thơ dịu dàng, vẫn ngụ ở phố Buci, ông có lúc đã cho Rimbaud mượn căn phòng phụ của mình, trước khi chàng bỏ đi sống với Verlaine trên phố Racine. Kể từ khi chàng trai thiên nhãn ấy bỏ đi, nhóm Thi Sơn rã rượi dần. Theo thói quen, nhóm này vẫn hay qua lại các phòng thí nghiệm của mình, tức những quán rượu, nơi những thứ thuốc tiên khác được chế biến dưới đáy những bình cổ cao, những nàng tiên sặc sỡ ngụ trong não các chàng Thi Sơn giờ đây não nuột, tưới đẫm những câu thơ alexandrin, lúc này không ngừng được xếp theo cặp (Alexandrin là một thể đặc trưng của thơ cổ điển Pháp, mỗi câu gồm 12 âm tiết. Một số nhà thơ nhóm Thi Sơn đã nỗ lực cách tân thể loại này, bằng cách viết các câu thơ theo cặp đôi), nhưng ngày càng xanh xao thiếu máu. Vào thời của kính hiển vi và bơm kim tiêm tuyệt đối hiện đại, thơ alexandrin lụi dần, bị giết chết bằng một đòn bậc thầy của thi sĩ trẻ tuổi đã lên đường đi bán súng trường cho vua Choa Ménélik II, sau này sẽ trở thành hoàng đế Ethiopia.
Về phần mình, Yersin đọc tuốt tuột mọi thứ, nhưng chỉ liên quan đến khoa học hoặc thám hiểm. Anh làm việc trong sự yên lặng và cô độc, làm ra vẻ như bông lơn và lười nhác và bởi vậy mà tao nhã. Ban đêm, anh đun sôi đống vi khuẩn và chuẩn bị các phản ứng thể. Thật tuyệt, tất cả những dụng cụ mà anh được sử dụng này. Cuối cùng là những việc thực hành, giống như làm những con diều. Anh mở cửa chuồng gà và chuồng chuột, chích máu, tiêm phòng rồi, trong một chớp lóe thiên tài, nhận ra ở con thỏ một loại bệnh lao thực nghiệm mới: chứng lao thể thương hàn.
Chàng trai nhỏ vận đồ đen mang thứ đó tới phòng thí nghiệm và chìa cho Roux cái ống nghiệm. Như thể trong màn ảo thuật anh lôi từ trong mũ ra một con thỏ trắng, túm lấy hai tai nó và đặt nó lên bàn thí nghiệm. Tôi vừa tìm ra một thứ. Roux dùng ngón cái và ngón trỏ điều chỉnh kính hiển vi, ngước mắt, quay đầu, nhìn lên chàng sinh viên rụt rè, mày nhíu lại. “Bệnh lao dạng Yersin” bước vào các công trình giáo khoa y học, và cái tên ấy sẽ được lưu truyền cho hậu thế gồm các bác sĩ đa khoa và sử gia y học. Nhưng với quảng đại quần chúng thì tên ông sẽ mau chóng bị lãng quên, không ai biết đến nó nhiều lắm, dẫu cho có bệnh dịch hạch. Con thỏ tội nghiệp mắc chứng lao ho và khạc nhổ dữ dội, ngắc ngoải trên bàn thí nghiệm. Những giọt máu đỏ lốm đốm trên bộ lông trắng của nó. Nhở kẻ tử vì đạo này, chàng trai được đăng bài báo đầu tiên trên Biên niên Viện Pasteur, ký tên Roux & Yersin. Thế mà, Yersin còn chưa là bác sĩ, thậm chí còn chưa là dân Pháp.
Ba năm sau khi đến Paris, ở tuổi hăm lăm, Yersin viết xong luận án rồi bảo vệ, nhận một tấm huy chương bằng đồng, anh nhét vào túi áo để mang về tặng Fanny. Buổi sáng, anh được trao học vị tiến sĩ y khoa thì tối đến, anh lên tàu sang Đức. Pasteur đã yêu cầu anh ghi tên theo học lớp về vi trùng học kỹ thuật do Robert Koch, người khám phá ra khuẩn lao, vừa mở ở Viện Vệ sinh Berlin. Yersin là người Thụy Sĩ và thông thạo hai thứ tiếng. Không cách xa nghề gián điệp bao lăm. Người được anh gọi trong những cuốn sổ của mình là “ông Koch lạc đà” tấn công Pasteur dữ dội trong các bài viết của mình. Yersin theo hai mươi bốn bài giảng, ghi đầy sổ, dịch những gì Koch viết để Pasteur đọc, vẽ sơ đồ phòng thí nghiệm, viết một báo cáo, và kết luận rằng ở Paris chẳng khó khăn lắm cũng có thể làm tốt hơn thế.
Ngay khi anh quay trở lại, xuất hiện bài báo thứ hai ký tên Roux & Yersin. Các tòa nhà của Viện Pasteur tương lai được Tổng thống Sadi Carnot và các vị khách quốc tế khánh thành rùm beng. Yersin vẫn là người Thụy Sĩ. Luật chỉ cho phép công dân nước Cộng hòa được hành nghề y. Anh tiến hành thủ tục hành chính, gửi thư cho Fanny. Các cụ cố bên ngoại của anh là người Pháp và hồ sơ của anh nhanh chóng xong xuôi. Những người ngả theo Tân giáo từng chạy trốn các xung đột tôn giáo. Nước Pháp đón nhận đứa con đi hoang của mình.
Phố Vauquelin, một buổi chiều, hai người đàn ông, tuy còn nhiều việc khác phải làm, treo chiếc blu trắng lên mắc áo trong phòng gửi đồ, rồi khoác áo vét vào. Roux đi cùng điều chế viên của mình đến tòa thị chính quận 5 trên quảng trường Panthéon. Cách đó vài bước chân. Hai người ký tên vào sổ đăng ký. Nhân viên lấy giấy thấm để thấm mực và chìa giấy chứng nhận cho họ. Còn chẳng có thời gian để ăn mừng ngoài quán giống các thành viên của phái Thi Sơn. Họ mặc lại áo blu trắng, châm đèn Bunsen, quay lại với đám trực khuẩn. Yersin trở thành một nhà bác học Pháp.
Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả - Patrick Deville Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả